SỐ 229
KINH PHẬT THUYẾT PHẬT MẪU BẢO ĐỨC TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Tam tạng Pháp Hiền
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN TRUNG
Phẩm 12: HIỆN THẾ
Như mẹ thương con lúc tật bệnh
Thường làm cho cha mẹ sầu lo
Mười phương Phật từ Bát-nhã sinh
Bát-nhã thâu nhiếp cũng như vậy.
Tất cả chư Phật trong ba đời
Đến khắp mười phương cũng như vậy
Đều từ Phật mẫu Bát-nhã sinh
Bảo hộ cả tâm hạnh chúng sinh.
Các Đức Như Lai trong thế gian
Cho đến Duyên giác và La-hán
Kịp đến Bát-nhã ba-la-mật
Chỉ một vị pháp: lìa phân biệt.
Trí Bồ-tát quá khứ, hiện tại
Nhất nhất đều trú, hành pháp không
Các Bồ-tát hành đúng như thật
Vì thế Như Lai gọi là Phật.
Vườn Bát-nhã hoa trái sum suê
Phật nhờ Bát-nhã nên vui vẻ
Mười Lực các căn đều thanh tịnh
Chúng sanh mười phương cùng tịnh chúng,
Cho đến chúng Thanh văn vây quanh
Núi cao Bát-nhã ba-la-mật
Mười phương chư Phật đều nương tựa
Chúng sinh ba đường được cứu hộ.
Độ rồi không sinh tướng chúng sinh
Sư tử ở núi rống tiếng lớn
Các thú nghe tiếng đều kinh sợ
Phật nương Bát-nhã phát dịu âm,
Ngoại đạo tà ma đều khiếp sợ
Như mặt trời chiếu trên hư không
Các tướng hiện bày khắp mặt đất
Vua pháp trụ Bát-nhã cũng vậy,
Thuyết diệu pháp vượt qua sông ái
Sắc vô tướng, thọ cũng vô tướng
Cho đến tưởng, hành cũng như vậy,
Thức cũng đồng như các pháp kia
Chư Phật nói pháp này vô tướng
Khởi thấy tướng chúng sinh, hư không
Hư không: vô tướng, không thể đắc
Phật thuyết các pháp không tương ưng
Không thuyết tướng chẳng không, chẳng có.
Phẩm 13: CHẲNG NGHĨ BÀN
Nếu thấy tất cả pháp như vậy
Tất cả ngã kiến thảy đều bỏ
Thực hành pháp Phật, pháp Thanh văn
Đều từ Bát-nhã mà thành tựu.
Như vua không làm trong thành ấp
Nhưng khi có việc tự hoàn thành
Bồ-tát lìa tướng nương Bát-nhã
Tự nhiên được pháp công đức Phật.
Phẩm 14: THÍ DỤ
Nếu Bồ-tát phát tâm kiên cố
Tu hành hạnh Bát-nhã tối thượng
Sẽ vượt qua Thanh văn, Duyên giác
Mau chứng được đạo quả Bồ-đề.
Như người muốn vượt qua biển lớn
Mà thuyền tàu đang bị vỡ tan
Không nhờ gỗ ván, không toàn mạng
Nếu bám vào sẽ đến bờ kia.
Người nào không phát tâm kiên cố
Nương vào Bát-nhã cầu giải thoát
Chìm biển luân hồi không lúc ra
Nơi ấy khổ não: sinh, già, chết.
Nếu có lòng tin trì Bát-nhã
Hiểu tánh hữu vô, thấy chân như
Là người được tài lộc, phước trí
Mau chứng quả Bồ-đề tối thượng.
Như người gánh nước bằng thùng đất
Biết không bền chắc, mau hư hoại
Nếu dùng thùng bền chắc đựng nước
Sẽ không hư hoại, không sợ lo.
Những Bồ-tát không đủ lòng tin
Xa lìa Bát-nhã cầu thoái lui.
Còn phát lòng tin trì Bát-nhã
Sẽ vượt Thanh văn, chứng Bồ-đề
Chưa có người buôn nào đi biển
Mà không làm thuyền lớn kiên cố,
Đi thuyền kiên cố không lo sợ
Được châu báu, được đến bờ kia
Bồ-tát tín tâm cũng như vậy
Lìa hạnh Bát-nhã, xa Bồ-đề.
