SỐ 203
KINH TẠP BẢO TẠNG
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Sa-môn Kiết-ca-dạ và Đàm Diệu.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 9

Gồm mười bốn chuyện:

  1. Chuyện Ca-chiên-diên giải thích tám giấc mộng của vua Ác Sinh.
  2. Chuyện con mèo vàng.
  3. Chuyện vua Ác Sinh được năm trăm cái bát.
  4. Chuyện người cầu vị trời Tỳ-ma mong được giàu lớn.
  5. Chuyện quỷ Tử mẫu mất con.
  6. Chuyện người chủ tế trời.
  7. Chuyện thờ thần cây.
  8. Chuyện người phụ nữ nhàm chán dục, xuất gia.
  9. Chuyện đứa con bất hiếu bị khổ báo.
  10. Chuyện luận nghị của vua Nan-đà và Na-già-tư-na.
  11. Chuyện người vợ bất hiếu, ý muốn hại mẹ chồng trở lại giết chồng.
  12. Chuyện vua nước Ba-la-nại nghe tiếng kêu trong gò mả.
  13. Chuyện Tỳ-kheo già được bốn quả.
  14. Chuyện người nữ chí thành được đắc quả.

 

102- CHUYỆN CA-CHIÊN-DIÊN GIẢI THÍCH TÁM GIẤC MỘNG CỦA VUA ÁC SINH

Ngày xưa vua Ác Sinh hành động tàn bạo, không có lòng từ mẫn, tin, hành toàn theo tà kiến. Đức Như Lai đại Bi bảo các đệ tử đi khắp các nước để giáo hóa. Tôn giả Ca-chiên-diên là người dòng Bà-la-môn thuộc nước của vua Ác Sinh nên Đức Phật liền bảo Tôn giả Ca-chiên-diên trở về giáo hóa cho vị quốc vương, cùng với nhân dân xứ này.

Khi ấy Tôn giả Ca-chiên-diên vâng theo lời Phật dạy liền trở về bổn quốc. Bấy giờ vua Ác Sinh không thấy điều chân chánh, phụng thờ tà đạo, vào sáng sớm, thường không muốn thấy người trước khi đến lạy ở miếu thờ trời. Lúc ấy Tôn giả Ca-chiên-diên vì muốn khai hóa cho vua Ác Sinh cho nên lúc bình minh, dậy sớm, hóa làm một người lạ giống như sứ giả ở xa, hình mạo đoan chánh, vào trong cửa cung vua. Khi ấy vua mới thấy Ca-chiên-diên, ngài liền hiện nguyên hình là Sa-môn.

Nhà vua đối diện với Đạo sĩ đã cạo bỏ râu, tóc, thì lại càng thêm cay ghét. Nhà vua hết sức tức giận quát:

–Nay nhà ngươi phải chết. Vua liền bảo người đem Tôn giả

Ca-chiên-diên đi định giết.

Tôn giả Ca-chiên-diên tâu với vua:

–Tôi có lỗi gì mà mới thấy tôi ngài muốn giết?

Nhà vua lại nói:

–Ngươi là người không có râu tóc, thấy ngươi là điều không lành, cho nên nay ta muốn giết ngươi.

Tôn giả Ca-chiên-diên liền đáp:

–Nay cái điều không lành ấy là ở nơi tôi chớ không phải ở nơi vua. Vì sao vậy? Vì vua tuy thấy tôi nhưng vua hoàn toàn không có tổn giảm gì cả. Còn tôi thấy vua, thì vua muốn chết. Theo đó mà suy: Cái gọi là không lành ấy là ở nơi tôi.

Nhà vua vốn thông minh nghe lời nói ấy rồi liền lãnh hội ý Tôn giả, liền thả Tôn giả Ca-chiên-diên, không còn khởi ác tâm với ngài nữa. Nhà vua bí mật sai hai người đi theo sau ngài để xem chỗ nghỉ ngơi, xem ngài ăn đồ ăn gì. Họ thấy Tôn giả Ca-chiên-diên ngồi dưới gốc cây, đi khất thực về thì ăn. Trong khi ăn, ngài chia đồ ăn cho hai người cùng ăn. Ngài để lại chút đồ ăn dư bỏ xuống dưới song cho cá ăn.

Hai người khi trở về nhà, vua hỏi về chỗ nghỉ ngơi và sự ăn uống của Tôn giả. Hai người như điều thấy ở trên tâu đầy đủ với vua. Ngày hôm sau nhà vua thỉnh Tôn giả Ca-chiên-diên và mời ngài thọ thực với đồ ăn thô sơ. Nhà vua bảo người đến hỏi:

–Đồ ăn hôm nay có vừa ý ngài chăng?

Tôn giả đáp:

–Mục đích của sự ăn là để cho no đủ.

Ngày hôm sau nhà vua dâng cho ngài món ăn thượng vị, ngon lành. Nhà vua lại bảo người đến hỏi ngài:

–Ngài thấy vừa ý chăng?

Đáp:

–Mục đích của sự ăn là để cho no đủ.

Sau đó nhà vua hỏi Tôn giả:

–Tôi đã cúng dường đồ ăn cho ngài mà ngài không nói ngon hay dở, chỉ nói là “no, đủ”, vậy có ý nghĩa gì?

Tôn giả Ca-chiên-diên trả lời nhà vua:

–Phàm thân và miệng giống như cái bếp, vật chiên-đàn nó cũng tiêu hóa, vật thối tha nó cũng tiêu hóa. Thân và miệng cũng như vậy. Bất cứ đồ ăn ngon hay dở, miễn no là được.

Ngài liền nói kệ:

Thân này như chiếc xe

Không lựa chọn ngon, dở

Dầu thơm và mỡ thối

Vẫn đều chuyên chở hết.

Nhà vua nghe lời nói ấy nên biết rõ về Đại đức. Vua lại lấy đồ ăn ngon và dở đem cúng cho Bà-la-môn. Các Bà-la-môn lúc đầu nhận được đồ ăn dở, thảy đều tức giận, biến sắc mặt, mắng chửi.

Nhưng sau khi nhận được đồ ăn ngon, họ hoan hỷ khen ngợi.

Nhà vua thấy các Bà-la-môn đối với việc ăn uống mà tâm sinh mừng giận, cho nên tâm sinh càng thêm tín kính đối với Tôn giả Cachiên- diên.

Bấy giờ Tôn giả có một vị nữ tín chủ tên là Ngoại Sinh, trước ở ngoài thành, sống trong tụ lạc của Bà-la-môn, có một mái tóc rất đẹp. Đã đến mùa an cư, cô có ý muốn cúng dường, mới cắt tóc mình đem bán, được năm trăm đồng tiền vàng, bèn thỉnh Tôn giả Ca-chiên-diên đến an cư để mình được cúng dường.

Tôn giả Ca-chiên-diên, sau mùa hạ an cư xong, lại trở vào trong thành. Khi ấy ở trong cung vua Ác Sinh có một con chim trĩ bỗng chết. Giống như vua Chuyển luân vương muốn ăn thịt chim trĩ, vua Ác Sinh cũng muốn ăn nó.

Một vị đại thần trí tuệ tâu với vua:

–Đối với chim trĩ này không nên tự ý ăn thịt mà nên thí nghiệm trước.

