SỐ 203
KINH TẠP BẢO TẠNG
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Sa-môn Kiết-ca-dạ và Đàm Diệu.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 10

Gồm sáu chuyện:

  1. Chuyện vua Ưu-đà-tiện.
  2. Chuyện La-hầu-la.
  3. Chuyện vị Bà-la-môn dối trá
  4. Chuyện người vợ của Bà-la-môn muốn hại mẹ chồng.
  5. Chuyện con chim kiêu và con quạ báo oán.
  6. Chuyện nô tỳ và con dê đực chiến đấu.

 

116- CHUYỆN VUA ƯU-ĐÀ-TIỆN

Ngày xưa vua Ưu-đà-tiện ở tại thành Lô-lưu là người thong minh hiểu biết thấu đáo, có trí tuệ lớn. Nhà vua có một phu nhân Tên Hữu Tướng, nhan sắc hết sức đặc biệt, lại có thêm đức hạnh. Do đó nhà vua rất thương yêu, kính nể, tình cảm đối với nàng hết sức mặn nồng.

Bấy giờ luật lệ ở nước ấy là các vị vua tự mình không chơi đàn

Lục huyền cầm. Khi ấy phu nhân ỷ mình được nhà vua ái sủng, bèn tâu với vua:

–Xin bệ hạ chơi lục huyền cầm, thiếp sẽ múa cho bệ hạ xem.

Nhà vua không cầm lòng được liền lấy đàn ra khảy, phu nhân xòe tay lên múa. Nhà vua là người giỏi xem tướng, thấy phu nhân múa, hiện tướng của người chết. Lúc ấy nhà vua liền buông đàn xuống, buồn thảm thở dài. Phu nhân liền tâu với vua:

–Như thiếp ngày nay, nhờ ân sủng của bệ hạ, chuộng bản nhạc hay mới xin bệ hạ khảy đàn, tự thiếp đứng dậy múa là để cùng vui.

Có điều gì không vừa ý ngài mà ngài buông đàn thở dài? Xin ngài đừng giấu, hãy nói cho thiếp rõ.

Bấy giờ nhà vua đáp:

–Điều ta thở dài không thể nói cho phu nhân nghe được.

Phu nhân tâu với vua:

–Nay thiếp thờ vua chí thành không ai hơn. Nếu có điều gì không hợp lý, xin ngài cứ dạy bảo.

Phu nhân cứ ân cần mãi, cho nên nhà vua đáp thật:

–Ta đối với nàng vẫn trước sau như một. Song vừa rồi nàng đứng dậy múa, tướng chết hiện ra ngoài. Xem ra số mạng của nàng chỉ còn sống trong bảy ngày nữa mà thôi. Bởi vậy ta mới buông đàn mà than thở.

Phu nhân nghe xong, trong lòng hết sức buồn lo, mới tâu vua:

–Như lời vua nói, thọ mạng của thiếp chẳng còn bao lâu nữa.

Thiếp nghe vị Tỳ-kheo-ni ở trong hang đá nói: “Nếu ai có thể tín tâm xuất gia chỉ trong một ngày, chắc chắn được sinh về trời. Vì vậy thiếp muốn xuất gia, mong vua chấp thuận để được đến với đạo.”

Khi ấy nhà vua đối với hoàng hậu ân ái sâu nặng không dứt được, mới nói với phu nhân:

–Cho đến đầu ngày thứ sáu, ta sẽ để cho nàng xuất gia nhập đạo.

Vì không làm trái ý vợ, mãi đến ngày thứ sáu nhà vua mới nói với phu nhân:

–Nàng có thiện tâm, muốn cầu xuất gia, nếu được sinh lên trời nàng phải về thăm ta thì ta mới cho nàng xuất gia.

Nhà vua tuyên thệ như vậy và phu nhân chấp nhận nên liền được xuất gia, thọ Bát trai giới. Nội trong ngày đó, phu nhân chỉ uống toàn nước đường phèn cho nên trong bụng thắt lại, đến sáng ngày thứ bảy thì mạng chung. Nhờ thiện duyên ấy nên phu nhân được sinh lên cõi trời. Lúc đó liền sinh ba ý nghĩ:

  1. Nhớ lại mình vốn là thân gì?
  2. Nhớ ngày trước tu công đức gì?
  3. Nhớ hiện nay được làm thân trời.

Suy nghĩ như vậy rồi, biết được kiếp trước có thề với vua, vì lời thề trước nên phu nhân đến chỗ vua. Bấy giờ ánh sáng chiếu khắp cung điện. Nhà vua hỏi:

–Ánh sáng này hiện nay là của ai vậy? Xin nói cho trẫm biết.

Vị trời đáp:

–Tôi là phu nhân Hữu Tướng, vợ của vua đây.

Nhà vua nghe, liền nói:

–Xin nàng hãy đến ngồi xuống đây.

Vị trời đáp:

–Hiện nay tôi thấy vua hôi thối, không thể đến gần. Bởi vì trước đây tôi có lời thề cho nên đến đây để thăm vua.

Nhà vua nghe lời ấy rồi tâm liền khai ngộ, mới nói:

–Nay vị trời kia chính là vợ của ta. Do có thiện tâm, xin ta vàođạo, xuất gia một ngày thì mạng chung. Nhờ công đức này nên được sinh về trời, tinh thần và ý chí cao xa, thấy ta quê mùa, hèn hạ. Nay ta vì sao mà chẳng xuất gia? Ta từng nghe nói: “Một móng tay của vị trời trị giá bằng cõi Diêm-phù-đề” huống chi một nước của ta, sá gì mà tham tiếc?

Nhà vua nói lời đó xong, lập con là Vương Quân lên làm vua rồi xuất gia học đạo, đắc quả A-la-hán.

Bấy giờ vua Vương Quân lên thống lãnh đất nước xong, tin dùng bọn nịnh thần sàm tấu, không lo nghĩ đến việc nước. Vua Ưu-đà-tiện thương nhớ con và dân chúng trong nước, muốn đến giáo hóa, khuyên tu điều thiện.

