SỐ 201
ĐẠI TRANG NGHIÊM KINH LUẬN
Tác giả: Bồ-tát Mã Minh.
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 10

CHƯƠNG 55

Nếu người nào khen ngợi Phật thì được quả báo lớn, được mọi người cung kính. Thế nên phải thành tâm cung kính khen ngợi.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, vào thời Phật Ca-diếp có một vị Pháp sư nói pháp cho đại chúng nghe. Ở trước đại chúng, vị Pháp sư ấy khen ngợi Đức Phật Ca-diếp, nhờ nhân duyên ấy nên lúc qua đời được sinh lên cõi trời.

Trong cõi trời, cõi người vị ấy thường thọ hưởng sự vui sướng. Sau khi Đức Phật Thích-ca nhập Niết-bàn một trăm năm, vào thời vua A-dugià vị ấy làm đại Pháp sư chứng quả A-la-hán có đầy đủ ba minh, sáu thông, tám giải thoát, từ nơi miệng thường tỏa mùi thơm. Ở cách vua A-du-già không xa, vị Pháp sư ấy nói pháp cho đại chúng nghe. Mùi thơm trong miệng ngài bay đến chỗ vua A-du-già. Vua ngửi mùi thơm tâm sinh thắc mắc liền nghĩ rằng: “Có lẽ vị Tỳ-kheo kia hòa các mùi thơm ngậm vào miệng nên có mùi thơm như vậy”. Nghĩ rồi, vua thưa với vị Tỳ-kheo:

–Xin thầy há miệng ra.

Thầy Tỳ-kheo há miệng thì trong miệng không có gì cả.

Vua lại thưa:

–Xin thầy súc miệng.

Vị Tỳ-kheo súc miệng xong thì trong miệng vẫn có mùi thơm.

Thầy Tỳ-kheo hỏi vua:

–Vì sao đại vương bảo tôi há miệng rồi súc miệng làm gì?

Vua đáp:

–Vì trẫm ngửi thấy mùi thơm, trong tâm thắc mắc nên bảo thầy há miệng và súc miệng. Mùi thơm càng nồng, chỉ có mùi thơm, trong miệng không có gì.

Vua nói:

–Xin thầy hãy giải thích cho trẫm biết.

Thầy Tỳ-kheo mỉm cười nói kệ:

Bậc tự tại trên đời
Sẽ giải thích ngài hiểu
Đó chẳng phải các hương
Trầm thủy, hoa lá cọng
Của loại gỗ chiên-đàn
Hòa hợp ra thế ấy.
Tôi sinh tâm ít có
Nên nói lời như vầy
Nhờ xưa khen Ca-diếp
Nên được mùi thơm ấy.
Hương của thời Phật ấy
Không khác với hương nay
Ngày đêm cũng đều thơm
Không bao giờ dứt tuyệt.

Vua thưa:

–Bạch Đại đức, ngài có được mùi thơm này bao lâu rồi?

Thầy Tỳ-kheo đáp:

–Tôi được đã lâu rồi. Xin đại vương hãy lắng nghe: Thuở xưa có Đức Phật hiệu là Ca-diếp, vào thời Đức Phật ấy tôi siêng năng tu tập nên có được mùi thơm này.

Nghe xong, vua sinh tâm ít có, hỏi thầy Tỳ-kheo:

–Trẫm vẫn chưa hiểu. Xin thầy giải thích.

Thầy Tỳ-kheo thưa với vua:

–Thưa đại vương, xin ngài dốc lòng lắng nghe: Vào thời Đức Phật Ca-diếp, tôi là một vị Tỳ-kheo nói pháp, ở trước đại chúng, tôi sinh tâm vui mừng khen ngợi Đức Phật Ca-diếp, nói kệ rằng:

Thân sắc vàng rực rỡ
Vui mừng sinh khen ngợi
Nhờ sức phước đức này
Hễ sinh đến nơi nào
Mỗi thân theo nghiệp này
Thường có mùi thơm ấy,
Thơm hơn Ưu-bát-la
Và mùi thơm Chiêm-bặc
Mùi thơm thoảng khắp nơi
Ai ngửi đều vui thích
Như uống nước cam lộ
Uống hoài không chán đủ.

Đại vương nghe xong, khắp mình nổi ốc liền nói như vầy:

–Ôi, nhờ khen ngợi công đức Phật mà được phước báo ấy.

Thầy Tỳ-kheo thưa:

–Thưa đại vương, ngài chớ cho rằng quả này được báo như thế.

Vị Tỳ-kheo liền nói kệ:

Tiếng khen và phước đức
Sắc lực và an lạc
Đã có công đức này
Người không kể sang hèn
Oai quang đáng yêu thích
Ý chí rất rộng lớn
Lìa được các lỗi ác
Đều do khen ngợi Phật.
Những phước báo như thế
Hiền trí mới nói được
Thọ thân đã chấm dứt
Được dấu vết cam lộ.

Đại vương lại hỏi thầy Tỳ-kheo:

–Bạch Đại đức, khen ngợi công đức Phật, việc ấy như thế nào?

Thầy Tỳ-kheo nói kệ:

Tôi ở trong chúng khen
Công đức thật của Phật
Do nhờ nhân duyên ấy
Tiếng khen khắp mười phương.
Nói nghiệp lành của Phật
Đại chúng nghe vui mừng
Hình tướng đều vui hòa.
Do trước khen ngợi Phật
Nhan sắc có oai quang
Nói pháp được hết khổ.
Điều Đức Phật ấy dạy
Cho những người tu thiện
Tạo các nhân duyên vui
Được quả báo an vui.
Thế nào gọi là Phật?
Lời nói có mười lực
Mà ở trong ba cõi
Không bị người khinh thường,
Huống người nói các pháp
Bước lên trên pháp tòa
Khen ngợi công đức Phật
Hàng phục các ngoại đạo.
Nhờ khen công đức Phật
Được thân tướng tốt đẹp
Liền nói mọi người nghe
Chánh đạo đáng ưa thích,
Nhờ vào nhân duyên ấy
Như trăng tròn mùa thu
Được mọi người yêu thích.
Khen đức thật của Phật
Suốt kiếp vẫn không hết
Giả sử lưỡi tiêu tan
Cũng không ngưng giữa chừng
Thường giữ tâm như vậy
Đời đời sinh nơi nào
Lời nói đều rõ ràng.
Nói trí tự nhiên Phật
Các trí tuệ thêm lớn
Nhờ vào nhân duyên ấy
Sinh đâu đều có trí.
Nói tất cả thế gian
Đều do nghiệp duyên tạo
Nghe rồi được điều lành,
Do xa lìa điều ác
Sinh đâu, lìa các lỗi.
Tham sân ngã kiến thảy
Như dầu rót sắt nóng
Khô cạn hết không còn
Các sự việc như thế
Nơi nào không thích ý?
Nhờ mũi tên nhân duyên
Tôi phá cung của ngài
Đã nói rõ cha rồi
Suy nghĩ khéo nói mẹ.

