SỐ 201
ĐẠI TRANG NGHIÊM KINH LUẬN
Tác giả: Bồ-tát Mã Minh.
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 15
CHƯƠNG 71
Dù cho đất nước rộng lớn, có đầy đủ mọi thứ, nhưng người phân biệt rõ ràng biết được khổ não của nó cũng lìa bỏ tránh xa.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, khi tu hạnh Bồ-tát, Đức Thế Tôn làm vua một nước lớn. Tất cả những người nghèo nàn đến xin ăn, đức vua đều bố thí.
Với trí tuệ thông minh, lại ở vào ngôi vị vua chúa, ngài muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh nên hay cứu giúp người bị nạn khổ.
Khi vua nước láng giềng đem binh đến giao chiến, thì ngài suy nghĩ: “Đắm trước năm dục lạc không thể điều phục tâm, sáu căn khó thỏa mãn, của cải quá nhiều, ta cần phải liệu tính để giúp đỡ họ. Vì của cải mà có đấu tranh, nguyện xả bỏ việc này để không còn đấu tranh nữa. Ta nên tu tập pháp tùy thân thù thắng”.
Vị ấy nói kệ:
Khi quán sát rõ ràng
Bậc trí nên phân biệt
Làm việc không suy nghĩ
Sau hối hận không kịp.
Thấy rõ việc đó là sai thì biết phải làm gì, ngài nói kệ:
Dục như cầm đuốc cỏ
Như thịt bị chúng dành
Đắm dục làm thương tổn
Hại hơn cả hai đời.
Bậc trí mau tránh xa
Cõi nước, nhiều của cải
Nhiều của báu như thế
Rốt cuộc phải xả bỏ,
Thà bây giờ chịu khổ
Nguyện không ở đời sau
Chịu khổ lâu dài này.
So thế lực của ta
Chiến thắng được quân địch
Hiện tại biết kết quả
Dù được tiếng tốt đẹp
Sau chịu khổ tổn hại.
Dù biết mình tài giỏi
Vẫn nguyện giúp quân địch
Nếu không giúp được họ
Sau nhất định hại mình.
Nghĩ xong, vị quốc vương Bồ-tát bỏ vào rừng. Gặp một ông lão Bà-la-môn đi lạc vào đó. Bồ-tát hỏi:
–Này ông lão, vì sao ông vào rừng này?
Ông lão Bà-la-môn đáp:
– Tôi muốn yết kiến đức vua.
Bồ-tát hỏi:
–Vì sao ông muốn yết kiến đức vua?
Bà-la-môn đáp:
–Hiện nay tôi nghèo khổ, lại mắc nhiều nợ nần, nghe đức vua hay bố thí nên đến xin về trả nợ để không còn nghèo nàn nữa! Tôi không nơi nương tựa, chỉ hy vọng đức vua ban ân cứu giúp.
Bồ-tát nói:
–Này ông lão, ông hãy về đi! Ở đây không có đức vua, sao ông thành khẩn tha thiết đến thế?
Nghe xong, vị Bà-la-môn buồn bã quỵ xuống đất. Bồ-tát thấy ông ta như vậy rất thương xót. Ngài suy nghĩ rồi nói kệ:
Tôi vì cứu giúp người
Bỏ hết, việc khó bỏ
Bây giờ tôi hết sạch
Lấy vật gì để cho?
Nay tôi vì người ấy
Xả bỏ thân mạng mình.
Nói kệ xong, Bồ-tát đỡ Bà-la-môn dạy rồi bảo ông ta:
–Ông chớ nên buồn rầu! Tôi sẽ làm cho ông có được của cải.
Vị Bà-la-môn nghe như thế thì trong lòng rất vui mừng. Bồ-tát tức thời lấy cỏ se thành sợi dây rồi đưa cho Bà-la-môn:
–Cho tất cả, thân ta cũng thế!
Ngài nói kệ:
Vua kia chưa bắt ta
Nhất định không an tâm
Lão nên lấy dây này
Trói hai tay ta lại
Dẫn đến chỗ vua kia
Làm ông ta vui mừng
Sẽ cho lão châu báu
Vàng bạc các tài vật
Lão sẽ được giàu to
Vua kia lại vui mừng.
Có sống ắt có chết
Mạng sống hợp rồi tan
Do cứu giúp khổ nạn
Nên tổn hoại thân mạng
Bậc trí chết như vậy
Gọi là mang anh lạc.
Nghe kệ xong, vị Bà-la-môn rất vui mừng liền lấy dây trói Bồ-tát lại, dẫn đến vị vua kia.
Đức vua kia trông thấy liền nhìn Bà-la-môn nói kệ:
Đây là người nào vậy?
Sắc thân như núi vàng
Oai quang rất rực rỡ
Giống mặt trời chiếu khắp
Diện mạo rất đoan nghiêm
Ai thấy cũng vui mừng.
Người phước đức như vậy
Đáng làm chủ đại địa
Bấy giờ bị bắt giữ
Khổ sở đến như thế.
Ta ngồi tòa Sư tử
Thật là đáng xấu hổ
Người kia đáng làm vua
Còn ta chẳng đáng làm
Ta không kềm chế được
Không xứng ở ngôi vua.
Nghe kệ xong, vị Bà-la-môn tâu với đức vua:
–Tâu đại vương, đây là vua oán địch của ngài.
Đức vua hỏi Bà-la-môn:
–Ai trói người này?
Bà-la-môn thưa:
–Tâu đại vương, người đó đích thật do con trói.
Vua nói:
–Không lý nào người này bị ngươi trói? Ngươi nói dối!
Đức vua nói kệ:
Người kia to như voi
Sức lực rất hùng tráng
Thân thể ngươi yếu ớt
Lại không có binh mã
Làm sao trói được người?
Việc này không thể tin
Ngươi hãy nói thành thật
Chớ có nói dối trá!
Bà-la-môn tâu trình đầy đủ mọi việc rồi nói kệ:
Thấy tôi hết hy vọng
Người kia liền tự trói
Vì Từ bi giúp tôi
Ông ta tự trói mình.
Trượng phu tốt như thế
Danh vang khắp mười phương
Giống như đốt đuốc lớn
Chiếu sáng khắp tất cả.
Người hung ác ngu si
Giết hết không còn gì
Khi đuốc lớn thắp sáng
Hay diệt trừ tối tăm.
Nghe xong, đức vua kinh sợ đứng dậy chắp tay thưa:
–Lành thay! Lành thay! Bậc Trượng phu toàn thiện. Vì cứu giúp người khác mà ngài làm như vậy.
Và vị ấy nói kệ:
Đã nghe về đại vương
Danh hiệu là La-xà
Lợi ích cho thế gian
Cho nên gọi La-xà.
Ngài cần phải làm vua
Giữ gìn cho đại địa
Cúi xin ngài cho tôi
Sám hối các tội lỗi.
Tôi là trẻ dại khờ
Kẻ hèn mọn vô trí
Ngài hãy lên làm vua
Tôi rời khỏi nước này.
Ngài làm cho chúng sinh
Tất cả được an vui
Nếu người khác làm vua
Gây khổ não thế gian.
Đức vua kia trao lại ngôi vị cho Bồ-tát rồi trở về nước mình.
CHƯƠNG 72
Vị nào tu tạo phước nghiệp thanh tịnh, xứng đáng được thiết lễ cúng dường. Vì vậy, nên siêng tu phước nghiệp.
Tôi từng nghe:
Vua Ô-việt-kỳ nước Thạch thất, cùng nhân dân cả nước thiết lễ hội cúng Phật. Có một phụ nữ ở trong cửa sổ nhìn chăm chú Đức Thế Tôn. Trông thấy cô gái đoan trang xinh đẹp, đức vua mở chuỗi anh lạc, sai quan thị vệ đem đến ban tặng cô ta. Quan tả hữu tâu với vua:
–Tâu đại vương, cô gái kia là phụ nữ trong nước ta, nếu ngài ưa thích thì gọi đến, chứ cần gì tặng ngọc để người chê cười.
Nghe lời ấy, đức vua bịt hai tai lại rồi nói:
–Trời ơi! Thật quá ghê tởm! Tại sao ngươi dám nói những lời này với ta?
Và vua nói kệ:
Ta thệ lập nguyện này
Nếu có tâm ý xấu
Khiến ta thành đại ác
Ta không vì nhiễm trước
Đem ngọc tặng cô kia.
Hãy nghe ý ta nói:
Nghiệp làm chủ, tự tại
Bậc nghiệp tối thắng nói
Không phải chủ tể làm
Chỉ là nghiệp làm ra.
Tâm tạo ra chủ tể
Nghiệp lành Phật ngợi khen
Như thế đến sắc đẹp
Hoàn toàn không có ngã
Chỉ nghiệp lành làm ra.
Nghiệp lành, ta cung kính
Nghiệp dữ, ta lánh xa
Quá khứ tạo nghiệp lành
Quả báo ngay hiện tại.
