SỐ 201
ĐẠI TRANG NGHIÊM KINH LUẬN
Tác giả: Bồ-tát Mã Minh.
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 6
CHƯƠNG 31
Nếu người có công đức thật sự mới xứng đáng thọ nhận sự cúng dường. Nếu thật không có công đức thì không xứng đáng thọ nhận sự cúng dường với tín tâm của người.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, trong dòng họ Câu-sa có vị vua tên Chân-đàn-ca-nị-tra, đánh dẹp phía Đông xứ Thiên trúc. Sau khi bình định đất nước này, nhà vua trở về nước trong vinh quang lẫy lừng và phước lực tràn trề. Giữa đường, đi ngang qua xứ Bình bác, đoàn quân dừng chân tạm nghỉ. Lúc đó, điều mà tâm nhà vua ưa thích chỉ có pháp Phật; pháp Phật chính là chuỗi anh lạc trang sức quý báu. Ở chỗ nghỉ chân, nhà vua trông thấy xa xa có một ngôi tháp, vua cho là tháp Phật, bèn cùng một ngàn người hầu đến chỗ ngôi tháp. Khi còn cách ngôi tháp không xa, nhà vua cùng mọi người xuống ngựa, đi bộ đến. Ngài đội mũ báu cõi trời để trang sức trên đầu, đến chỗ tháp quy mạng đảnh lễ, nói kệ:
Đấng lìa dục chướng kết
Đầy đủ trí Nhất thiết
Ở trong các Tiên thánh
Tối thượng chẳng ai bằng
Hay vì các chúng sinh
Làm người bạn không mời
Tiếng khen khắp thế gian
Được ba cõi tôn trọng.
Dứt bỏ hẳn ba cõi
Pháp do Như Lai nói
Trên hết trong các luận
Phá dẹp các luận tà
Nay con quy mạng lễ
A-la-hán chân thật.
Lúc ấy vị vua kia cúi đầu kính lễ, vì nghĩ nhớ công đức của Như Lai, khi đang đảnh lễ, thì ngôi tháp bỗng sụp đổ giống như bị ngọn cuồng phong thổi sập vỡ vụn. Nhà vua trông thấy việc ấy rất đỗi sợ hãi, thắc mắc, bèn nói:
–Ngôi tháp này không có ai đến gần đụng chạm, tại sao tự nhiên lại ngã xuống tan nát như vậy? Sự biến đổi khác thường như thế này chắc chắn là có nguyên nhân.
Vua liền nói kệ:
Trời Đế Thích sống lâu
Cũng tôn trọng như thế
Chắp tay lễ tháp Phật
Đều không có tướng khác.
Thế Tôn đại oai đức
Đấng tôn trọng tối cao
Phạm thiên đến kính lễ
Phật cũng không tướng khác.
Thân con kém hơn kia
Không vì con mà hoại
Là sức chú thuật này
Làm ra vì chán đạo.
Vua nói kệ xong, vì thấy tháp sụp đổ nên tâm vẫn còn kinh sợ, bèn nói:
–Xin sự biến đổi khác thường này đừng đem đến tai họa, mà hãy đem đến điều tốt lành, làm cho các chúng sinh được an ổn. Từ trước đến nay tôi đã năm vóc sát đất lễ kính trăm ngàn ngôi tháp, nhưng chưa bao giờ thấy việc hư hoại, dầu chỉ là một hạt bụi rơi. Không biết hôm nay sao có sự biến đổi khác thường như vậy. Hiện tượng như thế này tôi chưa từng thấy!
Vua liền nói kệ:
Các trời, A-tu-la
Cùng chiến đấu với nhau
Muốn phá hoại nước này,
Mạng sống tôi không trọn
E rằng có giặc thù
Muốn hủy hoại nước tôi?
Không đao binh, mất mùa
Cũng không có tật dịch
Chẳng phải cả thế gian
Sắp có tai họa chăng?
Đây là điềm xấu ác
Phải chăng pháp sắp diệt?
Bấy giờ, người dân sống trong ngôi làng gần tháp thấy vua lấy làm lạ thắc mắc lạ, liền tâu vua:
–Xin đại vương biết cho, đây không phải là ngôi tháp Phật.
Rồi họ nói kệ:
Ni-kiền rất ngu si
Tà kiến thiêu đốt tâm
Đây là tháp của họ.
Vua với tâm lễ Phật
Đức tháp này mỏng manh
Lại không có xá-lợi
Không kham nhận vua lễ
Cho nên mới vỡ vụn.
Vua Ca-nị-tra sinh tâm kính tin gấp bội đối với tháp Phật, toàn thân nổi ốc, buồn vui lẫn lộn, nước mắt tuôn trào, nói:
Việc này thật phải thế
Tôi tưởng tháp Phật, lễ
Nên pháp phải hư hoại
Vật nặng voi khỏe chở
Lừa làm sao chở nổi.
Phật dạy: ba hạng người
Nên xây tháp thờ họ
Ni-kiền mất tà đạo
Không nên xây tháp thờ.
Ni-kiền tử bất tịnh
Không nên nhận ta lễ.
Khi tháp này đổ nát
Phát ra tiếng động lớn
Dụ như tháp Đa tử.
Phật đến chỗ Ca-diếp
Ca-diếp lễ chân Ngài
Là Đạo Sư của con
Phật Thế Tôn của con
Phật bảo Ca-diếp rằng:
Nếu không phải La-hán
Mà nhận lễ của thầy
Đầu vỡ làm bảy mảnh
Nay tôi nhân tháp này
Nghiệm lời Phật rất đúng.