Đại vương nghe kệ xong, liền đứng dậy chắp tay thưa:

–Điều Đại đức nói rất nhiệm mầu khéo nhập vào tâm trẫm.

Vua nói kệ:

Nghe nói, ý ta hiểu
Quả khen công đức Phật
Nếu nói tóm lại thì
Thường nên khen ngợi Phật.

Do nhân duyên gì nói việc này? Vì người nói pháp được quả báo lớn. Những người nói pháp trong ba cõi nên sinh tâm vui mừng.


CHƯƠNG 56

Người có công đức lớn còn tu không hề biết mỏi mệt, huống gì người không có phước đức mà lại biếng nhác, ngã mạn.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp nhập vào các tam-muội thiền định giải thoát. Ngài muốn làm cho chúng sinh tu phước gieo hạt giống lành, được phước vô lượng. Vào lúc sáng sớm, Ngài đắp y Tăng-già-lê do Đức Phật cho, rồi đi khất thực. Lúc ấy có người trông thấy nói kệ:

Tán thán Bậc hơn người
Đắp y của Như Lai
Trước trời, người, tám bộ
Phật chia tòa cho ngồi.

Đức Phật cũng khen ngợi Tôn giả Ca-diếp với bài kệ:

Nay thầy tu hạnh lành
Như trăng dần dần tròn
Như tay vung trong không
Không có gì chướng ngại.
Thân như nước sạch trong
Không có các bụi đất
Phật thường ở trước người
Khen ngợi công đức thầy.
Cho đến đời vị lai
Lúc Di-lặc thành Phật
Cũng khen công đức thầy
Mà bảo đại chúng rằng:
Đây là vị đệ tử
Khổ hạnh của Mâu-ni
Đủ mười hai đầu-đà
Trong ít muốn biết đủ
Được gọi là bậc nhất.
Đây gọi là Ca-diếp
Trước trời, người, tám bộ
Khen ngợi công đức Thầy.

Lúc bấy giờ, từ xa thấy ngài Ca-diếp ung dung đi bộ, trời Đế Thích đang ngự trong cung điện bèn chắp tay cung kính. Phu nhân của trời Đế Thích là Xá-chi liền hỏi:

–Thưa ngài, ngài đang thấy ai mà cung kính như vậy?

Đế Thích nói kệ đáp:

Ở trong lửa tham dục
Thường buộc niệm ở trước
Tuy được vợ sắc vàng
Cùng phòng tâm không đắm.
Thân nương vào thiền định
Tâm ý cũng vui sướng
Vào thành ấp xóm làng
Vì muốn đi khất thực,
Dùng trí tuệ cày xới
Nhổ bỏ cỏ xấu hại
Đó gọi ruộng phước lành
Quả được trồng tốt tươi.

Nhìn Đế Thích với lòng kính trọng, Xá-chi thưa:

–Ngài sang quý cao tột lại ở nơi nhàn nhã mà còn có tâm lành tu phước đức.

Đế Thích dùng kệ đáp:

Nhờ nhân duyên bố thí
Ta rất được tự tại
Trời, Người, A-tu-la
Quý trọng, tôn kính ta.
Ngày đêm nghĩ bố thí
Nên ta được như vậy
Nhiều kho tàng như thế
Lấy ra đầy của báu.

Tôn giả Ca-diếp vào trong các hang cùng ngõ hẻm, thích nhạn người nghèo khó bố thí. Lúc ấy, Đế Thích hóa thành ông lão thợ dệt nghèo nàn, còn Xá-chi hóa làm bà lão ăn mặc rách rưới. Vợ chồng ngồi nghỉ bên vệ đường.

Tôn giả thấy hai vợ chồng người kia nghèo nàn rách rưới liền nghĩ: “Trên thế gian không có ai nghèo hơn hai người này”, bèn đến chỗ họ muốn an ủi. Ông lão thợ dệt vội đứng dậy cầm lấy bát của Tôn giả, đổ thức ăn Tu-đà cõi trời vào đầy bát rồi dâng lên Tôn giả.

Sau khi nhận thức ăn, trong tâm Tôn giả thắc mắc nên nói kệ:

Người kia quá nghèo nàn
Lại ăn ngon khác thường
Việc này rất đáng nghi
Thật là việc điên đảo.

Nói kệ xong, Tôn giả lại nghĩ: “Bây giờ ta nên hỏi ai? Ta phải tự quán sát.”

Tôn giả liền nói kệ:

Ta là hạt giống lành
Dứt mê cho người khác
Trời người làm việc gì
Ta còn giải thích cho,
Nay ta có thắc mắc
Không biết phải hỏi ai?

Nói kệ xong, Tôn giả dùng mắt tuệ thấy chính là trời Đế Thích, liền nói:

–Hay thay! Người thích tu phước dùng mọi cách để được phước báo tốt đẹp.

Tôn giả nói kệ:

Xả bỏ tướng tôn quý
Hóa thành người nghèo nàn
Già yếu và tiều tụy
Mặc y phục rách rưới
Xả bỏ cung điện trời
Giả dừng nghỉ bên đường.

Nói kệ xong, Tôn giả mỉm cười, lại nói kệ:

Ta muốn người vô phước
Có được phước nghiệp tốt
Phước ông đã đầy đủ
Cớ sao lại quấy nhiễu
Cúng dường ta thức ăn?
Hơn cả năm diệu dục
Thế Tôn lậu đã dứt
Ba đường ác cho ông
Nhưng ông vẫn tinh tấn
Tìm cách cầu phước nghiệp.

Trời Đế Thích hiện lại nguyên hình, ở trước mọi người đảnh lễ dưới chân Tôn giả rồi thưa:

–Bạch Tôn giả, vì sao ngài làm vậy?

