KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phẩm 20: KHUYẾN DUYỆT

Dùng trí tuệ độ chúng
Thành đạo dòng sông trong
Người trí thường uống nước
Là nước pháp cam lồ.
Nước sông ấy vô tận
Vẫn chảy mãi không ngừng
Nguyện quay về giống tuệ
Đạo đức sẽ đầy đủ.
Nếu là người yếu đuối
Nhờ học, ý tự đạt
Tạo định ý độ thoát
Lập chí Thiền tư pháp.
Phật Đấng Thiên Trung Thiên
Khéo hành quyền phương tiện
Hiện vô lượng trí tuệ
Thân tâm quy mạng lễ.

Giả sử người tu hành khởi tâm mềm yếu thì tự nghĩ: Ta được thuận lợi, đã thoát khỏi tám nạn, được sống nhàn nhã tự tại. Ta đã gặp được Bậc Thầy Nhất Thiết Trí, được quay về với giáo pháp của Ngài và chúng Tăng, thành tựu đầy đủ pháp vô dục. Ta đã gieo mầm phạm hạnh, có cái đã thành, hoặc có cái đang hướng đến đạo. Nhiều người rơi vào đường tà, ta thuận theo chánh đạo, người khác làm trái, ta làm phải.

Nay đây, chẳng bao lâu nữa, ta là con của Đấng Pháp vương. Cõi trời và nhân gian đều khen ngợi hương giới đức, chẳng giấu công đức ấy, chẳng còn buồn phiền. Bấy giờ, mới an ổn nếm vị giải thoát, ngày càng no đủ, được cứu độ an ổn, vượt qua đường ác, không còn sợ hãi, nương vào tịch quán, vào tám đạo hạnh, thẳng đến thành Niết-bàn, không còn hoạn nạn sợ hãi. Vì vậy tự khuyến khích mình tuân phụng tinh tấn, siêng năng.

Bài tụng rằng:

Tu hành, dù gầy yếu
Thường mong gặp pháp lợi
Ta được nương Thế Tôn
Chánh pháp và chúng Tăng.
Phương tiện làm tâm vui
Khuyên người chí bạc nhược
Thường chuyên tâm tuân phụng
Thế gọi là tu hành.
Sơ học và thành đạo
Phức tạp như rừng cây
Vì rời bỏ đường tà
Nên tạo lập chánh lộ.
Dùng giới đức làm hương
Ví như xông cây rừng
Hốt nhiên được giải thoát
Đắc đạo hiện khắp nơi.
Do từ Phật sinh cây kinh pháp
Chỉ chép điều chính như chọn hoa
Với pháp, có người toan biếng nhác
Muốn khiến tự gắng nên giảng nói.

 

Phẩm 21: HÀNH KHÔNG

Người vật đều có tên
Biết hết tên gốc chúng
Hiểu khổ cho chúng sinh
Như tơ của cọng sen.
Do quán xét kỹ lưỡng
Không còn có ngã tưởng
Người chẳng nghĩ đến thân
Xin lạy Đấng Vô Trước.
Hào quang chiếu thế gian
Như đuốc vào nhà tối
Tâm ngài đã soi thấy
Tất cả không vững bền.
Con theo Đấng Giác Ngộ
Tâm Ngài hành bình đẳng
Quán sát người và trời
Thấy khắp là rỗng không.

Nếu người tu hành có tưởng về chấp ta đây, chẳng thể nhập vào lý không thì phải tự khắc trách: “Ta đã suy thoái không lợi dụng tâm vướng mắc, chẳng thuận với không tuệ, ưa tưởng chấp ta đây”, thì nên lo lắng tự gắng lên, đưa tâm về không, hoặc tự răn ý chí hướng về định ý. Do đạt bốn không, ba cõi đều là không, vạn vật vô thường. Có người nghĩ vậy tự khuyến khích tâm mình tiến lên, khiến chẳng phóng dật.

Bài tụng rằng:

Người chẳng hiểu không, có tưởng ngã
Thì chí lay động như cây lay
Khuyến dụ tâm ấy hướng về không
Chẳng bao lâu sẽ đạt tịch tĩnh.

Ví như nhà vua có một đứa bé hát tuồng. Mẹ đứa bé chết, nó về nhà lo tang chế. Nhà vua muốn nghe hát, sai người gọi nó rằng vua muốn gặp, thằng bé tự nghĩ: “Ta có mẹ già, vừa thấy lại bỏ đi. Nay lệnh vua rất gấp, nếu không đi thì sẽ mất mạng, hoặc bị trụ phạt. Mẹ tuy qua đời nhưng không có cơ nghiệp gì khác. Ta phải đi thôi, đừng trái lệnh vua. Giả vờ diễn trò cho vua được vui.” Gắng gượng dằn lòng, nén nỗi bi thương, chẳng nghĩ đến mẹ, liền tự trang điểm, vui vẻ phục sức đến trình diện vua. Giả vờ diễn trò để khiến vua vui vẻ. Bỗng tự nghĩ lại đang chịu tang mẹ, trong lòng buồn đau như cỏ bị đốt “Ôi đau đớn thay, sao nỡ cười đùa!” Vừa buồn tang mẹ, nhưng quá sợ nhà vua, nên tức thời nén nỗi thương tâm, như lửa bị nước tưới, lại tiếp diễn trò, tạm quên đau buồn. Cười giỡn càng nhiều khiến nhà vua càng thích thú.

Người tu hành cũng nên như vậy, dẫn tâm tiến đạo khiến cho trống rỗng, diệt tưởng vô ngã. Nhân đó tu tập để chứng nhập chân không.

Bài tụng rằng:
Như vua có thằng hề
Bị trọng tang lo buồn
Vờ cười trừ sầu khổ
Lòng vui vẻ hân hoan.
Tu hành cũng như thế
Dụ dẫn tâm hướng không
Chiếu sáng gần tuệ sáng
Định ý không động chuyển.

Vì vậy, người tu hành nên theo giáo pháp “Không”. Nếu răn nhắc tâm mình trong khi loạn tưởng, hoặc móng khởi ngã tưởng, thì tự tư duy: Ví như có người tập trung cây cối, để kết thành bè, muốn qua sông lớn, nhưng nước sông quá mạnh làm trôi và phá tan bè. Ta khuyến dụ tâm tinh tấn đến nay đã lâu ngày, siêng năng chịu khổ chẳng nói hết, bỗng chốc loạn ý khởi lên, phát sinh tưởng chấp nga, chống trái sự tinh chuyên.

Bài tụng rằng:

Ví như dồn cây để làm bè
Nước sông chảy mạnh làm tan rã
Dòng sông ái dục mạnh như thế
Muốn ý tịch tĩnh phải hướng không.

Ví như vào tháng hạ, cỏ cây khô cháy, khi được cơn mưa rào liền nẩy chồi lại, ngũ cốc dồi dào. Ta tư duy “không” thì không còn chấp ngã. Nếu chẳng tư duy liền khởi tâm tưởng.

Bài tụng rằng:

Ví như nắng hạn gặp mưa rào
Cỏ cây khô cháy đều đâm chồi
Nếu người tu hành tư duy “không”
Dứt bỏ tưởng niệm, không chấp ngã.

Người tu hành tự nghĩ: Ta sở dĩ thiền tọa là muốn cầu diệt độ, nhưng thật sự thì đâu có cầu. Nếu có cái ngã có thể cầu thì cái ngã vốn là không, không có cái ngã của ta. Vậy ngã là cái gì? Thật có thân chăng?

