SỐ 201
ĐẠI TRANG NGHIÊM KINH LUẬN
Tác giả: Bồ-tát Mã Minh.
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 12
CHƯƠNG 64
Pháp Phật khó được nghe. Thuở xưa, khi Đức Như Lai còn tu hạnh Bồ-tát, không tiếc thân mạng để cầu giáo pháp. Thế nên, chúng ta phải siêng năng tinh tấn nghe pháp.
Tôi nghe thí dụ về con chim bồ câu rằng:
Thuở xưa, có vị Pháp sư tà kiến nói pháp điên đảo cho Thích Đề-hoàn Nhân nghe. Vị Pháp sư ngoại đạo kia không có trí tuệ chân chánh mà tự xưng là Bậc Nhất Thiết Trí, nói rằng không có đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Trời Đế Thích nghe nói như vậy trong lòng không vui, sinh tâm buồn. Đế Thích nhìn xem các thế gian, có những vị tu hành khổ hạnh cùng cực để tìm cầu Nhất thiết trí, như trong kinh Đế Thích
Vấn có bài kệ:
Nay tâm ta mong cầu
Mà không được đầy đủ
Ngày đêm cứ thắc mắc
Chẳng biết đúng hay sai.
Từ lâu xa đến nay
Ta thường nghĩ tìm khắp
Chẳng biết Bậc Chân Tế
Hiện giờ ở nơi đâu?
Tỳ-thủ-yết-ma bạch với trời Đế Thích:
–Ở cõi trời ngài không nên lo buồn. Nước Câu-thi ở dưới trần gian có vị vua hiệu là Thi-tỳ, rất siêng năng tinh tấn tu hành khổ hạnh cầu đạo Chánh đẳng Chánh giác. Người có trí tuệ quán sát thấy nhà vua ấy không bao lâu sẽ thành Phật, ngài hãy đến gần gũi học hỏi.
Đế Thích đáp:
–Việc làm của nhà vua ấy không thay đổi chăng?
Đế Thích liền nói kệ:
Giống như cá đẻ trứng
Tuy nhiều nhưng nở ít
Lại như quả Am-la
Sống chín khó phân biệt,
Bồ-tát cũng như vậy
Người phát tâm tuy nhiều
Thành tựu thì rất ít.
Nếu hành hạnh khó khổ
Mà không bị lui sụt
Có thể nói chắc được
Muốn biết bậc Bồ-tát
Phải giữ tâm vững chắc.
Tỳ-thủ-yết-ma nói:
–Bây giờ chúng ta nên đi đến xem thử, nếu thật tâm nhà vua bất động thì ta phải cúng dường.
Lúc bấy giờ trời Đế Thích vì muốn xem xét tâm của vị Bồ-tát, nên tự biến thành con chim ưng, nói với Tỳ-thủ-yết-ma: “Thầy hãy hóa thành con chim bồ câu”. Tỳ-thủ-yết-ma liền hóa thành chim bồ câu, thân màu xanh da trời, mắt như hạt châu đỏ, bay về chỗ trời Đế Thích. Đế Thích sinh tâm thương xót nói với Tỳ-thủ-yết-ma:
–Vì sao chúng ta lai sinh tâm bức xúc đối với Bồ-tát, gây sự khổ não cho vua Thi-tỳ. Tuy nhà vua đã chịu đựng những khổ đau, như rèn luyện vật báu tốt đẹp, thử nhiều lần như thế mới biết được thật giả.
Cách thử vật quý là chặt, chẻ, bẻ cong, thiêu đốt, lấy chày đập, có như thế mới biết được thật giả.
Bấy giờ chim bồ câu biến hóa kia bị chim ưng đuổi. Chim bồ câu rất sợ hãi, bay đến trước đại chúng, núp dưới nách vua Thi-tỳ. Màu xanh thân chim giống như lá sen, ánh sáng rực rỡ như cầu vòng chiếu sáng trong mây đen rất xinh đẹp. Mọi người sinh tâm cho là việc ít có.
Chim ưng liền nói kệ:
Người có tâm Từ bi
Chúng sinh đều thể tin
Giống như khi trời tối
Bay về ổ của mình.
Chim ưng hóa nói rằng:
Xin vua cho tôi ăn.
Nhà vua nghe chim ưng nói và trông thấy chim bồ câu kia rất sợ hãi, liền nói kệ:
Bồ câu sợ chim ưng
Bay vun vút đến ta
Tuy miệng không nói được
Vì sợ nước mắt tuôn
Do vậy nên hôm nay
Ta phải cần cứu giúp.
Nhà vua an ủi chim bồ câu, lại nói kệ:
Ngươi chớ có sợ sệt
Không ai giết ngươi được
Khi ta đây còn sống
Chắc chắn sẽ cứu ngươi.
Ta đâu riêng giúp ngươi
Còn che chở chúng sinh
Ta vì tất cả chúng
Mà làm cả mọi việc
Như làm thuê cho người
Ta được một phần sáu.
Ta đối tất cả chúng
Chính là người làm thuê
Cần phải luôn giữ gìn
Không để họ chịu khổ.
Lúc bấy giờ chim ưng kia tâu với nhà vua:
–Đại vương, xin hãy thả con chim bồ câu này ra vì đó là thức ăn của tôi.
Nhà vua đáp:
–Từ lâu, ta đã có lòng Từ cứu giúp tất cả chúng sinh.
Chim ưng hỏi nhà vua:
–Đại vương, ngài nói đã lâu là thế nào?