Đế Thích liền nói kệ:

Tôi thấy thí được báo
Được lợi ích tốt đẹp
Giúp nghiệp thêm rộng lớn
Tín tâm vững chắc hơn
Vì cớ gì Đại đức
Ngăn cản việc tôi làm?
Đế Thích lại nói kệ:
Người nghe nói bố thí
Vẫn còn bố thí được
Huống tôi được báo thí
Tự chứng biết rõ ràng.
Cha mẹ và bạn thân
Cứu giúp muốn lợi ích
Không thể bằng bố thí
Dứt bỏ khổ sinh tử.
Báo thí như hình bóng
Ban an vui khắp nơi
Trong sinh tử nguy nan
Chỉ có thí đi theo,
Lúc mưa gió lạnh lẽo
Chỉ thí làm an lạc
Như đi đường hiểm xấu
Hành trang phải đầy đủ.
Thí là chiếc xe lành
An ổn khỏi mệt mỏi
Nơi nạn cướp hiểm ác
Thí chính là bạn tốt.
Thí dứt các sợ hãi
Cao tột trong cứu giúp
Ở trong chỗ giặc thù
Thí là thanh kiếm bén.
Thí là thuốc hay nhất
Trị lành các bệnh nặng
Đi trên đất gồ ghề
Dùng thí để làm gậy.

Nói kệ xong, Đế Thích cúng dường Tôn giả rồi trở về cõi trời. Do nhân duyên gì nói việc này? Vì người có trí tuệ hiểu rõ quả báo của sự bố thí, muốn làm cho người siêng làm việc phước. Trời Đế Thích là người có phước báo hơn người vẫn còn tu phước, huống gì người đời lại không tu bố thí. Đối với bậc Thanh văn mà Đế Thích còn cúng dường, huống gì đối với Đức Thế Tôn.


CHƯƠNG 57

Tuy gieo chút ít căn lành nhưng phải cầu thành Phật, với chút ít căn lành mà cầu thành Phật giống như được cam lộ. Thế nên phải hết lòng cầu thành Phật.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, có một người nhờ năng lực nhân duyên nên phát tâm xuất gia. Vì muốn cầu giải thoát, nên ông đến Tăng phường, gặp lúc Phật đi giáo hóa không có ở Tăng phường. Ông ta suy nghĩ: “Không có Đức Thế Tôn ở Tăng phường ta nên đến chỗ ngài Xá-lợi-phất đại tướng của chánh pháp”.

Bấy giờ, ngài Xá-lợi-phất quán sát nhân duyên của vị ấy, xem thuở xưa ông ta có chút nào ghét việc ác, tu căn lành hay chăng. Quán sát xong, ngài không thấy có chút ít căn lành nào cả; một đời không có cho đến trong trăm ngàn đời cũng không có căn lành; lại thấy một kiếp không có căn lành cho đến trăm ngàn kiếp cũng không có. Tôn giả Xá-lợi-phất nói với người ấy:

–Ta không xuất gia cho ông.

Người ấy lại đến chỗ vị Tỳ-kheo khác. Thầy Tỳ-kheo hỏi:

–Vừa rồi ông xin xuất gia với ai?

Ông ta thưa:

–Bạch Đại đức, con đến xin xuất gia với Tôn giả Xá-lợi-phất nhưng ngài không chịu xuất gia cho con.

Các thầy Tỳ-kheo nói:

–Tôn giả Xá-lợi-phất không chịu xuất gia cho ông, chắc chắn ông có lỗi lầm gì rồi. Chúng tôi làm sao dám xuất gia cho ông?

Cứ như thế người ấy lần lượt đến chỗ thầy Tỳ-kheo này rồi thầy Tỳ-kheo khác nhưng không có vị nào chịu xuất gia cho ông ta. Giống như người bệnh, người thầy thuốc giỏi đã không chữa trị được thì các thầy thuốc tầm thường khác không ai chữa trị được. Không được toại nguyện, ông ta đứng khóc trước cửa Tăng phường và nói:

–Sao tôi bạc phước quá! Không có ai chịu xuất gia cho tôi cả. Cả bốn giai cấp đều được xuất gia, còn riêng tôi gây ra nghiệp ác gì mà không được xuất gia? Nếu không được xuất gia chắc tôi phải chết.

Ông liền nói kệ:

Giống như nước sạch trong
Tất cả đều uống được
Dù cho Chiên-đà-la
Cũng đều được xuất gia.
Trong Phật pháp như thế
Không chịu thâu nhận tôi
Tôi không được toại nguyện
Vậy còn sống làm gì.

Bấy giờ Đức Thế Tôn với tâm Từ bi muốn giáo hóa người ấy.Như người mẹ thương con, như bóng rợp của núi Hành kim che lấp mặt trời, Ngài đến cửa Tăng phường nói kệ:

Thân Nhất Thiết Chủng Trí
Lấy đại Bi làm thể
Phật ở trong ba cõi
Tìm người đáng hóa độ
Như bò mẹ tìm con
Thương nhớ mãi không thôi.

Đức Thế Tôn thanh tịnh vô cấu như hoa sen nở, cánh tay sáng rực, lòng bàn tay có hình bánh xe, có màng lưới bao bọc các ngón tay, Phật dùng cánh tay nhiệm mầu này xoa đầu ông ta rồi hỏi:

–Vì sao ông khóc?

Ông ta buồn bã thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, con xin xuất gia nhưng tất cả các thầy Tỳ-kheo đều không nhận, do đó mà con khóc. Đức Thế Tôn hỏi:

–Các thầy Tỳ-kheo không nhận hay ai ngăn cản không cho ông xuất gia?

Phật liền nói kệ:

Ai có Nhất thiết trí
Mà còn muốn do dự
Nghiệp lực rất nhỏ nhiệm
Ai biết được cạn sâu.

Nghe kệ xong, người ấy bạch với Đức Thế Tôn:

–Bạch Đức Thế Tôn, vị đại tướng trong Phật pháp là Tỳ-kheo Xá-lợi-phất có Trí tuệ bậc nhất không cho con xuất gia.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng âm thanh như tiếng sấm vang an ủi người ấy:

–Trí lực của Xá-lợi-phất chẳng thể biết được. Trong vô lượng kiếp, ta đã làm những hạnh khổ khó làm, tu tập trí tuệ. Bây giờ Ta sẽ nói kệ cho ngươi nghe:

Đệ tử Xá-lợi-phất
Không phải Nhất Thiết Trí
Cũng không hiểu thể tánh
Không biết hết trung, hạ
Hiểu biết có hạn chế
Không hiểu được sâu xa
Không có trí hiểu biết
Các nghiệp báo nhỏ nhiệm.
Đức Thế Tôn bảo vị ấy:

–Giờ đây Ta cho phép ngươi xuất gia trong Phật pháp. Ta cho ngươi ở trong giáo pháp của Ta thử qua, nếu ngươi là người có tâm tin tưởng ưa thích thì Ta sẽ hóa độ đúng pháp, không để lỡ mất cơ hội.