Ta đem xâu chuỗi ngọc
Nhiều của báu trang nghiêm
Đeo vào cổ nhiều vòng
Chuỗi ngọc trắng như tuyết.
Ta nhờ đức đời trước
Không đắm nhiễm sắc dục
Nếu biết nghiệp lành dữ
Làm sao còn đắm sắc?
Tránh xa không muốn thấy
Huống gì lại đắm nhiễm.
Thà chịu đói khát chết
Không tham lam phi pháp,
Thà nhảy vào đống lửa
Không làm việc gian tà
Nếu ta đắm nhiễm ái
Thân này hoặc thân sau
Chịu khổ nhọc vô lượng.
CHƯƠNG 73
Người nào có nghiệp lực lành, thì tự nhiên thọ nghiệp báo tốt. Dù có sức lực của vua chúa cũng không bằng nghiệp lực được quả báo tốt. Vì thế, nên tu nghiệp lành.
Tôi từng nghe:
Khi ngủ nghỉ vào ban ngày, vua Ưu-duyệt-già có hai nội quan, một người hầu phía trên đầu, còn một người hầu dưới chân, cầm quạt phe phẩy. Họ bàn với nhau:
– Hiện nay chúng ta được vua thương tưởng đến là vì lý do gì?
Một người tự cho là nghiệp lực của mình, còn một người tự cho là nhờ oai lực của vua. Do việc này mà họ hầu hạ cung phụng đức vua. Vì thường nghe pháp, nên cả hai cùng nhau luận bàn giải thích ý nghĩa pháp. Họ nói kệ:
Như trâu dữ lội nước
Dẫn đúng thì theo đúng
Vua hiền hành chánh pháp
Người theo cũng như thế.
Do tranh giành lý lẽ, nên hai người to tiếng với nhau.
Người thứ nhất nói:
– Tôi sống nhờ vào đức vua.
Người thứ hai nói:
– Còn tôi nhờ vào nghiệp lực.
Nghe ồn ào, đức vua thức giấc hỏi họ:
– Tại sao ồn ào vậy?
Vua lại nghe họ tranh lý lẽ. Dù biết chưa trừ hết ngã kiến, nhưng cũng muốn giúp kẻ tâng bốc mình, trong lòng không vui, vua đọc kệ hỏi người nói “nhờ vào nghiệp lực”:
Sống nhờ vào nước ta
Tự cho là nghiệp lực
Vậy ta xem thử ngươi
Là sức của ai đây?
Nói kệ xong, đức vua đi đến gặp phu nhân, nói:
– Này ái khanh, bây giờ trẫm sai người qua bên khanh, khanh hãy phục sức thật xinh đẹp như phu nhân của Đế Thích.
Phu nhân thưa:
– Thần thiếp xin vâng lệnh.
Khi ấy vua trao nước bồ đào cho người hầu nói “sống nhờ vua” đem đến ban thưởng cho hoàng hậu. Đuổi người hầu nói “sống nhờ vào nghiệp lực” đi rồi, đức vua suy nghĩ: “Nó sẽ phải hối hận!”. Vua suy nghĩ chưa bao lâu thì người nói “nhờ nghiệp lực” mặc y phục đẹp đẽ đến bên mình. Thấy ông ta, vua hết sức kinh ngạc nói kệ:
Ta tự mình lầm lẫn
Cho ngươi chút nước thừa
Bị nghiệp lực của ngươi
Cưỡng đoạt đem đến đây
Hay có thể thân hậu
Cho nhà ngươi đem đi
Hoặc là phu nhân giận
Đoạt kia cho ngươi chăng?
Có thể ta nhầm lẫn
Đưa cho hắn ta sao?
Hay hắn mê hoặc ta
Làm cho ta rối loạn?
Nói kệ xong, đức vua hỏi người kia:
– Hãy nói thật cho ta biết! Nhờ nghiệp lực nào, chứ tại sao ta cố ý không cho mà ngươi vẫn được.
Người kia tâu:
–Tâu đại vương, thần nhờ vào nghiệp lực mà được.
Người kia đem mọi việc tâu đầy đủ lên đức vua:
–Tâu đại vương, người được ngài sai vừa ra khỏi cửa, bỗng nhiên bị chảy máu cam nên liền đưa nước này nhờ bề tôi đem đến phu nhân và được lệnh bà ban cho y phục này.
Nghe xong, vua nói kệ:
Nghiệp báo như bóng vang
Như tốt đẹp của ngươi
Ngươi nói nhờ nghiệp lực
Điều này đáng tin cậy.
Do năng lực nghe pháp
Lời nói hợp đạo lý
Ngươi nói do nghiệp lực
Lời này quả hiệu nghiệm.
Ta quá ư tự phụ
Ngươi nhờ nghiệp lực tốt
Phật dạy: nghiệp lực mạnh
Lời này đúng hoàn toàn.
Phật, Bậc Điều Ngự giỏi
Lành thay cho nghiệp lực!
Hay phá hoại sức vua
Mười phương Phật Thế Tôn
Cũng nói tùy nghiệp lực.
Nay ngươi nhờ nghiệp lực
Để tự trang nghiêm thân
Chẳng cần sức lực ta.
CHƯƠNG 74
Tuy có oán thù với người trí nhưng vẫn được lợi ích. Thế nên, dù bị người trí oán thù, vẫn thường xuyên gần gũi.
Tôi từng nghe:
Nước Ma-đột-la có vị Bà-la-môn trí tuệ thông minh, nhưng không tin Phật pháp, cũng không gần gũi các thầy Tỳ-kheo. Trước đó vị Bà-la-môn này xích mích với vị Bà-la-môn khác, nên ông tức giận đến Tăng phường nói dối:
– Thưa các Đại đức, ngày mai ở nhà vị Bà-la-môn kia có mở đại hội thiết lễ cúng dường, xin thỉnh các thầy Tỳ-kheo đến dự!
Vì ông muốn sáng mai các thầy Tỳ-kheo đến nhà vị Bà-la-môn kia mà không được ăn uống gì cả để tiếng xấu của ông ấy đồn khắp trong nước.
Sáng sớm hôm sau, các thầy Tỳ-kheo đến nhà vị Bà-la-môn kia nói với người giữ cổng:
–Chủ nhân của ông mời chúng tôi đến cúng dường, ông hãy vào thưa lại.
Người giữ cổng vào thưa lại với chủ nhân.
–Thưa ông, hiện giờ ở ngoài cổng có các thầy Tỳ-kheo nói ông mời nên họ đến.
Người chủ nghe xong suy nghĩ: “Vì lý do gì xảy ra sự việc như thế? Hay là Bà-la-môn có thù oán với ta làm việc này? Bây giờ ta phải cho người vào thành đi chợ mau sắm đầy đủ các thứ để cúng dường các thầy Tỳ-kheo”. Nghĩ xong, ông ta lập tức cho người mời các thầy Tỳ-kheo vào nhà an tọa rồi dọn thức ăn cúng dường.
Các thầy Tỳ-kheo thọ thực xong nói với thí chủ:
–Bây giờ ông hãy ngồi xuống! Theo pháp Tỳ-kheo của chúng tôi, sau khi thọ thực xong phải thuyết pháp cho thí chủ. Dù ông không tin nhưng theo pháp Phật là phải như thế.
Lúc ấy vị chủ nhân lấy ghế nhỏ ngồi trước vị Thượng tọa và được nghe thuyết pháp về bố thí, luận bàn về giới, sinh cõi trời, dục là bất tịnh, xuất thế là an vui… cho đến nói pháp bốn Chân đế.
Trong đời quá khứ, vị Bà-la-môn này có gieo trồng căn lành, nên ngay trên tòa ngồi, ngộ được bốn Chân đế, đắc quả Tu-đà-hoàn.
Vị ấy nói kệ:
Than ôi! Sức ngu si
Hay làm hại Chánh kiến
Người ngu không phân biệt
Báu tưởng chẳng phải báu.
Nay con được thắng lợi
Biết phân biệt Tam bảo
Thật sự là của báu
Phật pháp là Thánh chúng.
Con đã thấy rõ ràng
Đóng bít ba đường ác
Thích, Phạm và chư Thiên
Không thể nào đạt được.
Nay con được đầy đủ
Giờ đây Bà-la-môn
Được gọi là Phạm thiên
Sẽ đạt được mục đích
Giải thoát không còn chết
Nay con mới đạt được
Thắng pháp Bà-la-môn.
Bản tánh con thay đổi
Hôm nay thật thay đổi
Hôm nay mới đạt được
Pháp thắng diệu Tỷ-đà.
Giờ đây được vô lậu
Vượt qua khỏi Tỷ-đà
Nay con chân thật là
Cúng tế ruộng phước lớn.
Con sẽ siêng cúng lớn
Không phân biệt rõ ràng
Có cúng hay không cúng.