Đại vương liền nói kệ:
Tôi vừa phát Bồ-đề
Lúc ấy liền nhiếp hộ
Đối với các chúng sinh
Đều sinh tâm thương xót.
Chim ưng đáp bằng bài kệ:
Nếu ngài nói thật thì
Mau trả chim cho tôi
Nếu tôi bị đói chết
Thì ngài chẳng tâm Từ.
Nhà vua nghe xong liền suy nghĩ, bây giờ ta xử trí thật khó, ta phải làm các nào cho hợp lý. Nghĩ rồi, nhà vua liền trả lời chim ưng:
–Nếu có thịt khác thì ngươi có chịu ăn không?
Chim ưng đáp:
–Đại vương, chỉ có máu thịt tươi mới cứu được mạng sống của tôi.
Lúc ấy nhà vua suy nghĩ không biết phải làm cách nào, liền nói bài kệ:
Tất cả các chúng sinh
Ta thường cứu giúp cả
Máu thịt nóng như thế
Không giết thì không được.
Nhà vua nghĩ rằng chỉ có thịt của thân mình mới cứu giúp được mạng sống chim ưng. Đây là việc làm rất dễ, liền nói kệ:
Tự cắt thịt thân mình
Để cho chim ưng kia
Cho đến bỏ thân mình
Để giúp mạng sợ hãi.
Lúc ấy vua nói bài kệ xong liền bảo với chim ưng:
–Ngươi ăn thịt ta để nuôi mạng sống được chăng?
Chim ưng đáp:
–Đại vương, được chứ. Xin đại vương hãy cân thịt của Ngài bằng với thịt chim bồ câu rồi đưa cho tôi, thì tôi sẽ ăn.
Nhà vua nghe chim ưng nói trong tâm rất vui mừng, liền bảo với người hầu cận hãy mau đem cân đến, cắt lấy thịt mình để đổi mạng cho chim bồ câu. Vua nghĩ: “Hôm nay chính là ngày hội rất tốt đẹp của ta. Sao gọi là ngày hội rất tốt đẹp?” Vua liền nói kệ:
Chỗ ở của già bệnh
Mong manh rất hôi nhơ
Nay ta nên vì pháp
Cắt bỏ thịt dơ này.
Vâng lệnh nhà vua, người hầu liền đem cân đến. Nhà vua thấy đem cân đến sắc mặt không ưu sầu, tự mình đưa chân ra, bắp chân trắng như lá đa-la. Nhà vua liền gọi một người hầu đến và nói kệ:
Ngươi hãy dùng dao bén
Cắt lấy thịt đùi ta
Ngươi chỉ nghe lời ta
Đừng sinh tâm nghi sợ
Không làm hạnh khó khổ
Không được Nhất thiết trí
Bậc Nhất Thiết Chủng Trí
Hơn hết trong ba cõi
Bồ-đề dùng duyên nhỏ
Không bao giờ chứng được
Vì thế hôm nay ta
Làm việc rất vững chắc.
Lúc bấy giờ, người hầu rơi lệ buồn khóc, nước mắt đầm đìa, chắp tay thưa:
–Xin đại vương hãy tha thứ cho tôi, tôi không làm được việc này.
Tôi thường được nhà vua cung cấp, sai khiến, thì đâu nỡ dùng dao bén cắt thịt đùi của đại vương.
Vị ấy nói kệ:
Vua là người cứu giúp
Nếu tôi cắt thịt vua
Thân tôi cùng dao này
Đều sẽ bị đọa lạc.
Khi ấy nhà vua tay tự cầm dao định cắt thịt đùi của mình. Các quan đại thần, phụ tướng kêu khóc can ngăn không thể làm cho nhà vua thay đổi ý định. Mọi người trong thành ai cũng khuyên can, nhưng vua không nghe theo, tự cắt miếng thịt đùi mình.
Những người đứng gần đều quay đi chỗ khác, vì không nỡ nhìn thấy. Các vị Bà-la-môn lấy tay che mắt không dám nhìn. Các thể nữ trong cung cất tiếng buồn khóc, Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, Atu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già… ở trên hư không đều bảo nhau:
–Như việc làm này, ta tin chưa bao giờ có.
Lúc đó, thân thể nhà vua rất mềm mại, vì nhà vua sinh ra và lớn lên trong cung, chưa bao giờ gặp phải sự khổ như thế này nên toàn thân đau đớn, mờ mệt sắp chết. Để tự khuyên mình, nhà vua liền nói kệ:
Ôi! Tâm phải vững chắc
Việc khổ nhỏ như vầy
Vì sao lại buồn phiền?
Ngươi xem các thế gian
Trăm ngàn khổ ép ngặt
Không ai nương, ai giúp
Ai che chở, nuôi dưỡng
Đều không được tự tại
Chỉ có tâm ngươi thôi
Nên làm việc cứu giúp
Vì sao không tự trách
Lại sinh tâm khổ não.
Thích Đề-hoàn Nhân bèn nghĩ: “Việc làm của vị vua này rất khổ sở, không biết có thể giữ vững ý chí chăng? Ta muốn thử xem việc làm của vị vua này như thế nào.” Liền hỏi:
–Hiện giờ nhà vua rất đau khổ, khó có thể chịu đựng được. Tại sao đại vương không bỏ việc làm khổ hạnh đó mà phải chịu khổ não như vậy? Ngài đã làm đủ rồi không cần phải làm nữa, hãy thả chim bồ câu kia cho nó bay đi.