Vua nghe theo lời nói ấy, liền bảo người cắt một miếng nhỏ đem cho chó ăn. Khi chó được ăn thịt, liền tham đắm mùi vị của thịt bèn ăn luôn cả lưỡi của mình liền bị chết. Nhà vua lại cắt một miếng thịt nhỏ nữa, để thí nghiệm nơi một người, người ấy ăn thịt xong, cũng tham đắm vị ngon của nó, cho đến tự ăn luôn cả tay của mình mà chết.

Vua thấy như vậy nên hết sức sợ hãi. Nghe có người nói thứ thịt này chỉ có Chuyển luân thánh vương, người có trí vô lậu đắc đạo, mới có thể ăn được. Nhà vua liền bảo người xào nấu thịt này thật ngon, rồi đem cúng cho Tôn giả Ca-chiên-diên. Tôn giả Ca-chiên-diên ăn thịt này xong thân thể vẫn bình an.

Ngày hôm sau nhà vua bảo người đến rình xem, thì thấy Tôn giả nhan sắc tươi sáng hơn lúc bình thường.

Khi nhà vua nghe lời ấy rồi, cho là hết sức đặc biệt càng them tôn trọng Tôn giả, mà lại khinh chê các Bà-la-môn ngoại đạo. Nhà vua hỏi Tôn giả Ca-chiên-diên:

–Mùa hạ này Tôn giả an cư ở đâu? Nay đi về phương nào?

Tôn giả nói một cách đầy đủ:

–Nhờ cô gái tên là Ngoại Sinh bán tóc lấy tiền cúng dường chúng Tăng.

Nhà vua nghe Tôn giả nói như vậy, mới nói:

–Người trong cung của ta có đầu tóc thật đẹp, nhưng để xứng đáng tiền bằng đồng thì bất quá được vài người. Nay Tôn giả nói đầu tóc vị ấy, trị giá đến năm trăm đồng vàng. Vậy nếu cô gái này có đầu tóc phi thường, thì thân hình nàng phải tuyệt đẹp. Nhà vua liền hỏi tên họ của cha mẹ cô gái ấy, rồi bảo sứ giả đến đó đích than xem thân hình của nàng, sứ giả thấy nàng dung mạo siêu tuyệt, đúng là nhà vua đã nghĩ. Vua liền bảo sứ đem lễ vật đến hỏi nàng làm vợ, nhưng gia đình của nàng đòi hỏi thật nhiều châu báu, thành ấp, tụ lạc. Nhà vua suy nghĩ: “Nếu ta cho nhà họ, khi nàng về đây thì của cải đó cũng thuộc về ta.” Nhà vua liền ban cho nhà nàng và được nàng nhận làm chồng.

Ngày rước lễ đầu tiên, cả nước đều vui mừng, mọi người đều nói là rất tốt. Nhà vua lại ra lệnh đại xá, phóng thích tất cả tù nhân.

Từ đó nàng có danh hiệu là Thi-bà-cụ-sa phu nhân. Nhà vua rất vui mừng, kính nể người vợ. Về sau nàng sinh được một thái tử tên là Kiều-bà-la.

Bấy giờ, nhà vua đang nằm ngủ, mộng thấy tám việc:

  1. Trên đầu lửa cháy.
  2. Hai con rắn cột lưng lại với nhau.
  3. Một cái lưới sắt nhỏ bao quanh thân.
  4. Hai con cá đỏ nuốt hai chân vua.
  5. Bốn con hạc trắng bay về hướng nhà vua.
  6. Vua đi trong huyết bùn, bùn biến mất nơi nách của vua.
  7. Vua lên núi Thái bạch.
  8. Chim Quán tước ỉa trên đầu vua.

Sau khi tỉnh giấc, nhà vua cho đó là điều chẳng tốt cho nên sầu lo buồn thảm, liền đến hỏi các Bà-la-môn. Các Bà-la-môn nghe vua nói mộng này, họ vốn hiềm ghét nhà vua, hiềm ghét Tôn giả, cho nên nhân giấc mộng của vua họ nói:

–Này Đại vương, đó là điềm chẳng lành. Nếu không cúng trừ, họa sẽ đến thân vua.

Nhà vua nghe lời nói ấy tin là đúng, càng thêm sầu não, liền hỏi:

–Lúc cúng trừ thì cần vật gì?

Các Bà-la-môn đáp:

–Vật cần cúng trừ là thứ vua yêu mến. Nếu chúng tôi nói thì vua chắc chắn không thể làm được.

Nhà vua đáp:

–Điều mộng này hết sức hung ác, chỉ lo tai ương lớn ập đến ta, trừ thân ta ra, ta chẳng tiếc thứ gì cả. Xin các ngài hãy nói những vật cần thiết ấy cho ta.

Các Bà-la-môn thấy vua ân cần, biết trong tâm nhà vua lo lắng, liền nói với vua:

–Những vật cần thiết ấy là: Trong giấc mộng này có tám điều, cần phải dùng tám thứ để cúng tế cầu khỏi tai họa:

  1. Giết phu nhân Thi-bà-cụ-sa mà vua kính mến.
  2. Giết thái tử Kiều-bà-la mà vua thương yêu.
  3. Giết đại thần phụ tướng.
  4. Giết con chim thần của vua.
  5. Giết con voi một ngày có thể đi được ba ngàn dặm của vua.
  6. Giết con lạc đà một ngày có thể đi được ba ngàn dặm của vua.
  7. Giết con ngựa hay của vua.
  8. Giết gã đầu trọc Ca-chiên-diên.

Nếu sau bảy ngày, giết tám thứ đó lấy huyết trộn lại rồi bôi vào thân mà đi thì có thể được tiêu tai nạn.

Nhà vua nghe nói lời ấy, vì cho mạng của mình là trọng, liền đồng ý. Khi trở về cung, vua âu sầu áo não. Phu nhân hỏi vua:

–Vì sao ngài buồn như vậy?

Nhà vua trả lời phu nhân đầy đủ về giấc mộng bất thường ở trên và nói những điều Bà-la-môn cần cúng tế để trừ mộng dữ. Phu nhân nghe xong mới nói:

–Chỉ để cho thân vua được bình an, không tai họa, còn than hèn mọn của thiếp thì không cần đề cập đến sao?

Bà liền tâu với vua:

–Sau bảy ngày nữa thiếp sẽ phải chết, vậy hãy cho thiếp đến chỗ Tôn giả Ca-chiên-diên trong sáu ngày để thọ trai, nghe pháp.

Vua nói:

–Không được. Nếu nàng tới đó nói sự thật cho Tôn giả, nếu Tôn giả biết được việc ấy bỏ ta mà bay mất thì sao?

Song phu nhân ân cần xin mãi, vua không thể từ chối được đành cho đi. Khi phu nhân đến chỗ Tôn giả rồi, đảnh lễ thăm hỏi. Đã qua bảy ngày mà phu nhân vẫn còn ở, Tôn giả thấy lạ hỏi:

–Phu nhân của vua chưa từng đến đây ở lại thời gian lâu thế, sao hôm nay lại lạ vậy?

Phu nhân nói rõ về ác mộng của nhà vua. Sau bảy ngày nữa là vua sẽ giết hết chúng ta, để cúng tế cầu tiêu tai ương họa hoạn. Con còn sống sót chẳng mấy ngày nữa, cho nên đến đây để nghe pháp.