Từ ngày nay trở đi
Sẽ cúng Thiên Trung Thiên
Đa-đà A-già-đà
Nói tóm lại rằng là
Ngày nay mới được lợi
Đạt kết quả thân người.
Từ ngày nay trở đi
Sẽ theo lời Phật dạy
Nhất định không cầu xin
Các trời thần nào khác.
Nay con được học pháp
Tùy thuận theo chánh đạo
Pháp và tùy thuận pháp
Tôi ắt được quả ấy.
Con nay quy mạng lễ
Đời trước nhàm việc ác
Từng tu pháp, hướng pháp
Nay được quả lợi ích
Gần gũi Thiện tri thức
Pháp lợi tự nhiên thành.
Nếu con không gần gũi
Đệ tử Đấng Đại Bi
Mãi rơi vào tà kiến
Luân hồi ba đường ác.
Không có Bà-la-môn
Là kẻ thù ghét con
Con không được gần gũi
Thánh chúng như thế này.
Bên ngoài giống bạn xấu
Nhưng thật là bạn tốt
Ân quá hơn cha mẹ
Cho đến các quyến thuộc.
Nhờ Bà-la-môn này
Chúng Tăng đến nhà con
Tưới xuống mưa cam lộ
Mầm tốt đều được sống
Mưa pháp thấm ướt thêm
Rưới đất bụi tâm con
Bụi đất đã sạch sẽ
Ngộ được pháp chân thật.
Cho nên thế gian nói
Nhờ ghét được của cải
Tự nghĩ được lợi lớn
Liền thọ Tam quy y
Đãi các món ăn ngon
Cho Bà-la-môn kia.
CHƯƠNG 75
Nếu người nào thuần thành đem của cải bố thí, giống như gia sản được giàu có thêm. Do biết việc này, nên hết lòng bố thí.
Tôi từng nghe:
Vợ chồng người nước Kế tân nằm trên nệm cỏ. Vào lúc trời sắp sáng, người chồng nảy sinh ý niệm lành: “Trong nước này, vô lượng trăm ngàn người đều tu phước cúng dường chúng Tăng, còn chúng ta nghèo khổ gặp được bến báu này không bám chút ít thì đến đời sau nghèo khổ vô cùng. Bây giờ ta không tạo phước thì tương lai sẽ khổ mãi”.
Nghĩ xong, người chồng buồn bã than thở rồi khóc lóc rơi lệ trên tay người vợ. Người vợ liền hỏi chồng:
–Việc gì làm chàng không vui vậy?
Và nói kệ:
Vì sao quá buồn thảm
Chàng luôn luôn than thở
Nước mắt ướt tay em
Giống như lấy nước nhiễu?
Người chồng nói kệ đáp:
Tôi không có chút thiện
Để mang đến đời sau
Suy nghĩ việc này rồi
Cho nên tự buồn than.
Đời có ruộng phước lành
Tôi không hạt giống thiện
Thân này hoặc thân sau
Đói khổ khó lường được.
Đời trước không gieo giống
Đời này rất nghèo khổ
Nay nếu không gieo nhân
Tương lai không có quả.
Nghe kệ xong, người vợ nói với chồng:
–Chàng chớ nên buồn rầu nữa! Em là vợ chàng, bản thân lệ thuộc vào chàng. Nếu bán thân em, chàng sẽ có tiền của thì được mãn nguyện.
Nghe xong, người chồng vui mừng, nét mặt hớn hở bảo vợ:
–Nếu không có em, ta không thể nào sống được!
Rồi nói kệ:
Thân tôi và thân em
Giống như đôi uyên ương
Có thể cùng bán thân
Có tiền đem làm phúc.
Lúc ấy hai vợ chồng đến nhà trưởng giả thưa:
–Thưa trưởng giả, ông làm ơn cho chúng tôi vay vàng! Nếu sau một tháng không trả hết thì hai vợ chồng tôi sẽ thuộc về ông. Sau một tháng, nếu không trả hết số vàng chúng tôi sẽ làm phận nô tỳ. Trong vòng một tháng, chúng tôi có thể cúng dường các Tỳ-kheo Tăng.
Trưởng giả liền đưa vàng cho họ. Nhận được vàng, họ nói với nhau:
–Chúng ta có thể vào chùa Ly việt cúng dường chúng Tăng.
Người vợ hỏi chồng:
–Ngày nào cúng dường?
Người chồng đáp:
–Ngày mười lăm.
Người vợ lại hỏi:
–Tại sao lại ngày mười lăm?
Bây giờ người chồng nói kệ đáp:
Thế gian ngày mười lăm
Các Thiên vương Câu-tỳ
Đi xem xét thế gian
Đây là lời Phật dạy
Muốn cho người trời biết
Thế nên ngày mười lăm.
Đến ngày mười ba, hai vợ chồng tận lực chuẩn bị đầy đủ thức ăn đem đến chùa thưa với vị tri sự:
–Thưa Đại đức, sáng ngày mười lăm xin Đại đức giữ chúng Tăng lại chùa và nhận lời mời của con.
Vị tri sự đáp:
–Được.
Ngày mười bốn, hai vợ chồng ở lại đêm trong chùa, nói kệ để tự khuyên bảo nhau:
Tự khuyên nhủ thân mình
Chớ nên sợ mệt nhọc
Nay mình được tự tại
Phải nên làm hết sức
Sau bị người quản thúc
Hành động không tự do
Chỉ uổng công khổ nhọc
Chẳng có lợi ich gì.
Nói kệ xong, suốt đêm hai vợ chồng không ngủ được, cứ lo nấu nướng thức ăn ngon để đến sáng mai là hoàn tất. Người chồng nói với người vợ:
–May quá! Đã xong hết rồi, chúng ta được mãn nguyện trong ngày tốt này, bán có một thân này mà trong trăm ngàn thân thường được giàu có.
Lúc ấy, có vị vua một nước nhỏ dọn các thức ăn uống rồi đến chùa thưa:
–Bạch chư Đại đức, cúi xin chư Tăng nhận sự cúng dường của con!
Vị tri sự nói:
–Thưa đại vương, vừa rồi chư Tăng chúng tôi có nhận lời mời của người khác rồi. Xin ngài đợi ngày khác!
Đức vua ân cần mời thỉnh:
–Thưa Đại đức, con có nhiều việc cần gấp, xin Đại đức nhận lời mời của con!
Chư Tăng im lặng không trả lời. Đức vua nói với vợ chồng người kia:
–Hôm nay, đích thân trẫm đánh kiền chùy. Trẫm sẽ bồi thường lại thức ăn ngươi đã làm.
Nghe xong, hai vợ chồng hướng đến đức vua lạy sát đất rồi thưa:
–Tâu đại vương, vợ chồng con nghèo khổ không có gì cả, phải tự bán thân mình để thiết lễ cúng dường. Suốt đêm lo sắp xếp nấu nướng đã xong, chỉ có hôm nay được tự do cúng dường, đến ngày mai, thì chúng con bị người khác quản thúc, không còn tự do. Cúi xin ngài rủ lòng thương xót chớ nên giành ngày của chúng con!
Họ nói kệ:
Vợ chồng như uyên ương
Thiết cúng đã làm xong
Cúi xin nghĩ nhớ cho
Mai lệ thuộc người khác.
Vợ chồng thuộc người khác
Không thời gian làm phúc
Tự bán thân như thế
Chính vì muốn tu thiện
Nghe đầy đủ mọi việc, đức vua khen ngợi:
–Lành thay!
Và nói kệ:
Ngươi khéo hiểu lời Phật
Hiểu rõ ràng nhân quả
Hay đem thân giả dối
Đổi tài mạng vững chắc.
Ngươi chớ có sợ hãi
Cứ làm theo ý nguyện
Ta đem lòng thương xót
Lấy tiền của thưởng ngươi
Nay thân ngươi chịu khổ
Sau được nhiều lợi lạc.
Sau khi nói kệ xong, đức vua cho phép vợ chồng người kia cúng dường chúng Tăng và đem tài vật ban cho để đền bù lại chi phí, lại còn cấp phát tài sản để họ còn mưu sinh.
Hai vợ chồng người kia được hưởng phước báu ngay trong hiện tại, không còn thiếu thốn nữa.
CHƯƠNG 76
Người nào hết lòng giữ giới dù cho mất mạng vẫn được quả báo ngay trong hiện tại.
Tôi từng nghe:
Ở thành Nan-đề-bạt-đề có hai anh em Ưu-bà-tắc đều giữ năm giới. Bấy giờ, người em bỗng nhiên bị bệnh, hông sườn đau nhức, hơi thở thoi thóp. Thầy thuốc chẩn đoán bảo phải ăn thịt chó mới giết và uống rượu mới khỏi bệnh.
Bệnh nhân thưa:
–Thịt chó có thể mua ở ngoài chợ về ăn được, còn uống rượu thì tôi xin nguyện thà bỏ thân mạng, chứ nhất định không phạm giới.