Bồ-tát mỉm cười đáp:
–Không bao giờ vì đau đớn mà ta trái lời thệ nguyện. Nếu như có sự đau khổ nào hơn thế nữa thì cũng không bao giờ làm lui sụt ý chí của ta. Đây chỉ mới là nỗi khổ nhỏ, so với địa ngục thì không thể ví dụ được. Thế nên ta phải càng sinh tâm Từ bi hơn nữa đối với các nỗi khổ của chúng sinh.
Nói rồi, Bồ-tát nói kệ:
Nay ta cắt thân khổ
Tâm ý rất rộng lớn
Người trí nhỏ, tâm yếu
Chịu khổ nơi địa ngục
Nỗi khổ ấy lâu dài
Mênh mông không bờ bến
Làm sao chịu đựng được?
Ta thương những hạng ấy
Vì thế phải nhanh chóng
Gấp cầu đạo Bồ-đề
Các nỗi khổ như vậy
Giúp cho họ giải thoát.
Trời Đế Thích lại nghĩ: “Việc làm của nhà vua chưa phải là khổ lắm đâu, còn có những nổi khổ dữ dội hơn thế nữa, không biết tâm của ông có bị lay động chăng? Bây giờ ta sẽ thử xem”. Trời Đế Thích suy nghĩ như thế nhưng im lặng không nói.
Khi nhà vua lấy dao cắt thịt và đặt ở một đầu cân, lại đặt chim bồ câu ở đầu cân còn lại thì thân bồ câu nặng hơn. Lại cắt thịt hai đùi cho đến thịt trong mình đặt thêm vào nhưng vẫn còn nhẹ hơn chim bồ câu.
Nhà vua lúc ấy rất kinh ngạc. Vì nguyên nhân nào lại như vậy?
Ngài liền định bước lên trên quả cân. Chim ưng hỏi:
–Đại vương, ngài làm như vậy có ăn năn chăng?
Vua đáp:
–Ta không ăn năn, ta muốn bước toàn thân lên cân để cứu mạng chim bồ câu này.
Khi nhà vua sắp bước lên cân, sắc mặt nhà vua rất vui vẻ.
Những người đứng gần bên đều không nỡ nhìn thấy việc làm như vậy và lại xua đuổi những người khác không để cho họ nhìn cảnh tượng ấy. Nhà vua nói:
–Hãy giữ tâm, cứ nhìn. Khi nhà vua cắt hết thịt trên thân mình, đến các đốt xương, giống như đang vẽ một bức tranh trong mưa bị hủy hoại khó nhìn rõ được. Lúc ấy nhà vua liền nói:
–Nay ta bỏ thân mạng, không vì tiền tài vật báu, không vì dục lạc, không vì vợ con, cũng không vì bà con quyến thuộc mà chính vì cầu được Nhất thiết chủng trí để cứu giúp chúng sinh, Vua liền nói kệ:
Trời, Người, A-tu-la
Càn-thát-bà, Dạ-xoa
Rồng và Quỷ thần thảy
Tất cả các chúng sinh
Ai thấy được thân ta
Đều được không lui sụt.
Vì tham cầu trí tuệ
Khổ sở cắt thân này
Vì mong cầu Chủng trí
Phải giữ vững tâm Từ
Nếu người không giữ vững
Thì bỏ đạo Bồ-đề.
Lúc bấy giờ nhà vua không tiếc thân mạng, liền bước lên cân. Khi ấy cả mặt đất đều rung chuyển sáu cách, cỏ lá theo sóng bị vùi dập, các trời trên hư không khen ngợi việc làm chưa từng có và xướng nói:
–Lành thay! Lành thay! Thật đáng gọi là tinh tấn, tâm ý vững chắc.
Vua liền nói kệ:
Ta bảo vệ mạng chim
Tự cắt thịt thân mình
Tâm thương xót thuần thiện
Giữ tâm không lay động
Tất cả các trời, người
Tâm đều nghĩ ít có.
Chim ưng khen ngợi là việc chưa từng có, tâm nhà vua quả là chắc thật, không bao lâu sẽ thành Phật, tất cả chúng sinh sẽ có chỗ nương cậy. Chim ưng hiện trở lại thân trời Đế Thích và ở trước vua nói:
–Tỳ-thủ-yết-ma hãy hiện trở lại thân gốc của ngài đi. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau thiết trai cúng dường Bồ-tát. Vị Bồ-tát này có một ý chí và sức mạnh vững bền. Như núi Tu-di ngự giữa biển lớn không bao giờ bị lay động. Tâm vị Bồ-tát cũng như vậy.
Đế Thích nói kệ:
Chúng ta nên cúng dường
Bậc tinh tấn mạnh mẽ
Nay nên cùng phát khởi
Khen ngợi làm lớn thêm.
Chúng sinh gặp khổ nạn
Nên cùng nhau ngăn dứt
Cùng làm bạn với họ
Tu hành lâu vững chắc
An trụ đất đại Bi
Cây trí Nhất thiết chủng
Mầm mống mới nhô lên
Người trí nên che chở.
Tỳ-thủ-yết-ma nói với Thích Đề-hoàn Nhân:
–Nhà vua đối với tất cả chúng sinh có tâm thương xót, chúng ta nên giúp cho nhà vua trở lại thân hình cũ, nguyện cho tất cả chúng sinh tâm trí không lay động.
