SỐ 201
ĐẠI TRANG NGHIÊM KINH LUẬN
Tác giả: Bồ-tát Mã Minh.
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

CHƯƠNG 17

Nếu người nào cạnh tranh, nghe nói pháp Đoạn kết sử thì việc cạnh tranh được cởi mở. Nếu người nào muốn được cúng dường cung kính thì nên dứt hẳn các kết sử.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, có bà lão vào trong rừng hái lá cây Ba-la đem bán để kiếm sống. Trên đường đi gặp quan thu thuế, đòi lấy thuế bà lão. Bấy giờ, bà lão không muốn nạp thuế nên nói:

–Nếu ông dẫn tôi đến chỗ nhà vua, tôi sẽ nạp thuế. Nếu không thì tôi không bao giờ nộp thuế cho ông.

Quan thu thuế cũng phân vân, bèn dẫn bà lão đến chỗ vua. Nhà vua hỏi bà lão:

–Tại sao bà không chịu nộp thuế?

Bà lão tâu:

–Tâu đại vương, ngài có biết thầy Tỳ-kheo kia là ai không?

Vua nói:

–Ta biết. Đó là một vị đại A-la-hán.

Bà lão tâu:

–Tâu đại vương, thầy Tỳ-kheo thứ hai kia, ngài có biết là ai không?

Vua đáp:

–Ta biết. Đó cũng là vị A-la-hán.

Bào lão lại tâu:

–Tâu đại vương, thầy Tỳ-kheo thứ ba kia, ngài có biết là ai không?

Vị vua trả lời:

–Ta biết. Đó cũng là vị A-la-hán.

Lão mẫu cất tiếng nói lớn:

–Tâu đại vương, ba vị A-la-hán này đều là con của tôi. Những đứa con này đã nhận sự cúng dường của đại vương, khiến cho đại vương được vô lượng phước đức. Đó tức là đã nộp thuế cho nhà vua rồi, tại sao lại muốn thu thuế tôi nữa?

Vua nghe nói khen ngợi là việc chưa từng có:

–Lành thay! Bà lão có khả năng sinh ra bậc Thánh, ta thật không biết, không biết những vị A-la-hán đó là con của bà để cung kính cúng dường thêm cho bà.

Bà lão nói kệ:

Tôi sinh được ba con
Mạnh mẽ vượt ba cõi
Đều chứng A-la-hán
Làm ruộng phước cho đời.
Nếu khi vua cúng dường
Được phước coi như thuế
Thế sao ngài lại muốn
Thu tiền thuế tôi nữa?

Nhà vua nghe nói như vậy nổi ốc khắp mình, sinh tâm kính tin đối với Tam bảo, rơi nước mắt, nói:

–Như bà lão này phải nên cúng dường, huống gì là thu thuế bà!

Vua nói kệ:

Từ nay trở về sau
Người như bà lão này
Sinh con vượt ba cõi
Xứng đáng được cúng dường
Chẳng những không thu thuế
Mà còn phải cung kính.
Nếu có các bạn hữu
Lac đà, lừa, xe cộ
Chở nhiều các châu báu
Giùm cho bà lão này
Cũng không nên thu thuế,
Huống chỉ một bà lão
Một mình bán lá cây
Tiền của nào dư dả
Mà phải thu thuế bà.
Dù cho là hang núi
Chỗ kinh hành tu đạo
Hành giả sống trong đó
Dứt các lậu buộc ràng
Còn phải kính chỗ ấy
Tôn trọng và cúng dường
Huống gì bà lão này
Sinh được con là Thánh
Mà không tôn kính sao?


CHƯƠNG 18

Trình bày quả báo của việc buông lung, vì muốn làm cho chúng sinh không buông lung.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, có con của một người đi buôn rất giàu có, tên là Ức Nhĩ, ra biển tìm châu báu. Khi đã kiếm được châu báu rồi, Ức Nhĩ quay vào bờ đậu thuyền khác chỗ với các thuyền bạn. Bị lạc mất thuyền bạn, Ức Nhĩ rất hoảng sợ, lại thêm cơn đói khát dày vò. Từ xa trông thấy có thành quách, Ức Nhĩ nghĩ rằng nơi đó có nước, nên đến thành ấy để tìm nước uống. Không ngờ thành này là thành ngạ quỷ, Ức Nhĩ vào bên trong thành, nơi các ngả đường, chỗ mà mọi người tụ tập nhưng vắng hoe không có ai cả. Bị cơn đói ép ngặt Ức Nhĩ kêu lớn:

–Nước, nước!

Bọn ngạ quỷ nghe nói “nước” đều tụ đến và nói:

–Ai từ bi muốn cho ta nước như thế?

Các ngạ quỷ này mình mẩy như thân cây bị cháy, tóc quấn đầy thân và cùng đến chắp tay nói:

–Xin cho tôi nước!

Ức Nhĩ đáp:

–Ta bị khát nước nên mới đến đây xin nước.

Bọn ngạ quỷ nghe Ức Nhĩ nói vì bị khát nước nên đến đây tìm nước thì cả bọn đều thất vọng, tất cả đều thở dài nói:

–Chẳng lẽ ngài không biết đây là thành ngạ quỷ hay sao mà đến đây xin nước?