Thấy bệnh tình của em nguy cấp, người anh mua rượu rồi bảo em:
–Em à, hãy bỏ giới uống rượu để trị bệnh!
Người em thưa:
–Anh à, dù bị bệnh nặng nhưng em nguyện thà bỏ thân mạng, nhất định không phạm giới để uống rượu.
Và nói kệ:
Lạ thay! Lúc sắp chết
Phá giới anh lạc ta
Dùng giới trang nghiêm thân
Không cần đồ tẩn táng.
Thân người đã khó được
Gặp giới pháp lại khó
Nguyện bỏ trăm ngàn thân
Không hủy phá cấm giới.
Vô lượng trăm ngàn kiếp
Mới gặp được giới pháp
Trong thế giới Diêm-phù
Thân người rất khó được.
Dù có được thân người
Nhưng chánh pháp khó gặp
Khi gặp được pháp bảo
Người ngu không biết giữ.
Người khéo phân biệt pháp
Việc này càng khó hơn
Giới báu vào tay tôi
Tại sao lại muốn đoạt
Chính là kẻ oán ghét
Chẳng phải quyến thuộc tôi.
Nghe kệ xong, người anh nói với em:
–Này em, anh vì tình cốt nhục nên không muốn để em chết.
Người em thưa:
–Anh chẳng phải thương yêu gì cả mà chính là hại tôi.
Và nói kệ:
Tôi muốn đến nơi tốt
Phá giới làm đọa lạc
Hại tôi mới như thế
Sao nói yêu thương tôi?
Tôi siêng tu tập giới
Mới sắp bị cướp đoạt
Trong năm giới đã giữ
Giới rượu là nặng nhất
Nay muốn ép tôi phá
Chớ nên nói thương tôi.
Người anh hỏi:
–Tại sao rượu là giới căn bản?
Người em nói kệ đáp lời anh:
Nếu ở trong giới cấm
Không hết lòng giữ gìn
Làm trái đạo Đại bi
Đầu cỏ có tẩm rượu
Còn không dám nếm thử
Vì thế nên tôi biết
Rượu là nhân đường ác.
Kinh dạy người tại gia
Nói ác báo của rượu
Chỉ có Phật biết rõ
Ai có thể lường được.
Phật dạy thân, miệng, ý
Ác hạnh của ba nghiệp
Riêng rượu là cội rễ
Đọa lạc trong ác hạnh.
Xưa kia Ưu-bà-di
Vì nhân duyên uống rượu
Phá bốn giới còn lại
Đây là kể hạnh ác.
Lại nói năm đại thí
Cũng là năm vô úy
Rượu là gốc phóng dật
Không uống, thoát đường ác.
Hay được tâm tin vui
Bố thí, bỏ keo kiệt
Thủ-la nghe Phật dạy
Được vô lượng lợi ích.
Tôi không có ý khác
Người muốn phá giới cấm
Nói tóm lại rằng là
Thà bỏ trăm ngàn thân
Không hủy phạm lời Phật
Thà để thân khô héo
Nhất định không uống rượu.
Giả sử hủy phạm giới
Sống được trăm ngàn năm
Không bằng giữ giới cấm
Thân bị chết tức thời.
Dẫu chắc chắn hết bệnh
Tôi vẫn không uống rượu
Huống nay chưa biết chắc
Là hết hay không hết
Tâm tôi vẫn quyết định
Trong lòng rất vui mừng.
Liền thấy được Chân đế
Bệnh tật liền tiêu trừ.
CHƯƠNG 77
Ai tin lời Đức Phật thì cho các luận ngoại đạo giống như lời nói của đứa bé khờ khạo điên cuồng. Thế nên, cần siêng năng học luận Phật pháp.
Tôi từng nghe:
Có một nước tên là Thích-già-la, vua của nước ấy là Lô-đầu-đà-ma thường xuyên đến chùa nghe pháp. Lúc Pháp sư nói về lỗi lầm uống rượu, đức vua liền vặn hỏi Pháp sư trên tòa cao:
–Bạch Đại đức, người nào cho người khác uống rượu sẽ mắc quả báo si cuồng, nhưng bây giờ có nhiều người uống rượu vẫn không mắc quả báo si cuồng?
Pháp sư chỉ các ngoại đạo, đức vua hiểu ý khen ngợi:
–Hay thay! Hay thay!
Lúc ấy, có ngoại đạo bàn tán với nhau:
–Pháp sư kia không hiểu biết gì cả, cứ chỉ không không mà thôi.
Đức vua bị Pháp sư lừa bịp, đã không hiểu còn khen suông “Hay thay!”.
Không ai có thể giải đáp câu hỏi này nhưng trong hội chúng cũng có người rất thông minh, nói kệ hỏi vì sao không giải đáp cho đức vua:
Pháp sư tài hùng biện
Khéo hay đáp nghĩa này
Vì thương xót các ngươi
Giữ gìn nên không nói.
Bọn ngoại đạo thưa:
–Tâu đại vương, ngài cho Pháp sư này lừa bịp hay thông suốt đạo lý?
Vua bảo:
–Điều mà ta hiểu có ý khác.
Vua thưa với Pháp sư:
–Bạch Đại đức, xin ngài giải thích rõ ràng ý nghĩa vừa rồi.
Vị Pháp sư đáp:
–Tâu đại vương, sở dĩ tôi chỉ ngoại đạo vì họ có tư tưởng khác nhau nên tâm điên đảo. Thế nên gọi là người cuồng si.
Vị Pháp sư liền nói kệ:
Không hẳn quỷ nhập thân
Gọi là người điên cuồng
Tâm tà kiến Dạ-xoa
Mới chính là điên cuồng,
Người cuồng si lầm lỗi
Không hiểu biết việc ấy.
Các ngươi có lỗi cuồng
Bậc Nhất Thiết Trí dạy:
Ngươi trái lời Chủng trí
Chạy theo các tà kiến.
Với thần biến hiện thấy
Làm nhục đại Tiên kia
Nói lỗi họ cấm ngăn
Điên cuồng trước đã đúng
Tại vì sao ta nói?
Gieo trăm ngàn nhân cuồng
Vì sao nói rõ ràng?
Nhảy vực, đêm vào lửa
Tự rơi từ đỉnh cao
Bỏ bố thí, trì giới
Theo mê tà cuồng điên
Không tu theo chánh hạnh,
Cuồng mê nhảy vào lửa
Làm hư hoại tịnh hạnh,
Uống, tắm nước sông Hằng
Gọi là theo chánh hạnh.
Bất tịnh và được mất
Có ý nghĩa thế nào?
Bán thịt, gom điều ác
Ba loại Thần túc biến
Ngoại trừ ba loại này
Lại cũng có thần biến.
Chỉ có mười hai pháp
Ngoài ra không có ngã
Hiện thấy Tiên thần biến
Lại thấy pháp mười ba.
Việc điên cuồng như thế
Kể ra có cả trăm
Hiện thấy nhảy vào lửa
Tự rơi từ đỉnh cao
Bởi vì muốn sinh Thiên.
Đó chỉ là tà kiến
Chẳng phải nhân sinh Thiên
Thí, giới khéo điều tâm
Tức là nhân sinh Thiên
Bán muối gây ác lớn
Tắm sông có thiện lớn
Như thế có nghĩa gì?
Được gọi là thiện ác
Bà-la-môn bán thịt
Là bị mất pháp rồi
Cầm đao cũng mất pháp
Nếu lại còn bán thịt
Đủ ba mươi sáu cân
Bại hoại Bà-la-môn
La sát đến ăn mật
Đều gọi là mất pháp
Thấy La-sát nếm mật
Cả hai đều có tội.
Dùng cân lừa dối người
Thiếu hụt gọi là trộm
Bán thịt thành sát sinh
Lúa, dê đều có mạng
Ăn lúa không phải giết
Dê, lúa đều nên ăn
Vì sao được ăn lúa
Mà không được ăn dê?
Các ngươi nói tự giết
Nhất định không sinh Thiên
Nhảy núi gieo xuống vực
Lại nói được sinh Thiên
Giết mình nói có tội
Ngươi nuôi dưỡng thân mình
Tại sao không được phước?
Xem xét không đúng lý
Là ngu si điên đảo
Do nhân duyên như vậy
Gọi các ngươi là cuồng.
Đây tức là ngu si
Biểu tướng của La-sát
Thế nên nói các ngươi
Thành tựu pháp điên cuồng.
Đó tức là nhân quả
Cho rượu và uống rượu
Sân hận là nhân si
Sân nhuế nên cấu uế
Hay thay đổi nhan sắc
Do nhân duyên như vậy;
Sân là vựa nhân đen
Uống rượu nhan sắc xấu
Hai việc này đều xấu.
Mục-liên thấy ngạ quỷ
Ngươi trước tự uống rượu
Nói không có tội báo
Cho nên trong hiện tại
Đã bị thân ngạ quỷ
Hoa báo đã như thế
Quả báo mới đến sau.