Bài tụng rằng:

Ai cho “ngã tưởng” ấy là giác
Thì thường quán kỹ có vốn không
Nếu để theo tục chẳng tự biết
Giống như trong tối tìm người mù.

Người tu hành dừng lại tư duy: Có thân mới thành ngã, áo cơm thường dùng, có dư mới cho người khác, đó là cái ngã của ta, nghĩ rằng hết thảy vốn là không. Giả sử có nạn thì trước hết tự bảo hộ, sau mới cứu người khác. Nếu xả thân rồi, lại có hoạn nạn nữa thì sẽ theo đuổi giúp đỡ. Tất cả sự tham lam của con người đều do thân mà phát khởi, chứ không do người khác tính toán. Vì vậy nên biết thân là ngã của ta.

Bài tụng rằng:

Tham tài tham sắc đều do thân
Nếu có nạn dữ trước tự hộ
Chẳng ngó đến ai, chỉ lo mình
Người tục cho là ngã của ta.

Người tu hành tự nghĩ: Nên quán về nguồn gốc của thân do sáu yếu tố hợp thành: Một là đất, hai là nước, ba là lửa, bốn là gió, năm là không, sáu là thần (thức). Cái gì gọi là đất? Đó có hai thứ: Đất ở trong và đất ở ngoài.

Bài tụng rằng:

Đất, nước, gió, lửa, không
Hồn thần nữa là sáu
Trong sáu ngoài cũng sáu
Phật dùng Thánh trí giảng.

Cái gì là đất trong thân? Trong thân, chất cứng như là tóc, lông, móng, răng, cấu bẩn, xương thịt, da gân liền nhau, ngũ tạng, ruột, bao tử, phân ue, bất tịnh. Các chất gì cứng gọi là đất trong thân.

Bài tụng rằng:

Thân người chứa biết bao nhiêu thứ
Tóc, lông, răng, móng, xương, da, thịt…
Và các chất cứng trong cơ thể
Gọi đó là đất ở trong thân.

Người tu hành lai tự suy nghĩ: “Ta xem đất trong thân là thân ta chăng? Thần thức gá vào, cùng với đất ở trong hợp thành chăng? Sự kết hợp của thân đã khác thì cái ngã của ta cũng riêng biệt?” Hãy quán sát về việc cạo tóc: Khi râu tóc rơi xuống trước mắt, mỗi sợi tóc rời ta, dụng tâm quán sát cả trăm lần, cái ngã của ở chỗ nào? Nếu chỉ một sợi là ngã, còn những sợi khác thì sao? Nếu tất cả sợi đều là ngã thì điều này cũng chẳng đúng, vì có biết bao nhiêu là ngã. Lại tóc, râu cạo xuống từ ngắn đến dài cũng khó đếm xuể, nếu khi đem bỏ vào lửa đốt thì thân sẽ chết? Tóc do bốn điều kiện phát sinh: Một là do nhân duyên; hai là trần lao; ba là ái dục; bốn là ăn uống. Nếu chẳng phải là thân thì không có ngã của ta, râu tóc các duyên hợp lại, ngã mới có. Một sợi tóc rơi xuống đất, hoặc bỏ vào lửa, hoặc rụng ở nhà xí, dùng chân giẫm lên, thì đối với thân không có đau đớn gì. Ở tại trên đầu cũng không có ích gì. Vì vậy quán xét ở trên đầu, tại dưới đất giống nhau không khác.

Bài tụng rằng:

Trên đầu tuy nhiều tóc
Thêm bớt cũng không khác
Dù cạo hay là còn
Cũng chẳng lấy làm lo.
Quán sát kỹ như vậy
Không có ngã của ta
Vậy nên phân biệt rõ
Tất cả không có thân.

Giả sử tóc kia là cái ngã của ta thì ta giống như rau hành cắt rồi, sau sẽ mọc lại. Lấy đó suy ra, sẽ có thêm ngã nữa. Vì sao? Vì thứ rau hành ấy tự hủy, tự sinh. Tất cả đều là không, chẳng phải ta, không có ngã. Giả sử râu, tóc, cùng với thần thức hòa hợp như nước và sữa hòa hợp thì vẫn còn có thể tách ra được. Giả sử râu tóc có ngã của ta thì lúc ban đầu ở trong bào thai bẩm thụ hình, thức, hoàn toàn không có râu tóc, lúc ấy cái ngã của ta là cái gì? Sau đó do nhân duyên sinh. Vì vậy biết rằng, râu tóc không có cái ngã của ta, dù râu tóc có sinh hay là không sinh, hoặc cạo hoặc chừa cũng không có thân. Do đó quán xét, cỏ cây và râu tóc giống nhau không khác.

Bài tụng rằng:

Nếu râu, tóc là ngã của ta
Thì cũng giống như thứ rau hành
Thân như rau cỏ cắt rồi sinh
Xem thân cùng cỏ chẳng khác gì.

Người tu hành tự nghĩ thế này: Vốn không có ta, nay chẳng thấy ngã. Hiểu rõ như thế, chẳng còn hồ nghi, như tóc không có ngã, tất cả cũng thế. Tóc, lông, móng, răng, xương, thịt, da đều không thuộc về đâu. Quán kỹ như thế thì đất không có ngã của ta, ngã không ở trong đất.

Bài tụng rằng:

Tóc, râu… không có ngã của ta
Cắt xẻ thân ra trăm ngàn mảng
Trong ấy tìm cầu, không có thân
Ví như vào nước mà tìm lửa.

Người tu hành tự nghĩ: Ta tìm nơi đất trong thân, hoàn toàn không có ngã của ta. Nên quán sát đất bên ngoài thử xem có cái ngã của ta nương gá vào đất bên ngoài chăng? Sao gọi là đất bên ngoài cùng với thân chẳng liên quan? Thô cứng chắc chắn ngoài thân người, đó là hình dáng của đất đai, núi non, các đá, ngói, gạch, cây gỗ, đồng sắt, chì, thiếc, vàng bạc, thâu thạch, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não, lưu ly, thủy tinh, cây cối, thảo mộc, lúa thóc, vật thực có mặt khắp nơi.

Bài tụng rằng:

Núi non, đá ngói đất cỏ cây
Và các loại hình hiện có khác
Chúng đang phát sinh ngoài thân ta
Đó gọi là thứ đất ngoài thân.

Người tu hành quán sát đất bên ngoài thì biết đất bên trong không có ngã của ta. Vì sao? Vì đất trong thân tăng giảm thì có sự khổ đau hãy còn không có thân, huống gì là đất ngoài thân mà có thân sao? Dù có phá hoại, cắt đứt, thiêu rụi, đào xới, xé chẻ cũng chẳng đau đớn, thì đâu có thể gọi là ngã của ta? Cho nên đất ở trong và ngoài đều không thuộc về đâu, như nhau không khác.

Bài tụng rằng:

Như đất trong thân đã vô ngã
Huống là có, ở đất bên ngoài
Do quán vô ngã đều không khác
Bừng tỉnh cùng không, chẳng khác gì.

Cái gì gọi là nước? Nước ở trong ta, ta ở trong nước. Nước có hai thứ: Nước ở trong và nước ở ngoài. Cái gì gọi là nước ở trong? Ở trong thân, những chất thuộc về loại mềm, ẩm ướt như các loại mỡ, huyết mạch, tủy não, nước mũi, nước mắt, nước dãi, nước đờm, gan, mật, nước tiểu… Các chất ẩm ướt trong thân, gọi đó là nước ở trong.

