CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TÙY Ý SỰ

Hán dịch: Đường Tam Tạng Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt an cư ba tháng mùa mưa, lúc đó có nhiều Bí-sô an cư nơi khác cùng lập quy chế như sau: “Các cụ thọ, trong ba tháng an cư chúng ta không nên nói việc phá giới, phá kiến, phá oai nghi, phá chánh mạng… Nếu thấy cỏ trong nhà xí thiếu và bình quân trì không có nước thì nên lấy cỏ và đổ nước cho đầy. Nếu một mình làm không được thì vẩy tay gọi bạn đến giúp”, lập chế xong ai nấy đều trở về phòng của mình, cứ như thế không cùng nói chuyện suốt trong ba tháng an cư. Mãn an cư, các Bí-sô này đắp y mang bát tuần tự du hành đến thành Thất-la-phiệt để yết kiến Thế tôn, đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên. Thường pháp của chư Phật là thăm hỏi khách Bí-sô từ đâu đến, đi đường có an lạc không và an cư ở đâu, các Bí-sô này đáp: “Chúng con an cư ở Thiền na bát đa xong thì đến đây, nơi đó an cư được an lạc, khất thực dễ được, nhưng trong ba tháng an cư chúng con cùng lập quy chế … giống như đoạn văn trên”, Phật bảo các Bí-sô: “Các thầy ngu si không có một người trí, tại sao lại lập ra quy chế phi pháp này, suốt trong ba tháng không cùng nói chuyện khác nào kẻ thù ở chung ăn chung với nhau thật là khổ, sao lại nói là được an lạc trụ. Đây là pháp ngoại đạo, là pháp ngu si, không phải là pháp xuất yếu. Từ nay trở đi, nếu làm pháp câm như thế thì phạm tội Việt pháp. Nếu Bí-sô an cư xong nên thỉnh nói ba việc: Thấy, nghe, nghi để tác pháp Tùy ý”. Lúc đó các Bí-sô không biết thỉnh nói như thế nào, Phật nói: “Trước ngày tác pháp Tùy ý khoảng bảy ngày, các Bí-sô cựu trụ đến các thôn xóm lân cận thông báo cho các Bí-sô già trẻ và những người chưa thọ cận viên biế để cùng góp phần vào việc cúng dường. Đến ngày mười bốn tháng tám, các Bí-sô nên sắp đặt việc cúng dường và trang hoàng nơi Phật điện, bên tháp treo cờ phướn, quét dọn sạch sẽ… Sáng ngày mười lăm đến giờ tác pháp Tùy ý, Tăng nên sai một vị có đủ năm đức làm người thọ Tùy ý cho Tăng, hoặc hai, ba hay nhiều người nhưng phải là người có đủ năm đức: không thương, không giận, không sợ, không si, khéo hay phân biệt các việc tùy ý. Nếu trái với năm đức trên thì không được sai, nếu trước đó chúng tăng chưa hòa hợp thì phải làm cho hòa hợp; nếu đã hòa hợp thì phải làm cho được an lạc trụ. Nên sai như sau: Trải tòa, đánh kiền chùy tập Tăng, Tăng nhóm xong trước nên hỏi vị đủ năm đức: Thầy có thể làm người thọ tùy ý cho tăng già thỉnh nói ba việc thấy nghe nghi để tác pháp tùy ý không? Nếu đáp là có thể thì tăng nên sai một Bí-sô tác bạch yết ma sai như sau:

Đại đức Tăng già lắng nghe, Bí-sô tên ___ nay làm người thọ Tùy ý cho tăng già hạ an cư. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay sai Bí-sô tên ___ làm người thọ Tùy ý cho tăng già hạ an cư. Bạch như thế.

