KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 6

Phẩm 24: QUÁN

Tướng lông trắng giữa mày
Sáng hơn mặt trời sáng
Như chim hộc trên không
Xa gần đều nhìn thấy.
Thân Ngài như sư tử
Vượt hẳn thân vua trời
Mi và ngực rộng đẹp
Xin đảnh lễ Thế Tôn.
Cánh tay đều đặn và tròn trịa
Rốn của Thế Tôn như nước xoáy
Đùi vế ống chân như trụ vàng
Quay về nương tựa xin đảnh lễ.
Mắt Ngài lóng lánh tựa hoa sen
Lông tóc trên thân như Khổng tước
Tâm luôn an trụ trong vắng lặng
Con xin quy mạng Đấng hơn Tiên.

Với người tu hành, thế nào gọi là quán?

Đến chỗ thanh vắng, ở một mình bên gốc cây, quán sát nguồn gốc của năm ấm, thấy đúng như sự xem xét một cách chắc chắn là khổ, không, vô thường, vô ngã; cái thân sắc, thống, tưởng, hành, thức vốn là không thân có năm mươi lăm tính chất không nên tham đắm cũng không có nơi chốn.

Bài tụng rằng:
Do hành nhẫn nhục được pháp quán
Quán sát năm ấm vốn từ đâu
Thấy quá khứ, vị lai, hiện tại
Phân biệt nói năm mươi lăm dụ.

Những gì là năm mươi lăm tính chất?

Đó là:

  1. Thân như bọt nước chẳng thể nắm bắt được.
  2. Thân như biển cả chẳng chán năm dục.
  3. Thân sẽ già chết như sông chảy về biển cả.
  4. Thân như phân uế, kẻ trí vứt bỏ.
  5. Thân như thành cát chóng bị tan hoại.
  6. Thân như biên địa gặp nhiều oán tặc.
  7. Thân như nước quỷ không có giữ gìn.
  8. Thân như đống xương thịt dính máu.
  9. Thân như tủy gân bó lại mà đứng.
  10. Thân như đất chứa dâm, nộ, si.
  11. Thân như đồng trống người ngu bị mê hoặc.
  12. Thân như đường hiểm thường mất pháp lành.
  13. Thân như mộ gạch nung do bao điều yêu thương dựng nên.
  14. Thân như đồ nứt bể thường bị rỉ chảy.
  15. Thân như bình đẹp chứa đầy đồ bất tịnh.
  16. Thân như nhà xí chín lỗ thường chảy.
  17. Thân như cống rãnh toàn là dơ bẩn.
  18. Thân như huyễn hóa dùng hoặc bịp người chẳng biết sự thật.
  19. Thân như gai gốc đâm chích thân tâm.
  20. Thân như nhà mục, đồ ăn hư thối.
  21. Thân như nhà lớn chứa nhiều loài trùng.
  22. Thân như lỗ trống dơ sạch ra vào.
  23. Thân như hoa héo, mau đến tàn tạ.
  24. Thân như cỗ xe đồng hành cùng vô thường.
  25. Thân như sương mù chẳng dừng lâu được.
  26. Thân như mụt ghẻ bất tịnh chảy ra.
  27. Thân như người mù chẳng thấy sắc màu.
  28. Thân như ngôi nhà chỗ chứa bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh.
  29. Thân như ống cống các loại dơ uế đều dồn vào đó.
  30. Thân như cái sọt chỗ chứa của rắn độc.
  31. Thân như nắm tay không, để lừa con nít.
  32. Thân như tha ma, người thấy đều sợ.
  33. Thân như con rắn, lửa sân thường đốt.
  34. Thân như nước loạn, đầu mối của mười tám kết.
  35. Thân như hồn tàn tạ, khi chết quỷ dẫn đi.
  36. Thân như tiền đồng, bên ngoài mạ vàng.
  37. Thân như khối rỗng, chỗ ở của sáu tình.
  38. Thân như ngạ quỷ, thường cầu ăn uống.
  39. Thân như voi đồng hoang, ôm già bệnh chết.
  40. Thân như chó chết thường được phủ che.
  41. Thân như tâm kẻ địch thường ôm oán thù.
  42. Thân như cây chuối, chẳng được bền chắc.
  43. Thân như thuyền hư, bị sáu mươi hai kiến chấp mê hoặc.
  44. Thân như nhà dâm, chẳng chọn thiện ác.
  45. Than như gác mục, xiêu đổ niệm lành.
  46. Thân như cổ họng bị nghẹt, uế trược ở trong.
  47. Thân không có ích, trong ngoài có hoạn.
  48. Thân như nhà hoang, bị dâm, nộ, si làm hại.
  49. Thân không cứu hộ, thường gặp tai nạn.
  50. Thân không gìn giữ, các bệnh xâm nhập.
  51. Thân không chỗ về, sự chết bức bách.
  52. Thân như đàn cầm do dây có tiếng.
  53. Thân như cái trống da, cây bao bọc nó vốn là không.
  54. Thân như cái chén, không có bền chắc.
  55. Thân như thành tro, gió mưa tan hoại, rồi già bệnh chết.

Do năm mươi lăm tính chất ấy, quán thân là dơ uế, thân là giả dối, mãi không trở lại chớ tin mà gần gũi xót thương, hãy xả bỏ, không có thân sơ. Ví như mộng, như huyễn, như bóng, như vang, như ánh nước bỗng nhiên hóa hiện. Nó giống như là oan gia mà thường cung kính, phụng sự cung cấp để cầu vừa ý, tắm rửa, chải chuốt, ăn uống, y phục, giường chõng, ngọa cụ theo đúng nhu cầu, dẫn dắt con người đến cái họa hoạn cuối cùng là già, bệnh, chết.

