SỐ 203
KINH TẠP BẢO TẠNG
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Sa-môn Kiết-ca-dạ và Đàm Diệu.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Gồm mười một chuyện:

  1. Chuyện người nghèo cúng bánh bằng bột lúa tiểu mạch hiện tại được quả báo.
  2. Chuyện cô gái nghèo cúng hai đồng tiền liền được quả báo.
  3. Chuyện người họa sĩ tên Kế-na ở nước Can-đà-vệ cúng dường trai phạn được quả báo.
  4. Chuyện hai vợ chồng Kế-di-la tự bán mình để thiết hội, hiện tại được quả báo.
  5. Chuyện Sa-di cứu bầy kiến khỏi bị nước trôi nên được sống lâu.
  6. Chuyện vua nước Càn-đà-vệ nhờ sửa chùa tháp cũ được sống lâu.
  7. Chuyện Tỳ-kheo tu bổ lỗ hỏng vách chùa được sống lâu.
  8. Chuyện con của trưởng giả thấy Phật cầu được trường thọ.
  9. Chuyện con của trưởng giả làm thuê thiết hội được hiện báo.
  10. Chuyện Phất-na cúng Phật một bát cơm được hiện báo.
  11. Chuyện Đại Ái Đạo cúng Đức Phật y bằng vàng và người thợ xâu ngọc.

 

40- CHUYỆN NGƯỜI NGHÈO CÚNG BÁNH BẰNG BỘT LÚA TIỂU MẠCH HIỆN TẠI ĐƯỢC QUẢ BÁO

Ngày xưa có một người, nhà rất nghèo, đi ở cho người ta kiếm được sáu thăng tiểu mạch mang về nhà để nuôi vợ con. Khi đến giữa đường gặp một Đạo nhân ôm bát chống gậy đi xin ăn, người ấy liền nghĩ: “Vị Sa-môn kia hình mạo đoan nghiêm, oai nghi chững chạc, rất đáng cung kính. Nếu mình cúng cho vị ấy một ít đồ ăn, há chẳng vui sao?”

Bấy giờ Đạo nhân biết tâm niệm của người ấy, liền đi theo anh đến gần bờ sông, người nghèo kia liền nói với Đạo nhân:

Nay tôi có bột lúa mạch, ý muốn cúng cho ngài, vậy ngài có dùng chăng?

Đạo nhân đáp:

–Được vậy là tốt.

Người nghèo kia liền đến bên bờ sông, trải áo ra mời Đạo nhân ngồi, rồi anh ta lấy nước hòa một thăng bột lúa mạch làm thành một tấm bánh cúng cho Đạo nhân. Anh suy nghĩ: “Nếu Đạo nhân này là người thanh tịnh nghiêm trì giới luật, đắc đạo, hãy khiến cho ta làm vua một nước nhỏ.”

Khi Đạo nhân được bột lúa mạch, nói với người nghèo ấy:

–Sao lấy quá ít, sao lấy quá ít?

Người nghèo cho rằng Đạo nhân này ăn nhiều, anh ta lại hòa thêm một thăng nữa, nhồi thành một tấm bánh, cúng dường rồi nguyện: “Nếu vị Đạo nhân này là người trì giới thanh tịnh, đắc đạo hãy khiến cho tôi làm vua hai nước nhỏ.”

Đạo nhân lại nói:

–Sao lấy quá ít, sao lấy quá ít?

Người nghèo kia lại nghĩ:

–Đạo nhân này in tuồng như người ăn nhiều, ta đã cho lúa mạch như mong ước, nhưng vẫn chê là ít, dù sao, ta đã mời ngài thì phải cung cấp đầy đủ.

Anh ta lại hòa hai thăng bột tiểu mạch, nhồi thành một tấm bánh, rồi đem cúng dường, anh lại nghĩ:

–Nếu Đạo nhân này là người trì giới thanh tịnh, đắc đạo, hãy khiến cho tôi hiện tại được làm vua, thống lãnh bốn tiểu quốc.

Đạo nhân lại nói:

–Sao lấy quá ít, sao lấy quá ít?

Người nghèo ấy còn lại hai thăng, đem hòa hết với nước, nhồi thành một tấm bánh đem dâng cho Đạo nhân, lại mong ước:

–Nay Đạo nhân này, nếu là người trì giới thanh tịnh hãy làm cho tôi được làm vua nước Ba-la-nại, thống lãnh bốn nước nhỏ, được thấy chân lý của đạo.

Đạo nhân khi đã được toàn bộ bột tiểu mạch rồi, vẫn chê là quá ít. Người nghèo ấy thưa:

Xin ngài hãy ăn đi, nếu như không đủ, tôi sẽ cởi y phục đổi lấy đồ ẩm thực để dâng cho ngài.

Đạo nhân liền ăn hết một thăng, còn dư trả lại cho chủ. Người nghèo ấy hỏi:

–Tôn giả trước đây chê là bột tiểu mạch quá ít, tại sao bây giờ lại ăn không hết?

Đạo nhân đáp:

–Ban đầu lúc ngươi cho ta một tấm bánh bột tiểu mạch, người cầu làm vua một nước nhỏ, cho nên ta nói: “Tâm nguyện của ngươi ít quá.” Lần thứ hai ngươi cho ta một tấm bánh bột nữa, nguyện được làm vua hai nước nhỏ, cho nên ta nói: “Sự mong ước của ngươi quá ít.” Lần thứ ba ngươi lại dâng cho ta một tấm bánh bột, mong được làm vua bốn nước nhỏ, cho nên ta nói: “Tâm nguyện của ngươi quá ít.” Lần thứ tư ngươi dâng cho ta một tấm bánh bột mong cầu được làm vua nước Ba-la-nại, thống lãnh bốn tiểu quốc, sau đó được thấy chân lý chứng đạo quả, cho nên ta nói: “Sự mong ước của ngươi quá ít.” Vì ta không chấp nhận sự mong ước ít ỏi như thế cho nên chê là quá ít.

Bấy giờ người nghèo ấy tự sinh nghi, nghĩ: “Hãy khiến cho tôi hiện tại được làm vua của năm nước, việc này không phải nhỏ, sợ không thật chăng?” Anh lại suy nghĩ: “Vị ấy biết được tâm niệm của ta chắc là bậc Thánh nhân, là bậc Đại phước điền, đâu có thể nào lừa ta.”