Khi ấy vua Vương Quân nghe cha sắp đến, hết sức vui mừng, muốn ra lệnh tất cả nhân dân ra đường nghênh tiếp. Bấy giờ các nịnh thần sợ bị khiển trách mới tâu với vua:

–Như vua hiện nay, đầu đội mão trời, ngồi tòa Sư tử. Song, phép của tòa Sư tử là không ngồi trở lại. Nếu ngài nghênh rước vua cha trở lại ngôi vua, chắc chắn vua cha sẽ giết ngài. Nếu vua cha đứng thì ngài phải giết vua cha.

Bấy giờ vua Vương Quân trong lòng lo buồn, kinh ngạc, chuyển sang nghi hoặc. Vì các nịnh thần khuyên giải mãi liền có ác ý, mướn người Chiên-đà-la đến giết vua cha. Khi ấy người Chiên-đà-la đã nhận lời mướn, đến chỗ vua cha, đầu mặt đảnh lễ, tâu với vua:

–Ngày trước con được sự đãi ngộ của ngài, thật con không có nghịch tâm với ngài. Song nay con bị ra lệnh đến đây để giết ngài.

Nếu con không giết ngài chắc chắn con phải bị giết chết.

Phụ vương đáp:

–Nay ta đến đây là muốn giáo hóa vua của ngươi, há ta lại tiếc thân mà để ngươi bị giết sao?

Nhà vua liền trương cổ đài hơn mười thước, bảo Chiên-đà-la:

–Tùy ngươi cứ chặt cho đứt.

Khi ấy Chiên-đà-la dùng hết sức để chặt nhưng đao không thể làm ngài tổn thương. Phụ vương vì thương xót, dùng thần lực nói với Chiên-đà-la:

–Nay ngươi hãy vì ta đến nói với vua của ngươi: “Nay ngươi giết cha, đồng thời là giết vị A-la-hán, tạo hai tội nghịch. Phải khéo hết lòng sám hối thì tội mới nhẹ được.”

Chiên-đà-la đã nhận lệnh xong, vung đao chặt đứt đầu phụ vương rồi mang về nước. Khi ấy vua Vương Quân thấy đầu của cha nhan sắc không thay đổi, biết cha đã đắc đạo, không tham ngôi vua, trong lòng hối hận, âu sầu áo não, khóc lóc đến chết ngất, giây lâu mới tỉnh, hỏi Chiên-đà-la những điều phụ vương đã nói. Khi ấy Chiên-đà-la đem lệnh của vua cha tâu với vua:

–Ngươi đã giết cha, đồng thời là giết La-hán, tạo hai tội nghịch, phải khéo sám hối.

Vua nghe lời ấy xong, càng thêm chết điếng, mới nói:

–Nay phụ vương của ta đã đắc đạo A-la-hán, đâu có tham nước này mà ta xử giết cha!

Người nịnh thần kia sợ bị vua giết mới tâu với vua:

–Trong thế giới này làm gì có La-hán? Vua tin làm gì lời nói suông ấy để tự mình khổ não?

Vua đáp:

–Nay đầu của cha ta chết đã nhiều ngày rồi mà nhan sắc vẫn không thay đổi. Nếu không đắc đạo, sao được như vậy? Vả lại thời của cha ta có đại thần Bà-điệt-sư, Ưu-ba-điệt-sư thảy đều xuất gia, đắc A-la-hán đạo, có các thứ biến hóa thần diệu, chúng ta đều thấy, đó là Niết-bàn, nhặt lấy cốt tạo tháp, những tháp hiện nay còn đó, vậy sao bảo là không?

Nịnh thần tâu:

–Những kẻ chú thuật huyễn hóa ở thế gian và nhờ năng lực của thuốc cũng có thể biến hóa thần diệu được. Hai vị bề tôi ấy chẳng thể so sánh với La-hán. Chờ thời gian nữa thần sẽ chứng nghiệm cho vua thấy.

Nói lời ấy xong, nịnh thần ấy vào trong tháp, đục hai lỗ hổng, mỗi lỗ hổng đặt một con mèo, nuôi chúng ở trong tháp, dùng thịt để nhử. Hễ gọi: “Điệt-sư đi ra” thì con mèo đi ra để ăn thịt. Ông bảo chúng đi ra đi vào trong lỗ ấy. Dạy chúng như vậy, các con mèo đã thuần thục, ông liền tâu với vua:

–Nay vua có muốn thấy Điệt-sư… chăng? Xin ngài cùng đi xem.

Nhà vua liền ra lệnh chuẩn bị xe cộ, đi đến tháp đó. Bấy giờ nịnh thần mới kêu:

–Điệt-sư đi ra!

Con mèo liền đi ra từ lỗ hổng. Ông bảo:

–Vào đi!

Con mèo liền trở vào lỗ hổng lại.

Nhà vua thấy vậy, tâm càng thêm mê muội, tùy ý muốn làm gì thì làm, chẳng tin tội phước. Khi ấy vua xuất quân vui chơi, đến lúc trở về, đang đi trên đường bỗng gặp Tôn giả Ca-chiên-diên đang ngồi ngay thẳng ở chỗ vắng, tọa thiền nhập định. Khi nhà vua thấy Tôn giả liền sinh ác tâm, tự tay hốt đất tung bụi lên Tôn giả, bảo kẻ tả hữu:

–Các ngươi hãy theo lệnh ta, mỗi người phải hốt một nắm bụi tung lên Tôn giả Ca-chiên-diên.

Khi ấy cả một đống đất phủ kín Tôn giả. Có một vị đại thần, tín tâm Tam bảo, từ phía sau mà đến, nghe được việc ấy hết sức buồn rầu, liền đến phủi hết bụi đất ấy cho Tôn giả, lại nói với mọi người:

–Nếu các vị còn nghĩ đến ta, hãy đến xúc hết đất này đi.