Như loại gỗ đá này không có tâm thức mà còn làm minh chứng cho Ni-kiền, nghiệm biết mình chẳng phải Bậc Nhất Thiết Trí.
Nhà vua thấy việc này rồi, ở trước mọi người vui mừng hớn hở, sinh lòng kính tin gấp bội, dung nhan vui tươi, nói thế này:
–Nam-mô Bà-già-bà, Bậc Thầy giải thoát, tất cả chúng ta đều tôn kính. Phật Thích-ca Mâu-ni phát ra tiếng rống Sư tử, dạy rằng:
“Ngoài pháp này ra, không có Sa-môn và Bà-la-môn”. Lời Phật chân thật không có nhầm lẫn. Có các chúng sinh một chân, hai chân, không chân, nhiều chân, có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng cho đến phi tưởng, phi phi tưởng… trong các loài chúng sinh này chỉ có Như Lai là Bậc tôn quý hơn hết. Tóm lại, những điều Phật đã dạy hôm nay đều thể hiện rõ ràng. Tất cả ngoại đạo đều như cây cỏ, huống gì là giáo chủ Ni-kiền Phú-lan-na Ca-diếp.
Vua nói kệ:
Ta là vua cõi người
Không nhận nổi ta lễ
Huống gì vua Chuyển luân
Vua A-tu-la thảy.
Hôm nay ngôi tháp này
Như bị voi đầu đàn
Dùng oai lực đôi chân
Giẫm đạp làm vỡ vụn.
Thân có bốn thứ kiết
Nên gọi Ni-kiền-đà
Như người xua được nóng
Khi trời rất nóng bức,
Tên gọi Ni-đà-già
Như Lai Phật Thế Tôn
Đoạn được tất cả kiết
Thật là Ni-đà-già
Đo đó nên hôm nay
Các đệ tử Ni-kiền
Và các trời, người khác
Đều nên cúng dường Phật.
Phật thuộc dòng trí tuệ
Tiếng khen vang rộng khắp
Cho nên tháp miếu Ngài
Trời, Người, A-tu-la
Một khi đến kính lễ
Không có sự, nghiêng động,
Như dùng cánh con muỗi
Mà quạt núi Tu-di
Tuy dốc hết sức lực
Núi không hề dao động.
Thế nên, nếu người muốn được phước đức lớn, hãy nên lễ bái tháp miếu Phật.
CHƯƠNG 32
Nếu người có học vấn, tuy đã hủy giới hạnh, nhưng nhờ năng lực học vấn nên có thể đắc đạo. Vì ý nghĩa này cho nên hãy siêng năng học vấn.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, có một thầy Tỳ-kheo học rộng ở chỗ vắng vẻ. Lúc đó, có một quả phụ thường hay lui tới chỗ thầy Tỳ-kheo để nghe nói pháp. Dần dà thầy Tỳ-kheo học rộng sinh tâm đắm nhiễm bà quả phụ. Vì có tâm đắm nhiễm cho nên các pháp lành dần dần yếu kém, vì bị các kết sử của tâm phàm phu sai khiến nên thầy Tỳ-kheo thề hẹn với người phụ nữ. Bà ta nói:
–Nếu bây giờ thầy bỏ đạo, hoàn tục, tôi sẽ làm vợ thầy.
Lúc bấy giờ, thầy Tỳ-kheo hoàn tục, sau khi hoàn tục, không chịu được sự khổ não của thế gian nên thân thể gầy ốm không biết làm nghề gì để sinh sống. Thầy chưa biết phải tìm cách nào làm ít mà được nhiều tiền, bèn suy nghĩ: “Bấy giờ ta phải tìm cách nào để sinh sống đây? Chỉ có cách là mổ dê mướn là ít tốn công mà được nhiều lợi”. Nghĩ như vậy, chàng ta bèn đi tìm lò mổ dê.
Vì tâm phàm phu dễ hư hỏng, nên gây ra nghiệp này, chàng ta liền kết bạn với người hàng thịt. Trong lúc ông đang bán thịt, có một đạo sĩ khất thực vốn quen biết với ông thầy tu xuất này, nên đang đi trên đường, đạo sĩ tình cờ gặp ông ta đầu tóc bù xù, mặc áo xanh, trên mình dính đầy máu giống như Diêm-la, La-sát, tay cầm cái cân thịt cũng đều dính máu. Ông ta đang cân thịt để bán cho người. Đạo sĩ thấy như vậy, thở dài: “Đức Phật dạy thật đúng! Tâm phàm phu lao chao không ngừng, rất dễ đổi thay. Người này trước đây siêng tu học vấn, giữ gìn giới cấm, không hiểu tại sao hôm nay bỗng nhiên lại làm việc này?!”
Nghĩ xong, vị đạo sĩ liền nói kệ:
Nếu không điều ngựa ý
Buông lung gây điều ác
Tại sao không hổ thẹn
Lìa bỏ pháp điều phục.
Oai nghi và cử chỉ
Làm người thích ngắm nhìn
Chim muông và cầm thú
Nhìn thấy không kinh sợ,
Bước đi sợ giẫm kiến
Tâm từ thương chúng sinh
Tâm Từ bi như thế
Bấy giờ bỏ đâu rồi?
