SỐ 201
ĐẠI TRANG NGHIÊM KINH LUẬN
Tác giả: Bồ-tát Mã Minh.
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

CHƯƠNG 41

Lợi dưỡng làm rối loạn việc hành đạo. Nếu không màng đến lợi dưỡng thì sẽ khéo quán sát được tâm giận tức.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa có một thầy Tỳ-kheo sống trong khu vườn kia, người dân trong các thành phố, ấp, xóm làng… đều đến cúng dường. Có người đồng xuất gia sinh lòng ganh ghét, chê bai. Đệ tử của thầy Tỳ- kheo nghe những lời chê bai này, bèn đến bạch với thầy:

–Thầy Tỳ-kheo nọ chê bai Hòa thượng đấy.

Hòa thượng nghe như vậy, liền gọi thầy Tỳ-kheo ấy đến, dùng lời êm dịu an ủi và biếu y cho thầy ấy. Các đệ tử bạch thầy:

–Ông thầy chê bai kia là kẻ đáng ghét của chúng ta, tại sao Hòa thượng lại an ủi và đem y cho ông ấy?

Hòa thượng đáp:

–Vị Tỳ-kheo phỉ báng kia có ân đối với ta nên ta phải cúng dường.

Hòa thượng liền nói kệ:

Mưa đá hại lúa má
Có người ngăn chận được
Chủ ruộng rất vui mừng
Đem của cải đền ân,
Phỉ báng là bạn thân
Không gọi kẻ oán ghét
Ngăn mưa lợi dưỡng ta
Ta nên đền ân này.
Mưa đá hại một đời
Lợi dưỡng hại nhiều kiếp
Mưa đá hại vật chất
Lợi dưỡng hại tu đạo,
Ruộng bị mưa đá hại
Ắt còn lại ít nhiều
Người bị lợi dưỡng hại
Công đức đều mất hết.
Như Đề-bà-đạt-đa
Bị mưa lợi dưỡng hại
Bởi ông ta tham đắm
Không mảy may pháp lành.
Việc ác rất lẫy lừng
Khi chết đọa đường ác
Lửa lợi dưỡng bốc cao
Còn hơn tâm độc ác
Sư tử và cọp sói
Người trí quán sát rồi
Thà bị chúng làm hại
Không để lợi dưỡng hại.
Người ngu tham lợi dưỡng
Không thấy tội ác kia
Lợi dưỡng xa đạo Thánh
Hạnh lành mất không sinh.
Phật đã dứt kết sử
Mở hết kiết ba cõi
Công đức đã đầy đủ
Còn phải tránh lợi dưỡng.
Đấng Sư Tử trong chúng
Đã nói ra lời này:
Lợi dưỡng chớ gần ta
Ta cũng xa lánh nó.
Người tâm trí sáng suốt
Đâu ai tham lợi dưỡng
Lợi dưỡng rối loạn tâm
Làm hại hơn kẻ thù.
Như dùng dây thô giết
Cắt da, nát thịt xương
Phá tủy mới chịu thôi
Lợi dưỡng hơn dây thô
Cắt đứt da giữ giới
Phá hoại thịt thiền định
Làm gãy xương trí tuệ
Làm nát tủy tâm lành.
Cũng thí như đứa trẻ
Bốc lửa nóng định ăn,
Như cá nuốt mồi câu
Như chim bị sa lưới,
Các thú rơi hố sâu
Đều do bởi tham mồi
Tỳ-kheo tham lợi dưỡng
Cũng như kia khác gì.
Miếng mồi quá bé nhỏ
Gặp họa lại quá lớn
Dối gạt và nịnh hót
Ẩn náu trong lợi dưỡng.
Gần gũi sự mê loạn
Mầm mống của tai họa
Giống như gãi mụt ghẻ
Càng gãi thì càng ngứa
Kiêu căng, dục, buông lung
Đều do lợi dưỡng sinh.
Người này vì chúng ta
Ngăn chặn giặc lợi dưỡng
Ta vì ý nghĩa đó
Nên tận tâm cúng dường
Thiện tri thức như thế
Sao gọi đáng ghét được?
Bởi vì tham lợi dưỡng
Không ưa nơi vắng lặng
Tâm chạy theo lợi dưỡng
Ngày đêm không ngừng nghỉ:
Nơi ấy có cơm áo
Người đó bạn thân ta
Ắt đến mời thỉnh ta.
Tâm thường chạy theo cảnh
Làm tâm không vắng lặng
Không thích chỗ thanh vắng
Thường ưa chốn đông người
Lợi dưỡng làm hủy hoại
Chẳng qúi pháp thanh vắng
Vì bỏ pháp vắng lặng
Không gọi là Tỳ-kheo
Cũng chẳng gọi Cư sĩ.


CHƯƠNG 42

Muốn đạt đến lậu tận thì vấn đề dạy dỗ và tu học phải tùy theo căn cơ khác nhau.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, Tôn giả Mục-liên dạy hai người đệ tử chuyên ròng tu thiền nhưng không đạt kết quả. Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi ngài Mục-liên:

–Hai vị đệ tử của thầy chứng được thắng pháp chưa?

Ngài Mục-liên đáp:

–Chưa được.

Ngài Xá-lợi-phất lại hỏi:

–Thầy dạy họ pháp môn gì?