Đạo nhân biết vậy liền ném bát lên hư không, sau đó bay lên theo, hóa thân to lớn trùm khắp hư không, lại hóa thân nhỏ như một hạt bụi, dùng một thân hóa thành vô lượng thân, dùng vô lượng thân hợp thành một thân, trên thân phun nước, dưới thân phun lửa, đi dưới nước như đi trên đất, đi trên đất cũng như trên nước, làm mười tám phép biến hóa, rồi nói với người nghèo:

–Hãy khéo phát nguyện lớn, đừng có nghĩ suy nghi hoặc nữa!

Nói xong vị ấy liền ẩn thân đi mất. Bấy giờ người nghèo này đi về phía thành Ba-la-nại, mới được giữa đường thì thấy vị phụ tướng, vị phụ tướng thấy anh ta rồi, nhìn kỹ hình tướng của anh, nói:

–Ngươi có phải tên này họ này không?

Đáp:

–Thưa đúng vậy.

Hỏi:

–Sao lại rách rưới tả tơi như vậy?

Đáp:

–Lúc nhỏ không nơi nương tựa, nhà cửa khánh tận, không ai giúp đỡ, cho nên mới khốn khổ lam lũ như vậy.

Vị phụ tướng liền tâu với vua Ba-la-nại:

–Đứa con thân yêu của ngài tên đó, họ đó, hiện nay đang ở ngoài cửa, hết sức nghèo khổ tiều tụy.

Vua liền ra lệnh:

–Hãy dẫn nó vào.

Nhà vua hỏi anh ta những việc riêng tư thì biết đó là người than của mình, liền bảo:

–Ngươi hãy ở gần ta, cẩn thận đừng đi xa.

Sau bảy ngày, nhà vua bị bệnh rồi chết, các quần thần bàn với nhau: “Nhà vua không có người kế tự, chỉ có người cùng tử này là chỗ thân thích của nhà vua, vậy chúng ta nên suy tôn anh ta làm vua nước Ba-la-nại, thống lãnh bốn nước.”

Sau khi làm vua, người cùng tử này trở thành bạo ngược. Vị Đạo nhân ở trên không trung vừa thấy liền đến trước điện vua ngồi kiết già và nói:

–Ngày trước ngươi phát nguyện cầu được thấy chân lý, nay tại sao lại tạo các điều ác, ngược với bổn nguyện?

Đạo nhân lại vì nhà vua thuyết pháp. Nhà vua nghe pháp rồi hối hận những tội ác đã làm trước, xấu hổ, siêng năng hành đạo, nên chứng được quả Tu-đà-hoàn.


41- CHUYỆN CÔ GÁI NGHÈO CÚNG HAI ĐỒNG TIỀN LIỀN ĐƯỢC QUẢ BÁO

Ngày xưa, trong núi Kỳ-xà-quật có nhiều Hiền thánh chúng Tăng ẩn cư. Người người các nơi trong nước, nghe tiếng núi này, đến cúng dường rất đông. Có một trưởng giả đem theo quyến thuộc đến để cúng dường. Có một cô gái ăn mày bần cùng suy nghĩ: “Nay các trưởng giả đem đồ dâng cúng đến núi này chắc là họ muốn mở hội, ta nên đến đó để xin.”

Khi đến núi rồi, cô ta thấy trưởng giả đặt bày các món trai soạn để cúng dường chúng Tăng, trong lòng tự suy nghĩ: “Người kia đời trước có tu phước nên ngày nay mới được giàu có. Ngày nay lại tạo thêm công đức, tương lai sẽ khá hơn. Đời trước ta không tạo phước cho nên đời nay mới bần khổ. Nếu nay ta không tạo phước, tương lai càng thêm đau khổ hơn.” Suy nghĩ như vậy rồi khóc lóc buồn bã. Cô lại tự suy nghĩ: “Ta đã kiếm được hai đồng tiền trên đống phân và luôn luôn yêu quý nó, giữ gìn chờ lúc xin ăn không được ta sẽ dung nó mua đồ ăn uống, để sống qua ngày. Nay ta hãy đem nó cúng dường chúng Tăng, dù nhịn đói một ngày hai ngày không ăn uống gì cũng chẳng đến nỗi chết.” Cô ta chờ lúc Tăng chúng ăn xong liền lấy hai đồng tiền này đem cúng dường.

Tăng pháp của núi này, hễ ai cúng dường thì thầy Duy na đứng trước Tăng chúng chú nguyện. Ngay lúc đó, vị Thượng tọa không để cho thầy Duy na chú nguyện, tự ngài chú nguyện. Các vị ngồi dưới trong lòng rất nghi ngờ, mới nghĩ như vầy: “Được hai đồng tiền của cô ăn mày này mà vị Thượng tọa tự coi thường đứng lên chú nguyện. Tại sao lúc bình thường thấy tiền, ngài lại không làm như vậy?”

Khi ấy vị Thượng tọa lưu lại phân nửa phần cơm của mình đem cho cô gái này. Các vị chung quanh thấy vị Thượng tọa đem nhiều cơm cho cô gái, mọi người cũng làm như thế.

Cô gái lúc ấy được một gánh đồ ẩm thực nặng, rất đỗi vui mừng, nghĩ: “Ta mới cúng dường, nay được phước báo”, liền gánh đồ ăn xuống núi, đến một gốc cây nằm ngủ nghỉ ngơi.

Gặp lúc phu nhân của Đại vương nước này mất đã bảy ngày, nhà vua bảo sứ giả đi tìm trong nước xem ai có phước đức để chọn làm phu nhân. Vị tướng sư bói quẻ nói:

–Dưới cái lọng mây vàng này, chắc chắn có người hiền. Ông liền đến dưới gốc cây cùng với sứ giả, thấy cô gái này nhan sắc tươi đẹp, có tướng phúc đức, cho nên bóng mát của cây mặc dù trời đã về chiều mà ánh nắng vẫn không thay đổi. Tướng sư nói: Cô gái phước đức này có thể làm phu nhân.

Ông liền bảo người nấu nước thơm cho nàng tắm rửa, cho mặc y phục của phu nhân, thì thấy thân nàng vừa khít, không rộng cũng không chật, ông lấy ngàn cỗ xe, vạn kỵ sĩ tả hữu theo hầu, đưa cô đến cung vua. Nhà vua rất hoan hỷ và sinh tâm kính trọng khi thấy nàng.

Như vậy, một thời gian sau, cô ta tự suy nghĩ: “Ta có được sự giàu có, phước duyên này là do ta cúng tiền vậy. Nay chúng Tăng đã có ân lớn đối với ta.” Nàng liền tâu với vua:

–Trước đây thiếp là người rất nghèo hèn, được vua suy cử lên làm hoàng hậu. Vậy xin vua hãy cho phép thiếp báo đền ân của các chúng Tăng ấy.