Bài tụng rằng:

Các chất như gan, mật
Huyết mạch, mồ hôi, mỡ
Đờm, dãi và tiểu tiện
Là chất ướt trong thân.
Xẻ thân thấy chất mềm
Chẳng tưởng quan thần thức
Lưu thông khắp trong thân
Đó là nước ở trong.

Người tu hành hỉ, khạc ra trước mặt và quán sát kỹ lưỡng, dùng que vạch ra xem ngã có ở đấy không? Giả sử ngã nương nơi đó ngày ngày chảy ra, thì bị vứt bỏ tiêu mất, đã theo ra ngoài rồi thì chẳng cho là ngã, cũng chẳng nên gìn giữ. Giả sử dùng que vạch ra mà có cái ngã của ta, đựng đầy trong bát thì gọi là gì? Quán sát như vậy, biết chắc là không có ngã. Vì sao? Vì xét về hình thể thì không có gì hết. Lấy đó mà so thì loại nước rất nhiều. Nước đã không có ngã, thì trong hay ngoài cũng vậy.

Bài tụng rằng:

Giả sử ngã như nước
Nước tiêu ngã cũng tiêu
Nước trong thân vơi đầy
Đáng lẽ ngã cũng vậy.
Như bỏ nước trong thân
Chẳng nghĩ đó là thân
Người quán kỹ như thế
Không chấp ngã của ta.

Người tu hành đã thức tỉnh quán sát thấy nước ở trong thân không có ngã của ta rồi, thì nên quán sát nước ở bên ngoài, có ngã chăng? Ngã nương vào nước chăng? Cái gì là nước ở ngoài chẳng có trong thân mình? Mùi vị của rễ, thân, cành, lá, hoa, quả, đề hồ, dầu mè, rượu, tương, sương móc, nước tắm, nước ao, giếng, suối, ngòi, rãnh, kênh, sóng, sông, biển, nước ngầm, gọi là nước ở ngoài.

Bài tụng rằng:

Các thứ gọi là nước trên đất
Và các mùi của thuốc rễ, thân
Cùng thân riêng biệt chăng liên quan
Gọi đó là nước ở bên ngoài.

Người tu hành quán kỹ nước ở bên ngoài, phân biệt thế này: nước trong thân còn không có ngã của ta, nhưng khi có sự tang giảm, còn khiến thân đau đớn, huống gì là nước bên ngoài còn có thân? Dù có người lấy, đối với mình cũng không tổn hại. Nếu có người cho, đối với thân cũng không có ích. Lấy đó mà quán thì nước ở trong hay ngoài này như nhau, không khác. Vì sao? Vì đều không có sở hữu.

Bài tụng rằng:

Nước ở trong thân không có ngã
Dù có khổ vui và tăng giảm
Vậy nước ở ngoài đâu có thân
Khổ vui, tăng giảm đều vô hại.

Nay nên quán sát các thứ lửa. Lửa có ngã chăng? Ngã ở trong lửa chăng? Cái gì gọi là lửa? Lửa có hai thứ: Lửa ở trong và lửa ở ngoài. Cái gì gọi là lửa ở trong? Hơi ấm áp, sức nóng bức khắp cùng trong thân, nó duy trì mạng sống và thiêu hóa thức ăn. Các sức nóng trong thân ấy là lửa ở trong.

Bài tụng rằng:

Sức nóng trong thân tiêu thức ăn
Hơi ấm ôn hòa giữ mạng sống
Như vậy thể phần và sức nóng
Gọi đó là lửa ở trong thân.

Người tu hành nên khơi các quán về các hơi ấm ở trong thân: Hoặc hơi nóng trên đầu, hoặc ở trong tay, chân, xương sống, hông, bụng, lưng. Quán chiếu như thế, mỗi bộ phận đều có sự sai khác. Suy ra thân người là một, đúng là không có ngã. Quán kỹ như thế, thì không thuộc về đâu, đó là lửa ở trong.

Bài tụng rằng:

Phân biệt kỹ thân người
Biết lửa không có ngã
Ở khắp các bộ phận
Đâu cũng chẳng thấy ngã.

Người tu hành lại tự tư duy: Ta tìm cầu lửa ở bên trong đã không có thân, thì quán sát lửa bên ngoài có ngã chăng? Ngã nương vào lửa chăng? Cái gì gọi là lửa bên ngoài chẳng liên quan đến thân? Đó là lửa và các thứ thuộc về ấm, nóng. Ánh sáng do mặt trời, mặt trăng tinh tú phát ra, lửa ở cung điện các Thiên thần, ở bờ đất núi cao, do đục đá, y phục, châu báu, vàng bạc, đồng, sắt, châu ngọc, anh lạc và các loại ngũ cốc, cây cối, dược thảo, đề hồ, dầu mè, các loại có sức nóng đều là lửa bên ngoài.

Bài tụng rằng:

Lửa nóng, nhật nguyệt và tinh tú
Các loại đá, sáng nóng dưới đất
Và tất cả thứ nóng ấm khác
Gọi đó là lửa ở bên ngoài.

Người tu hành tư duy lửa ở ngoài đã thấy như thế, thì biết lửa ở ngoài chẳng thể kể xiết. Lửa có hai việc, đó là đốt và nấu. Lửa ở trong cây cỏ thì chẳng đốt cây cỏ. Công dụng mỗi thứ khác nhau. Nếu ở trong lửa bên ngoài có cái ngã của ta thì chúng chẳng khác biệt. Vì vậy biết rằng lửa ở ngoài không có thân, thân cũng chẳng ở trong lửa. Lửa ở trong và lửa bên ngoài đều giống nhau. Vì sao? Vì đều trở về không.

Bài tụng rằng:

Sở dĩ có lửa này
Để thiêu đốt, nấu chín
Núi cao các thứ đá
Chỗ tích tụ lửa ấy.
Ở các chỗ khác nhau
Đốt cháy không cùng lúc
Lửa ngoài không như thế
Nên biết là vô ngã.

Nay nên quán sát các thứ gió có ngã chăng? Ngã ở trong gió chăng? Cái gì gọi là gió?

Gió có hai thứ: Gió ở trong và gió ở ngoài. Cái gì là gió ở trong? Hơi mà thân lãnh nạp ra vào, lên xuống, gió khởi ngang hông, xương sườn, lưng, gió thông cả trăm mạch, xương cốt, gió có sức kéo co rút gân lại, các gió nhanh, độc thổi lên hoành hành làm chết người. Đây gọi là gió bên trong.

Bài tụng rằng:

Gió mang trong thân như cơ quan
Các thứ gió chấm dứt mạng người
Hen suyễn rung động co rút chân
Đó gọi là gió ở bên trong.

Người tu hành nên khởi quán như thế này: Các thứ gió bên trong đều do ăn uống không đúng thời tiết mà phát sinh, do các nhân duyên khác mà gió chẳng thông. Gió có nhiều thứ, trong mỗi bước chân, đủ thứ khởi, diệt. Đối với chúng, tìm cầu ngã nhưng chẳng thể nắm bắt được. Vì vậy nói rằng tìm cầu gió ở bên trong nhưng không có ngã của ta.

