LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 8

Phẩm 17: VÀO CHÙA

Như vậy, Bồ-tát tại gia không nên ở trong các sự việc sinh tâm tham chấp, tâm ngã, ngã sở. Vì sao? Vì theo chỗ tham chấp nơi của cải thì khó xả bỏ. Pháp nên bố thí, nếu có thể bố thí pháp tức trừ bỏ được lỗi này. Bồ-tát như thế là không có tâm tham chấp, bỏn sẻn, luyến tiếc, thì có thể sống được ở gia đình.

Hỏi: Bồ-tát tại gia hoặc có tâm tham tiếc, ái chấp, nếu có người đến cầu xin thì nên hành xử thế nào?

Đáp:

Nơi vật mình tham chấp

Có người đến cầu xin

Nên tự khuyến dụ tâm

Cho ngay, đừng tham tiếc.

Những vật dụng Bồ-tát tham tiếc, nếu có người khẩn khoản theo xin và bảo: “Ông cho tôi vật này sẽ mau chóng được thành Phật”. Khi ấy, Bồ-tát nên khuyến dụ tâm mình bố thí ngay. Bồ-tát suy nghĩ như vầy: Nếu hôm nay không bỏ vật này, thì vật ấy ắt cũng sẽ xa lìa nơi ta. Vả như khi sắp chết, ta đâu đem nó theo được. Vật này tức là hình tướng của sự xa lìa. Thế nên nay ta vì đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, vì để bố thí Ba-la-mật được đầy đủ, nên đem thí cho, về sau tới lúc qua đời tâm không hối hận. Như kinh nói: “Không có tâm hối hận thì chết rồi tất sinh vào chốn thiện”. Được lợi lớn như vậy, sao lại không đem cho? Nếu đã tự khuyến dụ như thế mà tâm vẫn còn tham tiếc thì tạ lỗi với người đến xin:

Tôi nay là tân học

Căn thiện chưa thành tựu

Tâm chưa được tự tại

Nguyện sau sẽ cho ông.

Bồ-tát nên tạ lỗi với người đến xin: Xin ông chớ nên giận dữ. Tôi mới phát ý, căn thiện chưa đủ, chưa có được uy lực của pháp hạnh Bồtát, do vậy, chưa có thể từ bỏ vật này. Sau khi có được uy lực, căn thiện thành tựu, tâm được vững chắc, tôi sẽ đem vật ấy cho ông.

Lại nữa:

Nếu chúng không hòa hợp

Dứt bỏ việc kinh, pháp

Bồ-tát nên tùy sức

Phương tiện khiến không dứt.

Do duyên cớ nào đấy, chúng Tăng tranh cãi, phân tán, việc pháp bị bỏ phế, Bồ-tát tại gia tâm siêng tìm phương tiện can gián bên này bên kia, không thiên vị. Hoặc dùng của hoặc dùng lời nói lễ kính thỉnh cầu hai bên trở lại hòa hợp. Hoặc do nhân duyên thiếu thốn về việc ăn uống, y phục, hoặc có người đem tà kiến làm chướng ngại, hoặc người thuyết pháp muốn cầu lợi dưỡng, hoặc người nghe pháp tâm không cung kính, Bồ-tát tại gia nên tìm phương tiện thích hợp, hoặc đem của, hoặc dùng lời, khiêm nhường cầu thỉnh khiến pháp sự ấy không bị bỏ phế. Pháp sự không bị bỏ phế tức là thắp sáng ngọn đèn pháp Phật, cúng dường ba đời, mười phương chư Phật.

Lại nữa:

Ngày trai thọ tám giới

Gần gũi bậc giới tịnh

Do giới nhân duyên thiện

Thâm tâm hành yêu kính.

Những ngày trai trong một tháng: Mùng tám, mười bốn, rằm, hăm ba, hăm chín, ba mươi. Cùng ngăn ba điều cấm. Ba điều cấm kị: Ngày rằm là ngày cấm kị thứ nhất. Từ sau Đông chí bốn mươi lăm ngày, những ngày xấu ác này, có nhiều quỷ thần xâm nhập hiện bày sự bạo ngược đối với người đời. Vì là ngày nên giữ mình, do đó quá buổi trưa là không ăn. Nhân đó, Phật dạy khiến thọ giới một ngày, tức có được phước đức. Chư Thiên xuống quan sát thế gian, thấy vậy hoan hỷ, tức sẽ hộ niệm. Đối với những việc nhỏ khác, Bồ-tát tại gia hãy còn cố làm cho tăng trưởng, huống chi trước đã có những ngày trai này mà không tùy thuận. Do vậy, nên hành trai pháp một ngày, mình đã được lợi, cũng có thể khiến người khác được lợi.

Hỏi: Thế nào là trai pháp?

Đáp: Nên nói như vầy:

Như các bậc Thánh nhân thường lìa bỏ sát sinh, từ bỏ hết đao, gậy, thường không giận dữ, tâm biết hổ thẹn, từ bi đối với các chúng sinh, con tên là… hôm nay, trong một ngày một đêm xa lìa sát sinh, từ bỏ hết đao, gậy, không có giận dữ, tâm biết hổ thẹn, từ bi đối với chúng sinh. Vì pháp như vậy nên theo học Thánh nhân.

Như các bậc Thánh nhân thường xa lìa việc không cho mà lấy, thân sống thanh tịnh, thọ nhận nhưng biết đủ. Nay con trong một ngày một đêm xa lìa trộm cắp, xa lìa không cho mà lấy, cầu thọ nhận thanh tịnh để tự sinh sống. Do pháp như vậy nên theo học Thánh nhân.

Như các bậc Thánh nhân thường đoạn dứt dâm dục, xa lìa các thứ hoan lạc của thế gian, con nay trong một ngày một đêm, đoạn trừ dâm dục, xa lìa những hoan lạc ở đời, hành phạm hạnh thanh tịnh. Vì pháp như vậy nên theo học Thánh nhân.

Như các bậc Thánh nhân thường lìa nói dối mà nói lời chân thật ngay thẳng, con nay trong một ngày một đêm, xa lìa nói dối, nói lời chân thật ngay thẳng. Do pháp như vậy nên theo học Thánh nhân.

Như các bậc Thánh nhân thường xa lìa uống rượu, rượu là nơi chốn phóng dật, con nay trong một ngày một đêm, xa lìa uống rượu. Do pháp như vậy nên theo học Thánh nhân.

Như các bậc Thánh nhân thường xa lìa ca múa, âm nhạc, trang sức nơi thân hình bằng hoa hương, chuỗi ngọc, con nay trong một ngày một đêm, xa lìa ca múa âm nhạc, xa lìa trang sức thân hình bằng hoa hương, chuỗi ngọc. Do pháp như vậy nên theo học Thánh nhân.

Như các bậc Thánh nhân thường xa lìa giường nằm cao rộng, chỉ nằm giường nhỏ, lấy nệm cỏ làm tòa ngồi, con nay, trong một ngày một đêm, xa lìa giường nằm cao rộng, chỉ nằm giường nhỏ, lấy nệm cỏ làm tòa ngồi. Do pháp như vậy nên theo học bậc Thánh.

Như các bậc Thánh nhân thường không ăn quá ngọ, xa lìa các hành phi thời, xa lìa ăn phi thời, con nay, trong một ngày một đêm, không ăn quá ngọ, xa lìa các hành và ăn phi thời. Do pháp như vậy nên theo học Thánh nhân.

Như kệ nói:

Giết, trộm, dâm, nói dối

Uống rượu, thoa hương thơm

Mang chuỗi ngọc, ca múa

Giường cao, ăn quá trưa.

Thánh nhân đã lìa bỏ

Con nay cũng như vậy

Đem nhân duyên phước này

Hết thảy cùng thành Phật.