Đại đức Tăng già lắng nghe, Bí-sô tên ___ nay làm người thọ tùy ý cho Tăng già hạ an cư. Tăng nay sai Bí-sô tên ___làm người thọ tùy ý, Bí-sô này tên ___ sẽ làm người thọ tùy ý cho Tăng già hạ an cư. Nếu các cụ thọ nào chấp thuận Bí-sô tên ___ làm người thọ Tùy ý cho Tăng già hạ an cư thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Tăng già đã chấp thuận Bí-sô tên ___ làm người thọ Tùy ý cho tăng già hạ an cư xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Này các Bí-sô, nay ta chế hành pháp cho Bí-sô thọ Tùy ý như sau: Nếu chỉ có một người thọ Tùy ý thì từ Thượng tọa cho đến hạ tòa đều phải làm Tùy ý; nếu là hai người thọ Tùy ý thì một người thọ Tùy ý từ Thượng tòa, một người thọ tùy tùy từ nửa số chúng còn lại cho đến người cuối cùng; nếu là ba người thọ tùy ý thì nên bố trí ba chỗ ngồi và chuẩn theo như trên mà làm Tùy ý. Thượng tòa lúc đó nên tác bạch:

Đại đức Tăng già lắng nghe, hôm nay ngày mười lăm Tăng già tác pháp Tùy ý. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay tác pháp Tùy ý, bạch như vậy.

Lúc đó từ Thượng tòa cho đến hạ tòa đều đến trước Bí-sô thọ Tù ý làm Tùy ý như sau: Cụ thọ nhớ nghĩ, hôm nay ngày mười lăm Tăng già làm tùy ý, tôi Bí-sô tên ___ cũng làm Tùy ý. Tôi Bí-sô tên ___ ở trong Tăng đối trước Cụ thọ thỉnh nói ba việc thấy nghe nghi để làm tùy ý. Đại đức tăng già nên nhiếp thọ chỉ bảo cho tôi, xin thương xót làm lợi ích cho tôi, nếu tôi thấy biết có tội, tôi sẽ như luật sám hối. (3 lần).

Bí-sô thọ tùy ý nói: Áo-tỉ-ca (thiện).

Bí-sô làm tùy ý nói: Sa độ (nhĩ).

Cứ như thế cho đến vị hạ tòa, Bí-sô thọ tùy ý nếu là hai, ba người thì nên đối nhau tác pháp, nếu là một người thì nên tâm niệm tác pháp. Bí-sô tác pháp xong, kế đến Bí-sô ni từng người đến tác pháp cũng giống như Bí-sô. Sau đó là Thức-xoa-ma-na, Cầu-tịch, Cầu-tịch nữ cũng tác pháp giống như trên. Tác pháp xong, Bí-sô thọ Tùy ý đến trước vị Thượng tòa bạch: hai bộ tăng già đã làm tùy ý xong. Lúc đó hai bộ tăng già cùng xướng: Lành thay, đã tác pháp tùy ý xong. Nếu cùng xướng lên như thế thì tốt, nếu không xướng thì phạm Ác-tác.

Bí-sô thọ Tùy ý cầm dao nhỏ hoặc kim chỉ hoặc các tư cụ tạp vật của Sa môn ở trước Thượng tòa bạch: “Đại đức, các vật thí này có nên trao cho người đã an cư xong làm vật thí Tùy ý không? Nếu trú xứ này được các lợi vật khác, Tăng già nên hòa hợp chia hay không?”, đại chúng cùng đáp nên chia. Nếu làm khác thì Bí-sô thọ Tùy ý và đại chúng đều phạm tội Việt pháp. Lúc đó cụ thọ Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, có mấy cách tác pháp Tùy ý?”, Phật nói: “Có bốn cách: Một là Phi pháp biệt chúng, hai là Phi pháp hòa hợp, ba là Như pháp không hòa hợp, bốn là Như pháp hòa hợp. Trong bốn cách này thì Như pháp hòa hợp là thiện”.

