KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 7

Phẩm 28: TU HÀNH CỦA BA BẬC ĐỆ TỬ

Phật đức cao vời vợi
Oai thần chẳng thể lường
Tùy thời dạy đạo pháp
Độ thoát khắp mười phương.
Thấy sinh tử nhơ bẩn
Bắt nhịp cầu chánh pháp
Chê trách khổ – luân hồi
Ngợi ca cảnh Nê-hoàn.
Giảng giải đệ tử thích
Làm theo hạnh Ngài dạy
Từ từ Ngài dẫn dắt
Cho đến đại an ổn.

Nếu có tu hành thì thấy cái họa hoạn tử sinh, cái đau khổ tột bậc của địa ngục, cái não hại của súc sinh, cái đói khổ của ngạ quỷ, cái sầu lo của con người, cái vô thường của cõi trời chẳng thể chịu nỗi, lần lượt xoay vần như bánh xe. Sinh, già, bệnh, chết, đói, khát, lạnh, nóng, ân ái, xa lìa, oán thù gặp gỡ, nỗi thống khổ buồn vui đâu thể nói hết. Từ nhiều kiếp đến nay ngỗ nghịch với cha mẹ, chia lìa anh em, bất hòa với vợ con, khóc lóc lệ trào nhiều hơn bốn biển, bú sữa mẹ nhiều hơn năm nước sông bốn ngòi, hoặc cha mẹ khóc con, con khóc cha mẹ, hoặc anh khóc em, em khóc anh, hoặc chồng khóc vợ, vợ khóc chồng, ngổn ngang trăm bề kể sao cho xiết. Trồng gốc nhọc khổ, gieo mầm ngu si. Tu hành thấy vậy đều nhơm tởm hết, chỉ muốn thoát khỏi bệnh sinh tử này. Ngày đêm tinh tấn chẳng thể bỏ đạo nghĩa, cầu đạt vô vi tự thấy đời trước từ vô lượng kiếp qua lại tử sinh. Nếu dồn xương cốt hơn núi Tu-di; tủy trây trên đất khắp cả thiên hạ, thây chết cùng khắp thế giới ba ngàn, máu huyết chảy ra nhiều hơn lượng mưa khắp các cõi xưa nay, tu hành tự quán khổ ách như thế, dù cho ngàn vạn kiếp nói còn không hết. Cho nên xả ly gia đình, cạo bỏ râu tóc, tinh chuyên cầu đạo chẳng ham vinh hiển ở đời giống như kẻ sáng chẳng ưa thây chết.

Bài tụng rằng:

Tu hành thấy sinh tử
Khổ não của địa ngục
Ách ngạ quỷ súc sinh
Ly biệt của thế gian.
Xoay vần của sinh tử
Giống như bánh xe quay
Cha, con, anh, em cách
Vợ con sầu biệt ly.
Khóc lóc, lệ trào tuôn
Nhiều hơn nước bốn biển
Uống dòng sữa của mẹ
Nhiều hơn nước năm sông.
Nên người tu bỏ nhà
Tinh chuyên vì đạo pháp
Chẳng ham vinh thế tục
Như người sáng bỏ độc.

Người tu hành tự nghĩ: Sự mê hoặc của thân ta đến nay chẳng thể kể xiết, chẳng tự hay biết, hội hợp rồi chia ly, thống khổ buồn đau giống như quá say chẳng thể rõ biết, nói bậy cho là nói đúng, tự cho là suy xét kỹ, mê đắm ân ái giống như keo sơn, chẳng thể tự cứu. Thì nên thực hành tinh tấn, xa tục gần đạo.

Ví như có người đi xa đến nước khác mua bán kiếm lời, đến nơi chưa bao lâu thì phát bệnh nặng, người chết rất nhiều, mười người chẳng chừa một thây chết la liệt, mùi hôi thối không tả xiết; đã không có lương y lại không thuốc hay để có thể chữa khỏi bệnh này. Người ấy rất sơ sệt hối hận là đã đến nước đó, nếu không đến thì đâu có gặp nạn này, sớm tối bồn chồn buồn rầu khôn xiết: “Nếu ta lành bệnh nhất định về nước, không khi nào trở lại.” Người ấy vừa gặp thầy thuốc giỏi cho uống thuốc, châm cứu tật bệnh dần dần thuyên giảm, khí lực cường kiện liền trở về nước gặp gỡ người nhà, kể chuyên nguy khốn không thể nói hết ấy và tự nhủ từ nay về sau chẳng bao giờ dám đến nơi kia nữa. Miếng cơm manh áo, tìm ở nơi nào khác, chỉ muốn an thân, đâu biết người nào. Về sau chỉ nghe đến tên của nước ấy run rẩy, kinh hoàng, chẳng muốn ra khỏi nhà chỉ giữ lấy thân. Đệ tử cũng vậy thấy bệnh dâm, nộ, si khổ và sinh tử không dừng trong năm đường, sớm tối tinh chuyên tọa thiền niệm đạo, thấu đạt giáo pháp Thế Tôn, ca ngợi Nê-hoàn, chê trách sinh tử, đó là lương y. Vị thuốc hay uống vào tật bệnh tiêu trừ đó là kinh pháp của Phật trừ khử ba độc. Thây chết nằm la liệt đó là năm ấm, sáu suy. Việc hối hận đến nước ấy đó là tư duy rằng từ nhiều kiếp đến nay xoay vần theo sinh tử. Việc mê đắm ân lại dụ cho tâm lăn xăn không thấy bốn đế: Khổ, Tập, Tận, Đạo. Đã chứng đắc đạo rồi thì sợ khổ nhàm thân, sớm nhập Nê-hoàn, chẳng thể trở lại giáo hóa, cố bám nơi sự tịch diệt nên sự chỉ bày của Đức Phật Thế Tôn vốn không chỉ một, mà phải tiến tới đắc bất thoái chuyển, lui tới tự tại.

Bài tụng rằng:

Như có người đi xa buôn bán
Đến nước kia mắc phải bệnh tình
Chúng dân chết hết chẳng còn ai
Thây chết la liệt không người chôn.
Tâm tự hối hận đến nước ấy
Nếu không thì đâu gặp nạn này
Rồi gap lương y trị lành bệnh
Liền trở về nước không đi nữa.
Sợ hoạn sinh tử cũng như vậy
Thấy ở năm đường xoay vần khổ
Tự trách lỗi xưa chẳng hiểu đạo
Tử sinh tân khổ rất sầu lo.
Nhất tâm tinh tấn cầu Nê-hoàn
Muốn độ nỗi sợ của thế gian
Ghét sinh tử như chán tử thi
Chuyên chí hướng đến thành vô vi.