Bài tụng rằng:

Cho thân này ăn uống
Tự tại hưởng năm dục
Cầu bình an như bạn
Xét kỹ là oán thù.
Không cứu không giữ gìn
Mãi mãi không trở lại
Dẫn người đến họa hại
Vào sinh, già, bệnh, chết.

Con người sau khi chết đều sẽ rã tan, làm thức ăn cho chó thú. Hoặc có thây bị thiêu đốt, xương cốt vung vãi trên đất. Dựa vào vô số phương cách quán thân này: Ví như ung nhọt, giống như mũi tên ghim vào thân chẳng nhổ ra giống như tử tội ở chốn đông người. Quán sát các khổ não của thân thể phát sinh khi chết thì không có niệm tham đắm gọi là sắc. Quán thân là yếu đuối tiếp giáp với an nguy thì gọi là thống. Có sự hiểu biết thì gọi là tưởng. Tâm niệm là hành. Phân biệt các loại thì gọi là thức.

Bài tụng rằng:

Biết rằng nhãn thủ sắc sở quán
Thân ấy có được vốn nhờ duyen
Các thứ mềm dịu để thành hành
Dùng tâm vô sắc quán các đức.

Ví như bên dòng sông có một cái ao, bầy voi vào ao tắm, uống nước, ăn hoa sen xanh, thân cây phù dung rồi ra đi. Khi ấy dấu chân to, nhỏ lớn, dài hiện lên trên cát bùn. Có người thọ săn, kẻ chăn trâu, dê, lượm củi quơ rác, người đi đường nhìn thấy dấu chân ấy nói: “Có bầy voi lớn đi ngang qua đây!” “Tuy chẳng thấy voi nhưng thấy dấu chân chúng thì nhận biết là có bầy voi đi ngang qua đây.” Không có ấm của thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy, sự biến đổi các ấm không tướng: thống, tưởng, hành, thức là nhỏ nhiệm.

Bài tụng rằng:

Như ao ở bên sông
Trong cát có chân đi
Vì thấy dấu chân voi
Biết có bầy voi qua.
Như thế suy nghĩ kỹ
Đến được pháp thức niệm
Nhiều chỗ đều hiện rõ
Nhân duyên của khởi diệt.

Như vậy, các niệm tưởng vô sắc đều nương vào sắc, nhiên hậu mới có sắc pháp. Ví như hai cây lau dựa vào nhau mà đứng.

Bài tụng rằng:

Vô sắc nhiều chỗ nương
Hữu sắc nương vô sắc
Như cành dính liền cây
Danh sắc cũng như thế.

Pháp vô sắc ấy dựa vào hữu sắc mà phân biệt, còn hữu sắc thì cũng chẳng nương vào sự đắm chấp của vô sắc. Như trước hết có trống, nhiên hậu mới phát ra tiếng, tiếng đó và trống khác nhau, chẳng đồng, trống chẳng ở trong tiếng, tiếng chẳng ở trong trống. Danh và sắc cũng như thế đều khác nhau chẳng hợp, đắp đỗi nương nhau mới thành. Ấm vô sắc ấy chẳng được tự tại, chẳng phải tự lực mà phát khởi được.

Ví như có hai người, một người mù từ lúc sinh ra, một người bị què muốn đi đến nước khác. Người mù con mắt tối tăm vĩnh viễn chẳng thấy gì hết, chẳng biết hướng đi; còn người què thì không có hai chân chẳng thể đi được. Người mù gọi người què bảo: “Ta bị mù có chân đi được nhưng mắt mịt mờ không biết phương hướng. Còn ngươi thì què chẳng thể đi được nhưng lại có mắt sáng thấy đường lui tới. Nay hai chúng ta cùng nương nhờ vào nhau mà đi đến nước kia.” Người què ngồi trên vai người mù mà đi được, chẳng phải do oai lực của người què cũng chẳng phải phước đức của người mù. Sắc pháp cũng thế chẳng phải đứng riêng lẻ được, vô sắc cũng thế đắp đổi nương nhau.

Bài tụng rằng:

Tư duy các pháp chẳng riêng thành
Sắc pháp, vô sắc cũng vậy thôi
Tại thế gian, nương nhau đắp đổi
Ví như què, mù cõng nhau đi.

Danh sắc ấy đắp đổi nương nhau. Ví như trống và tiếng, như cung và tên nương nhờ nhau, hỗ trợ nhau chẳng hợp chẳng rời. Vạn vật cũng thế từ nhân duyên mà thành, không có uy lực, chẳng được tự tại, đều từ duyên mà hiện khởi sự vật mới phát sinh. Tu hành cũng như thế, quán sát các pháp vốn là như vậy có sự sinh khởi, hoại diệt, vốn không sở hữu, bỗng tự nhiên hiện rồi lại diệt mất, vô sinh mà sinh, vô khởi mà khởi, chung quy đều là vô thường.

Bài tụng rằng:

Năm ấm vốn thuộc không
Nương tựa hành mỏng manh
Do nhân duyên hợp thành
Đắp đổi hỗ trợ nhau.
Khởi, diệt, không có thường
Hưng suy như phù vân
Thân, tâm tưởng, niệm pháp
Đều hoại diệt như thế.

