SỐ 201
ĐẠI TRANG NGHIÊM KINH LUẬN
Tác giả: Bồ-tát Mã Minh.
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 3
CHƯƠNG 11
Nếu có vị đệ tử nào giữ vững Giới luật, được người tôn kính thì tất cả người đời đều tôn kính người ấy như bậc Thầy.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, có các thầy Tỳ-kheo đi trong con đường hoang vắng, bị bọn cướp trấn lột hết y phục. Bọn cướp muốn giết sạch các Tỳ-kheo vì sợ các Tỳ-kheo sẽ vào xóm tố cáo. Trong bọn cướp có một tên trước đây từng xuất gia nên hắn nói với đồng bọn:
–Đâu cần giết họ làm gì? Theo pháp Tỳ-kheo thì không được làm tổn thương cây cỏ, bây giờ các ông hãy lấy cỏ trói họ lại. Vì sợ tổn thương cây cỏ nên họ sẽ không dám bứt đứt mà đi.
Bọn cướp liền lấy cỏ trói các Tỳ-kheo lại, rồi kéo nhau bỏ đi.Các thầy Tỳ-kheo bị trói bằng cỏ, sợ phạm giới cấm không dám bứt đứt. Thân không mặc y áo nên bị mặt trời thiêu đốt, lại thêm muỗi mòng, ruồi bọ bu cắn. Các thầy bị trói từ sáng đến trưa, rồi cho đến khi mặt trời lặn, bóng tối bao phủ dày đặc, các thầy nghe tiếng chân đuổi chạy của loài cầm thú, tiếng tru của những loài chồn rừng, cùng tiếng rúc của chim cú mèo, âm thanh ghê rợn vang rền thật là đáng sợ. Có một thầy Tỳ-kheo già bảo các Tỳ-kheo:
–Các thầy hãy lắng nghe, mạng người thật ngắn ngủi như dòng sông chảy xiết. Nếu chúng ta có ở trên cõi trời cũng chẳng tồn tại dài lâu, huống gì mạng người ở chốn nhân gian, đâu thể giữ gìn được?
Mạng sống đã mong manh thì sao lại vì thân mạng này mà phá hủy giới cấm? Các thầy nên biết rằng, thân người khó được, Phật pháp khó gặp, các căn khó đủ, tín tâm khó sinh. Mỗi thứ ấy đều khó gặp được.Ví như con rùa mù gặp được bọng cây nổi, Chánh đạo của Phật không giống như chín mươi lăm thứ tà kiến điên đảo kia, không có quả báo gì. Người tu hành Phật đạo chắc chắn đạt được chánh quả, sao lại tiếc nuối cái thân vô thường bất định mà phá hủy Thánh giáo của Phật.
Nếu ai vâng giữ lời Phật dạy, thì đời này được tiếng khen và công đức đầy đủ, đời sau được vui sướng, như bài kệ do Phật nói:
Nếu người có trí tuệ
Giữ vững được giới cấm
Cầu trời, người, Niết-bàn
Đạt được điều như ý
Tiếng tốt vang khắp nơi
Mọi người đều cúng dường
Ắt được vui trời, người
Cũng được quả giải thoát.
Rồng chúa Y-la-bát
Vì phá hủy giới cấm
Giẫm đạp lên lá cây
Khi chết đọa làm rồng
Chư Phật chưa xác định
Khi nào bỏ thân rồng.
Nếu giữ vững giới cấm
Việc này rất là khó.
Hình thức giới rất nhiều
Khó phân biệt hiểu rõ
Như đống gai, rừng kiếm
Vào đó nhiều tổn thương
Người yếu kém không kham
Giữ gìn giới như thế.
Các thầy Tỳ-kheo bị khổ sở bức bách, không thể co, duỗi, cho đến chuyển động thân thể, vì sợ cỏ bị đứt sẽ trái phạm giới cấm. Nên các thầy bảo nhau:
–Chúng ta tu hành cũng như cái cân kia giữ mức quân bình không cho tăng giảm. Giờ đây bị lâm vào hoàn cảnh khốn đốn sợ hãi, phải quyết chí một lòng không lay chuyển mới phân biệt được sự mềm yếu hay mạnh mẽ. Lấy cái thân hèn mọn để đổi lấy pháp quý giá an vui chốn trời, người và sự an vui Niết-bàn, thì giờ đây chúng ta không có con đường nào khác, chỉ nên giữ gìn giới cấm, dù chết cũng không trái phạm.
Vị Tỳ-kheo giả liền nói kệ:
Chúng ta từ xưa nay
Gây ra các nghiệp ác
Hoặc được sinh cõi người
Trộm cắp, dâm vợ người
Bị hình phạt của vua
Nhiều không thể tính kể,
Lại chịu khổ địa ngục
Cũng vậy, khó kể hết
Hoặc làm loài súc sinh
Bò, dê và gà, chó
Hươu nai, cầm thú thảy
Bị kẻ khác giết hại
Mất thân nhiều không xiết
Không hề có chút lợi.
Chúng ta hôm nay đây
Vì giữ gìn Thánh giới
Xả bỏ thân nhỏ này
Ắt được lợi ích lớn.
Nay ta gặp nguy ách
Chắc chắn bỏ thân mạng
Nếu sau khi qua đời
Sinh Thiên hưởng vui sướng
Nếu hủy phạm giới cấm
Hiện đời mang tiếng xấu
Bị người đời khinh thường
Chết đi đọa đường ác,
Nay cùng nhau lập thệ
Ở đây đến khi chết
Dù cho nắng mặt trời
Chiếu khô thân mạng tôi
Chúng con giữ giới Phật
Không bao giờ hủy phạm.
Giả sử các thú dữ
Cắn xé tay chân con
Cũng không hề hủy phạm
Giới cấm Thích Sư Tử
Con thà, giữ giới chết
Không sống mà trái phạm.