Lúc ấy trời Đế Thích hỏi nhà vua:
–Đại vương vì một con chim bồ câu mà bỏ thân mạng, ngài có lo buồn gì chăng?
Nhà vua liền nói kệ:
Thân này rồi cũng bỏ
Giống như gỗ đá kia
Sẽ bỏ cho cầm thú
Lửa đốt, mục trong đất.
Dùng thân vô ích này
Để cầu lợi ích lớn
Phải nên rất vui mừng
Tâm không hề ăn năn.
Ai người có trí tuệ
Dùng thân mong manh này
Đổi lấy pháp bền chắc
Mà không vui thích ư?
Khi ấy trời Đế Thích nói với nhà vua:
–Đại vương, lời nói ấy thật khó tin. Lại nữa, việc như thế thật là việc làm không hề có, vậy ai là người dám tin?
Nhà vua đáp:
–Ta tự biết tâm ta, trên đời có vị Đại tiên có khả năng xem xét và chắc chắn biết được tâm ta, chân thật không thay đổi.
Trời Đế Thích nói:
–Đại vương hãy nói lời chân thật.
Bấy giờ nhà vua liền phát thệ nói:
–Nếu tâm tôi không ăn năn thì hãy khiến cho thân này trở lại như cũ.
Nhà vua xem xét những chỗ thịt bị cắt trên thân, liền nói kệ rằng:
Khi ta cắt thịt mình
Tâm không có khổ, vui
Không giận cũng không lo
Không có tâm không vui,
Nếu việc này chân thật
Thân trở lại như cũ
Mau thành đạo Giác ngộ
Cứu khổ các chúng sinh.
Nói kệ xong, những chỗ thịt trên thân mà nhà vua đã cắt liền đầy đặn lại như cũ. Vua bèn nói kệ:
Các núi và đất đai
Tất cả đều rung chuyển
Cây cối và biển cả
Ẩn, hiện không tự dừng
Giống như người sợ hãi
Run rẩy không tự an.
Các trời trổi âm nhạc
Không trung mưa hoa thơm
Các âm thanh chuông trống
Đồng thời cùng trổi lên.
Âm nhạc của trời người
Tất cả đều trổi lên
Chúng sinh đều rung động
Biển lớn cũng ầm vang.
Trời mưa hương bột mịn
Đầy khắp các lối đi
Hoa ở trong hư không
Rơi nhanh chậm không đồng,
Các Thiên nữ trên không
Rải hoa đầy mặt đất
Bao nhiêu màu sắc đẹp,
Áo trang sức vàng báu
Từ trời rơi như mưa
Áo trời các tua vải
Chạm nhau phát ra tiếng.
Trong nhà của mọi người
Vật báu tự phát tiếng
Trang nghiêm ở trong nhà
Tự nhiên phát ra tiếng
Giống như kỹ nhạc trời.
Các phương đều quang đãng
Bốn phía đều trong sáng
Gió nhẹ thổi hơi thơm
Sông trôi chảy êm đềm.
Dạ-xoa khát ngưỡng pháp
Càng vui mừng thêm lên
Không lâu thành Chánh giác
Ca vịnh và khen ngợi.
Trong tâm rất vui mừng
Các vị Càn-thát-bà
Ca tụng trổi âm nhạc
Âm thanh hay dìu dặt
Khen ngợi mà nói rằng:
Không bao lâu thành Phật
Vượt qua biển thệ nguyện
Mau chóng đến chốn vui
Kết quả đã thành tựu
Hãy nhớ độ thoát ta.
Lúc bấy giờ trời Đế Thích và Tỳ-thủ-yết-ma cúng dường Bồ-tát xong, liền trở về cõi trời.
CHƯƠNG 65
Phải gần gũi bậc thiện tri thức, nếu gần gũi thiện tri thức thì các phiền não lẫy lừng cũng dứt bỏ được.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, thái tử Ta-la-na con của vua Tố-tỳ-la. Sau khi nhà vua băng hà, thái tử Ta-la-na không chịu lên nối ngôi, giao sự nghiệp lại cho em và đến xin ngài Ca-chiên-diên xuất gia.
Sau khi xuất gia, thái tử theo Tôn giả Ca-chiên-diên đến vương quốc Ba-thọ-đề vào ngồi tĩnh tọa trong khu vườn của vua. Vua Bathọ-đề dẫn các cung nhân vào trong khu rừng này nghỉ ngơi dưới gốc cây. Tôn giả Ta-la-na đi khất thực trở về ngồi yên lặng dưới gốc cây.
Bấy giờ, các cung nhân tánh rất thích hoa quả, nên đi khắp nơi trong rừng tìm kiếm. Tỳ-kheo Ta-la-na đi xuất gia khi tuổi còn trẻ nên tướng mạo rất khôi ngô. Khi ấy, các cung nhân thấy thầy Tỳ-kheo kia tuổi trẻ dung mạo lại tuấn tú khác thường nên sinh tâm cho là ít có bèn nói:
–Trong Phật pháp lại có người này xuất gia học đạo.
Họ liền đến ngồi chung quanh thầy Tỳ-kheo ấy. Bấy giờ, vua Ba-thọ-đề thức dậy, bèn tìm kiếm các cung nhân và những người theo hầu, nhưng tất cả đã đi tứ tán nên vua tìm không thấy. Vua lại đích thân đi tìm và trông thấy các cung nhân ngồi chung quanh thầy Tỳ-kheo nghe nói pháp. Vua liền nói kệ:
Tuy mặc áo sáng đẹp
Không bằng miệng nói pháp
Ngàn cô ngồi chung quanh
Yêu kính dung mạo người.