Vào ngày mười lăm tác pháp Tùy ý, Phật ngồi trong Tăng bảo các Bí-sô: “Phần đêm đã qua, vì sao không tác pháp tùy ý”, lúc đó có Bí-sô ở trong chúng đứng dậy sửa y phục chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, tại phòng số ___ có Bí-sô cựu trụ bịnh nặng rất đau đớn nên không thể đến nhóm họp được, chúng con không biết phải làm sao”, Phật nói: “Nên lấy dục Tùy ý đến”, các Bí-sô không biết lấy dục Tùy ý như thế nào, Phật nói: “Một người có thể lấy dục của một người hoặc hai, ba cho đến nhiều người. Nên đến chỗ Bí-sô bịnh, Bí-sô bịnh nên ngồi dậy chắp tay gởi dục như pháp gởi dục Trưởng tịnh: Cụ thọ nhớ nghĩ, hôm nay ngày mười lăm Tăng già tác pháp Tùy ý. Tôi Bí-sô tên ___ vào ngày mười lăm cũng tác pháp Tùy ý. Tôi Bí-sô tên ___ tự nói không có các chướng pháp, vì bịnh nên Tăng sự như pháp xin gởi dục. Những lời này xin ở trong tăng nói lại giùm. (3 lần). Nếu gởi dục được như vậy thì tốt, nếu người bịnh không thể nói được thì nên dùng thân biểu nghiệp, cũng thành gởi dục. Nếu không nói được cũng không biểu hiện bằng thân nghiệp được thì Tăng nên đến chỗ người bịnh. Nếu người bịnh không đến được, chúng tăng cũng không đến chỗ người bịnh mà riêng tác pháp tùy ý thì tác pháp không thành, phạm tội Việt pháp. Nay ta nói về hành pháp của Bí-sô nhận dục… cũng giống như trong trong pháp Trưởng tịnh đã nói rõ. Bí-sô mang dục đến trong tăng nói, nếu không thể thì nên nói cho người ngồi gần cũng được, nên nói như sau: Cụ thọ nhớ nghĩ, ở tại phòng số ___ có Bí-sô tên ___ bịnh. Hôm nay ngày mười lăm Tăng già tác pháp Tùy ý, Bí-sô bịnh tên ___ ngày mười lăm cũng tác pháp Tùy ý. Bí-sô bịnh tự nói không có các chướng pháp, vì bịnh nên tăng sự như pháp xin gởi dục. Nếu không làm theo như trên thì phạm tội Việt pháp.”Lúc đó Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, nếu nhận dục tùy ý xong, giữa đường bị mạng nạn thì có thành nhận dục hay không?”, Phật nói không thành … giống như trong pháp trưởng tịnh đã nói rõ. Ưu-ba-ly bạch Phật: “Nếu trú xứ chỉ có một Bí-sô thì Bí-sô này nên tác pháp tùy ý như thế nào?”, Phật nói: “Nên ở trong trú xứ quét dọn sạch sẽ… sau đó lên chỗ cao ngóng nhìn bốn hướng xem có Bí-sô nào đến hay không, nếu có và biết họ thanh tịnh thì nên gọi đến để cùng tác pháp, nên đối trước Bí-sô khác đối thú tác pháp Tùy ý như sau: Cụ thọ nhớ nghĩ, hôm nay ngày mười lăm là ngày Tùy ý, tôi Bí-sô tên cũng vào ngày mười lăm tác Tùy ý. Nếu sau này gặp chúng tăng hòa hợp sẽ cùng chúng hòa hợp kia như pháp Tùy ý (3 lần). Trường hợp Tăng đủ túc sô nhưng lại có nhiều người ngu si vô trí thì tác pháp tùy ý cũng không thành, phải đợi có Bí-sô thiện đến mới cùng làm tùy ý. Trường hợp đợi không có ai đến thì được tâm niệm tùy ý, nên tâm nghĩ miêng nói như sau: Hôm nay ngày mười lăm là ngày Tùy ý, tôi Bí-sô tên ___ vào ngày mười lăm cũng tác pháp tâm niệm tùy ý, nếu sau này có chúng tăng như pháp sẽ cùng làm Tùy ý (3 lần). Trường hợp hai, ba Bí-sô ở chung cũng nên đối thú tác pháp như vậy; nếu đủ túc sô bốn vị cũng đối thú tác pháp tùy ý, không được sai người thọ tùy ý; nếu Tăng đủ túc số năm vị mới được làm Chúng pháp đối thú, khi tác pháp Tùy ý nếu có người bịnh nên đưa vào trong chúng, không nên lấy dục; nếu túc số Tăng sáu vị trở lên khi tác pháp Tùy ý nếu có người bịnh được lấy dục đến”.

Có ba trường hợp:

1. Một như pháp chỉ trụ tùy ý, một phi pháp: Nghĩa là trường hợp khai cho nói một lần Tùy ý liền dừng là như pháp.

2. Ba như pháp, một phi pháp: Nghĩa là trường hợp phải nói đủ ba lần Tùy ý mới như pháp, nếu chỉ nói một lần là phi pháp.

