KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 3

Phẩm 9: KHUYẾN Ý

–Theo phương pháp tu hành, thì dùng cách gì để tự định tĩnh tâm mình?

Tôi đã từng nghe:

Ngày xưa có một vị quốc vương muốn tuyển chọn một người thông minh trong nước để làm phụ thần. Bấy giờ, nhà vua tạm bày ra vô lượng cach thức khéo léo, tuyển chọn được một người thông minh quảng bác, ý chỉ rộng lớn, cao nhã, oai dũng nhưng không hung bạo, danh đức đầy đủ. Nhà vua muốn thử người này để biết như thế nào, cho nên dùng trọng tội gán ghép ông ta, ra lệnh cho sứ thần đựng đầy dầu trong bát, khiến ông ta bưng từ cửa phía Bắc đi về cửa phía Nam, cách thành hai mươi dặm, có khu vườn tên là Điều hý, bưng qua nơi ấy. Nếu người bưng dầu mà làm rơi một giọt thì chém đầu, khỏi cần tâu hỏi.

Bài tụng rằng:

Giả sử người ấy đến vườn
Hý Theo lời ta dặn chẳng đổ dầu
Nên kính người ấy như thân ta
Giữa đường đổ dầu thì chém đầu.

Lúc này, quần thần nhận lệnh nghiêm trọng của vua, đổ đầy dầu vào bát, giao cho người kia, người kia hai tay bưng bát dầu mà lòng vô cùng lo lắng, tự nghĩ: “Dầu đầy bát, mà thành ấp lại đông người qua lại, xe, ngựa, người xem đầy đường. Ví như nước lặng yên mà có gió thổi thì nước nổi sóng.” Người cũng như vậy, tâm chẳng an ổn. Rồi lại tự nghĩ: “Không một ai khuyên ta cố gắng và bảo ta đừng sợ hãi! Dầu trong bát ấy, chỉ bưng đi bảy bước thôi, còn chẳng thể tới được, huống là khoảng đường như thế.” Người này lo lắng, chẳng biết trông cậy vào đâu, ôm lòng sợ hãi.

Bài tụng rằng:

Thấy người voi, ngựa và xe cộ
Gió lớn thổi nước, tâm như thế
Lòng ôm sợ hãi chẳng đến được
Đâu thể làm xong sự việc này.

Người ấy lại nghĩ: “Nay ta chắc chết, chẳng còn nghi ngờ gì nữa! Nhưng nếu có thể bưng bát, khiến dầu không đổ, đến được vườn kia thì bấy giờ mới thoát chết.” Phải thực hiện cách này: “Nếu thấy điều phải, điều quấy mà tâm chẳng động, chỉ nghĩ đến bát dầu, ý chí chẳng duyên vào việc gì khác, nhiên hậu mới đến đích.” Khi ấy, người kia bình tĩnh từ từ bước đi. Lúc đó, quần thần, quân lính và người xem vô số trăm ngàn đi theo xem, như mây vần vũ bao quanh Thái sơn.

Bài tụng rằng:

Người kia ôm bát tâm cương quyết
Dọc đường thấy biết bao người xem
Dân chúng vây quanh kéo đi theo
Ví như sông biển nổi mây lớn.

Khi người ấy đang bưng bát, tiếng đồn vang xa đâu cũng nghe, vô số người tập trung đến, họ đều nói: “Nhìn y phục, hình thể, cử động của người này nhất định phải là tử tù.” Tin tức về người này truyền đến gia đình, cha mẹ, họ hàng đều nghe, tất cả cùng chạy tới, đến chỗ người con kia, kêu gào, khóc la bi thảm. Nhưng người ấy chú tâm, chẳng ngoái nhìn cha mẹ, anh em, vợ con và thân quyến, tâm chỉ gắn vào bát dầu, không móng khởi ý niệm nào khác.

Bài tụng rằng:

Con cái gào khóc lệ như suối
Kể lể lắm điều gọi kêu cha
Tâm ôm sợ sệt chẳng biết ai
Chuyên tinh, giữ ý mà bưng bát.

Đám đông bàn tán, bảo nhau réo gọi, ba lần như thế. Khi ấy, người trong cả nước đều tập trung đến, người xem quấy nhiễu kêu réo chấn động, đuổi chạy theo nhau, giẫm đất bụi nổi, san sát nối tiếp, không có khoảng hở. Người ấy chú tâm, chẳng nhìn nơi đám đông.

Bài tụng rằng:

Mọi người kêu réo mãi không thôi
Trước sau nối tiếp không khoảng hở
Nhưng người bưng dầu chẳng nhìn thấy
Như sấm trời mưa, không hại gì.

Người xem lại nói: “Có người con gái đi đến, đoan trang, sắc diện rạng rỡ, cả nước không ai bằng, như mặt trăng tròn đầy độc sáng giữa các vì sao, tươi tắn như hoa sen, đang đi trên đường lớn. Vóc dáng cao sang, phong thái hơn người, giống như ngọc nữ, lại tợ như hoàng hậu của vua trời Đao-lợi, tự là Hộ Lơi, đoan trang hết mực, chư Thiên và loài người ai cũng kính trọng. Nay ở đây, người con gái này cũng rực rỡ như vậy, có khả năng biểu diễn tám loại vũ khúc, âm thanh trong trẻo êm ái, người nghe đều hoan hỷ.” Bài tụng rang:

Cử chỉ thì thong dong
Ca múa chẳng lỗi nhịp
Tâm luôn luôn vui vẻ
Làm cảm động mọi người.
Xướng ca tiếng thương cảm
Thân hình thì uyển chuyển
Chẳng mau cũng chẳng chậm
Y phục luôn tề chỉnh.
Bảy loại âm vi diệu
Thuật lại có năm mươi
Ba nghiệp đều thanh tịnh
Tiết cung, thương hòa hợp.
Thân từ đầu đến chân
Trang nghiêm anh lạc báu
Nói năng thì êm dịu
Giống như cam lồ rơi.

Bấy giờ, người ấy nhất tâm bưng bát, chí chẳng lay động, cũng chẳng nhìn ai. Người xem đều nói: “Thà hôm nay được nhìn dung nhan người con gái kia thì chết đi cũng chẳng ân hận, hơn là sống lâu mà chẳng được thấy.” Người ấy tuy nghe lời này nhưng vẫn chuyên chú bưng bát, chẳng để ý đến.

Bài tụng rằng:

Khéo léo và thong dong
Nhảy múa rất tuyệt vời
Tất cả người ham thích
Ví như vợ của ma.
Làm động người lìa dục
Huống gì kẻ phàm phu
Đi đến bên người ấy
Bưng bát tâm chẳng chuyển.

Ngay lúc ấy, có con voi say to lớn chạy xông vào đường lớn. Mọi người bảo nhau: “Voi say đến, nó giày đạp chúng ta chết tức khắc. Đây là loài yêu mị hóa làm hình voi gây nhiều nguy hại, chẳng chừa một ai”, thân hình nó lơ loét, da dẻ sần sùi, từ đùi vế to lớn, chất độc chảy xuống, lưỡi đỏ như máu, bụng sệ sát đất, miệng môi trệ xếch, bước đi nghinh ngang, không gì câu thúc, thân dính máu người, ngang nhiên tự tác, không gì trở ngại, giong như nhà vua; nhìn xa như quả núi, tiếng gầm rền vang như tiếng sấm cất cao vòi lên một cách giận dữ.

Bài tụng rằng:

Voi lớn sức mạnh thật khó đương
Thân có máu chảy như suối nguồn
Giày đất bụi tung, vòi giơ cao
Như muốn làm hại hết mọi người.

Như vậy, voi ấy khủng bố những người xem, khiến họ chạy tứ tán, phá tan binh lính, các voi khác chạy hết. Tất cả người trông thấy đều muốn hại cho nó chết nên chặt cây to giăng ra, tuy bị đụng cây đau đớn nhưng nó chẳng sợ gì.

Bài tụng rằng:
Phá người và đàn voi
Làm người sợ hoặc chết
Phá hại các nhà cửa
Bươn chạy chẳng sợ gì.
Tiếng đồn lan xa gần
Tính khí rất hung hăng
Ngang tàng không kiềm thúc
Chẳng mong gì cao xa.

Bấy giờ, các nhà buôn bán, quán xá ở ngã tư đường, chợ búa, xóm làng đều sợ hãi thu dọn hàng hóa đậy cất, đóng cửa; sợ nhà cửa bị đập phá sập, mọi người đều chạy tránh. Lại có thợ giết voi, nhưng cũng không có ai chế ngự được, nó lại càng nổi sân giẫm đạp các loài voi, ngựa, trâu, dê, heo, bò, xéo nát các cổ xe, vung vãi tứ tung.

Bài tụng rằng:

Các nơi quán xá đều đậy cất
Hại người, súc vật, giẫm nát xe
Thấy việc như vậy đóng nhà cửa
Tan hoang như cướp phá bản doanh.

Hoặc có người chứng kiến, chấn động sợ hãi chẳng dám rục rịch. Hoặc có người kêu oán than thở, khóc lóc. Lại có kẻ hôn mê chẳng biết. Có người chưa kịp mặc áo, bỏ chạy. Có kẻ mê lầm chẳng biết đông tây. Lại có kẻ chạy nhanh như gió thổi mây chẳng biết đến đâu. Trong đó có kẻ sợ quá nằm áp bụng sát đất. Lại có kẻ cùng quẫn lắp tên vào cung toan bắn, hoặc cầm đao nhọn muốn đâm, trong đó có người thất sắc, hoảng hốt, nói xàm. Hoặc có kẻ giận dữ mắt đỏ kè. Lại có người đứng chỗ vắng, từ xa nhìn lại vui vẻ. Tuy có người cầm binh trượng nhưng chẳng thể thi thố gì được.

