SỐ 203
KINH TẠP BẢO TẠNG
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Sa-môn Kiết-ca-dạ và Đàm Diệu.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

 

Gồm các chuyện:

  1. Chuyện hai anh em đồng xuất gia.
  2. Chuyện Cừu-già-ly hủy báng ngài Xá-lợi-phất.
  3. Chuyện bài kệ của Long vương.
  4. Chuyện Đề-bà-đạt-đa muốn làm Đức Phật bị thương.
  5. Chuyện chim Cộng mạng.
  6. Chuyện Bạch nga vương.
  7. Chuyện con rùa lớn.
  8. Chuyện hai phụ tướng sàm tấu.
  9. Chuyện Sơn Kê vương.
  10. Chuyện chim Cát lợi.
  11. Chuyện vị Tiên già.
  12. Chuyện hai khách buôn.
  13. Chuyện tám vị trời lần lượt hỏi pháp.

 

27- CHUYỆN HAI ANH EM ĐỒNG XUẤT GIA

Ngày xưa có hai anh em nhà nọ, trong tâm ưa thích Phật pháp, muốn xuất gia học đạo. Người anh thì tinh cần tu tập các pháp lành, tu hạnh Đầu-đà, chưa bao lâu mà đã được chứng quả A-la-hán. Còn người em thì thông minh, học nhiều biết rộng, tụng ba Tạng kinh.

Về sau được phụ tướng mời làm thầy dạy học cho con mình, cung cấp cho nhiều tiền bạc, giao phó cho việc xây dựng Tăng phòng, chùa tháp.

Khi ấy, Tam tạng Pháp sư nhận tiền của của phụ tướng, bảo người mua đất để xây cất chùa tháp. Công việc hoàn thành, cơ đồ đoan nghiêm, phòng ốc tráng lệ, đó là do ý của Pháp sư tạo ra, đúng là bậc Thầy tuyệt diệu. Vị phụ tướng thấy như vậy càng thêm tín kính, cúng dường cung cấp chẳng thiếu vật gì. Tam tạng Tỳ-kheo thấy tâm của phụ tướng tốt mới nghĩ như vầy: “Chùa miếu đã làm xong, vậy phải mời chúng Tăng đến ở, cho nên ta hãy nói với phụ tướng mời anh ta.” Nghĩ như vậy xong liền nói với vị phụ tướng:

–Tôi có một người anh ở tại chỗ kia, đã bỏ nhà nhập đạo, siêng năng tinh tấn, tu hạnh Đầu-đà, phụ tướng nay có thể mời anh tôi đến ở chùa này.

Phụ tướng thưa:

–Thầy đã ra lệnh, dù đó là vị Tỳ-kheo thì tôi cũng không dám trái lệnh, huống chi đó là anh của thầy, là bậc tu khổ hạnh.

Nói xong, phụ tướng liền cho người tới mời một cách ân cần anh của Tam tạng Tỳ-kheo đến. Khi vị ấy đã đến, phụ tướng trông thấy vị ấy siêng năng tu học nên cúng dường rất nhiều. Về sau vị phụ tướng này lấy một tấm dạ đẹp trị giá đến ngàn vạn đồng cúng dường cho Tỳ-kheo Đầu-đà ấy. Nhưng vị Tỳ-kheo kia không nhận, vị phụ tướng này tha thiết ân cần xin cúng, sau đó ngài mới nhận, nhưng ngài lại nghĩ: “Em của ta lo việc xây cất nên cần tiền của”, ngài bèn đem tiền của cho người em. Sau đó vị phụ tướng lấy một tấm dạ thô xấu đem cúng cho Tam tạng Tỳ-kheo, vị này thấy vậy hết sức tức giận. Lại nữa, ngày hôm sau vị phụ tướng lại lấy một tấm dạ đẹp trị giá ngàn vạn đồng đem cho người anh là bậc Đầu-đà. Người anh khi được tấm dạ ấy lại đem cho người em, người em thấy vậy càng ôm lòng ganh ghét, liền cầm tấm dạ ấy đi đến chỗ người ái nữ của phụ tướng, nói:

–Cha của ngươi là bậc phụ tướng, trước đây đối xử với ta rất hậu. Từ ngày có vị Tỳ-kheo kia đến ở tới nay, không biết vị ấy có làm huyễn thuật gì mê hoặc cha của ngươi, mà nay cha của ngươi lại xử tệ với ta. Nay ta cho ngươi tấm dạ này, ngươi hãy cầm đến trước phụ tướng, may thành tấm y. Nếu cha ngươi có hỏi lý do thì ngươi hãy đáp: “Người mà cha kính trọng là vị tu hạnh Đầu-đà đã đem tấm dạ này cho con.” Vị phụ tướng chắc chắn sẽ tức giận, không nói chuyện với vị ấy nữa.

Người con gái ấy nói với vị Tam tạng ấy:

–Cha tôi hiẹn nay rất đang kính trọng vị Tỳ-kheo ấy như yêu thương tròng con mắt của mình, cũng xem như viên ngọc minh châu, sao bỗng nhiên lại hủy báng ngài?

Vị Tam tạng lại nói:

–Nếu ngươi không làm như vậy thì ta sẽ không bao giờ gặp lại ngươi nữa.

Cô gái lại đáp:

–Tại sao bỗng nhiên ngài lại làm như vậy?

Vì nể tình cho nên cô nhận tấm dạ ấy, cô đi đến trước mặt cha mình, cắt ra để may y. Khi ấy phụ tướng thấy tấm dạ liền biết là của ai, liền nghĩ: “Gã Tỳ-kheo ấy là con người rất ác, đã nhận được tấm dạ của ta cho rồi mà không tự làm y lấy, trở lại mê hoặc phụ nữ.”

Bấy giờ, ngày hôm sau, khi vị Tỳ-kheo tu Đầu-đà đến, thì vị phụ tướng không ra nghênh tiếp nữa, sắc mặt đổi khác. Khi ấy vị Tỳ-kheo này thấy thái độ vị phụ tướng như vậy, trong lòng tự suy nghĩ:

“Chắc có người nào hủy báng ta với ông, cho nên ông mới có thái độ như vậy chăng?”. Ngài liền bay lên không trung làm mười tám cách biến hóa.

Vị phụ tướng thấy như vậy rồi càng thêm kính phục, liền dắt vợ đến, cùng đảnh lễ dưới chân ngài để xin sám hối và cung kính hơn lúc bình thường. Họ liền đuổi vị Tam tạng và con gái mình ra khỏi nước.

Đức Phật dạy:

–Vị Tam tạng lúc đó chính là thân của Ta vậy. Vì hủy bang người khác cho nên trong vô lượng kiếp phải thọ sự khổ não cùng cực, mãi đến ngày hôm nay bị Tôn-đà-lợi hủy báng. Người con gái lúc ấy vì hủy báng vị Thánh cho nên hiện nay bị đuổi ra khỏi nước, bị cùng khốn đi xin để kiếm sống. Cho nên người đời đối với tất cả sự việc cần phải quán sát rõ ràng, đừng có coi thường, bài báng rồi chiêu lấy tai ương.


28- CHUYỆN CỪU-GIÀ-LY HỦY BÁNG NGÀI XÁ-LỢI-PHẤT

Ngày xưa có Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên du hành đến các làng xóm. Đi tới chỗ thợ làm ngói, trời đổ mưa lớn, họ liền vào đó ngủ trọ. Vào trọ ở nhà làm đồ gốm, họ gặp trước hết là cô gái chăn trâu, ở chỗ thâm u phía sau. Bậc Thanh văn khi không nhập định, đâu khác gì kẻ phàm phu, cho nên họ không hay biết. Cô gái chăn trâu ấy thấy Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên dung mạo đoan chánh nên trong tâm sinh ra mê hoặc, liền động tâm.

Lúc Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên từ nhà làm gốm đi ra. Có Cừu-già-ly là người khéo biết hình tướng, hễ thấy dung mạo của ai đều biết có chuyện bất tịnh hay không. Cùng lúc Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đi ra, ông ta thấy có cô gái chăn trâu ấy theo sau, trên nét mặt cô ta có hiện dục tướng. Ông ta không biết cô ấy tự khởi tâm bất tịnh nên liền nói lời hủy báng:

–Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên có làm chuyện bất tịnh với cô gái chăn trâu.

