SỐ 201
ĐẠI TRANG NGHIÊM KINH LUẬN
Tác giả: Bồ-tát Mã Minh.
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 9

CHƯƠNG 51

Nhân duyên sân giận Đức Phật không thể can ngăn. Cho nên người có trí tuệ nên dứt bỏ tức, sân giận.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, các Tỳ-kheo nước Câu-diệm-di vì tranh cãi nên chia làm hai bộ, tranh chấp nhau về đạo lý suốt trong thời gian dài. Đức Thế Tôn có lòng Đại bi vô thượng dùng bàn tay có hình bánh xe để ngăn các Tỳ-kheo. Ngài nói kệ:

Tỳ-kheo chớ tranh cãi
Tranh cãi nhiều mất mát
Tranh hơn thua không ngừng
Nối nhau luôn không dứt
Bị người đời chê trách
Việc bất lợi thêm lớn.
Tỳ-kheo cầu lợi lành
Dứt bỏ các ái dục
Lìa gia đình, vợ con
Tâm mong được giải thoát
Nên nương pháp xuất gia
Chớ làm việc không nên,
Mà phải dùng móc trí
Khéo bỏ tâm ngạo mạn
Không hợp, gây tranh cãi
Gốc rễ của oán hại
Nương theo pháp xuất gia
Chẳng nên khởi tâm xấu.
Ví như nước trong mát
Chẳng thể sinh lửa dữ
Đã đắp y hoại sắc
Phải nên tu pháp lành
Áo này nên vắng lặng
Thường nghĩ tự điều phục.
Vì sao mặc áo này
Mà trợn mắt sừng sộ
Lại nhăn mày nhíu trán
Khởi lên tâm tức giận?
Phải nhớ đã đắp y
Cạo đầu làm Sa-môn
Tất cả đều xả bỏ
Tại sao lại tranh giành
Tướng Sa-môn như vậy
Phải chấm dứt tranh cãi.

Các Tỳ-kheo ấy quay hướng về Đức Phật và thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài tha thứ. Các thầy Tỳ-kheo kia khinh thường con thì tại sao con không trả thù?

Rồi họ nói kệ:

Việc khó điều phục kia
Nhẫn được càng thấy nhẹ
Nhẫn là muốn nhún mình
Giận dữ càng đầy ắp,
Tâm ác muốn chê bai
Giống như búa chặt đá
Người kia làm tổn hại
Ta cũng phải báo thù.

Đức Thế Tôn giống như Đấng Cha Lành nói như vầy:

–Người xuất gia phải siêng năng dùng mọi phương tiện dứt bỏ sân hận. Nếu thuận theo sự tức giận thì rất trái với đạo lý. Tức giận gây ra nhiều lỗi lầm.

Thế Tôn liền nói kệ:

Tức giận như dao bén
Cắt đứt tình thân thuộc
Tức giận giết hại họ
Người giữ đúng pháp luật
Người xuất gia tức giận
Là việc không nên làm.
Giận ghét như gông cùm
Tức tối là sợ hãi
Nhà cửa của khinh thường
Hạt giống của xấu ác
Bạn của lời thô ác
Lửa dữ đốt rừng ý.
Người chỉ ra nẻo ác
Cửa oán hại tranh cãi
Giường chiếu tiếng tăm xấu
Cội gốc gây điều ác.

Người tức giận bị người khác chê bai quở trách. Thầy hãy nên quán sát lỗi lầm như thế.

Ngài lại nói kệ:

Sân mạnh hơn cọp dữ
Như ghẻ lở khó chạm
Rắn độc, khó thấy vui
Tức giận cũng như vậy.
Người sân ngủ cũng khổ
Phá hoại tiếng tăm tốt
Người tức giận bừng bừng
Không biết việc mình làm
Và việc người khác làm
Lúc phân chia tài lợi
Thì mình không được phần.
Nếu ở nơi vui chơi
Không hòa hợp với người
Nơi có lợi như thế
Do sân không vào được.
Người sân không ưa thích
Việc của họ rất nhiều
Thường có tâm hổ thẹn
Dù nói bằng trăm lưỡi
Nói không thể nào hết.
Nếu nói tóm lại thì
Chịu khổ trong địa ngục
Không thể nào nói hết
Tức giận gây ác rồi
Ăn năn đốt thân tâm
Cho nên người hiểu biết
Phải dứt bỏ tức giận.

Đức Như Lai nói pháp bằng nhiều cách cho các thầy Tỳ-kheo nghe nhưng sự giận dữ của các thầy vẫn không dứt. Do nhân duyên này chư Thiên, Thiện thần đều nổi giận mà nói kệ:

Giống như trong nước đục
Bỏ châu Ma-ni vào
Nước liền được lắng trong
Không còn bẩn đục nữa,
Như Lai, Bậc Tôn Quý
Vì các thầy Tỳ-kheo
Tùy thuận phương tiện nói
Các pháp mầu tốt đẹp.
Các thầy Tỳ-kheo này
Tâm nhơ còn chưa sạch
Thà làm nước dơ bẩn
Sức châu làm cho trong
Không làm Tỳ-kheo này
Nghe pháp do Phật nói
Mà trong tâm ý họ
Vẫn còn dơ không sạch.
Như nhật chiếu thế gian
Xua tan mọi bóng tối
Mặt trời Phật gần thầy
Tâm đen tối quá sâu.

