SỐ 203
KINH TẠP BẢO TẠNG
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Sa-môn Kiết-ca-dạ và Đàm Diệu.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Gồm chín chuyện:

  1. Chuyện Thập Xa vương.
  2. Chuyện Vương tử lấy thịt mình cứu cha mẹ.
  3. Nhân duyên chim Anh vũ cúng dường cha mẹ mù.
  4. Chuyện Khí Lão quốc.
  5. Chuyện Đức Phật ở cõi trời Đao-lợi thuyết pháp cho Mẹ là bà Ma-da.
  6. Đức Phật kể chuyện ngày xưa mẹ Ngài là bà Ca-đán-già-la.
  7. Chuyện Từ Đồng Nữ.
  8. Chuyện phu nhân Liên Hoa.
  9. Chuyện phu nhân Lộc Nữ.

 

1- CHUYỆN THẬP XA VƯƠNG

Ngày xưa, lúc con người sống thọ đến một vạn tuổi, có một vị  vua tên Thập Xa, làm vua cõi Diêm-phù-đề. Vợ chánh của nhà vua sinh được một người con trai tên là La-ma. Vợ thứ của nhà vua có một người con tên là La-mạn. Thái tử La-ma là người đại dũng mãnh, có sức mạnh của Na-la-diên, kiêm cả tài văn chương thi phú.

Hễ ai nghe tiếng hay thấy hình đều có thể bị hại, không ai địch nổi.

Bấy giờ, vị phu nhân thứ ba sinh được một người con trai tên là Bà-la-đà. Phu nhân thứ tư sinh được một người con trai tên là Diệt Oán Ác. Đặc biệt phu nhân thứ ba được nhà vua rất yêu quý, thường nói:

–Nay ta đối với nàng, tất cả những của cải, châu báu của ta, ta hoàn toàn không keo kiết gì cả, nếu nàng cần thứ gì ta sẽ cho ngay.

Phu nhân thưa:

–Hiện nay thiếp chưa có cầu mong gì, nếu sau này có thỉnh nguyện gì thì thiếp sẽ xin tâu.

Khi ấy nhà vua bị bệnh, tánh mạng rất nguy kịch, liền lập thái tử La-ma thay mình làm vua. Thái tử lấy lụa búi tóc, đầu đội mão trời, nghi dung phép tắc như pháp của vua.

Bấy giờ, phu nhân thứ ba thấy bệnh của vua có thuyên giảm đôi phần, tự ỷ mình được vua yêu dấu như thế và thấy La-ma nối ngôi vua cha, trong lòng sinh ra ganh tức, tìm đến chỗ vua, xin vua cho bà lời mong ước ngày trước, bà thưa:

–Mong cho con của thiếp được làm vua, truất phế La-ma.

Nhà vua nghe lời này rồi như người mắc nghẹn, nuốt không trôi mà nhổ ra cũng không được. Vì nếu muốn truất phế con trưởng nay đã phong làm vua rồi; nếu không muốn truất phế thì trước đây đã hứa là cho bà ta muốn gì cũng được. Song, vua Thập Xa từ xưa đến nay chưa từng bội tín với ai cả. Vả lại, pháp của vua là pháp không được nói hai lời, không nuốt lời hứa trước. Suy nghĩ như vậy xong, nhà vua liền truất phế La-ma, lấy lại áo mão.

Khi ấy, người em là La-mạn nói với anh:

–Anh có sức mạnh, lại có tài văn chương điển nhã sao lại không sử dụng mà phải chịu sự sỉ nhục này?

Người anh nói với em:

–Làm ngược lại sự mong ước của cha không thể gọi là con hiếu thảo. Song, nay người mẹ này không sinh ra ta, nhưng cha ta thương  mến thì cũng như là mẹ của ta vậy. Còn người em Bà-la-đà tánh tình rất hòa thuận, chắc không có ý gì khác. Như ta bây giờ tuy có sức mạnh vĩ đại, có tài thi phú, nhưng đối với cha mẹ và người em ấy, không nên làm gì để tổn hại họ cả.

Người em nghe xong liền im lặng.

Bấy giờ, vua Thập Xa bắt hai người con phải đi thật xa, vào núi sâu, sau mười hai năm mới cho về nước. Anh em của La-ma liền vâng theo lệnh của vua cha, trong lòng không ôm hận, bái từ cha mẹ, đi vào núi sâu thật xa.

Khi ấy Bà-la-đà đang ở nước ngoài, nhà vua ra lệnh tìm kiếm, triệu về nước để làm vua. Song, Bà-la-đà đối với hai người anh rất hòa kính, cung thuận, luôn giữ lòng kính yêu. Lúc trở về nước rồi thì phụ vương đã băng hà, mới hay mẹ mình đã dối lập việc hưng phế, tẫn xuất hai người anh đi xa. Nghi ngờ việc làm của mẹ mình có điều phi lý, cho nên Bà-la-đà nói với mẹ mình mà vẫn không lễ bái, thưa quỳ:

–Tại sao mẹ làm việc bội nghịch này, tiêu diệt tình máu mủ của chúng ta?

Rồi thái tử hướng về phía mẹ lớn bái lạy, cung kính hiếu thuận gấp bội lúc bình thường.

Bấy giờ, Bà-la-đà liền đem binh chúng đến ranh giới của hòn núi mà hai anh đang ở, rồi bảo binh chúng ở phía sau, một mình đi vào núi. Đang khi thái tử em đi đến thì La-mạn nói với anh:

–Trước đây chúng ta hằng cho rằng người em Bà-la-đà là con người đạo nghĩa, kính nhường, cung thuận, nhưng hôm nay nó lại đem binh đến đây để giết hại anh em chúng ta!

Hoàng tử anh nói với Bà-la-đà:

–Hôm nay vì sao em đem binh chúng tới đây?

Hoàng tử em thưa với anh:

–Sợ đi giữa đường gặp bọn giặc cướp cho nên em phải đem theo binh chúng, mục đích là để tự phòng vệ, ngoài ra em không có ý gì khác cả, mong anh hãy trở về nước để trông coi việc triều chính.

Người anh trả lời:

–Trước đây anh đã vâng lệnh của vua cha lưu đày nơi xa xôi này. Nay anh vì sao lại trở về liền như vậy? Nếu anh tự ý làm thế thì không thể gọi là người con nhân từ hiếu thuận được.

Người em đã ân cần thỉnh cầu hết sức như vậy, nhưng ý của người anh đã quyết định rõ ràng, kiên cố. Người em biết ý của anh mình dứt khoát không trở về, liền tìm thấy đôi giày da của anh mình thường mang, trong lòng buồn rầu áo não, đem nó về nước. Khi trở về nước thống nhiếp việc quốc chánh, người em thường đặt nó lên trên ngự tòa, ngày đêm triều bái, hỏi han, xem như là anh mình không khác. Nhà vua lại thường bảo người vào trong núi luôn luôn thỉnh mời hai anh về nước. Nhưng vì hai người anh theo lệnh của vua cha phải đủ mười hai năm mới được về nước. Nay chưa đủ thời gian ấy, vì lòng chí hiếu tận trung nên không dám trái lệnh. Về sau dần dần đã đủ mười hai năm, lại biết người em luôn luôn ân cần mời thỉnh, lại còn biết người em luôn luôn kính chiếc giày của mình như chính mình vậy. Vì cảm kích tấm lòng của người em tha thiết như thế, liền trở về nước. Khi về đến nước người em liền nhường ngôi cho người anh. Người anh nhường lại, nói:

–Phụ vương đã giao ngôi cho em, ta không nên nhận lấy ngai vàng này.

Người em lại thưa:

–Anh là con trưởng, phải gánh lấy sự nghiệp của cha, như vậy mới là đúng lẽ.

Cứ như vậy hai bên nhường ngôi qua lại cho nhau. Cuối cùng người anh không thể từ chối được nên phải lên làm vua. Anh em hòa kính, thương yêu, phong hóa thịnh hành, đạo đức dồi dào nên muôn dân được nhờ cậy, họ càng thêm trung hiếu. Dân chúng suy nghĩ tự khuyến khích mình tôn thờ việc hiếu kính.

Mẹ của Bà-la-đà tuy có tạo ra sự đại ác nhưng La-ma vẫn không có lòng oán hận.

Do nhân duyên trung hiếu này mà mưa gió đúng thời, ngũ cốc sung mãn, con người không có tật dịch. Ở trong cõi Diêm-phù-đề tất cả dân chúng đều giàu có sung mãn, mười phần gấp bội lúc bình thường.


2- CHUYỆN VƯƠNG TỬ DÙNG THỊT CỦA MÌNH ĐỂ CỨU CHA MẸ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả A-nan mang y cầm bát vào thành để khất thực, thấy một cậu bé có cha mẹ bị mù. Hễ đi xin được món đồ ăn nào ngon thì cậu dâng lên cho cha mẹ, còn món nào dở thì tự ăn lấy. Tôn giả A-nan bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn, cậu bé này thật là hiếm có, vì hễ khi xin được đồ ăn ngon thì dâng lên cha mẹ, còn đồ dở thì để mình ăn.

Đức Phật bảo:

–Điều đó cũng chưa phải là khó. Trong thời quá khứ, Ta đã cúng dường cho cha mẹ mới thật là điều khó làm.

