LUẬN A TỲ ĐÀM TỲ BÀ SA
STác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Giải thích: Năm trăm A La Hán
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Sa môn Phù Đà Bạt Ma, Đạo Thái v.v…
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 36

Chương 2: KIỀN ĐỘ SỬ

Phẩm thứ 3: NGƯỜI, phần 3

* Chết ở cõi dục, trở lại sinh nơi cõi dục, đều là hữu của cõi dục nối tiếp chăng? Cho đến nói rộng tạo ra bốn trường hợp.

Hữu có nhiều tên gọi, ở đây nói hữu là hữu của năm ấm thuộc số chúng sinh nơi xứ thọ thân. Hữu được nói rộng ở nơi khác. Như trong một hành.

Thế nào là chết ở cõi dục, trở lại sinh nơi cõi dục, không phải là hữu của cõi dục nối tiếp?

Đáp: Như chết ở cõi dục, sinh nơi cõi sắc, trung hữu hiện tiền. Ở cõi dục chết, sinh nơi cõi sắc, cũng là Thánh nhân, cũng là phàm phu. Trung hữu của cõi sắc kia ở nơi cõi dục hiện tiền. Vì sao? Vì pháp nên như thế. Nếu ở nơi chốn tử hữu diệt, tức là nơi chốn trung hữu sinh. Như ở xứ hạt giống diệt thì xứ ấy tức sinh ra mầm. Pháp kia cũng như thế.

Người chết ở cõi dục là tử hữu của cõi dục ở nơi cõi dục chết. Trung hữu của cõi sắc này không phải là dục hữu nối tiếp. Sắc hữu nối tiếp là trung hữu của cõi sắc.

Thế nào là hữu của cõi dục nối tiếp, không phải chết ở cõi dục, không phải sinh nơi cõi dục?

Đáp: Như chết ở cõi sắc, trung hữu của cõi dục hiện ở trước. Người phàm phu chết ở cõi sắc, trung hữu của cõi dục hiện ở trước nơi cõi sắc. Vì pháp nên như thế. Nếu ở nơi chốn tử hữu diệt, tức là nơi chốn trung hữu sinh, nói rộng như trên. Đó gọi là hữu của cõi dục nối tiếp, là trung hữu của cõi dục, không phải chết ở cõi dục, không phải sinh nơi cõi dục. Vì sao? Vì chết ở cõi sắc là tử hữu của cõi sắc. Sinh nơi cõi sắc là trung hữu của cõi dục.

Thế nào là chết ở cõi dục, trở lại sinh nơi cõi dục, hữu của cõi dục nối tiếp?

Đáp: Như chết ở cõi dục, trở lại sinh nơi cõi dục, là trung hữu, sinh hữu. Chết ở cõi dục, trở lại sinh nơi cõi dục, cũng là phàm phu, cũng là Thánh nhân. Phàm phu ở nơi các nẻo không trở ngại sinh trong mỗi mỗi nẻo. Thánh nhân đối với các nẻo có trở ngại, sinh trong nẻo người, trời. Chết ở cõi dục là tử hữu của cõi dục. Sinh nơi cõi dục là trung hữu của cõi dục. Hữu của cõi dục nối tiếp là trung hữu của cõi dục. Nếu từ trung hữu đến sinh hữu: Chết ở cõi dục là trung hữu của cõi dục. Nếu sinh nơi cõi dục là sinh hữu của cõi dục. Hữu của cõi dục nối tiếp: Là sinh hữu của cõi dục.

Thế nào là không chết ở cõi dục, không sinh nơi cõi dục, không phải là hữu của cõi dục nối tiếp?

Đáp: Chết ở cõi sắc, sinh nơi cõi sắc là trung hữu, sinh hữu. Chết ở cõi sắc, sinh nơi cõi sắc là trung hữu, sinh hữu, cũng là phàm phu, cũng là Thánh nhân.

Nếu lúc từ tử hữu đến trung hữu, không gọi là chết ở cõi dục. Vì sao? Vì chết ở cõi sắc là tử hữu của cõi sắc, không phải sinh nơi cõi dục. Vì sao? Vì sinh nơi cõi sắc là trung hữu của cõi sắc, không phải là hữu của cõi dục nối tiếp. Vì sao? Vì hữu của cõi sắc nối tiếp là trung hữu của cõi sắc. Nếu lúc từ trung hữu đến sinh hữu, thì không phải là chết ở cõi dục. Vì sao? Vì trung hữu chết nơi cõi sắc, không phải là hữu của cõi dục nối tiếp. Vì sao? Vì hữu của cõi sắc nối tiếp là sinh hữu của cõi sắc.

Chết ở cõi sắc, sinh nơi cõi vô sắc, cũng là Thánh nhân, cũng là phàm phu. Người kia không phải chết ở cõi dục. Vì sao? Vì chết ở cõi sắc là tử hữu của cõi sắc, không phải sinh nơi cõi dục, cõi sắc mà sinh nơi cõi vô sắc, là sinh hữu của cõi vô sắc, không phải là hữu của cõi dục nối tiếp. Vì sao? Vì hữu của cõi vô sắc nối tiếp là sinh hữu của cõi vô sắc.

Chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi vô sắc, cũng là Thánh nhân, cũng là phàm phu. Người phàm phu sinh lên cõi trên, cũng sinh xuống cõi dưới. Thánh nhân sinh lên cõi trên, không sinh xuống cõi dưới. Người phàm phu nơi mỗi mỗi xứ nhiều lần sinh. Thánh nhân nơi mỗi mỗi xứ chỉ một lần sinh. Người kia không phải chết ở cõi dục. Vì sao? Vì chết ở cõi vô sắc là tử hữu của cõi vô sắc, không phải sinh nơi cõi dục. Vì sao? Vì sinh nơi cõi vô sắc là sinh hữu của cõi vô sắc, không phải là hữu của cõi dục nối tiếp. Vì sao? Vì hữu của cõi vô sắc nối tiếp là sinh hữu của cõi vô sắc.

Chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi sắc, là phàm phu từ tử hữu đến trung hữu. Người kia không phải chết ở cõi dục. Vì sao? Vì chết ở cõi vô sắc là tử hữu của cõi vô sắc, không sinh nơi cõi dục. Vì sao? Vì sinh nơi cõi vô sắc là trung hữu của cõi sắc, không phải là dục hữu nối tiếp. Vì sao? Vì hữu của cõi sắc nối tiếp là trung hữu của cõi sắc.

Chết ở cõi sắc, trở lại sinh nơi cõi sắc, đều là hữu của cõi sắc nối tiếp chăng? Cho đến nói rộng làm bốn trường hợp.

Thế nào là chết ở cõi sắc, trở lại sinh nơi cõi sắc, không phải là hữu của cõi sắc nối tiếp?

Đáp: Chết ở cõi sắc, trung hữu của cõi dục hiện ở trước. Chết ở cõi sắc, sinh nơi cõi dục là người phàm phu. Trung hữu của cõi dục hiện ở trước nơi cõi sắc, nói rộng như trên. Chết ở cõi sắc là tử hữu của cõi sắc. Sinh nơi cõi sắc là trung hữu của cõi dục, không phải là hữu của cõi sắc nối tiếp. Vì sao? Vì hữu của cõi dục nối tiếp là trung hữu của cõi dục.

Thế nào là hữu của cõi sắc nối tiếp, không phải chết ở cõi sắc, không phải sinh nơi cõi sắc?

Đáp: Như chết ở cõi dục, trung hữu của cõi sắc hiện ở trước. Chết ở cõi dục, sinh nơi cõi sắc, cũng là phàm phu, cũng là Thánh nhân. Trung hữu của cõi sắc kia ở nơi cõi dục hiện tiền, nói rộng như trên. Đó gọi là hữu của cõi sắc nối tiếp, là trung hữu của cõi sắc, không phải là chết ở cõi sắc. Vì sao? Vì chết ở cõi dục là tử hữu của cõi dục, không phải sinh nơi cõi sắc. Vì sao? Vì sinh nơi cõi dục là trung hữu của cõi sắc.

Thế nào là chết ở cõi sắc, trở lại sinh nơi cõi sắc, hữu của cõi sắc nối tiếp?

Đáp: Chết ở cõi sắc, trở lại sinh nơi cõi sắc, là trung hữu, sinh hữu. Chết ở cõi sắc, trở lại sinh nơi cõi sắc, cũng là phàm phu, cũng là Thánh nhân. Phàm phu sinh lên cõi trên, cũng sinh xuống cõi dưới, mỗi mỗi xứ có nhiều lần sinh. Thánh nhân sinh lên cõi trên, không sinh xuống cõi dưới, mỗi mỗi xứ chỉ có một lần sinh. Lúc từ tử hữu đến trung hữu, chết nơi cõi sắc, là tử hữu của cõi sắc, sinh nơi cõi sắc là trung hữu của cõi sắc. Hữu của cõi sắc nối tiếp là trung hữu của cõi sắc. Lúc từ trung hữu đến sinh hữu, chết ở cõi sắc là trung hữu của cõi sắc, sinh nơi cõi sắc là sinh hữu của cõi sắc, hữu của cõi sắc nối tiếp là sinh hữu của cõi sắc.

Thế nào là không chết ở cõi sắc, không sinh nơi cõi sắc, không phải là hữu của cõi sắc nối tiếp?

Đáp: Chết ở cõi dục, sinh nơi cõi dục là trung hữu, sinh hữu. Chết ở cõi dục, trở lại sinh nơi cõi dục, cũng là phàm phu, cũng là Thánh nhân, nói rộng như trên.

Lúc từ tử hữu đến trung hữu, không phải là chết ở cõi sắc, không phải sinh nơi cõi sắc. Vì sao? Vì chết ở cõi dục là tử hữu của cõi dục. Sinh nơi cõi dục là trung hữu của cõi dục, không phải là hữu của cõi sắc nối tiếp. Vì sao? Vì hữu của cõi dục nối tiếp là trung hữu của cõi dục. Khi từ trung hữu đến sinh hữu, không phải chết ở cõi sắc, không phải sinh nơi cõi sắc. Vì sao? Vì chết ở cõi dục là trung hữu của cõi dục. Sinh nơi cõi dục là sinh hữu của cõi dục, không phải là hữu của cõi sắc nối tiếp. Vì sao? Vì hữu của cõi dục nối tiếp, là sinh hữu của cõi dục.

Chết ở cõi dục, sinh nơi cõi vô sắc, cũng là phàm phu, cũng là Thánh nhân, không phải chết ở cõi sắc. Vì sao? Vì chết ở cõi dục là tử hữu của cõi dục, không phải sinh nơi cõi sắc. Vì sao? Vì sinh nơi cõi vô sắc là sinh hữu của cõi vô sắc, không phải là hữu của cõi sắc nối tiếp. Vì sao? Vì hữu của cõi vô sắc nối tiếp là sinh hữu của cõi vô sắc.

Chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi vô sắc, cũng là phàm phu, cũng là Thánh nhân. Phàm phu sinh lên cõi trên, cũng sinh xuống cõi dưới, mỗi mỗi xứ có nhiều lần sinh. Thánh nhân sinh lên cõi trên, không sinh xuống cõi dưới, mỗi mỗi xứ chỉ có một lần sinh. Không phải chết ở cõi sắc. Vì sao? Vì chết ở cõi vô sắc là tử hữu của cõi vô sắc, không phải là sinh nơi cõi sắc. Vì sao? Vì sinh nơi cõi vô sắc là sinh hữu của cõi vô sắc, không phải là hữu của cõi sắc nối tiếp. Vì sao? Vì hữu của cõi vô sắc nối tiếp là sinh hữu của cõi vô sắc.

Chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi dục, là phàm phu, không phải chết ở cõi sắc. Vì sao? Vì chết ở cõi vô sắc là tử hữu của cõi vô sắc, không phải sinh nơi cõi sắc. Vì sao? Vì sinh nơi cõi dục là trung hữu của cõi dục, không phải là hữu của cõi sắc nối tiếp. Vì sao? Vì hữu của cõi dục nối tiếp là trung hữu của cõi dục.

Chết ở cõi vô sắc, trở lại sinh nơi cõi vô sắc, đều là hữu của cõi vô sắc nối tiếp chăng?

Đáp: Chết ở cõi vô sắc, trở lại sinh nơi cõi vô sắc đều là hữu của cõi vô sắc nối tiếp.

Từng có hữu của cõi vô sắc nối tiếp, người kia không phải chết ở cõi vô sắc, không phải không sinh nơi cõi vô sắc chăng?

Đáp: Có. Như chết ở cõi dục, cõi sắc, sinh nơi cõi vô sắc, cũng là phàm phu, cũng là Thánh nhân. Không phải chết ở cõi vô sắc. Vì sao? Vì chết ở cõi dục, cõi sắc, là tử hữu của cõi dục, cõi sắc. Sinh nơi cõi vô sắc là sinh hữu của cõi vô sắc. Hữu của cõi vô sắc nối tiếp là sinh hữu của cõi vô sắc.

Chết ở cõi dục, trở lại sinh nơi cõi dục, người này có bốn: (1) Là phàm phu của cõi dục. (2) Là Thánh nhân của cõi dục. (3) Là phàm phu của cõi sắc. (4) Là Thánh nhân của cõi sắc.

Chết ở cõi sắc, trở lại sinh nơi cõi sắc, người này có ba: (1) Là phàm phu của cõi sắc. (2) Là Thánh nhân của cõi sắc. (3) Là phàm phu của cõi dục.

Chết ở cõi vô sắc, trở lại sinh nơi cõi vô sắc, người này có hai: (1) Là phàm phu của cõi vô sắc. (2) Là Thánh nhân của cõi vô sắc.

Phàm phu của cõi dục bị chín mươi tám thứ sử sai khiến, bị chín kiết trói buộc. Thánh nhân bị mười sử sai khiến, sáu kiết trói buộc. Phàm phu của cõi sắc bị sáu mươi hai thứ sử sai khiến, sáu kiết trói buộc. Thánh nhân bị sáu sử sai khiến, ba kiết trói buộc. Phàm phu của cõi vô sắc bị ba mươi mốt thứ sử sai khiến, sáu kiết trói buộc. Thánh nhân bị ba sử sai khiến, ba kiết trói buộc.

Hỏi: Phàm phu nơi cõi dục không bị sử của cõi sắc, vô sắc sai khiến. Phàm phu nơi cõi sắc không bị sử của cõi vô sắc sai khiến. Vì sao nói phàm phu nơi cõi dục bị chín mươi tám thứ sử sai khiến, phàm phu nơi cõi sắc bị sáu mươi hai thứ sử sai khiến?

Đáp: Ở đây nói đắc gọi là bị sai khiến. Như phàm phu của cõi dục có đắc của sử nơi cõi sắc, vô sắc thường hiện tiền sinh. Phàm phu của cõi sắc có đắc của sử nơi cõi vô sắc thường hiện tiền sinh.

Lại nữa, vì đối với đắc không giải thoát, nên gọi là bị sử sai khiến. Phàm phu của cõi dục đối với đắc của sử nơi cõi sắc, vô sắc không được giải thoát. Phàm phu của cõi sắc đối với đắc của sử nơi cõi vô sắc không được giải thoát.

Lại nữa, do nay được đắc, sẽ được đắc, đã được đắc, nên nói như thế này: Nay được đắc là hiện tại, sẽ được đắc là vị lai, đã được đắc là quá khứ.

Lại nữa, vì có thể sinh ra sử kia, nên tạo ra thuyết này: Có thể sinh là phàm phu sinh nơi cõi dục do lìa dục ái, có thể sinh ra các sử của cõi sắc. Phàm phu sinh nơi cõi sắc do lìa sắc ái, có thể sinh ra các sử của cõi vô sắc.

Lại nữa, hiện từng đã hành vì uy lực chưa trọn vẹn, nên chúng sinh nơi cõi dục từ vô thủy đến nay không có người nào không từng khởi sử của cõi sắc, vô sắc. Chúng sinh nơi cõi sắc không có người nào không từng khởi sử của cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu như vậy thì phàm phu nơi cõi sắc đã từng khởi sử của cõi dục, phàm phu nơi cõi vô sắc cũng đã từng khởi sử của cõi dục, cõi sắc, vì sao không bị sai khiến?

Đáp: Tuy đã từng khởi sử, nhưng do lìa dục. Phàm phu nơi cõi dục chưa lìa ái của cõi sắc, vô sắc. Phàm phu nơi cõi sắc chưa lìa ái của cõi vô sắc.

Thánh nhân bị mười sử sai khiến.

Hỏi: Thánh nhân nơi cõi dục có chín mươi tám thứ sử sai khiến, như người bị trói buộc đủ, được chánh quyết định. Lúc khổ pháp nhẫn hiện ở trước, là đã tạo thành chín mươi tám sử, ở đây vì sao không nói?

Đáp: Vì thời gian ít, không lâu thì khổ trí sinh, thế nên không nói.

Lại nữa, ở đây nói người có phiền não hiện hành. Người nhập kiến đạo cũng còn không thể khởi tâm hữu lậu thiện, huống chi là hạng bị nhiễm ô. Ở nơi khác cũng nói về người có phiền não hiện hành. Như kinh nói: Có một Bà-la-môn đi đến chỗ Đức Phật, hỏi như vầy: Ông nên làm trời, người, rồng, A-tu-la, Ca-lâu-la, Càn-thát-bà, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già chăng?

Phật nói: Ta sẽ không làm trời v.v… cho đến Ma-hầu-la-già. Vì sao? Bà-la-môn nên biết! Do các lậu nên có sinh tử, có làm trời v.v… cho đến Ma-hầu-la-già. Như Lai đã đoạn trừ vĩnh viễn các lậu, thế nên, này Bà-la-môn, Ta không còn sinh sẽ không làm trời v.v… cho đến Ma-hầu-la-già.

Hoặc có thuyết cho: Vì báo hiện tiền nên gọi là người. Như kinh nói kệ:

Phật tức là người

Tự điều thường định

Hành đạo phạm hạnh

Tâm vui tịch tĩnh.

Ở đây nói: Thân thọ nhận báo của cõi nào, tức gọi là chúng sinh của cõi ấy. Thân thọ nhận báo của cõi dục, tức gọi là chúng sinh nơi cõi dục. Thân thọ nhận báo của cõi sắc, vô sắc, tức gọi là chúng sinh nơi cõi sắc, vô sắc.

Đức Phật vì thọ nhận báo của con người, tức gọi là người. Nơi khác cũng nói: Vì báo hiện tiền nên gọi là người. Như trong phẩm Mười Môn nói: Ai thành tựu nhãn căn? Đáp: Người sinh nơi cõi sắc, hoặc người sinh nơi cõi dục, được rồi không mất. Vì báo như thế v.v… hiện tiền nên gọi là người. Người thọ nhận báo nơi cõi dục như thế gọi là chúng sinh của cõi dục. Thọ nhận báo của cõi sắc, vô sắc gọi là chúng sinh của cõi sắc, vô sắc.

Không phải chết ở cõi dục, không phải sinh nơi cõi dục, đều không phải là hữu của cõi dục nối tiếp chăng? Cho đến nói rộng không phải là bốn trường hợp. Trường hợp thứ nhất trong bốn trường hợp nêu trước làm trường hợp thứ hai ở đây. Trường hợp thứ hai trước làm trường hợp thứ nhất ở đây. Trường hợp thứ ba trước làm trường hợp thứ tư ở đây. Trường hợp thứ tư trước làm trường hợp thứ ba ở đây. Cõi sắc không phải là bốn trường hợp cũng như thế.

Không phải chết ở cõi vô sắc, không phải sinh nơi cõi vô sắc, đều không phải là hữu của cõi vô sắc nối tiếp chăng? Nói rộng như nơi Bản Luận.

Không phải chết ở cõi dục, không phải sinh nơi cõi dục, người này có năm: Phàm phu nơi cõi dục. Phàm phu, Thánh nhân nơi cõi sắc. Phàm phu, Thánh nhân nơi cõi vô sắc.

Hỏi: Nên có tám người vì sao nói năm? Như chết ở cõi sắc, trở lại sinh nơi cõi sắc, là phàm phu, Thánh nhân. Chết ở cõi sắc, sinh nơi cõi vô sắc, là phàm phu, Thánh nhân. Chết ở cõi sắc, sinh nơi cõi dục, là phàm phu. Chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi vô sắc, là phàm phu, Thánh nhân. Chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi sắc, là phàm phu. Có tám người như thế v.v…, vì sao nói có năm?

Đáp: Do tương tợ nên nói có năm: Cũng chết ở cõi sắc, sinh nơi cõi sắc, là phàm phu. Chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi sắc, là phàm phu. Hai người này cùng là phàm phu nơi cõi sắc. Chết ở cõi sắc, sinh nơi cõi vô sắc, là Thánh nhân. Chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi vô sắc, là Thánh nhân. Hai người này cùng là Thánh nhân nơi cõi vô sắc. Chết ở cõi sắc, sinh nơi cõi vô sắc, là phàm phu. Chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi vô sắc, là phàm phu. Hai người này cùng là phàm phu nơi cõi vô sắc. Còn lại là có phàm phu nơi cõi dục, Thánh nhân nơi cõi sắc.

Do tương tợ nên nói là năm.

Không phải chết ở cõi sắc, không phải sinh nơi cõi sắc, người này có sáu: Phàm phu, Thánh nhân nơi cõi dục. Phàm phu, Thánh nhân nơi cõi sắc. Phàm phu, Thánh nhân nơi cõi vô sắc.

Hỏi: Tức nên có chín người vì sao nói có sáu? Như chết ở cõi dục, trở lại sinh nơi cõi dục là phàm phu, Thánh nhân. Chết ở cõi dục, sinh nơi cõi sắc là phàm phu, Thánh nhân. Chết ở cõi dục, sinh nơi cõi vô sắc là phàm phu, Thánh nhân. Chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi vô sắc là phàm phu, Thánh nhân. Chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi dục là phàm phu. Vì sao nói có sáu?

Đáp: Vì tương tợ nên nói là sáu: Chết ở cõi dục, trở lại sinh nơi cõi dục là phàm phu. Chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi dục là phàm phu. Hai người này cùng là phàm phu nơi cõi dục. Chết ở cõi dục, sinh nơi cõi vô sắc, là phàm phu. Chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi vô sắc, là phàm phu. Hai người này cùng là phàm phu nơi cõi vô sắc. Chết ở cõi dục, sinh nơi cõi vô sắc là Thánh nhân. Chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi vô sắc là Thánh nhân. Hai người này cùng là Thánh nhân nơi cõi vô sắc. Còn lại là có Thánh nhân của cõi dục, phàm phu, Thánh nhân của cõi sắc. Vì tương tợ nên nói là sáu.

Không phải chết ở cõi vô sắc, không phải sinh nơi cõi vô sắc, người này có bốn: Phàm phu, Thánh nhân nơi cõi dục. Phàm phu, Thánh nhân nơi cõi sắc.

Hỏi: Tức nên có bảy người vì sao nói có bốn? Như chết ở cõi dục, trở lại sinh nơi cõi dục, là phàm phu, Thánh nhân. Chết ở cõi dục, sinh nơi cõi sắc, là phàm phu, Thánh nhân. Chết ở cõi sắc, trở lại sinh nơi cõi sắc là phàm phu, Thánh nhân. Chết ở cõi sắc, sinh nơi cõi dục là phàm phu. Vì sao nói có bốn?