Đức Thế Tôn đưa cánh tay mềm mại tốt đẹp có hình bánh xe cầm tay ông ta dắt vào trong Tăng phường, ở trước chúng Tăng bảo ngài Xá-lợi-phất:

–Này Xá-lợi-phất, vì lý do gì thầy không cho người này xuất gia?

Ngài Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, vì con thấy ông ta không có chút căn lành nào cả.

Đức Phật dạy:

–Này Xá-lợi-phất, thầy chớ nói như thế.

Thế Tôn liền nói kệ:

Ta thấy căn lành này
Thật là rất nhỏ nhiệm
Như cát đá trong núi
Nung chảy cho ra vàng.
Thiền định và trí tuệ
Như ống bể, lò rèn
Ta dùng công đức thổi
Ắt sinh ra vàng ròng
Người này cũng như vậy
Lành nhỏ như vàng kia.

Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất sửa lại y Uất-đa-la-tăng, bày vai bên phải, quỳ gối chắp tay hướng về Đức Phật Thế Tôn nói kệ:

Đấng hơn hết trong luận
Cúi xin nói con nghe
Ngọn đèn trí tuệ lớn
Xua tan các bóng tối
Trong bao lâu người kia
Trồng được căn lành này
Làm được ruộng phước nào
Nảy mầm rất mau chóng?

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Bây giờ thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ nói cho nghe: Nhân ấy rất nhỏ nhiệm, không phải cảnh giới mà hàng Bích-chi-phật thấy được.

Thuở xưa có một người nghèo vào trong núi A-luyện-nhã đốn củi bị cọp uy hiếp. Vì sợ hãi nên ông ta niệm “Nam-mô Phật “. Nhờ hạt giống này mà được nhân giải thoát.

Ngài nói kệ:

Chỉ thấy họ xưng Phật
Cho đó là nhỏ nhiệm
Nhờ đó dứt mé khổ
Như thế là tốt lành.
Dốc lòng quy mạng Phật
Chắc chắn được giải thoát
Được quả giống như vậy
Thật không có ai bằng.

Bấy giờ Đức Phật liền độ cho người ấy xuất gia. Đích thân Ngài giáo hóa, Tỳ-kheo tâm khai ngộ, chứng đắc quả La-hán. Do nhân duyên này cho nên người nào gieo chút ít căn lành đối với Đức Thế Tôn cũng được vô lượng quả báo, huống gì là xây dựng hình tượng tháp miếu.


CHƯƠNG 58

Người nào căn lành đã chín muồi thì được quả giải thoát. Do đó nên tu điều lành.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, khi Đức Thế Tôn còn học đạo, làm Bồ-tát, Ngài khổ hạnh trong sáu năm, mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, một hạt gạo nhưng không đạt được kết quả gì, cũng không được lợi ích gì.

Vì không đạt được kết quả gì nên Bồ-tát bèn ăn cháo sữa ngon.

Lúc ấy, năm người bạn hỏi Bồ-tát:

–Thưa Ngài, trước đây Ngài tu khổ hạnh còn không đạt được kết quả gì, huống gì bây giờ ăn cháo sữa mà đắc đạo sao?

Nói xong, họ liền bỏ đi, đến thành Ba-la-nại.

Sau khi thành Phật, Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Ta nên hóa độ chúng sinh nào trước?” Ngài lại nghĩ: “Chỉ có năm vị ấy có nhân duyên đắc đạo, họ có ân nghĩa với Ta”. Nghĩ rồi, Đức Thế Tôn đến thành Ba-la-nại, tới chỗ năm vị ấy nói kệ:

Với oai quang tốt đẹp
Khắp thân đều trang nghiêm
Đi một mình tướng hảo
Sáng chói đầy oai đức,
Mắt hơn trâu đầu đàn
Ngực rộng, thân sáng rực
Dung nghi rất xinh đẹp
Đi như voi đầu đàn
Bước từng bước khoan thai,
Việc làm đã làm xong
Trí hạnh đã đầy đủ
Trí sâu là mão trời
Lụa giải thoát buộc đầu
Tôn quý trong loài người
Vua Pháp luân trên hết.
Cõi trời trổi kỹ nhạc
Theo hầu cả trước sau
Dù các vua mạnh mẽ
Có xe giá, bốn binh
Vây quanh không bằng Phật.
Đi một mình khắp cõi
Ví như vua Chuyển luân
Các xe, ngựa, voi, binh
Mão trời rất tốt đẹp
Lọng lụa che ở trên
Như vua Đại Chuyển luân
Các phước lợi đầy đủ
Không trang nghiêm bằng Phật.
Tốt đẹp hơn vua kia
Tướng bậc nhất ai bằng
Oai đức hơn các Thánh
Chúng sinh thấy dung nghi
Sáng chói hơn mặt trời
Người, thú, các chim muông
Chiêm ngưỡng thân tướng Phật
Đang đi, chạy cũng dừng.

Thấy Đức Phật tướng mạo sáng chói, oai đức đầy đủ, trí đức vẹn toàn, không giống như trước kia, cả năm vị chưa biết là ai thì một vị nói kệ hỏi bốn vị kia:

Ai phát ra ánh sáng
Soi chiếu khắp núi rừng
Giống như nhiều mặt trời
Từ dưới đất mọc lên
Lưới ánh sáng đầy khắp
Chiếu soi khắp tất cả,
Như ngôi lầu vàng ròng
Ca-sa phủ lên trên,
Lại giống như luyện vàng
Chảy tan khắp trên đất.
Các thú ở đất liền
Và các trâu đầu đàn
Hươu nai và chim thỏ
Thấy Phật đều đứng lại
Đang ăn cỏ thì nhả
Nhìn chăm không chớp mắt,
Chim công xòe đôi cánh
Giống như vòng sen xanh
Khi ấy không buông lung
Đều vui múa với nhau
Vui vẻ hót tiếng hay.
Khi Phật đi trên đường
Tất cả loài chúng sinh
Mắt tâm đều thích quán
Bị sắc Phật hấp dẫn
Tự nhiên chạy đến nhìn.
Khi Phật đi trên đường
Ai sờ dấu chân Phật
Vui cả bảy ngày đêm
Theo đạo hạnh hơn hết
Trong sáng không xao động
Thân thể rất mềm mại
Bước nhẹ không chạm đất
Đi bộ không mỏi mệt.
Một vị khác lại nói với bốn vị kia:
Tôi thấy tướng mạo ấy
Trong lòng cũng thắc mắc
Là oai quang của ai?
Sáng chói hơn mặt trời
Do tướng sáng chói kia
Núi rừng đều màu vàng.

