SỐ 203
KINH TẠP BẢO TẠNG
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Sa-môn Kiết-ca-dạ và Đàm Diệu.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

Gồm mười sáu chuyện:

  1. Chuyện Bà-la-môn dùng ngọc Như ý cúng dường Phật, xuất gia được đắc đạo.
  2. Chuyện Thập Lực Ca-diếp dùng lời chân thật làm chân Phật hết chảy máu.
  3. Chuyện ma vương Ba-tuần muốn đến não loạn Đức Phật dưới cây Bồ-đề.
  4. Chuyện Đức Phật nói về tai họa của lợi dưỡng cho các Tỳkheo nghe.
  5. Chuyện tên giặc sắp bị giết, từ xa trông thấy Đức Phật hoan hỷ nên được sinh ở cõi trời.
  6. Chuyện người sa lưới pháp luật bị chặt tay chân, cảm niệm ân của Đức Phật được sinh ở cõi trời.
  7. Chuyện trưởng giả lấy nước mật tốt bố thí cho người đi đường được sinh ở cõi trời.
  8. Chuyện lúc vua Ba-tư-nặc sai người đi thỉnh Phật, nhờ đó người ấy được sinh ở cõi trời.
  9. Chuyện vua Ba-tư-nặc lúc khuyến hóa quyên góp, có người nghèo lấy tấm dạ dâng cho vua nên được sinh ở cõi trời.
  10. Chuyện người anh thường khuyên người em phụng tu Tam bảo nhưng người em không kính tin, người anh được sinh ở cõi trời.
  11. Chuyện người cha nghe con đắc đạo, vui mừng liền được sinh ở cõi trời.
  12. Chuyện người con bị cha bắt buộc xuất gia được sinh ở cõi trời.
  13. Chuyện La-hán Kỳ-dạ-đa đuổi ác long ra biển.
  14. Chuyện hai Tỳ-kheo thấy Tôn giả Kỳ-dạ-đa được sinh ở cõi trời.
  15. Chuyện vua nước Nguyệt thị thấy Tôn giả Kỳ-dạ-đa.
  16. Chuyện vua nước Nguyệt thị kết bạn thân với ba vị quan trí tuệ.

 

79- CHUYỆN BÀ-LA-MÔN DÙNG NGỌC NHƯ Ý CÚNG DƯỜNG ĐỨC PHẬT, XUẤT GIA ĐƯỢC ĐẮC ĐẠO

Bấy giờ, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Lúc ấy, ở Nam Ấn độ có một Bà-la-môn giỏi phân biệt được ngọc Như ý, vị ấy đã cầm một viên ngọc Như ý đi từ Nam Ấn độ đến Đông Ấn độ, cùng khắp các nước, nhưng không có ai phân biệt được. Cứ vậy lần lượt cho đến chỗ vua Ba-tư-nặc thuộc xứ Xá-vệ, ông mới nói:

–Ai có thể phân biệt để biết viên ngọc này?

Vua Ba-tư-nặc triệu tập các quần thần cùng tất cả người trí tuệ lại, nhưng chẳng ai biết được. Vua Ba-tư-nặc cùng mọi người đồng đến chỗ Đức Phật. Đức Phật nói với Bà-la-môn ấy:

–Ngươi biết tên của viên ngọc này không? Biết ngọc sinh ra ở chỗ nào không? Biết được công năng của nó không?

Thưa:

–Không biết.

Đức Phật bảo:

–Viên ngọc này xuất xứ từ trong não của con cá lớn tên là Ma-kiệt. Thân của con cá dài đến hai mươi tám vạn dặm, tên của viên ngọc này là Kim cương kiên. Nó có công năng thứ nhất là làm cho tất cả những người bị ngộ độc hễ thấy nó thì độc liền tiêu hết.

Lại thấy ánh sáng của nó chạm vào thân thì cũng tiêu độc. Năng lực thứ hai của nó là người bị bệnh nhiệt hễ thấy nó thì bệnh liền lành, ánh sáng của nó chạm vào thân cũng làm hết bệnh. Năng lực thứ ba của nó là nếu ai có vô lượng trăm ngàn oan gia, hễ cầm viên ngọc này lên thì tất cả đều thành thân thiện.

Khi ấy Bà-la-môn nghe nói như vậy, hết sức vui mừng, thấy Đức Như Lai đúng thật là Bậc Nhất Thiết Trí, liền đem viên ngọc này dâng lên Đức Phật cầu xin xuất gia.

Đức Phật nói:

–Thiện lai Tỳ-kheo!

Khi đó vị ấy râu tóc tự rụng, mình khoác ca-sa. Đức Phật thuyết chỗ cốt yếu của chánh pháp cho vị ấy, nghe xong liền chứng quả A-la-hán.

Các Tỳ-kheo thưa:

–Như Lai khéo hay phân biệt được viên ngọc này, lại hay thuyết pháp khiến cho vị ấy được đắc đạo chứng quả.

Đức Phật nói:

–Đâu phải chỉ có ngày hôm nay, mà ở quá khứ cũng đã vậy.

Ngày xưa trong núi Tiên nhân, thuộc nước Ca-thi, có vị tiên chứng được ngũ thông. Khi ấy, có một Bà-la-môn cầm một nhánh cây hỏi vị Tiên nhân ấy:

–Đây là lá cây gì?

Vị Tiên nhân đáp:

–Cây này gọi là Kim đảnh. Nếu ai bị độc, thọ mạng gần hết, lấy cây này để dưới rồi ngồi lên trên thì độc liền tiêu. Nếu có người bị bệnh nhiệt, dựa vào cây này bệnh cũng lành. Lấy lá cây này chạm vào thân người, nếu có khí độc hay là bệnh nhiệt, tất cả đều tiêu trừ.

Bà-la-môn vui mừng cầu xin Tiên nhân cho làm đệ tử tu tập pháp của Tiên nhân và Bà-la-môn cũng chứng được ngũ thông.

Vị Tiên nhân chứng được ngũ thông lúc ấy chính là thân Ta, còn người Bà-la-môn cầm lá cây lúc ấy chính là Bà-la-môn này vậy. Khi ấy Ta dạy cho vị ấy được đủ năm phép thần thông, nay Ta cũng dạy cho y được thoát khỏi tai họa sinh tử, chứng được quả A-la-hán.