Khi các Bà-la-môn nghe việc này, ngay lúc ấy có nhiều ngoại đạo xuất gia.
CHƯƠNG 78
Người nào khéo phân biệt tôn kính công đức sẽ không mong mỏi vào dòng dõi.
Tôi từng nghe:
Ở thành Hoa thị, có hai vương tử chạy trốn về nước Đầu-mạt-đầu-la. Trong nước ấy có một nội quan tên Bạt-la-bà-nhã làm phụ tá cho vua, tự tay đem thức ăn cúng dường chúng Tăng.
Chúng Tăng thọ thực xong, ông sai người thu dọn thức ăn thừa trên cỏ đem vào cung, rồi hướng về đó làm lễ, sau đó mới ăn và đem phân chia cho người yêu mến. Ăn thức ăn dư kia có thể phá trừ bệnh ngã chấp, cho nên ông ta trước tiên lấy ăn rồi mới đưa cho hai vương tử.
Hai vương tử ăn xong, trong lòng cảm thấy ghê tởm nên đi ra ngoài ói mửa và nói:
–Người xuất gia xuất thân từ nhiều dòng họ. Bây giờ, chúng ta ăn thức ăn dư của họ rồi ói ra thì sau đó không có lỗi.
Nghe việc ấy, vị phụ tá cho vua nói:
–Hai đứa bé dại khờ này thật không biết gì cả!
Và nói kệ:
Được thức ăn thừa này
Người trí trừ tội lỗi
Ngươi ghê tởm chê bai
Đây gọi là trẻ dại.
Pháp Phật quán khi ăn
Ngoại đạo đều không có
Sa-môn quán khi ăn
Hay trừ phiền não chướng
Dùng đồ dư của Phật
Nên cung kính trên đầu
Tay cầm thức ăn dư
Nước rửa trừ tội lỗi.
Hôm sau vị phụ tá quốc vương không đưa thức ăn dư, nên người hầu hỏi:
–Thưa ngài, tại sao ngài không chia thức ăn cho hai vương tử?
Vị phụ tá quốc vương nói kệ:
Hai vị ấy không hiểu
Cơm dư của Sa-môn
Vì tự ỷ dòng họ
Ăn dư là bất tịnh.
Tâm họ không hoan hỷ
Thế nên ta không cho.
Không biết họ Sa-môn
Không ăn thừa của họ
Không biết dòng họ ta
Không nên ăn của ta.
Sa-môn sống mọi nơi
Không như dòng họ ta
Ta không bằng Sa-môn
Lại không ăn của ta.
Hoặc nói không dòng họ
Cũng không có tuổi tác
Như ngựa không giống nòi
Nội quan cũng như thế.
Nội quan đến mọi nơi
Không có định phương nào
Chỉ thấy ta giàu sang
Không xem dòng họ ta.
Vì chỉ thấy giàu sang
Nên ăn dư của ta
Không ăn của Sa-môn
Gọi đây là trẻ dại.
Tâm Sa-môn tự tại
Đầy đủ bảy thứ tài
Không ăn của Sa-môn
Mà ăn dư của ta,
Giống như lên nửa giếng
Không thấy được gì cả.
Thấy ta có thế lực
Được đức vua nhớ tưởng
Liền ăn dư của ta.
Sinh trong dòng Cam Giá
Thái tử vua Du-đầu
Dòng họ đến như thế
Không hơn được ta sao?
Thắng trí của Sa-môn
Không ai bằng hay hơn
Không xét dòng tộc họ
Mà chỉ xét đức hạnh.
Dòng họ làm điều ác
Cũng gọi là thấp hèn
Đủ giới, có trí tuệ
Gọi đây là tôn quý.
Nghe xong, hai vương tử thưa:
–Thưa ngài, ngài dạy chánh đạo tức là cha chúng tôi. Từ nay trở đi, chúng tôi kính cẩn vâng theo lời ngài đã dạy.
Và nói kệ:
Nay ngài nói dòng họ
Khác với lời phi pháp
Nhân hạnh không nhất định
Hiểu biết không định phương
Bàn luận đúng lý rồi
Không gọi là thiên kiến
Như điều ngài hiểu biết
Tức dòng họ tôn quý.
CHƯƠNG 79
Ai muốn biết rõ thần biến của Đức Phật thì nên đích thân đến cúng dường tháp Phật.
Tôi từng nghe:
Ở thành nước A-lê-xa-tỳ-già có tháp thờ móng tay của Đức Phật, gần tháp có cây Ni-câu-đà, bên cạnh có giếng nước. Khi ấy, có vị Bà-la-môn tâu với đức vua:
–Tâu đại vương, nếu ngài du hành sẽ thấy tháp kia. Tháp đó phá hoại phước đức của ngài. Quyền lực của ngài bao trùm cả cõi đất này, vậy nên phá bỏ tháp đó.
Đức vua tin lời vị Bà-la-môn liền ra lệnh cho quần thần:
–Các khanh hãy mau phá bỏ tháp đó cho ta! Ngày mai khi ra ngoài, chớ để ta thấy nữa!
Khi ấy Thần linh trong thành và dân chúng đều buồn khóc. Các Ưu-bà-di thiết lễ cúng dường, người đốt đèn nói:
–Bây giờ là lần cuối cùng chúng ta cúng dường!
Có một Ưu-bà-tắc ôm tháp khóc thảm thiết rồi nói kệ:
Nay con ôm lần cuối
Chân nền tháp Thế Tôn
Như Tu-di ngã nhà
Ngày nay bị phá hoại.
Tháp Thập Lực Thế Tôn
Giờ đây sẽ không còn
Nếu con có lỗi lầm
Xin cho con sám hối
Chúng sinh không còn thấy
Biểu tướng của Đức Phật.
Lúc ấy, các Ưu-bà-tắc cùng nói:
–Bây giờ có thể trở về nhà, chúng ta không thể đứng nhìn người ta phá hoại tháp được!
Sau đó, vua đích thân sai người đem dụng cụ đến đập phá. Khi họ đến đó thì tháp và cây không còn nữa. Họ nói kệ:
Lạ thay! Thật kỳ quái.
Cả thành đều hét lên
Giống như làn sóng biển:
Không thấy tháp Thập lực.
Ni-câu-đà và giếng
Không biết ở nơi nào.
Tất cả Bà-la-môn
Đều xấu hổ sợ hãi.
Đức vua nghe việc ấy
Sinh lòng rất thán phục.
Khi ấy vua nghĩ rằng:
Ai đem tháp này đi
Đích thân đi đến tháp
Chẳng thấy tháp ở đâu.
Bấy giờ đức vua sai cả ngàn người cỡi voi, phóng ngựa tìm kiếm khắp nơi. Một bà lão bên đường thấy nhiều người đi lại vội vã hỏi họ:
–Các ông làm gì vậy?
Họ đáp:
–Chúng tôi đi tìm tháp và cây.
Bà lão nói:
–Hồi nãy ở bên đường, tôi thấy một việc rất lạ. Có một cái tháp cùng với cây Ni-câu-đà bay trên không, còn cái giếng thì tôi không nhớ. Tôi chỉ thấy nhiều người, đầu đội thiên quan, đeo vòng hoa, thân mang nhiều hoa đem tháp đi. Khi thấy họ đi qua, tôi cho là kỳ lạ.
Nói xong, bà lão chỉ hướng tháp đi. Nghe xong, mọi người đem đầy đủ mọi việc về tâu vua. Đức vua rất vui mừng nói kệ:
Tháp kia tự bay đi
Hay là bay lên trời
Lòng tôi rất kính tin
Và hết sức vui mừng
Nếu tôi phá tháp đó
Sẽ đọa vào địa ngục.
Đức vua liền hướng về chỗ tháp thiết lễ cúng dường lớn. Tháp ấy hiện này được gọi là Tự di. Tháp, cây và giếng ở cách thành Tỳ-già ba mươi dặm.
CHƯƠNG 80
Tháp Phật có oai thần lớn. Vì vậy, nên cúng dường tháp Phật.
Tôi từng nghe:
Nước Trúc-xoa-thi-la có chùa tháp do vua Ba-tư-nặc xây cất bị hỏa hoạn. Đức Phật còn để lại đó một cái bậc cửa hư.
Bấy giờ vua nước ấy tên là Câu-sa-đà-na. Có một thầy Tỳ-kheo cầu xin đức vua:
–Tâu đại vương, tôi đang làm bậc cửa cho tháp, xin ngài cho tôi cây.
Có cây lớn nhưng vua không tiếc giữ, liền nói:
–Trừ cây cối trong nội cung của trẫm ra, còn bao nhiêu cây khác đều được lấy.