Do phu nhân nói cho Tôn giả nghe giấc mộng của vua, Tôn giả

Ca-chiên-diên nói:

–Giấc mộng ấy hết sức tốt, phải nên vui mừng, không nên lo lắng: “Lửa cháy trên đầu” là điềm vị vua nước Bảo trụ sẽ dâng cho vua cái mão trời, giá trị mười vạn lượng vàng, họ sẽ đem cống hiến cho vua, chính là điềm mộng này.

Trong lòng phu nhân rất nóng nảy vì sắp hết bảy ngày thì sẽ bị vua giết, sợ điều Tôn giả đoán đến chậm, bà thưa Tôn giả:

–Chừng nào điều đó sẽ đến?

Tôn giả đáp:

–Xế chiều ngày hôm nay sẽ đến. Còn “hai con rắn giao lưng” là vua nước Nguyệt chi sẽ hiến cho vua hai cây kiếm giá trị mười vạn lượng vàng, trong ngày hôm nay sẽ đến. Còn “lưới sắt mỏng quấn quanh thân” là điềm vua nước Đại tần sẽ hiến cho vua viên ngọc Anh lạc trị giá mười vạn lượng vàng, sáng mai sẽ đem đến.

Còn “con cá đỏ nuốt hai chân” là điềm vua nước Sư tử sẽ hiến cho vua đôi dép báu Tỳ lưu ly trị giá mười vạn lượng vàng, sau giờ ăn ngày mai sẽ đem đến. Còn “bốn con bạch hạc đến” là điềm vua nước Bạt-kỳ sẽ hiến cho nhà vua xe báu bằng vàng, trong giờ ngọ ngày mai sẽ đem đến. Còn “đi trong máu bùn” là điềm nước An tức sẽ hiến cho nhà vua cái áo da nai Khâm-bà-la, trị giá mười vạn lượng vàng, vào lúc mặt trời xế bóng ngày mai sẽ đem đến. Còn “lên núi Thái bạch” là điềm vua nước Khoáng dã sẽ hiến cho nhà vua con Đại tượng, chiều mai sẽ đem đến. Còn “con chim Quán tước ỉa trên đầu” là điềm nhà vua và phu nhân sẽ có chuyện riêng bí mật, sự việc này đến ngày hôm sau sẽ rõ.

Quả đúng như lời Tôn giả nói, thời hạn đã đến, tất cả những vật cống hiến của các nước đều đem đến, nhà vua rất vui mừng. Phu nhân Thi-bà-cụ-sa trước đây đã có mão trời, nay lại được nước Bảo trụ cống hiến thêm một mão trời (Thiên quan) nữa. Nhà vua nhân đó mới đùa cợt, cởi mão trời mà phu nhân Thi-bà-cụ-sa đang đội, vua đội thêm một cái nữa lên đầu mình, rồi vua choàng cái vòng vang đẹp lên đầu phu nhân.

Phu nhân tức giận nói:

–Nếu có điều xấu thì tôi phải chịu trước, nay được mão trời thì người khác đội.

Bấy giờ phu nhân liền lấy hũ đựng sữa ném lên đầu vua, làm cho đầu vua dính đầy sữa. Khi ấy vua bừng bừng tức giận, rút kiếm định chém phu nhân. Phu nhân sợ hãi chạy vào trong phòng đóng cứng cửa lại, khiến cho nhà vua không thể tiến tới được. Bấy giờ nhà vua tự ngộ điều Tôn giả đoán mộng nói: “Có bí mật riêng”, chính là điều này. Nhà vua cùng phu nhân liền đi đến chỗ Tôn giả Ca-chiên-diên trình bày đầy đủ chuyện trên và nói:

–Vì tin lời nói phi pháp của bọn ác tà, đã mấy lần con định làm chuyện đại ác đối với Tôn giả, vợ con, đại thần và các vật mến yêu.

Nay mong Tôn giả trình bày lẽ thật, khai thị kẻ đui mù này để cho con được thấy chánh đạo, xa lìa điều ác.

Nhà vua liền mời Tôn giả đến để kính phụng cúng dường, xua đuổi các Bà-la-môn đi xa khỏi lãnh thổ vua đang ngự trị, rồi hỏi Tôn giả:

–Do nhân duyên gì mà các nước như vậy lại đem những vật quý báu của họ để dâng hiến cho con?

Tôn giả đáp:

–Về thời quá khứ, cách đây chín mươi mốt kiếp, bấy giờ có

Đức Phật tên là Tỳ-bà-thi. Khi Đức Phật xuất thế, có một nước tên là Bàn-đầu, thái tử của nước ấy hết sức tin tưởng, vui vẻ, siêng năng, đến chỗ Đức Phật cúng dường lễ bái. Thái tử liền lấy cái mão trời đang đội, kiếm báu, ngọc anh lạc, voi lớn, xe báu, y Khâm-bà-la cúng dường Đức Phật. Nhờ phước lành ấy nên đời đời được tôn quý, những châu báu ưa thích, không cần cũng tự đến.

Nhà vua nghe điều này xong, càng thêm kính tín Tam bảo, đảnh lễ rồi trở về cung.


103- CHUYỆN CON MÈO VÀNG

Ngày xưa vua Ác Sinh dạo chơi trên nhà của khu vườn Lâm uyển, thấy một con mèo vàng từ góc Đông bắc chạy vào góc Tây nam. Nhà vua bảo người đào ngay chỗ ấy lên, thì thấy một cái bình bằng đồng, bình đồng ấy chứa đầy ba hộc tiền vàng. Cứ từ từ đào sâu xuống, lại được một cái bình nữa. Như vậy thứ lớp được ba cái bình, mỗi bình đều chứa ba hộc, dần dần đào sang một bên cũng được một cái bình đồng. Cứ đào mãi cho tới năm dặm đều được bình bằng đồng chứa đầy tiền vàng. Khi ấy vua Ác Sinh cho là một chuyện rất kỳ lạ, liền đi đến chỗ Tôn giả Ca-chiên-diên thưa với Tôn giả nghe đầy đủ về nguyên nhân được tiền và nói rằng:

–Con muốn sử dụng số tiền ấy, nó không có đem đến tai họa cho con và mọi người trong nước chứ?

Tôn giả đáp:

–Bởi vì nhân tốt đời trước của Đại vương đã gieo nên nay mới được phước báo cứ dùng sẽ không khổ.

Nhà vua liền hỏi:

–Không rõ nguyên nhân của con đời trước đã làm những gì?

Tôn giả đáp:

–Hãy lắng nghe, lắng nghe!

Vào thời quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp, trong thời mạt pháp của Đức Phật Tỳ-bà-thi, khi ấy có các Tỳ-kheo, ở đầu ngã tư đường, làm một cái tòa cao lớn, để bình bát ở trên, nói:

–Có người thế gian nào có thể đối với trong kho tàng bền chắc, đem tiền tài bỏ vào kho tàng này thì nước không thể trôi, lửa không thể cháy, vua không thể lấy, giặc không thể cướp.

Khi ấy có một người nghèo, trước đây nhân bán củi được ba đồng tiền, nghe lời nói ấy, sinh tâm hoan hỷ, liền đem tiền ấy bỏ vào trong bát thành tâm phát nguyện. Anh rời xa nhà năm dặm, rồi quay trở về, từng bước, từng bước hoan hỷ. Khi vào trong cửa, anh hướng đến chỗ khuyến hóa chí tâm phát nguyện, sau đó mới vào nhà.