80- CHUYỆN THẬP LỰC CA-DIẾP DÙNG LỜI CHÂN THẬT LÀM CHÂN PHẬT HẾT CHẢY MÁU

Bấy giờ Đức Như Lai bị gai Ca-đà-la chích vào chân Ngài, máu chảy mãi không dứt. Ngài dùng các thứ thuốc đắp lên để điều trị mà nó vẫn không lành. Các A-la-hán ở trong Hương sơn hái thuốc đắp lên để điều trị mà nó vẫn không bớt.

Khi ấy Tôn giả Thập Lực Ca-diếp đi đến chỗ Đức Phật nói như vầy:

–Nếu Đức Như Lai đối với tất cả chúng sinh có tâm bình đẳng, Ngài đối với La-hầu-la, Đề-bà-đạt-đa… cũng như vậy, thì máu trên chân hãy cầm lại.

Lúc đó máu liền cầm và mụt cũng lành. Các Tỳ-kheo vui mừng nói:

–Các thứ thuốc hay đắp lên để điều trị mà máu vẫn không cầm, Tôn giả Ca-diếp nói lời chân thật nên máu cầm ngay.

Đức Phật nói:

–Đâu phải chỉ có ngày nay thôi đâu, nhưng ở thời quá khứ cũng đã như vậy.

Ngày xưa có một Bà-la-môn sinh được một người con tên là Vô Hại. Người con thưa với cha:

–Khi làm ruộng chớ giết hại chúng sinh.

Người cha bảo con:

–Con muốn làm Tiên nhân à? Cách thức sinh sống làm sao tránh loài trùng kiến được.

Người con thưa:

–Nay con muốn đời này được an lạc, đời sau được an lạc. Nếu cha không nghe lời con thì sống để làm gì?

Cậu ta liền đến ngồi bên suối Độc long, muốn cầu cho chết.

Lúc đó, có con rồng hung dữ hễ thấy người là nó giết. Khi con của Bà-la-môn mới thấy con rồng độc, thì bị chất độc chạy khắp cả người, thọ mạng gần dứt. Người cha lúc ấy lo sầu, không biết con ở chỗ nào, mới cấp tốc tìm kiếm. Thấy con mình sắp chết, người cha mới đến bên con nói:

–Con ta từ xưa đến nay không có tâm giết hại, độc này phải tiêu diệt.

Nói lời ấy xong, khí độc liền tiêu, thân thể chàng ta bình phục như xưa.

Người cha lúc ấy là Thập Lực Ca-diếp, còn người con lúc ấy chính là thân Ta. Trong thời quá khứ, vị ấy đã có thể nói lời chân thật để làm tiêu trừ bệnh của Ta, thì ngay đời này cũng dùng lời chân thật để làm lành bệnh của Ta.


81- CHUYỆN MA VƯƠNG BA-TUẦN MUỐN ĐẾN NÃO LOẠN ĐỨC PHẬT DƯỚI CÂY BỒ-ĐỀ

Ngày xưa Đức Phật ngồi dưới cây Bồ-đề, ma vương Ba-tuần dẫn theo tám mươi ức ma chúng muốn đến phá hoại Đức Phật. Khi đến chỗ Đức Như Lai, ác ma nói:

–Này Cù-đàm, ngươi chỉ một mình sao lại ngồi ở đây? Hãy gấp đứng dậy đi đi. Nếu không đi, ta sẽ nắm chân ngươi ném ra ngoài biển.

Đức Phật nói:

–Ta xem thế gian này không ai có thể ném Ta ra ngoài biển được cả. Tiền nhân của ngươi đã có xây cất một ngôi chùa, thọ giới Bát quan trai trong một ngày, cúng dường cho vị Bích-chi-phật một bát cơm, cho nên được sinh ở cõi trời thứ sáu, làm Đại ma vương.

Nhưng Ta trong ba a-tăng-kỳ kiếp đầu Ta đã cúng dường vô lượng các Đức Phật, trong a-tăng-kỳ kiếp thứ hai và thứ ba cũng lại như vậy, Ta đã cúng dường các vị Thanh văn và Duyên giác, không sao tính được. Trên toàn địa cầu này chẳng nơi nào mà chẳng có xương cốt của Ta để lại.

Ma nói:

–Này Cù-đàm, ngươi nói ta ngày xưa có giữ giới một ngày, cúng cho vị Bích-chi-phật một bữa ăn, ta tin điều đó là đúng, ta cũng tự biết như vậy, ngươi cũng biết ta, song ngươi tự nói về ngươi như vậy ai chứng biết?

Đức Phật lấy ngón tay chỉ xuống mặt đất nói:

–Mặt đất này sẽ làm chứng cho Ta.

Khi nói như vậy thì toàn quả địa cầu sáu thứ chấn động. Địa thần liền từ Kim cang tế xuất hiện, chắp tay bạch Đức Phật:

–Con là nhân chứng, con đến từ mặt đất này, con thường ở trong đó. Những điều Đức Thế Tôn nói là chân thật, không hư ngụy.

Đức Phật nói với Ba-tuần:

–Nay ngươi trước hết nếu có thể di động được cái bình tắm này thì sau đó mới có thể ném Ta ra ngoài biển được.

Khi ấy Ba-tuần và tám mươi ức ma chúng không thể làm cho cái bình tắm di động, quân chúng ma vương tự rớt ngã la liệt, mắt đổ đom đóm.

Các Tỳ-kheo bạch Đức Phật:

–Ma Ba-tuần luôn luôn làm não loạn Đức Như Lai, mà không thắng được Như Lai.

Đức Phật nói:

–Đâu phải chỉ có ngày hôm nay đâu, ngày xưa cũng vậy. Ngày xưa ở nước Ca-thi, trong núi Tiên nhân, có vị Tiên chứng được ngũ thông, giáo hóa cho các em thiếu niên ở trong thành Ba-la-nại. Ngài

độ cho chúng xuất gia, bảo chúng tu Tiên đạo.

