LUẬN HIỂN DƯƠNG THÁNH GIÁO
Vô Trước Bồ-tát tạo luận
Tam tạng pháp sư Huyền Trang dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 7

Phẩm 2 – 3: NHIẾP TỊNH NGHĨA

Luận nói: Học 12 thứ phân biệt là: 1. Sai biệt phân biệt. 2. Sinh khởi phân biệt. 3. Đổi khác phân biệt. 4. Năng trị sở trị phân biệt. 5. Năng dẫn thắng, sinh định thắng phân biệt. 6. Thuận pháp phân biệt. 7. Bổ-đặc-già-la phân biệt. 8. Hạ trung thượng phân biệt. 9. Du-già phân biệt. 10. Tác ý phân biệt. 11. Dẫn phát phân biệt. 12. Hỏi đáp phân biệt.

Sai biệt phân biệt, nghĩa là phân biệt 3 học sai biệt tăng thượng giới học. Sai biệt là như trong kinh nói nếu chư Tì-khưu trụ Thi-la thành tựu, giữ biệt giải thoát luật nghi, phép tắc hành trì đều đầy đủ, đối với tội vi tế thấy rất sợ hãi sâu sắc, thụ học học xứ, gọi là giới đầy đủ. Trong đây trụ Thi-la thành tựu, nghĩa là đối với những học xứ đã thụ, không phạm thân nghiệp, không phạm ngữ nghiệp, không phá không lập, như vậy là trụ Thi-la thành tựu.

Giữ gìn biệt giải thoát luật nghi, nghĩa là 7 chúng Thi-la, gọi là biệt giải thoát luật nghi. Tức đây là sai biệt Thi-la của các chúng, nên thiết lập nhiều thứ luật nghi. Nghĩa trong đây chỉ dựa vào tướng luật nghi của Tì-khưu mà nói. Đó gọi là thủ biệt giải thoát luật nghi.

Phép tắc đầy đủ, nghĩa là trong oai nghi, hoặc trong tác nghiệp, hoặc trong phương tiện tu thiện phẩm phép tắc đầy đủ, hoặc tùy thuận thế gian không trái thế gian, tùy thuận Tì-nại-da không trái Tì-nại-da.

Thế nào là trong oai nghi đầy đủ phép tắc, tùy thuận không trái thế gían và Tì-nại-da? Nghĩa là lúc như vậy, nơi như vậy thì nên làm, và nên làm như vậy tức là lúc đó, nơi đó làm đúng như vậy sẽ không bị thế gian chê trách, và không bị những người thông tuệ chí thiện, những người đồng pháp, người giữ luật, người học luật chê trách. Như đi đứng ngồi nằm cũng như vậy.

Thế nào là trong tác nghiệp đầy đủ phép tắc, tùy thuận không trái thế gían và Tì-nại-da? Nghĩa là mặc áo, đại tiểu tiện, dùng nước, chải răng, vào làng khất thực, trở về dùng cơm, rửa bát, cất bát, rửa chân, trải nệm. Hoặc như sơ lược nói tác bát y nghiệp và các tác nghiệp khác đúng như pháp, gọi là sở tác. Nếu thích hợp nên làm thì lúc đó nơi đó nên làm và nên làm như vậy. Tức là lúc đó nơi đó làm đúng như vậy sẽ không bị thế gian chê trách, và không bị những người thông tuệ chí thiện, những người đồng pháp, người giữ luật, người học luật chê trách. Như vậy là trong chỗ tác nghiệp đầy đủ phép tắc tùy thuận không trái thế gian và Tì-nại-da.

Thế nào là trong phương tiện tu thiện phẩm đầy đủ phép tắc tùy thuận không trái thế gian và Tì-nại-da? Nghĩa là đọc tụng kinh điển, hòa kính sư trưởng, tu tập đạo nghiệp chăm nom săn sóc tật bệnh, khởi từ tâm nói dữ dục, phương tiện tu tập, hỏi han đạo pháp, siêng năng không biếng trễ, đối với người đồng tu phạm hạnh các người thông tuệ thì tận tụy cung phụng, khuyến khích người tu hành thiện phẩm và vì họ nói rõ diệu pháp sâu xa. Vào nơi vắng vẻ yên lặng thì kết già phu tọa. Các thiện pháp như vậy gọi là phương tiện tu các thiện phẩm. Như vậy đối với phương tiện tu tập, như đã nói trong thiện phẩm, là lúc đó, nơi đó nên tu và tu như vậy. tức là lúc đó, nơi đó chính tu như vậy. Do tu như vậy nên không bị thế gian chê trách, và không bị người thông tuệ, người chân chính chí thiện, người đồng pháp, người trì luật, người học luật chê trách. Như vậy gọi là trong phương tiện tu tập thiện phẩm đầy đủ phép tắc, thùy thuận không trái thế gian và Tì-nại-da. Những tướng phép tắc đầy đủ như vậy gọi là đầy đủ phép tắc.

Đầy đủ phép tắc đối với những nơi đi đến, nghĩa là có 5 nơi không phải nơi Tì-khưu được đến. Năm nơi là những nơi nào? 1. Nhà hát. 2. Nhà chứa. 3. Quán rượu. 4. Cung vua. 5. Nhà Chiên-đồla, nhà Yết-sỉ-la, và những nơi Như Lai cấm không cho đi đến. Trừ những nơi ấy, ngoài ra đều có thể đi đến. Như vậy lúc đi đến những nơi không phạm lỗi, gọi là đầy đủ phép tắc với những nơi đi đến.