Ông đến các Tỳ-kheo loan tin này một cách rộng rãi. Bấy giờ các Tỳ-kheo liền can gián ông ba lần:

–Đừng có hủy báng Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên.

Khi ấy trong tâm của Cừu-già-ly đã sinh ra sân hận, ganh tị, lại càng thêm phẫn nộ.

Lúc đó, có một trưởng giả tên là Sa-già được Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên dạy cho chỗ quan trọng của pháp mà chứng được quả A-na-hàm, mạng chung được sinh lên cõi Phạm thiên, xưng tên là Sa-già-phạm. Bấy giờ Sa-già-phạm từ xa trên cõi trời trông thấy Cừu-già-ly hủy báng Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên, liền xuống cõi trần, vào trong phòng của Cừu-già-ly, Cừu-già-ly hỏi:

–Ngươi là ai?

Đáp:

–Ta là Sa-già-phạm.

–Vì việc gì mà đến đây?

–Ta dùng Thiên nhĩ nghe ngươi hủy báng Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên. Ngươi đừng nên nói các Tôn giả có làm những việc này.

Can gián đến ba lần Cừu-già-ly vẫn không nghe, ông lại nói:

–Này Sa-già-phạm, rằng ngươi đã đắc quả A-na-hàm, A-na-hàm thì không còn trở lại cõi này nữa, sao ngươi lại đến bên ta được? Nếu như ngươi đến bên ta được thì lời Đức Phật nói là hư vọng sao?

Phạm thiên trả lời:

–Bất hoàn có nghĩa là không trở lại thọ sinh ở Dục giới nữa.

Bấy giờ trên thân của Cừu-già-ly liền sinh ra ghẻ độc từ đầu đến chân, lớn nhỏ như hạt đậu. Ông liền đi đến chỗ Đức Phật và bạch Đức Phật:

–Tại sao Xá-lợi-phất và Mục-liên làm việc bất tịnh với cô gái chăn trâu?

Đức Phật lại can gián:

–Ngươi đừng nói là Xá-lợi-phất và Mục-liên có làm việc này.

Ông nghe Đức Phật nói như vậy lại càng thêm sân hận. Khi ấy những cái mụt nung độc chuyển lớn như hạt xoài. Lần thứ hai ông lại đem việc này bạch Đức Phật, Đức Phật lại can gián:

–Đừng nói việc này.

Thì ghẻ độc trong người ông lại lớn như nắm tay. Lần thứ ba, ông tiếp tục nói như vậy cho nên ghẻ độc chuyển lớn như trái bầu, thân thể bốc nóng dữ dội. Ông liền xuống ao nước, nước trong ao sôi lên sùng sục, các ghẻ độc ấy đều lở ra, tức thì mạng chung, đọa vào địa ngục Ma-ha Ưu-ba.

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì mà Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên bị người khác hủy báng nặng như vậy?

Đức Phật dạy:

–Vào kiếp quá khứ, Xá-lợi-phất và Mục-liên còn là người phàm, có hôm nọ họ thấy vị Bích-chi-phật từ trong nhà thợ làm đồ gốm đi ra. Lúc ấy cũng có một cô gái chăn trâu từ phía sau đi ra, liền hủy báng: “Tỳ-kheo này chắc chắn đã thông dâm với cô gái.” Do nghiệp duyên đó nên bị đọa vào trong ba đường ác, thọ khổ vô lượng. Tuy nay đã được quả Thánh mà duyên xưa vẫn chưa hết, cho nên mới bị hủy báng như thế. Nên biết rằng bậc Thanh văn không thể làm vị Đại thiện tri thức cho chúng sinh được. Vì sao vậy? Nếu Xá-lợi-phất và Mục-liên vì Cừu-già-ly mà hiện ra mọt chút thần thông thì Cừu-già-ly chắc chắn sẽ thoát khỏi địa ngục.

Vì không hiện thần thông cho nên mới khiến Cừu-già-ly đọa vào địa ngục. Vì việc như vậy cho nên Đức Phật mới nói:

–Nếu là Bồ-tát, như khi Phật Câu-lưu-tôn ra đời, có một Tiên nhân tên là Định Quang cùng với năm trăm Tiên nhân ở trong hang cỏ của núi rừng. Bấy giờ có một phụ nữ ngẫu nhiên đi ngang qua, gặp lúc trời đổ mưa, gió lạnh buốt cực độ, không có chỗ núp mưa, bà liền đến chỗ của vị tiên Định Quang xin ngủ trọ một đêm. Lúc trời sáng thì bà đi ra. Các Tiên nhân thấy vậy, liền hủy báng: “Vị tiên Định Quang này chắc chắn đã làm hạnh bất tịnh với người nữ ấy.”

Lúc đó tiên Định Quang biết tâm niệm của các người kia, sợ họ hủy báng phải đọa vào địa ngục, liền bay lên hư không cao đến bảy cây Đa-la, biến hóa mười tám cách. Các vị Tiên kia thấy xong liền nói như vầy: “Thân của ai có thể cách mặt đất chừng bốn ngón tay thì người đó không có dâm dục, huống chi ngài Định Quang bay lên hư không, có đại thần biến mà lại có việc dâm dục sao? Tại sao chúng ta lại đối với một người thanh tịnh như vậy mà sinh tâm hủy báng?” Bấy giờ năm trăm Tiên nhân năm vóc liền gieo xuống đất, cúi đầu sám hối. Nhờ nhân duyên đó mà thoát khỏi tội nặng. Nên biết: hàng Bồ-tát có đại phương tiện, đúng là bậc Thiện tri thức của chúng sinh.

Đức Phật dạy:

–Vị tiên Định Quang lúc ấy chính là Di-lặc ngày nay. Còn năm trăm Tiên nhân lúc đó nay là năm trăm vị Tỳ-kheo Trưởng lão.


29- CHUYỆN BÀI KỆ CỦA LONG VƯƠNG

Đức Phật ở thành Xá-vệ, Đề-bà-đạt-đa đi đến dùng lời ác độc để chửi mắng Ngài. Tôn giả A-nan nghe xong hết sức tức giận, đuổi Đề-bà-đạt-đa ra ngoài, nói:

–Nếu ngươi còn trở lại đây nữa, ta sẽ làm cho ngươi bị khổ não lớn.

Các Tỳ-kheo thấy vậy, liền bạch Đức Phật:

–Hy hữu thay! Bạch Thế Tôn, Như Lai thường sinh lòng từ mẫn đối với Đề-bà-đạt-đa, nhưng Đề-bà-đạt-đa lại đối với Đức Như Lai thường ôm lòng ác độc. Vì vậy, Tôn giả A-nan tức giận đuổi Đề-bà-đạt-đa ra ngoài.

Đức Phật dạy:

–Đâu có phải chỉ ngày hôm nay thôi, nhưng ở trong thời quá khứ cũng đã xảy ra như vậy.

Ngày xưa, ở nước Ca-thi, lúc ấy có hai anh em của Long vương, một người tên là Đại Đạt, còn người kia thì tên là Ưu-bà Đại Đạt. Họ thường đổ những trận mưa ngọt ngào làm cho cây cỏ xứ ấy tươi tốt, ngũ cốc dồi dào. Loài súc sinh uống được nước ấy đều được mập mạnh, trâu dê sinh sôi nảy nở.

Bấy giờ vị vua của nước ấy giết nhiều trâu, dê đi đến chỗ rồng ở để tế cho rồng. Lúc ấy rồng liền hiện thân nói với vua:

–Ta vốn không ăn thịt, cần gì phải sát sinh mà cúng cho ta? Rồng nói như vậy đến mấy lần mà nhà vua vẫn không nghe. Anh em rồng liền dẫn nhau đi khỏi xứ này, đến một vùng của một con rồng nhỏ tên là Thuần Độ Tỳ. Con rồng Thuần Độ Tỳ ngày đêm tức giận, dùng những lời ác độc mắng chửi. Khi ấy Đại Đạt nói:

–Ngươi đừng nên sân hận. Chúng ta sẽ đi xa.