Tâm phàm phu bất định, chính tính cách đó cũng là của Sa-môn hay Bà-la-môn. Thế nên Đức Như Lai không y cứ vào hình tướng, hễ người nào chân thật được đế lý thì gọi là Sa-môn và Bà-la-môn.
Đạo sĩ lại nói kệ rằng:
Vỗ ngực mà tự xưng
Cho mình thật Sa-môn
Do họ chẳng điều tâm
Nên làm điều ác này.
Vị đạo sĩ suy nghĩ: “Bây giờ, ta phải làm cách nào để cho anh ta được giác ngộ? Như lời Đức Phật dạy, nếu khi chỉ dạy người, trước hết phải làm cho người ấy phát khởi lòng tin thanh tịnh đối với bốn pháp không thể hư hoại. Bốn pháp không thể hư hoại này có công năng làm cho chúng sinh thấy được Tứ đế. Ta sẽ nói cho anh ta nghe về căn bản của sự tạo nghiệp”. Nghĩ xong, đạo sĩ liền nói:
–Ông cân rất giỏi.
Người bán thịt suy nghĩ: “Thầy Tỳ-kheo này đã không mua thịt, lại sao lại bảo ta cân rất giỏi?”.
Nghĩ rồi, anh ta liền nói kệ:
Thầy chắc vì thương ta
Đến gặp cứu giúp ta
Thầy Tỳ-kheo như vậy
Lìa chợ lâu, theo pháp
Thấy ta làm việc ác
Nên đến muốn cứu độ
Thật là bậc Hiền thánh
Làm lợi ích cho ta.
Nói kệ xong, người bán thịt nhớ lại ngày xưa, lúc còn làm Tỳ- kheo đã gây ra các nghiệp, anh ta nhớ lại đoạn kinh đã tụng ngày trước: “Khổ nhóm do lỗi của dục, vị của dục”. Suy nghĩ xong, ông ta liền ném cây cân ra xa rơi xuống đất, sinh tâm nhàm chán đối với sinh tử, nói với thầy Tỳ-kheo kia bằng lời kệ:
Vị dục và lỗi dục
Thứ nào là nhiều nhất
Tôi dùng dây tàm quý
Nắm giữ cân trí tuệ
Cân nhắc việc như vậy
Tâm đã được thông suốt
Không thấy nó có lợi
Chỉ thấy dục có hại,
Thế nên hôm nay tôi
Phải nên dứt bỏ dục
Đi đến nơi Tăng phường
Xin xuất gia trở lại.
Tôi vì làm theo dục
Thân hèn hạ khổ đau
Tuy thân đang còn sống
Mà như đọa đường ác.
Xưa kia tôi xuất gia
Lọc nước rồi mới uống
Thương giữ mạng chúng sinh
Chẳng có tâm giết hại
Ngày nay như quỷ dữ
Ăn tinh huyết của người
Nay tôi thích sát hại
Thói quen không thể bỏ.
Lành thay! Lời Phật dạy,
Gần gũi với người dục
Việc ác nào cũng làm
Nay tôi bị dục sai
Suy tàn đến nỗi này.
Đấng Nhất Thiết Trí dạy
Tôi chưa thấy Tứ đế
Từ ngày nay trở đi
Không bao giờ buông lung,
Lời Đức Thế Tôn dạy
Trước là người buông lung
Giờ đây xin chấm dứt
Như trăng ra khỏi mây
Chiếu sáng cả thế gian
Vì vậy nay tôi sẽ
Chuyên tâm giữ giới cấm.
Giả sử lửa cháy đầu
Cháy luôn cả y phục
Tôi vẫn mãi tinh tấn
Tu hành pháp điều phục
Đoạn kết sử khó trừ
Chắc chắn được vắng lặng.
Giả sử cắt gân mạch
Hình hài bị héo khô
Chưa thấy lý Tứ đế
Thì không hề ngưng nghỉ
Trước diệt oán kết sử
Được quả báo, thi ân.
Lúc đó, thầy Tỳ-kheo biết rõ tâm niệm của ông thầy tu xuất, ngọn lửa trí tuệ đã bắt đầu nhen nhúm, bèn nói kệ:
Giờ nếu ông xuất gia
Ắt sẽ được giải thoát
Ca-lê và Tăng-kiềm
Cho đến Chất-đa-la
Các thầy Tỳ-kheo này
Đều bảy lần thôi tu
Sau xuất gia trở lại
Chứng được quả La-hán.
Giới của Phật Thế Tôn
Ông cũng không hủy phạm
Ông không khởi tà kiến
Lại có trí học rộng
Khéo sinh tâm chán lìa
Tu tập vui vắng lặng,
Ông có đèn học rộng
Gió kết sử đã tắt
Tu học rộng trở lại
Ắt đến nơi vô úy.
Bị nước kết cuốn trôi
Nên nương tu định lực
Tu định được sức mạnh
Thấy kết sử rõ ràng.
Do ông thường tu tập
Nên thích pháp xuất gia
Tâm gần công đức lành
Bị kết sử hủy hoại
Tu tập theo chánh đạo
Dùng ý loại kết sử
Như voi đứt dây nài
Muốn đi đâu tùy ý.
Ngay khi đó, người bán thịt liền dứt bỏ nghiệp xấu, xuất gia trở lại nỗ lực siêng tu, chứng quả A-la-hán.