Đối với những tội vi tế cũng thấy rất lo sợ, nghĩa là phạm tiểu tùy, tiểu học xứ, phạm rồi có thể thoát xuất, đều gọi là tội vi tế. Lại nữa, nếu phạm rồi, dùng ít công có thể thoát xuất, gọi là tội vi tế.

Nếu ở trong đó thấy rất lo sợ, nghĩa là khiến ta nhân phạm này mà không được chỗ chưa được, ngộ chỗ chưa ngộ, chứng chỗ chưa chứng. Lại chớ khiến ta đọa nơi ác thú, khởi hạnh ác thú. Lại chớ khiến ta sau phải tự hối trách. Lại chớ khiến đại sư, chư thiên, người thông tuệ đồng tu phạm hạnh dùng pháp quở trách. Lại chớ khiến tiếng xấu của ta lan truyền mười phương. Nhân thấy hiện pháp, hậu pháp như vậy là việc không vui nên sinh rất lo sợ. Vì như vậy cho nên đối với tiểu tùy, tiểu học xứ, cho đến mạng nạn nhân duyên hoàn toàn không cố phạm. Cho dẫu bị mất niệm, hoặc có lúc phạm rồi mau mau hối lỗi, như pháp thoát xuất. Như vậy gọi là đối với tội lỗi vi tế thấy rất lo sợ.

Thụ học học xứ, là trước khi thụ luật nghi biệt giải thoát, do bạch 4 yết-ma thụ cụ túc nên đại lược đã được nghe thể tính của học xứ, và trong Kinh Biệt Giải Thoát đã nói qua 150 học xứ. Chỉ tự thệ nguyện ta sẽ thụ học tất cả học xứ. Lại từ Ô-ba-đà-da, A-giá-lợi-da và nơi các người đàm luận, người cùng nhau vấn nạn, người thường tập cận, người hay đồng ý, thường nghe rồi. Lại nữa, mỗi nửa tháng nghe thuyết Kinh Biệt Giải Thoát. Do như vậy thụ tất cả học xứ, nên gọi là được luật nghi biệt giải thoát. Từ nay về sau đối với các chỗ thiện học xứ không hủy phạm. Dẫu có hủy phạm thì liền như pháp thoát xuất. Nếu trước đã thệ nguyện thụ học xứ nhưng không tốt không đạt thì phải như trước đã thụ. Lại ở nơi Ô-ba-đà-da, A-giálợi-da v.v… thường thường thỉnh vấn, nghe thụ khiến khéo thông đạt hiểu rõ. Như chư tôn đã nói, không tăng không giảm, khéo tu học rồi, không điên đảo thụ trì cho dù là văn là nghĩa. Như vậy gọi là thụ học học xứ.

Như vậy là đã nói rộng về sự sai biệt của Thi-la luật nghi. Nếu nói sơ lược nghĩa của chúng, tức là trong đây đức Bạc-già-phạm dùng 3 thứ tướng làm hiển thị giới uẩn: một là tướng không mất không hư hoại, hai là tướng tự thể, ba là tướng tự thể công đức. Trong đây như trước đã nói Thi-la thành tựu trụ là hiển thị cái tướng không mất không hư hoại của Thi-la luật nghi. Tiếp nói giữ biệt giải thoát luật nghi là hiển thị cái tướng của tự thể. Lại nói phép tắc ra làm đều đầy đủ là hiển thị như đã thụ biệt giải thoát luật nghi, quán sát các công đức tăng thượng của chúng nên gọi là tướng. Bởi vì sao? Vì do thấy tướng ra làm đầy đủ phép tắc, cho nên người chưa tin thì tin, người đã tin thì tăng trưởng. Vì người chưa tin dựa vào đây mà tin, nên tâm không hủy báng khinh chê, không lan truyền tiếng xấu. Nếu không như vậy thì dầu đầy đủ Thi-la nhưng vì việc làm vượt quá phép tắc nên không trông thấy công đức tăng thượng kia. Nếu ngược lại thì không có lỗi. Sau nói đối với tội vi tế thấy rất lo sợ thụ thụ học xứ, đây là hiển thị cái tướng gọi là quán sát công đức tự tăng thượng. Bởi vì sao? Tuy các việc làm đầy đủ phép tắc nên được gọi là quán tha tăng thượng công đức. Nhưng hủy Thi-la rồi, do nhân duyên ấy hoặc sinh nẻo ác, hoặc không thể được chỗ chưa được, ngộ chỗ chưa ngộ, chứng chỗ chưa chứng. Nếu có thể đối với các tội vi tế còn thấy lo sợ. Huống chi thượng phẩm lại thụ học học xứ. Do nhân duyên này, thân hoại mạng chung sinh về nẻo thiện. Lại có thể được chỗ chưa được, ngộ chỗ chưa ngộ, chứng chỗ chưa chứng. Do duyên ấy nên gọi là tướng Thi-la luật nghi quán tự tăng thượng công đức.

Lại nữa trong đây đức Bạc-già-phạm hiển thị 3 thứ tính Thila: một là tính thụ Thi-la, hai là tính xuất ly Thi-la, ba là tính tu tập Thi-la.

