KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 2

Phẩm 6: TỪ

Khách buôn qua đồng vắng
Đói khát nơi đường hiểm
Đạo sư cứu giúp họ
Dẫn đến chỗ sống được.
Bèn dùng đạo vô vi
Dứt trừ các cấu uế
Tâm được nhiều an lạc
Kính lễ Phật Thế Tôn.
Thuyền ở tại biển lớn
Nhằm đúng miệng cá kình
Thuyền ấy vào bụng cá
Khởi lòng Từ cứu giúp.
Trong khoảnh khắc lặn xuống
Cứu người và châu báu
Biết vô số trăm ngàn
Khổ vui tròn chung thủy.
Vướt qua các Thánh trước
Đức ngài như Thái sơn
Trí sáng vượt mặt trời
Cúi đều phụng trí tuệ.

Là người tu hành, nên bỏ sân, si thường giữ tâm Từ. Có người tu hành, chỉ phát nguyện suông, khiến chúng sinh an, nhưng chẳng biết cách gì cứu độ được an. Tuy có lời êm dịu an ổn, nhưng chẳng thực hiện lòng Từ bi bình đẳng. Người tu hành chớ nói Từ bi suông. Hoặc có người tu hành khởi ý nghĩ Từ bi, muốn làm an ổn cho tất cả các loài chúng sinh. Có lòng Từ như thế cũng là tốt rồi, nhưng chẳng phải là lòng Từ đầy đủ đạo đức. Muốn thực hành đại đạo chớ khởi lòng Từ suông.

Bài tụng rằng:

Giả sử người học đạo
Tâm nghĩ, miệng nói từ
Tự cho chút an ổn
Cũng được ít phước mỏng.
Ví như thợ làm tên
Rơi mất, lửa đốt cháy
Đâu thể khiến tên ấy
Thành tựu để mà dùng.

Trên con đường tu hành, kiến tạo lòng Từ rộng lớn và sẽ thực hiện thế nào?

Nếu người tu hành ở nơi nóng bức thì mong cầu chỗ mát mẻ mới được an ổn; ở nơi lạnh lẽo thì mong cầu đến chỗ ấm áp, mới được an ổn; như đói được ăn, như khát được uống; như đi đường xa mệt mỏi khốn đốn mà được xe chở, mới được an ổn, như đang đứng mà được ngồi; như người quá mệt mà được nằm nghỉ; như người trần trụi mà được y phục che hình; như thân dơ bẩn ma được tắm rửa, lòng rất vui mừng ổn định thanh thản, bao nhiêu nỗi khổ đều được qua khỏi, thân tâm phấn khích, được sự an lạc, giữ tâm chẳng loạn, được người thương kính. Gần gũi, thương yêu cha mẹ, anh em, vợ con, thân thuộc, bạn bè, tri thức, đều khiến họ được an ổn. Tất cả chúng sinh có các nỗi khổ, cũng như thân ta, đều được an ổn, dân chúng khắp mười phương đều khiến độ thoát, thân tâm an ổn, mong cho hai họ nội ngoại, trong ngoài đều được an ổn. Kế đến nghĩ tới những kẻ phàm tục, trang trải thêm lòng Từ đến oan gia, không có tâm sai khác, đều khiến được độ thoát như sự an ổn của thân ta. Giả sử niệm trước nghĩ về dân chúng trong mười phương, niệm kế nghĩ về oan gia, nhưng nếu bị loạn động mà tâm lúc ban đầu không thể chế ngự sự phân biệt giữa người oán và bạn thân, thì nên quán thế này: “Sự kết chặc oán ghét của ta đối với oan gia, tâm ý này đã trôi qua, nay đã xả bỏ”, rồi lại khởi niệm thương yêu như cha mẹ, vợ con, cũng kính trọng như họ hàng. Như vậy thì chẳng còn ôm hận nữa, quán xét về căn nguyên của sinh tử trong năm đường, hoặc đã từng làm cha mẹ, vợ con, anh em, bằng hữu trong nhà, chỉ vì lâu xa chẳng nhớ biết. Vì vậy nên chẳng ôm lòng oán hận.

Bài tụng rằng:

Nên phát hạnh tâm Từ
Nghĩ oán như bạn lành
Xoay vần trong sinh tử
Chắc từng làm bà con.
Ví như cây sinh hoa
Chuyển thành quả không khác
Cha mẹ, vợ con, bạn
Họ hàng cũng như vậy.

Người tu hành tâm tự nghĩ: “Giả sử sân giận với người khác thì tự hại mình thôi. Như cây phát ra lửa trở lại tự đốt mình, như cây chuối sinh quả roi tự khô, như con la mang thai trở lại nguy thân. Ta cũng như vậy, nếu ôm lòng sân giận, lại tự làm hại mình. Người khởi lòng sân giận đối với người khác, thì, hoặc là do tội này mà đọa làm mãng xà, hay là đọa vào đường ác.” Quán xét kỹ như vậy nên không ôm lòng ác. Nếu ghét người nào thì nên phát khởi thương yêu.

Bài tụng rằng:

Có ai do sân giận
Mà oán hại người khác
Đời sau đọa làm rắn
Hoặc đọa làm thú dữ.
Ví như cây tre chẻ
Cây chuối, la mang thai
Trở lại hại cũng vậy
Nên phải khởi lòng Từ.

Người tu hành phải thực hiện lòng Từ bình đẳng: Đối với cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè và oan gia không gần không xa, bình đẳng không yêu không ghét. Và đối với vô lượng thế giới trong mười phương, trang trải lòng Từ cùng khắp, chưa từng tăng giảm.

Bài tụng rằng:

Người thực hành lòng Từ
Bình đẳng không ghét thương
Chẳng nệ gần hay xa
Mới thực hiện lòng Từ.
Tâm bình đẳng hành Từ
Cho đến ba cõi người…
Người hành từ như thế
Đức ấy hơn Phạm thiên.

Người tu hành thành tựu đầy đủ lòng Từ thì lửa chẳng thiêu được, dao chẳng đâm được, độc chẳng hại được, các tà chẳng hoành hành được.

Bài tụng rằng:

Đao nhân chẳng thể hại
Quan quyền và giặc oán
Tà quỷ, các La-sát
Mãng xà và sấm chớ,.
Sư tử cùng voi cọp
Và các thú dữ khác
Tất cả chẳng dám gần
Không thể làm thương tổn.

Người tu tập hạnh Từ phải nên như vậy thì đêm ngủ an ổn, thức day vui tươi. Đêm ngủ người trời bảo vệ, chưa từng có mộng ác, sắc diện vui vẻ, y thực chẳng thiếu, sinh vào chỗ Phạm thiên, đoan nghiêm đẹp đẽ, mắt thì tròng trắng ,tròng đen phân minh, thân thể điều hòa, ít tật bệnh, được sống lâu, chư Thiên cung kính, nhắm đến việc đắc đạo, được Phật khen ngợi, sạch hết trần lao, không còn thoái chuyển. Để được an ổn, đến cảnh giới Vô dư, chứng đắc tịch diệt đều do lòng Từ.