Đáp: Do tương tợ nên nói bốn: Chết ở cõi dục, trở lại sinh nơi cõi dục là phàm phu. Chết ở cõi sắc, sinh nơi cõi dục là phàm phu. Hai người này cùng là phàm phu nơi cõi dục. Chết ở cõi dục, sinh nơi cõi sắc là phàm phu. Chết ở cõi sắc, trở lại sinh nơi cõi sắc là phàm phu. Hai người này cùng là phàm phu của cõi sắc. Chết ở cõi dục, sinh nơi cõi sắc là Thánh nhân. Chết ở cõi sắc, trở lại sinh nơi cõi sắc là Thánh nhân. Hai người này cùng là Thánh nhân nơi cõi sắc. Còn lại có Thánh nhân của cõi dục. Do tương tợ nên nói là bốn.

Những người này vì nhằm vào sử sai khiến mà nói, cùng nhằm vào kiết trói buộc mà nói.

Từng có chết ở cõi dục không sinh nơi cõi dục chăng? Như nghĩa của thuyết trước đã nói, nay tức ngăn chận nơi sinh hữu.

Từng có chết ở cõi dục không sinh nơi cõi dục chăng?

Đáp: Không sinh. Sinh trong cõi dục, cõi sắc thì có. Nếu sinh nơi cõi vô sắc, hoặc bát Niết-bàn. Ngoài ra nói rộng như nơi Bản Luận.

Hỏi: Chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi dục, cõi sắc, trung hữu của cõi vô sắc kia ở nơi xứ nào hiện ở trước?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Ở thiền thứ tư.

Không nên tạo ra thuyết này. Vì nếu cõi vô sắc có phương, sở, thì thuyết ấy nói là hợp. Song cõi vô sắc không có phương, sở, thì vì sao xa đến thiền thứ tư?

Lại có thuyết cho: Chết ở xứ sở này, sinh nơi cõi vô sắc, tức trung hữu của xứ sở kia hiện ở trước. Nói như thế tức chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi vô sắc, sự việc này không như vậy.

Lời bình: Nên tạo ra thuyết này: Chết ở cõi dục, cõi sắc, sinh nơi cõi vô sắc, tức trung hữu của nơi chốn sinh kia hiện ở trước.

Từng có chết ở cõi dục, không sinh nơi cõi dục, không sinh nơi cõi sắc, không sinh nơi cõi vô sắc chăng? Ở đây cũng nhằm ngăn chận về sinh hữu. Ngoài ra nói rộng như nơi Bản Luận.

Hỏi: Trong đây vì sao không hỏi về bát Niết-bàn?

Đáp: Tức phải hỏi nhưng không hỏi, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, trong đây nói chết mà sinh. Còn người kia tuy chết nhưng không sinh.

Lại nữa, trong đây nhân nơi con người để tạo luận, còn người bát Niết-bàn kia thì bỏ người gọi là pháp.

Từng có chết không lìa dục ái, không sinh nơi cõi dục chăng? Phái Tỳ-bà Xà-bà-đề đối với pháp này là hết sức ngu tối, cho là không lìa dục ái, không sinh nơi cõi dục, lại không nói là có trung hữu.

Từng có chết không lìa dục ái, không sinh nơi cõi dục chăng?

Đáp: Không sinh. Sinh trong cõi dục thì có.

Từng có chết không lìa sắc ái, không sinh nơi cõi dục, cõi sắc chăng?

Đáp: Không sinh. Sinh trong cõi dục, cõi sắc thì có.

Từng có chết không lìa vô sắc ái, không sinh nơi cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc chăng?

Đáp: Không sinh. Sinh trong cõi dục, cõi sắc thì có.

Người chưa lìa dục ái chết, không sinh nơi cõi dục, người này có hai: Là phàm phu, Thánh nhân nơi cõi dục.

Chưa lìa sắc ái chết, không sinh nơi cõi dục, cõi sắc, người này có bốn: Là phàm phu, Thánh nhân nơi cõi dục. Phàm phu, Thánh nhân nơi cõi sắc.

Hỏi: Tức nên có bảy người: Người chết ở cõi dục, trở lại sinh nơi cõi dục, là phàm phu, Thánh nhân. Chết ở cõi dục, sinh nơi cõi sắc, là phàm phu, Thánh nhân. Chết ở cõi sắc, trở lại sinh nơi cõi sắc, là phàm phu, Thánh nhân. Chết ở cõi sắc, sinh nơi cõi dục là phàm phu. Vì sao chỉ nói bốn?

Đáp: Do tương tợ nên nói bốn. Chết ở cõi dục, sinh nơi cõi dục là phàm phu. Chết ở cõi sắc, sinh nơi cõi dục là phàm phu. Hai người này đều là phàm phu nơi cõi dục. Chết ở cõi dục, sinh nơi cõi sắc là phàm phu. Chết ở cõi sắc, sinh nơi cõi sắc là phàm phu. Hai người này đều là phàm phu nơi cõi sắc. Chết ở cõi dục, sinh nơi cõi sắc là Thánh nhân. Chết ở cõi sắc, sinh nơi cõi sắc là Thánh nhân. Hai người này đều là Thánh nhân nơi cõi sắc. Còn lại là có Thánh nhân ở cõi dục. Do tương tợ nên nói là bốn.

Chưa lìa vô sắc ái chết, không sinh nơi cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, người này có bốn: Là phàm phu, Thánh nhân nơi cõi dục. Phàm phu, Thánh nhân nơi cõi sắc.

Hỏi: Tức nên có chín người: Chết ở cõi dục, trở lại sinh trong cõi dục có phàm phu, Thánh nhân. Chết ở cõi sắc, trở lại sinh trong cõi sắc có phàm phu, Thánh nhân. Chết ở cõi sắc, sinh trong cõi dục, có phàm phu, Thánh nhân. Chết ở cõi sắc, sinh trong cõi sắc có phàm phu. Chết ở cõi sắc, sinh trong cõi dục có phàm phu. Chết ở cõi vô sắc, sinh trong cõi dục có phàm phu. Vì sao nói có bốn?

Đáp: Do tương tợ nên nói có bốn: Chết ở cõi dục, trở lại sinh trong cõi dục có phàm phu. Chết ở cõi sắc, cõi vô sắc, sinh trong cõi dục có phàm phu. Ba người này cùng là phàm phu nơi cõi dục. Chết ở cõi dục, sinh trong cõi sắc có phàm phu. Chết ở cõi sắc, trở lại sinh trong cõi sắc có phàm phu. Chết ở cõi vô sắc, sinh trong cõi sắc có phàm phu. Ba người này cùng là phàm phu nơi cõi sắc. Chết ở cõi dục, sinh trong cõi sắc có Thánh nhân. Chết ở cõi sắc, trở lại sinh trong cõi sắc có Thánh nhân. Hai người này cùng là Thánh nhân nơi cõi sắc. Còn lại có Thánh nhân nơi cõi dục. Do tương tợ nên nói là bốn.

Những người ấy là nhằm vào chỗ sử sai khiến để nói, là nhằm vào chỗ kiết trói buộc để nói.

* Trung hữu là có hay là không có?

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Không có trung hữu. Hoặc có thuyết cho: Có trung hữu. Phái Tỳ-bà Xà-bà-đề nói không có trung hữu. Phái Dục-đa-bà-đề nói có trung hữu.

Hỏi: Phái Tỳ-bà Xà-bà-đề dựa vào kinh nào nói, tin vào sự việc gì để cho là không có trung hữu?

Đáp: Phái kia dựa vào kinh Phật. Không có kinh nào nói là tạo nghiệp năm vô gián, tạo rồi cùng tăng rộng, mạng chung, sinh trong địa ngục vô gián. Vì sinh vào địa ngục không có gián đoạn nên nói là không có trung hữu. Trong kệ cũng nói:

Tuổi trẻ liền già bệnh

Sẽ sinh bên Diêm La

Trung gian không xứ dừng

Cũng không dùng tư lương.

Vì không có khoảng giữa dừng nghỉ, không dùng tư lương, nên biết không có trung hữu. Cũng tạo ra các thứ vấn nạn.

Cũng như bóng của ánh sáng không có trung gian, tử hữu, sinh hữu không có trung gian cũng lại như thế.

Hỏi: Phái Dục-đa-bà-đề đã dựa vào kinh nào nói, tin vào sự việc gì để nói là có trung hữu?

Đáp: Phái ấy đã dựa vào kinh Phật. Kinh Phật nói: Vì ba sự việc kết hợp nên được vào thai mẹ: (1) Cha mẹ đều có tâm nhiễm, cùng hợp một xứ. (2) Gặp lúc người mẹ không có bệnh. (3) Kiềnthát-bà hiện ở trước.

Kiền-thát-bà tức là trung hữu. Vì nói Kiền-thát-bà hiện ở trước, nên biết là có trung hữu. Kinh khác cũng nói: Trung hữu bát Niếtbàn. Do nói có trung hữu bát Niết-bàn, nên biết là có trung hữu. Kinh khác lại nói: Sa-môn Cù-đàm! Thân này đã diệt, ở trong khoảng thời gian chưa sinh vào xứ kia, là ở trong Ma-nậu-ma, là nêu bày có các thủ chăng? Phật bảo Bà Tha: Ở trong khoảng trung gian đó, ái là thủ.

Do nói thân này diệt, chưa sinh vào xứ kia, ở trong Ma-nậu-ma, nên biết là có trung hữu. Cũng tạo ra các thứ vấn nạn. Nếu chết ở đây, sẽ sinh nơi châu Uất-đơn-việt. Khoảng này đoạn dứt, nơi chốn kia vốn không có mà sinh. Như thế thì có pháp mà không, không pháp mà có. Vì muốn khiến không có lỗi như thế, nên nói có trung hữu.

Hỏi: Phái Tỳ-bà Xà-bà-đề làm sao thông hợp nơi kinh do phái Dục-đa-bà-đề đã nêu dẫn?

Đáp: Kinh kia đã nói là chưa liễu nghĩa, là giả danh, ý nêu bày chưa trọn vẹn.

Hỏi: Kinh kia do sự việc gì nên là chưa liễu nghĩa, là giả danh, là ý nêu bày chưa trọn vẹn?

Người kia nêu ra lời đáp: Vì kinh Phật nói: Do ba sự kết hợp, nên được vào thai mẹ: (1) Cha mẹ đều có tâm nhiễm cùng hợp một xứ. (2) Gặp lúc người mẹ không có bệnh. (3) Kiền-thát-bà hiện ở trước.

Không nên nói Kiền-thát-bà, vì nếu nói Kiền-thát-bà thì trung hữu kia đã tạo ra an vui? Nên nói là các hành ấm.

Hỏi: Hoặc nói Kiền-thát-bà, hoặc nói các hành ấm, đều không phải là không có trung hữu. Phái Tỳ-bà Xà-bà-đề lại hỏi thế này: Ông nói bốn loài đều có trung hữu. Hai loài có ba sự kết hợp, thì có thể như thế. Nghĩa là thai sinh, noãn sinh. Hai loài còn lại thì không như vậy?

Đáp: Nếu có thể như thế thì nói, không thể như thế thì không nói, nhưng không phải là không có trung hữu. Chung nơi kinh thứ hai, có trời gọi là trung hữu, ở nơi cõi trời kia Niết-bàn, nên nói là trung hữu. Trời trung hữu bát Niết-bàn, nghĩa là chết ở đây rồi, nên sinh nơi cõi trời, trong khoảnh khắc chưa đến, ở trung gian ấy thọ mạng chưa hết liền bát Niết-bàn.