Bấy giờ Tôn giả ngồi trong hang báu lưu ly, thần nghi tươi sáng, không dính một chút bụi. Vị đại thần hoan hỷ, đầu mặt lạy dưới chân, bạch Tôn giả:

–Nay nhà vua vô đạo, làm sự ác nghịch này, thiện ác đều có quả báo, làm sao thoát khỏi hoạn nạn được?

Tôn giả đáp:

–Sau bảy ngày, trời sẽ mưa đất đầy trong thành này, cao như núi đất. Nhà vua và nhân dân đều bị đất lấp chết hết.

Vị đại thần nghe xong, ôm lòng sầu não, liền về tâu với vua.

Ông lại tự thiết kế, làm một địa đạo thông ra ngoài thành.

Bảy ngày đã mãn, trời mưa hương hoa, trân bảo, áo quần người ở trong thành không ai không vui mừng. Lúc đó nịnh thần tâu với vua:

–Đây là điềm lành, nhờ đức của vua, Vậy mà kẻ vô trí trở lại sinh lòng phỉ báng nói rằng trời mưa đất, ngược lại là ngọc báu. Sự cuồng hoặc như vậy, trước sau chẳng phải là một, nghe nói ác duyên mà lại có điềm lành tập trung.

Khi ấy bốn cửa thành vì do năng lực của bóng tối các cửa sắt đều rơi xuống, biến mất, trời lại mưa đất khắp cả thành cao như núi.

Nhưng đại thần kia cùng những người có thiện tâm theo địa đạo ấy mà ra, hướng về chỗ Tôn giả bạch:

–Cảm nhớ thành này, chỉ một ngày mà bị lấp sạch, mưa đất thành núi, quân dân đều chết. Vậy trước đây do nhân gì mà đồng chịu sự tai họa này?

Tôn giả bảo đại thần:

–Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, ta sẽ nói cho. Về thời quá khứ cách đây nhiều kiếp, bấy giờ ở trong nước kia có một cô gái con của trưởng giả đứng ở trên lầu, sáng sớm quét dọn, làm cho bụi bay ở trên đầu của một vị Tỳ-kheo mà không biết sám hối, nhưng cô ta lại gặp được người chồng tốt. Bấy giờ các cô gái khác mới hỏi cô ta rằng: “Cô nhờ duyên gì mà được người chồng tốt như vậy?” Người nữ kia đáp: “Tôi chẳng làm điều gì lạ, chỉ do tôi quét nhà làm bụi bay lên đầu vị Tỳ-kheo, nhờ vậy mà được chồng tốt.”

Các cô gái nghe như vậy, liền theo lời ấy tranh nhau vung đất để hất bụi lên người Tỳ-kheo. Do nghiệp duyên ấy nên đồng thọ quả báu này.

Nói lời ấy xong Tôn giả cùng Công Đức Thiên hướng về thành Hoa thị.

Từ xưa đến nay, thành Lô-lưu cùng thành kia đắp đổi thạnh suy bao lần, nước này đã diệt, thành kia lại thạnh. Do đó cho nên Tôn giả… hướng về thành Hoa thị. Trong thành ấy có trưởng giả Hảo Âm Thanh đứng đầu, cúng dường Tôn giả. Lúc bấy giờ trưởng giả làm ăn giàu có, Tôn giả đến nhà, thấy ông của cải dư dả hơn trước rất nhiều. Khi vào thành ấy, Tôn giả Ca-chiên-diên bạch Đức Phật:

–Trưởng giả Hảo Âm Thanh nhờ nhân duyên gì mà có âm thanh hay, giàu có vô lượng, của cải dư dả?

Đức Phật trả lời:

–Ở thời quá khứ có một trưởng giả hằng ngày bảo người đến thỉnh năm trăm Bích-chi-phật đến nhà để thọ thực. Song sứ giả thường dẫn con chó đến, nếu có duyên sự gì sứ không tới thỉnh được, chó cứ đúng giờ đến phòng của Tăng sủa. Khi ấy các Bích-chi-phật mới nói: “Người đời đa sự, thả chó rồi quên, chó sủa vừa rồi để gọi chúng ta, các ngài tự tiện cùng đến nhà của trưởng giả.

Lúc ấy trưởng giả rất vui mừng, như pháp cúng dường.”

Trưởng giả lúc ấy chính là thân Ta, người sứ giả lúc đó chính là A-na-luật, con chó nay là trưởng giả Hảo Âm. Vì lẽ ấy, đời đời ông ta được tiếng hay, lại nhiều của cải. Vậy nên người trí đối với ruộng

phước phải nỗ lực cúng dường.


117- CHUYỆN LA-HẦU-LA

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, lúc Đức Phật mới xuất gia vào đêm đầu tiên thì con của Ngài là La-hầu-la mới nhập vào bào thai. Bồ-tát Tất-đạt khổ hạnh sáu năm nơi cội cây Bồ-đề hàng phục bốn loại ma, trừ các ngăn che của ấm, hoát nhiên đại ngộ, thành đạo Vô thượng, đầy đủ mười Lực, bốn Vô sở úy, thành tựu mười tám pháp bất cộng, đầy đủ bốn biện tài, độ thoát tất cả, đạt đến bờ kia, hiểu rõ tất cả pháp của chư Phật, vượt lên trên các vị Thanh văn, Duyên giác. Vào đêm thành đạo đầu tiên của Ngài thì La-hầu-la được sinh ra. Lúc ấy tất cả thể nữ trong cung vua thảy đều thẹn thùng, hết sức ưu não mới nói:

–Quái thay, điều đại ác! Da-thâu-đà-la không nghĩ điều phải điều trái, coi thường hành động, không tự thương mình, không tự thận trọng, khiến cho toàn cung chúng ta đều bị ô nhục. Bồ-tát Tấtđạt xuất gia đã lâu mà nay bỗng nhiên lại sinh con. Ôi, hết sức là xấu hổ, nhục nhã!