Đức Như Lai Thế Tôn quở trách các Tỳ-kheo mang gánh nặng như vậy. Ngài có tâm thương xót, lại kể câu chuyện về vua Trường Thọ, nhưng các Tỳ-kheo cứ nhăn trán nhíu mày không thôi. Họ thưa:

–Đức Phật là Đấng Tự Tại đối với các pháp, xin hãy đợi giây lát! Chúng con tự biết.

Như Lai nghe lời này liền bỏ nơi ấy, đi đến chỗ khác cách đó mười hai do-tuần đến rừng Ta-la ngồi dưới gốc cây tự nghĩ: “Giờ đây Ta đã xa lìa các Tỳ-kheo tranh cãi nước Câu-diệm-di.”
Lúc ấy, có một con voi đầu đàn tránh xa bầy voi đến ở dưới gốc cây, cách Phật không xa, nhắm mắt đứng yên. Nó cũng khởi niệm:

“Ta xa lìa bầy cảm thấy rất yên tịnh.” Đức Phật biết tâm niệm của voi đầu đàn liền nói kệ:

Voi kia voi đây ngà rất dài
Xa lìa bầy thấy vui yên tịnh
Vui thích một mình, Ta cũng vậy
Xa lìa nơi nhóm họp tranh cãi.

Nói kệ xong, Ngài nhập vào thiền định thật sâu. Các thầy Tỳ-kheo không chịu nghe lời Đức Phật dạy về sau ăn năn. Thiên thần giận dữ, cả nước nghe được việc ấy đều tức giận quát tháo. Các thầy Tỳ-kheo nói với nhau:

–Làm sao chúng ta còn được thấy Phật.

Họ bèn cùng nhau chắp tay thỉnh Phật, nói kệ:

Chúng con trái lời Phật
Phật, Thầy ba cõi dạy
Tội lỗi xấu tức giận
Ở tại trong tâm ta
Ngọn lửa hừng ăn năn
Đốt cháy cả rừng ý.
Lành thay! Đấng thương xót
Xin lại dạy chúng con
Nay chúng con phát nguyện
Đều cầu mong giải thoát
Từ nay trở về sau
Thà xả bỏ nhục thân
Chứ không trái lời Phật.

Đức Phật biết ý nghĩ trong tâm các thầy Tỳ-kheo, Ngài liền nói kệ:

Muốn ngăn chận tức giận
Không thuận theo buồn bực
Giờ Ta nên thương xót
Trở về cứu khổ nạn.
Trẻ ngu gây lỗi xấu
Người trí phải nhẫn chịu
Ví như người bế con
Chịu mọi thứ ô uế
Không thể vì phân thối
Mà vất bỏ con mình.

Nói kệ xong, Đức Phật từ tấm trải ngồi bằng cỏ đứng dậy, định trở về Tăng phường. Trời, Rồng, Dạ-xoa, A-tu-la… chắp tay hướng về phía Phật nói kệ:

Than ôi! Đấng Đại Bi
Bậc Đại Tiên chánh đạo
Các thầy Tỳ-kheo kia
Bị buông lung làm mù
Tâm ganh tức không ngừng
Xúc não Đức Thế Tôn.
Như Lai tâm Đại bi
Vẫn không hề xả bỏ
Thương xót không giận ghét
Ý muốn cho điều phục
Như cưỡng ép ngựa dữ
Quất roi để điều phục.

Như Lai trở về đến Tăng phường, ánh sáng chiếu soi, các thầy Tỳ-kheo biết Phật đã trở về liền ra đón rước. Họ kính lễ Đức Thế Tôn rồi thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, chúng con tranh chấp làm cho nhiều người sinh tâm tức giận, lại còn bị họ khinh thường. Ngày nay chúng con đều phạm tội phá Tăng. Cúi xin Ngài trở lại nói pháp, làm cho chúng con được hòa hợp.

Lúc ấy Như Lai nói sáu pháp hòa kính cho các thầy Tỳ-kheo nghe, giúp họ trở lại hòa hợp. Thế nên Đức Phật dạy dứt bỏ tức giận.


CHƯƠNG 52

Phải nên quán sát các thức ăn. Đức Thế Tôn cũng dạy chánh quán trong khi ăn.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, vì việc khất thực của Tôn giả Hắc-ca-lưu-đà-di mà Đức Phật chế giới. Đức Phật nói các nhân duyên khen ngợi giới, khen ngợi giữ giới, ít muốn biết đủ, thực hành hạnh đầu-đà. Đức Phật nhóm họp Tỳ-kheo Tăng, khen ngợi pháp giữa ngày ăn một bữa, cho đến muốn chế giới giữa ngày ăn một bữa. Tỳ-kheo Tăng đều yên lặng, giống như biển lớn lặng yên, không có tiếng sóng.

Lúc ấy, trong chúng Tăng có một thầy Tỳ-kheo tên Bà-đa-lê bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Ngài đừng chế giới ấy vì con không giữ được.

