SỐ 203
KINH TẠP BẢO TẠNG
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Sa-môn Kiết-ca-dạ và Đàm Diệu.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6

Gồm sáu chuyện:

73. Chuyện Đế Thích hỏi việc.
74. Chuyện Đức Phật độ A-nhã Kiều-trần-như và nhiều người trong quá khứ.
75. Chuyện con của Sai-ma bị bệnh mắt quy y Tam bảo được nhãn tịnh.
76. Chuyện bảy loại pháp bố thí.
77. Chuyện vua nước Ca-bộ lúc trời hạn hán tắm Phật nên được mưa.
78. Chuyện trưởng giả thỉnh Xá-lợi-phất và Ma-ha-la.

73- CHUYỆN ĐẾ THÍCH HỎI VIỆC

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở phía Nam thành Vương xá tại nước Ma-kiệt- đề. Có tụ lạc của Bà-la-môn tên là Yêm-ba-la-lâm, ở phía Bắc của tụ lạc này có một hang núi đá tên là Tỳ-đề-hê.
Bấy giờ Đế Thích nghe Đức Phật ở tại đó, liền bảo vương tử Kiền-thát-bà Bàn-xà-thức-xí:

–Đức Thế Tôn đang ở trong hang núi Tỳ-đề-hê về phía Bắc của tụ lạc Bà-la-môn, tên là Yêm-ba-la-lâm thuộc nước Ma-kiệt-đề.

Nay ta cùng ngươi hãy đến đó.

Vương tử Kiền-thát-bà Bàn-xà-thức-xí đáp:

–Thưa vâng, việc này rất tốt.

Vương tử vui mừng hớn hở ôm đàn lưu ly theo Đế Thích đi đến chỗ Đức Phật.

Bấy giờ chư Thiên nghe Đế Thích cùng vương tử Kiền-thát-bà… muốn đi đến chỗ Đức Phật, cả đoàn tự trang nghiêm đi theo Đế Thích và biến mất nơi cõi trời hiện đến núi Tỳ-đề-hê.

Khi ấy trong núi này ánh sáng rực rỡ, những người ở núi này đều bảo nhau:

–Lửa cháy.

Đế Thích liền bảo vương tử Kiền-thát-bà:

–Nơi này thanh tịnh, xa lìa các ác, là chỗ vắng vẻ, an ổn để tọa thiền. Nay ở bên Đức Phật có nhiều bậc Tôn thắng, chư Thiên bít lối, đứng đầy hai bên Ngài. Nay chúng ta làm sao ra mắt Đức

Thế Tôn được?

Đế Thích liền bảo vương tử Kiền-thát-bà:

–Ngươi hãy vì ta đến chỗ Đức Phật nói lên ý muốn của chúng ta là muốn đến gần Ngài để thân cận thăm hỏi.

Vương tử Kiền-thát-bà vâng lời đi đến một chỗ không xa cũng không gần để chiêm ngưỡng tôn nhan, rồi ôm đàn Tỳ-bà mà khảy để cho Đức Phật nghe tiếng.

Vương tử làm bài kệ rằng:

Lòng dục sinh luyến trước
Như voi bị lún bùn
Cũng như voi điên chạy
Mà không có móc xích
Giống như A-la-hán
Luyến mộ nơi diệu pháp
Cũng như ta tham sắc
Cung kính lạy cha nàng
Nhờ sinh chỗ quý thắng
Sinh ái lạc bội phần.
Ái dục lòng ta thêm sinh trưởng
Tợ như nóng bức gặp gió mát
Như khát dữ dội, được nước trong
Dáng mạo của nàng thật khả ái.
Giống như La-hán mến Chánh pháp
Cũng như người bệnh gặp thuốc hay
Như người đang đói gặp cơm ngon
Nước mát trừ hết cơn nóng khát
Nay ta tham trước muốn rong ruỗi
Như ta bị buộc không được đi.

Đức Phật nói:

–Lành thay! Này Bàn-xà-thức-xí, nay tấu lên âm thanh này, đàn sáo hòa điệu. Người đang ở gần hay xa mà tạo ra ca khúc này?

Vương tử liền bạch Phật:

–Thuở trước con gặp một hiền nữ tên là Tu-lợi-bà-chiết-tư là con gái của vua Kiền-thát-bà Trân-phù-lâu. Thiên tử Ma-đa-la tên là Thức-kiển-nhã, lần đầu cầu thân với nàng, lúc ấy tâm con vui sướng, yêu mến, liền đến chỗ nàng, nói lên bài kệ này. Nay con ở trước Đức Phật, lại nói bài kệ này.

Đế Thích nghĩ: “Đức Phật đã dùng định lực mà biết, nay đang nói chuyện với Bàn-xà-thức-xí.” Đế Thích lại nói với Thức-xí:

–Nay ngươi hãy nhân danh ta xin đảnh lễ dưới chân Đức Phật, thăm hỏi Đức Thế Tôn có ít bệnh ít não, đi đứng nhẹ nhàng, ăn uống dễ tiêu hóa, khí lực an lạc, không có gì trở ngại chăng? Đang sống an lạc chăng?

Vương tử liền đáp:

–Thưa vâng.

Rồi theo lời dạy của Đế Thích, vị ấy liền đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đem lời của Đế Thích thăm hỏi Đức Thế Tôn.

Đức Phật hỏi lại:

–Đế Thích và chư Thiên đều an lạc chứ?

Vương tử lại bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn, Đế Thích và chư Thiên cõi trời thứ Ba mươi ba muốn ra mắt Đức Phật, Ngài có cho phép chăng?

Đức Phật trả lời:

–Nay đã đúng thời.

Đế Thích và chư Thiên cõi trời thứ Ba mươi ba nghe Đức Phật dạy như vậy liền đến chỗ Ngài, đảnh lễ dưới chân Ngài, rồi đứng qua một bên, bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn, chúng con nên ngồi ở chỗ nào?

Đức Phật bảo:

–Hãy ngồi lên chỗ này.

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, hang động này quá nhỏ mà chư Thiên lại quá đông!

Khi nói lời ấy xong thì Đế Thích thấy hang động rộng lớn. Đức Phật dùng thần lực khiến cho hang động có thể chứa tất cả.