Tôn giả A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn, trong đời quá khứ Thế Tôn đã cúng dường cha mẹ như thế nào?

Đức Phật bảo:

–Ở thời quá khứ có một vị đại quốc vương thống lãnh đất nước.

Nhà vua có sáu người con, mỗi người cai trị một nước.

Bấy giờ có một vị đại thần tên là La-hầu-cầu lập mưu, nổi quân giết chết vị đại vương và năm người con kia. Còn người con thứ sáu đã có Quỷ thần đến mách bảo trước:

–Đại vương là cha của ngươi và năm người anh đều bị đại thần La-hầu-cầu giết hại. Tiếp theo, y sẽ muốn đến giết ngươi.

Vương tử nghe xong, liền trở về nhà. Người vợ thấy vương tử diện mạo âu sầu, tiều tụy, không giống lúc bình thường, liền hỏi chồng:

–Anh có điều gì vậy?

Người chồng nói với vợ:

–Việc của người đàn ông không thể nói cho nàng biết được.

Người vợ nói:

–Này vương tử, nay tôi với chàng đồng sinh đồng tử, có việc gì gấp hay hoãn mà không nói cho nhau nghe?

Chồng nói với vợ:

–Vừa rồi có quỷ thần đến bảo với ta: “Cha của ngài là đại vương và năm người anh đều bị kẻ khác giết chết. Họ sẽ đến đây tìm ngài.” Do đó cho nên ta mới sợ sệt, chẳng biết phải làm sao!

Vợ chồng bàn với nhau liền mang theo người con nhỏ chạy trốn sang nước khác. Họ mang theo lương thực cho bảy ngày thì sẽ tới nước muốn đến. Vì quá kinh hoàng sợ hãi cho nên đã đi lộn đường.

Quanh co hết mười ngày trời rồi mà vẫn chưa đến nơi, lương thực hết sạch cho nên bị đói khát, khốn khổ gần chết. Vương tử suy nghĩ:

“Nếu để ba người cùng sống thì sự thống khổ càng thêm kịch liệt. Chẳng thà ta hãy giết chết một người, chỉ còn có hai người thì sẽ bớt khổ.” Nghĩ như vậy xong, vương tử liền rút kiếm muốn giết người vợ. Cậu bé quay đầu lại thấy cha sắp sửa giết mẹ, liền chắp tay thưa:

–Ngày hôm nay xin cha đừng giết mẹ con. Xin cha cứ giết con để thay thế cho mẹ.

Nghe con nói như vậy, người cha lại muốn giết con. Nhưng người con nói tiếp:

–Xin cha đừng làm cho con chết. Nếu con chết, thịt sẽ thối rữa, không thể để lâu được, thì cha mẹ sẽ không đủ lương thực để đi tiếp. Xin đừng giết con chết, cứ từ từ cắt thịt mà dùng, mỗi ngày ăn chút ít trong lúc chưa đến xứ người. Thịt ở trong thân con chia làm ba phần, cha mẹ hãy lấy hai phần mà ăn, còn lại một phần thì để con dùng. Cha mẹ hãy để con nằm ở đây rồi đi tiếp.

Bấy giờ, cung điện của Thích Đề-hoàn Nhân bị chấn động, trời Đế Thích bèn quan sát xem do nhân duyên gì mà bị như vậy, mới thấy cậu bé này đã làm một việc hy hữu. Ông liền hóa hình một con chó sói đói đi đến đòi ăn thịt. Lúc ấy cậu bé suy nghĩ: “Nếu ta ăn thịt này thì cũng sẽ chết, còn không ăn thịt thì ta cũng chết.” Cậu bé liền bỏ phần thịt còn lại cho chó sói đói ăn.

Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhân liền hóa thành người, nói với cậu bé:

–Nay ngươi cắt thịt để nuôi cha mẹ, vậy ngươi có hối hận chăng?

Cậu bé trả lời:

–Không hối hận.

Người kia lại nói:

–Nay ngươi đang khổ não, vậy ai tin ngươi không sinh lòng hối hận?

Bấy giờ, cậu bé nói lời thành thật:

–Nếu tôi không có lòng hối hận thì xin ngay bây giờ thịt trong thân tôi sẽ bình phục lại như xưa. Còn nếu tôi có lòng hối hận thì tôi sẽ chết tức thì.

Khi cậu bé nói lời ấy xong thì thân thể lại bình phục như xưa.

Thích Đề-hoàn Nhân liền đưa cậu bé cùng với cha mẹ đồng đến một nơi gặp vị vua nước khác. Thấy việc này rồi trong lòng nhà vua hết sức thương xót và vô cùng hoan hỷ. Nhà vua thương người con chí hiếu, khen ngợi là chưa từng có, liền cấp cho quân đội trở về để lấy lại nước. Thích Đề-hoàn Nhân dần dần ủng hộ vị ấy trở thành vua của cõi Diêm-phù-đề.

Cậu bé lúc ấy chính là thân Ta. Còn cha mẹ lúc ấy chính là cha mẹ của Ta bây giờ.

Đức Phật dạy:

–Đâu có phải chỉ ngày hôm nay Ta mới tán thán lòng từ hiếu.

Nhưng trong vô số kiếp Ta cũng thường tán thán như vậy.

Các Tỳ-kheo bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn, trong đời quá khứ Ngài cúng dường cha mẹ như thế nào?

Đức Phật dạy:

–Ngày xưa, trong lãnh thổ của vua nước Ca-thi có một hòn núi lớn. Trong hòn núi ấy có vị Tiên nhân tên là Thiểm-ma-ca, cha mẹ đã già lại mù cả hai mắt. Vị Tiên thường dâng quả ngon, hoa thơm, nước tốt cho cha mẹ dùng, để cha mẹ ở nơi an nhàn, yên vắng, không có gì phải sợ sệt. Hễ vị Tiên này có làm công việc gì nhất cử nhất động, trước hết đều thưa với cha mẹ. Khi vị Tiên thưa với cha mẹ xong, liền đi lấy nước.

Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt đang đi săn, bỗng thấy một con nai đang uống nước, liền giương cung lên bắn. Tên độc lỡ trúng vào người của Thiểm-ma-ca. Khi bị tên độc, vị Tiên nhân la lớn:

–Một mũi tên giết chết ba người, đau đớn biết chừng nào!

Nhà vua nghe tiếng than ấy, tìm theo chỗ mũi tên rơi đi đến đó để xem thử việc gì, ai đã nói lời ấy? Vua nói:

–Ta nghe trong núi này có một vị Tiên nhân tên là Thiểm-ma-ca, nhân từ hiếu thuận, nuôi dưỡng cha mẹ mù, mọi người đều khen ngợi. Vậy ngươi có phải là Thiểm-ma-ca không?

Đáp:

–Người ấy chính là tôi.

Rồi chàng nói tiếp:

–Nay thân của tôi dù có thống khổ cũng không sao. Tôi chỉ lo cho cha mẹ tôi già cả mà lại bị mù lòa, từ nay sẽ bị đói khát, cùng khốn, không ai nuôi dưỡng!

Nhà vua lại nói:

–Cha mẹ mù của ngươi hiện nay đang ở chỗ nào?

Thiểm-ma-ca chỉ cho vua:

–Trong ngôi nhà cỏ kia.

Nhà vua liền đi đến chỗ ở của cha mẹ bị mù ấy. Khi đó, cha của Thiểm-ma-ca nói với vợ:

–Nay con mắt của tôi bị giật, há không phải là đứa con hiếu thảo Thiểm-ma-ca của chúng ta bị tai họa sao?

Người vợ lại nói với chồng:

–Nay cái vú của tôi cũng hồi hộp bất an, chẳng lẽ đứa con của chúng ta bị điều gì không lành chăng?

Lúc ấy cha mẹ mù đang nghe tiếng của vua đi đến, trong long sợ sệt, biết không phải là bước chân của con mình. Vậy đây là ai?

Nhà vua đi tới phía trước, nói lời bái chào. Cha mẹ mù nói:

–Con mắt của chúng tôi không thấy gì cả. Vậy ai bái chào đó?

Vua đáp:

–Tôi là vua của nước Ca-thi.

Cha mẹ mù nghe xong bèn mời nhà vua ngồi xuống, nói:

–Nếu con tôi có mặt ở đây, nó sẽ dâng lên cho đức vua những hoa thơm quả ngon. Con của chúng tôi sáng nay đã đi lấy nước.

Chúng tôi chờ đã lâu rồi mà chưa thấy về.

Nhà vua liền buồn khóc, nói kệ:

Ta là vua nước này

Đi săn tại núi đây

Chỉ muốn bắn cầm thú

Không ngờ lại hại người.

Nay ta bỏ ngôi vua

Phụng dưỡng cha mẹ mù

Giống như con cha mẹ

Xin chớ có buồn khổ!

Cha mẹ mù lại dùng kệ đáp lại vua:

Con tôi hiền, hiếu thuận

Trong đời không ai bằng

Tuy vua thấy xót thương

Làm sao giống con được?

Xin vua rủ lòng thương

Chỉ con tôi ở đâu?

Được con ở gần bên

Như vậy là mãn nguyện.