Phật bảo thầy Tỳ-kheo:

–Việc sinh tử ở quá khứ là do ăn uống, trong khi đang sinh tử phải chịu khổ vô cùng, trôi lăn cho đến nay. Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp có bốn vị Tiên cầm thú. Vị Tiên thứ nhất lúc bấy giờ là con quạ nói như vầy: “Trong các khổ, đói khát là khổ nhất.” Lúc kiếp mới bắt đầu, chư Thiên ở tầng trời Quang âm xuống nhân gian. Có một vị trời, đầu tiên dùng ngón tay nếm thử vị đất rồi liền lấy ăn. Vị trời ấy nay chính là Bà-đa-lê. Vào thời đó Bà-đa-lê nếm vị đất trước, ngày nay cũng lại như vậy, chỉ vì ăn uống.

Bà-đa-lê không vì pháp nên từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài đừng chế pháp giữa ngày ăn một bữa.

Bà-đa-lê liền nói kệ:

Nay con không thể giữ
Giới một bữa của Phật
Nếu một người không kham
Không nên chế giới này.

Tất cả các Tỳ-kheo nghe kệ này xong đều cúi đầu suy nghĩ thật lâu rồi nói:

–Chao ôi! Vị ấy không thấy được tội lỗi của việc ăn uống. Vì việc ăn uống nên ở trong đại chúng bị hủy nhục.

Họ nói kệ:

Thà ăn cỏ với nai
Như rắn hít thở gió
Không ở trước Phật, Tăng
Cũng vì việc ăn uống
Mà trái lời Phật dạy.

Đức Phật bảo Bà-đa-lê:

–Cho phép thầy ăn một nửa tại nhà đàn-việt, còn một nửa đem về chùa ăn.

Bà-đa-lê vẫn cố ý không chịu. Ngay lúc ấy, Đức Phật chế giới giữa ngày ăn một bữa. Lần thứ hai, thứ ba Bà-đa-lê cũng xin Phật như vậy. Đức Phật không chấp nhận liền chế giới. Bà-đa-lê liền bỏ Phật mà đi, trong lòng rất ăn năn liền nói kệ:

Tôi trái lời Phật dạy
Vì sao lưỡi không đứt
Vì sao đất không lấp
Mà vẫn mang chở tôi?
La-sát, Tỳ-xá-xà
Rồng độc và giặc cướp
Không ai dám trái lời
Chỉ vì việc ăn uống
Ngu si trái lời Phật,
Thà dùng dao mổ bụng
Ăn nuốt các dòi trùng
Ăn đất cho đầy bụng
Tại sao vì ăn uống
Mà trái lời Phật dạy!
Nay con tự quở trách
Dụ như người vô tâm.

Bà-đa-lê nói kệ xong, hổ thẹn tự trách. Trong ba tháng thầy cảm thấy xấu hổ không dám gặp Phật. Lúc gần đến ngày Tự tứ ngày đêm ông buồn bã bức rứt, thân thể gầy ốm xấu xí, mất hết oai đức. Các thầy Tỳ-kheo những vị có tâm Từ rất thương xót nói kệ:

Nay các thầy Tỳ-kheo
May y và giặt nhuộm
Không lâu sẽ ra đi
Sau thầy đừng ăn năn
Thầy mau đến chỗ Phật
Lễ dưới chân hoa sen
Hướng về Bậc Tôn Quý
Hết lòng mà cầu xin
Phải đem hết sức lực
Mới có thể sám hối.

Nghe kệ xong, Bà-đa-lê nghẹn ngào rơi lệ nói kệ:

Lời Đức Thế Tôn dạy
Đời đều không dám trái
Vì tôi quá ngu si
Dám trái lời Phật dạy.
Tôi quá sức xem thường
Trước chúng không hổ thẹn
Không thấy đời sau cười
Làm giặc cướp trong chúng.
Không nghĩ lỗi xấu ấy
Nên nói lời như vậy
Việc này Tăng nên làm
Chẳng phải điều tôi xin
Do tôi không tâm định
Lỡ nói lời như vậy.

Những vị Tỳ-kheo đồng phạm hạnh nghe kệ, liền muốn thỉnh Phật cầu xin sám hối.

Bà-đa-lê lại nói kệ:

Giờ tâm con tha thiết
Cầu xin được sám hối
Xấu hổ làm sao dám
Đưa mắt nhìn Thế Tôn.

Các Thầy Tỳ-kheo bảo Bà-đa-lê:

–Nếu Đức Thế Tôn còn phiền não lậu hoặc thì thầy hãy sợ, giờ đây Đức Thế Tôn từ lâu đã dứt bỏ các lậu hoặc, thầy có điều gì sợ mà không đi? Bà-đa-lê nói kệ:

Tôi nghi tội lỗi mình
Như thấy vầng trăng tròn
Không sân, mặt dễ nhìn.
Đấng Từ Bi ba cõi
Nay con muốn nhìn thấy
Từ bi dạy cho con
Bị ngu si che mờ
Nên không vâng lời Phật.
Ví như người muốn chết
Không uống thuốc đúng bệnh
Trái với lời Phật dạy
Giờ chịu khổ ăn năn.

Các thầy Tỳ-kheo đồng tu phạm hạnh nói:

–Thầy hãy cùng chúng tôi đến gặp Đức Thế Tôn để bày tỏ lỗi lầm.

Các thầy Tỳ-kheo lại hỏi Bà-đa-lê:

–Thầy có quyết định sám hối chăng?