Ngài Mục-liên đáp:

–Tôi dạy một người quán bất tịnh và một người đếm hơi thở.

Nhưng tâm ý của họ quá trì trệ nên không giác ngộ.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi ngài Mục-liên:

–Hai vị đệ tử đó từ dòng họ nào mà đi xuất gia?

Ngài Mục-liên nói:

–Một người là thợ giặt và một người nữa là thợ luyện vàng.

Ngài Xá-lợi-phất bèn bảo ngài Mục-liên:

–Đối với người thợ luyện vàng, thầy nên dạy họ pháp đếm hơi thở, còn người thợ giặt thầy nên dạy họ quán bất tịnh.

Tôn giả Mục-liên bèn dạy đệ tử theo pháp như thế, họ liền siêng năng tu tập và chứng quả A-la-hán. Sau khi chứng quả, họ rất vui mừng, hớn hở nói kệ ca ngợi Tôn giả Xá-lợi-phất:

Bậc chuyển pháp thứ hai
Đại tướng của pháp Phật
Đạt trí tuệ trên hết
Trong các vị Thanh văn
Có năng lực trí tuệ,
Và giác ngộ hơn hết.
Hay thay Xá-lợi-phất!
Chỉ bày đường giải thoát
Tùy thuận theo thói quen
Dắt dìu khai ngộ con
Cả hai chóng giải thoát
Thực hành cảnh giới mình
Đạt được điều nên đạt
Thực hành cảnh giới khác
Như cá nằm trên đất.
Con thường quen giặt áo
Màu trắng bên bờ sông
Tâm trụ trong xương trắng
Giống nhau dễ khai ngộ
Không cần dùng công lắm
Cũng mau vào tâm con,
Thợ vàng thường thổi bệ
Hơi ra vào là gió
Đếm thở dễ thích hợp.
Thói quen của chúng sinh
Ai cũng có chỗ mạnh
Nay Ngài Xá-lợi-phất
Giềng mối trong pháp Phật.
Phật nói Xá-lợi-phất
Bậc chuyển pháp thứ hai
Thích ứng đúng như thật
Tâm đã được tự tại
Khiến cho hai chúng con
Khéo biết nẻo đường thiền.
Con như voi chưa thuần
Đại tướng trong pháp Phật
Dạy bảo điều phục con
Giúp đến nơi an ổn
Nên con rất vui mừng.


CHƯƠNG 43

Người căn lành thuần thục, dù có lẩn tránh nơi nào thì Đức Như Lai đại bi vẫn không bao giờ lìa bỏ họ.

Tôi từng nghe:

Xưa kia Đức Như Lai là ruộng phước tốt đẹp vô thượng, mọi việc Ngài làm đều đem đến phước đức, lợi ích cho chúng sinh, chẳng phải như ruộng của thế gian. Muốn nói lên việc thực hành ruộng phước khác với ruộng thế gian thì người thực hành ruộng phước (là Đức Như Lai) đến nhà các đàn-việt thuộc giai cấp thấp hèn, vào thành Xá-vệ khất thực. Cho đến khi làm Bồ-tát, vào thành Vương xá khất thực. Trong thành, tất cả những người già trẻ, nam nữ, lớn nhỏ, trông thấy dung nghi Ngài đều sinh tâm yêu kính. Ngoài ra, như trong kinh Phật Bản Hạnh có ghi:

Ngày xưa, khi Phật còn tại thế, chúng sinh nhàm chán việc ác, hạt giống căn lành rất dễ nảy mầm. Vì muốn cứu độ mọi người cho nên Đức Phật đã ứng hóa vào thành khất thực. Ngài nói kệ:

Nếu với tâm tin sâu
Kính lễ dưới chân Phật
Người này đối sinh tử
Chẳng còn vướng lâu nữa,
Làm được ruộng phước lành
Cúng dường tạo nhân duyên
Ắt được quả báo lớn
Với tâm kính tin dù
Cúng đất vào bát Phật
Cũng được có quả báo.

Khi Đức Như Lai vào thành thị hiện thần thông tất cả nhân dân cùng reo vui:

–Đức Phật vào thành!

Ngoài ra, như trong các kinh khác ghi:

Lúc Đức Phật vào thành, tất cả các thứ đều trang nghiêm đầy đủ. Mọi người nam nữ, già trẻ nghe tin Phật vào thành, tất cả đều xôn xao, giống như biển lớn gió làm nổi sóng phát ra âm thanh lớn, cõi Diêm-phù chưa có hiện tượng như vậy.

Bấy giờ, trong thành có người dọn phân dơ tên là Ni-đề, mình mẩy dơ bẩn, đầu tóc rối bù, áo quần rách rưới, bẩn thỉu. Nếu trên đường đi gặp những mảnh vải xấu, anh ta liền nhặt đem về vá áo, điều này nói lên nghiệp bất thiện đời trước. Ni-đề vác vò phân nặng trên lưng định đến đổ ở chỗ thật xa, giữa đường bỗng gặp Đức Phật, anh ta chiêm ngưỡng tôn nhan Ngài như thấy biển rộng bao la. Vầng ánh sáng tròn bao quanh Phật một tầm, trang nghiêm thân Đức Phật, giống như khối vàng ròng tinh khiết, không có vết nhơ. Ca-sa Ngài đắp màu như chiên-đàn đỏ, cũng như tòa lâu đài báu, chiêm ngưỡng mãi không chán, nên anh nói kệ:

Sắc vàng như hoa nở
Y màu đỏ chiên-đàn
Y phục thật ngay ngắn
Trong sạch như gương đồng
Như trăng sáng mùa thu
Mặt trời trong hư không
Thế Tôn ngự giữa chúng
Thanh tịnh như trăng thu.