Hỏi: Vì trời này trong tất cả kinh không nói đến. Kinh Phật nói có trời Tứ thiên vương, cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng, không nói trời Trung hữu. Kinh Phật cũng nói có Sinh bát Niết-bàn. Lại có trời tên là Sinh, ở nơi trời Sinh ấy bát Niết-bàn, nên nói là Sinh bát Niết-bàn chăng? Cho đến Thượng lưu bát Niết-bàn. Lại có trời tên Thượng lưu, ở trong cõi trời ấy bát Niết-bàn, nên nói là Thượng lưu bát Niết-bàn chăng? Ông nói chư thiên chưa đến, thọ mạng chưa hết mà bát Niết-bàn. Chúng sinh đa số thọ mạng chưa hết mà chết, trừ người nơi châu Uất-đơn-việt. Thân sau cùng của Bồ tát trên cõi trời Đâu suất.

Chúng sinh như thế v.v… đều là trung hữu bát Niết-bàn chăng? Lại như kinh Bà Tha làm sao thông? Kinh đó nói: Ma-nậu-ma là trời của cõi vô sắc. Phạm chí kia đã được thiên nhãn, vừa mới lìa sắc ái thì chết, sinh trong cõi vô sắc. Phạm chí kia đã dùng thiên nhãn xem khắp hai cõi dục, cõi sắc, nhưng không thấy trung hữu, nên khởi suy niệm: Người kia là đoạn diệt. Liền đi đến chỗ Đức Phật, hỏi như vầy: Sa-môn Cù-đàm! Thân này diệt rồi, cho đến trong khoảng giữa của diệt kia, vì nêu bày có các thủ chăng?

Phật bảo Phạm chí Bà Tha: Nơi khoảng giữa của diệt kia, ái là thủ.

Do nghĩa này nên biết được sinh trong vô sắc không phải là đoạn diệt

Hỏi: Kinh Phật nói có vô số Ma-nậu-ma. Kinh Phật hoặc nói: Trời cõi sắc, vô sắc là Ma-nậu-ma. Hoặc nói: Con người của kiếp đầu tiên là Ma-nậu-ma. Hoặc nói: Trung hữu là Ma-nậu-ma. Do đâu biết được chỉ trời của cõi vô sắc là Ma-nậu-ma? Phái kia tạo ra thuyết này: Do đâu lại nhận biết trung hữu là Ma-nậu-ma? Đáp: Tức do kinh này nên nhận biết. Vì sao? Vì kinh đã nói: Thân này diệt rồi, chưa sinh đến xứ kia, ở nơi khoảng giữa ấy là ở trong Ma-nậu-ma.

Do sự việc này nên biết Ma-nậu-ma tức là trung hữu. Đối với vấn nạn về vô số làm sao thông?

Đáp: Phái kia tạo ra thuyết này: Không bỏ tử hữu cho đến sinh hữu nối tiếp. Như con sâu Xà-lâu-khư, cho đến chân trước chưa đứng thì nó không bỏ chân sau. Tử hữu, sinh hữu kia cũng như thế.

Nếu tạo ra thuyết ấy thì sự chết sống của nhân gian, trong địa ngục, chưa bỏ nẻo người, nẻo địa ngục nối tiếp, tức là hoại thân, hoại cõi, hai tâm cùng hoại. Nẻo cũng gọi là nẻo người, cũng gọi là nẻo địa ngục. Hoại thân cũng gọi là thân người, cũng gọi là thân địa ngục. Hai tâm cùng hoại là tâm lúc chết và tâm lúc sinh.

Hỏi: Phái Dục-đa-bà-đề làm sao thông hợp nơi kinh do phái Tỳ-bà Xà-bà-đề đã nêu dẫn?

Đáp: Kinh kia là kinh chưa liễu nghĩa, là giả danh, là ý nêu bày chưa trọn vẹn.

Hỏi: Do sự việc nào để nhận biết kinh ấy là chưa liễu nghĩa, là giả danh, là ý nêu bày chưa trọn vẹn?

Đáp: Vì kinh kia nêu tạo nghiệp năm vô gián, tạo xong tăng rộng, mạng chung, tức không gián đoạn, sinh trong địa ngục: Đây là ngăn chận về nẻo khác, về nghiệp khác. Ngăn chận về nẻo khác: Nghĩa là nghiệp vô gián, tất sinh vào nẻo địa ngục, không sinh nơi nẻo khác. Ngăn chận về nghiệp khác: Nghĩa là nghiệp vô gián tất thọ nhận sinh báo, không phải là hiện báo, hậu báo. Đây là chỗ chưa liễu nghĩa của kinh kia. Nếu như văn của kinh không giữ lấy nghĩa ấy. Kinh nói tạo năm nghiệp vô gián, tạo xong, gia tăng rộng, mạng chung, tức không gián đoạn, sinh trong địa ngục, đâu cần phải tạo đủ năm nghiệp mới sinh trong địa ngục. Nhưng tạo ra một, hai, ba, bốn và nghiệp không thuộc về nghiệp vô gián cũng sinh trong địa ngục. Kinh nói: Mạng chung tức không gián đoạn, sinh trong địa ngục. Nói không gián đoạn, nghĩa là ở sát-na này tạo nghiệp vô gián, tức sát-na này sinh trong địa ngục chăng? Nhưng vì có người tạo năm nghiệp vô gián xong, thọ mạng đến trăm năm, thế nên không hẳn như văn kinh đã nêu. Cần nên dựa vào nghĩa nơi kệ đã nói. Về nghĩa thông hợp cũng như thế.

Các sự việc vấn nạn về vô số làm sao thông?

Đáp: Vấn nạn này bất tất phải thông. Vì sao? Vì vấn nạn ấy không phải là Tu-đa-la, không phải là Tỳ-ni, không phải là A-tỳ-đàm, nên không thể dùng hiện dụ của thế gian để vấn nạn về pháp của Hiền Thánh, vì pháp của Hiền Thánh khác, pháp thế gian khác.

Nếu quyết muốn thông hợp là có ý gì?

Đáp: Nên nói về lỗi của dụ. Nếu dụ có lỗi thì nghĩa cũng có lỗi. Như bóng của ánh sáng là không căn, không tâm, không phải pháp của số chúng sinh. Tử hữu, sinh hữu cũng không căn, không tâm, không phải là pháp của số của chúng sinh chăng?

Như bóng của ánh sáng cùng sinh, tử hữu, sinh hữu cũng cùng sinh chăng? Nhưng dụ ấy nêu rõ là có trung hữu, không phải là không có trung hữu, như bóng của ánh sánh không có gián cách. Trong tử hữu có trung hữu, sinh hữu không gián cách cũng lại như thế.

Những nghĩa như vậy đều nói là không có trung hữu. Những nghĩa như thế đều nói có trung hữu. Trong hai nghĩa, nghĩa nào là vượt hơn? Thuyết nói có trung hữu là vượt hơn. Nhưng thuyết của phái Tỳ-bà Xàbà-đề nói không có trung hữu là quả của vô minh, quả của tối tăm, quả của phương tiện không siêng gắng. Tuy nhiên, trung hữu là pháp thật có. Thế nên vì nhằm ngăn trừ nghĩa của người khác, vì muốn làm sáng tỏ nghĩa của mình, cho đến nói rộng, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Trung hữu là do nẻo gồm thâu hay là không phải do nẻo gồm thâu?

Nếu là nẻo gồm thâu thì như nơi Luận Thi Thiết nói làm sao thông? Như nói: Năm nẻo là gồm thâu bốn loài hay bốn loài là gồm thâu năm nẻo? Đáp: Bốn loài gồm thâu năm nẻo, không phải là năm nẻo gồm thâu bốn loài. Không gồm thâu những gì? Là không gồm thâu trung hữu. Lại như nơi Luận Pháp Thân nói làm sao thông? Như nói: Thế nào là nhãn giới? Đáp: Bốn đại và sắc tạo thanh tịnh. Nhãn, nhãn căn, nhãn nhập, nhãn giới. Nếu là mắt của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, trời. Hoặc là mắt do tu được, hoặc là mắt của trung hữu.

Nếu không phải là nẻo gồm thâu, thì như Tôn giả Đà-la-đạt-đa đã nói làm sao thông? Như nói: Nếu hướng đến pháp của nẻo kia, tức gọi là nẻo kia, thuộc về nẻo kia. Như mầm lúa lúc mọc, tức gọi là lúa. Thuộc về nẻo kia cũng như thế.

Đáp: Nên tạo ra thuyết này: Trung hữu là thuộc về nẻo. Như vậy thuyết của Tôn giả Đà-la-đạt-đa nêu là khéo thông suốt, còn như nơi Luận Thi Thiết nói làm sao thông? Đáp: Văn của Luận Thi Thiết nên nói như thế này: Năm nẻo gồm thâu bốn loài hay là bốn loài gồm thâu năm nẻo? Đáp: Lần lượt tùy theo chủng loại cùng gồm thâu nhau. Nhưng không nói là có ý gì? Đáp: Là do người tụng nhầm lẫn.

Còn như nơi Luận Pháp Thân nói làm sao thông?

Đáp: Văn của Luận Pháp Thân nên nói như vầy: Mắt của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, trời và mắt do tu được. Không nên nói mắt của trung hữu. Nhưng không nói là có ý gì? Đáp: Do trung hữu là pháp vi tế. Ở trong các nẻo đã hiển hiện rồi, lại hiển hiện riêng. Cũng như tên giặc cầm đầu bị quở trách chung trong đám giặc, cũng bị quở trách riêng.

Người nữ cũng như thế, có hai sự việc quở trách: (1) Do phiền não nên bị quở trách chung. (2) Do thể thấp kém nên lại quở trách riêng.

Trung hữu kia cũng như thế.

Lại có thuyết cho: Trung hữu không phải thuộc về nẻo. Như thế thì thuyết của Luận Thi Thiết, Luận Pháp Thân nói là khéo thông suốt. Còn như Tôn giả Đà-la-đạt-đa đã nói làm sao thông?

Đáp: Về điều này bất tất phải thông. Vì sao? Vì thuyết này không phải là Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, chỉ là nghĩa tự tạo, hoặc đúng, hoặc không đúng. Hoặc có nói không có, hoặc không có nói có.

Nếu tất muốn thông hợp là có ý gì?

Đáp: Là do giống nhau nên tạo ra thuyết thế này: Như hình tướng của địa ngục, hình tướng của trung hữu cũng như thế. Cho đến trung hữu của nẻo trời nói cũng như vậy.

Lời bình: Nên tạo ra thuyết này: Trung hữu không phải thuộc về nẻo. Vì sao? Vì đi đến kia là nghĩa của nẻo. Vì trung hữu đi chưa đến xứ kia, nên không phải thuộc về nẻo. Lại nữa, trung hữu là nhân của nẻo. Nẻo là quả. Nhân không gồm thâu quả. Quả không gồm thâu nhân. Như nhân quả, thì chủ thể tạo tác, đối tượng tạo tác, chủ thể nhận lấy, đối tượng nhận lấy cũng như thế.

Lại nữa, trung hữu là vi tế, nẻo là thô. Thô không gồm thâu tế. Như thô tế, thì hiện thấy, không hiện thấy, rõ ràng, không rõ ràng, nói cũng như thế.

Lại nữa, trung hữu thì tán loạn, nẻo không phải là tán loạn. Không phải là tán loạn không gồm thâu tán loạn.

Lại nữa, trung hữu là pháp trung gian của nẻo, nên không phải thuộc về nẻo, như khoảng giữa của ruộng, không phải thuộc về ruộng. Khoảng giữa của phương hướng, cõi đất, thôn xóm, không phải thuộc về phương hướng, cõi đất, thôn xóm. Trung hữu kia cũng như thế.

Hỏi: Xứ nào có trung hữu?

Đáp: Cõi dục, cõi sắc, không phải là cõi vô sắc.

Hỏi: Vì sao ở cõi vô sắc không có trung hữu?

Đáp: Vì cõi ấy không phải là ruộng, không phải là vật chứa đựng của trung hữu, cho đến nói rộng.