Đế Thích liền đảnh lễ dưới chân Đức Phật, rồi ngồi ở phía trước, bạch Đức Phật:

–Con luôn luôn muốn gặp Đức Phật, muốn được nghe pháp.

Thuở trước Đức Phật ở tại nước Xá-vệ đang nhập Hỏa quang tam muội.

Ngay lúc đó có thị nữ của Tỳ-sa-môn tên là Bộ-xà-bạt-đề, Bộ-xà-bạt-đề đang chắp tay hướng về Đức Phật. Khi ấy con nói với các thị nữ của Tỳ-sa-môn ấy: “Nay Đức Phật đang ở trong định, ta không dám làm náo loạn. Ngươi hãy thay ta đảnh lễ dưới chân Đức Phật, nói tên của ta thăm hỏi Ngài.” Cô gái ấy có thay lời Đế Thích đến lễ bái, hỏi thăm Ngài chăng?

Đức Phật nói với Đế Thích:

–Ngay khi ấy Ta nghe tiếng các người, sau đó không bao lâu thì Ta xuất định.

Đế Thích bạch Đức Phật:

–Ngày xưa con có theo các bậc Tôn túc, nghe rằng chư Như Lai, Bậc A-la-hán, Tam-miệu-tam-phật-đà xuất hiện ở thế gian thì chúng chư Thiên tăng trưởng, chúng A-tu-la bị giảm bớt. Ngày nay con đích thân tự sinh ở cõi trời, chúng chư Thiên tăng trưởng, chúng A-tu-la giảm thiểu. Nay con thấy đệ tử của Đức Phật được sinh lên cõi trời, có ba sự trội hơn chư Thiên: Đó là trội hơn về thọ mạng, trội hơn về ánh sáng, trội hơn về danh xưng.

Khi ấy con gái Cụ-tỳ-da-bảo, sinh ở cõi trời Đao-lợi, trước kia là đệ tử của Đức Phật, nay làm con của Đế Thích, tên là Thiên tử Cừ Hoặc. Lại có ba vị Tỳ-kheo, trước đây theo Phật để tu hành phạm hạnh, nhưng tâm chưa lìa dục, nên khi thân hoại mạng chung, sinh vào nhà Càn-thát-bà, ngày ngày ba buổi bị chư Thiên sai bảo.

Thiên tử Cừ Hoặc thấy ba vị ấy đến để Thiên tử sai bảo, liền nói:

–Tâm ta không vui, không chấp nhận được. Ngày xưa khi ta ở nhân gian thì ba người thường đến nhà ta để nhận sự cúng dường của ta. Ngày nay bị chư Thiên sai khiến, ta không nỡ nhìn các ngươi. Ba vị trời ấy vốn là hàng đệ tử Thanh văn của Đức Phật, lúc ta làm người đã nhận sự cúng dường cung kính, ẩm thực, y phục của ta, ngày nay lại trở thành hạ tiện. Các ngươi nghe pháp từ miệng của Đức Phật, nhờ Phật mà khai giải. Tại sao ngày nay lại sinh vào chốn khổ sở này? Trước đây ta phụng sự cúng dường các ngươi. Song ta theo Phật nghe pháp, tu bố thí, tin nhân quả, cho nên ngày nay làm con của Đế Thích, có đại oai đức, thế lực tự tại. Chư Thiên đều gọi ta là Cừ Hoặc. Các ngươi đã được thắng pháp của Đức Phật, tại sao lại không nỗ lực tu hành, lại sinh vào chỗ đê tiện này? Nay ta không nỡ nhìn thấy sự xấu ác này. Những việc như vậy ta không muốn nhìn. Tại sao cùng trong một pháp lại sinh nơi hạ tiện này, mà đệ tử của Đức Phật thì không nên sinh vào đó?

Thiên tử Cừ Hoặc nói lên lời hiềm trách ấy, cả ba vị ấy, tự mình hết sức xấu hổ, sinh tâm nhàm chán, chắp tay nói với Cừ Hoặc:

–Như lời Thiên tử nói, đúng là lỗi của chúng tôi, nay nên trừ bỏ những dục ác như vậy.

Họ liền siêng năng tinh tấn, tu tập định tuệ, cả ba người nhớ nghĩ đến pháp của Cù-đàm, thấy dục là tội lỗi tai họa, liền đoạn sự trói buộc của dục. Giống như voi lớn bứt đứt dây trói, họ đoạn trừ tham dục cũng lại như thế.

Khi ấy Đế Thích cùng Nhất-thương-na thiên, chư Thiên khác và Hộ thế Tứ Thiên vương đều đến ngồi ở tòa này. Ba vị ấy đã đoạn trừ hết dục, ở trước chư Thiên liền bay lên hư không.

Đế Thích bạch Đức Phật:

–Ba vị ấy đã đắc được pháp gì mà có thể làm các thứ thần biến như vậy? Con đến gặp Đức Thế Tôn muốn hỏi những vị ấy đã chứng đắc được những gì?

Đức Thế Tôn trả lời:

–Cả ba vị ấy đã bỏ chỗ ấy được sinh cõi trời Phạm thiên.

Đế Thích thưa:

–Cúi mong Đức Thế Tôn nói cho con nghe pháp họ được sinh cõi Phạm thiên.

Đức Phật bảo:

–Lành thay! Này Đế Thích, Ta sẽ phân biệt, giải thích những nghi vấn của ngươi.

Khi ấy Đức Phật suy nghĩ: “Đế Thích là người không nịnh bợ, dối trá, chân thật hỏi những điều nghi ngờ, không làm não loạn Ta.”

Ngài nói:

–Nếu ngươi có hỏi điều gì Ta sẽ phân biệt giải thích.

Đế Thích hỏi Đức Phật:

–Kết sử nào có thể trói buộc Người, Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát- bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Ma-hầu-la-già?

Khi ấy Đức Phật trả lời:

–Hai thứ kết sử tham lam và tật đố trói buộc Người, Trời, A-tu-la, Càn-thát-bà… tất cả loài người đều bị tham lam và tật đố mà tự trói buộc.

Đế Thích thưa:

–Việc này đúng như vậy, thưa Đấng Trời trong hàng trời, vì nhân duyên tham lam, tật đố có thể trói buộc tất cả. Nay con nhờ theo Phật hiểu rõ nghĩa này, lưới nghi liền trừ, càng thêm hoan hỷ.

