SỐ 203
KINH TẠP BẢO TẠNG
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Sa-môn Kiết-ca-dạ và Đàm Diệu.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8

Gồm bảy chuyện:

  1. Chuyện vợ chồng phụ tướng nước Câu-thi-di ác tâm đối với Đức Phật, nhờ Đức Phật hóa đạo mà chứng quả Tu-đà-hoàn.
  2. Chuyện Nan-đà, em của Đức Phật bị Đức Phật bắt buộc xuất gia, được đắc đạo.
  3. Chuyện đại lực sĩ cảm hóa nhóm giặc đồng hoang.
  4. Chuyện phụ tướng nghe pháp nên ly dục.
  5. Chuyện Ni-kiền Tử nhảy vào đống lửa được Phật cứu độ.
  6. Chuyện năm trăm con chim ưng trắng nghe pháp được sinh lên cõi trời.
  7. Chuyện Đề-bà-đạt-đa thả con voi say tên Hộ tài muốn hại Phật.

 

95- CHUYỆN VỢ CHỒNG PHỤ TƯỚNG NƯỚC CÂU-THI-DI ÁC TÂM ĐỐI VỚI ĐỨC PHẬT, NHỜ ĐỨC PHẬT HÓA ĐẠO MÀ CHỨNG QUẢ TU-ĐÀ-HOÀN

Đức Phật ở tại nước Câu-thi-di, ở đấy có một phụ tướng Bà-la-môn là con người cuồng bạo, chẳng có chút đạo tâm, còn vợ ông là người nịnh hót tà vạy, cũng chẳng kém gì chồng.

Người chồng bảo vợ:

–Sa-môn Cù-đàm đang ở trong nước này, nếu ông ta đến đây, hãy đóng cửa đừng mở.

Có một hôm, bỗng nhiên Đức Như Lai ở trong nhà ông. Vợ của Bà-la-môn thấy vậy im lặng chẳng nói với Ngài một tiếng. Đức Phật liền nói:

–Ngươi là người Bà-la-môn ngu si, tà kiến, không tin Tam bảo.

Người vợ nghe lời nói ấy, hết sức tức giận, tự bứt dây anh lạc, mặc áo dơ, ngồi bệt dưới đất. Người chồng từ ngoài đi vào hỏi:

–Tại sao lại làm như vậy?

Đáp:

–Sa-môn Cù-đàm mạ nhục tôi, nói: “Ngươi là người Bà-la-môn tà kiến, bất tín.”

Người chồng nói:

–Hãy chờ đến sáng mai, sáng mai hãy mở cửa để chờ Phật đến.

Vào ngày hôm sau Đức Phật xuất hiện trong nhà ông. Bà-la-môn liền cầm kiếm nhọn đâm Đức Phật, nhưng không thể đâm được.

Ông thấy Đức Phật ở trên hư không, liền tự thấy xấu hổ, năm vóc gieo xuống đất, bạch Đức Phật:

–Cúi mong Đức Thế Tôn giáng hạ để con xin sám hối.

Đức Phật liền đi xuống đất, cho ông sám hối và nói những điều cốt yếu của Chánh pháp cho ông nghe. Nhờ vậy vợ chồng ông đều đắc được đạo quả Tu-đà-hoàn.

Khi ấy các Tỳ-kheo nghe Đức Phật hàng phục và giáo hóa người ác như vậy, họ đều nói:

–Đức Thế Tôn xuất thế hết sức kỳ diệu.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Đâu phải chỉ có ngày nay mới thế, mà ở thời quá khứ, Ta cũng từng điều phục họ như vậy.

Các Tỳ-kheo bạch Đức Phật:

–Không rõ ở thời quá khứ Đức Phật đã điều phục như thế nào?

Đức Phật nói:

–Ngày xưa, ở nước Ca-thi có một vị vua tên là Ác Thọ, ông làm những điều hết sức phi pháp, khổ não trăm họ chém giết vô đạo.

Các khách buôn bốn phương xa xôi có những vật trân kỳ thù thắng, ông đều đánh thuế để chiếm đoạt, không đền trả những vật báu ấy.

Vì vậy mà các vật quý ở trong nước đều lọt vào tay ông, mọi người rao truyền, tiếng ác của vua lan khắp.

Bấy giờ có chim chúa Anh vũ đang ở trong rừng nghe người đi đường nói về sự độc ác của vua ấy, liền tự suy nghĩ: “Ta tuy là loài chim còn biết đó là điều trái. Nay ta nên đến chỗ vua kia nói về con đường thiện. Nếu nhà vua nghe lời, ta sẽ nói: Vua của loài chim kia còn có lời thiện, sao vua của loài người mà để người ta chê trách?

May ra còn có thể giúp cho vua sửa đổi tu tỉnh.”

Chim chúa liền bay lên cao, vào trong vườn của vua, liệng một vòng rồi hạ xuống, đậu trên một cây, gặp lúc phu nhân của vua vào vườn dạo mát. Khi ấy chim Anh vũ vỗ cánh ca hát, nói:

–Nay vua bạo ngược hết sức vô đạo, tàn hại vạn dân ác độc với chim, thú, phun hơi phì phì, làm cho người, vật căm tức, buông lời ta thán, thiên hạ đều nghe. Phu nhân của vua cũng hà khắc không kém, làm cha mẹ của dân mà như vậy sao?

Hoàng hậu nghe xong, bừng bừng tức giận nói:

–Vì sao con chim nhỏ này lại mắng nhiếc ta không tiếc lời?

Bà bảo người rình bắt nó. Khi ấy chim Anh vũ không khiếp, không sợ, nhảy vào tay của người bắt. Khi hoàng hậu bắt được chim, liền dâng cho vua. Nhà vua nói với chim Anh vũ:

–Sao ngươi lại mắng ta?

Chim Anh vũ đáp:

–Tôi nói về điều phi pháp của vua, là muốn ích lợi cho ngài, chớ đâu dám mắng!

Khi ấy nhà vua hỏi:

–Ta có điều phi pháp gì?

Đáp:

–Có bảy việc phi pháp, có thể làm nguy hại thân vua.

Vua hỏi:

–Những gì là bảy?