Bài tụng rằng:
Với việc này mê sợ
Cũng có kẻ thương khóc
Kinh hãi, chẳng gì ngăn
Lại có người cầm gậy.
Kẻ sợ sệt nằm xuống
Người xa chẳng tự biết
Kẻ gặp vậy chẳng yên
Đều do thấy voi say.

Khi ấy, có người biết chú thuật thuần hóa voi, tâm tự nghĩ: ta đã tự học phương pháp điều khiển voi, cách thức hay, dở gồm có tám trăm thứ, ta xem voi này hầu như không có cách nào trong ấy. Ta nay phải quán sát kỹ xem nó phát xuất từ chủng loại nào? Loại thượng có bốn, hay là loại trung, loại hạ? Do quán sát mà biết được, liền cất cao giọng trì tụng thần chú.

Bài tụng rằng:

Thiên vương trao kim cương
Ta có lời vi diệu
Trừ được mọi cao ngạo
Ốm yếu khiến khỏe mạnh.

Ngay lúc đó, người kia cất tiếng nói: “Các người sáng suốt, không có tự tại, cũng không nổi nóng, trừ bỏ ân ái, vâng làm theo pháp, tu hành thành tín, đạt đến mục đích. Hãy bỏ mọi cao ngạo, để tâm an ổn.” Rồi nói hai bài kệ này của Tiên thánh xưa.

Dâm dật và nộ si
Ba thứ phá đời này
Thành đạo, hết các cấu
Nhiệt não được tiêu trừ
Dùng pháp chí thành kia.
Tu hành cũng như thế
Cốt là xin Tượng vương
Trừ hoặc bỏ cuồng ngông.

Voi nghe lời giáo huấn chính đáng này liền bỏ tự tại, tự hàng phục tâm, thuận theo lẽ phải, đi trở về chuồng, chẳng còn nhiễu hại, phạm đến mọi người. Người bưng bát kia chẳng hay voi đến cũng chẳng biết voi đi. Vì sao? Vì chú tâm, sợ chết, nên không còn nghĩ gì khác.

Bài tụng rằng:

Thấy voi như mưa dữ
Nhưng tâm chưa từng loạn
Mưa ấy tuy đã dứt
Bầu trời vẫn chẳng sáng.
Người ấy cũng như vậy
Chẳng biết voi đến, về
Trụ tâm, bưng bát dầu
Như cất báu chẳng quên.

Lúc ấy, người xem, vì bị quấy nhiễu chạy tứ tản khắp nơi, nên trong thành phát hỏa thiêu đốt các cung điện và nhiều nhà báu, lầu gác, đài cao, hiện ra ánh sáng rực rỡ kỳ lạ, lần lượt tiếp nối giống như ngọn núi lớn, không có gì là chẳng thấy, khói tỏa cùng khắp, lửa vẫn bừng cháy.

Bài tụng rằng:

Thành ấy giàu sang, rất đẹp đẽ
Cung điện, nhà cửa thật nguy nga
Nhưng khói xông tỏa khắp mọi nơi
Lửa cháy như người muốn tự đốt.

Khi lửa cháy thành thì các loài ong đều phóng ra nọc độc chích người. Người xem bị đau nhức, kinh hãi bỏ chạy, trai gái già trẻ, sắc diện biến thành xấu xí, đầu rối, mình trần, đồ trang sức quý giá rơi mất, bị khói xông nen chảy nước mắt; thấy ánh lửa từ xa, trong lòng sợ sệt, chẳng biết chạy đến đâu, kêu nhau ơi ới; cha con, anh em, vợ chồng, nô tỳ dặn nhau tránh lửa, tránh nước, chớ rơi xuống bùn, mới được an ổn.

Bài tụng rằng:

Trong lòng lo rầu, chẳng tự biết
Nhà cửa, thân tộc và nô tỳ
Cỡi các voi ngựa, buồn rầu chạy
Nói có lửa lớn, nên tránh đi.

Bấy giờ, quan binh đến dập lửa. Người ấy chuyên chú nhất tâm bưng bát, không rơi một giọt, chẳng biết khi lửa bốc cháy và tàn lụi. Vì sao? Vì giữ tâm chuyên ý, không nghĩ gì khác.

Bài tụng rằng:

Có số đông mê hoặc
Như chim gặp lửa bay
Lửa ấy đốt điện nhà
Khói xông như mây cuộn.
Đầu rối và kinh sợ
Bỏ chạy tránh khỏi lửa
Chú tâm vào bát dầu
Chẳng hay lửa cháy tàn.

Cùng lúc, năm sắc mây nổi lên, trời sấm chớp lớn.

Bài tụng rằng:

Đã nổi mù lớn, mưa trái thời
Gió dậy thổi mây khiến mù mịt
Không trung khắp chỗ trời tăm tối
Giống bầy voi dữ, mây cũng vậy.

Rồi cuồng phong nổi dậy, thổi đất tung bụi, cát sỏi ngói đá chận ngăn khắp nẻo đi, cây ngã, cành gãy hoa quả rơi rụng.

Bài tụng rằng:

Gió nổi dậy, tung bụi khắp nơi
Mây đen ùn kéo giăng cùng khắp
Gió mạnh sập tối, chẳng thấy nhau
Sấm chớp giáng xuống, ai cũng kinh.

Lúc này, mây lớn tóe sáng, sấm sét giáng xuống. Loài khổng tước đều kêu, trời liền trút mưa đá. Tuy có biến động này nhưng người kia cũng chẳng nghe. Vì sao? Vì chỉ nghĩ đến bát dầu.

Bài tụng rằng:

Khi voi ấy bươn chạy
Giống như mây lớn nổi
Mưa đá tắt gió lớn
Trốc cây làm hư nhà.
Người ấy đều chẳng thấy
Lành, dữ nào có hay
Chẳng biết gió, mây khởi
Chỉ quán chén dầu đầy.

Bấy giờ, người ấy bưng bát dầu đầy đến khu vườn kia, không rơi một giọt. Binh lính, sứ thần đều trở về cung vua, tâu bày đầy đủ với vua về các tai nạn, và người bưng bát chuyên tâm không động, đã về đến khu vườn, không rơi một giọt. Vua nghe tâu khen rằng: “Người này khó sánh kịp, là người hùng trong loài người, chẳng ngoái nhìn thân thuộc và ngọc nữ, chẳng nao núng trước họa hoạn, voi dữ, nước lửa, điện chớp, sấm sét. Ta đây nghe tiếng sấm còn kinh ngạc, sợ hãi, tuy có người tâu trình nhưng chẳng tỉnh. Hoặc có người bị phân tán tâm thần mà chết. Hoặc có người nữ đang khỏe mà bị hư thai, người này là chỗ dựa của muôn dân nhưng chẳng ai biết, tuy là gặp các nạn, nhưng tâm chẳng động, con người như vậy, không có việc gì là chẳng làm được. Tâm vững chắc như thế, không bao giờ sợ nạn. Vua địa ngục tra khảo có thể ăn kim cương.” Nhà vua hoan hỷ, lập làm đại thần.

Bài tụng rằng:

Thấy thân tộc khóc lóc
Và voi say quậy phá
Tuy gặp các nạn sợ
Nhưng tâm chẳng lay động.
Vua thấy người kiên định
Không lay chuyển như thế
Nên thân ái, kính trọng
Lập lên làm đại thần.

Do tâm của vị chánh sĩ ấy kiên cố, dù gặp các việc tốt xấu và các tai nạn khủng khiếp, tâm chỉ chẳng chuyển di, nên được thoát tội chết, lại được giàu sang, trường thọ. Người tu hành chế ngự tâm cũng như vậy, tuy có các họa hoạn và dâm, nộ, si đến nhiễu loạn các căn nhưng luôn giữ tâm chẳng theo, nhiếp ý làm đầu, quán sát trong thân thể mình và bên ngoài thân thể người, pháp của tâm thọ cũng lại như vậy.

Bài tụng rằng:

Như người bưng bát mật
Chẳng động không rơi đổ
Tuệ mầu ý như biển
Chuyên tâm bưng bát dầu.
Nếu người muốn học đạo
Phải giữ tâm như thế
Tâm chứa các đức sáng
Trừ hết tất cả tội.
Sắc dục có bao nhiêu
Tái khởi ở nộ si
Có chí, chẳng phóng dật
Tĩnh lặng để tự chế.
Thân người có bệnh tật
Dùng thuốc để chữa lành
Tâm bệnh cũng như thế
Bốn Ý chỉ nhằm trừ.

Người tâm kiên cường, năng lực ý chí như vậy, thì dùng móng tay phá được núi tuyết, dùng cọng hoa sen đâm thủng núi vàng, dùng cưa sắt cưa đứt núi báu Tu-di. Còn người không có lòng tin thì không thể hăng hái tiến lên được; ôm lòng dua nịnh, phóng túng thất niệm thì tuy sống lâu trên đời, nhưng chẳng bao giờ có thể đoạn trừ được cấu bẩn dâm, nộ, si! Người có tín, tinh tấn, chất trực, trí tuệ thì tâm họ kiên cường, cũng có khả năng thổi núi lay động, huống gì là trừ được dâm, nộ, si. Cho nên người tu hành muốn hoàn thành đạo đức thì dùng tín, tinh tấn, trí tuệ, chất trực điều phục tâm mình một cách chuyên nhất, ngay trong lúc tu hành.

Bài tụng rằng:

Chất trực tín, tinh tấn
Trí tuệ, không dua nịnh
Là năm căn trừ tội
Lìa vô số tâm uế.
Hiểu rõ vô lượng kinh
Tự biết là Phật dạy
Chỉ lấy lời cốt yếu
Phân biệt nghĩa vô lượng.