Trước tiên nói Thi-la thành tựu trụ, là hiển thị tính thụ Thi-la. Tiếp nói giữ biệt giải thoát luật nghi, là hiển thị tính xuất ly Thi-la. Bởi vì sao? Bởi biệt giải thoát luật nghi gồm có Thi-la, gọi là tăng thượng giới học. Dựa vào tăng thượng giới học nên có thể tu tăng thượng tâm học và tăng thượng tuệ học. Do dựa vào đây nên cho nên có thể khiến tất cả khổ hết vĩnh viễn và được xuất ly. Sự xuất ly như vậy, trước là dựa vào Thi-la thực hành, sau mới được. Cho nên biệt giải thoát luật nghi nói là tính xuất ly Thi-la. Sau nói phép tắc ra làm đều đầy đủ, đối với tội vi tế thấy rất lo sợ, thụ học học xứ, đây là hiển thị tính tu tập Thi-la. Nếu dựa vào tướng như vậy tu tập biệt giải thoát luật nghi Thi-la, thì gọi là tu tập, là khéo tu tập. Như thế gọi là phân biệt sự sai biệt của tăng thượng giới học.

Phân biệt sự sai biệt của tăng thượng tâm học là nếu Tì-khưu lìa dục, ác, bất thiện pháp, có tầm có tứ, lìa sinh hỷ lạc, sẽ trụ đầy đủ trong sơ tĩnh lự. Lại tầm tứ vắng lặng, trong biến khắp tịnh tâm, chỉ có một tính không tầm không tứ, Tam-ma-địa sinh hỷ lạc, sẽ trụ đầy đủ trong tĩnh lự thứ hai. Lại lìa hỷ, nên trụ xả niệm, chính biết thân thụ lạc, thánh giả nói rõ có trụ xả niệm lạc, nên sẽ trụ đầy đủ trong tĩnh lự thứ ba. Lại đoạn lạc, trước đã đoạn khổ và ưu hỷ hết, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh thì sẽ trụ đầy đủ trong tĩnh lự thứ tư. Nghĩa sai biệt này như trước đã nói. Đó là phân biệt sự sai biệt của tăng thượng tâm học.

Phân biệt sự sai biệt của tăng thượng tuệ học là nếu Tì-khưu đối với khổ thánh đế, biết khổ như thật, đối với tập thánh đế, biết tập như thật, đối với thánh đế diệt khổ, biết diệt như thật, đối với thánh đế thú hành diệt khổ, biết thú hành như thật, đó gọi là phân biệt sự sai biệt của tăng thượng tuệ học.

Phân biệt sự sinh khởi, nghĩa là do Thi-la thành tựu nên không hối, do không hối nên sinh duyệt, sinh duyệt nên tâm hỷ, tâm hỷ nên thân an, thân an nên thụ lạc, thụ lạc nên tâm định, tâm định nên quán như thật, quán như thật nên khởi yểm, khởi yếm nên ly dục, ly dục nên giải thoát, giải thoát nên tự gọi là ta chứng giải thoát. Lại khởi tri kiến như thế này: Đời ta đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thụ hậu hữu.

Phân biệt bằng sự chuyển, nghĩa là hoặc có tăng thượng giới học, không tăng thượng tâm, không tăng thượng tuệ. Hoặc có tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, không tăng thượng tuệ học. Nếu có tăng thượng tuệ học, ắt có tăng thượng giới và tăng thượng tâm.

Phân biệt năng trị sở trị, nghĩa là tăng thượng giới học là phiền não triền ngăn chận chấm dứt đối trị. Tăng thượng tâm học là phiền não triền áp chế đối trị. Tăng thượng tuệ học là phiền não tùy miên vĩnh đoạn đối trị.

Phân biệt có thể dẫn thắng sinh định thắng nghĩa là tăng thượng giới học tăng thượng tâm học có thể dẫn thanh tịnh địa và thanh tịnh thắng sinh. Tăng thượng tuệ học có thể dẫn xuất thế quyết định thắng đức.

Phân biệt thuận pháp nghĩa là 10 thứ tùy thuận học pháp: 1. Nhân trước. 2. Thuận giáo. 3. Phương tiện như lý. 4. Ân cần quý trọng tu tập không gián đoạn. 5. Lạc dục mạnh mẽ nhạy bén. 6. Sức tu trì. 7. Thân tâm thô nặng an nghỉ. 8. Thường quán sát luôn. 9. Không khiếp sợ. 10. Không tăng thượng mạn.