Tôn giả nói:

–Người nghèo khi ấy, nay là vua vậy, nhờ đời xưa dùng ba đồng tiền cúng dường mà đời đời vua được giàu sang thường được ba lớp bình tiền như vậy. Lại nhờ đi năm dặm đường từng bước hoan hỷ, nên thường ở trong năm dặm, có tiền vàng này.

Nhà vua nghe về đời trước của mình nên vui mừng ra về.


104- CHUYỆN VUA ÁC SINH ĐƯỢC NĂM TRĂM CÁI BÁT

Ngày xưa vua Ác Sinh đi đến thành Uất-thiền-diên. Khi ấy người giữ cửa, buổi sáng mở cửa. Ngoài cửa bỗng nhiên có năm tram chiếc xe, mỗi xe đều có chở bát báu, trong mỗi bát đều chứa đầy lúa vàng. Tất cả đều có đóng ấn niêm phong, đề chữ: “Những bát này biếu cho vua Ác Sinh.”

Khi ấy người mở cửa tâu với vua:

–Bên ngoài có bát quý, trên bát đề chữ: “Biếu cho vua”.

Không rõ bây giờ có nên nhận chăng?

Nhà vua suy nghĩ: “Những vật báu này bỗng nhiên lại đến, hoặc đây là điều không lành, nếu ta nhận, có thể làm cho nước nhà bị tai họa chăng?”. Nghĩ như vậy, nhà vua liền đến chỗ Tôn giả Ca-chiên-diên hỏi:

–Sáng nay mở cửa bỗng thấy bát báu, trên bát có dấu ấn, đề:

“Biếu cho vua Ác Sinh. Không rõ đó là điều tốt hay xấu, có nên lấy chăng?”

Tôn giả đáp:

–Đó là quả báo phước đức đời trước của vua, cứ nhận lấy đừng nghi ngờ.

Nhà vua bạch Tôn giả:

–Nhân đời trước con tu công đức gì mà lại được quả báu này?

Tôn giả đáp:

–Ngày xưa cách đây chín mươi mốt kiếp, trong núi Tiên nhân có một vị Bích-chi-phật gặp lúc trời mưa trợt té, liền bị bể bát. Khi ấy vị Bích-chi-phật đi đến nhà thợ làm đồ gốm để xin cái bát. Thợ làm đồ gốm liền lấy năm cái bát chứa đầy nước, hoan hỷ cúng dường cho vị Bích-chi-phật. Khi được bát rồi ngài ném bát lên hư không rồi phi thân bay theo, hiện mười tám cách biến hóa.

Bấy giờ vợ, con của người thợ làm đồ gốm cùng người đến mua đồ gốm thấy sự thần biến này thảy đều hết sức vui mừng hớn hở.

Thợ làm đồ gốm lúc ấy chính là thân của vua, còn người vợ của thợ gốm lúc ấy là phu nhân Thi-bà-cụ-sa, người con lúc ấy là thái tử Kiều-bà-la, người mua hàng lúc ấy là phụ tướng Phú-lô-khuy, vợ của người mua hàng là vợ của phụ tướng.

Nhà vua lại hỏi:

–Không rõ những cái bát này là tự nhiên hiện ra hay từ đâu đến?

Tôn giả đáp:

–Cái bát ấy không phải tự nhiên có, chúng đến từ trong Long cung dưới sông Hằng. Vì sao biết? Bởi vì ở quá khứ, Bà-la-môn cậu của vua La-ma tu hành thanh tịnh, ở bên bờ sông Hằng. Khi ấy vua La-ma hằng ngày lấy bát báu đựng cơm cho cậu. Theo pháp của Bà-la-môn, vật dụng không dùng trở lại, ăn xong ném bát xuống dòng sông Hằng. Khi ấy có con rồng mù nhặt những bát báu chứa đầy lúa vàng để trong cung của nó. Những bát đã ném xuống sông Hằng ngày càng nhiều. Do đó có đến năm trăm xe bát. Khi con rồng mù mạng chung, lại không có con giữ những bát ấy. Vì Thiên đế Thích biết vua ngày xưa đã cúng những bát ấy, nên ngày nay trả lại cho vua.

Nhà vua nghe lời ấy liền lấy những bát báu ấy để làm phước, rộng tu bố thí cúng dường Tam bảo. Nhờ nhân duyên này về sau sinh đến chỗ lành.


105- CHUYỆN NGƯỜI CẦU VỊ TRỜI TỲ-MA MONG ĐƯỢC GIÀU LỚN

Ngày xưa có hai anh em nhà cửa nghèo khó. Người anh ngày đêm thường tinh cần lễ bái cầu vị trời Tỳ-ma mong được giàu lớn, mới bảo người em cày ruộng gieo giống. Anh cầu thỉnh như vậy trải qua thời gian lâu. Khi ấy vị trời Tỳ-ma hóa làm người em, đến bên cạnh anh. Người anh tức giận nói với em:

–Sao em lại không ra sức trồng tỉa, đến đây làm gì?

Khi ấy người em đáp:

–Anh ở tại chùa thờ trời, ngày đêm cầu thỉnh mong được giàu lớn. Ngày hôm nay em cũng muốn bắt chước anh, trai giới cầu nguyện, mong được giàu lớn.

Người anh nói với em:

–Em không chịu cày bừa gieo giống, thì làm sao được giàu sang phú quý?

Người em trả lời anh:

–Có phải thật sự nhờ trồng tỉa mới thu hoạch được sao?

Người anh không thể trả lời được. Khi đó vị Trời Tỳ-ma hiện nguyên hình là vị trời, nói:

–Năng lực hiện nay của ta có thể giúp ngươi một cách chân chánh ấy là ngày nay ngươi phải tu hành, bố thí thì ngày sau mới có thể giàu có. Bởi nhiều kiếp quá khứ của ngươi không tu bố thí cho nên mới bị bần cùng. Bây giờ tuy ngươi ngày đêm siêng năng cầu ta để được giàu có, với nhiều tiền tài châu báu nhưng làm sao mà có được. Như cây xoài vào mùa đông, dù có phụng thờ trăm ngàn Thiên thần muốn cho có trái, trái cũng không thể có được, ngươi cũng như vậy, trước không tu nhân, mà lại đến ta cầu xin được giàu có thì làm sao mà được. Khi quả đã chín rồi không cầu mà vẫn cứ có.

Vị trời bèn nói kệ:

Phước nghiệp như trái chín

Không cần phải thờ cúng

Người cỡi trên xe giới

Sau được sinh lên trời.

Định kiến như đèn tắt

Muốn đến cõi vô vi

Tất cả do hành dụng

Cầu trời ích lợi gì?


106- CHUYỆN QUỶ TỬ MẪU MẤT CON

Quỷ Tử mẫu là vợ của Quỷ thần vương Bàn-xà-ca, có một vạn người con, chúng đều có sức mạnh của đại lực sĩ. Người con út tên là Tần-già-la.

Quỷ Tử mẫu này rất hung ác, yêu nghiệt và bạo ngược, giết con nít để ăn thịt. Nhân dân bị nó gây ra tai họa, họ mới tới bạch Đức Phật, mong Ngài cứu nạn.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền bắt đứa con út của bà ta là Tần-già-la bỏ dưới đáy bình bát của Ngài.