Đáp:

–Một là đam mê tửu sắc, không làm việc ngay thẳng. Hai là uống rượu say sưa mê loạn, không lo việc nước. Ba là tham đắm cờ bạc, không tu lễ kính. Bốn là săn bắn, sát sinh, hoàn toàn không có lòng từ. Năm là thích nói lời ác độc, không nói lời lành. Sáu là thuế má hình phạt nhiều hơn pháp thường. Bảy là không theo nghĩa lý, cướp đoạt tài vật nhân dân. Nếu có bảy việc này thì có thể làm nguy hại thân vua. Lại có ba việc làm nghiêng ngửa, suy bại vương quốc.

Nhà vua lại hỏi:

–Ba việc ấy là những gì?

Đáp:

–Một là thân cận với người tà nịnh, hiểm ác. Hai là không dựa vào Hiền thánh, không nghe lời trung. Ba là ưa thích chinh phạt nước khác, không nuôi dưỡng nhân dân. Nếu ba việc này không từ bỏ, thì thời gian mất nước không sớm thì muộn. Phàm người làm vua được mọi người quy ngưỡng, vậy nhà vua phải như cây cầu để cứu giúp vạn dân. Vua phải như cái cân, đối xử bình đẳng giữa người thân kẻ sơ. Vua phải như con đường, không ngược với dấu vết của Thánh.

Người làm vua như mặt trời chiếu khắp thế gian.Vua phải như mặt trăng làm mát dịu mọi vật. Vua như cha mẹ, có ân nuôi dưỡng thương yêu. Nhà vua như bầu trời bao che tất cả. Nhà vua như mặt đất, vận tải nuôi dưỡng vạn vật. Vua như lửa, thiêu trừ tai họa hiểm nghèo cho muôn dân. Vua như nước, làm thấm nhuần bốn phương.

Giống như vị Chuyển luân thánh vương ở thời quá khứ, vua lấy mười việc thiện để giáo hóa chúng sinh.

Nhà vua nghe lời ấy rồi, tự mình hết sức xấu hổ, vì lời nói của Anh vũ chí thành, chí thiết. Vua nghĩ: “Ta là vua của loài người, đã làm điều vô đạo. Vậy ta xin vâng theo lời dạy ấy và thờ chim Anh vũ làm thầy, vâng chịu và thực hành Chánh pháp.”

Bấy giờ ở trong nước phong giáo đã được thực hành, tiếng ác của vua được tiêu diệt. Hoàng hậu, thần quan đều sinh lòng trung thành tôn kính, tất cả nhân dân thảy đều hoan hỷ. Giống như trâu chúa vượt qua sông, người dẫn đường đã chánh thì kẻ đi theo cũng chánh.

Chim Anh vũ lúc ấy là thân của Ta. Vua Ác Thọ nước Ca-thi lúc ấy thì nay là phụ tướng, còn phu nhân lúc ấy nay là vợ phụ tướng vậy.


96- CHUYỆN NAN-ĐÀ, EM CỦA ĐỨC PHẬT BỊ ĐỨC PHẬT BẮT BUỘC XUẤT GIA ĐƯỢC ĐẮC ĐẠO

Đức Phật ở nước Ca-tỳ-la-vệ, Ngài vào thành để khất thực, đến nhà của Nan-đà, gặp lúc Nan-đà cùng vợ đang trang điểm xoa hương, kẻ lông mày. Nghe tin Đức Phật ở ngoài cửa, Nan-đà muốn ra ngoài để gặp Phật, vợ chàng căn dặn:

–Hãy ra gặp Đức Như Lai, để em trang điểm trên vùng trán rồi hãy trở vào.

Nan-đà liền đi ra, gặp Phật, đảnh lễ Ngài, lấy bát vào nhà bỏ đầy đồ ăn rồi đem lên dâng Đức Phật, nhưng Đức Phật không nhận.

Nan-đà lại đưa bình bát cho Tôn giả A-nan, Tôn giả A-nan cũng không nhận. Tôn giả A-nan nói:

–Ngài nhận bát của ai, hãy đưa cho người ấy.

Bấy giờ Nan-đà ôm bát đi theo Đức Phật đến tinh xá Ni-câu-lủ. Đức Phật bảo thợ hớt tóc cắt tóc cho Nan-đà. Nan-đà không chịu, tức giận nắm tay nói với thợ hớt tóc:

–Tất cả nhân dân của nước Ca-tỳ-la-vệ, nay ngươi có thể cắt tóc hết chăng?

Đức Phật hỏi thợ hớt tóc:

–Sao không hớt tóc?

Thưa:

–Vì sợ Nan-đà cho nên không dám hớt tóc.

Đức Phật cùng Tôn giả A-nan đích thân đến một bên, nên Tôn giả Nan-đà không dám cản thợ hớt tóc. Tuy đã thế phát nhưng Nan-đà luôn muốn trở về nhà, vì Đức Phật thường dẫn Tôn giả đi theo nên không thể về nhà được. Sau đó có một ngày, thứ lớp đến phiên Tôn giả phải giữ tinh xá, nên Tôn giả rất vui mừng nghĩ: “Nay đã đúng thời cơ thuận tiện để ta trở về nhà. Chờ sau khi Đức Phật và chúng Tăng đều đi khỏi, ta sẽ trở về.”

Sau khi Đức Phật vào thành, Tôn giả nghĩ rằng ta hãy đổ nước đầy vào các bình chứa, sau đó sẽ về nhà. Trong khi Tôn giả đổ nước, bình này vừa đầy thì bình kia lại cạn. Cứ như vậy suốt thời gian đổ nước vào bình mà vẫn không đầy. Tôn giả liền nói:

–Tất cả bình đều không thể đầy, hãy để cho các Tỳ-kheo trở về tự đổ lấy. Nay ta chỉ đổ lấy cái bình trong phòng, rồi bỏ mà đi. Tôn giả liền đóng cửa phòng, vừa đóng cánh cửa này thì cánh cửa kia lại mở, vừa đóng xong phòng này, thì phòng kia lại mở. Tôn giả liền nghĩ: “Tất cả đều không thể đóng được, vậy hãy bỏ đó mà đi, ví dầu có mất y vật của các Tỳ-kheo thì nhà ta có nhiều châu báu dư sức bồi thường.” Tôn giả liền ra khỏi chùa tự nghĩ: “Có lẽ Đức Phật sẽ về đường này, ta hãy đi đường kia.” Đức Phật biết ý của Tôn giả, nên Ngài cũng trở về con đường của Tôn giả chọn. Từ xa trông thấy Đức Phật đi đến, Tôn giả nấp sau cây đại thọ. Lúc ấy vị Thọ thần nâng cây này trên hư không, thành thử Tôn giả Nan-đà đứng ở giữa đất trống. Đức Phật thấy Nan-đà, lại dắt về tinh xá và hỏi:

–Ngươi nhớ vợ phải không?