Bấy giờ, chúng sinh thấy Phật Thế Tôn sinh tâm rất vui mừng. Loài súc sinh thấy Phật, đôi mắt còn hớn hở, huống chi là loài người, cho nên có bài kệ:

Tôn nhan thật khó sánh
Thâm tâm rất kính yêu
Đáng gọi Đấng Thiền Định
Oai quang vàng rực rỡ
Tâm tà kiến ác độc
Thấy Phật cũng vui mừng
Chiêm ngưỡng hình tướng Ngài
Mắt nhìn không nhàm chán.
Thấy Phật tâm vui mừng
Thân Phật đều chiếu sáng
Càng nhìn càng sáng hơn,
Thân thể Ngài viên mãn
Không chỗ nào đáng chê
Dòng họ đáng ca ngợi
Không ai chê bai được
Bậc trượng phu trí sáng
Tiếp nối sinh giống tốt.
Người đời trang sức báu
Để làm đẹp thân hình
Thân Phật đủ tướng đẹp
Chẳng cần trang sức ngoài
Tướng đẹp, người yêu thích
Vẻ đẹp thường theo thân.
Người đời dùng chuỗi ngọc
Chẳng được mãi đẹp luôn
Hoa sen đều nở thắm
A-du-già tốt tươi
Trang sức trên mặt đất
Đẹp ấy không bằng Phật.
Mắt trong, các tướng tốt
Rực rỡ trang nghiêm thân
Dụ như áo giáp ngọc
Trang sức bằng các báu,
Cũng như trong ao nước
Làm đẹp bằng các hoa
Các loại như thế sánh
Không bằng thân Như Lai.
Hình thể Đấng Thiện Thệ
Tướng tốt thật rực rỡ
Cũng như trong hư không
Lúc không có mây che
Muôn sao trang điểm trăng.
Đấng khéo làm việc tốt
Chiêm ngưỡng không chán đủ
Như uống vị cam lộ
Như trăng tròn, trong vắt
Được mọi người mến yêu.
Trang nghiêm bằng tướng mầu
Khéo điều phục oai đức
Muôn đức đều đủ đầy
Ai mà ca ngợi hết.
Các lỗi xấu đã hết
Thí như trong sinh tử
Các con rối hiện hình
Không bao giờ biến được
Dung nghi giống như Phật,
Tuy làm con rối đẹp
Chẳng bằng thân tướng Phật
Tướng nhiệm mầu của Phật
Trời, người không sánh bằng.

Lại nữa, không thể dùng ngôn từ khen ngợi cho hết được về tướng tốt nhiệm mầu của Đức Thế Tôn. Các hạnh đầy đủ, công đức trọn vẹn, nên nói kệ khen:

Những điều Như Lai dạy
Được người trí kính trọng
Cung cách và cử chỉ
Không hề có lỗi lầm.
Hơn hết trong Mâu-ni
Gặp việc chưa từng có
Tuệ giác không dao động
Chê khen, tâm không khác
Vì có mười năng lực
Hiện tướng rất vắng lặng
Tròn đủ và ngay thẳng
Nhóm công đức lợi ích.
Bước đi thật khoan thai
Được mọi người yêu thích
Lời nói nghĩa sâu rộng
Xét trông rất chắc thật
Có trình tự rõ ràng.
Tất cả đều buông bỏ
Không tham đắm ăn uống
Tóm lại mà nói thì
Không gì chẳng đáng yêu.

Lúc đó, Ni-đề thấy Đấng Điều Ngự Vô Thượng các căn vắng lặng và các thầy Tỳ-kheo các căn không tán loạn vây quanh theo hầu Ngài, tâm càng yêu kính hơn. Ni-đề nói kệ:

Các căn đều vắng lặng
Người điều căn vây quanh
Đắp y màu mới nhuộm
Trước sau đi theo người.
Đạo thù thắng dòng Thích
Thân vàng không dao động
Bốn chúng thường vây quanh
Như mây vờn mặt nhật.

Ni-đề trông thấy Đức Phật, tự thẹn mình nhơ nhớp thấp hèn, trên vai lại vác vò phân, thì làm sao dám gặp Phật, bèn quay bước rẽ sang con đường khác để không gặp Phật, nhưng trong lòng buồn khổ vô cùng: “Vì đời trước ta không làm việc phước, bị bao điều xấu ác kéo lôi nên nay phải chịu nổi khổ này. Ta không buồn với cái nghề thấp hèn này, nhưng thấy mọi người đều được đến chỗ Phật, còn ta vì bẩn thỉu, hôi thối, cho nên không đến được bên Ngài”. Vì thế nên Ni-đề bị lửa buồn phiền thiêu đốt tâm tư.

Ni-đề nói kệ:

Phật ra đời rất khó
Khó có thể gặp được
Trời, người, A-tu-la
Bát bộ đều vây quanh,
Nay ta tuy được gặp
Hôi thối chẳng dám gần
Rõ ràng do nghiệp ác
Tội báo xả bỏ ta.

