LUẬN HIỂN DƯƠNG THÁNH GIÁO
Vô Trước Bồ-tát tạo luận
Tam tạng pháp sư Huyền Trang dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 18

Phẩm 11 – 2: NHIẾP THẮNG QUYẾT TRẠCH

Lại nữa, phải biết kiến lập tướng của tâm sai biệt.

Tụng nói:

Sức sở y cảnh giới,

Kiến lập tâm sai biệt.

Lại do 7 thứ hành,

Phải biết tướng khó rõ.

Luận nói: Phải biết tướng của tâm sai biệt, lại do sức của sở y, sở duyên mà được kiến lập. Do sức sở y , nghĩa là lập nhãn thức , cho đến ý thức. Sức sở duyên, nghĩa là lập sắc thức cho đến pháp thức. Thanh thức, hoàng thức cho đến khổ thức, lạc thức. Như vậy v.v… lại do 7 thứ hành tướng, biết các tâm, khó biết sai biệt:

  1. Không thể biết tướng tương tục cửu trụ khí sai biệt.
  2. Tướng nhiều thứ cảnh tướng sai biệt.
  3. Tướng câu hữu sai biệt.
  4. Tướng năng trị sở trị tốc tật hồi chuyển sai biệt.
  5. Tướng tập khí sai biệt.
  6. Tướng tục sinh sai biệt.
  7. Tướng giải thoát tâm sai biệt.

Lại nữa tụng nói:

Sở duyên không tự tại,

Trụ ác sở y chỉ.

Tùy theo sức duyên chuyển,

Phải biết tâm bị trói.

Luận nói: Do 3 nhân nên nói tâm bị trói buộc:

  1. Không tự tại trong cảnh sở duyên.
  2. Y chỉ an trụ nơi uế ác.
  3. Chuyển biến tùy theo sức các duyên.

Trong đây không tự tại trong cảnh sở duyên, nghĩa là đối với tướng chế phục như trong biến hóa không trụ cảnh tự tại như ý muốn.

Lại nữa tụng nói:

Tán loạn và an trụ,

Sáu thứ, 15 thứ.

Duyên cảnh giới có 6…

Sở trị tâm chẳng một.

Luận nói: Phải biết tâm tán loạn có 6 thứ, tâm an trụ có 15 thứ, tâm duyên cảnh có 6 thứ v.v… Nên biết có nhiều sai biệt và tâm đối trị cũng không phải có một thứ.

Tâm tán loạn có 6 thứ:

1. Tác ý tâm tán loạn, nghĩa là chư Bồ-tát tác ý xả bỏ Đại thừa tương ưng, tác ý thoái lui tập Thanh Văn, Độc Giác tương ưng hạ liệt.

2. Ngoại tâm tán loạn, nghĩa là tìm kiếm 5 dục hỗn loạn huyên náo, phóng tâm lưu tán theo cảnh giới phiền não bên ngoài.

3. Nội tâm tán loạn, nghĩa là hoặc do hôn trầm thùy miên hạ liệt, hoặc do đắm trước các định, hoặc do theo phiền não trong các định mà não loạn tâm.

4. Tướng tâm tán loạn, nghĩa là y chỉ tướng bên ngoài tác ý tư duy tướng mạo cảnh bên trong.

5. Thô trọng tâm tán loạn, nghĩa là trong tác ý làm duyên, sinh khởi các thụ, do thân thô trọng nên chấp ngã ngã sở.

6. Tự tính tâm tán loạn.

Nói 5 thức thân có 15 thứ tâm an trụ:

1. Sơ phát an trụ tâm, là tu phương tiện Tam-ma-địa.

2. Chứng đắc an trụ tâm, là đã được chưa đến Tam-ma-địa.

3. Viên mãn an trụ tâm, là đã được căn bản tĩnh lự Tam-ma-địa.

4. Tự tại an trụ tâm, là ở đây được tùy ý muốn.

5. An trụ tâm còn có động, là ở 3 tĩnh lự dưới.

6. A trụ tâm không còn động, là tĩnh lự thứ tư.

7. An trụ tâm các tịch tĩnh từ đây trở lên. Nghĩa là ở nơi tịch tĩnh Vô sắc giải thoát.

8. Tối thắng tịch tĩnh an trụ tâm, là ở nơi tưởng, thụ diệt giải thoát.

9. Tín giải an trụ tâm, là ở nơi nghe đạo sinh trí.

10. Quyết định an trụ tâm, là ở nơi tư duy phát sinh trí.

11. Ảnh tượng an trụ tâm, là ở nơi tu tạp thế gian phát sinh trí.

12. Thành thật an trụ tâm, là tu tập xuất thế gian phát sinh trí.

13. An trụ tâm có tăng thượng mạn xuất ly, là ở nơi thế gian tĩnh lự Vô sắc.

14. An trụ tâm không có tăng thượng mạn xuất ly, là ở nơi xuất thế gian tĩnh lự Vô sắc.

15. Ba hành tạp nhiễm an trụ tâm, là thức tùy sắc mà trụ, duyên sắc mà trụ, dựa vào sắc mà trụ. Như vậy cho đến tùy hành mà trụ, duyên hành mà trụ, dựa vào hành mà trụ. Trong đây tùy theo sắc mà trụ là vì chấp thụ sở y, duyên sắc mà trụ là vì thủ cảnh giới, dựa vào sắc mà trụ là vì do thô trọng. Như vậy cho đến tùy hành v.v… 3 thứ phải biết thức phi thức trụ, duyên tự tâm, vì tâm có thể tận ái.

Lại nữa, duyên cảnh giới có 6 là thường duyên cảnh, phi thường duyên cảnh, biến mãn duyên cảnh, tịnh hành duyên cảnh, thiện xảo duyên cảnh, tịnh hoặc duyên cảnh.