Bài tụng rằng:
Người hành trì lòng Từ
Đẹp đẽ, y thực nhiều
Mọi người đều kíng ngưỡng
Sống lâu, sáng như trăng.
Ngủ, thức, đi, đứng yên
Thiên thần đều ủng hộ
Sinh phạm, chư Thiên kính
Được Thế Tôn khen ngợi.
Vì vậy người tu đạo
Phải thực hành lòng Từ.

Bài tụng rằng:

Hành lòng Từ hướng đến tất cả
Trừ các sân hại gọi là Từ
Nay ta chỉ rõ các oán đức
Như trong kinh Phật đã nêu giảng.

 

Phẩm 7: TRỪ SỢ HÃI

Các điều cần biết rõ
Phân biệt đều hiểu hết
Gặp chư Phật quá khứ
Thấu rõ là như thế.
Vì là Chánh đẳng giác
Cho nên gọi là Phật
Kẻ trí và trời, rồng
Không ai chẳng quay về.
Giáo hóa các cõi, giới
Trừ bỏ những tội lỗi
Đệ dẫn kẻ ngu, ác
Khiến tâm được sáng suốt.
Được an lạc, thoát khổ
Trừ bỏ các sợ sệt
Xin cúi đầu lễ Phật
Quy mạng Đấng Tối Thắng.
Phật hàng phục cứng cỏi
Rống tiếng voi như sấm
Giữ chí, tiếng nghe khắp
Đều thoát khỏi mông muội.
Ngu si tự phóng tâm
Dong ruổi như mưa trào
Voi tên là Đào bát
Để chế phục cao ngạo
Và các vua rồng, thần.
Ôm độc, mắt tóe lửa
Phật dùng điều lành độ
Thần chúng thường vắng lặng.
Giải thoát không chướng ngại
Nay con xin cúi đầu
Quy mạng dưới chân Ngài
Thế Tôn tịch nhiên thắng.
Thấy ma ôm sân độc
Biến hóa lửa khắp nơi
Đội núi, mang binh khí
Cầm đao và mâu kích.
Mãng xà vác cây lớn
Muốn đến hại Thế Tôn
Chư quỷ thần đều tới
Chẳng kinh cũng chẳng hoảng.
Lông chúng như dao nhọn
Vây bọc khắp chung quanh
Tính đếm số rất nhiều
Chẳng lấy làm sợ hãi.
Cũng chưa từng kính nghi
Nhưng chúng không ngu si
Đã bỏ các nạn sợ
Quy mạng Đấng Tối Thắng.

Người tu hành, nếu ở chỗ trống, chỗ vắng mà có sợ hãi, tóc lông dựng đứng, thì nên nghĩ đến điều thiện nơi công đức của Như Lai, hình tượng, dung mạo và Pháp cùng chúng Tăng. Nghĩ đến giới cấm, phân biệt rõ nghĩa Không, biết là sáu phần, mười hai nhân duyên phụng hành Từ bi. Giả sử sợ hãi, thì nghĩ về điều này, không còn sợ nữa.

Bài tụng rằng:

Hoặc vì sợ sệt bò dưới đất
Chẳng thể tự đứng thẳng với pháp
Dạy khiến giữ giới pháp vững chắc
Như gió thổi núi chẳng lay động.
Ví như ong kia chọn vị hoa
Tôi chép các kinh cũng như vậy
Văn tuy rất ít, an lạc chiều
Muốn trừ sợ hãi nên giảng thuyết.

 

Phẩm 8: PHÂN BIỆT HÀNH TƯỚNG

Tự làm mất châu báu
Rơi vào nước biển lớn
Nhanh chóng cầm dụng cụ
Lặn xuống tìm lại nó.
Siêng năng chẳng kể mệt
Giữ tâm không lay chuyển
Thần biển thấy như vậy
Liền lấy ngọc trở lại.
Vừa khởi phương tiện này
Chấm dứt ý Thiên vương
Vượt đến núi báu lớn
Chẳng cho là mệt nhọc.
Rốt ráo vốn là không
Đảnh lễ Đấng Vô Trước
Ý nguyện không lay chuyển
Quy mạng Đấng Tối Thắng.
Như Long vương cuộn khúc
Ngồi thiền cũng như thế
Cầu đạo dùng tinh tấn
Khởi đại lực thành Phật.
Hành trình trong bảy ngày
Nhẫn hóa được nữ nhân
Đảnh lễ Đấng Chí Tôn
Thấy tin chẳng lay chuyển.

Người tu hành, nếu tâm tự nghĩ ở trong sinh tử chẳng thể tính đếm, quen thói dâm, nộ, si đến nay quá lâu, mạng người đã ngắn mà lại còn lười biếng thì đâu có thể trong một đời trừ hết tội lỗi. Nếu có ý nghĩ ấy, thì nên quán chiếu như sau: Ví như ngôi nhà cũ không có người ở, trải qua nhiều năm tăm tối, chẳng đèn đuốc, nhưng đem lửa vào thì bóng tối tiêu hết. Tuy là lâu ngày quen theo trần cấu, các độc nhưng vì có trí tuệ nên các thứ tội lỗi đều được tiêu trừ. Vì sao? Vì sức của trí tuệ mạnh mẽ, ngu si yếu đuối.

Bài tụng rằng:

Muốn cầu đạo nghĩa chớ biếng lười
Để được pháp lợi, lìa suy hao
Nương trí tuệ quang minh của Phật
Vĩnh viễn trừ hết dâm, nộ, si.

Ai có thể phụng hành theo đạo này như thế?

Chỉ có người tin, siêng năng, trí tuệ; không dối trá, có ý chí mới có thể làm theo được.

Thế nào gọi là tin?

Thấy, biết vạn vật chung quy đều vô thường; những cái mà thân thọ nhận đều là khổ; ba cõi là không; tất cả các pháp đều vô ngã. Người hiểu biết như vậy thì gọi là tin.

Bài tụng rằng:

Người tu hành trì đạo
Nghĩ biết đời chẳng an
Vạn vật đều vô thường
Thân thọ đều là khổ.
Ba cõi thảy là không
Tất cả pháp vô ngã
Nắm vững những điều đó
Thì được gọi là tin.
Nếu khởi tưởng có ta
Gọi là người điên đảo
Thấu rõ tất cả không
Nên biết đó là Phật.
Người hiểu rõ như thế
Đạt được đạo cam lồ
Không gì làm lay động
Đây mới gọi là tin.

Với người tu hành, thế nào gọi là tinh tấn?

Nếu người tu hành tinh chuyên quán về không, vô ngã, tâm chẳng rời bỏ, thì gọi là tinh tấn. Giả như lửa cháy gần đến chỗ ngồi, đốt cháy y phục và đầu, mắt, tâm, nên nghĩ: “Lửa đốt cháy đầu ta, đốt thẳng vào xương thịt da, khiến thân ta chết, nhưng quyết không xả bỏ nẻo hành trì.” Vì sao? Vì tuy thân ta bị thiêu đốt, nhưng chẳng đủ để so với ngọn lửa dâm, nộ, si nằm trong thân tướng này, xoay vần theo sinh tử nơi ba đường ác, thiêu đốt thân ta cho đến nay, trải qua vô số đời. Chưa đạt đến chỗ cứu cánh nơi đạo đức thì tuy bị đốt cháy một thân, chẳng đủ để tự cứu độ, chỉ nên nỗ lực dập tắt ngọn lửa dâm, nộ, si. Đã được diệt độ rồi thì chẳng còn thoái lui nữa. Đã không có thân thì không có các họa hoạn của lửa trong ngoài, dâm, nộ, si ấy chẳng thể dễ diệt. Ví như dùng bùi nhùi mà muốn làm chảy đồng sắt thì chẳng bao giờ có thể được. Giữ tâm kiên cường, bằng tất cả phương tiện mới có thể trừ hết bệnh dâm, nộ, si.