Thấy Đức Phật đến gần, năm vị bèn nói với nhau:

–Đây chính là người thanh niên dòng họ Thích đã bỏ nếp sống khổ hạnh trở về nuôi dưỡng thân mình bằng dục lạc. Ông ta đã bỏ nếp sống khổ hạnh mà còn đến gặp chúng ta.

Họ nói kệ:

Chúng ta chớ đứng dậy
Cũng đừng có kính lễ
Nên ở xa chỉ chỗ
Rồi bảo ông ta ngồi.

Đức Phật đi đến nơi, lúc ấy bỗng dưng cả năm vị tự đứng dậy và nói kệ:

Mặt như trăng tròn đầy
Thấy Ngài chợt đứng dậy
Ví như biển cả kia
Trăng tròn thì nước dâng.
Chúng ta tự đứng dậy
Như người bị kéo lên
Đây do oai Đức Phật
Tự nhiên khiến như vậy.
Như cột cờ Đế Thích
Trời khác đến không đứng
Khi trời Đế Thích đến
Tự nhiên nó đứng thẳng,
Chúng ta cũng như vậy
Phật đến tự nhiên đứng
Như dầu châm vào lửa
Lửa cháy nhanh phừng phựt
Chúng ta thấy Phật đức
Đứng dậy nhanh hơn lửa.
Vô số kiếp đến nay
Bẻ gãy các kiêu mạn
Được mọi người tôn trọng
Thầy tổ và cha mẹ
Loài trời và loài người
Các Quỷ, Rồng, Dạ-xoa
Nếu có ai thấy Phật
Tất cả đều kính lễ.
Người trí đâm thắc mắc
Phải nên khéo phân biệt
Nếu Phật đưa chân xuống
Đất từ trên hạ xuống
Các núi như cỏ nhẹ
Thấy Phật đều nghiêng động.

Năm vị thấy Đức Phật thì cùng đứng dậy, đến đón rước. Người thì ôm bát, người trải đồ ngồi, người lấy nước; người thì rửa chân cho Ngài và nói kệ:

Năm người gặp Thiện Thệ
Thấy Phật rất oai đức
Tâm cả tâm đều vui
Không còn giữ lời hứa
Chậu rửa tay ba chân
Nhìn kỹ sợ núi lở
Đều thọ pháp không nói
Mười phần cũng được nửa.

Nghe kệ, Đức Thế Tôn mỉm cười bảo họ:

–Các vị là người si mê, tại sao lại bỏ lời hứa với nhau?

Sau khi Đức Phật ngồi, họ cung kính đứng hầu và nói như vầy:

–Thưa Ngài Cù-đàm có mạng sống bừng trí tuệ, Phật là người có tâm Từ không có ý thương ghét.

Đức Phật nói kệ:

Nay Ta đã đắc đạo
Lau sạch các bụi nhơ
Các vị chớ xem thường
Nên đứng dậy cung kính.
Ví như dùng bùn gỗ
Để đắp thành tượng Phật
Khi chưa đắp xong thì
Đạp dưới chân để đẽo
Khi đã đắp xong rồi
Thì hương hoa kính lễ.
Các vị cũng phải nên
Đừng xem Ta như bạn
Mà nên cung kính Ta
Không nên sinh khinh mạn.
Khen ngợi cũng không mừng
Mắng nhiếc cũng không giận
Ta thương xót các vị
Muốn giúp cho giải thoát
Để được vui vắng lặng
Được các việc lợi ích.
Các si ái, giận tức
Đều tự có tướng mạo
Chê bai nói lời ác
Như bôi tro vào ghẻ.
Nay Ta đã giác ngộ
Gọi Ta là Cù-đàm
Ta không còn thương, ghét
Nên sinh tâm cung kính
Chớ buông ra những lời
Hủy báng chê bai người.

Dù nghe Đức Thế Tôn nói như thế nhưng năm vị ấy vẫn còn cho Đức Thế Tôn chưa chứng được quả vị Giác ngộ nên nói kệ:

Trước Ngài tu khổ hạnh
Còn chưa được Giác ngộ
Nay chìm đắm trong bùn
Làm sao ngộ đạo được?
Ví như bỏ thuyền lớn
Mà vác cục đá to
Muốn vượt qua sông hiểm
Làm sao có thể được?

Biết tâm niệm của năm vị còn dính mắc khổ hạnh, cho đó là Chánh đạo. Phật liền dạy rằng dứt bỏ năm dục chính là Chánh đạo và cho rằng bỏ lối tu khổ hạnh cũng là Chánh đạo, Ngài dạy phải bỏ tất cả hai bên là không quá khổ hạnh, cũng không quá hưởng thọ năm thứ dục lạc. Ngài nói về pháp Trung đạo, lấy tâm từ làm đầu.

Phật nói kệ đáp:

Chỉ người trí dứt được
Chướng Vô trí ngu si
Thế nên cần trí tuệ
Để giữ gìn thân mạng.
Có mạng, được trí tuệ
Giường đệm, y phục thảy
Ăn uống và thuốc thang
Dùng nó giữ thân mạng
Không có những thứ này
Thì thân mạng phải chết.
Dùng nó giữ thân mạng
Nên giữ vững giới cấm
Giữ giới được định, tuệ
Tu khổ hạnh không được,
Pháp nhịn đói không ăn
Chắc chắn không được đạo
Thân chết thì mạng mất
Mạng mất, thân không còn.
Hủy giới, không thiền định
Không thiền thì không trí
Vì thế nên giữ mạng
Cũng giữ gìn giới cấm.
Nhờ giữ gìn giới cấm
Được thiền định, trí tuệ
Cho nên phải dứt bỏ
Khổ não hại pháp thân
Cũng dứt bỏ năm dục
Không đắm sâu dục lạc.
Nếu mê đắm tham dục
Là hủy phạm giới cấm
Lại nuôi lớn ái dục
Ngu si đắm khổ hạnh.
Tự thích pháp không ăn
Hoặc ăn các cỏ lá
Nằm trên tro, gai nhọn
Hại thân mạng như thế
Không thể được định tuệ.
Vì thế, theo Trung đạo
Nương nhờ pháp như thế
Không chìm trong bùn dục
Cũng không làm khổ thân.
Có trí khéo phân biệt
Hai lỗi lầm như thế
Như trăng mọi người thích,
Ở đây cũng như vậy
Tham dục chìm bùn nhơ
Nhiều người bị chết chìm
Khổ hạnh đốt thân tâm
Không tránh khỏi họa ấy
Dứt bỏ hai bên này
Trung đạo đến Niết-bàn.