Người tu hành lo sợ thân mạng sẽ chết đi mà chẳng được độ thoát, quay trở lại ba đường khó được ra khỏi, chẳng nên lười biếng, chấp có ngã của ta như người phàm tục ở đời chống trái Tam bảo mờ mờ mịt mịt. Ví như ngày xưa, có đám người buôn bán đi xa kiếm sống, băng qua đồng trống không có người ở. Vì đi đường mệt nhọc bèn dừng lại nằm ngủ, cung chẳng kể giờ giấc, chẳng chuẩn bị binh trượng. Lũ giặc cướp bỗng ùa đến, chẳng ai hay biết, chẳng chuẩn bị cung tên, bị giặc làm hại, trong số này, có khách buôn nhờ khỏe mạnh liền chạy thoát được, chịu đói khát về nhà. Lại lập kế tìm những người bạn khỏe mạnh, theo đường cũ đi buôn bán kiếm sống, mỗi đêm ngủ nghỉ luôn đúng giờ, đi ban đêm trang bị cung tên, giặc thấy như thế chẳng dám chận đường vì biết là khó đối đầu nên tự rút lui. Sự mù mịt ấy là lưới si, nhân si dẫn đến hành, rồi sinh thức, tham đắm danh sắc, lục nhập, lại thích thống ưa thọ mới có sinh, lão, bệnh tử, sầu, lo, gào khóc khổ đau những điều chẳng vừa ý. Việc kiếm sống là sự tu hành. Sự mệt nhọc nằm ngủ là sự chẳng hiểu biết về vô thường, khổ, không, phi thân. Không đi vào ban đêm là chẳng tư duy sâu sắc về nghĩa kinh. Việc không trang bị binh trượng là chẳng tuân theo trí đại Từ, đại Bi chỉ muốn tự cứu chẳng nghĩ đến chúng sinh. Việc giặc đến bị nguy khốn là ngồi thiền chẳng nhập vào không tịch, trái lại bị năm ấm, sáu suy làm mê hoặc, rơi vào bốn điên đảo, vô thường cho là thường, khổ cho là vui. Chẳng phải thân cho là có thân, không có thật cho là có. Khi mạng chung được sinh Thiên, phước hết thì trở lại cõi đời, chẳng lìa ba đường. Việc người khỏe mạnh chạy thoát về nhà là đắc quả A-la-hán. Việc tìm bạn khỏe mạnh trở lại kiếm sống là đi đến Nê-hoàn. Biết La-hán giới hạn chẳng đạt được cứu cánh, gặp Phật thọ giáo lại phát ý lớn là Bồtát. Việc dùng số đông là bạn cùng đi là sáu Độ vô cực và các hạnh khác… Việc trang bị binh trượng, giữ đúng giờ giấc, đi vào ban đêm là đại Từ, đại Bi, phân biệt hành không, chẳng vướng mắc chẳng dứt bỏ. Việc giặc rút lui là trí tuệ vô quái ngại, là pháp Nhẫn bất khởi, thấy ba cõi là không, chẳng sợ sinh tử, tất cả bốn ma đều bị hàng phục.

Bài tụng rằng:

Tu hành sợ mạng chung
Rơi vào ba đường ác
Chẳng chấp ngã của ta
Quy mạng về Tam bảo.
Như xưa có người ngu
Đi xa cầu tài lợi
Buồn ngủ nên nằm ngủ
Bị ác tặc làm hại.
Trong đó có người khỏe
Hết sức chạy thoát được
Về nhà kể gặp nạn
Nay mới được an ổn.
Đã đắc đạo La-hán
Mới tự biết có hạn
Chẳng thể vào sinh tử
Vì Nê-hoàn làm ngại.
Lại hợp cùng bạn mạnh
Trang bị rồi đi đêm
Giặc thấy chẳng dám chận
Trở về lại sào huyệt.
Ở cảnh giới vô vi
Biết Nê-hoàn có hạn
Nên phát tâm Bồ-đề
Hành đại Từ, đại Bi.
Phân biệt sâu sắc không
Không vướng không cắt đứt
Lần lượt vượt sinh tử
Không có nạn ba cõi.

Người tu hành phụng trì giáo pháp, nhập bốn tâm bình đẳng tâm nhưng không có đại Từ bi. Ví như rồng nhỏ chỉ có khả năng mưa một huyện mà không cùng khắp. Tuy dân chúng được thấm nhuần nhưng chẳng đáng kể. La-hán hành đạo nơi bốn Đẳng tâm cũng vậy, giống như rồng biến mưa khắp thiên hạ, không chỗ nào là không thấm nhuần, bậc Bồ-tát đại nhân đại Từ, đại Bi cứu độ khắp tất cả chúng sinh. Phật, Đấng Thiên Trung Thiên thấy tâm của Bồ-tát như thế, phương tiện thị hiện có giới hạn, chẳng vượt Ne-hoàn dần dần tiến tới đại đạo, biết cội gốc của mê hoặc.

Ví như người kia có ba đứa con, người cha khi trẻ nuôi dưỡng con cho đến khôn lớn, áo cơm, thuốc thang chưa từng thiếu hụt. Người cha khi tuổi lớn khí lực suy kiệt, gọi các con lại bảo:

–Các ngươi là lũ bất hiếu, ta sinh đẻ nuôi dưỡng các ngươi nên người. Nay ta tuổi đã già mà các ngươi chẳng phụng dưỡng báo đáp ân nuôi nấng, trái lại bức ép ta tìm của cải, áo cơm, tại sao như vậy? Ta sẽ cáo với quan nhà nước trị tội, giết chết các ngươi.

Các người con nghe cha rầy la, ôm lòng sợ sệt liền phủ phục bên cha:

–Anh em chúng con ngu si đến nỗi chẳng biết nghĩ lý, chẳng đoái hoài đến ân đức nuôi dưỡng của cha mẹ đã từng thương yêu hết mực, kỳ vọng sâu xa, nhưng chúng con chẳng tự xét lỗi mình. Nay nghe cha dạy nên liền vâng lệnh làm theo đạo hiếu, vượt kẻ tầm thường, sớm tối chẳng biếng lười, không thẹn với tổ tiên.

Khi ấy, các người con ai cũng làm ăn sinh sống. Vào biển tìm châu báu được các thứ bảy báu, cung cấp cho cha mẹ. Lòng chí hiếu cao vời, chỉ nghĩ đến cha mẹ, chẳng hề quan tâm tới thân mình. Tìm được viên minh châu sáng lơn, tên là Chiếu minh liền đem về dâng cha. Cha thấy minh châu thì đầu bạc đen lại, răng rụng mọc lại thành đại trưởng giả, xa gần đều quy ngưỡng. Đó gọi là phụ từ thì tử hiếu.

Vì sao đệ tử tu hành thì không có đại Từ? Cha có ba con dụ cho tâm, ý, thức. Cơm ăn, áo mặc dụ cho trói buộc của năm ấm, sáu suy, mười hai nhân duyên. Con lớn lên tiếp nói tìm cầu cung dưỡng, dụ cho các tình dục chẳng biết chán, chẳng biết đủ. Cha lo sợ, muốn đi cáo quan dụ cho sự hiểu rõ về vô thường, muốn đoạn sáu nhập. Con nhận lời giáo huấn làm theo lời cha dụ cho sự quy mạng Phật. Ba con lại hiếu thuận dụ cho sự khởi đầu của bố thí, phụng giới, trí tuệ. Vào biển được bảy báu dụ cho đạt đến bảy Giác ý thành tựu đạo Ala-hán. Trở thành chí hiếu dụ cho biết được đệ tử bị giới hạn trong cảnh giới Nê-hoàn, lại phát đại tâm làm Đại Bồ-tát. Được châu chiếu minh làm cha trẻ lại dụ cho định ý hiện tại, thấy mười phương Phật không có chướng ngại.

Bài tụng rằng:

Xưa kia có một người
Sinh được ba đứa con
Nuôi nấng đến lớn khôn
Ăn mặc vẫn nhờ cha.
Cha bảo với ba con
Ta nay tuổi đã cao
Các con phải nuôi cha
Sức ta đã tiêu mòn.
Cáo các ngươi đến quan
Năm cực hình đánh đập
Con nghe lời cha dạy
Liền làm theo hiếu đạo.
Vào biển tìm bảy báu
Cung phụng cho cha già
Lại được ngọc Chiếu minh
Cha liền trẻ trở lại.
Ba con tâm, ý, thức
Tình dục chẳng biết đủ
Cha trách, lại hiếu thuận
Đó là giới trí tuệ.
Làm theo bảy Giác ý
Thành Nê-hoàn, La-hán
Thọ nhận lời Phật dạy
Lại phát tâm Bồ-tát.
Đạo đức rất cao vời
Thấy được mười phương Phật
Thân bốn đại chẳng ngại
Như hư không, không vướng.