Bài tụng rằng:

Người tinh chuyên tu trì đạo đức
Nên ngay lúc ấy chớ tiếc thân
Ví như có voi rửa thân hình
Tắm rửa vừa sạch, lại nằm đất.
Giả sử nạn gấp đã đến nơi
Sấm sét chớp lòe chẳng kinh sợ
Ví như hoa héo người chẳng tiếc
Vứt bỏ phiền não cũng như thế.

Với người tu hành, thế nào gọi là trí tuệ?

Hiểu rõ khi hành thiền định, biết khi nên quán chiếu, biết khi quán sát tuệ, biết khi thọ pháp, biết khi trụ định, cũng biết khi ra khỏi định chậm hay nhanh; phân biệt tâm mình có thiện ác. Ví như lương y biết bệnh ở trong người, nên kiềm chế tâm, chớ để phóng túng. Ví như con voi mạnh khỏe sắp rơi xuống rãnh, giếng, người giữ voi phải ngăn lại không cho rơi vào.

Người tu hành kiềm chế, cắt đứt sự vướng mắc ngoại duyên cũng phải như vậy, biết tâm là do duyên các tưởng mà hợp thành. Ví như người sáng mắt biết thức ăn dễ dàng. Lại như viên tể tướng biết ý nhà vua thích gì và không thích gì; biết rõ phương tiện, tất cả chỗ tiến lên và dừng lại trên đường hướng đến giải thoát. Giống như người thợ vàng phân biệt vàng tốt hay xấu. Nếu người hành đạo rời bỏ minh trí, chẳng tỏ hướng đi, ôm lòng sợ sệt, cho phải là quấy, cho quấy là phải, thì chẳng thành tựu trí tuệ. Người hành đạo ấy, dù đắc bậc Thiền thứ nhất, đến bậc Thiền thứ hai, thì cũng tự sợ hãi cho là mất thiền, chẳng biết là sự khởi chuyển tịch tĩnh, tâm nghĩ: “Ôi! Ta mê lầm! Vốn có hiện tượng tốt đẹp mà nay lại mất đi”, tâm liền thoái chuyển. Trong niềm hoan hỷ của thiền diệt mà lìa định ý thì tự giới hạn tâm, chẳng tiến bộ được. Hoài nghi như thế thì mất thiền, cho thành là bất thành, cho bất thành là thành.

Thế nào là hiểu rõ ý thiền định?

Chuyên tâm vững chí vào bậc Thiền thứ nhất, tâm ở định diệt tận; vừa khởi hạnh ấy, vào bậc Thiền thứ hai. Sở dĩ người mê từ lâu tập quen thói tục vì chưa biết Chánh đế và các lậu tận. Vì chẳng thấu đạt Chánh đế, nên tâm chí còn ở nơi lậu, hoặc cầu bậc Thiền thứ hai mà không thể chế ngự tâm thì chẳng đầy đủ thiền. Vì vậy hành giả nên biết điều sai lầm ấy. Nếu hành giả sáng suốt chẳng khởi mê lầm ấy thì chẳng mất thiền. Đây gọi là trí tuệ.

Bài tụng rằng:

Giả sử hiểu rõ thân, các pháp
Thì biết đúng đường về của ý
Phương tiện ngăn chế tâm giong ruổi
Ví như móc sắt điều voi trắng.
Có người sáng suốt rõ định ý
Phân biệt tịch quán cũng như vậy
Thường dùng trí tuệ không do dự
Trụ nơi đạo đức thuận giáo pháp.

Với người hành đạo, thế nào là chẳng tà vạy?

Đó là chẳng dua nịnh, tâm ngay thẳng, chuyên tinh hành đạo, vun bồi lòng tin, giữ sự thành thật, dù ở trong dòng biến chuyển nhưng chẳng bị chuyển biến. Có những việc phiền não chẳng thể giải tỏa, thì nên hướng về Pháp sư trình bày điều lầm lỗi vướng mắc của mình. Ví như người bệnh có nỗi khổ của bệnh tật thì sẽ thành thật trình bày với thầy thuốc. Pháp sư quán xét ý chí của hành giả, rồi tùy theo sự thiếu sót của người ấy mà giảng nói pháp.

Bài tụng rằng:

Hành giả luôn ngay thẳng
Giữ tâm không dua nịnh
Vâng theo Pháp sư dạy
Dứt các bẩn trần lao.
An ổn được thanh tịnh
Chuyên tinh siêng tu đạo
Phụng hành lời Phật dạy
Quyết hành trì đúng pháp.

–Gia sử hành giả tình dục bức bách, thì vì họ mà nói pháp bất tịnh về thân người, có ba bậc:

  1. Xương của thân giống như các bộ phận của xích sắt chống đỡ liền nhau.
  2. Vừa thọ giáo pháp, liền quán xương đầu.
  3. Đã rõ phép quán ấy, lại quán sát trên trán, buộc tâm ở đầu.

Giả sử người nhiều sân giận thì vì họ nói về lòng Từ. Lòng Từ có bốn bậc:

  1. Cha mẹ, bà con.
  2. Người trung gian không thân quá và không sơ quá.
  3. Chung cả mọi người.
  4. Để được hạnh này, nên trang trải lòng Từ bình đẳng.

Thủ hộ oan gia với đầy đủ lòng Từ thì trừ được chín sự bực bội cùng sự sân giận. Rõ được nghĩa này thì tuy có sự khắn khít nhưng cũng rồi xa. Chín sự bực bội khiến người nổi sân là gì?

  1. Tâm sự nghĩ rằng người này vốn đã từng xâm phạm, chống đối ta.
  2. Người này về sau sẽ xâm phạm, chống đối ta.
  3. Hiện đang khinh dễ ta.
  4. Trong thời quá khứ đã chống đối bạn bè ta.
  5. Về sau sẽ xâm phạm bạn bè ta.
  6. Hiện tại khinh dễ bạn bè ta.
  7. Người ấy khi trước kính trọng oan gia của ta.
  8. Sau này sẽ lại kính trọng như thế nữa.
  9. Hiện nay lại đang kính trọng.

Tuy có tâm lý ấy nhưng đều nên xả bỏ.

–Cái gì có thể khiến người không xâm phạm đến thân mình?

Chỉ nên tự giữ mình đừng xâm phạm đến người khác mà thôi. Nếu bị xâm phạm là sự báo ứng của tội bất thiện từ đời trước của ta, đến nay phải chịu quả ác. Bạn bè của ta vốn cũng có tội, cho nên đến nay phải chịu họa hoạn. Và oan gia của ta vốn cùng với người kia, đời trước là bà con, lại có phước đức khiến người ấy kính trọng, thì với ba bậc quán, chín sự bực bội, không đủ để ôm hận.

–Sao goi là hoạnh sân?