Bấy giờ vị Thần giữ thành này bừng bừng tức giận nói với vị Tiên nhân:

–Ngươi đã vào thành, lại còn độ người. Ta sẽ nắm chân ngươi ném ra ngoài biển.

Khi ấy vị Tiên nhân cầm một cái bình tắm nói với vị thần giữ thành ấy:

–Trước tiên ngươi di động được cái bình này, thì sau đó mới ném ta được.

Vị thần dùng toàn lực mà vẫn không di động được cái bình, nên xấu hổ quy phục vị Tiên nhân.

Vị Tiên nhân lúc ấy chính là thân Ta, còn vị Thần của thành lúc ấy chính là Ba-tuần.


82- CHUYỆN ĐỨC PHẬT NÓI VỀ TAI HỌA CỦA LỢI DƯỠNG CHO CÁC TỲ-KHEO NGHE

Bấy giờ Đức Như Lai ở tại nước Xá-vệ, nhàm chán tai họa của lợi dưỡng. Có một khu rừng sâu tên là Tham trang nghiêm, vì tránh sự lợi dưỡng, nên Ngài đi đến khu rừng ấy. Trong khu rừng có một ngôi chùa, có một vị La-hán tên là Na-dặc-ca, trụ trì ngôi chùa này.

Đức Phật đi đến khu rừng đó, vào ngày hôm sau, có nhiều người mang y đến cúng dường, đầy cả khu rừng. Vị ấy nghĩ: ‘Ta không cần lợi dưỡng mà lợi dưỡng cứ theo đuổi ta.”

Lúc ấy có một vạn hai ngàn Tỳ-kheo cũng đến rừng này. Đức Phật nói với các Tỳ-kheo:

–Lợi dưỡng là một tai họa lớn, nó hay tạo ra chướng nạn, thậm chí vị La-hán cũng bị lợi dưỡng làm chướng nạn.

Các Tỳ-kheo hỏi Đức Phật:

–Tại sao sự lợi dưỡng hay gây ra chướng nạn?

Đức Phật trả lời:

–Tai họa của lợi dưỡng nó làm rách da, rách thịt, bể xương, bể tủy. Sao gọi là rách? Nó làm rách da trì giới, rách thịt thiền định, bể xương trí tuệ, bể tủy thiện tâm vi diệu.

Lúc ấy một vạn hai ngàn Tỳ-kheo đều giữ ba y, sáu vật, sống hạnh tịch tịnh, không thọ nhận các vật khác.

Đức Phật liền khen ngợi:

–Lành thay! lành thay! Các vị hay giữ pháp A-luyện-nhã. Pháp môn của Ta là pháp ít ham muốn chứ không phải là pháp muốn nhiều, là pháp biết đủ chứ không phải là không biết đủ, là pháp ưa thích sự thanh tịnh chứ không phải là pháp ưa thích sự ồn ào, là pháp tinh tấn chứ không phải là pháp giải đãi, là pháp chánh niệm chứ không phải là pháp tà niệm, là pháp tịnh tâm chứ không phải là pháp loạn tâm, là pháp trí tuệ chứ không phải là pháp ngu si.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Đức Phật nói lời ấy, đều chứng quả A-la-hán. Các Tỳ-kheo bạch Đức Phật:

–Hy hữu thay, bạch Thế Tôn!

Đức Phật nói:

–Đâu phải chỉ có ngày hôm nay mới như thế, nhưng quá khứ cũng như vậy. Ngày xưa ở nước Ca-thi có một phụ tướng tên là Dạ-xoa.

Con của Dạ-xoa tên là Dạ-nhi-đạt-đa hiểu sâu lẽ vô thường, xuất gia học tiên đạo. Các Tiên nhân có nhiều sự ham muốn, đều tranh nhau trái cây và cỏ. Dạ-nhi-đạt-đa vì muốn cho những người đó trở thành ít ham muốn nên bỏ những trái mềm lấy những trái cứng, bỏ trái ngọt lấy trái chua, bỏ những quả mới của mình lấy những quả xấu của người. Nhờ bỏ quả ngon mà lấy quả dở như vậy liền chứng được ngũ thông. Khi ấy một vạn hai ngàn Tiên nhân, thấy vị ấy được như vậy liền học hạnh ít ham muốn, không còn cầu nhiều, nên đều chứng được ngũ thông.

Lúc ấy Dạ-nhi-đạt-đa dần dần tạo phương tiện giáo hóa cho các vị Tiên, nên sau khi mạng chung họ được sinh vào cõi Bất dụng. Đạt-đa lúc ấy chính là thân Ta, còn một vạn hai ngàn Tiên nhân lúc ấy thì nay là một vạn hai ngàn Tỳ-kheo.


83- CHUYỆN TÊN GIẶC SẮP BỊ GIẾT TỪ XA TRÔNG THẤY ĐỨC PHẬT, HOAN HỶ NÊN ĐƯỢC SINH THIÊN

Bấy giờ ở nước Xá-vệ, vua Ba-tư-nặc nổi trống xướng lệnh nói:

–Nếu ai làm giặc, bắt được sẽ bị giết.

Khi ấy có một người bắt được một tên giặc dẫn đến. Nhà vua bèn bảo người dẫn ra ngoài giết đi. Khi dẫn kẻ giặc ra ngoài thành, giữa đường bỗng thấy Đức Như Lai từ xa kẻ giặc sinh tâm hoan hỷ.

Khi đến chỗ hành hình, tuân theo lệnh vua phải chết, kẻ ấy liền được sinh lên cõi trời có đủ ba ý niệm. Biết rằng lúc sắp chết nhờ thấy Đức Phật, sinh tâm hoan hỷ, nên khi mạng chung được sinh lên cõi trời. Vì cảm nhớ ân đức của Đức Phật nên vị trời lại xuống cúng dường. Đức Phật thuyết pháp, cho vị ấy nghe xong đắc quả Tu-đà-hoàn.

Các Tỳ-kheo hỏi Đức Phật:

–Nhờ nghiệp duyên gì mà vị ấy được sinh nơi Thiên cung?

Đức Phật trả lời:

–Vị ấy ngày xưa ở nhân gian bị vua bắt giết, lúc sắp chết thấy Đức Phật sinh tâm hoan hỷ. Nhờ nhân lành ấy được sinh lên cõi trời.