Gần gũi bậc giới tịnh: Là Bồ-tát tại gia nên gần gũi các Tỳkheo đó để giữ gìn giới cấm được hoàn toàn thanh tịnh, thành tựu được công đức, phòng tránh xa các điều ác.

Do giới nhân duyên thiện: Là lại nên thân cận Tỳ-kheo trì giới, thì nghiệp thân khẩu sẽ thanh tịnh, tâm hành điều thiện, ngay thẳng, không có các điều ác.

Thâm tâm hành yêu kính: Là đối với Tỳ-kheo trì giới hành thiện, tâm ngay thẳng, thành tựu các công đức, nên sinh thâm tâm cung kính tột bậc, hết lòng mến thích.

Hỏi: Đối với Tỳ-kheo trì giới, thành tựu công đức, Bồ-tát tại gia sinh tâm ái kính. Còn đối với Tỳ-kheo phá giới thì sinh tâm giận dữ khinh miệt chăng?

Đáp:

Nếu thấy người phá giới

Không nên khởi giận, khinh.

Bồ-tát tại gia nếu thấy Tỳ-kheo phá giới hành trì xen tạp, oai nghi không đủ, việc làm uế trược, che giấu lỗi lầm, không có phạm hạnh tự xưng là phạm hạnh, đối với hạng Tỳ-kheo ấy, không nên có tâm khinh mạn giận dữ.

Hỏi: Nếu không có tâm sân hận thì nên sinh tâm như thế nào?

Đáp:

Nên sinh tâm thương xót

Quở trách các phiền não.

Bồ-tát tại gia nếu thấy Tỳ-kheo phá giới, không nên sinh tâm khinh khi, giận dữ, nên sinh tâm xót thương tạo lợi ích suy nghĩ như vầy: Ôi! Người này gặp pháp vi diệu của Phật, được lìa khỏi các xứ sinh: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cõi Sắc, Vô sắc, chốn biên địa, các căn đầy đủ, không câm điếc, không ngu độn. Được gặp pháp vi diệu của Phật, biết rõ tốt xấu, tâm còn chánh kiến, thấu hiểu nghĩa lý. Thân người khó được, như trong biển cả, con rùa một mắt chui đầu vào lỗ trống nơi tấm ván, sinh trong nẻo người, bội phần khó hơn, so với con rùa này. Đã nghe pháp Phật thì có thể diệt trừ các điều ác, vượt qua những khổ não, đạt đến chánh trí. Xả bỏ của cải ít nhiều hiện có. Vĩnh viễn cắt dứt thân thuộc, không còn lưu luyến. Hoặc sinh trong hạng dân thường, hoặc sinh vào tộc họ lớn, tin lời Phật dạy nên xuất gia, thường nghe nói về tội phá giới, ấy là tự hạ thấp thân mình, bị người trí chê trách, tên xấu lan khắp, thường ôm lòng ngờ vực, hối hận, chết rồi bị đọa vào nẻo ác. Đã nghe biết như vậy mà còn phá giới? Hành mười điều thiện mới được làm thân người, sao không thể đúng như pháp khéo sử dụng để tự tạo lợi ích? Ôi! Sức mạnh của ba độc rất là xấu ác, luôn uy hiếp khiến các chúng sinh khó có thể lìa bỏ. Chư Phật luôn quở mắng phiền não là giặc ác, hành ác là hoàn toàn có lý. Bồ-tát tại gia nên suy nghĩ như vậy, không nên khinh khi người phá giới.

Lại suy nghĩ: Nếu ta không thể hoàn toàn xa lìa tâm giận dữ, khinh mạn, nên tự tư duy: Pháp Phật vô lượng cũng như biển cả, hoặc có những khai thông mà ta không biết. Như trong Kinh Đại Thừa Quyết Định Vương, Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: Hoặc có Tỳkheo căn tánh ám độn, tâm không sáng suốt, không thấu đạt tướng của các pháp. Thường nghĩ đến trong pháp có tưởng, không tưởng, chấp giữ có tưởng. Sinh tưởng về nam nữ, sinh tưởng về tội chướng ngại, sinh tưởng về cấu uế, sinh tưởng về trong sạch. Sinh những tưởng như vậy, gọi là độn căn, tâm không sáng tỏ tức là có tội.

Này A-nan! Nếu người trong tất cả pháp không thể khéo lãnh hội thì gọi là không sáng tỏ. Hết thảy các pháp từ đầu đến giờ, tánh – tướng của bản thể thường không thể thủ đắc. Do không biết sự việc như vậy nên người ấy mới sinh khởi các tưởng tức không khác gì ngoại đạo.

Này A-nan! Pháp do Ta giảng nói đều có khai thông, sáng rõ và thanh tịnh, trong đó không có tội, cũng không có người có tội.

Này A-nan! Tội gọi là nghi ngờ, hối tiếc, ngu si, tăm tối. Người có tội gọi là người phát sinh tưởng về chúng sinh, tưởng về ngã, tưởng về thọ mạng, tưởng về người, đều nhân nơi thân kiến nên gọi là tội. Trong pháp của Ta không có người như thế. Nếu trong pháp của Ta nhất định thật có ngã, có chúng sinh, có thọ mạng, có nhân, có thân kiến, thì không nói trong pháp của Ta có nẻo mở bày, chẳng phải là không có nẻo mở bày. Pháp của Ta từ xưa đến giờ thường sáng rõ, thanh tịnh.

Lại nữa, này A-nan! Nếu quyết định có tội, có người thọ tội, thì thân này tức là thần ngã, là rơi vào thường kiến, tất không có Phật đạo. Nếu thân này khác với thần ngã, thì lại rơi vào đoạn kiến, cũng không có Phật đạo. Như vậy, sáu mươi hai kiến đều có thể là Bồ-đề, song sự ấy không đúng. Thế nên, này A-nan! Ta ở trong đại chúng, là Sư tử gầm lên nói, nói lời không sợ hãi. Pháp của Ta có khai thông, không phải là không có khai thông. Từ xưa đến giờ luôn thanh tịnh, sáng rõ.

Này A-nan! Nếu tội nhất định có, thì hoàn toàn không có Niếtbàn, tức không nói pháp của Ta có khai thông.

Này A-nan! Từ xưa đến giờ, pháp của Ta thật sự là thanh tịnh, sáng rõ. Do đó đệ tử của Ta hàng phục tâm, sống an ổn, không nghi, hối, không có các tội ác, hành đạo thanh tịnh.

Bồ-tát tại gia nên suy nghĩ như vậy, không nên giận dữ người phá giới.

Lại nữa, Bồ-tát nên nghĩ như vầy: Giới này tất định được trụ nơi đạo Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Vì sao? Vì Ta từng nghe Bồ-tát tất định có người tạo tội, như cách nay mười vạn kiếp trong quá khứ, có Bồ-tát phỉ báng bậc A-la-hán lậu tận, gọi là A-la-hán. Lại nghe có Bồ-tát tất định trước kiếp này ba mươi mốt kiếp, đã dùng giáo đâm vị Tu-đà-hoàn. Lại, trong Hiền kiếp này, nghe có Bồ-tát hủy báng Phật Câu-lâu-tôn, nói: Đâu có người trọc đầu nào mà đắc đạo! Những chúng sinh như vậy khó có thể biết được. Do vậy, đối với sự việc này, Ta đâu cần biết. Được, mất, tốt, xấu, ai gây tội thì người đó chịu quả báo, nào có can dự gì tới Ta! Nếu nay Ta muốn biết rõ sự thật về chuyện đó, thì hoặc tự gây tổn thương cho chúng sinh đã xét đoán. Đó là điều Phật không cho phép. Như trong kinh nói: “Phật bảo Tôn giả A-nan: Nếu người xét đoán kẻ khác tức tự làm tổn thương mình. Chỉ Ta mới có thể được xét đoán”. Chúng sinh và Ta bình đẳng mới nên xét đoán. Như kệ nói:

Có bình, nắp cũng không

Không nắp, cũng lại không

Có bình, nắp cũng đầy

Không nắp, cũng lại đầy.