Chưa từng gặp nhau, vừa thấy liền nổi sân, khi ấy nên suy nghĩ: “Người này chưa từng xâm phạm hay chống đối ta, nay cũng không có lỗi, lại chẳng có gì sơ suất thì cớ sao nhìn họ bằng ác cảm? Người nào vô cớ khởi tâm ác với người khác thì trở lại tự thọ tội. Giống như ngược gió tung bụi, lại dơ thân vậy.” Người tu hành, nếu chẳng thể diệt trừ sân hận, khiến chẳng khởi lên, thì những người ấy chẳng vào được đạo phẩm. Như chén nước đầy chẳng thể bưng đi xa. Người có khả năng kiềm chế sân hận như nước tưới lửa, thì không hại gì. Thế nên, người tu hành vào luật đạo lấy đó mà noi theo, nên tuy gặp khổ não, đao, cưa xẻ thân cũng chớ khởi sân hận, như đốt cây khô, không có tâm hận, huống là sân hận đối với người vô tội.

Bài tụng rằng:

Quán khắp cả thân mình
Với người oán không khác
Vứt bỏ chín loại bực
Lập chí chẳng hoạnh sân.
Chế tâm, chẳng ôm hận
Như cây khô, không sân
Người trên đường tu hành
Như vậy, không tội lỗi.

Người tu hành, nếu nhiều ngu si thì nên quán chiếu mười hai nhân duyên, phân biệt rõ ràng. Do nhân duyên sinh mà có lão tử. Nếu chẳng có sinh thì không có khởi đầu, kết thúc.

Bài tụng rằng:

Chẳng si thì không sinh
Đã trừ hoạn lão tử
Vốn không có khởi đầu
Thì do đâu kết thúc?
Vì do sáu tình khởi
Loạn động dẫn đến si
Do si có ràng buộc
Trở thành ngu, tối, si.

Người tu hành, nếu có nhiều tạp tưởng thì vì họ mà nói rõ cách đếm hơi thở ra vào. Hơi thở đã định thì ý vắng lặng, vô cầu.

Bài tụng rằng:
Sổ tức, cầu Chỉ và Tương tùy
Quán thấy Chánh đế, tâm liền dừng
Muốn tịnh bản tánh theo như vậy
Ngồi yên loạn tưởng hành chẳng thành.

Người tu hành, nếu nhiều kiêu mạn thì vì họ mà nói nghĩa này: Người có ba loại kiêu mạn:

  1. Cho ta không bằng người kia.
  2. Người kia bằng ta.
  3. Ta hơn người kia.

Người có ý nghĩ ấy là đã ôm lòng tự đại, nên khởi quán sát này: Trong bãi tha ma ở ngoài thành xương, tủy, đầu, thân vứt bỏ lộn xộn khắp các nơi, không còn huyết mạch, da thịt tiêu mất. Nên đến quán xét nơi này: Sự giàu nghèo, sang hèn, nam nữ, lớn nhỏ, đẹp xấu, toàn là xương khô như nhau có gì khác đâu! Từ khi sinh cho đến lúc mạng chung, da bao bọc thịt, máu thấm, gân buộc, y phục che thân, hương hoa, anh lạc trang sức. Ví như làn gió huyễn hóa khéo nêu bày, lại do tâm, ý thức xoay vần mà vận hành, đến như thành quách, quốc ấp, làng xóm, ra, vào, tiến, thoái… Khởi quán như vậy rồi không còn kiêu mạn. Người vốn không quán chiếu thì thấy trong gò mả và tất cả mọi người đều bình thường, không có gì khác lạ.

Bài tụng rằng:

Người tài trí giàu sang
Cỡi xe ngựa dạo thành
Và thây nơi gò mả
Xét kỹ đâu khác gì.
Ở chỗ vắng, dưới cây
Nếu khởi quán như thế
Giữ tâm mà hành đạo
Lửa mạn chẳng thể thiêu.

Pháp sư thuyết giảng kinh, quán sát tâm lý con người gồm có mười chín loại. Căn cứ vào đâu mà biết? Phân biệt phiền não mới biết được. Những gì là mười chín loại?

  1. Tham dâm.
  2. Sân hận.
  3. Ngu si.
  4. Dâm nộ.
  5. Dâm si.
  6. Si, sân.
  7. Dâm, nộ, ngu si.
  8. Miệng sạch, ý dâm.
  9. Lời nhu, tâm cứng.
  10. Miệng sáng, tâm si.
  11. Lời hay mà chứa ba độc.
  12. Lời thô, tâm hòa.
  13. Miệng ác, tâm cương.
  14. Lời thô, tâm si.
  15. Miệng thô chứa ba độc.
  16. Miệng si, tâm tà.
  17. Miệng si, lòng nộ.
  18. Tâm miệng đều si.
  19. Miệng si, tâm chứa ba độc.

Bài tụng rằng:

Người có dâm, nộ, si
Gọi chung là ba độc
Hai lần hai xen vào
Kể luôn lại có bốn.
Miệng như cũng có bốn
Miệng si, ngôn si bốn
Theo lời Thế Tôn dạy
Tâm người có mười chín.

–Làm sao để biết người có tướng tham dâm?

Tánh ưa trau dồi lòe loẹt, chơi giỡn, vội vàng, ý chí thay đổi nhanh chóng, tánh như khỉ vượn, hay quên, lầm lẫn, xảo trá, nông nổi, không biết lo xa, cử động, thao tác chẳng nhìn trước sau, làm việc chẳng tha thiết, nhiều việc lo sợ, nói nhiều, ưa khóc, dễ bị lừa đảo, dễ bị chinh phục, yên tâm chịu đựng đủ thứ khổ nhọc, được lợi nhỏ thì lăn vào sự tiêu xài phung phí hỉ hả, mất đi chút đỉnh thì buồn lo quá mức, nghe người khen ngợi thì hớn hơ tin theo, những điều cần giấu kỹ đều đem thổ lộ, thân ấm áp, nhiều nhơ bẩn; da mỏng thân hôi, lông tóc thưa thớt, nhiều đóm trắng, nhăn nheo; chẳng ưa râu dài, răng trắng, không đều, ưa y phục sạch, thích mặc lòe loẹt làm đẹp thân thể, ưa mặc đồ mỏng; học nhiều về kỹ thuật không có môn nào là chẳng thông; luôn đi du ngoạn; thường ưa cười mỉm, làm ra vẻ giữ giới; hòa nhã, kính người lớn gặp người thăm hỏi trước; giả bộ tươi tỉnh, diệu dàng, rất nhu mì, e lệ, nhiều lòng Từ, phân biệt tốt xấu để đạt được vấn đề nơi giao dịch, nhu hòa, nhiều buồn rầu, mang nhiều ân huệ. Đối với thân hữu ban cho theo ý họ; có được chút ít, chẳng ban cho người, tranh giành lợi lộc lớn hơn; xét lại bản thân, việc làm chậm chạp; hiểu rõ thế pháp, có thể quyết đoán. Nếu thấy người tốt, cung kính, tôn trọng; biết việc nhanh chóng, khéo léo nói năng, thông minh lanh lợi, lời nói ôn hòa; có nhiều bạn bè nhưng chẳng thể thân mật lâu dài; ít nóng giận, tôn trọng Trưởng lão; đi đứng nằm ngồi chẳng được thong dong. Tuy học giáo pháp, nhưng vẫn ham muốn tài vật. Bà con, bè bạn, bỏ lơ chẳng gắn bó, kết bạn chẳng bền. Nghe việc sắc dục liền khởi tham đắm. Ai phanh phui điều xấu, tìm cách ém giấu, dễ tiến, dễ thoái. Như vậy là tướng tham dâm.