Bài tụng rang:

Gió động gió trụ tại thân người
Biết bao nhiêu thứ từ duyên khởi
Chúng đều khác nhau chẳng có ngã
Nên gió ở trong không có thân.

Người tu hành tâm tự nghĩ: Nay tìm cầu gió ở bên trong đã không có ngã, thì nên quán sát gió ở bên ngoài. Cái gì gọi là gió bên ngoài chẳng tương quan đến thân? Gió mạnh cuồng loạn ở Đông, Tây, Nam, Bắc, gió nhẹ, gió lạnh, nóng, nhiều ít, hiu hiu, gió nổi mây, gió xoáy, gió động, gió hình thành, phá hủy đất trời và gió giữ nước, đó gọi là gió ở ngoài.

Bài tụng rằng:

Các thứ gió bốn phương lạnh, nóng
Gió xoáy, gió hình thành, diệt vong
Gió tan mây, trong sáng nhẹ nhàng
Đó gọi là gió ở bên ngoài.

Người tu hành mà quán sát gió như thế, thì tự nghĩ, gió bên ngoài chẳng đồng, hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc có khi trung bình, hoặc như lúc quá nóng cầm quạt tự quạt, hoặc như có bụi đất phủi đi. Gió thổi nhanh mạnh thì nhấc người lên; gió xoáy ở trên hư không, khi đất trời hoại thì thổi tróc núi Tu-di, hai bên cọ xát nhau khiến tan nát hết, nhấc dưới lên trên, thổi bay lên cao, rồi để rớt xuống va chạm nhau, nát bấy như bụi. Thân chỉ có một, không có to, nhỏ. Gió bên ngoài đã nhiều lại có to, nhỏ. Quán sát gió bên trong bên ngoài đều như nhau không sai khác. Vì sao? Vì đều chẳng thuộc ve đâu.

Bài tụng rằng:

Giống như cầm quạt trừ nóng bức
Gió mát thân người và gió xoáy
Gió trong hư không cũng vô ngã
Đó gọi là gió ở bên ngoài.

Người tu hành đều có khả năng phân biệt, hiểu rõ bốn đại ấy. Tuy vậy, chưa xả được vì chẳng biết thân là không. Những việc làm hiện tại gắn liền với ý nghĩa là có thân, cũng gọi là có ta. Để quán chiếu nó vốn không, nghĩa bốn đại chủng bên trong và vốn đại chủng bên ngoài đều như nhau, không khác. Vì sao? Vì tâm, ý, thức chẳng ở trong thống, tưởng, hành, thức cũng chẳng liên quan đến bốn đại của thân.

Bài tụng rằng:

Nên quán sát bốn đại chủng này
Kẻ không trí tuệ thường hoài nghi
Sắc, thống, tưởng, hành, thức chẳng dính trong
Thì đâu tương quan bốn đại ngoài.

Người tu hành giả sử hồ nghi thì nên quán sát nguồn gốc để có thể hiểu rõ tướng trạng của nó, biết nó như thế nào. Ví như trồng cây phát sinh ra quả, chẳng phải là do hạt giống, chũng chẳng phải là lìa hạt giống. Tất cả như thế, do nhân kết hợp bốn đại. Như có năm ấm thì tại bào thai thành tâm tinh thần và hình trạng như váng sữa đục, rồi phát triển như cục thịt, dần dần thành thân tiểu nhi. Từ thân bé tí đến trung niên vốn là do bao nhiêu thứ từ bào thai sinh khởi. Thân đã thành tựu rồi, thì chẳng phải là cái thân kết hợp lúc ban đầu mà cũng chẳng lìa nó. Mới bắt đầu, từ bào thai, tinh thần dần dần thành hình, đến lúc trung niên, tinh thần vẫn hiện hữu, do sự biến đổi của bốn đại chủng dần dần ngày càng trưởng thành. Do quán “vốn không” nên không có ngã, cũng giống như bốn đại chủng, không sai khác. Tinh thần hiện hữu, dần dần trưởng thành theo thân thể nhưng chúng không có tinh thần, cũng dần dần to lớn.

Bài tụng rằng:

Tâm do bên trong sinh
Như cây từ hạt mọc
Tâm như cây do quả
Đại chủng ngoài cũng vậy.
Thân pháp cũng như thế
Do tâm và các tưởng
Đại chủng ngoài không ý
Đâu có thể có tưởng.

Ví như các đại chủng bên ngoài, có thứ hiện thành vàng, về sau có thợ. Hoặc sản xuất ra đồng, sắt, hoặc sản xuất chì, thiếc, hoặc sản xuất bạc, hoặc sản xuất các loại báu như sản xuất thâu thạch, xa cừ, mã não, lưu ly, thủy tinh, san hô, hổ phách, bích ngọc, kim cương, vàng ròng. Các loại đại chủng bên ngoài, sản xuất các loại châu báu quý lạ như thế. Còn kể về đại chủng bên thân thì trong bào thai bắt đầu sinh hai cục thịt gọi là hình dạng mắt, cái có ánh sáng trong mắt để nhìn thấy gọi là tinh thể. Con ngươi đen trong mắt vin vào tinh thể bên trong mà thấy được hình ảnh bên ngoài, trong ngoài tiếp xúc nhau rồi mới sinh thức. Thức cùng với thống, tưởng, hành phát sinh chỗ nào? Nếu như từ mắt sinh thống, tưởng, hành thì tai, mũi, miệng, ý cũng như thế, các đại chủng trong và ngoài cũng không sai khác. Các đại chủng từ bên trong như tâm, thống, tưởng, hành vốn là từ trong phát khởi, chẳng do bên ngoài.

Bài tụng rằng:

Có đại chủng bên ngoài
Dùng làm ra vàng bạc
Đại chủng trong cũng thế
Hai cục thịt thành mắt.
Từ nhãn căn thấy sắc
Dựa sắc mà thành thức
Do tâm khởi các tưởng
Thức tự tại bên trong.

Người tu hành hoặc có kẻ nghi ngờ thế này: “Cái gọi là đại chủng bên trong, ít có kẻ vượt qua được, đó là cái “trong” trong cái trong.” Hoặc tự cho mình biết và nói người ngu muội chẳng nghe, chẳng biết, tâm họ trở lại tà vạy, rơi vào cao ngạo, cái mà thân thấy đó cho là ngã sở. Ngã thì có hình dáng, ngã ở bên trong. Quán thân người khác cũng như thế. Thấy biết như vậy, thì không thể thoát được. Phật giảng giải thân người thuộc về bon đại, năm ấm và các suy nhập, dựa vào đó gọi là thân, tha nhân là ngã sở, nghĩa là nội ngoại chủng này, phàm nhân nói vậy, nên như người tục đã nói, ta nói theo họ, nếu không theo thì sẽ bị người tranh cãi. Người học đạo chưa từng nghĩ đến thân.

Bài tụng rằng:
Ngã đâu có cái hơn
Có thể vượt nội ngã?
Ngu si cũng như vậy
Vô tuệ theo tà kiến.
Lời nói có tăng giảm
Phàm tục đã nói vậy
Người trí ngoài việc ấy
Phân biệt không sai khác.