Bà-đa-lê liền nói kệ:

Giờ, nếu tôi lễ Phật
Thà khiến thân tan nát
Phật không bảo tôi dừng
Tôi không bao giờ dừng
Nếu Phật nói với tôi
Thân tâm mới thỏa mãn.

Bà-đa-lê cùng các thầy Tỳ-kheo đến chỗ Phật. Lúc ấy, Đức Phật Thế Tôn đang ở trong đại chúng. Ở trước Đức Phật, Bà-đa-lê sụp lạy và nói kệ:

Cho con sám hối tội
Thầy Điều Ngự loài người
Đấng thể tánh thương xót
Con như ngựa bị ép
Vượt qua đường điều thuận
Dù cho không được ăn
Mắt sâu, xương má lồi
Gầy còm cho đến chết
Thà chịu khổ như thế
Không trái lời Phật dạy.
Đế Thích và Phạm thiên
Kính vâng theo lời Phật
Con vì quá ngu si
Không vâng lời Phật dạy.

Đức Như Lai khéo biết lúc nào là đúng thời và lúc nào chẳng đúng thời. Ngài quở trách thật nặng để tất cả đều hiểu rõ. Đức Phật bảo Bà-đa-lê:

–Nếu có vị A-la-hán bị ngã vào đống phẩn dơ bẩn hôi thối, Ta đi trên lưng, ý thầy nghĩ thế nào? Vị A-la-hán kia có buồn khổ chăng?

Bà-đa-lê thưa:

–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn.

–Nếu thầy đã chứng quả A-la-hán, A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn thì không bao giờ trái lời Đức Phật dạy, bởi thầy còn là phàm phu ngu si chưa chứng được gì hết. Dụ như trong cây chuối không có lõi… nói rộng như trong kinh.

Lúc ấy người ta cho rằng Bà-đa-lê chứng A-la-hán nhưng nghe Đức Phật nói xong họ biết Bà-đa-lê là phàm phu còn đầy phiền não.

Các thầy Tỳ-kheo đều không tin khi nghe Bà-đa-lê chưa chứng quả Ala-hán.
Như thế, nếu hàng quý tộc xuất gia mà không chứng quả A-lahán thì làm sao Ni-đề thuộc dòng dõi thấp hèn xuất gia lại chứng quả A-la-hán được? Đức Phật muốn làm cho người nào hết lậu hoặc thì người ấy được hết lậu hoặc, còn không muốn cho người nào hết lậu hoặc thì người ấy không được hết lậu hoặc. Phật biết tâm niệm của các thầy Tỳ-kheo, liền bảo:

–Nếu tu Xa-ma-tha, Tỳ-bà-xá-na thì chắc chắn sẽ dứt được lậu hoặc, còn không tu pháp ấy thì không thể dứt hết lậu hoặc. Nếu ai biết hoặc thấy như vậy thì dù sinh trong dòng họ thấp hèn vẫn chứng được quả A-la-hán. Nếu Bà-đa-lê không biết, không thấy dù sinh trong dòng họ cao quý cũng vẫn không chứng được quả A-la-hán. Cho nên Như Lai nói một cách bình đẳng không có thiên vị.


CHƯƠNG 53

Điều làm cho buông lung ngông cuồng không gì hơn tham dục.Vì vậy phải siêng năng dứt bỏ tham dục.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, lúc Đức Thế Tôn còn tu hành đạo Bồ-tát, lúc ấy thế gian hoàn toàn không có Phật, Hiền thánh xuất hiện ở đời. Bấy giờ, có vị vua tên là Quang Minh cỡi voi đã được huấn luyện thuần thục đi du ngoạn.

Vua có các kỹ nữ ca múa theo hầu trước sau, đến chỗ núi nguy hiểm, con voi vua cỡi nhìn thấy voi cái ở đằng xa thì tâm dục rạo rực, liền rống lên một cách hung hăng cuồng dại. Nhanh như gió thổi, nó liền chạy đến chỗ voi cái, bất chấp nguy hiểm. Lúc ấy người nài voi dùng các móc sắt kềm hãm lại nhưng không làm cho voi đứng lại được. Vua Quang Minh rất sợ hãi nói:

–Sử dụng móc sắt mà không kềm hãm được, giống như đệ tử tội ác không thuận theo lời thầy.

Voi đi quá nhanh, vua rất hoảng hốt, trong lòng buồn khổ, cho rằng chắc chết, liền nói kệ:

Như thấy hư không động
Nhanh chóng trốn các nơi
Thảy đều nhóm họp lại
Thấy khắp nơi chuyển động
Mặt đất đều rung chuyển.
Voi kia chạy quá nhanh
Ví như núi đi mau
Các núi như theo sau
Sông giữa khe hang cao
Cây cối hại thân thể.
Vua sợ hãi buồn bực
Phát nguyện cầu Thần núi
Cho mình được an toàn,
Móc sắt làm hại thân
Dục khởi không biết khổ
Voi càng chạy càng nhanh
Giống như bị gió mạnh
Gai, góc đâm vào thân
Bị đá làm tổn thương
Đầu tóc đều rối tung
Bụi đất bám nhơ bẩn
Áo quần lại rách nát
Chuỗi ngọc và vòng vàng
Rơi rớt hết xuống đất.

