ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH SỚ

Đời Nguyên,Viện Sùng Thánh Sa-môn Sư Chánh thuộc tông Thiên Thai soạn thuật.

PHẨM 21: ANH NHI HẠNH

Đây là lần thứ ba nói về hạnh trẻ thơ, có Sư cho rằng nhờ dụ để đặt tên, lấy quyền trí làm thể, lấy giáo hóa chúng sinh làm dụng. Nay cho rằng Niết-bàn chẳng phải Đại Tiểu. Tiểu tức trẻ thơ, Đại là hạnh Như Lai. Quyền trí làm thể, thường ban cho lá vàng. Đó chẳng thể nói ở hạnh Như Lai.

Văn có ba đoạn:

  1. Nói về trẻ thơ
  2. Giải thích ý nghĩa trẻ thơ
  3. Kết thành quả trẻ thơ

Hai phẩm Thánh hạnh và Phạm hạnh ở trên đều chia ra như thế, ở đây cũng chẳng nên làm khác. Đoạn thứ nhất lại chia ra làm hai:

  1. Nói về viên hạnh trẻ thơ
  2. Nói về thiên hạnh trẻ thơ

Các sư giải thích rằng việc “chẳng thể đứng dậy, chẳng thể nói năng” là bản địa trẻ thơ. Nghĩa này chẳng đúng. Ông nói trẻ thơ là hạnh hóa tha, vậy bản địa là giáo hóa ai. Nay nói bản địa chẳng phải Đại chẳng phải Tiểu mà có khả năng khởi hai hạnh giáo hóa Đại Tiểu, lập hai hạnh Anh Nhi Đại Tiểu. Về viên hạnh trẻ thơ. Văn kinh có hai đoạn là dụ và hợp. Dụ có bốn: Một, là chẳng thể đứng dậy; hai, là chẳng thể đứng; ba, là chẳng thể đến đi; bốn, là chẳng thể nói năng.

Chẳng đứng dậy được là dụ cho thường, chẳng khởi tướng hai bên, Trung đạo của các pháp; chẳng trụ là dụ cho Tịnh, chẳng chấp sinh tử, Niết-bàn; chẳng đến đi là dụ cho Ngã, tức chẳng phải từ cạn đến sâu, dao động kia đây; chẳng nói năng dụ cho Lạc, tức Niết-bàn vắng lặng chẳng thể nói năng. Viên hạnh trẻ thơ này từ lúc mới phát tâm đã thường quán bốn đức Niết-bàn mà hành đạo, nên nói chẳng thể đứng dậy, đứng vững, đến đi, nói năng, kêu gọi. Trẻ thơ này là hạnh Như Lai. Đức Phật lập hạnh này để dẫn dắt người thượng căn. Năng hóa, sở hóa đều thực hành bốn đức, đều là hạnh Như Lai. Vì thế gọi hạnh Như Lai là hạnh trẻ thơ.

Hai hạnh Thánh và Phạm ở trên, trước đều có giải thích hạnh thứ lớp, sau giải thích hạnh viên mãn. Phẩm này trước giải thích hạnh viên mãn, sau mới nói đến hạnh thứ lớp, đó là trước sau ứng duyên tự tại.

Từ câu “Như Lai v.v…” trở xuống là hợp với bốn dụ ở trên. Hợp ba dụ ở trước gồm ba câu, như văn kinh có ghi.

Kế là hợp với câu “Chẳng nói năng”, có bốn: Một, là vì rốt ráo, nên chẳng thể nói, cho đến Đại Niết-bàn; hai, là nói thuyết tức không thuyết nên chẳng thể nói năng; ba, là lời bí mật, chúng sinh chẳng hiểu nên chẳng thể nói năng; bốn, là nói về tùy loại khác nhau, tùy âm giọng của người, chứ đối với Như Lai chẳng phải là lời nói, vì chẳng phải là lời nên chẳng thể nói.

Rốt ráo là lạc, tức nói vô thường là thường, bí mật chẳng hiển là tịnh, tùy loại là ngã. Trong chẳng thể nói lại có bốn đức thì ba nghĩa trước lẽ ra cũng có như thế.

Từ câu “Lại trẻ thơ, v.v…” trở xuống là thứ ba, nói về thiên hạnh trẻ thơ. Văn có năm đoạn: một, là Đại tự Anh Nhi; hai, là Vô tri Anh Nhi; ba, là Bất tác Anh nhi; bốn, là Hoàng diệp Anh nhi; năm, là Hân yểm Anh Nhi. Thứ nhất lại có hai là dụ và hợp.