Như vậy là trước lại có nhiều thứ duyên cảnh giới khác, nghĩa là Dục giới hệ tâm duyên Dục, Sắc, Vô sắc và bất hệ cảnh. Như vậy Sắc, Vô sắc giới hệ tâm và bất hệ tâm đều mỗi mỗi duyên 4 thứ cảnh.

Lại nữa, dựa vào Dục giới hệ tâm, khởi Dục, Sắc, Vô sắc giới hệ tâm và bất hệ tâm; dựa vào Sắc giới hệ tâm, khởi Sắc, Vô sắc giới hệ tâm và bất hệ tâm; dựa vào Vô sắc giới hệ tâm khởi Vô sắc giới hệ tâm và bất hệ tâm.

Lại nữa quá khứ tâm duyên quá khứ vị lai hiện tại. Như vậy vị lai hiện tại tâm mỗi mỗi đều duyên 3 thứ.

Lại nữa, thiện tâm duyên thiện bất thiện vô ký. Như vậy bất thiện, vô ký tâm, mỗi mỗi đều duyên 3 thứ.

Lại nữa, lạc câu hành tâm duyên lạc câu hành v.v… 3 thứ cảnh giới. Như vậy khổ câu hành tâm, bất khổ bất lạc câu hành tâm, mỗi mỗi đều duyên 3 thứ.

Lại nữa, tham sân si tương ưng tâm, mỗi mỗi đều duyên tham v.v…tương ưng 3 thứ cảnh giới.

Lại nữa, sở trị tâm chẳng phải một, nghĩa là Dục giới hệ có 5 thứ tâm là kiến khổ sở đoạn tâm, cho đến tu đạo sở đoạn tâm. Như vậy, Sắc, Vô sắc giới hệ tâm, mỗi mỗi đều có 5 thứ và vô lậu tâm hợp lại là 16 thứ tâm.

Lại có 20 thứ tâm là Dục giới hệ tâm có 8 thứ: 1. Sinh đắc thiện tâm. 2. Phương tiện thiện tâm. 3. Bất thiện tâm. 4. Hữu phú vô ký tâm và vô phú vô ký tâm chia làm 4 thứ là dị thục sinh tâm, oai nghi lộ tâm, công xảo xứ tâm, biến hóa tâm.

Sắc giới hệ có 6 tâm, trừ bất thiện tâm và công xảo xứ tâm.

Vô sắc giới hệ có 4 tâm, nghĩa là trừ bất thiện tâm, oai nghi lộ tâm, công xảo xứ tâm, biến hóa tâm.

Bất hệ tâm có 2 thứ là học tâm và vô học tâm.

Lại nữa, tâm sở có sự thắng quyết trạch, nay sẽ đề cập.

Tụng nói:

Dựa nhiều cảnh liễu biệt,

Đều là tự nghiệp sinh.

Tâm pháp không nên nghĩ,

Vì tương tự cảnh chuyển.

Luận nói: Tâm sở hữu pháp y chỉ có thể duyên nhiều cảnh, vì 8 thứ thức mỗi mỗi tạo tác tự nghiệp mà khởi. Dựa vào tâm mà có nên gọi là tâm sở hữu pháp, không nên nghĩ nữa. Cảnh sở duyên của nó là do nó cùng với thức v.v… duyên chuyển. Như kinh nói: “Nếu đây thụ, tức đây tư duy. Nếu đây tư duy, tức đây tưởng. Nếu đây tưởng, tức đây liễu biệt.”

Lại nữa, nay sẽ lược nói tác nghiệp của 5 thứ tâm pháp biến hành là tác y, xúc, thụ, tưởng và tư.

Tụng nói:

Dẫn tâm, 3 phân biệt,

Lãnh nạp, thẩm liễu tướng.

Tội lỗi… các tạo tác,

Là tác ý … các nghiệp.

Luận nói: Dẫn phát nơi tâm là nghiệp của tác ý. Ba hòa hợp phân biệt là nghiệp của xúc. Lãnh nạp nghịch, thuận, đều không nghịch không thuận là nghiệp của thụ. Thẩm định rõ tướng là nghiệp của tưởng. Để tạo công đức, tội lỗi, đều không công đức không tội lỗi, là nghiệp của tư. Nghiệp của các tâm pháp khác như trước đã nói rộng.

Lại nữa, nay sẽ nói đến sắc sự quyết trạch.

Tụng nói:

Cõi trên không hương vị,

Đại, tạo, tùy theo được.

Cực vi không tự thể,

Bảy việc phi thật hữu.

Luận nói: Cõi trên không hương vị, nghĩa là Dục giới trở lên không có hương vị. Đại, tao, tùy theo được, nghĩa là tứ đại và sở tạo sắc tùy theo tụ họp mà hiện ra. Được, nghĩa là có tự tướng. Không thể được, trong đây là không. Cực vi không tự thể, nghĩa là các cực vi chỉ do giả tưởng lập ra không thật có tự thể. Bảy việc phi thật hưuc, nghĩa là 7 việc không có thật thể: 1. Biểu sắc. 2. Hình sắc. 3. Ảnh tượng. 4. Tiếng vang. 5. Xúc xứ tạo sắc. 6. Luật nghi sắc. 7. Bất luật nghi sắc.

Lại nữa, tụng nói:

Vi hòa hợp không rời,

Thiện ác không tự nhiên.

Ba tướng, ngoài tưởng không,

Pháp xứ sắc 12.

Luận nói: Vi hòa hợp không rời, nghĩa là cực vi của tứ đại có thể dựa vào chỗ tạo sắc không tách rời. Còn các chỗ sắc khác nếu hòa hợp thì cũng không rời nhau.

Thiện ác không tự nhiên, nghĩa là sắc không phải là một tự thể có tính thiện ác, tùy khả năng phát tâm mà giả nói là thiện ác.