Bài tụng rằng:

Nhanh nhẹn nhẹ nhàng như vượn khỉ
Thường vui vẻ cười, lại hay khóc
Được lợi rất vui, mất quá buồn
Nói năng nhiều lời, dễ hàng phục.
Mê hoặc, lơ đễnh rồi kinh sợ
Vui vẻ tin người dễ bị lừa
Tánh ý hay quên, chẳng lo xa
Ưa xét giới pháp, có trí tuệ.
Ham nhìn sắc đẹp, ý khéo trao
Làm đẹp thân hình, kính bằng hữu
Thong thả thân ấm, nhiều nhơ bẩn
Dễ tin e lệ, nhưng có dũng.
Bốn pháp tài, sắc và thân hữu
Chẳng thể thích nghi sau hối hận
Các điều đã học, nhanh lãnh hội
Tuy mau biết đó, lại mau quên.
Lòe loẹt trang điểm, bằng y phục
Làm việc vặt vãnh, nhưng kính lão
Người trí kính, người có chí học
Thông đạt rõ ràng mà hòa giải.
Thường ưa ra thành, đi du ngoạn
Nói lời khéo léo, cũng ưa nghe
Lợi khẩu, lời suông thường phân biệt
Chỗ ở, nằm ngồi chẳng được lâu.
Tánh mềm mỏng, chí thành
Khinh việc, chẳng đoái hoài
Vội vàng chẳng chịu khổ
Bạn bè thích ban ân.
Ghét tóc dài, thích ngắn
Vui vẻ mà hôi hám
Trí xảo, da nhăn trắng,
Giữ giới, tuệ vô ngại
Gặp người, niềm nở hỏi
Áo mỏng, mặt, răng sạch
Tâm Từ dễ theo việc
Rong chơi, chẳng tiếc của
Riêng biết người hành Từ
Dễ dạy, chẳng ương ngạnh
Phật dạy, tánh như vậy
Là đúng tướng tham dâm.

–Nên căn cứ vào đâu để xem tướng sân hận?

Hiểu rõ về nghĩa sâu xa thì chẳng vội oán hận. Nếu nóng giận thì khó hiểu rõ được, không có tâm thương xót, lời nói thì hết sức thành thật nhưng hung hăng thô ác, thường thường mang sự hồ nghi, chẳng tìm hiểu tin tưởng, ưa bới móc lỗi người khác, thức nhiều ít ngủ, có nhiều oán ghét, kết bạn có thủy chung; cừu thù khó giải, thọ nhận chẳng quên, không sợ có kẻ oán, người khủng bố chẳng sợ, phần nhiều dùng sức phản kháng lại, chẳng chịu khuất phục, nhiều lo âu, khó giáo huấn; thân thể cao lớn, mày dài, trán vuông, tóc tốt, mạnh khoẻ, tánh cương khó phục; chậm lụt khó tiếp thu những điều được nghe, nhưng khi tiếp thu được rồi thì lại khó quên. Nếu mat của cải do nhu cầu của thân hữu, thì vĩnh viễn không buồn tiếc, khó tiến, khó thoái. Vì vậy biết đó là tướng sân hận.

Bài tụng rằng:

Tánh ý cang cường hiểu sâu nghĩa
Nghi khắp mọi người, tìm tốt, xấu
Ít ưa ngủ nghỉ, khó khuất phục
Tối dạ khó học, cũng khó quên.
Chịu được khổ nhọc, không thể gần
Không sợ ràng buộc, bất chợt sân
Thân khẩu tương ưng khó khuyên can
Mạnh mẽ có sức và cứng cỏi.
Ít sợ, ít bạn, nhiều oán ghét
Ít an ổn, thân thể to lớn
Đã làm việc gì, chẳng hối tiếc
Bỏ của cải rồi, chẳng đoái hoài.
Một khi bỏ bạn, chẳng nghĩ lại
Chưa từng sửa đổi, cũng chẳng phục
Dốc sức tinh tấn lo việc lớn
Phật bảo như vậy là tướng sân.

–Quan xét thế nào mà biết tướng ngu si?

Đó là tánh tình mềm mỏng, ưa tự khen ngợi, không có lòng thương xót, phá hoại cầu chánh pháp, thường lim dim, sắc mặt tiều tụy, không lanh lợi, ưa thích chỗ tối, thường tự than thở, lười biếng không tin, ghét người hiền, thường ưa đi một mình, ít hiểu biết tự tại, làm việc do dự, chẳng rõ lành dữ, chẳng phân thiện ác. Nếu có việc gấp, chẳng thể xử lý, lại chẳng nghe khuyên can; chẳng phân biệt rõ bạn và thù; làm việc ngang ngược, tệ như hổ lang; ăn mặc xấu xí, thân thể dơ bẩn, tánh tình quạu quọ, râu tóc rối bù, chẳng màng chải chuốc; lo nhiều, thích nằm; ăn nhiều không tiết độ; người nhờ vả, sai bảo thì không chịu làm; chẳng nhờ, chẳng sai bảo thì lại tự làm; điều đáng sợ thì chẳng sợ, việc chẳng đáng sợ thì lại sợ, điều nên lo thì lại mừng, nên mừng thì lại lo; việc đáng khóc thì cười, đáng cười thì khóc. Nếu có việc cấp bách sai bảo làm thì chẳng làm; vừa đi, kêu trở lại, chẳng chịu ngoái lại; thường gặp khổ cực chịu nỗi gian lao; ăn uống vật gì chẳng phân biệt mùi vị, nói chuyện cười nhiều, hay quên lời quan trọng, cắn lưỡi liếm môi; nhưng sau cãi lại; đi đứng nằm ngồi chưa từng yên ổn, cử động làm việc, chẳng sợ khó là gì, chẳng biết tiến, thoái. Phật bảo đó là những tiếng ngu si.

Bài tụng rằng:

Bạc nhược, không lòng Từ
Cứng đầu mà tự khoe
Mắt ưa nhắm, chẳng nhìn
Tiều tụy, luôn than thở.
Độc hành, không tin ai
Ghét hiền và lười biếng
Thường lo, nhiều hồ nghi
Chẳng phân biệt thiện, ác.
Thân thể thì dơ bẩn
Chẳng biết lời lành, dữ
Tạo việc nhiều phiền muộn
Chẳng thể tự làm xong.
Nhờ vả chẳng chịu làm
Chẳng sai bảo lại làm
Đáng sợ thì chẳng sợ
Chẳng đáng thì lại sợ.
Đáng vui thì lại buồn
Nên buồn thì lại vui
Đáng khóc thì lại cười
Nên cười thì lại khóc.
Ham ăn, chẳng biết no
Chẳng phân bạn hay thù
Tánh tình ưa ngang ngạnh
Không tuệ, gặp khổ não.
Râu tóc luôn rối bù
Vô tín, ưa bóng tối
Chẳng phân biệt năm mùi
Nằm nhiều, như hổ lang.
Biết ít mà tự cao
Cắn lưỡi và liếm môi
Ưa nói giỡn, rồi cãi
Nói chuyện nhưng cười nhiều.
Nằm, ở lại chẳng yên
Việc gấp khó tiến hành
Kêu lui nhưng cứ tới
Tánh vậy là tướng si.