Vị ấy lại đến chỗ Ta nghe pháp mà được giác ngộ nên chứng được quả Tu-đà-hoàn.


84- CHUYỆN NGƯỜI SA LƯỚI PHÁP LUẬT BỊ CHẶT TAY CHÂN, CẢM NIỆM ÂN CỦA ĐỨC PHẬT NÊN ĐƯỢC SINH Ở CÕI TRỜI

Ngày xưa, ở nước Xá-vệ có một người phạm vào phép của vua nên bị chặt đứt chân tay, đem bỏ ở đầu đường. Đức Phật đang đi thấy vậy liền đến gần hỏi:

–Ngươi hôm nay vì cái gì làm khổ?

Người chặt chân tay nói:

–Con rất khổ vì đói.

Đức Thế Tôn liền bảo Tôn giả A-nan lấy cơm cho người đó ăn. Người bị chặt chân tay mạng chung, được sinh lên cõi trời, rồi cảm nhớ ân sâu của Đức Phật, lại xuống để cúng dường. Đức Phật thuyết pháp cho vị ấy nghe và vị ấy chứng được quả Tu-đà-hoàn.

Các Tỳ-kheo hỏi rằng:

–Do hạnh nghiệp gì mà vị ấy được sinh lên cõi trời?

Đức Phật đáp:

–Ngày xưa ở nhân gian, vị ấy bị pháp luật chặt đứt tay chân rồi quẳng ở đầu đường. Ta đến gần, bảo Tôn giả A-nan lấy cơm cho ăn, nên vị ấy sinh tâm hoan hỷ, lúc mạng chung được sinh lên cõi trời.

Vị ấy lại đến chỗ Ta nghe pháp và đắc đạo.


85- CHUYỆN TRƯỞNG GIẢ LẤY NƯỚC MẬT TỐT CÚNG DƯỜNG CHO NGƯỜI ĐI ĐƯỜNG ĐƯỢC SINH Ở CÕI TRỜI

Ngày xưa, tại nước Xá-vệ, có một trưởng giả ở trong rừng Kỳ hoàn, tìm đến chỗ đất trống vắng vẻ, muốn xây cất nhà cửa. Trưởng giả Tu-đạt đã đi xem khắp mà chẳng có chỗ trống, ông liền vào cửa lớn của Kỳ hoàn, lấy nước ngon sạch, dùng nhiều mật, nhiều lúa tiểu mạch để làm nước uống, cung cấp cho người đi đường. Sau chín mươi ngày, Đức Phật cũng thọ nhận nước ấy. Lúc đó ông mạng chung được sinh trên cõi trời, thành vị trời có đại oai đức. Vị trời ấy lại từ cung trời xuống cúng dường Đức Phật. Đức Phật thuyết pháp và vị ấy đắc quả Tu-đà-hoàn.

Các Tỳ-kheo bạch Đức Phật:

–Nhờ hạnh nghiệp gì mà vị ấy được sinh cõi trời, lại có oai đức như vậy?

Đức Phật đáp:

–Khi còn làm người vị ấy ở trong thành Kỳ hoàn, làm các thứ nước uống để bố thí cho mọi người, Đức Phật cũng có thọ nhận nước ấy. Nhờ nhân duyên ấy nên vị ấy được sinh lên cõi trời, rồi vị ấy lại đến chỗ Ta nghe pháp, được đắc đạo.


86- CHUYỆN VUA BA-TƯ-NẶC SAI NGƯỜI ĐI THỈNH PHẬT, NHỜ ĐÓ NGƯỜI ẤY SINH Ở CÕI TRỜI

Ngày xưa, ở nước Xá-vệ, vua Ba-tư-nặc và trưởng giả Tu-đạt, đã lâu mà chưa gặp Đức Phật, trong lòng rất khát ngưỡng. Sau mùa hạ, họ bảo sứ giả đến thỉnh Phật. Sứ giả đi đến chỗ Đức Phật, cung kính bạch Đức Phật:

–Nhà vua và trưởng giả muốn gặp Đức Phật. Cúi mong Đức Thế Tôn ngồi lên xe này đi đến nước Xá-vệ!

Đức Phật đáp:

–Ta không cần dùng xe, tự Ta có thần túc.

Tuy Đức Phật nói như vậy, nhưng để cho tín chủ được phước, Ngài liền ngồi trên xe bay trên không trung. Sứ giả liền đến trước tâu với vua và trưởng giả biết.

Nhà vua và trưởng giả tự mình ra ngoài để nghênh tiếp. Sứ giả cũng theo vua đến gặp Đức Phật. Sứ giả này nhờ vậy khi mạng chung được sinh lên cõi trời, rồi cỡi xe báu đến chỗ Đức Phật. Đức Phật thuyết pháp cho vị ấy nghe nên vị ấy đắc quả Tu-đà-hoàn.

Tỳ-kheo hỏi Đức Phật:

–Nhờ nhân duyên gì mà vị ấy được sinh lên Thiên cung và cỡi xe báu này?

Đức Phật trả lời:

–Ngày xưa ở nhân gian, vị ấy được vua bảo đến thỉnh Phật, mời Đức Phật cỡi lên xe. Do nghiệp duyên này nên nay được sinh ở cõi trời, thường cỡi xe báu. Nay lại đến chỗ Ta nghe pháp được ngộ, chứng quả Tu-đà-hoàn.


87- CHUYỆN LÚC VUA BA-TƯ-NẶC KHUYẾN HÓA QUYÊN GÓP, CÓ NGƯỜI NGHÈO LẤY TẤM DẠ DÂNG CHO VUA NÊN ĐƯỢC SINH Ở CÕI TRỜI

Ngày xưa, ở nước Xá-vệ, vua Ba-tư-nặc hỏi:

–Trưởng giả Tu-đạt mà còn có thể khuyến hóa tất cả nhân dân, làm các phước nghiệp. Nay ta cũng nên vì các chúng sinh dạy dỗ, dẫn dắt và quyên góp khiến cho họ được phước.