Ví như ngày xưa có một con ba ba rời biển bơi vào bờ, có một con chồn lớn đuổi bắt, sắp nguy đến tánh mạng. Ba ba biết chồn đến, thụt đầu vào, bốn chân giấu dưới mai. Chồn đứng đợi nếu thò đầu chân ra liền sẽ bắt ăn thịt. Ba ba chẳng động đậy, chồn mệt mỏi bỏ đi. Ba ba trở về chỗ Long vương Đại thần trình bày đầu đuôi và xin làm thân rồng mới không còn sợ hãi, dụ cho có khả năng chế ngự năm ấm chẳng bị ma quấy nhiễu, đắc đạo Nê-hoàn. Được làm rồng dụ cho vào đạo Bồ-tát, chẳng sợ bốn ma, cứu độ chúng sinh.

Bài tụng rằng:

Ba ba thun đầu, chân
Như La-hán bất úy
Làm than rồng bay được
Bồ-tát cũng như vậy.

Ví như có người đi xa cầu tìm của cải, dãi dầu mưa nắng mới kiếm được nhiều lời. Hoặc ở nơi gặp giặc cướp mất hết tài sản. Lại có người thông minh, ở nơi xứ sở mình tự tạo phương tiện làm ăn, tiền vô như nước, cung cấp bốn phương tích lũy công đức nghĩ đến vô thường, khổ, không, phi thân, quán sự thành bại của vạn vật bên ngoài, hoặc đắc thiền định, thành La-hán đạo, lại từ đó phát ý cầu làm Bồ-tát. Hoặc có người đạt ngộ biết bốn đại là không, không có ở trong ngoài, hành đại Từ bi thương xót chúng sinh nơi mười phương, tuy có chỗ hóa độ nhưng xem như không có, đạo không xa gần, trí tuệ là cao tột, chứng đắc bình đẳng giác, không có quá khứ, vị lai, hiện tại giống như hư không.

Bài tụng rằng:

Như người buôn bán xa
Đệ tử cũng như vậy
Chứa công quán bất tịnh
Quán vạn vật vô thường.
Bồ-tát như người trí
Cầu lợi chẳng đi xa
Hết sinh tử, Nê-hoàn
Đắc giác ngộ bình đẳng.

Người tu hành sợ hãi sinh tử, ghét nạn ba cõi, sợ khổ chán thân, không hiểu rõ nó vốn là không, chỉ muốn vượt thoát họa hoạn, chẳng nghĩ đến chúng sinh. Ví như đội quân tan rã, những người ốm yếu chỉ muốn tự cứu, chẳng cứu giúp sự nguy khốn cho ai. Người có tâm này, Phật vì họ dạy trừ diệt phiền não ba độc, Nêhoàn là hạnh phúc, lìa tối đến sáng.

Ví như người dẫn đường dẫn người buôn bán lớn đi đến con đường xa xôi, ở một canh đồng lớn không có nước cỏ, khách buôn kêu than cho là đường sá xa xôi đâu thể đến nơi, vĩnh viễn cùng đường rồi. Khi ấy người dẫn đường kia là người thông minh hiểu biết rộng, cũng có pháp thuật, biết được ý nghĩ của khách buôn chán nản đường sá xa xôi, liền hóa thành một quốc gia ở giữa đường, có thành ấp, dân chúng, đất đai trù phú, ngũ cốc thừa thải, khách buôn vô cùng mừng rỡ, cùng nhau bàn tán có gì sung sướng bằng, tưởng rằng lâu lắm mới thoát nạn đến được nhân gian. Vừa có ý nghĩ như vậy liền đến thành này còn sợ gì nữa. Khi ấy, đám khách buôn liền dừng lại nơi này, cùng nhau vui vẻ uống ăn thỏa thích, tự do nghỉ ngơi, đến khi sắp chan thành quách biến mất chẳng thấy đất nước. Khách buôn lấy làm lạ hỏi vì sao như vậy? Người dẫn đường đáp: Các ngươi mệt mỏi chán nản, cho là đường sá vời vợi, vĩnh viễn không đi đến, cho nên ta đã hóa hiện thành quách cõi nước, dân chúng để được nghỉ ngơi, thấy các ngươi chán rồi cho nên biến mất.

Phật dạy: “Như vậy, đệ tử tu hành sợ khổ sinh tử, gọi là phiền não sinh tử, sợ họa hoạn của ba cõi, sớm muốn diệt độ.” Cho nên vì đó chỉ cho quả La-hán để đắc, dụ cho tiến tới trước vượt qua sinh tử, trừ hết ba cấu, đắc đạo vô vi tự cho là thành đạt đầy đủ. Khi sắp diệt độ Đức Phật đứng trước chỉ cho đại đạo. Vì vị ấy chưa tạo sự thông tỏ, phát huy đạo Chân chánh vô thượng, đắc pháp Nhẫn vô sở tùng sinh, đạt trí Nhất thiết mới là đạt đạo. Ví như có nước nọ gặp ba ách nạn: Một là giặc cướp, hai là đói khát, ba là tật bệnh. Dân chúng phân tán chạy đến nước khác. Về sau, đất nước yên ổn, hoặc có người trở về, hoặc có người kinh sợ họa hoạn của ba nạn vĩnh viễn chẳng trở lại.

Phật dạy: Đất nước là ba cõi, gặp ba nạn là độc, người bỏ đến nước khác là La-hán, người trở về khi nước an ổn là Bồ-tát đã chứng đắc tất cả trí tuệ sâu xa của pháp Nhẫn vô sở tùng sinh, trở lại ba cõi để hóa độ tất cả. Người gặp ba nạn mà không trở về là La-hán đã đắc vô vi, sợ chỗ ba nạn, chẳng có khả năng trở lại độ thoát chúng sinh.

Bài tụng rằng:

Ví như đám khách buôn
Đi qua cánh đồng hoang
Mệt nhọc sợ chẳng đến
Người dẫn hóa thành quách.
Mọi người dừng, nghỉ ngơi
Ở yên một ngày đêm
Biết tâm họ đã chán
Biến mất chẳng hiện lại.
Phật – Thế Tôn như thế
Thấy sợ nạn sinh tử
Liền thị hiện vô vi
Để độ khổ ba cõi.
Khi sắp nhập Nê-hoàn
Hóa hiện chỉ đại đạo
Khiến đạt vô sở sinh
Rộng cứu độ tất cả.
Lại ví như nước lớn
Bỗng gặp ba tai nạn
Phân tán đến nước khác
Nước yên rồi chẳng về.
Kinh sợ nạn sinh tử
Đó gọi là đệ tử
Về nước chẳng kinh sợ
Bồ-tát độ mười phương.
Quyền tuệ phương tiện hóa
Đều đạt được kết quả
Ví như lái thuyền giỏi
Qua lại chẳng nghỉ ngơi.
Phật – Thế Tôn như vậy
Pháp thân không qua lại
Khắp cùng ở mọi nơi
Như mặt trời chiếu khắp.

 

Phẩm 29: DUYÊN GIÁC

Người theo Duyên giác mà chẳng tự biết, đã phát đạo chân chánh vô thượng, chẳng thọ chân pháp với thiện hữu, tự chuyên làm ngược lại. Giả sử phụng trì giáo pháp sáu Độ vô cực mà lại có tưởng, muốn được tôn hiệu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, oai thần đáng tôn trọng, mà chẳng biết dùng quyền xảo khéo léo. Phật hiện sắc thân mà trái lại bảo là có thân, liền rơi vào Duyên giác.

