SỐ 201
ĐẠI TRANG NGHIÊM KINH LUẬN
Tác giả: Bồ-tát Mã Minh.
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8

CHƯƠNG 45

Chỉ có pháp Phật là chữa trị được bệnh cả thân lẫn tâm, thế nên phải siêng năng nghe nói pháp.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, trong mắt vị thái tử, con vua Hán Địa, bị kéo màng che lấp cả mắt, sau đó bị mù. Tuy chữa trị bằng mọi cách nhưng không khỏi. Bấy giờ, ở nước Trúc-xoa-thi-la, các nhà buôn đi đến nước Hán địa. Vua nước Hán địa hỏi những người thương buôn:

–Con ta bị bệnh đau mắt, các ngươi từ phương xa đến có thể chữa trị được không?

Những người thương buôn thưa:

–Tâu đại vương, ở nước ngoài có một thầy Tỳ-kheo tên Cù-sa có thể chữa trị được.

Vua nghe xong, liền sắm sửa hành trang đưa con mình đến nước Trúc-xoa-thi-la. Đến nước kia rồi, vua đến chỗ Tôn giả Cù-sa thưa rằng:

–Tôi từ phương xa đến chữa bệnh mắt. Cúi xin ngài thương xót mà chữa trị cho tôi.

Tôn giả hứa sẽ chữa cho. Ngài làm nhiều chén đồng đưa cho mọi người rồi nói:
–Khi nghe tôi nói pháp, nếu có ai rơi nước mắt thì hãy hứng vào bát (đồng) này. Tôn giả nói kinh Thập Nhị Duyên. Chúng hội nghe xong, than khóc rơi lệ, liền hứng vào bát. Tôn giả Cù-sa gom

hết nước mắt của mọi người đem đến chỗ con vua đổ vào lòng bàn tay phải rồi nói kệ:

Nay tôi đã nói pháp
Mười hai duyên sâu xa
Xua tan tối vô minh
Người nghe đều rơi lệ
Điều này nếu quả thật
Nên gom lệ mọi người
Trong Người, Trời, Dạ-xoa
Các thứ nước không bằng
Đem rửa mắt vương tử
Lìa chướng được sáng trong.
Liền lấy nước mắt rửa
Màng mắt được vẹt tan.

Tôn giả Cù-sa lấy nước mắt rửa mắt cho vương tử. Sau khi mắt được sáng trong, vì muốn cho tín tâm của mọi người được thêm lớn nên ngài nói kệ:

Phật pháp rất chân thật
Vén tan màng che mắt
Nước mắt cũng chữa được
Như nắng tan băng tuyết.

Mọi người thấy việc ấy, chắp tay cung kính, càng tin tưởng hơn.

Chứng kiến được điều chưa từng có, toàn thân nổi ốc, mọi người liền nói kệ:

Việc ngài làm ít có
Giống như hiện thần túc
Thuốc men không chữa được
Nước mắt rửa khỏi bệnh.

Các thầy Tỳ-kheo nghe pháp buồn khóc rơi lệ. Tôn giả Cù-sa bảo mọi người:

–Mặc dầu làm được việc ấy nhưng không có gì khó. Xưa kia, Đức Như Lai tu hành khổ hạnh trong ngàn ức kiếp. Ngài chứa nhóm công đức tu hành ấy thành thuốc pháp mười hai Nhân duyên này có công năng làm cho người nghe cảm động rơi lệ. Rồng của Bà-tu phun nọc độc, Dạ-xoa, ác quỷ đầy khắp cả nhà, Kiết-tỳ-để-đà-la xưa nay chán ghét đạo thì nước mắt này có công năng tiêu diệt tất cả.

Việc đó mới khó, huống gì chướng ngại của màng mắt đây giống như rứt cánh con ong đâu có gì khó. Giả sử như có mây mù nổi lên đen nghịt, mưa to gió lớn thì nước mắt này cũng có công năng làm cho trời quang mây tạnh.

Lúc ấy, đoàn voi say cho đến bộ binh mặc giáp cầm trượng trông thật dữ tợn; nếu rảy nước mắt này vào thì quân trận tháo lui tan rã.

Pháp tu tập bằng Nhất thiết chủng trí ai nghe mà không rơi nước mắt, nhưng dùng nước mắt này để cúng tế diệt hết tai họa thì chỉ trừ được nghiệp đời trước.

Bấy giờ, vương tử đã được lành mắt, vui mừng hớn hở; lại nghe nói pháp, nhàm chán sinh tử, chứng quả Tu-đà-hoàn sinh ý tưởng ít có liền nói kệ:

Ai được nghe pháp Phật
Mà không sinh vui mừng
Tôi đã rất kính tin
Dốc lòng nghe nói pháp,
Tai nghe việc ít có
Bệnh mắt cũng được lành
Mắt tuệ và mắt thịt
Tất cả đều thanh tịnh.
Người trị mắt hay nhất
Không ai bằng Đức Phật
Nay tôi cúi đầu lạy
Vị thầy thuốc giỏi nhất
Dùng thuốc Nhất thiết trí
Mở hai mắt sạch tôi
Người có tâm ở đời
Ai mà không kính tin
Giả sử có ít trí
Vì sao không sinh tin?
Đức Thích-ca Mâu-ni
Cha lành của chúng sinh
Nói lời rất hay đẹp
Nhu hòa đáng ưa thích
Cứu giúp việc xong rồi
Đến được bờ bên kia
Pháp ý căn nhỏ nhiệm
Tác ý sẽ hiểu rõ
Cho đến người biên địa
Cũng sẽ được khai ngộ.


CHƯƠNG 46

Nếu có được “Bốn pháp thanh tịnh không thể phá hoại” thì thà xả bỏ thân mạng chứ không bao giờ giết hại chúng sinh. Cho nên phải siêng năng tu hành “Bốn pháp thanh tịnh không thể phá hoại”.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa có một người bị tội tử hình. Lúc ấy, Chiên-đà-la sẽ lần lượt giết người, mà người Chiên-đà-la kia là vị Ưu-bà-tắc hữu học, đã thấy được đạo đế nên không chịu giết người. Quan trông coi về hình pháp rất tức giận nói với ông ta:

–Nay ông muốn làm trái với pháp luật của vua sao?