Lúc đó nhà vua đi khuyến hóa và quyên góp các nơi. Khi ấy có một người bần cùng khổ sở, chỉ có một tấm dạ, liền đem dâng cho vua Ba-tư-nặc. Khi nhà vua nhận được tấm dạ xong, đem dâng lên Đức Phật. Sau đó người nghèo này mạng chung được sinh lên cõi trời. Vì cảm ân đức to lớn của Đức Phật nên đến để cúng dường. Đức Phật thuyết pháp cho vị ấy nghe, vị ấy đã chứng được quả Tu-đà-hoàn.

Các Tỳ-kheo hỏi Đức Phật:

–Ngày xưa vị ấy tạo nghiệp gì mà được sinh lên cõi trời?

Đức Phật đáp:

–Khi ở nhân gian, vị ấy gặp nhà vua khuyến hóa, liền lấy tấm dạ trắng để cúng dường. Nhờ thiện nhân ấy cho nên nay được sinh lên cõi trời. Nay lại đến chỗ Ta nghe pháp, được chứng quả.


88- CHUYỆN NGƯỜI ANH THƯỜNG KHUYÊN, NGƯỜI EM PHỤNG TU TAM BẢO NHƯNG NGƯỜI EM KHÔNG KÍNH TÍN, NGƯỜI ANH ĐƯỢC SINH Ở CÕI TRỜI

Ngày xưa ở nước Xá-vệ có hai anh em, người anh thì phụng tu Phật pháp, còn người em thì thờ phụng Phú-lan-na. Do đó người anh thường khuyên người em bảo nên thờ phụng Tam bảo nhưng người em không tùy thuận, nên anh em thường tranh cãi với nhau, không hòa hợp nhau, cho nên ai sống phần nấy.

Người anh nhờ cúng dường Đức Phật cho nên sau đó mạng chung, được sinh lên cõi trời, liền đến chỗ Đức Phật để báo ân và cúng dường. Đức Phật thuyết pháp cho vị ấy nghe nên vị ấy được đắc quả Tu-đà-hoàn.

Các Tỳ-kheo hỏi Đức Phật:

–Ngày xưa vị ấy tạo nghiệp gì mà nay được sinh lên cõi trời?

Đức Phật trả lời:

–Lúc ở nhân gian, tâm vị ấy thích chánh pháp, tôn thờ và thực hành theo Tam bảo. Nhờ phước nhân ấy cho nên nay được sinh lên cõi trời. Nay lại đến chỗ Ta nghe pháp rồi tin hiểu mà chứng được đạo quả.


89- CHUYỆN NGƯỜI CHA NGHE CON ĐẮC ĐẠO VUI, MỪNG LIỀN ĐƯỢC SINH Ở CÕI TRỜI

Ngày xưa ở nước Xá-vệ, có hai người anh em thường ưa thích đấu tranh, nên oán thù nhau, liền cùng đi đến chỗ vua, muốn nhờ vua xét xử, giữa đường gặp được Đức Phật. Đức Phật thuyết pháp cho họ nghe và họ đắc đạo A-la-hán. Người cha nghe con ông gặp Đức Phật và được đắc đạo nên tâm sinh vui mừng, tức thì mạng chung và được sinh lên cõi trời. Ông lại đến chỗ Đức Phật, Đức Phật thuyết pháp cho vị ấy nghe và vị ấy được đắc quả Tu-đà-hoàn.

Các Tỳ-kheo hỏi Đức Phật:

–Ngày xưa vị ấy tạo nghiệp gì mà nay được sinh lên cõi trời?

Đức Phật trả lời:

–Ngày xưa ở nhân gian, vị ấy nghe các người con ông nhờ Ta thuyết pháp mà đắc đạo, nên vui mừng hớn hở, khi mạng chung được sinh lên cõi trời. Ông lại đến chỗ Ta nghe pháp, tin và hiểu nên được chứng đạo quả.


90- CHUYỆN NGƯỜI CON BỊ CHA BẮT BUỘC XUẤT GIA ĐƯỢC SINH Ở CÕI TRỜI

Ngày xưa, ở nước Xá-vệ có người cha bảo con xuất gia thờ Phật, Đức Phật liền độ cho và thường bảo vị ấy quét dọn. Vì không chịu nổi sự đắng cay khổ cực nên anh ta bỏ đạo trở về thế tục.

Người cha nói với con:

–Con chỉ xuất gia, còn từ nay về sau cha thay con mà quét dọn. Người con liền cùng với người cha đến tinh xá Kỳ hoàn. Người con thấy tinh xá, trong lòng bỗng thanh tịnh, tâm sinh hoan hỷ mới nói như vầy:

–Ta thà chết đi, thề xuất gia quét dọn, không trở về thế tục nữa. Sau khi mạng chung; vị ấy được sinh lên cõi trời, liền đến chỗ Đức Phật nghe Ngài thuyết pháp và được chứng qủa Tu-đà-hoàn.

Các Tỳ-kheo hỏi Đức Phật:

–Nhờ nghiệp duyên gì mà vị ấy được sinh lên cõi trời?

Đức Phật trả lời:

–Khi ở nhân gian, vị ấy không chịu nỗi khổ sở, cho nên muốn hoàn tục. Người cha không cho phép và thay anh quét chùa, buộc anh phải xuất gia, anh ta liền hoan hỷ. Lúc mạng chung vị ấy được sinh ở cõi trời, rồi lại đến chỗ Ta nghe pháp nên được đắc đạo.


91- CHUYỆN LA-HÁN KỲ-DẠ-ĐA ĐUỔI ÁC LONG RA BIỂN

Ngày xưa có vị Tôn giả A-la-hán, tên là Kỳ-dạ-đa. Lúc ấy Đức Phật đã nhập diệt. Sau bảy trăm năm Tôn giả xuất hiện ở nước Kế tân. Bấy giờ ở nước Kế tân có một con rồng hung ác tên là A-lợi-na thường gây ra tai ương, khổ lụy cho các Hiền thánh, kẻ sĩ và nhân dân trong nước.

Khi ấy hai ngàn vị A-la-hán đều dốc hết toàn lực, xua đuổi con rồng này ra khỏi nước. Trong đó có một trăm vị A-la-hán dùng thần thông làm rung động quả đất, lại có năm trăm vị phóng luồng hào quang lớn, lại có năm trăm vị nhập thiền định và đi kinh hành. Các vị đều đem hết thần lực, nhưng không thể làm con rồng di động.