Nghĩ xong, Ni-đề liền rẽ vào ngõ khác và tránh thật xa. Nhưng lòng Đại bi bình đẳng của Đức Phật Thế Tôn vẫn dõi theo bước chân của Ni-đề không rời bỏ. Ngài liền hiện thân trong con hẻm kia và đứng ngay trước mặt Ni-đề. Ni-đề thấy vậy, vô cùng kinh sợ, thầm nghĩ: “Vừa rồi ta đã tránh Đức Phật nhưng bây giờ lại gặp Ngài, ta phải biết tránh nơi nào đây?”.

Vừa lo âu, vừa sợ sệt, Ni-đề tự trách: “Ta thật bạc phước, chư Phật thơm tho thanh khiết, làm sao thân bẩn thỉu này dám đến gần Phật? Nếu ta đến gần Ngài, thì tội càng thêm nặng. Do nghiệp ác đời trước khiến cho ta đến nỗi như vậy”.

Ni-đề nói kệ:

Trời dùng hương chiên-đàn
Hoa Mạn-đà thượng diệu
Các thứ vật cúng dường
Đem đến dâng Thế Tôn,
Khi Đức Phật vào thành
Có nước thơm rưới đất
Trời, người đều cúng dâng
Thật là Đấng Ứng Cúng,
Còn ta mang vò phân
Sao dám đến trước Phật!

Ni-đề lại nghĩ: “Ta phải làm cách nào cho thích hợp bây giờ?”. Ni-đề liền bỏ Phật, đi vào con hẻm khác. Đức Như Lai cũng lại hiện đến trong con hẻm ấy. Ni-đề thấy vậy càng ngạc nhiên hơn, bèn nói kệ:

Ánh sáng quanh một tầm
Rực rỡ biết bao màu
Mọi người trong thành ấy
Chắp tay đứng vây quanh,
Đế Thích cầm phất trần
Trời, người đều cúng dường
Con vừa tránh hẻm khác
Phật lại hiện đến ngay.

Nói kệ xong, Ni-đề nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn là Bậc trên hết trong cõi trời, cõi người, còn ta là kẻ thấp hèn nhất trong các chúng sinh. Bây giờ, với cái thân hôi hám này ta đâu dám đến gần Đức Thế Tôn.” Ni-đề liền tránh vào trong một con hẻm khác. Lúc đó, Đức Thế Tôn trước đã hiện đến trong con hẻm ấy rồi. Thấy Phật, Ni-đề xấu hổ nên bỏ đi, không ngờ vò phân va vào tường bể tan, nước phân chảy ra làm bẩn cả áo Ni-đề. Thấy mình quá bẩn thỉu, Ni-đề xấu hổ buồn rầu, mặt mày thất sắc, thầm nghĩ: “Lúc nãy phân tuy hôi dơ nhưng còn ở trong thùng, bây giờ thùng đã bể, phẩn uế rơi ra, thật đáng xấu hổ, thật đáng quở trách!”.

Ni-đề liền nói kệ:

Than ôi! Thật lạ thay
Nay ta như sắp chết
Nhơ nhớp khắp toàn thân
Ta phải làm sao đây?
Đấng hơn hết ba cõi
Mà đến gần chỗ ta
Đứng ngay trước mặt ta
Ta hết chỗ tránh đi.
Ôi thôi! Thật đáng ghét
Trong ngoài đều bất tịnh
Rất xấu hổ, khổ não
Giống như già suy đến.

Lúc đó, đại chúng thấy Đức Thế Tôn theo sau Ni-đề. Trong chúng đó có một thầy Tỳ-kheo suy nghĩ: “Đức Như Lai vào thành sao không lần lượt khất thực từng nhà giàu sang, thấp hèn, mà Ngài lại đi theo Ni-đề? Vì sao như vậy? Chắc là có lý do gì đó”. Thầy lại suy nghĩ: “Ta phải tìm hiểu việc này”.

Thầy Tỳ-kheo này liền nói kệ:

Đây chắc người công đức
Được Phật đi theo sau
Như ngọc rơi thùng phân
Khuấy lên để kiếm tìm.
Như Lai xét tâm kia
Không chọn sang hay hèn
Không cần dòng dõi quý
Bậc Thắng Diệu nói rằng:
Như thầy thuốc chữa bệnh
Xem bệnh nặng hay nhẹ
Tùy bệnh mà bốc thuốc
Không xét theo dòng họ.
Như Lai tâm bình đẳng
Quán sát tâm thô tế
Cũng không chọn dòng dõi
Cho thuốc dứt phiền não.

Bấy giờ, Ni-đề đi vào con hẻm chật hẹp gặp Đức Thế Tôn, xấu hổ co ro, không biết ẩn nấp vào nơi nào, bèn chắp tay nhìn xuống đất nói:

–Ngài có khả năng hộ trì tất cả chúng sinh. Xin Ngài hé một kẽ hở cho con có chỗ dung thân.

Ni-đề nói kệ:

Hôm nay Đức Như Lai
Cùng đi gần đến con
Thân con quá hôi thối
Không dám gần Thế Tôn
Lành thay một kẽ hở
Để con được dung thân.