Các thầy Tỳ-kheo nghe vị Tỳ-kheo già nói kệ này rồi, mỗi vị đều ngồi ngay thẳng, không hề dao động, ví như cây lớn lúc không có gió thổi, cành lá không lung lay. Bấy giờ có vị vua nọ tình cờ đi săn bắn, nhà vua dần dần đi về phía các thầy Tỳ-kheo bị trói. Trông thấy các thầy từ xa, nhà vua sinh tâm nghi ngờ bèn nghĩ: “Không biết những người lõa hình kia là Ni-kiền hay Sa-môn?”. Nghĩ xong, nhà vua liền sai người đến xem thử. Các thầy Tỳ-kheo vô cùng thẹn, che thân mình lại. Người sứ xét biết là Sa-môn đệ tử Phật. Vì sao mà biết? Vì bên vai phải của họ bị đen. Người sứ vội quay trở lại tâu vua:
–Các vị ấy là Sa-môn chứ chẳng phải Ni-kiền.
Ông liền nói kệ:
Xin đại vương biết cho
Họ bị giặc trấn lột
Xấu hổ bị cỏ trói
Như móc sắt buộc voi.
Nhà vua nghe rồi rất lấy làm lạ, im lặng suy nghĩ: “Bây giờ ta hãy đến chỗ các thầy Tỳ-kheo”. Nghĩ xong, nhà vua nói kệ:
Bị cỏ xanh trói tay
Giống như cánh anh vũ
Lại như dê tế trời
Nằm yên không nhúc nhích
Tuy biết đang gặp nguy
Ngồi yên không hại cỏ
Như cây bị lửa đốt
Trâu mao chết vì đuôi.
Nói kệ xong, nhà vua đến chỗ các Tỳ-kheo, hỏi:
Thân thể rất khỏe mạnh
Có sức, không bệnh tật
Vậy vì lý do gì
Cỏ trói, lại ngồi yên?
Các thầy há không biết
Chính mình có sức ư?
Bị chú thuật mê hoặc
Hay là vì khổ hạnh
Hay nhàm chán thân mình?
Xin mau nói cho biết.
Thầy Tỳ-kheo đáp:
Cỏ này rất non yếu
Bứt đứt cũng không khó
Chỉ vì bị buộc bởi
Giới Kim cang của Phật
Giữ gìn các giới cấm
Nên không dám bứt đứt.
Phật nói: các cỏ cây
Là nơi quỷ thần ở
Chúng tôi không dám trái
Cho nên không dám bứt.
Giống như đàn chú thuật
Vẽ phạm vi quanh rắn
Nhờ năng lực thần chú
Rắn độc không qua được,
Thế Tôn vẽ phạm vi
Chúng tôi không dám vượt.
Chúng tôi tuy giữ thân
Cuối cùng cũng phải chết
Nhưng thà giữ giới chết
Hơn phá giới mà sống.
Có đức và không đức
Rốt cuộc rồi cũng chết
Có đức tuệ mạng còn
Và lại có tiếng khen
Không đức tuệ mạng mất
Cũng mất cả tiếng tăm.
Các Sa-môn chúng tôi
Giữ giới là sức mạnh
Giữ giới là ruộng tốt
Sinh ra các công đức
Thềm thang sinh cõi trời
Hạt giống của tiếng khen
Bến cầu lên bờ Thánh
Đầu, mắt của các lợi
Ai người có trí tuệ
Muốn phá bình giới đức?
Lúc ấy nhà vua rất vui mừng, liền mở cỏ trói cho các thầy Tỳ-kheo và nói kệ:
Lành thay! Giữ vững được
Những điều Thế Tôn dạy
Thà bỏ thân mạng mình
Giữ pháp không hủy phạm.
Nay tôi cũng quy mạng
Như thế bày pháp lớn
Quy y lìa nóng bức
Đấng Giải Thoát Mâu-ni
Người giữ giới vững chắc
Nay tôi cũng quy mạng.
CHƯƠNG 12
Nếu người trong tâm hiền thiện thì thường an ổn, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Thế nên người trí phải tu tâm, khiến cho tâm ấy luôn hiền thiện.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, có các Tỳ-kheo cùng những người đi buôn ra biển tìm vật báu. Khi mọi người ra giữa biển thì thuyền bị vỡ. Lúc ấy có một Tỳ-kheo trẻ tuổi vớ được tấm ván, còn Thượng tọa Tỳ-kheo không được miếng ván nên sắp bị chìm. Vị Thượng tọa vô cùng hoảng sợ, sợ bị chết trôi, nên nói với thầy Tỳ-kheo trẻ tuổi:
–Chẳng lẽ thầy không nhớ giới do Phật dạy là phải tôn kính bậc thượng tọa sao? Thầy hãy đưa tấm ván của thầy cho tôi.
Thầy Tỳ-kheo trẻ tuổi suy nghĩ: “Đúng thật, Đức Thế Tôn có dạy điều này, nếu có các thứ lợi lạc thì trước nên nhường cho bậc Thượng tọa”. Thầy lại nghĩ rằng: “Nếu ta đưa miếng ván cho Thượng tọa, thì chắc chắn sẽ bị chìm trong dòng nước, tai nạn của biển cả thật là vô biên, mạng sống của ta sẽ không được toàn vẹn. Tuổi ta còn nhỏ, lại mới xuất gia, chưa đắc đạo quả, ta lấy làm buồn vì điều này, nên bây giờ chính là lúc ta nên bỏ thân để cứu mạng Thượng tọa”.
Nghĩ rồi, thầy Tỳ-kheo bèn nói kệ:
Ta vì giúp hoàn toàn
Nên thuận theo lời Phật
Vô lượng công đức nhóm
Tiếng khen khắp mười phương
Thân mạng rất thấp hèn
Vì sao trái lời Phật!
Nay ta thọ giới Phật
Phải giữ vững đến chết
Vì thuận theo lời Phật
Nhường ván bỏ thân mạng.
Nếu không gặp việc khó
Không hề được quả khó.
Nếu ta giữ tấm ván
Ắt vượt nạn biển lớn
Nếu không thuận lời Phật
Sẽ chìm biển sinh tử.
Nay ta chìm xuống nước
Tuy chết, vẫn là hơn
Nếu bỏ lời Phật dạy
Mất lợi sinh trời, người
Cho đến đại Niết-bàn
Vui bậc nhất, vô lượng.
Nói kệ xong, thầy Tỳ-kheo trao miếng ván cho Thượng tọa. Vị Thượng tọa nhận lấy. Lúc đó thần biển xúc động trước sự chân thành của thầy Tỳ-kheo, liền tiếp lấy thầy Tỳ-kheo trẻ tuổi đưa lên bờ và chắp tay bạch:
–Giờ đây, tôi xin quy y bậc giữ vững giới pháp. Thầy đã gặp tai nạn nguy khốn như vậy mà vẫn giữ giới Phật.