Người tu hành thường lấy bốn việc để quán vô thường.

  1. Tất cả vạn vật đã sinh ra chung quy đều vô thường.
  2. Sự hưng khởi ấy không có tăng giảm.
  3. Vạn vật diệt hết cũng chẳng hao giảm.
  4. Người vật chung quy đều tan rã, cũng chẳng diệt hết.

Vì vậy cho nên cái bất sinh sinh ra, cái bất tận hết đi. Thấy vạn vật tiên khởi sự quán sát về sự khởi diệt tồn vong như thế. Người quán như vậy không có gì mà chẳng biết, có khả năng thấy tất cả, chẳng có gì mà chẳng thấu suốt.

Bài tụng rằng:

Người vật tuy có sinh
Chẳng tăng giảm, chẳng diệt
Cũng chẳng bỏ hình thể
Tuy mất nhưng chẳng diệt.
Tuy hết, nhưng tương tục
Đều từ bốn nhân duyên
Quán vạn vật như thế
Siêu vượt cả thỉ chung.

Giả sử người tu hành tự nghĩ: Vạn vật hiện hữu ở khắp nơi chung quy đều vô thường, nhiễu động bất an, vừa khởi liền diệt đều trở về không. Từ khi mới sinh ra đến lúc vô thường là họa hoạn già bệnh chết luôn theo bám sát thân thì người quán như vậy, chẳng đắm vào ba xứ, chẳng ưa bốn loài, không trụ năm thức, tâm ấy chẳng nhập vào chín chỗ của chúng sinh ở. Dù có sinh lại cũng trừ ba kết: Một là tham dâm, hai là phạm giới, ba là hồ nghi để thành Đạo tích, đạt đến vô vi. Ví như dòng sông chảy về biển cả.

Bài tụng rằng:

Quán vạn vật biến chuyển
Nghĩ tất cả sẽ qua
Và ái dục buộc ràng
Tất cả đều vô thường.
Muốn được thoát thế gian
Phải bỏ mê đắm dục
Đó gọi là Đạo tích
Dẫn đến cõi vô vi.

Người tu hành nào mà quán như thế thì tự xem thân mình như là rắn độc. Ví như thành phát cháy trong đó có người nhà giàu thấy nhà cửa bị thiêu rụi rất đau buồn, tự nghĩ: “Làm thế nào để đem những của cải quý giá ra? Liền nhớ lại: “Ta có một cái rương, trong có các vật báu giấu tại ngôi nhà kia nào là ngọc sáng đẹp, vật quý báu hạng nhất đều chứa đầy nơi ấy giá trị vô cùng không thể kể xiết.” Trong lòng sợ hãi vừa muốn bước đi sợ bị lửa đốt nhưng vì tham lam vật báu chẳng kể thân mạng liền xông vào lửa, đến chỗ rương báu, bên cạnh đó có rương rắn hổ mang.

Bấy giờ người nhà giàu kia đã sợ ngọn lửa mạnh, lại bị khói xông vào mắt, trong lòng nôn nao sợ hãi chẳng còn bình tĩnh để xem xét kỹ, lấy lầm rương rắn kẹp nách bươn chạy. Bọn cướp đuổi theo sau muốn đoạt rương. Vừa thấy cướp đuổi liền phóng thật nhanh. Cướp đuổi chẳng kịp từ xa réo gọi: “Nếu như đuổi kịp ngươi thì ta sẽ đâm chết! Nếu bỏ rương lại mới mong thoát chết. Nhưng nếu không bỏ thì mạng sống chẳng còn.”

Người nhà giàu thấy cướp đuổi sắp kịp, nghĩ: “Đã mất của báu lại chẳng tự cứu được mạng.” Liền nghĩ lại: “Ta hãy mở rương ra lấy của quý nhất mang trong mình, bỏ đồ còn lại mà đi khi đó mới an ổn được.” Liền mở rương ra chỉ thấy rắn độc mới biết chẳng phải là vật báu mà là rắn độc.

Tu hành cũng vậy, đã đạt Đạo đế rồi thì thấy tất cả hình thể đều như rắn độc. Do vậy, người muốn đạt đến quán này thì cần phải suy xét cho tinh tường.

Bài tụng rằng:

Ví như lửa bốc cháy
Người vội lấy của báu
Lại cầm nhầm rương rắn
Cho là những châu báu.
Mở ra thấy ghê sợ
Bên trong đầy rắn độc
Khi ấy liền bỏ ngay
Biết là chẳng phải báu.
Tu hành cũng như vậy
Quán kỹ vốn là không
Khi rõ được bốn Đế
Thấy thân như bốn rắn.
Biết vậy tu bốn Đế
Thường tư duy đạo đức
Để đạt được vô vi
Trừ khổ mới được an.
Để vào cửa giải thoát
Khỏi các tội lỗi khác
Vì vậy phân biệt nói
Quán sát pháp vô thường.

 

Phẩm 25: HỌC ĐỊA

Sức dũng mãnh hoàn hảo
Mặt sáng như hoa vàng
Thần túc nhanh hơn gió
Tự tại dạo khắp nơi.
Đức lớn không thể lường
Điều thuận, năng nhẫn nhục
Phật an trụ giới định
Xin nương về kính lễ.
Bước đi thanh thản chẳng nhiễm trần
Đức Ngài vô lượng sở nguyện an
Chẳng ai sánh bằng không chấp trước
Không thể ví dụ, xin quy y.
Phật dùng phương tiện pháp làm cung
Hàng phục tà ma oán, quân địch
Trừ hết trần lao, các cấu uế
Nguyện quy mạng Phật nhất tâm lễ.