Đế Thích lại hỏi những vấn đề khác:

–Do đâu sinh ra tham lam, ganh ghét? Cái gì là nhân, cái gì là duyên mà sinh ra tham lam, ganh ghét? Do nhân duyên gì mà sinh?

Do nhân duyên gì mà diệt?

Đức Phật đáp:

–Này Kiều-thi-ca, tham lam tật đố là do lòng thương ghét sinh ra, do thương ghét làm duyên; có thương, ghét thì có tham lam tật đố, không có thương ghét thì tham lam tật đố liền mất.

–Thật vậy, thưa Đấng Trời trong hàng trời. Nay con nhờ Phật được nghe hiểu nghĩa này, lưới nghi liền trừ, càng thêm hoan hỷ.

Đế Thích lại hỏi những nghĩa khác:

–Thương và ghét do nhân duyên gì sinh? Do nhân duyên gì diệt?

Đức Phật đáp:

–Thương ghét là do sự ham muốn mà sinh, không có lòng ham muốn, thì thương ghét liền tiêu diệt.

–Thật vậy, thưa Đấng Trời trong hàng trời, con nhờ theo Phật được nghe, tin và hiểu nghĩa này nên lưới nghi liền dứt càng them hoan hỷ.

Đế Thích lại hỏi:

–Dục do nhân gì phát sinh? Do duyên gì mà tăng trưởng? Làm sao có thể đoạn diệt?

Đức Phật dạy:

–Dục vọng do giác quan sinh ra, duyên theo giác quan mà dục tăng trưởng, có giác quan thì có dục, không có giác quan thì dục tiêu diệt.

–Thật vậy, thưa Đấng Trời trong hàng trời, nay con nhờ Phật, nghe, hiểu nghĩa này, nên lưới nghi liền dứt, càng thêm hoan hỷ.

Đế Thích lại hỏi:

–Giác quan do nhân gì mà phát sinh? Do duyên gì mà tang trưởng? Làm sao để tiêu diệt?

Đức Phật dạy:

–Giác quan do đùa giỡn mà phát sinh, do đùa giỡn mà tang trưởng. Không đùa giỡn thì giác quán liền tiêu diệt.

–Thật vậy, thưa Đấng Trời trong hàng trời, nay con nhờ Phật nghe hiểu nghĩa này, nên lưới nghi liền hết, càng thêm hoan hỷ.

Đế Thích lại hỏi:

–Đùa giỡn do đâu sinh trưởng, làm sao để tiêu diệt?

Đức Phật bảo:

–Này Kiều-thi-ca, muốn diệt trừ đùa giỡn phải tu Bát chánh đạo: Thấy biết chân chánh; Hành nghiệp chân chánh; Lời nói chân chánh; Đời sống chân chánh; Phương tiện chân chánh; Suy tư chân chánh; Nhớ nghĩ chân chánh; Định chân chánh.

Đế Thích nghe xong bạch Đức Phật:

–Thật vậy, thưa Đấng Trời trong hàng trời, đùa giỡn quả thật phải nhờ Bát chánh đạo mà diệt trừ. Nay con nhờ Phật được nghe nghĩa này nên lưới nghi liền trừ.

Đế Thích hoan hỷ lại hỏi:

–Muốn diệt trừ đùa giỡn thì phải tu Bát chánh đạo. Bát chánh đạo này, Tỳ-kheo lại nhờ pháp gì mà tăng trưởng?

Đức Phật nói:

–Có ba pháp:

  1. Sự muốn chân chánh.
  2. Siêng năng chân chánh.
  3. Hay tập luyện nhiếp tâm.

Đế Thích thưa:

–Thật vậy, thưa Đấng Trời trong hàng trời, chúng con nghe nghĩa này mà lưới nghi liền hết. Tỳ-kheo hay tu hành chánh đạo phần, thật sự chính nhờ ba việc này mà tăng trưởng.

Đế Thích nghe xong hoan hỷ lại hỏi:

–Tỳ-kheo muốn diệt trừ đùa giỡn, phải học bao nhiêu pháp?

Đức Phật dạy:

–Phải học ba pháp. Phải học tăng trưởng đầy đủ tâm giữ giới, phải học tăng trưởng đầy đủ tâm thiền định, phải học tăng trưởng đầy đủ tâm trí tuệ.

Đế Thích nghe rồi thưa:

–Thật vậy, thưa Đấng Trời trong hàng trời, con nghe nghĩa này nên lưới nghi được trừ, vô cùng hoan hỷ.

Đế Thích lại hỏi nghĩa khác:

–Muốn diệt trừ đùa giỡn cần phải hiểu thấu mấy nghĩa lý? Xin

Đức Phật nói cho con nghe.

Đức Phật nói:

–Cần phải hiểu thấu sáu nghĩa lý:

  1. Mắt biết sắc.
  2. Tai biết tiếng.
  3. Mũi biết hương.
  4. Lưỡi biết vị.
  5. Thân biết trơn mịn.
  6. Ý biết các pháp.

Đế Thích nghe xong thưa:

–Thật vậy, thưa Đấng Trời trong hàng trời, con nghe nghĩa này nên lưới nghi được trừ vô cùng hoan hỷ.

Đế Thích lại hỏi nghĩa khác:

–Tất cả chúng sinh có cùng một sự tham lam, một sự dục vọng, một sự hướng đến, một sự theo đuổi chăng?

Đức Phật nói:

–Này Đế Thích, tất cả chúng sinh cũng không đồng một sự tham lam, một lòng ham muốn, một sự hướng đến, một sự theo đuổi.

Chúng sinh vô lượng, thế giới vô lượng, ý muốn vào sự theo đuổi càng sai biệt không đồng, họ đều chấp theo chỗ thấy của họ.

Đế Thích nghe xong, thưa:

–Thật vậy, thưa Đấng Trời trong hàng Trời, con nhờ nghe nghĩa này nên lưới nghi được trừ, vô cùng hoan hỷ.

Đế Thích lại hỏi nghĩa khác:

–Tất cả Sa-môn, Bà-la-môn đều được một chỗ rốt ráo, được sự không dơ bẩn, được phạm hạnh hoàn toàn chăng?

