LUẬN HIỂN DƯƠNG THÁNH GIÁO
Vô Trước Bồ-tát tạo luận
Tam tạng pháp sư Huyền Trang dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 15

Phẩm 5: THÀNH KHỔ

Luận nói: Như vậy đã thành lập xong tướng vô thường. Thế nào là thành lập tướng khổ?

Tụng nói:

Sinh là nhân dục ly,

Diệt sinh hòa hợp dục.

Đảo vô đảo chán lìa,

Nhân ấy là tướng khổ.

Luận nói: Nếu khi pháp sinh là xa lìa nhân của dục. Nếu khi pháp diệt là hòa hợp với nhân của dục. Nếu không biết rõ, là nhân của điên đảo. Nếu khéo thông đạt, là nhân của vô đảo. Trong tất cả mọi thời sinh chán lìa dục, như vậy phải biết đó là thông tướng của khổ.

Lại nữa tụng nói:

Y 3 thụ sai biệt,

Thiết lập 3 tướng khổ.

Nên nói tất cả thụ,

Thể tính đều là khổ.

Luận nói: Do dựa vào tướng 3 thụ sai biệt nên thiết lập 3 tướng khổ: tức là tướng khổ khổ, tướng hoại khổ, tướng hành khổ.

Do tướng này nên Phật nói các thụ đều là khổ. Nghĩa là đối với khổ thụ và pháp thuận khổ thụ xứ, nên lập tướng khổ đầu tiên. Đối với lạc thụ và pháp thuận lạc thụ xứ, nên thiết lập tướng khổ thứ hai. Đối với bất khổ bất lạc thụ và pháp thuận với thụ xứ này, nên thiết lập tướng khổ thứ ba. Do không hiểu rõ tướng thứ ba này có thể là thường v.v…sinh nhân điên đảo. Nếu có thể hiểu rõ là vô thường v.v…sinh nhân vô đảo và có thể phát khởi Niết-bàn lạc dục. Lại nữa, do biết rõ hay không biết rõ cái khổ thứ ba, nên 2 khổ trước cũng rõ hoặc không rõ.

Lại nữa, 2 tướng khổ trước thế gian cộng thành, tướng khổ thứ ba không cộng thành. Nay phải thành lập tính của các hành là hành khổ.

Tụng nói:

Phải biết tính hành khổ,

Đều tùy theo thô trọng.

Lạc, xả, không hợp lý,

Đồng lỗi không giải thoát.

Luận nói: Tính các hành là lạc và xả, là không hợp lý. Bởi vì sao? Trong tất cả vị, thô trọng đều đi theo. Cho nên thể tính các hành là khổ. Nếu không vậy thì theo tuần tự tính của nó phải không có lạc dục của lạc và không khổ không lạc, phải không có cái biết khổ và không khổ không lạc, phải không có cái biết khổ lạc.

Hỏi: Ông cũng như vậy, nếu chỉ có duy nhất một tính khổ thì phải không biết có lạc và không khổ không lạc?

Đáp: Do không rõ nên gọi là có.

Hỏi: Tôi cũng vậy, do không rõ nên gọi là có.

Đáp: Không phải vậy. Vì lỗi không giải thoát Nếu nơi tính, biết rõ các hành lạc và không khổ không lạc, thì khổ đó gọi là khổ đế hiện quán. Đây do lần lượt cho đến chứng đắc cứu cánh giải thoát. Nếu không hiểu rõ mà gọi là khổ tức là điên đảo, không thể chứng cứu cánh tịch diệt.

Lại nữa, tụng nói:

Mãnh lợi, sâu, chướng ngại,

Y tiến trụ thừa không.

Tính chấp trước hạ liệt,

Điên đảo và nhiễm ô.

Luận nói: Lại nữa tính các hành là khổ, lại thêm cái tính khổ mãnh liệt và bén nhạy, còn lạc v.v… thì không như vậy. Lại nữa tướng khổ là sâu nặng khó đối trị, còn lạc v.v… thì không như vậy. Lại nữa cái tướng khổ là đồng đều biến khắp tất cả, cho đến chứng được đại pháp cũng bị tổn não và chấp thường lạc ngã tịnh, gọi là điên đảo có thể chướng ngại thánh pháp. Lại nữa chấp là lạc v.v… có thể làm chỗ sở y cho tham v.v… các hoặc đại tiểu. Lại nữa khổ v.v… có thể dẫn đến công đức thắng tiến ở bậc trên. Lại nữa nếu trụ lâu các oai nghi v.v…liền sinh khổ lớn không thể nhẫn chịu được. Lại nữa người chấp không, cũng bị cái khổ lớn theo đuổi. Lại nữa người chấp trước lạc thì tính hạ liệt. Lại nữa nơi các hành, chấp trước cho là lạc thì ở trong điên đảo. Lại nữa do thế gian khới lạc dục, đa phần là nhiễm ô. Cho nên các hành đều là khổ.

Lại nữa tụng nói:

Như ung nhọt hủi v.v…

Là 3 thụ sở y.

Hay phát ra 3 xúc,

Thủ lạc.v.v…tùy chuyển.

Luận nói: Phải biết tính của các hành đều khổ như ung, nhọt, hủi, chỗ sở y của 3 thụ. Bởi vì sao? Vì thế gian ung, nhọt, hủi v.v… có thể phát tùy thuận 3 thứ xúc là khổ, lạc và xả. Do nơi xúc này mà thế gian hữu tình chấp thủ cho là khổ, lạc và không khổ không lạc. Như vậy đối với các tính khổ, các hành phát khởi 3 xúc. Do xúc này nên lạc v.v… chuyển thành các thụ. Nếu cái này không, các thụ không chuyển. Như vậy là đã hiển thị tướng khổ lập tông và nhân dụ rồi.

Lại nữa vì nhân duyên gì thiết lập các hành chỉ có 3 khổ, không nhiều không ít?

Tung nói:

Tự tướng, tự phân biệt,

Không an ổn khổ tính.

Phải biết năm mươi lăm,

Ba khổ đều thâu nhiếp.