Người tu hành đại Trí tối thượng
Sẽ được quả Vô thượng Bồ-đề
Như người trăm tuổi bị bệnh hoạn
Không thể tự mình đi đứng được,
Nếu có hai người dìu hai bên
Tùy ý đi đứng không sợ sệt.
Bồ-tát mà lực Bát-nhã kém
Thì không thể đến bờ giác ngộ
Phải thực hành phương tiện tối thượng
Để được quả Bồ-đề không ngại.
Phẩm 15: THIÊN
Có Bồ-tát trụ vào Sơ địa
Phát lòng tin hành hạnh Bát-nhã
Để cầu quả Vô thượng Bồ-đề
Gần gũi bạn lành và bậc Trí.
Làm sao được công đức đại Trí
Nên từ Bát-nhã ba-la-mật
Tất cả các pháp Phật như vậy
Có được công đức nhờ bạn lành,
Tu hành sáu độ hạnh Bát-nhã
Tất cả hồi hướng quả Bồ-đề
Phật uẩn không có, không thể cầu
Chớ nói vậy cho hàng Sơ địa.
Bồ-tát tu hành biển công đức
Cứu vô số người ở thế gian
Cầu Bồ-đề, tâm lìa điên đảo
Thuyết pháp tối thượng sáng như điện,
Nên phát tâm Bồ-đề vô thượng
Không cầu tiếng khen, không sân giận
Lìa uẩn, thức, giới và ba thừa
Không thoái, không động, không chấp thủ,
Pháp hành như vậy được vô ngại
Thông đạt lý mầu, lìa vọng tưởng
Tin nghe Bát-nhã rồi giáo hóa
Biết Bồ-tát này trụ bất thoái.
Phật pháp rộng sâu khó biết được
Không có người chứng, không thể đắc
Vì lợi ích, nên chứng Bồ-đề
Chẳng phải phát sơ tâm đã biết,
Chúng sinh ngu si lại mê muội
Ưa sống ở đời cầu cảnh giới
Mà pháp không trụ không có đắc
Từ không chỗ trụ sinh thế gian.
Phẩm 16: NHƯ THẬT
Cõi phương Đông hư không vô biên
Phương Nam, Tây, Bắc cũng như vậy
Cho đến trên dưới và bốn góc,
Hoàn toàn không tướng, không phân biệt.
Quá khứ vị lai và hiện tại
Tất cả pháp Phật và Thanh văn
Đều như thật, không thể nắm bắt
Không nắm bắt nên không phân biệt.
Bồ-tát ưa cầu pháp như vậy
Nên hành hạnh Bát-nhã phương tiện
Lìa hết tướng tức là Bồ-đề
Bồ-tát nếu lìa lấy đâu chứng.
Như chim bay được trăm do-tuần
Gãy cánh không bay được một nửa
Trời Đao-lợi và người thế gian
Quên mất Bát-nhã nên tự đọa,
Tuy hành năm Ba-la-mật trước
Trải qua rất nhiều vô số kiếp
Lại dùng nguyện lớn để nuôi dưỡng
Lìa phương tiện liền đọa Thanh văn,
Ưa hành Phật trí tâm bình đẳng
Giống như cha mẹ vì tất cả
Mà làm lợi ích và từ bi
Thường khéo nói giáo pháp vi diệu.
Phẩm 17: ĐIỀM TỐT LÀNH Ở ĐỊA VỊ KHÔNG THOÁI CHUYỂN
Phẩm này thu nhiếp khắp ánh sáng Phật địa:
Bấy giờ, Tu-bồ-đề bạch Phật:
Bồ-tát bất thoái rất thù thắng
Lìa tướng nói nghe, làm sao thuyết
Xin Phật giảng nói tạng công đức,
Không trụ Sa-môn, Bà-la-môn
Hành mười điều thiện, xa ba đường
Bậc Đại trí lìa tất cả tướng
Như tiếng vọng từ trong hang núi,
Nếu muốn giáo hóa pháp vô ngại
Thì luôn khéo nói các giáo pháp
Bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi
Một niệm quán tâm đều thông đạt.