Người tu hành đã đắc Đạo tích, thấy năm dục lạc chung quy đều là vô thường nhưng chẳng thể đoạn hết. Vì sao? Vì vẫn thấy còn niệm vi tế về sắc, thanh, hương, vị.

Bài tụng rằng:

Đã thành tựu được đạo tích rồi
Trí tuệ hiểu rõ năm dục không
Thấy ai cõi Dục như ngựa nhác
Tâm chẳng đắm sắc vẫn chưa đoạn.

Ví như gã thiếu niên Phạm chí nọ, ưa sạch sẽ, đi ra phía sau nhà làm bẩn ngón tay, đi đến nói với thợ vàng là ngón tay bị bẩn chẳng sạch, dùng lửa đốt giùm. Thợ vàng can: “Chớ nghĩ như vậy, có cách khác trừ được dơ bẩn này, đó là dùng tro chà xát, dùng nước rửa đi. Nếu ta đốt thì ngươi không thể chịu nổi. Sự đau đớn do lửa chạm vào thân lại càng đau hơn là chà rửa.” Gã thiếu niên Phạm chí nghe nói, liền nổi giận mắng chửi thợ vàng: Đừng lấy lòng mình mà suy lường kẻ khác. Tự mình chẳng thể chịu đựng lại bảo người khác chẳng chịu nổi. Ta không muốn gì hết chỉ vì tay ta bị bẩn nên chẳng dám đi đường, sợ gặp người ta hoặc ta gần người. Thân ta có học căn bản ba kinh và biết sáu nghề, học luận thuyết hiểu rõ điều thích ứng, có khả năng xem vạn vật, phân biệt ý nghĩa của chúng theo thứ tự chương cú; biết ba thứ ánh sáng nơi thiên văn, địa lý; học sáu mươi bốn tướng; biết mạng lộc của người là phú quý hay bần tiện; làm cho ruộng vườn nhà cửa yên ổn; hiểu tiếng của một trăm loài chim; biết trước tai biến; thấy quốc gia kia có nhiều oán tặc muốn làm hại nước này. Ngay khi có tai họa của mặt trời, gió mưa không đúng thời tiết, có sao xấu xuất hiện; người đẹp màu xanh, màu đỏ; phân biệt tướng đàn ông, đàn bà, trâu, ngựa, gà, dê. Biết trước là ngũ cốc bị hạn hán hay lụt lội, tốt hay xấu. Biết sự dời đổi xê dịch của tinh tú; biết sự suy hao nhiều hay ít của hạn hán và lụt lội ấy. Bói xem có lụt lớn cũng như sự phá hoại của nó. Thấy sự biến đổi ra vào của nhật thực và nguyệt thực. Nếu có người mang thai thì phân biệt nam hay nữ; hiểu biết các việc quân pháp chiến đấu; biết suốt cổ kim; thấy rõ vị trí của năm ngôi sao, Hỏa tinh trong mười hai thời, một trăm thời khắc của ngày đêm; có khả năng hiểu rõ y thuật, biết dùng thuốc để trị lành các bệnh phong, hàn, nhiệt, ghẻ lở nhỏ nhặt; biết quỹ đạo mặt trời, mặt trăng, phát xuất từ đâu và sự biến đổi màu sắc của nó thích hợp với điểm gì như là núi lở, động đất hay sao rơi, và biết các sao sở thuộc để phụng sự Thiên thần. Học thuật của cổ nhân đều có khả năng phân biệt, không có môn nào là không thông. Bói xem sao chổi xuất hiện sẽ có điềm gì. Vì vậy đồ dơ bẩn dính trên tay ta không để lâu, phải theo lời ta mà trừ bỏ ngón tay dơ uế ấy.

Thợ vàng nghe xong, nướng kiềm thật đỏ kẹp ngón tay kia, thiếu niên bị nóng đau chẳng thể chịu nổi, đưa ngón tay lên miệng ngậm. Thợ vàng cười lớn bảo thiếu niên: “Ngươi tự khoe khoang mình là thông minh, bác học, quán cổ thông kim, không có gì mà chẳng thông hiểu. Thanh tịnh không lỗi lầm nhưng nay tại sao lại đưa ngón tay dơ bẩn vào miệng ngậm.” Người thiếu niên đáp: “Khi chưa bị đau thì ngón tay dơ bẩn, nhưng vừa chạm đến lửa quá đau, liền quên ngón tay bẩn.” Đạo tích cũng thế, vốn trong đêm dài tập nhiễm vết nhơ ái dục, trong khoảnh khắc muốn xa lìa tình dục. Nhưng vừa thấy sắc đẹp, ý dâm móng khởi. Vì sao? Vì các căn chế ngự còn lỏng lẻo, chưa đắc Định diệt tận.

Bài tụng rằng:

Đã thấy thói quen của sắc dục
Tuy rõ tính chất đạt Đạo tích
Tâm còn tưởng đẹp vẫn nghe hương
Như sông về biển, dục cũng vậy.