Luận nói: Do tự tính của khổ chỉ có 3 thứ: 1. Do tự tướng. Nghĩa là tính khổ khổ. 2. Do tự phân biệt. nghĩa là tính hoại khổ. Nếu không phân biệt thì tuy có biến đổi, nhưng người đã giải thoát thì khổ không sinh. 3. Do không an ổn. Nghĩa là tính hành khổ. Vì các phiền não thô trọng theo đuổi. Như vậy sự sai biệt của 3 khổ lại có 55 thứ cần phải biết. Những gì là 55 thứ?

Tụng nói:

Giới, duyên, thân, các thú,

Chủng loại, đế, 3 đời.

Thời, mạng, phẩm loại khác,

Dẫn các khổ sai biệt.

Luận nói: Giới sai biệt nên có 3 khổ. Đó là Dục giới hệ, Sắc giới hệ và Vô sắc giới hệ. Duyên sai biệt nên có 6 thứ khổ. Đó là dục căn bản khổ, quả báo ngu si khổ, duyên nghiệp trước khổ, duyên hiện nhân khổ, duyên tịnh nghiệp khổ, duyên bất tịnh nghiệp khổ. Thân sai biệt có 4 thứ khổ. Đó là chịu gánh nặng khổ, địa vị biến hoại khổ, thô nặng khổ, sinh tử khổ. Các thú sai biệt nên có 5 thứ khổ. Đó là bức não khổ, nghèo thiếu khổ, trái ngược quá khổ, yêu biến hoại khổ, thô trọng khổ. Đế sai biệt nên có 8 thứ khổ. Đó là sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oán ghét gặp nhau khổ, yêu thương xa lìa khổ, cầu không được khổ, 5 thủ uẩn khổ. Đời sai biệt nên có 9 thứ khổ. Đó là quá khứ khổ do quá khứ . Vị lai hiện tại do duyên sinh, vị lai, hiện tại cũng khổ như vậy. Thời sai biệt nên có 4 thứ khổ. Đó là thời tiết đổi khác khổ, đói khổ, khát khổ, oai nghi co duỗi hơi thở ra vào nhắm mắt mở mắt v.v… dẫn đến các khổ. Nuôi mạng sống sai biệt nên có 4 thứ khổ. Đó là tìm cầu không biết chán đủ khổ, đeo đuổi khổ, giữ gìn bảo vệ khổ, không tự do khổ. Phẩm loại sai biệt nên có 7 thứ khổ: 1. Tổn giảm khổ, là phẩm loại tại gia. 2. Tăng ích khổ, là phẩm loại xuất gia. 3. Ưu não khổ. 4. Ly hữu khổ. Lại nữa dựa vào thiện thuyết pháp luật thì xuất gia có 3 thứ khổ: 1. Ngu si khổ, nghĩa là hi vọng vị lai mà truy vị quá khứ. 2. Tật đố khổ. 3. Không hơn người khổ. Dựa vào ác thuyết pháp luật thì xuất gia có 3 khổ: 1. Ngu si khổ, là chấp điên đảo đối với pháp sở tri. 2. Tật đố khổ, là đối với Phật và đệ tử Phật, tâm bất nhẫn với sở đắc danh lợi. 3. Người hơn mình khổ, là vì danh lợi nên khi khởi tranh luận rơi vào chỗ thất bại.

Tụng nói:

Chưa lìa Dục, Sắc v.v…

Phải biết có 3 bậc.

Dục giới đủ tất cả,

Sắc, Vô sắc trừ hai.

Luận nói: Như vậy 55 thứ khổ, 3 bậc đều gồm đủ. 1. Bậc chưa ly Dục, nghĩa là bị cõi Dục ràng buộc. 2. Bậc đã ly Dục, nghĩa là bị cõi Sắc ràng buộc. 3. Bậc lìa Dục, Sắc, nghĩa là bị cõi Vô sắc ràng buộc. Tức 3 thứ này theo thứ tự lập 3 thứ khổ. Nghĩa là thượng trung và hạ. Lại nữa trong cõi Dục đủ tất cả thứ khổ. Trong cõi Sắc, Vô sắc không có 2 thứ khổ, đó là gồm 2 thứ khổ khổ và hoại khổ và gồm 2 thứ là dục căn bản khổ, ngu si báo khổ, nhưng có các khổ khác.

Tụng nói:

Thế tục só 2 thứ,

Thắng nghĩa là biến hành.

Hai duyên chung bậc trên,

Phải biết không hiện nhiễm.

Luận nói: Như vậy các khổ lược có 2 thứ là thế tục và thắng nghĩa khác nhau. Khổ của thế tục đế có 2 thứ là khổ khổ và hoại khổ. Khổ của thắng nghĩa đế có một thứ là hành khổ. Cũng gọi là biến hành khổ, vì nó biến khắp cả cho đến Dục v.v… 3 cõi. Bậc trên của cõi Dục có 2 duyên sinh khổ, đó là khổ do duyên nghiệp đời trước, khổ duyên không nhân hiện tại, hữu tịnh duyên khổ, vô bất tịnh duyên khổ.

Tụng nói:

Vô sắc chẳng gánh nặng,

Biến hành trời thô trọng.

Và đế là sau cùng,

Ngoài 7 trên tùy phược.

Luận nói: Trong cõi Vô sắc không có cái khổ thân gánh nặng, có cái khổ của thiên đạo, cái khổ thô trọng, cái khổ đế của các thủ uẩn sau cùng. Đây chung cả Dục v.v… 3 cõi nên gọi là biến hành khổ. Ngoài ra sinh v.v… 7 khổ gồm cả cõi Dục. Bậc trên tuy có tùy phược, lại có thể thoái hoàn, nhưng không có cái khổ tự thể.

Tụng nói:

Phải biết sinh v.v… khổ,

Đều 5 thứ sai biệt.

Khổ thô nặng tương ưng,

Chỗ y chỉ 3 khổ.