Bấy giờ, nhà vua dẫn cha mẹ mù đi đến bên Thiểm-ma-ca, khi họ đi đến bên con rồi, liền đập ngực, khóc lóc, áo não, nói:

–Than ôi, con của ta nhân từ, hiếu thuận không ai bằng. Hỡi Thiên thần, Địa thần, Sơn thần, Thọ thần, Thần sông, Thần hồ, các vị Thần hãy nghe bài kệ này:

Thích, Phạm vua cõi trời

Vì sao không phò trợ

Con hiếu thuận của ta?

Để phải khổ như vầy

Thương đứa con hiếu tử

Hãy mau đến cứu mạng.

Lúc ấy, cung điện của Thích Đề-hoàn Nhân bị chấn động. Vua trời dùng Thiên nhĩ nghe những lời đau thương, trắc ẩn của cha mẹ mù, liền từ trên trời đi xuống, đến chỗ đó nói với Thiểm-ma-ca:

–Ngươi có sinh tâm ác với nhà vua chăng?

Đáp:

–Quả thật tôi không có tâm ác với nhà vua.

Thích Đề-hoàn Nhân nói:

–Ai mà tin được nhà ngươi không có tâm ác?

–Thiểm-ma-ca đáp:

–Nếu tôi có tâm ác đối với nhà vua thì chất độc sẽ chạy khắp thân khiến tôi chết lập tức. Nếu tôi không có tâm ác đối với nhà vua thì tên độc sẽ ra khỏi thân và vết thương liền lành.

Liền đúng như lời nói ấy, tên độc tự ra khỏi thân và Thiểm-ma-ca bình phục như xưa. Nhà vua hết sức vui mừng, vô cùng sung sướng, liền ra cấm lệnh, bảo khắp mọi người trong nước phải tu nhân từ, hiếu thảo với cha mẹ.

Thiểm-ma-ca từ xưa đến nay nhân từ hiếu thuận, cúng dường cha mẹ. Nên biết rằng người cha mù lúc ấy chính là vua Tịnh Phạn.

Người mẹ mù nay là Ma-da phu nhân. Thiểm-ma-ca chính là than Ta. Vua nước Ca-thi lúc ấy nay là Xá-lợi-phất. Thích Đề-hoàn Nhân nay là Ma-ha Ca-diếp.


3- NHÂN DUYÊN CHIM ANH VŨ CÚNG DƯỜNG CHA MẸ MÙ

Đức Phật ở tại thành Vương xá, bảo các Tỳ-kheo:

–Có hai loại tà hạnh, tựa như vỗ vào trái cầu, mau bị đọa vào địa ngục. Những gì là hai? Một là không cúng dường cha mẹ. Hai là làm điều ác đối với cha mẹ.

Có hai chánh hạnh, như dồi vào trái cầu, mau được sinh lên cõi trời. Những gì là hai? Một là cúng dường cha mẹ, hai là làm các hạnh thiện đối với cha mẹ.

Các Tỳ-kheo thưa:

–Hy hữu thay, bạch Thế Tôn, Đức Như Lai đã hết sức tán than cha mẹ.

Đức Phật dạy:

–Đâu phải chỉ có ngày hôm nay! Về đời quá khứ, trong núi Tuyết có một con chim Anh vũ, cha mẹ đều bị mù. Nó thường mang những hoa thơm, trái chín trước tiên là phụng dưỡng cha mẹ.

Bấy giờ có một điền chủ, khi mới trồng lúa có phát nguyện:

–Tôi trồng lúa này mục đích là cho chúng sinh cùng ăn.

Khi ấy, chim Anh vũ vì ông điền chủ trước đây đã có lòng bố thí, nên nó thường đến ruộng này lượm thóc lúa đem về cúng dường cha mẹ. Lúc đó vị điền chủ đi ra ruộng để xem lúa, thấy các thứ sâu, chim cắn hư bông lúa cho nên buồn rầu, bực tức. Ông liền giăng lưới bắt được chim Anh vũ. Chim Anh vũ nói:

–Này điền chủ, trước đây ông đã có lòng tốt bố thí tài vật, không keo kiết. Vì thế nên tôi mới dám đến đây để lượm lúa thóc.

Vậy cớ gì nay ông lại giăng lưới bắt tôi? Vả lại, ruộng thì giống như người mẹ, còn hạt giống thì giống như người cha. Lời nói thành thật như con, điền chủ như vị vua che chở cho chúng tôi.

Khi chim nói lời này xong, điền chủ rất hoan hỷ, hỏi chim Anh vũ:

–Ngươi nhặt lúa này đem về cho ai?

Anh vũ đáp:

–Tôi có cha mẹ mù, nguyện suốt đời phụng dưỡng.

Điền chủ bảo:

–Từ nay về sau hãy thường đến đây để lấy lúa, đừng có sợ gì cả.

Đức Phật nói:

–Chim Anh vũ vui mừng được nhiều hạt và ông điền chủ cũng vậy. Chim Anh vũ lúc ấy chính là Ta. Điền chủ nay là Xá-lợi-phất.

Người cha mù lúc đó là vua Tịnh Phạn, người mẹ mù là Ma-da phu nhân.


4- CHUYỆN KHÍ LÃO QUỐC

Đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy như vầy:

–Cung kính người già có lợi ích lớn là: Những điều chưa được nghe thì được nghe hiểu, tiếng tăm đồn xa, được người trí kính nể.

Các Tỳ-kheo thưa:

–Đức Như Lai Thế Tôn thường khen ngợi những ai cung kính cha mẹ và những bậc kỳ túc trưởng lão.

Đức Phật dạy:

–Đâu chỉ có ngày hôm nay, mà trong vô lượng kiếp ở quá khứ.

Ta thường cung kính cha mẹ cùng những bậc trưởng lão kỳ túc.

Các Tỳ-kheo thưa:

–Ở thời quá khứ, Đức Thế Tôn đã cung kính cha mẹ và các bậc trưởng lão như thế nào?

Đức Phật dạy:

–Về thời quá khứ lâu xa về trước, có một nước tên là Khí lão.

Trong nước này hễ nhà ai có người già đều phải bỏ đi thật xa. Lúc ấy, một vị đại thần nọ trong triều có người cha tuổi đã già. Theo pháp luật của nước thì phải đem bỏ người cha thật xa. Nhưng vị đại thần này có lòng hiếu thuận nên không nỡ làm vậy. Ông mới đào sâu trong đất làm một căn phòng bí mật để người cha ở đó, để tùy lúc phụng sự hiếu dưỡng.

Bấy giờ, có vị Thiên thần bắt hai con rắn để trước điện của vua, nói:

–Nếu vua phân biệt được con nào đực, con nào cái thì nước này được bình yên, còn nếu không phân biệt được thì cả thân vua và nước này sau bảy ngày nữa sẽ bị diệt hết.

Nhà vua nghe lời ấy rồi, trong lòng buồn bực, liền triệu tập tất cả quần thần để thảo luận về việc này. Nhưng các quần thần ai cũng không thể phân biệt con nào đực, con nào cái. Nhà vua liền chiêu mộ các hiền tài trong nước, hễ ai có thể phân biệt được, nhà vua sẽ phong tước vị và trọng thưởng.

Vị đại thần trở về nhà hỏi cha mình, người cha bảo:

–Việc này phân biệt rất dễ dàng. Hãy dùng một vật mềm mịn rồi đặt con rắn lên trên, nếu thấy con vật cựa quậy thì biết đó là con đực, còn nếu nó nằm yên thì đó là con cái.

Vị đại thần liền tới tâu với nhà vua, quả nhiên nhà vua phân biệt được con nào đực, con nào cái.

Vị Thiên thần lại bảo:

–Ai đang ngủ mà gọi là thức? Ai đang thức mà gọi là ngủ?

Nhà vua và quần thần lại cũng không thể biện biệt nổi. Nhà vua lại chiêu mộ các hiền tài trong nước, cũng mhông ai có thể giải thích được. Vị đại thần liền về nhà hỏi cha mình:

–Lời ấy có ý nghĩa gì?

Người cha nói:

–Đó là gọi về những học giả, đối với các phàm phu thì gọi họ là người thức, nhưng đối với các vị La-hán thì đó là những người đang mê ngủ.

Vị đại thần liền đem lời nói ấy để giải thích thì Thiên thần đồng ý.

Vị Thiên thần lại hỏi:

–Con bạch tượng lớn này được bao nhiêu cân lượng?

Nhà vua và quần thần cùng nhau bàn luận, nhưng cũng không thể biết được. Nhà vua liền chiêu mộ những người trong nước, nhưng cũng không có ai biết. Vì đại thần lại hỏi cha mình, người cha trả lời:

–Hãy đặt con voi trên chiếc thuyền, chiếc thuyền ấy được để trong hồ nước lớn. Nên làm dấu chiếc thuyền lúc bình thường thì mực nước thế nào và khi bỏ con voi vào thì mực nước chìm xuống sâu bao nhiêu. Lúc đó đưa voi ra, dùng đá bỏ vào chiếc thuyền cho đến lúc chiếc thuyền chìm xuống nước bằng trọng lượng con voi thì sẽ biết cân lượng của con voi.

Vị đại thần liền dùng lời trí tuệ đó giải đáp, vị Thiên thần đồng ý.

Thiên thần lại hỏi:

–Ai có thể biết được làm sao để nước trong một bụm tay gọi là nhiều hơn nước trong biển cả?