Người tu hành thấy biết rốt ráo thành trí tuệ thanh tịnh. Giả sử đại chủng bên trong là ngã sở thì thường được tự tại nên chế phục nó, tiến thoái là do mình, cho nên biết được thì cái vô ngã tại sao chẳng được tư tại? Lo lắng và già nua, tóc râu tự bạc, móng dài, răng rụng, mặt nhăn, da dùn, diện mạo xấu xí, gân mạch rã rời, thịt đau, xương nhức, phong hàn nhiệt đến chống nhau chẳng hòa, máu huyết nhớp nhúa hỗi loạn; bốn đại bên ngoài cũng vậy, hoặc có đất bị đào xới, núi lở, hang sụp; đất nước, gió, lửa hoặc tăng, hoặc tổn, thật chẳng tự tại, cho nên không có thân. Do đó biết rằng, các đại chủng trong ngoài không có ta, chẳng có ngã.

Bài tụng rằng:

Sinh, già, bệnh, chết đến
Còn chẳng tự tại được
Địa chủng ngoài cũng thế
Băng hoại thường tăng giảm.
Các duyên trong thành thân
Đại chủng ngoài cũng vậy
Như thật quán sát kỹ
Thì biết không có ngã.

Người tu hành tự nghĩ tâm ta thế nào? Từ lâu xa đến nay bốn đại đều không, mà ngược lại cho là ngã sở. Ví như mùa hạ nóng bức, trong sáng không mây, đi trên đồng vắng, xa thấy bóng nắng. Khi ấy sức nóng của đất như rải than đỏ, vì không có nước, cỏ cây đều khô, giống như đất cát vào giữa trưa cực nóng. Hoặc có khách buôn thất lạc đồng bọn, đi sau một mình, đầu không đội nón, chân chẳng đi giày. Thân thể, mặt mũi, mồ hôi nhễ nhại, môi miệng khô rát, thân như thiêu đốt, miệng há, lưỡi thè, cực kỳ khát nước. Nhìn trông bốn phía, tâm thần mê hoặc, xa thấy bóng nắng tưởng đó là nước, cho là dòng nước chẳng còn bao xa, bên cạnh có cây cùng bao loài chim le le, nhạn, uyên ương tung tăng trong ấy. Ta nên đến đó tự trầm mình xuống, để hết nóng bức cùng mọi thứ dơ bẩn nơi thân, giải trừ được cái khát kịch liệt và sự mệt nhọc.

Bấy giờ, người ấy sau khi nghĩ như vậy rồi ra sức chạy nhanh đến chỗ bóng nắng, thân thể rũ liệt lại càng thêm khát, lâm cảnh khốn đốn, hơi thở hụt hẫng, tâm thần bấn loạn, liền nghĩ: Ta tưởng nước gần chạy đi cả mấy dặm mà chẳng đến chỗ nước, vậy đó là cái gì? Cái mà ta đã thấy đúng là nước sông hay là ta lầm chăng? Rồi tiếp tục tiến buớc, ngày càng ngã về chiều, khi ấy trời mát dần chẳng thấy bóng nắng, chẳng còn có loại nước kia, tâm liền tự biết đó là do sức nóng chói chang tạo nên. Vì ta quá khát xa thấy bóng nắng lại cho là nước.

Bài tụng rằng:

Xa thấy ánh sáng chói
Cho đó là dòng nước
Khốn đốn vì quá khát
Nên gọi đó là sông.
Về chiều trời mát dần
Nhìn kỹ hiện tượng ấy
Mới biết là bóng nắng
Ta lầm cho là nước.

Người tu hành tự nghĩ: Ta vốn cũng vậy, vì khát tình dục, truy tìm chẳng nghĩ, chấp đắm vào tình yêu chung thủy, trở lại tự thiêu đốt, mê chấp tưởng nghi, lưới si, bị kiến chấp sai lầm, huyễn hóa che khuất. Ta từ lâu xa lầm là có tâm ấy, tham lam chấp ngã, cho đó là của ta. Nay đã biết rồi, xét kỹ cái thấy, thì cái thấy tưởng có thân từ đây đã dứt trừ. Nay thấy sáu phần không có cái ngã của ta; quán sát một sợi lông, sợi tóc hoàn toàn không thấy có, huống gì trong sợi lông của cơ thể thấy được các vật? Phân tích một sợi lông trên thân đã có biết bao nhiêu là chuyện để nói, huống la giảng luận cả đại địa?

Bài tụng rằng:

Tự xem thân mình là có ngã
Như người ngu khát nước thấy nắng
Biết sáu phần chẳng phải ngã sở
Người có tâm ấy hợp với đạo.

Người tu hành lại nên tư duy: Người ngu chẳng biết nen khởi tâm sinh tưởng ngã ấy là của ta. Ý niệm ấy là các tưởng tà hạnh. Lúc mới khởi gọi là niệm, sau khi khởi gọi là hành. Suy nghĩ rồi tâm mới động, khiến miệng phát ra lời. Dựa vào thân bốn đại cho là ta có ngã, nhưng việc ấy đều là không, không có ta, không có ngã, chỉ là ấm khởi, nguồn gốc của các nhập, do vậy mới có thân, nhân đó gọi tên là người. Người trượng phu xem hạt thì biết là mầm; loài có răng thì ý chí phát động từ bên trong, do gió có tiếng khiến lưỡi phát ngôn. Ví như dòng nước lớn từ núi cao chảy xuống, vang động êm ả. Hành giả nghe cũng như tiếng vang trong núi sâu kêu lên vọng lại. Lưỡi của người có lời nói vốn là từ tam phát khởi cũng giống như vậy.

Bài tụng rằng:

Nương vào các chủng, tưởng các pháp
Vốn do nghĩ tà khởi ý niệm
Do thân trưởng thành có ngôn thuyết
Phát ra nhiều nghĩa như suối nguồn.

Người tu hành lại nên tự nghĩ: Thân tứ đại ấy vốn không có ta, không có ngã, trở lại làm hại nhau. Ví như người giàu có vô số của cải nhưng có bốn oan gia. Bốn oan gia nghĩ rằng: “Người này rất giàu, của cải chẳng ít; đất đai, nhà cửa, đồ vật vô lượng; nô tỳ, người ở không thiếu gì; bà con, bằng hữu cũng đều giàu có. Chúng ta đã nghèo, lại không có thế lực, chúng ta chẳng thể báo oán người này được. Phải dùng phương tiện lòn cúi người này. Nên lấy lý do gì để thanh đạt phương kế? Thường gần gũi hắn mới có thể báo oán được?”

Bấy giờ, bốn oan gia giả đến quy thuận, người nào cũng nói: chúng tôi vì Nhân giả mà tận lực phục dịch, xin làm nô tỳ, muốn làm việc gì, xin sự sai bảo. Người nhà giàu ấy liền thâu nhận, xem họ như kẻ thân tín, khiến ở bên mình. Bốn người kia, kính cẩn, tối ngủ sáng dậy đều sợ sệt khép nép vòng tay; các việc làm nặng nhọc đều làm trước hết, không né tránh khó khăn. Người giàu ấy thấy bốn người kia cung kính tuân phục, trung thực, hòa nhã, mới đem lòng thương yêu hết mực, cho bốn người ấy là bạn thân của mình, không ai hơn được. Ngồi tại chỗ ngồi trên chiếu, khen ngợi rằng họ là bạn thân của ta, cũng như anh em, con cháu không khác, họ có thể làm việc cho ta hoàn toàn không trái ý. Đã có lời khen ngợi như thế rồi, ăn uống cùng chén bát, ra vào cùng xe.