Được vua cho phép rồi, các thầy Tỳ-kheo tìm kiếm cây khắp mọi nơi. Lúc đó có một ao nước lớn ở ven một thôn nọ, trên bờ cỏ cây Thủ-già to lớn được rồng giữ gìn. Vì rồng dữ kề cận, nên không người nào dám chạm đến cây. Cây ấy rất to lớn. Nếu có người nào đến lấy cành là, có thể bị rồng giết chết. Do đó, không ai dám đến gần cây.
Có người mách với thầy Tỳ-kheo:
–Bạch Đại đức, ở đó có cây to.
Thầy Tỳ-kheo liền dẫn nhiều người đem theo búa rìu muốn đến đó đốn chặt, thì lại có người thưa:
–Bạch Đại đức, con rồng đó rất dữ.
Thầy Tỳ-kheo nói:
–Ta làm Phật sự nên chẳng sợ rồng dữ.
Lúc ấy, có vị Bà-la-môn phụng sự thưa với thầy Tỳ-kheo:
–Bạch Đại đức, con rồng đó rất dữ, nếu chặt cây ấy sợ có nhiều điều tổn hại. Xin thầy chớ chặt phá!
Bà-la-môn nói kệ:
Thầy không nghe mà chặt
Vì tham lam làm ác
Thầy nên bỏ tất cả
Thầy phải nhớ việc này
Thường nên tự giữ gìn
Chớ nên vì cây kia
Tự đi đến tổn hại
Thầy Tỳ-kheo nói kệ:
Ông là con rồng dữ
Nên tự mình cống cao
Tôi nương vào Đức Phật
Nhờ đó cũng lên cao
Xem sức người, ta hơn
Thế lực ta như vậy.
Làm cho mọi người thấy
Vì ta cung kính Phật
Nên hy sinh thân mạng
Với bầy rồng dữ tợn.
Vì ông làm rồng chúa
Có ý rất cung kính
Phật là Nhu Điều Tịch
Và là vua trong chúng
Nay tôi cũng cung kính
Như Lai Bà-già-bà
Ai hàng phục rồng dữ
Nên được làm đệ tử.
Thầy Tỳ-kheo cùng với thầy Bà-la-môn tranh lý lẽ nhân đó kình cãi nhau. Khi chặt cây, thầy Tỳ-kheo cũng không thấy hiện có hiện tượng mây sấm đổi khác xảy ra.
Thấy như thế, vị Bà-la-môn nói kệ:
Trước, ai lấy cành lá
Nổi mây sấm sét đánh
Thầy dùng thần chú nào
Bị chết đến đời sau.
Nói kệ xong, vị Bà-la-môn đi ngủ và mộng thấy rồng dữ hướng về mình nói kệ:
Ngươi chớ có sân hận
Đây là được cúng dường
Chẳng phải khinh khi ta
Đích thân ta cõng tháp
Nên ta không tiếc giữ
Tháp Thập Lực Thế Tôn
Ta làm sao giữ được?
Rừng này cây tự mọc
Để làm tháp của Phật
Như thế cây tự mọc
Làm sao luyến tiếc được?
Lại có lý do khác
Sẽ nói rõ ngươi nghe:
Ta không có thế lực
Long vương Đức-xoa-ca
Tự đến lấy cây này
Ta làm sao giữ được?
Long vương Y-la-bát
Cho đến Tỳ-sa-môn
Tự đích thân đến đây
Ta đâu có thế lực
Để chống cự lại họ!
Oai đức các Thiên, Long
Như Lai đời hiện tại
Cho đến sau diệt độ
Người xây dựng tháp miếu
Hai việc đó như nhau.
Có nhiều người đắc đạo
Trời, Người và Dạ-xoa
Danh vang khắp mười phương
Thế giới không ai bằng.
Do tiếng tăm như thế
Tháp cửa treo linh báu
Tiếng linh rất hòa nhã
Xa gần đều nghe biết.
Nghe kệ xong, Bà-la-môn tỉnh dậy, lập tức xuất gia.
CHƯƠNG 81
Tôi từng nghe:
Có một bà lão, mang bình váng sữa đang đi giữa đường, thấy cây Yêm-ma-lặc liền hái quả ăn. Ăn xong lại khát nước, bà liền tìm giếng xin nước uống và được người xách nước đưa cho. Vì trước đó ăn quả Yêm-ma-lặc nên bà cho rằng có vị ngon ngọt giống như đường phèn.
Bà nói với người kia:
–Tôi đem bình váng sữa đổi bình nước của ông.
Người xách nước thuận lời, đưa cho bà một bình nước. Được nước rồi, bà lão mang về nhà. Vừa đến nhà thì vị ngọt của quả Yêmma-lặc đã ăn lúc trước cũng vừa hết, nên khi uống thì chỉ có vị lạt như nước, ngoài ra không có mùi vị nào khác. Bà liền mời bà con đến nếm thử. Họ đều nói:
–Nước có mùi hôi thối của dây mục nát hòa lẫn với bùn rất gớm ghiếc, tại sao bà đem về đây?
Nghe mọi người nói xong, bà tự lấy uống thử, rồi hối hận: “Tại sao tôi lại đem váng sữa tốt đổi lấy nước hôi thối này?”
Tất cả chúng sinh, người phàm phu cũng lại như thế. Vì ngu si không trí tuệ nên đem bình váng sữa công đức đời vị lai đổi lấy bốn bình điên đảo hôi thối mà cho là thơm ngon, về sau mới biết chẳng phải chân thật, nên rất hối hận. “Trời ơi! Tại sao ta đem bình váng sữa công đức đổi lấy thứ nước điên đảo hư thối”. Và nói kệ:
Than ôi! Tại sao tôi
Đem ba nghiệp thanh tịnh
Mà đổi lấy các hữu
Như đem váng sữa ngon
Đổi lấy nước hôi thối.
Vì ăn Yêm-ma-lặc
Lưỡi không biết mùi vị
Nước thối gọi cam lộ.
CHƯƠNG 82
Tôi từng nghe:
Có vợ một vị trưởng giả bị mẹ chồng giận rượt chạy vào rừng muốn giết hại nhưng không được, cô ta leo lên cây. Dưới cây có ao nước, bóng cô ta hiện dưới nước. Khi ấy, có một nô tỳ mang vò lấy nước, thấy bóng dưới nước ngỡ là bóng của mình, nên nói như vầy:
–Lúc này, dung mạo của ta xinh đẹp như thế, tại sao phải lấy nước cho người khác?
Rồi cô đập bể vò, đi về nhà thưa với chủ nhà:
–Thưa ông, dung mạo con nay xinh đẹp như vầy, tại sao ông lại sai con mang vò lấy nước chứ?
Lúc đó, ông chủ nói:
–Con nô tỳ này đã bị ma nhập, nên mới làm việc ấy.
Ông ta lại đưa một cái vò khác bảo đến ao lấy nước, cô vẫn thấy cái bóng kia dưới nước liền đập vỡ cái vò. Người vợ của vị trưởng giả ở trên cây thấy vậy liền mỉm cười.
Thấy bóng người, nô tỳ tự tỉnh mộng ngước lên thấy người phụ nữ ở trên cây mỉm cười; người phụ nữ xinh đẹp ấy mặc y phục khác mình mới đâm ra xấu hổ.
Vì nhân duyên gì nói thí dụ này? Vì những bọn người tà kiến ngu si. Ví như dầu Chiêm-bặc thoa lên tóc, do mê mờ không biết, nên họ cho rằng đầu tôi tỏa ra mùi hương này. Cho nên nói kệ:
Bột hương để thoa thân
Và xông y, anh lạc
Tâm mê lầm cũng vậy
Cho thân mình tỏa hương
Như tớ gái xấu xa
Thấy bóng người tưởng mình.
CHƯƠNG 83
Mèo con được mẹ sinh ra, nuôi đến lớn. Nó hỏi mẹ:
–Mẹ à, những thứ gì con ăn được?
Mèo mẹ bảo:
–Này con, loài người sẽ dạy cho con.
Đêm đến, nó vào nhà người ta và núp trong cái hủ. Có người thấy được liền bảo:
–Các thứ tô, sữa, thịt rất ngon, hãy lấy vung đậy lại! Còn gà con đưa lên cao, chớ để mèo ăn.
Lúc ấy, mèo con mới biết gà, tô, sữa, lạc đều là thức ăn của mình.
Vì nhân duyên gì mà nói ví dụ này? Đức Phật thành đạo Chánh đẳng Chánh giác, đầy đủ mười lực, tâm nguyện đã mãn, đem tâm đại bi cứu độ nhiều nơi.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Ta nên dùng phương pháp nào để hóa độ chúng sinh?”. Đấng Đại Bi tự đáp: “Tất cả tâm hạnh của chúng sinh đều hiển hiện. Ta dùng tha tâm trí quán sát phiền não, tất cả các hành tham dục, sân nhuế, ngu si… tăng trưởng trong chúng sinh suốt ngày đêm, tưởng thường, tưởng lạc, tưởng tịnh, lần lượt nương nhau”.