Nhà vua và quần thần cùng nhau nghị luận cũng không thể giải thích. Nhà vua lại chiêu mộ hết mọi người trong nước nhưng cũng không có ai biết. Vị đại thần lại hỏi cha mình:

–Đó là lời nói có ý gì?

Người cha đáp:

–Lời này rất dễ hiểu. Nếu có người với tín tâm thanh tịnh, lấy một bụm nước để cúng dường Đức Phật, chúng Tăng, cha mẹ và các bệnh nhân nguy cấp. Do công đức này trải qua mấy ngàn vạn kiếp, kẻ ấy được hưởng phước vô cùng. Còn nước biển tuy rất nhiều nhưng chẳng qua cũng hạn cuộc trong thời gian một kiếp rồi nó cũng sẽ khô cạn. Theo đó mà xét, một bụm nước của người tín tâm ấy còn nhiều gấp trăm ngàn vạn lần so với nước trong biển cả.

Vị đại thần liền dùng lời nói này để trả lời vị Thiên thần và được chấp nhận.

Vị Thiên thần lại hóa thành một người đói khổ chỉ còn một bộ xương, đi đến hỏi:

–Ở thế gian có người nào đói khổ kịch liệt, ốm o như tôi không?

Nhà vua và quần thần cùng nhau nghị luận nhưng cũng không thể giải thích. Vị đại thần cũng vậy, về hỏi cha mình, người cha trả lời:

–Ở thế gian có người tham lam keo kiệt, ganh ghét, không tin Tam bảo, không cúng dường Cha mẹ, Sư trưởng, cho nên đời sau phải bị đọa trong loài ngạ quỷ cả trăm ngàn vạn năm vẫn không nghe nói đến tên cơm nước chi cả. Kẻ ấy thân thì to như núi, bụng thì lớn như cái hang, cổ thì nhỏ như cây kim, tóc như dao nhọn từ đầu đến chân, hễ lúc chuyển động thì các khớp xương đều bị bốc lửa.

Con người như vậy còn khổ đói kịch liệt hơn người gấp trăm ngàn vạn lần.

Vị đại thần liền lấy lời ấy để giải đáp Thiên thần và được chấp nhận.

Vị Thiên thần ấy lại hóa làm một người tay chân bị trói, trên cổ lại bị gông cùm, trong thân phun lửa, cả người rực cháy như bó đuốc, lại hỏi:

–Thế gian có người nào khổ sở như ta chăng?

Nhà vua và quần thần nghị luận, nhưng chẳng biết trả lời ra sao. Vị đại thần lại hỏi cha mình, người cha liền đáp:

–Ở thế gian có người không hiếu thảo với cha mẹ, nghịch hại sư trưởng, phản lại chồng mình, phỉ báng Tam bảo, đời sau phải đọa vào địa ngục núi dao rừng kiếm, xe lửa lò than, sông hiểm, hầm xí, đường dao, nẻo lửa, phải chịu tất cả sự khổ sở như vậy vô lượng vô biên không thể kể hết. Lấy đó mà so sánh thì còn khốn khổ hơn ngươi gấp trăm ngàn vạn lần.

Vị đại thần bằng theo lời ấy thưa với Thiên thần và được chấp nhận.

Vị Thiên thần lại hóa làm một người nữ đoan chánh, đẹp đẽ hơn người thế gian, lại hỏi:

–Ở thế gian có người nào đoan chánh như ta chăng?

Nhà vua và quần thần đều im lặng không thể trả lời. Vị đại thần lại hỏi cha mình, người cha bảo:

–Thế gian có người kính tin Tam bảo, hiếu thuận cha mẹ, Bố thí, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Trì giới nên được sinh lên cõi trời, đoan chánh, thù thắng hơn cả thân ngươi gấp trăm vạn lần. Theo đó mà biết thì ngươi như con khỉ mù mà thôi.

Vị đại thần theo lời ấy mà trả lời Thiên thần và được chấp nhận.

Vị Thiên thần lại lấy một cây chiên-đàn vuông vức, ngay thẳng lại hỏi:

–Cây này phần nào là đầu?

Nhà vua và các quần thần có trí lực không thể nào trả lời được.

Vị đại thần lại hỏi cha mình, người cha nói:

–Điều ấy rất dễ biết. Hãy ném khúc gỗ vào nước, hễ phần gốc thì chìm, còn phần đầu thì nổi.

Vị đại thần liền lấy lời ấy trả lời cho Thiên thần và được chấp nhận. Vị Thiên thần lại lấy hai con ngựa trắng hình sắc hoàn toàn giống nhau, hỏi:

–Con nào mẹ, con nào là con?

Nhà vua và quần thần cũng không thể trả lời được. Vị đại thần lại hỏi cha mình, người cha đáp:

–Hãy lấy cỏ cho nó, nếu là con mẹ sẽ nhường cỏ cho con ăn.

Những câu hỏi như vậy đều được giải đáp, vị Thiên thần rất hoan hỷ, ban tặng quốc vương những châu báu quý giá đặc biệt và nói với vua:

–Nay đây đất nước của nhà vua tôi sẽ hết lòng ủng hộ, khiến cho kẻ địch bên ngoài không thể xâm hại được.

Nhà vua nghe lời ấy xong hết sức vui mừng, nói với vị đại thần:

–Những câu trả lời vừa rồi là do ngươi tự biết hay là có ai chỉ dạy cho? Nhờ tài trí của ngươi mà nước nhà được an ổn, đã được châu báu còn được Thiên thần hứa sẽ ủng hộ xã tắc. Đó là nhờ tài lực của ngươi vậy.

Vị đại thần đáp lại lời vua:

–Đó không phải là trí của thần, mong đức vua tha tội thì thần mới dám tâu trình.

Vua nói:

–Giả sử hiện nay ngươi có vạn tội đáng chết đi nữa, ta còn không hỏi tới, huống chi một chút tội nhỏ.

Vị thần tâu:

–Trong nước có lệnh không được nuôi dưỡng người già, thần có người cha già, không nỡ bỏ đi, mới mạo phạm phép vua đem giấu trong lòng đất. Những điều ứng đáp của thần đều là nhờ tài trí của cha thần, chứ không phải là sức lực của thần. Cúi mong Đại vương đối với tất cả quốc dân xin cho họ được phép nuôi dưỡng các người già cả.

Nhà vua liền khen hay, tâm sinh hoan hỷ, phụng dưỡng người cha của vị đại thần, tôn xưng là bậc Thầy vì đã cứu tất cả nhân mạng trong nước, nói:

–Những lợi ích như vậy đâu phải là chỗ biết của ta.

Nhà vua liền ra lệnh bảo khắp các người trong thiên hạ không được phép bỏ người già, lại phải biết hiếu dưỡng cha mẹ. Nếu ai bất hiếu với cha mẹ, không cung kính Sư trưởng thì phải bị tội lớn.

Đức Phật dạy:

–Người cha lúc ấy chính là thân Ta. Vị thần bấy giờ nay là Xá-lợi-phất, vị vua lúc ấy nay là vua A-xà-thế, còn vị Thiên thần lúc ấy nay là A-nan.


5- CHUYỆN ĐỨC PHẬT Ở TRÊN CÕI ĐAO-LỢI THUYẾT PHÁP CHO MẸ LÀ BÀ MA-DA

Đức Phật ở tại nước Xá-vệ, bảo các Tỳ-kheo:

–Nay Ta muốn lên cõi trời Đao-lợi, kiết hạ an cư thuyết pháp cho mẹ Ta nghe. Này các Tỳ-kheo, ai thích lên đó hãy theo Ta. Đức Phật nói lời ấy xong liền bay lên trời Đao-lợi ngồi bên gốc cây an tọa nơi tòa an cư, thuyết pháp cho mẹ Ngài và vô lượng chư Thiên, khiến cho tất cả đều được thấy lẽ thật, rồi Ngài trở về cõi Diêm-phù-đề.

Các Tỳ-kheo thưa:

–Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn, Ngài vì mẹ nên đã ở nơi cõi trời Đao-lợi hết chín mươi ngày.

Đức Phật dạy:

–Đâu phải chỉ có ngày nay, trong thời quá khứ Ta cũng đã dứt trừ tất cả những khổ đau cho cha mẹ Ta.

Các Tỳ-kheo lại bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn, những việc Ngài làm trong thời quá khứ như thế nào?

Đức Phật dạy:

–Thuở xưa, thật lâu xa về trước ở bên núi Tuyết có một con khỉ chúa, thống lãnh bầy khỉ gồm đến năm trăm con.

Bấy giờ, có người thợ săn giăng lưới chung quanh để bắt khỉ.

Khỉ chúa nói:

–Ngày nay các ngươi hãy cẩn thận, đừng có sợ sệt. Ta sẽ vì các ngươi xé rách lưới ấy. Này các bạn khỉ, tất cả hãy theo ta đi ra.

Tức thời khỉ chúa bèn phá lưới và tất cả bầy khỉ được thoát ra ngoài.

Khi ấy, có một khỉ già cõng con bị trật chân rơi xuống hang sâu. Khỉ chúa đi kiếm mẹ, không biết ở đâu. Nó thấy một hang sâu nên đi đến bên hang để xem xét, thấy mẹ đang ở dưới, bèn bảo với các con khỉ:

–Các ngươi hãy tự gắng sức, cùng ta đưa mẹ ta ra ngoài.