Như có người muốn thấy biển lớn lại đi đến ao hồ, sông ngòi, ở đó tìm của báu chỉ lượm được thủy tinh, ngọc minh nguyệt nhỏ, tự cho là đã lấy được kim cương sáng chói. Từ tâm Bồ-tát mà trở lại thối tâm, chẳng hiểu pháp không xuất nhập cua Như Lai, không mà vô hình, đạo không có ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại, nhưng gọi kiến giả về không là định, mà không hiểu biết vừa hành không, vừa cứu độ ba cõi, chẳng có khả năng tiến bộ. Trên thì không bằng Phật lại vượt hàng đệ tử, dừng ở giữa chừng. Như có người muốn thấy Thiên đế nhưng thấy vua biên cương thì cho là Thiên đế, muốn học Chánh giác mà tâm có giới hạn, chẳng hiểu tuệ sâu xa, trở lại rơi vào Duyên giác, cũng giống như thế. Nếu có tâm này, Phật bèn chỉ bày dẫn dắt pháp Duyên giác.

Ví như có trưởng giả, tuổi đã già nua, con cái lại đông, có ngôi nhà to lớn, cột trụ lâu ngày bị mục, trong nhà lại phát hỏa. Các đứa con buông lung đam mê theo năm dục, chẳng hay biết tai họa này. Khi ấy người cha nghĩ: “Ngôi nhà này quá cũ lại bị lửa đốt, e sợ cột ngã, ngôi nhà sập xuống, nên tính sao đây.” Người cha muốn bày phương tiện khuyến dụ các người con thoát ra khỏi nạn lửa. Người cha ở ngoài trong trổi nhạc hay, bảo người kêu các con:

–Sẽ cho các con voi, ngựa, xe cộ, ngọc ma-ni.

Các con từ xa nghe tiếng nhạc lại được lệnh cha đều chạy ra khỏi nhà đi đến chỗ cha. Cha liền cho các con các xe cộ báu tốt… mà không thiên vị. Các con thưa:

–Thưa cha tôn kính! Cha kêu chúng con ra hứa cho đồ châu báu, nay đây tại sao chỉ một loại như nhau?

Trưởng giả đáp:

–Ngôi nhà chúng ta đã cũ, cột cái mục hư mà trong nhà lại phát hỏa. Cha sợ cột ngã đè chết các con, cho nên trổi nhạc kêu các con ra lòng cha mới an. Các con đều là con của cha, cha thương như nhau nên đều cho xe cộ quý báu.

Phật dạy: “Ngôi nhà cũ ấy là ba cõi, cột mục nát muốn ngã là họa hoạn ba độc xoay vần nơi sinh tử, cột bên trong cháy là các niệm tưởng. Trưởng giả là Như Lai, các con phóng dật là đam mê dục nơi ba cõi, trổi kỹ nhạc là Phật thuyết giảng về tội phước, kêu các con ra hứa cho đồ vật là hiện bày giáo pháp ba thừa các con đều ra, cha cho của báu như nhau là Đại thừa, không có ba thừa. Khi sap diệt độ, mới biết rõ.” Bài tụng rằng:

Ví như có trưởng giả
Có rất nhiều con cái
Tự mê năm dục lạc
Ở trong ngôi nhà cũ.
Cột mục như muốn ngã
Trong nhà lại phát hỏa
Cha sợ nhà sập đổ
Đè chết các con mình.
Nên trổi các nhạc hay
Con ra cho như nhau
Phật – Thế Tôn cũng thế
Do tâm Duyên giác thành.
Đến khi sắp diệt độ
Đức Phật đến đứng trước
Chỉ bày một giáo pháp
Là Đại thừa mà thôi.

Người tu hành khởi ý muốn cầu Đại đạo, chẳng biết vốn là không, chấp trước ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của sắc thân Phật, Đấng tôn quý trong loài người.

Ví như có người nghe tên vua Chuyển luân vương ở bốn phương, làm chủ bốn châu thiên hạ, có bảy báu, có cả ngàn người con sức khỏe đều dũng mãnh, thành rộng và dài, Đông Tây dài bốn trăm tám mươi dặm, Nam Bắc hai trăm tám mươi dặm, ở giữa có điện lớn vuông vắn bốn mươi dặm, giường tòa bằng bốn báu; dân chúng đông đúc, ngũ cốc dồi dào, sung sướng vô cùng; âm thanh kỹ nhạc có mười hai bộ; phu nhân, thể nữ có tám vạn bốn ngàn; các nước vua cai trị tới tám vạn bốn ngàn; voi ngựa, xe cộ số lượng cũng vậy.

Vua có bốn đức: Trưởng giả, Phạm chí, dân thường, dân nơi nước nhỏ đều tôn kính Thánh đế, như con phụng sự cha. Vua luôn nghĩ thương họ như mẹ thương con, điều vua dạy bảo đều thọ nhận làm theo, xa gần quy phục, như thờ người kính trời nương đất mà sống được.

Lại có bốn đức không lạnh, không nóng, mới sinh không đói khát, suốt đời chưa từng bệnh, Thần linh hết lòng phù hộ. Người nghe việc ấy muốn đến yết kiến vua, tín mộ Thánh giáo, liền khởi hành. Dọc đường mệt mỏi, thấy một con đường khác, thuận chân rẽ vào thấy một thành lớn, dân chúng đông đúc, rừng cây, sông ngòi, vui không kể xiết cho đó là thành quách, là cảnh giới của Thánh vương bèn dừng lại nơi ấy. Nhưng nơi này tuy vui vẻ mà lại là chốn của quỷ thần, người ấy chẳng biết.

Khi đó, có Thiên vương tên là Hưu Tức liền gặp người ấy giải thích cho biết chỗ này chẳng phải là nơi của Thánh vương mà là của quỷ thần. Chuyển luân thánh vương oai đức cao vời; bấy giờ, người kia mới vui mừng gần gũi theo phụng sự.

Nếu có người phát tâm học đạo Bồ-tát mà chẳng hiểu rõ nghĩa sâu, chẳng phân biệt không, gặp đời không có Phật, ra vào chốn vắng lặng, ở bên gốc cây, quán sát vạn vật là vô thường, khổ, không, thân chẳng tồn tại dài lâu mà chẳng rõ vốn là không; mới đắc Duyên giác tự cho là thành; khi sắp Nê-hoàn Phật hiện ra trước, chỉ bày đại pháp giáo nghĩa thâm diệu, mười hai nhân duyên vốn không có cội gốc, hiểu rõ gốc ngọn đều không, không có quá khứ, vị lai, hiện tại. Đại Từ, đại Bi thì không thấy ba cõi, không có tưởng Nê-hoàn, mới thành chánh chân, độ thoát tất cả.

Bài tụng rằng:

Ví như có người cầu Thánh vương
Lại thấy một thành cho là cõi
Của các tiểu vương nhớ Chuyển luân
Trong đó vui chơi cho là sướng.
Thiên vương Hưu Tức tới gặp gỡ
Cho biết rằng đây là nước quỷ
Chẳng phải là đại đế chuyển luân
Khi ấy mới kinh hoàng tự biết.
Liền khởi hành đến cõi Đại vương
Thấy oai thần đức độ cao vời
Con từ lâu mê mờ chẳng rõ
Nay thường theo hầu phụng Thánh vương.
Muốn học đạo cả mà chẳng hiểu
Rơi vào Duyên giác cũng như vậy
Sau nhận hạnh nhiệm mầu của Phật
Mới đạt được chân đạo Vô thượng.
Oai đức Phật sáng rỡ
Đức ấy cứu chúng sinh
Tâm bình đẳng độ hết
Trừ diệt danh ba độc.
Thoát hẳn khổ sinh tử
Đạo do trí tuệ thành
Thanh tịnh như mặt trời
Phá bóng tối ba cõi.

 

Phẩm 30: BỒ-TÁT

Người tu hành tu hành tự tư duy: Con người ở trong sinh tử, giống như bánh xe quay lộn lên xuống mà không rời mặt đất; trước sau như vậy, họa hoạn qua lại chẳng lìa ba cõi, đều là do ngu si chẳng biết vốn là không, cho là có bốn đại thật, nương vào đó là vững chắc. Lại như có người thấy huyễn thuật biến hóa hình người mà cho là người thật, chẳng biết là do biến hóa thành. Người ngu cũng vậy, tham đắm “ngã của ta” cho là thân mạng, chẳng hiểu thể của nó là địa, thủy, hỏa, phong.