Chúng liền nói kệ:

Chúng tôi ở thành này
Trải trăm ngàn năm rồi
Còn không nghe nói nước
Huống gì là được uống.
Thí như rừng Đa-la
Bị lửa cháy tiêu rụi
Chúng tôi cũng như vậy
Khắp mình đều bốc cháy.
Đầu tóc lại rối bù
Thân hình đều rách nát
Ngày đêm nghĩ ăn uống
Hoảng hốt chạy khắp nơi
Bị đói khát ép ngặt
Há miệng chạy tìm kiếm.
Có người cầm gậy rượt
Đuổi theo đánh tới tấp
Tai thường nghe tiếng ác
Lời thiện không hề nghe
Huống chi một giọt nước
Làm mát cổ họng tôi.
Nếu ở trong hang núi
Trời, rồng tuôn mưa xuống
Đều biến thành lửa hừng
Và rót trên thân tôi.
Nếu thấy dòng sông lớn
Đều biến thành dòng lửa
Ao hồ và sông suối
Đều thấy chúng cạn khô
Hoặc biến thành máu mủ
Hôi thối rất gớm ghê.
Nếu muốn chạy đến đó
Dạ-xoa cầm chày sắt
Đánh đập không cho đến
Chúng tôi chịu khổ này
Làm sao có được nước
Để bố thí cho ông?
Chúng tôi ở đời trước
Rất bỏn sẻn, tham ganh
Chưa từng thí một ai
Đem nước và thức ăn
Tự dùng chẳng cho ai
Ngăn người khác bố thí
Bởi do nghiệp nặng ấy
Nay chịu khổ não này
Thí được quả báo lớn
Xuân trồng, thu được quả
Chúng tôi không gieo trồng
Ngày nay chịu khổ này;
Buông lung và tham tiếc
Chịu các khổ vô cùng
Tất cả hạt giống khổ
Không gì hơn tham ganh
Phải phương tiện siêng năng
Dứt bỏ tai họa ấy.
Thí là hạt giống lành
Sinh ra các lợi lạc
Thế nên hãy tu thí
Chớ như tôi chịu khổ.
Chúng ta trong loài người
Thân hình không khác nhau
Gây nghiệp không giống nhau
Quả báo cũng lại khác
Giàu sang nhiều của báu
Có kẻ nghèo ăn xin.
Chư Thiên đồ đựng giống
Nhưng màu cơm khác nhau.
Nếu đọa vào súc sinh
Nghiệp báo cũng khác nhau
Có người hưởng phước lạc
Có người bị khổ não.
Do vì tham độc ấy
Trời, người và súc sinh
Vì bỏn sẻn ganh ghét
Ở đâu cũng tổn giảm.
Ngạ quỷ khổ lẫy lừng
Khắp mình đều bốc cháy
Giống như cây hoa đỏ
Voi say dùng vòi nhổ
Ném cao trên không trung
Hoa rơi thân voi đỏ.
Thánh hiền nói thế này:
Tham ganh bản chất khổ
Nhìn thấy người ăn xin
Tâm họ bị não phiền
Trong sát-na não phiền
Thường hay làm việc xấu
Ngu si tiếc không thí
Gieo trồng gốc nghèo nàn
Chứa để với tâm tham
Thì đọa vào đường ác.
Như người tham tiếc này
Cội gốc các khổ não
Thế nên người hiểu biết
Nên dứt bỏ tham tiếc.
Có ai muốn được vui
Tiếng khen, cung kính thảy
Mà lìa bỏ chánh đạo
Đi theo con đường ác.
Nay thân bị khổ não
Đời sau cũng như vậy
Nghiệp ràng buộc thế giới
Ngăn che quả tịnh thí.
Cái gọi là tham tiếc
Nặng nhất trong các oán
Thân này bị phù trướng
Cơm áo và thuốc men
Tất cả các nhạc cụ
Bị tham ganh ngăn mất.
Tham ganh rất vi tế
Len vào khó ngăn chận
Hãy dùng cửa thí vững
Giữ nhà tâm cẩn mật
Không cho tham ganh kia
Được vào bên trong nhà,
Nếu tham ganh vào tâm
Thì sông to biển lớn
Bị ngăn không uống được.
Ức Nhĩ thấy buông lung
Có lỗi ác như vậy
Liền chán ghét sinh tử
Trở về xin xuất gia
Đã được xuất gia rồi
Siêng năng tu định tuệ
Đến chứng quả La-hán.