Lúc đó các con khỉ cùng nắm đuôi nhau cho đến tận hang sâu, rồi kéo được khỉ mẹ ra ngoài, thoát khỏi khổ nạn.

Đức Phật dạy:

–Lúc đó Ta đã đưa mẹ thoát khỏi khổ nạn nơi hang sâu. Huống chi Ta ngày nay lại làm cho mẹ thoát khỏi khổ nạn. Bấy giờ chỉ giúp cho mẹ thoát nạn nơi hầm sâu, nay lại giúp mẹ thoát khỏi ba đường ác.

Đức Phật dạy các Tỳ-kheo:

–Cứu giúp cha mẹ có công đức lớn. Ta nhờ cứu độ mẹ mà đời đời Ta không có tai nạn, cho đến ngày thành Phật. Vì ý nghĩa đó cho nên, này các Tỳ-kheo, các thầy hãy nên hiếu thuận, luôn cúng dường cha mẹ.


6- PHẬT KỂ CHUYỆN: NGÀY XƯA MẸ NGÀI LÀ BÀ CA-ĐÁN-GIÀ-LA

Khi Đức Phật du hành đến nước Cư-hà-la, Ngài ngồi cạnh một gốc cây bên vệ đường. Bấy giờ, có một lão mẫu tên là Ca-đán-già-la đi ở cho nhà người ta, đang múc nước nơi giếng.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Hãy đi kiếm nước mang lại đây.

Tôn giả A-nan vâng theo lời Phật dạy liền đi kiếm nước.

Khi ấy, lão mẫu nghe Đức Phật nói đi kiếm nước, bà tự mang bình nước đến. Vừa tới chỗ Phật, bà bỗng quăng bình nước xuống đất, ôm chầm lấy Đức Phật. Lúc đó Tôn giả A-nan muốn ngăn cản,

Đức Phật bảo:

–Đừng ngăn cản, lão mẫu này trong năm trăm đời đã từng là mẹ của Ta, lòng thương yêu chưa hết cho nên mới ôm Ta như vậy.

Nếu ngươi ngăn cản, máu sẽ trào ra mặt và chết tức thì.

Khi đã ôm Phật xong, bà nói lớn đây là người thân thuộc rồi đứng qua một bên. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan đi đến gọi người chủ của bà tới. Người chủ đi đến, cúi đầu lạy dưới chân Đức Phật rồi đứng qua một bên. Đức Phật nói với người chủ:

–Hãy trả tự do cho lão mẫu này, để bà được xuất gia. Nếu bà xuất gia sẽ chứng quả A-la-hán.

Người chủ liền trả tự do cho bà lão. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Hãy giao bà lão cho Tỳ-kheo-ni Ba-xà-ba-đề, độ cho bà xuất gia.

Không bao lâu lão mẫu liền chứng quả A-la-hán, ở trong hang ngũ Tỳ-kheo-ni bà là người khéo hiểu Khế kinh không ai bằng. Các Tỳ-kheo-ni khác nghi cho chuyện này là lạ, bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì mà lão mẫu phải đi ở cho người khác, lại do nhân duyên gì mà bà chứng được A-la-hán?

Đức Phật dạy:

–Vào thời Phật Ca-diếp, lão mẫu có xuất gia học đạo, nhờ đó mà chứng được A-la-hán. Bấy giờ, bà làm chủ đồ chúng, lại mắng nhiếc các Hiền thánh, bắt nhiều Ni giỏi khác làm đầy tớ. Do nhân duyên này nên nay phải đi ở cho người khác. Trong năm trăm đời bà thường làm mẹ của Ta, nhưng tham lam keo kiệt, ganh ghét, hay ngăn chặn không cho Ta bố thí. Do nhân duyên ấy nên thường sinh ra nơi chốn bần tiện. Đâu phải chỉ có ngày nay Ta mới làm cho bà ra khỏi chốn bần tiện đâu!

Các Tỳ-kheo thưa:

–Bạch Thế Tôn, không biết trong thời quá khứ Đức Thế Tôn đã diệt trừ sự bần tiện của bà như thế nào?

Đức Phật dạy:

–Trong thời quá khứ, ở nước Ba-la-nại, có một gia đình bần cùng, mẹ con cùng nhau chung sống. Đứa con thường đi làm mướn để phụng dưỡng mẹ. Hễ được chút ít tiền bạc liền đem ra chi dung sáng tối trong ngày.

Bấy giờ người con thưa với mẹ:

–Nay con muốn cùng các người khách buôn đi xa để buôn bán.

Người mẹ chấp thuận. Từ đó ra đi, sau khi người con đi xa, giặc cướp đến phá nhà, cướp hết tiền của, dẫn bà lão đem tới nơi khác bán cho người lạ.

Người con trở về nhà, liền đi tìm mẹ mình. Khi tìm được chỗ mẹ đang ở, người con liền mang nhiều tiền bạc để chuộc mẹ ra khỏi chỗ ấy, rồi đem về nước mình sinh sống, làm ăn, tiền bạc dồi dào, khá hơn lúc trước.

Đức Phật dạy:

–Người mẹ lúc ấy nay là Ca-đán-già-la, người con bấy giờ chính là thân Ta. Lúc ấy Ta đã cứu giúp mẹ Ta thoát khổ.


7- CHUYỆN TỪ ĐỒNG NỮ

Một thời, Đức Phật ở thành Vương xá, Ngài bảo các Tỳ-kheo:

–Đối với cha mẹ, nếu ai cúng dường một chút cũng được vô lượng phước, còn ai làm điều bất thiện với cha mẹ, cho dù rất ít cũng bị tội báo vô lượng.

Các Tỳ-kheo bạch Đức Phật:

–Quả báo của tội phước, sự việc ấy như thế nào?

Đức Phật dạy:

–Vào thời quá khứ lâu xa về trước, ở nước Ba-la-nại có người con của một trưởng giả tên là Từ Đồng Nữ. Cha chết sớm, tiền gạo hết sạch, phải ra sức đi bán củi, ngày kiếm được hai đồng tiền để phụng dưỡng mẹ già.

Công việc càng khấm khá, mỗi ngày chàng kiếm được bốn đồng, đều dùng để phụng dưỡng cho mẹ. Rồi làm ăn càng khá hơn, chàng kiếm mỗi ngày được tám đồng, cũng đều cúng dường cho mẹ. Càng được dân chúng nhiều nơi tin tưởng, xa gần đều tới làm với chàng, nên kiếm lợi càng nhiều, mỗi ngày tới mười sáu đồng tiền, chàng cũng dành để cấp dưỡng cho mẹ. Dân chúng thấy chàng thông minh, phước đức, nên mới khuyên:

–Khi cha ngươi còn sống thường đi vào biển để tìm châu báu.

Tại sao nay ngươi lại không đi biển?

Nghe được lời ấy rồi, chàng thưa với mẹ:

–Khi cha con còn sống thường làm nghề gì?

Người mẹ nói:

–Lúc cha con còn sống thường vào biển để lấy châu báu.

Người con liền thưa:

–Nếu cha con làm nghề vào biển để tìm châu báu, vậy nay tại sao con không làm nghề ấy?

Người mẹ thấy con là người nhân từ hiếu thuận nên bảo:

–Con không nên đi.

Rồi bà lại nói đùa một câu:

–Con cũng có thể đi được.

Nghe mẹ nói như vậy, người con nói:

Như vậy là đã quyết định.

Người con bèn rủ bạn bè cùng đi biển. Khi đã chuẩn bị xong, chàng giã từ mẹ để lên đường, người mẹ liền nói:

–Ta chỉ có một mình con, chừng nào ta chết thì con mới đi.

Người con thưa:

–Nếu trước đây mẹ không cho thì con đâu dám trái ý. Chính mẹ đã hứa rồi, sao nay lại ngăn cản? Mẹ cứ nhìn thân con này, thà giữ chữ tín mà chết. Con đã hứa với mọi người rồi, không thể ở lại được.

Người mẹ thấy con đã quyết ý, liền đến trước ôm chân con mà khóc, nói:

–Sao không chờ cho ta chết đã rồi hãy đi!

Người con đã quyết ý, tự dùng tay hất mạnh để mẹ thả chân ra, làm cho người mẹ đứt hết mấy chục sợi tóc. Người mẹ sợ con mình mang tội, nên liền thả cho con mình đi.

Người con cùng các khách buôn đi vào biển, đến bãi có châu báu, lấy rất nhiều thứ, họ liền về lại nơi xuất phát. Lúc ấy, có hai con đường để trở về: Một đi bằng đường thủy, hai đi bằng đường bộ.

Mọi người liền nói:

–Chúng ta cứ theo đường bộ mà đi.

Họ liền đi theo đường bộ.

Thời ấy, pháp luật của nước này quy định: Nếu bị giặc cướp đoạt cả thương chủ và tài vật của các khách buôn thì tất cả thuộc về giặc. Còn nếu không bắt được thương chủ, tuy lấy được của cải, khi thương chủ trở về, nhà nước sẽ giao hết của cải lại cho thương chủ.