Đức Phật trả lời:

–Tất cả Sa-môn, Bà-la-môn không thể đều được chỗ rốt ráo chỗ không dơ bẩn, cũng không được phạm hạnh hoàn toàn. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào được sự giải thoát vô thượng vì đã đoạn trừ được sự trói buộc của ái dục, được chánh giải thoát thì người ấy trọn được chỗ rốt ráo, chỗ không dơ, chỗ phạm hạnh đầy đủ.

Đế Thích lại hỏi:

–Như lời Phật dạy, ai được sự giải thoát tối thượng vì đã đoạn trừ được sự trói buộc của ái dục, được chánh giải thoát thì người ấy mới trọn được chỗ rốt ráo, chỗ không dơ, chỗ phạm hạnh đầy đủ.

Nay con nhờ Phật nghe hiểu nghĩa này, được rõ pháp này, được thoát khỏi nghi, đến bờ kia, được nhổ mũi tên độc tà kiến, đã trừ được chấp ngã và tâm chẳng thoái chuyển.

Khi Đức Phật nói kinh này, Đế Thích và tám vạn bốn ngàn chư Thiên xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Đức Phật nói:

–Này Kiều-thi-ca, có phải ngươi đã từng đem câu hỏi này hỏi Sa-môn, Bà-la-môn rồi chăng?

Đế Thích thưa:

–Bạch Thế Tôn, con nhớ thuở xưa, con đã từng cùng chư Thiên tụ tập tại Thiện pháp đường, hỏi chư Thiên: “Có Phật xuất thế chưa?” Chư Thiên đều đáp: “Chưa có Phật xuất thế.”

Chư Thiên nghe Phật chưa xuất thế liền tự giải tán. Chư Thiên có đại oai đức khi hết phước mạng chung. Khi ấy con lo sợ, thấy có Sa-môn, Bà-la-môn nào ở chỗ nhàn tịnh, con liền đến chỗ vị ấy. Vị Sa-môn, Bà-la-môn kia hỏi con: “Ông là ai?” Con đáp: “Tôi là Đế Thích.”

Con không đảnh lễ họ, ngược lại họ đảnh lễ con. Con cũng không hỏi họ, mà họ lại hỏi con. Biết họ không có trí cho nên con không quy y họ. Nay con từ đây quy y Phật, làm đệ tử của Phật.

Đế Thích liền nói bài kệ:

Trước con thường hoài nghi
Ý tưởng không thỏa mãn
Mãi mong cầu bậc Trí
Phân biệt các nghi này
Tìm kiếm Đức Như Lai
Thấy các chỗ nhàn tịnh
Sa-môn, Bà-la-môn
Tưởng đó là Thế Tôn
Liền đến ngay chỗ ấy
Lễ bái và hỏi thăm,
Con mới hỏi như vầy:
“Sao là tu Chánh đạo?”
Tất cả Sa-môn ấy
Không hiểu đạo, phi đạo
Nay con thấy Thế Tôn
Lưới nghi đều diệt sạch
Ngày nay lại có Phật
Đại Luận Sư thế gian
Phá tan các ma oán
Hết phiền não, Tối Thắng;
Thế Tôn hiện ở đời
Hy hữu không ai bằng
Nơi chư Thiên, Ma chúng…
Không có ai bằng Phật.

Bạch Thế Tôn, con đã đắc quả Tu-đà-hoàn. Con đã đắc quả Tu-đà-hoàn.  Đức Thế Tôn nói:

–Lành thay! Lành thay! Này Kiều-thi-ca, nếu người không phóng dật sẽ được quả Tư-đà-hàm.

Đức Phật bảo Đế Thích:

–Ngươi ở chỗ nào mà được sự chẳng đánh mất đức tin này?

Đế Thích bạch:

–Con ở ngay chỗ này, bên Đức Thế Tôn mà được, con ở ngay nơi đây lại được thọ mạng như chư Thiên.

Đức Phật nói:

–Chỉ mong ông khi đã giác ngộ phải nhớ giữ việc này.

Đế Thích thưa:

–Bạch Thế Tôn, nay con suy nghĩ: “Con nguyện được sinh ở nhân gian, trong nhà hào quý, các sự đầy đủ, khi ấy con sẽ xả bỏ thế tục, xuất gia, hướng đến Thánh đạo, hoặc đắc Niết-bàn, được vậy thì rất tốt. Nếu không được vậy con nguyện sinh cõi trời Tịnh cư.

Khi ấy Đế Thích tập hợp các Thiên chúng lại bảo:

–Ta đối với ba thời cúng dường Phạm thiên, từ nay về sau, ta sẽ không làm như vậy nữa. Ta sẽ đối với ba thời cúng dường Đức Thế Tôn.

Khi ấy Đế Thích bảo Càn-thát-bà tử Bàn-xà-thức-xí:

–Nay ngươi đối với ta có ân rất lớn. Nhờ ngươi có thể biết được Đức Phật Thế Tôn nên mới khiến cho ta được nghe pháp thâm sâu.

Khi trở về cõi trời ta sẽ đem Trân-phù-lâu nữ Hiền-tu-lợi Bà-chiết-tư cho ngươi làm vợ, lại cho ngươi thay thế cha nàng là Càn-thát-bà vương.

Bấy giờ, Đế Thích đem các Thiên chúng nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, rồi lui ra, đến chỗ vắng vẻ, tất cả đều xưng niệm: “Nam-mô Phật-đà”, rồi trở về cõi trời.

Khi Đế Thích ra đi chưa bao lâu, thì Phạm Thiên vương lại nghĩ như vầy: “Đế Thích đã đi, nay ta sẽ đến chỗ Đức Phật. Trong khoảnh khắc giống thời gian tráng sĩ co duỗi cánh tay, Phạm Thiên vương liền đi đến được chỗ Đức Phật, lạy dưới chân Phật xong, rồi ngồi qua một bên. Ánh hào quang của Phạm thiên sáng ngời cả núi Tỳ-đề-hê.

Bấy giờ Phạm thiên liền nói kệ:

Được nhiều lợi ích,

Hiển hiện nghĩa này

Xá-chỉ-ba địa

Ma-già-bà

Châu tráp đều hiền

Hay hỏi vấn nạn

Sa-bà-bà.