Bài tụng rằng:

Bằng nhiều cách gần gũi
Dẹp kiêu mạn, chẳng nghịch
Lòn cúi như gia nô
Phục tùng, khiến hoan hỷ.
Oán đâu thể làm vậy
Đều là do thù xưa
Đời này gây hiềm khích
Đeo theo như bạn thân.

Bấy giờ, người giàu kia gần gũi với bốn kẻ oán, lòng chưa từng tẻ nhạt. Về sau, có việc cùng với bốn người này, từ thành đang ở muỗn đi đến huyện khác, bọn họ cùng lén bàn luận: người này từ lâu là kẻ thù của ta. Nay nó đã nằm trong tay ta. Giờ thì tại nơi đồng vắng không có người, ở khoảng này trước sau bị hại chẳng phải là một. Nay, con đường cách xa thành ấp, cách xa huyện, trước sau không ai, hai bên cũng không kẻ canh gác, không có mục đồng, không người lấy củi, không kẻ đi săn. Vào lúc đứng bóng như vầy, mãnh thú còn nghỉ ngơi huống là người đi đường lo ngại về nguy hiểm. Khi ấy, bốn kẻ oan gia nắm tóc người giàu nọ vật nằm xuống đất, đè lên ngực vạch rõ tội xưa.

Người thứ nhất nói: Vào thời gian nọ, mày giết cha ta.

Người thứ hai nói: Mày đã giết anh ta.

Người thứ ba nói: Mày đã giết con ta.

Người thứ tư nói: Mày đã giết cháu ta.

Nay đã bắt được mày rồi phải chặt ra từng khúc, cắt đầu bổ ra từng mảnh, mày hãy tự soát xét bản tâm đã từng làm điều gì đều phải suy nghĩ lại. Nay mày mất mạng, đến ngục của Diêm-la. Bấy giờ, người giàu mới biết, những người này là oan gia của mình mà mình lại cho là bạn thân. Lúc đầu đến phụ giúp, mình tin tưởng thương yêu họ, cho ăn uống vui chơi không tiếc, xem họ như con, mong ước là tat cả đều được vinh hiển trong tương lai. Nhưng từ lâu, chúng đã rắp tâm muốn hại nhưng mình chẳng hay biết. Nay nắm đầu vật xuống đất, kể bao nhiêu tội lỗi cũ, xẻo tai, mũi và chặt tay chân, lóc da, cắt lưỡi, mới biết rõ các kẻ kia là oán thù của mình.

Bài tụng rằng:

Con người đến với nhau
Oan gia giống bạn lành
Miệng hòa, tâm ôm độc
Như tro phủ than đỏ.
Quá tin không đề phòng
Lóc da như giết dê
Người ấy tâm mới biết
Là oán chẳng phải thân.

Người tu hành cứ như thế mà quán nghĩa này: Ta vốn tự cho bốn đại địa, thủy, hỏa, phong thuộc về ta. Nay quán xét kỹ chúng, mới biết rõ đó là oan gia nối kết với nhau bằng dây xích xương. Vì sao? Vì nước trong than tăng hoặc giảm, khiến sinh bệnh rét, có một trăm lẻ một thứ khổ, vốn từ thân phát ra rồi trở lại tự hại thân. Nếu làm cho lửa trong thân có sự chuyển biến thì sinh bệnh sốt, chịu một trăm lẻ một nỗi đau, vốn từ thân phát ra rồi trở lại tự hại thân. Nếu gió phát khởi thì bị bệnh phong, chịu một trăm lẻ một thứ đau nhức. Nếu đất biến động thì nhiều bệnh phát sinh, đó là bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh cùng phát. Bốn đại của thân như thế đều là oán thù, đều chẳng phải ngã, quả thật đáng nhàm chán. Người sáng suốt nên vứt bỏ, chưa hề ham muốn.

Bài tụng rằng:

Lửa có sẵn trong cây
Cọ nhau lại tự cháy
Bốn đại chủng cũng vậy
Chẳng hòa nguy đến thân.
Người sáng suốt quán kỹ
Biết rõ nguồn gốc chúng
Bốn đại trong là không
Là oán, vui nỗi gì.

Người tu hành tự tư duy: Ta quán bốn đại chủng thật chẳng phải là ngã sở. Nên quán đại chủng “không” gồm có những loại nào? Không có ở thân, thân có ở không. Những gì gọi là đại chủng không? Không có hai thứ: không bên trong và không bên ngoài. Những gì gọi là không bên trong? Ở trong thân, các chỗ thuộc khoảng trống của mắt, tai, mũi, miệng, thân, tim, ngực, bụng ruột bao tử, các lỗ xú uế, các khoảng trống trong xương, các mạch, bắp thịt co giật, những nơi ấy gọi không bên trong.

Bài tung rằng:

Các lỗ nơi hoa sen
Không trong thân cũng vậy
Xương, thịt, da, nơi giật
Không khác không trong thân.

Người tu hành nên khởi quán thế này. Các khoảng trống trong thân đều gọi là không. Ý niệm chẳng khởi từ không ấy, chẳng cùng kết hợp. Vì sao? Vì ý từ tâm khởi, ý này nối tiếp ý khác không dứt, vốn do sự tiếp xúc phát sinh. Do cái “ý pháp” ấy sẽ tự quán tâm, quán tâm người khác, tâm cũng không có không, không có chỗ nương tựa. Dùng trí “ba đạt” quán sát quá khứ, vị lai, hiện tại đều không sở hữu. Với bao nhiêu phương tiện quán sát cái không bên trong vĩnh viễn chẳng thấy thân. Vì vậy, cái thân bên trong không có cái ngã của ta.

Bài tụng rằng:

Quán không bên trong ở chỗ nào
Chẳng tìm thấy ngã như mảy trần
Vì vậy trong thân tâm ý thức
Ví như bóng tối, chỉ có danh.

Người tu hành nên quán thế này: Đã thấy cái không bên trong hoàn toàn không có sở hữu, lại nên quán cái không bên ngoài là những loại nào, có ngã, ngã có nương vào chúng chăng? Cái gì gọi là cái không bên ngoài không liên quan đến thân? Cái không có hình sắc, không thể nhìn thấy, cũng chẳng thể nắm bắt, không có thân hình chẳng dẫn dắt kiềm chế, chẳng bị bốn đại chủng che phủ. Do hư không ấy mà phân biệt bốn đại; y vào đó mà qua lại, ra vào, tới lui, lên xuống, đi đến, co duỗi, cử động, xuống sâu, lên cao, gió xoay vần được, lửa đỏ, núi đổ; nhật nguyệt tinh tú quây quần chung quanh, nương vào đó mà vận hành được. Đó là cái không bên ngoài.

Bài tụng rằng:
Chẳng thấy được hình sắc
Dung hết không trở ngại
Nương đó người qua lại
Cúi duỗi và cử động.
Sông ngòi lưu thông được
Nhật nguyệt gió xoay vần
Núi đổ và lửa cháy
Đó là “không” bên ngoài.

Người tu hành quán sát kỹ như thế về cái không bên trong thân còn chẳng phải là ngã sở huống là cái không bên ngoài mà gọi là ngã? Hãy giữ tâm chuyên chú vào không bên trong và ngoài như nhau, không sai khác. Vì sao? Vì không có khổ, lạc. Chẳng thể nắm bắt, không có tưởng nghĩ. Đã không nghĩ tưởng thì không có khổ lạc, sẽ chẳng nghĩ về ngã.