Lại nữa, nếu xứ sở có sự thọ nhận hai thứ nghiệp báo tức có trung hữu. Nghĩa là nghiệp báo của trung hữu, nghiệp báo của sinh hữu. Cõi vô sắc chỉ có nghiệp báo của sinh hữu. Như nghiệp báo của trung hữu, nghiệp báo của sinh hữu, thì nghiệp báo mới tạo, nghiệp báo sinh hữu, nghiệp của quả tế, quả thô, nói cũng như thế.

Lại nữa, nếu xứ sở có sự thọ nhận hai thứ nghiệp báo là nghiệp báo của sắc, nghiệp báo của vô sắc, thì xứ sở ấy có trung hữu. Cõi vô sắc chỉ có nghiệp báo của vô sắc. Như nghiệp báo của sắc, nghiệp báo của vô sắc, thì nghiệp tương ưng, nghiệp không tương ưng, nghiệp có đối tượng nương dựa, nghiệp không có đối tượng nương dựa, nghiệp có uy thế, nghiệp không có uy thế, nghiệp có duyên, nghiệp không có duyên, nói cũng như thế.

Lại nữa, nếu xứ sở có ba thứ nghiệp là nghiệp thân, miệng, ý, thì có trung hữu. Cõi vô sắc chỉ có ý nghiệp.

Lại nữa, nếu ở xứ sở có mười đạo nghiệp thiện thì có trung hữu. Cõi vô sắc chỉ có ba đạo nghiệp thiện.

Lại nữa, nếu xứ có nghiệp báo của năm ấm thì có trung hữu. Cõi vô sắc chỉ có nghiệp báo của bốn ấm.

Lại nữa, nếu xứ sở có hai thứ pháp bạch: nhân bạch, quả bạch (thiện), thì có trung hữu. Cõi vô sắc chỉ có nhân bạch không có quả bạch.

Lại nữa, nếu xứ sở có sự đến đi thì có trung hữu. Cõi vô sắc không có đến đi.

Hỏi: Nếu như vậy thì chết rồi, trở lại sinh trong thi thể của mình, thì đâu có đến đi?

Đáp: Chúng sinh hoặc có người sinh nơi đường ác, hoặc có kẻ sinh trong bốn châu thiên hạ, hoặc có người sinh lên các cảnh trời, hoặc có kẻ bát Niết-bàn.

Người sinh vào nẻo ác, thức diệt ở dưới chân. Kẻ sinh trong bốn châu thiên hạ, thức diệt ở bên cạnh rốn. Người sinh lên cảnh trời, thức diệt ở nơi mặt. Người bát Niết-bàn, thức diệt ở bên cạnh tâm.

Chúng sinh phần nhiều sinh ái ở trên mặt, nếu tâm thức từ dưới chân diệt, đến sinh trên mặt thì há không phải đến đi sao? Nếu thức từ chân diệt, rồi trở lại sinh trong chân, thì sinh nơi cõi vô sắc cũng không có sự việc này.

Hỏi: Trung hữu là có di chuyển chăng?

Đáp: Không có di chuyển. Nghĩa là ở nơi cõi, ở nơi nẻo, ở nơi xứ.

Hỏi: Nếu trung hữu ở nơi cõi không có di chuyển, thì nhân duyên của Tỳ-kheo Thiểu Văn làm sao thông?

Từng nghe có Tộc tánh tử xuất gia nơi pháp Phật, không tu theo phương tiện học rộng, ở chốn A-luyện-nhã, do sức của nhân từ đời trước, nên có thể khởi thiền thứ nhất của thế tục, cho là quả Tu-đàhoàn, cho đến khởi thiền thứ tư của thế tục, cho là quả A-la-hán.

Ở trong một đời, chưa được nói là được, chưa hiểu nói là đã hiểu, chưa chứng nói là đã chứng. Lại không cầu đạo thắng tấn, chưa được sẽ được, chưa hiểu sẽ hiểu, chưa chứng sẽ chứng. Về sau thân hoại mạng chung, trung hữu của thiền thứ tư hiện ở trước.

Ngay lúc ấy, ông ta liền nghĩ: Ta đã đoạn hết tất cả phần sinh, tức nên được bát Niết-bàn, không phải sinh trở lại. Nay trung hữu của ta do nhân duyên nào mà sinh? Nhất định không có giải thoát. Nếu có giải thoát tức nên đạt được! Bèn sinh tà kiến hủy báng Niết-bàn. Do tà kiến đó nên trung hữu của thiền thứ tư liền diệt, trung hữu của địa ngục A-tỳ hiện ngay ở trước, sau khi mạng chung sinh vào địa ngục A-tỳ.

Đáp: Đây là thời gian của hữu trước di chuyển, không phải là thời gian của trung hữu, vì khi người kia chết, tướng điềm lành của thiền thứ tư hiện ở trước. Vừa trông thấy tướng ấy, ông ta lại nghĩ: Ta đã đoạn dứt tất cả phần sinh, tức nên được bát Niết-bàn. Nay do đâu tướng điềm lành này xuất sinh? Nhất định là không có giải thoát. Nếu có giải thoát thì ta tức nên đạt được. Bèn sinh tà kiến hủy báng Niết-bàn. Do sinh tà kiến đó, nên tướng điềm lành của thiền thứ tư liền mất, tướng điềm dữ của địa ngục A-tỳ hiện ở trước, sau khi thân hoại mạng chung sinh vào địa ngục A-tỳ.

Do sự việc này, nên biết thời gian của hữu trước di chuyển không phải là thời gian của trung hữu.

Hỏi: Nếu trung hữu đối với nẻo không có di chuyển, thì nhân duyên của Thiện Hành, Ác Hành làm sao thông?

Từng nghe: Ở nước Xá Vệ có hai người: Một tên Thiện Hành, hai tên Ác Hành. Thiện Hành thì trong một đời luôn hành mọi hành thiện, không làm điều ác. Ác Hành thì trái lại luôn làm các điều ác, không hành điều thiện.

Người hành ác, do nghiệp thiện của hậu báo, nên trung hữu của cảnh trời hiện ở trước. Bấy giờ ông ta nghĩ: Trong cả một đời, ta luôn làm điều ác, không làm việc thiện, tức nên sinh vào nẻo ác, không thể sinh lên cảnh trời. Nay ta vì duyên cớ gì trung hữu nơi cảnh trời lại xuất sinh? Rồi khởi suy nghĩ: Nhất định là không có báo của nghiệp thiện ác. Nếu có thì ta tức nên phải thọ nhận. Bèn sinh tà kiến hủy báng nhân quả. Do tà kiến này, nên trung hữu nơi cảnh trời liền diệt, trung hữu của địa ngục liền sinh, thân hoại mạng chung, sinh trong địa ngục.

Người hành thiện, khi sắp mạng chung, do nghiệp bất thiện của hậu báo, nên trung hữu của địa ngục hiện ở trước, bèn suy nghĩ: Trong một đời mình, ta luôn hành theo hành thiện, không hành điều ác, tức nên sinh vào nẻo thiện, không thể sinh nơi nẻo ác. Nay vì nhân duyên gì trung hữu của địa ngục lại xuất sinh? Nên khởi suy niệm: Nhất định là do nghiệp bất thiện nơi hậu báo của ta. Hiện nay sinh quả này, tức tự nhớ nghĩ đến các việc thiện đã tạo tác, liền sinh tâm thiện lớn hiện bày ở trước. trung hữu của địa ngục lập tức diệt, trung hữu của cảnh trời liền sinh, thân hoại mạng chung, sinh lên cõi trời.

Đáp: Như các trường hợp này đều là thời gian của hữu trước di chuyển, không phải là thời gian của trung hữu. Tất cả chúng sinh lúc chết, tất có tướng tốt, xấu hiện bày. Nếu chúng sinh hành nhiều việc thiện, thì khi chết, phần nhiều thấy các thứ nhà cửa, lầu gác, vườn rừng, chỗ tắm rửa, nơi chốn dạo chơi tốt đẹp. Chúng sinh làm nhiều điều ác, khi sắp chết, phần nhiều trông thấy lửa cháy, dao gậy, chất độc, chó sói, chốn mồ mả v.v…

Người hành ác, khi sắp chết, do nghiệp thiện của hậu báo, nên tướng điềm lành của cảnh trời hiên ở trước, vừa trông thấy liền có suy nghĩ: Trong một đời, ta thường xuyên hành ác, không hành theo hành thiện, tức nên sinh vào nẻo ác, không thể sinh lên cảnh trời. Nay tướng điềm lành này do duyên nào xuất sinh? Nhất định không có báo của nghiệp thiện, ác. Bèn khởi tà kiến hủy báng nhân quả. Do sinh tà kiến, nên tướng điềm lành của cảnh trời liền diệt, tướng điềm dữ của địa ngục tức sinh.

Người hành thiện, khi sắp chết, do nghiệp ác của hậu báo, nên tướng của địa ngục hiện ở trước, vừa trông thấy xong, người ấy suy nghĩ: Trong cả một đời, ta thường hành theo hành thiện, không tạo hành ác, tức nên sinh vào xứ thiện, không sinh nơi nẻo ác. Nay vì duyên cớ nào xuất sinh điềm như thế? Vậy nhất định là do nghiệp bất thiện nơi hậu báo của ta nên mới sinh ra quả này. Liền tự nhớ nghĩ đến các việc thiện đã làm, sinh khởi tâm thiện rộng lớn, hiện bày ở trước. Tướng của địa ngục liền diệt, tướng điềm lành của cảnh trời xuất hiện, thân hoại mạng chung được sinh lên cảnh trời.

Do sự việc ấy, nên hai trường hợp này đều cùng do thời gian của hữu trước di chuyển, không phải là thời gian của trung hữu.

Hỏi: Nếu trung hữu ở nơi xứ không có di chuyển, thì như nhân duyên của vua Tần-bà-sa-la làm sao thông? Như nói: Từng nghe trung hữu nơi cõi trời Đâu-suất của vua Tần-bà-sa-la hiện ở trước, sẽ sinh lên cảnh trời Đâu-suất. Lúc vượt qua đỉnh núi Tu-di, trông thấy Thiên vương Tỳ-sa-môn đang ăn thức ăn có màu sắc tươi sáng, đầy đủ hương vị, bèn khởi suy nghĩ: Ta trước nên sinh vào cảnh này, về sau sẽ sinh lên cảnh trời Đâu-suất. Vừa suy nghĩ như thế, thì trung hữu của cảnh trời Đâu-suất liền diệt, Trung hữu của trời Tứ thiên vương tức sinh. Sau khi mạng chung, sinh vào cảnh trời Tứ thiên vương.

Đáp: Trường hợp này cũng là thời gian của hữu trước di chuyển, không phải là thời gian của trung hữu.

Từng nghe vua Tần-bà-sa-la bị người con giả danh là A-xà-thế bắt trói, giam vào trong ngục, ngăn dứt không cho ăn uống, nhà vua dùng dao gọt da chân để ăn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở tại núi Kỳ-xà-quật, vì xót thương vua, nên phóng ra luồng hào quang xuyên qua cửa sổ, soi chiếu trên thân vua. Vì gặp hào quang Phật, nên thân nhà vua được yên ổn, sinh tâm nghĩ đến Phật: Nay ta gặp phải ách nạn này, đấng từ bi là Đức Thế Tôn há không thấy biết, không nghĩ đến! Lúc này, Đức Thế Tôn nhận biết tâm niệm của nhà vua, liền bảo Tôn giả Đại Mục-kiền-liên: Ông hãy đến chỗ vua Tần-bà-sa-la, nói như thế này: Như Lai đối với đại vương, những điều gì nên làm đều đã làm xong, tức đã cứu giúp vĩnh viễn thoát khỏi nghiệp báo quyết định nơi nẻo ác của nhà vua. Còn một số trường hợp trong nẻo người thì phải thọ nhận. Như Lai hãy còn không thể tránh khỏi!