Đức Như Lai với tâm Đại bi làm an vui lợi ích cho tất cả chúng sinh, với dung nhan từ hòa, sắc mặt tươi vui, Ngài đến bên Ni-đề dùng lời lẽ êm dịu an ủi Ni-đề, làm cho thân tâm Ni-đề thoải mái, vui sướng. Phật gọi Ni-đề, Ni-đề ngơ ngác nhìn khắp bốn phía: “Như lời Phật gọi, chẳng lẽ Đức Chí Tôn trong ba cõi, lại gọi người thấp hèn như ta sao, hay là có người đồng tên với ta mà Ngài gọi họ chăng?”

Tâm Phật bình đẳng tuyệt đối, không hề có yêu hay ghét. Đức Thế Tôn đưa tay về phía Ni-đề, ngón tay dài thon nhỏ có móng như màu đồng đỏ. Giữa những ngón tay có màng lưới nối liền, tay Phật đẹp như hoa sen, bàn tay mềm mại tinh khiết có hình bánh xe. Đức Phật muốn làm cho Ni-đề sinh tâm mạnh mẽ bèn nói kệ bảo Ni-đề:

Ngươi có căn duyên lành
Nên ta đến chỗ ngươi
Nay Ta đã đến rồi
Sao ngươi cố lẩn tránh?
Hãy nên đứng lại đây
Tuy thân ngươi không sạch
Nhưng tâm có pháp lành
Hương thơm rất nhiệm mầu
Hiện đang ở trong ngươi
Chớ nên thấy thấp hèn.

Ni-đề nghe lời Đức Phật dạy, đưa mắt nhìn Phật, trong lòng tràn ngập hân hoan, chắp tay thưa với Phật:

–Đối với kẻ không nơi nương tựa, Ngài làm chỗ nương tựa. Đối với các chúng sinh không có nhân duyên, mà Ngài tưởng như con, tâm Ngài thật là bình đẳng, thật là Đấng Chân Tế. Nay Phật

Thế Tôn nói chuyện với con, như rưới nước cam lộ lên thân tâm con.

Ni-đề nói kệ:

Giả sử Đại Phạm vương
Cùng nói chuyện với con
Bậc Thiên đế tôn trọng
Hạ mình ôm dắt con
Bậc Chuyển luân thánh vương
Ăn chung bữa với con
Không bằng Thầy ba cõi
Thương xót ban một lời.
Con được Ngài quan tâm
Còn vui mừng hơn kia
Chọn lựa bỏ dơ xấu
Việc bất thiện đã dứt
Việc lành đã đầy đủ.
Đấng Tự Tại cứu giúp
Khiến con được vui sướng
Bụi trên chân Thế Tôn
Đế Thích còn đội đầu
Cho là được phước đức
Huống con rất thấp hèn
Đích thân nhờ Phật dạy,
Mà kêu gọi tên con
Làm sao không vui thích?
Đức Phật bảo Ni-đề:

–Bây giờ ngươi xuất gia được không?

Ni-đề nghe Phật nói, sinh tâm vui mừng nói kệ:

Như con dòng thấp hèn
Có được xuất gia chăng?
Thế Tôn rủ lòng thương
Nếu con được xuất gia
Như dắt người địa ngục
Đem lên tận cõi trời.

Phật bảo Ni-đề:

–Ngươi không nên nghĩ như vậy.

Ngài bèn nói kệ:

Như Lai không xét theo
Dòng dõi và giàu sang
Chỉ xét nghiệp chúng sinh
Hạt giống lành quá khứ,
Các phiền não buộc ràng
Không hề được giải thoát
Sinh già bệnh chết kia
Vui khổ đều như nhau.
Vì sao Bà-la-môn
Riêng mình được giải thoát
Người khác không thể được?
Câu chữ và âm thanh
Đâu chỉ Bà-la-môn
Dòng dõi khác cũng biết.
Thí như qua bến sông
Không chỉ Bà-la-môn
Dòng dõi khác cũng biết,
Tất cả mọi việc làm
Đâu chỉ họ làm được
Người khác không thể ư?
Hôm nay ngươi phải nên
Tin Ta mà xuất gia
Như trong pháp Phật Ta
Tâm bi không thiên lệch
Không giống các ngoại đạo
Có những pháp che giấu.
Cứu giúp đều bình đẳng
Pháp Phật không tổn giảm
Nói pháp không thiên lệch
Bình đẳng nêu đạo chánh
Vì tất cả chúng sinh
Làm đường ngay an ổn.
Thí như trong chợ lớn
Bán mua tất cả vật
Chợ pháp Ta cũng vậy
Không chọn dòng họ nào
Giàu sang và nghèo hèn
Thí như dòng nước trong,
Sát-lợi, Bà-la-môn
Tỳ-xá và Thủ-đà
Không có ai ngăn giữ
Không hạn người, chẳng người
Tất cả đều được uống
Pháp Ta cũng như vậy.
Nay Ta không riêng gì
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni
Mà vì cả thế gian
Làm Thầy thuốc trời, người.