Ba tướng ngoài tưởng không, nghĩa là ngoài 3 tướng không có sắc nào khác. Đó là sắc có đối tượng có trông thấy, săc có đối tượng mà không trông thấy, sắc không có đối tượng cũng không trông thấy. Ba tưởng làm ra sắc ngoài ra không có sắc nào khác. Đó là tưởng có sắc, tưởng có đối tượng, tưởng có nhiều thứ khác nhau.

Pháp xứ sắc 12, nghĩa là pháp xứ sở nhiếp sắc lược nói có 12 tướng: 1. Ảnh tượng tướng. 2. Sở tác thành tựu tướng. 3. Vô kiến tướng. 4. Vô đối tướng. 5. Phi thật đại chủng sở sinh tướng. 6. Thuộc tâm tướng. 7. Thế gian tướng. 8. Bất khả tư nghị tướng. 9. Thế gian Tam-ma-địa quả tướng. 11. Tự địa hạ địa cảnh giới tướng. 12. Chư Phật Bồ-tát tùy tâm tự tại chuyển biến bất khả tư nghị tướng.

Lại nữa, nay sẽ nói đến tâm bất tương ưng hành thắng quyết trạch.

Tụng nói:

Phải biết bất tương ưng,

Đều là giả lập có.

Tính giả có 6 thứ,

Kia đều do 3 lỗi.

Luận nói: Phải biết tâm bất tương ưng hành đều là giả có. Tính giả có lược nói có 6 thứ. Những gì là 6? Nghiã là nếu là sự, có thể khởi 6 thứ ngôn luận. Sáu thứ ngôn luận là những gì? 1. Ngôn luận thuộc tương ưng với chủ. 2. Ngôn luận xa lìa đây kia. 3. Ngôn luận chúng cùng thiết lập. 4. Ngôn luận do các pháp tập hợp. 5. Ngôn luận không biến khắp tất cả. 6. Phi thường ngôn luận.

Ngôn luận thuộc tương ưng với chủ, nghĩa là các ngôn luận phối thuộc với chủ mới biết tướng của nó chứ không phải không thuộc chủ. Như khi nói sinh, thì đây là sinh ai/cái gì? Quán sát chủ sở thuộc mà khởi ngôn luận này, thì nói sinh sắc, sinh thụ, tưởng, hành, thức. Khi chẳng nói sắc thì đây là sắc của ai/cái gì? Quán chủ sở thuộc khởi ngôn luận này như sinh. Như vậy, trụ, dị, vô thường v.v… các loại tâm bất tương ưng hành, đều phải biết tất cả là ngôn luận thuộc tương ưng với chủ. Nếu sự có thể khởi ngôn luận như vậy thì đó là giả tướng.

Ngôn luận xa lìa đây kia, nghĩa là các ngôn luận không phải lấy đây hiển thị đây, cũng không phải lấy kia hiển thị kia. Đó gọi là ngôn luận xa lìa đây kia. Nếu ngôn luận lấy đây hiển thị đây thì ngôn luận này cũng ở nơi thật tướng khởi, cũng ở nơi giả tướng khởi. Nếu ngôn luận lấy kia hiển thị kia thì ngôn luận này cũng ở nơi thật tướng khởi, cũng ở nơi giả tướng khởi. Nếu chẳng phải ngôn luận lấy đây hiển thị đây, cũng chẳng phải lấy kia hiển thị kia, thì ngôn luận này hoàn toàn ở nơi giả tướng khởi.

Thế nào là ngôn luận lấy đây hiển thị đây, là ở nơi thật tướng khởi? Là như nói đất cứng.

Thế nào là đó cũng ở nơi giả tướng khởi? Là như nói đá tròn, như đất cứng đá tròn. Và như vậy nước ướt, dầu trơn, lửa ấm, lửa mạnh phựt cháy, gió động, gió mạnh thổi, cũng như thế.

Thế nào là ngôn luận lấy kia hiển thị kia, là ở nơi thật tướng khởi? Là như nói Phật cứu Đức Hữu ăn mặc và các vật dụng cần thiết v.v…

Thế nào là ngôn luận chẳng phải lấy đây hiển thị đây, cũng chẳng phải lấy kia hiển thị kia, là hoàn toàn ở nơi giả tướng khởi? Là như cửa của nhà, vách của nhà, miệng của cái lu, bụng của cái lu, xe của quân lính, cây của rừng, 10 trong 100, 3 trong 10 v.v…. Đó gọi là ngôn luận xa lìa đây kia.

Ngôn luận chúng cùng thiết lập, nghĩa là 6 thứ tướng mạo của ngôn luận thi thiết tự thể của ngôn thuyết. Sáu thứ tướng mạo là: sự tướng, ứng thức tướng, hảo tướng v.v…, ích tướng v.v…, ngôn thuyết trạng tướng, tà hạnh tướng v.v….

Sự tướng là tướng do thức nhận lấy. Ứng thức tướng là tướng do tác ý nên có thể khởi nơi thức. Hảo tướng v.v… là tướng do xúc nhận lấy. Ích tướng v.v… là tướng do thụ nhận lấy. Ngôn thuyết trạng tướng là tướng do tưởng nhận lấy. Tà hạnh tướng v.v… là tướng do tư nhận lấy.

Ngôn luận do các pháp tập hợp, nghĩa là ngôn luận do nơi nhiều hòa hợp an lập tự thể. Như ngôn luận nói ở trong sắc, thụ, tưởng, hành, thức là ngã v.v…, ở ngoài sắc, hương, vị, xúc an lập sai biệt nói là nhà cửa, vò hũ, quân lính, rừng núi v.v…

Ngôn luận không biến khắp tất cả, nghĩa là các ngôn luận có nơi thì tùy chuyển có nơi thoái hoàn. Như nơi nhà, nhà thì nói chỉ tùy nhà chuyển, nơi thôn làng đình miếu v.v… thì liền thoái hoàn, nơi vò hũ thì nơi các bình, đồ đựng khác v.v… liền thoái hoàn, quân lính thì nam, nữ v.v…thoái hoàn, rừng thì cây cối, rễ, nhánh, là hoa, quả v.v… thoái hoàn.