Ưu-bà-tắc nói:

–Ông thật là người không hiểu biết gì cả. Đức vua chắc gì biết được nổi khổ giết người của tôi. Mặc dầu sắc thân tôi phụ thuộc nhà vua làm Chiên-đà-la, nhưng sinh trong dòng Thánh gọi là Pháp thân.

Pháp thân không phụ thuộc vào vua cho nên không làm.

Ưu-bà-tắc nói kệ:

Đức Thích-ca Mâu-ni
Có trí Nhất thiết chủng
Giáo hóa khi gây nhân
Diệt trừ tất cả tội.
Pháp của vua Diêm-la
Giáo hóa khi kết quả
Gặp khổ mới nói khổ
Dễ phá cũng dễ trái.

Vị Chiên-đà-la này không tuân theo mệnh lệnh của vua, liền được dẫn đến chỗ vua. Vua hỏi Chiên-đà-la:

–Vì sao ngươi không tuân theo mệnh lệnh của vua?

Ưu-bà-tắc tâu:

–Thưa đại vương, ngay bây giờ ngài nên sinh lòng tin, phát tâm vui mừng. Vị ấy liền nói kệ:

Dứt ba độc cho tôi
Tôi được nhân vắng lặng
Tại chỗ Phật Thế Tôn
Đấng Đại Bi vô thượng
Thọ trì các giới cấm
Cho đến loài ruồi muỗi
Cũng không sinh tâm hại
Huống chi đối với người.

Vua nói:

–Nếu không giết thì tánh mệnh của ngươi khó chu toàn.

Nhờ năng lực kiến đế nên Ưu-bà-tắc ở chỗ vua chống đối không sợ nguy hiểm tâu:

–Thưa đại vương, thân mạng của bề tôi tùy thuộc nơi ngài. Ngài muốn làm gì cũng được. Còn ý của bề tôi dù trời Đế Thích dạy bề tôi vẫn không tuân theo.

Vua nghe lời ấy rất giận dữ, ra lệnh giết chết Chiên-đà-la. Bảy người gồm cha, anh, em… của Chiên-đà-la kia đều không theo lệnh vua hành xử tội. Vua liền giết họ, chỉ còn lại hai người. Đến người thứ sáu vua ra lệnh giết, vị ấy cũng không chịu giết. Vua lại giết luôn người này. Đến người thứ bảy cũng không chịu giết. Vua toan giết người ấy, thì người mẹ già tâu:

–Thưa đại vương, xin ngài hãy vì tôi mà tha cho đứa con út thứ bảy.

Vua hỏi:

–Người này là gì của bà?

Bà lão tâu:

–Thưa đại vương, nó là con của tôi.

Vua hỏi tiếp:

–Sáu người trước không phải là con của bà hay sao?

Bà lão tâu:

–Thưa đại vương, chúng nó cũng đều là con của tôi cả.

Vua hỏi:

–Vậy tại sao bà chỉ xin tha tội chết cho đứa con thứ bảy?

Bà lão liền nói kệ:

Xin đại vương biết cho
Sáu con đều kiến đế
Đều là chân Phật tử
Nhất định không làm ác
Cho nên tôi không sợ
Riêng đứa thứ bảy này
Còn là kẻ phàm phu
Bị thân mạng ép ngặt
Sẽ gây các nghiệp ác
Cho nên ngày nay tôi
Xin ngài tha cho nó.
Ngài sẽ được tự tại
Mong ngài cho nó sống!
Lúc sắp chết sợ hãi
Hoặc gây các điều ác
Phàm phu lúc sắp chết
Chỉ thấy thân hiện tại
Không thấy những việc sau
Xét quả báo đời sau
Chẳng phải cảnh giới phàm.

Bấy giờ, đại vương nói:

–Đối với ngoại đạo ta chưa từng nghe lời ấy, giờ đây bà nói về nhân quả rõ ràng như ngọn đèn sáng.

Bà lão Chiên-đà-la thưa như vầy:

–Đại vương sinh tâm quyết định thì gọi là người ở trong xóm làng của bậc Hiền thánh, chứ chẳng phải là Chiên-đà-la. Tôi tuy bị gọi là Chiên-đà-la nhưng thật là người tu khổ hạnh, ngay cả thân mạng còn không luyến tiếc, huống gì đối với những người thân là những người giữ giới hơn là những người giữ tài sản. Họ không đoái hoài thân mạng và bà con quyến thuộc, chỉ giữ gìn giới cấm.

Bà lão liền nói kệ:

Người đời xét dòng dõi
Không xét giữ giới cấm
Giữ giới là dòng dõi
Nếu người không giữ giới
Dòng dõi sẽ hoại diệt.
Tôi là Chiên-đà-la
Kia là người tịnh giới
Họ sinh Chiên-đà-la
Nhưng tạo nghiệp thanh tịnh
Ngài tuy là dòng vua
Nhưng thật là Chiên-đà
Không có lòng thương xót
Cực ác giết người hiền
Chính thật Chiên-đà-la.

Nhà vua bèn dẫn đầu các quyến thuộc đến chỗ gò mả cúng tế các thây chết của họ. Vua lại nói kệ:

Ngăn các công đức lành
Như đem tro lấp lửa
Tuy miệng không tự nói
Nhưng tạo nghiệp rõ ràng.
Đế Thích thường cúng dường
Người giữ giới bền chắc
Không tiếc thân mạng mình
Mà vì giữ giới hạnh.

Vua dẫn đầu các quan và mấy ngàn ức vị Bà-la-môn đi bộ đến gò mả rồi nói:

–Các vị Đại sĩ này, tuy gọi là Chiên-đà-la nhưng thật là bậc Đại tiên.

Vua cho thu lấy các tử thi rồi ứa nước mắt, nói kệ:

Người mạnh mẽ giữ giới
Dùng dao chém chặt thân
Thi hài bỏ trên đất
Máu huyết chảy khắp người
Vì giữ gìn giới cấm
Nay bỏ thân mạng này,
Vững tâm không làm ác
Giữ giới cho đến chết
Hưởng được vị Phật pháp
Người trí đều phải thế.
Vua lại nói kệ tiếp:
Người ngu si đui mù
Tham đắm dục cấu uế
Dính mắc các căn mình
Dao động không yên định
Không nghĩ đến nghiệp ác
Chỉ biết vui hiện tại
Kết sử làm nhơ bẩn.
Người trí thường quán sát
Nghĩ thân, của mong manh
Như cây mọc ven sông
Không bao giờ làm ác
Nước trí rửa tâm dơ.