Khi ấy có Thích nữ tên là Điển Quang, là con gái của di mẫu nàng Da-thâu-đà-la, đấm ngực, giậm chân, tức giận chửi mắng Da-thâu-đà-la:

–Ngươi là chỗ thân yêu của tôn trưởng, sao lại tự làm điều tổn hại? Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia học đạo cách đây đã sáu năm rồi mới sinh đứa bé này là điều hết sức phi lý. Ngươi theo ai mà có con?

Ngươi là người không biết xấu hổ, làm ô nhục chủng tộc của ta, ngươi đã không kể chủng tộc, không sợ ô danh. Bồ-tát Tất-đạt có công đức lớn, tiếng tăm ai cũng biết. Nay ngươi tại sao không gìn giữ cho Ngài mà tạo điều sỉ nhục?

Vua Tịnh Phạn ngay lúc đó đang đứng trên lầu thấy quả đất này có sáu thứ chấn động, tướng lạ xuất hiện. Vua Tịnh Phạn thấy điều ấy xong, cho rằng Bồ-tát đã chết, sự buồn rầu giống như mũi tên bắn vào tim vua, hết sức khổ não, nói:

–Hương giới của con ta bay khắp bốn phương, tướng tốt trang nghiêm như tràng hoa sen. Nay là ngày con ta chết. Con ta như cây hoa, giới là rễ đâm sâu, tám quý là cành lá, danh dự là hương thơm, lòng từ là bóng mát. Nay đã bị voi giày mà chết. Con ta to lớn như núi vàng, các báu trang nghiêm. Con của ta như Kim sơn vương, thân trang nghiêm tướng hảo, bị chày Kim cang vô thường dập nát.

Con ta như biển cả đầy các thứ báu bị con cá Ma-kiệt làm nhiễu loạn nước biển. Biển lớn của con ta cũng như vậy, bị chết vì sự nhiễu loạn của con cá Ma-kiệt. Con ta giống như mặt trăng rằm, các sao vây quanh. Con ta có công đức vô lượng như vậy, tướng tốt trang nghiêm, nay bị vô thường La-hầu-la tiêu diệt. Dòng họ ta sinh ra từ đại trượng phu đến Lô-việt, Chân tịnh. Các vị vua như vậy tiếp nối đến ta. Ngày nay dòng họ ta chưa sắp đoạn tuyệt chứ? Ta đặc biệt mong con ta làm Chuyển luân thánh vương hay thành Phật đạo. Sao nay con ta lại có thể chết? Nếu con ta mà chết thì ta sẽ ưu sầu, tiều tụy cũng chết theo mất. Sự mong ước con ta xuất gia, mặc pháp phục, ôm bát, mưa pháp cam lồ… tất cả những việc như vậy, chắc ta sẽ không thấy được. Vì nhớ thương con mà trong lòng sầu tư, nhớ nghĩ trăm mối.

Khi ấy nghe trong cung có tiếng khóc lớn, nhà vua càng them kinh ngạc, cho là Thái tử đã chết, mới hỏi cô hầu đang chạy phía trước:

–Đó là tiếng khóc gì vậy? Chẳng phải là con ta chết rồi sao?

Cô gái tâu với vua:

–Thái tử chưa chết. Hôm nay Da-thâu-đà-la sinh một người con, toàn cung đều xấu hổ cho nên khóc như vậy. Nhà vua nghe lời ấy càng thêm ưu sầu, áo não, bỗng khóc rống, cất tiếng kêu to than:

–Quái thay! Thật là hết sức ô nhục! Con ta xuất gia đã sáu năm rồi, hà cớ gì hôm nay mới sinh con?

Bấy giờ theo luật của nước ấy, hễ đánh một hồi trống thì tất cả quân lính tụ tập, chín vạn chín ngàn Thích chủng đều tập hội. Họ liền gọi Da-thâu-đà-la. Khi ấy Da-thâu-đà-la mặc bạch tịnh y ôm con trong lòng, không hề sợ hãi, trên mặt có dính chút bụi, ở trong thân tộc, nàng ôm con mà đứng. Bấy giờ Chấp Trượng Thích sắc mặt đầy tức giận, chửi Da-thâu-đà-la, quát lên:

–Ngươi là đồ phàm phu thô bỉ, thật hết sức xấu hổ, đã làm nhục dòng họ nhà ta, còn mặt mũi nào mà đứng trước mặt chúng ta!

Lúc ấy có một người họ Thích tên là Tỳ-nữu-thiên, là cậu của công chúa Da-thâu-đà-la, nói với Da-thâu-đà-la:

–Không có đứa trẻ con nào ngu si thô bỉ, đê tiện hơn cháu. Cậu là người họ hàng, vậy cháu hãy nên lấy lời chân thật nói cho cậu biết đứa con ấy tác giả là ai?

Bấy giờ Da-thâu-đà-la chẳng có gì hổ thẹn, nói một cách ngay thẳng:

–Đứa bé này chính là con của người họ Thích xuất gia tên là Tất-đạt. Tôi nằm bên Thái tử mà có đứa con này.

Vua Tịnh Phạn nghe lời ấy xong, tức giận nói:

–Người đã không thủ tiết mà còn nói sai sự thật nữa. Điều đó thật hay hư thì các Thích tử biết rồi đó. Con của ta là Tất-đạt, lúc còn tại gia, nghe nói có ngũ dục mà tai còn không muốn nghe, huống chi lại có dâm dục mà sinh ra con? Như lời nói ấy thật hết sức thô bỉ, nham nhở. Ngươi đã lấy ai mà có con, làm hủy nhục chúng ta? Đây thật là sự quanh co xảo trá, chẳng phải là pháp chân chính. Con của ta là Tất-đạt lúc xưa ở tại gia đối với châu báu, của ngon vật lạ, hoàn toàn không có nhiễm trước. Huống chi nay con ta đã tu khổ hạnh, mỗi ngày ăn một hạt lúa, hạt mè mà lấy việc ấy để hủy báng!