Nan-đà thưa:

–Sự thật có nhớ.

Đức Phật liền dẫn Tôn giả Nan-đà đến đỉnh núi A-na-ba, lại hỏi:

–Vợ ngươi có xinh đẹp không?

Thưa:

–Rất xinh đẹp.

Ở trong núi đó có một con khỉ mù, Đức Phật lại hỏi:

–Vợ của ngươi là Tôn-đà-lợi, mặt mày có giống con khỉ này không?

Tôn giả Nan-đà áo não, lại nghĩ: “Vợ của mình xinh đẹp không ai bằng. Nay vì cớ gì mà Đức Phật lại đem vợ ta ví với con khỉ này?”

Đức Phật lại dẫn Tôn giả đến cõi trời Đao-lợi, đi cùng khắp các Thiên cung, để dạo xem. Tôn giả thấy các Thiên tử với các Thiên nữ cùng nhau vui chơi. Nhưng Tôn giả thấy trong một cung điện có năm trăm Thiên nữ, mà chẳng có Thiên tử. Tôn giả đến hỏi Đức Phật. Đức Phật bảo:

–Ngươi hãy tự đến hỏi xem.

Tôn giả Nan-đà đến hỏi:

–Trong các cung điện đều có Thiên tử, tại sao ở đây không có Thiên tử?

Thiên nữ thưa:

–Trong cõi Diêm-phù-đề, Nan-đà là em của Đức Phật, Đức Phật bắt ông phải xuất gia. Nhờ nhân duyên xuất gia ấy, nên khi mạng chung sẽ được sinh lên cõi trời này, sẽ làm chồng chúng tôi.

Tôn giả Nan-đà đáp:

–Người ấy chính là tôi, nếu muốn tôi sẽ ở lại.

Thiên nữ nói:

–Chúng em là người trời, nay chàng là loài người. Khi nào chàng xả tuổi thọ cõi người, lại sinh nơi đây mới có thể ở lại đây được.

Tôn giả đến chỗ Đức Phật đem việc ấy trình bày đầy đủ với Đức Phật. Đức Phật nói với Tôn giả Nan-đà:

–Vợ của ngươi xinh đẹp sao bằng Thiên nữ?

Tôn giả Nan-đà đáp:

–So với các Thiên nữ này, thì vợ của con giống như con khỉ mù vậy.

Đức Phật dẫn Tôn giả Nan-đà trở về cõi Diêm-phù-đề. Tôn giả Nan-đà vì các Thiên nữ khích lệ cho nên siêng năng trì giới.

Khi ấy Tôn giả A-nan nói bài kệ:

Giống như dê chiến đấu

Bước tới lại thoái lui

Tâm ngươi muốn trì giới

Sự việc cũng như vậy.

Đức Phật lại dẫn Tôn giả Nan-đà đi xuống địa ngục, Tôn giả thấy các chảo nước sôi đều có nấu người bên trong, duy chỉ có một chảo nước sôi là không có người, Tôn giả thấy chuyện lạ mới đến hỏi Đức Phật. Đức Phật bảo:

–Ngươi hãy tự đến hỏi xem.

Tôn giả Nan-đà liền đến hỏi ngục tốt:

–Các chảo đều có nấu tội nhân, sao chảo này lại chẳng có ai?

Đáp:

–Trong cõi Diêm-phù-đề có người em của Đức Như Lai tên là Nan-đà nếu vì xuất gia có công đức thì phải được sinh lên cõi trời, còn nếu vì dục vọng mà bỏ đạo thì sau khi mạng chung sẽ đọa vào địa ngục này nên tôi nấu chảo dầu sôi này mà đợi.

Nan-đà liền hoảng hốt, sợ ngục tốt lưu lại trong địa ngục liền nói:

–Nam-mô Phật-đà. Xin Ngài che chở, đem con trở về cõi Diêm-phù-đề.

Đức Phật nói với Tôn giả Nan-đà:

–Ngươi siêng trì giới, tu phước cầu sinh lên cõi trời phải không?

Thưa:

–Con không cầu sinh lên cõi trời, chỉ muốn không đọa vào địa ngục mà thôi.

Đức Phật thuyết pháp trong bảy ngày cho Tôn giả nghe, Tôn giả liền thành A-la-hán.

Các Tỳ-kheo khen:

–Đức Thế Tôn xuất thế, rất kỳ lạ, hiếm có.

Đức Phật nói:

–Đâu phải chỉ có ngày hôm nay đâu, mà ở thời quá khứ cũng lại như vậy.

Các Tỳ-kheo thưa:

–Sự việc của quá khứ thế nào? Xin Đức Thế Tôn nói cho chúng con nghe.

Đức Phật nói:

–Ngày xưa ở nước Ca-thi có một vị vua tên là Mãn Diện. Ở nước Tỳ-đề-hy có một mỹ nhân đoan chánh tuyệt diệu.

Bấy giờ hai nước thường có oán thù ganh ghét nhau. Khi ấy có một nịnh thần ở một bên, tán thán với vua nước Ca-thi:

–Nước kia có một mỹ nữ xinh đẹp hiếm có, thế gian không ai bằng.

Nhà vua nghe lời ấy rồi, tâm sinh mê hoặc, bảo sứ đi tìm bắt đem về, nhưng nước kia không cho. Nhà vua lại bảo sứ đến nói:

–Chỉ xin thấy mặt thời gian ngắn khoảng bốn, năm ngày, rồi sẽ trả lại.

Bấy giờ vua nước kia dặn dò mỹ nữ:

–Con người của ngươi có nhiều kỹ năng, đầy đủ vẻ đẹp, hãy làm cho vua Ca-thi bị mê hoặc ngươi, không thể xa rời ngươi một phút nào, ta sẽ để ngươi đi.