Bấy giờ, đại vương gần gũi với Chiên-đà-la. Vì kính chuộng pháp nên vua nhiễu quanh tử thi ba vòng, quỳ thẳng chắp tay nói kệ:

Kính lễ quy mạng Pháp
Người khéo léo quán sát
Bỏ mạng sống ngắn ngủi
Chứ không xả bỏ Pháp.
Giả sử vào rừng lửa
Kiến đế mà phá giới
Quyết không có việc ấy
Đây là điều minh chứng
Người này vâng lời Phật
Không hề có hai lòng.
Gục chết trong vũng máu
Do giữ gìn giới Phật
Dùng lửa đốt thi hài
Liền biến thành tro đất
Tiếng thơm người giữ giới
Cùng khắp cả thế giới.


CHƯƠNG 47

Vì nhân duyên gì mà nói việc này? Vì muốn nói lên sự chứng đạo không có đổi khác. Phật nói bậc Kiến đế không bao giờ ai phá hoại được, thân tứ đại có thể tan hoại, nhưng “Bốn pháp thanh tịnh không thể phá hoại” thì không bao giờ bị tan hoại.

Tâm kiêu mạn thì không có điều ác nào mà không làm. Người kiêu mạn tuy tự cao nhưng cho là mình nhún nhường. Cho nên phải dứt bỏ kiêu mạn.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa Đức Phật thành đạo không bao lâu thì Ngài hóa độ cho anh em và những người dưới trướng của ngài Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp cả ngàn vị. Phiền não đã dứt bỏ thì râu tóc tự rụng, họ theo Đức Thế Tôn đến nước Ca-tỳ-la-vệ. Như trong kinh Phật Bản Hạnh có nói rõ.

Vua Duyệt-đầu-đàn được hóa độ, điều phục. Những người dòng họ Thích cậy vào tộc họ của mình sinh ra kiêu mạn. Đức Phật Thế Tôn ai nhìn thấy thân Ngài cũng không nhàm chán, thân thể đầy đặn, vừa người. Còn các vị Bà-la-môn tu khổ hạnh đã lâu, thân thể gầy ốm.

Tuy bên trong họ có chứng đạo nhưng diện mạo bên ngoài rất xấu xí. Đi theo Phật thật không tương xứng. Bấy giờ vua cha nghĩ rằng: “Nếu dòng họ Thích xuất gia đi theo Phật thì sẽ tương xứng với Ngài”. Nghĩ xong, vua đánh trống tuyên bố:

–Mỗi nhà họ Thích cho một người đi xuất gia.

Họ liền vâng lệnh vua, mỗi nhà cho một người đi xuất gia.

Lúc ấy, Ưu-ba-ly là người thợ hớt tóc cho dòng họ Thích khóc than buồn bã. Những người dòng họ Thích hỏi:

–Vì sao ông khóc?

Ưu-ba-ly thưa:

–Nay, những người trong dòng họ Thích đều đi xuất gia, tôi biết sống làm sao đây?

Những người dòng họ Thích đi xuất gia nghe Ưu-ba-ly nói liền cởi y phục đang mặc và chuỗi anh lạc, đồ trang sức chất thành một đống vật báu cho Ưu-ba-ly hết, rồi nói:

–Những vật này đủ nuôi sống cả đời ngươi.

Ưu-ba-ly nghe nói như thế thì sinh nhàm chán thưa:

–Nay các ngài đều chán ghét những thứ châu báu trang sức nên vứt bỏ còn tôi lấy nó để làm gì chứ.

Rồi liền nói kệ:

Những người họ Thích này
Vứt bỏ các châu báu
Như đổ bỏ phẩn dơ
Cho đến các rác rưởi
Họ xả bỏ mê đắm
Sao tôi lại tham lấy?
Nếu tôi lấy đống báu
Trong tâm sẽ tham đắm
Chấp là cái của ta
Đó là tai họa lớn,
Họ Thích bỏ tai họa
Giờ nếu ta nhận lấy
Chính là lỗi lầm lớn.
Ví như người ói mửa
Chó lại đến liếm ăn
Tôi lấy của người bỏ
Thì khác gì với chó.
Nay tôi sợ đống báu
Như lìa xa bốn độc
Căn lành tự bộc phát
Không tham luyến đống báu
Nay tôi phải xả bỏ
Muốn đến chỗ Thế Tôn
Cầu xin được xuất gia.

Ưu-ba-ly nói kệ trên xong, lại nói bài kệ khác:

Thấy người được pháp hơn
Mới sinh tâm vui mừng
Nay nguyện cho thân tôi
Cùng họ được việc tốt
Nay tôi muốn thoát ra
Nên siêng làm phương tiện.

Ưu-ba-ly lại nghĩ: “Nay ta nhất định sẽ xuất gia vậy phải nên cần cầu, bởi cả ngàn vị Bà-la-môn đã được Phật xuất gia, năm trăm người họ Thích dòng Sát-lợi cũng được xuất gia, hai dòng họ Bà-lamôn, Sát-lợi đều cao quý, còn ta là Thủ-đà-la thuộc dòng hạ tiện, lại làm việc thấp hèn, xin xuất gia chung với những người cao quý ấy biết có được chăng? Nay ta đâu có thế lực gì, làm sao mà được xuất gia chung với họ? Ưu-ba-ly liền nói kệ:

Dòng Sát-lợi thuần tịnh
Bà-la-môn học rộng
Xuất thân chỗ cao quý
Đều nhóm họp đến đây
Thân tôi dòng Thủ-đà
Làm sao được tham dự?
Giống như viên sắt vụn
Lẫn lộn giữa vàng ròng.
Bà-già-bà Phật-đà
Tôi nghe có Chủng trí
Nay tôi đến chỗ Ngài
Từ bi thương tất cả
Đáng tịnh, không đáng tịnh
Đáng xuất, không đáng xuất.
Tất cả chúng ngoại đạo
Không biết nơi giải thoát
Chỉ người diệt kết sử
Mới biết được giải thoát.