Vua Tịnh Phạn bừng bừng tức giận, hỏi các Thích tử:

–Nay tại sao ta lại bị sự sát hại khổ độc như vậy!

Lại có một Thích tử nói:

–Cứ theo ý tôi, hãy làm một cái hầm lửa, ném mẹ con nó vào đó để không còn dấu vết gì nữa.

Lúc ấy mọi người đều nói:

–Việc đó rất hay!

Bấy giờ họ liền đào một cái hầm lửa, lấy cây Khư-đà-la chất đầy trong hầm, chích lửa, rồi họ liền dẫn Da-thâu-đà-la đến bên hầm lửa.

Da-thâu-đà-la thấy hầm lửa rồi, trong lòng hết sức hãi hùng, giống như con nai rừng chỉ có một mình trong khu vườn, quay nhìn bốn hướng chẳng có ai để trông cậy. Bấy giờ Da-thâu-đà-la tự trách mình: “Ta đã không có tội mà phải chịu tai ương này!”. Nàng ngước nhìn các người họ Thích, thấy chẳng có ai chịu cứu mình. Nàng ôm con thở dài, nghĩ đến Bồ-tát nói:

–Ngài có lòng Từ bi thương xót tất cả, Trời, Rồng, Quỷ, Thần thảy đều cung kính Ngài. Nay mẹ con thiếp chẳng có ai giúp đỡ, không có tội mà phải chịu khổ. Cớ sao Bồ-tát không chịu lưu ý? Tại sao Bồ-tát không cứu mẹ con thiếp thoát khỏi nguy khốn ngày hôm nay? Các trời, các Thiên thần chẳng nhớ nghĩ đến tôi sao? Ngày xưa Bồ-tát ở giữa dòng họ Thích, giống như mặt trăng rằm ở giữa các vì sao. Nhưng sao mãi tới hôm nay thiếp chẳng gặp lại được một lần!

Than xong, nàng liền hướng về chỗ Đức Phật nhất tâm kính lễ rồi lại bái các người họ Thích, chắp tay hướng về phía hầm lửa nói lời chân thật:

–Nếu đứa con của ta quả thật không phải vì ngoại tình mà có, nếu điều này là sự thật không hư ngụy, mặc dù ở trong thai của ta sáu năm, thì xin lửa hãy dập tắt, chớ thiêu hại mẹ con ta.

Nói như vậy xong, nàng liền nhảy vào trong lửa, nhưng hầm lửa này lúc ấy lại biến thành ao nước. Nàng tự thấy thân mình ngồi trên hoa sen, hoàn toàn không có sợ hãi, nhan sắc vui tươi hòa dịu.

Lúc ấy nàng chắp tay hướng về những người họ Thích, nói:

–Nếu lời nói của tôi mà hư vọng, lẽ đáng tôi bị lửa thiêu cháy.

Nhưng đứa bé này quả thật là con của Bồ-tát, đúng như lời chân thật của tôi, cho nên mới không bị lửa thiêu cháy vậy.

Lại có một người dòng họ Thích nói:

–Cứ xem hình tướng của cô ta không kinh, không sợ, từ đó suy ra biết chắc là cô ta nói thật.

Cũng lại có người dòng họ Thích nói:

–Cái hầm lửa này biến thành ao mát, lấy đó mà nghiệm thì biết là cô ta không có lỗi gì.

Bấy giờ các người họ Thích dẫn Da-thâu-đà-la trở về cung, họ càng thêm cung kính, tán thán nàng. Họ tìm nhũ mẫu để chăm sóc con nàng, giống như lúc bình thường, chẳng khác gì cả. Vua Thái tổ Tịnh Phạn ái trọng nàng tha thiết. Lúc nào không thấy La-hầu-la, ông không thể nào nuốt cơm được. Mỗi khi nhớ Bồ-tát, ông chỉ cần bồng La-hầu-la vào lòng là hết sầu nhớ. Tóm lại sáu năm trôi qua, vua Tịnh Phạn khát ngưỡng mong gặp Đức Phật, ông bảo người đến thỉnh Ngài. Đức Phật vì lòng lân mẫn cho nên Ngài trở về nước. Đến hoàng cung của họ Thích, Ngài biến một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo đều giống như thân của Đức Phật, sáng ngời không khác.

Lúc ấy Da-thâu-đà-la nói với La-hầu-la:

–Ai là cha của con, con hãy đến bên vị ấy.

Khi ấy La-hầu-la đảnh lễ Đức Phật xong, đứng bên cạnh Đức Phật. Đức Như Lai liền dùng bàn tay có tướng bánh xe, đã tu công đức trong vô lượng kiếp, xoa lên đảnh đầu của La-hầu-la. Khi ấy các người họ Thích đều nghĩ: “Nay Phật vẫn còn có tâm thương riêng.”

Đức Phật biết tâm các người họ Thích đã nghĩ, liền nói kệ:

Với quyến thuộc của vua

Và con Ta sinh ra

Ta vẫn thương như nhau

Chỉ lấy tay sờ đầu.

Ta đã hết kết sử

Thương ghét cũng không còn

Các ngươi chớ hoài nghi

Phân vân với con Ta.

Con Ta cũng xuất gia

Là Pháp tử của Ta.

Nói tóm, công đức ấy

Xuất gia học Chân đạo

Sẽ thành A-la-hán.


118- CHUYỆN VỊ BÀ-LA-MÔN GIÀ DỐI TRÁ

Tất cả sự xảo quyệt, nịnh hót, dối trá, bên ngoài dường như ngay thẳng, nhưng bên trong ôm lòng gian xảo. Cho nên người trí tuệ phải quán sát cái nào chân, cái nào giả. Giống như ngày xưa có có một Bà-la-môn, tuổi tác đã già, cưới người vợ trẻ. Người vợ ghét chồng già và cứ ở một bên đòi dâm dục mãi. Vì đắm trước dục tâm nên khuyên chồng mở hội, mời các Bà-la-môn trẻ tuổi đến dự. Người chồng nghi vợ có ý gian, cho nên không chịu mở hội.

