ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH SỚ

Đời Nguyên,Viện Sùng Thánh Sa-môn Sư Chánh thuộc tông Thiên Thai soạn thuật.

PHẨM 13: VĂN TỰ

Phẩm này có bốn ý:

1. Thứ lớp: Phẩm Như Lai Tánh ở trên nói về lý trong danh tự, phẩm này nói về danh tự trong lý để trả lời câu hỏi: Làm sao biết Bán tự và nghĩa của Mãn tự nêu trên. Phẩm Danh Tự Công Đức ở trước chính là nói về kinh này, chỉ nói về giáo pháp Mãn tự xuất thế vô thượng. Phẩm này nói chung về các giáo, như Bán tự giáo và Mãn tự giáo thế gian, xuất thế gian thượng thượng.

2. Về khai mật: Có người giải thích Vô thường là Bán, Thường là Mãn. Hưng Hoàng bác bỏ rằng: “Như hai mảnh Tra và Lê, là Mãn của Bán”. Kia lại giải thích rằng: “Xưa nói vô thường, chẳng thể gọi là Mãn tự, giáo nay nói cả thường và vô thường, nên gọi là Mãn tự”. Hưng Hoàng lại bác bỏ rằng: “Nếu lấy Thường thêm vào Vô thường, thì một mảnh Lê thêm vào nửa mảnh Tra lẽ ra thành một quả; đây là Mãn đầy đủ”. Hưng Hoàng giải thích thể của Niết-bàn Phật tánh chẳng phải thường, chẳng phải vô thường; mà thường và vô thường đầy đủ, mới gọi là Mãn.

Nay nói Hưng Hoàng quở trách các sư xưa, có lẽ là nghiêng về Bán, hoặc là Mãn đầy đủ, tự nói chẳng phải thường chẳng phải vô thường mà thường và vô thường là Mãn, đây cũng bốn mảnh tra, lê, thị, lật hợp thành một quả. Nay y cứ theo phẩm này, khai tất cả chữ đều là Mãn tự. Kinh ghi: “Như Lai ra đời có khả năng diệt trừ giáo pháp Bán tự, vì thế nay các thầy nên xa lìa giáo pháp Bán tự, mà thuận theo Mãn tự, đối với tất cả pháp không ngăn ngại, không chấp đắm”, vốn đối với Bán tự mà nói Mãn tự, đã không có Bán cũng không có Mãn. Nên biết tự chẳng phải tự, vì không có tự tức là Mãn tự. Văn kinh lại ghi: “Chữ Bán là căn bản của văn chương trong kinh, sách, ký luận; chữ Bán là căn bản của ngôn luận về tất cả pháp lành. Tất cả văn tự trong các Dị luận và chú thuật đều là Phật nói, chẳng phải do ngoại đạo nói”. Nên biết, pháp mà Phật nói đều là chánh pháp của nội đạo. Ở đây lấy chánh pháp làm giáo Mãn tự. Văn kinh lại ghi: “Nếu biết rõ văn tự, thì sẽ khiến cho chúng sinh thanh tịnh khẩu nghiệp. Phật tánh cũng như thế, chẳng nhờ vào văn tự mới thanh tịnh, Phật tánh vốn tự thanh tịnh. Nên biết các tự đều là Phật tánh, Phật tánh chẳng phải tự, chẳng phải chẳng phải tự, mà năng thành tự và chẳng phải tự, nên gọi là Mãn tự. Tuy có ba nghĩa nhưng chớ nên có ba cách hiểu. Vì ngay nơi tự không phải tự, không phải tự tức là tự, cũng tức chẳng phải tự, chẳng phải chẳng phải tự, đầy đủ không thiếu sót, chẳng dọc, chẳng ngang mới chính là Mãn tự. Thí như các thứ vàng, bạc, đồng đưa vào lò để chế tạo thành một vật, nhưng tất cả đều chẳng mất; đó cũng gọi là các loại, các loại là một, cũng chẳng phải một, chẳng phải các loại mà là một và các loại. Khai mỗi tự đều là Phật tánh, pháp tánh pháp giới cũng lại như thế, bao gồm tất cả chữ, chẳng phải một tự tất cả tự, mà đầy đủ một tự tất cả tự. Như thế, há phân cách Bán tự mà cho chẳng phải là Mãn tự? Đó là khai mở bí mật mà nói Mãn tự. Từ nghĩa này đặt tên nên gọi là phẩm Văn Tự.