Bốn năm ngày sau, sứ giả nước Ca-thi lại đến, vua nước Tỳ-đềhy lại đáp:

–Nếu vua mở hội cúng tế lớn, thì được người con gái này; ta sẽ tạm thời thả ra, sau đó phải đem nàng trở lại.

Vua Ca-thi liền trở về mở hội cúng tế lớn xong, bảo sứ đến rước về.

Đáp:

–Sáng mai sẽ cho đi.

Đến sáng mai rồi mà vua Tỳ-đề-hy cũng không cho mỹ nữ đi.

Nói dối như vậy, trải qua nhiều ngày, làm lòng vua nước Ca-thi bị mê hoặc, một mình đem theo ít người, muốn đến nước kia. Các thần khuyên can, nhưng nhà vua vẫn không nghe.

Bấy giờ ở trong núi Tiên nhân, có con khỉ chúa, thông minh trí tuệ, biết nhiều. Vợ của khỉ chúa vừa chết, nên nó lấy một con khỉ cái khác, các con khỉ khác đều tức giận bảo:

–Con khỉ dâm này là của chung tất cả, tại sao khỉ chúa lại chiếm hữu một mình?

Bấy giờ khỉ chúa cùng với khỉ cái chạy vào trong nước Ca-thi, nương tựa chỗ vua. Còn cả bầy khỉ thảy đều truy lùng. Khi đã vào trong thành, chúng dỡ nhà phá tường, không sao dẹp yên được.

Quốc vương Ca-thi nói với khỉ chúa:

–Nay ngươi tại sao không đem con khỉ cái này trả lại cho các con khỉ?

Khỉ chúa đáp:

–Vợ tôi đã chết, lại không có vợ. Nay tại sao nhà vua lại muốn tôi trả về?

Nhà vua nói:

–Nay các con khỉ của ngươi, phá loạn nước ta, sao ngươi vẫn không trả về?

Khỉ chúa nói:

–Việc này không tốt sao?

Vua đáp:

–Không tốt.

Như vậy cho đến hai ba lần, nhà vua vẫn nói không tốt.

Khỉ chúa nói:

–Trong cung của ngài có tám vạn bốn ngàn phu nhân mà ngài không đủ ái lạc lại còn muốn đến nước địch để tìm kiếm dâm nữ. Nay tôi không có vợ, chỉ lấy có một người mà ngài nói là không tốt. Tất cả vạn dân nhờ ngài mà được sống. Chỉ vì một dâm nữ mà ngài nỡ vất bỏ tất cả. Đại vương nên biết: Việc dâm dục vui ít khổ nhiều, giống như ngược gió mà cầm đuốc, kẻ ngu không chịu buông đuốc thì chắc chắn sẽ bị cái hại thiêu đốt. Dục là bất tịnh, giống như đống phân kia; dục hiện hình bên ngoài, nhờ lớp da mỏng che đậy; dục không báo đáp giống như phân dơ, giống như rắn độc; dục như kẻ thù oán tặc giả làm người thân giúp đỡ, dục như đồ vay mượn, không thực, chắc chắn phải trả lại; dục là điều đáng ghét như ở trong hầm xí; dục như kẻ lác ngồi bên bếp lửa càng gãi càng thêm đau nhức, dục như con chó gặm xương khô, nước miếng chảy ra, nuốt vào cho là có vị, làm cho sứt môi gãy răng mà vẫn không biết nhàm chán; dục như người khát nước mà uống nước mặn lại càng thêm khát; dục như khúc thịt làm cho các con chim tranh nhau; dục như cá, thú, vì tham mùi vị mà phải chết, tai họa của dục vô cùng to lớn.

Con khỉ chúa lúc ấy chính là thân Ta, còn nhà vua nay là Nan-đà. Người dâm nữ lúc ấy chính là Tôn-đà-lợi. Thời đó Ta muốn kéo Nan-đà ra khỏi đống bùn lầy hôi thối, nay Ta cũng muốn kéo ông ấy ra khỏi cái khổ sinh tử.


97- CHUYỆN ĐẠI LỰC SĨ CẢM HÓA NHÓM GIẶC Ở ĐỒNG HOANG

Bấy giờ Đức Phật ở tại thành Vương xá. Khoảng giữa thành Vương xá và nước Tỳ-xá-ly có nhóm giặc năm trăm người. Vua Tần-bà- sa-la là người nhân từ hiền thiện, dùng pháp ân đức để trị dân, không hại sinh vật, liền có lời chiêu mộ:

–Ai có thể cảm hóa được năm trăm tên trộm để chúng không làm giặc nữa, trẫm sẽ phong tước và trọng thưởng.

Khi ấy có một vị lực sĩ theo lệnh chiêu mộ của vua, đến giữa đồng hoang ấy, vỗ về, cảm hóa những người làm giặc này, liền khiến những người ấy không còn làm giặc. Khi đã điều phục xong, lực sĩ làm một thành trì lớn để họ ở trong đó. Rồi nhiều người dần dần đến tụ tập khiến chỗ ấy bỗng nhiên trở thành một nước lớn.

Nhân dân trong nước ấy đều nói:

–Ngày nay chúng ta nhờ ân nuôi dưỡng của đại lực sĩ mới cùng tụ tập ở đây.

Họ nói điều quan trọng như vầy:

–Từ nay về sau, nếu ai cưới vợ, trước phải dâng cho lực sĩ.

Họ liền đến chỗ lực sĩ, nói với lực sĩ:

–Chúng tôi xin được nói lên điều quan trọng này: Hễ ai cưới vợ, trước phải dâng lên lực sĩ, vì hai nguyên do:

  1. Muốn được con khỏe như lực sĩ.
  2. Để báo ân của lực sĩ.

Lực sĩ đáp:

–Cần gì phải làm vậy.

Nhưng mọi người đều ân cần tha thiết, do đó lực sĩ cũng phải theo ý họ. Chỉ theo pháp này, dần dần qua nhiều thời gian có một người nữ không thích việc này, ở trước mọi người, lõa hình đứng tiểu tiện, mọi người chê trách nói:

–Ngươi không biết xấu hổ. Tại sao người nữ mà đứng tiểu tiện trước mọi người?