Bấy giờ người thiếu phụ bày nhiều mưu kế để mê hoặc chồng mình. Có một hôm đứa con vợ trước của người Bà-la-môn già rơi vào trong lửa, nhưng người vợ trẻ của ông ta lấy mắt nhìn đứa con rơi, nhưng không kéo nó lên.

Vị Bà-la-môn nói:

–Sao ngươi thấy con rớt vào trong lửa, mà lại không kéo lên?

Người vợ liền đáp:

–Từ nhỏ đến giờ tôi chỉ gần chồng tôi thôi, chứ chưa bao giờ kéo một người con trai nào khác. Tại sao bỗng nhiên bảo tôi phải kéo đứa con trai này?

Vị Bà-la-môn già nghe lời ấy rồi, cho rằng những lời nói ấy là đúng, mới tin lòng người vợ. Ông liền mở đại hội ngay nơi nhà mình, tụ tập các Bà-la-môn.

Bấy giờ người vợ trẻ liền cùng tư thông với Bà-la-môn khác.

Vị Bà-la-môn già nghe việc ấy xong ôm lòng tức giận, liền lấy vật  báu nhét đầy trong tay áo, bỏ vợ mà đi. Khi cách nhà đã xa, giữa đường thấy một Bà-la-môn liền làm bạn với người ấy. Chiều tối ngày hôm đó, ông ta ở chung với người ấy cho đến sáng sớm cùng với người ấy ra đi. Lúc rời khỏi nhà của chủ nhân, càng lúc càng xa, Bà-la-môn ấy nói với Bà-la-môn già:

–Chỗ ở ngày hôm qua có một lá cỏ dính vào áo của tôi. Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa bao giờ xâm phạm của cải người khác. Cái lá cây cỏ này dính vào áo làm tôi rất xấu hổ, muốn trả lại lá cỏ này cho chủ nhân của nó. Vậy bạn hãy dừng chân ở đây để chờ tôi trở lại.

Nghe xong, Bà-la-môn già rất tin lời người ấy, kính yêu ông ta gấp bội, hứa sẽ chờ đợi.

Bà-la-môn kia dối là mang lá cỏ muốn trả lại cho chủ nhân. Đi chẳng bao xa, anh lẻn vào trong một cái ao nước, nằm nghỉ một hồi rồi trở lại, bảo:

–Tôi đã đem lá cỏ trả lại cho chủ nhân rồi.

Bà-la-môn già tin là sự thật, càng thêm ái trọng anh ta. Bấy giờ Bà-la-môn già đi đại tiểu tiện, liền lấy bảo vật gởi cho anh ta. Sau đó anh ta ôm của báu của ông chạy mất.

Bà-la-môn già thấy anh ta đã lấy trộm đồ của mình, liền than thở, ân hận vì đã giao của báu cho người đó, rồi tự cảm thương mình, buồn rầu, áo não, thất thểu lên đường. Ông đi được một lát, đến nghỉ dưới một gốc cây, thấy một con cò xám, trong miệng ngậm một cây cỏ, nói với các con chim khác:

–Chúng ta cần phải thương yêu lẫn nhau, tụ tập một chỗ mà cùng ngủ nghỉ.

Bấy giờ các con chim đều tin lời nói ấy, cùng đến tụ tập. Khi Ư ấy con cò xám đi đến, thừa lúc các con chim rời khỏi tổ nó đến các ổ chim hút trứng, giết chim non để ăn thịt. Lúc các con chim đến nơi, thì nó lại ngậm cỏ. Các con chim trở về, thấy việc trên thảy đều tức giận. Xong con cò xám kháng cự lại, bảo:

–Ta không làm như vậy.

Bấy giờ các con chim biết con cò xám là thứ lừa dối, thảy đều bỏ đi, bay đến đậu dưới gốc cây ấy.

Một lát sau ông lại thấy một người xuất gia ngoại đạo, than mặc y chằm vá, đi một cách an ổn, từ từ mà bước, miệng nói:

–Tránh đi các loài trùng.

Khi ấy Bà-la-môn già mới hỏi:

–Vì sao vừa đi mà miệng lại nói: “Tránh đi”?

Ngoại đạo đáp:

–Tôi là người xuất gia, xót thương tất cả, sợ làm thương hại các loài trùng kiến, cho nên mới nói như vậy.

Bấy giờ Bà-la-môn thấy chính miệng người xuất gia ấy buông ra lời này, cho nên hết sức tin tưởng, ông liền đi theo đến nhà của người ấy. Lúc chiều tối đi ngủ, y nói với Bà-la-môn:

–Tôi phải ở một cách an nhàn để tự tu tâm. Ngài đến phòng riêng bên kia mà ngủ nghỉ.

Khi ấy Bà-la-môn hoan hỷ, nghe vị ấy hành đạo tâm sinh vui mừng. Đến sau nửa đêm, ông chỉ nghe tiếng nhạc, ca múa, ông bèn bước ra ngoài để xem thì mới thấy người ngoại đạo xuất gia ở trong phòng, có một lỗ hỏng ở dưới đất, bên trong có một người phụ nữ bước ra, giao thông với y. Hễ người nữ múa thì ngoại đạo khảy đàn.

Nếu người ngoại đạo múa thì người nữ khảy đàn. Thấy việc như vậy rồi, ông tự nghĩ: “Vạn vật trong thiên hạ, không luận là người hay thú, chẳng ai có thể tin được.” Ông mới nói bài kệ:

Không nắm tay con ai

Đem cỏ trả lại chủ

Cò xám dối ngậm cỏ

Ngoại đạo sợ chết trùng

Lời nói dối như vậy

Hoàn toàn không thể tin.

Bấy giờ ở trong nước có một trưởng giả, nhà cửa giàu có, rất nhiều châu báu, vào một đêm nọ bị mất nhiều của cải. Khi ấy nhà vua nghe điều này, hỏi trưởng giả:

–Có ai đến hoặc đi khỏi nhà ông, làm ông bị mất của?