Bấy giờ, vua bảo người nài voi:

–Mạng sống của ta sợ khó an toàn.

Vua lại nói kệ:

Ngươi gắng tìm cách nào
Kềm chế cho dừng lại
Ta như ở trên cân
Nghiêng hẳn về bên chết.

Người nài voi dùng hết sức dùng móc sắt đâm voi nhưng vẫn không kềm chế được. Ông ta luôn luôn than thở, sắc mặt xấu hổ, nước mắt ràn rụa, ngoảnh mặt tránh đi nơi khác không nỡ để vua nhìn thấy, rồi tâu:

–Thưa đại vương, hạ thần phải làm sao đây?

Ông liền nói kệ:

Hết sức tụng chú voi
Lời dạy của cổ tiên
Móc sắt đập hết sức
Đều không kềm chế được.
Như người lúc sắp chết
Chú thuật và thuốc hay
Mạng hết ắt phải chết
Thuốc hay không cứu được.

Đại vương bảo người nài voi:

–Bấy giờ chúng ta rơi vào hoàn cảnh này phải tính sao đây?

Người nài voi tâu với vua:

–Thưa đại vương, không có cách nào khác chỉ còn cách leo lên cây.

Nghe người nài voi nói, vua đưa tay đu lên cây, con voi vụt chạy theo voi cái. Khi voi đi rồi thì đoàn người theo hầu mới đến chỗ vua.

Vua từ từ bước về hướng quân lính. Người nài voi tìm theo dấu vết voi. Trải qua nhiều ngày, ông ta tìm được voi và trở về trong quân.

Lúc ấy, vua đang ngự giữa mọi người thì người nài voi cỡi voi đến chỗ vua. Vua tức giận nói:

–Trước kia ngươi nói voi đã được huấn luyện thuần thục có thể cỡi được. Nay tại sao đem con voi ngông cuồng này để dối gạt ta?

Người nài voi chắp tay tâu với vua:

–Thưa đại vương, con voi này thật sự đã được huấn luyện thuần thục. Nếu vua không tin hạ thần sẽ làm cho nó thể hiện rõ sự thuần thục để ngài được biết.

Người nài voi nung hòn sắt đem để trước mặt con voi rồi bảo nó nuốt. Vua không nghe lời người nài voi thưa. Vua bảo:

–Ngươi nói nó đã được thuần thục, tại sao lại hung hăng cuồng dại như thế?

Người nài voi quỳ thẳng chắp tay tâu:

–Thưa đại vương, voi hung hăng cuồng dại như thế chẳng phải lỗi nơi hạ thần.

Vua bảo:

–Vậy thì lỗi nào mới chẳng phải do ngươi làm?

Người nài voi tâu:

–Thưa đại vương, voi có tham dục vì đó là tâm bệnh của nó chẳng phải do nơi hạ thần. Cúi xin đại vương hiểu cho, bệnh như thế dù dùng roi quất móc đâm cũng không thể trị được. Tham dục phá hoại tâm cũng lại như thế.

Ông liền nói kệ:

Dục, tên độc của tâm
Không biết từ đâu sinh
Nhờ đâu được thêm lớn
Làm sao tiêu diệt nó?

Vua nghe nói tham dục không thể trị được liền hỏi người nài voi:

–Bệnh tham dục này không thể trị được sao?

Người nài voi tâu:

–Thưa đại vương, bệnh tham dục này không thể nào che đậy hoặc cho qua mà không điều trị.

Ông liền nói kệ:

Nên làm các phương tiện
Siêng tìm cách đoạn dục
Không biết nơi nó đến
Nhớ tinh tấn lui về
Xả bỏ năm món dục
Xuất gia tu khổ hạnh
Vì dứt bỏ dục kết
Phải siêng năng tu đạo.
Hoặc buông lung năm dục
Nói đủ sức tự dứt
Bao nhiêu thứ hạnh tu
Mong được xa lìa dục
Mỗi mỗi nơi như thế
Mong nhổ sạch gốc dục
Rừng dục khó nhổ sạch.
Trời, người, A-tu-la
Dạ-xoa, Cưu-bàn-trà
Tất cả loài hữu sinh
Lưới dục tâm nhỏ nhiệm
Trói buộc các chúng sinh
Xo ay vòng trong rừng hữu
Bởi không tự nhổ sạch.

Nghe nói tham dục không thể dứt bỏ, vua rất lấy làm quái lạ, liền nói kệ:

Nếu không có người nào
Dứt trừ được dục ấy
Vậy không có người nào
Dứt được tham dục sao?
Trong trời, người không có
Người nào dứt dục sao?

Bấy giờ, người nài voi tâu vua:

–Thưa đại vương, thần được nghe người ta nói chỉ có Đức Phật Thế Tôn, Bậc Thầy cao cả của thế giới có tâm Đại từ xem tất cả chúng sinh đều như con, thân như vàng ròng, được trang nghiêm bằng tướng của bậc Đại nhân. Ngài có trí tự nhiên biết được nhân duyên dục sinh khởi và sự diệt dục. Ngài có tâm vô ngại, từ bi thương xót tất cả.