CHƯƠNG 33
Nếu muốn trang nghiêm nghiệp lành không lỗi thì phải siêng tu các việc lành.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, có một người làm ruộng thông minh sáng dạ, ông cùng các bạn dẫn nhau vào thành, thấy có một người dung mạo khôi ngô tuấn tú, y phục chỉnh tề, trang sức bằng ngọc ngà châu báu xinh đẹp, có nhiều người theo hầu, tất cả đều trang sức vòng vàng lộng lẫy.
Người làm ruộng thông minh nói với các bạn:
–Không tốt! Không tốt!
Các bạn nói:
–Người có oai đức khôi ngô như vậy rất đáng được kính yêu. Có gì đâu mà bạn cho là không tốt? Người làm ruộng nói:
–Tôi tự cho mình là không tốt chứ không phải cho rằng người kia là không tốt. Vì đời trước tôi không làm công đức, khiến cho ngày nay phải chịu thân nghèo hèn này, không có oai đức, chẳng được ai tôn kính. Nếu trước tôi có tu phước thì làm gì mà không sánh kịp với người này! Thế nên bây giờ tôi phải gắng sức làm điều lành, chắc chắn đời tương lai tôi sẽ vượt hơn người này.
Ông liền nói kệ:
Người kia không buông lung
Làm lành được phước lợi
Còn tôi do buông lung
Không tu các công đức
Thế nên nay nghèo hèn
Thấp kém không oai thế.
Tôi tự trách, tự thẹn
Nên nói mình không tốt.
Tôi tự quán sát mình
Nghèo cùng rất đáng thương
Bị kết sử dối lừa
Bị buông lung làm hại
Từ nay trở về sau
Siêng tu thí, giới, định
Ắt khiến đời tương lai
Dòng họ, quyến thuộc tốt
Đẹp đẽ, có oai đức
Giàu sang, nhiều kẻ hầu
Các việc không thể chê
Người đời đều tôn kính.
Đừng như thân hiện tại
Tự ăn năn không kịp
Tâm ác làm hại tôi
Khi dối đến nghèo hèn.
Tâm tự hối tự trách
Tu thiện được vui sướng
Nếu khi gây nghiệp ác
Các thiện đều không sinh
Nếu giữ tâm tu thiện
Đầy đủ mọi điều vui.
Lời thế gian không ngoa
Báo thiện, ác khác nhau
Phật dạy: tám Chánh đạo
Đưa người đến Niết-bàn
Nếu tâm tham tài lợi
Giàu sang và vinh hoa
Mong cầu cho đời sau
Không khỏi nạn già suy.
Tôi sẽ gắng tinh chuyên
Hướng về nơi vô úy
Ví như họa sĩ say
Vẽ đủ các hình tượng
Tỉnh rồi biết là xấu
Hủy bỏ, vẽ bức khác,
Vì đời trước ngu si
Tạo ra thân xấu này
Nay xin diệt nghiệp ác
Mong báo tốt tương lai
Thấy quả báo xấu rồi
Người hiểu biết tự trách.
CHƯƠNG 34
Nếu nghe nói về điều thiện, hãy nên suy gẫm, chắc chắn được lợi ích. Cho nên người hiểu biết thường nên lắng nghe và lãnh thọ pháp lành nhiệm mầu.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, trong nước Xá-vệ, Đức Phật cùng Tôn giả A-nan đi trên cách đồng rộng, ở bên bờ ruộng thấy có kho báu được chôn giấu, Đức Phật bảo A-nan:
–Đây là rắn độc.
A-nan bạch Phật:
–Vâng, đây là rắn rất độc.
Bấy giờ, có một người nông dân đang cày ruộng, nghe Phật bảo A-nan là có rắn độc, ông ta suy nghĩ: “Ta sẽ đến xem vì sao mà Samôn cho là rắn độc”. Người nông dân đi thẳng đến bên bờ ruộng, thấy có khối vàng ròng, ông ta nói một mình:
–Cái mà Sa-môn bảo là rắn độc chính là vàng ròng!
Ông ta liền gom hết số vàng này đem về để trong nhà. Người nông dân này trước đây rất nghèo khổ, cơm ăn, áo mặc hoàn toàn thiếu hụt, nhờ được số vàng này mà trở nên giàu có, cơm áo dư dật.
Nhà vua tra xét nghi ngờ chuyện ông ta bỗng nhiên giàu to, bắt trói nhốt vào ngục. Số vàng nhặt được trước đây, người nông dân nạp hết cho vua mà vẫn không thoát khỏi tội, sẽ bị tử hình. Ông ta than lớn:
–Rắn độc A-nan! Rắn rất độc Thế Tôn!
Người chung quanh nghe được, đem tâu vua. Nhà vua cho gọi người ấy đến hỏi:
–Vì sao ngươi nói rắn độc A-nan, rắn rất độc Thế Tôn?
Người nông dân đáp:
–Hôm đó, tôi đang cày ruộng, nghe Đức Phật bảo A-nan: “Đây là rắn độc”. A-nan đáp: “Vâng! Đây rắn rất độc”. Bây giờ tôi mới hiểu rõ rằng đúng thật là rắn độc.
Người nông dân liền nói kệ:
Lời Phật dạy: không hai
Bảo rằng là rắn độc
A-nan bạch Thế Tôn
Thật là rắn rất độc.
Sức mạnh của rắn độc
Nay tôi mới chứng biết
Đối với Phật Thế Tôn
Càng kính tin hơn nữa.
Nay tôi gặp nguy khốn
Cho nên nhắc lời Phật.