Phi thường ngôn luận, là phải biết 4 thứ nhân: vì phá hoại, vì không phá hoại, vì gia hành, vì chuyển biến.

Vì phá hoại là như cái bình đã vỡ thì cái bình gọi là bỏ, miểng sành gọi là sinh. Vì không phá hoại là như các dược liệu cùng hòa hợp làm thành thuốc viên thuốc bột. Các dược liệu gọi là xả bỏ, các thuốc viên thuốc bột gọi là sinh. Vì gia hành là như miếng vàng được gia hành làm các thứ vòng xuyến vật trang sức, bấy giờ miếng vàng gọi là xả bỏ, vàng xuyến gọi là sinh. Vì chuyển đổi là như thức ăn uống khi chuyển đổi thì thức ăn uống v.v… gọi là xả bỏ, phân nhơ gọi là sinh. Những loại như vậy, phi thường ngôn luận tùy theo vật mà phát khởi 6 thứ ngôn luận. Nên biết rằng những vật ấy đều là giả hữu.

Hỏi: Làm sao biết các tâm bất tương ưng hành đều là giả hữu?

Đáp: Vì do 2 lỗi: một là lỗi về nhân, hai là lỗi về thể. Lỗi về nhân nghĩa là nếu nói sinh là nhân của sinh, có thể sinh cái sinh cho nên gọi là sinh. Như vậy tức là không thể có một quả nào khác sinh ra. Cái sinh này là ai, là nhân năng sinh nên gọi là sinh. Nếu nói sinh là thể của sinh, tức là từ cái khác sinh, cho nên không thể nói là năng sinh. Như vậy, bao nhiêu tâm bất tương ưng hành theo lý nên biết.

Lại nữa tâm kia cho đến tâm bất tương ưng hành, các pháp hữu vi là nhân tính. Nay sẽ nói đến sự quyết trạch của nhân này.

Tụng nói:

Ba lỗi nhân chẳng 5,

Nhân tướng lược kết hợp.

Chỗ sở y sai khác,

Kiến lập có nhiều thứ.

Luận nói: Nếu có một kế chấp khác lập ra 6 thứ nhân là: đồng loại nhân, biến hành nhân, câu hữu nhân, tương ưng nhân, dị thục nhân và năng tác nhân. Như vậy trong 6 thứ, trừ dị thục nhân 5 nhân tính khác là không hợp lý, vì có 3 thứ lỗi. Những gì là 3? Như đồng loại nhân thì có 3 lỗi. Nếu nói nhân của cùng loại gọi là đồng loại nhân là đã thành lỗi rồi. Bởi vì sao? Nếu các pháp thiện v.v… thì thiện v.v… là thể tính đã thành tựu trước rồi còn dùng nhân làm gì? Nếu nói cùng loại tức là nhân gọi là đồng loại nhân thì tức là không quả. Thế là có lỗi không nhất định. Bởi vì sao? Không cho thấy rõ quả thì biết cái gì là nhân?

Lại nữa không quyết định nhân thể đồng loại thì pháp không tương tự đồng loại cũng là nhân, cho nên nếu nói không phải đồng loại tức là nhân, cũng là nhân của không phải đồng loại. Như vậy là có lỗi thiết lập trống rỗng. Nói nhân đồng loại là không có chủ, thiết lập vô dụng. Như vậy 3 thứ lỗi của 4 nhân khác cũng đúng như lý nói rộng.

Lại nữa, đã phá nhân không đúng lý, nay sẽ thiết lập nhân tướng đúng lý. Nếu lược nói có 2 thứ nhân: một là nhân của tướng trói buộc, hai là nhân của tướng hòa hợp. Nhân của tướng trói buộc là phiền não tùy miên. Đây là dựa vào cái khả năng sinh hậu hữu mà nói. Nhân của tướng hòa hợp là nhân duyên hòa hợp thì các pháp sinh. Đây là dựa vào khả năng sinh lúc hiện tại mà nói.

Lại nữa đây là lược nói nhân. Tướng và dựa vào xứ sai biệt kiến lập lại có nhiều thứ.

Tướng, nghĩa là nếu do đây làm trước, đây là kiến lập, đây hòa hợp nên các pháp sinh, hoặc sinh, hoặc được, hoặc thành lập, hoặc làm xong, hoặc khởi tác dụng, phải biết nói như vậy tức là nhân đó.

Hỏi: Lấy cái gì làm trước, cái gì làm kiến lập, cái gì hòa hợp nên pháp gì sinh?

Đáp: Tự chủng tử làm trước, trừ ngoài sở y chủng, các thứ khác như sắc, phi sắc sở y và nghiệp dùng làm kiến lập, bạn và sở duyên cảnh làm hòa hợp, cho nên như chỗ thích ứng, các pháp dục hệ, sắc hệ, vô sắc hệ và bất hệ sinh.

Hỏi: Lấy cái gì làm trước, cái gì làm kiến lập, cái gì hòa hợp nên được pháp gì?

Đáp: Chủng tính Thanh Văn, Độc Giác với Như Lai làm trước, sức nội nhân làm kiến lập, sức ngoại nhân làm hòa hợp nên chứng đắc phiền não ly hệ Niết-bàn. Trong đây sức nội nhân là như lý tác ý, thiểu dục, tri túc v.v… các nội phần thiện pháp. Lại nữa, được thân người sinh nơi thánh xứ, các căn không khiếm khuyết, không các nghiệp chướng, ở nơi Như Lai đủ tâm tịnh tín. Các pháp như vậy gọi là sức nội nhân. Sức ngoại nhân là chư Phật ra đời tuyên thuyết diệu pháp, những người ở trong chính pháp cùng làm bạn bè, dùng người có đủ bi và tín làm thí chủ. Những pháp như vậy gọi là sức ngoại nhân.