Ví như có bọn người đi xa, muốn đến chơi ở nước khác, từ lâu nghe có tai nạn dọc đường nên thường lo lắng sợ có giặc cướp, nhìn quanh bốn phía, xa thấy những ngọn núi có các tảng đá, và cây cối cho là có giặc cướp, cỡi ngựa, số cả trăm, ngàn, tự nhủ, biết tính sao đây? Rồi mạnh ai nấy chạy, tán loạn, chẳng biết trốn đâu. Trong đó có người dẫn đường, kêu nói với mọi người:

–Chớ nên bỏ chạy đến chỗ nạn lớn, không có nước nôi! Hoặc gặp khốn cùng, chẳng cứu được mạng; hoặc khổn khó túng quẩn, mới trở về lại, tới lùi đã lâu, lại thêm khổ nhọc; của cải mất sạch, nương tựa vào đâu; rách rưới đói lạnh, lại phải nhờ vả, đem thân mình nương gởi nhà giàu. Hãy tự an tâm cùng nhau khuyến hóa, sai người thám thính, nếu không có giặc thì nên đi tới. Giả sử có giặc đến thì quyết chí cùng đánh, khiến giặc tan chạy. Vì sao? Vì một người liều chết, mười người chẳng đương; mười người liều chết, trăm người chẳng đương; trăm người liều chết thì ngàn người chẳng đương; ngàn người liều chết thì vạn người chẳng đương; vạn người liều chết thì tung hoành thien hạ.

Mọi người nghe theo, không còn chạy nữa, đều đứng yên lại, đợi sai người thám thính. Chỉ thấy các loại cây cỏ ngói đá, hoàn toàn không có giặc cướp. Mọi người đều vui mừng. Bấy giờ mới tiếp tục đi, cho người dẫn đường là vô song, trí tuệ thông suốt, thật hiếm có trong đời; cử động tới dừng đều tuân theo lệnh của người ấy; không dám chống lại.

Bồ-tát đại nhân tu hành cũng vậy, vì tất cả mà hướng dẫn, giảng giải ba cõi là không, tất cả như biến hóa, năm ấm như huyễn; chẳng chán sinh tử mà diệt thân, hóa độ khắp mười phương, chỉ bày con đường chân chánh, ngợi khen Bồ-tát lâu xa không bạn; lăn lộn trong ba cõi độ thoát sinh tử; đệ tử chí nhỏ thường ôm lòng sợ sệt, chỉ muốn diệt thân chẳng màng tất cả; chẳng được cứu cánh nên lại thoái lui. Từ khi mới phát ý người thông minh nhân đây nghe lời giáo huấn của Bồ-tát đều phát tâm cầu đạo Vô thượng chân chanh.

Bài tụng rằng:

Bồ-tát vì người tu giảng giải
Tất cả là không thân như huyễn
Nhân duyên hợp thành có thân này
Tâm luôn bất chánh chạy theo tà.
Ví như người buôn, buôn bán xa
Xa thấy cây rừng cho là giặc
Ai cũng sợ hãi đều chạy lánh
Đạo sư giảng giải tâm mới an.
Bồ-tát cũng vậy, giảng nghĩa không
Vì tất cả người rộng nói pháp
Chỉ cho đệ tử đạo sâu xa
Như mặt trời mọc xua mây mờ.

Bồ-tát học đạo dần dần tiến tới đạt trí tuệ cao tột. Dựa vào sáu Độ cao xa, phân biệt nghĩa không, tích lũy công đức trải qua vô kiếp mới đắc quả Phật. Ví như có người tuổi trẻ ra làm quan, mới đầu thì nghèo khổ sau chuyển thành giàu to, cầu làm Thừa ủy, rồi thanh Lệnh trưởng, tấn hai ngàn thạch sau thăng Châu mục, Tứ chinh, Công khanh đại thần; rồi dần đến Đế vương, Chuyển luân thánh vương, Thiên đế phạm tôn. Hành đạo Bồ-tát học theo thứ lớp cũng y như vậy, dần dần phát ý Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Nhất tâm, Trí tuệ, kiềm chế sáu tình, trừ khử ba độc, sự che khuất của ấm, suy, hướng đến pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, đạt tới nẻo Bất thoái chuyển, gần hoàn thành đầy đủ mọi viec, ở quả vị Nhất sinh bổ xứ. Giống như mài gương, tẩy, dập, sửa bằng phẳng miếng thiếc, dần dần làm cho trơn láng mới phát ánh sáng; dần dần tập hành sáu pháp Ba-la-mật, tích công lũy đức, kiếp số chẳng thể tính đếm, tự chứng đắc quả vị Phật, khai độ mười phương.

Bài tụng rằng:

Như người trẻ làm quan
Thừa ủy rồi Lệnh trưởng
Hai ngàn thạch Châu mục
Tứ chinh đến Công khanh.
Đại vương rồi Chuyển luân
Nhật nguyệt, Thiên đế Thích
Bồ-tát cũng như vậy
Tích công đức dần dần.
Hành sáu Ba-la-mật
Tu cho đắc Phật quả
Giáo hóa mười phương chúng
Đều khiến được an lạc.

Bồ-tát học định tinh chuyên nhất tâm, dần bỏ các cấu, tâm chí biến hóa. Ví như có người muốn đi vào biển, ngày lại tháng qua cứ vẫn tiến hành, chẳng hề thoái lui. Tuy bị đói rét, chưa từng lay chuyển, chẳng kể khổ nhọc, mệt mỏi, xa gần, đi chẳng nghỉ ngơi, mới tới bờ biển, cùng mọi người lên thuyền, vào biển tìm kiếm châu báu. Tuy biết có ba nạn nhưng chẳng lấy làm run sợ, đến cung điện, chỗ ở của vua Đại Long vương, theo cầu xin ngọc báu Như ý tuyệt diệu để chu cấp cho kẻ cùng khốn. Long vương cấp cho, bảo là bố thí tất cả chớ đừng nuối tiếc. Mọi người đều nhờ vào ánh sáng của viên ngọc, nhưng ngọc chẳng hao giảm. Người ấy được ngọc, tạ ân và vội va trở về, khắp cả nước đều được an ổn.

Bồ-tát cũng vậy, hành đạo với tâm bình đẳng, muốn cứu chúng sinh phải Từ bi hoan hỷ, hộ trì, nhất tâm nghĩ đến Phật dù bất kỳ ở đâu cũng tinh chuyên hướng về, chưa từng bê trễ, bảy ngày, mười ngày, ba tháng một năm chẳng khởi tưởng dục, nhất tâm hướng Phật và hóa độ chúng sinh, nương vào giáo pháp sâu rộng của Đại thừa, thấy mười phương Phật, thọ giáo đắc định, vì tất cả giảng thuyết Tam-muội bất động. Ví như từ Long vương được ngọc Như ý, ban cho khắp mọi người. Ví như có người nghe trên cõi trời có ngọc nữ, đoan chánh, đẹp đẽ, ý muốn đến xem mà không có thần túc, sớm tối tơ tưởng nằm ngồi chẳng quên. Trải qua bao nhiêu năm chưa từng xao lãng, nên ở trong mộng thấy được ngọc nữ ngồi đứng tới lui. Bồ-tát cũng vậy, nhất tâm tư duy đến bất cứ Phật ở phương nào, lâu năm chẳng dứt thì chứng đắc Tam-muội, kiên quyết hành trì chẳng lười mỏi, nhiều kiếp chẳng nản thì đạt đến quả Phật. Bồ-tát hành đạo đại Từ, đại Bi xót thương tất cả.