–Thế nào gọi là tướng dâm, nộ, si?

Đã nói về dâm, nộ, si thế nào thì tướng dâm, nộ, si cũng như vậy. Kẻ mà cùng với tất cả các thứ phiền não cấu uế cùng hòa nhập thì gọi là tướng dâm, nộ, si.

Bài tụng rằng:

Kẻ ở trong phiền não
Hòa nhập với dâm, nộ
Nên quán tướng dâm, nộ
Đó là si, không trí.
Tất cả, trước đã nói
Tham dục các cấu uế
Có hạnh dâm, nộ ngu
Thì biết chẳng lìa si.

–Thế nào gọi là kẻ miệng dục, tâm dục?

Ngôn ngữ mềm mỏng, thuận theo chẳng trái. Điều mình chẳng muốn thì chẳng gán cho người. Lời nói, ý nghĩ hợp với lời thiện, an ổn vừa ý. Ví như cây tốt, sắc hoa tươi thắm, quả cũng ngon ngọt. Miệng dục, tâm dục, cũng giống như vậy.

Bài tụng rang:

Lời nói thường nhu hòa
Thuận theo được lâu dài
Ngôn hành cũng tương xứng
Thân, tâm chẳng hại người.
Ví như cây, hoa tốt
Thành trái cũng ngon ngọt
Đức Phật gọi đó là Tướng dâm của tâm, miệng.

–Thế nào gọi là người miệng dục, tâm nộ?

Miệng nói lời như hòa mà tâm ôm độc hại, giống như loại cây đắng, tuy sắc hao tươi thắm mà thành quả rất đắng. Lời nhu hòa chứa độc cũng giống như thế.

Bài tụng rằng:

Người miệng nói nhu hòa
Mà tâm ôm độc hại
Nhìn người rất hoan hỷ
Theo đuổi thì dễ thân.
Miệng nói lời nhu thuận
Trong tâm họ ngậm độc
Như cây, sắc hoa tươi
Quả lại đắng như độc.

–Làm sao biết người miệng dục, tâm si?

Lời nói nhu hòa, nhưng tối dạ, chẳng thể làm ích cho người mà cũng chẳng làm tổn hại người. Ví như cái bình vẽ vời, nhìn bề ngoài rất tốt đẹp nhưng bên trong thì trống rỗng và tối. Miệng dục, tâm si thì cũng giống như thế.

Bài tụng rằng:
Miệng nói có nhu hòa
Mà tâm vẫn si mê
Nên biết những người ấy
Miệng dâm mà tâm ngu.
Xem miệng ấy như tuệ
Trong tâm tối như mực
Ngoài đẹp như bình vẽ
Nhưng trong rỗng, lại tối.

–Thế nào gọi là người miệng dục mà tâm nộ si?

Lời nói thì nhu hòa, nghĩ về điều thiện chút ít, tánh chẳng điều thuận, hoặc lại nghĩ ác, có lúc chẳng nghĩ. Thiện ác chẳng phân, tánh ấy khó biết. Ví như thuốc ngọt trộn lẫn mặn, đắng, chẳng thể phân biệt. Người có miệng dục mà tâm nộ si, cũng giống như vậy.

Bài tụng rằng:

Có người miệng nói dục
Mà tâm ôm nộ, si
Ví như đề hồ ngọt
Xen lẫn cay, đắng, mặn.

–Thế nào gọi là người miệng thô mà tâm dâm?

Ngôn ngữ cứng cỏi nhưng trong làm tổn thương người. Mọi người đều ghét, chẳng muốn nhìn thấy, không ai kính trọng. Ví như cha mẹ quở trách con cháu, tuy miệng cứng cỏi nhưng lòng thương yêu. Ví như thuốc chữa ghẻ nhọt, chà rửa mụt ghẻ của người, đang lúc ấy thì rất đau, nhưng dần dần sẽ lành, lòng rất vui vẻ. Người có miệng cứng cỏi mà tâm dâm, cũng giống như thế.

Bài tụng rằng:

Có người mieng nói cứng
Mà tâm ôm dâm dục
Như mặt trời mùa hạ
Ánh sáng chiếu nước lạnh.

–Thế nào gọi là người miệng cứng cỏi mà tâm nộ?

Miệng nói thô bạo và những điều cần suy nghĩ thì không có sự thương yêu, chẳng muốn làm lợi người. Ví như thuốc đắng lại hòa thêm chất độc, nếu cho uống thì người bệnh mửa ra không uống, nếu đã uống vào rồi thì hại đến mạng người. Người miệng cứng cỏi mà tâm nộ, cũng giống như thế.

Bài tụng rằng:

Người miệng nói cứng, không thân kính
Tâm nghĩ tệ ác và ôm độc
Thường ưa chống đối vối người khác
Nên xem kẻ này hành tạp độc.

–Thế nào gọi là người miệng thô mà tâm si?

Nói thường cứng cỏi, gán điều ác cho người, cử động làm việc tâm chẳng tự biết, chẳng nghĩ việc thiện của người, cũng chẳng nghĩ điều ác. Ví như có giặc cướp rút đao uy hiếp người, nhưng chẳng làm hại. Như vậy, hành giả biết miệng cứng cỏi mà tâm ngu si.

Bài tụng rằng:

Miệng nói cứng cỏi, tâm chẳng hại
Ưa khủng bố người, không gì khác
Ví như rút đao mà không chém
Miệng thô, tâm si cũng như vậy.

–Thế nào gọi là người miệng thô, tâm chứa ba độc?

Miệng nói cứng cỏi hoặc thiện với người, rồi lại thêm điều ác; bỗng dưng nghĩ điều bất thiện, cũng chẳng thể làm ác. Ví như vị khâm sai bắt được giặc cướp, ông ta ra lệnh thuộc hạ khủng bố, trách mắng, rồi lại cho người dụ dỗ, thăm hỏi; kế đó thuộc hạ lại tra khảo đánh đập. Lại có vị không hỏi thiện, ác cũng chẳng tra khảo, trách mắng. Đó gọi là người miệng thô mà chứa ba độc.

Bài tụng rằng:

Miệng nói lời cứng cỏi
Tâm sẵn chứa ba độc
Người tánh ý như thế
Chẳng thiện, chẳng làm ác.
Làm theo cách người này
Gọi là người trung gian
Khổ nhọc và an ổn
Việc ấy xen lẫn nhau.

–Thế nào gọi là người miệng si mà tâm dục?

Không biết rõ điều gì về người, cùng nói chuyện hoàn toàn không có kiến giải, chẳng hiểu thiện ác. Tâm thường tự nghĩ: ý nghĩa của mục đích hướng đến là nên làm gì, để cho người thêm lợi ích. Đã đến được mục đích như điều mong ước rồi, mà không quên chủ ý ban đầu. Ví như đêm tối, khởi mây, đổ mưa. Người miệng si tâm dục cũng giống như thế.

Bài tụng rằng:

Có người miệng si mà tâm dục
Miệng nói ra lời chẳng hiểu rõ
Như rồng phun mưa mà chẳng sấm
Miệng si tâm dục cũng như thế.