Hỏi: Lấy cái gì làm trước, cái gì làm kiến lập, cái gì hòa hợp nên pháp gì thành lập?

Đáp: Trong pháp sở tri, thắng giải dục lạc làm trước, lấy tông, nhân, thí dụ làm kiến lập, chúng không mâu thuẫn và tranh luận nhau làm hòa hợp, nên nghĩa muốn lập mới được thành lập.

Hỏi: Lấy cái gì làm trước, cái gì làm kiến lập, cái gì hòa hợp nên pháp gì làm xong?

Đáp: Trí công xảo làm trước, tùy theo sức cần lao làm kiến lập, công xảo, nghiệp xứ, công cụ làm hòa hợp, nên sau đó công xảo nghiệp xứ làm xong. Lại nữa, ái làm trước, do ăn ở nương tựa làm kiến lập, 4 cách ănlàm hòa hợp nên hữu tình đã sinh ra được nuôi dưỡng và tồn tại.

Hỏi: Lấy cái gì làm trước, cái gì làm kiến lập, cái gì hòa hợp nên pháp gì có tác dụng?

Đáp: Tự chủng làm trước, tức đời trước làm kiến lập, sinh duyên làm hòa hợp, nên tự tác nghiệp là tự nơi tác dụng mà được làm xong. Tự chỗ tác nghiệp là như nghiệp thấy của mắt. Như vậy biết rằng các căn khác đều có tác nghiệp riêng biệt. Lại như đất có khả năng duy trì, nước có khả năng lưu lãng, lửa có khả năng thiêu đốt, gió có khả năng làm khô ráo. Các loại như vậy gọi là ngoại pháp, đều có tác nghiệp khác biệt.

Chỗ sở y, có 15 thứ nhân duyên chỗ sở y: 1. Tiếng nói. 2. Lãnh thụ. 3. Tập khí. 4. Chủng tử hữu nhuận. 5. Vô gián diệt. 6. Cảnh giới. 7. Căn. 8. Tác dụng. 9. Sĩ phu dụng. 10. Chân thật kiến. 11. Tùy thuận. 12. Công năng sai biệt. 13. Hòa hợp. 14. Chướng ngại. 15. Không chướng ngại.

Sai biệt, là 10 nhân, 4 duyên, 5 quả.

Mười nhân là tùy thuyết nhân, quán đãi nhan, khiên dẫn nhân, sinh khởi nhân, nhiếp thụ nhân, dẫn phát nhân, định biệt nhân, đồng sự nhân, tương vi nhân,bất tương vi nhân.

Bốn duyên là nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên.

Năm quả là dị thục quả, đẳng lưu quả, ly hệ quả, sĩ dụng quả, tăng thượng quả.

Trong đây, tùy tên gọi tất cả pháp làm trước nên tưởng, tưởng làm trước nên nói. Đó gọi là tùy thuyết nhân.

Nếu quán sát chờ đợi đây, hoặc nhân đây mà tìm cầu hoặc thủ lấy. Đó gọi là quán đãi nhân. Như quán sát chờ đợi cái tay nên cái tay là nhân khởi nghiệp cầm nắm. Quán sát chờ đợi cái chân thì chân là nhân nên khởi nghiệp đi lại. Quán sát chờ đợi khớp lóng thì khớp lóng là nhân nên khởi nghiệp co duỗi. Quán sát chờ đợi sự đói khát xảy đến nên đói khát là nhân mà tìm cầu cái ăn uống. Tùy theo những loại như vậy có vô lượng sở thụ. Phải biết đều gọi là quán đãi nhân. Nếu chủng tử ở nơi tự quả sau cùng tức là khiên dẫn nhân. Tức chủng tử này là sinh khởi nhân của tự quả. Trừ chủng tử ra, tất cả các duyên là nhiếp thụ nhân. Tức là quả của chủng tử này sau khi sinh rồi là dẫn phát nhân cho chủng tử dẫn đến quả. Cái nhân có thể tạo ra các loại khác nhau, gọi là định biệt nhân. Gồm chung các nhân như quán đãi nhân, khiên dẫn nhân, sinh khởi nhân, nhiếp thụ nhân, dẫn phát nhân, định biệt nhân như vậy gọi là đồng sự nhân. Nếu quả đã sinh rồi bị chướng ngại, gọi là tương vi nhân. Nếu lìa chướng ngại, gọi là bất tương vi nhân.

Chủng tử của các pháp là nhân duyên. Đẳng vô gián duyên, nghĩa là nếu từ thức này bình đẳng không gián đoạn quyết định các thức sinh thì đây là đẳng vô gián duyên của kia. Nếu các tâm, tâm sở hữu pháp duyên cảnh, đó là sở duyên duyên. Tăng thượng duyên là trừ chủng tử ra, các sở y như nhãn v.v… và các pháp cộng hữu nơi nhãn thức v.v…, cũng như vậy các căn khác v.v…ở nơi các thức khác v.v… lại nữa pháp thiện bất thiện nhiếp thụ quả ái bất ái, những loại như vậy là tăng thượng duyên.