Ba nghiệp trong sạch như vải trắng
Không vì lợi dưỡng nên vui pháp
Trừ cảnh giới ma, giáo hóa người
Quán Tứ thiền mà không an trụ,
Không cầu tiếng khen, không sân hận
Cho đến không ô nhiễm bụi trần
Hoặc là giàu sang và thoát mạng
Không nhiễm chút gì của dục trần,
Xưa nay vắng lặng đều không có
Qua lại nhau đều có nghiệp duyên
Nếu cầu thanh tịnh, không thoái chuyển
Nên hành hạnh Bát-nhã tối thượng,
Cầu Chánh biến tri, tâm nhún nhường
Không cầu Nhị thừa, lìa biên địa
Vì pháp xả thân như Tu-di
Đó là Bồ-tát không thoái chuyển.
Phẩm 18: KHÔNG
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức thâm sâu
Xưa nay vắng lặng không hình tướng
Như biển sâu gậy không dò được
Đắc Bát-nhã uẩn cũng như vậy.
Bồ-tát biết pháp thậm thâm này
An trụ chân như không thể nhiễm
Sáu trần, mười hai giới, thể không
Không uẩn làm sao có được phước,
Như người nghĩ đến cảnh dục nhiễm
Tâm đắm nữ sắc như mắt thấy
Cho đến mỗi ngày luôn nhớ nghĩ
Bồ-tát nghĩ hiểu cũng như vậy.
Nếu trải qua nhiều kiếp bố thí
Người trì giới, La-hán, Duyên giác
Không bằng nói, hành pháp Bát-nhã
Trăm ngàn vạn phần không bằng một,
Nếu Bồ-tát quán lý Bát-nhã
An trụ thuyết pháp mà không tướng
Hồi hướng tất cả chứng Bồ-đề
Làm Thầy ba cõi mà không có
Nói pháp thành tựu mà vô tướng
Chẳng không, chẳng thật, chẳng thể đắc
Thực hành như vậy là giác trí
Thành tựu được nghĩa lý vô biên
Trong một niệm biết tất cả pháp
Tin lời Phật dạy và người giảng
Trong vô số kiếp những điều thuyết.
Pháp giới không tăng, cũng không giảm
Gọi là Ba-la-mật của Phật
Bồ-tát nương Bát-nhã thuyết pháp
Tâm không đắm trước vào tiếng tăm
Cũng không nói: chứng Vô thượng giác.
Phẩm 19: NGANG NGA THIÊN TỶ
Ví như đèn sáng do các duyên
Nhờ dầu, mỡ, tim đèn và lửa
Ánh sáng chẳng từ tim, lửa, dầu
Không lửa, không tim, đèn không sáng.
Nếu có Bồ-tát mới phát tâm
Không cầu quả Vô thượng Chánh giác
Làm sao chứng được quả Bồ-đề
Do đó cũng không được tịch tĩnh.
Từ hạt giống sinh cây, hoa, quả
Không có giống hoa quả đều không
Phát tâm không cầu quả Bồ-đề
Tu hành rốt cuộc không đắc quả,
Từ hạt giống sinh ra thóc lúa
Quả kia chẳng có cũng chẳng không
Đạo quả Bồ-đề cũng như huyễn
Xa lìa hữu tánh và vô tánh.
Vì như những giọt nước rất nhỏ
Dần dần cũng chảy đầy bồn lớn
Sơ tâm mong cầu quả Vô thượng
Hành chánh pháp lâu ngày ắt chứng,
Thực hành Không, Vô tướng, Vô nguyện
Không cầu tịch tĩnh, không hình tướng
Như người lái đò khéo qua sông
Không tấp hai bên, chẳng giữa dòng.
Bồ-tát tu hành không chấp trước
Mới được Phật thọ ký Bồ-đề,
Nếu biết Bồ-đề không chỗ có
Đó là thực hành Bát-nhã Phật.
Như đường đi nhiều bệnh, đói khát
Bồ-tát đi vào không lo sợ
Người sau biết rồi liền qua lại
Không chịu chút xíu khổ não nào.
Phẩm 20: THIỆN GIẢI PHƯƠNG TIỆN
Bồ-tát vâng giữ Bát-nhã Phật
Biết uẩn xưa nay vốn không sinh
Phật pháp, cõi chúng sinh đều không
Dùng Không, Tam-muội, phát Bi, Trí,
Như người có đức, sức hơn hết
Hiểu rõ tất cả pháp huyễn hóa
Cho đến binh khí, người thợ khéo
Có thể một lòng vì thế gian,
Cha mẹ, vợ con của người đó
Trên đường dạo chơi gặp kẻ thù
Nhiều người biết người dũng mãnh vậy,
Họ an vui về, không lo sợ.