Nhân trước, nghĩa là đời trước căn thục và căn thành mãn. Thuận giáo là không điên đảo thứ lớp của giáo pháp. Phương tiện như lý là tu hành như giáo pháp. Khi tu trì như vậy có thể sinh chính kiến. Trân trọng ân cần tu hành không gián đoạn nghĩa là khi phương tiện như vậy không bỏ luống qua, tu tập thiện phẩm và chí thành thì mau chóng dẫn phát thiện phẩm. Lạc dục mạnh mẽ nhạy bén, nghĩa là đối với tăng thuận giải thoát khởi niệm chứng lạc dục rằng bao giờ ta sẽ chứng đầy đủ trụ xứ nơi chúng thánh. Sức tu trì là 2 nhân duyên được sức tu trì: một là tính lợi căn, hai là tu tập thuần thục thời gian lâu. Thân tâm thô nặng an nghỉ, nghĩa là nếu do quá tầm tứ mà khởi thân tâm thô nặng thì trong tu vắng lặng khiến được an ổn chấm dứt. Nếu do tự tính chưa đoạn phiền não, thuận phiền não phẩm thân tâm thô nặng theo đuổi không rời. Quán sát như vậy, sức tác ý tăng thượng nên thường xuyên quán sát tất cả phiền não đã đoạn chưa đoạn. Nếu biết đã đoạn phải hết sức vui mừng. Nếu biết chưa đoạn thì thường xuyên phải tu đạo đối trị này. Không khiếp sợ, nghĩa là trong mọi thời phải biết phải quán. Đối với pháp, do không biết, không quán, không chứng nhập nên sinh khiếp sợ. Tâm héo hắt, trống vắng, tâm thường phát sinh như vậy. Tâm không chấp trước, đoạn trừ xả bỏ, không tăng thượng mạn, nghĩa là trong chỗ được, chỗ ngộ, chỗ chứng, lìa tăng thượng mạn, không chấp điên đảo. Đối với chỗ được khởi tưởng đã được, đối với chỗ ngộ khởi tưởng đã ngộ, đối với chỗ chứng khởi tưởng đã chứng. Như vậy 10 pháp lạc, người tu hành đúng các học xứ tuần tự theo các học xứ ban đầu, giữa rồi sau, cho nên gọi là tùy thuận học pháp. Trong 10 pháp này, trước tiên nhân một thứ tùy thuận tăng thượng giới học là hơn cả. Ngoài ra 9 thứ kia thì tùy thượng tâm học, tăng thượng tuệ học là hơn cả.

Phân biệt Bổ-đặc-già-la, nghĩa là 3 môn học này là chung cho các dị sinh và người chưa kiến đế.

Phân biệt hạ trung thượng phẩm, nghĩa là do hành và phương tiện. Do hành nghĩa là khổ thông qua chậm là hạ phẩm học. Khổ thông qua mau và lạc thông qua chậm là trung phẩm học. Lạc thông qua mau là thượng phẩm học. Do phương tiện nghĩa là không ân cần trân trọng phương tiện và không phương tiện tu tập không gián đoạn là hạ phẩm học. Theo một phương tiện tu tập là trung phẩm học. Đủ 2 phương tiện tu tập là thượng phẩm học.

Phân biệt Du-già, nghĩa là dựa vào 4 thứ chính học, học xứ của Du-già là một tín, hai dục, ba chính cần, bốn phương tiện.

Tín, là 2 hành tướng và 2 y xứ. Hai hành tướng là một nhẫn khả hành tướng, hai thanh tịnh hành tướng. Hai y xứ là một quán pháp đạo lý y xứ, hai tín hiểu oai đức của người làm y xứ. Dục có 4 thứ: một, dục là vì chứng đắc; hai, dục là vì hỏi han luận bàn; ba, dục vì chứng tư lương; bốn, dục vì tu phương tiện.

Dục vì chứng đắc, là như một người tu hành đối với thượng giải thoát khởi ý muốn chứng, như trước đã nói rõ. Dục vì hỏi han luận bàn, là như một người tu hành đã khởi ý muốn chứng, đến Tăng già-lam gặp các thức giả, người đồng tu phạm hạnh, người có chính trí hỏi han điều chưa được nghe, và làm cho trong sáng hơn điều đã được nghe.

Dục vì chứng tư lương, là như có người tu hành đối với sự thanh tịnh trong Thi-la luật nghi, biết lượng trong ăn uống, giác ngộ trong phương tiện, chính tri trong trụ và trong thăng tiến, khởi chứng lạc dục. Dục vì tu phương tiện, là trong phương tiện không gián đoạn, trong phương tiện ân cần trân trọng, trong tu tập thánh đạo, sinh ý tưởng lạc dục mong cầu chứng đắc.

Chính cần có 4 thứ: một là vì nghe pháp, hai là vì tư duy, ba là vì tu tập, bốn là vì chướng tịnh.

Vì nghe pháp, nghĩa là nghe chỗ chưa nghe, và đã nghe thì sáng tỏ, khích lệ trong tâm phương tiện tu tập chỗ chưa thông suốt. Vì tư duy, nghĩa là như chỗ đã nghe pháp, một mình nơi yên vắng tư duy, quán sát nghĩa lý. Vì tu tập, nghĩa là ở nơi tĩnh thất thường tu tập chỉ quán. Vì chướng tịnh, nghĩa là để gạn lọc sạch các che mờ, ngày đêm kinh hành, an tọa, khích lệ nơi tâm, phương tiện tu tập chỗ chưa thông suốt.

Phương tiện cũng có 4 thứ, nghĩa là thủ hộ Thi-la và thủ hộ sức tăng thượng các căn, khiến căn luật nghi thanh tịnh, khéo trụ nơi niệm. Do khéo trụ nơi niệm nên được không phóng dật, thủ hộ nơi tâm tu tập thiện pháp. Do không phóng dật nên khiến nội tâm tương ưng với chỉ, và được tăng thượng tuệ quán sát các pháp. Như vậy 4 thứ Du-già phân làm 16 hành. Trong đây do tín nên tín sẽ được nghĩa. Do tín sẽ được nghĩa, nên đối với các thiện pháp khởi dục tu tập. Do muốn tu tập nên ngày đêm siêng năng, trụ nơi khích lệ kiên cố dũng mãnh. Do chính cần nên gồm tu phương tiện để được nghĩa chưa được, ngộ nghĩa chưa ngộ, chứng nghĩa chưa chứng. Vì vậy nên 4 pháp này nói là Du-già.