Ta không phải chỉ vì người giàu sang, lựa chọn các vua hiền mà còn hóa độ cho cả hạng người thấp hèn như Ưu-ba-ly. Ta không những cứu giúp hàng đại phú trưởng giả như Tu-đạt-đa mà còn hóa độ những người nghèo cùng như Tu-lại-đa. Ta không những hóa độ người có trí tuệ rộng lớn như Xá-lợi-phất mà còn hóa độ kẻ có căn tánh chậm lụt như Châu-lợi-bàn-đặc. Ta không những hóa độ người có tâm ít muốn biết đủ như Ma-ha Ca-diếp mà còn hóa độ người nặng nề về dâm dục như Bà-nan-đà. Ta không những hóa độ bậc kỳ lão, nhiều phước đức như Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp mà còn hóa độ kẻ ấu trỉ Tu-đà-da. Ta không những hóa độ hạng người kiêu mạn như Bà-ca-lại mà còn hóa độ kẻ cực ác tay luôn cầm kiếm như Ươngquật-ma-la.

Ta không chỉ nói pháp cho người nam hiểu biết nhiều nghe mà còn nói pháp cho người nữ có sự hiểu biết nông cạn nghe.

Ta không chỉ là Đấng Chân Tế của chúng xuất gia mà còn nói pháp cho hàng tại gia cực ác nghe. Ta không chỉ nói pháp cho người thiểu dục nghe mà còn nói bốn Chân đế cho những kẻ thiếu niên tại gia buông lung năm dục nghe. Ta không chỉ nói pháp cho người buông bỏ các việc như Bô-đa-lê nghe mà còn nói pháp cho người coi sóc việc nước, việc đời rối rắm như vua Tần-bà-sa-la nghe. Ta không chỉ nói pháp cho người dứt rượu nghe mà còn nói pháp cho người say sưa như Nữu-già nghe, giúp y được dấu đạo. Ta không chỉ nói pháp lìa sinh tử cho người ưa tu thiền định như Ly Việt nghe mà còn nói pháp cho người mất con, cuồng loạn Bà-tư-tra nghe. Ta không chỉ nói pháp cho người hiền đức sinh trong nhà Ưu-bà-tắc nghe, mà còn nói pháp cho đệ tử tà kiến là A-tu-bạt-đề nghe. Ta không chỉ nói pháp cho người tráng niên như La-tra-hòa-la nghe mà còn nói pháp cho người già cả như La-câu-la. Ta không chỉ nói pháp cho người già cả như Bà-câu-la nghe, chứng quả La-hán mà còn nói pháp cho vị Sa-di bảy tuổi là Tu-đà-diên nghe, khiến chứng quả La-hán. Ta không chỉ trả lời những thắc mắc trong tâm của mười sáu người Bà-la-diên, mà còn nói pháp cho những đứa trẻ ngu ngơ, tham dục tìm cầu người nữ ở trong sáu mươi ngôi làng nghe. Ta không chỉ nói pháp cho Mãn Nguyện Tử, là Đại luân Ngưu vương có biện tài vô tận nghe, mà còn nói pháp cho Tỳ-kheo-ni Đạt-ma-địa-na có sự hiểu biết nông cạn nghe, giúp cô được trí sâu xa, có khả năng giải thích tất cả những lời gạn hỏi của Đại trượng phu. Ta không chỉ nói pháp cho phu nhân của vị vua giàu sang là bà Di-bạt-đề giúp bà chứng được đạo quả, mà còn nói pháp cho người hầu cận thấp hèn là Cưu-thục-đa-la nghe, giúp ông đạt được dấu đạo. Ta không chỉ nói pháp cho người trinh phụ như Tỳ-xá-khư nghe mà còn nói pháp cho dâm nữ Liên Hoa nghe. Ta không chỉ nói pháp cho người nữ đại đức biện tài là Cù-đàm-di nghe mà còn nói pháp cho vị Sa-di ni bảy tuổi là Chí-la có khả năng hàng phục ngoại đạo nghe.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Nương vào pháp của Ta
Hãy nhanh chóng xuất gia
Nhờ trí được cam lộ
Chẳng do nơi dòng họ.
Bốn đại đều là không
Sang, hèn ai cũng có
Vô trí thì không được
Không phải do dòng họ.

Ni-đề vâng lời Đức Phật dạy, liền đi xuất gia, chứng quả A-la-hán.

Lúc đó trong thành Xá-vệ, các trưởng giả Bà-la-môn nghe tin Ni- đề được xuất gia đều bàn tán, sinh tâm tức giận, chê bai:

–Ni-đề kia là kẻ hèn hạ, bẩn thỉu ở trong thành bây giờ được xuất gia. Nếu như có cuộc lễ, hắn ta đến đây sẽ làm nhơ nhớp nhà cửa, giường ghế của chúng ta.

Người trong thành đều phân vân, dần dần đến tai vua Ba-tư-nặc.

Nhà vua nghe xong, bèn nói với các quan:

–Các khanh chớ có phân vân làm gì. Bây giờ chúng ta hãy đến chỗ Đức Thế Tôn bạch với Ngài rằng đừng cho kẻ hèn hạ này được xuất gia.

Vua Ba-tư-nặc bèn dẫn đoàn người theo hầu đến tinh xá Kỳ hoàn. Họ thấy có một thầy Tỳ-kheo ngồi trên tảng đá lớn, đang may chiếc y phấn tảo. Có bảy trăm Phạm thiên đang đứng hai bên, có vị chắp tay lễ kính. Có vị lấy chỉ, có người xỏ kim, như trong kinh có nói rộng.