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nghe lời Phật dạy xong, liền nhập thiền định, do diệu lực của định, theo như chỗ suy nghĩ, từ núi Kỳxà-quật biến mất, như nước nơi ao suối từ đất tuôn ra, Tôn giả dừng lại trước vua Tần-bà-sa-la, nói: Đại vương nên biết! Lời của Đức Như Lai nói là không hai. Tuệ nhãn thanh tịnh soi chiếu, thấy sâu về nhân quả, nói lời như thế này: Như Lai đối với đại vương, những điều gì nên làm đều đã làm xong, tức đã cứu giúp đoạn dứt vĩnh viễn nghiệp báo quyết định nơi nẻo ác của nhà vua. Còn một số trường hợp trong nẻo người thì phải thọ nhận. Vì Như Lai hãy còn không tránh khỏi! Nói xong những lời ấy, Tôn giả lại vì nhà vua giảng nói pháp. Lúc đó, vì quá đói khát, nên vua Tần-bà-sa-la không hiểu rõ, bèn nói: Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên! Nẻo trời nào có thức ăn là đoạn thực, ngon khéo hơn hết?

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền theo thứ lớp khen ngợi về thức ăn của trời Tứ thiên vương. Vua Tần-bà-sa-la nghe xong, thân hoại mạng chung, sinh lên cảnh trời Tứ thiên vương, làm thái tử của Thiên vương Tỳ-sa-môn, tên là Xà-na-lê-sa.

Do sự việc này, nên biết là thời gian của hữu trước di chuyển, không phải là thời gian của trung hữu. Phái Thí dụ đã tạo ra thuyết: Trung hữu có thể di chuyển. Phái kia nói như vầy: Tất cả các nghiệp đều có thể di chuyển. Tạo nghiệp năm vô gián hãy còn có thể di chuyển, huống chi là trung hữu. Nếu tạo nghiệp vô gián không thể di chuyển, tất không thể vượt qua Hữu đảnh. Vì có thể vượt qua Hữu đảnh, nên biết nghiệp năm vô gián cũng có thể di chuyển.

Lời bình: Nên tạo ra thuyết này: Trung hữu không thể di chuyển.

Hỏi: Trụ nơi trung hữu là trải qua bao nhiêu thời gian?

Đáp: Phải trải qua một ít thời gian không lâu. Vì sao? Vì trung hữu kia đối với sáu nhập để tìm xứ thọ nhận thân, thế nên phải nhanh chóng để sinh hữu nối tiếp.

Hỏi: Pháp thọ nhận thân của chúng sinh là hòa hợp thì nhanh chóng khiến sinh hữu nối tiếp, tức có thể như thế. Nếu pháp thọ nhận thân không hòa hợp, như người cha ở Kế Tân, mẹ ở nơi Chân Đan, hay cha ở nơi Chân Đan, mẹ ở Kế Tân, thì làm sao có thể nhanh chóng để khiến sinh hữu nối tiếp?

Đáp: Nên quán chúng sinh này, hoặc đối với mẹ tạo nghiệp có thể di chuyển, đối với cha tạo nghiệp không thể di chuyển. Hoặc đối với cha tạo nghiệp có thể di chuyển, đối với mẹ tạo nghiệp không thể di chuyển. Hoặc đối với cha mẹ tạo nghiệp đều cùng không thể di chuyển. Hoặc đối với cha mẹ tạo nghiệp đều cùng có thể di chuyển.

Nếu đối với mẹ tạo nghiệp có thể di chuyển, đối với cha tạo nghiệp không thể di chuyển: Hoặc là người oai nghi đầy đủ, tịnh tu phạm hạnh, thân giữ năm giới, là người nam rất tốt, tất đến bên cạnh phụ nữ khác khiến cho sự sinh kia nối tiếp.

Nếu đối với cha tạo nghiệp có thể di chuyển, đối với mẹ tạo nghiệp không thể di chuyển: Hoặc là người oai nghi đầy đủ, tịnh tu phạm hạnh, thân giữ năm giới, là người nữ rất tốt, tất đến bên cạnh người nam khác khiến cho sự sinh kia nối tiếp.

Nếu đối với cha mẹ tạo nghiệp đều cùng không thể di chuyển, thì người thọ nhận thân tuy chưa chết, người ấy tuy đã tìm kiếm nhưng chưa được, bèn sinh tâm ra đi. Trên đường trung hữu đi, lửa không thể thiêu đốt, dao không thể gây tổn thương, chất độc không thể hại, tất trung hữu đến với sự hòa hợp của cha mẹ kia, khiến sự sinh ấy nối tiếp.

Hỏi: Nếu chúng sinh thường có tâm dục thì có thể như thế. Còn các chúng sinh có tâm dục trong từng thời gian thì làm sao có thể như thế? Như chó có tâm dục vào mùa thu. Loài bi có tâm dục vào mùa đông. Ngựa có tâm dục vào mùa xuân. Bò có tâm dục vào mùa hè. Các động vật v.v… như vậy làm sao có thể như thế?

Đáp: Do nghiệp lực của chúng sinh kia, nên phi thời cũng sinh tâm dục mà được hòa hợp khiến cho sự sinh kia nối tiếp.

Lại có thuyết cho: Do sự sinh giống nhau, thích hợp. Như khi chó có tâm dục, chó sói thường có tâm dục, tức nên sinh trong loài chó, nhưng lại sinh trong loài chó sói. Lúc loài bi có tâm dục, gấu thường có tâm dục, tức nên sinh trong loài bi, nhưng lại sinh trong loài gấu. Lúc ngựa có tâm dục, lừa thường có tâm dục, tức nên sinh trong loài ngựa, nhưng lại sinh trong loài lừa. Lúc bò có tâm dục, bò rừng thường có tâm dục, tức nên sinh trong loài bò, nhưng lại sinh trong loài bò rừng.

Tôn giả Xa-ma-đạt-đa nói: Trung hữu nơi chúng sinh thọ mạng bốn mươi chín ngày.

Tôn giả Hòa-tu-mật nói: Trung hữu nơi chúng sinh thọ mạng bảy ngày, không quá một tuần. Vì sao? Vì thân của trung hữu đó rất yếu kém.

Hỏi: Nếu đến bảy ngày nhưng xứ sinh không hòa hợp, thì trung hữu kia sẽ diệt chăng?

Đáp: Không đoạn diệt, tức nơi trung hữu được dừng lại lâu.

Tôn giả Phật-đà-đề-bà nói: Thọ mạng của trung hữu không nhất định. Vì sao? Vì duyên của xứ sinh không nhất định. Trung hữu tuy được hòa hợp, nhưng vì sinh hữu không hòa hợp, nên khiến trung hữu dừng lại trong thời gian lâu.

Hỏi: Hình tướng của trung hữu là lớn hay nhỏ?

Đáp: Hình tướng của trung hữu như trẻ con khoảng năm, sáu tuổi.

Hỏi: Hình tướng của trung hữu nếu như thế làm sao sinh khởi tưởng điên đảo như vậy: Đối với mẹ sinh tâm ái, đối với cha sinh tâm giận?

Đáp: Hình tướng tuy nhỏ, nhưng các căn mạnh mẽ, nhạy bén, cũng như hình tượng người già được vẽ trên vách. Hình dáng của ông ta tuy nhỏ nhưng có tướng già.

Hỏi: Hình tướng trung hữu của Bồ-tát là lớn hay nhỏ?

Đáp: Như thời gian trước có hình tướng của tuổi trẻ v.v… Cũng dùng ba mươi hai tướng trang nghiêm thân, tám mươi thứ vẻ đẹp tùy hình, toàn thân thuần là sắc vàng ròng, hào quang tròn sáng, tỏa xa một tầm.

Do sự việc này, nên khi Bồ-tát dừng lại ở trung hữu, hào quang nơi thân ấy soi rọi trăm ức bốn châu thiên hạ.

Hỏi: Nếu như vậy thì như kệ nơi pháp Tu-bồ-đề đã nói làm sao thông? Như nói:

Hình kia như voi trắng

Bốn chân, có sáu ngà

Khi đến nhập thai mẹ

Như tưởng dạo vườn lầu.

Đáp: Kệ này bất tất cần phải thông hợp? Vì sao? Vì kệ này không phải là Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, chỉ là nghĩa tự tạo, hoặc đúng, hoặc không đúng, hoặc có nói không có, hoặc không có nói có.

Nếu quyết muốn thông hợp là có ý gì?

Đáp: Pháp của quốc độ nơi phương kia cho giấc mộng ấy là an lành. Thế nên mẹ của Bồ-tát nằm mộng thấy sự việc này, muốn khiến người xem tướng đều nói là lành là thiện. Bồ-tát ở trong chín mươi mốt kiếp, không hề bị đọa vào nẻo ác, thì do duyên cớ nào tạo hình tướng súc sinh đến nhập thai mẹ?

Hỏi: Trung hữu là đủ các căn hay là không đủ các căn?

Đáp: Các căn đều đủ. Vì sao? Vì lúc Trung HỮU mới sinh, sáu nhập đều tìm cầu nơi hữu.

Lại có thuyết cho: Không đủ các căn.

Hỏi: Những căn nào không đủ?

Đáp: Thời gian trước có các căn không đủ, là tùy theo trung hữu. Cũng như chỗ giống của in hình tượng, có chỗ giống của thời gian trước khi in. Trung hữu cũng như vậy.

Lời bình: Nên tạo ra thuyết này: Các căn đều đủ. Vì sao? Vì lúc trung hữu sinh, sáu nhập đều tìm cầu nơi hữu.!

Hỏi: Trung hữu lúc đi thì như thế nào?

Đáp: Chúng sinh, kẻ nên sinh nơi địa ngục, lúc đi đầu quay xuống dưới, chân đưa lên trên. Như kệ nói:

Người đọa vào địa ngục

Thân họ đều treo ngược

Vì hủy báng Hiền, Thánh

Và các người hạnh tịnh.

Người sinh nơi bốn châu thiên hạ thì đi một bên, như chim bay trên không, như vẽ người bay trên vách.

Người nên sinh lên cảnh trời, đầu hướng lên trên, như ngửa mặt trông bắn mũi tên lên hư không.

Hỏi: Trung hữu lúc sinh là có mặc y phục hay không?

Đáp: Tất cả trung hữu nơi cõi sắc khi sinh đều có mặc y phục. Vì sao? Vì cõi sắc là cõi có nhiều hổ thẹn. Như pháp thân thường dùng y phục để che phủ, sinh thân cũng như thế. Trung hữu của chúng sinh nơi cõi dục, lúc sinh đa số không có y phục, chỉ trừ Bồtát, Tỳ-kheo-ni Bạch Tịnh.

Lại có thuyết cho: Trung hữu của Bồ-tát không có y phục, còn Tỳ-kheo-ni Bạch Tịnh thì có.

Hỏi: Vì lý do gì Trung HỮU của Bồ-tát không có y phục, còn Tỳ-kheo-ni Bạch Tịnh thì có?

Đáp: Vì Tỳ-kheo-ni Bạch Tịnh đã từng đem y phục thí cho chư Tăng bốn phương.

Hỏi: Bồ-tát thí y phục cho Tăng bốn phương nhiều hơn so với y phục của Tỳ-kheo-ni Bạch Tịnh đã thí?

Đáp: Tỳ-kheo-ni Bạch Tịnh sau khi thí cho Tăng y phục xong, liền phát nguyện: Nguyện cho tôi nơi các xứ sinh ra trong các đời đều thường xuyên mặc y phục. Do nguyện lực ấy, nên lúc trung hữu sinh luôn mặc y phục, khi nhập thai xuất thai cũng thường xuyên mặc y phục. Thân ấy càng lớn y phục cũng theo đấy mà lớn. Đối với pháp Phật, sinh khởi niềm tin, về sau xuất gia, liền đem y này chế ra năm thứ y, siêng năng tu phương tiện, chứng đắc quả A-la-hán, đến khi bát Niết-bàn, tức dùng y này quấn lấy thân để trà tỳ.