Phân biệt tác ý, nghĩa là liễu tướng v.v…7 thứ tác ý. Liễu tướng tác ý, nghĩa là do tác ý nên hiểu thấu thô tướng của Dục giới và tính tướng của sơ tĩnh lự. Thế nào là hiểu thấu thô tướng của Dục giới? Nghĩa là các lỗi về dục của 6 thứ tầm tư: 1. Nghĩa. 2. Sự. 3.Tướng. 4. Phẩm loại. 5. Thời. 6. Đạo lý.

Nghĩa của tầm tư, là tầm tư về các dục có nhiều các tội lỗi, nhiều các phiền não, nhiều các dịch lệ, nhiều các tai họa. Như vậy các dục có nhiều tội lỗi, cho đến nhiều các tai họa. Đó là nghĩa thô của tầm tư. Sự, là hoặc khởi tham dục nơi các dục bên trong, hoặc khởi tham dục nơi các dục bên ngoài. Tướng của tầm tư, là suy tìm tự tướng và cộng tướng. Suy tìm tự tướng nghĩa là đây là phiền não dục, đây là sự dục. Các dục ấy hoặc tùy thuận lạc, hoặc tùy thuận khổ, hoặc tùy thuận không khổ không lạc. Tùy thuận lạc, là chỗ dựa của tham dục và chỗ dựa của tưởng tâm điên đảo. Tùy thuận khổ, là chỗ dựa của sân nhuế và chỗ dựa của phẫn hận. Tùy thuận không khổ không lạc, là chỗ dựa của phú, não, cuống, siểm, vô tàm, vô quý và chỗ dựa của kiến đảo. Như vậy các dục hoặc bạo ác thụ tùy hành, hoặc không bạo ác thụ tùy hành.. Như thế gọi là suy tìm tự tướng các dục. Suy tìm cộng tướng nghĩa là suy tìm các dục sinh khổ, cho đến khổ vì mong cầu không được, bình đẳng bình đẳng tùy theo sự theo đuổi mà theo đó bị trói buộc. Người thụ dụng dục, tuy có đủ các dục nhưng cũng phải hiểu rõ nó là pháp sinh các khổ. Các dục này phút chốc biến hoại. Như vậy gọi là suy tìm cái cộng tướng của các dục.

Suy tìm phẩm loại, nghĩa là suy tìm các dục đọa vào loại hắc phẩm như xiềng xích, xương khô, như miếng thịt thối, như lửa cây đuốc, như lửa than, như độc mãng xà, như cảnh chiêm bao, như đồ trang sức giả, như trái cây hái trộm. Lại suy tìm tất cả cái khổ bởi hữu tình đeo đuổi tìm cầu, cái khổ bởi bị thân ái chia ly, cái khổ bởi không chán đủ, cái khổ bởi không tự do tự tại, cái khổ bởi bị các hành động ác. Lại nữa đức Bạc-già-phạm nói: Ta nói gần gũi tập theo các dục có 5 tội lỗi: 1. Các dục hưởng thụ chẳng bao nhiêu. 2. Người gần gũi tập theo các dục thì nhiều khổ não nhiều tội lỗi. 3. Người gần gũi tập theo các dục thì không bao giờ biết chán biết đủ, không bao giờ thôi nghỉ. 4. Người gần gũi tập theo các dục thì các kết tăng trưởng. 5. Người gần gũi tập theo các dục thì không việc ác gì không làm. Lại nữa người thông tuệ chân chính chí thiện dùng vô lượng pháp môn quở trách các dục, nói các dục này gia tăng nhiễm ô không chán, chúng đều có phi pháp điên đảo, là nhân các hành động ác, làm tăng trưởng dục ái. Người có trí xa lánh xã bỏ làm mau chóng tan hoại. Dựa vào các duyên nơi phóng dật thì tính nó là vô thường, là không, là hư dối, là pháp lừa gạt, như huyễn như hóa lừa dối người ngu. Hoặc hiện pháp dục, hoặc hậu pháp dục, hoặc cái dục trên cõi trời, hoặc cái dục trong loài người, tất cả đều là việc làm của ma, chỗ ở của ma. Lại nữa dựa vào dục kia có thể khiến tâm sinh vô lượng các thứ pháp ác, bất thiện. Nghĩa là tham sân hận v.v…các pháp chướng ngại. Các đệ tử Phật khi học học xứ có thể bị chướng ngại. Các tội lỗi khác nhau như vậy đa phần suy tìm các dục rơi vào loại hắc phẩm.

Như thế gọi là suy tìm phẩm loại.

Suy tìm thời gian, nghĩa là đối với quá khứ vị lai và đời hiện tại thường liên tục luôn suy tìm các dục, nhiều các khổ não, nhiều các tai họa, nhiều các tội lỗi. Như vậy gọi là suy tìm trong thời gian.