Khi ấy, chư Thiên nói kệ khen ngợi:

Quan sát các căn lặng
Dung nghi rất oai đức
Chứng đắc đủ ba Minh
Lợi căn không lui sụt
Các điều lành đều đủ
Ngồi may y phấn tảo
Bảy trăm trời oai đức
Đến từ cung Phạm thiên
Quy mạng và kính lễ
Mong vượt đến bờ kia.

Khi ấy, vua Ba-tư-nặc không biết thầy Tỳ-kheo đó là Ni-đề bèn nói thế này:

–Xin Đại đức vào bạch Đức Thế Tôn giùm trẫm là có vua Ba-tư- nặc đang đứng ngoài cửa, muốn đến gặp Phật.

Ni-đề nghe xong, liền đi vào trong tảng đá như đi xuống nước, rồi hiện lên đến trước Phật, bạch:

–Bạch Đức Thế Tôn, vua Ba-tư-nặc hiện đang ở ngoài cửa, muốn gặp Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn bảo:

–Thầy hãy trở ra bằng con đường lúc nãy đã vào và hãy mời vua Ba-tư-nặc vào đây.

Ni-đề vâng lời Đức Phật dạy, từ tảng đá hiện ra mời vua Ba-tư- nặc. Vua Ba-tư-nặc đảnh lễ thăm hỏi Đức Thế Tôn và bạch:

–Bạch Thế Tôn, vừa rồi thầy Tỳ-kheo kia là Đại đức nào mà được chư Thiên cúng dường, đứng hầu hai bên, lại có thể ra vào tảng đá không hề bị trở ngại như thế?

Vua nói kệ:

Trí Phật tịnh thông suốt
Việc gì cũng rõ thông
Những điều con muốn hỏi
Phật đã biết trước rồi.
Việc trước hãy tạm gác
Con có điều muốn hỏi
Vừa thấy một Tỳ-kheo
Ra vào trong tảng đá
Thân như cò trong nước
Nổi chìm đều tự tại.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo vua Ba-tư-nặc:

–Thầy Tỳ-kheo vừa rồi mà nhà vua muốn biết chính là Ni-đề, kẻ mà Ngài cho là kẻ hạ tiện hèn hạ đấy.

Nhà vua nghe xong, kinh hoàng, quỵ té xuống đất, ăn năn tự trách: “Ta đã tự đốt cháy mình. Tại sao một Đại đức như vậy mà ta lại sinh tâm chê bai khinh ghét”. Sau khi thấy việc ấy, nhà vua đối với giáo pháp Phật-đà được sự chưa từng có, càng kính tin hơn. Ông liền đảnh lễ dưới chân Đức Phật mà nói kệ:

Thí như núi Tu-di
Do có báu hợp thành
Chim muông và cầm thú
Đến đó đều sắc vàng,
Xưa nay, tuy đã nghe
Giờ đây mới chứng biết
Phật như núi Tu-di
Vô lượng công đức nhóm
Có người đến nương Phật
Trở thành dòng giống quý.
Phật không xét dòng dõi
Sang giàu hay danh tiếng
Như thầy thuốc xem bệnh,
Cũng đâu xét giống dân
Chỉ trao các thuốc tốt
Khiến người được hết bệnh.
Sang, hèn cùng tánh chất
Từ bất tịnh mà ra
Thành tựu được đạo quả
Bình đẳng nào sai khác
Các dòng dõi đều đồng
Chứng quả cũng như nhau.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm cho lòng tin thuần nhất của vua Ba-tư-nặc thêm lớn nên dạy về “Bốn giai cấp đều thanh tịnh”.

Nếu khi cưới hỏi thì dựa vào bốn giai cấp, bốn giai cấp này đều có khả năng được trong sạch.

Phật bảo vua:

–Nếu người lấy vợ, gả con phải chọn dòng dõi, còn trong pháp Phật chỉ xét nhân duyên thiện ác đời trước chứ không lựa chọn dòng họ nào. Chỉ xét sự bố thí do lòng tin chứ không xem trọng để ý của cải vàng bạc. Chỉ đòi hỏi giới pháp thanh tịnh chứ không đòi hỏi gia môn trong sạch. Chỉ cầu sự an định tự tại chứ không cần dòng họ tôn quý,chỉ xét trí tuệ chứ không xét nơi sinh.

Đức Phật thuyết kệ:

Như luyện quặng trong núi
Để tìm lấy vàng ròng
Thí như cây Y lan
Cọ xát liền phát hỏa
Cũng như trong bùn lầy
Mọc lên hoa sen xanh
Không xét nơi sinh ra
Chỉ xét về đức hạnh.

Nếu người sinh vào dòng họ cao quý, có đức hạnh, thì nên cúng dường. Nếu người sinh vào dòng thấp kém mà có đức hạnh, thì cũng nên cúng dường. Những người có trí tuệ nên cúng dường.

Người có đức, dòng họ có khác nhưng đức hạnh thì không khác nhau. Cũng như cây Y lan và cây Chiên-đàn đều có thể phát ra lửa nóng và ánh sáng không khác nhau.