Thần biển bèn nói kệ ca ngợi thầy Tỳ-kheo:
Thầy thật là Tỳ-kheo
Đúng là người khổ hạnh
Được gọi là Sa-môn
Thầy đáng danh như thế.
Cũng nhờ các công đức
Và năng lực của thầy
Các bạn và của báu
Thoát khỏi tai nạn lớn
Tất cả đều an ổn.
Lời thệ thầy vững chắc
Kính thuận lời Phật dạy
Thầy là người hơn cả
Xua tan các hoạn nạn
Giờ đây tôi làm sao
Không ủng hộ cho được.
Thấy chân lý, giữ giới
Việc này chưa phải khó
Phàm phu không phá giới
Đó mới thật ít có.
Tỳ-kheo sống an ổn
Thanh tịnh tự dè dặt
Không hề hủy giới cấm
Đó cũng chưa phải khó,
Chưa đạt được dấu đạo
Còn sống trong sợ hãi
Bỏ thân thể đáng yêu
Giữ gìn giới Phật dạy
Khó làm mà làm được
Đó rất là ít có!
CHƯƠNG 13
Nếu chưa thấy dấu đạo thì tuy học rộng nghe nhiều vẫn không thể dứt được khổ sinh tử. Thế nên người hiểu biết phải mong cầu thấy được chân lý.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, có hai anh em cùng đi xuất gia. Người anh chứng quả A-la-hán, còn người em thì thông suốt ba tạng giáo điển. Khi đó người anh nói với người em:
–Thầy nên ngồi thiền.
Người em hẹn:
–Em sẽ ngồi thiền.
Thầy Tỳ-kheo La-hán lại nói:
–Chẳng lẽ thầy không nghe Đức Phật dạy: Người hành đạo như chữa lửa cháy đầu đó sao?
Vị ấy nói kệ:
Việc hôm nay làm được
Đừng đợi đến ngày mai
Thân người không giữ được
Hãy mau tu việc lành!
Khi thần chết đã đến
Thì không thể van xin
Nếu khi người qua đời
Không biết đi đường nào
Mê muội theo nghiệp duyên
Nào biết đường xa gần.
Mạng như đèn trước gió
Không biết tắt lúc nào
Thầy nói rồi sẽ hành
Lời này rất luống dối!
Sự chết dữ như cọp
Không dung túng một ai
Một khi cọp chết đến
Không đợi đến ngày mai.
Vua chết rất tàn hại
Thầy nên sinh lo sợ
Phải biết thân mong manh
Mạng này khó giữ được
Nên siêng quán nội thân
Bỏ đi việc học rộng.
Mong giải thoát thế gian
Vượt hẳn gốc sinh tử
Khi cái chết vụt đến
Hối hận làm sao kịp?
Nếu nay thấy dấu đạo
Khỏi ăn năn ngày sau
Vững bền trong Phật pháp
Gọi đó là dấu đạo.
Việc học rộng luống dối
Nên bỏ chớ yêu tiếc
Tuy nghe nhiều hiểu rộng
Không đạt được dấu đạo
Như người mù cầm đèn
Soi người, mình không thấy.
Nếu muốn cầu tự lợi
Cần phải thấy dấu đạo.
Vang danh giữa mọi người
Lời lẽ khéo léo hay
Giảng nói các pháp tướng
Giải thích các nghi ngờ
Làm cho chúng nghe pháp
Đều sinh tâm vui mừng
Lại khiến cho mọi người
Thảy đều được điều hòa,
Tuy làm được như vậy,
Nhưng khi chết tâm loạn
Cũng đọa vào đường ác
Bị người trí cười chê.
Các pháp do thầy giảng
Đủ lời lẽ, câu văn
Thứ lớp nói nhân quả
Lời hay vui tâm ý
Vị ngọt như mía lau
Tuy làm được như vậy
Mà không tự điều hòa
Thì chưa dứt ba đường
Mình chưa được giải thoát
Thì chẳng dùng việc ấy
Phàm phu không đáng tin
Nên cầu thấy chân lý.
Thầy được nhiều lời khen
Cho là nói pháp giỏi
Tuy có tiếng khen suông
Ích lợi chi cho thầy!
Nên quán sát trong thân
An nhiên tu thiền định.
Xưa nay người học rộng
Trên đời có rất nhiều
Vô thường làm tàn lụn
Chẳng còn được là bao
Gian khổ tìm tiếng khen
Tuy được lại mất đi.
Phật nói pháp hữu vi
Tất cả đều vô thường
Hằng sa Phật quá khứ
Thành tựu ba Đạt trí
Dứt trừ hết ba chướng
Một niệm quán ba đời
Các Đức Thế Tôn này
Nổi tiếng khắp mười phương
Nay đều nhập Niết-bàn
Tên tuổi cũng mất theo.
Thế nên thầy hôm nay
Nên siêng tu tinh tấn
Dứt bỏ những tiếng khen
Chỉ cầu được giải thoát.
Thầy Tỳ-kheo thông suốt ba Tạng đáp:
–Đúng phải làm như vậy.
Không bao lâu, thầy Tỳ-kheo thông suốt ba Tạng bị bệnh nặng, sợ sẽ qua đời nên trong lòng vô cùng ăn năn, bèn nói kệ:
Lạ thay! Ta hôm nay
Trong Thánh pháp của Phật
Giới văn tuy đầy đủ
Nhưng không thấy chân lý
Nếu bây giờ ta chết
Thì đâu khác loài chó
Trôi lăn trong sinh tử
Như bánh xe thợ gốm.
Nay ta rất xót xa
Chưa chứng được dấu đạo
Thầy tổ rủ lòng thương
Khuyên ta tu thiền định
Ta không vâng lời dạy
Chưa tu tập phần nào
Vì thế nên hôm nay
Không thấy được Chân đế.
Ta cầm trọn đèn pháp
Sáng rực của Đức Phật
Nhưng ta quá vô minh
Không thể tự soi mình
Vì không thể tự soi
Nên mãi khổ sinh tử.