Bấy giờ ngài Kiều-trần-như là người có mạng sống bằng trí tuệ,… hiểu được lời Đức Phật dạy, muốn dứt bỏ các kết sử, khen ngợi lời Đức Phật dạy là pháp lành chân chánh ngay thẳng, liền nói kệ:

Nếu sống với trí tuệ
Dây si tự nhiên mở
Do vì các nghĩa này
Khổ thân thì vô ích.
Nếu có giới, định, tuệ
Sẽ đạt được dấu đạo
Ví như người giữ thân
Muốn diệt các lỗi ác.
Nên giữ tâm như vậy
Vì các ý nghĩa này
Không nên bỏ y phục
Ăn uống và đồ nằm
Cũng không sinh ưa đắm
Đối với các vật này.
Củi lửa và đống tuyết
Các vị nên lìa bỏ
Nướng mình trên đống lửa
Và sống cạnh bên tuyết
Cả hai nên chấm dứt
Không nên hành trì nữa.

Thấy Kiều-trần-như hiểu rõ việc này, Phật khen lành thay và Ngài nói kệ:

Uống ăn và thuốc men
Phòng nhà, đồ nằm thảy
Người yêu mến thân mạng
Việc ăn uống đúng thời,
Với các thức ăn ngon
Không nên sinh đắm nhiễm
Không hoàn toàn lìa bỏ.
Ví như đống lửa lớn
Thể tánh là đốt cháy
Người trí dùng tùy lúc
Sinh các thứ lợi ích
Nhưng không bị đốt cháy.

Đạt được văn tuệ rồi, muốn đi vào tư tuệ, Tôn giả Kiều-trần-như suy nghĩ giây lâu, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, bỏ ăn uống và các nhạc cụ không phải là tu đạo pháp sao?

Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Phật bảo Kiều-trần-như
Tâm thầy nên tin Ta
Nếu có gì thắc mắc
Nên thưa hỏi việc ấy
Thầy nên phá rừng nghi
Ta đốt bằng lửa trí.

Nghe Đức Phật nói như vậy, Kiều-trần-như hết sức vui mừng, nét mặt hớn hở, liền bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, cúi xin Ngài cho phép con được nêu lên những điều thắc mắc.

Kiều-trần-như liền nói kệ:

Chán ác, cảm thấy đủ
Khổ hạnh rất là khó
Bỏ khổ hạnh khó này
Mà mê đắm năm dục
Thì làm sao Tỳ-kheo
Dứt bỏ được tham dục?

Đức Thế Tôn bảo Kiều-trần-như:

–Ông quán khổ Thánh đế sẽ thoát được sinh tử.

Kiều-trần-như đứng dậy khỏi chỗ ngồi chắp tay hướng về Đức Phật thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, con vẫn chưa hiểu! Cúi xin Ngài dùng phương pháp nào giải thích để con được hiểu. Vì sao muốn giải thoát phải quán khổ Thánh đế?

Thấy Kiều-trần-như đã được Văn, Tư tuệ, nay đúng lúc nói pháp Tu tuệ, Đức Phật liền nói kinh Chuyển Pháp Luân. Ngài bảo các Tỳ-kheo:

–Khổ Thánh đế này trước đây chưa từng nghe. Ta chứng được chánh quán nhãn trí minh giác… như trong kinh Chuyển Pháp Luân có nói rộng.

Hỏi rằng:

–Phật nói pháp cho Kiều-trần-như nghe tại sao Phật tự nói pháp do mình chứng đắc?

Đáp:

–Vì để nói lên pháp Vô sư tự ngộ.

Hỏi:

–Vì sao Đức Phật lại nói pháp trước kia chưa từng nghe?

Đáp:

–Vì dứt bỏ các thắc mắc của Kiều-trần-như. Nghe pháp với Alan-ca-lan, Uất-đầu-lam-phất… mà được hiểu, vì dứt bỏ được thắc mắc như thế cho nên nói: “Trước kia ta chưa từng nghe.” Như nay chỉ bày rõ ràng, hiện làm năng lực của mình mà nói pháp Trung đạo. Nếu có người nào tu được Trung đạo thì không cần nghe người khác nói mà vẫn hiểu được nghĩa của Chân đế.

Đức Phật chỉ bày pháp Tứ đế. A-nhã Kiều-trần-như theo đó thấy được Chân đế, thuận theo Trung đạo thấy được bốn Chân đế, liền chứng đạo quả, vui mừng đến rơi lệ, đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi nói kệ:

Như bệnh dại, mụt nhọt
Bị sâu dòi rúc rỉa
Thầy thuốc trị bằng dầu
Chẳng những không biết ân
Lại còn mắng thầy thuốc.
Phật dùng dầu thiền định
Nấu với trí oai đức
Giết bỏ sâu kết sử
Con bị vô minh che
Không biết làm lợi mình
Vì đại Bi tự đến
Trái lại còn xúc não.
Tất cả các trời thảy
Còn nên phải cúng dường
Bậc tự tại với pháp.
Nay cho con sám hối
Trước con cho khổ hạnh
Được trí Nhất thiết chủng
Do ngu si làm mờ
Che lấp mất tâm này.
Nay, con nghe Ngài dạy
Muốn xé màng vô minh
Nay mới chân thật biết
Nhịn đói là pháp tà.
Thế Tôn dạy thế gian
Hướng về đạo giải thoát
Luận ngoại đạo nghĩa hẹp
Chải chuốt các ngôn từ
Lời nói ra tốt đẹp
Gian xảo và dối trá
Lừa gạt cả thế gian
Ngu si tự trói buộc
Lời nói Thiện Thệ rộng
Sáng sủa ai cũng hiểu.

Tại sao Đức Phật nói việc này? Vì muốn giúp cho năm vị Tỳ-kheo dứt bỏ chấp hai bên mà tu hành Trung đạo, để thấy rõ Chân đế, chứng đắc đạo quả.