Nên biết các thế gian

Có bốn hạng người ấy

Oai nghi và công đức

Có, không cũng như vậy.

Nếu không Nhất thiết trí

Sao xét đoán người được?

Đâu do thấy oai nghi

Mà liền biết đức họ.

Chánh trí có tâm thiện

Gọi là tướng người hiền

Chỉ thấy oai nghi ngoài

Đâu do biết bên trong?

Trong có công đức tuệ

Ngoài hiện không oai nghi

Kẻ đi qua không biết

Như dùng tro lấp lửa.

Nếu lấy ngoài xét trong

Mà sinh tâm khinh miệt

Thân hư cùng căn thiện

Mạng chung đọa đường ác.

Ngoài trá hiện oai nghi

Du hành tợ Thánh nhân

Chỉ ngôn thuyết nơi miệng

Như sấm mà không mưa.

Chốn hành tác của tâm

Lầm lẫn khó biết được

Thế nên các chúng sinh

Không thể vọng lường xét.

Chỉ có Nhất thiết trí

Biết hết thảy nẻo tâm

Xứ hành tạo sâu kín

Do đó xét chúng sinh.

Phật nói cùng như Ta

Mới được xét chúng sinh

Nếu Phật nói như vậy

Ai có thể xét người?

Nếu thấy uy nghi ngoài

Xét lường đức bên trong

Tự hại căn thiện kia

Như nước tự phá bờ.

Nếu ở đây lầm lẫn

Tức khởi nghiệp chướng lớn

Vì thế đối người này

Không nên khởi khinh miệt.

Do vậy, Bồ-tát tại gia không nên sinh tâm khinh mạn, giận dữ đối với người phá giới.

Lại nữa, người giữ giới, phá giới không cùng trụ với người bạch y, nên do đâu mà biết. Nếu ta muốn phân biệt làm sáng tỏ việc này, tức khởi chướng tội. Nhân nơi tội chướng ấy phải chịu phần khổ ngàn vạn kiếp. Như trong Kinh Vô Hành đã nói. Lại trong kinh Đại thừa Phật bảo trưởng giả Úc-già-la: Như thế Bồ-tát tại gia nên sinh tâm xót thương đối với Tỳ-kheo phá giới, dù người này hành cấu uế, hành ác, bất thiện. Vì sao? Vì người này đã mặc pháp y Thánh chủ hoàn toàn tịch diệt của Như Lai, nhưng tự mình không khéo thuận hợp, không thể điều phục các căn, hành nhiều hành suy hoại.

Lại nữa, trong kinh Phật cũng nói: Không khinh chê người chưa học, vì đây không phải là tội của người mà là tội của phiền não. Người ấy là do phiền não dấy khởi các việc bất thiện.

Lại nữa, pháp Phật có nẻo khai thông nên người này hoặc có thể tự trừ bỏ lỗi của mình. Do nhân duyên chánh niệm nên được vào pháp vị, hoặc vào tất định nơi đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.

Lại nữa, như Phật nói: Chỉ có trí tuệ mới có thể phá tan phiền não. Lại nói: Không nên xét đoán người một cách sai lạc. Nếu xét đoán như vậy tức tự làm tổn thượng mình. Chỉ trí tuệ Phật mới có thể làm sáng rõ. Như sự việc ấy, không phải là lĩnh vực ta có thể hiểu biết, tức đối với người phá giới không nên sinh tâm giận dữ, khinh thường.

Lại nữa:

Bồ-tát nếu vào chùa

Nên hành các oai nghi

Cung kính và lễ bái

Cúng dường các Tỳ-kheo.

Bồ-tát tại gia này nếu vào chùa Phật, đầu tiên lúc sắp vào, nơi ngoài cổng chùa, năm vóc gieo xuống đất suy nghĩ như vầy: Đây là trụ xứ của người thiện, là trụ xứ của người tu hành Không, là trụ xứ của người hành Vô tướng, là trụ xứ của người hành Vô nguyện. Đây là trụ xứ của những người hành từ bi hỷ xả, là trụ xứ của những người chánh hành, chánh niệm. Nếu thấy các Tỳ-kheo oai nghi đầy đủ, nhìn ngắm tường tận, thâu giữ y bát, đi đứng, ngồi nằm, ngủ nghỉ, ăn uống, nói năng, im lặng, tới lui thư thái, đều nên xem xét. Nếu thấy Tỳ-kheo tu hành bốn niệm là xứ hành trì của bậc Thánh, trì giới thanh tịnh, đọc tụng kinh pháp, thuần tư duy tọa thiền, thấy rồi phải nghiêm trang, tâm cung kính lễ bái, gần gũi hỏi han. Nên nghĩ như vầy:

Nếu ta Hằng sa kiếp

Luôn ở đền thờ trời

Thí lớn không nghỉ, bỏ

Không bằng một xuất gia.

Lúc ấy, Bồ-tát này nên nghĩ như vầy: Nếu ta mong cầu có tài sản đúng như pháp để luôn hành bố thí lớn trong Hằng sa kiếp, thì phước đức của những bố thí như vậy cũng hãy còn không bằng phát tâm xuất gia, huống gì là đã xuất gia thật. Vì sao? Vì nơi tại gia có vô số lỗi lầm xấu ác, xuất gia có khả năng thành tựu vô lượng công đức. Tại gia thì ồn ào, xuất gia thì thanh vắng. Tại gia thì gắn liền với ô trược, xuất gia thì không bị lệ thuộc.

Tại gia là nơi chốn hành bất thiện, xuất gia là nơi chốn hành tác thiện. Tại gia thì nhuộm đủ bụi nhơ, xuất gia thì lìa khỏi các thứ trần cấu. Tại gia thì ngập trong bùn lầy năm dục, xuất gia thì lìa khỏi bùn lầy năm dục. Tại gia khó có được thọ mạng thanh tịnh, xuất gia thì dễ có được thọ mạng thanh tịnh.

Tại gia thì nhiều kẻ oán, xuất gia thì không có kẻ oán. Tại gia thì nhiều phiền phức trở ngại, xuất gia thì không phiền phức trở ngại.

Tại gia là nơi chốn lo buồn, xuất gia là nơi chốn vui mừng. Tại gia là cửa của đường ác, xuất gia là cửa của lợi ích.

Tại gia là trói buộc, xuất gia là giải thoát. Tại gia thì lo sợ đủ thứ, xuất gia thì không lo sợ điều gì. Tại gia thì bị đánh đập, xuất gia thì không bị đánh đập. Tại gia có đao, kiếm, xuất gia thì không có đao, kiếm.

Tại gia có hối tiếc, nóng nảy, xuất gia thì không có hối tiếc, nóng nảy. Tại gia mong cầu nhiều nên khổ, xuất gia không mong cầu nên vui. Tại gia thì cười đùa ồn ào, xuất gia thì vắng lặng. Tại gia thì đáng thương xót, xuất gia thì tránh khỏi đáng thương xót.

Tại gia thì sầu lo, xuất gia thì không sầu lo. Tại gia thì thấp kém, xuất gia thì cao quý. Tại gia thì vẫy vùng, xuất gia thì tịch tĩnh. Tại gia là kẻ khác, xuất gia tức là chính mình.

Tại gia thì ít có uy lực, xuất gia thì có nhiều uy lực. Tại gia thì tùy thuận cửa nhơ, xuất gia thì tùy thuận cửa tịnh. Tại gia vướng nhiều gai gốc, xuất gia thì phá trừ gai gốc. Tại gia thì thành tựu pháp nhỏ, xuất gia thì thành tựu pháp lớn.