Luận nói: Sinh v.v…7 khổ mỗi mỗi đều có 5 thứ. Đó là khổ tương ưng, thô nặng tương ưng và chỗ y chỉ của 3 khổ. Sinh là chỗ sở y của lão v.v…các khổ, sở y của phiền não, sở y của bất khả lạc, dục, hành, hoại. Lão là chỗ sở y của sắc suy thoái v.v… Bệnh là chỗ sở y của những tập mà ta không muốn, là chỗ sở y của những gì ta muốn mà không tập, chỗ sở y sai trái thuận với tử đại chủng. Tử là sở y của sự ly biệt của tự thể, sở y của sự ly biệt của của cải, sở y của nỗi khổ về sự ly biệt của những yêu thương, sở y của nỗi khổ về sự gặp phải những oán ghét, sở y của 3 khổ như oán ghét gặp phải v.v…bức bách nơi thân, sở y của những bức bách nơi tâm và sở y của những gì làm cho thân tâm suy tổn.

Tụng nói:

Sau cùng và sau cùng,

Đều 4 khổ sở y.

Là sinh, sinh căn bản,

Và khổ tính biến hoại.

Luận nói: Trong 8 khổ sau cùng gồm có các thủ uẩn khổ và trong 3 khổ sau cùng là hành khổ, đều là 4 khổ sở y cho nên khổ: 1. Sinh khổ sở y. 2. Sinh căn bản khổ sở y. 3. Khổ tự tính khổ sở y. 4. Biến hoại khổ sở y.

Tụng nói:

Gồm ở trong 3 đời,

Hai duyên khổ chẳng trên.

Chỗ nói về các khổ,

Đều là ở cõi Dục.

Luận nói: Ở bậc trên cũa cõi Dục trong cái khổ 3 đời không có khổ duyên quá khứ và vị lai. Bởi vì sao? Chẳng phải như bậc trên duyên quá khứ vị lai hư vọng phân biệt sinh các khổ, chỉ có duyên hiện tại thô nặng. Trừ các khổ nói trên, ngoài ra các khổ khác chỉ trói buộc trong cõi Dục mà thôi.

Lại nữa vì nhân duyên gì người ngu si chuyển theo các cảnh khổ thật có?

Tụng nói:

Mất niệm không công dụng,

Loạn không chính tư duy.

Không hiểu rõ ngu si,

Và do các phóng dật.

Luận nói: Đối với khổ ngu si là do 5 thứ nhân, và do các pháp phóng dật đã nói ở trước. Năm thứ nhân là: 1. Quên mất niệm khổ trong quá khứ. 2. Không dụng công suy tìm cái khổ ở vị lai. 3. Đối với khổ hiện tại khởi 4 thứ đảo loạn. 4. Do không chính tư duy, đối với các khổ thô nặng chấp là ngã. 5. Do không hiểu đúng, đối với các khổ tính không biết rõ.

Lại nữa, do 4 thứ nhân khởi làm cho mất niệm.

Tụng nói:

Ngu muội nên yếu kém,

Và khởi các phóng dật.

Đoạn dứt sự nối tiếp,

Chuyển thành quên mất niệm.

Luận nói: Ngu muội là các chủng loại ngu muội. Yếu kém là ở các vị của tử v.v…Phóng dật là tham đắm nơi cảnh. Đoạn dứt sự tiếp nối là dứt mất sự tiếp nối của chúng đồng phần các đời trước.

Lại nữa, do 4 thứ nhân không công dụng chuyển.

Tụng nói:

Ngu muội nên phóng dật,

Vì bảo trong hiện pháp.

Không tin nên phải khổ,

Không công dụng phát thú.

Luận nói: Ngu muội và phóng dật như trước đã nói. Bảo trong hiện pháp là do bảo trong pháp hiện tại nên không tạo công dụng khổ vị lai. Không tin nên phải khổ là do không tin có khổ vị lai nên không dụng công tạo tác.

Lại nữa do 4 thứ nhân khởi 4 thứ điên đảo.

Tụng nói:

Tương tự tương tục chuyển,

Đối trị vọng phân biệt.

Quán tập chung các thủ,

Khởi 4 thứ điên đảo.

Luận nói: Bởi thấy tương tự liên tục chuyển nên khởi điên đảo về thường. Đối trị phân biệt nên khởi điên đảo về lạc. Vọng phân biệt lạc là đối trị khổ nên do quán thông các tập mà khởi điên đảo về tịnh. Do chấp chung nên khởi điên đảo về ngã.

Lại nữa đối với khổ ngu si là do không rõ ràng 5 nhân nên khởi. Những gì là năm?

Tụng nói:

Giới khác, duyên khởi khác,

Vị khác, thứ tự khác,

Và tương tục sai khác,

Phải biết có nhiều thứ.

Luận nói: Giới sai biệt có 3 thứ khổ là Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Duyên sai biệt có 7 thứ khổ: 1. Phúc duyên. 2. Phi phúc duyên. Hai khổ này tại Dục giới. 3. Bất động duyên, tại Sắc giới và Vô sắc giới. 4. Triền tùy miên duyên, nghĩa là người dị sinh. 5. Tùy miên duyên, nghĩa là người kiến đế. 6. Hữu hành duyên, nghĩa là phi Bồ-tát. 7. Trí hành duyên, là các Bồ-tát.

Sai biệt về vị có 12 thứ khổ: 1. Cùng với thuần lạc, là chư thiên. 2. Cùng với thuần khổ, là Na-lạc-ca và một phần quỷ, bàng sinh. 3. Cùng với khổ lạc xen tạp, là người và một phần quỷ, bàng sinh. 4. Cùng với không khổ không lạc, là từ tĩnh lự thứ tư cho đến Hữu đỉnh. 5. Nơi bất tịnh và tịnh, là nơi không khó sinh trong Dục giới. 6. Nơi tịnh và bất tịnh, là các dị sinh trong Sắc Vô sắc giới. Nơi tịnh và tịnh, là những người kiế đế trong Sắc Vô sắc giới. 8. Bất tịnh và bất tịnh, là nơi có khó sinh trong Dục giới và 4 thứ khổ khi nhập thai: 1. Không biết rõ là nhập thai mẹ, không biểt rõ thời gian trụ thai không biết rõ khi xuẩt thai. 2. Biết rõ là nhập thai mẹ nhưng không biết rõ thời gian trụ thai và xuất thai. 3. Biết rõ là nhập thai mẹ biết rõ thời gian trụ thai nhưng không biết rõ khi xuất thai. 4. Biết rõ là nhập thai mẹ biết rõ thời gian trụ thai biết rõ khi xuất thai.