Nọc độc của rắn độc
Chỉ chích vào một người
Họ hàng và vợ con
Tôi trai và tớ gái
Tất cả không khổ não
Chỉ một người gánh chịu
Còn nọc độc tiền của
Lan khắp cả quyến thuộc.
Nay đối với tiền tài
Cùng họ hàng thân thích
Tôi coi như rắn độc
Đang nổi cơn giận dữ.
Người trí hãy mau lìa
Như tránh con rắn độc
Hãy mau cầu xuất gia
Đi vào nơi rừng núi.
Ai người có trí tuệ
Thấy nghe việc thế này
Mà còn đắm tiền của
Mê loạn hoặc tâm người
Như tôi tưởng lợi lớn
Dè đâu bị khổ đau.
Nhà vua nghe kệ xong, biết rõ tâm niệm người nông dân đã tin hiểu sâu xa lời Đức Phật dạy. Vua bèn nói kệ:
Nay ngươi đã kính tin
Đấng Đại Tiên thương xót
Lời Ngài nói chân thật
Chưa từng có hai lời.
Của chôn giấu trước đây
Ta trả hết lại ngươi
Ta lại đem của cải
Cấp dưỡng thêm cho ngươi.
Kính tin Đức Điều Ngự
Vì Thiện Thệ nói thật
Được Đại Phạm kính tin
Bạt-lê, A-tu-la,…
Thiên vương và Đế Thích
Ta đây và các vua
Hào tộc, Bà-la-môn,
Sát-lợi ở trong thành
Ai cũng đều kính tin
Bậc tri kiến tôn thắng.
Vì cùng nhau kính tin
Hiện tại được hoa báo
Tin điều đáng tin nhất
Nên được quả bậc nhất.
CHƯƠNG 35
Những người mong cầu lợi lộc có lúc được, có lúc không. Người có tâm lành chân thật thì không mong cầu mà tự được lợi ích chân thật. Còn người không có tâm lành chân thật vì mong được lợi thì phải khởi tâm lành chân thật.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa có một vị vua. Khi ấy, con của quan phụ tướng sớm mất cha, vì còn thơ dại nên chưa được nhận quyền thừa kế. Tiền tài đã hết, lại không có người hướng dẫn yết kiến nhà vua, đứa bé sống thật nghèo khổ. Người con dần dần khôn lớn, có tài phụ tướng, trị dân, xử đoán, tất cả đều giỏi. Tuổi vừa trưởng thành, đang tuổi tráng niên, thân hình cao lớn, sức lực mạnh mẽ, tài nghệ đầy đủ, anh ta suy nghĩ: “Hiện giờ ta quá nghèo khổ, biết phải làm gì đây? Ta lại không thể làm những nghề thấp hèn được. Ta thật vô phước, có đủ tài nghệ mà không được thi thố, lại không sinh trong nhà thấp hèn!”.
Anh ta nói kệ:
Nghiệp đến biến đổi ta
Mới nghèo khốn như vậy
Nghề nghiệp của mẹ cha
Nay không chỗ sử dụng
Còn nghề nghiệp thấp hèn
Chẳng phải việc ta làm.
Nếu ta không phước đức
Nên sinh nhà thấp hèn
Tuy sinh nhà giàu sang
Nhưng khốn khổ như thế.
Nghề hèn rất dễ học
Nhưng ta không thể làm
Nên làm nghề ăn trộm
Khiến người không hay biết?
Hay làm nghề ăn cướp
Che giấu người không biết
Hông buộc hai ống tên
Và cầm kiếm thật bén
Bó chân, tay nắm cung
Các thứ đều đầy đủ
Giống như con sư tử
Chẳng biết sợ là gì.
Nói kệ xong, người con của quan phụ tướng suy nghĩ: “Nếu như ta cướp của ở những nơi khác sẽ làm cho những người đó nghèo thiếu, chi bằng ta đến cướp của vua”. Nghĩ rồi, anh ta lẻn vào cung, đến chỗ vua nằm. Nhà vua biết có kẻ cướp nhưng sợ không dám lên tiếng. Kẻ cướp lấy y phục của nhà vua và lấy các chuỗi ngọc gom lại một chỗ.
Lúc đó, cạnh đầu vua có một cái bình nước kế bên, lại có tro. Bị cơn đói khát ép ngặt, tên cướp cho rằng tro là đường mật nên bỏ vào nước khuấy để uống. Uống no nê xong mới biết đó là tro. Anh ta nghĩ: “Tro còn có thể ăn được, huống là những vật khác. Ta thà ăn cỏ chứ sao lại cướp? Tổ tiên ta từ xưa đến nay đâu có làm nghề này!”. Tên cướp liền bỏ lại hết các vật rồi quay về nhà.
Nhà vua thấy tên cướp đi ra mà không mang theo vật gì bèn khen rằng: “Lành thay!”, liền gọi người ấy lại hỏi:
–Vì sao ngươi đã lấy các vật này rồi bỏ lại mà đi tay không ra như thế?
Chàng trai tâu:
–Tâu đại vương, cho phép tôi được nói.
Chàng liền nói kệ:
Vì sao làm phi lý
Chỉ vì đói khát thôi
Nhờ nước tro no lòng
Thế nên dứt tâm cướp.
Nay biết đói khát này
Dễ tìm cách ngăn dứt
Tôi uống nước tro rồi
Ném bình xuống dưới đất
Sinh hổ thẹn, ăn năn
Không còn gây điều ác.