Ưu-ba-ly nói kệ xong bèn đến chỗ Đức Thế Tôn quỳ thẳng chắp tay, gối phải sát đất, nói kệ:

Tất cả bốn dòng họ
Đều được xuất gia chăng?
Vui Niết-bàn giải thoát
Chúng con có được chăng?
Lành thay Bậc Cứu Thế
Đại bi bình đẳng khắp
Thương xót, xin cho con
Được thứ lớp xuất gia.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết tâm ý Ưu-ba-ly đã được điều phục, căn lành thuần thục, đã đến lúc hóa độ. Ngài đưa tay phải tướng tốt trang nghiêm xoa đảnh Ưu-ba-ly rồi bảo:

–Cho phép ngươi xuất gia. Ngoại đạo không chỉ bày pháp bí mật cho đệ tử. Còn Như Lai thì không như thế, mà đại bi bình đẳng nói pháp không thiên vị; chỉ bày đạo lý vượt hơn để cứu độ họ.

Giống như đi chợ mua đồ không lựa chọn đắt rẻ, pháp Phật cũng vậy, không phân biệt giàu nghèo cho đến dòng họ.

Ngài liền nói kệ:

Ai khát uống nước trong
Mà không được no đủ
Ai cầm lửa đốt đèn
Mà không xua bóng tối,
Pháp Bậc Nhất Thiết Trí
Chung cho mọi chúng sinh
Ai người có tu hành
Mà không được nghĩa mầu.
Ví như ăn đường phèn
Sang, hèn đều hết mệt
Sát-lợi, Bà-la-môn
Pháp Phật bình đẳng khắp
Khi ra khỏi ba cõi
Các dòng họ không khác.
Ví như ba loại thuốc
Đối trị nóng, lạnh, gió
Thuốc không chọn dòng họ
Sang, hèn đều trị được,
Thuốc pháp cũng như thế
Trị được tham sân si
Bốn dòng họ đều trừ
Không cao thấp khác nhau.
Giống như lửa bắt cháy
Không lựa củi tốt, xấu
Nọc độc cũng giống lửa
Không phân biệt sang, hèn.
Giống như nước tắm gội
Bốn họ đều trừ dơ
Bến bờ của hết khổ
Các họ đều xa lìa.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn, giống như trời quang mây tạnh, Ngài phát ra âm thanh sâu xa giống như tiếng sấm, như tiếng rồng lớn đầu đàn, trâu đầu đàn, ca-lăng-tần-già, ong chúa, vua cõi người, kỹ nhạc trời phát ra tiếng Phạm âm bảo Ưu-ba-ly:

–Có muốn xuất gia chăng?

Ưu-ba-ly nghe âm thanh ấy tâm sinh vui mừng chắp tay bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, con mong muốn xuất gia.

Đức Phật bảo:

–Này Ưu-ba-ly, lành thay Tỳ-kheo! Ông hãy tu phạm hạnh trong pháp lành này.

Ưu-ba-ly nghe Đức Thế Tôn nói lời ấy rồi, râu tóc tự rơi rụng, áo ca-sa mặc trên thân, oai nghi khoan thai, các căn vắng lặng như vị Tỳ-kheo tu đã lâu năm.

Năm trăm người họ Thích đều phải bạch bốn lần yết-ma, thọ giới Cụ túc. Đức Phật dạy:

–Bây giờ Ta sẽ dùng phương tiện để trừ bỏ tâm kiêu mạn của những người dòng họ Thích.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với những người dòng họ Thích:

–Bây giờ các thầy phải nên kính lễ theo thứ lớp từ các vị cựu Tỳ-kheo Thượng tọa Kiều-trần-như, Tỳ-kheo A-tỳ Mã Sư… cho đến Ưu-ba-ly là vị hạ tọa sau rốt.

Thích Hiền vương là người dẫn đầu trong những người dòng họ Thích.

Những người dòng họ Thích kính thuận theo lời Đức Phật dạy, lần lượt đảnh lễ dưới chân các Tỳ-kheo, đến chỗ Ưu-ba-ly thì thấy chân của thầy khác lạ liền ngước lên nhìn thấy mặt Ưu-ba-ly, những người họ Thích hết sức kinh ngạc, giống như âm ba vang vọng của suối nước từ đỉnh đổ xuống va vào sườn núi. Họ liền nói:

–Chúng tôi là dòng Sát-lợi nhât chủng được người đời kính trọng. Nay vì sao phải kính lễ người xuất gia từng làm kẻ tôi tớ thấp hèn của mình, chúng ta sẽ thưa hết việc này lên với Đức Thế

Tôn. Họ thưa với Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Ưu-ba-ly cũng được kính lễ sao?

Phật bảo những người họ Thích:

–Nay dòng họ Thích của Ta nên cư xử theo pháp lễ lạy này để dứt trừ tâm kiêu mạn.

Những người họ Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Ưu-ba-ly thuộc giai cấp Thủ-đà-la.

Đức Phật dạy:

–Tất cả đều vô thường, giai cấp không nhất định. Vô thường chỉ có một vị, giai cấp cũng thế, đâu có gì khác nhau!

Những người họ Thích lại bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, đây là dòng họ xuất gia, chúng con xuất thân dòng Sát-lợi nhật chủng.

Đức Phật dạy:

–Tất cả thế gian như mộng như huyễn, các dòng họ đâu có gì khác nhau.

Những người dòng họ Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, đây là kẻ tôi tớ, còn chúng con là chủ.

Đức Phật dạy:

–Tất cả thế gian đều vì ân ái mà làm tôi tớ. Nếu chưa thoát khỏi sinh tử thì sang hèn không khác nhau. Hãy xả bỏ tâm kiêu mạn của các ngươi!

Lúc ấy những người dòng họ Thích trang nghiêm khác thường, như hoa nở rộ. Họ chắp tay hướng về phía Phật với sự do dự hoài nghi mà thưa như vầy:

–Bạch Đức Thế Tôn, Ngài nhất định bắt chúng con kính lễ dưới chân Ưu-ba-ly hay sao?

Đức Phật bảo họ:

–Không phải chỉ riêng Ta mà pháp xuất gia của tất cả chư Phật cũng đều như thế.

Những vị dòng họ Thích nghe Đức Phật nhắc lại pháp xuất gia liền đứng sững sờ như cây không gió. Tâm ý buồn bực, họ đều đồng thanh thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, chúng con làm sao dám trái lời Đức Phật dạy? Mà phải kính thuận lời Đức Phật dạy.

Trước tiên, vị Tỳ-kheo hiểu biết tu hành đã lâu thưa như vầy:

–Sở dĩ Đức Như Lai hóa độ Ưu-ba-ly trước là vì muốn dứt bỏ tâm kiêu mạn cho những người dòng họ Thích.