CHƯƠNG 59

Chúng sinh gây ra nghiệp nào thì phải chịu quả báo của nghiệp ấy.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, có một người nghèo nghĩ như vầy: “Ta nên đến đền thờ trời cầu xin trong đời này được nhiều tiền tài của báu”. Nghĩ rồi, ông ta nói với người em:

–Này em, em hãy siêng năng làm ruộng cho tốt để kiếm sống, đừng để cho gia đình phải thiếu thốn!

Rồi ông ta dẫn người em đến ruộng chỉ cho biết chỗ này có thể trồng mè, chỗ kia để trồng lúa, chỗ nọ để trồng đậu, trồng bắp. Hướng dẫn cho em xong, ông ta đi đến đền thờ trời làm đệ tử vị Thiên thần, tổ chức hội tế trời thật lớn, cúng dường hương hoa, tô bùn thêm dưới mặt đất rồi ngày đêm lễ bái cầu xin ân phước, mong đời này được thêm nhiều tài sản.

Bấy giờ, vị Thiên thần nghĩ như vầy: “Ta phải quán xét coi người nghèo kia ở đời trước có gieo nhân duyên công đức bố thí hay không? Nếu có chút ít nhân duyên thì ta sẽ bày cách để ông ta được lợi ích”. Quán xong, không thấy ông ta có chút nhân duyên bố thí nào cả, vị Thiên thần lại nghĩ: “Ông ta không có chút nhân duyên nào cả, nay lại tha thiết cầu xin ta, chỉ uổng công khổ nhọc chứ không có lợi ích, rồi đây sẽ oán ta”, nên liền hóa làm người em đi đến đền thờ. Bấy giờ người anh bảo:

–Tại sao em không lo trồng trọt lại đến đây làm gì?

Người em hóa thân thưa:

–Thưa anh, em cũng muốn đến cầu xin Thiên thần vui lòng ban cho cơm áo. Em dù không trồng trọt gì cả nhưng nhờ năng lực Thiên thần, trong ruộng tự nhiên có đầy đủ lúa bắp!

Người anh trách em:

–Em à, đâu có thửa ruộng nào không gieo hạt mà hy vọng được thu hoạch!

Ông liền nói kệ:

Trong bốn biển, đất liền
Cho đến khắp mọi nơi
Đâu có việc không trồng
Mà thu hoạch quả trái!

Bấy giờ, người em do Thiên thần hóa hiện thật thà thưa với anh mình:

–Thưa anh, ở thế gian hễ ai không gieo hạt thì không gặt quả phải không?

Người anh đáp:

–Thật đúng như vậy! Nếu không gieo hạt thì không được quả.

Lúc ấy, vị Thiên thần kia hiện lại nguyên hình, rồi nói kệ:

Nay, chính ông tự nói
Không trồng không gặt quả
Đời trước không nhân thí
Nay làm sao được quả?
Dù ông chịu khổ nhọc
Nhịn ăn cúng dường ta
Luống tự mình khổ nhọc
Lại còn quấy nhiễu ta.
Do đâu sai sử ông
Hiện có việc lợi ích?
Nếu muốn được của báu
Vợ con và quyến thuộc
Phải giữ gìn thân, miệng
Mà làm việc bố thí
Không gieo mà thu hoạch
Thì trời và trăng sao
Không nên soi thế gian
Do soi sáng thế gian
Nên biết do nghiệp duyên.
Trong các trời trên trời
Cũng đều khác nhau cả
Phước nhiều, oai đức lớn
Phước ít, oai đức kém.
Cho nên biết thế gian
Tất cả đều do nghiệp
Bố thí được giàu có
Giữ giới sinh cõi trời.
Nếu không có bố thí
Oai đức đều tổn giảm
Định, tuệ được giải thoát
Quả báo ba thứ này
Lời do Phật đã dạy.
Giống này đều là nhân
Không nên nhiễu loạn ta
Thế nên phải tu nghiệp
Để cầu các quả lành.


CHƯƠNG 60

Gieo hạt được quả, chẳng phải nhờ vào năng lực của điềm lành nào cả. Vì vậy không nên mê đắm các điềm lành.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, có một thầy Tỳ-kheo đến nhà người đàn-việt. Bấy giờ, người đàn-việt sau khi đánh răng và súc miệng xong, bôi ngưu hoàng lên trán, cầm tù và đội lên đỉnh đầu, cầm quả Tỳ-lặc giơ lên cao, cung kính đặt ngay trên trán. Thầy Tỳ-kheo thấy vậy bèn hỏi:

–Vì sao đàn-việt làm những việc như vậy?

Người đàn-việt thưa:

–Tôi làm điềm lành.

Thầy Tỳ-kheo lại hỏi:

–Đàn-việt làm điềm lành có phước lợi gì?

Người đàn-việt thưa:

–Là công đức lớn, bây giờ thầy hãy thử xem! Điều gọi là điềm lành có công năng làm cho người chết không chết, người bị roi vọt giam cầm đều được giải thoát.

Thầy Tỳ-kheo mỉm cười rồi nói:

–Nếu điềm lành được như thế thì rất tốt! Nhưng điềm lành này từ đâu đến, xuất xứ từ chỗ nào?

Người đàn-việt thưa:

–Chất ngưu hoàng này lấy từ trong tim và phổi con bò.

Thầy Tỳ-kheo hỏi:

–Nếu chất ngưu hoàng đem lại điều lành thì tại sao con bò lại bị người ta dùng dây xỏ mũi bắt cày, kéo xe còn đánh bằng roi, đâm bằng dùi, đánh đập đủ mọi cách, dù đói khát mệt mỏi vẫn phải cày kéo không được ngừng nghỉ?

Người đàn-việt thưa:

–Thật có việc ấy!

Thầy Tỳ-kheo hỏi:

–Con bò có chất ngưu hoàng còn không tự cứu được mình, phải chịu khổ như vậy thì làm sao có khả năng đem lại điềm lành cho ông?

Thầy Tỳ-kheo liền nói kệ:

Ngưu hoàng ở trong tim
Không thể tự cứu giúp
Huống gì là chút ít
Được bôi lên da trán
Làm sao mà giúp được
Ông nên khéo xem xét.

Lúc ấy, dù suy nghĩ rất lâu nhưng người đàn-việt vẫn im lặng không trả lời được. Thầy Tỳ-kheo lại hỏi:

–Đây gọi là vật gì mà trắng như nắm tuyết và làm bằng cái gì mà phải ngâm bằng nước, thổi mới ra tiếng?