Bài tụng rằng:

Cái không ở trong thân
Xét thân rõ vô ngã
Huống là không ở ngoài
Lại cho là có ư?
Quán không ở trong ngoài
Đều như nhau không khác
Vì chẳng khởi khổ vui
Xa lìa các niệm tưởng.

Nay nên quán sát đại chủng tâm thần: Tâm thần có ngã, ngã nương vào tâm thần chăng? Cái gì gọi là tâm thần? Tâm thần ở trong chẳng ở ngoài. Tâm nương vào đại chủng bên trong thấy được đại chủng bên ngoài mà khởi nhân duyên. Tâm thần có sáu lãnh vực nhận thức: Mắt, tai, mũi, miệng, thân, tâm. Người tu hành nên quán xét như thế này: Mắt duyên sắc mà biết rõ, còn không thì theo tâm, vì vậy cho nên mới có nhãn thức.

Bài tụng rằng:

Nhờ đại chủng bên trong
Và bốn đại bên ngoài
Như hai cây cọ nhau
Ra lửa, thức cũng vậy.
Tai, mũi, thân, miệng, ý
Phân biệt, thành sáu thứ
Sắc làm chủ tội phước
Gọi đó là các thức.

Nhãn thức ấy chẳng ở trong con mắt, chẳng ở ngoài sắc, chẳng hợp cùng với sắc, cũng chẳng lìa mắt từ ngoài duyên sắc. Ở trong ứng với duyên thì gọi là thức.

Bài tụng rằng:

Ví như đồ cọ lửa
Chẻ ra làm trăm phần
Hoàn toàn chẳng thấy lửa
Quán lửa chẳng lìa cây.
Xem xét các loại thức
Cũng như vậy mà thôi
Do sáu tình có thức
Quán xét bất khả phân.

Ví như có nhà vua ngự trên lầu cao cùng với bá quan quần thần hội họp. Khi chưa làm vua, ông vốn là vị Tiên nhân ở trên núi, quần thần rước về lập làm vua, chưa từng nghe nhạc, nghe âm thanh của trống đàn không hầu, cầm sắt. Âm thanh của chúng rất cảm thương, hòa nhã êm dịu cho là chưa từng có, xoay hỏi quần thần, đó là tiếng của loại gì mà âm thanh hay quá vậy.

Bài tụng rằng:

Như vua người tiên ở nơi vắng
Đến nơi nhân gian nghe tiếng đàn
Nhà vua khi ấy hỏi quần thần
Âm thanh gì mà hay quá vậy.

Quần thần tâu vua:

–Đại vương chưa từng nghe âm thanh này ư?

Bài tụng rằng:

Quần thần tâu vua rằng
Vua chưa từng nghe ư
Như vua muốn xem thử
Thần chẳng nói sai lời.

Nhà vua bảo quần thân:

-Ta vốn từ lâu học đạo trên Tuyết sơn, là người tiên ở chỗ vắng vẻ, vì thế đối với những tiếng khác lạ này chưa nghe.

Bài tụng rằng:

Vua đem nguồn gốc nói bề tôi
Ở chỗ thanh vắng pháp làm vui
Đi ở một mình nên chẳng biết
Chẳng thể phân biệt âm thanh này.

Cận thần tâu vua:

–Đại vương muốn biết, đó gọi là cây đàn.

Bài tụng rằng:

Vua chưa nghe tiếng này
Chẳng hiểu chỗ âm phát
Thần tâu bậc tôn quý
Thứ ấy gọi là đàn.

Vua bảo cận thần:

–Đem đàn đến ta xem là loại gì.

Cận thần liền vâng lệnh mang cây đàn đến.

Vua bảo:

–Ta chẳng dùng thứ ấy, hãy lấy âm thanh của nó đến.

Cận thần tâu:

–Đây là cây đàn, cần phải dùng phương cách, động tác, công phu mới phát ra tiếng. Vậy làm sao lấy tiếng ra để mà trình cho vua được.

Bài tụng rằng:

Nhà vua có điều hỏi
Quần thần đều tâu rằng
Âm thanh chẳng thể lấy
Không có âm tự nhiên.

Nhà vua hỏi quần thần:

–Dùng công phu gì mà khiến có tiếng?

Quần thần tâu:

–Đây là cây đàn, do thợ đã dùng gỗ khô làm thành, rồi dùng dây buộc vào mới hoàn tất. Lại thử âm thanh của nó khiến chẳng lớn, chẳng nhỏ, điều chỉnh cho thích hợp.

Bài tụng rằng:

Đẽo gọt gỗ khô làm đàn này
Làm cho ngoài mỏng và trong rỗng
Lại mắc dây tốt, điều chỉnh âm
Nhiên hậu tiếng nó mới êm dịu.

Quần thần tâu vua:

–Trống, đàn phải khéo tay thì âm tiết mới hòa nhau, chẳng gấp, chẳng hoãn, chẳng chậm, chẳng nhanh. Khi biết âm thì rõ tiết tấu, tiếng thô tế, cao thấp mới đúng chỗ. Lại đã hiểu tiếng ngâm vịnh thi phú thì lời ca chẳng lạc tiết tấu, nhịp nhàng với âm trống, tám âm chín khúc, mười tám bậc, cung bậc có điệu khác nhau, sự biến đổi của dây có ba mười chín.

Bài tụng rằng:

Âm nó mà hòa dịu
Phát tiếng rất thánh thoát
Bốn bộ tiếng êm ái
Có thể ca thông suốt.
Hiểu rõ ngâm thơ phú
Như kỹ nhạc của trời
Người nào đạt như thế
Trống, đàn mới hòa trong.

Quần thần tâu vua:

–Như thế, nhạc sư điều chỉnh âm thanh của dây đàn, lúc đó mới êm ái. Như âm thanh nhà vua đã nghe đã mất rồi chẳng thể tìm lại được. Dù người bốn phương đuổi theo âm thanh ấy tìm nó ở chỗ nào cũng chang thể được.

Vua phán bảo quần thần:

–Cái gọi là đàn ấy không ích cho đời, không có thiết yếu, cái đàn ấy khiến cho vô số người phóng dật, chẳng thuần lương, vì khi nghe thấy nó thì lòng người bị mê hoặc. Hãy lấy đàn ấy đi, đập thành trăm mảnh, vứt bỏ ngoài đồng.

Bài tụng rằng:

Biết bao công phu mới thành âm
Chỉ vì hư vọng mê hoặc đời
Nếu không có trống, đâu phát tiếng
Phiền não rất nhiều do đó ra.

Người tu hành nghĩ thế này: Ví như chiếc đàn kia tốn biết bao nhiêu công mới thành tiếng. Mắt cũng như thế, không bị phong, hàn, nhiệt thì tinh thể của nó trong suốt, tâm chẳng nghĩ gì khác, bên trong và ngoài mắt đều sáng, sắc đã thấy không có xa gan, sắc không nhỏ nhiệm, cũng chẳng che khuất. Thức chẳng phải là một thứ, vì nhân đó mà duyên nên nhãn thức.

Bài tụng rằng:

Do biết bao công, mới thành đàn
Từ tai nghe tiếng, tâm ưa thích
Không có các bệnh, mắt sáng trong
Nếu không nghĩ khác, gọi nhãn thức.