Trưởng giả tâu với vua:

–Ban đầu không có người gian nào lai vãng. Chỉ có một người Bà-la-môn từ lâu đã ra vào nhà tôi, đời sống vị ấy trong sạch, không xâm phạm tài sản của người khác, cho dù một cọng cỏ dính vào áo, ông cũng đem trả lại cho chủ nó. Ngoài vị ấy ra không có ai đến nhà tôi cả.

Nhà vua nghe xong, liền bắt Bà-la-môn đến để cật vấn. Bấy giờ trưởng giả đến tâu với vua:

–Vị ấy giữ hạnh thanh tịnh, người đời không ai bằng. Vì sao lại bị bắt trói? Tôi thà chịu mất của cải, nhưng xin vua hãy thả vị ấy ra.

Khi ấy nhà vua trả lời:

–Ngày xưa ta từng nghe có những việc giống như vậy. Bên ngoài giả làm thanh tịnh, bên trong ôm lòng gian ác. Ngươi chớ nên sầu khổ, nghe ta điều tra sự thật.

Nói như vậy xong, liền tra cứu người ấy, thì ra thấy y lời cùng, lý gian, cúi đầu chịu tội trước sự thật.

Cho nên người có trí sống giữa đời như tấm gương, khéo phân biệt được chân ngụy, là đạo sư của thế gian.


119- CHUYỆN NGƯỜI VỢ CỦA BÀ-LA-MÔN MUỐN HẠI MẸ CHỒNG

Ngày xưa có một vị Bà-la-môn, vợ ông rất trẻ hình dung tuyệt đẹp, dục tình rất mạnh, tâm thích dâm đãng. Vì có mẹ chồng ở chung nên không được toại ý, cô ngầm lập mưu gian muốn hại mẹ chồng.

Cô mê hoặc tâm của chồng, dối làm như người chí hiếu sáng tối kính cẩn siêng năng cung cấp cho mẹ chồng không thiếu vật gì. Người chồng vui mừng bảo vợ:

–Nay nàng cung cấp nuôi dưỡng mẹ ta không thiếu thứ gì, thật đúng là người vợ hiếu. Mẹ ta đã già cả mà được nàng trợ lực.

Người vợ trả lời chồng:

–Nay tôi ở thế gian, dù cúng dưỡng cũng chẳng được bao nhiêu. Nếu được ở cõi trời mà cúng dưỡng cho mẹ thì nguyện tôi mới thỏa. Vả lại, có diệu pháp nào có thể làm người ta được sinh Thiên chăng?

Người chồng đáp:

–Theo pháp của Bà-la-môn thì ném xuống hang sâu, nhảy vào lửa, lấy năm thứ lửa đốt thân, làm những việc như vậy thì được sinh lên cõi trời.

Người vợ nói với chồng:

–Nếu có pháp này thì mẹ có thể được sinh lên cõi trời, hưởng thọ sự cúng dường tự nhiên, cần gì phải mãi mãi thọ nhận sự cúng dường của thế gian?

Nàng nói như vậy xong, chàng tin là đúng, liền đến nơi ruộng hoang, làm một cái hầm lửa lớn, chất rất nhiều củi, ngọn lửa bừng

bừng bốc cháy. Rồi ở trên hầm ấy chàng mở đại hội, dẫn mẹ già đến, mời thân tộc tụ tập, các Bà-la-môn đều đến dự hội, trống nhạc đàn ca, vui chơi cho đến chiều tối, các vị khách đã giải tán hết, chỉ còn hai vợ chồng ở lại với mẹ, cả vợ chồng dẫn người mẹ đến hầm lửa, xô người mẹ xuống hầm, rồi bỏ chạy không ngoái lại.

Khi ấy trong hầm lửa có một khoảng ngoài biên nhỏ, người mẹ nhờ rớt trên vùng ngoài biên ấy nên không rơi vào lửa. Người mẹ liền tìm cách ra khỏi hầm lửa, lúc ấy trời đã chập choạng tối, lần theo dấu vết muốn trở về nhà. Lúc ấy, con đường dẫn đến một khu rừng, ở trong bóng tối, bà sợ cọp, beo, la-sát, quỷ… nên leo lên một cây thấp để tránh nguy hiểm. Bấy giờ gặp lúc có bọn giặc, trộm cắp nhiều của cải, có đồng bọn theo sau, đến nghỉ dưới gốc cây. Khi ấy lão mẫu sợ hãi không dám cựa quậy, nhưng không kiềm chế được, ở trên cây bà ho. Bọn giặc nghe tiếng ho, cho là có ác quỷ, chúng bỏ tài vật lại, tất cả đều tẩu thoát.

Đến khi trời sáng, lão mẫu thản nhiên không còn sợ hãi, liền leo xuống cây, chọn lấy một số của quý, hương anh, ngọc kỷ, kim xuyến, bông tai, đủ loại của quý đặc biệt, mang hết về nhà. Vợ chồng thấy mẹ, ngạc nhiên kinh sợ, cho là thây ma sống dậy, không dám đến gần. Người mẹ bảo:

–Ta chết được sinh lên cõi trời, được nhiều của cải.

Rồi bà nói với người vợ:

–Các thứ hương anh, ngọc kỷ, kim xuyến, bông tai là của cha mẹ, cô dì, chị em của mày đem cho ta. Bởi vì ta già yếu không thểmang được nhiều. Họ bảo ngươi phải tự ý lấy bao nhiêu cũng được.

Người vợ nghe mẹ chồng nói vậy, vui mừng sung sướng, mong được như phép mẹ chồng nhảy vào hầm lửa, nên thưa với chồng:

–Nay mẹ già nhờ nhảy vào hầm lửa mà được của cải này. Bởi mẹ sức yếu không thể mang nhiều. Nếu em mà đi, chắc chắn phải được nhiều.