Bồ-tát đại Trí vì chúng sinh
An trụ vào Thiền định thứ nhất
Hàng phục bốn ma, lìa Nhị thừa
Cũng không mong cầu quả Bồ-đề.
Ví như hư không, không chỗ có
Đất, nước, gió, lửa đều nương đó
Chúng sinh ở đời được an vui
Hư không: không ý trụ, chẳng trụ,
Bồ-tát trụ không cũng như vậy
Các thứ tướng hiện ở thế gian
Do trí nguyện lực của chúng sinh
Chẳng phải tịch tĩnh, chẳng phải không.
Bồ-tát lúc thực hành đại Trí
Trụ vào thiền định, không, tịch tĩnh
Trong đó không thấy tất cả tướng
Cũng lại không thấy không có tướng,
Bồ-tát hành pháp môn giải thoát
Không cầu tịch tĩnh, không hành tướng
Như chim bay qua lại hư không
Không trụ hư không, không trụ đất,
Cũng như có người tập bắn tên
Kiên trì luyện tập qua nhiều năm
Luyện tập lâu ngày được thành thạo
Bắn mỗi mũi tên đều trúng đích.
Hành Bát-nhã tối thượng cũng vậy
Tu tập trí tuệ và phương tiện
Thẳng đến điều thiện được viên mãn
Mới được thần thông, lực tối thượng.
Nếu Bí-sô chứng thần thông lực
Trụ hư không, biến hóa thần thông
Bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi
Trải nhiều kiếp không hề mỏi mệt.
Bồ-tát trụ vào không cũng vậy
Thực hành vô tướng đến bờ giác
Thực hành các hạnh ở thế gian
Trải qua nhiều kiếp thấm mỏi mệt,
Như vào đường hiểm gặp gió lớn
Chú tâm hai tay nắm chặt dù
Người này lo sợ không đi được
Mãi tới gió lặn mới dám đi.
Bồ-tát đại Trí trụ đại Bi
Phương tiện trí tuệ là hai tay
Cầm dù Không, Vô tướng, Vô nguyện
Thấy pháp không trụ nơi tịch tĩnh,
Như người tìm báu đến được nơi
Lấy được, an vui trở về nhà
Người ấy thỏa mãn tâm an vui
Quyến thuộc nào mang lòng khổ não.
Đến đảo báu không này cũng vậy
Đắc được báu: Căn, Lực, Thiền định
Bồ-tát không trụ tâm hoan hỷ
Làm các chúng sinh lìa khổ não,
Người buôn muốn lợi ích nên đi
Đến ngõ hẻm, xóm làng, thành ấp
Tuy được của báu cũng không ở
Trí lớn biết đường nên trở về.
Bồ-tát đại Trí đều biết rõ
Trí giải thoát Thanh văn, Duyên giác
Cho đến Phật trí cũng không trụ
Huống là thực hành đạo hữu vi.
Bồ-tát đại trí vì thế gian
Trụ định: Không, Vô tướng, Vô nguyện
Nếu được thanh tịnh, không chấp trước
Mới có thể biết được vô vi.
Như chưa nói tên, người chưa biết
Nói ra rồi, mọi người đều biết
Bồ-tát thực hành môn giải thoát
Được nghe bạn lành dạy pháp này.
Bồ-tát nghe pháp thâm sâu đó
Đối với các căn đều thông suốt
Trụ pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện
Không thoái không nghĩ, không thọ ký.
Quán ba cõi giống như mộng ảo
Không cầu-quả Thanh văn, Duyên giác
Như Phật vì thế gian nói pháp
Nên thọ ký ngôi vị bất thoái.
Biết chúng sinh đọa trong ba đường
Phát nguyện luôn luôn diệt trừ ác
Đem lực chân thật diệt lửa uẩn
Nên thọ ký ngôi vị bất thoái.
Các sao xấu ác và quỷ thần
Tạo các thứ tật bịnh thế gian
Nguyện lực chân thật đều diệt trừ
Bậc vô ngã cũng nên thọ ký.