Các Tỳ-kheo đồng học nghe tin thầy Tỳ-kheo ấy bị bệnh nặng đều đến thăm hỏi, thấy thầy bị khủng hoảng tinh thần, mọi người đều kinh ngạc và nói:
–Chẳng lẽ thầy không nghe Đức Phật có dạy rằng: Người học rộng có năng lực trí tuệ, biết được vô thường. Thế nên nay thầy chớ lo sợ.
Thầy Tỳ-kheo bị bệnh liền nói kệ đáp lời các Tỳ-kheo đồng học:
Trước tôi được chỉ dạy
Phải tu pháp ngồi thiền
Lần lựa ngày lại ngày
Biếng lười tự dối gian
Làm cho một đời này
Luống qua chẳng được gì.
Thân này như chùm bọt
Tôi chẳng quán sát sâu
Nghĩ bừa là chắc thật
Bất chợt cái chết đến
Chuyên ròng pháp học rộng
Lúc sống nghĩ là hơn
Bỗng thần chết hớp hồn
Ăn năn làm sao kịp?
Như lời kinh đã dạy
Phải tu tập ngồi thiền
Tinh tấn chớ biếng nhác
Trừ hết các kết sử
Phật có dạy như vậy
Tôi chẳng thực hành theo
Lửa ăn năn thiêu đốt
Làm tâm tôi phiền não.
Giờ tôi rất yếu ớt
Như đứa trẻ ngu ngơ
Trong sáu đường ác kia
Không biết chọn đường nào!
Chẳng biết đời tương lai
Sẽ được nghe lời Phật?
Hay luân hồi ba cõi?
Sẽ gặp được những ai?
Cũng không biết vị lai
Làm nên sự nghiệp gì?
Hoặc đánh mất bản tâm
Sinh khởi ba thứ độc
Không tu các việc lành
Chỉ gây nhiều nghiệp ác.
Than ôi! Thật khổ thay
Vì ta tự lừa dối
Đã xa lìa các nạn
Phải đạt đạo xuất thế
Sao lại vì ngu si
Mà mặc tình buông thả?
Các thầy Tỳ-kheo đồng học nghe Tỳ-kheo bệnh nói kệ xong, họ lại an ủi:
–Thầy đã học rộng nghe nhiều, lại giữ giới vững chắc, hãy bình tĩnh, tại sao phải lo sợ đến như vậy?
Thầy Tỳ-kheo bệnh nói:
–Giờ đây tôi bị bệnh tật nguy khốn, nếu các vị không quan tâm chắc là tôi phải chết.
Rồi nước mắt ràn rụa, thầy thưa với người anh:
–Xin huynh hãy xích lại gần tôi một chút. Vì tôi ngu si không nghe lời huynh chỉ dạy, nay tôi bệnh nặng, chắc phải luân hồi. Xin huynh rủ lòng thương, mà cứu giúp khiến cho tôi được khỏi khổ.
Thầy nói kệ:
Cùng ở trong pháp Phật
Huynh đáng gọi Sa-môn
Thường hay dạy bảo tôi
Tôi ngu si không vâng
Vì việc này nên tôi
Càng sinh lòng hối hận
Giữa hè hơi nóng bức
Lửa hừng hực đốt thiêu
Tôi phụ ân huynh dạy
Lửa ăn năn hơn kia.
Nay tôi không chỗ dựa
Chỉ biết quy y huynh
Lúc thọ thân đời sau
Quán sát chớ quên tôi
Khiến sau gặp Phật pháp
Trở lại được xuất gia
Không luống mặc pháp phục.
Tâm nguyện đạt đạo quả
Các việc học vấn khác
Bỏ hết không đeo đuổi
Tinh tấn cầu giải thoát
Ngoài ra chẳng mong gì.
Giả sử đời tương lai
Cầu thấy được Chân đế
Da thịt và gân cốt
Tủy não có khô cạn
Thân mạng vẫn thong dong
Không hề bỏ giải thoát
Lại nguyện thân vị lai
Thường xuyên tu pháp lành
Sáu thời trong ngày đêm
Tinh tấn không bỏ phế.
Thầy Tỳ-kheo bệnh nói kệ xong trong lòng rất hoảng sợ. Thầy Tỳ-kheo anh thấy vậy vô cùng lo lắng xót thương nói:
–Lành thay! Lành thay! Nay thầy rất ăn năn và phát thệ nguyện.Trước đây tôi đã dạy thầy nhưng thầy không chịu nghe lời, bây giờ ăn năn làm sao kịp?
Vị ấy bèn nói kệ:
Bệnh tật đã nguy khốn
Cái chết chẳng còn xa
Tay chân đều rã rời
Gió đao cắt thân kia
Thuốc thang không trị được
Thầy thuốc cũng bó tay
Người chung quanh đều nói:
Lạ thay nhất định chết.
Bà con, các phụ nữ
Thấy vậy buồn than khóc
Sắp chết rất sợ hãi
Khổ kinh sợ, khó tả.
Nếu như khi mạnh khỏe
Biết chết có khổ này
Ai không phát tâm đạo
Quyết đạt quả giải thoát.
Khi trẻ tuổi không bệnh
Lười biếng chẳng tinh tấn
Chỉ toan tính các việc
Không tu thí, giới, thiền
Về sau bị bệnh nặng
Các căn như lửa đốt
Sắp bị thần chết bắt
Mới ăn năn tu thiện.
Thầy Tỳ-kheo bệnh qua đời, được sinh trở lại làm người. Khi ấy, thầy Tỳ-kheo A-la-hán dùng Thiên nhãn quan sát biết chỗ của thầy Tỳ-kheo kia sinh về nên đến nhà ấy mấy lần. Đứa bé dần dần khôn lớn nhờ bà vú bồng ẵm. Bà ta bồng đứa bé đến Tăng phường, tới chỗ vị La-hán, vì bế không chặt, lỡ tay làm rơi đứa bé xuống đất, đầu đập trên tảng đá. Đứa bé rất tức giận, chết đi, đọa vào địa ngục. Vị Tỳ-kheo A-la-hán lại dùng Thiên nhãn quán sát đứa bé, thấy nó sinh vào chỗ rất khổ sở trong địa ngục.
Vị ấy liền nói kệ:
Than ôi, tàn tệ thay!