Xin đại vương biết cho
Tôi chẳng phải thường dân
Là con quan phụ tướng
Do cảnh nhà cùng khốn
Nên lẻn vào cung vua
Mà làm việc phi pháp.
Từ nay trở về sau
Thường muốn uống nước tro
Ăn cỏ để nuôi sống
Không làm việc trộm cắp.
Tổ tiên, gia đình tôi
Vốn thuộc nhà lễ giáo
Thà hủy bỏ thân này
Không quên lời dạy xưa.
Vua thấy việc này, khen ngợi là điều chưa từng có. Khen ngợi con dòng cháu giống chân thật không luống dối. Tuy có lỗi nhưng kịp thời sửa đổi ngay.
Vua bèn nói kệ:
Nghèo nàn làm nhụt chí
Bỏ mất tâm hổ thẹn
Người thấp hèn xấu xa
Nhanh chóng gây nghiệp ác
Dùng móc pháp nhà mình
Chế ngự voi làm càn
Ngươi đã tự nén lòng
Không trái phép gia giáo
Làm theo hạnh người hiền
Noi theo gương cha ngươi.
Nay ngươi bỏ tâm si
Làm được việc khó làm
Ta rất là vui mừng
Phong ngươi làm phụ tướng.
Không cần xem xét lại
Ta đã thấy hạnh ngươi
Tâm vững, chí mạnh mẽ
Có trí tuệ, năng lực
Nay ta biết rất rõ
Việc này thật khó có
Tài năng hơn cha ngươi
Nhờ tâm lành chân thật.
Thế nên người hiểu biết hãy làm điều chân thật, không nên luống dối.
CHƯƠNG 36
Hiện tại, kết sử tuy không còn sinh khởi, nhưng nếu chưa dứt hết kết sử thì kết sử cũng có lúc sẽ xuất hiện trở lại. Như đổ nước lạnh vào nước sôi.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, có một vị thầy và một người đệ tử. Vào một ngày mùa đông trong căn thất ấm áp, hai thầy trò thấy có một đống lửa mà không thấy ngọn lửa và khói. Thầy bảo đệ tử:
–Con có thấy lửa này không có ngọn lửa và khói chăng?
Người đệ tử thưa:
–Thưa con có thấy.
Vị thầy bảo:
–Con bỏ củi khô vào thì khói sẽ bốc lên ngay.
Lại nói:
–Dùng miệng thổi thì ngọn lửa sẽ bốc lên.
Vị thầy vì đệ tử nói kệ:
Lửa không ngọn lửa, khói
Tâm từ quán bất tịnh
Hiện tại kiết không sinh
Như lửa không ngọn, khói
Nếu lửa gặp củi khô
Ngọn, khói đồng thời sinh,
Lửa tâm gặp nhân duyên
Khi gặp ác tri thức
Khói giận tức liền sinh
Nếu khi thấy sắc đẹp
Lửa tham dục bốc cao,
Thế nên hãy dứt bỏ
Đầy đủ ba thứ minh
Để dứt tham, sân, si
Nên riêng tu tinh tấn.
Minh hạnh túc dứt tâm
Có kết sử không mọc
Dụ như đường thường đi
Các loại cỏ không mọc,
Tham dục và giận tức
Chưa gặp duyên không khởi
Gốc rễ chưa nhổ bỏ
Gặp duyên lại phát khởi,
Dụ như bệnh sốt rét
Bốn ngày mới tới cử
Có lúc hai, ba ngày
Gặp duyên lại tái phát,
Giống như định thế tục
Tạm nén kiết không khởi
Hoàn toàn không tướng bệnh.
Dụ như rễ cây độc
Không nhổ, tược lại sinh
Như người thẹn tóc bạc
Cạo luôn cả tóc đen
Cạo tóc chẳng bao lâu
Tóc bạc mọc trở lại
Không dứt hẳn kết sử
Việc ấy cũng như vậy.
Dục kiết và giận tức
Cửa Giới hạnh ngăn cấm
Đối trị ẩn không khởi
Không gây nghiệp thân, miệng,
Nạn vọng tưởng sinh dần
Sau, kết sử lại khởi
Hủy phạm các giới hạnh
Tham đắm năm thứ dục
Như rắn trốn vào hang
Bò ra liền cắn người.
CHƯƠNG 37
Bố thí vì giải thoát chứ không vì vật chất của cải. Nếu vì vật chất, của cải thì không gọi là bố thí. Nếu vì giải thoát thì chứng được vô sinh và được vui Niết-bàn. Thế nên người hiểu biết vì mong cầu giải thoát mà thực hành bố thí.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, có người đàn-việt đến Tăng phường mở hội. Vị đạo nhân quen biết với đàn-việt thưa với vị Thượng tọa:
–Hôm nay đàn-việt cúng dường một bữa ăn ngon, mong thầy hãy vui lòng nói pháp cho đàn-việt nghe.
Vị Thượng tọa đã chứng được ba Minh, sáu Thông và tám pháp Giải thoát, biết rõ tâm người khác, nên quán sát sâu xa lý do vì sao mà thiết hội này, bèn biết chỉ vì muốn có lợi lộc về vật chất mà người đàn-việt mở hội này.
Bấy giờ, Thượng tọa dạy người đàn-việt này về nỗi khổ trong ba đường ác. Ngài nói:
–Lành thay! Lành thay! Đàn-việt hôm nay ông đã thiết trai cúng dường rất đúng thời. Sắc, hương, mỹ vị… tất cả đều đầy đủ, rất là thanh tịnh, trong ba đường ác ông không thiếu đường nào.