Nhà vua nói:

–Tùy ý nàng.

Phu nhân liền cho xe chở đồ ăn uống và các châu báu đến núi kia để cúng dường trai phạn cho chúng Tăng. Khi chúng Tăng dung xong thì nàng lấy châu báu ra để cúng dường. Lúc ấy vị Thượng tọa không đứng dậy, ngài bảo vị Duy na chú nguyện chứ tự mình không chú nguyện.

Hoàng hậu nói:

–Ngày trước con cúng hai đồng tiền mà ngài chú nguyện cho con. Ngày nay con cho xe chở đồ châu báu đến cúng dường mà ngài lại không chú nguyện cho con?

Các Tỳ-kheo trẻ đều xầm xì:

–Vị Thượng tọa này trước đây người nữ nghèo ấy đã cúng hai đồng tiền mà ngài chú nguyện cho cô ta. Nay làm hoàng hậu, chở cả xe ngọc báu đến cúng dường mà ngài vẫn không chú nguyện. Có phải ngài già cả lẩm cẩm chăng?

Bấy giờ vị Thượng tọa diễn thuyết chánh pháp cho hoàng hậu nghe:

–Này phu nhân, trong tâm của phu nhân hiềm trách ta như sau:

“Lúc trước ta cúng có hai đồng tiền mà ngài chú nguyện cho ta, nay ta chở cả xe châu báu cúng dường mà ngài chẳng chú nguyện!” Phu nhân nên biết trong Phật pháp của chúng ta không quý trọng châu báu, chỉ quý trọng thiện tâm mà thôi. Này phu nhân, lúc trước phu nhân cúng có hai đồng tiền mà thiện tâm mãnh liệt, bây giờ phu nhân cúng dường châu báu mà với lòng cống cao ngã mạn. Do đó, nay ta không chú nguyện. Các đạo sĩ trẻ tuổi cũng đừng hiềm trách ta, các vị nên hiểu rõ tâm của người xuất gia.

Các người tu đạo trẻ tuổi đều tự hổ thẹn, nên đều chứng quả Tu-đà-hoàn. Phu nhân của vua nghe pháp xong vừa hổ thẹn vừa vui mừng cũng chứng được quả Tu-đà-hoàn. Sau khi nghe pháp xong phu nhân đảnh lễ mà lui ra.


42- CHUYỆN NGƯỜI HỌA SĨ TÊN KẾ-NA Ở NƯỚC CÀN-ĐÀ- VỆ CÚNG DƯỜNG TRAI PHẠN ĐƯỢC QUẢ BÁO

Ngày xưa ở nước Càn-đà-vệ có một người họa sĩ tên là Kế-na,ba năm làm việc ở xứ người được ba mươi hai lượng vàng. Anh muốn trở về nhà thì thấy có người lập hội Vô già cúng dường, anh hỏi thầy Duy na:

–Một ngày làm hội, tốn hết bao nhiêu?

Thầy Duy na đáp:

–Tốn hết ba mươi lượng vàng.

Anh liền tự nghĩ: “Vì đời trước của ta không trồng phước nghiệp, cho nên mới thọ quả báo nghèo khổ như ngày nay, phải ra sức kiếm sống. Nay gặp được phước hiền, sao lại không làm.” Anh nói với thầy Duy na, xin hãy vì đệ tử mà đánh kiền chùy vân tập Tăng chúng và nói rằng con muốn thiết hội.

Khi thiết hội xong, anh vui mừng hoan hỷ liền trở về nhà. Khi về đến nhà, vợ anh hỏi:

–Ba năm anh đi làm thuê, tiền bạc đâu rồi?

Người chồng trả lời:

–Tiền tài ta kiếm được, nay ta đã bỏ vào trong kho chắc chắn rồi.

Bấy giờ người vợ hỏi:

–Cái kho chắc chắn ấy bây giờ ở đâu?

Người chồng đáp:

–Ở trong Tăng chúng.

Bấy giờ người vợ hiềm trách chồng, liền triệu tập bà con trong xóm lại, bắt trói anh rồi đem đến nhờ quan xét xử, nói:

–Mẹ con của tôi bần cùng khốn khổ, không có mặc, không cơm ăn, thế mà chồng tôi kiếm được tiền bạc dư dả không chịu đem về nhà. Xin quan trên xét xử.

Bấy giờ quan xét xử hỏi người chồng:

–Tại sao ngươi làm như vậy?

Người chồng đáp:

–Thân của tôi như tia điện chớp, chẳng sáng được bao lâu, cũng như sương buổi sáng, phút chốc liền mất. Do đó, tôi sợ hãi, tự nghĩ một cách sâu xa: “Bởi do tiền kiếp của ta không tạo phước nghiệp, nay bị cùng khổ, y thực thiếu thốn. Cho nên nay nhân tôi thấy trong thành Phất-ca-la kia, thiết hội gọi là Ban giá hội để cúng dường chúng Tăng thanh tịnh. Do đó, tâm tôi sinh hoan hỷ, phát sinh kính tín liền hỏi thầy Duy na: “Phải tốn hết bao nhiêu để cúng một ngày trai tăng?” Thầy Duy na đáp: “Phải tốn ba mươi lượng vang mới có thể đủ cúng một ngày trai tăng.” Trong ba năm tôi làm ra số của đó, tôi liền giao cho thầy Duy na để làm một ngày trai tăng cho chúng Tăng.

Bấy giờ, quan xét xử nghe lời nói ấy, sinh tâm hoan hỷ, thương mến người đó, liền cởi y phục, cũng như chuỗi anh lạc của mình đồng thời lấy yên ngựa và các dụng cụ cỡi ngựa đem cho Kế-na hết.

Ông lại cắt một thôn xóm đem phong thưởng cho Kế-na. Quả báo trước mắt thì như vậy, còn cái quả báo lâu dài thì ở tương lai.


43- CHUYỆN HAI VỢ CHỒNG KẾ-DI-LA TỰ BÁN MÌNH ĐỂ THIẾT HỘI, HIỆN TẠI ĐƯỢC QUẢ BÁO

Ngày xưa có một người tên là Kế-di-la, cả hai vợ chồng bần cùng khốn khổ, phải đi làm thuê để kiếm sống. Ông ta thấy một vị trưởng giả đem cả nhà đến chùa để làm đại thí hội, rồi anh trở về nhà, cùng vợ ngủ nghỉ, đầu anh gối lên tay vợ, tự suy nghĩ: “Vì tiền thân của ta không làm phước, cho nên ngày nay mới nghèo khổ. Như vị trưởng giả kia, thân đời trước đã làm phước, đời này cũng làm phước. Nay ta không có phước, đời tương lai chỉ thêm đau khổ. Nghĩ như vậy rồi lại sụt sùi buồn bã, làm rơi nước mắt chảy xuống cánh tay vợ. Người vợ hỏi chồng:

–Tại sao anh lại rơi nước mắt?