Sinh chỗ khó cứu được
Năng lực Phật khó cứu
Huống ta sao cứu được!
Chú tâm, tuệ vô lậu
Chẳng phải khổ tu được
Trong địa ngục khổ não
Không hề có chút vui
Tâm tạm vui không có
Làm sao có chú tâm?
Do vì không chú tâm
Nên không Tuệ vô lậu
Chỗ gian nan như vậy
Làm sao cứu khổ được?
Chịu khổ lớn địa ngục
Không thể dụ hết được.
Nếu lại cố phát thệ
Cái khổ chết cõi người
Ít có thể dụ được
Khổ địa ngục còn hơn.
Như lửa đốt củi khô
Không lúc tạm mát mẻ
Khổ địa ngục cũng vậy
Chẳng có tạm dừng nghỉ.
Ấm thân trong địa ngục
Như đống sắt nóng chảy
Khổ nhiệt não đốt thiêu
Không thể nào kể hết.
Thế nên đừng biếng trễ
Ngày đêm không ngừng nghỉ
Siêng năng tu Chánh đạo
Khiến các khổ không còn.
Vì thế, trước tu đạo
Hẹn được quả giải thoát
Sau đó mới học rộng
Để làm anh lạc đẹp.
CHƯƠNG 14
Nếu ai thấy việc này hãy nên thức tỉnh. Sự giàu sang vinh hiển ở đời không tồn tại lâu dài.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, vua Chiên-đàn-kế-ni-tra định đến thành Kế-ni-tra. Giữa đường nhà vua thấy năm trăm người ăn xin đồng thanh nói:
–Xin bố thí cho tôi!
Nhà vua nghe nói liền sinh tâm tỉnh ngộ. Ngài nghĩ rằng: “Đám ăn mày kia đã thức tỉnh ta. Thuở xưa, ta đã từng là người nghèo khổ, nếu ngày nay ta không bố thí thì sau này ta cũng như họ vậy”. Nhà vua liền nói kệ:
Những người này đời trước
Nhiều bạc tiền, của cải
Nói rằng không bố thí
Nay bị nghèo hèn đây.
Nếu nay ta nói không
Sau cũng giống như vậy.
Lúc đó có quan phụ tướng tên Thiên Pháp xuống ngựa, chắp tay tâu vua:
–Những kẻ ăn xin đều nói “Xin bố thí cho tôi”.
Vua đáp lời vị quan rằng:
–Ta có nghe lời ấy, nhưng sự hiểu của ta và khanh không giống nhau. Ngươi hiểu rằng: “Đám ăn mày này chỉ có một vấn đề là xin tiền bạc của cải.” Còn ta hiểu thì thế nào, giờ đây sẽ nói cho khanh biết. Khanh nên lắng nghe.
Vua liền nói kệ:
Những đứa bé ăn xin
Đến đây thức tỉnh ta
Với thân tướng nghèo hèn
Họ cho ta được thấy
Tự nói chịu thân này
Do bỏn sẻn không thí
Bị buông lung dối gạt
Chịu thân khổ não này.
Kẻ ăn xin ngu hèn
Dạy ta nghĩa thế này:
Chúng cũng từng làm vua
Như trăng giữa các sao
Lọng báu che trên đầu
Kỹ nữ luôn túc trực
Kẻ hầu đều trang nghiêm
Nghe vua đến tránh đường,
Tuy có đủ những thứ
Kỳ diệu ở trên đời
Nhưng vì không bố thí
Nên nay bị nghèo hèn.
Phước lạc mê tâm khanh
Không biết khổ đời sau
Vua loài người nên biết
Nay ta rất đau khổ
Hãy nên tu bố thí
Chớ để sau như ta.
Quan phụ tướng Thiên Pháp nghe kệ xong, trong tâm rất vui mừng, chắp tay tâu vua:
–Như lời Phật dạy, thấy người khác chịu khổ phải tự quán sát mình. Hôm nay đại vương thật hợp với ý Phật, vừa thấy những người ăn xin kia đã thức tỉnh ngay. Lành thay đại vương! Ngài có ý tưởng thật tinh tế mới như vậy, đại vương thức tỉnh được việc này và khéo hiểu rõ ý nghĩa Đức Phật đã dạy. Đại vương thật xứng đáng là bậc có khả năng cai trị cả thế gian, đúng thật là chủ tể của thế gian, không hề luống dối. Vì sao? Vì ngài có khả năng hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của pháp Phật. Ngài là người thông minh nên thấu đạt, vì thế mà mọi người ca tụng ngài là “Người đứng đầu thế gian”.
Ông nói kệ:
Người đứng đầu phải vậy
Ý này là vô thượng
Ý này khó thường hằng
Tự lợi được cũng khó
Thân người rất khó được
Tín tâm cũng khó sinh
Của báu lại khó đủ
Ruộng phước khó được gặp
Mỗi một việc trên đây
Thật khó mà gặp gỡ.
Thí như ngoài biển lớn
Rùa mù gặp bọng cây
Các việc khó như vậy
Đại vương đều có đủ.
Thế cho nên hôm nay
Không buông lung tâm ý
Thân người như ánh chớp
Chợt lóe chẳng dừng lâu
Tuy là được thân người
Mong manh khó gìn giữ
Khi chết đôi mắt nhắm
Tay chân đều xụi lơ
Tuy có bốn oai nghi
Tới lui không tự do
Đôi mắt đã đứng tròng
Sắp đi vào cõi chết,
Thân thuộc ở hai bên
Thấy vậy đều thương khóc
Đưa tay sờ vào thân
An ủi bảo đừng sợ
Nghe lời thân quyến khuyên
Càng tăng thêm thương cảm
Chắc chắn biết sẽ đi
Vào con đường vĩnh biệt
Tuy có nhiều của báu
Nhưng không thể mang theo.
Khi các mạch ngưng đập
Nhan sắc đều đổi thay
Mạng đến hồi cấp bách
Như dầu hết đèn tắt
Đến lúc như thế đó
Ai tu Bố thí được.
Giữ giới và Nhẫn nhục
Tinh tấn và Thiền, Trí
Giờ hấp hối chưa đến
Nên chuyên cần tu tâm.