Khi đắc Đạo tích, tự nghĩ: Thân ta chẳng nên tập thói dâm dục, như những phàm phu khác. Nên cho tình dục là ô uế, ưa thích vô dục, dập tắt sự bừng cháy của dục, tập quán bất tịnh, ngày đêm không bỏ. Người tập như thế dâm, nộ, si giảm dần được đến với đạo, một lần trở lại nhân gian dứt trừ gốc khổ, khi đã được trở lại thì đối với các ái dục không còn móng khởi được thanh tịnh, dâm, nộ, si mỏng nhưng tâm vẫn được đoạn hẳn, nên có sự buồn khổ.

Ví như gã đàn ông có người vợ đẹp, khuôn mặt mịn màng dùng các thứ anh lạc trang điểm thân thể, gã rất yêu thương. Tuy có sắc đẹp như thế nhưng là quỷ dâm chứ chẳng phải là người, chỉ dùng máu thịt người làm thức ăn. Có người mách với người chồng:

–Vợ ngươi là La-sát, ăn thịt uống máu.

Người chồng chẳng tin nhưng người ta nói mãi chuyện ấy nên trong lòng khởi nghi ngờ muốn tìm hiểu. Ban đêm giả vờ nằm ngáy ra tiếng như là ngủ say. Người vợ tưởng là đã ngủ, lén ngồi dậy ra khỏi thành đến bãi tha ma. Người chồng theo dõi đằng sau thấy vợ cởi y phục và đồ trang sức qua một bên. Sắc mặt biến thành xấu xí, miệng hiện răng dài, trên đầu bốc cháy, mắt đỏ như lửa, trông rất dễ sợ đến gần xác người, tay bốc thịt miệng nhai nuốt. Người chồng thấy vậy mới biết vợ mình chẳng phải là người mà là quỷ, liền trở về nhà nằm lại trên giường. Người vợ trở về đến giường chồng nằm, nằm lại như cũ. Người chồng thấy vợ trang nghiêm anh lạc, sắc diện đẹp đẽ, khi ấy lại gần gũi. Giả sử nhớ lại nàng khi ở bãi tha ma ăn nuốt thịt tử thi, tâm liền kinh tởm lòng luôn sợ sệt thì đắc quả Vãng hoàn. Nếu thấy ngoại hình đoan trang đẹp đẽ thì dâm ý móng khởi.

Nếu nói là bất tịnh tội lỗi, thì các thứ bất tịnh dâm, nộ, si diệt.

Bài tụng rằng:

Biến hóa thân người như cởi giáp
Làm hình quỷ dâm đến tha ma
Ngốn nuốt thay chết như ăn cơm
Khi ấy chồng biết là La-sát.

Người đắc quả Vãng hoàn tâm tự nghĩ: Ta ở trong cõi Dục ba kết đã mỏng, còn lại rất ít mong đạt Thánh đế, thấy vết nhơ ái dục biết khổ, ít vui, chẳng nên theo dục như hàng phàm phu đặt nặng tình dục. Giống như lằn xanh bu vào tử thi. Ta dùng phương cách gì để trừ dâm, nộ, si khiến diệt hết không còn, đắc thiền dứt hết lậu, nhiên hậu được an ổn như trời Tịnh cư.

Bài tụng rằng:
Khi đắc quả Vãng hoàn
Tu hành một đời thôi
Thì thấy dục “bất khả”
Tập tánh chưa đoạn hẳn.
Tuy lửa dâm dục cháy
Nhưng chẳng thể hại tâm
Vì khởi quán bất tịnh
Ghét dục như La-sát.

Ví như có người ở nơi nóng bức chẳng thể chịu nỗi tìm quạt để quạt, tìm nước để tắm. Đắc quả Vãng hoàn cũng như vậy, thấy dâm, nộ, si cho là nóng bức, nghĩ cầu đạo Bất hoàn.

Bài tụng rằng:

Thành hai nẻo kiết tường
Đi đến trừ hẳn dục
Vì đạt thiền vô lậu
Hành động với Phạm thiên.
Thân có các nóng bức
Dùng nước mát để trừ
Đến cầu đạo Bất hoàn
Đạt được thanh lương ấy.

Bấy giờ, người tu hành khởi quán bất tịnh vĩnh viễn thoát khỏi sắc dục và các dâm, nộ, si, thấy rõ đầu mối khởi diệt của năm ấm diệt tận là định, tri kiến như thế liền dứt năm kiết, không còn ngăn che đắc đạo Bất hoàn, chẳng lại nhân gian vì thoát ái dục, không có các hoạn của quỷ dâm ngăn ngại.

Bài tụng rằng:

Để thoát khốn đốn bệnh ái dục
Thường quán bất tịnh, trừ các ám
Vĩnh viễn lìa sợ, khổ được an
Thành đạo Bất hoàn, qua thứ ba.

Liền đạt sự thanh lương không có nhiệt não. Nếu nhìn sắc dục luôn thấy bất tịnh thì biết là tội lỗi dơ bẩn. Ví như có những khách buôn từ tối đang quá mệt mỏi, đến vào lúc nửa đêm ngày hai mươi chín, tối mù, không có ánh trăng, cửa thành đã đóng vòng quanh bờ tường phía Nam, ở dưới có một vũng nước do trời mưa đọng lại, khách cởi bỏ hành trang dừng bên ao. Thây người chết, gà, chó, voi, thú, các loại rắn trùng… đều có trong nước hoặc chìm hoặc nổi trăm ngàn loài trùng lúc nhút trong thân, lông tóc bồng bềnh bao nhiêu thứ rác rưởi, nước dơ ở trong thành đều dồn về đây.