Sai biệt về thứ tự có 12 thứ khổ. Nghĩa là y vào 12 chi duyên khởi thứ tự tiếp nối nhau. Sai biệt có vô lượng thứ vì hữu tình có vô biên sai biệt tiếp nối nhau.

Lại nữa đối với tất cả khổ có thể biết khắp hết cả. Phải biết có 18 thứ. Đó là những gì?

Tụng nói:

Tín giải và tư trạch,

Không loạn, tâm chán lìa,

Kiến, tu và cứu cánh,

Lại như trước mười một.

Luận nói: 1. Tín giải biến tri, nghĩa là do nghe mà sinh trí. 2. Tư trạch biến tri, nghĩa là do tư duy mà sinh trí. 3. Không tán loạn biến tri, nghĩa là thế gian do tu mà sinh trí. 4. Yếm tâm nhiếp biến tri, nghĩa là noãn v.v… trí thuận quyết trạch phần. Do trí này quán tướng của tự tâm đều chuyển chán lìa. 5. Kiến đạo biến tri, nghĩa là y chỉ vào trí kiến đạo. 6. Tu đạo biến trí, nghĩa là y chỉ trí tu đạo. 7. Cứu cánh đạo biến tri, nghĩa lảtí ở trong vô học đạo.

Và như trước đã nói 11 thứ trí là: 1. Bất thiện thanh tịnh thế tục trí. 2. Thiện thanh tịnh thế tục trí. 3. Thắng nghĩa trí. 4. Bất thiện thanh tịnh tướng, hữu phân biệt trí. 5. Thiện thanh tịnh tướng, hữu phân biệt trí. 6. Thiện thanh tịnh tướng, vô phân biệt trí. 7. Thành ửo tác tiền hành trí. 8. Thành sở tác trí. 9. Thành sở tác hậu trí. 10. Thanh Văn trí. 11. Bồ-tát trí. Như vậy chung lại là 18 thứ biết như thật khổ biến trí.

Lại nữa, như vậy là biến trí là hết tất cả các khổ. Do biến trí gì, hết được những khổ gì?

Tụng nói:

Triền, nghi, bất lạc, ly,

Trầm, ác thú các thú,

Hạ liệt hành khởi lên,

Riêng khắp hết các khổ.

Luận nói: Tín giải biến trí có thể diệt hết các khổ triền. Tư trạch biến trí có thể diệt hết các khổ nghi. Bất tán loạn biến trí có thể diệt bất lạc xa lìa các khổ. Yếm tâm nhiếp biến trí có thể diệt khổ hôn trầm. Kiến đạo biến trí có thể diệt khổ ác thú. Tu đạo biến trí có thể diệt các khổ thú khác. Cứu cánh đạo biến trí có thể diệt khổ hạ liệt hành khởi, nghĩa là trừ lạc mau chóng thông hành, ngoài ra các hành đều gọi là hạ liệt. Bồ-tát biến trí khắp diệt tất cả các khổ tự và tha. Thanh văn biến trí chỉ riêng diệt khổ chính mình.

Phẩm 6: THÀNH KHÔNG

Luận nói: Như vậy đã thành lập khổ tướng. Thế nào là thành lập không tướng? Không tướng có 3 thứ: 1. Tự tướng. 2. Thậm thâm tướng. 3. Sai biệt tướng.

Thế nào là tự tướng?

Tụng nói:

Nếu ở đây không có,

Và đây có cái khác.

Tùy 2 thứ đạo lý,

Nói không tướng không hai.

Luận nói: Không tự tướng là không nhất định hữu hay vô. Không nhất định hữu, là trong các hành hoàn toàn không có tự tính chúng sinh và tự tính của pháp. Không nhất định vô, là trong đây có thật tính chúng sinh vô ngã và pháp vô ngã. Tùy theo 2 thứ đạo lý, nghĩa là ở trong đây không có 2 thứ đạo lý của ngã và có 2 thứ đạo lý của vô ngã. Vì tùy theo 2 thứ này nên nói không tính không có 2 tướng: 1. Chẳng phải hữu tướng, vì không có 2 ngã. 2. Chẳng phải vô tướng, vì có 2 vô ngã. Bởi vì sao? Vì không có 2 ngã này, tức là có 2 vô ngã. Có 2 vô ngã này, tức không có 2 ngã. Vì vậy không tính chẳng phải nhất định là hữu tướng, chẳng phải nhất định là vô tướng.

Thế nào là thậm thâm tướng?

Tụng nói:

Nên biết thậm thâm tướng,

Lấy bỏ không tăng giảm.

Luận nói: Theo trước đã nói đạo lý không hai, thì tuy bỏ các pháp mà không có giảm, tuy lấy các pháp mà không có tăng. Không lấy không bỏ không tăng không giảm. Đó là nghĩa sâu xa của không tướng.

Thế nào là sai biệt tướng?

Tụng nói:

Sai biệt có rất nhiều,

Như nhiều lần đã nói.

Luận nói: Tức không tính này, đức Bạc-già-phạm đã hiển thị rất nhiều sai biệt trong các kinh. Nghĩa là thắng nghĩa không, nội không, ngoại không v.v… nay lại phân biệt. Thắng nghĩa không, nghĩa là vì thắng nghĩa nên không có sở hữu, cho nên gọi là thắng nghĩa không. Đây hiển thị có 4 nghĩa. Những gì là 4? 1. Lìa ngã nhân nghĩa. 2. Lìa ngã tướng nghĩa. 3. Lìa vô nhân nghĩa. 4. Lìa phi tự nghiệp được nghĩa.