Ngài dạy: “Không thể nào làm tăng trưởng pháp vô thường, khổ, không, vô ngã. Như Lai đã biết như vậy, nên ngài nói các pháp đối trị tà kiến cho chúng sinh. Như Lai thuyết pháp vi diệu thậm thâm, khó hiểu, khó thâm nhập, gọi là đạo giải thoát.”
Tại sao ngài thuyết pháp này cho chúng sinh? Vì các chúng sinh có tà kiến điên đảo. Ngài quán sát biết được như thế, liền tùy theo căn cơ của họ mà nói pháp yếu.
Chúng sinh tự có bao nhiêu nghiệp khác nhau. Vì vậy nên biết rằng Đức Như Lai thuyết pháp đối trị phá trừ điên đảo giống như vì mèo con nên đậy thịt, tô, sữa.
CHƯƠNG 84
Tôi từng nghe:
Ở một nước nọ, có một thí chủ dựng một trụ đá rất cao lớn. Ông ta chặt bỏ thang dây bắt lên trụ để người thợ kia ở trên chót trụ. Vì sao vậy? Vì sợ người thợ kia còn sống sẽ đến nơi khác xây dựng trụ khác đẹp hơn trụ này.
Đêm ấy, cả gia đình quyến thuộc của người thợ kia tụ họp bên trụ đá rồi nói với anh ta:
–Bây giờ làm sao ông xuống được?
Lúc ấy người thợ đã có rất nhiều phương chước. Anh ta xé vải áo có chiều dài gấp đôi thả xuống dưới trụ. Thân quyến anh liền lấy sợi dây to cột vào sợi dây áo, anh kéo lên, cầm lấy sợi dây to rồi nói với thân quyến:
–Bây giờ các ngươi có thể bện dây to vào dây nhỏ.
Thân quyến nghe theo lời anh cứ lần lượt làm như thế. Cuối cùng, họ thắt được một sợi dây to lớn. Bây giờ, người thợ dùng dợi dây tuột xuống dưới.
Nói trụ đá là dụ cho sinh tử. Dây thang dụ cho giáo pháp của Đức Phật quá khứ đã diệt. Nói thân quyến là dụ cho chúng Thanh văn. Sợi dây áo dụ cho Định và Tuệ của Đức Phật quá khứ. Chiều dài sợi dây áo dụ cho tín tâm. Cột dây lớn dụ cho gần bạn lành được nghe nhiều. Dây nhỏ là dây nghe nhiều nhờ vào dây Trì giới, dây Trì giới nhờ vào dây Thiền định, dây Thiền định nhờ vào dây Trí tuệ.
Sợi dây to cột chắc chắn dụ cho sinh tử trói buộc. Từ trên xuống dưới dụ cho sinh tử.
Lấy Tín làm sợi dây
Đa văn và Trì giới
Giống như sợi dây to
Giới, Định là dây nhỏ
Trí tuệ là dây to
Đi xuống trụ sinh tử.
CHƯƠNG 85
Tôi từng nghe:
Có một vị vua ở nước nọ sắp tuyệt tự. Mọi người đến ép buộc người dòng họ của vua trước đó đã vào rừng học đạo tu Tiên để về làm vua. Vua theo người hầu trải chỗ nằm hỏi y phục cho đến thức ăn uống. Người này tâu với vua:
–Tâu đại vương, mỗi việc đều có quan trông coi. Bây giờ đại vương không nên mỗi việc theo hỏi con, con chỉ biết việc trải chỗ nằm, còn tắm, giặt, y, thực có người khác, chẳng phải việc của con đảm đang.
Do ví dụ này có thể biết tất cả các nghiệp giống như người trải chỗ nằm cho vua, nói mỗi việc đều có quan trông coi. Nghiệp cũng như vậy, đều không giống nhau, về hình sắc không bệnh thì các vật đáng yêu. Các nghiệp về trí đều khác biệt, có nghiệp được vô bệnh, có nghiệp được sắc lực xinh đẹp, đoan trang. Như Tiên nhân kia theo người hầu trải chỗ nằm đòi lo đủ mọi vật, trọn không thể được.
Ai sinh dòng họ trên không hẳn giàu có, các nghiệp thọ báo đều sai khác, không do một nghiệp mà chịu mọi thứ quả báo. Ai tạo nghiệp đoan chánh, sẽ được sắc lực đoan trang xinh đẹp, giàu có lẽ ra phải từ nghiệp khác. Vì vậy, người trí phải nên tu tập mọi thứ tịnh nghiệp để được mọi thứ quả báo khác nhau.
Vô bệnh, sắc, chủng tộc
Trí năng, nhân khác nhau
Như vua Tiên nhân kia
Đòi người làm mọi việc.
CHƯƠNG 86
Tôi từng nghe: Có một vị vua nước nọ, nuôi nhiều ngựa tốt. Gặp lúc đánh nhau, vua nước láng giềng mới biết vua nước này có nhiều ngựa tốt, nên lập tức rút lui.
Bấy giờ, đức vua suy nghĩ: “Trước đây ta nuôi ngựa mưu toan chống cự nước địch, giờ đây quân địch đều rút lui, ta còn nuôi ngựa làm gì? Ta đem số ngựa này thay thế sức người để ngựa không hao tổn mà người lại có lợi ích nữa”.
Nghĩ xong, vua ra lệnh cho quan hữu ty đem bầy ngựa phân phát cho mọi người. Người ta dùng nó kéo cối xây trải qua nhiều năm.
Sau đó, nước láng giềng lại đến xâm chiếm bờ cõi. Đức vua ra lệnh lấy ngựa lại để đem ra chiến đấu. Vì ngựa dùng kéo cối xay nên chúng cứ đi vòng quanh chứ không chịu tiến tới được. Nếu lấy roi quất nó cũng không chịu đi.
Chúng sinh cũng như vậy. Nếu muốn được giải thoát, phải nhờ vào tâm, nếu cho rằng thọ năm dục sau mới được giải thoát thì thần chết đã đến mà tâm ý còn đeo bám năm dục lạc không thể thẳng tiến để được giải thóat.
Cho nên nói kệ:
Bậc trí nên điều tâm
Chớ đắm trước năm dục
Vốn không điều được tâm
Lâm chung sinh luyến ái.
Tâm đã không điều thuận
Làm sao được tịch tĩnh
Tâm thường mê ngũ dục
Mê man không thể tỉnh
Tâm đã không điều thuận
Làm sao được thanh tịnh?
Tâm đắm say ngũ dục
Mê muội không giác ngộ
Như ngựa không tập luyện
Đánh trận mà đi vòng.
CHƯƠNG 87
Lại nữa, tôi từng nghe: Có một vị vua bị bệnh nặng, các lương y trong nước đều bó tay.
Lúc ấy, có một lương y từ xứ xa đến trị lành bệnh cho đức vua.
Đức vua rất vui mừng, nghĩ như vầy: “Ta được lương y cứu chữa, bây giờ phải đền đáp trọng hậu cho ông ta”. Nghĩ xong, đức vua bảo riêng người hầu cận:
–Ngươi hãy mang nhiều tài vật đến chỗ vị lương y kia ở cất nhà, sắm đủ mọi vật dụng nuôi sống như nhân dân, ruộng đất, trâu, ngựa, voi, dê, tôi trai, tớ gái… tất cả vật dụng của cải đều không được thiếu thứ gì.
Làm xong mọi việc, đức vua bảo vị lương y trở về nhà. Trước mắt, không thấy vua có gì làm quà cho lời giao ước, vị lương y đành phải tay không trở về nhà mà trong lòng rất hận.
Sắp đến nhà, trên đường gặp trâu dê, voi, ngựa nhưng ông ta không biết gì cả chỉ hỏi là ai cho. Mọi người đều nói tên của vị lương y và trâu ngựa này là của ông ta. Vừa đến nhà, lương y thấy nhà cửa của mình tráng lệ, trang trí giường màn, thảm… các vật dụng bằng vàng bạc, còn vợ ông ta đeo anh lạc và đủ thứ y phục. Thấy thế, ông ta rất kinh ngạc, giống như đang ở cung trời.
Ông hỏi vợ:
–Này bà, sao bà được giàu sang như thế?
Người vợ thưa:
–Ông không biết sao? Do ông trị hết bệnh cho vua, nên ngài đền đáp công ân của ông.
Nghe xong, người chồng vui mừng suy nghĩ: “Đức vua rất có đức, biết tri ân báo ân hơn cả ta trông mong. Do ta cạn cợt, lúc đầu thấy không được gì nên trong lòng căm hận”.
Lấy chuyện trên làm ví dụ, nay sẽ nói ý nghĩa:
Lương y dụ cho nghiệp lành.
Vua không cho gì dụ cho chưa được hiện báo.
Thân không được gì như vị lương y kia không thấy vật giao ước cho là không được gì nên đem lòng căm hận. Như người đang làm điều thiện thấy chưa có quả báo nên trong lòng rất giận ghét và cho là: “Tôi không được gì”.