Các pháp bất thiện chiêu báo ác thú, thiện pháp hữu lậu chiêu báo thiện thú. Đó gọi là quả dị thục. Nếu do tập bất thiện nên thích trụ nơi bất thiện, bất thiện tăng nhiều. Còn tu tập thiện thì thích an trụ nơi thiện, thiện pháp tăng nhiều. Lại nữa, tương tự với nghiệp trước, quả sau chuyển theo, đó gọi là quả đẳng lưu. Nếu do thánh bát chi đạo các phiền não diệt, đó là quả ly hệ. Nếu các phàm phu do thế gian đạo mà các phiền não diệt, chẳng phải chuyển một cách rốt ráo cho nên không phải quả ly hệ. Nếu các thế gian, ở trong hiện pháp, tùy dựa vào một loại nghiệp xứ công xảo khởi sĩ phu dụng, nghĩa là kinh doanh nông nghiệp, thương mại, làm công chức, kế toán, in ấn v.v… do nhờ đây mà thu hoạch sung túc, được lợi nhuận thương mại v.v…, thành tựu các quả pháp như vậy gọi là quả sĩ dụng. Nhãn thức là quả tăng thượng của nhãn căn. Như vậy cho đến ý thức là quả tăngb thượng của ý căn. Lại nữa, thân chúng sinh không tan hoại là qủ tăng thượng của mạng căn. Lại nữa, trong 22 căn tất cả đều có sức tăng thượng riêng biệt, cho nên quả nó được sinh. Phải biết những quả ấy đều gọi là quả tăng thượng.

Hỏi: Kiến lập như thế nào?

Đáp: Dựa vào chỗ dựa của tiếng nói kiến lập tùy thuyết nhân. Bởi vì sao? Do hệ pháp nơi Dục giới, hệ pháp nơi Sắc, Vô sắc giới và bất hệ pháp kiến lập. Tên gọi làm trước nên tưởng chuyển, tưởng trước nên khởi ngôn ngữ, do ngôn ngữ nên tùy theo chỗ thấy, nghe, hay, biết mà khởi các nói năng. Cho nên dựa vào chỗ dựa của lời nói mà kiến lập tùy thuyết nhân.

Dựa vào chỗ dựa của lãnh thụ kiến lập quán đãi nhân. Bởi vì sao? Người có ý muốn tìm cái vui nơi Dục giới, họ quán sát đây nên tìm kiếm cho được, hoặc cầu chứa để, hoặc cầu thụ dụng. Người có ý muốn tìm cái vui nơi Sắc, Vô sắc giới, họ quán sát đây nên đối với các duyên hoặc tìm kiếm cho được, hoặc cầu thụ dụng. Người có ý muốn tìm cái vui nơi không ràng buộc, họ quán sát đây nên đối với các duyên hoặc cầu được hoặc cầu thụ dụng. Những người không muốn khổ quán sát đây nên đối với sự được duyên, đoạn duyên hoặc cầu xa lìa, hoặc cầu thụ dụng, cho nên dựa vào chỗ dựa của lãnh thụ kiến lập quán đãi nhân.

Dựa vào chố dựa của tập khí kiến lập khiên dẫn nhân. Bởi vì sao? Do nghiệp tịnh bất tịnh huân tập các hành trong 3 cõi nên ở trong các thú ái bất ái có thể cảm ái bất ái tự thân. Lại nữa, tức do sức tăng thượng đây những nhu yếu bên ngoài hoặc đầy đủ hoặc tổn giảm. Cho nên dựa vào chỗ dựa của tập khí các hành tịnh bất tịnh nghiệp kiến lập khiên dẫn nhân.

Dựa vào chỗ dựa của hữu nhuận chủng tử kiến lập sinh khởi nhân. Bởi vì sao? Các pháp thuộc cõi Dục và các pháp thuộc cõi Sắc, Vô sắc đều từ chủng tử của chính nó mà được sinh khởi. Ái là năng nhuận. Chủng là sở nhuận. Do các chủng tử sở nhuận này nên trước dẫn dắt các biệt tự thân nay được sinh khởi. Như kinh nói: “Nghiệp là cảm sinh nhân. Ái là sinh khởi nhân.” Cho nên dựa vào chỗ dựa của nhuận chủng tử kiến lập sinh khởi nhân.

Dựa vào chỗ dựa của vô gián diệt và chỗ dựa của tác dụng, sĩ dụng, chân thật kiến của cảnh giới căn kiến lập nhiếp thụ nhân. Bởi vì sao? Do các pháp thuộc cõi Dục vô gián diệt nhiếp thụ, cảnh giới nhiếp thụ, căn nhiếp thụ, tác dụng nhiếp thụ, sĩ dụng nhiếp thụ, nên các hành chuyển. Giống như các hành thuộc cõi Dục, các hành thuộc cõi Sắc, Vô sắc cũng vậy.

Vì nhiếp thụ chân thật kiến nên các hành không ràng buộc khác chuyển. Cho nên dựa vào chỗ dựa của vô gián diệt, cảnh giới, căn, tác dụng, sĩ dụng, chân thật kiến mà kiến lập nhiếp thụ nhân.

Dựa vào chỗ dựa của tùy thuận kiến lập dẫn phát nhân. Bởi vì sao? Thiện pháp thuộc cõi Dục có thể dẫn phát các thắng thiện pháp cõi Dục. Như vậy thiện pháp cõi Dục có thể dẫn phát các thắng thiện pháp thuộc cõi Sắc, Vô sắc vì tùy thuận theo chúng.

Như thiện pháp của Dục hệ, thiện pháp của Sắc hệ cũng như vậy có thể dẫn phát các thắng thiện pháp của Sắc hệ và Vô sắc hệ. Nếu các thiện pháp của bất hệ, như thiện pháp của Sắc hệ, như vậy thiện pháp của Vô sắc hệ có thể dẫn phát các thắng thiện pháp của Vô sắc hệ và thiện pháp của bất hệ. Như thiện pháp của Vô sắc hệ , như vậy thiện pháp bất hệ có thể dẫn phát các thắng thiện pháp của bất hệ và có thể dẫn phát pháp vô vi tác chứng.