Vua Ba-thọ-đề rất giận dữ, nói với Tỳ-kheo:
–Ngươi đã chứng quả La-hán chưa?
Thầy Tỳ-kheo đáp:
–Tôi chưa chứng.
–Ngươi đã chứng quả A-na-hàm chưa?
–Tôi chưa chứng.
–Ngươi đã chứng quả Tu-đà-hoàn chưa?
–Tôi chưa chứng.
–Ngươi đã chứng Sơ thiền, Nhị thiền, cho đến Tứ thiền chưa?
–Tôi chưa chứng.
Vua Ba-thọ-đề nghe Tỳ-kheo nói như vậy trong lòng rất giận dữ, nói:
–Ngươi chẳng phải là người đã lìa dục, tại sao lại ngồi chung với các cung nhân như thế này?
Nhà vua liền ra lệnh cho những người theo hầu bắt giữ thầy Tỳ-kheo ấy, cởi bỏ y phục, chỉ chừa lại nội y, dùng cây có gai nhọn đánh đập thầy Tỳ-kheo. Các cung nhân khóc lóc tâu với nhà vua:
–Đại vương, vị Tôn giả này không có tội lỗi gì, vì sao lại đánh đập như thế?
Vua Ba-thọ-đề nghe các cung nhân nói, càng giận dữ đánh đập dữ dội hơn. Trước kia, Tỳ-kheo Ta-la-na là vương tử nên thân hình mềm mại, không chịu được sự khổ đau, toàn thân chảy máu.
Các cung nhân thấy thế đều rơi lệ. Tôn giả Ta-la-na bị đánh đập chắc không còn sống được, té xỉu xuống đất, hồi lâu mới tỉnh dậy, thân thể bị rách toác như bị chó cắn, cũng giống như có người bị con mãng xà nuốt, đã vào trong miệng, thật khó có thể khỏi chết.
Nếu như ra khỏi được miệng con mãng xà giữ mạng sống cũng rất khó. Tôn giả Ta-la-na thoát được nạn này cũng giống như vậy. Tôn giả mở mắt nhìn sợ sệt, lại sợ bị đánh. Khắp thân chảy máu, không thể mặc y, Tôn giả bèn ôm y phục mà đi, nhìn khắp bốn bề, lại sợ có người đến bắt mình. Các vị đồng tu phạm hạnh thấy việc ấy, liền nói kệ:
Ai không tâm thương xót
Đánh đập Tỳ-kheo này
Sao có ý hung dữ
Đối với người xuất gia!
Vì sao không nương tay
Sinh tâm tàn hại thầy
Không lỗi, vô cớ hại
Thật là kẻ phi lý!
Xuất gia bỏ giàu sang
Một mình, không thế lực
Y bát mang bên mình
Không chứa để vật dư
Người nào nỡ tàn hại
Đánh đập đến thế này?
Những người bạn đồng tu học dìu đỡ thầy đi đến chỗ Tôn giả Ca-chiên-diên. Vừa nhìn thấy Tỳ-kheo Ta-la-na thân thể như vậy, Tôn giả bật khóc, tỏ ý tưởng chán ghét thân này, nói kệ:
Như quả Diêm-phù kia
Đỏ, trắng, xanh loang lổ
Cũng có chỗ ứ đỏ
Máu chảy khắp mọi chỗ
Ai làm thân thể ông
Có màu sắc như vậy?
Lúc bấy giờ Tỳ-kheo Ta-la-na đưa những chỗ thân thể bị rách toác máu chảy cho Tôn giả Ca-chiên-diên thấy và nói kệ:
Con không người cứu giúp
Một mình mong được sống
Tự xét không lỗi lầm
Bị đánh vì xem thường.
Ba-thọ-đề tự ý
Người giàu chủ đất nước
Khởi tâm buông lung ác
Roi dữ như rót lửa
Thiêu hủy thân thể con.
Con đã không lỗi xấu
Bị đánh đập vô cớ
Bị thương đến như vậy.
Tôn giả Ca-chiên-diên biết được trong lòng của Tỳ-kheo Ta-lana rất tức giận, Ngài liền nói:
–Tỳ-kheo Ta-la-na, pháp của người xuất gia không giữ gìn thân mạng mình, mà chính là dứt bỏ khổ não trong tâm.
Tôn giả liền nói kệ:
Thân ông bị khổ ách
Sinh thù ghét làm gì?
Chớ vung roi tức giận
Tâm cuồng tự hại mình.
Thầy Tỳ-kheo Ta-la-na trong tâm rất khổ não, nên lộ vẻ tức giận giống như khi con rồng đánh nhau le lưỡi phát ra ánh sáng như sấm chớp, liền nói kệ:
Xin Hòa thượng biết cho
Tức giận đốt tâm con
Giống như cội cây khô
Giữa trời mà phát hỏa,
Xuất gia tu phạm hạnh
Trải qua bao tháng ngày
Như con ngày hôm nay
Muốn quay trở về nhà.
Người yếu đuối kém hèn
Không chịu nỗi khổ này
Làm sao con chịu nổi
Việc khổ dữ dội này?
Nay, con muốn về nhà
Trở về lên ngôi vua
Nhóm tượng chúng, binh chúng
Che tối cả mặt đất.