Khi ấy, những người dòng họ Thích bèn xả bỏ tâm kiêu mạn, thuận theo pháp xuất gia, mà cũng là pháp mà các vị quý tộc xuất gia trong tương lai nên thuận theo. Bạt-đà-thích… có thói quen kiêu mạn đã lâu nay nhổ tận gốc, kính lễ dưới chân Ưu-ba-ly. Khi họ đang kính lễ thì mặt đất, thành quách, núi rừng, sông biển đều rung chuyển. Chư Thiên xướng rằng:

–Ngày hôm nay ngọn núi kiêu mạn của dòng họ Thích đã sụp đổ. Chư Thiên nói kệ:

Hay thay! Bỏ kiêu mạn
Dòng họ, sắc lực, tài
Thuận theo lời Phật dạy
Như cây nghiêng theo gió.
Dòng Sát-lợi nhât chủng
Đảnh lễ Ưu-ba-ly
Dứt bỏ tâm ngã mạn
Các căn đều vắng lặng.
Những người rất cao quý
Chân thật không dua nịnh
Phước lợi, đủ các đức
Số nhiều như rừng trúc
Bà-la-môn tiếng tăm
Sát-lợi quý tộc thảy
Các danh đức như thế
Vào trong pháp Mâu-ni
Trang nghiêm các Thánh chúng
Như sao vây quanh trăng
Lấm tấm khắp bầu trời.
Hay thay! Pháp hưng thịnh
Biển lớn của Như Lai
Nước công đức trên hết
Tràn đầy ở trong ấy
Nơi quy tụ các sông
Các thắng trí thế gian
Đều quay về pháp Phật
Các trời, người thêm nhiều
Khổ là đường phải thoát.
Như Lai khéo giải thích
Nói pháp dứt kiêu mạn
Chúng đệ tử một vị
Như biển chỉ vị mặn.

Vì nhân duyên gì nói việc này? Pháp Phật xuất hiện trên thế
gian để dứt bỏ kiêu mạn.


CHƯƠNG 48

Người đã Kiến đế không bị ma trời hay các ngoại đạo dối gạt. Thế nên phải siêng năng dùng mọi phương pháp tu hành cầu được Kiến đế.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa cư sĩ Thủ-la hết sức keo kiệt. Các ngài Xá-lợi-phất… thường lui tới nhà cư sĩ này.

Ngài nói kệ:

Đường ác sâu như biển
Tâm loạn như nước đục
Bị nước bỏn sẻn cuốn
Miệng liền nói không tiền.
Dòng sông lớn ganh ghét
Các cá, rùa tà kiến
Lội đầy dưới sông ấy
Theo dòng không dừng nghỉ.
Phải nhổ gốc keo kiệt
Được quả báo của thí
Đức Thế Tôn đại bi
Hàng Thích tử vô úy
Thấy người chìm trong khổ
Chúng tôi phải cứu giúp.

Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, sáng sớm đắp y, ôm bát đến nhà trưởng giả Thủ-la khen ngợi hạnh bố thí. Trưởng giả lấy làm không vui giống như dao nhọn đâm vào tim, ông nói với ngài Ca-diếp:

–Ngài được mời hay muốn đến xin ăn.

Ngài Ca-diếp đáp:

–Tôi thường khất thực.

Trưởng giả nói:

–Nếu thầy khất thực thì nên đúng giờ.

Ngài Ca-diếp bỏ đi. Cứ như thế, ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiềnliên… các vị đệ tử lớn của Đức Phật lần lượt đến nhà trưởng giả nhưng đều không được ông tiếp đãi. Bấy giờ, Đức Thế Tôn đến nhà trưởng giả nói:

–Ông nên thực hành năm việc bố thí rộng lớn.

Trưởng giả Thủ-la nghe xong trong lòng rất buồn bã liền nghĩ rằng: “Một việc bố thí nhỏ ta còn không làm được, thì sao làm được năm việc bố thí rộng lớn. Trong pháp của Như Lai chẳng lẽ không còn pháp nào? Vì các đại đệ tử của Ngài dạy tôi bố thí; nay Đức Thế Tôn cũng dạy tôi bố thí.” Nghĩ xong, trưởng giả bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, một việc bố thí nhỏ nhặt con còn không thể làm được huống gì là năm việc bố thí rộng lớn?

Phật bảo trưởng giả:

–Không sát sinh là bố thí rộng lớn, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu; những việc như thế gọi là năm việc bố thí rộng lớn.

Trưởng giả nghe xong, trong lòng rất vui mừng, bèn suy nghĩ:“Năm việc như thế không hao tốn mảy may mà được gọi là bố thí rộng lớn. Vì sao ta không làm?” Suy nghĩ xong, trưởng giả rất vui mừng, sinh tâm kính tín Đức Thế Tôn, rồi thưa:

–Đức Phật là Bậc Điều Ngự Trượng Phu, điều này quả thật không luống dối. Ngoài Đức Thế Tôn ra thì không ai có thể hiểu rõ để nói như thế. Ai cũng kính thuận và không dám trái lời Ngài dạy.

Ông nói kệ:

Dung mạo không ai bằng
Biện tài đời ít có
Thế Tôn nói đúng thời
Tiếng Phạm âm tốt đẹp
Lời dạy không luống dối
Người nghe đều kết quả.

Nói kệ xong, trưởng giả sinh tâm vui mừng đối với Phật, liền vào kho lấy hai tấm dạ định dâng cúng Phật. Ông lại nghĩ là nhiều nên chỉ muốn cúng một tấm nhưng lại ngại ít nên cúng luôn hai tấm. Biết tâm niệm của ông, Đức Phật nói kệ:

Vừa thí vừa đấu tranh
Nói cả hai giống nhau
Hai đức đều không trụ
Mạnh yếu của trượng phu
Vừa thí vừa đấu tranh
Gieo duyên giống như nhau.

Nghe kệ xong, trưởng giả Thủ-la cho là Đức Như Lai Thế Tôn biết được tâm niệm của mình, ông vui mừng hớn hở dẹp bỏ tâm keo kiệt, lấy dạ cúng dường Đức Phật. Biết Thủ-la có tâm vui mừng, Đức Phật bèn nói pháp đúng theo căn cơ, giúp trưởng giả dứt bỏ gốc rễ hai mươi ức ngã kiến, trưởng giả chứng quả Tu-đà-hoàn. Lúc ấy, Đức Thế Tôn từ ngồi đứng dậy trở về nơi an trụ của mình.