Vì lý do đó nên Từ Đồng Nữ này thường ra khỏi trại, ngủ riêng một mình. Thương nhân dậy sớm, đi tới rước về. Một đêm nọ có gió to, thương nhân vừa dậy sớm, bỗng quên rước thương chủ, thương chủ ở sau, không được gặp bạn, không biết đường đi, thấy một hòn núi liền đi lên trên đó, từ xa trông thấy có một tòa thành toàn màu lưu ly xanh. Vì thương chủ quá đói khát cho nên chạy nhanh về hướng thành đó. Bấy giờ ở trong thành có bốn ngọc nữ đều đeo ngọc Như ý, ca hát kỹ nhạc, đồng đi đến nghênh rước. Thương chủ ở nơi thành ấy đến bốn vạn năm, thọ hưởng đủ mọi dục lạc, bấy giờ tự nhiên tâm sinh nhàm chán, liền muốn bỏ đi.

Các ngọc nữ thưa:

–Người Diêm-phù-đề đừng nên phản phúc. Đã chung sống cùng chúng tôi trải qua bốn vạn năm, tại sao bây giờ lại bỏ chúng tôi mà đi?

Chàng vẫn không đoái hoài tới lời nói ấy, cứ tiến tới trước, thấy một tòa thành pha lê, trong đó có tám ngọc nữ đều mang ngọc Như ý, cũng dùng kỹ nhạc đi đến để nghênh rước. Chàng sống ở đấy tới tám vạn năm hết sức sung sướng, nhưng lại sinh tâm nhàm chán, bỏ đi thật xa.

Chàng đến thành bạc trắng, nơi có mười sáu ngọc nữ mang mười sáu viên ngọc Như ý, cũng đến nghênh rước chàng giống như trước. Chàng sống ở đó tới những mười sáu vạn năm thọ hưởng đủ mọi hoan lạc, rồi chàng cũng lại bỏ đi.

Chàng đến thành bằng vàng ròng, nơi đây có ba mươi hai ngọc nữ đeo ba mươi hai viên ngọc Như ý, cũng đến nghênh rước như trước. Chàng sống ở đây đến những ba mươi hai vạn năm, hưởng thọ bao thứ dục lạc hơn trước, rồi chàng cũng bỏ đi. Các ngọc nữ nói:

–Từ trước đến giờ chàng thường được ở những chốn tốt đẹp. Từ nay trở đi chàng sẽ ở những chỗ xấu ác. Vậy hãy ở lại đây!

Nghe lời ấy rồi, chàng tự suy nghĩ:

–Chẳng qua các ngọc nữ này vì luyến mộ ta cho nên mới nói như vậy. Nếu ta tiến tới trước chắc vẫn gặp những chỗ tốt đẹp.

Chàng liền bỏ đi, từ xa trông thấy thành bằng sắt, trong long bỗng sinh nghi ngại, liền nghĩ: “Bên ngoài tuy là thành sắt, nhưng bên trong hẳn là hết sức đẹp”, cho nên chàng từ từ tiến vào. Khi vào gần đến thành, hoàn toàn không có ngọc nữ nào ra nghênh tiếp cả. Chàng lại suy nghĩ: “Có lẽ trong thành này hết sức vui thích cho nên mới có sự chậm trễ đón tiếp ta chăng?”. Do đó chàng từ từ tiến tới trước, bỗng vào cửa thành sắt. Khi cửa thành mở ra, bên trong có một người đầu đội vành lửa, vành lửa ấy liền bay khỏi đầu người ấy và chụp lên đầu Đồng Nữ, người trong ngục kia được ra khỏi nơi đó. Từ Đồng Nữ hỏi ngục tốt:

–Tôi đội vành lửa này tới chừng nào mới được thoát?

Ngục tốt đáp:

–Nếu trên thế gian có người làm những điều tội phước giống như ngươi, rồi vào biển tìm châu báu, cũng trải qua các thành lâu xa như ngươi, sau đó sẽ đi đến để thay tội cho ngươi. Do vậy mà vành lửa này không bao giờ rơi xuống đất.

Từ Đồng Nữ hỏi:

–Tôi đã làm phước gì và tội gì?

Ngục tốt nói:

–Ngày xưa ngươi ở trên Diêm-phù-đề, mỗi ngày dùng hai đồng tiền để cúng dường cho mẹ, nên được vào thành lưu ly, được bốn viên ngọc Như ý và bốn ngọc nữ, ở đó trong bốn vạn năm, thọ hưởng hết sức an lạc. Rồi ngươi dùng bốn đồng tiền để cúng dường cho mẹ, nên được vào thành pha lê, có tám viên ngọc Như ý và tám ngọc nữ, ở trong đó tám vạn năm, thọ hưởng các thứ dục lạc.

Rồi ngươi cúng dường cho mẹ tám đồng tiền nên được vào thành bạc trắng có mười sáu viên ngọc Như ý và mười sáu viên ngọc nữ, ở đó mười sáu vạn năm thọ hưởng hoan lạc. Ngươi cúng dường cho mẹ mười sáu đồng tiền nên được vào thành vàng ròng, có ba mươi hai viên ngọc Như ý và ba mươi hai ngọc nữ, ở đó ba mươi hai vạn năm, thọ hưởng đủ mọi dục lạc. Vì ngươi bứt đứt tóc của mẹ cho nên ngày nay phải đội vòng lửa sắt này. Vòng lửa này không bao giờ rơi xuống đất, trừ phi có người đến thay thế, chừng đó mới thoát được.

Chàng lại hỏi:

–Nay trong ngục này có ai thọ tội như tôi chăng?

Đáp:

–Có đến hàng trăm, ngàn không sao kể hết.

Nghe lời ấy rồi, chàng tự suy nghĩ: “Ta chắc chắn không thoát  khỏi, ta nguyện chịu khổ thay cho tất cả mọi người mãi mãi. Xin hãy dồn hết tất cả những nỗi khổ này nơi thân tôi.”

Khi chàng nghĩ như vậy xong, vòng lửa sắt tức thì rơi xuống đất. Từ Đồng Nữ nói với các ngục tốt:

–Ngươi nói cái vòng lửa này không bao giờ rơi xuống đất. Vậy tại sao bây giờ nó lại rơi xuống?

Ngục tốt tức giận liền lấy xoa bằng sắt đánh lên đầu Đồng Nữ. Nhờ vậy chàng liền mạng chung, sinh lên trời Đâu-suất-đà.

Đức Phật dạy:

–Nếu các ngươi muốn biết Từ Đồng Nữ lúc đó thì chính là than Ta. Các Tỳ-kheo nên biết, nếu ai đối với cha mẹ mà có làm một chút bất thiện nào, người ấy phải thọ lấy quả báo hết sức khổ. Còn ai cúng dường cho cha mẹ dù chỉ chút ít, thì người ấy sẽ được phước vô lượng. Các ngươi hãy học như vậy, cần phải hết lòng siêng năng cúng dường cha mẹ.


8- CHUYỆN PHU NHÂN LIÊN HOA

Lúc Đức Phật ở tại nước Xá-vệ, Ngài bảo các Tỳ-kheo:

–Nếu ai đối với cha mẹ, đối với Đức Phật hoặc đệ tử Đức Phật mà khởi tâm sân hận, người đó phải đọa vào địa ngục Hắc thằng, thọ khổ vô lượng, không có bờ bến, biên giới.

Các Tỳ-kheo hỏi Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn, phải kính trọng cha mẹ. Nếu người đối với cha mẹ mà không lòng kính trọng, còn tạo ra việc bất thiện dù là chút ít, thì việc ấy như thế nào?

Đức Phật dạy:

–Ở thời quá khứ lâu xa, vô lượng kiếp về trước, trên Tuyết sơn có một vị Tiên nhân tên là Đề-bà-diên, dòng dõi Bà-la-môn. Theo pháp của Bà-la-môn, nếu ai không sinh con trai, con gái, người ấy không được sinh lên trời. Vị Bà-la-môn này thường ngồi trên tảng đá để tiểu tiện, tinh khí chảy xuống mỏ đá. Có một con nai cái đến liếm chỗ tiểu tiện nên liền có thai, ngày tháng đã đủ, nó bèn đến dưới hang đá của vị Tiên nhân, sinh ra một người con gái. Cô gái này từ trong thai mẹ ra, toàn thân đầy hoa, đoan chánh, đẹp đẽ. Vị Tiên nhân biết đó là con gái của mình liền đem về nuôi dưỡng.

Cô bé dần dần khôn lớn, có thể đi lại được, cứ mỗi bước chân cô đặt xuống đất là nơi đó đều có hoa sen xuất hiện. Phép của Bà-la-môn là phải để lửa suốt đêm, bỗng một đêm tự nhiên lửa tắt, chẳng còn gì cả, cô bé phải đến nhà người khác để xin lửa. Người ấy thấy cứ mỗi bước chân của cô đều có bông sen, mới nói:

–Cô hãy đi quanh nhà tôi bảy vòng, tôi sẽ cho cô lửa.

Cô bé liền đi bảy vòng và được lửa đem về nhà. Gặp lúc vua Ô-đề-diên đi săn bắn, thấy nhà người kia có bảy lớp hoa sen, cho là sự lạ liền hỏi nguyên do:

–Nhà của các ngươi vì sao có hoa sen?

Họ liền tâu vua:

–Trong núi này có Phạm chí nữ đến đây xin lửa, dưới chân cô ta sinh hoa sen ấy.