Bấy giờ, vị đạo nhân quen biết thưa với Thượng tọa:
–Vì sao Thượng tọa lại chú nguyện cho ông ta, trong ba đường ác đều không thiếu đường nào?
Thượng tọa nói với vị đạo nhân:
–Tuy ta già cả, nói pháp nhầm lẫn, nhưng đàn-việt này không giữ giới, bị kết sử sai khiến. Ta quán sát tâm đàn-việt nên mới nói lời ấy. Vị đàn-việt này cúng dường là mong được cái vui dục và của báu, súc sinh.
Thượng tọa nói kệ:
Người thí sinh chỗ nào
Của cải rất là nhiều
Vì ỷ nhiều tiền của
Làm sinh khởi kiêu mạn.
Kiêu mạn vượt pháp độ
Kẻ phàm phu mù tối
Vì vượt quá pháp độ
Nên đọa ba đường ác,
Ở trong ba đường ác
Giống như nhà cửa mình
Nếu sinh lên trời, người
Giống như nhà ở tạm.
Nên giữ giới, bố thí
Đều hưởng vui Niết-bàn
Giữ giới được sinh Thiên
Thí sẽ đủ các vật.
Bố thí vì giải thoát
Ắt sẽ hết khổ đau
Thí như trồng ngó sen
Hoa lá thảy đều được
Rễ sen cũng ăn được.
Tu bố thí, giữ giới
Gần gũi rừng giải thoát
Vui sướng dụ hoa, lá
Rễ sen dụ giải thoát
Thế nên tu giới, thí
Ắt phải vì giải thoát
Không vì lợi thế gian.
CHƯƠNG 38
Được làm thân người là khó, lìa khỏi các nạn cũng là khó. Nếu đã xa lìa các nạn, thường phải nỗ lực tinh tấn.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa có một chú bé nghe trong kinh dạy: “Như con rùa mù gặp bọng cây nổi, việc này rất khó.” Một hôm, chú bé đục một miếng ván làm thành cái lỗ có thể đút đầu vào, rồi vất miếng ván xuống ao.
Chú bé lội trong ao, cúi đầu, ngẩng đầu những mong chui vào lỗ miếng ván. Do nước đẩy, miếng ván trôi lình bình cho nên không thể chui vào lỗ được. Chú bé liền nghĩ: “Thật là chán ghét! Khó thay được làm thân người. Đức Phật dùng biển rộng mênh mông làm ví dụ. Bọng cây nổi nhỏ quá mà con rùa lại bị mù không thấy đường, lại trăm năm mới trồi lên một lần, rất khó gặp gỡ. Ta đang ở trong cái ao nhỏ mà cái lỗ ván lại lớn, mình còn có hai mắt đầy đủ vậy mà hằng ngày nhô đầu cả trăm lần mà còn không gặp được lỗ ván, huống gì con rùa kia mù làm sao gặp được lỗ ván.”
Chú bé nói kệ:
Biển cả rất rộng lớn
Bọng cây nổi lại nhỏ
Rùa trăm năm mới nổi
Rất là khó gặp được.
Nay ta trong ao nhỏ
Lỗ ván nổi lại to
Đầu luôn trồi lên nước
Còn không gặp lỗ ván
Rùa mù gặp cây nổi
Chui được rất khó thay!
Từ đường ác làm người
Khó được cũng như vậy
Nay ta được thân người
Phải nên đừng buông lung.
Hằng sa số Đức Phật
Chưa từng gặp bao giờ
Hôm nay được nghe nhận
Lời của Phật Thế Tôn
Pháp mầu do Phật nói
Con nhất định tu hành,
Nếu khéo léo tu tập
Sự cứu giúp rất rộng
Chẳng người làm, mình được
Thế nên tự tinh tấn.
Nếu rơi vào tám nạn
Làm sao thoát khỏi ra?
Nghiệp thế gian đeo đuổi
Bị rơi vào đường ác
Nay ta nay nên xa lánh
Được thoát ngục ba cõi.
Nếu không thoát ngục này
Làm sao được giải thoát?
Bao nhiêu đường súc sinh
Vô lượng kiếp lâu dài
Địa ngục và ngạ quỷ
Tăm tối, khổ não đầy
Nếu ta không gắng tu
Làm sao ra khỏi được
Các đường ác hiểm nạn?
Ngày nay được thân người
Không ra khỏi mé khổ
Chẳng lìa ngục ba cõi
Phải siêng tu phương tiện
Ắt lìa ngục ba cõi
Nay con xin xuất gia
Ắt sẽ được giải thoát.
CHƯƠNG 39
Tiền tài khó xả bỏ. Nếu người hiểu biết tu tập bố thí chút ít, chớ có ý khinh thường họ.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, ở nước Tu-hòa-đa có vị vua tên Tát-đa-phù. Một hôm, vua đi săn tình cờ gặp một ngôi tháp, liền cúng dường ngôi tháp ấy năm đồng tiền. Có một người Chiên-đà-la từ xa trông thấy
khen rằng:
–Lành thay!
Vua liền sai người đến bắt người này đem đến chỗ vua. Nhà vua hỏi:
–Có phải ngươi thấy ta cúng dường ít cho nên chê cười phải không?