CHƯƠNG 15
Người nào khi sắp chết muốn đem tài sản, vật báu đến đời sau, điều này không thể có, ngoại trừ đem các công đức bố thí. Nếu sợ đời sau bị nghèo nàn hãy nên tu bố thí.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, có một vị vua tên Nan-đà. Vị vua này chất chứa vàng bạc châu báu để mang đến đời sau, ông ta thầm nghĩ: “Bây giờ ta phải gom hết vàng bạc châu báu trong nước lại một chỗ không để cho lọt ra ngoài”. Vì tham gom tài sản cho nên nhà vua đem cô con gái của mình để ở trên lầu các dâm nữ, rồi sai người hầu cận bảo:
–Nếu có người đem của báu đến đây cầu con gái ta, thì hãy đưa người ấy và cả của cải đến chỗ ta.
Như thế nhà vua gom hết tiền bạc của báu cả nước về kho của ngài.
Bấy giờ, có người quả phụ có một đứa con duy nhất nên bà yêu thương vô cùng. Người con trai này thấy cô con gái nhà vua cử chỉ cao sang xinh đẹp không ai bằng, nên lòng yêu say đắm.
Nhưng vì nhà nghèo quá, không biết lấy gì để làm lễ ra mắt với công chúa nên buồn bã phát bệnh, hơi thở mong manh, thân thể tiều tụy. Người mẹ hỏi con:
–Nguyên nhân vì sao con đau ốm như thế?
Người con thưa cho mẹ nghe sự thật, rồi nói thêm:
–Nếu con không được đến chỗ con gái nhà vua kia chắc chắn con sẽ chết.
Người mẹ nói:
–Tất cả tiền bạc, vật báu trong nước đều hết sạch, biết tìm của báu ở đâu bây giờ.
Bà mẹ suy nghĩ rồi nói với con:
–Cha con khi chết trong miệng có ngậm một đồng tiền vàng. Nếu con đào mộ lên có thể lấy được đồng tiền ấy để đến gặp cô con gái kia.
Theo lời mẹ nói, chàng liền đi đào mộ cha, cạy miệng lấy đồng tiền vàng. Sau đó y đến thanh lâu để gặp con gái vua, con gái vua sai người đưa anh ta và đồng tiền vàng trình diện vua cha. Nhà vua thấy đồng tiền vàng bèn hỏi:
–Tiền bạc, châu báu trong nước, tất cả đã thuộc về kho của ta hết. Ngươi kiếm đâu ra đồng tiền vàng này đem đến đây? Chắc là ngươi tìm được của chôn giấu phải không?
Nhà vua tìm đủ cách tra khảo để biết rõ chỗ chàng trai được đồng tiền vàng. Chàng trai tâu vua:
–Thật sự tôi không đào được của báu trong đất, mà là được mẹ tôi nói cho biết: Khi cha tôi chết, trong miệng có ngậm một đồng tiền vàng. Tôi đào mộ mới lấy được đồng tiền vàng này.
Vua sai người đến nơi kiểm chứng xem hư thực. Sứ giả đến nơi quả thật có thấy chỗ để đồng tiền vàng trong miệng người cha khi chết. Sau đó nhà vua mới tin. Vua nghe xong việc này bèn suy nghĩ:
“Trước đây ta đã gom góp tất cả của cải, châu báu mong giữ những tài sản này đến đời sau. Cha của người kia có một đồng tiền vàng còn không thể giữ được để đem đi, huống chi ta có quá nhiều”.
Rồi vua nói kệ:
Trước ta chuyên gom góp
Tất cả các châu báu
Mong mang các tiền, vật
Theo ta đến đời sau
Nay thấy người đào mộ
Lại đoạt lấy tiền vàng
Một đồng còn không theo
Huống chi nhiều châu báu.
Vua lại suy nghĩ rằng:
Phải tìm phương cách nào
Khiến cho các châu báu
Theo ta đến đời sau?
Ngày xưa, vua Đảnh Sinh
Đem theo các quân lính
Và voi, ngựa, bảy báu
Đều mang đến cõi trời,
La-ma làm cầu cỏ
Đến được thành Lăng-già,
Nay ta muốn lên trời
Mà không có cầu thang
Muốn đến thành Lăng-già
Lại không có bến cầu
Nay ta không phương kế
Đem báu đến đời sau.
Lúc ấy, có vị quan phụ tướng là người thông minh, biết cơ trời. Ông ta biết ý vua nên nói:
–Điều đại vương nói thật là chí lý. Nếu thọ thân đời sau thì phải cần tài vật, của báu, nhưng nay châu báu và voi ngựa không thể đem đến đời sau được. Vì sao? Vì khi chết đi, chính cái thân này của nhà vua còn không thể đem đến đời sau, huống gì là tài vật, của báu, voi ngựa ư? Nếu muốn đem châu báu này đến đời sau chỉ có cách bố thí châu báu ấy cho Sa-môn, Bà-la-môn và những người nghèo khổ xin ăn, phước báo giúp người sẽ đến tận đời sau.
Ông liền nói kệ:
Người mặt mày đẹp xinh
Đến nước soi thấy đẹp
Đẹp, xấu tùy mặt hình
Ảnh hiện rõ trong nước.
Mặt đẹp thì ảnh đẹp
Mặt xấu thì ảnh xấu
Thân này mặt như thế
Thân sau mặt đẹp hơn.
Giới, tuệ trang nghiêm thân
Sau được quả đáng ưa
Nếu người làm việc ác
Sau chịu báo rất khổ.
Tín tâm đem tài vật
Cúng dường mẹ, cha, thầy
Sa-môn, Bà-la-môn
Người nghèo nàn khốn khổ
Chính là nước đời sau
Thấy mặt mày trong đó
Ảnh nghiệp thí, giới, tuệ
Cũng lại hiện trong đó.
Vua có nhiều người hầu
Cung nhân và thể nữ
Quan quân và thứ dân
Xướng kỹ âm nhạc thảy
Tới ngày vua qua đời
Tiếc thương đưa ra mộ
Xong rồi trở về nhà
Không một ai theo vua
Hậu cung, người hầu thảy
Kho tàng, các châu báu
Ngựa, voi, các xe báu
Tất cả đồ vui chơi
Làng nước, các nhân dân
Vườn tược, chỗ vui chơi
Bỏ hết, đi một mình
Chẳng một ai đi theo
Chỉ có nghiệp thiện ác
Theo mãi chẳng rời xa.