Bài tụng rằng:

Ví như bên thành có ao lớn
Dơ chẳng dám nhìn, huống là uống
Khách xa đi đến thành đã đóng
Cùng nhau dừng lại bên ao này.

Khi ấy, mọi người vì là khách xa chưa từng đến xứ này, nên chẳng biết ất giáp gì và vì quá mệt mỏi, quá khát nên cởi bỏ y phục nhảy vào tắm rửa, uống nước thỏa thích, no nê mới ra khỏi ao.

Bài tụng rằng:

Đám người kia mới đến chốn này
Nhảy vào nước tắm trừ nóng bức
Cúng vái thủy thần, uống giải khát
Vì quá mệt nhọc ngủ thiếp đi.

Sáng dậy sớm, trời gần sáng, hết mệt, tỉnh táo, mới thấy đồ ô uế bất tịnh trong nước. Có kẻ bỏ chạy, nhắm mắt chẳng dám nhìn, có kẻ lại bịt mũi muốn ói mửa. Bấy giờ mới biết nước dơ bẩn chẳng sạch.

Bài tụng rằng:

Đã đắc quả thứ ba
Thấy dục lạc chẳng an
Nhập thiền định, vô hạn
Thấy dục như nước dơ.

Bấy giờ, người tu hành ưa thiền định, thức tỉnh đối với ái dục,như đám khách buôn kia nhờm tởm nước bất tịnh. Ví như hài nhi tự bốc phân chơi, tuổi tác lớn dần bỏ trò chơi cũ, lại ưa thứ khác; tuổi gần về già bỏ các thú vui, dùng pháp tự vui. Tu hành đã đắc đạo quả Bất hoàn, cũng giống như thế, thấy các thú vui trong năm đường sinh tử như trò đùa trẻ con, lại càng tinh tấn, muốn thoát luân hồi, chẳng mong sinh lại.

Bài tụng rằng:

Ví như có hài nhi
Ngồi đất vọc phân chơi
Tuổi dần dần lớn lên
Bỏ nó chơi trò khác.
Tu hành cũng như vậy
Cần vượt khỏi ba cõi
Bấy giờ bèn tinh tấn
Thành tựu đủ bốn quả.

Ví như ở nước xa xôi nọ, có đám khách buôn, từ phương Đông đến, dừng chân tại một khu vườn ngoài thành. Khi ấy, ở trong thành kia có một người siểm nịnh, nhiều mánh lới, không ai tin, dối làm món ăn uống, hoa hương y phục khác lạ, đến trước người dẫn đường, thăm hỏi sự sinh hoạt ăn ở, nói là chở nhiều, từ xa đến, không còn đường nào khác, đói khát lâu ngày nay mới gặp mặt, xin biếu một ít thức ăn, xin đoái tưởng nhận cho. Vị dẫn đường liền nhận.

Người ấy lại thưa thêm: “Nên vào thành, tôi có ngôi nhà lớn, trong có cung điện đẹp, đầy đủ tien nghi. Nhà có giếng nước, cầu xí riêng biệt, cây cối thẳng hàng đồ dùng có đủ. Cúi xin Nhân giả chiếu cố vào thành.” Nói những lời dối trá như vậy rồi, liền bỏ đi.

Bài tụng rằng:

Có người lòng dối trá
Thấy khách buôn xa đến
Nghênh tiếp vị dẫn đường
Mời ăn rồi nói rằng.
Tôi có một cung điện
Cao lớn rất nguy nga
Người ấy không thành tín
Nói dối rồi bỏ đi.

Bấy giờ, trong có một vị đại trưởng giả nghe hết những điều người kia nói dối với vị dẫn đường, liền đích thân đi ra nghênh đón, bảo với vị dẫn đường ấy rằng:

–Chớ tin lời người kia mà ở lại nhà ấy, có ao nước dơ bẩn nơi sau nhà, phẩn uế dơ dáy chảy ra phía trước, vì vậy cho nên không thể nghỉ chân tại đó.

Vị dẫn đường nghe xong đáp:

–Nhà tuy có xú uế nhưng đã có cách trừ như đốt hương, rải hoa.

Bài tụng rằng:

Trưởng giả lòng thân thiện
Nói với vị dẫn đường
Rằng ở cạnh nhà ấy
Có xú uế bất tịnh.
Vị dẫn đường nghe nói
Liền đáp lại thế này
Tuy hôi, nhưng có cách
Đốt hương, rải các hoa.

Bấy giờ trưởng giả bảo với vị dẫn đường:

–Lại sẽ gặp tai nạn, các loài trùng độc đều ở trong đó, chúng ăn thịt và uống máu. Nếu chúng đói sẽ chui vào trong bao đựng đồ của các ngươi, cắn nát hành trang.

Vị dẫn đường đáp:

–Ta sẽ cho chúng thức ăn mà chúng thích, để khỏi chui vào đồ vật.

Bài tụng rằng:

Có nhiều trùng độc ở trong nhà
Chỉ có ăn thịt uống máu thôi
Người dẫn đường đáp lời trưởng giả
Ta sẽ cho những gì chúng thiếu.

Trưởng giả nói với người dẫn đường:

–Ở bốn góc nhà ấy có bốn con rắn đôc, dữ tợn, nguy hại, ưa tranh giành nhau, chẳng thể ở gần, vậy dùng cách gì mà làm yên những con rắn này?