Lại nói:

–Đế Thích đã hỏi xong, liền trở về Thiên cung.

Vào sáng sớm, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Phạm thiên vương hôm qua lại đến chỗ Ta nói kệ trên xong liền trở về cõi trời.

Các Tỳ-kheo vui mừng cung kính đảnh lễ dưới chân Đức Phật rồi lui ra.


74- CHUYỆN ĐỨC PHẬT ĐỘ A-NHÃ KIỀU-TRẦN-NHƯ VÀ NHIỀU NGƯỜI TRONG QUÁ KHỨ

Đức Phật ở tại thành Vương xá, thuyết pháp độ cho A-nhã Kiều-trần-như, Thích Đề-hoàn Nhân, vua Tần-bà-sa-la và cùng với tám vạn bốn ngàn người đi theo, đều được đắc đạo.

Các Tỳ-kheo nghi là chuyện lạ, vì mỗi vị mang theo bao nhiêu người như vậy mà đều được thoát khỏi ba đường ác.

Đức Phật nói:

–Đâu phải chỉ ngày hôm nay mới như thế, mà ở thời quá khứ, Ta cũng từng cứu tế họ.

Các Tỳ-kheo thưa:

–Trong thời quá khứ Đức Phật cứu tế họ như thế nào?

Đức Phật nói:

–Trong thời quá khứ có các thương nhân vào biển tìm châu báu. Khi trở về giữa đường, ở giữa đồng không bao la, họ gặp một con mãng xà, thân nó đứng cao đến sáu câu-lâu-xá. Nó bao quanh bốn mặt, các người đi buôn không có chỗ nào ra hay vào được. Khi ấy các người đi buôn hết sức kinh sợ. Họ đều xướng lên: “Hỡi Thiên thần, Địa thần, các vị có lòng từ mẫn xin cứu vớt chúng tôi.”

Khi ấy có con bạch tượng cùng với bạn là sư tử. Con sư tử nhảy đến cắn vào đầu mãng xà, làm cho các thương nhân thoát khỏi tai nạn. Khi ấy con mãng xà liền phun hơi độc trong miệng nó giết chết sư tử và bạch tượng. Lúc hai con này sắp chết, các khách buôn nói:

–Các ngài đã cứu giúp chúng tôi, vậy các ngài có mong ước điều gì không?

Đáp:

–Chúng tôi chỉ mong làm Phật, độ tất cả mọi người.

Các thương nhân nói:

–Nếu các ngài được làm Phật, xin cho chúng tôi ở tại hội đầu tiên được nghe pháp đắc đạo.

Sư tử, bạch tượng liền đó mạng chung. Các thương nhân thiêu xác, lấy cốt xây tháp.

Đức Phật nói:

–Muốn biết con sư tử lúc đó thì chính là Ta, còn con bạch tượng lúc đó là Xá-lợi-phất vậy. Thương chủ lúc ấy là Kiều-trần-như, Đế Thích và vua Tần-bà-sa-la, còn các thương nhân lúc ấy là chư Thiên nhân nay đã đắc đạo vậy.


75- CHUYỆN CON CỦA SAI-MA BỊ BỆNH MẮT, QUY Y TAM BẢO ĐƯỢC NHÃN TỊNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Thích thị. Khi ấy ở trong thành Xađầu có người họ Thích tên là Sai-ma, một lòng thanh tịnh tin vào Phật, một lòng thanh tịnh tin vào Pháp, một lòng thanh tịnh tin vào Tăng; quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng; nhất tâm hướng về Phật, nhất tâm hướng về Pháp, nhất tâm hướng về Tăng; không nghi đối với Phật, không nghi đối với Pháp, không nghi đối với Tăng, không nghi đối với Khổ đế, không nghi đối với Tập đế, không nghi đối với Diệt đế, không nghi đối với Đạo đế; nhờ được Kiến đế, nên được đạo quả. Như chỗ thấy biết của vị Tu-đà-hoàn, vị ấy đều được thấy biết. Đối với ba quả Bồ-đề, chẳng qua là thời gian, chắc chắn sẽ đạt được. Thích tử Sai-ma vì bệnh con mắt, mắt bị loạn chẳng thấy gì cả. Thích tử Sai-ma liền niệm Đức Thế Tôn:

–Xin quy hướng về con mắt, xin quy hướng về ánh sáng, xin quy hướng sự trừ tối tăm, xin quy hướng về bậc cầm ngọn đuốc, xin quy hướng về Phật-đà, xin quy hướng về Đấng Thiện Thệ.Đức Phật dùng Thiên nhĩ thanh tịnh nghe xa hơn người thường, nghe âm thanh ấy liền bảo Tôn giả A-nan:

–Nay ngươi hãy dùng chương cú này để ủng hộ Thích Sai-ma, để cứu tế, để thủ hộ, để chăm sóc, diệt trừ tai họa, vì bốn chúng làm lợi ích, sống an lạc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn vì Thích Sai-ma thuyết kinh chú Tịnh nhãn:

–“Đa chiết tha thí lợi di lợi khí lợi hê hê đa.” Dùng chú Tịnh nhãn này làm cho con mắt của Sai-ma được thanh tịnh, để màng mắt được lành, hoặc vì gió mà bị màng mắt, hoặc vì sức nóng mà bị màng mắt, hoặc vì lạnh mà bị màng mắt, hoặc vì các nguyên nhân khác mà bị màng mắt, thì đừng nóng, đừng rát, đừng sưng, đừng đau, đừng ngứa, đừng chảy nước mắt. Giới hạnh thật, Khổ hạnh thật, Tiên thật, Trời thật, Câu chú thật, Nhân duyên thật; Khổ thật, Tập thật,  Diệt thật, Đạo thật; A-la-hán thật, Bích-chi-phật thật, Bồ-tát thật; như vậy gọi tên Thích Sai-ma, các tên khác cũng xưng danh như vậy thì mắt liền được lành. Khi mắt lành rồi thì các bóng tối liền trừ, hết màng mắt. Hoặc là có màng mắt vì gió, hoặc có màng mắt vì sức nóng, hoặc màng che mắt, hoặc màng mắt vì lạnh, hoặc màng mắt vì các nguyên nhân khác thì mắt đừng bị hỏa xông đốt, đừng rát, đừng sưng, đừng đau, đừng ngứa, đừng chảy nước mắt.