 

Phẩm 10: LÌA ĐIÊN ĐẢO

Công đức Đấng Giác Ngộ cao vời
Giống như học thuật ở chỗ vắng
Dòng trí tuệ trong thân lành báu
Xin cúi đầu lạy Đại sơn vương.
Từ trời cao giáng xuống
Biết hướng, không mê lầm
Phật chẳng từ thai sinh
Chẳng vào cũng chẳng ra.
Chẳng bị các khổ não
Chẳng đắm, chẳng điên đảo
Đức trọng, không đắm vướng
Quy mạng, vượt sinh tử.

Người tu hành, có kẻ luôn luôn biếng nhác, nên đối với pháp vi diệu khó hiểu, khó thấu chẳng phân biệt, nên biết rõ nguồn gốc các khổ, đoạn trừ các tập, chứng đắc nẻo diệt và tu niệm về đạo. Ví như có người lấy một sợi tóc chia tách làm trăm phần, rồi nối lại như cũ, không để suy suyễn, việc này rất khó phải không?

Đáp:

–Rất khó! Rất khó! Có thể dung các loại thuốc huyễn hóa, thần chú mới nối tóc lại như cũ. Đạo Nê-hoàn chẳng dùng phương cách này để thành lập. Tuy chúng ta chưa có khả năng đạt đạo, nhưng người chứng ngộ sẽ có phương tiện.

Bài tụng rằng:

Thường mạnh tiến hướng cửa giải thoát
Muốn rõ việc này khó thật khó
Nỗ lực khuyến tu không thoái chuyển
Như khoan sâu đất, được nước suối.

Thường khởi quán thế này: Mau chóng thành tựu không gì bằng Nê-hoàn, chẳng cầu từ đâu khác, từ do tâm địa đến. Do từ người khác mà được mới là khó, chứ do sự chuyên cần của ta mà đạt được thì có khó gì đâu. Lại nên khởi nghĩ thế này: Chỉ dùng để quán để dụ tâm thăng tiến, như dụ đứa bé, gọi nó đi tới trước, đến để lấy vật trong tay mà ăn. Đứa bé đến nơi, mở hai tay ra chẳng có gì hết. Cái thấy điên đảo của thế nhân cũng như thế, vô thường cho là thường, khổ bảo là vui, vô ngã cho là hữu ngã thân, không bảo là thật. Bỏ bốn điên đảo, khởi quán “Vốn không”. Như vậy mới gọi là thuận theo lời giáo huấn của Đức Phật.

Bài tụng rằng:

Người chẳng hiểu “vốn không”
Thường nghĩ vui là tịnh
Ví như lấy nắm tay
Dùng để dụ trẻ thơ
Người điên đảo cũng thế
Cứ tưởng là có ta
Vì họ rọi ánh sáng
Như trong tối thắp đèn.

Đầu tóc mà ta có chẳng thể tồn tại lâu dài, cũng chẳng phải là sạch sẽ, chẳng an ổn, là vô ngã. Dùng phép quán ấy quán tất cả đều như thế, khuyên phát tâm quán chiếu ấy, như người sáng mắt cầm đuốc đi vào nhà trong, xem không thấy người, cũng không thấy gì khác. Người quán xét kỹ cũng giống như thế. Quán sát bản chất của sắc thấy là vô thường, khổ, vô ngã chẳng phải thân. Kẻ có kiến chấp hư vọng thì trở lại tự ràng buộc mình. Người quán rõ về không thì đâu có gì ngăn ngại. Hiện có thể thấy nghe đạt được Đạo tích, rồi Vãng hoàn, Bất hoàn cùng Vô sở trước, đạt được bình đẳng giác. Họ là người, ta cũng là người, họ thành đạo thì vì lý do gì mà chỉ riêng ta chẳng đạt được. Người tu hành tự khuyến khích tâm như thế, xả bốn điên đảo, chuyên tâm tu hành.

Bài tụng rằng:

Tóc, lông, móng, xương, thịt
Và các hình sắc khác
Đến mê hoặc tâm pháp
Làm rối loạn năm ấm.
Vô thường, khổ, bất an
Vô ngã và bất tịnh
Thân như nhà gò trống
Người sáng suốt quán vậy.

 

Phẩm 11: HIỂU RÕ THỨC ĂN

Phật ở rừng Ba chất
Thiên đế dâng trăm vị
Lại ở thành Xá-vệ
Ba-tư-nặc cúng dường.
Tỳ-lan-nhã thiết trai
Cơm tuy có vị ngon
Thọ với tâm bình đẳng
Kính lễ Đấng Vô Trước.
Tuy dùng cơm này rồi
Chẳng đắm, chẳng vì sắc
Cũng chẳng tạo kiêu mạn
Trừ bỏ mọi cao ngạo.
Thọ cúng dường nơi ấy
Như vượt đại lộ vắng
Chẳng vì cầu ngon ngọt
Vì vậy xin đảnh lễ.

Bấy giờ, người tu hành nên quán về thức ăn: “Dù cho món ăn có trăm vị hay món ăn dở, thì khi vào trong bụng như nhau, không có gì khác. Đưa thức ăn vào miệng nhai, cùng hòa với nước miếng và thứ nôn ra giống nhau. Nếu vào sinh tạng thì thân hỏa nung nấu, nước trong thân làm tan ra, gió thổi xoay vần, dần dần tiêu hóa, đưa vào thục tạng, chất cứng là phân, chất nước là nước tiểu, bọt là nước mũi, nước miếng. Trong tạng, chất cần thiết thấm vào thành cơ thể, những chất cần thiết này chảy vào khắp các mạch, để rồi nuôi dưỡng tóc, lông, móng, răng, xương, tủy, máu, thịt, mỡ, tinh khí, đầu não.” Đó là bốn đại bên ngoài nuôi dưỡng năm căn bên trong; các căn đắc lực nuôi lớn tâm pháp, khởi dâm, nộ, si. Muốn biết điều ấy thì phải suy gẫm về gốc rễ của sự ăn uống, do đó mà phát khởi.

Bài tụng rằng:

Đồ ngon, kể ra nhiều vô số
Vào trong bụng rồi khác gì đâu
Ở đó biến thành đồ bất tịnh
Cho nên người tu chẳng tham ăn.

Tuy cần ăn uống, nhưng chẳng cầu to béo, cốt là nuôi thân. Ví như viên quan lớn bắt các con chim, cắt het cánh rồi nhốt vào lồng.

Hằng ngày chọn con mập để cấp cho quan đầu bếp. Khi ấy các con chim ngày càng giảm dần. Trong đó có một con nghĩ rằng: “Con mập chết trước, nếu ta mập thì cũng chết như con trước, còn nếu không ăn thì sẽ chết đói. Nay nên tiết chế ăn uống để cho thân không mập, cũng đừng khiến quá ốm, khiến thân thể nhẹ nhàng, ra vào không ngại, chẳng bị viên quan thấy làm hại; lông cánh có thể dần dần sinh trưởng. Nếu thoát ra lồng thì bay đi đến đâu tùy thích.”

Người tu hành cũng nghĩ như thế: “Ăn uống là cốt để an thân, khiến thân thể không nặng nề, ăn uống vừa phải, dễ tiêu, ngủ ít; ngồi đứng kinh hành, thở ra vào đều an ổn, ít đại tiểu tiện; đối với thân thì làm cạn mỏng dâm, nộ, si.”

Người tu hành nên quán như thế này: Ta chẳng tham đắm thân, trừ bỏ các tình dục, thân này chẳng quan trọng, xương cốt dính liền chống đỡ nhau. Nay trong thân ấy chỉ chứa đồ bất tịnh, không có gì là kiên cố, ví như oan gia không bị giam hãm, thường mang giặc oan đến làm thương tổn thân hữu; nên vận dụng nó mà cúng dường phụng sự. Ví như nhà vua, nên sử dụng thân như thế nào? Tuân theo lời Phật dạy ngồi, đứng, kinh hanh, khiến không có tai hoạn; thường quán thức ăn như đồ uống tồi, biết đầy đủ các chất dơ bẩn trong đó, đem nuôi thân mạng, cốt để được hành đạo, như có thân thuộc chẳng thể vứt bỏ. Thân cũng như vậy, tắm rửa, ăn uống, y phục che thân. Như thương yêu một đứa con, thường chăm sóc chẳng khiến nó khổ vì lạnh, nóng, đói khát, chẳng bị muỗi mòng, rận rệp đốt cắn.

Như có nghịch tặc bị bắt giam vào ngục, ngục tốt tra khảo trừng trị, biết bao cách trước, sau ăn cướp vật của ai? Nhà ở đâu? Ăn cướp rồi giấu ở đâu? Đồng bọn gồm có ai? Thủ lãnh của cả bọn là ai? Dùng năm loại độc để trừng trị; chết đi sống lại, liền tự nghĩ: “Dùng cách nào để thoát khỏi sự đánh đập?” Tâm liền khai mở, nói với người giữ ngục: “Từ xa, ở nước nọ có một người con của đại trưởng giả, tên là Cấm Giới; đồ ăn trộm được, xưa nay tôi đều gởi nơi đó. Ở tại nhà đó, chúng tôi cùng đi ăn trộm, nó là bạn tôi.”