Nhưng Ưu-bà Đại Đạt hết sức tức giận, nói:

–Này con rồng nhỏ, mày thường ăn ểnh ương. Nếu ta phun hơi ra thổi quyến thuốc của mày, thì tất cả sẽ bị tiêu diệt.

Đại Đạt nói với em:

–Đừng nên sân hận. Nay chúng ta hãy trở về chỗ cũ vì vua nước Ca-thi khát ngưỡng chúng ta. Vua nước Ca-thi nói như vầy:

“Nếu hai vị rồng trở lại, tùy ý thích ta sẽ dâng cho các vị, chứ ta không có sát sinh nữa.”

Long vương nghe lời ấy liền trở lại chỗ cũ. Bấy giờ Đại Đạt nói bài kệ này:

Tất cả hòa hợp lắng lòng nghe
Chân thiện, thanh tịnh tâm nghe pháp
Có duyên Bồ-tát mới nói ra
Nay Phật hiển hiện kệ tích xưa.
Vị trời giữa trời, Tam-phật-đà
Như Lai tại thế, các Tỳ-kheo
Thấy tuôn lời ác hủy báng nhau
Đại bi nghe biết lời như vậy
Họp Tỳ-kheo Tăng nói như vầy:
Các Tỳ-kheo theo Ta xuất gia
Những việc phi pháp không nên làm
Tất cả các ngươi nói lời ác
Cùng nhau hủy báng, tự hủy hại
Chẳng chịu nghe biết cầu Bồ-đề
Tu tập từ nhẫn, khổ hạnh khó.
Các ngươi nếu muốn theo Phật pháp
Cần phải phụng hành sáu hòa kính
Bậc trí khéo nghe học Phật đạo
Vì muốn lợi ích, an chúng sinh
Đối với tất cả, đừng não hại
Người tu hành tránh xa điều ác
Nếu xuất gia khởi lòng tranh cãi
Như nước băng gặp phải lửa hừng.
Kiếp quá khứ Ta làm Long vương
Hai anh em cùng ở một nơi
Nếu muốn tùy thuận pháp xuất gia
Phải đoạn sân, cãi, mới hợp đạo.
Người anh cả tên là Đại Đạt
Còn người em tên là Ưu-bà-đạt
Đều không sát sinh, giữ tịnh giới
Có đại oai đức, chán thân rồng
Hằng hướng chỗ thiện mong làm người
Nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn
Tu trì tịnh giới với đa văn
Biến hình cúng dường, thường thân cận,
Mồng tám, mười bốn và ngày rằm
Thọ trì tám giới, giữ tâm ý.
Bỏ chỗ mình ở đi phương khác
Có rồng tên là Thuần Độ Tỳ
Thấy anh em ta đại oai đức
Biết ta không hề sinh giận, ghét
Thường dùng lời ác để mắng chửi
Phùng mang, chụm miệng tuôn hơi độc
Tâm đầy sân hận, thân phùng to
Nói lời ác này mà hủy báng:
Huyễn hoặc, dối láo hòng xâm bức.
Nghe lời mắng chửi hạ tiện này
Ưu-bà Đại Đạt rất tức giận
Thưa thỉnh với anh mình Đại Đạt:
Nó dùng lời ác nhằm hủy báng
Thường ăn ễnh ương, ở bờ nước
Vật đê tiện này dám chửi ta
Nếu ở trong nước hại thủy tánh
Nếu ở trên đất hại nhân dân
Nghe lời ác khó lòng nhẫn nhục
Nay ta trừ diệt quyến thuộc nó
Hủy diệt tất cả về chỗ cũ.
Đại Lực Long vương nghe em nói
Chỗ nói kệ hay người trí khen
Nếu trong một đêm ngủ chỗ nào
Cung cấp dù ít, mà ngủ yên
Đừng sinh ác niệm với kẻ ấy,
Biết ân, báo ân, Thánh khen ngợi
Nếu nghỉ dưới cây được chút mát
Không phá cây 1á và hoa quả
Đối với người thân làm chút ác
Người ấy cuối cùng không an lạc
Dù ân bữa cơm, dùng ác trả
Chẳng biết báo ân, làm kẻ ác
Quả lành không sinh, còn tiêu mất.
Giả sử rừng cây bị cháy sạch
Sau lại sinh trưởng như lúc trước
Còn kẻ bội ân thiện chẳng sinh
Nếu nuôi người ác bằng trăm thứ
Nó chẳng nghĩ ân, lại báo oán,
Giống như voi nương tựa nơi tiên
Sinh con liền chết, tiên nuôi sống
Lớn lên cuồng nộ giết lại tiên
Cây cối, cửa nhà đều giẫm nát.
Kẻ ác bội ân cũng như vậy
Tâm ý khinh tháo không dừng nghĩ
Giống như khúc cây trong nước xoáy
Không tu, bạn thân chẳng báo đền
Giống như dạ trắng đã bị nhuộm
Nếu muốn báo oán nên làm thiện
Không nên lấy ác để hủy hại.
Bậc trí báo oán bằng lòng Từ
Gánh vác đất trời và núi biển
Còn nhẹ hơn là tội bội ân.
Bình đẳng từ bi với tất cả
Đó chính là niềm vui đệ nhất
Giống như qua sông được an ổn
Từ bi bình đẳng, vui cũng thế
Chẳng hại bạn hiền niềm vui sướng
Diệt trừ kiêu mạn cũng là vui
Trong không đức hạnh, ngoài kiêu căng
Vì không hiểu biết mới kiêu mạn
Ưu thích đấu tranh, gần bạn ác
Uy tín sút giảm, bị tiếng xấu
Mồ côi, người già và kẻ bệnh
Mất điều phú quý, thân gầy guộc
Bần cùng không của, mất ngôi vua
Khổ ách một mình biết cậy ai
Những thứ khổ ách ở trên đó
Không lòng thương xót, chẳng nhân từ
Dù đến nước khác chẳng bà con
Bị người chửi mắng, nhẫn là vui
Hay dừng các ác đấu tranh dứt
Thà ở nước ngoài, không người biết
Còn hơn trong nước bị khinh khi
Nếu ở ngoài nước được cung kính
Đều nhờ không sân với xóm giềng
Là thân quyến thuộc của nước mình.
Phú quý thế gian vui rất ít
Suy diệt khổ não lại rất nhiều
Nếu thấy chúng sinh đều thoái bước
Đâu phải do mình, im lặng vui
Oán địch hoành hành kẻ yếu hèn
Thân hữu đã ít khi nương cậy
Quán sát như vậy mặc nhiên vui.
Người phi pháp đã tham lại kiết
Không tin, không thẹn, chẳng nghe lời
Với kẻ ác ấy, lặng lẽ vui
Sân nhuế càng nhiều thêm tàn hại
Thích khiến chúng sinh nhiều khổ não
Với kẻ như vậy, lặng lẽ vui.
Bất tín, cứng đầu thích tự cao
Bội nghịch, dối trá và mê hoặc
Với kẻ như vậy, lặng lẽ vui.
Phá giới, hung ác, không nhẫn nhục
Thường làm phi pháp, không tín hành
Với kẻ như vậy, lặng lẽ vui.
Thích vọng ngữ, không thẹn, hai lưỡi
Tà kiến, ác khẩu và thêu dệt
Ngạo mạn, tự cao thêm chấp ngã
Hết sức xan tham và ganh ghét
Với kẻ như vậy, lặng lẽ vui.
Nếu người xứ khác chẳng biết mình
Cũng khôngcó tánh hạnh cá biệt
Không nên tự cao sinh kiêu mạn
Đi đến nước người mà dừng nghỉ
Áo cơm nhờ người chẳng tự do
Nếu bị mắng chửi nên nhẫn nhục.
Ở nhờ nước người, nhờ cơm áo
Nếu vì cơ nghiệp, muốn sung sướng
Cũng phải nhẫn nhục như ở trên,
Nếu ở nước người kiếm áo cơm
Cho đến bị nghèo hay khinh dễ
Ai là kẻ trí nên nhẫn chịu.
Nếu ở nước người, gần bạn ác
Ở chung kẻ ngu, người hạ tiện
Bậc trí lánh mình như tránh lửa
Như gió lớn thổi vào đống lửa
Làm cho núi rừng đều thiêu rụi
Sân giận như lửa đốt mình, người
Là sự hủy hoại độc ác nhất.