Khi do 6 chỗ mà sinh, không theo ngã mà đến, cũng không tụ tập y chỉ nơi ngã, như vậy gọi là lìa ngã nhân nghĩa. Nếu chấp 6 chỗ lấy ngã làm nhân, thì phải không phân biệt 5 thú khác nhau. Lại nữa bởi 6 chỗ vốn không nay có, cái có đã tán diệt cho nên lìa ngã tướng. Bởi tướng như thế chẳng phải là ngã hữu cho nên lại do có nghiệp làm nhân sinh khởi dị thục đều không có tác giả cũng không có hữu tình xả bỏ hay tiếp tục các uẩn, như vậy gọi là lìa vô nhân nghĩa. Lại nữa do nơi hữu phần pháp giả lập một loại hữu tình liên tục trôi chảy đến pháp dị thục hiện tại, chẳng phải nối tiếp một tướng nào khác, cho nên gọi là lìa chẳng phải tự nghiệp mà được nghĩa.

Lại nữa, thế nào là Bổ-đặc-già-la không có ngã? Nếu có ngã thì uẩn tướng là trụ trong uẩn, còn trụ các nơi khác là không phải uẩn tướng?

Tụng nói:

Chỉ giả lập thành lỗi,

Là lỗi uẩn vô ngã,

Là ngã lỗi không thân,

Ba ngã không hợp lý.

Luận nói: Nếu chấp ngã tức là tướng của uẩn thì đó chỉ là giả, trái với tông chỉ của ông nên thành lỗi. Bởi ngay nơi các uẩn mà giả lập ngã. Nếu lìa các uẩn mà trụ ở các nơi khác, thì cái ngã đó phải không có uẩn, như vậy cũng thành lỗi, vì trong các uẩn không có ngã. Nếu chẳng phải tướng uẩn thì cái ngã được chấp bị lỗi không có thân. Ngã mà không có thân là không hợp lý. Vì vậy cả 3 thứ đều không hợp lý.

Lại nữa, nếu chấp thật ngã trụ trong các uẩn cũng không đúng. Bởi vì sao?

Tụng nói:

Như chủ, lửa, sáng, không,

Dị hình, y tha lỗi.

Vô thường, vô nghiệp dụng,

Phi nhân, phi hữu ngã.

Luận nói: Chấp thật ngã trụ trong các uẩn là như ông chủ nhà ở trong nhà, như lửa ở nơi củi, như ánh sáng dựa nơi ngọn đèn, như các vật nơi hư không. Như vậy tất cả đều không hợp lý. Bởi vì sao? Vì có 5 lỗi. Những gì là 5? Nếu như người chủ nhà ở trong nhà thì hình dáng chi tiết đều phải khác với cái nhà, vì người chủ nhà và cái nhà khác nhau về hình dáng tướng mạo. Nếu như lửa ở nơi củi thì có lỗi y tha. Lửa mà dựa vào củi thì sức không tự do tự tại. nếu như ánh sáng dựa nơi ngọn đèn thì có lỗi vô thường, vì tùy theo ngọn đèn có vô minh khởi diệt. Lại nữa, 2 thứ trước cũng có lỗi vô thường. Không thấy có chủ nhà thường xuyên ở nhà. Nhà thì lúc nào cũng có đó, trụ lâu, nhưng người chủ nhà có khi đi nơi khác hoặc chết mất. Lửa tùy theo sức củi, tính nó vô thường bất định. Nếu như hư không, thì phải có nghiệp dụng, hiển nhiên là có lỗi. Nghiệp dụng của hư không, hiển nhiên là có thể có. Nghĩa là vì các nghiệp quá khứ vị lai v.v…không chướng ngại. Ngã thì không như vậy, nên thành lỗi.

Lại nữa, chấp ngã với quả làm nhân cũng không thể được. Bởi vì sao? Vì vô ngã, chủng tử các ngoại vật v.v… cũng có thể cùng với quả làm nhân được. Cho nên chấp ngã trụ trong các uẩn với quả làm nhân là không hợp lý. Cũng không có chấp thể tính của thật ngã.

Hỏi: Nếu chỉ có uẩn mà không có ngã riêng thì ai thấy ai nghe cho đến ai có khả năng hiểu biết?

Đáp: Nếu thấy nghe v.v… là thể của ngã, hoặc nghiệp của ngã, hoặc dụng cụ của ngã, mà chấp ngã cho là người thấy nghe v.v… đều không hợp lý. Bởi vì sao?

Tụng nói:

Ngã phải chỉ là giả,

Thí dụ không thể được.

Bảy dụ: vọng phân biệt,

Không thấy v.v…là 3 thứ.

Luận nói: Nếu ông chấp thấy v.v… là ngã, lại gọi là người thấy, cho đến người hiểu biết, thì cái ngã chấp đó chỉ là giả. Tức là trên cái pháp thấy v.v…giả lập là ngã. Nếu chấp cái thấy v.v… là nghiệp, là công cụ thì cũng không phải, vì không có thí dụ. Tuy vọng phân biệt 7 thí dụ, nhưng có nhiểu lỗi.Vì vậy cho nên 3 thứ đều không hợp lý. Thế nào là nhiều lỗi?

Tụng nói:

Như chủng tử vô thường,

Tác giả trở thành giả.

Nếu thành tựu thần thông,

Thế tục được tự tại.

Luận nói: Nếu ông chấp ngã đối với nghiệp thấy nghe như hạt giống đối với mầm, thì cái ngã phải là vô thường, vì chủng tử chẳng phải thường. Nếu ông chấp cái ngã đối với nghiệp thấy nghe như thợ làm đồ gốm đối với đồ dùng, thì cái ngã phải là giả. Bởi vì sao? Thế gian hiện thấy giả danh sĩ phu có làm những khí dụng không thấy những thứ khác. Nếu ông chấp ngã đối với nghiệp thấy v.v… như thế gian những người có thần tthông có thể làm các biến hóa, tức đồng với người thế tục kia có lỗi giả lập và tự tại. Bởi vì sao? Vì lìa cái giả ra người thành thần thông không thấy những cái khác. Lại nữa hiện thấy người thành thần thông tùy ý tự tại đối với các việc biến hóa. Còn ngã đối với cái thấy không phải nhờ nhân duyên nào khác mới được tự tại.