Chủ ngục nghe lời, bắt con của trưởng giả nhốt cùng với tên ăn trộm kia, trong một nhà lao, cột với nhau bằng dây sắt. Khi ấy, người nhà của con trưởng giả có đem thức ăn đến, liền ăn một mình, chẳng chia cho tên ăn trộm, tên ăn trộm rất tức giận, trợn mắt nghiến răng, toát mồ hôi, than thở, muốn khởi ý ác, khiến con của trưởng giả chẳng tự che chở thân mạng mình, huống là ăn một mình. Con của trưởng giả muốn đi tiểu tiện, chẳng thể ráng chịu trong khoảnh khắc, chẳng đi đây đó, chỉ muốn đến nhà sau, liền nói với tên ăn trộm:

“Cùng lên nhà xí với tôi.”

Tên ăn trộm đáp: “Chỗ mà anh đến, tôi không thể đến.”

Con trưởng giả bị bức bách cùng cực, bảo tên ăn trộm: “Tôi không có lỗi với anh, anh đưa tôi vào vòng lao lý. Nay tôi muốn đi tiểu, anh lại chẳng cùng đi với tôi. Nếu chẳng bị trói chung với anh, tôi chẳng bao giờ báo anh. Nếu tôi có điều gì xúc phạm anh thì cứ nói để cho tôi biết lỗi mà xin tạ lỗi.”

Tên ăn trộm đáp: “Anh thật chẳng có lỗi gì, nhưng tôi đưa anh vào đây vì anh có bà con đông, tôi thì muốn tự thoát khỏi tội, chẳng muốn bị khảo tra, mong được ăn uống, cho nên mới nói dối. Anh có người mang thức ăn, lại ăn một mình, chẳng chịu cho tôi, nên tôi không đi theo anh.”

Con của trưởng giả đáp: “Biết mối hận của anh rồi, từ nay về sau không bao giờ thất lễ nữa. Nếu có người mang thức ăn đến, tôi sẽ mời anh xơi trước, sau đó tôi mới ăn, để duy trì mạng sống thôi. Xin anh cùng đến nhà sau, khiến thân tôi được thư thái.”

Tên ăn trộm mới đi theo. Ngày hôm sau, cơm mang đến, liền sai nô tỳ: “Hãy đưa cơm đến mời người bên cạnh trước, cơm còn dư lại mới đem cho ta.”

Nô tỳ vâng lệnh làm theo lời người chủ. Khi về đến nhà, nô tỳ thưa lại đầy đủ với trưởng giả. Trưởng giả nghe nói, lòng nổi sân giận. Ngày hôm sau, đi đến ngục, gọi đứa con bảo: “Ngươi sinh vào dòng dõi giàu sang mà lại theo làm việc với bọn nghịch tặc, ác nhân, rồi cùng thân mật, gần gũi mà hoàn toàn chẳng hay biết. Điều ấy đã đưa ngươi vào vòng lao ngục.”

Đứa con đáp: “Lời cha dạy rất đúng! Con chẳng kính người này, cho là thân quen. Con biết rõ nó là tên trộm. Con muốn đi tiểu tiện, ép nó chẳng đi theo. Thân nặng, bụng trướng, mắt trợn, tai ù, đầu nhưc, lưng mỏi, xương sườn, ngực, như muốn bật ra, lồng ngực đầy hơi, hơi thở muốn đứt, tâm ý phiền loạn, mê man chẳng biết, chân tay rã rời, xương cốt đau nhức, mạng sống gần tàn. Đối với tình trạng tồi tệ như trên, mồ hôi toát ra, hơi thở đứt đoạn, kẻ trộm cướp nói với con: ‘Ngươi phải theo ta như người bệnh theo thầy thuốc, như vậy mới được. Trước hết cho ta ăn, rồi sau mới ăn, ta sẽ theo ngươi.’ Vì tham sống cho nên mới gần gũi.”

Như con của trưởng giả, biết rõ kẻ trộm cướp này là oan gia, nhưng vì quá cùng quẫn nên bên ngoài tỏ vẻ như là thân mật, nhưng bên trong lại lạnh nhạt. Biết bốn đại là vật nương gởi, chẳng phải thường còn, bốn đại tăng, giảm, luôn chẳng an ổn, như rắn độc, như ảo ảnh dợn nắng, bóng trăng dưới nước, tiếng vang trong núi. Hiểu thân như thế, người hành đạo cũng vậy, hiểu biết năm ấm toàn là oán tặc, dùng cơm áo là cốt để nuôi thân thể ấy, khiến chẳng nguy hại. Sớm tối chuyên cần tinh tấn như cứu lửa cháy đầu, chẳng phải do lười biếng bỏ bê mà được thành đạo, đạt đến vô vi, vượt khỏi họa hoạn đầu cuối của ba cõi.

 

Phẩm 12: PHỤC THẮNG CÁC CĂN

Người tu hanh mà dâm, nộ, si cạn mỏng, nếu chẳng tập theo trần thì không gì quấy hại. Còn chưa thành tựu đạo đức, chẳng phải thấy Thánh đế mà tự cho đó là đã đạt, thì người tu hành như thế phải tự răn giữ tâm ý buông thả theo y nghĩ về sự êm ái của sắc, thanh, hương, vị sa đắm vào năm ấm, việc làm chưa xong.

Nếu người, tâm chẳng chạy theo năm thứ che ngăn gây chướng ngại, thì biết là đắc đạo. Còn nếu tâm loạn động, chạy theo dục tình thì tức thời phải lo sợ mà tinh tấn lên. Như người chăn trâu giữ trâu ở trong đầm. Nếu trâu buông chạy giẫm đạp lúa người, người chăn trâu sợ chủ biết được, dắt trâu về nhà dùng gậy đánh đập. Sáng hôm sau lại thả ra chăn tại chỗ cũ giả vờ như chẳng thấy biết việc phạm vào lúa má của người. Nếu không làm vậy thì con trâu sẽ nghĩ là người chăn chẳng thấy, rồi lại ăn lúa của người, sẽ bị chủ thấy đánh đập. Con trâu về sau sợ hãi không dám ăn nữa.

Người tu hành tự ngăn giữ năm căn cũng như vậy, chẳng chạy theo tình dục thì biết đạo sẽ thành. Nếu theo sáu suy thì tức thời phải tự chế, quán về nạn khổ sinh tử của ba đường, ngày đêm tinh cần hơn trước van lần. Điều chưa đạt được nên nỗ lực thành tựu, đã thành tựu rồi, khiến đừng buông bỏ.

Phẩm 13: NHẪN NHỤC

Giả sử có người đánh đập, mắng nhiếc người tu hành thì bấy giờ người tu hành nên quán như thế này: Cái có thể mắng chửi chỉ có âm thanh. Suy xét cho kỹ đều là rỗng không, vừa khởi liền diệt.

Ví như văn tự, mỗi chữ đều khác nhau, cứ kể riêng từng chữ một thì không có tiếng mắng chửi.

Ví như một người mù không thấy gì thì dù cho một trăm người mù cũng chẳng thấy gì. Mắng chửi cũng như thế, một chữ đã chẳng thành thì dù cho trăm ngàn chữ cũng đều là rỗng không.

Giả sử cha mẹ, vợ con, thân thuộc cùng khen ngợi ta cũng đều là rỗng không. Nếu quán thế này: Cũng như người mọi rợ khác tiếng đến mắng chửi ta, giống như tiếng gió thoảng, tiếng ấy là rỗng không.

 

Phẩm 14: KHÔNG ĐÁP TRẢ ĐIỀU ÁC

Giả sử người tu hành ngồi thiền định chỗ vắng vẻ, có người đến đánh đập, dùng dao, gậy, ngói, đá đánh ném vào mình, nên quán thế này: Danh sắc đều rỗng không, bị đánh và đánh đều không có sở hữu, vốn từ đâu sinh? Ai là người sân giận? Giận người nào? Đời trước ta chẳng tạo thiện nên đến nỗi phải bị nạn thế này. Nếu không có danh sắc thì không có duyên để gặp nạn. Nếu ta nổi sân lên để trả đũa người ấy thì các oán càng nhiều, chẳng thể trả hết. Ví như rắn độc và loài trăm chân: bọ chét, chí rận, muỗi mòng sâu bọ là những loài quấy nhiễu người không có sự báo trả. Giả sử như có thể loại trừ những nổi lo lắng bên ngoài nhưng đâu có thể trừ bỏ chúng trong nội thân, bốn trăm lẻ bốn bệnh, tám mươi loài trùng. Vì vậy phải chế phục nội tâm, diệt các cấu uế, lắng định tâm chí, cho nên gọi là tu hành.

 

Phẩm 15: THIÊN NHÃN THẤY THỦY CHUNG

Người tu hành, giả sử bị buồn ngủ thì nên nghĩ về vô thường, chẳng bao lâu sự chết sẽ đến, tưởng nghĩ các khổ não nơi sinh tử. Rửa tay, lau mặt, nhìn ngó bốn phương, nhìn sao trời nếu là ban đêm, để tự chế ngự tâm, vứt bỏ biếng lười, đừng nghĩ đến việc nằm ngủ. Nếu cứ buồn ngủ thì nên đứng dậy kinh hành. Giả sử không định được thì nên dời chỗ ngồi, tưởng muốn thấy ánh sáng, mặc dầu trong tâm tối. Tư duy đến ba thứ ánh sáng, khiến trong ngoài đều sáng.

Bài tụng rằng:

Nên nghĩ khổ sinh tử
Xem tội thấy khắp nơi
Tỉnh nhìn ánh sáng ngoài
Cầu chiếu sáng trong tâm.
Diệt bỏ tối thùy miên
Như mặt trời trừ tối
Như vậy tuy nhắm mắt
Thấy rõ hơn người mở.

Người tu hành thường nghĩ thấy ánh sáng, ngày đêm không khác, phân biệt chỗ hướng đến nhỏ hay lớn, phải hay trái, đi xa, học khắp, không gì mà chẳng thông. Tư duy như vậy thì được đạo nhãn, chỗ thấy bình đẳng, không có chỗ biên địa và cõi trời Tịnh cư.