Lại nữa, bất thiện pháp có thể dẫn phát thắng bất thiện pháp. Nghĩa là như dục tham v.v… có thể dẫn phát sân, si, mạn, kiến nghi, thân ác hành, ngữ ác hành, ý ác hành. Như dục tham, như vậy sân, si, mạn, kiến nghi cũng đều như thế. Như vậy pháp vô ký có thể dẫn phát thiện bất thiện vô ký pháp. Vì vậy mà thức A-lại-da có thề gìn giữ chủng tử thiện bất thiện vô ký.

Lại nữa, vô ký pháp có thể dẫn phát đồng loại thắng vô ký pháp. Nghĩa là đoàn thực có thể đưa đến hữu tình đã sinh ra khiến trụ không hoại và có thể dẫn phát sức mạnh vui thích khiến tăng trưởng vì tùy thuận chúng. Cho nên dựa vào chỗ tùy thuận kiến lập dẫn phát nhân.

Dựa vào chỗ dựa của công năng sai biệt kiến lập định biệt nhân. Bởi vì sao? Do công năng của tự thể pháp của Dục hệ có sai biệt nên có thể sinh pháp sai biệt của các thứ thể. Như pháp của Dục hệ, như vậy pháp của Sắc hệ, pháp của Vô sắc hệ và pháp của bất hệ cũng thế. Cho nên dựa vào chỗ dựa của công năng sai biệt kiến lập định biệt nhân. Dựa vào chỗ dựa của hòa hợp kiến lập đồng sự nhân. Bởi vì sao? Phải do đạt được tự sinh hòa hợp nên pháp Dục hệ sinh. Như pháp Dục hệ, pháp Sắc hệ, pháp Vô sắc hệ và bất hệ pháp cũng thế. Như sinh hòa hợp, như vậy đắc hòa hợp, thành lập hòa hợp, thành biện hòa hợp, tác dụng hòa hợp cũng thế. Cho nên dựa vào chỗ hòa hợp kiến lập đồng sự nhân.

Dựa vào chỗ có chướng ngại kiến lập tương vi nhân. Bởi vì sao? Nếu pháp Dục hệ khi sắp sinh nếu có chướng ngại hiện tiền thì không khởi được. Như pháp Dục hệ, như vậy pháp Sắc, Vô sắc hệ và bất hệ pháp cũng thế. Như vì muốn sinh, như vậy vì muốn được, vì muốn thành lập, vì muốn làm xong, vì muốn tác dụng cũng thế. Cho nên dựa vào chỗ chướng ngại kiến lập tương vi nhân. Đựa vào chỗ không chướng ngại kến lập bất tương vi nhân. Bởi vì sao? Nếu khi pháp của Dục hệ sắp sinh nếu không có chướng ngại hiện tiền thì liền được sinh khởi. Như pháp của Dục hệ, pháp của Sắc, Vô sắc hệ và bất hệ pháp cũng thế. Như sinh, như vậy đắc, thành lập, thành biện, tác dụng cũng thế. Như sinh, như vậy đắc, thành lập, thành biện, tác dụng cũng như thế. Cho nên dựa vào chỗ không chướng ngại kiến lập bất tương vi nhân.

Lại nữa dựa vào chỗ dựa của chủng tử duyên kiến lập nhân duyên. Dựa vào chỗ dựa của vô gián diệt duyên kiến lập đẳng vô gián duyên. Dựa vào chỗ dựa của cảnh giới duyên kiến lập sở duyên duyên. Dựa vào chỗ dựa của các duyên khác kiến lập tăng thượng duyên.

Lại nữa, dựa vào tập khí và tùy thuận nhân y xứ, duyên y xứ, kiến lập dị thục quả và đẳng lưu quả. Dựa vào chan thật kiến nhân y xứ duyên y xứ, kiến lập ly hệ quả. Dựa vào sĩ dụng nhân y xứ, duyên y xứ, kiến lập sĩ dụng quả. Dựa vào các nhân y xứ duyên y xứ khác kiến lập tăng thượng quả.

Lại nữa, nghĩa thuận ích là nghĩa của nhân. Nghĩa kiến lập là nghĩa của duyên. Nghĩa thành biện là nghĩa của quả.

Lại nữa có 5 tướng của nhân kiến lập.

Đó là nhân năng sinh, nhân phương tiện, nhân vô gián diệt, nhân diệt đã lâu xa. Nhân năng sinh, là nhân sinh khởi. Nhân phương tiện là các nhân khác. Nhân câu hữu là một phần của nhân nhiếp thụ. Như nhãn đối với nhãn thức. Như vậy nhĩ v.v… đối với các thức khác. Nhân vô gián diệt nghĩa là nhân sinh khởi. Nhân diệt đã lâu xa là nhân khiên dẫn.

Lại nữa có 5 tướng của nhân kiến lập.

Đó là nhân khả ái, nhân không khả ái, nhân tăng trưởng, nhân lưu chuyển, nhân hoàn diệt.

Lại nữa có 7 tướng của nhân kiến lập.

Đó là pháp vô thường là nhân tướng. Không có pháp thường, được gọi là nhân. Như sinh nhân, đắc nhân, thành lập nhân, thành biện nhân, tác dụng nhân.

Lại pháp vô thường khi làm nhân cho pháp vô thường làm nhân cho tính khác không phải tính củ chính nó, cũng làm nhân cho tự tính sau, không phải ngay nơi sát-na này.

Lại làm nhân cho tính khác và khi làm nhân cho tự tính sau, chắc chắn đã sinh chưa diệt, không phải chưa sinh đã diệt.

Lại làm nhân khi đã sinh chưa diệt ắt được các duyên, không phải không được.

Lại khi được các duyên chắc chắn thành đổi khác, không phải chưa thành đổi khác.