–Thế nào gọi là miệng si tâm cứng cỏi?

Chẳng thể làm việc thiện, cũng chẳng thêm điều ác, thường nghĩ rằng dùng cách gì để làm hại người. Nếu có cách rồi thì liền làm ngay để hại người. Ví như dùng tro phủ lên than đỏ, người đi trên đó liền bị phỏng chân, miệng si tâm nộ cũng như thế.

Bài tụng rằng:

Miệng si mà tâm cứng
Chẳng nhu, không nói ác
Ôm ác gán cho người
Chẳng nghĩ tạo thiên lợi.
Lời nói chẳng rõ ràng
Chứa ác ở trong tâm
Như tro phủ than đỏ
Nếu giẫm, thiêu thân người.

–Thế nào gọi là miệng si, tâm tăm tối?

Chẳng thể dùng điều thiện ban bố cho người, tâm cũng chẳng thể nghĩ thêm điều ác. Đối với điều thiện, ác của người khác, không tăng, không giảm. Vì sao? Vì không có uy lực. Ví như lửa tàn dùng tro phủ lên, nếu mang cỏ khô và phân bò khô, chất đống trên đó, tay chạm chân đạp, không thể thiêu cháy được và cũng chẳng bị phỏng. Vì sao? Vì không còn có khả năng phát hỏa. Miệng si, tâm tăm tối cũng giống như thế.

Bài tụng rằng:

Người miệng nói ngu si
Và trong lòng hắc ám
Đều chẳng thường nghĩ ác
Cũng chẳng luôn nghĩ thiện.
Chẳng thể thành việc được
Cũng có thể làm nên
Như vội vàng thổi, nấu
Không thể nào chín được.

–Thế nào gọi là miệng si, tâm chứa ba độc?

Miệng nói không xâm phạm, cũng chẳng làm ích lợi người, trong đó có chút ít tổn hại thì ngày đêm suy nghĩ, do đâu mà tổn hại đến người, lại nghĩ làm sao để lợi người. Hoặc tâm niệm: chẳng làm tổn hại, hay lợi ích cho người. Ví như chiếc bình cũ chứa đầy vật sạch, hoặc chẳng sạch, rồi đậy miệng lại, chẳng thấy gì bên trong, có nói mới biết. Miệng si tâm chứa ba độc cũng giống như thế.

Bài tụng rằng:

Tánh ưa làm ngang ngược
Miệng nói chẳng chừa gì
Mà chứa dâm, nộ, si
Đầy ắp điều xú uế.
Ví như bình cũ lớn
Chứa vật tịnh, bất tịnh
Chẳng thể ích cho người
Cũng không làm tổn hại.

Là Pháp sư thì dùng mười chín việc này quán, quán xét tánh tình của người mà giảng nói pháp cho họ. Với người có tướng dâm thì giảng thuyết thế nào? Vì họ mà giảng rằng, người quen thói dục nhiều khi bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ. Sau khi được thoát ra lại làm loài chim dâm dục như là oanh vũ, sẻ xanh, bồ câu, uyên ương, ngỗng, vịt, khổng tước, và loài dã nhân vượn, khỉ. Nếu trở lại làm người thì đa dâm, phóng dật, cẩu thả, vội vàng, hung bạo. Nên quán sát điều này, sắc đẹp và thân người, quán biết là tội lỗi, dơ uế, xấu xa, mong manh, bất tịnh. Chớ quen thói dâm dục.

Bài tụng rằng:

Người quen dâm dục nhiều
Kiêu mạn, mau tự đốt
Trong loài người, súc sinh
Hoặc địa ngục, ngạ quỷ.
Sinh ra rồi tự hại
Lửa trần lao thiêu hủy
Muốn được thoát chốn này
Tùy thuận nên giảng nói.

Nếu người sân si nhiều thì tùy theo nếp sống của họ mà nói pháp thích ứng. Nếu nhiều sân giận thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ. Từ chốn ác thoát ra sẽ làm các loài thú độc, quỷ mị, La-sát, phản túc, nữ quỷ, hỗn quỷ, lại làm sư tử, hổ sói, rắn hổ mang; trùng độc, muỗi nhặng, sâu, ong, loài trùng nhiều chân. Nếu từ chốn này trở lại nhân gian thì hình mạo xấu xí, chẳng ai ưa thích, thường chết yểu, nhiều tật bệnh, thân thể bất toàn. Vì tội lỗi phân minh như vậy, nên thực hiện lòng Từ, trừ bỏ sân giận.

Bài tụng rằng:
Người ôm nhiều sân giận
Mọi người ai cũng ghét
Mang tội đọa cõi ác
Nhiều bệnh chẳng an ổn.
Đọa làm quỷ, thú độc
Sinh làm người hạ tiện
Người hành trì tâm Từ
Liền dứt trừ sân giận.

Nếu người nhiều ngu si, thì vì họ nói pháp này: U mê quá mức thì chết bị đọa vào đường địa ngục, ngạ quỷ. Nếu đọa vào súc sinh thì làm những loài thú ngu đần như là trâu, bò, cáo, chó, la, lừa, heo. Nếu trở lại làm người thì tánh chẳng cương quyết, nhãn căn yếu, không rõ, mang nhiều tật bệnh, sáu loài tình cảm chẳng đầy đủ, sinh trong loài dã nhân, man rợ, từ chỗ tối tăm này nhập vào chốn tăm tối khác. Vì vậy dạy cho họ quán mười hai nhân duyên để diệt trừ cội gốc của ngu tối.

Bài tụng rằng:

Người quen thói ngu si
Các căn chẳng hoàn bị
Sinh trong loài trâu, dê
Sau đọa vào địa ngục.
Nếu mà người tu học
Nguyện vượt đường ác này
Muốn thoát khỏi tăm tối
Nên quán mười hai duyên.

Nếu người nhiều dâm, nộ nên thực hiện hai việc: Quán bất tịnh và hành tâm Từ. Nếu nhiều dâm, si thì nêu giảng hai việc: Rỗng không và Từ, nếu nộ si mạnh, thì nói hai việc: dẫn dắt dùng lòng Từ và hiểu rõ gốc si.

Bài tụng rằng:
Hành Từ, quán Bất tịnh
Đối trị dâm, nộ, si
Dạy người ngu chẳng rõ
Sắc nơi mười hai duyên.
Nếu người sân giận mạnh
Và si quá tăm tối
Vì họ giảng tâm Từ
Gốc mười hai nhân duyên.

Nếu có người miệng dâm mà tâm dục, thì vì họ mà nói ý nghĩa vô thường, tịch tĩnh. Còn tâm nộ mà miệng sân thì chỉ giảng nhân từ. Miệng si, tăm tối thì giảng về mười hai duyên. Ngoài ra, bốn loại đầy đủ các bệnh: Một là miệng dâm, tâm ôm ba độc; hai là miệng đầy đủ nộ, dâm, sân, si; ba là miệng ngu, trong chứa ba cấu; bốn là người thuần chứa ba độc, thì vị Pháp sư nên giảng giải cho họ vì họ mà nói pháp giáo hóa, khiến tĩnh lặng, quán gốc nhân duyên. Vì sao? Vì nơi họ phiền não cấu uế dày đặc, chứa nhiều tội lỗi, tự trói buộc mình. Tuy là gặp pháp, nhưng chẳng thấy Thánh đế, chỉ nên dạy họ tụng đọc, khuyến khích tinh tấn. Nhờ vậy, nên chuyên vào việc đọc tụng mà phiền não trở nên cạn mỏng. Tuy chẳng đắc đạo nhưng có thể sinh Thiên.