Xưa có một người mù chẳng thấy ánh sáng mặt trời, trong lòng lo buồn áy náy: “Tuy có ánh sáng mặt trời mà mat ta đui mù chẳng thấy, phải làm sao đây?” Tìm được thần sư cho uống cam lồ, nội bệnh tiêu trừ mắt được sáng tỏ, thấy được ánh sáng mặt trời, quan sát tám phương trên dưới và muôn dân. Lúc mới phát đại tâm, sáu nhập, năm ấm, ba độc chưa trừ thì chẳng thể thấy được chư Phật mười phương. Từ khi thành tựu thọ pháp Bồ-tát, thâm nhập giáo lý hành bốn Đẳng tâm, rõ ba cõi là không liền đắc Tam-muội thấy mười phương Phật. Từ định ý đứng dậy cứu giúp chúng sinh. Ví như châu báu đặt trên thủy tinh, như dùng đồ vật gì đó đựng lưu ly thì màu sắc của lưu ly khiến cho đồ vật đó có cùng hình tượng. Bồ-tát cũng thế, nhất tâm nghĩ đến Phật, không có niệm khác, liền đắc định ý thấy mười phương Phật. Do oai thần của Phật đạt được bốn đức thấy Phật Thế Tôn.

Bài tụng rằng:

Ví như có người đi vào biển
Chưa từng biếng trễ, đến mới thôi
Cùng người lên thuyền đến
Long vương Xin ngọc
Như ý – châu báu lớn.
Cho khắp tất cả đâu cũng nhờ
Bồ-tát cũng vậy, hành bốn ân
Đại Từ, đại Bi, hành đại đạo
Nhất tâm tinh tấn pháp Tam-muội.
Như người nghe trời có ngọc nữ
Sớm tối tơ tưởng mộng được thấy
Bồ-tát cũng thế, luôn tinh tấn
Thấy mười phương Phật khắp mọi nơi.
Lại như người mù nghĩ mặt trời
Lương y trị khỏi, mắt liền sáng
Bồ-tát cũng vậy, chuyên hướng Phật
Chưa từng dừng nghỉ, chẳng thoái chuyển.
Như châu báu đặt trên thủy tinh
Lần lượt ánh sáng chiếu khắp nơi
Định Tam-muội Bồ-tát cũng vậy
Từ Phật thọ giáo, hóa độ khắp.

Bồ-tát tích lũy công đức, muốn độ tất cả thị hiện như cha, thị hiện như mẹ, thị hiện như con, thị hiện như thân… Bình đẳng không sai khác, vì năm đường chúng sinh chịu cực khổ vô cùng mà chẳng cho là khổ. Tuy trải qua họa hoạn sinh tử trong năm đường, cái khổ của địa ngục, cái căm giận của ngạ quỷ, cái não hại của súc sinh, cái tai ách theo sinh tử của cõi trời, cõi người mà tâm chẳng khuynh động, hành đại Từ bi đối với bốn ân không nan, cứu giúp mười phương khỏi các niệm tưởng.

Ví như ánh trăng kia khi mới mọc thì nhỏ như sừng dê. Lần lớn lên cho đến tròn đầy, ánh sáng chiếu khắp độc sáng giữa các sao; thứ lớp học đạo, hành pháp Bồ-tát: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Nhất tâm, Trí tuệ, trải qua vô số kiếp siêng năng khổ hạnh, thân tâm tương ưng, ngôn hành hợp nhất, nghĩ mười phương chúng sinh như cha mẹ, không có thân, sơ.

Ví như trồng cây, ban đầu nảy mầm, sau mọc thành, thân, cành nhánh, lá, hoa, quả, dần dần nên hình. Tu hành cũng như thế, khi mới phát ý, hoan hỷ hướng Phật; dùng tâm hoan hỷ đạt được sự chấm dứt cõi ác, thành tựu sáu pháp Ba-la-mật, nhập vào phương tiện khéo léo, đạt pháp Nhẫn bất khởi, nhất thiết Phật tuệ, mà chuyển pháp luân, thị hiện diệt độ, phân bố đại pháp, đời sau nhờ ân.

Giống như có người muốn xây nhà lớn, trước san bằng mặt đất, kế đến đắp nền, dần dần xây tường, mới thành cao lớn; dùng loại gỗ tốt quý làm rường cột vững chắc, dùng ngói lợp lên, bùn đất bôi trét; làm xong xuôi rồi, sáng sủa khoáng đãng; tường trắng, cột đỏ, nghiêm trang đẹp đẽ. Sau đó, mời bà con thân tộc, bạn bè, hàng xóm… khắp cả, ăn uống, trổi nhạc rất vui vẻ.

Bồ-tát cũng thế, chứa hạnh vô lượng, chẳng vì khổ nhọc mà lười biếng chán nản; thấy chúng sinh kia, xoay vần nơi năm đường, tử sinh lăn lộn như đá mài bất định nên phát đại Từ bi, trí tuệ không bị che khuất, muốn cứu độ tất cả, giống như hư không, bao trùm tất cả, đạo đức đã thành, hiện cả ba cõi, biểu thị sắc, thân ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, chúng sinh thấy đều vui mừng; vì mười phương chúng sinh mà gầm tiếng gầm của sư tử, tất cả nghe tiếng, thảy đều quy phục, theo bốn tâm mình, thành hạnh ba thừa.

Khi ấy, tụng rằng:

Bồ-tát mới phát tâm
Thương yêu khắp mười phương
Như cha, mẹ, con, thân
Bình đẳng, chẳng mong cầu.
Dần dần phát thành tích
Như cây mọc mầm, thân
Đến cành lá hoa quả
Công người trồng chẳng phí.
Bồ-tát cũng như thế
Phụng hành đạo, dần dần
Công đức sẽ tròn đầy
Bình đẳng, rất an lành.
Giống như xây nhà lớn
San đất xây nền, tường
Dần dần thành cao lớn
Che lợp, rất hoàn chỉnh.
Mời bà con, làng xóm
Ăn uống, ca nhạc vui
Bồ-tát cứu chúng sinh
Độ thoát, ban ánh đạo.

Thế nào gọi là vượt sự tu hành, vừa phát đạo ý đã đạt Bất thoái chuyển, không do đâu phát sinh mà thành tựu đầy đủ A-duy-nhan? Do nhân duyên đặc biệt nào mà đầy đủ hạnh Bồ-tát như vậy?

Hiểu rõ ba cõi là không, năm ấm không có chỗ nương, bốn Đế không có cội gốc, duyên tưởng mà sinh; mười hai nhân duyên si là đầu mối, quán sát đầu mối của si không có nơi chốn; có đắm vào mong cầu thì gọi là si; người trí hiểu rõ là không có.

Ví như nhà ảo thuật trở lại xem người hóa hiện ra, chẳng thấy có người. Bồ-tát cũng thế, thức tỉnh ba cõi là không, giống như bóng nước, như mộng huyễn, như cây chuối, như tiếng vang trong núi sâu, chỉ có tiếng vang mà không có thật. Xưa có người nằm mộng, thấy có một nước dân chúng đông đúc, vua rất nghiêm khắc, quần thần phụng sự, chẳng dám trái ý, ngũ cốc dồi dào, y phục sặc sỡ, xướng ca vui vẻ. Người ấy thấy rồi vui mừng ngắm xem, đi đến yết kiến quốc vương, nhà vua liền lập làm đại thần, ban cho quan chức, nô bộc, tùy tùng, ruộng nhà, bảy báu, vui mừng không xiết. Lại thấy mình bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, hóa thân lừa, ở trong bầy cất tiếng kêu. Bỗng nhiên lên cõi trời, cung điện bằng bảy báu, cùng vui vầy với ngọc nữ. Từ mộng tỉnh dậy chẳng thấy gì hết, tự hiểu rõ năm đường như mộng, tất cả vốn không chẳng nắm bắt được. Phân biệt tuệ này thì chẳng thoái chuyển, đạt chỗ vô cùng, quyền tuệ đầy đủ, thông suốt đại đạo, quán tâm như huyễn, năm ấm, sáu nhập thì giống như quần thần; pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc, ở trong năm đường đều giống như người kia tỉnh mộng, thấy không có cái thấy, cũng không có mộng tưởng. Đó gọi là siêu việt, đạt đến Trí tuệ ba-la-mật mà chẳng dựa vào thứ lớp.