Kẻ trí diệt trừ lòng sân, dục
Nếu tu lòng từ, sân sẽ dứt
Chưa từng ở chung với người thiện
Mãi gần kẻ ác là người ngu
Không quán lỗi mình để trừ bỏ
Làm việc như trên đâu phải trí.
Nếu không ngu si, không hiện trí
Như chim gãy cánh chẳng bay được
Bậc trí không ngu cũng như vậy
Vì quá ngu si không trí tuệ
Không thể hiểu rõ bậc Trí lực
Bởi vì nghĩa này các hiền triết
Biết rộng, đa văn được an lạc
Bậc trí ích dụng không tự cao
Mất lợi không buồn, không ngu si
Hiểu rõ nghĩa lý ấy thật thuyết
Những điều họ nói là ngăn ác
An lạc lợi ích nên tuyên thuyết
Vì để hiểu rõ nên nói ra
Bậc trí nghe xong không làm vội
Tư duy chín chắn, nghiệm lẽ chân
Rõ ràng nghĩa lý mới thực hành
Ấy là tự lợi và lợi tha.
Bậc trí rốt cuộc chẳng vì thân
Mà tạo ác nghiệp không đúng đạo
Không vì khổ vui, trái chánh pháp
Quyết chẳng vì mình, bỏ chánh hạnh.
Bậc trí không tham, không ghét giận
Cũng không độc ác không ngu si
Nguy hại sắp đến không sợ sệt
Trọn không vì lợi sàm tấu người
Cũng không hung dữ, không khiếp nhược
Lại không hạ liệt trong chánh xứ
Các việc như vậy là bậc Trí.
Oai mãnh người ghét, yếu người khinh
Bỏ hết hai bên, ở trung hạnh
Hoặc là im lặng như người câm
Hoặc là nói năng như vua chúa
Hoặc là lạnh lùng như tuyết băng
Hoặc là nóng cháy như lửa đốt
Hoặc hiện cao lớn như Tu-di
Hoặc hiện thấp bé như cỏ dại
Có khi hùng mạnh như vị vua
Có lúc lặng lẽ như giải thoát
Có khi nhẫn chịu khổ đói khát
Có khi kham nhẫn chuyện khổ vui
Xem các của báu như phân dơ
Tự tại điều phục các sân hận
Có khi an vui theo kỹ nhạc
Có khi sợ sệt như nai rừng
Có khi dũng mãnh như cọp sói
Quán thời, phi thời, lực, vô lực
Hay quán phú quý và suy diệt
Nhẫn không thể nhẫn là chân nhẫn
Nhẫn điều nên nhẫn là thường nhẫn
Với người yếu đuối cũng phải nhẫn
Phú quý cường thịnh cũng phải nhẫn
Không thể nhẫn, nhẫn được là nhẫn.
Kẻ đáng ghét giận, không ghét giận
Với kẻ sân hận, tâm thường tịnh
Thấy người làm ác mình không làm
Nhẫn kẻ hơn mình, nhẫn vì sợ
Nhẫn kẻ bằng mình sợ đấu tranh
Nhẫn người dưới mình là tròn nhẫn
Kẻ ngu chẳng nhẫn lời phỉ báng
Như hai cục đá ném vào mắt.
Chịu được chửi mắng, phỉ báng nặng
Bậc trí nhận lãnh như mưa hoa,
Nếu bị chửi mắng phỉ báng nặng
Bậc trí hay nhẫn nhờ mắt tuệ
Giống như mưa rơi trên đá lớn
Đá không tổn hoại chẳng tiêu diệt.
Lời ác, lời hay, việc khổ vui
Bậc trí hay nhẫn cũng như đá
Nếu vì sự thật thấy nhục mạ
Vị ấy nói thật chẳng phải sân?
Việc không thật mà bị mắng chửi
Tự họ khi dối như cuồng ngôn
Người trí thấu rõ nên chẳng sân
Nếu vì của báu và các lợi
Phải nhận khổ, vui, chửi, phỉ báng
Nếu ai chẳng vì tiền của quý
Dẫu được trăm ngàn các trân báu
Còn phải tránh mau như tránh ác
Cành cây bị chặt không nên vịn
Đã mất tâm người chẳng nên gần.
Kẻ theo ngoại đạo liền xa lánh
Dẫu đầy bạn hữu ở trong đời
Trước kính, sau lờn, rồi khinh hủy
Cũng không cung kính, không khen ngợi
Như con hạc trắng nhẹ bay đi
Bậc trí sớm lìa xa kẻ ngu
Ưa thích đấu tranh cùng nịnh hót
Ưa nhìn lỗi người, nói hai lưỡi
Vọng ngôn, ác khẩu và thêu dệt
Khinh chê hủy nhục mọi chúng sinh,
Lại nói lời đau thấu tim, xương
Chẳng giữ nghiệp từ thân miệng ý
Bậc trí xa lìa, ở nơi khác.
Người ác ganh tỵ chẳng tâm lành
Thấy người lợi lạc và danh tiếng
Tâm sinh nóng giận và đau khổ
Lời nói thì hay ý thâm độc
Bậc trí lánh xa, đến phương khác.
Người ưa ác dục, tham lợi dưỡng
Quanh co, chấp thủ, không xấu hổ
Trong không thanh tịnh, ngoài cũng thế
Bậc trí liền xa, đến phương khác.
Nếu người khác không lòng cung kính
Kiêu mạn, làm điều sai giáo pháp
Tự cho là trí, thật ngu si
Người trí xa lìa, đến phương khác.
Nơi nào ăn uống, được ngọa cụ
Và các y phục để sinh sống
Cần nên ủng hộ, nhớ ân người
Giống như mẹ hiền cứu con một.
Ái hay sinh trưởng mọi khổ đau
Trước phải đoạn ái rồi lìa sân
Vì nó đưa người đến đường ác
Tự cao, kiêu mạn cũng phải bỏ
Giàu sang làm bạn, nghèo tránh xa
Bạn bè như thế phải mau lìa
Hoặc vì một nhà bỏ một người
Hoặc vì một thôn bỏ một nhà
Hoặc vì một nước bỏ một thôn
Hoặc vì thân mình bỏ thiên hạ
Hoặc vì chánh pháp bỏ thân mình
Hoặc vì ngón tay bỏ của cải
Hoặc vì thân mạng bỏ tứ chi
Hoặc vì chánh pháp bỏ tất cả.
Chánh pháp như dù hay che mưa
Người tu hành pháp, pháp ủng hộ
Nhờ hành pháp lực, dứt đường ác
Như nóng mùa xuân được bóng mát,
Người tu hành pháp cũng như vậy
Cùng các hiền trí ở một nơi
Được nhiều tài lợi không vui mừng
Mất nhiều của báu chẳng âu lo
Thường chẳng lo khổ, cầu khất thực
Mới là chân thật Đại trượng phu
Giúp người của báu rất hoan hỷ
Lổi ác thế gian, sớm xa lìa
An lập thân mình sâu như biển
Gọi là Trượng phu đầy sức mạnh
Nếu rõ nghĩa lý, mọi việc hay
Vui sống cùng người tâm nhu nhuyễn
Mọi người khen rằng Thiện trượng phu.
Ưu-bà Đại Đạt nói như vầy:
Với anh nay tôi càng kính trọng
Giả sử gặp khổ rất khốn cùng
Trọn chẳng tái phạm nhiều điều ác
Hoặc chết, hoặc sống được của cải
Hoặc mất tài sản không tạo ác
Nay anh nên biết tôi phụng sự
Nguyện giữ gìn giới dù có chết
Chớ không phạm giới mà được sống
Cớ gì chỉ vì một đời này
Mà lại buông lung tạo ác hạnh?
Ở trong sống chết chớ buông lung
Nếu trong sinh tử tạo bất thiện
Gặp bạn bè ác làm điều sai
Nhờ có bạn lành mới đoạn trừ.
Phật vào túc mạng trí rõ thông
Dạy các Tỳ-kheo bài kệ này
Lúc ấy Đại Đạt là thân Ta
Ưu-bà Đại Đạt là A-nan
Nên biết lúc đó Thuần Độ Tỳ
Chính là thân Đề-bà-đạt-đa.
Tỳ-kheo nên biết học như vậy
Gọi là tóm thâu tất cả pháp
Cẩn thận, rộng rãi, cung kính làm
Các Tỳ-kheo Tăng tu pháp ấy.