3. Năm như pháp, một phi pháp: Nghĩa là có năm trường hợp nói tùy ý như pháp hoặc khai cho nói một lần, hoặc nói đủ ba lần, hoặc đồng thời đối thuyết một lần, hoặc đồng thời đối thuyết ba lần hoặc tâm niệm Tùy ý. Trường hợp khai cho nói một lần là:

1. Vào ngày mười lăm các Bí-sô tập họp lại một nơi muốn tác pháp tùy ý nhưng trong chúng có nhiều người bịnh nặng, sợ các Bí-sô bịnh không thể ngồi lâu, do nhân duyên này Phật khai cho nói Tùy ý một lần.

2. Vào ngày tác pháp Tùy ý bỗng gặp trời mưa lớn hoặc trời sắp mưa, các Bí-sô suy nghĩ: “Nếu nói ba lần tùy ý sợ mưa lớn làm ướt hết ngọa cụ”, do nhân duyên này Phật khai cho nói Tùy ý một lần.

3. Vào ngày tác pháp tùy ý bỗng có vua đến cùng với quyến thuộc hoặc đại thần cùng với thuộc hạ đến, hoặc người trong thành tập họp đến đem y thực cúng dường Bí-sô tăng già và yêu cầu Tăng già chú nguyện nên Tăng già mõi mệt sợ không thể nói Tùy ý ba lần, do nhân duyên này Phật khai cho nói Tùy ý một lần.

4. Vào ngày Tùy ý, do các Bí-sô thông hiểu Tô-đát-la, Tỳ-nại-da, Ma-đát-lý-ca suốt đêm tụng kinh thuyết pháp đều mõi mệt, sợ không thể nói Tùy ý ba lần, do nhân duyên này Phật khai cho nói Tùy ý một lần.

5. Vào ngày Tùy ý, do có bốn tránh sanh khởi, vị Bí-sô thông hiểu ba tạng phải quyết đoán tội để Diệt-tránh rất mõi mệt, sợ không thể thọ Tùy ý nghe nói ba lần, do nhân duyên này Phật khai cho nói Tùy ý một lần.

6. Vào ngày Tùy ý, do vua tức giận nên ra lịnh bốn bịnh đến trú xứ bắt trói các Sa môn Thích tử hoặc bắt đi chăn voi chăn ngựa hoặc bắt phải lao dịch…, các Bí-sô sợ nói Tùy ý ba lần vua sẽ giận trách gây bất lợi cho Tăng, do nhân duyên này Phật khai cho nói Tùy ý một lần.

7. Vào ngày Tùy y bỗng có giặc cướp kéo đến hoặc phá thành ấp hoặc giết hại bò dê, hoặc giết người cướp của… các việc phi pháp, các Bí-sô sợ nói Tùy ý ba lần giặc cướp sẽ gây bất lợi cho Tăng hoặc đoạt y bát hoặc giết, do nhân duyên này Phật khai cho nói Tùy ý một lần.

8. Vào ngày Tùy ý, nếu trong trú xứ có Bí-sô già không hiểu biết khạc nhổ nhiều hoặc có các nữ nhân từ xa đến không tin quỷ thần khiến các quỷ thần nổi giận, các Bí-sô sợ nói Tùy ý ba lần các quỷ thần sẽ làm điều bất lợi cho Tăng, do nhân duyên này Phật khai cho nói Tùy ý một lần.

9. Vào ngày Tùy ý nếu các Bí-sô làm tăng phòng ở nơi có thú dữ hoặc có bà già và các người nữ vô tri không sạch sẽ, các Bí-sô lại đại tiểu tiện phi pháp… khiến các quỷ thần nổi giận sai khiến thú dữ đến gây tổn hại cho các Bí-sô, các Bí-sô sợ nói Tùy ý ba lần sẽ gặp mạng nạn, do nhân duyên này Phật khai cho nói Tùy ý một lần.

1. Trường hợp Bí-sô ở gần trú xứ của rồng đã khạc nhổ, đại tiểu tiện… làm ô uế khiến cho rồng tức giận phun độc làm thương tổn cho các Bí-sô, các Bí-sô sợ nói Tùy ý ba lần sẽ bị mạng nạn, do nhân duyên này Phật khai cho nói Tùy ý một lần hoặc đối thuyết một lần.