Phẩm 21: MA NGHIỆP
Ta được thọ ký không năng, sở
Nguyện lực chân thật được tăng trưởng
Nếu thấy thọ ký và năng sở
Đó là chấp trước và trí nhỏ.
Bồ-tát chấp trước, ma liền biết
Hiện ra bạn thân đến khuấy nhiễu
Hoặc làm cha mẹ trong bảy đời
Nói ông được thọ ký tên đó.
Ma hiện ra làm vô số tướng
Đều nói thương, làm lợi cho ông
Bồ-tát nghe rồi sinh vui mừng
Đó là trí nhỏ chấp việc ma.
Hoặc ở thành thị hay xóm làng
Nơi vắng bẻ núi rừng hoang dã
Tự khen đức mình, chê bai người
Trí nhỏ nên biết bị ma xúi,
Dù ở trong thành thị, xóm làng
Không cầu chứng Thanh văn, Duyên giác
Tâm này chỉ vì độ chúng sinh
Nên ta gọi đó là Bồ-tát.
Ở núi sâu năm trăm do-tuần
Cùng loài thú dữ sống nhiều năm
Hoặc kiêu mạn, chấp ngã, bức bách
Hoặc không phân biệt biết Bồ-tát
Bồ-tát ở đó vì thế gian
Chứng đắc lực thiền định, giải thoát
Hạnh tịch tĩnh chấp gì sơn dã
Nên biết đó là việc của ma.
Tuy ở thành thị hay rừng núi
Thích quả Bồ-đề, lìa hai thừa
Tu hạnh này, lợi ích thế gian
Nhất tâm bình đẳng là Bồ-tát.
Phẩm 22: THIỆN HỮU
Có bậc Đại trí, nương Thầy học
Mau chứng đắc quả Vô thượng giác
Cũng như thầy thuốc chữa các bệnh
Theo học bạn lành, tâm không ngờ.
Bồ-tát thực hành, hạnh Bồ-đề
Nương vào bạn lành Ba-la-mật
Quả tối thượng có thể điều phục
Làm hai việc chứng quả Bồ-đề.
Quá khứ, vị lai, mười phương Phật
Thực hành chánh đạo, không đường khác
Thực hành hạnh Bồ-đề tối thượng
Thuyết Ba-la-mật như điện chớp,
Như Bát-nhã Không, Vô tướng
Biết tướng các pháp cũng như vậy
Biết tất cả pháp thảy đều không
Đó gọi là hành Bát-nhã Phật.
Đắm say sắc dục và ăn uống
Thường bị luân hồi chẳng nghĩ ngừng
Người ngu si đều kiến điên đảo
Pháp không thật tưởng cho là thật,
Như nghi có độc trong thức ăn
Do vọng tưởng này nên không ăn
Người ngu vọng tâm, sinh ngã tưởng
Do ngã tưởng này nên có sinh tử.
Cũng như thường nói các phiền não
Đối với phiền não, không chấp tướng
Phiền não, thanh tịnh đều không có
Vậy Bồ-tát này biết Bát-nhã.
Như chúng sinh trong cõi Diêm-phù
Đều phát tâm Bồ-đề vô thượng
Bố thí trải qua hàng trăm kiếp
Hồi hướng tất cả chứng Bồ-đề.
Nếu như có người trong một ngày
Thực hành hạnh Bát-nhã tối thượng
Bố thí ngàn kiếp không bằng một
Công đức của người hành Bát-nhã.
Bồ-tát đại Bi hành Bát-nhã
Vì độ chúng sinh không khởi tưởng
Thường hành hạnh khất thực trong nước
Chứng đắc tất cả danh đại Trí,
Bồ-tát muốn độ thoát trời người
Cho đến các khổ trong ba đường
Làm cho mau đến bờ giác ngộ
Siêng năng hành Bát-nhã ngày đêm.
Như người mong cầu báu vô giá
Phải vượt qua biển lớn, hiểm nạn
Không sợ hãi thì mới đạt được
Dứt trừ buồn lo, được an vui,
Cầu vật báu Bồ-đề cũng vậy
Siêng thực hành công đức Bát-nhã
Được báu vô thượng, không chấp xả
Bồ-tát mau chứng quả Bồ-đề.