Còn các pháp thiện Bồ-tát đã hành đều vì chúng sinh hồi hướng nơi đạo quả Bồ-đề vô thượng để có thể sinh ra quả của nhân giống nhau. Thân sau cùng của Bồ-tát đối với tất cả chúng sinh được thân tối thắng.

Hỏi: Trung hữu nơi chúng sinh đã ăn thức ăn gì?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Nơi chốn có thức ăn uống thì ăn các thức ăn uống ấy. Còn như ở bên cạnh ao sông thì uống nước nơi ấy để tồn tại.

Hỏi: Nếu như vậy, từng nghe: Như từ túi đựng tuôn hết xuống các loại lúa gạo v.v… để trong kho lẫm, nồi chảo, trung hữu của chúng sinh nơi năm nẻo có khắp ở thế gian cũng lại như thế. Các thức ăn uống hiện có trong tất cả thế gian chỉ cung cấp cho trung hữu của một loài chó cũng không đủ, huống chi là các loài khác. Tuy nhiên, thân trung hữu kia thì nhẹ, nhỏ, còn thức ăn uống thì thô, nặng. Nếu ăn thức ăn này thì thân phải tan hoại.

Nếu như vậy làm sao tự sống còn?

Đáp: Trung hữu dùng mùi hương làm thức ăn. Nếu chúng sinh có phước đức, sẽ dùng thức ăn uống sạch, ăn uống hương thơm của hoa quả để tự tồn tại. Kẻ không có phước đức thì trung hữu của họ sẽ ăn vô số thứ mùi hôi hám của phân cấu uế, bất tịnh để tự sống còn.

Trung hữu gọi là Trung hữu. Cũng gọi là Kiền-thát-bà. Cũng gọi là Cầu hữu. Cũng gọi là Ma-nậu-ma.

Hỏi: Vì sao gọi là Trung hữu?

Đáp: Vì sinh nơi khoảng giữa của hai hữu nên gọi là Trung hữu.

Hỏi: Nếu như vậy thì các Hữu khác cũng ở nơi khoảng giữa của hai hữu đều được gọi là Trung hữu chăng?

Đáp: Nếu là hữu ở khoảng giữa của hai hữu, không thuộc về nẻo, thì gọi là Trung hữu. Nếu ở trung gian của hai hữu, nhưng thuộc về nẻo, thì không gọi là Trung hữu.

Lại nữa, nếu ở trung gian của hai hữu, nhưng là vi tế, khó sáng, khó thấy, khó rõ, thì gọi là Trung hữu. Các hữu khác tuy ở trung gian của hai hữu, nhưng là thô, dễ thấy, dễ sáng, dễ rõ, thì không gọi là Trung hữu.

Hỏi: Vì sao gọi Trung hữu là Kiền-thát-bà?

Đáp: Vì Trung hữu dùng mùi hương để sống còn, nên gọi là Kiền-thát-bà.

Vì sao gọi là Cầu hữu?

Đáp: Vì khi sinh, trung hữu dùng sáu nhập để tìm kiếm hữu nên gọi là Cầu hữu.

Vì sao gọi là Ma-nậu-ma?

Đáp: Vì từ ý sinh, nên gọi là Ma-nậu-ma.

Chúng sinh hoặc có loại từ ý sinh, hoặc có loại từ nghiệp sinh, từ báo sinh, từ hội hợp sinh.

Từ ý sinh: Là chư thiên nơi cõi sắc, vô sắc và trung hữu.

Từ nghiệp sinh: Là chúng sinh của địa ngục. Như nói: Chúng sinh trong địa ngục đều bị nghiệp trói buộc.

Từ báo sinh: Như chim bay.

Từ hội hợp sinh: Như con người, sáu trời thuộc cõi dục.

Kinh Phật nói: Vì ba sự hòa hợp nên được vào thai mẹ: (1) Cha mẹ cùng có tâm nhiễm, cùng hợp một xứ. (2) Gặp lúc người mẹ không có bệnh. (3) Kiền-thát-bà hiện ở trước. Ba sự hòa hợp tức là cha, mẹ, Kiền-thát-bà.

Cha mẹ có tâm nhiễm: Tức tâm dục hiện ở trước.

Cùng hợp một xứ: Là muốn cùng hội hợp.

Người mẹ kia không có bệnh. Là lúc người mẹ kia hoan hỷ.

Tỳ-ni nói thế này: Người mẹ kia do tâm dục nhơ đục, như lúc trời mưa, nước sông đều đục. Tâm dục của người mẹ kia cũng như thế. Cũng không có gió lạnh, nóng v.v…

Lúc gặp phải các bệnh: Là gặp lúc nước kinh của người nữ. Nếu nước kinh nhiều mỏng, thì không thành thai. Nếu nước kinh ít, khô, cũng không thành thai. Nhân nơi phần tinh huyết của cha mẹ, sau đấy mới thành thai. Đó gọi là lúc gặp, cũng gọi là có thân.

Kiền-thát-bà hiện ở trước: Là trung hữu hiện ở trước, hoặc khởi tâm ái, hoặc khởi tâm giận. Nếu thân trung hữu là nam thì đối với mẹ sinh ái, đối với cha sinh giận. Trung hữu kia khởi niệm: Nếu không có người nam ấy, thì ta sẽ cùng với người nữ này giao hợp. Bấy giờ, tức khởi tưởng điên đảo như thế. Khi thấy người nam kia cách xa, thì thấy tự thân như cùng với người nữ ấy cùng giao hợp. Lúc cha mẹ hội hợp xuất tinh khí, trung hữu thấy rồi, cho là thứ mình có, bèn sinh tâm vui mừng. Vì sinh tâm vui mừng nên mê muội. Vì mê muội nên trung hữu trở nên nặng, lại không di động. Lúc ấy tự thấy thân mình đang ngồi bên hông phải của mẹ, mặt hướng về lưng mẹ.

Nếu trung hữu là người nữ, thì đối với cha sinh ái, đối với mẹ sinh giận. Trung hữu nữ ấy khởi niệm: Nếu không có người nữ này, thì ta sẽ cùng với người nam ấy giao hợp. Khi đó, bèn khởi tưởng điên đảo như thế. Lúc thấy người nữ kia cách xa, thì thấy tự thân đang cùng với người nam này cùng giao hợp. Khi cha mẹ giao hợp xuất tinh khí, trung hữu thấy cho là thứ mình có bèn sinh tâm vui mừng. Do sinh tâm vui mừng nên mê muội. Vì mê muội nên khiến trung hữu chuyển thành nặng, lại không di động. Lúc này, trung hữu tự thấy thân mình đang ngồi ở nơi hông trái mẹ, mặt hướng về bụng mẹ.

Tất cả chúng sinh đều có tưởng điên đảo như thế mà vào thai mẹ, chỉ trừ Bồ-tát. Bồ-tát khi nhập thai, biết người nữ này là mẹ mình, người nam này là cha mình, nên đối với mẹ sinh tưởng là mẹ, đối với cha sinh tưởng là cha.

Hỏi: Trung hữu ở nơi xứ nào vào thai mẹ?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Trung hữu kia không bị chướng ngại, nên tùy bất cứ xứ nào cũng vào được.

Hỏi: Nếu nói không có chướng ngại thì không nên trụ trong thân mẹ chăng?

Đáp: Do sức của nghiệp nên trụ trong thân mẹ.

Lời bình: Nên tạo ra thuyết này: Trung hữu từ nơi sinh môn đi vào trong thân mẹ. Do sự việc ấy, nên về song sinh, đứa con ra sau là lớn. Vì sao? Vì vào thai mẹ trước.

Luận Thi Thiết nói: Cha mẹ có phước đức v.v… mới có thể thọ thai.

Hỏi: Như người nam giàu sang gần gũi với người nữ nghèo hèn. Người nữ giàu sang gần gũi với người nam thấp kém, làm sao có thể thọ thai?

Đáp: Nên ở nơi lúc đó, trung hữu thấy người nữ kia sinh tưởng tôn quý, tự thấy thân mình sinh tưởng thấp kém. Người nữ tự cho là hơn, xem người nam là thấp kém. Người nữ tôn quý gần gũi với người nam thấp kém, cho người kia là hơn, cho mình là thấp kém. Người nam kia thấy mình là hơn, cho người khác là thấp kém. Khi ấy, vì có tưởng về phước đức v.v… như thế, nên mới có thể thọ thai.

Một người ở trong thai mẹ, có trung hữu của năm nẻo. Như chó, chó sói, cá, ểnh ương v.v…

Hỏi: Nếu là trung hữu của địa ngục thì ở trong bụng của người mẹ kia, sao không thiêu đốt?

Đáp: Nếu người tạo nghiệp thì bị thiêu đốt. Kẻ không tạo nghiệp thì không bị thiêu đốt. Nếu người có giữ giới v.v… bị vướng mắc trong địa ngục cũng không thể bị thiêu đốt. Vì sao? Vì không tạo nghiệp. Chúng sinh ở trước địa ngục bất tất bị thiêu đốt.

Như Luận Thi Thiết nói: Có chúng sinh của địa ngục Hoạt, khi gió lạnh thổi đến, họ nói lớn: Các chúng sinh sống lại! Các chúng sinh sống lại! Lúc ấy chúng sinh liền sống.

Do sự việc này, nên trung hữu kia bất tất bị thiêu đốt.

Hỏi: Nếu đối với tường vách, núi rừng, nhà cửa, ngói đá v.v…

đều không thể gây trở ngại cho trung hữu thì trở lại đối với trung hữu có bị chướng ngại không?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Có cùng chướng ngại.

Nếu như vậy thì vì sao trung hữu gọi là không có chướng ngại?

Đáp: Chỉ trừ trung hữu, còn đối với các thứ khác đều không có trở ngại.

Lại có thuyết cho: Trung hữu đối với trung hữu trở lại không có cùng chướng ngại. Vì sao? Vì không có ngôn ngữ.

Hỏi: Nơi chốn đã đi qua là trung hữu đi nhanh hay thần túc đi nhanh?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Trung hữu đi nhanh. Vì sao? Vì sức của nghiệp hơn sức của thần túc?

Lời bình: Nên tạo ra thuyết này: Thần túc đi nhanh, không phải là sức của nghiệp đi nhanh.

Hỏi: Nếu như vậy vì sao nói sức của nghiệp hơn sức của thần túc?

Đáp: Nên biết là do sự việc gì để nói sức của nghiệp hơn sức của thần túc? Vì có thể lưu trú nơi tất cả chúng sinh. Về sức của thần túc thì Tôn giả Xá-lợi-phất chỉ trừ Đức Phật. Tôn giả Mục-kiền-liên thì trừ Phật và Tôn giả Xá-lợi-phất. Trung hữu kia không có cỏ thuốc, pháp chú thuật của chúng sinh. Phật cùng với Phật-bích-chi có thể lưu trú, khiến sự sinh kia không nối tiếp. Do sự việc này nên nói sức của nghiệp hơn sức của thần túc.

Hỏi: Trung hữu có lần lượt thấy nhau không?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Thấy nhau.

Thấy được bao nhiêu nơi chốn?

Đáp: Địa ngục thấy địa ngục. Súc sinh thấy súc sinh. Ngạ quỷ thấy ngạ quỷ. Người thấy người. Trời thấy trời.

Lại có thuyết nói: Địa ngục thấy địa ngục. Súc sinh thấy hai nẻo. Ngạ quỷ thấy ba nẻo. Người thấy bốn nẻo. Trời thấy năm nẻo.

Lại có thuyết cho: Trung hữu không phải là cảnh giới của mắt người, là cảnh giới của thiên nhãn.