Người Chiên-đà-la tâu:
–Xin đừng làm tôi sợ, rồi tôi sẽ nói: Trước đây tôi là tên cướp ở những đoạn đường nguy hiểm. Tôi bắt được một người, hắn ta vội vàng nắm bàn tay lại. Tôi suy nghĩ: “Người này nắm chặt tay, chắc là có tiền vàng”. Tôi bảo mở tay ra, nhưng người ấy không chịu. Tôi cầm cung tên để dọa hắn ta và bảo mở tay ra, nhưng hắn cũng dứt khoát không chịu. Tôi liền giương cung về phía hắn.
Chỉ vì tham của cho nên hắn bị bắn chết. Giết người này xong, tôi lấy được một đồng tiền đồng. Hắn thà tiếc một đồng tiền chứ không tiếc thân mạng. Nay đại vương không bị ai ép buộc mà cúng dường năm đồng tiền vào tháp Phật, cho nên tôi khen ngợi: “Lành thay!”
Người Chiên-đà-la lền nói kệ:
Giương chiếc cung thật cong
Định hại mạng hắn ta
Hắn thà mất thân mạng
Không chịu mất một tiền.
Tôi thấy như người này
Bỏ mạng, không bỏ tiền
Cho nên bây giờ tôi
Thấy có người bỏ tiền
Sinh ý tưởng ít có
Ngợi khen việc khó làm.
Không thấy có đao cung
Ép buộc đại vương đây
Cũng không có sợ hãi
Tự ý bỏ khó bỏ.
Khổ tìm mới có tiền
Cho nên hôm nay tôi
Thấy có người xả của
Sinh tâm chưa từng có.
Tôi tự thấy việc ấy
Khổ mấy cũng không bỏ
Xin đại vương biết cho
Tâm sinh tham khó xả.
CHƯƠNG 40
Khéo quán sát việc mình làm thì ngay lúc ấy có lỗi lầm nhưng sau chắc chắn được nhiều lợi ích.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, có một thầy Tỳ-kheo thường bị trộm cắp. Một hôm, thầy Tỳ-kheo ở trong nhà đóng chặt các cửa lại. Tên trộm lại đến gõ cửa gọi. Thầy Tỳ-kheo đáp:
–Mỗi khi thấy ngươi, ta rất kinh sợ. Ngươi hãy đưa tay vào phía trong, ta sẽ cho ngươi đồ đạc.
Tên trộm liền đưa tay vào bên trong cửa, thầy Tỳ-kheo liền dùng dây trói chặt tay hắn ta vào cây cột, rồi mở cửa cầm gậy đánh cho hắn một trận. Xong trận đòn đầu tiên, thầy Tỳ-kheo nói:
–Quy y Phật.
Tên trộm vì sợ quá, nói theo:
–Quy y Phật.
Thầy Tỳ-kheo đánh gậy thứ hai, nói:
–Quy y Pháp.
Tên trộm sợ chết nên lại nói:
–Quy y Pháp.
Thầy Tỳ-kheo đánh lần thứ ba, lại nói:
–Quy y Tăng.
Tên trộm sợ quá, cho nên nói:
–Quy y Tăng.
Hắn suy nghĩ: “Đạo nhân này chỉ quy y có mấy lần chứ nếu nhiều nữa thì chắc chắn ta sẽ chết, không còn nhìn thấy cõi đời này nữa”.
Thầy Tỳ-kheo mở trói cho tên trộm, tên trộm vì bị đánh cho nên thân thể đau nhức. Lâu lắm hắn mới đứng dậy được và xin được xuất gia. Có người hỏi:
–Trước đây anh làm ăn cướp đã gây ra biết bao nhiêu việc ác, vì lý do gì mà nay lại xuất gia tu đạo như thế?
Tên trộm đáp:
–Tôi cũng đã suy xét sự lợi ích của pháp Phật, rồi mới xuất gia.
Hôm nay tôi được gặp Thiện tri thức lấy gậy đập cho ba trận, chỉ còn một chút nữa là mạng sống không còn. Đức Như Lai Thế Tôn đúng là Bậc Nhất Thiết Trí. Nếu ngài dạy cho các đệ tử bốn lần quy y thì mạng tôi coi như chấm dứt. Đức Phật có lẽ từ xa thấy rõ sự việc này nên Ngài dạy các thầy Tỳ-kheo xuất gia chỉ đánh kẻ trộm ba lần, cho tôi khỏi chết. Thế nên, Đức Thế Tôn chỉ dạy có ba quy y chứ không dạy bốn quy y. Đức Phật xót thương tôi cho nên dạy ba quy mà không dạy bốn quy.
Tên trộm liền nói kệ:
Hẳn Bậc Nhất Thiết Trí
Vì lòng thương xót tôi
Nên nói ba quy y
Không dạy bốn quy y
Vì ở trong ba cõi
Nên Phật dạy: Ba quy
Nếu Ngài dạy đến bốn
Tôi còn đâu quy y.
Nay, tôi thật đáng thương
Thân mạng dứt liền đó
Tôi thấy Phật Thế Tôn
Nhìn xa sự việc này.
Sinh tâm chưa từng có
Liền bỏ hẳn tâm cướp
Có người giải việc thô
Có kẻ ngộ việc tế.
Người thô ngộ việc thô
Kẻ tế ngộ việc tế
Do vì tâm tôi thô
Nên giải ngộ việc thô
Tôi thấu rõ việc này
Vì thế xin xuất gia.