Tại gia thì hành tạo bất thiện, xuất gia thì tu thiện. Tại gia thì có hối tiếc, xuất gia thì không hối tiếc. Tại gia thì tăng thêm biển nước mắt, sữa, máu, xuất gia thì làm khô biển nước mắt, sữa, máu. Tại gia thì bị chư Phật, Phật-bích-chi, Thanh văn quở trách, xuất gia thì được chư Phật, Phật-bích-chi, Thanh văn khen ngợi.

Tại gia thì không biết đủ, xuất gia thì biết đủ. Tại gia thì ma vui, xuất gia thì ma lo. Tại gia thì về sau có suy tàn, xuất gia thì không có suy tàn. Tại gia thì dễ bị phá, xuất gia thì khó bị phá.

Tại gia là nô bộc, xuất gia là làm chủ. Tại gia thì ở mãi nơi sinh tử, xuất gia thì hoàn toàn đến Niết-bàn. Tại gia thì rơi vào hầm sâu, xuất gia thì ra khỏi hầm sâu. Tại gia thì tối tăm, xuất gia thì sáng tỏ.

Tại gia thì không thể hàng phục các căn, xuất gia thì có khả năng hàng phục các căn. Tại gia thì kiêu mạn lắm lời, xuất gia thì khiêm tốn. Tại gia thì thô lậu, xuất gia thì tôn quý. Tại gia thì có nguyên do, xuất gia thì không có nguyên do.

Tại gia thì bận rộn nhiều việc, xuất gia thì ít việc. Tại gia thì quả nhỏ, xuất gia thì quả lớn. Tại gia thì dua nịnh, quanh co, xuất gia thì chân chất, ngay thẳng. Tại gia thì nhiều lo toan, xuất gia thì nhiều hoan hỷ.

Tại gia thì như tên bắn vào thân, xuất gia thì thân thoát khỏi tên bắn. Tại gia thì có bệnh tật, xuất gia thì như bệnh đã lành. Tại gia hành pháp ác nên mau già, xuất gia hành pháp thiện nên trẻ mạnh. Tại gia thì phóng dật là chỗ chết, xuất gia thì có đời sống trí tuệ.

Tại gia thì lừa dối, xuất gia thì chân thật. Tại gia thì mong cầu nhiều, xuất gia thì ít mong cầu. Tại gia thì uống nước xen độc, xuất gia thì uống nước cam lồ. Tại gia thì bị nhiều thứ xâm hại, xuất gia thì không bị xâm hại.

Tại gia thì bị suy tổn, xuất gia thì không bị suy tổn. Tại gia thì như trái cây độc, xuất gia thì như trái cam lồ. Tại gia thì oán ghét hòa hợp, xuất gia thì lìa khỏi cái khổ do oán ghét phải gặp nhau. Tại gia thì khổ vì ái biệt ly, xuất gia thì thân ái hòa hợp.

Tại gia thì si mê trầm trọng, xuất gia thì si mê nhẹ. Tại gia thì mất hạnh tịnh, xuất gia thì được hạnh tịnh. Tại gia thì thâm tâm bị phá, xuất gia thì thâm tâm thành tựu. Tại gia thì không ai cứu vớt, xuất gia thì được cứu độ.

Tại gia thì hoàn toàn cô độc, xuất gia thì không còn cô độc. Tại gia thì không có nhà, xuất gia thì có nhà. Tại gia thì không có nơi quay về, xuất gia thì có nơi quay về. Tại gia thì nhiều giận dữ, xuất gia thì nhiều từ bi.

Tại gia thì mang gánh nặng, xuất gia thì bỏ gánh nặng. Tại gia thì sự việc không cùng, xuất gia thì không có sự việc. Tại gia thì tội hội tụ, xuất gia thì phước hội tụ. Tại gia thì khổ não, xuất gia thì không khổ não.

Tại gia thì có nóng bức, xuất gia thì không nóng bức. Tại gia thì có tranh cãi, xuất gia thì không có tranh cãi. Tại gia thì có nhiễm chấp, xuất gia thì không có nhiễm chấp. Tại gia thì có ngã mạn, xuất gia thì không có ngã mạn.

Tại gia thì quý tiền của, xuất gia thì quý công đức. Tại gia thì có tai họa xâm hại, xuất gia thì không có tai họa xâm hại. Tại gia thì giảm mất, xuất gia thì tăng ích. Tại gia thì dễ được, xuất gia thì khó gặp, ngàn vạn kiếp mới gặp một lần.

Tại gia thì dễ làm, xuất gia thì khó làm. Tại gia thì xuôi dòng, xuất gia thì ngược dòng. Tại gia thì trôi nổi, xuất gia thì nương nơi bè. Tại gia thì bị phiền não nhận chìm, xuất gia thì có cầu bước qua.

Tại gia là bờ bên này, xuất gia là bờ bên kia. Tại gia thì bị trói buộc, xuất gia thì lìa trói buộc. Tại gia thì mong kết hận, xuất gia thì lìa kết hận. Tại gia thì theo pháp quan, xuất gia thì theo pháp Phật.

Tại gia thì có những biến cố, xuất gia thì không có biến cố. Tại gia thì có quả khổ, xuất gia thì có quả vui. Tại gia thì vội vã hấp tấp, xuất gia thì oai nghi cẩn trọng. Tại gia thì dễ được bạn, xuất gia thì khó được bạn.

Tại gia thì lấy vợ làm bạn, xuất gia thì lấy tâm kiên định làm bạn. Tại gia thì bước vào vòng vây, xuất gia thì mở bỏ vòng vây. Tại gia thì cho xâm hại người là quý, xuất gia thì cho đem lợi ích cho người là quý. Tại gia thì quý tài thí, xuất gia thì quý pháp thí.

Tại gia thì nắm giữ cờ ma, xuất gia thì nắm giữ cờ Phật. Tại gia thì có xứ quay về, xuất gia thì phá bỏ hết xứ quay về. Tại gia thì tăng trưởng thân, xuất gia thì lìa thân. Tại gia thì đi vào bụi rậm, xuất gia thì ra khỏi bụi rậm.

Lại nữa:

Lại nơi người xuất gia

Tâm nên hâm mộ sâu.

Bồ-tát tại gia này suy nghĩ về công đức của hạnh xuất gia như vậy, đối với người xuất gia tâm nên hâm mộ: Biết đến lúc nào ta mới được xuất gia, có được công đức như vậy? Biết đến lúc nào ta mới được xuất gia, để thứ lớp hành trì pháp của Sa-môn như: Thuyết giới, an cư, bố tát, tự tứ, ngồi theo thứ bậc?

Biết đến lúc nào ta mới được mặc pháp y huân tu của giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến mà Thánh nhân đã mặc? Biết đến lúc nào ta mới được mang hình tướng Thánh nhân? Biết đến bao giờ ta sẽ được sống nơi chốn Tòng lâm thanh vắng?

Biết đến bao giờ ta mới được mang bình bát khất thực, được cho hay không được cho, nhiều ít, ngon dở, lạnh nóng, tuần tự thọ nhận để nuôi thân, như bôi mỡ vào xe? Biết đến bao giờ ta mới có thể đối với tám pháp thế gian tâm không lo, mừng?

Biết đến bao giờ ta mới đóng chặt cửa sáu căn, như buộc giữ chó, nai, cá, rắn, khỉ, chim. Chó thì ưa ở thôn xóm, nai thì ưa núi đầm, cá thì ưa sống ở ao hồ, rắn thì ưa ở hang, khỉ thì ưa nơi rừng sâu, chim thì nương nơi hư không. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thường ưa thích sắc thanh hương vị xúc pháp, không phải là hàng phàm phu trí cạn, chí yếu kém có thể hàng phục được. Chỉ có bậc trí tuệ, kiên tâm, chánh niệm, mới có khả năng hàng phục lũ giặc sáu căn này, không cho chúng gây tại họa, tự tại, không lo sợ?