Này A-nan, chương cú như vậy, sáu Đức Phật Thế Tôn nay Ta nữa là bảy, cũng nói như vậy. Tứ Thiên vương cũng nói chú này, Đế Thích cũng nói, Phạm vương và các Phạm chúng cũng tùy thuận hoan hỷ.

Này A-nan, Ta không thấy hoặc Trời hoặc Người, hoặc Ma hoặc Phạm thiên, hoặc chúng Sa-môn, hoặc chúng Bà-la-môn, ba lần nói chương cú này, hoặc màng che, hoặc mờ tối, hoặc màng mắt, hoặc sưng, hoặc mắt xanh, hoặc chảy nước mắt, hoặc do Trời làm, hoặc do loài Rồng làm, hoặc do Dạ-xoa làm, hoặc do A-tu-la làm, hoặc do Cưu-bàn-trà làm, hoặc do ngạ quỷ làm, hoặc do Tỳ-xá làm, hoặc vì chất độc mà bị, hoặc do ác chú mà bị, hoặc do bệnh cổ độc gây nên, hoặc do chú Tỳ-đà-la gây nên hoặc do ác tinh làm ra, hoặc các tinh tú làm ra.

Tôn giả A-nan liền đến vì Thích Sai-ma, ba lần nói chú này thì con mắt vị ấy trong sáng lại như xưa được thấy các sắc, nhờ chú này mà theo đó gọi tên người. Thích Sai-ma đều trừ hôn ám, trừ màng mắt, gió, sức nóng lạnh và đẳng phần, đừng đốt, đừng nấu, đừng sưng, đừng đau, đừng chảy nước mắt. Nam-mô Phật, Nam-mô Đa-đà A-dà-đà A-la-ha Tam-miẹu-tam-phật-đà.”

Bồ-tát dùng câu thần chú này thì tất cả đều được thành tựu tốt đẹp. Các trời Phạm thiên đều tùy hỷ.


76- CHUYỆN BẢY LOẠI PHÁP BỐ THÍ

Đức Phật nói bảy pháp bố thí, không hao tổn tài vật mà được quả báo lớn. Một là bố thí mắt, thường đem con mắt cung kính để nhìn cha mẹ, Sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn, chứ không lấy con mắt độc ác để nhìn họ, gọi là bố thí mắt. Như vậy khi xả thân, thọ thân, được con mắt thanh tịnh, vị lai được thành Phật, được Thiên nhãn, Phật nhãn. Đó gọi là quả báo thứ nhất.

Hai là bố thí nhan sắc, hòa thuận vui vẻ đối với cha mẹ, Sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn, không dùng gương mặt buồn rầu, sắc mặt hung ác tiếp họ. Nhờ vậy khi xả thân, thọ thân được sắc mặt đoan chánh, đời vị lai thành Phật được sắc thân vàng ròng. Đó gọi là quả báo thứ hai.

Ba là bố thí lời nói, đối với cha mẹ, Sư trưởng, Sa-môn, Bà-lamôn, nói lời êm dịu, không nói lời thô ác. Nhờ vậy khi xả, báo than được ngôn ngữ biện tài, nói ra điều gì mọi người đều tín thọ. Lúc vị lai thành Phật, được bốn biện tài. Đó gọi là quả báo thứ ba.

Bốn là bố thí thân. Đối với cha mẹ, Sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn phải đứng dậy nghênh tiếp, lễ bái, gọi là bố thí thân. Nhờ vậy khi xả thân hay thọ thân, được thân hình đoan chánh, to lớn, mọi người đều cung kính. Thời vị lai, được thành Phật, thân như cây Ni-câu- đà có được tướng vô kiến đảnh. Đó gọi là quả báo thứ tư.

Năm gọi là bố thí tâm, tuy đem những việc trên để cúng dường mà tâm không nhu hòa, tốt đẹp, thì không gọi là bố thí. Phải dung thiện tâm nhu hòa tốt đẹp, tâm thường sinh những điều tốt đẹp để cúng dường. Đó gọi là bố thí tâm. Nhờ vậy khi xả thân, thọ than được tâm tinh minh sáng suốt, không có tâm si mê, điên loạn, đời vị lai thành Phật, được Nhất thiết chủng trí. Đó gọi là quả báo thứ năm.

Sáu là bố thí sàng tọa, hoặc thấy cha mẹ, Sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn, thì trải tòa mời ngồi, cho đến tự lấy tòa của mình đang ngồi mời các vị ấy ngồi. Nhờ vậy khi xả thân, thọ thân thường được sàng tọa thất bảo tôn quý. Thời vị lai thành Phật, được ngồi pháp tòa Sư tử. Đó gọi là quả báo thứ sáu.

Bảy là bố thí nhà ở. Ở trước Sư trưởng, Sa-môn Bà-la-môn, mời họ vào nhà, tự do đi lại, nằm ngồi. Đó gọi là bố thí nhà ở. Nhờ vậy khi xả thân, thọ thân, tự nhiên được cung điện, nhà cửa. Thời vị lai thành Phật được các thiền thất. Đó gọi là quả báo thứ bảy.

Đây gọi là bảy cách bố thí tuy không hao tốn tài vật mà được quả báo to lớn.


77- CHUYỆN VUA NƯỚC CA-BỘ LÚC TRỜI HẠN HÁN TẮM PHẬT NÊN ĐƯỢC MƯA

Nếu ai gieo một ít giống lành thì được vào ruộng phước, về sau chắc chắn sẽ được quả báo. Giống như ngày xưa cách đây vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, bấy giờ có một vị vua tên là Ca-bộ, thống lãnh tám vạn bốn vạn quốc độ trong cõi Diêm-phù-đề. Nhà vua có đến hai vạn người vợ nhưng không có con. Nhà vua bèn cầu đảo thần thánh, nhưng trải qua nhiều năm, thì phu nhân lớn nhất mới sinh được một thái tử tên là Chiên-đàn. Vị ấy làm Chuyển luân vương thống lãnh bốn thiên hạ. Về sau vị ấy nhàm chán thế tục, xuất gia, được thành Chánh giác.