Người nữ ấy đáp:

–Người nữ thì ở trước người nữ mà lõa hình đứng tiểu tiện, có gì là xấu hổ? Cả nước toàn là người nữ, chỉ có một mình đại lực sĩ là đàn ông hay sao. Nếu đứng trước ông ta mà tiểu tiện thì mới xấu hổ, chớ ở trước các người thì có gì là xấu hổ?

Từ đó mọi người rao truyền với nhau lời nói ấy khiến lời nói của người nữ này trở thành có lý.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên cùng với năm tram đệ tử đi qua vùng đồng hoang này. Lực sĩ biết được, mời hai Tôn giả cùng với năm trăm đệ tử dừng chân nghỉ ngơi để ông cúng dường y thực.

Sau ba ngày, nhân dân trong nước tụ tập mở hội, uống rượu say sưa túy lúy, cùng nhau bao quanh nhà của đại lực sĩ nổi lửa đốt. Lực sĩ hỏi:

–Vì sao các người lại làm vậy?

Mọi người đáp:

–Phụ nữ mới lấy chồng đều phải qua tay ngươi. Bọn người như chúng tôi không chấp nhận được việc này, cho nên đến đốt ngươi.

Lực sĩ đáp:

–Trước đây ta không chịu, nhưng các ngươi cưỡng ép ta kia mà!

Tuy nói vậy, nhưng họ vẫn không tha, bèn đốt cho ông chết.

Lúc sắp chết, ông phát thệ nguyện:

–Mong nhờ nhân duyên công đức cúng dường cho Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên, ta sinh trong đồng hoang này, làm Đại lực quỷ thần, tiêu diệt hết các ngươi.

Nói lời ấy xong thì mạng chung, ông liền ở nơi đồng hoang hóa sinh làm con quỷ, phun khí rất độc, giết chết nhiều người. Sau đó một thời gian, có một người trí đến yêu cầu với quỷ:

–Nay ngài tự giết vô lượng nhân dân, ăn thịt không hết đổ hôi thối vô ích, xin hãy nghe theo lời thỉnh cầu của chúng tôi, ngài hãy giết các trâu, ngựa và mỗi ngày chúng tôi đem một người đến cung cấp cho ngài.

Bấy giờ ở trong nước, mọi người đều phải rút thẻ, ai cũng có một ngày làm vật tế quỷ thần. Như vậy, thứ lớp đến phiên trưởng giả Tu-bạt-đà-la. Tu-bạt-đà-la sinh được một người con trai, phước đức đoan chánh, đến ngày tới phiên phải nộp mạng, trưởng giả nghĩ: “Đức Như Lai xuất thế, cứu vớt tất cả chúng sinh khổ não.

Cúi mong Đức Thế Tôn cứu hộ cho con của con ngay hôm nay đang bị nguy khốn.”

Đức Phật ở tại thành Vương xá, biết tâm của trưởng giả, Ngài liền vào ngồi trong cung điện của quỷ thần ở đồng hoang. Quỷ thần ở đồng hoang đi đến, thấy Đức Thế Tôn nên hết sức tức giận, nói với Đức Phật:

–Sa-môn hãy ra đi!

Đức Phật liền đi ra. Quỷ vừa vào cung, Đức Phật lại vào theo.

Như vậy đến ba lần, tới lần thứ tư, Đức Phật không đi ra, quỷ nói như vầy:

–Nếu không ra ngoài, ta sẽ làm cho tâm ngươi điên đảo, ta sẽ nắm chân ngươi ném xuống sông Hằng.

Đức Phật nói:

–Ta không thấy ở thế gian, hoặc cõi Trời, cõi Thiên ma, hoặc cõi Phạm thiên có thể bắt ném Ta như vậy được.

Quỷ đồng hoang nói:

–Như vậy là, như vậy là, nếu Như Lai cho phép tôi hỏi bốn việc thì tôi sẽ hỏi:

  1. Ai có thể vượt khỏi dòng thác?
  2. Ai có thể vượt qua biển lớn?
  3. Ai có thể xả bỏ các khổ?
  4. Ai có thể được thanh tịnh?

Đức Phật liền đáp:

–Đức tin vượt khỏi dòng thác. Chẳng buông lung có thể vượt qua biển lớn. Tinh tấn có thể xả hết khổ. Trí tuệ có thể làm cho thanh tịnh.

Nghe lời ấy rồi, quỷ liền quy y Phật, làm đệ tử của Phật, tay nắm đứa tiểu nhi bỏ vào trong bình bát của Đức Phật, liền gọi đứa bé là Khoáng Dã Thủ. Đứa bé dần dần lớn khôn, nghe Đức Phật thuyết pháp, được đạo A-na-hàm.

Các Tỳ-kheo nói:

–Đức Thế Tôn xuất thế hết sức hy hữu! Như quỷ thần đồng hoang đại ác này mà Đức Phật có thể hàng phục được, cho làm Ưu-bà-tắc.

Đức Phật nói:

–Đâu phải chỉ có ngày hôm nay, ở thời quá khứ, cũng ở một vùng đất hoang mênh mông khoảng giữa hai nước Ca-thi và Tỳ-đề-hê, có một con ác quỷ tên là Sa-sất-lô, nó cắt đứt đường sá, làm cho tất cả nhân dân không thể đi qua được. Có một thương chủ tên là Sư Tử, dẫn năm trăm khách buôn muốn qua con đường này. Mọi người hoảng sợ, lo không thể qua được.

Thương chủ nói:

–Cẩn thận, chớ lo sợ. Chỉ việc đi theo sau ta.

Lúc đó thương chủ đi trước, đến chỗ của con quỷ nói với nó:

–Ngươi chưa nghe tên của ta sao?

Đáp:

–Ta có nghe tên của ngươi cho nên đến đây để chiến đấu.

Ngươi có tài năng gì?

Thương chủ liền cầm cung tên mà bắn con quỷ. Năm tram khách buôn cũng bắn tên. Tất cả tên ấy đều biến mất vào bụng con quỷ; cung tên, đao gậy cũng đều vào bụng con quỷ. Nếu dùng nắm tay mà đánh thẳng tới phía trước thì nắm tay cũng lại vào bụng nó.

Lấy tay mặt mà đánh thì tay mặt cũng dính vào bụng nó. Lấy chân mặt mà đạp thì chân mặt cũng dính, lấy chân trái mà đạp thì chân trái cũng dính. Lại dùng đầu mà đánh thì đầu cũng dính.