2. Trường hợp Bí-sô ở gần nhà thế tục, lúc Bí-sô muốn tác pháp tùy ý thì nhà thế tục bỗng phát hỏa cháy lan tới Tăng phường, các Bí-sô sợ nói Tùy ý ba lần sẽ gặp mạng nạn hay bị cháy, do nhân duyên này Phật khai cho nói Tùy ý một lần hoặc đồng thời đối thuyết.

3. Trường hợp trú xứ tăng ở gần khe núi, vào ngày tùy ý trời bỗng mưa lớn, nước ngập lụt khắp nơi tràn tới Tăng phường, các Bí-sô sợ nói Tùy ý ba lần sẽ bị mạng nạn, do nhân duyên này Phật khai cho nói Tùy ý một lần hoặc đồng thời đối thuyết.

Nếu trú xứ Tăng ở nơi đồng trống xa vắng, bỗng có nạn khủng bố khởi lên sợ tổn hại đến thân mạng, các Bí-sô nói với nhau: “Hôm nay ngày mười lăm làm Tùy ý nhưng chúng ta gặp nạn gấp bức bách không làm Tùy ý được, nên dời đi nơi khác, sau này sẽ như pháp làm Tùy ý”, Phật nói: “Nếu có nhân duyên như vậy, đồng thời di tản đều không phạm.”

Lúc đó Ưu-ba-ly bạch Phật: “Nếu có số đông Bí-sô cùng nhau an cư, chưa mãn an cư lại muốn cùng nhau đi đến chỗ khác thì có được làm Tùy ý trước hay không?”, Phật nói: “Không được, nếu Bí-sô kia nói: Nay tôi tạm ngừng Tùy ý đi đền chỗ khác sẽ làm Tùy ý; các Bí-sô nên nói: Chúng ta an cư ở đây, không nên ngừng Tùy ý hay đến nơi khác làm Tùy ý. Phật chế chúng ta như pháp an cư mãn rồi phải như pháp thanh tịnh Tùy ý”. Ưu-ba-ly bạch Phật: “Nếu Bí-sô nói: Tôi có duyên sự phải đi, hãy cho tôi tạm ngừng tùy ý hoặc cho tôi làm tùy ý để tôi làm xong việc đó, thì có được không?”, Phật nói: “Việc này không thành Tùy ý, các Bí-sô nên nói với vị kia: Chúng ta không nên tạm ngừng tùy ý hay đối nhau làm Tùy ý, phải đợi an cư xong. Phật chế chúng ta an cư xong mới như pháp thanh tịnh Tùy ý, không cho phép chúng ta không như pháp Tùy ý. Này Ưu-ba-ly, nếu người nào không hành theo đúng như trên hoặc làm phi pháp thì phạm Ác-tác”.

Đến ngày mười lăm làm Tùy ý, nếu Bí-sô bỗng bị vua hay đại thần bắt giữ hoặc bị giặc cướp hay oán thù bắt giữ, các Bí-sô nên xin phép họ tạm thả Bí-sô về để cùng làm Tùy ý. Họ chịu thả thì tốt, nếu không chịu thả thì tăng nên kết tiểu giới làm Tùy ý. Bí-sô bị bắt kia sau khi được thả về sẽ làm Tùy ý lại, nếu không làm đúng như thế thì như Phật nói phạm tội Việt pháp. Đến ngày Tùy ý, nếu Bí-sô nhớ biết có tội phải ở chỗ khuất đối trước Bí-sô sám hối rồi mới được cùng làm tùy ý. Nếu không thuyết tội mà cùng làm tùy ý thì không thành Tùy ý giống như trong pháp Trưởng tịnh và trong thập sự đã nói rõ.

Đến ngày Tùy ý, nếu Bí-sô nhớ biết có tội muốn phát lồ sám hối, nếu là tội Ba-la-thị-ca thì đại chúng nên tẫn xuất rồi mới làm Tùy ý. Nếu là tội Tăng-già-phạt-thi-sa thì tạm gát tội này lại, đợi làm Tùy ý rồi sẽ trị tội; nếu phạm tội Ba-dật-để-ca, Ba-la-đề-Đề-xá-ni, Đột-sắc-ngậtlý-đa thì phải thuyết hối trước rồi mới cùng làm Tùy ý.