Bấy giờ Tôn giả Kỳ-dạ-đa sau cùng đi đến ao của con rồng, khảy móng tay ba lần nói:

–Này rồng, nay ngươi phải đi đến chỗ khác, không được ở đây nữa.

Con rồng liền ra đi không dám ở lại. Bấy giờ hai vị A-la-hán nói với Tôn giả:

–Chúng tôi cùng Tôn giả đều được lậu tận, giải thoát, pháp thân thảy đều bình đẳng, tại sao chúng tôi đều dùng hết thần lực, mà không thể làm nó di động? Tại sao Tôn giả chỉ khảy móng tay có ba lần mà khiến cho con rồng A-lợi-na phải đi xa vào biển lớn vậy?

Khi ấy Tôn giả đáp:

–Từ lúc làm phàm phu đến nay, tôi thọ trì cấm giới cho đến giới Đột-kiết-la, mà vẫn dùng tâm bình đẳng thọ trì, xem như bốn trọng giới không khác. Nay sở dĩ các vị không thể làm di động con rồng này là vì thần lực không đồng nhau cho nên không thể làm nó di động.

Khi ấy Tôn giả Kỳ-dạ-đa cùng các đệ tử hướng về phía Bắc Thiên trúc mà đi. Giữa đường thấy một con chim, Tôn giả ngẩng đầu mỉm cười. Các đệ tử thưa:

–Chẳng hay Tôn giả vì sao lại mỉm cười, xin nói cho chúng tôi biết?

Tôn giả đáp:

–Đúng lúc ta sẽ nói.

Lúc đó Tôn giả đi trước đến thành Thạch thất, khi đến cửa thành, Tôn giả bỗng buồn thảm biến sắc. Lúc đến giờ ăn, vào thành khất thực, khi đã ăn xong, đi ra cửa thành, Tôn giả lại buồn thảm thiết biến sắc.

Các đệ tử quỳ thẳng bạch:

–Không rõ vừa rồi, do nhân duyên gì mà ngài mỉm cười, nay lại buồn thảm biến sắc?

Khi ấy Tôn giả Kỳ-dạ-đa trả lời các đệ tử:

–Ngày xưa cách đây chín mốt kiếp, lúc Đức Phật Tỳ-bà-thi sau khi nhập Niết-bàn, ta làm con của một trưởng giả, khi ấy ta mong muốn xuất gia, nhưng cha mẹ ta không cho, cha mẹ mới nói với ta:

“Gia nghiệp nhà ta là rất quan trọng, nếu ngươi xuất gia thì ai thừa kế sau này? Ta sẽ cưới vợ cho ngươi, hãy sinh cho ta một đứa con nối dõi, ta sẽ cho ngươi xuất gia.” Lúc ấy ta liền cưới vợ. Khi cưới vợ rồi ta lại xin xuất gia, cha mẹ ta lại nói: “Nếu sinh được một đứa con, ta sẽ cho ngươi xuất gia.”

Sau đó, không bao lâu, ta sinh được một đứa con trai. Nó bắt đầu nói được, ta lại thưa với cha mẹ: “Xin cha mẹ cho phép con xuất gia.” Khi ấy cha mẹ sợ trái với lời hứa trước, ngầm bày nhũ mẫu, nói với đứa cháu trai này: “Nếu khi cha cháu muốn xuất gia, thì cháu ở trước cửa nắm cha lại và nói: ‘Cha đã sinh ra con thì xin cha hãy nuôi dưỡng con sao nay cha lại muốn bỏ nhà xuất gia? Nếu cha muốn đi, xin cha hãy giết con, sau đó sẽ đi.’” Khi ấy người cha buồn thảm, đổi ý, nói với con: “Nay ta sẽ ở lại, không đi nữa.”

Vì vậy mà ta trôi nổi trong đường sinh tử. Ta dùng đạo nhãn xem thấy đời trước của ta sinh cõi trời, cõi người và ba đường ác. Ta nói: “Gặp nhau rất khó, gặp nhau rất khó.” Nay ta mới thấy một con chim, chính là đứa con trai của ta lúc ấy. Vì vậy ta buồn rầu đổi sắc, ta đến bên thành thấy một đứa con của ngạ quỷ, nói với ta: “Tôi ở bên thành này đã bảy mươi năm rồi, mẹ tôi đã vì tôi mà vào thành xin cơm cho tôi ăn, nhưng chưa một lần trở về. Nay tôi đói khát hết sức khốn khổ, cúi mong Tôn giả vào thành, thấy mẹ tôi xin Tôn giả hãy vì tôi mà nói với bà: ‘Hãy về gặp tôi gấp’.”

Khi vào thành, thấy mẹ của ngạ quỷ, ta nói với bà: “Con bà ở ngoài thành đói khát, nguy khốn, muốn được gặp bà.” Khi ấy mẹ của ngạ quỷ nói với ta: “Tôi đi vào thành đã hơn bảy mươi năm rồi, vì tôi bạc phước, lại thêm mới sinh con, đói ốm không còn sức. Tuy có đồ ăn, máu mủ, đờm dãi, phân thối, đồ dơ, nhưng những con quỷ có sức mạnh lớn đến trước mang đi, tôi chẳng lấy được. Sau cùng tôi được một miếng đồ dơ, muốn mang ra cửa cho con tôi cùng ăn, nhưng trong cửa lại có các con quỷ đại lực lại không cho tôi ra. Cúi mong Tôn giả thương xót dẫn tôi ra, làm cho mẹ con gặp nhau cùng ăn đồ dơ này.”

Khi ấy Ta liền dẫn mẹ con ngạ quỷ ra khỏi thành, mẹ con gặp nhau, cùng ăn đồ chẳng sạch.

Ta hỏi con quỷ kia: “Ngươi ở tại đây đã bao lâu rồi?” Con quỷ đáp: “Tôi ở thành này đã qua bảy lần hư và bảy lần sửa lại.”

Lúc ấy Tôn giả than:

–Ngạ quỷ sống lâu, hết sức khổ sở!