CHƯƠNG 19

Nếu người không có lỗi mới được quở trách người khác. Nếu chính mình có lỗi mà quở trách người, thì trở lại bị người ấy cười chê.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, có những vị Bà-la-môn lõa hình và các Sa-môn cùng đi trên đường. Có một thầy Tỳ-kheo trẻ tuổi chê cười đám lõa hình kia là không biết xấu hổ. Khi ấy, trong những vị lõa hình có một Bà-la-môn hiểu chút ít pháp Phật, nói với thầy Tỳ-kheo:

–Thầy không được dùng hình tướng xuất gia mà khinh khi, cười chê kẻ khác. Đừng cho rằng với thân tướng người xuất gia là đã dứt bỏ được phiền não. Nếu thầy chưa cắt đứt được dòng trôi của sinh tử, vẫn chưa ra khỏi được, thì đời sau chưa thoát khỏi lõa hình. Vì sao thầy lại cười? Hôm nay thầy còn ở trong sinh tử như hoa cây Đâu-la, vẫn còn bị cuốn theo chiều gió, chưa yên chỗ được. Vậy thầy nên chê cười mình chớ không nên chê cười kẻ khác. Thầy có biết sau này mình sẽ đi vào nẻo nào chưa? Như tro phủ lửa, kết sử trong tâm chưa bảo đảm là mình đã dứt được, vậy thầy chớ tự cho rằng mình đã biết xấu hổ.

Tôi thấy việc làm của thầy chưa thoát được lưới tà kiến. Hễ người biết hổ thẹn thì nhất định không rơi vào lưới tà kiến nếu không khởi giác ác thì đó là hổ thẹn. Thầy còn chưa vào trong số quyết định thì sao lại cười người?

Lúc đó các thầy Tỳ-kheo nghe Bà-la-môn lõa hình nói những lời đúng pháp nên im lặng không nói gì. Có Tỳ-kheo khác nghe rồi khen ngợi những lời như vậy rất đúng. Người dứt được kết sử thì gọi là hổ thẹn. Nếu người mang danh Tỳ-kheo mà không dứt trừ kết sử, tuy đầu cạo trọc đáng lý là Tỳ-kheo, nhưng những người đó, dù đầu có cạo trọc, vẫn không được gọi là Tỳ-kheo. Phải biết rằng: người thấy được bốn pháp Chân chánh chắc thật mới gọi là Sa-môn chân thật. Vì sao?

Như trong kinh dạy: Không nhận chân pháp Tứ đế thì tà chánh bất định, tà chánh bất định thì sự thấy biết bị sai lầm. Thế nên biết rằng:cần phải siêng tu Tứ đế. Nếu người thấy được Chân đế, cái thấy mới chân chánh, lìa hẳn đường tà.


CHƯƠNG 20

Người khéo quán sát, thấy sắc đẹp không có ý ham muốn, thường sinh tâm chán ghét; khi thấy sắc đẹp, không khởi tâm tham ái giận tức.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, có một ngôi chùa, trong đó có nhiều thầy Tỳ-kheo, trong số đó có một vị Pháp sư. Vị Pháp sư này đã chứng được ba Minh, sáu Thông, lời lẽ nói năng khéo léo tuyệt vời, đầy đủ tài hùng biện, biết rõ luận thuyết của mình và người, giỏi về vấn đáp, tùy căn cơ nói pháp, làm vui lòng mọi người, có khả năng thắp lên ngọn đèn chánh pháp, soi chiếu phá tan bóng tối u mê, khiến cho nhân dân ở trong và ngoài thành mỗi ngày đều đến nghe pháp, đã nghe pháp rồi liền thọ trì, cho đến các thiếu niên cũng không buông lung.

Khi ấy trong thành có các dâm nữ lớn tuổi đều than thở, nói:

–Hôm nay chúng ta không có khách lui tới mới bị khổ thế này. Không biết cái khổ này còn bao lâu nữa đây.

Cô dâm nữ lớn tuổi có người con gái trẻ tuổi xinh đẹp, thông minh xuất chúng, thông thạo sách vở thế gian, thông suốt tất cả sáu mươi bốn kỹ thuật của phụ nữ. Thấy mẹ u sầu, bèn hỏi mẹ:

–Vì sao hôm nay mẹ buồn khổ như vậy?

Người mẹ đáp:

–Trong thành này, tất cả mọi người đều thích nghe pháp nên không lui tới chỗ chúng ta. Của cải, tài sản từ đây không còn có nữa.

Vì việc này cho nên mẹ buồn rầu.

Cô gái nghe mẹ nói như vậy, tự ỷ mình xinh đẹp nên thưa:

–Bây giờ, con sẽ sửa soạn thật đẹp để đến trong hội kia, làm cho tất cả mọi người trong đó đều theo con về đây.

Nói xong, cô gái liền đi tắm gội và xoa các loại hương vào thân, đeo chuỗi anh lạc, y phục lộng lẫy, đầu đội vòng hoa, chân mang giày, trang sức bằng các ngọc báu. Tay phải cầm gậy, cô ta bước đi bằng dáng vẻ yểu điệu thướt tha của người con gái. Tất cả toát ra vẻ đẹp xinh xắn, yêu kiều như là cây hoa đi và cũng như chư Thiên. Nàng dẫn theo những cô hầu cũng cài hoa và trang điểm chuỗi anh lạc trên thân với y phục lộng lẫy. Những cô hầu này, có cô cầm bình vàng, có cô cầm quạt phẩy, có cô cầm hoa thơm đi theo hầu cô gái kia. Họ bao quanh cô gái, nói nói, cười cười, hoặc vung vẩy tay chân chỉ đường qua lại. Lại có những người trẻ tuổi trên tai gắn các chùm hoa màu đen, vàng, đỏ, tía, bôi màu rằn ri trên thân người họ giỡn cợt, cười, nói, chơi đùa, đưa tay chỉ phía trước, phía sau. Trên đường họ đi, mùi hương thơm khắp nẻo cùng với trống, nhạc, đàn, ca. Họ đến chùa và ở trong một gian nhà trống, chờ lúc mọi người tập hợp. Đến giờ nói pháp, có mấy ngàn người nhóm họp đông đảo.