Người dẫn đường đáp:

–Ta biết cách. Rải thuốc, đọc thần chú, khiến chúng không xâm phạm.

Bài tụng rằng:
Có bốn rắn độc ở trong nhà
Ôm lòng độc ác muốn hại nhau
Dùng rất nhiều thuốc và thần chú
Trừ được rắn độc quấn bên trong

Khi ấy, trưởng giả lại bảo người dẫn đường:

–Lại có nạn lớn, vì tường cũ, nền móng sẽ đổ, bờ tường nghiêng ngã, chẳng thể dựa nương.

Người dẫn đường đáp:

–Nếu có nạn này, ta chẳng thể ở, cũng không có cách khiến tường khỏi đổ. Vì sao? Vì nếu có đổ thì sẽ mất mạng.

Bài tụng rằng:

Vì nhà cũ rồi sắp ngã đổ
Nếu như sập xuống, chẳng thể giữ
Người dẫn đường nói với trưởng giả
Có nạn kinh khủng ta chẳng ở.

Người dẫn đường nghe nói đủ các tai nạn của căn nhà, lại chính mắt chứng kiến, tâm sinh chán nản, chẳng dám ở đó. Vị Bất hoàn cũng như thế, nghe Thế Tôn dạy, biết rõ Thánh đế, chẳng ưa họa hoạn nơi sinh tử xoay vần.

Bài tụng rằng:

Đã đắc Bất hoàn lìa các khổ
Tu hành cầu vô lượng an ổn
Chẳng một mảy may ưa sinh tử
Như người dẫn đường chẳng trú ngụ.

Giải thích ví dụ: Ngôi nhà là thân người; nước dơ bẩn, là chín lỗ thường tống ra đồ bất tịnh; nước đầy trùng là trong thân có tám mươi loài trùng thường ăn thịt xương máu, tủy trong thân; đất bằng để xây tường là đồ cúng dường, cung cấp cho thân để ăn uống; bốn con rắn độc là bốn đại: Địa, thủy, hỏa, phong trong thân; ngôi nhà hư cũ ngày đêm sắp sụp là già, bệnh, chết mà người tu hành ngày đêm nhờ vào phương tiện muốn thoát khỏi các nạn; người dẫn đường là quả Bất hoàn; người tu hành tinh chuyên nghe Thế Tôn dạy, xem ba cõi đều thấy rực cháy; những hình tướng mà mắt quán sát, chung quy đều là vô thường chẳng tránh khỏi rã tan. Ví như người dẫn đường thấy sự nguy hiểm của ngôi nhà lớn.

Bài tụng rằng:
Loài rắn sẵn chất độc
Ghê sợ chẳng thể gần
Bốn con ở bốn góc
Là bốn đại của thân.
Hư mục muốn ngã đổ
Khi thân có tăng giảm
Thường gặp các khổ não
Già, bệnh, chết đường cùng.
Người dua nịnh trong thành
Dụ cho thiền hữu lậu
Người đắm vào tham dục
Ân ái làm chướng ngại.
Trưởng giả- người giữ giới
Bậc thầy không bị lụy
Cứu độ người tu hành
Vượt qua các khổ nạn.
Ví như đoàn khách buôn
Trong có người dẫn đường
Phật tử uống cam lồ
Để đắc đạo Vô trước.
Bậc thầy hành giả giảng
Thân khổ, không, vô thường
Quán xét kỹ tam giới
Nhiễu động, chẳng an ổn.

Phải cầu nhất tâm để đạt đến quả vị vô học, kiến đế, không chấp trước.

Bài tụng rằng:

Phật thương chúng sinh nói
Năng cứu tất cả khổ
Tôi xem các kinh Phật
Thích nói Vô học địa.

 

Phẩm 26: BẬC VÔ HỌC

Vua nọ thả voi say
Hung hãn, ngà rất bén
Các rồng mang hơi độc
Cảm hóa khiến điều phục.
Cứu hộ các khủng nạn
Luôn luôn được tự tại
Mười lực Phật vô tận
Con và đệ tử lễ.
Chư Thiên, long, thần, phụng Đại thánh
Muôn dân an ổn đều quy y
Thảy nhờ cung kính được độ thoát
Dòng dõi Thánh chúng, xin cúi đầu.

Người tu hành đã ở học địa, chẳng ưa luân hồi; đã không ưa thích gì thì chẳng tham đắm ba cõi, vượt qua cõi Sắc và Vô sắc, dứt tất cả kiết, ý nghĩ về căn lực và các giác ý, thấy diệt là tịch, như vậy gọi là định vĩnh viễn. Quán thấy như vậy, lìa sắc, vô sắc; xa hý luận, tự đại.

Bài tụng rằng:

Tâm đã trụ học địa
Hiểu rõ các giác ý
Chế cái sợ sinh tử
Diệt cái lo không vui.
Hết các hoạn chẳng còn
Cái thấy đúng như thật
Trừ hý luận, tự đại
Diệt si cũng như thế.

Người tu hành tự nghĩ: Nên biết, nay đây đã thành A-la-hán, đắc Vô sở trước, các lậu hằng dứt tận, tu phạm hạnh trong sạch, việc làm đã xong, vứt bỏ gánh nặng, đã được lợi mình, sinh tử đã dứt, đạt tuệ bình đẳng, vượt qua hào bẩn, cày bỏ cỏ dơ, không có rỉ chảy, thành dòng Hiền thánh, đã qua bỉ, thử.