Suy tìm đạo lý, nghĩa là các dục này là do dụng cụ hằng ngày quá nhiều, do quá đeo đuổi tìm cầu, do quá mệt nhọc. Lại nữa còn do các thứ tạp công nghiệp xứ mới được thành lập đầy đủ và tăng trưởng. Tuy những vật bên ngoài giúp cho sự sinh hoạt tăng trưởng đầy đủ, nhưng pháp ấy tự nhiên tán diệt mau chóng. Lại nữa cha mẹ, vợ con, người giúp việc, bạn bè, chức việc, anh em, bà con v.v…tuy tạm thời tập hội không lâu cũng tan hoại. Lại nữa các thô sắc trong thân do 4 đại sinh ra, cơm cháo nuôi lớn, thường bài tiết chất bẩn, tắm rửa, xoa bóp v.v…tuy tạm thời xoa dịu những khổ não sinh ra, nhưng cuối cùng cũng là pháp lìa tan hoại diệt. Để xoa dịu cái khổ đói khát nên thụ các thứ ẩm thực. Để đối trị cái khổ lạnh nóng và che đậy những chỗ đáng xấu hổ nên dùng y phục. Để chữa trị các khổ tật bệnh nên dùng thuốc thang. Như vậy các dục đều để đối trị các khổ, không nên tham đắm. Chỉ trừ trường hợp như bệnh nặng phải giữ thuốc để chữa bệnh, hoặc dựa vào thánh giáo suy tìm như vậy. Như vậy thô tướng của các dục, hoặc do tự tri kiến bên trong phát khởi, hoặc suy tìm tùy thuận đạo lý, hoặc lại suy tìm tự tính các dục từ đời vô thủy đến nay pháp nhĩ thành tựu pháp không nghĩ bàn không nên nghĩ bàn, không nên phân biệt. Như vậy gọi là suy tìm đạo lý.

Như vậy là đã rõ 6 thứ thô tướng của các dục. Lại phải hiểu rõ tĩnh tướng của sơ tĩnh lự. Nghĩa là ở trong sơ tĩnh lự không như tướng quá thô nặng của cõi Dục. Do lìa thô tướng của cõi Dục nên gọi là tĩnh tướng của sơ tĩnh lự. Như thế là hiểu rõ tĩnh tướng của sơ tĩnh lự. Do định địa tác ý nên hiểu biết thô tướng của cõi Dục và tĩnh tướng của sơ tĩnh lự. Đó gọi là liễu tướng tác ý. Trong đây nên biết rằng vẫn còn có xen tạp văn và tư.

Thắng giải tác ý, nghĩa là như phải suy tìm rõ thấu thô tướng của cõi Dục và tĩnh tướng của sơ tĩnh lự mà không bị xen tạp văn và tư, thuần khởi tu hành thắng giải duyên tướng thô tĩnh, khi tu tập chỉ quán thường khởi thắng giải suy tìm cái tướng thô tĩnh, nên gọi là thắng giải tác ý.

Viễn ly tác ý, nghĩa là nhiều tu tập chủng loại này, nên vì muốn đoạn trừ sơ phần phiền não khởi đối trị đạo với đoạn phiền não. Năng đối trị đạo câu sinh tác ý, gọi là viễn ly tác ý.

Nhiếp lạc tác ý, nghĩa là đã đoạn sơ phần phiền não của cõi Dục và đã viễn ly phẩm thô nặng kia. Ở hâu thắng phẩm đoạn và viễn ly khởi nơi hỷ lạc. Lại nơi đoạn, thấy thắng công đức, chứng nơi thiểu phần viễn ly hỷ lạc. Trong mỗi thời dùng tịnh thắng tác ý mà tự vui mừng, vì muốn đoạn trừ các ràng buộc của hôn trầm, thùy miên, trạo cử, nên gọi là nhiếp lạc tác ý.

Quán sát tác ý, nghĩa là như vậy chính tu lạc, đoạn lạc tu rồi thiện phẩm phương tiện phò trì khiến các phiền não ràng buộc nơi cõi Dục dù đi dù đứng không hiện hành nữa. Như vậy người tu hành lại tự tư duy rằng trong thân ta đây là có tham dục hay là không tham dục mà sao đối với các cảnh dục không chấp thụ? Vì tự quán sát nên tùy nơi một cảnh tư duy cái tướng thắng diệu thanh tịnh mà người hành giả kia do chưa đoạn hết các tùy miên, nên khi tư duy tướng tịnh diệu ấy, tùy thuận nhiễm tập, hướng đến nhiễm tập, đi đến nhiễm tập, không trụ nơi xả, cũng không chán bỏ, ngăn chận trái nghịch. Bấy giờ hành giả tự biết như vầy: Ta đối với các dục chưa chính có tâm viễn ly vì chưa giải thoát. Các dục ràng buộc trong tâm ta, như trì thủy tự nhiên nhiếp phục. Ta nay nhất định phải tu trị đạo hơn nữa, khiến các tùy miên đoạn trừ không sót, nên lại thêm vui mừng thắng đoạn thắng tu. Đó gọi là quán sát tác ý.

Phương tiện cứu cánh quả tác ý, nghĩa là từ đây về sau không gián đoạn, do nhân duyên trước nên chứng nhập định căn bản sơ tĩnh lự. Căn bản sơ tĩnh lự này là câu sinh tác ý, nên gọi là phương tiện cứu cánh quả tác ý. Như sơ tĩnh lự có 7 thứ tác ý, như vậy từ tĩnh lự thứ hai thứ ba thứ tư, cho đến phi tưởng phi phi tưởng xứ định, nếu cần cũng đều phải biết hết.

Lại nữa thô tướng, nghĩa là ở tất cả bậc dưới, từ cõi Dục cho đến Vô sở hữu xứ, sơ lược có 3 thứ. Phải biết rằng các pháp ở bậc dưới đáng chán lìa: một là trụ tính rất khổ, hai là trụ tính rất không vắng lặng, ba là trụ tính thọ mạng cực ngắn.

Phân biệt dẫn phát, có 4 thứ: 1. Quả dẫn phát. 2. Ly dục dẫn phát. 3. Chuyển căn dẫn phát. 4. Thắng đức dẫn phát.