30- CHUYỆN ĐỀ-BÀ-ĐẠT-ĐA MUỐN LÀM ĐỨC PHẬT BỊ THƯƠNG

Thuở Đức Phật ở thành Xá-vệ, Ngài bảo với Đề-bà-đạt-đa:

–Ngươi đừng nên sinh tâm tội lỗi đối với Đức Như Lai để phải gánh lấy sự tổn hại, sự bất an, tự thọ lấy khổ đau.

Các Tỳ-kheo thưa:

–Hy hữu thay! Bạch Thế Tôn, Đề-bà-đạt-đa thường sinh tâm ác đối với Đức Như Lai. Nhưng Đức Thế Tôn vẫn mãi mãi Từ tâm, thương xót nói với ông ta những lời nhu hòa êm dịu.

Đức Phật nói:

–Đâu phải chỉ có ngày hôm nay mới vậy! Trong thời quá khứ ở thành Ba-la-nại, nước Ca-thi, có Đại long vương tên là Chiêm-bặc.

Đại long vương thường đổ những trận mưa đúng thời, khiến cho lúa thóc dồi dào. Vào ngày mười bốn, ngày rằm Long vương hóa thành hình người, thọ trì năm giới, bố thí nghe pháp.

Bấy giờ ở phía Nam nước Thiên trúc có một vị chú thuật sư đến, cắm cung tên, kiết chú, bắt Long vương Chiêm-bặc.

Khi ấy Thiên thần bảo vua Ca-thi:

–Có một chú thuật sư bắt Long vương Chiêm-bặc mang đi khỏi nước Ca-thi.

Nhà vua liền xuất quân rượt theo chú thuật sư, nhưng Bà-la-môn này lại kiết chú khiến cho quân đội của nhà vua đều chẳng thể cử động. Nhà vua bỏ ra một số tiền bạc của cải rất nhiều để chuộc lại Long vương.

Lần thứ hai, Bà-la-môn này lại đến dùng chú thuật để bắt Long vương. Các rồng quyến thuộc của Long vương nổi mây, đổ mưa và

sấm sét dữ dội muốn giết chết Bà-la-môn này. Long vương vì long Từ nói với các rồng: “Chớ hại mạng ông ta. Rồi Long vương dùng lời hay đẹp để ủy dụ, khiến cho ông ta bỏ đi.”

Lần thứ ba, ông ta lại trở lại. Bấy giờ các rồng liền muốn giết chết. Long vương lại ngăn chặn, che chở không cho họ giết, liền thả cho đi.

Long vương lúc đó chính là thân Ta, chú thuật sư lúc đó là Đề-bà-đạt-đa. Lúc Ta làm rồng, còn hay dùng Từ tâm luôn luôn cứu tế ông ta, huống chi hôm nay mà không thương xót ông ta sao?


31- CHUYỆN CHIM CỘNG MẠNG

Lúc Đức Phật ở thành Vương xá, các Tỳ-kheo bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn, Đề-bà-đạt-đa là em của Đức Như Lai, tại sao ông ta lại thường muốn oán hại Đức Phật?

Đức Phật nói:

–Không phải chỉ ngày hôm nay mới thế, mà ngày xưa ở trong núi Tuyết cũng đã có một con chim tên là Cộng mạng, nó có một cái thân mà đến hai cái đầu. Một đầu thường ăn quả ngon để thân được an ổn, còn một đầu thì sinh tâm ganh ghét mà nói như vầy: “Tại sao cái đầu kia thường ăn những quả ngon mà ta không có, nó liền lấy quả độc ăn vào, để làm cho hai cái đầu cùng chết.”

Các ngươi có biết chăng? Cái đầu con chim ăn quả ngọt lúc ấy thì chính là thân của Ta. Còn cái đầu ăn quả độc lúc đó chính là Đề-bà-đạt-đa vậy.

Ngày xưa cùng một thân với Ta, nhưng do sinh tâm ác, nên ngày nay làm em Ta cũng là như thế.


32- CHUYỆN BẠCH NGA VƯƠNG

Đức Phật ở tại thành Vương xá, Đề-bà-đạt-đa xô núi đè Phật, thả con voi Hộ tài muốn giẫm đạp Đức Phật, tiếng ác lan khắp.

Đề-bà-đạt-đa ở trước mọi người, hướng về Đức Phật để sám hối, hôn chân Đức Phật; khi không có mọi người, ông lại dùng lời ác mắng Đức Phật.

Mọi người đều nói:

–Đề-bà-đạt-đa hướng về Đức Phật sám hối, tâm ông ta hết sức điều thuận, cớ sao tiếng ác của ông ta lan khắp?

Chư Tỳ-kheo đáp:

–Đức Thế Tôn thật là hy hữu! Đề-bà-đạt-đa là con người xảo trá, tà ngụy, lúc ở trước mọi người thì ông làm ra vẻ điều thuận với Đức Phật, nhưng lúc ở chỗ vắng vẻ ông dùng ác tâm mắng Đức Phật.

Đức Phật nói:

–Đâu phải chỉ có hôm nay mới vậy! Vào thời quá khứ, trong một ao sen, có nhiều chim nước sống ở trong đó.

Bấy giờ có con chim hạc ở trong ao, chầm chậm cất bước. Các con chim khác đều nói:

–Con chim này đi thật khéo, oai nghi chững chạc, không làm hại tánh nước.

Lúc ấy có con ngỗng trắng nói bài kệ:

Bước chân đi từ từ

Âm thanh rất êm ái,

Lừa dối thế gian này,

Ai không biết siểm ngụy?

Con chim hạc nói:

–Sao ngươi lại nói như vậy? Hãy đến thân thiện với ta?

Con ngỗng trắng đáp:

–Ta biết sự xảo trá, tà ngụy của ngươi, dứt khoát không thể thân thiện với ngươi được.

Các vị có biết không? Con ngỗng trắng lúc đó thì chính là than Ta, còn con chim hạc lúc đó chính là Đề-bà-đạt-đa.


33- CHUYỆN CON RÙA LỚN

Đức Phật ở thành Vương xá, Đề-bà-đạt-đa thường ôm lòng độc ác muốn hại Đức Thế Tôn, mới thuê năm trăm Bà-la-môn rất giỏi cung tên, bảo họ mang cung tên đến chỗ Đức Thế Tôn, giương cung bắn Phật. Những mũi tên họ bắn Đức Thế Tôn bỗng hóa thành những bông hoa: Câu-vật-đầu, Phân-đà-lợi, Ba-đầu-la, Ưu-bat-la.

Năm trăm Bà-la-môn thấy sự thần biến này đều hết sức sợ hãi. Bọn họ liền bỏ cung tên xuống, đảnh lễ Đức Phật, cầu xin xám hối, xong ngồi qua một bên. Đức Phật thuyết pháp cho họ nghe, nên tất cả đều chứng quả Tu-đà-hoàn. Họ lại bạch Đức Phật:

–Cúi xin Đức Phật cho chúng con được xuất gia học đạo

Đức Phật nói:

–Thiện lai Tỳ-kheo!

Lúc đó năm trăm Bà-la-môn râu tóc tự rụng, mình mặc pháp phục, Đức Phật lại thuyết pháp nữa, làm cho tất cả đều đắc quả A-la-hán.

Các Tỳ-kheo bạch Đức Phật:

–Thần lực của Đức Phật hết sức hy hữu. Đề-bà-đạt-đa thường muốn hại Đức Phật, nhưng Đức Phật vẫn luôn luôn sinh lòng Đại từ với ông ta.