Tâm tức giận bùng lên
Ngày đêm không dừng nghỉ
Giống như ngọn lửa dữ
Thiêu đốt cả núi rừng
Ba-thọ-đề bị cháy
Như đom đóm trong lửa.
Nói kệ xong, thầy liền trao ba y cho người đồng phạm hạnh, nghẹn ngào khóc lóc lễ dưới chân Hòa thượng, từ tạ trở về nhà, lại nói kệ:
Xin Hòa thượng cho con
Sám hối dứt tội lỗi
Nay, con muốn về nhà
Tâm ý không an vui
Sống trong pháp xuất gia
Không trả được oán này.
Hòa thượng là người thông thạo bậc nhất về giáo nghĩa trong kinh, ngôn từ biện thuyết cũng là bậc đệ nhất nên nói:
–Con không nên làm như thế. Bởi vì sao? Vì thân này không bền chắc, rốt cuộc rồi cũng chết. Vậy con không nên vì thân mà trái xa pháp Phật. Con phải quán xét vô thường bất tịnh.
Ngài liền nói kệ:
Thân này không thanh tịnh
Chín lỗ thường chảy nhơ
Hôi thúi thật đáng ghét
Là đồ chứa các khổ.
Thân này rất xấu xa
Chỗ chứa nhóm các bệnh
Khi bị xúc phạm nhỏ
Sinh khổ não dữ dội.
Tâm ông mê đắm thân
Thật trái với trí tuệ
Nên bỏ tâm thấp hèn
Kệ do Như Lai nói.
Nay ông nên nhớ giữ
Khi tức giận phiền não
Ông hãy tự cấm chế
Cũng như dùng dây cương
Ngăn chận con ngựa dữ
Cấm chế gọi khéo cỡi
Không chế gọi buông lung.
Tại gia gọi lao ngục
Xuất gia là giải thoát
Con đã được giải thoát
Về nhà tìm ràng buộc
Nơi lao ngục giam cầm.
Sân là kẻ cướp trong
Ông chớ khởi tâm sân
Bị tức giận ngăn cấm,
Phật do nhân duyên này
Khen ngợi người học rộng
Đứng đầu các Tiên thánh.
Ông phải theo lời Phật
Nay nên nhớ học rộng
Chớ khởi tâm giận dữ
Dù bị cưa sắt xẻ
Thân thể và tay chân
Phật vì Phú-na-kỳ
Nói điều phải nên nói.
Ông phải nhớ học rộng
Những lời dạy như thế.
Nên nhớ Xá-lợi-phất
Nói năm pháp không khổ
Ông nên xem xét kỹ
Tám pháp của thế gian.
Ông nên suy tính kỹ
Lỗi lầm của tức giận
Phải nên tự quán xét
Hình tướng người xuất gia
Tâm và tướng tương ứng
Nay sao không tương ưng?
Pháp của thầy Tỳ-kheo
Khất thực tự nuôi sống
Vì sao thọ tín thí
Mà sinh nhiều sân si.
Ăn của người vào bụng
Sao lại sinh tức giận
Làm sao của tín thí
Có chỗ tiêu hóa được?
Ông muốn thực hành pháp
Không nên sinh tức giận
Tự nói mình hành pháp
Làm pháp tắc cho người
Mà sinh tâm giận tức
Là việc không nên làm.
Giận tức khổ tâm ông
Miệng nói những lời ác
Bị người trí chê trách
Vì thế không nên làm.
Những người đi xuất gia
Phải nên có ba việc
Điều phục thầy Tỳ-kheo
Chịu đựng không giận tức
Nhất định giữ giới cấm
Nói thật không nói dối
Khéo thực hành chịu đựng
Không nên sinh tâm sân.
Những bậc Sa-môn này
Không nên nói lời ác
Phải mặc y nhu hòa,
Người xuất gia không nên
Giận nói lời thô ác
Như vị Tiên ngồi thiền
Rút kiếm nắm trên tay.
Y bát và Tỳ-kheo
Tất cả khác người đời
Tức giận đồng tại gia
Là việc không nên làm.
Lời ác đồng người đời
Làm sao gọi Tỳ-kheo?
Cạo tóc, bỏ trang sức
Nhún mình đi khất thực
Tạo dáng vẻ thấp hèn
Mà không dứt kiêu mạn,
Nếu muốn dứt kiêu mạn
Nên bỏ tâm nhơ xấu
Mau cầu đến giải thoát.
Thân như đích bắn kia
Có đích bắn thì trúng
Có thân thêm các khổ
Không thân thì không khổ.
Thí như người giữ cửa
Để chiếc trống bên cạnh
Có người từ xa đến
Mỏi mệt muốn ngủ nghỉ
Người ấy đều đánh trống
Không hề ngủ nghỉ được.
Người ấy không ngủ được
Tức giận người đánh trống,
Tranh cãi với nhiều người
Sau suy nghĩ nguyên nhân
Đây vốn chính là trống
Chẳng phải lỗi mọi người
Đứng dậy đập bỏ trống
Mới được ngủ an ổn.
Thân Tỳ-kheo như trống
Vì an vui xuất gia
Muỗi mòng và cỏ độc
Đều có thể cắn người
Phải thường xuyên tinh tấn
Đừng coi trọng thân này.
Đừng tưởng vui lâu dài
Nên xem xét cội nguồn
Chỉ là nhóm ấm, giới
Phá hoại khổ ấm, giới
An ổn ngủ Niết-bàn.