Khi ấy quỷ Tử mẫu đi khắp thiên hạ, trong suốt bảy ngày tìm con, mà chẳng được nên buồn rầu, áo não. Bà nghe người ta đồn:

“Đức Phật Thế Tôn có Nhất thiết trí. Bà liền đến chỗ Đức Phật để hỏi hiện nay con bà ở đâu.

Khi ấy Đức Phật đáp:

–Ngươi có tới một vạn người con, mà chỉ mới mất một đứa, cớ sao ngươi lại đi kiếm tìm ưu sầu khổ não? Còn người dân ở trong thế gian, hoặc có một đứa con, hoặc có năm, ba đứa con mà ngươi lại đành giết hại thì họ sẽ khổ như thế nào?

Quỷ tử mẫu bạch Đức Phật:

–Nếu nay con tìm được Tần-già-la, con thề suốt đời không giết hại con của người ta nữa.

Khi ấy Đức Phật liền khiến cho quỷ Tử mẫu thấy Tần-già-la ở dưới đáy bình bát của Ngài. Bà dùng hết sức lực nhưng không thể đem con ra được, bà lại cầu Đức Phật. Đức Phật nói:

–Nếu nay ngươi có thể thọ Tam quy, Ngũ giới, suốt đời không sát sinh, ta sẽ trả con lại cho ngươi.

Quỷ Tử mẫu liền như lời Phật dạy, bà thọ Tam quy và giữ Ngũ giới. Khi bà thọ trì xong, Đức Phật liền trả con lại cho bà.

Đức Phật dạy:

–Ngươi hãy khéo trì giới. Vào thời Đức Phật Ca-diếp, ngươi là con gái út thứ bảy của vua Yết-nị, có làm công đức lớn, nhưng vì không trì giới, mới thọ thân hình quỷ.


107- CHUYỆN THIÊN TỰ CHỦ

Ngày xưa có một Bà-la-môn thờ vị trời Ma thất, ngày đêm phụng sự. Vị trời ấy liền hỏi:

–Ngươi cầu việc gì?

Bà-la-môn thưa:

–Nay tôi cầu làm người chủ cúng tế vị trời này.

Vị trời nói:

–Đằng kia có bầy trâu, hãy đến hỏi chúng là khổ hay sướng?

Người ấy liền như lời vị trời nói đến hỏi bầy trâu:

–Các ngươi hiện nay khổ hay sướng?

Trâu liền đáp:

–Hết sức khổ sở, bị hai cái dàm chằng đầu và mõm, châm chích, bị roi quất rách lưng, lôi kéo xe cộ, không bao giờ dừng.

Người ấy lại hỏi:

–Do duyên gì mà ngươi phải thọ thân trâu?

Trâu đáp:

–Tôi là người chủ thờ cúng vị trời kia, tự ý lạm dụng vật cúng tế trời, cho nên sau khi mạng chung phải làm trâu và phải nhận chịu sự khổ sở này.

Khi nghe lời ấy, vị ấy liền trở lại chỗ vị trời. Vị trời liền hỏi:

–Nay ngươi muốn làm người chủ cúng tế trời chăng? Bà-la-môn thưa:

–Chính con chứng kiến việc này, thật không dám làm.

Vị trời nói:

–Con người do hành động thiện hay ác mà tự nhận lấy quả báo.

Bà-la-môn hối hận sự sai lầm ấy, liền phát tâm thực hiện các việc lành.


108- CHUYỆN THỜ THẦN CÂY

Ngày xưa có một ông lão, gia đình rất giàu có. Ông lão này nghĩ tới chuyện ăn thịt, liền ngụy tạo phương tiện, chỉ cái cây ở đầu ruộng, nói với các con của mình:

–Nay gia nghiệp của ta, sở dĩ được giàu có là do âm phước của vị Thần cây ấy ban cho. Hôm nay các con nên tập trung những con dê lại để tế tự.

Khi ấy các người con vâng theo lời cha dạy liền giết dê để cúng tế cái cây ấy và lập đền thờ trời. Sau đó người cha hết tuổi thọ, mạng chung, do hành nghiệp theo đuổi liền sinh vào trong bầy dê của gia đình ông, gặp lúc các người con muốn cũng tế Thần cây, họ chọn một con dê đúng là cha họ. Lúc họ sắp đem đi giết, thì con dê kêu “be be”, cười và nói:

–Thật ra cây ấy nào có Thần linh gì! Bởi vì thuở trước ta muốn ăn thịt, mới dối bảo các ngươi thờ cúng, để cùng các ngươi đồng ăn thịt dê. Nay chịu tội báo tai ương thì mình ta gánh.

Khi ấy có một vị A-la-hán, tình cờ đến đó khất thực, thấy người cha đã chết của họ thọ vào thân dê, liền cho chủ nhân mượn đạo nhãn, để họ tự quan sát, mới biết đó là cha họ, lòng họ buồn rầu áo não liền phá hoại cây ấy, hối hận tu phước, không còn sát sinh nữa.


109- CHUYỆN CÔ GÁI NHÀM CHÁN DỤC XUẤT GIA

Ngày xưa có một cô gái xinh đẹp vô cùng, xuất gia tu hành trong giáo pháp ngoại đạo. Bấy giờ có người hỏi:

–Nhan sắc cô đẹp như vậy, nên ở thế tục, sao lại xuất gia?

Người nữ đáp:

–Như tôi ngày nay, đâu phải là không xinh đẹp, chỉ vì từ nhỏ đã nhàm chán dâm dục, cho nên nay mới xuất gia. Khi tôi còn ở nhà, vì đẹp đẽ cho nên đã sớm được ở riêng, sớm sinh con trai, con trai lại to lớn khôi ngô không ai bằng, tự nhiên nó bỗng gầy ốm như có bệnh. Tôi liền hỏi con: “Bệnh như thế nào?” nhưng con vẫn không chịu nói. Tôi cứ hỏi mãi, con tôi không giấu được mới nói với mẹ:

“Con không muốn nói, nhưng sợ tánh mạng không bảo toàn, bây giờ con muốn nói rõ, rất là xấu hổ.” Nó liền nói với tôi: “Con muốn cùng mẹ tư thông, dục lạc, vì không được như vậy, cho nên mới bị bệnh.” Tôi liền nói: “Từ xưa đến nay, đâu có chuyện này.” Nhưng tôi lại tự suy nghĩ: “Nếu ta không chấp nhận, thì con ta có thể chết, nay nên đi ngược đạo lý để bảo toàn tánh mạng của con.” Tôi liền gọi con, muốn chìu theo ý con.

Đứa con lúc sắp leo lên giường, khi ấy mặt đất liền nứt ra, con tôi liền rớt vào trong đó. Lúc ấy tôi liền hoảng hốt, lấy tay kéo nó, chụp được đầu tóc của con và chỉ còn lại tóc của nó mà thôi. Hôm nay vì vậy tôi vẫn còn ám ảnh trong lòng, cảm thương tha thiết nhớ lại việc này, cho nên xuất gia.


110- CHUYỆN ĐỨA CON BẤT HIẾU NHẬN QUẢ BÁO

Ngày xưa, ở trong thôn Cưu-đà-phiến thuộc nước Ca-nặc có nột lão mẫu chỉ có một đứa con duy nhất. Song đứa con rất ác nghịch, không tu nhân từ hiếu thuận. Vì tức giận mẹ, cho nên cậu ta đã lấy tay hướng về mẹ, vừa đánh một cái thì bà ngã xuống. Ngay ngày hôm đó, cậu bỏ nhà ra đi, bỗng gặp giặc, chúng chém cậu đứt một cánh tay. Bởi vì tạo tội bất hiếu nên liền bị hiện báo, khổ đau như vậy. Về sau sẽ chịu sự khổ não ở địa ngục không thể kể xiết.