Thủ-la vui mừng tiễn chân Phật rồi trở về nhà mình mà trong lòng cảm thấy sung sướng. Thấy Thủ-la vui vẻ, Ma vương nghĩ: “Nay ta sẽ đến chỗ Thủ-la phá hoại tâm lành của ông ta”. Nghĩ xong, Ma vương hóa thành thân Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp đến nhà Thủ-la nói kệ:

Thân như núi vàng sạch
Ánh sáng rất rực rỡ
Hóa hiện thật tự tại
Đi như voi đầu đàn
Đi vào nhà Thủ-la
Như trời ẩn trong mây
Người nhìn không nhàm đủ
Sáng như ngàn mặt trời.

Ánh sáng chói sáng cả nhà Thủ-la, Thủ-la kinh ngạc nghi ngờ không biết đây là người nào, liền nói kệ:

Như đống vàng ròng chảy
Chiếu sáng cả nhà tôi
Như mặt trời ló dạng
Ánh sáng hơn lúc thường.

Nói kệ xong, trưởng giả Thủ-la rất vui mừng như toàn thân được vẩy nước cam lộ. Ông nói:

–Con có phước lớn, hôm nay Như Lai lại vào nhà con. Tuy Như Lai lại đến nhưng con không cho là ít có, vì sao? Vì hạnh nghiệp của Như Lai Thế Tôn là tế độ chúng sinh bằng tâm Từ bi.

Thủ-la liền nói kệ:

Đầu như quả Ma-ni
Màu da như vàng ròng
Sợi lông trắng giữa mày
Mắt sáng trong dài rộng
Như sen xanh nở tròn,
Điều phục trong vắng lặng
Bước khoan thai không sợ
Dung mạo đẹp khác thường
Ánh sáng chiếu một tầm
Tự trang nghiêm thân Ngài,
Tự nói mạnh mẽ rằng
Ta đây thật là Phật.

Bấy giờ, Ma vương đứng rất trang nghiêm trước mặt Thủ-la nói:

–Trước kia ta có nói cái khổ của năm thọ ấm do tập mà sinh, tu tám con đường chánh diệt được năm thọ ấm. Điều đó là sai.

Thủ-la nghe xong rất nghi ngờ: “Tướng mạo giống Đức Phật nhưng những lời nói ra không đúng pháp, ta nằm mơ hay tâm trí đảo điên, nghe những lời ông ta nói nặc mùi tham lam ganh ghét, đây chắc là kẻ ác nào đã hóa hiện ra thân Phật? Như trong bụi hoa có rắn độc, nay ta xét biết đây chắc chắn là ma. Như người bán kim đến nhà người làm kim để bán.” Trưởng giả bèn bảo:

–Ngươi là ma Ba-tuần hãy nghe lời của ta là đệ tử Phật nói đây:

Cánh ngỗng quạt Tu-di
Làm sao nghiêng động được
Muốn cho tâm Kiến đế
Nghiêng động theo ý ngươi
Không hề có việc ấy.
Ngươi mê hoặc mắt thịt
Không mê được mắt pháp
Phật biết được việc này
Cho nên nói như vầy
Mắt thịt rất yếu kém
Không phân biệt thật giả
Nếu người được mắt pháp
Liền thấy Đấng Mâu-ni.
Ta được mắt pháp tịnh
Thấy được việc diệt kết
Không hề nghe lời ngươi
Ngươi luống tự mệt nhọc
Không thấy được mê loạn.
Nay ta biết rõ ngươi
Chính là ma Ba-tuần.
Người thấy bốn Chân đế
Không thể lay động họ
Như tiền được mạ vàng
Muốn dối gạt tiệm vàng
Việc này cũng khó thành
Ngoài hiện tướng vàng ròng
Nhưng trong thật là đồng.
Giống như lấy da cọp
Đem phủ lên mình lừa
Hình sắc lừa mắt thịt
Ngươi nói là biết dối.
Như lửa có tính lạnh
Tướng gió luôn thường trụ
Dù mặt trời u ám
Trăng có thể nóng lên
Không thể làm Kiến đế
Mà có tâm động chuyển.
Giả sử khắp thế giới
Cỏ cây đến ngói đá
Loài cầm thú hươu nai
Đều có tướng như Phật
Không lay được ý ta,
Nay tướng có đổi khác
Huống thân ma của ngươi
Sao lay động được ta.
Thủ-la bằng mọi cách
Trách Ba-tuần thậm tệ
Giống như người khỏe mạnh
Xông trận đánh kẻ ác.
Ma Ba-tuần sợ hãi
Vội trở về cõi trời.
Nơi sư tử chúa ở
Voi đến liền bỏ chạy
Ba-tuần cũng như thế
Chỗ người kiến đế ở
Ma không dám khuấy phá.


CHƯƠNG 49

Người chưa chứng được thiền định lúc sắp qua đời không được quyết định.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, Đa-xí-na-ca là người hầu được vua Bà-tu yêu quý. Vì tội gièm pha hủy báng nên bị giam vào ngục nhưng ông vẫn tiếp tục tội lỗi của mình. Vua rất giận dữ sai người đến giết ông, bà con quyến thuộc đều đến thăm và nói với ông:

–Ông là người thông minh, sự hiểu biết vượt hơn người khác, nay vì sao tâm ông khấy động? Khi cái chết đến thì có nỗi khổ nào bằng?

Na-ca đáp:

–Tôi sợ sệt cái chết, tâm không ổn định.