Vua nghe Đức Phật là Bậc Đại Nhân liền đứng dậy chắp tay như hoa sen chưa nở ở trước mọi người phát thệ nguyện rộng lớn:

–Tôi dùng chánh pháp giúp cho nước nhà và đem bố thí của cải, nhờ công đức này, nguyện đời vị lai tôi được thành Phật, dứt bỏ tai họa tham dục cho chúng sinh.

Vì nhân duyên gì mà nói việc này? Vì chúng sinh không biết nhân duyên và cách đối trị tham dục nên nói kinh này.


CHƯƠNG 54

Đức Phật quán xét trong thời gian lâu xa mới có được tín tâm, cho nên không làm việc một cách vội vã.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa ngồi thiền ở trong rừng. Ma Ba tuần đội các vòng hoa lên đầu Tôn giả. Bấy giờ, Tôn giả xuất thiền thấy các vòng hoa ở trên đầu, ngài liền nhập định xem ai làm việc đó.

Biết chính là do Ma vương Ba-tuần làm, ngài dùng năng lực thần thông cột ba thây chết vào cổ Ma vương. Ma vương thấy thây chết cột trên cổ mình, từ xa thấy Tôn giả biết chính là do ngài làm.

Bấy giờ, Tôn giả liền nói kệ:

Đồ trang sức vòng hoa
Là vật Tỳ-kheo bỏ
Thây chết rất hôi thối
Người ái dục chán ghét.
Phật tử đấu sức nhau
Tranh giành ai thắng được
Nay ta đê tử Phật
Bỏ vòng hoa của ngươi
Nếu ngươi có sức mạnh
Hãy tháo gỡ thây chết.
Biển lớn sóng đánh vào
Người không thể kềm chế
Chỉ có núi Thiết vi
Nước tấp thì dội ngược.

Nghe xong kệ, Ma vương muốn cởi bỏ thây chết. Dù dùng hết năng lực thần thông nhưng Ma vương không thể cởi được. Như muỗi kiến muốn lay động núi Tu-di cao nhất thế giới, dù kiệt sức chúng cũng không thể lay động được. Ma Ba-tuần không thể cởi bỏ thây chết liền bay đi và nói kệ:

Nếu ta không tháo được
Thì các vị trời khác
Người oai đức tự tại
Chắc chắn họ gỡ được.
Bấy giờ, Tôn giả lại nói kệ:
Đế Thích và Phạm thiên
Đều không thể tháo được
Dù nhảy vào lửa cháy
Hay lặn xuống biển lớn
Không tiêu cũng không hoại
Thây trên cổ ngươi ấy
Không khô không mục nát
Cứ cột trên cổ ngươi
Không có người giải cứu.
Trời Ma-hê-thủ-la
Và ba vị vua trời
Vua trời Tỳ-sa-môn
Và cho đến Phạm thiên
Các vị trời như thế
Dù dùng hết thần lực
Không thể giải cứu được.

Bấy giờ Phạm thiên vương thấy Ma vương dùng hết sức nhưng không thể cởi bỏ thây chết liền bảo:

–Ngươi chớ sinh tâm kiêu mạn!

Phạm thiên vương liền nói kệ:

Đệ tử của Thế Tôn
Dùng thần thông của mình
Do ngươi xem thường họ
Họ cố hủy nhục ngươi.
Ai mà có năng lực
Để giải cứu cho ngươi
Dù có sóng biển lớn
Không ngăn được sóng mòi,
Ví như dùng tơ sen
Để mà treo núi Tuyết
Ta dùng hết thần lực
Cũng không gỡ giùm được.
Ta tuy có sức mạnh
Không bằng Sa-môn kia
Giống như ngọn đèn sáng
Không bằng đống lửa lớn
Đống lửa lớn tuy sáng
Nhưng không bằng mặt trời.

Ma vương nghe kệ xong hỏi Phạm thiên:

–Tôi phải nhờ ai mới thoát được tai họa này?

Để đáp lời Ma vương, Phạm thiên nói kệ:

Ngươi mau hướng Sa-môn
Để cầu xin quy y
Tiếng thần thông vang lừng
Giúp ngươi khỏi tai họa
Giống như người bị ngã
Chống đất để đứng lên.

Ma vương suy nghĩ: “Đệ tử của Như Lai phạm hạnh cao cả, oai lực của chư Thiên không bì kịp. Chính là các vị được Phạm thiên tôn kính.” Ma vương nói kệ:

Các đệ tử của Phật
Được Phạm thiên tôn kính
Huống gì đức hạnh Phật
Làm sao xét lường được!
Ta quá làm não loạn
Thương xót nên cố nhịn
Cho nên không vì ta
Làm các việc suy não
Hay nhẫn giúp đỡ ta
Đâu thể nào nói được.
Nay ta mới biết Phật
Bậc Đại Bi chân thật
Thể tánh rất thương xót
Không sinh tâm oán ghét.
Thân như ngọn núi vàng
Sáng chói hơn mặt trời
Ngu si mờ tâm ta
Làm những việc não loạn,
Ngài tinh tấn chắc thật
Chưa bao giờ nặng lời
Thường thấy Ngài thương xót.
Khiến tâm ta không vui.

Bấy giờ, Ma vương tự tại ở cõi Dục nói như vầy:

–Thấy khắp trong ba cõi không ai có khả năng giải cứu. Giờ đây ta chỉ còn trở về quy y với Tôn giả mới được thoát nạn.