Bài tụng rằng:

Thân người và năm ấm
Quán chúng không chỗ nương
Bốn Đế, mười hai duyên
Tất cả đều như huyễn.
Như ban đêm mộng thấy
Một nước rất an vui
Vua lập làm đại thần
Ca nhạc và giàu có.
Vào địa ngục, ngạ quỷ
Làm lừa cất tiếng kêu
Lên trời điện bảy báu
Tỉnh dậy, chẳng thấy gì.
Người trí quán ba cõi
Năm ấm đều như mộng
Vì rõ không nơi chốn
Mới đắc Nhẫn bất khởi.
Đạo pháp chẳng xa gần
Như không, không sở xứ
Tâm không, rõ vốn không
Bỗng như ánh mặt trời.
Trí tuệ ngay lúc ấy
Không được cũng không mất
Đạo không có ba đời
Ngộ rồi vốn như như.

Sao gọi là vượt qua sự tu hành?

Con người vốn là một, do chẳng hiểu biết nên khởi chấp cái ngã của ta, vừa đắm chấp liền bị ràng buộc, mà cầu giải thoát; chẳng đắm chấp thì không bị ràng buộc, cần gì cầu giải thoát. Ví như có năm hiện tượng ở trong hư không là mây, mù, bụi, khói, tro chẳng thể làm dơ bẩn hư không kia. Tâm vốn như hư không, cái độc của năm ấm giống như năm hiện tượng nọ, chẳng che lấp được. Hiểu rõ tâm vốn vô hình, trí tuệ không ngăn ngại, vào sâu pháp nhẫn chẳng theo thứ lớp.

Ví như có người từng là thường dân, nhà rất túng thiếu, đi đến chỗ Phật, theo đàn-việt xin ăn, phát khởi hảo tâm:

–Thân con do tội lỗi từ đời trước chẳng thể bố thí, nay bị nghèo khó, áo chẳng che thân, cơm chẳng no miệng lại chẳng làm phước, ăn nhờ cơm Phật. Nếu con có của cải sẽ cúng dường Phật và Thánh chúng, chu cấp đầy đủ cho người thiếu thốn nghèo cùng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn và Thánh chúng đều tự lui ra. Người ăn xin tự trách: “Ta vốn bạc phước, chẳng thể làm việc phước đức, chịu cảnh thiếu thốn.” Nghĩ vậy rồi, nằm dưới bóng cây, khi mặt trời chiếu xiên, các bóng cây khác đều di chuyển, nhưng bóng dưới cây chỗ người ấy nằm không di chuyển, bụi bặm trên thân thể đều được trừ sạch, tự nhiên có oai đức. Khi ấy, quốc vương băng hà, đang cần hiền nhân để nối ngôi, chiêu mộ khắp nơi trong cả nước chỉ thấy người ăn xin có oai đức khác thường, bóng cây phủ che như tàng lọng, sư giả đến thưa với quần thần, ca ngợi oai đức của người ấy, dân chúng đều vui mừng chuẩn bị xa giá để nghênh đón, lập làm quốc vương. Lên ngôi hoàng đế rồi, chấn hưng đức hóa khắp cả nước, cúng Phật và Thánh chúng. Người ở trong cái khổ sinh tử của năm đường, năm ấm, sáu nhập, mười hai nhân duyên, nghe giáo pháp sâu xa của Phật, bản thân không có trí tuệ nhưng tâm đại Từ, đại Bi trội hơn tất cả. Tuy muốn độ người mà chẳng thấy có người độ và không có đối tượng được độ, chẳng thấy có ngã của ta, ba cõi như tiếng vang, tất cả đều vô ngã. Giống như hư không, siêu nhập trí tuệ, pháp Bất thoái chuyển được Nhất sinh bổ xứ. Không từ đâu sinh gọi đó hưu đức mà không có sở đắc. Ví như mặt trời mọc thì bóng tối tiêu tan trở thành bình đẳng, không có thân sơ, chẳng thấy có ràng buộc cũng không có giải thoát. Cũng như núi vàng không do tạo tác, người tìm vàng hiểu biết tự do đến đó mà lấy, chẳng hề thấy khó nhọc. Con người vốn thanh tịnh không cấu uế, hiểu rõ tuệ này liền vào cửa đạo không có chướng ngại giống như hư không tự trong sạch, chứ không có ai làm trong sạch.

Bài tụng rằng:

Như người từ lâu nghèo
Theo Thánh chúng xin ăn
Trở lại tự trách mình
Xưa ta chứa tội lỗi.
Liền phát tâm cung kính
Nghĩ thương khắp chúng sinh
Nếu được làm đế vương
Chẩn phát cho muôn dân.
Rồi nằm dưới bóng cây
Bóng cây che thân hình
Sứ giả thưa quần thần
Đến nơi để nghênh đón.
Lập lên làm quốc vương
Phụng Phật và Thánh chúng
Bồ-tát cũng như thế
Siêu vượt, hiểu vốn tịnh
Phước đức cao vời vợi
Độ thoát chư quần sinh
Hư không chẳng bị nhớp
Tâm tịnh như hoa núi
Cứu giúp khổ năm đường
Khiến trừ sợ sinh tử
Như trăng sáng ngày rằm
Riêng tỏa giữa các sao.

Xưa có một người muốn đến xem Phật là người như thế nào, thân hình ra sao, mục đích của giáo lý là gì?

Tôn giả A-nan trông thấy từ xa, đến trước Phật, bạch:

–Người từ xa đi đến là người nào?

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Là người chưa từng có.

Người ấy đến trước Đức Phật, muốn được nhìn Phật, nhưng chẳng thấy Ngài, thân Phật bỗng nhiên biến khỏi tòa ngồi. Người ấy tự nghĩ: “Cố đến xem Phật mà không thấy Ngài.” Quán sát suy nghĩ tại sao vậy. Liền tự hiểu rõ Pháp thân của Thế Tôn vốn không có hình tướng, nhưng vì cái ngã nhân của ta mà hiện ra thân này. Ví như trong núi sâu, người kêu lên thì có tiếng vang, do dội lại mà có tiếng. Pháp thân không có nơi chốn thì vì sao muốn thấy? Vừa tư duy như thế rồi liền đạt được Nhất sinh bổ xứ, không từ đâu sinh, trong ngoài bình đẳng như hư không, siêu nhập Chánh giác.

Bài tụng rằng:

Xưa có người khởi ý
Muốn gặp Phật Thế Tôn
Để biết ngài ra sao
Lời dạy như thế nào.
A-nan hỏi người ấy
Phật dạy chưa từng có
Thân Ngài chợt biến mất
Quái lạ nương vào đâu.
Tự phát tuệ hiểu rõ
Thân Phật không đi đâu
Tuệ an trụ thể không
Thị hiện ra cùng khắp.
Đạo pháp như tiếng vang
Tâm bình đẳng không oán
Người hiểu nghĩa như thế
Như hư không trùm khắp.

Bồ-tát phát tâm muốn cứu tất cả, quán thân bốn đại do nhân duyên hợp thành, giống như huyễn hóa, cũng như vật giả chẳng phải sở hữu của ta, chẳng phải của người khác. Giống như ghép gỗ thành người gỗ do vận hành mới cử động, người ngu thấy vậy cho là người thật, người trí tuệ biết rõ đó là gỗ ghép lại, không có người. Tất cả ba cõi đều không, như sắc, thống, tưởng, hành, thức, mười hai nhân duyên vốn không có sự qua lại, như bóng dưới nước không có hình tướng hành giả như vậy, siêu nhập thành trì Chánh pháp.