Phân biệt hỏi đáp, nghĩa là có vô lượng pháp môn phân biệt hỏi đáp, nay chỉ nêu một ít.

Hỏi: Tăng thượng giới học thế nào là không thanh tịnh, thế nào là thanh tịnh?

Đáp: Có 10 thứ nhân, giới không thanh tịnh. Những gì là 10? 1. Ban đầu thụ Thi-la luật nghi không đúng như pháp. 2. Quá trầm trọng. 3. Quá phân tán sôi nổi. 4. Có phóng dật, giải đãi. 5. Phát khởi tà nguyện. 6. Có phạm phép tắc. 7. Có phạm tà mạng. 8. Rơi vào nhị biên. 9. Không thể xuất ly. 10. Trái vượt chỗ đã thụ.

Ban đầu thụ Thi-la luật nghi không đúng như pháp, nghĩa là như có người vì trốn tránh phép vua bức bách, hoặc trốn tránh giặc cướp, hoặc trốn nợ, hoặc vì bị khủng bố, hoặc sợ không nuôi thân được nên xuất gia thụ giới. Chứ không phải vì lo tu thánh đạo, không phải vì thanh tịnh phạm hạnh, không phải vì tự điều phục, không phải vì tự tịch tĩnh, không phải vì Niết-bàn. Những trường hợp như vậy là thụ Thi-la luật nghi không như pháp.

Người quá trầm trọng, nghĩa là như có một người không biết hổ thẹn, tính tình biếng nhác lơi lỏng không có hối tâm, đối với các học xứ thì tu tập một cách trì hoãn. Như vậy gọi là quá trầm trọng nặng nề.

Người quá phân tán sôi nổi, nghĩa là như có người thiên chấp, nhận chỗ sai sinh hối, chỗ không đáng hối mà sinh hối, cho nên đối với chỗ sai của người mà sinh tâm lăng mạ chê bai và tâm làm tổn hại, khư khư không bỏ. Như vậy gọi là quá phân tán sôi nổi.

Người có phóng dật giải đãi, là như có một người trong đời quá khứ đã có vi phạm nhưng vì quên mất nên không như pháp khởi đối trị. Cũng như vậy ở vị lai, hiện tại khởi vi phạm do quên mất nên không như pháp khởi đối trị. Trước cũng không khởi cố gắng dũng mãnh muốn sẽ không bao giờ vi phạm giới cấm. Cho rằng ta sẽ hành như vậy như vậy, trụ như vậy như vậy. Khiến chỗ hành, chỗ trụ không phạm. Lại nữa nếu làm như vậy, trụ như vậy có thể phạm mà có hủy phạm, người này trong đời trước, đời này, đời sau và những gì đã làm ở thời gian trước đều tùy hành, đều hiện thành tựu nơi phóng dật, cho nên lại chấp thùy miên và nghỉ ngơi cho là an lạc, lơi lỏng biếng nhác không chịu tu tập, không hầu hạ người phạm hạnh người trí. Như vậy gọi là có phóng dật giải đãi.

Người phát khởi tà nguyện, là như có một người phát khởi tà nguyện mà hành phạm hạnh, bảo rằng ta nay tu giới cấm phạm hạnh sẽ làm chủ chư thiên, hoặc làm các trời khác. Hoặc vì muốn được lợi dưỡng, tôn kính, nghĩa là cầu các lợi dưỡng và sự tôn kính từ người khác, hoặc chỉ nguyện được lợi dưỡng, tôn kính. Như vậy gọi là phát khởi tà nguyện.

Người có phạm phép tắc, là như có người đối với các oai nghi, hoặc tự làm, hoặc vì phương tiện, như trước đã nói trong Phẩm tu thiện, tất cả những gì ra làm trái với thế gian và vượt Tì-nại-da, như vậy gọi là phạm phép tắc.

Người có phạm tà mạng, là như có người có tính ham muốn quá lớn và không biết đủ, khó cấp dưỡng thỏa mãn. Lại dùng những việc phi pháp để tìm kiếm nào y phục, sự ăn uống, chỗ nằm ngồi, thuốc men và các thứ cần trong sinh hoạt. Người này không đem pháp ra, mà đem sự bày tỏ công đức của mình làm nhân cầu y phục ẩm thực của người. Cho nên ở trước mặt người khác, dối hiện oai nghi chứ không phải tự tính hay quán tập như vậy. Hoặc hiện các căn vắng lặng không trạo động, ý muốn khiến người cho rằng mình có đức nên phải bố thí cúng dường các thứ như y phục, thức ăn uống, đồ nằm ngồi, thuốc men và các thứ cần chi sinh hoạt. Lại nữa người này hình mào thô tháo xấu xa, phát ngôn lỗ mãng không biết nể nang, thân hình chải chuốt, ca ngợi tên tuổi giai cấp của mình. Hoặc khoe học rộng, hoặc rộng trì giáo pháp để được lợi dưỡng và cung kính, mà vì người tuyên thuyết Phật pháp và các pháp đệ tử Phật diễn nói. Hoặc tự nói mình thật có công đức, hoặc có tăng ích, hoặc khiến người khác khen mình có dị tướng, để cầu áo tốt ăn ngon và các tư dụng khác của Sa-môn. Mặc dầu y phục không thiếu mà cố tình ăn mặc rách rưới, ý muốn các trưởng giả cư sĩ tin mình thiếu thốn mà cúng thí cho y phục tốt đẹp như y phục dụng cụ các Sa-môn khác. Hoặc ở nơi các trưởng giả tín kính Bà-la-môn, không được vật như mình mong muốn, hoặc người đó không có, hoặc là thứ đang cần dùng không thể cho, mà nặng lời nằn nì đòi cho được, hoặc được vật tầm thường kém giá trị thì khinh chê trả lại, đối trước thí chủ nói lời như thế này: Xí cái thiện nam tử này ! Các thiện nam tử thiện nữ nhân khác so với dòng họ anh thấp kém nghèo hơn anh mà còn có thể bố thí những thứ tốt huống chi anh dòng họ cao sang giàu có mà bố thí cho ta đồ xấu tồi như thế này ư? Những sự kiện như vậy, hoặc dựa vào sự trá hiện oai nghi, hoặc dựa vào lời nói năng phi pháp, hoặc dựa vào sự khen ngợi dị tướng, hoặc dựa vào lời nói bức thiết chê trách, hoặc dựa vào sự so sánh cái lợi mà phi pháp cầu được y phục, ẩm thức, tọa ngọa cụ, thuốc men vật dụng mà không phải đem pháp ra mà cầu, gọi là tà mạng. Như thế là có phạm tà mạng.