Bấy giờ, vị Pháp sư đầu cạo nhẵn bóng, mày đẹp che mắt, các căn khéo điều phục và tâm không sợ hãi, như sư tử đầu đàn lên tòa nói kệ:

Ta quán người trí cạn
Chẳng do lên tòa này
Hèn yếu như dã can
Sợ sệt không tự an.
Nay ta lên tòa này
Trước chúng không sợ hãi
Như đầu đàn muôn thú
Rống gầm dẹp luận tà.

Pháp sư theo thứ lớp nói pháp cho đại chúng nghe. Khi ấy, dâm nữ vì muốn khuấy động tâm tư mọi người cho nên liền xuất hiện ở giữa cửa, còn những người đi theo cô ta thì xen lẫn vào giữa mọi người. Bọn chúng đều chỉ dâm nữ và nói với mọi người:

–Cô gái này xinh đẹp, dung mạo đáng yêu, các vị hãy ngắm xem, nghe pháp làm gì?

Mọi người nghe nói thế liền ngắm nhìn, tâm ý không yên. Khi ấy vị Pháp sư chưa hiểu ý các cô gái, lấy làm lạ liền hỏi mọi người:

–Vì sao các vị ngắm nhìn một cách khác thường và tâm ý rối loạn như vậy? Các vị không biết rằng cái chết đến nhanh chóng cũng như ngựa phi. Thế nên phải siêng năng tu tập các hạnh lành.

Rồi Pháp sư liền nói kệ:

Đuốc pháp lớn của Phật
Chiếu khắp cả thế giới
Ánh sáng tuệ chưa mất
Hãy mau tu pháp lành.
Vững tâm tu hạnh lành
Ngày đêm chớ biếng nhác
Ngọn đèn Nhất thiết trí
Chẳng lâu sẽ tắt mất.
Nếu nó tắt mất rồi
Chúng sinh đều tối tăm
Tuy có ánh trời chiếu
Cũng gọi là mờ mịt.

Lúc ấy, người trong hội chúng nghe kệ xong cung kính vâng lời dạy, chú tâm nghe pháp. Dâm nữ kia thấy mọi người nhất tâm chánh niệm, cô ta lại làm điệu bộ uốn éo khêu gợi, khiến hội chúng trông thấy, tâm lại tán loạn. Vị Pháp sư lại nói kệ:

Cô gái kia khêu gợi
Khiến mọi người yêu thích
Bị dục tình kéo lôi
Cướp mất tâm chuyên chú
Nếu vâng lời ta dạy
Nhiếp tâm khiến loạn dừng.
Vì sao yêu nữ kia
Hoặc loạn mắt mọi người?
Thí như tơ sen xanh
Lênh đênh theo sóng động
Tâm mọi người cũng vậy
Lăng xăng chẳng tạm dừng.

Lúc đó, mọi người bị mê hoặc, nhìn thấy sắc đẹp lộng lẫy của cô gái thì tâm không còn biết hổ thẹn, bèn chỉ trỏ với nhau mà nói:

Cô gái xinh đẹp này
Đến đây là điềm lành
Như vầng trăng mới mọc
Lại rơi đến chốn này.
Sắc đẹp thật siêu tuyệt
Mắt trong đẹp vô vàn
Có lẽ Lam-bà nữ
Được Đế Thích sai đến
Hoặc là trời công đức
Nhưng tay không cầm hoa.

Lại có một người khác nói kệ:

Lạ thay! Cô gái này
Nghi dung quá xinh đẹp
Mắt như hoa sen xanh
Mũi thẳng, mày như vẽ
Hai má đều bằng khít
Môi đỏ, răng đều đặn
Da mướt, rất mịn màng
Rực rỡ rất khác thường
Tướng uy, vui lòng người
Chói sáng như núi vàng.

Bấy giờ, các vị Ưu-bà-tắc yêu thích dung nhan của cô gái kia nên tâm ý rối loạn. Những người theo hầu dâm nữ thấy như vậy vô cùng mừng rỡ, khoái trá kêu lên:

–Hôm nay, việc làm của chúng ta rất khéo mới khiến cho hội chúng chú ý như vậy.

Khi ấy, vị Pháp sư lấy làm lạ vì sự xôn xao khác thường của bốn chúng, mới đưa tay vén hai hàng mi để nhìn cho rõ chúng hội. Ngài trông thấy dâm nữ dung nghi xinh đẹp cùng với các cô hầu đều rất lộng lẫy. Vị trí dâm nữ đứng làm nổi bật sắc đẹp của cô ta, như ngôi sao rực rỡ xâm chiếm tâm người ngu si, làm mất đi chánh niệm.