Dụ thứ nhất nói chữ cái như chữ bà, hòa, chính là lấy chữ Hòa làm chữ cái. Đó là Anh nhi Bồ-tát sáu Độ. Bồ-tát này trong ba a-tăng-kỳ kiếp gieo trồng nhân tướng tốt, chí cầu thành Phật. Phật này là Phật hữu vi, bán tự, vô thường. Cho nên biết dùng chữ Hòa Anh nhi này mà hợp với văn dụ, thì giải thích rất rõ ràng.

Thứ hai, là từ câu “Lại trẻ thơ v.v..” trở xuống là nói trẻ thơ vô tri, gồm có dụ và hợp.

Đại Bồ-tát cũng như thế, vì chúng sinh nên chẳng thấy khổ vui, ngày đêm, tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, nên không có các tướng cha mẹ, thân sơ, v.v…

Trong dụ có nêu sáu từ, trong đó không khổ vui là chẳng lấy bỏ, không có ngày đêm là không yêu ghét. Xét văn dụ thì dường như tự hành. Trong phần hợp thì hợp với Bồ-tát hóa tha, nên biết đó là hiển bày cho nhau, trước sau đều lấy Như Lai để hợp dụ. Còn hai ý ở giữa thì dùng Bồ-tát để hợp dụ. Đó là tự hiển bày nhau, Phật và Bồ-tát đều thực hành hạnh trẻ thơ. Văn sau nói: “Ca-diếp và chín mươi ba vạn người đều có năm hạnh này v.v…” Vô tri là hạnh trẻ thơ của Bồ-tát Thông giáo, đạt được tướng huyễn hóa, khổ vui bình đẳng, oán thân chẳng hai. Giải như thế văn hợp thật rõ ràng.

Từ câu “Trẻ thơ, v.v…” trở xuống là nói trẻ thơ chẳng tạo tác, văn gồm có dụ và hợp.

Trong dụ nói: “Chẳng gây tội đại nghịch, chẳng thực hành Tiểu thừa, đây là hạnh trẻ thơ của Bồ-tát Biệt giáo”. Kế là văn hợp thì nói: “Không có năm tội nghịch, không có tâm Nhị thừa v.v… tức chẳng phải sinh tử, chẳng phải Niết-bàn, mà chính là hành hạnh Bồ-tát Trung đạo”.

Thứ tư, Từ câu “trẻ thơ, v.v…” trở xuống là Hoàng diệp Anh nhi, tức dùng lá vàng dỗ đứa trẻ khóc. Cha mẹ dùng lá cây thông vàng đưa cho đứa bé, bảo rằng: “Nín đi! Nín đi! Cha mẹ sẽ cho con vàng đây”. Đứa bé tưởng thật liền nín khóc. Lá vàng này thật chẳng phải là vàng. Tất cả trâu gỗ, ngựa gỗ, rối nam gỗ, rối nữ gỗ, đứa bé thấy tưởng là người thật, vật thật liền nín khóc. Vì chẳng phải người nam người nữ v.v… thật mà tưởng là thật nên nói là thẻ thơ.

Trong dụ nói cây thông là dụ cho vọng thường, lá vàng dụ cho vọng tịnh, trâu gỗ ngựa gỗ dụ cho vọng lạc, rối nam rối nữ gỗ dụ cho vọng ngã. Kế đó văn hợp tức hợp với Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Trong đó theo nghĩa mà suy lẽ ra cũng có nói về bốn điên đảo Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của cõi người nhưng văn đã lược bỏ không ghi.

Thứ năm, từ “trẻ thơ, v.v…” trở xuống là nói về trẻ thơ thích chán, nói thẳng vào pháp mà không lập dụ. Văn có hai là lược nêu và giải thích.

Khi chán sinh tử thì nói Nhị thừa tức là nêu lên từ câu “Nhưng thật v.v…” trở xuống là giải thích. Văn có hai là lược giải và nói rộng.

Đầu tiên là lược nêu, nói biết sinh tử tội khổ là biết khổ tập, thấy Niết-bàn an vui tức là biết diệt đạo.

Kế là giải thích rộng, nói có dứt và chẳng dứt là y cứ theo Tập đế, chánh sử thì có dứt mà tập khí thì chẳng thể dứt. Có chân và chẳng chân là y cứ theo Khổ đế; trong sinh tử không có Niết-bàn thì chẳng có chân; lìa sinh tử thì được Niết-bàn tức là có chân. Có tu và không tu là y cứ theo Đạo đế; bốn đảo luống dối là chẳng tu; bốn Niệm xứ v.v… là tu. Có đắc, không đắc là y cứ theo Diệt đế; có lợi sử, độn sử là không đắc. Nhưng ở đây thì trước nói về Đạo, sau nói về Diệt. Vì nếu là người Tiểu thừa độn căn cầu quả tu nhân thì Diệt trước Đạo sau, Trung thừa lợi căn đạo trước diệt sau ở đây cũng không còn.