Bấy giờ các đệ tử nghe nói lời ấy, thảy đều nhàm chán tai họa sinh tử, liền thấy được đạo.


92- CHUYỆN HAI TỲ-KHEO THẤY TÔN GIẢ KỲ-DẠ-ĐA ĐƯỢC SINH Ở CÕI TRỜI

Bấy giờ, ở Nam Ấn độ có hai vị Tỳ-kheo nghe tiếng Tôn giả Kỳ-dạ-đa có đại oai đức, nên họ đi về phía nước Kế tân, đến chỗ của Tôn giả, con đường dẫn đến thấy dưới một gốc cây, có một Tỳ-kheo,

hình thể hết sức tiều tụy, ngồi trước bếp đốt lửa. Hai vị Tỳ-kheo này hỏi:

–Ngài có biết Tôn giả Kỳ-dạ-đa chăng?

Đáp:

–Ta biết.

Hai Tỳ-kheo kia hỏi:

–Hiện nay Tôn giả ở đâu?

Đáp rằng:

–Ở trong hang động thứ ba, phía trên núi.

Hai Tỳ-kheo kia liền leo lên núi, đi vào hang đá, thì thấy vị

Tỳ-kheo nhen lửa lúc nãy. Khi ấy hai vị Tỳ-kheo này nghi là chuyện lạ.

Một Tỳ-kheo nói:

–Ngài có danh đức như vậy, lo gì không làm được, mà phải đến đây trước?

Lúc đó một Tỳ-kheo cầu Tôn giả giải quyết sự nghi ngờ nên hỏi:

–Tôn giả có oai đức như vậy, vậy tự nhen lửa làm gì?

Tôn giả đáp:

–Ta nhớ nỗi khổ sinh tử đời trước. Nên nếu bây giờ đầu, mặt, tay chân của ta có thể nhen lửa được, thì ta cũng vì chúng Tăng mà nhen lửa, huống lại đốn củi ư?

Khi ấy hai Tỳ-kheo liền hỏi:

–Không rõ nỗi khổ sinh tử ngày xưa của Tôn giả như thế nào, xin nói cho nghe.

Tôn giả đáp:

–Ta nhớ ngày xưa, trong đời thứ năm trăm, ta sinh trong loài chó, thường bị khốn khổ vì đói khát, chỉ có hai thời là được no đủ.

Một là gặp người uống rượu say mửa đồ ăn dưới đất, nhờ vậy mà được no đủ an lạc; hai là gặp hai vợ chồng người ta cùng nhau làm lụng, người chồng thì ra ruộng cày bừa, còn người vợ ở nhà nấu ăn.

Khi ấy người vợ vì có chút việc ra ngoài, ta liền nhảy vào ăn trộm đồ ẩm thực của họ, gặp họ để đồ ăn ở chỗ có miệng rất nhỏ, ban đầu tuy đút đầu vào được, nhưng sau rút đầu ra rất khó. Tuy được một bữa no, nhưng sau đó phải nhận chịu sự đắng cay khổ sở. Lúc người chồng ở ruộng trở về, liền cắt đầu ta ngay lúc ta đang đút đầu vào vật đựng đồ ăn.

Khi ấy hai Tỳ-kheo này nghe Ngài thuyết pháp, nhàm chán sinh tử, đắc quả Tu-đà-hoàn.


93- CHUYỆN NƯỚC NGUYỆT THỊ THẤY TÔN GIẢ KỲ-DẠ-ĐA

Có một vị vua tên là Chiên-đàn-kế-ni-tra ở nước Nguyệt thị. nghe ở nước Kế tân có Tôn giả chứng A-la-hán tên là Kỳ-dạ-đa, rất có tiếng tăm, nhà vua muốn gặp ngài, liền đích thân lên xe cùng với quần thần theo sau, đi đến nước Kế tân. Đi giữa đường trong long nhà vua thầm nghĩ: “Nay ta là vua, vua của thiên hạ, của tất cả dân chúng, không một ai mà không kính phục, nếu tự ngài không có đức lớn, làm sao lại có thể nhận được sự cúng dường của ta?”. Nghĩ như vậy xong, liền đi tới trước, thẳng đến nước ấy.

Bấy giờ có người báo cho Tôn giả Kỳ-dạ-đa:

–Vua nước Nguyệt thị tên là Chiên-đàn-kế-ni-tra, cùng với quần thần tùy tùng, từ xa đến đây để gặp ngài, cúi mong Tôn giả sửa lại y phục, cùng vua tiếp đãi.

Khi ấy Tôn giả đáp:

–Ta nghe Đức Phật dạy, người xuất gia tôn trọng đạo đức, coi thường hình thức, chỉ có đạo đức mới là quan trọng, ta há lại trang sức y phục mà ra nghênh tiếp sao?

Rồi ngài im lặng, ngồi ngay thẳng không ra. Lúc ấy vua nước Nguyệt thị đi đến chỗ Tôn giả, thấy oai đức của Tôn giả Kỳ-dạ-đa, càng thêm kính tín, liền đến trước cúi lạy rồi đứng qua một bên. Tôn giả vừa muốn nhổ nước miếng, lúc ấy vua nước Nguyệt thị bất ngờ bước tới trước, nên bị dính bãi nước miếng ấy vào người.

Lúc đó Tôn giả Kỳ-dạ-đa liền nói với vua:

–Bần đạo nay chưa thể vì vua mà làm ruộng phước, sao ngài lại tự mình hạ cố đến đây?

Khi ấy vua nước Nguyệt thị càng thêm xấu hổ, nghĩ: “Vừa rồi ta mới trộm sinh một niệm nhỏ, mà ngài đã biết tâm ta, tự cho rằng ngài không có thần đức, sao có thể như vậy được.” Từ đó, nhà vua đối với Tôn giả càng sinh lòng kính tín.

Khi ấy Tôn giả Kỳ-dạ-đa liền nói giáo pháp cho vua nghe:

–Tương lai của vua rất tốt, quá khứ cũng đã như vậy.

Nhà vua nghe Tôn giả dạy xong liền trở về nước, khi đến nửa đường quần thần oán than:

–Chúng tôi chẳng quản đường xa theo Đại vương để đến nước kia mà chẳng nghe được gì cả. Đột nhiên, lại trở về nước.