Văn có ba đoạn:

  1. Lược nêu gốc của Tự.
  2. Nói rộng về nghĩa của Tự.
  3. Thọ lãnh hiểu rõ và thuật thành.

Văn thứ nhất, đầu tiên là nêu chung các Dị luận và chú thuật đều do Phật nói. Câu này có hai cách giải:

1. Căn bản đều ở trong Phật pháp, như Tam bảo, Tứ đế, bốn đức Niết-bàn đều là danh giáo của Phật pháp. Khi Trưởng giả đi rồi, bọn cướp cướp đoạt đàn bò, tức là nói ngoại đạo trộm giáo của Phật mà đưa vào kinh sách của mình.

2. Đây là Phật phương tiện giảng nói, như kinh Thanh Tịnh Pháp Hạnh ghi: “Ca-diếp là Lão Tử, Nho Đồng là Nhan Hồi, Quang Tịnh là Khổng Tử”. Nếu như cách giải thích trước thì Phật nhận trở về, theo cách giải thích sau thì Phật dùng phương tiện ban cho. Nếu triển khai tất cả văn tự đều là chánh pháp của Phật, thì chẳng nhận cũng chẳng cho.

Từ câu: “Ca-diếp bạch v.v…” trở xuống là nói rộng về tự nghĩa. Có hai phen hỏi đáp. Đầu tiên là hỏi, như văn kinh sau ghi:

Từ câu: “Phật nói v.v…” trở xuống là Như Lai đáp. Có ba: một, là nói về căn bản của văn lý.

Từ câu: “Để giữ gìn v.v…” trở xuống là ý thứ hai, nói về căn bản của văn tự.

Từ câu: Hàng phàm phu v.v…” trở xuống là ý thứ ba, nói về việc tu học Bán tự mà ngộ Mãn tự.

Từ câu: Ca-diếp lại bạch v.v…” trở xuống là phen hỏi đáp thứ hai. Lời hỏi, như văn kinh ở sau ghi:

Từ câu: “Này người thiện nam v.v…” trở xuống là Như Lai đáp. Có ba đoạn: 1. Nói chung về các tự; 2. Giải thích riêng về Bán tự và Mãn tự; 3. Kết luận nêu được và mất. Ở đây cũng nói về nghĩa không có Tự.

Thứ nhất lại có bốn:

1/ Lấy âm theo tự, tức là nói về âm.

2/ Lấy tự theo âm, tức là nói về tự.

3/ Nhân của âm và tự.

4/ Lợi ích của âm và tự.

Đầu tiên là nói âm tùy theo tự, có mười bốn âm. Chính mười bốn âm này trở đi, xưa nay có sáu cách giải, gồm hai đường. Bốn cách giải trước là giải theo Thiền; hai cách giải sau là giải theo Phức. Sáu cách là:

1/ Tông sư cho rằng: Sách thiếu hai chữ, thầy chẳng thông hiểu, nên chẳng thấy hai âm, chỉ có mười hai âm.

2/ Chiêu-đề thêm vào hai chữ Tất-đàn.

3/ Lương Vũ Đế thêm vào hai chữ Niết-bàn. Dẫn kinh rằng: “Cái gọi là Tự tức là Niết-bàn”.

Khai Thiện cho rằng trong mười hai chữ, chỉ lấy mười chữ, còn hai chữ Am, A là dư thanh, cho nên kinh giải thích âm Pháo nói: “là nghĩa rốt ráo trong mười bốn âm”. Lại dùng thêm bốn âm Lỗ, Lưu, Lư, Lâu thành mười bốn âm, đặt bốn âm vào giữa mười hai âm. Đó là A, A, Y, Y, Ưu, Ưu, Lỗ, Lưu, Lư, Lâu, Yên, Ai, Ô, Pháo.

Trang Nghiêm giải thích theo Phức, cho rằng mười chữ đầu là sáu âm; hai mươi lăm chữ trong ba mươi bốn chữ, năm chữ thành một âm là có năm âm, chín chữ còn lại trong ba mươi bốn chữ chỉ lấy bốn chữ Da, Ra, Hòa, Xa là một âm, cộng với năm âm trước thành sáu âm, cộng chung thành mười hai âm. Các chữ La, Sa, Ta, Ha, La thành một âm chậm, các chữ Lỗ, Lưu, Lư, Lâu thành một âm nhanh, cộng chung thành mười bốn âm.