Đáp:

–Người ta nhờ tu phước nên thường được mọi an lạc, tự mình keo kiệt bần cùng, vì không tu phước, cho nên mới rơi lệ.

Người vợ nói:

–Anh rơi lệ thì có ích gì? Có thể anh hãy bán thân tôi cho người khác rồi lấy tiền để làm phước.

Người chồng nói:

–Nếu phải cùng bán cho người khác, thì thân của ta làm sao để tự sinh sống?

Người vợ nói:

–Nếu sợ không sống, không thấy được mặt, không thấy ngày ra, thì nay tôi cùng anh tự bán mình để làm công đức.

Bấy giờ vợ chồng cùng nhau đi đến nhà một người giàu, nói:

–Nay vợ chồng chúng tôi đem thân hèn hạ này xin đổi tiền vàng.

Chủ nhân nói:

–Muốn được bao nhiêu tiền?

Đáp:

–Muốn được mười đồng tiền vàng.

Chủ nhân nói:

–Nay ta giao tiền cho các ngươi. Nếu sau bảy ngày mà các ngươi không trả lại cho ta thì hai vợ chồng ngươi phải làm nô tỳ cho ta.

Thưa:

–Như vậy là khế ước đã thành.

Họ mang tiền đến một chùa tháp kia, thiết lễ mở hội. Hai vợ chồng người ấy cùng nhau đãi gạo, khích lệ nhau:

–Ngày nay chúng ta cùng nhau ra sức để tạo phước nghiệp, ngày sau thân chúng ta thuộc về nhà người ta rồi, há lại buông lung ý sao?

Khi ấy hai vợ chồng ngày đêm siêng năng sắm sửa đầy đủ đến đầu ngày thứ sáu, vừa muốn mở hội, thì gặp vị vua nước ấy cũng muốn mở hội, đến để xin chúng Tăng thiết lễ. Chúng Tăng đều nói:

–Ngày đó, bổn tự đã nhận của người nghèo kia rồi, không thể đổi ngày được.

Nhà vua nghe rồi, liền suy nghĩ: “Họ là bọn người nào, dám cùng ta mà tranh việc mở hội?” Nhà vua liền bảo người đến nói với

Kế-di-la:

–Ngươi hãy tránh qua ngày khác.

Kế-di-la thưa:

–Quả thật không thể tránh qua ngày khác được.

Nói qua nói lại như vậy đến ba lần, mà vợ chồng anh nghèo vẫn khư khư như trước. Nhà vua lấy làm lạ, cho nên tự đến chỗ Tăng phường, nói với vợ chồng người nghèo:

–Nay các ngươi tại sao không để ngày sau mở hội, mà lại tranh mở hội cùng ngày với ta?

Đáp:

–Chỉ có ngày nay là chúng tọi được tự do, còn ngày mai thì chúng tọi thuộc về nhà của người khác, cho nên không thể mở hội được.

Nhà vua liền hỏi:

–Vì sao không được?

Vợ chồng người tự bán mình trả lời:

–Tại chúng thần tự nghĩ đời trước không tạo phước nghiệp, cho nên đời này mới bần cùng khổ sở. Nếu đời sau mà không tạo phước, e rằng đời sau sẽ khổ hơn. Vì cảm nhận việc này cho nên mới tự bán thân để đổi lấy tiền tài nhằm tạo công đức, ngõ hầu đoạn trừ khổ này. Cho đến sau bảy ngày, nếu không có tiền tài để trả cho người ta, chúng thần phải làm nô tỳ để trả. Nay đã sáu ngày rồi, sáng mai là hết hạn. Vì lý do ấy, cho nên thà chịu chết, chúng tọi vẫn phải mở hội thiết trai.

Nhà vua nghe lời ấy hết sức thương xót, khen là chưa từng có, nói:

–Ngươi là người hiểu rõ chân thực về nỗi khổ của sự bần cùng, có thể đem cái thân không chắc đổi lấy cái thân bền chắc, có thể lấy của cải không bền chắc đổi lấy của cải bền chắc, lấy cái thân mạng không chắc đổi lấy thân mạng bền chắc.

Do đó nhà vua liền chấp nhận cho vợ chồng anh nhà nghèo thiết hội. Nhà vua lấy y phục và ngọc anh lạc trên thân của mình và của phu nhân đem cho vợ chồng Kế-la, rồi vua lại cắt mười tụ lạc phong cho vợ chồng anh để vợ chồng anh làm phước.

Phàm người hay chủ tâm tu phước đức, thì hiện tại quả báo còn được nhiều như vậy, huống gì quả báo ở trong tương lai. Xem xét kỹ bài học này tất cả mọi người trong thế gian, nếu muốn thoát khổ phải siêng năng tu phước, đâu có thể nào lười biếng buông lung tình ý mà được.


44- CHUYỆN SA-DI CỨU BẦY KIẾN KHỎI BỊ NƯỚC TRÔI NÊN ĐƯỢC SỐNG LÂU

Ngày xưa, có một vị Đạo nhân La-hán, nuôi một chú Sa-di. Vị ấy biết chú Sa-di sau bảy ngày nữa, chắc chắn sẽ chết, vì vậy cho phép chú trở về thăm nhà, đến đầu ngày thứ bảy thì phải trở lại. Chú Sa-di giã từ thầy liền trở về nhà. Trên đường trở về, giữa đường thấy bầy kiến đang trôi bập bềnh theo dòng nước, sắp chết đến nơi, sinh tâm Từ bi, chú tự cởi ca-sa ra, đắp đất ngăn nước, vớt hết bầy kiến đem đến chỗ cao ráo, làm cho tất cả được sống. Đến đầu ngày thứ bảy chú lại trở về chỗ thầy. Thầy chú hết sức ngạc nhiên, nên liền nhập định dùng Thiên nhãn để quán sát, mới biết rằng chú Sa-di không còn chút phước nào để sống còn, ngoại trừ nhờ nhân duyên cứu bầy kiến, cho nên qua bảy ngày rồi mà vẫn không chết, lại được trường thọ.