111- CHUYỆN LUẬN NGHỊ GIỮA VUA NAN-ĐÀ CÙNG VỚI NA-GIÀ-TƯ-NA

Ngày xưa vua Nan-đà thông minh hiểu rộng, không việc gì mà không sành sỏi thấu suốt, tự biết chính mình, không ai địch nổi.

Nhân đó ông hỏi quần thần:

–Có người nào trí tuệ thông minh biện tài giải thích được những nghi ngờ, có thể đối thoại với ta chăng?

Bấy giờ có một đại thần trước đây cúng dường một vị Tỳ-kheo già, công hạnh thanh tịnh, nhưng không học rộng. Vị đại thần bèn giới thiệu vị Tỳ-kheo ấy với vua. Vua hỏi:

–Phàm người đắc đạo là tại gia mới đắc hay xuất gia mới đắc?

Khi ấy vị Tỳ-kheo già đáp:

–Cả hai hạng đều đắc được đạo.

Vua lại hỏi:

–Nếu cả hai đều đắc đạo thì cần gì phải xuất gia?

Vị Tỳ-kheo già kia im lặng, không biết trả lời thế nào. Khi ấy vua Nan-đà càng thêm kiêu mạn.

Bấy giờ các đại thần liền tâu với vua:

–Na-già-tư-na thông minh trí tuệ tuyệt luân, hiện nay đang ở trong núi.

Khi ấy nhà vua muốn thử sức liền bảo sứ giả mang một bình bơ hiện đã tràn đầy, ý của vua cho là trí tuệ của mình đầy tràn, ai có thể làm cho ta thêm trí tuệ. Tôn giả Na-già-tư-na khi nhận được bình bơ ấy, liền hiểu ý của vua, ở giữa các đệ tử, Tôn giả lấy năm tram cây kim, chích vào bình bơ, nhưng bơ vẫn không tràn ra, rồi bảo sứ giả đem trả lại cho vua.

Nhà vua khi nhận bình bơ xong, liền biết ý Tôn giả, bảo sứ đến thỉnh Tôn giả Na-già-tư-na đến. Theo lời mời của vua, Tôn giả đến. Thân thể Tôn giả cao lớn, đi cùng đồ chúng, Tôn giả là người nổi bật hơn hết.

Tâm vua kiêu ngạo, giả bộ nhân đi săn, bỗng gặp nhau giữa đường, thấy một mỹ nhân, tự chỉ tay về hướng xa, tách đường khác mà đi. Đã không nói chuyện với nhau, âm thầm muốn chê trách Tôn giả, làm như tất cả trưởng giả đều không có biết.

Bấy giờ Tôn giả Na-già-tư-na liền lấy ngón tay của mình tự chỉ vào ngực nói:

–Chỉ mình ngươi biết.

Lúc vua Nan-đà sắp vào cung, liền đục một cái phòng nhỏ, cửa vào rất thấp, để Tôn giả Tư-na phải uốn cong mình mà vào. Song Tôn giả Tư-na biết nhà vua phá mình, liền từ chối không vào, không chịu khuất thân.

Khi ấy vua Nan-đà liền bảo dọn đồ ẩm thực, đem vài món đồ ăn dở mời Tôn giả. Tôn giả ăn bốn, năm muỗng rồi nói:

–Đã no rồi.

Sau đó nhà vua bảo sứ giả dọn đồ ăn ngon, Tôn giả lại ăn nữa.

Nhà vua lại hỏi:

–Vừa rồi ngài nói đã no, sao nay lại ăn?

Tôn giả Tư-na đáp:

–Vừa rồi tôi no đồ ăn dở, nhưng chưa no đồ ăn ngon.

Tôn giả liền nói với vua:

–Bây giờ trên điện của vua, xin vua tụ tập tất cả mọi người lên khiến đứng chật cả điện đi.

Nhà vua liền bảo người lên đứng đầy cả điện, không còn chỗ thêm cho một người đứng, nhà vua ở phía sau muốn lên trên điện, mọi người vì sợ vua, đều tránh qua một bên, tự nhiên ở giữa điện rộng ra, có thể chứa được nhiều người.

Bấy giờ Tôn giả Tư-na liền nói với vua:

–Đồ ăn dở giống như dân, đồ ăn ngon giống như vua, dân thấy vua ai mà chẳng tránh đường?

Nhà vua lại hỏi:

–Người tại gia và xuất gia ai được đắc đạo?

Tôn giả Tư-na đáp:

–Cả hai đều đắc đạo.

Nhà vua lại hỏi:

–Nếu cả hai đều đắc đạo cần gì phải xuất gia?

Tư-na đáp:

–Thí như cách đây hơn ba ngàn dặm, nếu người bảo thiếu niên khỏe mạnh, cỡi ngựa, mang theo lương thực, cầm khí giới, đi đến đó có nhanh chăng?

Vua thưa:

–Nhanh.

Tôn giả Tư-na lại hỏi:

–Nếu bảo người già, cỡi ngựa ốm, lại không có lương thực, vậy có đến được đích chăng?

Vua đáp:

–Cho dù người ấy có mang theo lương thực đi nữa, e rằng cũng không đến đích, huống chi lại không có lương thực?

Tôn giả Tư-na đáp:

–Người xuất gia đắc đạo giống như thiếu niên khỏe mạnh, còn người tại gia đắc đạo giống như người già ấy.

Nhà vua lại hỏi:

–Nay tôi muốn hỏi những việc ở trong thân: “Ngã là thường hay vô thường?”. Xin trả lời theo ý của tôi.

Tôn giả Tư-na hỏi lại:

–Như ở trong cung vua có quả xoài trên cây vậy là ngọt hay chua?

Vua nói:

–Như ở trong cung của tôi hoàn toàn không có vậy thì tại sao lại hỏi tôi là quả ấy ngọt hay chua?

Tôn giả Tư-na đáp:

–Nay tôi cũng vậy, tất cả năm ấm, vốn tự vô ngã, sao vua lại hỏi tôi là thường hay vô thường?

Nhà vua lại hỏi:

–Tất cả địa ngục, đao kiếm phanh thây, phân tán mỗi thứ một nơi, nhưng mạng sống vẫn tồn tại, việc này thật có như vậy chăng?

Tôn giả Tư-na đáp:

–Giống như người nữ ăn nuốt bánh, thịt, dưa, rau, đồ ăn thảy đều tiêu hóa, đến lúc có thai thì Ca-la-la giống như hạt bụi, tại sao lại chuyển thành lớn, mà không tiêu hóa?

Vua nói:

–Đó là do nghiệp lực.

Tôn giả Tư-na đáp:

–Trong địa ngục ấy, cũng do nghiệp lực, nên mạng căn vẫn tồn tại.

Vua lại hỏi:

–Mặt trời trên bầu trời, thể chất nó vẫn là một, tại sao mùa hạ thì nóng dữ, mùa đông thì lạnh buốt, mùa hạ thì ngày dài, mùa đông thì ngày ngắn?