Biết đến bao giờ ta mới vui thích được tọa thiền, đọc tụng kinh pháp, vui thích cắt đứt phiền não, tu những pháp thiện, vui mặc áo xấu chỉ đủ để che thân. Nhớ lại lúc trước, khi còn ở tục, hành nhiều phóng dật. Nay được lợi mình lại lợi người, nên phải siêng năng tinh tấn?

Biết đến bao giờ ta mới thuận theo đạo pháp của Bồ-tát đã hành trì? Biết đến bao giờ ta mới được cũng vì thế gian làm phước điền vô thượng? Biết đến bao giờ ta mới lìa khỏi nẻo tôi tớ của ân ái? Biết đến bao giờ ta mới được ra khỏi địa ngục gia đình?

Như kệ nói:

Lễ kính các chùa tháp

Nhờ Phật sinh ba tâm.

Bồ-tát tại gia này đã kính mộ người xuất gia. Nếu khi vào tháp chùa kính lễ Phật nên sinh 3 tâm là:

1. Biết đến khi nào ta mới được nhận lãnh sự cúng dường của các chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân, Phi nhân?

2. Biết đến bao giờ ta mới được thần lực như Xá-lợi lưu hành khắp thế gian tạo lợi ích cho chúng sinh?

3. Hôm nay, tâm sâu xa của Ta hành tinh tấn lớn, sẽ được quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, thành Phật rồi sẽ nhập Niết-bàn vô dư.

Lại nữa:

Khi đến các Tỳ-kheo

Theo nơi hành phụng sự

Im lặng nghe lời dạy

Giúp kẻ thiếu không tiếc.

Sau khi kính lễ tháp xong, Bồ-tát này lại đến cầu hành tác nơi các Tỳ-kheo thuyết pháp, nơi người trì luật, người đọc tụng kinh điển Phật, người đọc tụng Tạng Luận, người đọc Tạng Bồ-tát, người sống ở A-lan-nhã, người mặc nạp y, người khất thực, người ăn một bữa trong ngày, người ngồi yên, người quá ngọ không uống nước, người chỉ có ba y, người mặc y vải thô, người trải tòa ngồi tùy thuận, người ở bên gốc cây, người ở gò mả, người ở chỗ đất trống trải, người ít dục, người biết đủ, người xa lìa, người ngồi thiền, người khuyến hóa v.v… Tất cả các vị ấy, Bồ-tát đều nên phụng sự đúng theo pháp hành của các Tỳ-kheo.

Nếu đến chỗ người đọc tụng A-tỳ-đàm, tùy theo tánh tướng của các pháp đã giảng nói tương ưng hay không tương ưng, thỉnh vấn những gì mình còn nghi. Hỏi xong nên tu học.

Như gặp người trì luật thì nên hỏi về nhân duyên khởi tội, tội nhẹ hay tội nặng, phương pháp diệt tội và các việc được thí dụ. Hỏi xong rồi nên tu học.

Nếu gặp người đọc tụng Tu-đa-la, nên thỉnh vấn nghĩa trong các bộ A-hàm để học rộng hiểu nhiều. Nếu gặp người đọc Tạng Luận, Kinh Ứng Lợi Chúng, Pháp Cú Ưu Đà Na Ba La Diên, thì nên học tập những kinh như thế. Nếu gặp người đọc Tạng Bồ-tát, thì nên thỉnh vấn sáu pháp Ba-la-mật và các phương tiện. Hỏi xong rồi nên tu học.

Như gặp người ở nơi A-lan-nhã, nên học pháp xa lìa. Như gặp người tọa thiền nên học pháp tọa thiền. Đối với các Tỳ-kheo khác cũng nên theo pháp hành thỉnh vấn như thế. Tu học đúng với những gì đã thọ nhận. Phải thâu giữ miệng, khi đến với các Tỳ-kheo, nên khéo thâu giữ miệng im lặng, thuận hợp xét biết thời gian, nơi chốn, theo việc suy nghĩ, tâm không tán loạn, ít nói.

Lại nữa, đến chỗ người thuyết pháp, xem các Tỳ-kheo có thiếu thốn thứ gì như y, bát, Ni-sư-đàn, những thứ cần dùng cho đời sống, theo sức bố thí không chút luyến tiếc. Vì sao? Vì đối với kẻ ác, Bồ-tát hãy còn bố thí, huống nữa là các Tỳ-kheo có công đức này. Đến cả thịt nơi thân còn không tiếc, huống chi là tiếc vật bên ngoài, là nhân duyên trợ đạo.

Lại nữa:

Nếu lúc hành bố thí

Chớ sinh phiền não khác.

Khi hành bố thí, nếu cho một người, người khác không được, liền sinh giận, phiền, do vậy, nên khéo suy tính mà làm việc bố thí, chớ khiến người khác sinh giận. Vì sao?

Giúp giữ tâm phàm phu

Phải hơn A-la-hán.

Bồ-tát tại gia này, khi bố thí cho các Tỳ-kheo y phục, thức ăn uống, thuốc men, ngọa cụ, đều phải có tâm kính lễ thân mật, khi đón như khi đưa.

Giúp giữ tâm phàm phu nên hơn giúp giữ A-la-hán. Vì sao? Vì các A-la-hán tâm không còn phân biệt đối với tám pháp thế gian. Phàm phu thì còn yêu, giận, keo kiệt, ganh ghét, nên có thể khởi nghiệp tội. Do nghiệp tội ấy nên bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cho nên phải giúp giữ kỹ tâm phàm phu.

Việc làm của Bồ-tát đều vì tạo lợi ích cho hết thảy chúng sinh, nên bố thí không phải để tự vui, tự được quả báo đời sau, không phải như sự trao đổi nơi chợ.

Lại nữa:

Nhân đem tiền bố thí

Nên dùng pháp thí nhiếp

Theo chỗ muốn lợi ích

Dạy phát tâm vô thượng.

Bồ-tát tại gia này vì tự lợi mình nên theo chỗ lợi ích, nên đối với các Tỳ-kheo hoặc bố thí y phục, hoặc bố thí bình bát v.v… Cũng đem vô số các tài vật khác để bố thí như vậy. Tỳ-kheo như thế là chưa vào pháp vị, chưa được đạo quả, nên Bồ-tát tại gia phải khuyên các vị ấy phát nguyện về đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Vì sao? Vì nhân nơi tài thí để gồm thâu, rồi đem pháp thí dẫn dắt. Hoặc ở nơi đàn-việt đã bố thí với tâm ái kính nên các Tỳ-kheo tin tưởng chấp nhận lời khuyến thỉnh phát tâm vô thượng kia.

Lại nữa:

Vì muốn hộ trì pháp

Bỏ mạng vẫn không tiếc

Chữa trị Tỳ-kheo bệnh

Cho đến dùng thân thí.

Bồ-tát tại gia này vì muốn hộ trì chánh pháp, nên cho đến tự xả bỏ thân mạng. Siêng năng tinh tấn phá trừ sáu mươi hai thứ kiến chấp của ngoại đạo, phá tan các quân ma ganh ghét pháp Phật. Trong hàng đệ tử Phật, hoặc cũng có người theo hành tà vạy, hành không đúng với pháp Phật. Phá bỏ những hạng ấy, theo đúng như pháp, đó gọi là hộ trì pháp.