Pháp sư quán sát thử xem tâm người nữ này đến đây với mục đích gì? Ngài liền lặng im nhập định thì biết cô gái này đến đây với tâm tà hoặc chứ không phải đến để nghe pháp. Mặc dầu Pháp sư tuy đã dứt hẳn tâm tức giận, nhưng ngài thể hiện sắc giận bên ngoài, lớn tiếng nói với dâm nữ:

–Ngươi như ổ kiến mà lại dám tranh cao thấp với núi Tu-di cao nhất thế gian sao? Chẳng lẽ ngươi không nghe thuở xưa khi Phật còn tại thế, vị vua tầng trời thứ sáu không tự lượng sức mình mới dám đến chỗ Phật làm các việc khuấy nhiễu. Đức Thế Tôn mới dùng thần lực cột thây chết vào cổ vị trời ấy, khiến ông ta vô cùng xấu hổ chẳng còn mặt mũi nào, bị trời, người cười chê. Ý ngươi cho rằng giáo pháp của Phật đã bị hoại diệt rồi sao? Không còn những bậc Thanh văn chuyên tinh tu học nữa à? Các bậc Trượng phu hơn người đã chết hết rồi sao? Nếu ngươi nghĩ như vậy thì nên giữ vững lập trường nhé!

Vị Pháp sư này liền dùng thần thông làm cho người dâm nữ, da thịt bị rơi rã, chỉ còn bộ xương trắng, ngũ tạng bên trong thân đều lộ ra trước mặt mọi người. Pháp sư gọi người dâm nữ này nói:

–Vừa rồi nhà ngươi phát sinh tâm ác, dám cạnh tranh với pháp Phật.

Khi ấy, người dâm nữ đứng trước mặt mọi người với bộ xương trắng, Pháp sư bèn nói kệ:

Vừa rồi ngươi xinh đẹp
Vượt trội ai cũng nhìn
Giờ da thịt biến mất
Chỉ còn bộ xương thôi.
Trước, ngươi vui sắc diện
Giờ mới thấy tướng thật
Xương đầu như ngọc trắng
Hình sắc như ngó sen
Dung nhan bị vùi lấp
Hai má như rãnh sâu
Da thịt đều rơi rớt
Gân mạch dính chùm nhau
Các tạng phủ bên trong
Hiện ra treo lơ lửng.
Những người theo ngươi đó
Tự thấy còn nhàm chán
Huống gì mọi người khác
Vui gì mà nhìn ngươi!

Khi dâm nữ bị Pháp sư biến hình thành bộ xương rồi thân tâm đều khốn khổ, không nói được gì cả. Bộ xương cô gái liền chắp tay hướng về vị Pháp sư. Vị Pháp sư bảo bộ xương:

–Thân ngươi trang điểm bằng chuỗi anh lạc, chưng diện bằng mọi cách chỉ làm mê hoặc được kẻ phàm phu, khiến cho họ bị đắm chìm trong ao ba cõi. Nếu bây giờ ngươi bỏ đi dáng điệu lẳng lơ, bỏ đi những đồ trang sức tốt đẹp, ta sẽ chỉ cho ngươi thấy cái thân vắng lặng nhiệm mầu, khiến cho ngươi hiểu được cảnh chợ đời bất tịnh mà cái thân này chỉ là lớp thịt mong manh phủ lên khối xương dơ bẩn. Bên ngoài được giả che bởi lớp phấn sáp để làm mê hoặc mắt người ngu, kẻ phàm phu bị sắc dục đam mê không nhìn thấy cho nên sinh đắm nhiễm. Có người trí nào quán sát tướng thật mà ưa thích nó đâu! Khi ấy, mọi người trong hội chúng thấy việc này đều sinh nhàm  chán, nói với nhau:

–Những lời dạy của Đức Phật chân thật không luống dối. Tất cả các pháp như huyễn thuật, như biến hóa, như chùm bọt nước, như tiền vàng giả, chỉ dối gạt, mê hoặc con người. Vừa rồi, cô gái này có dáng vẻ đẹp lộng lẫy đáng ngắm mà bây giờ bỗng nhiên chỉ còn là bộ xương. Dáng dấp xinh tươi, với thái độ lẳng lơ như muốn mê hoặc lòng người… Những việc như thế nay còn đâu!
Có một vị Ưu-bà-tắc lấy ngón tay khều má cô gái và quán sát kỹ cô ta mà nói kệ:

Phật nói rằng chúng sinh
Bị ái dục che mắt
Đui mù không mắt tuệ
Không đến được Niết-bàn,
Thí như lá Nhâm-bà
Mật đọng bị ong hút
Vì tham dục mê hoặc
Đến chết vẫn không rời.
Những người không buông lung
Quán đúng thật thân tướng
Mà không khởi dục giác
Dụ như hạc đầu đàn
Thường sống ở ao trong
Không thích nơi gò mả.