Bài tụng rằng:

Bồ-tát mới phát tâm
Hiểu bốn đại vốn không
Xem sinh tử Nê-hoàn
Tất cả đều giống nhau.
Ví như mượn vật người
Thường trả lại chỗ cũ
Chẳng nghĩ về nhân ngã
Trừ bỏ các tối tăm.
Chẳng thấy tâm ý thức
Đạo sáng vượt biển sông
Tam giới như huyễn hóa
Bồ-tát thọ phúng tụng.
Năm đường như dợn nắng
Các ác là giống Phật
Khuyến hóa kẻ chưa hiểu
Pháp thân chẳng chuyển động.

Hoặc người trí tuệ tự nhiên phát ý: Sự tu hành của Như Lai không do lời nói mà đạt đến chánh giác, như ánh mặt trời đồng thời chiếu khắp. Người hiểu nghĩa không thì không có quan niệm đạo tục, bình đẳng như hư không, vĩnh viễn vắng lặng chẳng thể gọi tên. Ví như trong ao bùn giữa đồng trống, không có gieo trồng tự nhiên mọc lên cây hoa sen xanh, hoa phù dung. Bồ-tát cũng vậy ở trong an ái, hoạn nạn của ba cõi bỗng nhiên phát tuệ, chẳng thấy sinh tử, chẳng trụ Nê-hoàn, giáo hóa tất cả khiến đến an lạc.

Bài tụng rằng:

Ngay khi phát tâm làm Bồ-tát
Phân biệt nghĩa không hiểu ngọn ngành
Vì nhập đạo pháp không gì thiếu
Đầy đủ trí tuệ đạt thần thông.
Giống như hoa sen xanh tại bùn
Như Lai phát ý thành Bồ-đề
Giáo hóa tất cả loài chúng sinh
Đều trụ pháp môn thành Chánh giác.
Hoa xanh trong bùn sạch tốt tươi
Bốn loại màu dụ cho bốn đảnh
Nhất sinh bổ xứ vượt thứ lớp
Sức mạnh hơn định Thủ-lăng-nghiêm.

Bồ-tát tu đạo giống như chim bay trong hư không không gì vướng mắc, vì lấy hư không làm chỗ nương nên chẳng sợ hư không. Bồ-tát cũng vậy, trong khoảnh khắc phát ý liền nhập đạo tuệ, đầy đủ phương tiện quyền xảo, tâm bình đẳng như hư không, không dừng ở nơi đâu, chẳng lìa sinh tử, không ưa Nê-hoàn đều chẳng tăng giảm.

Ví như năm loại màu sắc sặc sỡ khác nhau đều sinh từ thảo mộc; rễ của thảo mộc đều phát sinh từ đất, dưới đất có nước, dưới nước có gió, gió do không mà có. Như vậy tìm căn nguyên đều không sở hữu. Giống như mây nổi bỗng có hơi đến, không biết đến đâu. Bồ-tát cũng thế, hiểu rõ ba cõi là không giống như gió thổi không thể dừng lại, hễ chấp có ngã của ta liền có ba cõi, chẳng thấy có ngã, đâu chấp có bỉ, chẳng rõ vô minh, vô tịnh, bất tịnh. Liền nhập bổn vô cũng không xuất nhập.

Ví như xưa có con trùng nhỏ, trong ruột có kim cương, ở bên bờ biển. Đại thọ Diêm-phù cao bốn ngàn dặm, cây bị chấn động, không thể đứng yên, thần cây hỏi:

–Vì sao ngươi bị chấn động, chẳng yên?

Cây đáp:

–Có trùng nhỏ ở trên thân ta nên chẳng yên.

Thần lại hỏi:

–Chim lớn cánh vàng đậu trên mình ngươi, tại sao không động, mà con trùng nhỏ ở trên lại sợ hãi?

Cây đáp:

–Trùng này tuy nhỏ nhưng bụng chứa kim cương, ta không thể thắng được vì vậy lay động.

Con trùng nhỏ ấy là Bồ-tát phát tâm, cây đại thọ ấy là ba cõi. Cây động chẳng yên là Bồ-tát phát tâm vượt đến trí tuệ sâu xa, đạt Nhất sinh bổ xứ, đạt tam thiên đại thiên thế giới, chấn động sáu cách. Chim cánh vang đậu trên cây không động là các đệ tử tuy đã thành tựu bốn đạo nhưng không có khả năng cảm hóa.

Bài tụng rằng:

Ví như trùng nhỏ ở trên cây
Run sợ chẳng an cành lá rụng
Bồ-tát, Đại sĩ, cũng như vậy
Siêu thoát thành tựu động ba ngàn.
Tâm ngài kiên cố như kim cương
Độ thoát tất cả họa sinh tử
Đệ tử giống như chim cánh vàng
Ở trong ba cõi chẳng độ ai.

Bồ-tát rõ tuệ thâm nhập vi diệu, không theo thứ lớp. Ví như có người từ dân được lập làm vua, kẻ phàm phu hiểu rõ về bổn vô, tâm ngang bằng hư không, không có nơi chốn, đạt Nhất sinh bổ xứ. Xưa trong hư không, bỗng có cây thuốc cành lá phủ khắp bốn phía, dưới trên, hơi nó tỏa xuống, ố khí của các cây cỏ độc đều tiêu, nuôi lớn thiên hạ, những con người tốt, lớn nhỏ đều bình an, đất cao làm cho bằng, chỗ thấp thì nâng lên cao thiên hạ thái bình, không có khe hang và các gò núi, bảy báu tự nhiên mưa bằng cam lồ, dân chúng lớn nhỏ ai nấy đều vui mừng cho là ta, vốn có phước, xa lìa các hoạn, ra vào đi lại không sợ nạn gì, không có nỗi khổ do thú dữ, đạo tặc, nhờ cây thuốc tự nhiên mà được bình an mưa thuận gió hoa, ngũ cốc dồi dào, sắc mặt hòa vui, áo cơm tự có, không hề lo phiền.

Giống như đại thọ hốt nhiên sinh nơi hư không, che khắp thiên hạ, nếu có phàm phu ở trong sinh tử bỗng hiểu trí tuệ sâu xa đạt được bổn vô không còn vướng mắc, chiếu khắp thiên hạ thì gọi người ấy là Bồ-tát, phóng ra ánh sáng lớn để thành Phật, trừ tất cả cấu bẩn nơi dâm, nộ, si của con người. Nuôi lớn khiến được an lạc làm cho bốn chúng phụng hành đạo nghĩa. Khiến chỗ cao thấp bằng nhau là làm cho năm đường chúng sinh đạt được tuệ bình đẳng. Bảy báu tự nhiên là bảy Giác ý. Mưa cam lồ là giảng pháp Bồ-tát. Dân chúng an ổn, ngũ cốc dồi dào là sinh tử chấm dứt, đạt năm thần thông, liền đạt nghĩa lớn, đạt Nhất sinh bổ xứ.

Bài tụng rằng:

Như người dân được lập làm vua
Bồ-tát Đại sĩ cũng như vậy
Hiểu rõ tuệ sâu đến cùng tột
Chứng đắc quả Phật độ mười phương.
Giống như hư không sinh đại thọ
Cây to cành lá phân bốn phía
Tỏa khắp tám hướng trên và dưới
Đất đai bằng phẳng ngũ cốc nhiều.
Thân người phàm phu trong sinh tử
Bỗng hiểu pháp sâu: tuệ hiện khắp
Độ mười phương cõi thoát ba đường
Với tâm bình đẳng mưa cam lồ.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7