Lại nữa, đối với những người hiểu biết rộng, thuyết pháp phải gia tâm tin kính cúng dường đủ bốn sự. Đó cũng gọi là hộ trì pháp. Nếu tự mình đọc tụng, giải nói, biên chép Kinh, Luật, Luận, Tạng Bồ-tát, thì cũng nên chỉ dạy người khác làm như vậy. Do nhân duyên ấy nên chánh pháp được trụ lâu nơi thế gian, tạo lợi ích cho tất cả. Hàng tại gia, xuất gia phải xưng tụng khen ngợi về pháp để chánh pháp trụ lâu, đem lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Nếu pháp mau hoại diệt là do việc giảng nói còn phạm nhiều lỗi xấu. Lại nhớ nghĩ về Đức Như Lai từ thuở xa xưa đến giờ, hành đạo Bồ-tát, hành các hạnh khó, nên mới được pháp này. Do nhân duyên ấy, nên người xuất gia, tại gia tâm phải siêng năng tinh tấn, mở bày, chỉ dạy tạo hoan hỷ, lợi lạc đến cho mọi người, khiến họ đạt được đạo. Nếu khiến họ vào địa không thoái chuyển thì lược nói nhân duyên hộ trì pháp, khiến được các thứ an lạc, cũng lại tự mình có thể tu hành như chánh pháp, đó đều gọi là hộ trì pháp.

Lại nữa, theo pháp của Bồ-tát tại gia này, nếu Tỳ-kheo có bệnh, cần trị liệu, Bồ-tát này phải hết lòng chữa trị, dù phải cần đến tánh mạng cũng không tiếc. Đây là điều hết sức cần thiết. Người xuất gia nên đối với người tại gia cầu những việc cần thiết ấy. Đó là thân tự xem xét chăm sóc bệnh tật, cung cấp thuốc men.

Lại nữa:

Tâm quyết định bố thí

Thí xong, không hề hối.

Vì hộ trì chánh pháp, nếu phải chăm sóc bệnh nhân, nên Bồ-tát này phải cấp thí đúng lúc, tâm không hối tiếc. Đó gọi là thí thanh tịnh.

Bố thí không mong cầu quả báo, không phân biệt người này nên nhận người kia không nên nhận, nhưng vì tâm thương xót tạo lợi ích mà cho. Đó gọi là thí thanh tịnh. Như kệ nói:

Người thí theo tâm bi

Gọi là thí thanh tịnh

Không nói là phước điền

Không nói phi phước điền.

Nếu người hành bố thí

Không được làm mà cho

Nếu người vì quả báo

Đó như hơi thở ra.

Cho nên đã thí rồi

Tâm không có hối hận

Cho đến phước nhỏ ít

Đều hướng đạo vô thượng.

Những phước đức có được từ nhân duyên bố thí này, đều đem hồi hướng về đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Không cầu lợi ích an vui cho đời này đời sau, hay quả Tiểu thừa, chỉ vì chúng sinh mà cầu đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.

Trước đây, tôi hứa sẽ nói rõ về các hành khác của Bồ-tát tại gia, nay tôi đã nói xong. Hết thảy đều trích lấy, tập hợp từ nhiều chỗ trong kinh thuộc Đại thừa. Tùy thuận kinh pháp Bồ-tát đã trụ trong hạnh ấy, để mau đạt được đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.

Ở trong Địa thứ hai, hầu hết đều nói đến những hành trì của Bồ-tát xuất gia. Việc làm chung của Bồ-tát tại gia, xuất gia nay sẽ nói tiếp.

***

Phẩm 18: CÙNG HÀNH

Hỏi: Ông nói: Sẽ nói về pháp cùng hành của Bồ-tát tại gia và xuất gia. Nay xin ông có thể nói rõ?

Đáp: Đó là pháp nhẫn nhục, pháp bố thí, pháp nhẫn tư duy không quanh co, pháp tôn trọng, pháp không chướng ngại, pháp cúng dường, và những pháp như: Tin hiểu, tu không, không tham lam ganh ghét, tùy hành theo ngôn thuyết, bố thí đèn sáng, bố thí kỹ nhạc, bố thí xe cộ, chánh nguyện thâu giữ pháp, suy nghĩ đến an lạc, lợi ích cho chúng sinh, tâm bình đẳng đối với tất cả. Đó là những pháp yếu cho cả tại gia, xuất gia cùng hành.

Thế nên kệ nói:

Hành nhẫn thân đoan nghiêm

Thí pháp biết túc mạng

Pháp nhẫn được tổng trì

Tư duy đạt trí tuệ

Đối pháp không quanh co

Luôn được nhớ nghĩ đúng.

Hành nhẫn thân đoan nghiêm: Là có thể nhẫn chịu những lời nói thô ác, mắng nhiếc, chú thuật, trù rủa, hay bị buộc trói tra khảo, đánh đập bằng đao, gậy, đánh bằng trượng, roi, tất cả đều có thể nhận chịu tâm không lay động đổi khác. Nhẫn nhục như vậy thì quả báo đạt được là sinh trong cõi người, trời, thường được thân đoan nghiêm xinh đẹp, sau này, khi thành Phật thì tướng tốt không gì bằng.

Thí pháp biết túc mạng: Là người hành pháp thí có thể nhận biết được sự việc của vô lượng kiếp trong quá khứ. Pháp thí gọi là phân biệt được hết thảy các pháp của thừa Thanh văn, thừa Phậtbích-chi, Phật thừa, giải nói nghĩa lý. Quả báo của bố thí pháp tuy có ba mươi lăm thứ, nhưng cốt yếu là biết được túc mạng, biết nhân duyên thuyết pháp, trừ bỏ nghi ngờ nơi nhiều người. Do vậy biết được kiếp trước của mình.

Pháp nhẫn được tổng trì: Pháp gọi là pháp tương ưng với Không, Vô tướng, Vô nguyện, tương ưng với sáu Ba-la-mật, tương ưng với các Địa của Bồ-tát, tương ưng với các pháp Bồ-tát đã hành trì. Tâm hiểu rõ giải thích làm sáng tỏ, có thể nhẫn giữ, gọi là pháp nhẫn. Hành nhẫn này thì được tổng trì. Tổng trì gọi là đối với những kinh đã nghe, đã đọc tụng trong ấy nghĩa lý sâu xa, cho dù trải qua trăm ngàn vạn kiếp trọn không quên mất.

Tư duy đạt trí tuệ: Tư duy là lường xét về pháp thiện, phân biệt nghĩa sâu xa, do vậy mới có thể tạo được lợi ích cho đời này đời sau.

Tâm không quanh co được chánh niệm: Không quanh co gọi là ngay thẳng, không dua nịnh. Tu hành pháp này thì được niệm vững chắc đối với hết thảy các pháp.

Lại nữa:

Trọng pháp, pháp tức bền

Không chướng được giữ gìn

Cúng dường pháp gặp Phật

Tin hiểu bỏ các nạn.

Trọng pháp, pháp tức bền: Nếu người tôn trọng, cung kính nơi pháp thì pháp tức vững chắc. Pháp kiên cố là pháp được lãnh nhận, vâng giữ, học tập, tự nhiên kiên cố, không thể lay động chuyển đổi. Về sau lúc thành Phật, có nhiều đệ tử là Bồ-tát, Thanh văn. An trụ nơi pháp kiên cố này thì không gì có thể làm trở ngại cho người thọ nhận pháp ấy. Lại, kiên cố gọi là pháp được trụ lâu.

Không chướng được giữ gìn: Nghĩa là như người thuyết pháp và người nghe pháp không bất ngờ gây tạo các việc chướng ngại cho nhau. Sau này, khi thành Phật, sẽ được chư Thiên, người thế gian cùng bảo vệ pháp. Khi chưa được thành Phật thì thường có thể hộ trì chánh pháp của chư Phật. Sau khi chư Phật diệt độ thì giữ gìn pháp còn lại mới có thể tiếp đến Phật sau ra đời. Vì nhân duyên ấy nên Bồtát, Thanh văn đều phải tận tâm khéo giữ gìn pháp.