Đức Phật nói:

–Đâu phải chỉ có ngày hôm nay thôi đâu! Vào thời quá khứ, ở tại nước Ba-la-nại, có một thương chủ tên là Bất Thức Ân cùng với năm trăm khách buôn vào biển để tìm kho báu.

Khi được ngọc báu họ trở về, ngang qua dòng nước xoáy, gặp Thủy La-sát nắm giữ thuyền lại khiến không thể đi tới được. Tất cả thương nhân hết sức hoảng sợ, đều cùng nhau xướng lên:

–Thiên thần, Địa thần, mặt trời mặt trăng, các thần ai có thể từ mẫn cứu vớt chúng con thoát khỏi ách nạn?

Lúc ấy có một con rùa lớn, lưng của nó rộng đến một dặm, sinh lòng Từ mẫn, đi đến chỗ chiếc thuyền, chở hết mọi người đưa lên bờ.

Khi ấy, con rùa hơi buồn ngủ, ông Bất Thức Ân muốn lấy đá lớn đập lên đầu rùa để giết nó. Các thương nhân nói:

–Chúng ta mong nhờ rùa cứu mạng mà được sống, giết nó là điều không lành, là thứ vô ân.

Bất Thức Ân nói:

–Ta đang đói dữ dội, không cần thiết ân nghĩa gì cả.

Nói xong, liền giết để ăn thịt. Ngay trong đêm đó có một bầy voi lớn đến đạp chết hết mọi người.

Con rùa lớn lúc đó chính là thân Ta, Bất Thức Ân lúc đó chính là Đề-bà-đạt-đa. Còn năm trăm thương nhân lúc đó chính là năm trăm Bà-la-môn xuất gia được đắc đạo.

Ngày xưa Ta cứu họ thoát khỏi tai nạn, ngày nay Ta lại nhổ sạch gốc cái họa sinh tử cho họ.


34- CHUYỆN HAI PHỤ TƯỚNG SÀM TẤU

Đức Phật ở tại thành Vương xá. Đề-bà-đạt-đa tạo đủ nhân duyên để giết hại Phật, nhưng không thể được. Bấy giờ, ở nước Nam Thiên túc, có một Bà-la-môn rất rành nghề chú thuật, chế biến thuốc độc đi đến.

Đề-bà-đạt-đa đi đến chỗ Bà-la-môn ấy lấy được thuốc độc đem rắc lên chỗ Đức Phật. Nhưng gió thổi thuốc này bay ngược lên đầu Đề-bà-đạt-đa, nên ông liền bị bất tỉnh, ngã nhào xuống đất, sắp chết, thuốc men không thể cứu chữa được.

Tôn giả A-nan bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn, Đề-bà-đạt-đa bị nhiễm độc sắp chết. Cúi mong Đức Phật thương xót.

Đức Phật nói lời chân thật:

–Từ lúc Ta ở địa vị Bồ-tát cho đến khi Ta thành Phật, thì cũng vì Đề-bà-đạt-đa mà Ta thường sinh tâm Từ bi, không có tâm ác hại, chất độc trong người Đề-bà-đạt-đa sẽ tự tiêu diệt.

Các Tỳ-kheo thưa:

–Hy hữu thay! Bạch Thế Tôn, Đề-bà-đạt-đa thường khởi ác tâm đối với Đức Như Lai. Tại sao Đức Như Lai vẫn làm cho ông ta được sống?

Đức Phật nói:

–Đâu phải chỉ có ngày nay Đề-bà-đạt-đa mới có tâm ác đối với Ta, nhưng ở thời quá khứ cũng vậy.

Chúng Tăng liền hỏi Đức Phật:

–Thời quá khứ y đã dùng ác tâm đối với Đức Phật như thế nào?

Đức Phật nói:

–Ở thời quá khứ, trong nước Ca-thi, thành Ba-la-nại, có hai phụ tướng, một người tên là Tư-na, một người tên là Ác Ý. Tư-na thường thuận theo pháp lành, còn Ác Ý thường làm việc ác, ưa thích gièm pha.

Ác Ý tâu với vua:

–Tư-na muốn làm việc phản nghịch.

Nhà vua liền bắt Tư-na bỏ vào tù.

Lúc ấy chư Thiên, Thiện thần ở trên không trung phát ra âm thanh nói:

–Người hiền như vậy, thật chẳng có tội gì, tại sao lại bị bắt trói?

Lúc đó các loài rồng cũng nói lời ấy, quần thần nhân dân cũng nói lời như vậy. Nhà vua liền thả Tư-na ra.

Lần thứ hai, Ác Ý cướp kho tàng của vua, đem đồ cướp được bỏ vào nhà của Tư-na để vu khống. Nhưng nhà vua cũng không tin và nói với Ác Ý:

–Ngươi ghen ghét Tư-na mới làm việc ngang ngược như vậy.

Nhà vua ra lệnh bắt Ác Ý giao cho Tư-na để xử đoán. Tư-na liền dạy cho Ác Ý tới vua để xin sám hối. Ác Ý tự biết mình có tội, liền chạy đến chỗ vua Tỳ-đề-hê làm một cái hộp báu chứa hai con rắn độc, hễ ai nhìn thấy nó liền bị nhiễm độc. Ác Ý bảo vua Tỳ-đề-hê sai sứ đem dâng cho quốc vương nước đối diện để quốc vương và Tư-na, hai người cùng xem, đừng giao cho ai khác.

Nhà vua thấy hộp báu, trang sức quá đẹp, trong lòng hết sức hoan hỷ, liền bảo Tư-na cùng mở ra để xem.

Tư-na tâu vua:

–Hãy tránh xa vật này, chớ nên tự xem. Hãy tránh xa đồ ăn này, không được ăn vào. Vì sao vậy? Cái đó, hoặc của người ác, hoặc có thể do người ác đem đến, hễ thấy là bị thương tổn.

Nhà vua nói:

–Ta rất muốn xem.

Tư-na ân cần can gián ba lần, nhưng nhà vua vẫn không nghe, nên lại tâu với vua:

–Nếu nhà vua không nghe lời của thần, vậy xin vua cứ tự xem, chứ thần thì không thể xem.

Nhà vua liền mở hộp ra xem, thì bị mù cả hai mắt, chẳng thấy vật gì cả.

Tư-na đau khổ, sầu muộn gần chết, mới bảo người đi bốn phương, qua khắp các nước xa xôi, tìm kiếm thuốc hay. Khi họ đã tìm kiếm thuốc hay đem về chữa trị mắt cho vua, thì hai mắt vua được bình phục lại như trước.

Nhà vua lúc đó chính là Xá-lợi-phất. Tư-na lúc ấy chính là than Ta, còn Ác Ý lúc ấy chính là Đề-bà-đạt-đa.


35. CHUYỆN SƠN KÊ VƯƠNG

Đức Phật ở tại thành Vương xá, Đề-bà-đạt-đa đi đến chỗ Đức Phật nói:

–Ngày nay Như Lai nên ở chỗ nhàn tịnh, hãy đem đại chúng này phó chúc cho tôi.

Đức Phật nói:

–Thôi đi, kẻ mê lầm đáng chê trách. Đối với Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên mà ta còn chưa đem đại chúng phó chúc cho họ, cớ sao lại phó chúc cho ngươi!

Đề-bà-đạt-đa tức giận mắng nhiếc rồi bỏ đi.

Các Tỳ-kheo thưa:

–Bạch Thế Tôn, Đề-bà-đạt-đa muốn làm cho Đức Phật bị đủ thứ khổ não, lại còn đặt bày nhiều phương tiện để lừa dối Đức Như Lai.

Đức Phật dạy:

–Đâu phải chỉ có ngày hôm nay y mới vậy!

Ở đời quá khứ, bên núi Tuyết, có con Sơn kê vương, có rất nhiều gà theo hầu. Mào của gà rất đỏ, thân thể trắng toát, nó bảo các con gà khác:

–Các ngươi hãy xa lìa thành ấp tụ lạc, đừng để nhân dân ăn thịt. Chúng ta có rất nhiều kẻ thù oán, ganh ghét. Hãy khéo tự cẩn thận giữ mình.