Lại nữa, tụng nói:

Ngã như đất như không,

Là vô thường vô tính,

Là như 2 vô tác,

Rõ ràng là có nghiệp.

Luận nói: Nếu ông chấp ngã đối với các nghiệp thấy v.v… giống như đất đai có thể duy trì vạn vật thì cái ngã phải là vô thường, vì đất đai chẳng phải thường. Nếu là như hư không, vì không chướng ngại nên dung nạp các tác nghiệp, và ngã cũng dung nạp các nghiệp thấy v.v… thì ngã phải là vô thể, giống như hư không, chỉ có sắc vô thể là hư không. Lại nữa như đất đai và hư không, nó tự nhiên không động không tác dụng, ngã đối với cái thấy v.v… kia cũng phải không tác dụng. Đã không tác dụng mà chấp có cái thấy v.v… là không đúng lý. Lại nữa đất đai, hư không rõ ràng có 2 công năng tự nhiên không chướng ngại, còn ngã đối với cái thấy v.v… mà có thể có chỗ tác nghiệp không khác, là không đúng lý. Lại nữa nếu cháp cái thấy v.v… là công cụ của cái ngã cũng không phải vậy. Bởi vì sao?

Tụng nói:

Đốt cháy và cắt đứt,

Chỉ lửa v.v… làm được.

Ngã đối với thấy v.v…

Chẳng phải như dao, lửa.

Luận nói: Nếu ông chấp cái ngã chấp cái thấy v.v… là công cụ có thể thấy, có thể nghe cho đến phân biệt, như người chấp cho là lửa có thể đốt, chấp cho là do có thể cắt đứt, là không đúng lý. Bởi vì sao? Thế gian hiện thấy lìa người năng chấp, lửa tự có khả năng thiêu đốt, dao tự có khả năng cắt đứt thì cái thấy v.v… cũng vậy. Tuy không có ngã cũng phải tự có tác dụng của cái thấy v.v… mà ông không nhận cho nên không phải thí dụ . Lại nữa các uẩn trong thế gian hợp lại giả lập làm ngã, nhân, chúng sinh cầm liềm v.v…có thể cắt làm đứt chứ không có thật ngã riêng biệt, nên chẳng phải thí dụ.

Lại nữa tụng nói:

Như ánh sáng năng chiếu,

Lìa sáng không gì khác.

Cho nên ở trong ngoài,

Thành nghĩa không vô ngã.

Luận nói: Thế gian hiện thấy thì thể của ánh sáng có tác dụng chiếu sáng. Nói là chiếu, tức lìa cái thể của ánh sáng không có cái gì chiếu. Như vậy nhãn v.v… có cái dụng là thấy v.v… Nói là thấy, cho đến hiểu biết là không có cái thấy riêng khác v.v… cho nên các pháp trong ngoài v.v… không có ngã.

Hỏi: Nếu thật không có ngã thì sao thế gian có nhiễm có tịnh?

Đáp: Các pháp nhiễm tịnh do nhân duyên sinh không do thật ngã. Bởi vì sao?

Tụng nói:

Như ngoại vật thế gian,

Lìa ngã có tổn ích.

Trong tuy không thật ngã,

Nghĩa nhiễm tịnh mới thành.

Luận nói: Như ngoại vật thế gian tuy không có ngã mà có các thứ tai họa thành tựu các nghiệp thuận ích, cũng như vậy các nội pháp tuy không có ngã mà có thành các nghĩa nhiễm tịnh, cho nên không có lỗi.

Lại nữa, nếu không có ngã thì ai thụ quả báo, ai có thể tạo nghiệp, ai thoát các khổ?

Tụng nói:

Vị tư phiền não phần,

Vì vô thường biến đổi.

Ngã thường không chuyển đổi,

Thụ, tác, thoát phải không.

Luận nói: Cái chấp ngã của ông đối với các địa vị khổ lạc, các tư duy thiện ác, các phiền não tham v.v… trong tất cả thời phần thường không biến đổi. Vì không biến đổi nên thụ, tác và giải thoát đều không hợp lý. Như trước đã nói, tuy không thật ngã mà có cái giả của thế tục biến đổi trong 3 thời. Thụ, tác và giải thoát, thời phần sai biêt đều thành tựu. Lại nữa, nếu không có ngã thì ai lưu chuyển ại hoàn diệt.

Tụng nói:

Pháp tính tùy duyên sinh,

Lần lượt hiện tương tục.

Có nhân mà không trụ,

Biến đổi nên gọi chuyển.

Như thân, nha, hà, đăng,

Có các thứ tác dụng.

Ngã thường không biến đổi,

Chuyển hoàn không đúng lý.

Luận nói: Không do có ngã mà có lưu chuyển hoàn diệt. Bởi vì sao? Hiện thấy lưu chuyển ắt có tướng sinh, trước sau lần lượt tương tục không dứt, hằng hiện ra trước rõ ràng thấy được. Có nhân không trụ mà lại biến đổi, gọi là lưu chuyển. Đoạn dứt cái tương tục, gọi là hoàn diệt. Ví như “thân nha hà đăng” có các thứ tác dụng vãng lai v.v… và có hoàn diệt. Không phải như ông chấp cái ngã thường không biến đổi có tác dụng lưu chuyển. Lưu chuyển còn không, huống chi là hoàn diệt. Lại nữa nếu chỉ các hành không có ngã thì thế gian hiện thấy các hữu tình kia, phải không có các tên gọi, các tưởng sai biệt.

Tụng nói:

Y ngã khởi danh, tưởng,

Thấy hai thứ lỗi lầm.

Cho nên khắp tất cả,

Tính thật ngã đều không.