Cúng dường pháp gặp Phật: Cúng dường gọi là cung kính các pháp. Ở nơi thí pháp, nơi pháp hội, nên sinh tâm cung kính cúng dường người thuyết pháp, sắp đặt pháp tòa, khởi lập các thiền phường, trang hoàng làm nghiêm tịnh nơi chốn giảng pháp. Thâm tâm yêu kính pháp như vậy, nhờ có nhân duyên cúng dường pháp ấy nên được gặp Phật.

Tin hiểu bỏ các nạn: Tin là đối với các pháp thiện sinh khởi vui muốn sâu xa. Do pháp này nên lìa được tám nạn. Hiểu là có khả năng diệt trừ các tội, có thể ở trong các pháp thiện dùng sức mạnh của tâm tùy ý nhận hiểu. Như mười thứ Nhất thiết nhập, tùy ý nhận hiểu. Nếu người có nhiều sức mạnh tin hiểu, có thể diệt trừ hết vô lượng tội lỗi từ vô thỉ sinh tử đến nay, như đã nói trong phẩm Hối Quá ở trước.

Lại nữa:

Tu Không, không phóng dật

Không tham được thành lợi

Tùy nói diệt phiền não

Thí đèn được thiên nhãn.

Tu Không, không phóng dật: Tu có hai thứ là tu đắc và tu hành, do lực của tu pháp Không nên tin pháp hữu vi đều là hư dối, cũng không trụ nơi không. Các pháp không định, do vậy thường tự thâu giữ tâm không phóng dật.

Không tham được thành lợi: Tham gọi là đối với vật của người khác sinh tâm tham lấy. Nếu biết trừ bỏ việc ấy, các mong cầu đều thành, các nguyện đều mãn.

Tùy nói diệt phiền não: Là theo pháp đã nói, thân tức hành trì, sẽ dứt trừ phiền não. Đối với những việc đều hành như đã nói. Từ bao đời đến nay, các tập khí phiền não luôn huân tập nơi tâm, thảy đều diệt trừ, khiến chuyển đổi tánh của tập khí xấu ác nơi các phiền não ấy.

Thí đèn được thiên nhãn: Là nếu người thắp đèn cúng dường Phật, Thanh văn, Phật-bích-chi cùng tháp tượng, Xá-lợi, do nhân duyên ấy nên được thiên nhãn.

Lại nữa:

Thí nhạc báo thiên nhĩ

Do chánh nguyện tịnh độ

Thí xe được thần túc

Nhiếp pháp đủ chúng Tăng.

Thí nhạc báo thiên nhĩ: Là trong các pháp hội lớn trổi các thứ âm nhạc cúng dường Phật thì sẽ được quả báo là Thiên nhĩ.

Thí xe được thần túc: Xe gọi là các thứ dùng để vận chuyển như xe lớn, nhỏ, voi, ngựa v.v… Lại có người nói: Đem giày, guốc bố thí cũng được thần túc.

Do chánh nguyện tịnh độ: Nghĩa là tùy theo sở nguyện, nên nhận lấy cõi thanh tịnh. Như dùng vô lượng vật báu như vàng, bạc, pha lê, san hô, hổ phách, xà cừ, mã não làm thanh tịnh cõi nước.

Nhiếp pháp đủ chúng Tăng: Là nếu Bồ-tát hành đầy đủ bốn Nhiếp pháp thì có được chúng Tăng đầy đủ. Dùng bố thí, ái ngữ, lợi ích, đồng sự để giáo hóa thâu giữ chúng sinh, nên về sau, lúc thành Phật sẽ được vô lượng Tăng Bồ-tát, Tăng Thanh văn đầy đủ thanh tịnh làm đệ tử. Như Phật A-di-đà có hai thứ Tăng đầy đủ thanh tịnh. Nguyện đầy đủ thì như trong mười nguyện đã nói ở trước.

Lại nữa:

Lợi ích cho chúng sinh

Được tất cả yêu kính

Tâm bình đẳng, không hai

Được là bậc tối thắng.

Nếu Bồ-tát hành tác các nghiệp thân, miệng, ý đều vì tạo lợi ích an lạc cho hết thảy chúng sinh, nên được các chúng sinh kính mến. Vì luôn có tâm bình đẳng đối với hết thảy người thân kẻ oán, không bỏ một chúng sinh nào, do phước báo của nghiệp ấy nên Bồ-tát thành bậc tối thắng. Thắng nghĩa là có khả năng thắng hết thảy các pháp ác, phiền não như tham dục, giận dữ, ngu si, nên gọi là Phật.

Hỏi: Người đều cùng có mắt, tai, mũi, lưỡi, miệng v.v… không khác, làm sao biết được đó là Phật?

Đáp: Phật có ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân. Người có tướng ấy nên biết đó là Phật. Người xuất gia, tại gia cần phải phân biệt biết rõ ba mươi hai tướng, tướng này do pháp gì mà được? Tướng này do nghiệp gì mà được? Tướng này và nghiệp này cũng phải nên biết. Vì sao? Vì muốn được công đức phải biết rõ tướng này. Muốn được tướng ấy, phải biết nghiệp của nó.

Hỏi: Như sự việc ấy làm sao hiểu được? Đáp:

Ở trong phẩm Pháp Tướng Mỗi tướng ba phân biệt.

Trong A-tỳ-đàm, phẩm Ba Mươi Hai Tướng nói: Mỗi mỗi tướng đều có ba thứ phân biệt, đều nên nhận biết.

Hỏi: Thế nào là mỗi mỗi tướng đều có ba thứ phân biệt?

Đáp: 1. Nói về thể của tướng. 2. Nói về quả của tướng. 3. Nói về nghiệp của tướng có được.

Các tướng vòng xoắn ở đầu ngón tay và chân của Phật, như trước đã nói. Chuyển Luân Thánh vương cũng có tướng ấy. Các Bồtát cũng có tướng ấy. Người khác cũng có, nhưng không giống như vòng xoắn nơi tay, chân của Phật.

Trong lòng bàn tay, bàn chân của Ngài, có tướng bánh xe với hàng ngàn nan hoa đầy đủ nổi từng nét như hoa văn. Chân đứng yên không lay động, nên gọi là tướng chân đứng yên.

Màng lưới giữa hai ngón tay, chân rất mỏng, mềm như chân ngỗng chúa, hoa văn sáng tỏ như sợi tơ vàng ròng, nên gọi là tướng màng lưới nơi tay chân.

Tay chân mềm mại như bông của cây Đâu-la, như thân trẻ thơ, màu đỏ hồng rất đẹp, hơn hẳn các phần khác của thân, gọi là tướng tay chân mềm mại.

Lòng bàn tay, bàn chân, trên đầu, hai bên nách, bảy nơi này đều no tròn, đầy đặn, nên gọi là tướng bảy nơi đầy đặn.

Ngón tay dài thon, nên gọi là tướng ngón tay dài. Gót chân dài rộng, nên gọi là tướng gót chân dài rộng. Thân dài bảy khuỷu tay, không cong, nên gọi là tướng thân thẳng lớn.

Mu bàn chân nổi cao lên, nên gọi là tướng mu bàn chân vun cao. Trên đầu mỗi sợi lông đều xoắn về phía bên phải, nên gọi là tướng lông xoắn tròn lên trên. Bắp vế như vế của nai Y-nê, nên gọi là tướng bắp vế nai.