Lại khi thành đổi khác chắc chắn có công năng tương ưng, không phải công năng thoái mất.

Lại khí công năng tương ưng chắc tương xứng tùy thuận, không phải không tương xứng không tùy thuận.

Như vậy 7 thứ tướng nhân, thích ứng thì kiến lập.

Lại nữa, nay sẽ nói về vô vi quyết trạch.

Tụng nói:

Vì tâm sở duyên v.v…

Vì thanh tịnh sở duyên,

Vì 4 thứ ly hệ,

Nên lập 8 vô vi.

Luận nói: Tám thứ vô vi như đã nói trong phẩm Nhiếp sự. Hư không vô vi, nghĩa là do tâm duyên cảnh tướng tương tự, cho nên lập là thường, không phải duyên tâm kia, duyên cảnh giới kia mà có khi biến đổi. Do thanh tịnh duyên nên kiến lập chân như. Do chân như này như khi thanh tịnh duyên thể tướng thướng trụ như vậy. Do 4 thứ ly hệ nên kiến lập 4 vô vi khác. Đó là phi trạch diệt v.v…4 thứ. Ly hệ, là duyên sai thoát tất cánh ly hệ, giản trạch phiền não cứu cánh ly hệ, khổ lạc tạm thời ly hệ, tâm tâm pháp tạm thời ly hệ.

Như vậy đã nói tất cả về quyết vtrạch giới sự. Nay sẽ nói quyết trạch.

Tụng nói:

Cần phải biết 3 cõi,

Mười hai tướng sai biệt.

Sở trị và năng trị,

Chỉ làm tổn phục chủng.

Luận nói: Phải biết 3 cõi Dục, Sắc, Vô sắc có 12 thứ tướng sai biệt:

1. Nhiều thứ sai biệt. Đây lại có 6 thứ là: nhiều thứ sở y, nhiều thứ tướng mạo, nhiều thứ xứ sở, nhiều thứ cảnh giới, nhiều thứ phiền não, nhiều thứ tác nghiệp.

2. Cõi đến sai biệt.3

3. Khổ vui không khổ không vui và cả hai sai biệt.

4. Có nạn không nạn sai biệt. Nghĩa là ở Dục giới hoặc có nạn hoặc không có nạn, còn 2 cõi trên chỉ có nạn là thiểu công năng.

5. Xứ không thanh tịnh, thân không thanh tịnh sai biệt. Nghĩa là hoặc có xứ không thanh tịnh mà thân thanh tịnh, nghĩa là sinh ở Dục giới nơi không có tai nạn. Hoặc có xứ thanh tịnh thân thanh tịnh, tức là người đã kiến đế ở Sắc giới Vô sắc giới.

6. Thụ dụng sai biệt, nghĩa là Dục giới thụ dụng cảnh giới ngoại môn và thụ dụng 4 cách ăn. Hai giới trên thụ dụng cảnh giới nội môn và thụ dụng 3 cách ăn.

7. Thiện căn hơn kém sai biệt.

8. Thiện căn có xen tạp ác hành, thiện căn không xen tạp ác hành sai biệt.

9. Thô trọng, hậu bạc sai biệt.

10. Sinh sai biệt.

11. Được tự thể sai biệt. Nghĩa là ở Dục giới đủ 4 thứ được tự thể. Hai cõi trên chỉ có một thứ, do cõi kia không có nên tự hại cũng không tha hại.

12. Ngôn thuyết sai biệt. Nghĩa là trong Dục giới đủ 4 thứ ngôn thuyết. Sắc giới không giác, không suy đạc. Vô sắc giới tất cả không có.

Lại nữa, phải biết 3 cõi năng trị sở trị sai biệt. Nghĩa là Dục giới là sở trị Sắc giới là năng trị. Sắc giới là sở trị Vô sắc giới là năng trị. Lại nữa hạ địa là sở trị thượng địa là năng trị.

Như vậy đối trị chỉ là làm tổn làm đè bẹp chủng tử khiến nó suy yếu, không phải vĩnh viễn hại diệt để sinh.

Lại nữa tụng nói:

Pháp vương vị nước biển,

Dục ác thú trường thọ.

Nhiều thế giới chung một,

Đều 2 thứ nhân duyên.

Luận nói: Vì nhân duyên gì Diệm-ma quỷ vương gọi là pháp vương? Nghĩa là do nhiếp ích chúng sinh, vì 2 thứ nhân có thể nhiếp ích: 1. Khiến chúng sinh kia nghĩ nhớ đời trước đã làm, nay tự trách chán ghét ác nghiệp đời trước. 2. Khiến người chết nơi địa ngục không tạo các nghiệp ác khác nữa, mau thoát ly khỏi địa ngục.

Vì nhân duyên gì nước các biển lớn đều có vị mặn? Vì do 2 nguyên nhân: 1. Nước sinh phúc lực chúng sinh tăng trưởng, nên khiến các chúng sinh khác không thể nhập vào. 2. Trên cạn sinh không phúc tăng thượng, nên khiến chúng sinh không được vào lấy châu báu. Vì nhân duyên gì một số chúng sinh trong cõi địa ngục, súc sinh có thọ mạng dài lâu hơn các chúng sinh có căn lành ở cõi Dục? Cõi ác sống lâu do 2 nguyên nhân: 1. Thiện pháp ở cõi Dục phải tư duy lựa chọn siêng năng cố gắng mới có thể sinh khởi. 2. Các pháp bất thiện thì không do tư duy lựa chọn mà tự nhiên khởi. Vì nhân duyên gì trong 3 ngàn Đại thiên thế giới này có nhiều thế giới, cho đến trời Sắc cứu cánh mà nói là đồng một thế giới cho đến Phạm thế? Nghĩa là do 2 nguyên nhân: một là cùng thành hoại, hai là kiến lập các hội.

QUYỂN 18 HẾT