Lại có vị Ưu-bà-tắc khác nói thế này:

–Thấy nhan sắc xinh đẹp này, tôi liền sinh dục tưởng. Quán sát bộ xương trắng kia, tôi liền muốn dứt bỏ.

Ông nói kệ:

Quán sát đống xương này
Khiến người sinh sợ hãi
Giống như Tỳ-đà-la
Bộ máy của chú thuật
Người ngu cho là thật
Liền sinh tâm mê đắm.
Như đường hầm hố sâu
Được phủ cỏ lên trên
Thân này cũng như vậy
Phải quán sát như thế
Biết đúng thật vậy rồi
Ai còn khởi dục tưởng?

Bấy giờ những người vô trí ngu si, mê hoặc đắm trước nghe bài kệ này, bèn cúi đầu tránh né không thích nghe. Dâm nữ kia tự thấy thân mình là điều tai họa cho người, nên gieo năm vóc sát đất và nói kệ:

Trước con ngu không biết
Không tự lượng sức mình
Định kéo người nghe pháp
Tất cả về nhà mình,
Giờ mới biết Thích tử
Thế lực rất kỳ lạ
Biến sắc đẹp của con
Ai thấy cũng chán chê.
Con như trẻ ngu khờ
Việc làm thật nông nổi
Dám đem nước chân trâu
Muốn sánh cùng biển lớn
Cúi xin ngài đoái thương
Cho con được sám hối.

Lúc bấy giờ, đại chúng thấy cô gái đang đứng các khúc xương gá vào nhau giống như căn nhà bằng sậy nên vô cùng kinh ngạc. Bộ xương kia tại sao lại có thể nói được những lời như vậy? Lại thấy ngũ tạng của cô gái ấy lộ ra, ví như cái giá hàng thịt treo ngũ tạng heo bò nhúc nhích ngọ nguậy giống như thịt chó. Các tạng hôi thối, nhơ nhớp còn hơn nhà xí. Vì sao chúng ta lại phải thấy việc này!

Họ liền nói kệ:

Giờ quán thân cô gái
Chỉ gân dính xương khô
Chỉ thấy toàn là xương
Hòa hợp phát ra lời
Trong cô có xương ư?
Hay trong xương có cô?
Ví như trong đầm vắng
Cánh rừng nhiều lau sậy
Khi gió cùng thổi đến
Phát ra âm thanh lớn
Vì pháp giả như vậy
Không thấy tự thể cô
Nếu không có tự thể
Tướng nữ ở chỗ nào?
Suy ra khắp các pháp
Xưa nay chưa từng có.
Ta quán kỹ thân tướng
Đến, đi và qua lại
Cúi xuống và ngẩng lên
Nhìn ngó và nói năng
Các phần gá vào nhau
Gân xương rất yếu ớt
Gân quấn làm bộ máy
Nương gá nhau chuyển động
Như thế trong mọi phần
Đều không có chủ tể.
Nhưng nay đối pháp này
Là hữu hay là vô?
Con vì cuồng si hoặc
Bị bóng che loạn mắt
Vì sao giả như vậy
Lầm nghĩ có tướng nữ
Buộc sậy làm bộ máy
Bó nhiều sợi chỉ lại
Ví như vàng ròng chảy
Đổ nước phát tiếng “xèo”.

Khi ấy, Pháp sư biết bốn chúng đã sinh tâm chán ghét, bèn hỏi dâm nữ:

–Bây giờ ngươi muốn làm gì?

Cô gái thưa:

–Bạch Pháp sư, con xin ngài hủy bỏ hình phạt.

Cô ta liền nói kệ:

Đại Đầu tiên trách phạt
Biến Thiên nữ Lam-bà
Thành một con ngựa cỏ
Trong suốt mười hai năm
Nay bị ngài trách phạt
Biến con thành nhà mộ
Thế gian chưa từng thấy
Hình phạt như thế này
Đại đức khéo tự tại
Thương con xin hủy bỏ.

Bấy giờ Pháp sư liền mỉm cười nói kệ:

Thiện nữ hãy đứng lên
Ta không tâm tức giận
Cạo tóc, mặc ca-sa
Không dùng pháp trách phạt.
Có ái dục đắm say
Hại người sinh khổ não
Người làm xấu, làm tốt
Hay sinh tâm tức giận
Giận dữ dùng hình phạt
Ta dứt tâm giận tức
Dứt bỏ hết vô minh
Thể tánh không kết sử
Ta muốn cứu chúng sinh
Sao lại dùng hình phạt?
Các sinh, già, bệnh, chết
Làm khổ các chúng sinh
Vì sao người hiểu hết
Mà lại dùng hình phạt?
Giống như mụt ghẻ độc
Lại thêm tro nóng bức
Da mỏng bao cơ quan
Phàm phu sinh yêu đắm
Ta dùng sức thần thông
Mở tráp dơ của ngươi.

Nói kệ xong, Pháp sư thâu lại thần thông, cô gái trở lại thân hình như trước. Khi ấy, Pháp sư bảo hội chúng:

–Các vị nên siêng năng tu thiện.