Nhà vua tìm theo dấu chân, đến chỗ của Tiên nhân. Nhà vua thấy cô gái đoan chánh tuyệt đẹp liền nói với Tiên nhân:

–Hãy cho ta người con gái này.

Tiên nhân liền dâng cho vua và nói:

–Hãy để nàng sinh cho đức vua năm trăm người con, lúc đó vua sẽ lập nàng làm phu nhân.

Nàng là người đứng đầu trong năm trăm thể nữ. Đại phu nhân của nhà vua rất ganh ghét đối với Lộc nữ, mới nói như vầy:

–Nay nàng được vua yêu quý, nếu nàng sinh cho nhà vua năm trăm người con, nhà vua càng mến yêu gấp bội.

Sau đó không bao lâu, nàng sinh ra năm trăm cái trứng đựng đầy trong một cái hộp. Khi ấy Đại phu nhân lấy năm trăm cục bột thay thế chỗ các cái trứng ấy, rồi bà lấy cái hộp đó niêm phong và ghi dấu, xong quẳng xuống sông Hằng.

Nhà vua hỏi phu nhân:

–Nàng ta sinh vật gì?

Đáp:

–Toàn là những cục bột.

Vua nói: “Tiên nhân đã nói dối”, liền cách chức phu nhân của nàng và không cho gặp vua. Bấy giờ vua Tát-đam-bồ đang ở nơi hạ lưu sông Hằng vui chơi cùng các thể nữ, thấy cái hộp ấy trôi đến, liền nói:

–Cái hộp này thuộc về ta.

Các thể nữ nói:

–Nay vua lấy cái hộp, còn chúng tôi lấy cái đựng trong hộp.

Nhà vua bảo người mở hộp giao cho năm trăm phu nhân mỗi người một cái trứng. Các trứng đều tự nở ra mỗi trứng là một đồng tử mặt mày đoan chánh, được nuôi dưỡng khôn lớn, tất cả đều có sức mạnh của đại lực sĩ, dựng lên năm trăm cờ lực sĩ.

Vua Ô-đề-diên thường đến chỗ vua Tát-đam-bồ đòi triều cống.

Vua Tát-đam-bồ nghe vua này đòi cống hiến, ưu sầu không vui. Các người con thưa vua cha:

–Tại sao phụ vương buồn rầu?

Vua đáp:

–Nay ta ở đời bị người khác xâm lấn.

Các người con thưa:

–Ai xâm lấn?

Vua đáp:

–Vua Ô-đề-diên thường theo ta để đòi triều cống.

Các người con thưa:

–Tất cả các vua trong cõi Diêm-phù-đề này nếu họ đòi vua phải cống nạp thì chúng con lại bảo họ phải triều cống cho vua. Vì sao đức vua phải cống nạp cho người khác?

Nói xong, năm trăm lực sĩ kéo quân lính đi chinh phạt vua Ô-đề-diên. Vua Ô-đề-diên sợ hãi, nói:

–Chỉ một lực sĩ thôi, ta còn không thể địch nổi, huống chi ở đây tới năm trăm lực sĩ?

Nhà vua liền chiêu mộ những người tài năng ở trong nước để chống giặc. Nhà vua lại suy nghĩ:

–Vị Tiên nhân kia có thể biết cách cứu ta chăng?

Ông liền tạo các phương tiện để đi đến chỗ vị Tiên nhân và nói với vị ấy:

–Trong nước có đại nạn, làm thế nào để trừ được?

Vị Tiên tâu:

–Trong nước có oán địch chăng?

Vua đáp:

–Vua Tát-đam-bồ có năm trăm lực sĩ đều dẫn binh chúng muốn đến đánh tôi. Nay tôi thậm chí không có được một lực sĩ để đối địch cùng họ. Vậy ngài có biết cách gì để đẩy lui quân địch chăng?

Vị Tiên đáp:

–Ngài hãy về cầu cứu với phu nhân Liên Hoa, nàng mới có thể đẩy lui quân địch được.

Vua nói:

–Làm sao nàng ta có thể đẩy lui được quân địch?

Vị Tiên nhân đáp:

–Năm trăm người lực sĩ đó đều là con của ngài, đều do phu nhân Liên Hoa sinh ra cả. Đại phu nhân của ngài ôm lòng ghen ghét mới ném tất cả những người con của nàng Liên Hoa xuống sông Hằng. Vua Tát-đam-bồ ở vùng hạ lưu nhặt được đem về nuôi dưỡng, khiến cho khôn lớn. Nay vua hãy bảo phu nhân Liên Hoa cỡi trên voi lớn ra trước quân trận, các người ấy sẽ tự nhiên quy phục.

Nhà vua liền như lời Tiên nhân nói, trở về cung tạ lỗi với phu nhân Liên Hoa. Sau đấy, vua cho trang điểm phu nhân, mặc y phục mới, bảo nàng cỡi Đại bạch tượng, ra trước quân trận. Khi ấy năm trăm lực sĩ giương cung muốn bắn, nhưng tay họ tự nhiên thẳng cứng, không thể co duỗi và hết sức sợ hãi. Lúc ấy Tiên nhân bay đến, ở trên hư không nói với các lực sĩ:

–Cẩn thận! Chớ động thủ, chớ sinh tâm ác. Nếu các ngươi sinh tâm ác thì tất cả đều bị đọa địa ngục. Đức vua và phu nhân này chính là cha mẹ của các ngươi.

Nói xong, người mẹ liền nâng hai đầu vú lên, mỗi cái phun ra hai trăm năm mươi tia sữa chảy thẳng vào trong miệng của các người con. Những người con ấy liền hướng về phía cha mẹ xin sám hối, tự sinh lòng xấu hổ và họ đều đắc quả Bích-chi-phật. Nhà vua cũng tự nhiên được khai ngộ, cũng chứng quả Bích-chi-phật.

Đức Phật dạy:

–Vị Tiên nhân lúc ấy chính là thân Ta. Lúc đó Ta ngăn cản các người con, khiến họ không sinh tâm ác với cha mẹ, cho nên họ liền được quả Bích-chi-phật. Nay Ta cũng tán thán công đức cúng dường cha mẹ.


9- CHUYỆN PHU NHÂN LỘC NỮ

Lúc Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương xá, Ngài bảo các Tỳ-kheo:

–Có hai pháp có thể khiến cho con người mau được làm người, trời, cho đến chứng Niết-bàn an lạc. Có hai pháp có thể khiến cho con người mau bị đọa vào ba cõi ác, thọ khổ não cùng cực.

Những gì là hai pháp có thể khiến cho con người mau được làm người, trời, cho đến chứng Niết-bàn an lạc?

Đức Phật dạy:

–Một là cúng dường cha mẹ, hai là cúng dường các bậc Hiền thánh.

Những gì là hai pháp mau bị đọa vào ba cõi ác, thọ khổ não cùng cực?

Đức Phật dạy:

–Một là tạo các điều bất thiện đối với cha mẹ, hai là cũng làm điều bất thiện đối với bậc Hiền thánh.

Các Tỳ-kheo bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn, các việc thiện ác mau thành ấy như thế nào?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Thời quá khứ lâu xa vô lượng kiếp về trước, có nước tên là Ba-la-nại. Trong nước này có một hòn núi tên là Núi tiên.

Bấy giờ có một Phạm chí sống ở đấy, lúc đại tiện, tiểu tiện thường ngồi trên tảng đá, sau đó có tinh khí nhỏ xuống chỗ đi tiểu, con nai cái đi đến liếm vào tức thì mang thai. Khi đủ ngày tháng, nai kia bèn đến chỗ vị Tiên nhân sinh ra một người con gái đoan chánh, tuyệt đẹp, nhưng chỉ có đôi chân thì giống như chân nai. Vị Phạm chí đem về nuôi dưỡng đến lúc trưởng thành. Pháp của Phạm chí là luôn luôn thờ lửa, không bao giờ cho lửa tắt. Cô gái này vì còn nhỏ, không để ý nên để cho đống lửa buổi tối bị tắt. Cô gái rất lo sợ Phạm chí tức giận. Lúc ấy, có các Phạm chí khác sống cách trụ xứ này đến năm trăm dặm. Cô gái liền chạy thật nhanh đến chỗ các Phạm chí kia để xin lửa. Các Phạm chí thấy dấu chân nàng, cứ mỗi dấu là có một bông sen lớn, họ yêu cầu nàng:

–Hãy đi quanh nhà ta bảy vòng, ta sẽ cho lửa. Lúc đi ra cũng phải đi quanh bảy vòng, không giẫm lên dấu chân cũ, hãy theo con đường khác mà trở về.

Nàng làm đúng như lời yêu cầu của những vị ấy, cho nên được lửa đem về.

Bấy giờ vua nước Phạm Dự đi săn, thấy chung quanh nhà Phạm chí kia có mười bốn lớp hoa sen, lại thấy hai đường có hai hàng hoa sen, cho là lạ mới hỏi vị Phạm chí kia:

–Ở đây hoàn toàn không có ao nước, tại sao lại có những hoa sen tuyệt đẹp như vầy?

Phạm chí thưa:

–Nơi trú xứ của vị Tiên kia có một người con gái đến chỗ tôi để xin lửa. Mỗi bước chân của cô gái này đều sinh ra một hoa sen.