45- CHUYỆN VUA NƯỚC CÀN-ĐÀ-VỆ NHỜ SỬA CHÙA THÁP CŨ ĐƯỢC SỐNG LÂU

Ngày xưa ở nước Càn-đà-vệ có một vị quốc vương. Một vị tướng sư tài ba xem tướng cho vua, biết chắc rằng sau bảy ngày nữa nhà vua sẽ mạng chung. Nhà vua nhân một chuyến đi săn thấy một ngôi tháp cổ đã bị hủy hoại, hư nát, liền ra lệnh cho quần thần tu bổ lại. Sau khi tu bổ xong, vua vui mừng trở về hoàng cung, bảy ngày trôi qua vẫn yên ổn. Vị tướng sư thấy đã quá bảy ngày lấy làm lạ hỏi nhà vua:

–Ngài đã làm được công đức gì?

Đáp:

–Ta chẳng phải làm gì cả, chỉ thấy có một ngôi tháp hư, lấy bùn để tu bổ lại, chắc do tu bổ ngôi tháp mà được công đức như vậy.


46- CHUYỆN TỲ-KHEO TU BỔ LỖ HỎNG VÁCH CHÙA ĐƯỢC SỐNG LÂU

Ngày xưa có một vị Tỳ-kheo, giờ chết sắp đến, gặp một ngoại đạo Bà-la-môn. Người ấy xem tướng xong, cho biết rằng vị Tỳ-kheo này sau bảy ngày nữa chắc chắn sẽ mạng chung.

Bấy giờ vị Tỳ-kheo này nhân vào chỗ Tăng chúng ở thấy vách tường có lỗ hổng, liền bảo người nhồi bùn bít lại. Nhờ phước này nên thọ mạng được tăng thêm. Đã quá bảy ngày mà vị Tỳ-kheo vẫn sống. Bà-la-môn thấy cho là lạ mới hỏi:

–Ngài đã làm được phước gì?

Đáp:

–Tôi chẳng tạo phước gì cả, chỉ có hôm qua, tôi vào chỗ Tăng ở, thấy vách tường có một lỗ hổng, bèn tu bổ lại thôi.

Bà-la-môn khen:

–Chính Tăng là phước điền hết sức quan trọng, mới có thể khiến cho Tỳ-kheo này đúng ra là phải chết mà lại được trường thọ.


47- CHUYỆN CON CỦA TRƯỞNG GIẢ THẤY PHẬT CẦU ĐƯỢC TRƯỜNG THỌ

Ngày xưa, lúc Đức Phật còn tại thế, có một người con của trưởng giả mới năm, sáu tuổi. Tướng sư xem tướng thấy cậu bé đầy đủ phước đức, nhưng có điều là phải chết yểu. Gia đình cậu bé mới mang cậu đến chỗ Lục sư ngoại đạo, nhờ họ làm cho cậu bé được trường thọ. Nhưng gia đình cậu tức giận, vì Lục sư ấy hoàn toàn không có khả năng làm cho cậu bé được trường thọ. Họ lại đem cậu bé đến chỗ Đức Phật, bạch:

–Bạch Thế Tôn, đứa bé này đoản mạng, cúi mong Đức Thế Tôn cứu cho đứa bé được sống lâu.

Đức Phật đáp:

–Không có pháp nào làm cho nó trường thọ cả.

Gia đình cậu bé lại bạch Đức Phật:

–Cúi mong Đức Phật chỉ cho phương pháp.

Bấy giờ Đức Phật dạy:

–Hãy đem cậu bé đến dưới cửa thành, hễ thấy có người đi ra thì đến đảnh lễ, hay thấy có người vào cũng đến đảnh lễ.

Bấy giờ có một quỷ thần hóa làm người Bà-la-môn muốn vào thành. Đứa bé đến đảnh lễ, quỷ thần ấy chú nguyện: “Mong cho ngươi được trường thọ”, nhưng quỷ này là loại giết trẻ em. Vì pháp của quỷ thần là không được nói hai lời, lỡ đã cho trường thọ nên không thể giết. Cậu bé nhờ khiêm tốn cung kính như thế nên được trường thọ.


48- CHUYỆN CON CỦA TRƯỞNG GIẢ LÀM THUÊ THIẾT HỘI ĐƯỢC HIỆN BÁO

Ngày xưa lúc Phật còn tại thế, có một người con của trưởng giả, cha mẹ mất sớm, cô đơn nghèo khổ, lang thang kiếm sống bằng nghề làm thuê, nghe có người nói: “Trên cõi trời Đao-lợi hết sức sung sướng.” Lại nghe người ta nói: “Cúng dường cho Phật và Tăng được sinh lên cõi đó.” Anh ta liền hỏi một người khác:

–Phải dùng bao nhiêu tài vật mới có thể cúng dường cho Phật và chúng Tăng được?

Bấy giờ người ấy nói:

–Phải dùng ba mươi lượng vàng mới có thể thiết hội cúng dường được.

Khi ấy anh ra chợ để xin làm mướn. Ở gần bên chợ có một trưởng giả rất giàu có, anh đến đó xin làm mướn. Trưởng giả hỏi:

–Nay ngươi có thể làm được những việc gì?

Đáp:

–Việc gì tôi cũng làm được. Tôi xin làm công cho ông ba năm.

Hỏi:

–Ngươi muốn lấy bao nhiêu tiền?

Đáp:

–Tôi muốn ba mươi lượng vàng.

Trưởng giả nghe anh này việc gì cũng làm được liền mướn anh làm việc. Anh vốn là người đoan chính, ngay thẳng, nên ông giao cho bày bán các thứ vàng bạc, đồng, thiết, anh bán được lời gấp bội bình thường. Ngày tháng đã đủ, nên trưởng giả đã giao cho anh số vang trên.

Trưởng giả hỏi:

–Nay ngươi được vàng, vậy dùng làm việc gì?

Đáp:

–Tôi muốn cúng dường cho Phật và Tăng.

Trưởng giả nói:

–Nay ta sẽ phụ giúp ngươi, trợ cấp cho ngươi các thứ bồn đựng, gạo, bột mì làm đồ ăn. Ngươi chỉ thỉnh Đức Phật và chúng Tăng thôi.

Anh liền đến phòng Tăng thỉnh Đức Phật và chư Tăng. Đức Phật bảo chúng Tăng đều nhận lời thỉnh cầu của anh. Đức Phật ở ngay phòng của Ngài, còn chúng Tăng đều nhận lời mời của anh.