Luận nói: Không do tên gọi hay tưởng tượng mà thành thật ngã. Bởi vì sao? Vì thấy hai lỗi. Nếu người đời đối với thật ngã khởi các thứ danh tưởng là Phật cứu v.v… thì đối với thân v.v… các pháp phải hiểu là không. Nếu đối với thân v.v…khởi danh tưởng thì không nên nói ngã có các tác dụng. Sở dĩ vì sao? Người đời hiện thấy khởi các ngôn thuyết, nghĩa là Phật hữu có thể thấy, đức hữu có thể nghe v.v… Lại thấy hai thứ lỗi, nghĩa là nếu chấp thể tính ngã kiến là thiện, tự nhiên có thể sinh nhiễm pháp hiện tiền, là không đúng lý. Nếu là nhiễm ô có thể chứng thật ngã là không đúng lý. Lại nữa người chấp ngã khi chấp thủ ngã là cái ngã năng chấp hay cái thấy năng chấp. Nếu nói cái ngã chấp ngã thì người chấp ngã trong thế gian không nên có khởi nghi hoặc là có hay là không hay là những gì. Bởi vì sao? Vì hiện thấy ngã. Nếu nói thấy chấp ngã thì nay ông không nên nói ngã năng thủ. Do các lỗi như vậy, cho nên thế gian không có ngã chân thật. Lại nữa nếu như vậy thì sao trong chính pháp thiết lập các thứ danh tưởng sai biệt?

Tụng nói:

Vì muốn ngôn thuyết dễ,

Tùy thuận theo thế gian.

Vì đoạn trừ sợ hãi,

Làm rõ đức và lỗi.

Luận nói: Mặc dầu không thật ngã nhưng lập ra danh tưởng hữu tình sai biệt vì có 4 nguyên nhân: 1. Vì khiến ngôn thuyết dễ dàng. 2. Vì tùy thuận thế gian. 3. Vì muốn người mới học lìa sợ hãi. 4. Vì muốn làm rõ công đức và tội lỗi của mình và người có sai khác. Lại nữa nếu không có ngã thì thế gian không nên vừa thấy hình tướng liền khởi cái biết của hữu tình. Lại cũng không nên nghĩ cái biết là khởi đầu các tác nghiệp.

Tụng nói:

Vội khởi loạn cái biết,

Thế gian hiên thấy được,

Biết là đầu tạo nghiệp,

Có mười thứ lỗi lầm.

Luận nói: Cái biết vội khởi lên không chứng được nguyên nhân của ngã. Bởi vì sao? Vì cái tâm biết thác loạn thoạt khởi hiện có được. Như ở thân người nữ khởi cái biết thân người nam. Ở thân người nam khởi cái biết thân người nữ. Gốc cây mà khởi cái biết là người. Người mà khởi cái biết là gốc cây. Lại nữa ông chấp cái ngã tư duy cho rằng cái biết là khởi đầu các tạo nghiệp, điều đó có 10 lỗi. Những gì là 10?

Tụng nói:

Biết ngã nhân công dụng,

Và tự tại 2 thứ

Có nhân và không nhân.

Phải biết có 10 lỗi.

Luận nói: Nếu ông chấp cái biết là nguyên nhân khởi các tạo nghiệp, tức là không phải cái ngã có thể khởi các nghiệp. Nếu ngã là cái nhân thì tư duy cái biết không phải nhân. Vậy tức là không tư duy cái biết là khởi đầu các tạo nghiệp. Lại nữa nếu ông chấp cho cái ngã là nguyên nhân có thể khởi các tạo nghiệp, tức phải thường khởi tất cả các tạo nghiệp. Nếu cái ngã không phải nguyên nhân, vậy là cái ngã không tạo tác. Lại nữa nếu ông chấp có các pháp nhân khác có thể làm nhân nên khởi các tạo nghiệp, tức chấp cái ngã không không có tạo tác. Lại nếu không nhân tức phải thường khởi tất cả các tạo nghiệp. Lại nữa nếu ông chấp do công dụng bên trong có thể có sự tạo tác, thì đây cũng giống như trước là có 2 thứ lỗi. Lại nữa nếu ông chấp ngã được tự tại tạo nghiệp, tức thường phải tạo tất cả những gì mình yêu thích không tạo những gì mình không yêu thích. Nếu không tự tại tức không phải tướng ngã.

Như vậy đã nói tướng không và sự thành lập. Nay sẽ hiển thị quán không chân trí đối trị sai biệt của Tát-ca-da kiến.

Tụng nói:

Không thẩm quyết biến hành,

Tăng ích và vô sự.

Sợ hãi và vọng kiến,

Nên biết 5 thí dụ.

Luận nói: Phải biết có 5 thứ Tát-ca-da kiến: 1.Không rõ sự kiến. Như sợi dây thấy con rắn. 2.Biến hành kiến, nghĩa là tương ưng ý nhiễm ô, vọng có thân kiến. Tất cả mọi lúc thường tùy đi theo, như trong chiêm bao thấy có thụ dụng. Sở dĩ vì sao? Giống như người nghèo, trong chiêm bao thấy thụ dụng các cảnh giới khả ái. Như vậy người ngu từ khi chưa khởi chính giác chân như đến nay thường khởi ngã kiến theo đuổi. 3.Tăng ích sự kiến, giống như hi vọng tùy thuộc người con gái khác. 4.Không thật sự kiến, giống như đứa trẻ thấy những việc ảo hóa. 5.Sợ sự kiến, như người tự vẽ ma quỷ rồi sợ hãi.

Như vậy đã nói các sai biệt đối trị. Nay sẽ hiển thị các sai biệt về năng trị.

Tụng nói:

Vô thể và viễn ly,

Trừ bỏ dựa 3 thứ.

Đối trị tưởng trói buộc,

Mười sáu thứ khác nhau.