Nhãn thức đã do nhân duyên sinh khởi thì nhân duyên kết hợp ấy là vật vô thường, khổ, không, vô ngã. Do từ nhãn thức mà dẫn đến họa hoạn này. Dù có người nói có sinh mạng thường, lạc thì cái ngã sở ấy cũng chẳng thể nắm bắt được. Đây là lời nói hư dối, đâu có thể tự cho rằng nhãn thức là ngã sở. Vì vậy biết rằng, thân không có nhãn thức, nhãn thức vô thường, các tưởng của tâm cũng giống như thế. Người quán sâu xét kỹ thì biết nguồn gốc của nó; tất cả các pháp đều chẳng phải là ngã sở. Ví như lấy tàu lá chuối cho đó là vật cứng nhưng đang ở trên tay đã rách vụn; lần lượt chọn mãi cho đến gốc của nó không có một cái gì cứng chắc, cũng chẳng có cái lõi, thì đâu có thể cứng được. Người tu hành cũng thế, từ khi nơi phát tâm, quán lông tóc là của mình hay của người? Quán kỹ thế này: quán sát tóc trên đầu của mình, tất cả đại chủng địa, thủy, hỏa, phong, không và tinh thần thấy là không có thân. Như ta từng nghe: Mặt trời đã lặn, trời tối không có ánh trăng, có một người độc hành, vào nửa đêm trông thấy cái cây từ xa cho là giặc cướp, như đang giơ đao, trương cung, cầm kích muốn hại mình, không còn hồ nghi gì nữa, trong lòng sợ sệt, không dám bước tới. Cất bước di động lòng rất lo âu, sợ sệt quá đỗi. Trời dần về sáng, tinh tú lặn mất, mặt trời sắp mọc, lúc ấy mới rõ chẳng phải là kẻ cướp mà là cái cây. Người tu hành nên quán như thế này: Ta từ lâu đời ngu si che lấp, cho là có thân cùng đầu, tay, chân, hông, sườn, ngực, bụng, các chỗ chất chứa, bước đi, đến dừng, ngồi đứng, nói năng, việc co thể làm dần dần tự đạt, học hỏi hiểu lẽ là trí tuệ thông minh, mờ mịt ngu si tức là nông cạn. Bây giờ mới rõ, không có cái ngã của ta, xương cốt nói nhau, da dẻ bọc ngoài, do tâm ý, gió, bước đi, tới, dừng, nằm, đứng, nói năng, có các động tác. Bài tụng rằng:

Có người đêm đi đường
Thấy cây tưởng là cướp
Người ngu cũng như thế
Thấy thân nghĩ có ngã.
Rõ không có ngã, nhân
Chứa các duyên thành thân
Xương cốt các lỗ thông
Do tâm thần, gió động.

Ta từng nghe rằng, xưa tại một nước nọ, các đám thiếu niên chơi ở bên sông, cùng nhau vui đùa, dùng cát xây thành hoặc làm nhà cửa, cho là sở hữu của mình, ai nấy tự giữ, phân biệt việc làm khiến không sai sót. Làm nhà xong rồi trong đó có một đứa dùng chân đụng, phá thành đứa khác; chủ thành quá giận nắm tóc đứa kia dùng tay thoi đấm, cất tiếng kêu lớn: Có người phá thành của tôi, xin quý vị đến đây giúp tôi trị tội. Đám trẻ đáp lời đều đến trợ giúp, đánh đập đứa kia, chân đạp lên thân hỏi: Vì cớ gì ngươi phá hoại thành của người khác? Và đám đó nói: Ngươi phá thành người khác thì phải làm lại. Rồi cùng bảo nhau: Có thấy người này phá hoại thành của người khác không? Nếu có ai bắt chước thì trị tội như thế. Ấy nấy ở tại thành của mình mà vui đùa cười giỡn, chớ phạm đến nhau nữa.

Bài tụng rằng:

Trẻ con xây thành cát
Chạm vào đầu tan rã
Chơi giỡn mà làm nên
Cho đó là của ta.
Ai nấy tự yên trí
Là nhà, thành của mình
Mà vui chơi trong đó
Như vua ở trong cung.

Bấy giờ, lũ nhỏ vui chơi với thành cát, cho là của ta, nên giữ gìn ưa thích, chẳng ai đụng đến. Ngày đã sắp tối, chúng muốn trở về, tâm chẳng luyến tiếc, chẳng đoái hoài thành cát, dùng tay chân đạp phá bỏ đi, rồi trở về nhà.

Bài tụng rằng:

Trẻ con dồn cát để làm thành
Ở trong chơi giỡn đến hoàng hôn
Trời vừa chạng vạng không luyến tiếc
Liền bỏ thành ấy, trở về nhà.

Người tu hành nên quán thế này: Ta chưa hiểu đạo, nghĩ nó là của ta, đắm vào ân ái, giữ sắc của thân. Già bệnh dẫn đến đối mặt vô thường, bỗng tiêu diệt hết. Nay vừa bỏ sắc, tâm không còn ưa, dùng pháp trí tuệ, phân tích chia chẻ, bốn đại năm ấm, nay đã hiểu rõ sắc, thống, tưởng, hành, thức, trần của các nhập, chẳng phải là của ta. Như năm ấm này chẳng phải là sở hữu của thân; quá khứ, vị lai, hiện tại cũng vậy. Ai muốn quán xét sinh tử, dùng phép quán như thế thì có đủ khả năng đến được cửa giải thoát. Nếu người muốn cầu “không” thì làm theo như thế.

Bài tụng rằng:

Có người quen với dục
Chẳng bỏ, đắm ân ái
Mãi tự giữ lấy thân
Như phụng kính người thân.
Nếu xa lìa tình dục
Như trăng bị che khuất
Biết thân như thành cát
Chẳng nghĩ ngã của ta.

Người tu hành thấy ba cõi là không, thì chẳng còn ưa thích sinh tới đó nữa. Thế nào gọi là vô nguyện, hướng đến cửa giải thoát? Có cảnh giới dâm, nộ, si, cấu, giả sử khởi tưởng thì chế ngự không theo, đó gọi là vô nguyện, hướng đến cửa giải thoát. Người không khởi tưởng như vậy tức ra khỏi ba cửa giải thoát. Vô tướng cũng như thế. Đã hiểu rõ điều ấy thì gọi là ba cửa giải thoát. Người tu hành, vì vậy chuyên tinh, chỉ muốn hiểu “không”.

Bài tụng rằng:

Ba cõi, chẳng thấy ngã
Chỗ thấy, đều là không
Đâu thể cầu sinh lại
Hoàn toàn chẳng trở lui.
Tâm luôn luôn nghĩ đến
Vô tướng, Vô nguyện, Không
Như ở trong trận chiến
Hàng phục trừ giặc oán.
Quán năm ấm vốn không
Nương gá trong thân người
Quá khứ và vị lai
Hiện tại cũng như vậy.
Chứa nhóm thân khổ nhọc
Tất cả đều rã tan
Người sáng quán năm ấm
Giống như bọt của nước.
Đạt Vô tướng, Vô nguyện
Thấy ba cõi đều Không
Ba giải thoát an ổn
Đều vượt các khổ não.
Thấy cát tường chẳng xa
Như xem chỉ bàn tay
Thế gọi là Sa-môn
Thủy chung không có hoạn.
Tỉnh giác xem kinh pháp của Phật
Vì cầu giải thoát thường an ổn
Nghĩ sâu nói rộng chỉ vì thương
Để hành giả hiểu giảng Không nhiều.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7