Khi ấy vua Nguyệt thị trả lời quần thần:

–Các khanh sao nay trách ta là chẳng được gì cả? Vừa rồi Tôn giả có thuyết pháp cho ta nghe: “Tương lai vua rất tốt, quá khứ cũng như vậy.” Các khanh đều không hiểu điều này sao? Vì ở đời quá khứ ta có Trì giới, Bố thí, tạo Tăng phòng, tạo lập chùa tháp, làm các thứ công đức để trồng hạt giống làm vua, cho nên nay được hưởng quả vị ấy. Nếu nay lại tu phước, tích lũy các điều thiện, thì đời tương lai chắc chắn lại thọ phước, cho nên mới răn dạy ta: “Tương lai của vua rất tốt, quá khứ cũng đã như vậy.”

Quần thần nghe xong, cúi lạy tạ:

–Chúng thần là kẻ thấp hèn, trí tuệ nông cạn, ngu si trộm hiểu  một cách sai lầm, nói những điều không đúng. Còn thần đức của Đại vương thì khế hợp một cách tài tình với lời nói cũng như tôn chỉ của Tôn giả chứa nhóm được cội đức đã trồng, cho nên được hưởng địa vị quốc vương này.

Quần thần hoan hỷ nói như vậy rồi thoái lui.


94- CHUYỆN VUA NƯỚC NGUYỆT THỊ KẾT BẠN THÂN VỚI BA VỊ QUAN TRÍ TUỆ

Bấy giờ, ở nước Nguyệt thị có một vị vua tên là Chiên-đàn-kế-ni-sất kết bạn với ba người trí. Người thứ nhất tên là Bồ-tát Mã Minh, người thứ hai là vị đại thần tên Ma-sất-la, người thứ ba là vị lương y tên Già-la-ca. Ba vị ấy là bạn thân thiện của nhà vua, được vua đãi ngộ rất ân cần. Họ thường gần gũi bên cạnh nhà vua. Bồ-tát Mã Minh tâu với vua:

–Nếu nhà vua nghe theo lời của tôi thì đời sau của vua thường tương ứng với điều thiện, xa lìa các nạn, vĩnh viễn xa lìa con đường ác.

Người bạn thứ hai vị đại thần tâu với vua:

–Nếu vua dùng lời sâu kín của thần, mà không tiết lộ cho ai biết, thì người trong bốn biển đều có thể tóm thâu được.

Người bạn thứ ba vị lương y lại tâu với vua:

–Nếu Đại vương nghe theo lời của thần thì khiến cho trong thân vua suốt đời không bị chết yểu, trăm vị tùy theo tâm tự điều hòa thích ứng không có hoạn nạn.

Nhà vua nhờ nghe lời của vị ấy nên chưa hề có chút bệnh nhỏ.

Bấy giờ nhà vua theo lời của vị đại thần nói, nên những quân đội oai hùng của các nước, không nơi nào mà chẳng bị đánh bại. Ở trong bốn biển ba phương đã định, chỉ có phương Đông là chưa đến để quy phục. Nhà vua bèn chuẩn bị quân đội, muốn đến để thảo phạt. Trước tiên sai khiến các rợ Hồ và các con bạch tượng đi đầu, vua dẫn binh đi sau muốn đến rặng núi Thông lãnh, vượt qua cửa ải hiểm nghèo. Lúc ấy có những người cỡi những con voi, con ngựa ở trước, không chịu tiến tới. Nhà vua hết sức kinh ngạc, nói với ngựa:

–Trước sau ta vẫn cỡi các ngươi chinh phạt, ba phương đã bình định, nay các ngươi tại sao không chịu tiến tới?

Khi ấy vị đại thần tâu với vua:

–Trước đây thần đã tâu với vua đừng tiết lộ lời nói kín đáo.

Nay vua đã tiết lộ, thì thọ mạng của ngài sẽ không còn lâu nữa.

Như lời của vị đại thần nói, nhà vua tự biết rõ sự chết của mình không còn lâu nữa. Bởi vua chinh phạt từ trước đến nay đã giết hại hơn ba ức người, tự biết tương lai chắc chắn phải thọ lấy tội nặng, nên trong lòng hết sức sợ hãi, liền sám hối, lập đàn trì giới, tạo lập Tăng phòng, cúng dường chúng Tăng, tứ sự đầy đủ, tu các công đức, siêng năng không mệt mỏi.

Khi ấy quần thần tự nói với nhau:

–Nhà vua tạo nhiều tội ác, giết hại vô đạo. Nay tuy có làm phước cũng đâu có ích gì đối với những tội lỗi khi xưa?

Nhà vua nghe quần thần nói như vậy, muốn giải tỏa ý nghĩ của họ, liền tạo phương tiện, bèn ra lệnh cho một vị hạ thần. Ngươi hãy đốt một cái vạc trong bảy ngày, bảy đêm, làm cho nước thật sôi, đừng để tắt lửa. Xong nhà vua lấy một cái vòng ngọc ném vào trong vạc rồi ra lệnh cho các thần:

–Các khanh hãy vào trong cái vạc lấy vòng ngọc ra.

Có vị quan tâu với vua:

–Thà chịu chết chứ không thể lấy vòng ngọc này được.

Nhà vua nói với vị quan ấy:

–Vậy có phương tiện gì để lấy vòng ngọc ấy chăng?

Khi ấy vị quan thưa:

–Hãy tắt lửa ở dưới, thì nước bên trên sẽ nguội lạnh, nhờ cách đó mới không làm phỏng tay người ta, rồi mới có thể lấy được.

vua đáp:

–Trước đây ta làm ác, giống như cái vạc nước sôi, nay ta tu các điều thiện, hổ thẹn sám hối không còn làm ác nữa. Sao lại không tiêu diệt được tội lỗi? Như vậy ta có thể đình chỉ ba đường ác, có thể sinh ở cõi người, cõi trời.

Khi nghe vua nói xong quần thần, tức thì rõ biết được việc vua làm, người nào cũng hoan hỷ.

Vậy lời nói của người trí, không thể không áp dụng.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10