Và liền nói kệ:

Tướng dục điên đảo hành
Dụ như gió thổi bụi
Chánh quán xa lìa dục
Gột rửa cát bụi dục.
Có dục và lìa dục
Nơi chốn không nhất định
Khéo quán được giải thoát
Tham hoặc thì dục tăng
Cho nên phải thường tu
Chuyên tinh lìa dục tưởng
Lìa dục, hành các thiện
Ngay đó được vui thiền.
Bấy giờ, người nghe pháp
Hoặc được quán bất tịnh,
Người chứng Tu-đà-hoàn
Tu hành tưởng lìa dục,
Người chứng A-na-hàm
Lại có người xuất gia
Siêng tu không biếng lười
Đều chứng A-la-hán.


CHƯƠNG 21

Không có tâm tham đắm và bố thí tất cả những gì mình có thì đời hiện tại được phước báo và được nhiều tiếng khen. Vì thế không nên bỏn sẻn mà hãy bố thí.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, tại nước Phất-yết-la-vệ có một họa sĩ tên Yết-na. Ông có việc phải đến nước Thạch thất. Khi đến nơi ông đi viếng thăm các chùa tháp, vẽ hình một ngôi tinh xá được ba mươi lạng vàng. Khi trở về nước, họa sĩ gặp những người lập hội Vô già. Sinh tâm kính tin, họa sĩ hỏi thầy Tỳ-kheo tri sự:

–Ngày mai ai làm thức uống ăn?

Đáp:

–Không có người làm.

Lại hỏi:

–Trong ngày ấy quý thầy dùng hết bao nhiêu tiền thức ăn?

Thầy tri sự đáp:

–Ba mươi lạng vàng.

Họa sĩ liền cúng ba mươi lạng vàng cho thầy tri sự rồi trở về nhà. Vợ ông ta hỏi:

–Hôm nay, ông đi làm thuê kiếm được bao nhiêu?

Người chồng trả lời vợ:

–Tôi kiếm được ba mươi lạng vàng, nhưng đã cúng dường làm phước hết rồi.

Bà vợ nghe nói xong rất giận dữ. Bà rêu rao lỗi của chồng cho những người bà con nghe:

–Chồng tôi làm được bao nhiêu vàng đều cúng dường cho hội Vô già, chẳng để lại một đồng nào để lo việc nhà!

Khi đó, những người bà con dẫn người chồng của bà ta đến nhờ quan xử đoán, họ trình tâu:

–Tiền tài không dễ được, làm việc cực nhọc mới có ông ta không lo cho gia đình và bà con mà lại đem cúng dường cho hội để làm phước.

Vị quan xử đoán nghe việc trên bèn hỏi người họa sĩ:

–Có đúng như vậy không?

Người ấy thưa:

–Thưa, đúng thật như vậy.

Vị phán quan nghe xong, liền sinh tư tưởng ít có, khen ngợi rằng:

–Hay thay! Bậc Trượng phu!

Rồi ông cởi y phục và ngọc ngà châu báu trên thân cho đến ngựa  xe, ban hết cho họa sĩ và nói kệ:

Bị nghèo khổ lâu ngày
Làm thuê kiếm được tiền
Không dùng để mưu sinh
Mà bố thí mới khó.
Tuy người rất giàu có
Của cải nhiều dẫy đầy
Nếu không khéo quán sát
Không thể mau bố thí.
Quán sát rộng đời sau
Biết thí có quả báo
Mạnh mẽ bỏ tiền tài
Lìa bụi cát bỏn sẻn
Người làm được như thế
Bố thí không mất đi.

Họa sĩ nghe kệ, trong lòng vui mừng hớn hở, bèn mặc áo, cỡi ngựa trở về nhà. Lúc đó, người vợ ở trong nhà trông thấy họa sĩ mặc áo đẹp, cỡi ngựa về đến cửa, cho rằng đây là người giàu sang, trong lòng lo sợ nên đóng cửa chạy trốn. Họa sĩ nói:

–Tôi chứ không phải ai khác. Tôi là chồng của nàng đây!

Người vợ nói:

–Ông là một người nghèo. Vì sao mà được ngựa, xe và y phục như thế?

Người chồng đáp bằng bài kệ:

Giờ nàng hãy lắng nghe
Ta sẽ nói sự thật
Tuy xả vàng cúng Tăng
Dọn bày còn chưa ăn
Thí như chưa gieo giống
Mầm chồi đã nảy sinh
Ruộng phước rất tươi tốt
Kết quả mới theo sau.
Ruộng phước Tăng tịnh này
Ai mà không muốn trồng
Ý vừa định gieo hạt
Thì đã thấy sinh mầm.

Người vợ nghe xong sinh tâm kính tin thanh tịnh, liền nói kệ:

Như lời Phật đã dạy
Cúng Tăng được quả lớn
Như việc cúng dường này
Thật là đúng chỗ vậy.
Tâm kính thí chút nước
Quả báo nhiều hơn biển
Trong tất cả các chúng
Phật, Tăng là bậc nhất
Vừa sinh tâm muốn thí
Hoa báo đã hiện tiền.