Hỏi: Thiên nhãn thấy bao nhiêu nơi chốn?

Đáp: Thiên nhãn, báo của Tứ thiên vương, trừ địa của mình, thấy địa dưới. Cho đến trời Tha Hóa Tự Tại, trừ địa của mình, thấy địa dưới.

Lại có thuyết nói: Tất cả mắt nơi cõi dục đều không thông thấy trung hữu. Mắt của cõi sắc có thể thấy.

Hỏi: Báo được mắt nơi cõi sắc, có thể trông thấy bao nhiêu nơi chốn?

Đáp: Báo được mắt của thiền thứ nhất, trừ địa mình, thấy địa dưới. Cho đến thiền thứ tư, trừ địa của mình, thấy địa dưới.

Nếu tạo ra thuyết này thì không trông thấy trung hữu của thiền thứ tư.

Lời bình: Nên tạo ra thuyết này: Tất cả báo được mắt đều không thấy trung hữu. Thiên nhãn nếu thanh tịnh thì có thể thấy trung hữu. Nếu không thanh tịnh thì không trông thấy trung hữu. Vì sao nhận biết? Vì kinh Phật nói: Nếu người nam, người nữ phá giới, hành ác, thì thân hoại mạng chung, sinh trung hữu như thế. Màu sắc trông như thảm lụa đen, cũng như đêm tối. Nếu thiên nhãn thanh tịnh mới có thể trông thấy. Nếu là người nam, người nữ giữ giới, tu phạm hạnh, thì thân hoại mạng chung, sinh trung hữu như thế, màu sắc trắng sạch, như tấm thảm trắng, cũng như mặt trăng sáng trong đêm tối. Nếu thiên nhãn tịnh mới có thể trông thấy.

Như nói vua Tỳ-lưu-ly dối trá ma ác Đề-bà-đạt-đa, tức do nơi thân này vào địa ngục A-tỳ.

Hỏi: Các trường hợp như thế v.v… là có trung hữu chăng?

Đáp: Có. Ở nơi một sát-na, tử hữu không gián đoạn sinh trung hữu. Trung hữu không gián đoạn sinh sinh hữu. Chỉ ở nơi một sát-na.

Như kinh nói: Đế thích nói kệ:

Đại tiên phải nên biết

Tôi ở nơi tòa này

Lại được thọ mạng trời

Xin nguyện nhớ giữ mãi.

Hỏi: Như đây là có chết có sinh không? Nếu có chết có sinh làm sao thọ trung hữu? Nếu không có chết , sinh thì như kệ ấy nói làm sao thông? Như nói: Tôi ở nơi tòa này, Lại được thọ mạng trời.

Đáp: Nên tạo ra thuyết này: Không chết, không sinh.

Hỏi: Nếu như vậy làm sao thông hợp kệ ấy?

Đáp: Kệ này, vì nhân duyên dứt trừ nẻo ác của Đế Thích, nên nói như thế. Đức Phật vì Đế Thích giảng nói pháp, được nhân duyên thấy chân đế đoạn trừ nẻo ác, được tùy ý sinh vào nơi chốn của người, trời, muốn hướng trở lại nơi Đức Phật, nói lời ái ngữ: Tôi ở nơi tòa này, Lại được thọ mạng trời, cho đến nói rộng. Như người ở trong lao ngục, nhờ kẻ khác giúp đỡ nên ra khỏi, cư trú ở chỗ tùy ý. Người ấy vừa trở lại hướng tới người kia, nói lời ái ngữ: Nay tôi sở dĩ được toàn mạng là đều do ơn ông. Nếu không có ông thì tôi đã bị chìm đắm vĩnh viễn.

Lại nữa, trừ bệnh kiết do kiến đạo đoạn, nên nói như thế. Tức Đức Phật vì Đế Thích giảng nói pháp, trừ bỏ bệnh kiết do kiến đạo đoạn trừ, khiến trụ nơi xứ bậc nhất không có bệnh, nghĩa là đạo, quả của đạo. Vì muốn hướng trở lại nơi Đức Phật, nên nói lời ái ngữ: Tôi ở nơi tòa này, cho đến nói rộng. Cũng như thầy thuốc có tâm từ, trị bệnh cho người khác, khiến họ được xứ an ổn không bệnh. Bệnh nhân muốn hướng trở lại nơi vị y sư, nói lời ái ngữ: Nếu không có ông thì tôi ở xứ này tức vĩnh viễn chìm đắm. Đế Thích kia cũng như thế.

Lại nữa, vì được thần túc thọ mạng, nên nói như thế. Như kinh nói: Tỳ-kheo lấy gì làm thọ mạng? Tức bốn thần túc là thọ mạng của Tỳ-kheo. Đức Phật vì Đế Thích giảng nói pháp, được thần túc, thọ mạng, nên Đế Thích muốn hướng trở lại chỗ Đức Phật nói lời ái ngữ: Tôi ở nơi tòa này, cho đến nói rộng.

Lại nữa, vì được căn của tuệ mạng, nên nói như thế. Như kinh nói: Dùng tuệ làm thọ mạng, tức là tối thắng. Đức Phật vì Đế Thích giảng nói pháp, muốn cho Đế Thích được căn của tuệ mạng. Đế Thích muốn hướng trở lại Đức Phật, nên nói lời ái ngữ: Tôi ở nơi tòa này, cho đến nói rộng

Hỏi: Đế Thích vốn không có căn của tuệ mạng chăng?

Đáp: Tuy vốn có nhưng là hữu lậu. Nghe Phật giảng nói pháp, thấy bốn chân đế, được căn của tuệ vô lậu, nên nói như thế.

Lại nữa, đoạn trừ năm thứ tướng giống như chết, nên nói như thế. Khi thọ mạng của chư thiên sắp hết, có năm thứ tướng giống với chết, cùng năm tướng chết hiện rõ.

Những gì là năm thứ tướng giống với chết? Mỗi khi chư thiên qua lại, chuỗi anh lạc đeo trên thân đều phát ra âm thanh của năm thứ nhạc. Tiếng ấy bấy giờ liền mất.

Thân của chư thiên phát ra ánh sáng, tự thân không có ảnh.

Hoặc có thuyết nói: Bấy giờ, hào quang nơi thân giảm thiểu.

Hoặc có thuyết cho: Hào quang nơi thân đều diệt mất, bóng của tự thân hiện ra.

Thân của chư thiên mềm mại, không có cấu uế. Vào trong ao nước thơm tắm, lúc ra khỏi ao, cho đến không có một giọt dính vào thân, như cánh hoa sen. Vào lúc này, nước dính đầy nơi thân.

Chư thiên có nhiều thứ cảnh giới tốt đẹp, thanh tịnh, luôn khiến các căn tình nhiễu động, không dừng lại nơi một cảnh giới nào mà xoay quanh các cảnh giới, cũng như vòng lửa không hề dừng. Lúc này thì dừng lại nơi một cảnh giới.

Thân phước đức của chư thiên, mắt không từng nháy, lúc này thì nháy.

Về năm tướng chết: Kinh nói: Chư thiên hoặc nam, hoặc nữ, khi sắp mạng chung, trước hết có năm tướng chết hiện ra: (1) Áo không cấu uế nay thì do nhớp. (2) Hoa không héo mà héo. (3) Dưới nách vốn không đổ mổ hôi nay thì đổ mồ hôi. (4) Thân vốn không hôi nay thì hôi hám. (5) Trước vốn ngồi yên nơi tòa nay thì không thích ngồi yên.

Năm thứ tướng giống với chết tức có thể trừ bỏ. Còn năm tướng chết thì không thể trừ bỏ.

Lúc ấy năm thứ tướng giống với chết của Đế Thích hiện ra không lâu, năm tướng chết sẽ hiện, bèn nghĩ: Ai có thể cứu giúp ách nạn như thế của ta, trừ Đức Phật, Thế Tôn, thì không ai có khả năng. Vội đi đến chỗ Đức Phật. Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền vì Đế Thích giảng nói pháp. Do nghe pháp nên trừ bỏ năm thứ tướng giống với chết. Đế Thích muốn trở lại hướng về Đức Phật, nên nói lời ái ngữ như thế: Tôi ở nơi tòa này, cho đến nói rộng. Nếu tạo ra thuyết ấy là nói tạo nghiệp báo của hiện pháp, tức ở trên tòa, lại được tám căn như mạng v.v…

Lại có thuyết cho: Vào lúc ấy cũng có tử, sinh.

Hỏi: Nếu như vậy thì Luận Thi Thiết nói làm sao thông? Như nói: Trời Ba Mươi Ba, hoặc nam hoặc nữ, lúc mới sinh thân như trẻ con năm tuổi, ở trên sự bồng bế của chư thiên, bỗng nhiên hóa sinh. Bấy giờ, chư thiên hoặc nam hoặc nữ, nói: Đây là con trai của ta. Đây là con gái của ta. Người hóa sinh cũng nói: Đây là cha ta. Đây là mẹ ta. Hỏi: Lúc ấy, chư thiên có thấy tướng như thế của Đế Thích không?

Đáp: Đều trông thấy, rồi nghĩ: Nay Đế Thích có thần lực lớn, đã hiện sức của thần túc trước Đức Thế Tôn.

Lại nữa, trong chư thiên người có oai đức gọi là: (1) Nhân-đàla. (2) Ưu-tỳ-nhân-đà-la. (3) Y-xá-na. (4) Ba-xà-bát-hí.

Chư thiên có oai đức như thế, như trước đã có thân của thời tráng niên, thân của thời mới sinh cũng như vậy. Chư thiên hóa sinh không có tử thi.

Lời bình: Chư thiên hóa sinh kia không có tử sinh, như thuyết trước nói là tốt.

Luận Thi Thiết nói: Con người của kiếp đầu, có người hóa thành sâu đi bằng bụng, gọi là phúc hành. Hóa làm ba tay gọi là voi.

Người có thân biến hóa như thế là có tử, sinh không? Nếu có thì trung hữu của những người ấy ra sao? Nếu không có tử sinh thì con người tức làm súc sinh chăng?

Đáp: Nên tạo ra thuyết này: Không có tử, sinh.

Hỏi: Nếu như vậy thì con người tức làm súc sinh chăng?

Đáp: Con người không phải tức làm súc sinh, chỉ là thân súc sinh cùng với thân người nối tiếp.

Lại có thuyết nói: Con người của thời kiếp sơ hình dáng trông giống với con người. Về sau, do thời tiết xấu, ăn uống xấu ác, dua nịnh, tà vạy tăng nhiều, nên hình dáng con người bèn diệt. Hình thù súc sinh hiện ở trước. Thật ra hình dáng của con người này là súc sinh. Cũng như do sức của chú thuật, chú con người thành lừa. Tuy hình dáng là lừa, nhưng kỳ thật là con người. Con người của thời kiếp sơ kia cũng như thế.

Lại có thuyết cho: Chúng sinh từ cõi trời Quang âm chết đều sinh tới chốn này, thực ra là súc sinh, hình dáng trông giống như con người. Về sau do thời tiết xấu, ăn uống xấu ác, dua nịnh, tà vạy tăng nhiều, nên hình dáng con người liền diệt mất, trở lại làm súc sinh, hình dáng như ểnh ương. Thời kỳ trước, hình dáng đủ, thời kỳ sau hình dáng đủ. Thời gian trước hình dáng tròn trịa màu đen. Thời gian sau hình dáng vuông vức mà tráng kiện.

Lại có thuyết nêu: Người của thời kiếp sơ kia có tử, sinh.

Hỏi: Nếu như vậy thì trung hữu là thế nào?

Đáp: Trung hữu vi tế. Con người của thời kỳ kiếp sơ hóa sinh không có tử sinh.

Lời bình: Nên tạo ra thuyết này: Không có tử, sinh.

HẾT – QUYỂN 36