Luận nói: Dựa vào biến kế sở chấp v.v… 3 thứ tự thể mà tuần tự lập 3 thứ không: 1.Vô thể không. 2.Xa lìa không. 3.Trừ bỏ không. Lại nữa 3 cái không này đối trị các trói buộc, các tưởng có 16 thứ sai biệt. Phải biết các trói buộc có 14 tướng trói buộc là thô trọng phược: 1.Căn phược. 2.Hữu tình hỗ nhiễm phược. 3.Sở y phược, nghĩa là dựa vào khí thế gian các căn lưu chuyển. 4.Đối với trí, vô trí phược. 5.Nơi cảnh, vọng cảnh phược. 6.Hậu hữu ái phược. 7.Vô hữu ái phược. 8.Chấp vô nhân, bất bình đẳng nhân phược. 9.Thượng mạn phược. 10.Biến kế sở chấp, tự thể chấp phược. 11.Các pháp tự thể chấp phược. 12.Các pháp biến trí tự thể chấp phược. 13.Bổ-đặc-giàla tự thể chấp phược. 14.Bổ-đặc-già-la biến trí chấp phược.

Các tưởng, nghĩa là sự trói buộc của 6 thứ tưởng. Chán các tưởng này nên Bồ-tát dựa vào không, siêng tu niệm trụ khiến tâm giải thoát. Thế nào là sự trói buộc của 6 thứ tưởng? Nghĩa là dựa vào thân thụ tâm pháp, phát khởi nội tưởng, gọi là tưởng trói buộc đầu tiên. Dựa vào thân v.v… phát khởi ngoại tưởng là thứ hai. Dựa vào thân khởi nội ngoại tưởng là thứ ba. Vì muốn độ thoát 10 phương vô lượng vô số hữu tình giới, nên phát khởi đại nguyện tu các niệm trụ, cái tưởng phân biệt này là thứ tư. Cảnh đối với thân v.v… gọi là có trí tuệ trụ nơi chính quan sát, cái tưởng phân biệt này là thứ năm. Cảnh đối với thân v.v… gọi là có ngã nhân, trụ chính quán, cái tưởng phân biệt này là thứ sáu.

Lại nữa phải biết sau quán thân v.v…có 11 thứ tưởng phược sai biệt. những gì là 11? Nghĩa là ở nơi thân v.v… khởi tùy thân v.v… trụ chính quán sát, và nơi nhiễm tịnh 2 đế, trong đệ nhất nghĩa khởi tưởng phân biệt gọi là tưởng phược thứ nhất. Ngay nơi nhiễm ô, trong đệ nhất nghĩa khởi tưởng hữu tác là thứ hai. Ngay nơi thanh tịnh, trong đệ nhất nghĩa khởi tưởng vô tác là thứ ba. Ngay nơi hữu tác, trong đệ nhất nghĩa khởi tưởng lưu chuyển là thứ tư. Ngay nơi vô tác, trong dệ nhất nghĩa khởi tưởng thường, là thứ năm. Ngay nơi lưu chuyển, do khổ biến đổi nên khởi tưởng khổ, là thứ sáu. Ngay nơi thường pháp khởi tưởng không thay đổi, là thứ bảy. Ngay nơi lưu chuyển, do tự tướng sinh diệt trụ dị và do tự tướng có biến đổi nên khởi tưởng tự tướng, là thứ tám. Ngay nơi có biến đổi không biến đổi, nhiễm ô thanh tịnh, trong đệ nhất nghĩa khởi tưởng có thể nhiếp thụ tất cả pháp, là thứ chín. Ngay nơi nhiễm tịnh tất cả pháp khởi tưởng ngã sở hữu nhiễm ô thanh tịnh, là thứ mười. Ngay nơi các pháp nhiễm ô thanh tịnh khởi tưởng đối với tự thể tự tướng, là thứ mười một. Bồ-tát Ma-ha-tát đối với các tưởng thành trói buộc sai biệt sau này và cảnh giới ấy, chính quán sát rồi y chỉ nơi không, tu các niệm trụ khiến tâm giải thoát. Nếu khi các vọng tưởng trói buộc như vậy được giải thoát, tức là giải thoát tất cả các tưởng trói buộc.

Mười sáu không, là nội không, ngoại không, nội ngoại không, đại không, không không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô sơ hậu không, vô tổn tận không, tính không, tướng không, nhất thiết pháp không, vô tính không, vô tính tự tính không.

Lại nữa ở nơi không cảnh này có 6 thứ ngu lưu chuyển từ vô thủy. Những gì là 6?

Tụng nói:

Tự tính và chấp trước,

Không hiểu rõ, mất niệm,

Khắp tất cả, một phần,

Ngu sai biệt lưu chuyển.

Luận nói: Ngu tự tính, nghĩa là tất cả hữu tình từ vô thủy lưu chuyển không có trí. Ngu chấp trước tự thể, là cái vô trí của ngoại đạo do tương ưng kiến chấp điên đảo khởi. Ngu không hiểu rõ, là phàm phu không học hỏi mà khởi vô trí. Ngu mất niệm, là phàm phu có học hỏi và thánh giả khởi vô trí. Ngu khắp cả, là phàm phu đối với chúng sinh không và pháp không, khởi vô trí. Ngu một phần, là Thanh Văn v.v… chỉ khởi vô trí đối với pháp không.

Thế nào là chứng đắc cái lý không như vậy? Nghĩa là do 8 thứ trí. Những gì là 8?

Tụng nói:

Pháp trụ cầu tự tâm,

Trụ tự tâm trừ phược.

Sợ không 2 nhiễm tịnh,

Chứng được lý chân không.

Luận nói: 1.Pháp trụ trí. Nghĩa là cái trí dựa vào Tố-đát-lãm v.v… an lập pháp môn. 2.Cầu tự tâm trí. Nghĩa là cái trí trong thuận quyết trạch phần vị tìm tự tâm. 3.Trụ tự tâm trí. Nghĩa là cái trí chứng chân như trong kiến đạo vị. 4.Trừ tâm phược trí. Nghĩa là cái trí đối trị chướng trong tu đạo vị. 5.Bố hành tương ưng trí. Nghĩa là cái trí của đệ tử Phật vì sợ cái khổ não lơn của sự lưu chuyển. 6. Vô nhị phân biệt trí. Nghĩa là trí Bố-tát không phân biệt lưu chuyển tịch diệt, tội lỗi công đức. 7.Bất thiện thanh tịnh trí. Nghĩa là cái trí hữu học. 8.Thiện thanh tịnh trí. Nghĩa là cái trí vô học.

QUYỂN 15 HẾT