Bài tụng rằng:

Tuy là nhắm mắt, thường như mở
Chỗ thấy thiền định hơn Thiên nhãn
Thấy khắp loài chúng sinh thế gian
Thấu suốt trên trời, đâu cũng thấy.

Người tu hành đã thành tựu đạo nhãn, thấy hết ba chốn ác trong các phương. Ví như sau cơn mưa lớn, vào buổi sớm tạnh ráo, có một người mắt sáng đứng trên đỉnh núi xem thành quách, đất nước, huyện ấp, xóm làng, nhân dân, rừng cây, hoa quả, dòng sông, suoi nguồn. Sư tử, hổ sói, voi, ngựa, dê, nai và các thú rừng, đến đi lui tới đều thấy hết.

Bài tụng rằng:

Ví như gương sáng và hư không
Mưa lớn vừa xong, trời sáng trong
Người có mắt sáng đứng núi cao
Từ trên nhìn xuống đều thấy hết.
Lại xem thành quách và quốc ấp
Người tu hành cũng lại như vậy
Nhìn thấy thế gian và cầm thú
Chốn địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Người tu hành nhìn tam thiên đại thiên thế giới cũng như vậy, thấy con người hướng đến chỗ thiện ác, sinh tử. Điều ấy gọi là đã đạt được thần thông.

Bài tụng rằng:

Tuy có vị cam lồ vô thượng
Thấy cõi ba ngàn đức hơn kia
Người tu hành, theo lời Phật dạy
Mau đắc thần thông, không ngăn ngại.
Phật đều thấy khắp tất cả tịnh
Thương xót chúng sinh, nói điều ấy
Rõ căn sau trước, khiến mau độ
Dùng nghĩa vô cùng mà phân biệt.

 

Phẩm 16: THIÊN NHĨ

Thức tuệ là động tĩnh ứng duyên
Không gì ngăn ngại, thuận chánh đạo
Có người vận chuyển pháp luân này
Cúi đầu vận chuyển dòng Đại Thánh
Thức tỉnh bao nhiêu món kỹ nhạc.
Dẫu có thương yêu, tâm bình đẳng
Nghe tiếng trời người và địa ngục
Chắp tay cúi người Đấng Tánh Tịnh.

Người tu hành vừa thành tựu Thiên nhĩ, liền được nghe khắp, cũng không lo phiền. Ví như có người đào đất tìm kiếm kho tàng, vốn chỉ tìm một, nhưng được các kho tàng khác. Người tu hành cũng như thế, vốn cầu Thiên nhĩ, sự nghe khắp ứng theo, nghe hết tiếng nơi cõi trời, tiếng thế gian.

Bài tụng rằng:

Nghĩ người tu hành kia
Khởi pháp dùng phương tiện
Siêng năng, được Thiên nhãn
Thấy trời và thế gian.
Tự nhiên sinh nghe khắp
Cái nghe cũng vô hạn
Như người đào tìm của
Tự nhiên được báu khác.

Ví như nửa đêm, mọi người thường ngủ mê, chỉ có một người thức leo lên tầng lầu bảy. Trong lúc vắng lặng ấy, lắng nghe các âm thanh: Kỹ nhạc, ca múa, khóc lóc, bi thương, đánh trống… Những điều người tu hành thấy, cũng giống như thế, tâm vốn tĩnh lặng xa nghe các âm thanh kêu khóc, khổ đau nơi chốn địa ngục, thấy nghe tiếng ngạ quỷ và súc sinh, trời, thế gian, kỹ nhạc. Đó chính là chứng thần thông Thiên nhĩ.

Bài tụng rằng:

Như đêm mọi người đều say ngủ
Một người tỉnh dậy lên lầu bảy
Lắng lòng mà nghe tất cả người
Âm thanh, kỹ nhạc và ca múa.
Người tu đạo cũng lại như vậy
Thiên nhĩ nghe khắp các âm thanh
Với các hình sắc ở ba cõi
Biết rõ tất cả các ngôn ngữ.
Từ vô số nghĩa lớn của kinh
Ta nghe như được uống cam lồ
Ví như người bệnh uống thuốc hay
Diễn lời Thiên nhãn của Phật dạy.

 

Phẩm 17: NGHĨ VỀ ĐỜI TRƯỚC

Trí tuệ là gốc lành của thân
Kinh pháp là hoa, đức là quả
Giải thoát thị hiện đứng bất động
Nay con quy mạng đại thọ Phật.
Từ trăm ức đời trồng căn lành
Trải vô lượng kiếp tu phạm hạnh
Biết trăm ngàn ức đời sống xưa
Phật giác ý mạnh, quy tâm định.

Giả sử người tu hành tâm tự nghĩ: “Ta từ đâu đến mà được thân người?” Dùng Thiên nhãn xem rõ, tâm thấy hết vốn sinh làm người, hoặc ở phi nhân.

Ví như có một người từ một huyện này đến một huyện khác, biết nơi qua lại, ngồi đứng trước kia. Người tu hành cũng vậy, tự nghĩ nhớ về những thọ thân đã từng trải qua; tên họ, đẹp xấu, thọ mạng dài ngắn, ăn uống, y phục đều hiểu biết, chết nơi kia sinh nơi này, chết nơi này sinh nơi kia. Nhớ nghĩ như thế, biết vô số sự sinh tử đã qua, như vậy gọi là thần thông biết những đời sống trước (Túc mạng thông).

Bài tụng rằng:

Người tu hành dùng Thiên nhãn thấy
Biết vô số kiếp đã trải qua
Đều thấy thọ thân trong quá khứ
Ví như đi thuyền tự soi mặt.
Chỗ sinh của Phật đều nghĩ biết
Ta xem các kinh mà chép ra
Như vậy gọi là xưa đã từng
Dùng tâm trí tuệ chọn cốt yếu.

 

Phẩm 18: BIẾT TÂM NIỆM NGƯỜI

Thở than chẳng kể xiết
Biết ý nghĩ chúng sinh
Tự thấy tâm nghĩ gì
Phải, quấy, định, buông thả.
Điều ý chí mong cầu
Trí vô lượng hiểu rõ
Diệt trừ các tội lỗi
Quay về Đấng Tối Thắng.

Người tu hành dùng Thiên nhãn nhìn thấy điều phải quấy, thiện ác, tốt đẹp, xấu xa của loài người, và chẳng phải người thấy rõ sự tối tăm sâu thẳm hay sự trong sáng của tâm hành. Kẻ ưa sân giận thì tâm họ như thế, người ý chí hòa nhã, vui vẻ thì sẽ như thế.

Bài tụng rằng:

Dùng Thiên nhãn nhìn khắp
Thấy người chẳng phải người
Xem xét sắc diện chúng
Cũng thấy tâm niệm họ.
Biết cội gốc ý nghĩ
Vì sao có hạnh này
Người tu đạo biết hết
Sân giận và vui hòa.

Ví như người ngồi bên bờ sông thấy các loài vật trong nước như cá, ba ba, giải, cá sấu và một số loài thủy tộc khác. Người tu hành cũng vậy, thấy tâm của chúng sinh nghĩ điều thiện, ác rõ ràng không ngại. Đó gọi là thần thông biết tâm niệm thiện ác của kẻ khác.

Bài tụng rằng:

Giác nhãn thấy rõ tâm thanh tịnh
Do tu đạo hạnh nên được vậy
Biết tâm niệm người nghĩ điều gì
Giống như thấy thân cây cành lá.

Cũng như khách buôn muốn có được ngọc thủy tinh phải vào sông biển mới được vật báu này và được các thứ như: trân châu, kim cương, san hô, xa cừ, mã não. Người tu hành cũng vậy, bỏ ngu nghỉ chuyên tâm vào ánh sáng thì được Thiên nhãn và đạt được Thiên nhĩ, Thần túc. Tự biết mình từ đâu đến, thấy gốc gác của người khác.

Vì vậy người tu hành nên tập tỉnh giác.

Bài tụng rằng:

Giống như một việc vào sông biển
Mà được vô số châu báu lớn
Tu hành trừ ngủ nghỉ cũng vậy
Dùng Thiên nhãn nghe, biết ngọn ngành.
Nếu vậy, tu hành chí tịch tĩnh
Nay điều ta nói y lời Phật
Thấy vô lượng sắc hơn Thiên nhãn
Biết tâm thị phi của chúng sinh.
Sức nhẫn nhục kia hơn đại địa
Mềm mại, an hòa hơn cả nước
Giữ chí vững chắc như Tu-di
Bỏ qua người thường, vượt hư không.
Trí tuệ sâu hơn sông
Như biển, không sân hận
Đức ấy không sánh kịp
Kính lễ Đấng Tối Thắng.
Trong lòng ôm giữ đạo
Chư Thiên đều ngợi khen
Giữ tâm mà vững chắc
Chẳng móng khởi vui thích.
Điều hòa các ý tưởng
Chẳng cho chúng tăng giảm
Đức sáng không gì bằng
Con cúi đầu đảnh lễ.

Giả sử người tu hành mà tâm có sự khinh suất thì nên tư duy điều lo buồn: Rốt cuộc sẽ trở về với cái chết, chưa được độ thoát. Còn bị vô thường, chẳng phải là lúc hoan hỷ, dù có thương yêu rồi cũng sẽ có ly biệt.

Bài tụng rằng:

Vô số các dòng sông
Đầy ắp nước bùn nhơ
Chưa vượt sông sinh tử
Loạn động lại hoan hỷ.
Dù thương yêu vô cùng
Chẳng lâu sẽ ly biệt
Chạm mặt với vô thường
Đều tùy theo tội phước.