Bài tụng rằng:

Tu hành trụ học địa
Bất động, thành Thánh đạo
Đã vừa được lợi mình
Qua khổ, thường được an.
Núi nóng hực, nguồn khô
Hết hẳn không nước chảy
Phụng kính lìa hý luận Gọi là Vô sở trước.

Đã đoạn trừ năm phẩm rồi, là bậc cao trong loài người.

Bài tụng rằng:

Đã đoạn trừ năm phẩm
Thành tựu đủ sáu thông
Dứt bỏ các trần lao
Như nước giặt áo bẩn.
Xa lìa họa sinh tử
Nhờ độ được an ổn
Đó gọi là Chánh sĩ
Cao tột, hết trần si.

Đây là A-la-hán đạt Vô sở trước, xứng đáng mặc Thiên y, ở tại cung thần, dạo chơi điện tía, ăn uống tự nhiên, trăm loại âm nhạc, thường để hiện bày diệu dụng, an vui hết mực, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, miệng nói. Nay đây, thân ta là thân mười lực; được thân này thì cõi trời và nhân gian, tất cả đều trợ giúp; người kính phụng thì tăng thêm dòng dõi chư Thiên và làm tổn giảm hàng A-tu-luân.

Bài tụng rằng:

Vòi vọi bốn đức, thành sáu thông
Trí tuệ, nhẫn nhục, cầu cao tột
Thuận theo lời Phật, đạt cứu cánh
Cho nên thuyết giảng bậc Vô học.

 

Phẩm 27: VÔ HỌC

Phương tiện thắng các khổ
Vĩnh viễn thoát ái ân
Đã lìa khổ sinh tử
Diệt hết các bụi trần.
Như mặt trời xua mây
Tan bóng tối ân ái
Quy mạng Phật, Thánh đạo
Hết khổ thường an ổn.
Đã vượt các nhập, giới
Như người thoát lao ngục
Ví như loài vàng ròng
Trong lửa không hư hao.
Định Nê-hoàn tịch tĩnh
Chưa từng ái thân mạng
Phật kịp dùng cam lồ
Con xin cúi đầu lạy.

Người tu hành trụ ở cảnh giới hữu dư Nê-hoàn, vì rốt ráo nên chẳng tạo tác, chẳng thọ thân nữa, tâm chuyên nhất chưa từng buông thả, đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, lìa tất cả sự đắm chấp, lại không thủ, xả, dứt tận gốc khổ.

Bài tụng rằng:

Đã đạt được vô vi
Vĩnh viễn không mong cầu
Trụ quả vị Hữu dư
Rốt ráo, chẳng tạo tác.
Chẳng đắm sắc, thanh, hương
Dứt trừ vị, cùng lúc
Ví như loài bông sen
Chẳng bị dính nước bùn.
Các căn đã định rồi
Chẳng nhập theo các hoặc
Như vàng không lộn sắc
Vĩnh viễn rời sinh tử.
Không có đắm nhân duyên
Vậy mới an ổn mãi
Gọi là hạnh an tĩnh
Diệt hết gốc khổ não.

Ví như đốt sắt đến độ đỏ rực, dùng búa đập lên, cấu bẩn trên đó rơi ra, dần dần nguội lại, chẳng biết sức nóng của lửa ấy chạm đến. Tu hành cũng vậy, nếu đạt đến cảnh giới Nê-hoàn vô dư thì người diệt độ dần dần thoát khổ. Vì vậy, kinh này gọi là Tu hành.

Bài tụng rằng:

Giống như dùng búa đập sắt nung
Đốm lửa tốc lên rồi lại tắt
Pháp người tu hành cũng như vậy
Đã được diệt độ, vô tăm tích.
Ví như trời mưa có bọt nước
Bọt ay vừa tan, biết về đâu
Nếu có hành giả được diệt độ
Vĩnh viễn chẳng thể trụ chỗ nào.
Chư Thiên, Thần, Tiên, Rồng và Người
Chẳng thấy vị ấy đến nơi đâu
Người tu hành pháp vô thường, không…
Thông minh trí tuệ được diệt độ.
Nếu như hành giả đạt điều này
Kể cả cam lồ chẳng sánh được
Bấy giờ ngộ rồi, luôn an ổn
Đã được diệt độ đạt vô dư.
Đức Phật Thế Tôn nói dụ này:
Như búa đập sắt, lửa tóe ra
Dần dần hướng đến sự diệt độ
Vĩnh viễn không biết thần thức đâu,
Đã đắc đạo diệt độ
Bình đẳng hiểu như thế
Phật, bậc trí tuệ sáng
Thần thức an, chẳng động.
Đã vượt các tội lỗi
Lìa sinh tử, tự đại
Đạt đến vô dục kia
Thanh tịnh như vực sâu.

Ai làm theo lời dạy rong kinh Con Đường Tu Hành này, dần dần được giải thoát, đạt đến vô vi.

Bài tụng rằng:

Nếu cầu vô vi, muốn diệt độ
Lìa hẳn trược, loạn, được cam lồ
Nên thuyết giảng kinh tu hành này
Theo lời Phật như tối được sáng.
Nếu có thuyết kinh này
Giả sử có người nghe
Phật sẽ chỉ con đường
An ổn không cùng tận.

Người học như vậy sẽ đạt đến cứu cánh, tu hành theo kinh này, tâm như không, năm thông tự có, chẳng sợ sống, chết, vĩnh viễn như đèn hết dầu thì tắt.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7