Con người khi sắp chết phát ra hơi thở khò khè nặng nhọc, họng lưỡi khô khốc, không đổ được nước, nói năng chẳng rõ ràng, mắt mờ không thấy gì, gân mạch ngưng hoạt động, gió lạnh như cắt da thịt, tay chân rời rã. Các cơ quan trong người đều ngừng nghỉ, không còn hoạt động, toàn thân đau nhức như bị kim đâm. Khi tắt hơi rồi, người chết thấy tất cả đều mù tịt tối đen như là rơi xuống hầm sâu, đi một mình chốn đồng rộng không bè bạn. Chỉ có hạnh tu phước lành là người bạn thân giúp đỡ người đó mà thôi. Ai lo đời sau hãy mau tu phước.
Ông liền nói kệ:
Khi người sắp qua đời
Cô đơn không bè bạn
Nhất định sẽ lìa bỏ
Tất cả người thân yêu.
Một mình chốn tối tăm
Nơi đáng ghê, đáng sợ
Người thân đều lìa xa
Cô độc không ai cả
Vì thế nên sắm sửa
Lương khô bằng pháp lành.
Vì hiểu rõ nghĩa này nên Ba-la-lưu-chi dùng lục kệ ca ngợi nhà vua:
Tuy có nhiều châu báu
Chứa nhóm như núi Tuyết
Voi, ngựa, các xe báu
Mưu thần và chú thuật
Chuyên nghĩ lúc chết đến
Không thể cứu giúp được
Nên tu các pháp lành
Chính mình được lợi lạc.
Bậc mắt như sen xanh
Nên siêng hành giới, thí
Chết là nỗi sợ lớn
Ai nghe đều sợ hãi.
Mọi loài trong thế gian
Không một ai khỏi chết
Thế cho nên đại vương
Nên quán chết là khổ.
Bậc mắt như sen xanh
Hãy nên tu nghiệp lành
Chính mình được lợi lạc
Nên siêng hành giới, thí.
Khi người đã qua đời
Của cải không theo được
Sức mạnh và tuổi trẻ
Không thể đến hai lần.
Bậc mắt như sen xanh
Phải nên tu nghiệp lành
Chính mình được lợi lạc
Nên siêng hành giới thí.
Di-lực-na-hầu-sa
Da-da-đế đại vương
Và Truân-đậu-ma-la
Bà-ca-phu-lợi-phủ
Kiều-ly-xà-thế-phu
Dũ-việt-tân-thế-ba
Những vị trên mọi người
Các vị vua cao quý
Binh lính và các quan
Thảy đều vào cõi chết
Vui buồn nối bước nhau
Ý niệm lần lượt khởi.
Bậc mắt như sen xanh
Hãy nên tu nghiệp lành
Giúp mình được vui sướng
Nên siêng hành giới thí.
Của báu và vinh hoa
Đồ này khó tìm được,
Phước lộc chẳng thường có
Sức lực có tăng giảm,
Tất cả tướng không định
Vua chúa cũng vô thường
Những việc rất khó này
Nay đều được đầy đủ.
Bậc mắt như sen xanh
Nên tu các pháp lành
Giúp mình được vui sướng
Hãy siêng tu giới, thí.
Người có nhiều sức mạnh
Vượt qua khỏi biển lớn
Bậc trượng phu chuyên nghĩ
Vượt qua được các núi
Ví làm được việc đó
Vẫn chưa gọi là khó
Ích lợi cho đời sau
Việc này mới là khó.
CHƯƠNG 16
Thân này không bền chắc. Thế nên người hiểu biết phải biết cúng dường bậc Tôn trưởng. Đây gọi là lấy pháp không bền chắc để đổi lấy pháp bền chắc.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, trong dòng họ Mâu-ni có vị vua tên A-dục, là người kính tin Tam bảo. Nếu ở chỗ yên tĩnh mà gặp đệ tử Phật, không luận là lớn hay nhỏ, nhà vua đều xuống ngựa cung kính đảnh lễ dưới chân. Bấy giờ nhà vua có một vị quan lớn tên Da-xa, là người tà kiến không có đức tin, thấy nhà vua lễ kính các thầy Tỳ-kheo như vậy, sinh tâm hủy báng thậm tệ và tâu vua:
–Các Sa-môn này thuộc đủ tầng lớp giai cấp đi xuất gia chẳng phải chỉ có dòng Sát-đế-lợi và Bà-la-môn, mà xen tạp cả dòng Tỳ-xá và Thủ-đà-la. Những người này làm nghề thuộc da hay dệt vải và làm ngói, gạch, làm thợ hớt tóc, cũng có người thuộc dòng thấp kém Chiên-đà-la… Vì sao đại vương lại đảnh lễ họ.
Nhà vua nghe nói, lặng im không đáp. Một hôm, nhà vua nhóm họp các quan lớn và bảo họ:
–Hôm nay ta cần các loại đầu nhưng không được giết hại, cho phép các khanh được tìm đâu ở những con vật tự chết.
Vua bảo các quan:
–Hôm nay khanh phải tìm được cái đầu con vật mỗ giáp.
Lại bảo vị quan khác:
–Khanh phải tìm được đầu con vật kia.
Cứ như vậy, vua lần lượt ban sắc lệnh cho các quan phải tìm các đầu các loài vật khác nhau, không được giống nhau.
Riêng Da-xa nhà vua bảo:
–Khanh phải lấy được cái đầu người tự chết.
Tất cả các loại đầu đó đều đem ra chợ bán. Các loại đầu như thế đều bán được, chỉ có đầu người là ai thấy cũng tránh xa, không chịu mua. Mọi người thấy cái đầu đều mắng Da-xá:
–Ngươi chẳng phải Chiên-đà-la, Dạ-xoa, La-sát, sao lại mang đầu người chết đi bán!
Bị mắng chửi, Da-xa tâu vua:
–Tôi bán đầu người không ai chịu mua, ngược lại còn bị họ mắng chửi nữa.
Nhà vua nói:
–Nếu bán không được thì đem cho không vậy.
Da-xa tuân lệnh vua, vào trong chợ rao:
–Ai cần đầu người, sẽ được cho không.