Hôm đó đúng ngày tiết nhật, mọi người đều mang dâng các thứ đồ ăn uống đến chỗ chúng Tăng. Chúng Tăng đã ăn no, vì vậy lúc đến nhà của trưởng giả, khi anh tự mình sớt cơm, vị Thượng tọa nói:

–Sớt ít thôi.

Mọi người cũng đều thứ lớp nói: “Sớt ít thôi”. Ăn xong các ngài ra về.

Bấy giờ anh khóc lóc áo não than thở:

–Ba năm cay đắng để cúng được bữa cơm này, những mong chúng Tăng thọ thực. Ta mong cầu được sinh lên trời, như vậy chắc là không được sinh. Anh đi đến một bên Đức Phật bạch:

–Bạch Thế Tôn, chúng Tăng không ăn đồ ẩm thực của con cúng dường. Như vậy sự nguyện cầu của con chắc chắn không thành tựu.

Đức Phật hỏi:

–Có ăn chút ít chứ?

Thưa:

–Tất cả chúng Tăng đều ăn rất ít.

Đức Phật nói:

–Giả sử chúng Tăng không ăn gì cả, thì nguyện của ngươi cũng thành tựu, huống chi có thọ thực chút ít mà sao lại không thành?

Đồng tử vui mừng trở lại chỗ dọn ẩm thực. Bấy giờ chúng Tăng đã thọ thực xong liền trở về. Khi ấy có năm trăm khách buôn, đi biển về, vào thành tìm kiếm thức ăn. Lúc ấy gặp buổi đói kém, chẳng ai cho ăn. Có người nói:

–Con của vị trưởng giả kia hôm nay mở hội, chắc chắn có đồ ẩm thực.

Bấy giờ anh nghe nói có các khách buôn, liền hoan hỷ mời họ ăn. Năm trăm khách buôn đều được ăn uống no nê, tất cả những người đi theo đều cũng được no đủ. Người khách buôn cuối cùng cởi một viên ngọc trị giá một vạn lượng vàng, người trưởng đoàn cởi một viên ngọc trị giá mười vạn lượng vàng cho chàng. Năm trăm khách buôn, người thì cho chàng một viên ngọc, người thì cho một cái bồn đồng.

Nhưng chàng đều không dám nhận, chàng chạy đến hỏi Đức Phật.

Đức Phật bảo:

–Đó là quả báo tạm thời, hãy nhận đi sẽ hết khổ, về sau chắc chắn sẽ sinh lên trời, đừng nên sợ hãi.

Vị trưởng giả chủ nhân vốn không có con trai, chỉ có một người con gái liền gả cho đồng tử. Nhờ vậy gia nghiệp của chàng trở nên giàu có vô cùng.

Trong thành Xá-vệ, vị trưởng giả giàu có hạng nhất mạng chung. Vua Ba-tư-nặc nghe chàng thông minh, trí thức cho nên đem tất cả gia nghiệp của ông ta ban cho chàng. Quả báo tạm thời là như vậy, còn quả báo thực thụ thì sau này.


49- CHUYỆN PHẤT-NA CÚNG PHẬT MỘT BÁT CƠM ĐƯỢC HIỆN BÁO

Ngày xưa, lúc Đức Phật còn tại thế, có năm anh em của Phạm chí: Người thứ nhất tên là Da-xà, người thứ hai tên là Vô Cấu, người thứ ba tên là Kiều-phạm-ba-đề, người thứ tư tên là Tô-đà-di, bốn anh em vào núi học đạo, chứng được năm thứ thần thông. Còn người em út tên là Phất-na thấy Đức Phật khất thực, đem cơm trắng sạch rất ngon đổ đầy bát để cúng Phật. Lúc ấy Phất-na thường lấy việc cày bừa trồng cấy làm nghề nghiệp. Lúc cày bừa trồng cấy xong, chàng trở về nhà. Sau đó vào một ngày, chàng ra giữa ruộng, thấy lúa mạ trong ruộng ấy đã biến thành lúa vàng dài đến mấy thước. Chàng lấy lưỡi liềm cắt hết, nhưng lúa vẫn mọc lại như trước. Vị quốc vương nước ấy nghe vậy, cũng đến cắt lúa, nhưng lúa vẫn không hết. Cũng giống như vậy tất cả những người đến cắt lúa, lúa cũng không hết.

Các người anh của chàng nghĩ: “Em của chúng ta là Phất-na làm ăn sinh sống, có nghèo khổ chăng?”. Họ cùng nhau đến thăm, thấy phước nghiệp của em mình hơn cả vị quốc vương, bèn nói với em:

–Trước đây em nghèo khổ, tại sao bỗng nhiên được giàu có?

Người em đáp:

–Em gặp Đức Cù-đàm, cúng Ngài một bát cơm mà được quả báo như vậy.

Bốn người anh nghe như vậy, vui mừng hớn hở, lại nói với người em:

–Nay em hãy vì các anh làm cho mỗi người một tấm bánh cơm hoan hỷ để cho bốn anh, mỗi người đem một bánh đến cúng dường

Cù-đàm, nguyện cầu sinh lên trời. Chúng ta không nghe pháp của Ngài, cũng không cầu giải thoát.

Bấy giờ mỗi người đều mang bánh hoan hỷ ấy đến chỗ Đức

Phật, Đức Phật nói:

–Các hành vô thường.

Người anh thứ hai lại lấy bánh hoan hỷ bỏ vào trong bát Đức

Phật, Đức Phật nói:

–Là pháp sinh diệt.

Người anh thứ ba lại lấy bánh hoan hỷ bỏ vào bát Đức Phật,

Đức Phật nói:

–Sinh diệt diệt rồi.

Người anh thứ tư lại lấy bánh hoan hỷ bỏ vào bát Đức Phật,

Đức Phật nói:

–Tịch diệt là vui.

Bốn anh em cùng trở về nhà, đến chỗ vắng vẻ, cùng nhau hỏi:

–Các anh nghe lời gì?

Người anh thứ nhất nói:

–Tôi nghe nói: “Các hành vô thường”.

Người anh thứ hai nghe: “Là pháp sinh diệt”. Người anh thứ ba nghe: “Sinh diệt diệt rồi”. Người anh thứ tư nghe: “Tịch diệt là vui”.

Cả bốn anh em đều suy nghĩ bài kệ này, nên đều được quả A-na-hàm. Họ đều đến chỗ Đức Phật cầu xin xuất gia, nên đều được chứng quả A-la-hán.