Trị Thành cho rằng mười hai chữ đầu cứ hai chữ là một âm, thành sáu âm; hai mươi lăm chữ kế, năm chữ là một âm thì có năm âm; chín chữ sau, ba chữ là một âm thì có ba âm. Cộng chung thành mười bốn âm.

Các Sư Trung Quán theo thứ lớp bác bỏ có sáu cách giải thích như sau:

Nếu nói thiếu hai chữ, tức các ngoại đạo không biết hỏi lại thái tử, thái tử đã tự biết, nay thành Phật nói kinh Niết-bàn, há chẳng thêm hai tự, mà nay còn nói sách chép thiếu.

Phá Chiêu-đề: Tất-đàn là tên chung của mười bốn âm chữ Phạm, đâu thể đặt tên chung vào tên riêng.

Bác bỏ Lương Vũ Đế, Niết-bàn cũng gọi là Bàn-lợi, Niết-lệ, Bànna là sáu chữ, lại nói bát Niết-bàn-na là bốn chữ; vì sao chỉ lấy hai chữ?

Phản bác Khai Thiện: Trừ hai chữ Am, A thêm vào bốn chữ Lỗ, Lưu, Lư, Lâu. Nếu bốn chữ ấy là âm, vì sao chẳng xếp theo thứ lớp của âm mà đặt sau các chữ.

Phản bác Trang Nghiêm: Văn kinh hiện nói mười bốn âm, âm và chữ khác nhau đâu được xếp lẫn lộn. Nghĩa của Trang nghiêm chẳng thành, thì nghĩa của Dung Thành cũng mất. Vả lại, Hà Tây cho mười hai chữ đầu là mười hai âm, bốn chữ cuối hợp thành hai âm. Bản kinh xưa nói: “Lỗ, Lưu, Lư, Lâu” tức là bốn chữ thành hai âm, thêm mười hai âm trước thành mười bốn âm. Vả lại, bản Phạm chỉ nói chữ mà không nói âm. Nay mười hai chữ hoặc mười sáu chữ là thuận theo sự sử dụng của thế gian.

Lại có cách giải thích rằng: Mười hai chữ đầu là âm, Ca, Khư trở xuống là chữ. Có người cho rằng mười hai chữ đầu có ba việc là tự, ngữ và âm. Do Tự này làm đầu mối cho ngôn luận, sau đó mới đến các chữ khác, nên nói là Tự bản. Đầu tiên nói chữ Bán tức là pháp thế gian, Phật tánh là Mãn tự. Lại chín thể loại kinh là Bán tự. Kinh Đại thừa là Mãn tự, lại nói trong bản tiếng Phạm không có từ Bán, chỉ lấy việc chưa thành tựu là Bán, đã thành tựu là Mãn. Hưng Hoàng chỉ nói các bên Bán cho mau đủ mà không có các nghĩa Mãn tự tại. Hà Tây cho rằng mười hai chữ đầu dụ như cơm, hai mươi lăm chữ sau dụ như canh, chín chữ sau gồm thâu tất cả câu, như người giữ cửa, cũng như anh lạc, chín chữ sau cùng vừa là chữ, vừa là âm, hai chữ Lư, Lâu thì người sơ cơ chẳng thể học tập.

Từ câu “Hít hơi v.v…” trở xuống là thứ ba, nói về nhân duyên của Tự.

Đều có khác nhau, cho nên Ca, Khư v.v… là âm thanh trong cuống lưỡi; Đa Tha là âm thanh trên lưỡi; Tra, Trá là âm thanh ở đầu lưỡi; Ba, Pha là âm thanh giữa hai môi; Già, Xa là âm thanh răng, cho nên nói đều do răng và lưỡi có khác nhau.

Từ câu “Nghĩa của chữ như thế v.v…” trở xuống là nói về lợi ích của chữ.

Trước nêu ý nghĩa của chữ, sau nói về Phật tánh chẳng phải như thế.

Từ câu “lại bán tự v.v…” trở xuống là phần thứ hai giải thích riêng về bán tự và Mãn tự. Gồm có ba: pháp, dụ và hợp.

Từ câu “Thế nào v.v…” trở xuống là đoạn thứ ba, nói về ý nghĩa không có tự.

Phen hỏi đáp cuối cùng là lãnh giải và thuật thành, như văn kinh có ghi.