Người trong chợ thấy vậy không ai chịu lấy, lại mắng chửi nữa.
Da-xa xấu hổ trở về đến chỗ vua, chắp tay nói kệ:
Đầu trâu, lừa, voi, ngựa
Heo, dê, các loài thú
Tất cả được định giá
Người tranh nhau đến mua.
Các đầu đều được dùng
Chỉ đầu người hôi dơ
Không một ai dùng nó
Cho không cũng không lấy
Lại còn bị mắng chửi
Huống lại có người mua.
Vua hỏi Da-xa:
–Khanh bán đầu người, tại sao không có ai mua?
Dạ-xa thưa:
–Thưa, vì đầu người xấu xa ghê gớm nên không ai chịu mua cả.
Vua lại hỏi:
–Chỉ có một cái đầu này ai cũng ghét bỏ, hay tất cả đầu người đều đáng ghét bỏ?
Dạ-xa đáp:
–Thưa, tất cả đầu người đều ghê gớm, chứ chẳng phải một cái đầu này thôi đâu!
Vua bảo Da-xa:
–Thế thì cái đầu của ta cũng bị mọi người ghê tởm như thế sao?
Da-xa nghe vua nói run sợ đứng im không dám trả lời. Vua lại nói:
–Ta cho phép khanh, cứ thành thật mà nói, đừng có sợ. Cái đầu này của ta cũng rất đáng kinh tởm phải không?
Da-xa thưa:
–Thưa, đầu vua cũng vậy.
Vua hỏi:
–Ngươi có chắc là như vậy không?
Da-xa trả lời:
–Thưa đại vương, chắc chắn là như vậy.
Vua bảo Da-xa:
–Nếu những cái đầu này sang, hèn… đều đáng ghê tởm như nhau, tại sao khanh lại tự cậy là thuộc dòng dõi giàu sang, xinh đẹp, trí tuệ để kiêu ngạo mà muốn ngăn cản ta kính lễ các vị Sa-môn Thích tử?
Vua liền nói kệ:
Chỉ có đầu người này
Ai thấy cũng chê trách
Đem bán không giá trị
Cho không, gớm tránh xa
Xa thấy đều tức giận
Cho là vật gớm ghê.
Đầu này đầy máu mủ
Bẩn thỉu thật đáng gớm
Đem đầu thấp hèn đây
Đổi lấy đầu công đức
Tuy khiêm cung cúi đầu
Không mảy may thua thiệt.
Vua bảo Da-xa rằng:
Tuy ngươi thấy Tỳ-kheo
Tạp chủng và thấp hèn
Vì không thấy bên trong
Có đạo đức chân thật.
Khanh ngu si tà kiến
Tâm u mê rối loạn
Cho mình Bà-la-môn
Riêng được phần giải thoát
Ngoài ra các dòng khác
Chẳng được giải thoát gì.
Nếu muốn cưới gả thì
Phải tìm dòng họ quý
Còn nếu cầu pháp lành
Cần dòng họ làm chi?
Nếu người muốn cầu pháp
Không nên xét dòng họ
Tuy sinh dòng họ quý
Gây ra việc cực ác
Mọi người đều chê trách
Thì coi như thấp kém.
Dòng họ tuy thấp hèn
Bên trong thật đạo hạnh
Đáng được người tôn kính
Mới đáng gọi tôn quý.
Đức hạnh đã đầy đủ
Vì sao không kính lễ.
Tâm ác làm thân hèn
Ý lành làm thân sang
Sa-môn tu hạnh lành
Đủ tín, giới, thí, văn
Thế nên hãy tôn trọng
Và phải rất cung kính.
Người gây ra nghiệp ác
Chẳng lẽ khanh không nghe
Họ Thích tâm Đại bi
Đấng Ngưu vương chánh đạo
Pháp do Ngài nói ra
Đem ba pháp mong manh
Đổi ba pháp vững chắc
Phật không nói hai lời
Nên ta không dám trái
Nếu trái lời Thế Tôn
Không được gọi thân thiện.
Thí như ép mía đường
Lấy nước và bỏ xác
Thân người cũng như vậy
Bị sự chết ép ngặt
Thi hài chôn xuống đất
Không còn tới lui nữa.
Cung kính tu điều lành
Thế nên phải biết rằng
Đem thân bại hoại này
Đổi lấy pháp bền chắc,
Giống như lửa cháy nhà
Người trí xuất tài vật
Như nước chìm kho tàng
Cũng nên mau xuất bảo.
Thân này rồi bại hoại
Nên đổi pháp bền chắc
Người ngu không phân biệt
Pháp bền hay không bền
Khi thần chết chợt đến
Vào miệng cá Ma-kiệt
Vào đúng thời gian ấy
Rất kinh khiếp sợ hãi.
Như để lạc thành tô
Rồi lại thành đề hồ
Lấy lạc xong bỏ bình
Không sinh khổ não nhiều,
Thân này cũng như vậy
Giữ gìn pháp chắc thật
Về sau, khi chết đi
Không hề sinh hối hận.
Không tu các hạnh lành
Kiêu mạn và buông lung
Thần chết bỗng chợt đến
Phá vỡ chiếc bình thân.
Tâm kia rất nóng bức
Vẫn bị lửa đốt thiêu
Phiền lo dụ như lửa
Bình sữa dụ như thân.
Ngươi không nên ngăn ta
Tu thiện giữ pháp bền
Người ngu si tăm tối
Tự nói mình tôn quý
Ta cầm ngọn đuốc pháp
Của chư Phật Thế Tôn
Soi chiếu trong thân ta
Sang hèn không khác nhau
Thịt, da, gân cốt thảy
Gồm ba mươi sáu thứ
Sang hèn đều như nhau
Có tướng gì sai khác
Đẹp, y phục tốt
Các vật có khác nhau.
Người trí nên siêng năng
Hành cung kính lễ bái
Giả sử làm việc lành
Gọi là giữ pháp bền.
Vì sao nói điều này?
Thân như ánh điện chớp
Chùm bọt và đống cát
Cây chuối không chắc thật
Như thân mong manh này
Tu thiện trong trăm kiếp
Vững như núi Tu-di
Và bền như mặt đất
Người trí nên như thế
Đổi lấy pháp chắc thật.