Hỏi:

– Ở đây chỉ nói năm loại trẻ thơ, vì sao ở trên chỉ nói năm Phạm hạnh, năm Thánh hạnh?

Đáp:

– Hai hạnh ấy nếu xét theo văn thì chẳng có nhưng theo nghĩa đế suy thì cũng có. Nói nghĩa tức là dùng tâm Đại Niết-bàn tu ba phẩm như Thánh Hạnh của Bồ-tát Biệt giáo. chư Phật nói xong hàng Thanh văn, Duyên giác thọ trì, thì thành hạnh thánh của Nhị thừa. Nhị thừa đã có thể vâng hành, cho nên biết trời người, Thông biệt sáu độ đều có thể tùy phần, tùy thuyết mà vâng hành. Do đó mà biết có năm loại. Trong Phạm hạnh thì chín phẩm tăng tu tức là Phạm hạnh của Bồ-tát Biệt giáo. Từ là căn bản của tất cả pháp lành, tự nhiên có thể gồm thâu được tất cả phạm hạnh, bốn tâm vô lượng của Thanh văn, sáu độ của Bồ-tát Thông giáo trời người. Vì sao biết như thế? Vì hạnh trẻ thơ đồng với điều thiện nhỏ, điều thiện nhỏ chẳng phải một nên kể đủ năm hạnh trẻ thơ thiện. Thánh hạnh chính là tự hành chỉ nói về thứ lớp và chẳng thứ lớp nên chẳng kể các hạnh khác. Phạm hạnh là tịnh hạnh hóa tha, chỉ nêu phạm hạnh thứ lớp và thứ lớp của Phật Bồ-tát, còn sáu độ Bồ-tát Thông giáo tuy có tha hóa nhưng một là có đủ các hoặc, hai là có một nửa hoặc, chẳng phải là phạm hạnh thanh tịnh nên chẳng kể. Nhị thừa và Trời người thì không có hạnh hóa tha nên cũng chẳng kể. Có hoặc không đại khái như thế.

Từ câu “này người thiện nam! v.v…” trở xuống là đoạn hai, giải thích ý nghĩa dụ trẻ thơ. Văn có ba: một là nêu lại ví dụ; hai là hợp dụ; ba là giải thích.

Nêu vàng ròng dụ cho vọng tịnh; trâu ngựa dụ cho vọng lạc; phi đạo dụ cho vọng thường; rối nam rối nữ gỗ dụ cho vọng ngã.

Thứ hai là hợp dụ.

Như Lai cũng như thế, tức chỉ hợp với một câu người. Rối nam, rối nữ gỗ, ba ý kia cũng có thể tự hiểu.

Thứ ba, từ câu “Nếu Phật v.v…” trở xuống là giải thích.

Đã biết là vọng, vì sao lại dối gạt chúng sinh? Nếu chẳng dùng vọng để dẫn dắt thì sẽ bị rơi vào tà nhân quả, không thể ra khỏi. Nay dùng vọng dẫn dụ để phá tà nhân thì nhân trói buộc tư tưởng chúng sinh bị phá. Đó gọi là phá tướng chúng sinh, tướng chúng sinh bị phá là do vọng dẫn dắt. Hạnh trẻ thơ của trời và người ý nghĩa như thế thì các hạnh trẻ thơ khác có thể tự hiểu.

Từ câu “nếu đối với chúng sinh v.v…” trở xuống là đoạn ba nói về quả của hạnh trẻ thơ.

Nếu đối với chúng sinh mà khởi tưởng chúng sinh thì đó là trẻ thơ, chẳng phải hạnh trẻ thơ. Vì đối với chúng sinh chẳng khởi tưởng là chúng sinh nên mới phá được tướng chúng sinh, đó là hạnh trẻ thơ thành tựu. Hạnh thành thì nín khóc, quả thành thì được Niết-bàn hoàn toàn. Văn nói về quả thật rõ ràng như thế mà xưa nay chẳng thấy là vì sao? Ở trước, hạnh Thánh và phạm hạnh thì nhất định quả gần, tức ở Sơ địa. Ở đây, hạnh trẻ thơ thì nhất định quả rất xa. Xa gần hiển bày cho nhau chớ nên chấp nghiêng về một bên. Hơn nữa Sơ địa cũng có thường, lạc, ngã, tịnh, cũng gọi là Đại Niết-bàn.

Từ câu “Này thiện nam! v.v…” trở xuống là đoạn lớn thứ ba, chỉ kết luận năm hạnh thứ lớp. Văn có ba đoạn ngắn: một là tổng kết; hai là ngài Ca-diếp lãnh hội ý chỉ; ba là Đức Phật thuật lại, như văn kinh có ghi.