50- CHUYỆN ĐẠI ÁI ĐẠO CÚNG ĐỨC PHẬT Y BẰNG VÀNG VÀ NGƯỜI THỢ XÂU NGỌC

Ngày xưa, lúc Đức Phật còn tại thế, bà Đại Ái Đạo đã dệt y bằng chỉ vàng mang đến cúng dường Phật. Đức Phật bảo:

–Hãy đem cúng cho chúng Tăng.

Bà Đại Ái Đạo thưa:

–Tôi đã cho Thế Tôn bú mớm, nuôi lớn Thế Tôn, tự làm y này là để dâng lên Thế Tôn, ngưỡng mong Đức Thế Tôn vì tôi mà thọ nhận. Tại sao Ngài lại nói: Đem cúng cho chúng Tăng?

Đức Phật nói:

–Tôi muốn cho Di mẫu được công đức lớn. Vì sao vậy? Vì ruộng phước của chúng Tăng rộng lớn vô biên, cho nên Tôi mới khuyên Di mẫu như thế. Nếu làm theo lời Tôi thì như vậy là đã cúng dường cho Đức Phật rồi.

Bấy giờ Đại Ái Đạo liền đem cái y đó đến chỗ chúng Tăng, dâng cho vị Thượng tọa, nhưng vị Thượng tọa không dám nhận. Tiếp đến dâng cho Tôn giả Di-lặc. Tôn giả Di-lặc nhận y xong, liền đắp y vào thành khất thực. Thân của Tôn giả Di-lặc có ba mươi hai tướng tốt, sắc thân vàng tía; khi vào trong thành, mọi người tranh nhau mà nhìn, nhưng chẳng ai cúng dường cả. Lúc ấy có một thợ xâu ngọc thấy mọi người không ai cúng dường, nên liền quỳ trước Tôn giả, cầu xin Tôn giả đến nhà ông ta để thọ thực. Lúc Tôn giả Di-lặc thọ thực xong, người thợ xâu ngọc lấy một cái tòa nhỏ trải trước Tôn giả Di-lặc để cầu xin Tôn giả thuyết pháp. Tôn giả Di-lặc có bốn năng lực biện tài, liền thuyết cho anh ta nghe các thứ diệu pháp. Khi ấy anh thợ xâu ngọc hoan hỷ lắng nghe, không có nhàm chán.

Trước đó có một trưởng giả, muốn đem con gái gả cho người ta, mới mướn anh thợ xâu ngọc này, xâu một hòn ngọc báu, trả cho anh mười vạn tiền. Ngay lúc ấy, nhà của cô dâu bảo người đến lấy ngọc, khi đó người thợ xâu ngọc đang nghe pháp chuyên ròng, không rảnh mà xâu, nên anh ta liền trả lời:

–Hãy chờ cho chút nữa sẽ đến lấy.

Gia đình cô dâu đến tới ba lần mà vẫn chưa lấy được ngọc, vị trưởng giả tức giận liền đòi cả ngọc cả tiền lại. Vợ của anh thợ xâu ngọc tức giận nói với chồng:

–Lại mất việc rồi. Chỉ xâu ngọc có chốc lát mà được lợi mười vạn. Sao lại đi nghe lời hay của Đạo nhân làm gì?

Người chồng nghe xong, trong ý hơi bực tức. Khi ấy Tôn giả Di-lặc biết trong ý anh ta có hơi bực tức, liền hỏi:

–Ngươi có thể theo ta để đến chùa chăng?

Thưa:

–Con có thể.

Anh liền đi theo Tôn giả Di-lặc đến chỗ chúng Tăng hỏi vị

Thượng tọa:

–Giả sử có người được đầy mười vạn lạng vàng, đâu bằng người hoan hỷ nghe pháp.

Lúc ấy Tôn giả Kiều-trần-như đáp:

–Giả sử có người được mười vạn lạng vàng không bằng có người lấy một bát cơm cúng dường cho một vị trì giới, huống chi người ấy có thể dùng tín tâm nghe pháp trong khoảnh khắc thì hơn người kia gấp trăm ngàn lần.

Lúc đó anh ta lại hỏi vị Thượng tọa thứ hai, vị Thượng tọa thứ hai trả lời:

–Giả sử có người được mười vạn xe vàng cũng không bằng có người lấy một bát cơm cúng dường cho người trì giới, huống chi người ấy lại hoan hỷ nghe pháp trong khoảnh khắc.

Anh ta lại hỏi vị Thượng tọa thứ ba. Vị ấy đáp:

–Nếu có người được mười vạn nhà vàng, cũng không bằng cúng dường cho vị trì giới một bát cơm, huống chi lại còn nghe pháp.

Lại hỏi vị Thượng tọa thứ tư. Vị ấy đáp:

–Nếu có người được mười vạn nước bằng vàng, cũng không bằng có người cúng dường cho vị trì giới một bát cơm, huống chi người ấy lại còn nghe pháp nữa thì sẽ hơn gấp trăm lần vạn lần.

Cứ hỏi thứ lớp như vậy cho đến Tôn giả A-na-luật. Tôn giả Ana-luật nói:

–Nếu có người được vàng đầy bốn thiên hạ vẫn không bằng có một người cúng dường cho vị trì giới một bát cơm, huống chi người ấy lại còn nghe pháp.

Ngài Di-lặc hỏi:

–Như chỗ Tôn giả nói nếu có người cúng dường cho vị Tỳ-kheo một bát cơm cũng vẫn hơn người được vàng đầy cả bốn châu thiên hạ, tại sao như vậy?

Tôn giả A-na-luật đáp:

–Điều này chính tự thân tôi chứng nghiệm.

Tôi nhớ lại ngày xưa, cách đây chín mươi ức kiếp, có một vị trưởng giả, ông ta có hai người con, một người tên là Lợi-sất, còn người kia tên là A-lợi-sất. Ông thường dạy con:

–Cái gì hễ cao thì sẽ rớt, thường thì cũng sẽ chấm dứt. Hễ sinh thì phải tử, họp hội thì phải chia ly.

Rồi trưởng giả bị bệnh, giờ lâm chung sắp đến, ông dặn dò hai con:

–Cẩn thận đừng ở riêng. Giống như một sợi tơ thì không thể cột nổi một con voi, phải dùng nhiều sợi tơ chập lại thì con voi không thể bứt đứt. Anh em cùng sống chung nhau, như nhiều sợi tơ chập lại vậy.

Khi trưởng giả dặn dò con xong thì trút hơi thở cuối cùng.