CHƯƠNG 22

Đối với việc bố thí chỉ quan trọng là tín tâm. Bố thí hai đồng tiền, quả báo thật khó lường.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, có một cô gái đến núi Trú ám, thấy mọi người ở trong núi lập hội Vô già. Cô gái đến đó xin ăn, trông thấy chư Tăng trong tâm vô cùng vui mừng, bèn khen ngợi:

–Lành thay, bậc Thánh tăng! Ví như kho châu báu ẩn tàng trong biển lớn, mọi người đều đến cúng dường. Riêng con quá nghèo nàn,không có vật chi để dâng cúng.

Nói xong, cô gái tìm khắp trong người mà chẳng có vật gì. Cô lại nghĩ: “Trước đây trong đống phân, ta có nhặt được hai đồng tiền đồng”. Cô liền dâng cúng tiền này cho chư Tăng. Vị Tăng Thượng tọa đã đắc quả A-la-hán, biết trước tâm người, vị Thượng tọa này thường tự trân trọng, cho nên khi thấy cô gái có tâm kính tin sâu xa, ngài muốn làm cho công đức cô gái thêm lớn nên không đợi thầy Duy na mà ngài đích thân ân cần đứng lên chú nguyện cho cô gái. Thượng tọa đưa cánh tay phải ra và lớn tiếng xướng:

–Xin Đại đức Tăng hãy lắng nghe.

Và liền nói kệ:

Tất cả các vật báu
Trên mặt đất, ngoài biển
Ý của cô gái này
Đều cúng dường chư Tăng.
Chú tâm khéo quán sát
Hành đạo nhằm tu phước
Để được đạo giải thoát
Nhổ được gai nghèo khổ.

Lúc đó, đồng nữ phát tâm rộng lớn:

–Như lời thầy dạy, con đã làm được việc khó làm, như xả bỏ tất cả tài sản châu báu không khác.

Buồn vui lẫn lộn, cô gái gieo năm vóc sát đất quy mạng chư Tăng rồi đặt hai đồng tiền trước mặt Thượng tọa, buồn bã rơi lệ, nói kệ:

Nguyện con trong sinh tử
Lìa hẳn sự khổ nghèo
Thường được nhiều vui vẻ
Bà con chẳng xa lìa.
Quả báo cúng Tăng này
Chỉ Phật mới biết được
Do nhờ công đức này
Chóng thành điều mong ước
Gieo trồng chút tâm lành
Nguyện chóng thoát thân căn.

Cô gái ra khỏi núi, đến ngồi dưới một gốc cây, bóng râm không di động và trên ngọn cây có lọng mây che. Lúc đó có vị vua, phu nhân vừa qua đời, đi dạo ngoài thành, thấy chiếc lọng mây kia nên tìm đến gốc cây, thấy cô gái, vua sinh tâm say đắm, đem về nội cung, phong nàng làm vị Đại phu nhân bậc nhất.

Cô gái liền nghĩ: “Trước đây ta phát nguyện, nay đã được vừa ý”. Nàng tâu vua:

–Hãy đem cho thiếp thật nhiều châu báu làm vật cúng dường để đến núi Trú ám cúng dường chư Tăng.

Nàng dâng các thứ ngọc ngà châu báu nhưng vị Thượng tọa không chú nguyện. Bấy giờ, đại chúng lấy làm lạ, thắc mắc không hiểu tại sao, bèn hỏi:

–Trước đây, khi cô gái này nghèo chỉ cúng có hai đồng tiền mà Thượng tọa lại chú nguyện ngay. Còn bây giờ đã là phu nhân của vua, dâng cúng vàng bạc châu báu thì ngài lại không chú nguyện? Xin giải thích cho chúng con được biết.

Thượng tọa nói với chư Tăng:

–Trước đây ta chú nguyện cho cô gái ấy không phải vì tài vật mà chính vì sợ tâm ý cô gái rối loạn cho nên chú nguyện.

Thượng tọa liền nói kệ:

Không vì nhiều tiền của
Mà được quả báo lớn
Chỉ có tâm lành hơn
Mới được quả báo lớn.
Trước đây cô gái cúng
Là xả thí tất cả
Trí Phật mới biết được
Ta không thể biết được.
Nay tuy nhiều châu báu
Tâm không như trước kia
Chỉ một phần mười sáu
Tâm thí bị vẩn đục.
Ví như người đi buôn
Có chút ít tài vật
Tâm mong quả báo lớn
Vật cúng dường tuy ít
Tâm rộng lớn thù thắng
Do đó đời vị lai
Phước báo cũng vô lượng.
Như vua A-du-ca
Tịnh tâm cúng dường đất,
Lại như thành Xá-vệ
Cô gái rất nghèo hèn
Cúng dường cơm Ca-diếp,
Cúng đất được đất đai
Cúng cơm sinh cõi trời
Cúng ít nhưng tâm tịnh
Quả báo lại rất nhiều.
Như chiếc áo trắng sạch
Đổ dầu lên trên áo
Cáu nhờn tăng thêm nhiều
Như đổ dầu vào nước
Tuy chỉ chút ít dầu
Lan khắp trên mặt nước
Do đó nên biết rằng:
Thắng tâm phước báo lớn.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15