Người chồng như lời vợ nói, liền làm hầm lửa, nàng nhảy xuống hầm, thân bị thiêu cháy, tức khắc lìa đời.

Bấy giờ chư Thiên nói kệ:

Phàm người dối cha mẹ

Không nên sinh tâm ác

Như vợ hại mẹ chồng

Thân lại bị thiêu cháy.


120- CHUYỆN CON CHIM KIÊU VÀ CON QUẠ BÁO OÁN

Ngày xưa có con chim kiêu và con quạ oán ghét nhau. Con quạ đợi suốt ngày, biết con chim kiêu không trông thấy, nó đạp giết bầy chim rồi ăn thịt. Còn chim kiêu nhân lúc ban đêm, biết quạ tối mắt, lại đến mổ bầy quạ cho đến lủng ruột rồi cũng ăn thịt. Cả hai loài chim ngày đêm lo sợ, không lúc nào nguôi.

Bấy giờ, trong bầy quạ có một con quạ có trí, bảo với bầy quạ:

–Chúng ta đã trót gây thù ghét nhau, không thể cứu giải được, cuối cùng phải tàn sát nhau thôi, tình thế này không thể trọn vẹn được cả hai bên. Vậy chúng ta phải tìm cách để tàn diệt các con chim kiêu, sau đó chúng ta mới có thể hoan lạc được. Nếu chẳng như vậy, cuối cùng sẽ bị thất bại.

Các con quạ đều đáp:

–Như lời ngươi nói, vậy chúng ta phải làm cách gì để tiêu diệt giặc thù?

Con quạ có trí nói:

–Các bạn quạ hãy đến mổ tôi, nhổ lông vũ của tôi, mổ tét đầu tôi. Tôi sẽ lập kế để tàn diệt chúng.

Liền như lời của nó, các con quạ làm cho hình dung nó tiều tụy. Nó đến ngoài hang của chim kiêu cất tiếng kêu bi thảm. Khi ấy con chim kiêu nghe tiếng kêu ấy liền bước ra hỏi:

–Nay vì sao nhà ngươi bị vỡ đầu chảy não, lông vũ tả tơi, đi đến bên ta cất tiếng bi thương thống khổ, muốn nói với ta điều gì?

Bấy giờ con quạ nói với chim kiêu:

–Các con quạ căm thù tôi, tôi không thể sống ở đó được, cho nên đến đây để quy thuận với các bạn, để tránh sự oán thù độc ác.

Lúc đó chim kiêu thương xót, muốn cho con quạ ở lại để nuôi dưỡng. Bấy giờ các con chim kiêu đều nói:

–Nó là oan gia, không nên thân gần, sao lại nuôi dưỡng nó để bị oán địch mãi mãi?

Con chim kiêu đáp:

–Nay nó vì khốn khổ, đến đây để quy thuận, một thân cô đơn thì làm được gì?

Rồi nó liền nuôi dưỡng chim quạ, cho quạ ăn thịt dư. Ngày tháng đã lâu, các lông vũ của con quạ lại bình phục. Nó giả bộ vui mừng, lập một kế nhỏ, ngậm nhánh cây khô và cây cỏ chất trong hang con chim kiêu, in tuồn như để báo ân. Con chim kiêu nói với con quạ:

–Dùng những thứ ấy để làm gì?

Con quạ liền đáp:

–Ở trong lỗ hang toàn là đá lạnh, nên dùng cây cỏ này để  chống đỡ gió lạnh.

Con chim kiêu cho vậy là đúng, im lặng không đáp. Song con quạ lúc ấy liền xin giữ hang, giả trá làm tay sai để báo ân nuôi dưỡng. Bấy giờ gặp lúc tuyết rơi dữ dội, khí lạnh mãnh liệt, vì vậy các con chim kiêu đôn đốc nhau tập hợp trong hang.

Khi ấy con quạ được cơ hội thuận tiện, trong lòng vui sướng, nó ngậm lửa của bọn chăn trâu đốt hang chim kiêu, khiến lũ chim kiêu tức thì bị tiêu diệt.

Chư Thiên liền nói kệ:

Các loài có thù xưa

Đừng nên tin tưởng chúng

Như quạ giả thân thiện

Thiêu hủy các chim kiêu.


121- CHUYỆN NÔ TỲ VÀ CON DÊ ĐỰC CHIẾN ĐẤU

Ngày xưa có một nô tỳ bẩm tính ngay thẳng, cẩn thận, thường lượm những hạt lúa tiểu mạch, đậu lép cho chủ nhân. Bấy giờ nhà của chủ nhân có một con dê đực, rình lúc không có người, nó đến ăn lúa mạch và đậu. Lúc cô ta cân lường cho chủ bị thiếu nên chủ tức giận. Cô không còn được chủ tin tưởng nữa là do con dê ăn trộm. Cô thường vì mối hiềm khích ấy nên hay lấy cây đập con dê đực. Con dê đực vì vậy ôm lòng tức giận, nhiều lúc nó cũng húc cô nữ tỳ.

Hai bên xúc chạm với nhau như vậy đã nhiều lần. Nhân một ngày, cô nữ tỳ tay không, đang cầm lửa, con dê thấy cô ta không gậy, liền chạy thẳng đến húc cô ta. Cô nữ tỳ nhân lúc gấp rút, lấy lửa đang cầm bỏ lên lưng dê. Con dê bị lửa nóng quá sức đường đột, hoảng nhiên chạy đến thôn xóm người ta khiến thôn xóm bị cháy và ngọn lửa lan đến núi hoang.

Bấy giờ ở trong núi có năm trăm con khỉ, bị lửa lan đến bốc cháy rất mạnh, không kịp chạy thoát, liền cùng một lúc bị lửa thiêu chết.

Chư Thiên thấy vậy mới nói kệ:

Lúc nóng giận chiến tranh

Không biết tự dừng lại

Dê đấu với nô tỳ

Khiến khỉ, người phải chết.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10