Khi ấy ở trong nước kia, các tướng sư đều nói:

–Trời đại hạn đã mười hai năm vậy làm cách gì để cầu thoát khỏi tai họa này?

Họ cùng nhau nghị luận:

–Nay chúng ta nên làm một cái chậu bằng vàng, đặt ở giữa chợ, chứa đầy nước hương dùng để tắm Phật, phân bố nước hoa để dựng tháp miếu, thì có thể trừ được tai họa.

Họ liền thỉnh Đức Thế Tôn, tắm bằng nước hoa, rồi phân nước Đức Phật tắm còn lại làm tám vạn bốn ngàn cái bình báu, phân cho tám vạn bốn ngàn nước để chiêm ngưỡng tạo lập tháp miếu để cúng dường làm phước. Nhờ nhân duyên tạo lập tháp miếu làm phước cho nên trời liền đổ mưa lớn, ngũ cốc dồi dào, muôn dân an lạc.

Bấy giờ có một người thấy tháp miếu này, tâm sinh hoan hỷ, liền lấy một bó hoa rải lên trên tháp, liền được quả báo tốt lành.

Đức Phật nói:

–Ta dùng Phật nhãn xem thấy vị ấy ở lâu xa về trước, đối với Đức Chiên-đàn Như Lai, lấy nước hoa xây tháp miếu, được Ngài giáo hóa thành Phật từ lâu, đã nhập vào Niết-bàn. Người dùng bó hoa để cúng dường thì chính là thân của Ta vậy. Ngày xưa Ta nhờ tạo nhân duyên này, nay là kiếp cuối cùng được thành Phật. Cho nên các hành giả phải siêng năng làm các công đức. Đừng cho là việc làm thiện nhỏ mà sinh tư tưởng cho là thấp kém.


78- CHUYỆN TRƯỞNG GIẢ THỈNH XÁ-LỢI-PHẤT VÀ MA-HA-LA

Ngày xưa, ở trong thành Xá-vệ có một vị đại trưởng giả là nhà cự phú, tiền tài châu báu vô lượng, thường đối với Tăng, thứ lớp thỉnh các Sa-môn đến nhà để cúng dường. Bấy giờ theo thứ lớp của Tăng tới phiên Tôn giả Xá-lợi-phất và Ma-ha-la đến nhà trưởng giả.

Trưởng giả thấy hai vị, hết sức hoan hỷ. Chính ngày ấy ông vào biển thu được nhiều trân bảo, an ổn về nhà. Cùng thời gian ấy, vị quốc vương nước đó, phong tặng thôn ấp cho trưởng giả. Người vợ của trưởng giả đang mang thai lại sinh được con trai. Các việc vui mừng đồng một lúc đến với trưởng giả.

Tôn giả Xá-lợi-phất… khi đã vào nhà thọ dụng đồ ăn uống của trưởng giả xong, trưởng giả dâng và trải sàng tòa trước Tôn giả. Ngài Xá-lợi-phất chú nguyện và nói:

–Hôm nay gặp thời nên được quả báo tốt, tài lợi chuyện vui đều tụ tập, hớn hở vui mừng tâm hoan lạc. Tín tâm dũng mãnh niệm thập lực. Giống như hôm nay, ngày sau cũng vậy.

Khi ấy trưởng giả nghe lời chú nguyện xong, trong tâm hết sức hoan hỷ, liền lấy hai tấm dạ thật đẹp cúng dường Tôn giả Xá-lợi-phất.

Nhưng riêng Ma-ha-la thì ông không cúng gì cả.

Khi Ma-ha-la trở về chùa buồn bã, nghĩ: “Hôm nay sở dĩ Tôn giả Xá-lợi-phất được như vậy là nhờ lời chú nguyện thích hợp với ý của trưởng giả. Cho nên mới được sự cúng dường như vậy. Nay ta nên xin học lời chú nguyện ấy.” Ma-ha-la liền nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Lời chú nguyện vừa rồi, xin ngài hãy dạy cho tôi.

Tôn giả liền đáp:

–Lời chú nguyện này không phải lúc nào cũng dùng, có lúc dùng nhưng có lúc không nên dùng.

Xong, Ma-ha-la ân cần cầu thỉnh:

–Xin ngài hãy dạy cho con!

Tôn giả Xá-lợi-phất vì khó tránh được ý cầu của ông ta nên mới dạy cho lời chú nguyện này. Khi được lời chú nguyện rồi, ông ta liền đọc tụng hết sức lưu loát và suy nghĩ: “Lúc nào, thứ lớp đến phiên ta được làm Thượng tọa, ta sẽ dùng chú này.”

Bấy giờ vì theo thứ lớp của Tăng, vị ấy được đến nhà trưởng giả, được ngồi ghế Thượng tọa. Gặp lúc vị trưởng giả này vào biển mua bán, đã bị mất hết ngọc báu, còn vợ của trưởng giả bị sa vào lưới quan huyện, con lại bị chết. Ma-ha-la nói lời chú nguyện giống như ngài Xá-lợi-phất đã dạy, cho đến câu về sau cũng như thế.

Bấy giờ trưởng giả khi nghe lời nói ấy, trong lòng hết sức phẫn nộ, liền đánh đập kéo ông ra khỏi cửa. Vì bị vị trưởng giả tức giận đánh đập nên Ma-ha-la trong lòng hết sức áo não, liền vào ruộng trồng mè của vua, đạp nát mầm mộng cây mè, làm cho nó gãy ngã.

Người giữ ruộng thấy việc như vậy tức giận, liền dùng roi đánh, làm cho ông ta hết sức khổ nhục.

Khi Ma-ha-la lại bị đánh đập xong, mới hỏi người đánh mình:

–Tôi có lỗi gì mà đánh tôi vậy?

Bấy giờ người giữ vườn mè nói rõ là ông đã đạp nát cây mè, rồi chỉ đường cho ông đi thẳng con đường trước, chưa được mấy dặm thì gặp người ta cắt lúa mạch chất thành một đống. Theo phong tục lúc đó, nếu ai đi nhiễu quanh đống lúa về phía hữu thì gia chủ mời ăn uống, vì cầu mong cho họ giàu có thịnh vượng, còn nếu ai đi về phía bên trái đống lúa là điều không lành.