Bấy giờ trong tụ lạc có một con mèo, nghe ở chỗ đó có gà, nó liền chạy đến, ở dưới một gốc cây, đi từ từ, nhìn xuống đất, nói với gà:

–Tôi là vợ anh, anh là chồng tôi. Thân hình của anh đoan chánh khả ái, trên đầu của anh có cái mũ đỏ, thân anh trắng tinh.

Chúng ta hãy giúp đỡ nhau để được an ổn khoái lạc.

Con gà liền nói bài kệ:

Mèo con, mắt vàng, vật nhỏ ngu

Gặp nhau, não hại, muốn ăn thịt

Không thấy con nào như vợ này

Mà được thọ mạng an ổn cả!

Con gà lúc ấy là thân Ta, còn con mèo nay là Đề-bà-đạt-đa.

Ngày xưa trong thời quá khứ muốn dụ dỗ, lừa dối Ta, ngày nay cũng lại muốn dụ dỗ lừa dối Ta nữa.


36. CHUYỆN CHIM CÁT LỢI

Thuở Đức Phật ở tại thành Vương xá, bấy giờ Đề-bà-đạt-đa suy nghĩ: “Đức Phật có năm trăm quỷ thần áo xanh thường luôn luôn hầu hạ, bảo vệ. Đức Phật có trăm ngàn đại lực sĩ, không ai bì kịp, nay ta không thể hại vị ấy được, nên ta trở lại phụng sự xem xét chỗ yếu kém của vị ấy rồi mới có thể làm thương hại, mới có thể giết chết được.”

Nghĩ như vậy rồi ông mới đến trong đại chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, hướng về Đức Phật cầu xin sám hối và có suy nghĩ rằng: “Nếu nhận sự sám hối của ta thì sẽ có phương tiện, còn nếu không cho ta sám hối, ta sẽ làm cho tiếng xấu của Như Lai lan tràn khắp nơi.” Ông liền bạch Đức Phật:

–Thưa Thế Tôn, Ngài hãy cho tôi xin sám hối. Tôi muốn ở chỗ nhàn tịnh để tự tu tâm mình.

Đức Phật nói:

–Pháp vốn không lừa dối, những người lừa dối thì không có pháp.

Lục sư ngoại đạo đều nói:

–Đề-bà-đạt-đa có lòng tốt hướng về Phật sám hối, nhưng Đức Phật không nhận sự sám hối của ông.

Các Tỳ-kheo nói:

–Đề-bà-đạt-đa quanh co, dối láo đối với Đức Phật.

Nhưng Đức Phật nói:

–Đâu phải chỉ có ngày nay mới vậy, mà ở thời quá khứ lâu xa, ở nước Ba-la-nại, có một vị vua tên là Phạm-ma-đạt, ban hành lệnh không sát sinh, bấy giờ có một người thợ săn, mặc y phục Tiên nhân, giết hại các con nai, con chim, nhưng không ai biết.

Lúc ấy có con chim Cát lợi nói với mọi người:

–Con người đại ác này, tuy mặc đồ của Tiên nhân, nhưng chính là người thợ săn, thường hay giết hại chúng ta mà không ai biết.

Mọi người đều tin lời nói chân thật của chim Cát lợi.

Chim Cát lợi lúc đó chính là thân Ta, gã thợ săn lúc ấy là Đề-bà-đạt-đa, còn nhà vua nay là Xá-lợi-phất.


37- CHUYỆN VỊ TIÊN GIÀ

Đức Phật ở tại thành Vương xá. Bấy giờ vua A-xà-thế mỗi ngày hiến cúng cho Đề-bà-đạt-đa năm trăm nồi cơm và được rất nhiều lợi dưỡng.

Các Tỳ-kheo bạch Đức Thế Tôn:

–Vua A-xà-thế mỗi ngày hiến cúng cho Đề-bà-đạt-đa năm trăm nồi cơm.

Đức Phật nói:

–Này các Tỳ-kheo, chớ ưa thích sự được nhiều lợi dưỡng của

Đề-bà-đạt-đa.

Ngài liền nói bài kệ:

Chuối sinh trái cây khô,

Lau, tre cũng như vậy

Lừa mang thai thì chết

Con la cũng như thế

Kẻ ngu tham lợi dưỡng

Bị người trí cười chê.

Đức Phật nói bài kệ rồi, bảo các Tỳ-kheo:

–Đề-bà-đạt-đa đâu phải chỉ có ngày hôm nay mới bị lợi dưỡng làm hại, bài báng, chê bai Ta, mà ở trong quá khứ cũng vậy.

Các Tỳ-kheo bạch Đức Phật:

–Câu chuyện của quá khứ như thế nào?

Đức Phật nói:

–Ngày xưa, ở nước Ba-la-nại, trong núi Tiên, có hai vị Tiên, một người thì già đã đắc được năm thần thông, còn một người thì trẻ, hoàn toàn chẳng chứng đắc gì cả.

Bấy giờ vị Tiên nhân già liền dùng thần lực bay đến xứ Uất- đơn-việt lấy lúa thơm chín đem về ăn chung; lại đến cội Diêm-phù thọ lấy quả Diêm-phù-đề về ăn chung; lại đến cung trời Đao-lợi lấy thức ăn trời Thiên tu đà vị về ăn chung. Vị Tiên trẻ thấy vậy, trong tâm rất ngưỡng mộ cho là hy hữu, mới nói với vị Tiên già:

–Mong ngài truyền dạy cho tôi năm phép thần thông. Vị Tiên già đáp:

–Nếu có tâm tốt khi được năm thứ thần thông thì chắc chắn có lợi ích, còn nếu không có lòng tốt thì ngược lại sẽ bị ác hại.

Song vị Tiên trẻ vẫn ân cần cầu thỉnh mong được thọ giáo.

Bấy giờ vị Tiên già liền dạy cho vị Tiên trẻ năm phép thần thông và vị ấy liền chứng được. Khi đã chứng được năm phép thần thông vị ấy ở trước đại chúng hiện các thứ thần túc. Từ đó về sau được nhiều danh xưng và lợi dưỡng. Đối với vị Tiên già thì vị ấy lại sinh tâm ghen ghét, phỉ báng cùng khắp. Do đó, nên liền bị mất hết thần túc.

Mọi người nghe việc ấy, cùng nhau nói:

–Vị Tiên nhân già là bậc Tôn túc đức độ, mà Tiên nhân trẻ này sinh lòng ngang ngược, hủy báng.

Vì vậy, họ tức giận vị Tiên trẻ, ngăn chặn trước cửa thành không cho vào, cho nên vị Tiên trẻ bị mất hết lợi dưỡng.

Nếu muốn biết vị Tiên nhân già lúc đó là ai? Thì đó chính là thân của Ta. Còn vị Tiên trẻ lúc ấy chính là Đề-bà-đạt-đa.


38- CHUYỆN HAI KHÁCH BUÔN

Đức Phật ở thành Vương xá, thuở bấy giờ các Tỳ-kheo nhờ làm theo lời Phật dạy nên đều được Niết-bàn, được Thiên đạo, Nhân đạo. Vì nghe theo lời của Đề-bà-đạt-đa cho nên đều bị rơi xuống địa ngục, lãnh thọ sự khổ não dữ dội.

Đức Phật nói:

–Đâu phải chỉ có ngày nay ai nghe theo lời dạy của Ta thì được lợi ích lớn. Còn ai nghe theo lời Đề-bà-đạt-đa thì bị khổ não lớn lao.

Ngày xưa cũng vậy, ở thời quá khứ có hai khách buôn cùng dẫn theo năm trăm thương nhân đi vào nơi đồng không mông quạnh.

Nơi ấy có con quỷ Dạ-xoa hóa làm một thiếu niên mặc y phục đẹp, đầu đội vòng hoa, đánh đàn cầm mà đi, nói với khách buôn:

–Không nên mang nước cỏ này theo làm gì cho mệt, chẳng có dùng vào việc gì. Ở gần phía trước kia có nước trong cỏ tốt, cứ đi theo ta, ta sẽ chỉ đường cho.