Bài tụng rằng:

Có người hành phạm dâm
Mà tâm sân hận, si
Nên dạy đọc tụng kinh
Và khuyên làm việc phước.
Thì phiền não tuy mạnh
Nhưng nhờ đó trừ tội
Bởi do phương tiện ấy
Mà mau được sinh Thiên.

Ví như có người chăm sóc vườn cây, san bằng gò đống cao, thấp, tưới tẩm đúng thời, nhổ bỏ gai gốc; cỏ dại, lau lách, cành nhánh cong queo, đâm ngang không hàng lối đều phát chặt hết, đem bỏ bên ngoài bờ rào, khiến khu vườn quang đãng. Cây cối không vướng, rễ xanh lá tốt, đều được giữ gìn, khiến không gãy ngã. Vì vậy nên cây cối lớn nhanh, hoa quả trĩu cành. Người tu hành nhận lãnh lời dạy của thầy diệt trừ các thứ uế dục, tưởng dâm, nộ, si. Vì vậy cho nên sự tu hành càng tăng tiến, cho đến lúc đắc đạo.

Bài tụng rằng:

Cây cối mọc cong, quẹo
Đâm chĩa chẳng thẳng hàng
Gai gốc, các thứ dơ
Dọn sạch, khiến ngay ngắn.
Dùng bao nhiêu phương cách
Sửa soạn mới thành được
Tu hành chăm cây pháp
Theo kinh cũng như vậy.
Trừ các dâm, nộ, si
Nhân trăm ngàn lời thầy
Diệt bỏ các tội lỗi
Như người chăm sóc cây.

Pháp sư thuyết pháp xem xét bon việc:

  1. Học rộng mà được đến với đạo.
  2. Mang lòng tin đến với đạo, đối với chỗ học vấn thì không thể luận bàn nghĩa lý.
  3. Học rộng mà đạo đức chưa thành tựu.
  4. Không hiểu biết, không đạo đức.

Lại có bốn pháp:

  1. Ban đầu do Pháp sư, thọ nhận lời dạy của Pháp sư mà biết nghĩa, hiểu pháp.
  2. Tuy hiểu nghĩa nhưng chẳng thể đạt được chỗ nhiệm mầu.
  3. Phân biệt được pháp cạn chứ chẳng thể đến chỗ sâu xa.
  4. Chẳng biết ý nghĩa, cũng chẳng hiểu rõ.

Học pháp như thế là đã tập hạnh khổ sở vô ích. Ví như hai người đều chẳng biết bơi lội bị rơi vào chỗ nước sâu, muốn cứu nhau thoát khỏi, nhưng lại bị chết chìm. Ví như người mù dắt người đui muốn đến nơi nào đó, giữa đường mờ mịt, chẳng tới nơi được. Người chẳng biết nghĩa, cũng chẳng thông tuệ mà muốn thuyết pháp, muốn cứu độ người, cũng giống như thế.

Bài tụng rằng:

Ví như người học rộng
Điều thiện nhiều vô số
Đã đạt Ba-la-mật
Như người vượt biển lớn.
Nếu người như thật tịnh
Nhưng không có trí tuệ
Chỉ nắm được điều chính
Chẳng thể đạt nghĩa sâu.
Nếu người tập vào đạo
Tùy thuận chẳng trái luật
Luôn luôn kính thọ giáo
Như vậy có tỉnh thức.
Như gần bậc tôn quý
Chắc chắn được lợi nhiều
Người học đạo tu hành
Mà cầu hiểu biết nghĩa.
Thì chỉ hiểu nghĩa thôi
Chẳng thể đạt thâm diệu
Như người ăn canh không
Chẳng có hạt cơm nào.
Như theo thầy học nghĩa
Chẳng rõ biết lý mầu
Chẳng thể hiểu đại đạo
Chẳng đạt tuệ chân chánh.
Giả sử chẳng vào đạo
Chẳng thể phân biệt nói
Chẳng hiểu rõ trí tuệ
Không nghĩa, chẳng biết gì.
Như mù muốn dẫn đui
Chẳng thể đi đâu được
Không nghĩa cũng không trí
Cũng giống như vậy thôi.

Người tu hành có ba hạng:

  1. Thân hành đạo mà tâm chẳng làm theo.
  2. Tâm hành đạo nhưng thân chẳng theo.
  3. Thân tâm đều hành đạo.

–Thế nào là thân hanh đạo mà tâm chẳng theo?

Giả sử người tu hành ngồi kiết già ngay ngắn, như cây đứng yên chẳng từng dao động, tuy biểu hiện tướng này, nhưng nội tâm buông thả, luôn nghĩ về sự trơn láng, mịn màng của sắc, thanh, hương, vị, điều cần sửa đổi thì chẳng sửa đổi, mong cầu tất cả, tâm buông lung, chẳng được tự tại. Ví như thây chết vất ở bãi tha ma, hổ lang, cầm thú, chim, chó, cáo, tranh nhau ăn thịt, thân định, tâm loạn, cũng giống như vậy. Đây là hạng người tu hành đạo đức mà thân định, tâm loạn.

Bài tụng rằng:

Kiết già, ngồi ngay thẳng
Bất động như Thái sơn
Nhưng trong tâm mê loạn
Giống như voi sa vực.
Người tu hành như vậy
Thân định mà tâm loạn
Giống như hoa trái mùa
Không tạo quả mà rụng.

–Thế nào là người tu hành có tâm hợp với đạo mà thân chẳng theo?

Thân chẳng ngồi thẳng mà thành tựu bốn Ý chỉ, bốn Niệm xứ khi ấy tâm tuy định mà thân chẳng ngồi yên.

Bài tụng rằng:

Nếu như tâm tánh tự điều hòa
Trụ bốn Ý chỉ, không tướng khác
Khi ấy gọi là bốn Ý chỉ
Tuy thân chẳng định tâm chẳng loạn.

–Thế nào gọi là người tu hành, thân tâm đều định?

Than ngồi ngay thẳng, tâm chẳng buông thả. Các căn đều tĩnh lặng, chẳng giong ruổi theo các duyên bên ngoài. Ngay khi ấy, thân tâm đều định, hoàn toàn chẳng lay động, do đó biết là thân tâm đều định.

Bài tụng rằng:

Thân và tâm đều định
Trong, ngoài chẳng buông thả
Tĩnh lặng, ngồi kiết già
Như trụ vững, khó lay.
Thấy sự thật sinh tử
Như nước xoáy vây bờ
Thân và tâm tương ưng
Mau thành đạo, đắc quả.

Người tu hành chuyên cần tinh tấn, tu đạo không động chuyển, như vậy mau đạt đến Niết-bàn tịch tĩnh.

Bài tụng rằng:
Giảng thuyết bao nhiêu nghĩa chính yếu
Như sữa, mật trộn vào thức ăn
Người không dua nịnh, thường theo pháp
Dùng giáo pháp Phật tự điều hòa.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7