Hòa thượng nói kệ rồi, lại dạy:
–Này Ta-la-na, ông nên dứt bỏ tâm tức giận, não hại đi, nếu ông muốn não hại người khác thì nên nghe ta nói. Tất cả thế gian đều bị nỗi khổ não quấy nhiễu, tại sao ông lại còn muốn gây hại chúng sinh?
Tất cả chúng sinh đều nằm trong tay Thần chết. Ta và ông cùng vị vua kia không bao lâu sẽ chết, nay sao ông còn muốn giết kẻ thù? Tất cả có sinh thì phải có chết, đâu cần ông phải ra tay giết hại? Có sinh ắt có tử không có gì nghi ngờ cả. Cũng như mặt trời có mọc thì phải có lặn, thể tánh là chết đâu cần phải gây hại. Nếu ông muốn hại người thì đâu có lợi lạc gì? Ông là người giữ giới mà muốn làm hại người, đời vị lai chắc chắn phải chịu quả báo nặng nề, chịu khổ vô lượng, quả báo này cũng như vậy, đâu nên hủy hoại họ. Vị vua kia muốn hủy hoại thân thể ông, ông sinh tâm tức giận, sự tức giận hiện tại rất khổ sở, đến đời vị lai lại chịu quả báo đau khổ, vậy trước nên dứt bỏ sự tức giận. Thế nào là thương hại? Nếu trong một sát-na khởi lên sự tức giận thì sẽ bức não thân tâm. Nay ta vì ông mà nói pháp này, hãy nghe rõ ví dụ: Như người lấy tay bốc lửa để đốt người khác, thì chưa hại được người mà tự mình đã chuốc lấy khổ sở. Sự tức giận cũng vậy, muốn hại người khác thì tự mình đã chịu khổ sở rồi. Thân như khúc củi khô, tức giận như lửa, chưa đốt được người mà tự thân mình đã bị đốt cháy. Ông luống khởi tâm tức giận muốn làm hại người khác thì có thể hại được, có thể không hại được nhưng tự hại mình thì chắc chắn đã.
Bấy giờ Tỳ-kheo Ta-la-na im lặng nghe pháp yếu do Hòa thượng chỉ dạy. Những người bạn đồng tu phạm hạnh đều sinh tâm vui mừng, nói với nhau:
–Ta-la-na nghe pháp yếu do Hòa thượng giảng nói chắc chắn không bỏ đạo.
Thầy Tỳ-kheo Ta-na-la không nén được sự tức giận, lớn tiếng nói:
–Người vô tâm cũng không thể chịu đựng được việc này, huống gì con có tâm mà chịu đựng sao?
Ta-la-na bèn nói kệ:
Ánh chớp khắp hư không
Như roi đánh ngựa vàng
Hư không vật vô tình
Còn phát ra tiếng sấm,
Nay con là vương tử
Không khác với vua kia
Làm sao mà chịu đựng
Không báo thù cho được?
Nói bài kệ xong, thầy bạch với Hòa thượng.
–Bạch Hòa thượng, lời thầy dạy thật đúng. Nhưng giờ đây tâm con vững chắc như đá, giọt nước không thấm vào được, con thấy da thịt bị rách toác máu tuôn ra ngoài, cho nên sinh tâm tức giận kiêu mạn. Con không van xin, cũng chẳng phải phường tôi tớ, cũng chẳng phải kẻ thấp hèn, con cũng chẳng phải là người dân của họ, con không phải là trộm cướp, không gây hại cho người, cũng không gây loạn đến vua, Con có lỗi gì mà lại bị gia hình như thế? Ông ấy là vua, cho mình có quyền lực, còn con là người thấp hèn, nhưng mỗi người đều có địa vị khác nhau. Con đi khất thực ngồi thiền trong rừng bị hủy nhục một cách oan uổng, Con sẽ làm cho vị vua kia chịu khổ như con, không còn dám hủy hại nữa. Con sẽ báo thù không để cho ông ta được yên ổn ngủ nghỉ. Con là người lành mà bị hủy nhục oan uổng, con sẽ báo thù làm cho ông ta phải chịu khổ sở còn hơn con ngày nay, khiến cho kẻ làm ác không dám làm ác nữa.
Nói xong, thầy đến trước mặt Hòa thượng quỳ thẳng bạch rằng:
–Thưa Hòa thượng, xin ngài hãy xả giới cho con!
Lúc bấy giờ, những vị đồng sư và những vị cùng tu đồng học phạm hạnh khóc thật lớn mà nói:
–Thầy Ta-la-na, sao thầy lại bỏ Phật pháp?
Có người nắm tay, có người ôm chầm lấy thầy, gieo năm vóc sát đất làm lễ và nói:
–Thầy Ta-la-na, thầy hãy cẩn thận không nên bỏ Phật pháp.
Họ liền nói kệ:
Vì sao ở trong chúng
Một mình tự bỏ đi
Xả giới cấm của Phật
Sao nói lời ác rằng:
Phật chẳng phải thầy tôi!
Tỳ-kheo đến nhà thầy
Vì sao không hổ thẹn?
Lúc thầy mới thọ giới
Thệ nguyện giữ trọn đời
Sao lại không trung tín
Mà muốn bỏ phạm hạnh?
Ôm bát mặc ca-sa
Khất thực đã lâu ngày
Mặc giáp, cầm dao gậy
Vừa định vào chiến trận
Roi vua hủy thân thầy
Lìa bỏ pháp Sa-môn.