Lúc ấy con quỷ nói bài kệ:

Ngươi dùng tay chân với cái đầu

Tất cả các vật đều bị dính

Người nào vật nào mà chẳng dính?

Thương chủ nói kệ đáp lại:

Nay tay, chân cùng đầu của ta

Tất cả tiền tài và dao gậy

Chỉ có tinh tấn không bị dính

Nếu ta tinh tấn không bị dính

Nếu ta tinh tấn không dừng nghỉ

Ta chẳng bao giờ biết sợ ngươi.

Lúc ấy con quỷ trả lời:

–Nay vì các ngươi, năm trăm khách buôn, ta đều phóng thích tất cả.

Sư Tử lúc ấy chính là thân Ta, còn Sa-sất-lô chính là con quỷ đồng hoang.


98- CHUYỆN PHỤ TƯỚNG NGHE PHÁP NÊN LY DỤC

Đức Phật ở tại thành Vương xá. Vua Tần-bà-sa-la có một vị phụ tướng đã mấy lần cùng vua đi đến chỗ Đức Phật để nghe Đức Như Lai dạy về pháp ly dục. Sau đó ông hoàn toàn không đến phòng của vợ nữa. Do đó vợ ông sinh tâm ác, đi tìm thuốc độc bỏ vào trong đồ ăn uống, mời Đức Phật đến dùng. Người chồng biết vợ mình có ôm lòng ác độc nên đi theo để xin đồ ăn uống ấy, nhưng người vợ không chịu cho, bà lại đưa cho ông đồ ăn khác. Khi Đức Phật đã đến nhà, người chồng bạch Đức Phật:

–Thứ đồ ăn này không nên dùng.

Đức Phật hỏi:

–Vì sao không thể dùng?

Thưa:

–Có chất độc.

Đức Phật nói:

–Những chất độc trong thế gian không có gì hơn ba độc mà Ta còn tiêu trừ hết, huống gì một chút độc này mà có thể làm hại Ta được sao?

Đức Phật liền ăn đồ ăn ấy mà chẳng sao cả. Bấy giờ vợ của phụ tướng liền sinh tín tâm. Đức Phật thuyết pháp cho họ nghe, cả hai vợ chồng đều được đạo Tu-đà-hoàn.

Các Tỳ-kheo khen là chuyện chưa từng có. Đức Phật bảo:

–Đâu phải chỉ có ngày hôm nay đâu, ở thời quá khứ Ta cũng đã từng giáo hóa họ.

Ngày xưa, vua nước Ca-thi có một vị đại thần có trí tuệ tên là Tỷ-đồ-hê, thường lấy đạo pháp dạy cho phụ tướng của quốc vương và các quần thần, làm cho họ tu theo điều thiện. Khi ấy có một Long vương tên là Minh Tướng, thường thường đi đến chỗ Tỷ-đồ-hê để nghe và thọ trì lời pháp. Long vương cũng trở nên ít tới lui với vợ.

Vợ của Long vương tức giận mới nói:

–Nếu ta lấy được tim của Tỷ-đồ-hê để tế lửa, lấy máu y để uống, thì ta mới có thể sống được.

Khi ấy có con quỷ Dạ-xoa cùng với vợ chồng của Long vương qua lại thân thiện, nghe vợ của Long vương nói như vậy liền đáp:

–Tôi có thể lấy được.

Bấy giờ Dạ-xoa đến chỗ vợ Long vương lấy viên ngọc Như ý, giả làm khách buôn, đi đến nước Ca-thi. Khi đến ranh giới của nhà vua, cùng vua đánh cờ xu-bồ, đem viên ngọc Như ý đổi lấy một phần kho tàng, đất đai và đại thần Tỷ-đồ-hê… của vua. Dạ-xoa đắc thắng, không lấy kho tàng, đất đai, chỉ lấy Tỷ-đồ-hê để đổi lấy viên ngọc cho vua. Vua hỏi:

–Ngươi lấy Tỷ-đồ-hê là muốn đem đi chăng?

Dạ-xoa đáp:

–Muốn đem đi.

Và Dạ-xoa đem ông đi.

Tỷ-đồ-hê hỏi Dạ-xoa:

–Ngươi đem ta đi theo là có ý gì?

Dạ-xoa không đáp. Như vậy ông cứ ân cần hỏi mãi, Dạ-xoa liền nói:

–Vợ của Long vương muốn được tim ngươi để tế lửa, muốn được máu ngươi để uống.

Tỷ-đồ-hê nói:

–Nếu ngươi giết ta để lấy tim và máu, tất cả mọi người tim và huyết giống nhau, vậy biết là của ai? Nay ngươi đừng giết ta, hãy dẫn ta đi, muốn được trí của ta thì chính là tim ta, muốn được pháp của ta thì đó là máu ta.

Nghe lời nói ấy rồi, Dạ-xoa suy nghĩ: “Đây đúng là người trí”, liền dẫn ông đến chỗ con rồng. Rồng thấy ông vui mừng, ông liền thuyết pháp cho nó nghe. Vợ chồng Long vương và các quyến thuộc sinh tâm kính tín, đều thọ năm giới, cùng với chúng Dạ-xoa cũng thọ năm giới.

Bấy giờ loài Rồng và Dạ-xoa ở cõi Diêm-phù-đề mang nhiều trân bảo tặng cho Tỷ-đồ-hê. Tỷ-đồ-hê được trân bảo này liền đem dâng lên cho vua cùng với nhân dân. Khi ấy người Diêm-phù-đề và Rồng, Quỷ thọ trì Năm giới, tu hành Thập thiện.

Khi ấy Tỷ-đồ-hê chính là thân Ta, Minh Tướng Long vương nay là phụ tướng Thiện Kiến, vợ của Long vương lúc ấy là vợ của phụ tướng. Vị vua nay là Xá-lợi-phất, Dạ-xoa nay là Mục-liên.


99- CHUYỆN NI-KIỀN TỬ NHẢY VÀO ĐỐNG LỬA ĐƯỢC PHẬT CỨU ĐỘ

Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Như Lai hàng phục hóa độ Lục sư ngoại đạo tà kiến và quyến thuộc của họ, khiến bọn họ hoàn toàn bị phá hủy. Năm trăm Ni-kiền suy nghĩ: “Tất cả đồ chúng bọn ta đều bị phá hoại tan tành, chi bằng bọn ta thiêu thân để sớm sinh ở đời sau.”