Lời Phật chân thật, không có lỗi lầm. Lời dạy ấy thấm sâu vào lòng người, làm cho nhà vua được giải ngộ. Vua Ba-tư-nặc đảnh lễ dưới chân Phật, năm vóc gieo sát đất, khen ngợi:

–Nam-mô Quy mạng Điều Ngự Trượng Phu Nhất Thiết Chủng Trí, đối với tất cả nghĩa, đều thấu đạt không có chướng ngại. Đấng Thập Lực mạnh mẽ, có bốn thứ không sợ, Bà-già-bà Tam-miệu tam Phật-đà, là người bạn thân không mời mà đến của tất cả chúng sinh. Đối với bốn giai cấp, Ngài không có thiên lệch. Nói tóm tắt như vậy.

Nhà vua liền nói kệ:

Biển trí Nhất thiết chủng
Ý tịnh đến bờ kia
Đời chỉ Phật có bi
Tâm ý không dơ xấu
Vì tất cả chúng sinh
Làm người bạn thân nhất.
Chỉ Ngài nói giải thoát
Nhưng bằng nhiều phương tiện
Nương trí nhiều phương tiện
Ngoại đạo cuồng điên đảo
Khổ hạnh rất thô xấu
Chuyên mê chấp dòng dõi.

Vua Ba-tư-nặc đảnh lễ dưới chân Phật và dưới chân Tỳ-kheo Ni- đề rồi trở về thành Xá-vệ.


CHƯƠNG 44

Người tuy chưa nhập Kiến đế nhưng nhờ năng lực tu tập học rộng nghe nhiều nên các ma không khuấy nhiễu được. Thế nên phải siêng tu, học vấn.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, có một con ma hóa thành thầy Tỳ-kheo, vào trong Tăng phường, nơi ấy có một vị Pháp sư đang nói pháp cho đại chúng nghe. Vị Tỳ-kheo hóa hiện nói:

–Ta đã đắc đạo La-hán. Ai có thắc mắc gì hãy hỏi ta.

Khi ấy, chúng Tăng thưa Pháp sư:

–Nên ghi nhận lời ông ta không?

Vị Pháp sư hỏi vị Tỳ-kheo hóa hiện:

–Thế nào là dứt bỏ kết sử? Thế nào là nhập định?

Vị Tỳ-kheo hóa hiện nói pháp một cách điên đảo. Bấy giờ, vị Pháp sư nói với chúng Tăng:

–Người này chẳng phải La-hán. Lời nói của ông ta không thể lãnh hội được.

Khi ấy, Tỳ-kheo hóa hiện bay vọt lên hư không, hiện mười tám thứ thần biến. Đại chúng chê trách vị Pháp sư:

–Người như thế này mà sao Pháp sư bảo chẳng phải La-hán?

Bấy giờ, vị Pháp sư tuy bị chê trách nhưng nhờ năng lực học rộng nghe nhiều nên vẫn bảo là không phải. Pháp sư nghĩ rằng: “Nếu đúng thật là La-hán thì tại sao lời ông ta nói ra điên đảo, nhưng lại có thể bay được, bây giờ ta cũng chẳng biết phải hiểu thế nào!”

Pháp sư nói kệ:

Ta đối người công đức
Không có tâm ganh ghét
Lấy đá A-tỳ-đàm
Mài thử biết đúng sai.
Nếu chỉ là vàng mạ
Khi mài, sắc không hiện
Nếu không phải vàng thật
Dùng đá mài ắt biết.
Phật dùng trí tuệ ấn
Không tương ưng với ấn
Thành cam lộ khó vào
Không ấn, không vào được
Người muốn vào thành ấy
Làm ta muốn tức cười!

Mọi người hỏi:

–Nếu không phải La-hán, tại sao ông ấy bay được?

Bấy giờ, Pháp sư lại nói kệ:

Hoặc là Nhân-đà-la
Hay ảo thuật làm ra
Gai góc trong Phật pháp
Ắt do ma làm ra.

Lúc đó vị Tỳ-kheo hóa hiện trở lại thân cũ, rất lấy làm vui mừng nói:

–Hay thay! Pháp Phật thật nhiệm mầu, dựa vào năng lực học rộng nghe nhiều mà phân biệt, xác định được ta.

Bèn nói kệ:

Cư sĩ, Thủ-la thảy
Đã được pháp nhãn tịnh
Không thể bị dao động
Việc này không lạ chi,
Dùng trí lực của mình
Nay thầy chưa Kiến đế
Nhưng vững tâm, không động
Việc này thật ít có!
Không có sức Thánh trí
Ta không thể lay chuyển
Việc này là ít có.
Quy y Phật Niết-bàn
Vì lời kia chân thật.
Người trí không dao động
Trí Nhất thiết chủng Phật
Nói quán sát La-hán
Không ai hủy hoại được
Giống như sóng biển lớn
Không hề sai kỳ hạn.
Giả sử lửa làm lạnh
Gió mà lại đứng yên
Lời Đức Như Lai dạy
Đều không có biến đổi.
Thế cho nên lời Phật
Trên hết trong các luận
Giống như ánh mặt trời
Xua tan bao tăm tối.
Đấng Ứng Cúng chân thật
Biện tài phân minh rõ
Người khéo phân biệt được,
Người không thể quán sát
Không thấy lý như vậy
Lời thật và lời dối
Cả hai trái nhau xa
Lời Phật và ngoại luận
Sự việc cũng như thế.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15