Tôn giả Tư-na đáp:

–Núi Tu-di có đường đi lên, đường đi xuống. Mặt trời mùa hạ theo đường đi lên, đường xa nên đi chậm, chiếu vào Kim sơn nên ngày dài mà nóng bức, mặt trời mùa đông thì theo đường xuống, đường gần đi nhanh, chiếu vào mặt nước của biển lớn, cho nên ngày ngắn mà lại rất lạnh.


112- CHUYỆN NGƯỜI VỢ BẤT HIẾU MUỐN HẠI MẸ CHỒNG TRỞ LẠI GIẾT CHỒNG

Ngày xưa có người đàn bà bẩm tính rất hung ác, không biết lễ độ, mỗi khi nói ra điều gì cũng thường mâu thuẫn với mẹ chồng, bị  mẹ chồng tức giận trách mắng, nên cô ta thường ôm lòng bất mãn, tâm tức giận càng lúc càng nhiều, vì vậy mưu toan muốn giết mẹ chồng. Sau đó cô ta lập phương kế bảo chồng phải giết mẹ. Người chồng ngu si, liền theo lời vợ, dẫn mẹ mình vào nơi đồng không mông quạnh, cột trói tay chân, sắp sửa muốn giết. Tội nghịch to lớn này, chuyển động đến cõi trời, làm cho mây mù bốn phương dồn lại, sấm sét đùng đùng nổi lên, đánh chết người con. Nhờ vậy mẹ chồng lại trở về nhà, cô dâu ra mở cửa. Người vợ tưởng là chồng về, mới hỏi:

–Đã giết chưa?

Mẹ chồng đáp:

–Đã giết rồi.

Đến sáng mai người vợ mới hay chồng mình đã chết.

Cái tội bất hiếu quả báo hiện tại là như vậy, về sau phải đọa vào địa ngục thọ khổ vô lượng.


113- CHUYỆN VUA NƯỚC BA-LA-NẠI NGHE TIẾNG KÊU TRONG GÒ MẢ

Phàm tất cả pháp, đối với những điều có thể cầu được, nếu dùng phương tiện, có thể đạt được, còn đối với những điều không thể cầu được, tuy rằng có muốn ép buộc cho được, cũng hoàn toàn không thể được. Giống như ép cát lấy dầu, nấu băng thành bơ thì chẳng những không được mà tự làm lao khổ mà thôi.

Ngày xưa ở nước Ba-la-nại có một vị vua tên là Phạm Dự, thường vào lúc nửa đêm nghe có tiếng kêu trong gò mả nói:

–Này vua, này vua!

Cứ như vậy, một đêm nghe tiếng kêu ấy ba lần. Nhà vua nghe tiếng lạ trong lòng rất hãi hùng. Song âm thanh ấy trải qua thời gian lâu mà vẫn không chấm dứt. Do đó nhà vua mới tụ tập các Bà-la-môn, thái sử, tướng sư, cùng nói:

–Vào ban đêm ta thường nghe tiếng gọi ta trong gò mả, ta thường lo sợ, không dám trả lời.

Mọi người đáp:

–Trong ngôi mộ ấy chắc chắn phải có yêu quái mới tạo ra âm thanh đó. Bây giờ nên sai sứ giả có lòng can đảm, tới gò mả ấy để xem.

Nhà vua liền chiêu mộ rằng nếu ai trong đêm tối có thể đi đến ngôi mộ đó ta sẽ thưởng cho năm trăm đồng tiền vàng.

Khi ấy có một người cô độc, không có cha, gia đình rất nghèo khổ đói rách, nhưng rất có sức mạnh và can đảm, liền nhận lời chiêu mộ ấy, thân anh mặc giáp, đội mũ trụ, tay cầm dao gậy, ban đêm vào giữa gò mả. Nghe tiếng gọi vua. anh liền quát lên:

–Ngươi là ai?

Đáp:

–Tôi là vật báu được chôn cất.

Nó nói với người được chiêu mộ:

–Người là bậc Trượng phu dũng mãnh. Ban đêm ta thường gọi vị vua ấy. Nếu vua ấy lên tiếng trả lời ta, ta sẽ nói: “Tôi muốn vào trong kho tàng của ngài.” Nhưng vị vua đó khiếp sợ, chưa hề trả lời ta. Song ta hiện nay cho đến bảy ngày, vào lúc sáng sớm tinh sương ta sẽ đến nhà ngươi.

Người được tuyển mộ hỏi:

–Sáng mai tôi sẽ làm gì để đón rước ngài?

Vật báu nói:

–Ngươi chỉ quét dọn vẩy nước trong nhà, vất bỏ những vật dơ dáy, lấy hương hoa trang sức, làm cho hết sức thanh tịnh, dùng bồ đào, nước ngọt, bơ sữa của con nai tất cả đều chứa đầy trong tám hũ, rồi mời tám Đạo nhân thọ thực đồ ăn của ngươi, cúng dường xong ngươi sẽ lấy cây đánh lên đầu Đạo nhân nói: “Vào góc nhà”. Như vậy thứ lớp xua đuổi các Đạo nhân vào góc nhà.

Người chiêu mộ biết xong, liền trở về nhà, đến chỗ vua để xin nhận năm trăm đồng tiền vàng, đem về đợi thiết lễ cúng dường.

Nhà vua hỏi:

–Âm thanh đó là do vật gì?

Người được chiêu mộ nói dối:

–Đó là quỷ mị.

Người được tuyển mộ nghe lời báu vật nói, ôm lòng sung sướng một mình, rồi mời thầy cạo râu tóc, để tự trang nghiêm, chờ đến lúc mặt trời ló dạng sắm vật cúng dường đầy đủ, lúc ấy có tám Đạo nhân đến để thọ thực. Khi thọ thực xong, anh đánh lên đầu Đạo nhân ấy, đuổi vào góc nhà, liền biến thành một hũ vàng. Cứ thứ lớp xua những vị ấy vào góc biến thành tám hũ vàng.

Bấy giờ người thợ hớt tóc, đứng dòm vào một lỗ ở cánh cửa, thấy người ấy được của báu, im lặng tự nghĩ: “Ta hiểu pháp này rồi, vậy ta thử bắt chước pháp ấy xem.” Sau đó anh chuẩn bị đầy đủ như ở trên, thỉnh mời tám Đạo nhân, mời ăn xong rồi, đóng hết các cửa ngõ, đánh lên đầu Đạo nhân, anh tưởng cũng giống như trước, đạt được một đống châu báu.

Song vị Đạo nhân này, đầu bể máu chảy ướt cả sàng tọa, anh đuổi vào góc nhà, vì quá gấp làm vị ấy đại tiện trong quần, thứ lớp đến người thứ bảy, đều bị đánh bằng gậy, từ từ ngã xuống đất. Trong đó có một người khí lực khỏe mạnh, liền co tay một cách thình lình, phóng ra ngoài lớn tiếng kêu:

–Sao vị chủ nhân này lại muốn giết chúng tôi.

Khi ấy vị quốc vương nước ấy bảo người đến xem, liền bắt chủ nhân hỏi rõ sự trạng.

Khi ấy người thợ hớt tóc, trình tâu rõ sự việc trên với vua, nhà vua liền bảo người đến nhà của người được tuyển mộ, thấy vàng báu của người đó. Nhà vua muốn đánh thuế để chiếm đoạt, nhưng các vàng báu ấy hóa thành rắn độc, biến thành đống lửa.

Nhà vua liền bảo:

–Đó là phước của ngươi.