Đứng yên, buông tay, thì thòng xuống khỏi gối, nên gọi là tướng cánh tay dài. Âm vật như của ngựa quý, voi quý, không lộ ra, nên gọi là tướng âm tàng. Hào quang sáng chói sắc vàng, nên gọi là tướng sắc vàng.

Da mềm như vàng đã luyện thành, không dính bụi, nên gọi là tướng da mỏng, mịn màng. Mỗi mỗi lỗ chân lông đều có một sợi lông mọc, nên gọi là tướng mỗi mỗi sợi lông.

Hào quang tỏa sáng trắng ở giữa hai chân mày như ngọc tuyết, nên gọi là tướng bạch hào. Thân trước rộng dày chắc như sư tử, nên gọi là tướng thân trên như sư tử. Vai tròn lớn, nên gọi là tướng vai tròn lớn. Nách đầy bằng, nên gọi là tướng nách đầy bằng.

Cuống lưỡi không bị sức nóng, lạnh làm phồng dộp, nên khéo phân biệt được các vị. Người khác thì không được như vậy, nên gọi là tướng nhận biết các thứ mùi vị. Thân cao như cây Ni-câu-lâu, nên gọi là tướng thân tròn.

Cục thịt trên đầu nổi cao hình tròn, tóc xoắn quay về phía tay mặt, nên gọi là tướng nhục kế. Lưỡi như hoa sen đỏ, dài rộng mà mỏng, nên gọi là tướng lưỡi dài rộng. Tiếng nói như tiếng Phạm vương, như chim Ca-lăng-tần-già, nên gọi là tướng Phạm âm. Đôi gò má tròn đầy, rộng sáng như gương, nên gọi là tướng gò má sư tử.

Răng trắng như ngọc tuyết, như hoa Quân-viên, nên gọi là tướng răng trắng. Răng bằng đều đặn, không so le, nên gọi tướng răng bằng. Răng khít, không thưa, nên gọi tướng răng đầy đủ. Răng hàm trên, hàm dưới ăn khớp nhau, nên gọi là tướng bốn mươi cái răng.

Tròng mắt đen, trắng phân minh trong suốt, không có chỉ máu đỏ, nên gọi là tướng mắt trong xanh. Lông mi không mọc lẫn lộn, trên dưới đều nhau, không dài, không ngắn, nên gọi là tướng lông mi của Ngưu vương.

Ở các nơi chốn tôn trọng đều cung kính đón tiếp, nơi pháp hội lớn, trong tháp chùa, nơi thuyết pháp, từng cung cấp người thừa hành, nên được tay chân có vòng bánh xe. Có được tướng này nên tại gia thì làm Chuyển luân Thánh vương, được nhiều dân chúng, nếu xuất gia học đạo thì được nhiều đồ chúng.

Giữ vững các pháp không bỏ sót một pháp nào đã nhận lãnh, nên được tướng chân đứng yên. Có tướng này nên không gì có thể làm nghiêng động.

Thường tu bốn Nhiếp pháp: Bố thí, ái ngữ, lợi ích, đồng sự, nên được tướng tay chân có màng lưới. Có tướng này nên mau chóng thâu giữ dẫn dắt chúng sinh.

Dùng các thứ hương thơm thượng diệu, các thức ăn uống mềm thấm, cúng thí cho người và cung cấp những vật cần dùng cho bậc đáng tôn kính, nên được tướng tay chân mềm mại và tướng bảy nơi đầy đặn, nổi cao lên. Có tướng này nên phần nhiều được mùi thơm, được thức ăn uống ngon ngọt, cứu được người tránh khỏi chết, được tăng tuổi thọ.

Lại, thọ giới không sát sinh, nên được tướng ngón tay thon dài, tướng gót chân đầy đặn, tướng thân thẳng lớn, có tướng này nên sống lâu.

Pháp thiện lãnh nhận tăng trưởng không mất, nên được tướng mu bàn chân nổi cao lên, trên đầu sợi lông xoắn về bên phải. Có tướng này nên được các công đức không thoái chuyển.

Đem các thứ kỹ thuật, tài nghệ, các kinh sách truyền dạy không tiếc và bố thí giày guốc v.v… nên được tướng bắp vế như nai Y-nê. Có tướng này nên sự tu học đều mau chóng đạt như ý.

Khi có người đến xin, đều cho đủ, không bỏ sót, không tiếc của, nên được tướng tay dài quá gối. Có tướng này nên có khả năng tạo được uy lực, có khả năng bố thí lớn, có năng lực điều phục, không để chúng sinh phải xa lìa thân thuộc.

Nếu có cảnh ngang trái phải chia lìa, luôn ra sức giúp họ trở về sống hòa hợp, nên được tướng âm tàng. Có tướng như thế nên được rất nhiều đệ tử.

Do có bố thí các thứ y phục, giường nằm, lầu gác, phòng xá đẹp đẽ tinh khiết, nên được tướng sắc vàng và tướng da bên ngoài mỏng. Có tướng này nên được y phục, giường nằm, lầu gác, phòng xá tốt đẹp tinh khiết, tùy chỗ nên cúng dường cho chư Hòa thượng, A-xàlê, cha mẹ, anh em, và những bậc đáng tôn trọng.

Có khả năng khéo hộ vệ nên được tướng mỗi lỗ chân lông mọc mỗi sợi lông và mỗi mỗi sợi đều xoắn về phía bên phải, tướng hào quang trắng làm cho diện môn càng trang nghiêm. Có tướng này nên không gì có thể so sánh.

Nói lời biết hổ thẹn, lời tùy thuận, lời thân ái, nên được thân trên như sư tử và tướng vai tròn lớn. Có tướng này nên mọi người trông thấy cũng thích ngắm mãi không chán.

Chu cấp thuốc men, thức ăn uống cho người bệnh tật và chính mình chăm sóc họ, nên được tướng nách có da thịt đầy đặn, tướng biết nhiều vị. Có tướng này thân ít bệnh tật.

Bố thí vườn rừng, trái ngọt, tạo cầu đường, cây um tùm, có bóng mát, ao giếng, thức ăn uống, hương hoa, chuỗi ngọc, xây phòng xá, xây tháp, xây nhà phước thiện v.v… và khi bố thí cho đám đông, xuất ra nhiều của cải, nên được thân như cây Ni-câu-lâu và tướng nhục kế. Có tướng này nên luôn được tôn quý, tự tại.

Tu tập suốt trong đêm dài sinh tử, nói lời chân thật, lời dịu dàng, nên được tướng lưỡi dài rộng, tiếng nói như Phạm vương. Có tướng này nên được năm công đức nơi âm thanh, đó là: Tiếng nói dễ hiểu, tiếng nói làm người nghe không chán, tiếng nói sâu xa, tướng nói khiến người nghe vui tai, tiếng nói không phân tán.

Cũng do tu tập suốt trong đêm dài sinh tử về lời nói ngay thật, không nói thêu dệt, nên được tướng gò má như sư tử. Có tướng này nên lời nói khiến người đều tin, nhận.

Do trước đã cúng dường, về sau không khinh mạn, tùy ý cung cấp, nên được tướng răng trắng, tướng răng đều đặn. Có tướng này nên luôn được quyến thuộc thanh tịnh, hòa thuận, đồng tâm.

Tu tập lâu dài về lời nói chân thật, không hủy báng, nên được tướng bốn mươi cái răng, tướng răng khít nhau. Có tướng này nên quyến thuộc đều hòa đồng, không gì có thể phá hoại.

Vì luôn có tâm sâu xa thương xót nhớ nghĩ đến chúng sinh, mặt vui vẻ nhìn họ với tâm không yêu, giận, ngu si, nên được tướng tròng mắt trong xanh biếc, tướng lông mi cong dài như Ngưu vương. Có tướng này nên tất cả những người trông thấy không ai là không yêu kính.

HẾT – QUYỂN 8