Người tu hành, tâm tự nghĩ: Giá như ta mạng chung, thì chẳng thành đạo đức, cũng chưa hướng tới đạo, hoặc bị phạm nghịch, chẳng theo giáo pháp, rơi vào ba đường, chẳng thể thoát khỏi họa hoạn vô cùng, theo các thứ tà kiến cho là không mê lầm, rồi lại vào bào thai luân hồi sinh tử, xương cốt không thể chứa cao như Thái sơn; hoặc bị chặt đầu, máu như sông biển, hoặc gặp người khóc lóc lệ như năm sông, cùng với cha mẹ, vợ con, anh em sinh ly tử biệt vô thường, sầu đau vô lượng.

Bài tụng rằng:

Khi còn chưa đắc đạo
Luôn luôn sợ sinh tử
Sẽ bị trăm ngàn nạn
Rồi vào lại bào thai.
Chưa trừ gốc sầu lo
Gặp vô lượng phiền não
Chẳng được về Thánh đạo
Mở cửa ba đường dữ.

Người tu hành tự nghĩ: Nhiều đêm sợ hãi. Giả hoặc bị đọa vào chốn cầm thú là nơi chốn phi pháp, thường ôm lòng hại, giết chóc lẫn nhau, giết chóc lẫn nhau, không có xấu hổ, từ chỗ tối vào chỗ tối. Đã bị đọa vào chốn họa hoạn này, thì khó trở lại thân người. Một đồng tiền rơi xuống biển còn có thể tìm được, chứ đã mất thân người rồi, khó mà được lại.

Bài tụng rằng:

Tham dâm che khuất, giận si mê
Cầm gậy đuổi xua, không xấu hổ
Vì chốn mây mù của súc sinh
Đọa khổ ấy trở lại người khó.

Người tu hành tự nghĩ, thân ta sẽ bị đọa vào ngạ quỷ. Đã từng nghe người chốn ấy cầm đồ đựng bằng sành, đựng những thứ nước mũi, nước miếng, mủ, máu và đồ mửa dơ uế của người để làm thức ăn, phải đi khắp mà xin.

Bài tụng rằng:
Dùng đồ chứa bất tịnh
Bằng sành nhưng chẳng lành
Chứa mủ máu mũi dãi
Uống vào như uống nước.
Tham ăn, thường tranh chấp
Chỗ đến của tội lỗi
Kẻ hành động như vậy
Đọa vào đường ngạ quỷ.

 

Phẩm 19: ĐỊA NGỤC

Người tu hành tự nghĩ: Thân ta sẽ không bị đọa địa ngục. Từng nghe, tội nhân vừa trông thấy nhau thì ôm lòng sân giận lại muốn hại nhau. Móng tay nhọn sắc như dao bén, các loại binh khí, mâu kích, cung tên, ngói gạch tự nhiên hiện ra khi hướng vào nhau thì tiếng đao kích như tiếng đập đồng, binh trượng hư hoại rồi thì đao mâu giao nhau như là màn lưới. Tội nhân thấy hiện tượng này ôm lòng sầu lo.

Bài tụng rằng:

Các thứ tội nhân ấy
Ở địa ngục hại nhau
Ý muốn được binh trượng
Nên tâm đều có đủ.
Cầm đao gây hại nhau
Như lưới làm động nước
Như nóng giữa trưa hè
Đao nhọn nóng cũng thế.

Hoặc có kẻ khủng bố mà chẳng tự hay biết, lại có người kêu oan mà tâm sâu độc muốn hại mạng nhau, cho đó là vui, liền phát khởi tranh giành, đánh đấm, làm tổn thương nhau. Tay chân đứt lìa, đầu cổ rời xa; hoặc đâm vào thân máu chảy như suối, đao nhọn đâm vào thân đau không thể nói, chỗ bị đâm lửa trong đó từ từ vọt ra. Hoặc thân bị xô ngã, như cuồng phong thổi rụng lá cây. Có người nằm trên đất, thân nát như bụi, trong khoảnh khắc thân trở lại như cũ.

Bài tụng rằng:

Kéo tóc lại đấm đá
Lần lượt lôi kéo nhau
Tội nhân cùng xúm đánh
Khổ não không kể hết.
Lại gia tăng khủng bố
Bấy giờ lại đánh lớn
Ví như nhổ cây rừng
Xô nhau ngã cũng thế.

Bấy giờ, chỉ trong khoảnh khắc, tội nhân bình phục, gió mát bốn phía thổi tới, khiến trở lại như cũ. Quỷ giữ ngục rưới nước lên người, đã sống lại nhưng tội ác chưa hết nên khiến chẳng hết, nghe tiếng của quỷ ngục liền khởi động như trước.

Bài tụng rằng:

Lấy nước rưới trên thân
Gió mát lại thổi đến
Bấy giờ các tội nhân
Lại nghe tiếng quỷ ngục.
Tội nhân thân tan rã
Liền sống lại như cũ
Tội nghiệp tạo chưa hết
Nếu lại chịu khảo tra.

Lúc này, tội nhân trải qua sự chuyển biến ấy lại thấy nhau, liền nổi sân giận, môi miệng run lên, mắt đỏ như máu, đánh nhau như trước, ruột bao tử đều tuột ra ngoài; kết oán đến giờ, ngày tháng quá lâu, thân thể rách nát, ngã xuống máu chảy, giống như suối bẩn, thân thể bình phục, lại từ dưới đất đứng lên, hại nhau như trước.

Bài tụng rằng:

Đọa vào trong địa ngục
Khổ não chẳng thể nói
Hại nhau tạo sợ hãi
Kết quả của tội xưa.
Luôn luôn thấy là hại
Rồi sống lại như trước
Ý ác hướng đến nhau
Gây tội không dừng nghỉ.
Với người thế gian này
Ưa tạo nghiệp sát hại
Ở tại địa ngục tưởng
Thọ tội như trước gây.
Vì thế người cùng gây
Ở địa ngục lâu dài
Cùng giết nhau triền miên
Chết, sống lại như cũ.
Người ở đời phạm tội
Đọa vào địa ngục tưởng
Ví như loài cay chuối
Vừa tàn, sinh trở lại.

Nếu tội nhân đọa vào địa ngục Hắc thằng thì khi ấy quỷ ngục bắt các tội nhân đặt trên nền sắt nóng, lại cầm dây sắt và cưa sắt, lửa tự nhiên phát ra áp ngay vào thân thể tội nhân, dung cưa cưa từ đầu đến chân ra thành trăm ngàn khúc, cũng như thợ mộc cưa các tấm ván.

Bài tụng rằng:

Quỷ giữ ngục nhận lệnh của vua
Dây sắt trói thân, dùng cưa cắt
Cưa ấy, lửa đỏ cả trên dưới
Xô người ngã xuống cưa từng khúc

Quỷ giữ ngục lại dùng búa chẻ thân, rìu đục đều dùng cả. Ví như thợ mộc đẵn gỗ, hoặc làm cho bốn phía, có tám góc. Trị thân tội nhân cũng như thế.

Bài tụng rằng:
Giữ ngục, tội nhân ác gặp nhau
Búa, đục, rìu, cưa cùng dây sắt
Phanh bổ tội nhân cũng giống như
Thợ mộc khởi công dựng nhà mới.

Khi ấy, quỷ giữ ngục đốt dây sắt áp thẳng vào thân, cắt da thịt, phá thân thể, thấu đến xương tủy, xương sườn, xương sống, đùi vế, ống chân, đầu cổ, tay, chân, mỗi thứ mỗi nơi.

Bài tụng rằng:

Khảo tra trăm đau đớn
Ở tại ngục Hắc thằng
Bóc da dùng búa cắt
Bị đẽo như dựng nhà.
Các chi rời khỏi thân
Máu chảy như dòng suối
Xương thịt chia lìa nhau
Đau đớn đâu nói hết.
Quỷ ngục của diêm vương
Phá thân họ như thế
Tội lỗi nếu chưa hết
Mủ máu chảy dường ấy.

Có người bị đọa vào địa ngục Hợp hội, tội ác nặng đến nỗi, khiến tội nhân ngồi trên định sắt, đóng đinh vào đầu gối, tiếp theo đóng đinh khắp cùng thân thể, thân thể tan nát, xương thịt đều cháy, các bộ phận rã rời moi thứ một nơi. Mạng sống suýt dứt, đau chẳng thể nói. Tự nhiên có luồng gió thổi nhổ đinh ra, tội nhân bình phục như cũ, rồi lại dùng đinh đóng vào thân. Khổ não như vậy trải qua trăm ngàn vạn năm, chẳng thể kể xiết.

Bài tụng rằng:

Dùng vô số trăm ngàn đinh sắt
Từ không trung rải xuống như mưa
Làm nát thân người như mài mì
Tội xưa đến nỗi gặp ách ấy.

Kế đến mưa sắt dội xuống, và rồi chày sắt, voi đen, núi lớn đè trên thân như ép mía, như chà nho, tủy, não, mỡ, máu thịt, đồ bất tịnh đều chảy ra.

Bài tụng rằng:

Voi đen, chày sắt, núi đá lớn
Đè bẹp, dùng xe sắt cán thân
Thấy quỷ địa ngục đều khiếp sợ
Phá nát thân mình giống như mía.

Dùng bánh xe sắt ép thân hình như ép dầu mè, bỏ vào trong cối dùng chày giã.

Bài tụng rằng:

Quỷ ngục không nhân từ
Dùng xe sắt chày cối
Làm khốn khổ tội nhân
Như người ép dầu mè.