Nói lời ấy xong, Ma vương hướng về chỗ Tôn giả, năm vóc gieo sát đất đảnh lễ dưới chân ngài rồi thưa như vầy:

–Bạch Đại đức, con ở dưới cây Bồ-đề cho đến gây ra trăm thứ khổ não làm não loạn Phật, nhưng Ngài vẫn không làm khổ con.

Ma vương liền nói kệ:

Trong ngôi làng Bà-la
Xóm ấp Bà-la-môn
Cù-đàm đến khất thực
Con làm cho bát không
Đúng ngọ không được ăn
Nhưng Ngài không trách con.
Con từng làm trâu dữ
Cho đến làm rắn độc
Năm trăm xe lội nước
Làm Phật không uống được
Phật đều biết con làm
Nhưng Ngài không nói ác.
Việc con làm ít thôi
Tôn giả hủy nhục con
Trời, người, A-tu-la
Tất cả đều khinh thường
Trách con làm hư danh
Đem thây làm khổ con.
Tôn giả bảo Ma vương:

–Nay, ngươi là chúng sinh độc ác, bất thiện. Thanh văn làm sao hơn Thế Tôn.

Ngài liền nói kệ:

Sao sánh hạt đình lịch
Với núi Tu-di được
Ánh sáng của đom đóm
Sao sánh với mặt trời?
Một vốc nước trong tay
Đem sánh với biển lớn,
Phật có tâm Đại bi
Thanh văn không đại bi
Như Lai dùng Đại bi
Tha thứ lỗi cho ngươi
Ta cũng theo ý Phật
Muốn ngươi gieo căn lành.
Ma vương nghe xong, liền nói kệ:
Nghe con nói Phật đức
Phước lợi, oai đức sáng
Ngài đã làm được việc
Dứt sạch các ái dục
Nhẫn nhục không chê trách
Nhưng vì con ngu si
Thường ngày hay xúc não
Như mẹ thương con một.

Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa bảo ma Ba-tuần:

–Ngươi hãy nghe ta nói, đối với Đức Như Lai ngươi luôn luôn làm các việc ác. Muốn dứt sạch tội lỗi ấy để sinh các căn lành không gì hơn niệm Phật Thế Tôn.

Tôn giả liền nói kệ:

Nhờ nhân duyên như vậy
Biết Phật thấy sâu xa
Chưa từng đối với ngươi
Sinh tâm không thương xót.
Bậc trí đệ nhất ấy
Muốn ngươi được tín tâm
Thường nói lời thân ái
Người trí sinh chút tin
Liền được vui Niết-bàn.
Ta nói lược cho ngươi
Nói về lỗi lầm của
Ngu si và tối tăm
Nay ngươi sinh lòng tin
Có thể rửa sạch hết.

Toàn thân Ma vương nổi ốc như các thứ hoa Ba-đàm kia sinh ra xúc não, giống như đứa con có lỗi, tấm lòng mà người cha thương yêu hơn cả mặc đất bao dung, không hề trách mắng. Đức Phật là Bậc hơn hết trong các vị Tiên. Nếu tin Phật một chút thôi cũng rửa sạch tội lỗi.

Lúc ấy, Ma vương ở trước Tôn giả nghĩ nhớ công đức Phật, đảnh lễ dưới chân Tôn giả rồi thưa như vầy:

–Bạch Tôn giả, ngài đã cứu con và giúp cho con sinh tâm kính tín. Xin ngài phát tâm cởi bỏ thây chết treo trên cổ con. Con tuy làm xúc não ngài nhưng cúi xin ngài mở lòng Từ bi cởi bỏ cho con.

Tôn giả bảo:

–Ngươi phải làm một việc thì sau đó ta mới cởi các thây chết cho ngươi.

Ma vương thưa:

–Bạch Tôn giả, đó là những việc gì?

Tôn giả đáp:

–Đó là bắt đầu từ hôm nay ngươi không được làm não hại các Tỳ-kheo.

Ma vương thưa:

–Con không dám não hại nữa.

Tôn giả nói:

–Ngươi nên biết cách Đức Phật Niết-bàn một trăm năm ta mới ra đời.

Tôn giả nói kệ:

Bậc Chân Tế ba cõi
Ta thấy pháp thân Ngài
Nhưng không thấy thân vàng.
Nay ngươi hãy hóa hiện
Thân Phật cho ta thấy
Nay ta rất mong mỏi
Yêu kính thân Như Lai.

Ma vương thưa với Tôn giả:

–Con cũng xin một điều là: Nếu thấy hình tướng Phật xin Ngài đừng vội đảnh lễ; dùng trí Nhất thiết chủng thận trọng đừng đảnh lễ con. Con giả làm tướng mạo Phật xin Ngài cẩn thận đừng đảnh lễ con.

Ma vương nói kệ:

Vì cung kính nhớ Phật
Mà ngài đảnh lễ con
Thì con bị tiêu diệt
Con có thế lực gì
Được Bậc Ly Dục kính.
Dụ như mầm Y-lan
Bị cuốn bởi vòi voi
Hư hoại không dùng được
Nếu con nhận ngài kính
Việc ấy cũng như vậy.

Tôn giả đáp:

–Ta sẽ không kính lễ, ngươi cũng không trái lời đã hứa.