Một người chủ khách buôn nghe theo lời ấy nên nói:

–Nay chúng ta nên vứt hết nước cỏ chở trên xe đi, để cho xe nhẹ, rồi đi tới trước.

Còn chủ khách buôn kia thì nói:

–Nay chúng ta chưa thấy cỏ nước gì cả, cẩn thận chớ bỏ chúng đi.

Đoàn buôn phía trước vì vất hết cỏ nước nên bị chết khát, còn đoàn người nhờ không vất cỏ nước, nên đi đến đích.

Người không vứt bỏ cỏ nước ấy chính là thân của Ta, còn người vứt bỏ cỏ nước ấy chính là Đề-bà-đạt-đa.


39- CHUYỆN TÁM VỊ TRỜI LẦN LƯỢT HỘI PHÁP

Ngày xưa Đức Phật còn tại thế, vào lúc nửa đêm, có tám vị trời lần lượt đi đến chỗ Đức Thế Tôn. Vị trời đến đầu tiên có dung mạo đoan chánh, hào quang chiếu sáng cả một dặm, có mười Thiên nữ làm quyến thuộc, đi đến chỗ Đức Phật, chí tâm đảnh lễ, đứng qua một bên. Đức Phật bảo vị trời ấy:

–Ngươi nhờ tu phước nên được thọ thân trời, tự hưởng thú vui ngũ dục, sung sướng an lạc chăng?

Bấy giờ vị trời ấy thưa với Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn, con tuy sinh ở trên trời, nhưng tâm con luôn luôn sầu khổ. Vì sao vậy? Vì đời trước của con tu hành đối với vua, cha mẹ, sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn, tuy có trung hiếu và cung kính, nhưng lúc đó lại không thường ân cần, cung kính lễ bái, nghênh đón, tiễn đưa. Do duyên nghiệp đó, nên được quả báo quá ít ỏi, không như các vị trời khác. Vì không giống họ, nên tự trách mình tu hành không được đầy đủ.

Lại có một vị trời, dung mạo, thân hình rực rỡ, cùng với quyến thuộc, hơn vị trời trước đến mười phần, đi đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lạy dưới chân Đức Phật, xong đứng qua một bên. Đức Phật bảo vị trời:

–Ngươi sinh ở trên trời, được sung sướng an lạc chăng?

Vị trời ấy bạch với Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn, tuy con sinh ở trên trời, nhưng cũng thường bị ưu khổ. Vì sao vậy? Vì đời trước của con, lúc tu hành tuy đối với vua, cha mẹ, sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn, có tâm trung hiếu, cung kính lễ bái, nhưng lại không hay cúng thí sàng tọa, cũng không hay trải tọa cụ êm ấm mời ngồi. Do nghiệp duyên đó, nên nay được quả báo, không giống các vị trời khác. Vì không giống các vị trời khác, nên cứ tự trách mình lúc tu nhân không được đầy đủ.

Lại có một vị trời, dung mạo sáng rạng, cùng với quyến thuộc, hơn vị trời trước gần mười phần, đi đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lạy dưới chân Đức Phật, xong đứng qua một bên.

Đức Phật hỏi vị trời ấy:

–Người thọ thân trời được vui vẻ, an lạc chăng?

Vị trời bạch Đức Phật:

–Con tuy được sinh ở cung trời, nhưng thường ôm lòng sầu não.

Vì sao vậy? Vì thân đời trước của con tuy có làm việc tốt đối với vua, cha mẹ, sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn, có tâm trung hiếu, cung kính lễ bái có cúng dường giường nằm nhưng đối với những vị ấy, lại không rộng bày các món ăn, đồ uống, thượng vị để cúng dường. Do nhân duyên đó, nên nay được quả báo không bằng các vị trời khác.

Vì không bằng những vị ấy, nên trong lòng hối hận, trách mình lúc tu nhân không được đầy đủ cho nên ưu não.

Lại có một vị trời, dung mạo sáng ngời cùng với quyến thuộc, hơn vị trời trước gấp mười phần, đi đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lạy dưới chân Đức Phật rồi đứng qua một bên.

Đức Phật hỏi vị trời ấy:

–Ngươi thọ thân trời được vui vẻ, an lạc chăng?

Vị trời bạch Đức Phật:

–Tuy con sinh ở trên trời, nhưng trong tâm thường sầu não. Vì sao vậy? Vì ở thời quá khứ, con tuy đối với vua, cha mẹ, sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn, có tâm trung hiếu, cung kính lễ bái, cũng có cúng dường cho những vị ấy tọa cụ và đồ ăn uống, nhưng con không chịu nghe pháp. Do nhân duyên đó nay được quả báo không bằng các vị trời khác. Vì không bằng các vị trời khác nên thường tự nghiêm khắc trách mình lúc tu nhân không được đầy đủ, cho nên mới ưu não.

Lại có một vị trời, thân sắc rạng ngời, cùng với quyến thuộc, mười phần hơn vị trời trước, đến chỗ Đức Phật đầu mặt lạy sát chân Ngài, rồi đứng qua một bên.

Đức Phật hỏi vị trời ấy:

–Ngươi thọ thân trời được vui thích, an lạc chăng?

Vị trời bạch Đức Phật:

–Con tuy sinh ở trời, nhưng tâm thường sầu não. Vì sao vậy? Vì đời trước của con, tuy đối với vua, cha mẹ, sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn hay có lòng trung hiếu, cung kính lễ bái, trải tòa mời ngồi, cúng đồ ăn uống, tuy có nghe pháp, nhưng không hiểu nghĩa. Vì không hiểu nghĩa, nên nay được quả báo không bằng các trời khác. Vì không bằng các trời khác, nên tâm thường hối hận, trách mình lúc tu nhân không được đầy đủ, cho nên sầu não.

Lại có một vị trời, thân sắc chói sáng, cùng với quyến thuộc, mười phần hơn vị trời trước, đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lạy dưới chân Ngài, rồi đứng qua một bên.

Đức Phật hỏi vị trời ấy:

–Ngươi thọ thân trời được vui thích, an lạc chứ?

Vị trời bạch Đức Phật:

–Con tuy sinh ở trên trời, nhưng tâm thường sầu não. Vì sao vậy? Vì đời trước của con lúc tu hành, tuy đối với vua, cha mẹ, sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn, có lòng trung hiếu, cung kính, lễ bái trải tọa cụ, cúng đồ ẩm thực, mặc dù có nghe pháp, có hiểu nghĩa, nhưng không đủ khả năng như lời dạy mà tu hành. Do nghiệp duyên ấy, nên nay được quả báo không bằng các trời khác. Vì không bằng các trời khác, nên hết sức hối hận, trách cứ mình lúc tu nhân không được đầy đủ, cho nên sầu não.

Lại có một vị trời dung mạo sáng rạng, cùng với quyến thuộc, mười phần hơn vị trời trước, đi đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lạy dưới chân Ngài, rồi đứng qua một bên:

Đức Phật hỏi vị trời ấy:

–Ngươi thọ thân trời, được vui thích an lạc chăng?

Vị trời bạch Đức Phật:

–Ngày hôm nay con được sinh ở cung trời, tự vui sướng với ngũ dục, hễ cần vật gì thì nghĩ đến liền có, hết sức khoái lạc, không có các khổ não. Vì sao vậy? Vì đời trước của con, lúc tu nhân, đối với vua, cha mẹ, sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn, có lòng trung hiếu, cung kính lễ bái, trải tọa cụ, mời ẩm thực, nghe pháp có thể hiểu được ý nghĩa, như lời dạy mà tu hành. Do nhân duyên ấy, thọ quả báo của trời, thân hình đoan chánh, hào quang đẹp đẽ khác thường, quyến

thuộc đông đúc, hơn các trời khác. Nhờ tu hạnh này nên được quả báo đầy đủ, nhờ đầy đủ nên được quả báo tối thắng. Nhờ được quả báo tối thắng cho nên tất cả các vị trời không ai bì kịp, vì không ai bì kịp cho nên tâm con hết sức an lạc.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10