Khi ấy Ma-ha-la đi quanh phía bên trái của đống lúa nên người chủ lúa mạch tức giận liền lấy gậy đánh. Lúc đó Ma-ha-la lại hỏi:

–Tôi có tội gì, mà vô cớ ông lại lấy gậy đánh tôi?

Người chủ lúa mạch đáp:

–Ngươi đi quanh đống lúa mạch của ta sao lại không đi phía bên phải và chú nguyện cho ta được nhiều của, mà lại làm trái phép của ta, cho nên ta mới đánh.

Người ấy chỉ đường cho ông rồi tiếp tục lên đường, trên đường đi gặp người ta đang chôn cất, ông nhiễu quanh mộ huyệt như hướng nhiễu quanh đống lúa mạch lại chú nguyện: “Tăng thêm, tăng thêm”. Tang chủ tức giận liền bắt lại đánh đập nói:

–Ngươi thấy người chết sao không xót thương, rồi cầu nguyện từ nay về sau đừng xảy ra như vậy; trái lại tại sao ngươi lại nói “Tăng thêm, tăng thêm?”

Ma-ha-la nói:

–Từ nay về sau tôi sẽ nói như ông. Rồi Ma-ha-la lại đi tiếp, thấy đám cưới hỏi, như lời người tống táng dạy, ông nói: “Từ nay về Bsau đừng có diễn tiến như vậy nữa.” Khi ấy người chủ đám cướIn nghe ông ta nói như vậy tức giận lại lấy cây đánh cho đến vỡ đầu.

Ông lại đi tiếp, vì bị đánh nên ông chạy như điên, lại gặp người đang giăng lưới bắt chim ưng, làm cho chim kinh sợ, hoảng hốt tung đầu vào lưới của người khác, vì vậy làm các con chim ưng khác cũng hoảng sợ, bay tán loạn. Thợ săn tức giận, bắt ông lại và đánh.

Ma-ha-la bị đánh khổ sở, liền nói với người thợ săn:

–Từ lúc tôi ra đường đến giờ, thường bị đánh đập làm cho tinh thần thác loạn, chạy gấp mới sa vào lưới của ông. Vậy mong ông hãy khoan dung thả tôi ra, để tôi còn đi tiếp.

Thợ săn đáp:

–Vì ngươi quá thô tháo, nóng nảy nên mới vậy. Sao lại không thong thả bò dưới đất mà đi?

Ông liền đi tiếp, theo lời người thợ săn, ông cứ bò xuống mà đi lại đến giữa đường, gặp người thợ nhuộm thấy ông đi bằng khuỷu tay, cho rằng ông muốn trộm y, liền rượt bắt, lấy gậy mà đánh.

Khi ấy Ma-ha-la lại gặp chuyện nghi khốn cấp bách, mới trình bày việc trên cho thợ nhuộm rõ, xin được thả ra. Về đến Kỳ hoàn ông nói với các Tỳ-kheo:

–Ngày trước vì tôi tụng lời chú nguyện của Tôn giả Xá-lợi-phất nên mới bị sự khổ não lớn.

Ông tự tường thuật lại mình bị đánh đập vào người, cơ thể bị bầm dập thương tổn, mấy lần gần mất thân mạng.

Các Tỳ-kheo dẫn Ma-ha-la đến bên Đức Phật, trình bày đầy đủ nguyên do vị ấy bị đánh đập.

Đức Phật dạy:

–Ma-ha-la này không phải chỉ ngày hôm nay mới có chuyện như vậy. Trong quá khứ có một người con gái của vua bị tật bệnh, vịthái sư bói quẻ bảo phải đến giữa gò mả để giải trừ tật bệnh. Khi ấy công chúa liền đem theo người dẫn đường, đi đến giữa gò mả. Trong lúc đi đường, có hai người khách buôn thấy công chúa có thị tùng trang sức theo hầu, trong lòng sợ hãi mới chạy đến giữa gò mả. Một người thì bị thị tùng của công chúa bắt cắt tai, cắt mũi. Còn người kia vì quá sợ hãi liền nấp dưới tử thi, giả làm thây người chết.

Khi ấy công chúa sắp muốn giải trừ tai họa, chọn người mới chết mà da thịt chưa hư rữa, ngồi lên trên để tắm, để trị lành bệnh.

Lúc ấy bà bảo thị tùng xem xét thì bắt gặp người khách buôn này, thị tùng lấy tay mà sờ, thì thấy thi thể vẫn còn mềm. Công chúa cho đó là người mới chết, liền lấy bột hạt cải xoa vào thân, ngồi lên trên mà tắm. Vì bột hạt cải có mùi cay, bay vào lỗ mũi khách buôn, mặc dù cố gắng đừng phản ứng nhưng không được, liền bị hắt hơi thật lớn.

Khi ấy người thị tùng cho rằng đó là tử thi của con quỷ sống dậy, có thể gây các tai họa cho mình, nên đến đóng cửa lại để chống lại sự bất trắc. Công chúa liền bắt lấy tử thi không thả.

Khi ấy khách buôn lấy sự thật nói:

–Tôi thật chẳng phải là quỷ.

Lúc ấy công chúa liền cùng đi với người khách buôn đến thành, bảo người mở cửa thành. Người khách buôn nói rõ sự thật của mình. Khi ấy vua cha, tuy nghe người ta nói vậy nhưng vẫn không tin, ông liền chuẩn bị binh gậy, bảo người mở cửa để xem mới hay đó chẳng phải là quỷ. Khi ấy phụ vương nói:

–Hình thể của người nữ không phơi bày hai lần.

Ông liền đem cô gái gả cho khách buôn làm vợ. Khách buôn vui mừng, sung sướng vô cùng.

Đức Phật dạy:

–Người khách buôn lấy được công chúa lúc đó chính là Xá-lợi-phất, còn người bị cắt tai, mũi chính là Ma-ha-la vậy. Chuyện ngày xưa cũng như vậy, đâu phải chỉ có ngày hôm nay đâu. Từ nay về sau, tất cả các Tỳ-kheo nếu muốn thuyết pháp chú nguyện, phải biết thời nghi, nên tu tập Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ. Khi buồn rầu, vui sướng, phải biết đúng thời hay không đúng thời, không nên nói không hợp căn cơ, không đúng thời điểm và tuyệt đối không được vọng ngữ.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10