Không nhớ Tiên nhẫn nhục
Bị chặt hết tay chân
Chỉ người ấy xuất gia
Thầy không xuất gia sao?
Chỉ người ấy biết pháp
Thầy không biết pháp sao?
Tiên bị chặt chân tay
Còn sinh tâm thương xót
Tâm vững chắc không loạn
Nay thầy bị gậy đánh
Mà vội mất tâm chăng?
Tôn giả Ca-chiên-diên nói với mọi người:
–Tâm Ta-la-na đã nhất định rồi, các thầy hãy ra về, ta sẽ lo liệu cho thầy ấy.
Sau khi các Tỳ-kheo ra về, Tôn giả Ca-chiên-diên đưa tay xoa đầu Ta-la-na mà bảo:
–Ta-la-na, ông hãy suy nghĩ thật kỹ.
Ta-la-na đáp:
–Bạch Hòa thượng, con nhất định ra đi.
Tôn giả Ca-chiên-diên nói:
–Ta-la-na, ông nên nghỉ ở đây lại một đêm, sáng mai hãy đi, đừng vội xả giới.
Thầy Ta-la-na đáp:
–Dạ vâng! Con xin nghe lời dạy của Hòa thượng lần cuối. Đêm nay con sẽ ngủ bên Hòa thượng, sáng mai khi xả giới xong con trở về, lên ngôi vua, chiến đấu với Ba-thọ-đề.
Ta-la-na lấy cỏ trải một chỗ bên cạnh Hòa thượng mà ngủ.
Bấy giờ Tôn giả Ca-chiên-diên dùng năng lực thần thông làm cho thầy Ta-la-na ngủ thật say, nằm mộng thấy trở về nước mình, xả giới trở về lên ngôi vua, tập hợp bốn thứ binh, đến nước Ba-thọ-đề.
Quốc vương Ba-thọ-đề cũng tập hợp bốn thứ binh cùng chiến đấu, binh lính của Ta-la-na tất cả đều bị đánh tan. Ta-la-na bị bắt giữ sắp sửa đem đi giết. Vua Ba-thọ-đề nói: “Đây là kẻ ác hãy đem đi giết, đóng gông trên cổ, treo trên thành La-tỳ-la.”
Đao phủ cất tiếng dữ tợn, sai mọi người dùng binh khí áp giải Ta-la-na dẫn ra gò mả. Trên đường đi trông thấy Tôn giả Ca-chiên-diên mặc y ôm bát vào thành khất thực, Ta-la-na rơi lệ khóc than nhìn Hòa thượng nói:
Con không nghe lời Thầy
Tức giận làm khổ thân
Nay sẽ đến dưới cây
Xin giã từ Phật pháp.
Nay con đến chỗ chết
Đao kiếm vây quanh con
Như nai ở trong chuồng
Nay con cũng như vậy.
Không thấy Diêm-phù-đề
Lần cuối thấy Hòa thượng
Tuy con có tâm ác
Vẫn như mẹ nhớ con.
Đao phủ kia cầm dao giống như hoa sen xanh, mà nói:
–Dao này chặt đầu ngươi, dù cho có Hòa thượng cũng không làm gì được.
Ta-la-na than khóc thảm thiết, cầu cứu Hòa thượng: “Nay con xin quy y Hòa thượng”. Ta-la-na liền thức dậy, sợ hãi lễ dưới chân Hòa thượng thưa:
–Bạch Hòa thượng, xin ngài hãy cứu con.
Và đến bên Hòa thượng thưa:
–Con vốn là người ngu si muốn bỏ giới pháp của Phật, xin hãy cho phép con được xuất gia, con không trả thù và cũng không làm vua nữa. Vì sao? Vì dục lạc thì ít mà khổ não thì nhiều. Những lỗi lầm oán hận con đều đã chứng biết. Giờ đây, con chỉ muốn được pháp giải thoát. Vì không có chí định nên con coi thường chúng sinh, không khéo quán sát. Đối với những người hiểu biết con không nói chuyện với họ, bị tất cả chúng sinh quở trách. Cúi xin Hòa thượng hãy cho phép con xuất gia. Khi khổ não ngài rủ lòng thương xót. Con đang khổ não, xin Hòa thượng hãy thương xót con.
Tôn giả Ca-chiên-diên nói:
–Này Ta-la-na, ông chưa bỏ đạo, ta đã dùng năng lực thần thông hiện ra giấc mộng này.
Ta-la-na vẫn chưa tin, từ cánh tay phải của Hòa thượng phát ra ánh sáng. Hòa thượng bảo:
–Này Ta-la-na, ông chưa bỏ đạo, hãy tự nhìn lại thân tướng của mình.
Ta-la-na vui mừng nói:
–Hay thay! Bậc thiện tri thức! Ngài đã dùng phương tiện khéo léo mở bày cho con. Vì con có lỗi, nên ngài dùng giấc mộng cứu giúp con.
Đức Phật dạy: “Thiện tri thức là thể tánh hoàn toàn của Phạm hạnh”. Lời dạy này thật đúng. Có ai được giải thoát mà không nhờ vào Thiện tri thức? Có ai ngu si không nương vào bạn lành mà được giải thoát?
Tôn giả Ca-chiên-diên cứu giúp Tỳ-kheo Ta-la-na. Thuốc độc tức giận của vua Ba-thọ-đề tan biến không còn. Thế nên, người hiểu biết nên gần gũi bậc Thiện tri thức.