Người rơi vào nhị biên, là như có người ưa thích thụ dụng, các dục diệu lạc từ người khác mà được y phục v.v…, hoặc như pháp, hoặc không như pháp, không biết tội lỗi, không biết thoát ra mà thụ dụng nó, đó là một bên. Lại như có người tự tu khổ hạnh, vô lượng khổ bức bách thân, thụ hành các giới cấm cực khổ, hoặc ở trên chông gai, hoặc ở nơi than tro, hoặc dùng roi gậy, hoặc dùng miếng ván, hoặc đầu người chết, hoặc đứng ngồi, hoặc ngồi nhập định, hoặc thờ lửa cho đến ngày 3 lần, hoặc ở dưới nước cho đến ngày 3 lần, hoặc giơ một chân theo ngày thay đổi, các lối tu khổ hành như vậy là một bên thứ hai. Như vậy gọi là rơi vào nhị biên.

Người không thể xuất ly, nghĩa là như có người chấp kiến Thila và các giới cấm khác bảo rằng chỉ tu tập Thi-la giới cấm sẽ được thanh tịnh giải thoát ra khỏi. Lại có kiến chấp là khéo giữ các giới thiện tịnh của ngoại đạo sẽ được thanh tịnh giải thoát ra khỏi. Như vậy 2 thứ đó không phải cứu cánh tịnh, cho nên không được xuất ly. Như vậy gọi là không thể xuất ly.

Người trái vượt chỗ đã thụ, là như có người hoàn toàn không biết hổ thẹn, không hề đoái hoài tới phép tắc của Sa-môn, vi phạm cấm giới làm các pháp ác, thối nát theo thói hạ lưu, là hạng Bí-sô làm ác mà giả trang để cầu lợi dưỡng, chẳng phải Sa-môn mà xưng Sa-môn, chảng phải phạm hạnh mà xưng phạm hạnh. Như vậy gọi là trái vượt chỗ đã thụ. Do 10 nhân tăng thượng giới học này mà không thanh tịnh. Ngược lại tức thanh tịnh.

Nghĩa tịnh và bất tịnh của tăng thượng tâm học, là như thanh tịnh tĩnh lự trong Phẩm nhiếp sự đã nói. Lại do thanh tịnh này nên biết tăng thượng tuệ học thanh tịnh.

Như vậy sự phân biệt các loại vấn đáp, theo nghĩa này, phải biết có vô lượng vô biên.

Năm thứ phân biệt Bồ-đề là: 1. Chủng tính. 2. Phương tiện. 3.

Thời. 4. Chứng giác. 5. Giải thoát.

Chủng tính, là Bồ-đề của Thanh Văn là dựa vào chủng tính độn căn. Bồ-đề của Độc Giác là dựa vào chủng tính trung căn. Vo thượng chính đẳng Bồ-đề là dựa vào chủng tính lợi căn.

Phương tiện, là Bồ-đề của Thanh Văn do thực hành 6 chỗ phương tiện thiện xảo. Bồ-đề của Độc Giác do phần nhiều thực hành sâu xa duyên khời phương tiện thiện xảo. Vô thượng chính đẳng Bồđề do phương tiện thiện xảo của ngũ minh.

Thời, nghĩa là Bồ-đề của Thanh Văn thời gian tu hành rất ít, 3 đời tu hành là được. Bồ-đề của Độc Giác do một trăm đại kiếp tu hành mà được. Vô thượng chính đẳng Bồ-đề do 3 đại kiếp A-tăngxí-da tu hành mà được.

Chứng giác, là Bồ-đề của Thanh Văn là do thầy mà được chứng giác. Bồ-đề của Độc Giác chỉ thề tự lợi, không thầy chứng giác. Vô thượng chính đẳng Bồ-đề thì tự lợi lợi tha, không thầy chứng giác.

Giải thoát, là Bồ-đề của Thanh Văn, Bồ-đề của Độc Giác là chứng chuyển y, giải thoát phiền não chướng trong giải thoát thân. Vô thượng chính đẳng Bồ-đề là chứng chuyển y, giải thoát tất cả phiền não chướng và sở tri chướng trong giải thoát thân và trong pháp thân.

QUYỂN 7 HẾT