Tôi bèn yêu cầu: “Nếu muốn được lửa hãy đi quanh nhà ta bảy  vòng, lúc trở về cũng phải đi quanh bảy vòng.” Do đó cho nên mới có bông sen mọc quanh nhà như vậy.

Nhà vua tìm theo dấu chân, đến chỗ của Phạm chí, muốn gặp cô gái. Nhà vua thấy cô gái diện mạo đoan chánh, hết sức vừa ý, liền thưa Phạm chí xin cô con gái ấy. Phạm chí liền dâng cho nhà vua cô gái này và nhà vua liền lập nàng làm đệ nhị phu nhân. Cô gái ấy lúc bé được Tiên nhân nuôi dưỡng cho nên chịu ảnh hưởng, tanh tình luôn chất trực, không hiểu những sự việc quái dị của phụ nữ. Về sau lúc có thai, tướng sư đoán:

–Nàng sẽ sinh một ngàn người con trai.

Người vợ lớn của vua nghe lời ấy rồi, trong lòng sinh đố kỵ, từ từ tạo kế độc, dùng ân sủng để chiêu dụ những người hầu cận của phu nhân Lộc Nữ, cho chúng tiền bạc, châu báu.

Bấy giờ Lộc Nữ đã đủ ngày tháng liền sinh ra một bông sen có ngàn cánh. Lúc nàng sắp sinh, đại phu nhân lấy vật dụng bịt mắt nàng để không thể thấy gì cả, rồi lấy một miếng thịt ngựa hôi thối thế vào đó. Bà lấy hoa sen ngàn cánh kia đựng đầy trong một hộp rồi cho người ném vào giữa sông. Sau đó bà mới mở mắt cho nàng và nói:

–Hãy xem vật do ngươi sinh ra.

Nàng chỉ thấy ở đấy là một miếng thịt ngựa hôi thối. Nhà vua bảo người đến hỏi: “Nàng đã sinh vật gì?”, thì được trả lời: “Nàng chỉ sinh một miếng thịt ngựa hôi thối.” Khi ấy đại phu nhân nói với nhà vua:

–Đức vua đã bị mê hoặc, cô gái này do loài súc sinh sinh ra, nhờ Tiên nhân nuôi dưỡng cho nên nay mới sinh ra vật bất tường hôi thối như vậy.

Đại phu nhân của vua liền cách chức phu nhân của nàng, không cho yết kiến vua nữa.

Bấy giờ vua Ô-kỳ-diên đem các phu nhân thể nữ tùy tùng vui chơi ở vùng hạ lưu dòng sông, thấy cái lọng mây vàng từ phía trên dòng sông theo nước trôi xuống. Nhà vua suy nghĩ: “Dưới cái lọng mây này chắc chắn phải có vật thần.” Nhà vua bảo người đến đó xem thử là vật gì, thì thấy ở dưới đám mây vàng kia là một cái hộp, liền nhặt lấy mở ra trong hộp là một hoa sen ngàn cánh, cứ mỗi một cánh hoa có một cậu bé. Nhà vua đem về nuôi dưỡng, dần dần các cậu bé to lớn, tất cả đều có sức mạnh của đại lực sĩ. Vua Ô-kỳ-diên mỗi năm thường cống nạp cho vua Phạm Dự.

Vua tập hợp những vật dâng nạp lại, bảo sứ chuẩn bị đem đi. Các người con hỏi:

–Cha muốn làm những gì vậy?

Khi ấy vua đáp:

–Ta muốn cống nạp cho vua nước Phạm Dự.

Các người con đồng thưa:

–Cha chỉ cần một người con như chúng con thôi cũng có thể bắt sứ của các nước trong thiên hạ đến triều cống cho cha. Huống chi cha có tới ngàn người con mà phải cống hiến cho người khác sao?

Lúc đó ngàn người con liền đem quân binh đi đánh các nước, thứ lớp đi đến nước vua Phạm Dự. Vua Phạm Dự nghe có quân đến, liền chiêu mộ các người trong nước:

–Ai có thể đẩy lui quân địch như thế này?

Hoàn toàn không ai có thể làm được việc đó.

Lúc ấy đệ nhị phu nhân đi đến chỗ nhà vua nhận lời chiêu mộ, nói:

–Tôi có thể đẩy lui được quân địch.

Nhà vua hỏi:

–Nàng làm thế nào để đẩy lui được quân địch?

Phu nhân trả lời:

–Chỉ cần dựng cho tôi một cái đài cao một trăm trượng, tôi ngồi trên đó, chắc chắn có thể đẩy lui được quân địch.

Nhà vua ra lệnh làm đài xong, đệ nhị phu nhân đã ngồi trên đó.

Khi ấy một ngàn người con muốn giương cung để bắn, tự nhiên tay họ không thể nâng lên được. Phu nhân nói với họ:

–Các ngươi cẩn thận, đừng có giơ tay lên hướng về cha mẹ. Ta là mẹ của các ngươi đây.

Một ngàn người con hỏi:

–Lấy gì làm chứng để biết bà là mẹ của chúng tôi?

Đáp:

–Nếu ta nâng đôi vú lên, mỗi vú biến thành năm trăm tia sữa đều chảy vào miệng của các ngươi, thì đó chính là mẹ của các ngươi.

Nếu không đúng như vậy tất là không phải.

Nói xong, bà đặt hai tay lên hai vú, trong mỗi vú có năm tram tia sữa chảy thẳng vào miệng của ngàn người con. Ngoài ra, các quân binh đứng chung quanh thì hoàn toàn chẳng có gì cả. Do đó một ngàn người con đều quy phục, hướng về cha mẹ để xin sám hối. Các người con lúc đó hòa hợp, hai nước không còn oán thù, cùng nhau khuyên răn, giúp đỡ lẫn nhau. Năm trăm người con thì thân cận cha mẹ, còn năm trăm người con khác thì nuôi dưỡng cha mẹ.

Lúc ấy, hai vị quốc vương phân chia cõi Diêm-phù-đề, mỗi vua đều thâu nhận năm trăm người con.

Đức Phật dạy:

–Nên biết một ngàn người con thời đó thì chính là một ngàn vị Phật của Hiền kiếp. Người vợ mang lòng ganh ghét độc ác tức Mạn-tha-mục lúc ấy nay là Giao Lân Cổ Mục Long. Người cha thời bấy giờ nay là vua Bạch Tịnh, người mẹ nay là Ma-da phu nhân.

Các Tỳ-kheo bạch Đức Phật:

–Cô gái ấy do nhân duyên gì mà sinh vào bụng nai, hễ bàn chân đặt xuống đất là sinh ra hoa sen? Lại do nhân duyên gì mà được làm vợ của vua?

Đức Phật dạy:

–Cô gái ấy trong thời quá khứ đã sinh trong một gia đình bần cùng, có hai mẹ con.

Họ đang gieo mạ ở ruộng thì thấy một vị Bích-chi-phật ôm bát đi khất thực. Người mẹ nói với con gái:

–Ta muốn vào nhà lấy phần ăn của ta để dâng cho vị đạo sĩ này.

Người con gái cũng nói:

–Con cũng lấy phần ăn của con nữa cộng chung với phần ăn của mẹ. Họ liền trở về nhà lấy phần ăn của hai mẹ con đi đến cúng dường cho vị Bích-chi-phật. Người con gái lấy cỏ kết hoa làm tòa cỏ, rải hoa trên tòa ấy, thỉnh vị Bích-chi-phật ngồi lên. Cô con gái thấy mẹ đi chậm, mới lên một chỗ cao, từ xa trông mẹ, khi đã thấy mẹ bèn nói với mẹ:

–Sao mẹ không đi nhanh lên, như con nai vậy!

Lúc mẹ đến, vì giận mẹ chậm chạp, cho nên lại bực tức nói:

–Con sinh trong bụng mẹ không bằng sinh trong bụng con nai!

Người mẹ liền lấy hai phần ăn dâng lên vị Bích-chi-phật, còn đồ ăn dư thừa thì mẹ con cùng ăn. Khi vị Bích-chi-phật ăn xong, ngài tung bình bát lên hư không rồi bay lên theo. Ở nơi hư không, ngài hiện ra mười tám thứ biến hóa. Lúc đó người mẹ vô cùng hoan hỷ và phát lời thệ nguyện:

–Hãy khiến cho con ở đời vị lai thường sinh ra con Thánh, như Thánh nhân bây giờ.

Do nghiệp duyên ấy cho nên đời sau sinh ra năm trăm người con đều được quả Bích-chi-phật. Một người làm mẹ nuôi, một người làm mẹ sinh. Vì lời nói với mẹ, trong khi đối đáp mà phải sinh trong bụng con nai, chân có móng như chân nai vì quở mẹ đi chậm. Nhờ hái hoa rải cúng Bích-chi-phật, cho nên trong dấu chân có một trăm bông hoa sinh ra. Nhờ trải tòa cỏ cho nên thường được làm vợ của vua. Hậu thân của người mẹ làm vua Phạm Dự. Còn  hậu thân của người con gái làm phu nhân Liên Hoa. Do nghiệp duyên này đời sau được làm ngàn vị Thánh trong thời Hiền kiếp, nhờ sức mạnh nơi thệ nguuyện nên thường sinh các Hiền thánh.

Các Tỳ-kheo nghe Đức Phật dạy như vậy, hoan hỷ phụng hành.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10