Người đàn-việt thưa:

–Nó là con ốc sống ở dưới biển.

Thầy Tỳ-kheo hỏi:

–Ông nói con ốc đó từ ngoài biển trôi dạt vào đất liền, bị phơi nắng khổ sở nhiều ngày rồi mới chết phải không?

Người đàn-việt thưa:

–Thật đúng như vậy!

Thầy Tỳ-kheo nói:

–Nếu như thế thì nó không phải là điềm lành rồi!

Vị Tỳ-kheo nói kệ:

Ruột, vỏ ốc cùng sinh
Ngày đêm ở trong vỏ
Đến khi ruột bị chết
Vỏ không thể cứu được,
Huống ông cầm chốc lát
Mà là điềm lành sao?
Lành thay! Việc như vậy
Ông phải nên phân biệt
Nay vì lý do gì
Đi vào đường si mê?

Người đàn-việt cúi đầu im lặng suy nghĩ nhưng không trả lời được. Thầy Tỳ-kheo nghĩ: “Dường như người đàn-việt kia sắp hiểu, ta nên hỏi tiếp”, rồi hỏi người đàn-việt:

–Người đời gọi viên hoan hỷ đó là vật gì?

Người đàn-việt thưa:

–Đó là quả Tỳ-lặc.

Thầy Tỳ-kheo hỏi:

–Quả Tỳ-lặc là loại quả ở trên cây mà lúc hái, người ta ném đá để quả và cành đều rơi xuống, do đó quả và cành lá đều bị dập có đúng không?

Người đàn-việt thưa:

–Thật đúng như vậy!

Thầy Tỳ-kheo hỏi:

–Nếu đúng như vậy thì tại sao ông cầm nó, lại mong được điềm lành?

Vị Tỳ-kheo liền nói kệ:

Quả này sống nhờ cây
Không thể tự sống được
Khi có người hái quả
Cành lá gãy rụng theo,
Nhặt lại để làm củi
Khô thì dùng để chụm
Nó không tự cứu được
Làm sao giúp cho ông?

Nghe những câu hỏi này, người đàn-việt không đối đáp được nên thưa với Tỳ-kheo:

–Bạch Đại đức, như những câu ngài đã hỏi thì đó thật không phải là các điềm lành! Con có điều thắc mắc, cúi xin ngài giải thích cho con được hiểu.

Thầy Tỳ-kheo đáp:

–Ông cứ việc hỏi, tôi sẽ giải thích.

Lúc ấy người đàn-việt dùng kệ hỏi:

Các Thần tiên thuở xưa
Đều nói là điềm lành
Nhưng thật sự quán sát
Đều không có việc lành
Làm sao truyền nhau làm
Nói bừa có điềm lành
Vì những lý do gì?
Xin giải thích con hiểu!

Thầy Tỳ-kheo giải đáp cho người đàn-việt:

–Tất cả những kiến thức nảy sinh đều có lý do gốc gác.

Thầy Tỳ-kheo liền nói kệ:

Thuở xưa, vào kiếp đầu
Tất cả chưa có dục
Về sau dục phát khởi
Lìa dục, vào rừng sâu.
Người tham dục ở rừng
Sau này đi về nhà
Nói những lời như vầy:
Vô dục, không vợ con
Không được sinh cõi trời.
Nhiều người nói lời này
Cho lời đó là thật
Do tin lời nói ấy
Nên tìm cầu người nữ.
Việc dục đã lan rộng
Thay nhau tự trang nghiêm
Lại dối gạt lẫn nhau
Rồi lại sinh kiêu mạn.
Người kiêu mạn lẫy lừng
Cho dục là xinh đẹp
Soạn sách điềm lành này
Bị mọi người, chê trách:
Tại sao như phụ nữ
Lại trang điểm như vậy?
Người kia nói dối rằng:
Tôi mới làm điềm lành
Chẳng phải tự tô chuốc
Ngưu hoàng, vỏ, quả thảy
Đều là vật trang điểm
Vì những lý do này
Điềm lành càng thêm nhiều.
Mỗi nhân duyên sinh khởi
Do phụ nữ trang điểm
Người ngu, tâm kiêu mạn
Cho thật là điềm lành.

Nghe kệ xong, người đàn-việt nổi ốc khắp mình, liền nói kệ:

Người nên gần bạn tốt
Khen ngợi đấng Trượng phu
Bởi vì bậc Thánh kia
Khéo phân biệt tốt xấu.
Thế nên phải thuận theo
Ở trong các thế giới
Lời Phật đều chân thật.
Không cầu chỗ hay dở
Cũng không có hơn thua
Lời nói có nhân duyên
Mỗi việc có nguồn gốc
Nay con cũng hiểu rõ
Phước nghiệp là điềm lành
Ác nghiệp là điềm dữ
Lành cùng với không lành
Đều từ nhân duyên quả.
Thầy Tỳ-kheo bảo người đàn-việt:

–Lành thay! Lành thay! Ông là bậc Trượng phu khéo léo, biết Chánh đạo!

Thầy Tỳ-kheo nói kệ:

Tất cả các thế gian
Đều do nghiệp thiện, ác
Thiện, ác đọa năm đường
Nghiệp giữ mạng chúng sinh.
Nghiệp duyên tạo ngày tháng
Mười lăm ngày đầu tháng
Mười lăm ngày cuối tháng
Nghiệp ác tuy nhỏ nhiệm
Gọi là nửa tháng cuối
Nghiệp lành là nửa đầu
Do nghiệp gọi nửa đầu
Do nghiệp mà phân biệt
Cho nên có đầu, cuối.
Những người có phước nghiệp
Không tốt cũng thành tốt
Giống như núi Tu-di
Đầu, cuối đều màu vàng.
Những người không phước nghiệp
Điềm lành cũng thành dữ
Giống như nước biển cả
Tốt, xấu đều vị mặn.
Tất cả các thế gian
Đều có từ nghiệp duyên
Cho nên người hiểu biết
Nên dứt bỏ nghiệp ác
Bỏ tà vạy là lành
Siêng năng tu nghiệp lành,
Giống như người làm ruộng
Cày cấy trên đất lành
Nếu không gieo hạt giống
Mà thu hoạch kết quả
Đó mới gọi điềm lành!

Tại sao nói là phải thường siêng năng nghe pháp? Vì nghe pháp có công năng diệt trừ ngu si, tâm có khả năng phân biệt rõ ràng những điều thiện ác.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15