Đến ngày Tùy ý, nếu Bí-sô đối với tội Tha-thắng có nghi, không biết có phạm tội Tha-thắng hay không; nếu là tội Tha-thắng bất cọng trụ thì không còn là Bí-sô, nếu không phải là tội Tha-thắng thì tạm gát lại để làm Tùy ý trước.

Khi làm Tùy ý, Bí-sô thuyết tội thì nên cho thuyết tội trước rồi mới làm tùy ý; nếu có yết ma xuất tội thì nên yết ma trước rồi mới làm Tùy ý.

Khi làm Tùy ý, nếu có Bí-sô cử tội Bí-sô khác là có phạm tội, Bísô cử tội này nếu có thân khẩu ý bất thiện thì các Bí-sô nên nói: Hãy làm tùy ý. Nếu Bí-sô cử tội này tuy thân thiện nhưng khẩu bất thiện thì không nên nghe lời của vị ấy, nên cùng làm Tùy ý. Nếu Bí-sô cử tội này tuy khẩu thiện nhưng thân bất thiện cũng giống như trên; nếu thân khẩu đều thiện nhưng không thông hiểu ba tạng, cũng không nên nghe lời của người ấy nói, nên cùng làm tùy ý. Nếu Bí-sô cử tội này thân khẩu đều thiện, tuy có học ba tạng nhưng không hiểu nghĩa sâu mầu, cũng không hiểu rõ sự việc; các Bí-sô nên nói với vị ấy rằng: “Hãy quan sát kỹ sau mới cùng chúng tôi như pháp trừ tội, nay nên làm Tùy ý”.

Khi làm Tùy ý, nếu có Bí-sô thân khẩu đều thiện, lại học thông ba tạng, hiểu nghĩa sâu và hiểu rõ sự việc, nhưng tâm bị mê loạn, pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là pháp, đúng nói là sai, Tỳ-nại-da nói là không phải Tỳ-nại-da. Không phải Tỳ-nại-da nói là Tỳ-nại-da, đến trong Tăng ngăn Tùy ý thì các Bí-sô nên hỏi: “Trong chúng này ai có phạm tội, là tội gì? Tha-thắng hay Tăng-già-phạt-thi-sa hay Ba-dật-đểca hay Ba-la-đề-Đề-xá-ni hay Đột-sắc-ngật-lý-đa; là đêm hay ngày, ở trên đường chánh hay trên lề đường, lúc đang đi hay dừng lại, lúc đang đứng hay đang ngồi, nằm?. Nếu nói phạm tội Tha-thắng thì không phạm tội Tăng-tàn… cho đến tội Ác-tác; nếu nói phạm tội Tăng-tàn thì không phạm tội Tha-thắng cho đến tội Ác-tác; nếu nói phạm Ba-dậtđể-ca thì không phạm Ba-la-thị-ca cho đến tội Ác-tác; nếu nói phạm Ba la đề Đề-xá-ni thì không phạm tội Tha-thắng cho đến tội Ác-tác; nếu nói phạm Đột-sắc-ngật-lý-đa thì không phạm tội Tha-thắng cho đến Ba la đề Đề-xá-ni. Nếu nói phạm tội Tha-thắng thứ nhất thì không phạm tội thứ hai cho đến tội thứ tư và ngược lại; nếu nói phạm tội Tăng-tàn thứ nhất thì không phạm tội Tăng-tàn thứ hai cho đến tội thứ mười ba và ngược lại; nếu nói phạm tội Ba-dật-để-ca thứ nhất thì không phạm tội thứ hai cho đến tội thứ chín mươi và ngược lại; nếu nói phạm tội Ba- la-đề-Đề-xá-ni thứ nhất thì không phạm tội thứ hai cho đến tội thứ tư và ngược lại; nếu nói phạm tội Đột-sắc-ngật-lý-đa thứ nhất thì không phạm tội thứ hai cho đến tội cuối cùng và ngược lại. Nếu nói phạm ban đêm thì không phạm vào ban ngày và ngược lại; nếu nói phạm trên đường chánh thì không phạm trên lề đường và ngược lại; nếu nói phạm lúc đang đi thì không phải lúc dừng lại…”. Nếu khi các Bí-sô hỏi đầy đủ như vậy, Bí-sô kia nói trước sau mâu thuẩn nhau thì không nên nghe lời người ấy nói; nếu trả lời trước sau không có mâu thuẩn nhau thì các Bísô nên hỏi: “Ngay khi thấy họ phạm, họ biểu lộ như thế nào, nói ra lời gì và làm ý thú gì?”. Nếu hỏi xong xét thấy đúng là phạm tội Tha-thắng thì Tăng nên tẫn xuất rồi mới làm tùy ý; nếu là phạm tội Tăng-tàn thì nên gát lại đợi làm Tùy ý rồi sẽ trị tội; nếu là phạm Ba-dật-để-ca, Ba la đề Đề-xá-ni và Đột-sắc-ngật-lý-đa thì phải thuyết tội trước rồi mới làm tùy ý.