Lúc ấy, tội nhân từ xa thấy núi lớn, thấy rồi sợ hãi chạy vào trong hang rộng, hy vọng tự cứu nhưng chẳng thoát được, vừa vào hang ấy liền bảo nhau: “Núi này nhiều cây, nên dừng ở đây.” Khi đó, ai nấy đều sợ hãi, phân tán vào khoảng giữa các cây, núi tự nhiên kẹp lại mà nát thân hình.

Bài tụng rằng:

Vì chứa các tội lỗi
Vốn do mình gây ra
Khi ấy các tội nhân
Đều vào trong hang núi.
Vừa vào hang núi xong
Núi kia tự kẹp lại
Khi nát thân tội nhân
Tiếng kêu rất đau đớn.
Hại trâu, dê, nai, chim chóc
Đã không xót thương, lại giết người
Tại ngục Hợp hội khổ vô cùng
Gây hại thân người, gặt khổ thôi.

Lại từ xa thấy lửa cháy, tội nhân bảo rằng: “Đất này bằng phẳng rộng rãi, cỏ cây xanh tươi, giống như lưu ly, nên đi đến đó, mới được an ổn.” Liền đi ngược về hướng lửa, ngồi ở khoảng giữa các cây, bốn phía tức thì lửa nổi dậy vây quanh, thiêu đốt họ, đau đớn kêu khóc thảm thiết, chạy về các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc để tránh lửa, nhưng ở đâu cũng gặp lửa, chẳng thể tự cứu.

Bài tụng rằng:

Móng tóc tự nhiên dài
Sắc biến đốt đau đớn
Gió thổi thân, lưỡi khô
Thấy ngục sứ, sợ hãi.
Vô số các tội nhân
Đã bị lửa thiêu đốt
Khói xông lửa hướng họ
Như phù du vào đèn.

Lại từ xa thấy rừng cây lá sắt, bảo nhau rằng: “Rừng cây kia rất tốt, cỏ xanh, suối chảy, hãy cùng đến đó.” Vô số trăm ngàn các tội nhân đều vào trong rừng. Có người ngồi bên gốc cây, có người đứng nghỉ, có người nằm ngủ. Gió nóng bốn phía thổi đến, rừng cây lay động, lá kiếm lao xuống trên thân họ, xẻ da cắt thịt, phá xương thấu tủy, làm bị thương hông, ngực, lưng, cắt cổ chẻ đầu.

Bài tụng rằng:

Phần nhiều lầm tin, hại chúng sinh
Địa vào địa ngục tên Hữu hoạt
Gió nóng nổi quanh rơi lá sắt
Giống như nhập trận, đánh bị thương.

Bấy giờ, trong rừng cây sắt, liền tự nhiên có chim ô thước, điêu, thứu; miệng chúng như sắt, dùng máu thịt làm thức ăn, đậu trên đầu tội nhân, mổ mắt mà ăn, đập đầu hút não.

Bài tụng rằng:
Người kia ở đời trước
Lầm tin hại chúng sinh
Vì sắt rơi trên thân
Nên đứt ra từng đoạn.
Quạ, diều rất dễ sợ
Bốn phía đến mổ người
Đậu trên đầu mổ mắt
Phá não ra mà ăn.

Khi ấy, trong đại địa ngục Thiết diệp, tự nhiên sinh ra loại chó, có con đen thui, hoặc có con trắng, chạy đến muốn cắn tội nhân, tội nhân khóc la thảm thiết, lánh đi để trốn. Hoặc có kẻ chạy tứ tản, hoặc quá sợ đứng khựng, chó đuổi kịp liền bắt tội nhân cắn đứt đầu uống máu, kế đến ăn thịt hút tủy.

Bài tụng rằng:

Há mồm, răng trắng hếu
Sủa, kêu tiếng dễ sợ
Thè lưỡi và liếm môi
Cưỡng bức làm hại người.
Dùng dao cắt thân hình
Thức ăn của chim thú
Khổ độc thấy thảm não
Mãi lầm tin giết hại.

Tội nhân bị chó cắn, bị chim, quạ hại, sợ hãi vội vàng bỏ chạy. Lại thấy con đường lớn rẻ ra tám ngã, đều là đao bén, trong lòng tự nhủ: “Cỏ xanh tươi tốt, có biết bao cây cối, nên chạy đến đó, rồi chạy trên đao bén bị cắt đứt bàn chân, máu chảy ròng ròng.” Bài tụng rằng:

Người ấy thọ kinh luật
Phá hư cầu chánh pháp
Thấy có kẻ theo giới
Lại cưỡng dạy phạm giới.
Xua người vào đường dài
Đao nhọn cắt chân họ
Dưới chân đều bị thương
Đau đớn chẳng tự tại.

Bấy giờ, xa thấy những cây gai nhọn, cao bốn mươi dặm, mũi nhọn dài thước sáu, đầu mũi nhọn ấy tự nhiên phát hỏa, tội nhân nghĩ: “Kia là những cây đẹp, đủ các loại hoa quả.” Rồi cùng đi đến khoảng giữa các cây sắt.

Bài tụng rằng:

Xa thấy cây là sắt
Cành nhánh rất là cao
Đầu bén nhọn như cưa
Chĩa lên hoặc đâm xuống.
Những tội nhân vừa thấy
Cho đó là trái cây
Kết quả tội đời trước
Tai ương phải gánh chịu

Lúc này, có La-sát, tướng mạo đáng sợ, móng tóc đều dài, y phục dơ dáy, trên đầu lửa bốc, cầm binh trượng đến đánh tội nhân, sai khiến tội nhân trên cây, họ sợ hãi, lệ tuôn ràn rụa, đều tuân phục theo lời sai khiến. Những mũi nhọn đâm xuống đều xuyên suốt thân họ, gây thương tích nơi thân thể, máu chảy ròng ròng.

Bài tụng rằng:

Hình lớn sắt như tro
Hung tợn mắt trợn trừng
Chủ ngục sai cầm gậy
Đánh đập những người này.
Đời trước chứa tội ác
Mê đắm thói tà dâm
Tự nói nghiệp của ta
Đấm vào thân, chảy máu.

Khi đó, tội nhân bị quỷ giữ ngục bắn tên đến như mưa, gào khóc thảm thiết, kêu vang xin xuống, mũi nhọn lại đâm ngược lên, xuyên suốt thân thể như nướng thịt, lại kêu xin trở lên, tội nhân chắp tay cùng van xin tha thiết, kính lễ quỷ ác, xin xét tha tội.

Bài tụng rằng:

Từ trên cây nhọn rơi xuống rồi
Ngục vương, quỷ ngục đâm ngược lên
Bị tên bắn trúng, nên chắp tay
Cầu xin thương xót, mong tha tội.

Quỷ giữ ngục nghe thấy cầu xin càng thêm sân giận, lại đánh đâm nữa, làm cho khắp thân thể tội nhân đều bị thương, khóc lóc kêu la như trước.

Bài tụng rằng:

Ngục vương, quỷ ngục lại đánh, đâm
Cầu xin muốn thoát, quỷ thêm giận
Khi ấy mũi nhọn đâm cùng khắp
Ra lệnh trở lên, lại như cũ.

Ở bên cây sắt kia có hai cái nồi rất lớn, giống như núi lớn. Quỷ giữ ngục liền bắt người phạm tội bỏ vào trong nồi, nước sôi đảo lên xuống, ví như trong nồi lớn có ở thế gian, đun loại đậu nhỏ, nước sôi đảo lên xuống. Người ở trong vạc nước sôi như trải qua ngàn vạn ức năm bị khảo đánh đau đớn.

Bài tụng rằng:

Dù được làm quốc trưởng
Điều khiển cả vạn dân
Nhưng đến cõi địa ngục
Bị khảo trăm ức năm.
Đọa vào vạc nước sôi
Ở trong nồi bị nấu
Dùng lửa thiêu, nấu đốt
Ví như nấu đậu vậy.

Từ trong nồi sắt thoát ra, từ xa thấy dòng sông, truyền miệng nhau rằng: “Sông kia mênh mông nhưng có oai thần, sóng nước nổi dậy, các loại hoa trôi xuôi dòng, hai bên bờ mọc cây, lá cây xanh tươi, bóng rợp dòng sông, long sông toàn cát, nước sông trong mát hãy đến uống nước, tắm rửa giải lao.” Hai bên sông mọc gai góc nhưng tội nhân chẳng nhìn kỹ nhảy vào dòng sông kia đều là tro sôi.

Bài tụng rằng:

Kẻ kia đời trước hại thủy trùng
Máu thịt đều rơi, còn xương não
Vốn tưởng nước mát, lại tro sôi
Từ sâu, nước sôi vọt trào lên.