Họ chất một đống củi và cỏ lại để thiêu thân. Đức Như Lai từ bi muốn cứu khổ họ nên làm cho lửa không cháy. Đức Phật đến bên họ nhập Hỏa quang tam-muội. Các Ni-kiền tử thấy đống lửa lớn, tâm sinh vui mừng, nói:

–Chúng ta không cần đốt lửa, hãy nhảy vào trong đống lửa này.

Khi họ mới vào nhảy vào trong đống lửa này, thân thể mát rượi, vô cùng khoái lạc. Thấy Phật ở trong đống lửa, họ càng them vui thích, cầu xin xuất gia.

Đức Phật bảo:

–Thiện lai Tỳ-kheo!

Tức thì râu tóc của họ tự rụng, thân mặc pháp phục. Đức Phật thuyếp pháp cho họ nghe và họ đắc quả A-la-hán.

Các Tỳ-kheo thưa:

–Hy hữu thay Thế Tôn! Ngài có thể cứu nhiều Ni-kiền tử này thoát khỏi khổ tự thiêu, lại còn làm cho họ được quả A-la-hán.

Đức Phật nói:

–Đâu phải chỉ có ngày hôm nay đâu.

Ngày xưa, ở trong nước Xá-vệ có năm trăm khách buôn vào biển kiếm ngọc. Khi ấy có vị thương chủ tên là Tỳ-xá-khư dẫn các khách buôn thuận theo gió mà ra đi và liền đến đảo châu báu. Họ tập hợp trên thuyền, các khách buôn vì tham lấy nhiều châu báu nên trên thuyền rất nặng. Khi ấy Tỳ-xá-khư bảo các khách buôn:

–Đừng ham của báu, nó sẽ làm mất mạng các ngươi.

Khi ấy các khách buôn không nghe theo lời ông. Họ nói:

–Thà chết theo châu báu, chứ không thể bỏ bớt được.

Thương chủ liền lấy châu báu của mình ở trên thuyền ném xuống nước. Các khách buôn vẫn ôm châu báu ngồi lên thuyền.

Thuyền chở các châu báu này chìm xuống biển. Hải thần thấy vị thương chủ này có thể bỏ châu báu mà cứu các khách buôn, tâm sinh hoan hỷ, nắm lấy thương chủ –người đã bỏ hết châu báu để trên vai, bay tới trước. Khi đã ra khỏi biển, hải thần thả vị thương chủ xuống.

Các thương nhân nói:

–Chúng ta làm gì khi không có của báu?

Thấy họ khổ não, khi ấy Tỳ-xá-khư hết sức thương xót. Ông đem các châu báu của mình kiếm được phân đều cho họ. Rồi ông ta tu theo pháp xuất gia của ngoại đạo, được năm phép thần thông.

Các thương nhân nói:

–Như vị đại sĩ này không tham của quý, tự tu tâm mình, được lợi ích lớn. Chúng ta nên học theo ngài.

Họ đều bỏ hết châu báu, đến chỗ Tiên nhân tu tập pháp của vị ấy, đều được năm phép thần thông.

Tỳ-xá-khư lúc ấy chính là thân của Ta, còn năm trăm khách buôn lúc ấy là các vị Ni-kiền tử này.


100- CHUYỆN NĂM TRĂM CON CHIM ƯNG TRẮNG NGHE PHÁP ĐƯỢC SINH CÕI LÊN TRỜI

Đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ nước Bàn-già-la đem năm trăm con chim ưng trắng cống hiến cho vua Ba-tư-nặc. Vua Ba-tư-nặc đem thả chim ưng ở tinh xá Kỳ hoàn. Khi chúng Tăng thọ thực, nhiều người đến xin ăn. Chim ưng thấy chúng Tăng tụ tập, chúng bay đậu ở phía trước.

Đức Phật dùng một thứ âm thanh thuyết pháp, tất cả chúng sinh tùy theo loại, nghe mà hiểu. Khi ấy bầy chim ưng cũng hiểu lời Phật, nghe pháp hoan hỷ, chúng còn hót tiếng hòa dịu, rồi bay xuống ao nước. Sau đó, lông mao và lông vũ dần dần dài ra, chúng bay đến xứ khác. Thợ săn dùng lưới bắt hết rồi giết đi. Đang khi dính lưới, một con chim ưng kêu lên, các con khác đều hòa theo. Đó là tiếng hót khi nghe pháp. Nhờ thiện tâm này nên chúng được sinh lên cung trời Đao-lợi. Thông lệ sinh ở cõi trời có ba cách nhớ nghĩ:

  1. Nhớ từ đâu sinh đến đây?
  2. Nhớ đã sinh chỗ nào.
  3. Nhớ trước đã tạo nghiệp gì mà được sinh lên cõi trời.

Chúng liền tự suy nghĩ, tự thấy nghiệp nhân đời trước của mình hoàn toàn chẳng có chút điều thiện nào, ngoại trừ chỉ đứng bên Phật và chúng Tăng nghe pháp. Nghĩ như vậy rồi, năm trăm Thiên tử tức thì hạ xuống, ở bên Đức Như Lai. Ngài thuyết pháp cho họ nghe và tất cả đều chứng quả Tu-đà-hoàn.

Vua Ba-tư-nặc tình cờ đến chỗ Đức Phật, thường thấy năm trăm chim ưng bay giỡn trước Đức Phật, hôm nay lại không thấy mới bạch Đức Phật:

–Các con chim ưng ở đây đã bay về hướng nào?

Đức Phật nói:

–Đại vương muốn thấy các con chim ưng chăng?

Vua thưa:

–Con muốn thấy.

Đức Phật nói:

–Các con chim ưng trước đây đã bay đến chỗ khác, bị thợ săn bắn giết, mạng chung được sinh lên cõi trời. Nay là năm trăm Thiên tử này, đọi mão đẹp của cõi trời, vô cùng xinh đẹp trang nghiêm.