Ông liền nói kệ:

Trước kia đối cha mẹ
Bà con và quyến thuộc
Xa lìa sinh buồn đau
Cho là điều khổ nhất
Nay gặp khổ khi chết
Khổ trước không đáng kể.
Xét trong các thứ khổ
Khổ chết cũng không lớn
Không biết nơi sẽ sinh
Khổ não đốt thân tâm.
Nay chết rất nhanh chóng
Không biết nơi sinh đến
Thân không lìa tham dục
Ai không khỏi kinh sợ
Tinh thần rất hoang mang
Như mù đi đường xa
Chẳng biết nơi nào đến.
Tâm ý rất suy sụp
Giống như tung nắm cát
Không thể ngăn được nơi
Như những lời Phật dạy.
Có tâm, tâm sai khiến
Tôi điên đảo sai lầm
Khó được sinh cõi lành
Do tâm được tự tại
Tùy ý chọn các cõi
Giờ tâm tôi xao động
Không thể giữ cho yên.
Xưa nay tôi ngu dốt
Tham đắm vui năm dục
Không thể quán nội thân
Buộc niệm vào chỗ lành
Nương vào rừng núi nào
Ngồi thẳng mà buộc niệm
Việc tốt nhất như thế
Giờ mới sinh mong muốn.
Kia được thiền ẩn náu
Nên an vui vắng lặng.
Tôi nhớ Thế Tôn dạy
Nghĩa của ba câu kệ
Buông lung làm phi pháp
Tu sửa điều đáng tu
Vứt bỏ các nghĩa lợi
Tham đắm nơi yêu quý,
Vừa muốn tu việc lành
Bỗng chốc cái chết đến
Xa lìa đường chánh kia
Theo đường tà hiểm này.
Như trục gãy xe dừng
Ngồi giữ rất lo buồn
Đến với pháp như thật
Tu những việc phi lý
Kẻ phàm phu chết đến
Trục gãy chịu sầu đau.

Vì lý do gì nói việc này? Vì trước kia không khéo quán sát để chuẩn bị tư tưởng cho cái chết. Nên lúc sắp chết sợ hãi mới tu tập thiền quán. Do không dứt bỏ năm dục nên không biết nơi đến mới ăn năn sợ hãi.

Cho nên nói kệ:
Người trí nên buộc niệm
Dứt bỏ tưởng năm dục
Người siêng năng giữ tâm
Lúc chết không ăn năn.
Tâm ý đã chuyên nhất
Không có niệm tán loạn
Người trí siêng giữ tâm
Sắp chết tâm không loạn.
Chuyên chú nơi cảnh giới
Không tu tâm chuyên chú
Sắp chết ắt tán loạn.
Nếu tâm bị tán loạn
Như dùng cương điều ngựa
Nếu khi nó chiến đấu
Lòng vòng không đi thẳng.

Người không khéo quán sát, không thu nhiếp năm căn, lúc sắp chết tâm khó kiềm chế. Như áo giáp trong kho đã bị mục nát, lúc gặp địch đem ra dùng thì áo giáp đã mục nát tơi tả. Không tập kiềm chế tâm lúc sắp chết cũng như vậy.


CHƯƠNG 50

Người có công đức chân thật thì nên cúng dường. Người trí nên cung kính Bậc có đức.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, có nước A-việt-đề, vua nước này tên là Nhân-đề- bạt-ma. Vua có người em tên là Tu-lợi-bạt-ma. Vì tranh giành lãnh thổ nên hai anh em đánh nhau. Tu-lợi-bạt-ma ném dây tròng vào đầu Nhân-đề-bạt-ma, kéo thật nhanh, Nhân-đề-bạt-ma hết sức sợ hãi phát nguyện: “Nếu được cứu thoát, tôi sẽ mở hội Vô già trong Phật pháp”. Nguyện xong thì sợi dây liền đứt ngay. Từ đó vua rất kính tin Phật, Pháp, Tăng. Vua ra lệnh cho quan đại thần Phù Giả Diên-mật-đa lập hội Vô già. Đại thần vâng lệnh vua, lập hội Vô già để làm lợi ích cho mọi người. Lúc ấy, quan đại thần ngồi hàng đầu trông thấy vị Thượng tòa Tỳ-kheo lưu lại nửa phần ăn, chú nguyện xong bỏ thức ăn dư vào đầy bát rồi đứng dậy đi. Như thế đến ba lần. Quan đại thần trông thấy liền sinh tâm bất tín. Ông suy nghĩ: “Tỳ-kheo như thế chắc chắn là không thanh tịnh”. Nghĩ xong, ông tâu mọi việc lên  vua. Vua hỏi quan đại thần:

–Khanh có lòng tin chứ?

Quan đại thần tâu:

–Thưa đại vương, hạ thần không có lòng tin. Vì sao? Vì vị Tỳ-kheo Thượng tọa lưu lại nửa phần ăn rồi đứng dậy đem đi, chắc chắn là thức ăn ấy được mang về cho vợ con, nên hạ thần nghi ngờ ông ta.

Vua nghe xong, đưa hai tay bịt tai, bảo quan đại thần:

–Đừng nói nữa! Khanh chớ nghĩ quấy cho người. Khanh không có năng lực trí tuệ, làm sao có thể xét đoán được người ấy. Như Đức Phật có dạy: “Nghĩ sai cho chúng sinh chắc chắn tự làm hại mình”.

Khanh chớ có sinh tà kiến điên đảo.

Vua liền nói kệ:

Giới, Định, Tuệ vắng lặng
Được Tuệ giác học rộng
Đệ tử Phật như thế
Che giấu các công đức
Như lửa được tro lấp
Hành giới trí lâu ngày
Điều Đức Thế Tôn dạy.
Khanh không cùng sống chung
Sao biết hạnh của người?
Phật nói quả Yêm-la
Dụ cho bốn hạng người
Chỉ người trượng phu khéo
Mới biết phân biệt được,
Chỉ Phật Thế Tôn nói
Và người ngộ như Phật
Mới suy lường người được.
Vì thế khanh không nên
Khinh thường đệ tử Phật
Mà đánh giá hồ đồ
Như kho tàng trong đất
Bị phủ bởi đất cát
Ai biết dưới có báu.
Thôi khanh đừng đi nữa
Tự nên xem xét lại
Ta từ nay về sau
Đích thân cúng dường Tăng
Người ngu uống thuốc hay
Cũng biến thành thuốc độc.

Sau đó, đích thân vua đến cúng dường chúng Tăng, tự tay dâng thức ăn. Vị Tỳ-kheo Thượng tọa lúc trước cũng để lại thức ăn, chú nguyện xong liền đem đi. Vua đi theo sau và thưa với Thượng tọa:

–Bạch Thượng tọa, ngài tuổi tác đã cao, có thể đưa bát cho trẫm cầm giúp.