Tội nhân đọa ở địa ngục Tro sôi, tóc, lông, móng, răng, xương, thịt đều trôi giạt đi nơi khác; xương mình gân buộc theo dòng trôi lên hoặc xuống. Vừa muốn cầu ra khỏi, quỷ giữ ngục liền móc nằm xuống nền đất nóng. Gió nổi lên thổi, thân thể lại như cũ. Quỷ ngục hỏi: “Các ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu? Tội nhân đáp: “Chẳng rõ chỗ đi và đến. Kể từ bao nhiêu trăm ngàn ức năm, đói chẳng được ăn, vì vậy rất đói khát.” Quỷ giữ ngục, lấy móc sắt móc miệng há ra, dùng viên sắt đỏ và dùng nước đồng sôi rót vào trong miệng, thiêu đốt yết hầu tội nhân, năm tạng trong bụng đều cháy, ruột bao tử liền tuột xuống, quá đau đớn chẳng thể nói. Tội ác quá khứ chưa hết, cho nên chẳng chết. Cách sông chẳng xa, có hai địa ngục, một tên là Khiếu hoán, hai tên là Đại khiếu hoán, dùng sắt làm thành, lầu gác trăm thước, bờ tường kiên cố, dùng toàn dây sắt rào bên trên. Tội nhân bảo nhau: “Thành này lớn, đẹp, hãy cùng đến xem.” Vừa vào bên trong, tâm tự nghĩ: “Đã thoát tai nạn khủng khiếp, không còn bị não hại, vui vẻ mừng rỡ, hoan hô!” Hoặc có người áp mặt xuống đất, có người nằm ngửa, có người phành bụng ngủ nghỉ, gương mặt âu lo. Từ ngoài bốn bức tường, tự nhiên có lửa, đốt các lầu gác, bờ tường, dây sat và cửa đều bùng cháy. Trong thành ngập lửa, thiêu thân tội nhân, lần lượt đều bị. Cũng như mồi đuốc, giống như điện chớp, cũng như lửa lan, đốt thân đau đớn. Ví như tên lửa bắn voi, kêu gào khổ đau không thể nói, lâu hàng trăm năm cửa Đông mới mở. Vô số trăm ngàn tội nhân đều chạy đến cửa đó, vừa đến nơi thì cửa liền đóng, xô nhau ngã xuống đất như cây lớn ngã, đè bẹp lên nhau giống như đống củi. Tội ác quá khứ chưa hết nên chưa chết được.

Bài tụng rằng:

Đến địa ngục sợ hãi kêu gào
Cầu cứu hộ cho nên đến đó
Như đống củi lớn dùng lửa đốt
Tội nhân dồn đống thiêu cũng vậy.
Thiêu đau đớn như thế
Kêu gào chạy tứ tản
Luôn sợ quỷ giữ ngục
Khủng bố nên sợ sệt.
Nếu nghe lệnh truyền đạt
Kháng cự chẳng chịu theo
Nhốt ở ngục Khiếu hoán
Tội ác chịu đớn đau.
Chịu vô số khổ đau khốc liệt
Bị lửa thiêu đốt rất nguy khốn
Vô lượng khổ não chẳng thể nói
Tội nhân kêu la rồi gào thét.

Tội nhân thoát khỏi ngục Khiếu hoán, tiếp vào đại địa ngục A-tỳ. Quỷ giữ ngục ngay tức khắc bắt lấy các tội nhân, dùng năm loại hình độc để trị. Căng than thể như là căng da trâu, dùng đinh sắt lớn đóng vào tay, chân và đóng vào tim, lôi lưỡi ra dùng trăm cây đinh đóng vào. Lại lóc da từ chân đến đầu.

Bài tụng rằng:

Căng thân như da trâu
Dùng đinh sắt đóng vào
Kết quả tội lưỡng thiệt
Đinh sắt hủy hoại lưỡi.
Lóc da kéo trên đất
Giống như đuôi sư tử
Như thế mà thọ khổ
Tính đếm chẳng thể lường.

Khi ấy quỷ giữ ngục bắt lấy tội nhân buộc vào xe sắt. Quỷ giữ ngục cỡi xe, dùng dàm cáng miệng, tay trái điều khiển xe, tay phải cầm gậy đánh vào tội nhân, khiến chạy khắp Đông, Tây, Nam, Bắc. Tội nhân kéo xe mệt như thè lưỡi, bị gậy đánh thân, phá hủy chi thể, bị mửa ra máu, lê lết bị thương nơi ngực.

Bài tụng rằng:

Tội nhân bị buộc vào xe sắt
Quỷ ngục đuổi đi chạy khắp nơi
Bị đánh vào thân mửa ra máu
Như ngựa chiến đấu bị mâu đâm.
Không có lòng tin, khinh người hiền
Như phạm tội ác là đúng lẽ
Tội nặng dẫn vào ngục A-tỳ
Nhận chịu vô số các khổ độc.

Tại địa ngục A-tỳ, tự nhiên lửa than ngập tới đầu gối tội nhân, lửa ấy lan rộng không có giới hạn. Bấy giờ, tội nhân khởi tà niệm: “Trở lại con đường ngoằn ngoèo gọi là chỗ tốt.” Liền vào trong lửa bị thiêu đốt thịt da và gân, huyết, mạch. Vừa giở chân trở lại, bình phục như cũ.

Bài tụng rằng:

Khi lửa than cháy đến đầu gối
Đã lan rộng rồi gió lại thổi
Tội nhân đi đứng thiêu đốt da
Bỏ chánh theo tà tội như thế.

Được rời khỏi ngục này, đi chẳng bao xa có địa ngục phân sôi, rộng dài vô cùng, đáy nó rất sâu, tội nhân thấy nó bảo là ao tắm, truyền miệng nói với nhau: “Kia có ao tắm, trong ao có hoa sen xanh năm sắc. Nên cùng nhau đến đó tắm rửa, uống nước giải khát.” Tất cả đều nhảy vào ao, chìm lỉm đến đáy. Nơi ấy có các loài trùng, miệng như kim sắt, dùng thịt làm thức ăn, đục khoét thân tội nhân, phá hoại da thịt, từ chân đục thủng đến đỉnh đầu; mắt, tai, mũi, miệng đều có trùng bò ra. Vì tội xưa chưa hết, nên chẳng chết.

Bài tụng rằng:
Quả tội đã đến chịu đau đớn
Bấy giờ tội nhân ngục A-tỳ
Đau khổ kêu gào lòng ảo não
Nọc thẳng thân ra, đinh đóng vào.
Phân sôi mùi bất tịnh
Dài rộng không bờ bến
Xương sâu ở trong đó
Đáy của nó rất sâu.
Phạm toàn là tội ác
Đọa ngục Diêm vương này
Các bọn tội nhân ấy
Trùng miệng nhọn gặm thân.
Ở ngục than đỏ và A-tỳ
Cùng tất cả tội trong phân sôi
Rơi vào dòng sông tội phát khởi
Tội xưa đã đến nên chẳng chết.

Nơi ấy, có hai ngục tên là Thiêu chích và Bổ chử. Lúc đó, quỷ giữ ngục bắt các tội nhân chặt ra từng khúc bỏ trên lò sấy dùng lửa mà rang, lại úp trên sàng sắt rồi dùng lửa nướng.

Bài tụng rằng:

Đã đến chốn đại khổ
Nơi thiêu nướng, đốt, chưng
Trong tội lỗi, tai ương
Mới biết hành ác xưa.
Dùng dao cắt từng khúc
Hủy hoại thành vô số
Dùng sàng sắt thiêu nướng
Bỏ chảo sấy, sấy khô.
Nơi Thiêu chích, Bổ chử
Hành tội thật đáng sợ
Vô số người bị hại
Như đầu bếp bằm thịt.
Nếu hãm hại người hiền
Đâm đầu vào lửa dữ
Kẻ phạm giới, hủy pháp
Voi lớn thấy giẫm đạp.
Làm người tánh hung hãn
Thường ưa hại chúng sinh
Ăn uống không chọn lựa
Sinh làm quỷ giữ ngục.

Người tu hành tâm tự nghĩ: Thân ta sẽ không giống như thế. Đọa vào ngục tám tội và mười sáu bộ. Lại vô số đời trước của ta đến nay đã từng ở cõi ác này. Giả sử chẳng thể đạt Thánh đạo rốt ráo thì sẽ trở lại vào trong ấy. Ví như có người phạm tội phản nghịch, nhà vua sai cận thần vào buổi sáng sớm dùng mâu đâm một trăm mũi, buổi trưa đâm một trăm mũi, gần tối đâm một trăm mũi. Người kia trong một ngày bị ba trăm mũi, thân thể đều bị thương tích, không còn chỗ nào lành lặn. Cơ thể đau nhức, khổ não thật chẳng kể xiết. Tuy có sự đau đớn này nhưng so với nỗi khổ của địa ngục, gấp trăm ngàn vạn ức số lần, chẳng thể ví dụ được. Nỗi đau đớn của địa ngục, hết sức khổ não như vậy.

Bài tụng rằng:

Tự phạm các ác dẫn đến đây
Bị khảo đớn đau mà chán ghét
Thấy khổ não này nên nghĩ kỹ
Thường siêng tinh tấn, mau thành đạo.

Người tu hành lập chí tu học như vậy, nên trừ cái tâm bám vào sự vui thích. Nếu ý chí lơi lỏng thì phải tự kiềm chế. Cũng như người cỡi xe điều khiển xe chạy.

Bài tụng rằng:

Giống như đốt lửa than
Chưa từng có dừng nghỉ
Thường gặp khổ thống ấy
Ngày đêm hại vô lượng.
Dùng các mâu kích nhọn
Bị đâm đau trăm lần
So các não hại này
Khổ ngục triệu lần hơn.

Người tu hành tâm tự nghĩ: Thân ta nay chưa thoát khỏi họa hoạn này, chẳng nên vui thích. Tự chế như vậy, chẳng thể vui đùa nữa. Nếu người lập chí như thế, thì có thể tinh chuyên tu hành, thâm nhập pháp thiện. Hành giả bấy giờ mới run sợ, sớm tối chẳng trái pháp ấy.

Bài tụng rằng:

Thấy suy hao như thế
Như trái cây tự hư
Quán xét tội trần lao
Dồn chứa như Thái sơn.
Bị khổ trược uế ấy
Người phạm đọa cõi ác
Chuyên tịnh việc tu hành
Bỏ vui chơi đùa giỡn.
Quán cõi ác tối tăm khổ não
Pháp kinh Phật sáng như mặt trời
Vì chán các hoạn nên mới giảng
Chép sao kinh điển trừ khinh mạn.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7