Ma vương lại thưa với Tôn giả:

–Xin đợi con trong giây lát.

Ma vương đi vào rừng vắng, nói kệ:

Con dùng phép thần thông
Hiện thân vàng sáng chói
Thân Phật không nghĩ bàn
Con làm thân như thế
Hiện thân sáng rực rỡ
Hơn mặt trời, mặt trăng
Làm vui mắt mọi người
Rõ như uống cam lộ.

Tôn giả nói:

–Bây giờ ngươi hãy hiện ra thân Phật cho ta thấy.

Ma vương thưa:

–Bây giờ con sẽ hiện thân Phật để cởi bỏ thây chết.
Lúc bấy giờ, Ma vương liền vào trong rừng vắng hiện làm thân Phật giống như người thợ tài giỏi trang trí từng nét đẹp. Các thân của Như Lai thể hiện tướng của bậc Đại nhân, có công năng

giúp cho người nhìn thấy được mắt pháp thanh tịnh. Dụ như bức tranh mới vẽ, thân Phật bắt đầu từ trong rừng đi ra, làm trang nghiêm khu rừng ấy, khiến người chiêm ngưỡng không nhàm chán và thấy đủ, vầng ánh sáng tròn vây quanh một tầm hóa làm thân Phật, Xá-lợi-phất đứng hầu bên phải, Mục-kiền-liên đứng hầu bên trái, A-nan theo sau ôm bình bát của Phật. Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, A-ni-lô-đầu, Tu-bồ-đề, các vị đại Thanh văn một ngàn hai trăm năm mươi vị như thế đứng hầu hai bên Phật giống như hình bán nguyệt, biểu hiện tướng mạo của Phật, hướng về chỗ Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa.

Tôn giả thấy tướng mạo Phật tâm rất vui mừng liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi quan sát hình tướng Phật. Chao ôi! Thật chán ghét vô thường không có tâm thương xót thân sắc tuyệt diệu của Kim Sơn vương, vì sao lại phá hoại thân Mâu-ni? Bị vô thường hoại diệt như thế? Bấy giờ, Tôn giả thấy tâm ý của mình muốn rối loạn. Ta thật sự thấy Phật, liền chắp tay như hoa sen nói như vầy:

“Đẹp thay! Sắc thân kỳ diệu không thể tả xiết”, liền nói kệ:

Mặt đẹp hơn sen nở
Mắt như lá sen xanh
Thân hình đẹp tuyệt diệu
Tướng đẹp hơn mặt trăng
Sâu xa như biển cả
Đứng vững như Tu-di
Oai đức hơn mặt trời
Đi oai như sư tử
Mắt như trâu đầu đàn
Sắc đẹp hơn vàng ròng.

Tôn giả càng vui mừng kính tin hơn, hoan hỷ càng sinh thêm, liền nói kệ:

Than ôi! Nghiệp thanh tịnh
Được quả báo nhiệm mầu
Do nghiệp trước cảm nên
Chẳng phải nghiệp đang làm.
Trong trăm ngàn ức kiếp
Thân, miệng làm việc tốt
Tu thí, giới, nhẫn nhục
Thiền định và trí tuệ
Quyết định làm chánh hạnh
Lấy đó tự trang nghiêm.
Mọi người đều ưa nhìn
Thanh tịnh không nhơ bẩn
Khi hiện hình tướng này
Oan gia đều vui mừng
Huống gì ta ngày nay
Lẽ nào không ai kính.

Tôn giả nghĩ như vậy, chỉ nhớ đến Phật mà không nhớ đến ma, Ngài liền đứng dậy, gieo năm vóc lạy sát đất. Lúc ấy Ma vương kinh sợ nói như vầy:

–Vì sao Đại đức không giữ lời hứa?

Tôn giả hỏi:

–Ta đã hứa gì?

Ma vương nói:

–Lúc nãy ngài có hứa là không làm lễ, bây giờ sao ngài lại lễ.

Tôn giả liền đứng dậy nói kệ:

Mắt ưa thích muốn thấy
Tâm nghĩ là lễ Phật
Nay ta thật không phải
Cung kính làm lễ ngươi.

Ma vương nói:

–Ngài gieo năm vóc sát đất làm lễ con, ngài lại nói là không kính lễ?

Tôn giả nói với Ma vương:

–Ta không kính lễ, ngươi cũng không trái với lời hứa. Dụ như lấy bùn gỗ làm tượng Phật thì người trời đều kính lễ. Ta không kính lễ bùn gỗ mà ta muốn kính lễ Đức Phật. Ta kính lễ sắc tượng của Phật chứ không kính lễ hình tượng của ma.

Nghe những lời ấy xong, Ma vương hiện lại nguyên hình như cũ, đảnh lễ dưới chân Tôn giả rồi bay về trời.

Vì nhân duyên gì mà nói việc này? Vì hàng đại Thanh văn… muốn cho đàn-việt cúng dường chúng Tăng, không để bị thiếu thốn.

Lại khiến cho Tỳ-kheo nghe pháp rồi thực hành theo, cho nên nói pháp cho bốn chúng nghe. Nếu muốn khen ngợi Phật phải làm theo lời ấy. Tuy đã dứt bỏ kết sử tham dục nhưng bất giác cũng làm lễ.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15