Nhớ lời khuyên bảo của cha mà hai em sống chung với nhau, hết sức kính nhường nhau. Sau đó người em cưới vợ, sống với nhau chưa bao lâu thì người vợ nói với chồng mình:

–Anh như một tên đầy tớ. Vì sao vậy? Vì tiền của dùng để nuôi sống mà anh như người khách, tất cả đều do anh của anh nắm cả. Anh nay chỉ được áo cơm mà thôi, không phải nô lệ là gì?

Nàng nói mấy lời như vậy, khi ấy tâm của hai vợ chồng thay đổi, yêu cầu người anh ở riêng. Người anh nói với em:

–Em không nhớ lời cha nói lúc lâm chung sao?

Nhưng người em vẫn không tự cải hối, mấy lần yêu cầu anh ở riêng. Người anh thấy ý của em đã quyết, liền chấp thuận chia gia tài, tất cả vật sở hữu, đều chia làm hai phần bằng nhau. Nhưng vợ chồng của người em, vì tuổi trẻ nên chơi bời buông thả, ăn tiêu xa xỉ, chưa được bao lâu mà đã trở nên bần cùng nghèo khổ, nên đi đến người anh để xin ăn. Lúc ấy người anh cho họ mười vạn đồng. Khi được tiền họ ra đi, nhưng chưa bao lâu lại tiêu sạch. Họ lại đến xin người anh. Sáu lần như vậy, người anh đều cho mỗi lần mười vạn đồng. Đến lần thứ bảy họ trở lại để xin thì người anh liền trách mắng:

–Mày không nhớ lời cha dạy lúc lâm chung, đòi chia gia tài, ở riêng mày không ra sức làm ăn đàng hoàng mà trở lại đây cầu xin tài vật. Nay lại cho mày mười vạn đồng nữa. Từ nay về sau nếu không chịu làm ăn đàng hoàng mà trở lại đây để cầu xin nữa, thì ta sẽ không cho gì nữa cả.

Khi nghe những lời cay đắng của anh, hai vợ chồng ra sức làm ăn, nhờ đó dần dần giàu có. Lúc ấy tiền của người anh thất thoát, dần dần trở nên nghèo khổ, đi đến xin người em, nhưng người em vẫn không cho người anh một bữa ăn, lại còn nói như vầy:

–Anh luôn luôn giàu có, cũng bị nghèo nữa sao? Ngày trước tôi đến để xin, bị anh trách mắng thậm tệ, ngày nay vì cớ gì mà đến đây để xin tôi?

Người anh nghe lời nói ấy rồi, hết sức buồn khổ, tự nghĩ: “Cùng là anh em mà còn như vậy, huống chi người ngoài?” Anh liền nhàm chán sự sinh tử, không trở về nhà nữa, vào núi học đạo, siêng năng khổ hạnh, được quả Bích-chi-phật.

Sau đó dần dần, người em cũng trở nên nghèo khổ, gặp nạn đói kém, phải đi bán củi để kiếm sống. Bấy giờ vị Bích-chi-phật vào thành để khất thực, nhưng chẳng có gì cả, ôm bát không đi ra. Khi ấy người bán củi thấy vị Bích-chi-phật ôm bát không ra khỏi thành, nhờ bán củi nên có lúa tẻ, lúa mạch, muốn đem cúng cho ngài, nên nói với vị Bích-chi-phật:

–Tôn giả có thể ăn món ăn dở chăng?

Đáp:

–Không cần ngon hay dở miễn nuôi thân là được.

Người bán củi khi ấy liền cúng cơm cho ngài. Vị Bích-chi-phật thọ nhận và ăn. Sau khi ăn xong, bay lên hư không, làm mười tám cách biến hóa, liền trở về chỗ an trú.

Người bán củi, sau đó đi kiếm củi, thấy một con thỏ, anh lấy gậy đập rồi mang về. Con thỏ biến thành người chết, bỗng nhiên đến ôm lấy cổ anh, nó bắt anh, anh dùng nhiều cách để hất nó xuống, nhưng không thể nào hất được. Anh cởi áo nhờ người kéo giữ nó lại, cũng không thể thoát được; lần lựa cho đến trời tối, anh cõng nó về nhà. Khi về đến nhà, người chết tự thả tay rơi xuống dưới đất, biến thành người bằng vàng ròng. Khi ấy người bán củi  liền chặt đứt đầu người vàng, nhưng đầu liền mọc lại, anh chặt đứt tay chân nó, nhưng tay chân liền mọc lại. Trong khoảnh khắc đầu vàng và tay vàng đầy cả phòng anh, chất thành một đống lớn.

Người hàng xóm thấy vậy tâu với quan:

–Người bần cùng này tự nhiên trong nhà có một đống vàng.

Nhà vua nghe vậy bảo sứ đến âm thầm tra xét. Khi sứ vào trong nhà thấy toàn là tử thi hôi thối, tay chân người chết. Anh tự cầm cái đầu vàng đến dâng cho vua, nó liền biến thành vàng ròng.

Nhà vua rất hoan hỷ, nói: “Đây là người có phước”, liền phong cho anh nhiều thôn xóm. Từ đó đến lúc mạng chung, vị ấy được sinh lên cõi trời thứ hai, làm Thiên đế Thích. Đến lúc sinh xuống nhân gian làm Chuyển luân thánh vương, làm vua trời, vua cõi người chín mươi mốt kiếp, không bao giờ đoạn tuyệt.

Nay thân cuối cùng sinh trong dòng họ Thích. Ngày đầu tiên khi mới sinh trong bốn mươi dặm những châu báu giấu dưới đất tự nhiên xuất hiện, sau đó lần lần lớn thêm ra. Người anh là Thích-ma-nam được cha thương mến. Mẹ của Tôn giả A-na-luật muốn thử các con, khi ấy bà bảo người nói:

–Hôm nay không có cái ăn.

Tôn giả A-na-luật nói:

–Hãy mang cái nồi không đến đây.

Bà mẹ liền đem cái nồi không đến. Khi ấy tự nhiên trong cái nồi không bỗng nhiên có đồ ăn trăm vị tràn đầy. Dẫu cho lấy vang trong bốn thiên hạ để tiêu dùng thì một kiếp cũng không đủ, huống chi trong chín mươi mốt kiếp, trường thọ hưởng khoái lạc? Sở dĩ ngày nay tôi được đồ ăn thức uống tự nhiên như vậy là do thân đời trước cúng dường chư vị Bích-chi-phật một bát cơm, nay mới được quả báo như vậy.

Trên từ chư Phật dưới đến Phạm thiên, người giữ giới thanh tịnh, đều gọi là trì giới.

Bấy giờ thợ xâu ngọc nghe lời ấy xong, trong tâm hết sức hoan hỷ.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10