Đi về nhà giống như bỏ thân này hướng đến đời sau, thấy đàn trâu, dê, voi, ngựa như từ thân trung ấm thấy đủ thứ tướng tốt mới nghĩ: “Do ta tu điều lành nên được quả báo tốt này, chắc chắn sinh lên cõi trời”.
Đã đến cõi trời là dụ cho vào trong nhà thấy mọi thứ đầy đủ mới có tâm kính trọng, biết là nhờ sự báo ân của vua.
Đàn-việt thí chủ được sinh Thiên rồi mới biết Bố thí, Trì giới nhận quả báo như thế và biết rõ lời Phật là chân thật, không hư dối.
Tu chút ít nghiệp lành sẽ được quả báo vô lượng. Vì vậy nên nói kệ:
Khi cho chưa thấy qua
Tâm có ý nghi hối
Nói uổng công mệt sức
Rốt cuộc không được gì.
Đã được thân trung ấm
Mới thấy tướng mạo tốt
Như lương y về nhà
Trong lòng rất vui vẻ.
CHƯƠNG 88
Lại nữa, từng nghe:
Có hai cô gái đều được quả Yêm-la. Trong đó, có một cô ăn vứt hột, còn một cô ăn xong giữ hột lại.
Cô giữ hột lại thấy quả Yêm-la ngon, đem trồng vào đám đất tốt, tưới bón đúng thời nên cây lớn ra quả tốt như người thế gian kia làm cội lành, lại tu nhiều nghiệp lành, sau được quả báo.
Người vứt hạt cũng giống như người không biết nghiệp lành, cuối cùng không tu tạo nên không thu hoạch được gì mới ôm lòng hối hận. Do vậy nên nói kệ:
Giống như được ăn quả
Ăn xong không giữ hạt
Sau thấy người ăn quả
Mới ôm lòng hối hận
Cũng như cô gái kia
Đem hột trồng được quả
Trong lòng rất vui mừng.
CHƯƠNG 89
Lại nữa, từng nghe:
Thuở xưa có thầy Tỳ-kheo Tu-di-la có tài giỡn cợt. Thầy cùng với vua nói cười vui vẻ, rất xứng ý.
Bấy giờ, thầy Tỳ-kheo muốn lập Tăng phường nên theo vua xin đất. Vua nói:
–Này Đại đức, thầy hãy chạy nhanh không nên ngừng nghỉ, đến hết chỗ nào thì đó là đất trẫm cho thầy.
Thầy Tỳ-kheo sửa soạn y phục, lập tức chạy nhanh. Tuy mỏi mệt nhưng vì tham đất, nên thầy vẫn không dừng nghỉ. Sau quá mệt, không thể chạy nổi, thầy nằm xuống đất để bò đi. Trong chốc lát lại mệt nhừ, thầy lấy gậy phóng đi và nói:
–Đến chỗ có dấu trượng đều là đất của tôi.
Đã nói ví dụ, tôi nay sẽ nói ý nghĩa tương đương:
Như muốn lấy đất, thầy Tỳ-kheo Tu-di-la dù mỏi mệt vẫn không dừng nghỉ. Đức Phật cũng như thế, vì muốn cứu độ tất cả chúng sinh.
Ngài đã suy nghĩ: “Làm sao để chúng sinh được hưởng vui ở cõi trời, người, cho đến được giải thoát?”
Giống như Tu-di-la chạy không dừng nghỉ, Đức Phật Bà-già-bà cũng lại như thế. Ngài đã điều phục những vị như: Ưu-lâu-tần-loa Cadiếp, Ương-quật-ma-la. Có nhiều chúng sinh có thể hóa độ được thì lúc ấy Thế Tôn liền đến hóa độ.
Như Tỳ-kheo Tu-di-la đã mỏi rồi mà còn bò đi, Đức Phật cũng như vậy. Độ các chúng sinh đã khổ nhọc rồi, Ngài đem thân ngũ ấm này nằm nghỉ giữa hai cây Ta-la. Như cây Ca-thi-ca bị chặt gốc thì phải ngã. Dù chỉ tựa mình dưới hai cây để nghỉ, ngài vẫn nhất quyết không bỏ tâm tinh tấn, độ cho các lực sĩ Câu-thi-la và Tu-bạt-đà-la.
Giống như thầy Tu-di-la, vì muốn lấy được đất nên phóng gậy để lấy đất. Đức Phật cũng như thế, vì muốn cứu độ chúng sinh, nên Ngài nhập Niết-bàn lưu lại xá-lợi, làm tám hộc bốn đấu để chúng sinh được lợi ích. Loại xá-lợi nát nhỏ như những hạt cải, nhưng người nào đến nơi cúng dường xá-lợi ấy thì chẳng khác gì cúng dường Đức Phật, làm cho họ đều được vào Niết-bàn. Do vậy nên nói kệ:
Đích thân Như Lai độ
Ông Ưu-lâu-tần-loa
Quyến thuộc và đồ đảng
Ưu-già Ương-quật-ma.
Sức tinh tấn thiền độ
Lúc nằm nghỉ cuối cùng
Còn độ các lực sĩ
Và Tu-bạt-đà-la.
Vì muốn độ chúng sinh
Phân chia các xá-lợi
Cho đến để lại pháp
Đều là cúng dường ta
Như Tu-di-la kia
Phóng gậy để được xa.
CHƯƠNG 90
Lại nữa, tôi từng nghe:
Trong thôn Bát-la-vu-la, ở nước Trúc-xoa-thi-la hiện giờ vẫn còn ngôi chùa do vị thương gia Xưng-già-bạt-tra xây dựng.
Trước kia Xưng-già-bạt-tra là con của trưởng giả giàu có, về sau bị sa sút đến nghèo nàn. Tất cả bà con quyến thuộc đều khinh chê, không xem ông như người trước đây nữa. Ông buồn rầu bỏ nhà ra đi và cùng với bạn bè đến nước Đại tần lập nghiệp, được nhiều của báu mới trở về quê cũ.
Khi nghe việc ấy, bà con quyến thuộc dọn các thức ăn uống, hương hoa, kỹ nhạc ở trên đường để đón tiếp.
Lúc ấy Xưng-già-bạt-tra mặc áo xấu xí đi phía trước bạn bè.
Trước kia ông nghèo hèn, tuổi tác lại nhỏ; sau đó giàu có, tuổi tác lại lớn nên bà con đón tiếp không biết mặt ông.
Họ hỏi ông:
–Xưng-già-bạt-tra đang ở đâu?
Ông liền nói:
–Hiện giờ, ông ta còn ở phía sau.
Họ đến giữa bạn bè của ông hỏi:
–Này các ông, Xưng-già-bạt-tra đang ở đâu?
Bạn bè ông đáp:
–Người đi phía trước chính là ông ta.
Bà con đến chỗ ông nói:
–Ông là Xưng-già-bạt-tra, tại sao nói với tôi là ở sau?
Xưng-già-bạt-tra nói:
–Xưng-già-bạt-tra chẳng phải là tôi. Ông ta đang cỡi lừa ở giữa bạn bè. Vì sao? Vì thân tôi trước đây bị bà con khinh chê không hỏi han, bà con khinh chê không hỏi han, sau nghĩ tôi giàu có mới chịu đón tiếp. Do vậy, tôi cố ý cỡi lừa đi sau.
Bà con nói:
–Ông nói cái gì vậy? Chúng tôi không hiểu!
Xưng-già-bạt-tra đáp:
–Lúc tôi nghèo nàn, không thấy các ông nói tiếp đãi. Bây giờ, thấy tôi giàu có mới dọn đủ thức ăn để đón tiếp. Như vậy, là vì tiền tài mà đến chứ không phải vì tôi.
Ví dụ này dụ cho Đức Thế Tôn. Xưng Già-bạt-tra vì có được tài vật nên được bà con quê cũ thiết lễ đón tiếp. Như Lai cũng vậy, sau khi được thành Phật rồi thì Người, Trời, Quỷ, Thần, các Long vương mới đến cúng dường. Họ chẳng phải đến cúng dường Đức Phật khi Ngài chưa đắc đạo và chưa có công đức, Ngài không hề được các chúng sinh nói đến huống gì lại cúng dường. Vì vậy nên biết họ cúng dường công đức Phật chứ không phải cúng dường Đức Phật. Dù được tất cả Trời, Người… cúng dường, Ngài cũng không có sự thêm bớt là do khéo quán kiến như vậy.
Trời, Người, A-tu-la
Dạ-xoa, Càn-thát-bà
Như thế các chúng sinh
Dù cúng dường thật nhiều
Phật cũng không hoan hỷ
Do khéo quán sát vậy.
Vì cúng dường công đức
Chẳng phải cúng dường Ta
Như xưng Già-bạt-tra
Chỉ dạy các quyến thuộc
Nói mình đang ở sau
Dụ đó cũng như vậy.