Đến ngày Tùy ý, các Bí-sô cựu trụ nếu đủ túc số năm vị trở lên thì nên tác pháp Tùy ý; nếu có vị nào không đến cùng làm tùy ý, các Bí-sô biết mà không chờ họ đến, lại cùng tác pháp Tùy ý thì khi Bí-sô kia đến, các Bí-sô này phải tác pháp Tùy ý lại, các Bí-sô tác pháp tùy ý trước phạm tội Việt pháp vì phi pháp. Lúc đó Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, có Bí-sô an cư khi tác pháp tùy ý hỏi trong chúng này nếu không có việc tranh cải, người gây ồn náo, người ưa cật vấn, người đến đến chỗ vua quan, người cấm đoán người khác, người cử tội phi pháp đến trú xứ này và các Bí-sô hiện tiền đều biết hổ thẹn thì không có gì phải nói; nhưng nếu có người ác đến tranh cải… thì các Bí-sô phải tác pháp Tùy ý như thế nào?”, Phật nói: “Nếu có người ác đến đột ngột thì hai, ba người nên đến trong giới tràng tự tác pháp Tùy ý, Được như vậy thì tốt, nếu không thì nên ra đón tiếp họ, diu dàng thăm hỏi rồi sắp đặt chỗ cho họ nghỉ. Lúc đó các Bí-sô cùng tác pháp tùy ý, nếu được như vậy thì tốt, nếu không được thì nên bảo họ tắm rửa, trong lúc họ đang tắm rửa thì các Bí-sô nên mau làm Tùy ý, được như vậy thì tốt, nếu không được thì nên kết tiểu giới làm Trưởng tịnh. Nếu họ hỏi: Hôm nay làm Tùy ý tại sao lại làm trưởng tịnh, thì nên đáp là chúng tôi có pháp tắc riêng. Trưởng tịnh xong chờ họ đi rồi mới cùng tác pháp Tùy ý.”

Trường hợp lúc tác pháp tùy ý có Bí-sô bịnh không đến được, các Bí-sô không biết tác pháp Tùy ý như thế nào, Phật nói: “Nên thông báo cho họ biết, ai đến được thì đến, nếu không đến được thì gởi dục Tùy ý đến. Khi tùy ý có bốn trường hợp xảy ra: Một là có sự việc không có người: Như khi Tùy ý có người không hiểu, bản tánh ngu si không phân biệt tốt xấu, nếu ở gần miếu thần hoặc hướng về miếu thần hoặc có đồng nam đồng nữ chửi mắng quỷ thần với lời ác khẩu, hoặc làm việc bất tịnh khiến cho thiên thần quỷ thần tức giận đến nêu sự việc quở trách mà không chỉ đích xác tên người.

Hai là có người không có sự việc: Như khi Tùy ý có các việc xảy ra giống như ở đoạn văn trên, chỉ khác ở chỗ khiến cho thiên thần tức giận đến trong chùa nêu đích danh Bí-sô có lỗi, nhưng không nói rõ làm lỗi gì.

Ba là có người có sự việc: Tức là nêu rõ tội lỗi và tên người làm lỗi.

Bốn là không có người không có sự việc: Trái ngược với trường hợp trên, tổng cọng là bốn trường hợp.