Kẻ phàm ngu ở thế gian cũng lại như vậy, họ có đủ tinh tấn, thọ trì tám giới, được quả báo thiện, dần dần thực hành tám Chánh đạo, được quả vô lậu. Một người liền muốn bắt chước người kia, cũng thọ trì tám giới, nhưng bên trong không có lòng kính tín, mà mong cầu được lợi lạc, kẻ ấy đã không có quả thiện, trở lại gặt lấy tai ương, giống như người ngu kia, hoàn toàn không khác.


114- CHUYỆN TỲ-KHEO GIÀ ĐƯỢC BỐN QUẢ

Phật pháp rộng lớn, tế độ không cùng, chí tâm cầu đạo, không ai không chứng đạo quả, cho dù có đùa giỡn mà phước đức cũng không mất.

Ngày xưa, có một Tỳ-kheo già, tuổi đã xế chiều, tinh thần uể oải, thấy các Tỳ-kheo trẻ tuổi thuyết đủ loại pháp, nghe nói có bốn quả, tâm sinh ưa thích nói với Tỳ-kheo trẻ:

–Các vị là những người thông minh trí tuệ, xin hãy đem bốn quả ấy ban cho tôi.

Các Tỳ-kheo trẻ xì một tiếng rồi nói:

–Tôi có bốn quả, ngài phải cho chúng tôi ăn một bữa thật ngon, sau đó chúng tôi sẽ cho ngài.

Khi đó vị Tỳ-kheo già nghe lời nói ấy vui mừng, phát tâm ngay thẳng, liền cởi áo Khâm-bà đem bán, mua các thứ đồ ăn ngon bổ, mời các Tỳ-kheo trẻ đến đãi, để cầu xin bốn quả.

Các Tỳ-kheo trẻ khi dùng các thức ăn đó xong, vị ấy chỉ người kia đùa giỡn vị Tỳ-kheo già, nói:

–Này Đại đức, ngài hãy ngồi trong một góc nhà này, chúng tôi sẽ cho ngài quả.

Bấy giờ vị Tỳ-kheo già nghe lời nói ấy rất hoan hỷ đến ngồi ở một góc.

Các Tỳ-kheo trẻ liền lấy trái cầu bằng da đánh lên đầu vị ấy mà nói:

–Đây là quả Tu-đà-hoàn.

Vị Tỳ-kheo già nghe xong giữ tâm không tán loạn, liền được Sơ quả. Các Tỳ-kheo trẻ lại đùa giỡn nói:

–Vừa rồi ngài tuy đã đắc quả Tu-đà-hoàn song phải trải qua bảy lần sinh và bảy lần tử. Vậy hãy dời qua góc khác, tiếp theo chúng tôi sẽ cho ngài quả Tư-đà-hàm.

ấy vị Tỳ-kheo già, nhờ được Sơ quả nên tâm càng them tinh tấn, liền đổi chỗ ngồi. Các Tỳ-kheo trẻ lại lấy quả cầu đánh lên đầu vị Tỳ-kheo già và nói:

–Cho ngài quả thứ hai.

Lúc ấy vị Tỳ-kheo già càng thêm chuyên niệm, liền chứng quả thứ hai. Các Tỳ-kheo trẻ lại đùa nói:

–Ngài đã được quả Tư-đà-hàm rồi, vẫn còn cái nạn sinh tử qua lại, ngài hãy qua ngồi chỗ khác. Chúng tôi sẽ cho ngài quả A-nahàm.

Các Tỳ-kheo trẻ lại lấy trái cầu đánh lên đầu vị ấy nói:

–Nay ta cho ngài quả thứ ba.

Khi ấy vị Tỳ-kheo già, nghe xong hoan hỷ, càng thêm chí tâm, tức thời lại chứng quả A-na-hàm.

Các Tỳ-kheo trẻ lại nói đùa:

–Ngài đã được quả Bất hoàn rồi, nhưng vì đối với cõi Sắc, cõi Vô sắc, vẫn còn thọ thân hữu lậu, vô thường biến hoại, mỗi niệm mỗi niệm là khổ. Vậy ngài hãy ngồi qua chỗ khác, tiếp đến chúng tôi sẽ cho ngài quả A-la-hán.

Khi ấy vị Tỳ-kheo già, theo lời ấy đổi chỗ ngồi. Các Tỳ-kheo trẻ lại lấy trái cầu da gõ lên đầu vị ấy nói:

–Nay ta cho ngài quả thứ tư.

Khi ấy vị Tỳ-kheo già, nhất tâm tư duy, liền chứng A-la-hán.

Khi được bốn quả rồi, vị ấy vô cùng vui sướng, bày các món ăn ngon bổ, các thứ hương hoa mời các Tỳ-kheo trẻ đến để báo đền ân đức.

Cùng luận đàm về công đức vô lậu của đạo phẩm với các Tỳ-kheo trẻ, thì các Tỳ-kheo trẻ không thể nào đối đáp với ngài nổi.

Bấy giờ, vị Tỳ-kheo già mới nói:

–Ta đã chứng đắc quả A-la-hán rồi.

Các Tỳ-kheo trẻ nghe lời nói ấy đến xin tạ lỗi sám hối cái tội trước đây đã đùa giỡn.

Vì thế cho nên người tu hành nên biết rằng nghĩ đến cần điều thiện dù cho đùa giỡn còn được quả báo chân thật, huống chi là chí tâm thực hiện.


115- CHUYỆN CÔ GÁI CHÍ THÀNH ĐƯỢC ĐẠO QUẢ

Nếu người cầu đạo, mà cốt lõi đặt ở sự tinh tấn chí thành, thì sự tinh tấn chí thành ấy sẽ giao cảm nhau từ đó sẽ đạt được đạo quả.

Như ngày xưa có một cô gái thông minh trí tuệ tin sâu Tam bảo, thường đối với Tăng, theo thứ lớp mỗi lần thỉnh một vị Tỳ-kheo đến nhà để cúng dường. Khi ấy có một Tỳ-kheo già cũng theo thứ lớp đến nhà cô, vì tuổi già lẩm cẩm, hoàn toàn chẳng có tri giải.

Bấy giờ cô gái, sau khi cúng dường trai phạn xong, xin vị Tỳ-kheo già thuyết pháp cho cô nghe. Riêng cô ngồi một ghế, nhắm mắt tĩnh lặng. Khi ấy vị Tỳ-kheo già vì biết mình ngu ám, không biết thuyết pháp, chờ lúc cô nhắm mắt, bỏ chạy về chùa. Nhưng cô gái này chí tâm tư duy pháp hữu vi là vô thường, khổ, không, không được tự tại. Cô nhờ thâm tín quán sát nên được Sơ quả.

Khi được Sơ quả rồi, cô muốn báo ân ấy. Nhưng vị Tỳ-kheo già này xét thấy mình chậm lụt, nên bỏ cô mà chạy trốn, càng xấu hổ, lại càng bỏ trốn. Cô gái này cứ thỉnh cầu mãi ông mới xuất hiện. Khi ấy cô gái nói rõ việc trên nên được đạo quả, do đó đến để cúng dường là để báo đền ân lớn.

Khi ấy vị Tỳ-kheo già vì xấu hổ tự khắc trách mình hết mực, nên liền được chứng quả.

Do đó hành giả cần phải chí tâm. Nếu ai chí tâm, cầu gì cũng được.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10