Khi ấy, vị Thượng tọa không muốn trao bát, vua cố tình xin cầm giúp, cho đến thôn Chân-đà-la vị Thượng tọa vẫn không muốn trao bát. Lúc ấy, vị Tỳ-kheo Thượng tọa liền nói kệ:

Tôi biết vua tịnh tín
Xót thương hay cứu giúp
Tuy vua sinh đời trược
Nhưng oai nghi trang nghiêm
Các vua tài trên đời
Vẫn cũng không bằng được.
Không biết giới hạnh tôi
Chỉ thấy tôi xuất gia
Chưa từng có qua lại
Cũng không có quan hệ
Mà rất là yêu kính
Ân còn hơn cha hiền
Dù không thấy tâm ông
Các căn đều vui hòa.
Mặt trời mọc trên không
Mây dày che không hiện
Dù có mây che khuất
Hoa nở biết trời sáng,
Biết vua tâm tin sâu
Đặc biệt chưa từng có
Biết nhún mình tự thấp
Muốn ôm bát giùm tôi
Giàu sang phước lợi nhưng
Không hay mạn, buông lung.
Các vua được tự tại
Kiêu mạn làm mù mắt
Chỉ gây các nghiệp ác
Sa đọa nhiều lầm lỗi
Mạnh mẽ có trí lực
Khéo biết dùng tài thí
Quán thân như huyễn hóa
Biết giữ pháp chắc thật.
Nếu nói tóm lại thì
Tất cả đều thêm lớn
Như vua tự điều phục
Trên hết trong giáo hóa
Đạo Hiền thánh thực hành
Hạnh tùy thuận của chúng.

Tôi đã nhận sự cúng dường của vua và vua cũng hạ mình xin ôm bát giùm tôi, việc cúng dường đã đủ, không cần phải lấy bát.

Bấy giờ, nhà vua lại ân cần xin theo ôm bát. Tỳ-kheo Thượng tọa nghĩ: “Vì sao vua muốn ôm bát giùm ta?”. Vị Tỳ-kheo Thượng tọa liền nhập định quán sát, biết vua muốn điều phục quan đại thần cho nên xin ôm bát. Ngài liền nói kệ:

Kẻ phàm phu ngu tối
Muốn động núi Tu-di
Giờ ta sẽ đưa bát
Để giúp tâm ý họ.
Đối với tiếng khen chê
Tâm ta đều không khác
Sinh bất tín với ta
Làm tổn giảm nhiều người.

Nói kệ xong, vị Tỳ-kheo Thượng tọa đưa bát cho vua. Vua liền ôm bát, giống như vòi voi cuốn lấy hoa sen xanh. Vua theo Tỳ-kheo Thượng tọa đi đến nhà Chiên-đà-la. Tỳ-kheo Thượng tọa mời vua vào  nhà, vua không chịu vào mà chỉ đứng trước cửa. Bà mẹ của Tỳ-kheo trước đã chứng quả A-na-hàm, có Thiên nhãn biết được tâm người (khác) và cũng biết nhân duyên căn lành của người khác. Mẹ của vị Tỳ-kheo thưa với vua:

–Ngài chớ khiếp sợ! Hãy vào nhà tôi.

Bà liền nói kệ:

Ngài không nên nghi ngờ
Đây nhà Thủ-đà-la
Chẳng phải nhà Chiên-đà
Con đầu chứng La-hán
Con thứ ba Dự lưu
Tôi là Ưu-bà-di
Của Phật Nhất Thiết Trí
Chứng quả A-na-hàm.
Ngài chỉ xét Giới hạnh
Chớ hỏi dòng họ nào
Chấp xét đạo đức tôi
Chớ màng đến gia quyến
Sau rốt sinh nhà này
Có công đức tốt đẹp.
Giống như trong cát đá
Có thể đãi ra vàng
Y-lan phát được lửa
Bùn hôi mọc hoa sen,
Xét người theo đạo đức
Đừng y cứ dòng họ?
Y-lan với chiên-đàn
Đốt cháy đều tỏa nhiệt
Cả hai đều có ích
Công đức giống như nhau.

Nghe bà mẹ nói kệ xong, vua than: “Hỡi ôi, đây chính là bậc Đại nhân trong Phật pháp. Thể tánh Phật đại bi giúp cho Chiên-đà-la được đến chỗ bất sinh bất diệt mà không phân biệt dòng họ, gầm lên tiếng rống sư tử giữa giai cấp Chiên-đà-la trong Chánh pháp do Phật nói”. Vua lại nghĩ: “Nếu cúng dường theo dòng họ thì mất công đức, còn nếu cúng dường theo công đức thì không nên phân biệt Chiên-đà-la”.

Vua liền nói kệ:
Chỉ cúng dường công đức
Không nên xét dòng họ
Bà-la-môn nói dụ
Trong bùn mọc hoa sen
Trời và A-tu-la
Tôn kính đội trên đầu.
Bà-la-môn có lỗi
Người trí đều dứt bỏ
Nếu họ gây nghiệp ác
Nói không lỗi được chăng?
Nhưng thật là có lỗi
Nếu Chiên-đà có đức
Há có thể không nhận
Mà thật có công đức
Chiên-đà-la như thế
Ta phải nên cúng dường.
Chiên-đà-la như vậy
Tu khổ hạnh trong rừng
Đó gọi là Tiên thánh
Chẳng phải Chiên-đà-la.
Chiên-đà-la giết nai
Vua chúa ăn thịt nó
Chiên-đà-la làm tên
Và cũng dùng tên bắn
Vì lý do như thế
Ta nên tùy thuận hành
Chiên-đà người có đức
Vì sao không dám nhận?

Nói kệ xong, vua vào nhà quỳ thẳng chắp tay suy nghĩ: “Trước khi kính lễ bà lão ta nên đảnh lễ Đức Phật trước. Đức Như Lai Thế Tôn chỉ bày con đường chân chính cho Chiên-đà-la, cũng chỉ bày con đường chân chánh an ổn cho tất cả chúng sinh, cho nên ta đảnh lễ Đức Phật trước.

Vua bèn nói kệ:

Kính lễ Phật khổ hạnh
Vị thầy thuốc trên hết
Nay con vì Thế Tôn
Kính lễ người thấp hèn.
Như nương núi Tu-di
Nai, chim đều sắc vàng
Nghe Ngài nói việc này
Nay con đang chứng biết,
Nương núi Tu-di Phật
Kẻ hèn có thể sang
Biển trí Nhất thiết chủng
Ý tịnh lên bờ giác.
Chỉ có Phật cứu đời
Lòng từ, không ác ý
Đối với các chúng sinh
Làm người bạn gần gũi
Với một vị giải thoát
Phân biệt nói nhiều loại
Ngoại đạo thì ngông cuồng
Phân biệt xằng dòng dõi.
Vua nói kệ xong, đảnh lễ ra về.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15