Ngày nay nhờ nghe pháp nên họ đều đắc quả Tu-đà-hoàn. Nhà vua hỏi Đức Phật:

–Các con chim ưng này do nghiệp duyên gì mà lại đọa vào loài súc sinh và sau khi khả mạng chung lại được sinh lên cõi trời và ngày nay lại được đắc đạo?

Đức Phật đáp:

–Ngày xưa, thời Phật Ca-diếp có năm trăm cô gái cùng nhau thọ giới, nhưng vì tâm không kiên cố, phá giới đã thọ. Do việc phạm giới cho nên đọa vào loài súc sinh làm thân chim ưng. Nhờ thọ giới cho nên gặp Đức Như Lai, nghe pháp mà được đạo. Khi thọ than chim ưng, nhờ nhân duyên nghe pháp nên được sinh lên cõi trời.


101- CHUYỆN ĐỀ-BÀ-ĐẠT-ĐA THẢ CON VOI SAY TÊN HỘ TÀI MUỐN HẠI PHẬT

Thuở Đức Phật ở tại thành Vương xá, bấy giờ Đề-bà-đạt-đa thả con voi say tên là Hộ tài muốn hại Đức Phật. Lúc ấy năm trăm La-hán đều bay lên hư không, chỉ có một mình Tôn giả A-nan là đứng sau Đức Phật, Đức Phật khi ấy đưa cánh tay phải lên, con bạch tượng Hộ tài thấy năm trăm con sư tử. Lúc ấy con voi hoảng sợ, tức thì bị điều phục quy thuận. Năm trăm Tỳ-kheo lúc đó bỏ Đức Phật mà đi, chỉ có Tôn giả A-nan là ở sau Đức Phật.

Đức Phật nói:

–Đâu chỉ có ngày hôm nay mới vậy, mà ở thời quá khứ cũng vậy.

Ngày xưa ở nước Ca-thi có năm trăm con chim ưng, làm thành một bầy. Khi ấy con chim ưng chúa tên là Lại-tra. Chim ưng chúa có một vị bề tôi tên là Tố-ma. Khi ấy chim ưng chúa bị thợ săn bắt được, bầy chim ưng năm trăm con đều bay đi chỗ khác, chỉ có con Tố-ma là đi theo chim chúa, nó nói với thợ săn:

–Xin ông hãy thả chúa tôi ra. Hôm nay tôi lấy thân mình để thay cho chúa tôi.

Nhưng thợ săn không chịu. Ông liền đem chim ưng chúa dâng cho vua Phạm-ma-diệu. Nhà vua hỏi chim ưng chúa:

–Ngươi có an ổn chăng?

Chim ưng chúa đáp:

–Nhờ đại ân của vua, được nước trong của vua, lại được cỏ ngon để được nuôi sống nên thường được bình an ở trong đất nước này. Cúi mong Đại vương hãy thả tất cả con chim ưng ra, làm cho chúng không sợ hãi.

Lúc ấy bầy chim ưng năm trăm con ở trên điện của vua, kêu lên trên không trung. Khi ấy nhà vua hỏi:

–Đó là chim ưng nào vậy?

Ưng chúa đáp:

–Đó là quyến thuộc của tôi.

Nhà vua bèn ban cho bầy chim ưng được vô úy, ra lệnh trong và ngoài không được giết chim ưng.

Ưng chúa tâu với vua:

–Nay đức vua nên lấy chánh pháp để trị nước. Thế gian vô thường, như núi bốn phương. Thí như núi lớn ở phương Đông cao vút không ngần, đến lúc nào đó, cả không gian thời gian đều bị nghiền nát. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc cũng lại như vậy. Tất cả chúng sinh cùng với người, quỷ đều bị tiêu diệt dần dần, không thể trốn thoát được, không thể nương tựa vào đâu được, không thể cứu vãn được. Chính lúc đó biết trông cậy vào đâu? Chỉ nghĩ như vậy nên phải có lòng Từ, cứu giúp tất cả, tu hành chánh pháp, làm công đức. Đại vương nên biết, tất cả sự giàu sang phú quý đều bị suy diệt, đều bị nghiền nát cuối cùng cũng tan biến trong bốn phương. Tất cả sự cường tráng lại có các bệnh tật từ bốn phương đến phá hủy tiêu diệt sự khỏe mạnh ấy. Tất cả tuổi trẻ khỏe mạnh đều bị hòn núi bệnh yếu từ bốn phương đến phá hoại tuổi tráng niên ấy. Tất cả sinh mệnh có ngọn núi đại tử từ bốn phương đến hoại diệt sinh mạng.

Bốn hòn núi như vậy, tất cả muôn loài đều bị nó hoại diệt từ loài trời, loài rồng, loài người, loài quỷ, đã có sinh mệnh thì không sao tránh khỏi. Vì nghĩa này cho nên phải thường tu tâm, siêng làm chánh pháp. Nếu ai làm được như vậy, khi chết không hối hận. Nhờ tâm không hối hận nên được sinh đến chỗ lành, được gặp hiền thánh, được thoát sinh tử.

Nhà vua hỏi:

–Vì sao Tố-ma im lặng?

Tố-ma đáp:

–Nay hai vua là: Vua chim ưng và vua loài người cùng nói chuyện, nếu tôi nói xen vào thì chẳng phải là nghi lễ, không có tâm kính trên nhường dưới.

Nhà vua nói:

–Thật là hy hữu! Ngươi là chim ưng mà lại có tiết tháo của một bậc trung thần như vậy, loài người không bì kịp. Ngươi có thể lấy thân mạng để chết thay cho chim ưng chúa, lại còn biết khiêm cung hòa thuận, không xen vào lúc người khác nói chuyện. Như đạo nghĩa vua tôi của ưng chúa và ngươi, thế gian thật là hiếm thấy.

Nhà vua lấy vàng luyện buộc lên mé đầu chim Tố-ma, lấy lụa trắng đẹp buộc lên đầu chim ưng chúa và bảo:

–Vừa rồi chim đã thuyết thiện pháp cho ta nghe.

Rồi nhà vua thả chim bay đi.

Chim ưng chúa lúc bấy giờ là thân Ta. Tố-ma nay là A-nan.

Vua loài người lúc ấy nay là vua Tịnh Phạn, cha của Ta. Còn người thợ săn lúc ấy là Đề-bà-đạt-đa.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10