CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ AN CƯ SỰ

Hán dịch: Đường Tam Tạng Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Thế tôn cùng các Bí-sô an cư tại đây trong ba tháng mùa mưa, nhưng lại có nhiều Bí-sô ngay trong hạ du hành đến trú xứ khác, do không khéo hộ trì thân nghiệp đã đạp chết nhiều côn trùng. Các ngoại đạo chê trách: “Sa môn Thích tử không có tâm từ bi, du hành trong mùa hạ đạp chết côn trùng không khác người thế tục. Loài cầm thú còn ở trong hang ổ không ra ngoài, Sa môn Thích tử này không chịu an cư, không biết thu nhiếp ở yên một chỗ, không có phép tắc như thế thì ai lại đem y thực bố thí cho họ”, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Do việc này ta nay chế các Bí-sô nên tác pháp an cư trong ba tháng ở yên một chỗ”. Lúc đó các Bí-sô không biết tác pháp an cư như thế nào, Phật nói: “Trước ngày mười lăm tháng năm hãy quét dọn trú xứ sạch sẽ, dùng cù ma đắp nền, đem tất cả ngọa cụ tụ lại một chỗ và để bồn rửa chân. Sau đó đánh kiền chùy tập Tăng, Tăng nhóm rồi liền sai một Bí-sô làm người coi giữ phân chia ngọa cụ, nếu người có năm pháp: Thương, giận, sợ, si, không biết phân chia hay không phân chia ngọa cụ thì người này không nên sai; ngược với năm pháp trên thì nên sai như sau: Trước nên hỏi Bí-sô tên ___ có thể phân chia ngọa cụ cho Tăng già an cư hay không, nếu vị ấy đáp là có thể thì nên sai. Kế sai một Bí-sô tác bạch yết ma như sau:

Đại đức Tăng già lắng nghe, Bí-sô này tên ___ bằng lòng phân chia ngọa cụ cho Tăng già an cư mùa hạ. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, nay Tăng sai Bí-sô này tên ___ làm người phân chia ngọa cụ cho Tăng già an cư mùa hạ. Bạch như vậy.

Đại đức Tăng già lắng nghe, Bí-sô này tên ___ bằng lòng phân chia ngọa cụ cho Tăng già an cư mùa hạ. Nay Tăng sai Bí-sô này tên ___ làm người phân chia ngọa cụ cho Tăng già an cư mùa hạ. Nếu các 3 cụ thọ chấp thuận Bí-sô này tên ___ làm người phân chia ngọa cụ cho Tăng già an cư mùa hạ thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Tăng đã chấp thuận Bí-sô tên ___ làm người phân chia ngọa cụ cho Tăng già an cư mùa hạ. Tăng chấp thuận vì im lăng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Nay ta chế hành pháp cho Bí-sô phân chia ngọa cụ, vị thọ sự trước nên làm thẻ dài khoảng một gang tay để phân phát cho Tăng già, sáng hôm sau mới trải tòa, đánh kiền chùy tập tăng. Những thẻ đã làm nên rắc bột thơm rồi để trong một hộp tre có ướp hương thơm, phủ tấm vải trắng lên trên, để hộp thẻ trên một cái mâm ở trước Tăng rồi tuyên đọc chế lịnh an cư:

Đại đức Tăng già lắng nghe, ở trú xứ này có pháp chế, nếu các đại đức vui thích an cư ở đây không trái pháp chế thì nên lấy thẻ. Trong khi an cư không nên trách cứ lẫn nhau nói là phá kiến, phá giới, phá chánh hạnh, phá chánh mạng. Nếu vị nào biết có người phạm thì bây giờ nên nói ra, không nên cử tội trong hạ làm cho các Bí sô phiền não, không được an lạc trụ.

Kế sai một Bí-sô bưng mâm thẻ đi trước để phát, người bưng mâm không đi sau thu lấy thẻ. Bí-sô phát thẻ để một thẻ ở chỗ Thế tôn rồi mới đến trước Thượng tọa, Thượng tọa lấy một thẻ rồi để lên mâm không, thứ lớp phát và thu thẻ như vậy cho đến người cuối cùng, nếu có cầu tịch nào không đến được thì A-giá-lợi-da hoặc Ô-ba-đà-da lấy giùm cho họ. Kế đếm số thẻ đã thu được rồi bạch rằng: Những người có mặt trong trú xứ này gồm có ___ vị Bí-sô, có ___ Cầu-tịch kể ra. Lúc đó Bí-sô phân chia ngọa cụ để một chìa khóa ở trước Thượng tọa nói: đây là chìa khóa phòng số ___, nếu Thượng tọa bằng lòng thì xin nhận. Nếu Thượng tọa không nhận phòng này thì nên chuyển đưa chìa khóa cho Thượng tọa thứ hai, nếu Thượng tọa thứ hai nhận phòng này thì lấy chìa khóa phòng của Thượng tọa thứ hai đã ở trước đó giao cho Thượng tọa thứ ba… cứ như thế cho đến người cuối cùng trong tăng. Nếu Thượng tọa thứ nhất thấy đưa chìa khóa phòng cho Thượng tọa thứ hai mà đổi ý đòi lại, đòi lần thứ nhất không nên cho, đòi lần thứ hai cũng không nên cho, đói lần thứ ba nên cho nhưng Thượng tọa thứ nhất này phải sám tội Ác-tác. Lần lượt như vậy, vị nào phải sám tội Ác-tác chuẩn theo đó nên biết”. Lúc đó Bí-sô phân chia hết phòng xá lại có Bí-sô khách đến, không còn phòng để chia, Phật nói: “Nên chừa lại một phòng và ngọa cụ dự phòng cho Bí-sô khách. Nên sai một Bí-sô trông coi lợi dưỡng của tăng già và chừa một phòng để cất ngọa cụ, Bí-sô này nên coi giữ xem có trùng và tổ ong hay không, nếu có tổ ong đợi ong ra khỏi tổ thì đem bỏ đi, nếu còn ong con trong tổ thì nên đem treo tổ ong ở chỗ khác, khi chúng trưởng thành tự sẽ bay đi. Khi có Bí-sô khách đến nên cấp cho họ ngọa cụ, nếu ít người thì mỗi người một cái, nếu đông thì hai người dùng chung một cái”. Lại có Bí-sô kỳ túc được cấp cho nệm dầy và lớn, một mình khó mang đi, Phật nói: “Nếu có Bí-sô trẻ nên bảo y chỉ thừa sự”. Sau khi phân chia ngọa cụ xong, Phật nói: “Không có vật lót không nên nằm ngồi liền, cũng không nên dùng vật nhỏ lót làm cho dơ hay hư rách ngọa cụ của Tăng. Vị thọ sự nên đi tuần xem xét thấy có ai làm sai trái thì dưa theo việc mà trị phạt, nếu là người tuổi nhỏ thì nên nói hai thầy trị phạt họ. Nên vào ngày mười lăm mỗi tháng đi tuần tra, nếu thấy ai dùng ngọa cụ không như pháp thì bạch cho đại chúng biết để thu ngọa cụ lại và trị phạt họ; nếu ai còn y chỉ thì nên nói với thầy y chỉ thu ngọa cụ lại.”

Khi đại chúng tập họp tác pháp an cư nên cáo bạch: “Này các cụ thọ, nay ở trú xứ này có tất cả là ___ người, sẽ nương nơi ___ làm thí chủ, nương thôn xóm ___ làm chỗ khất thực, coi ___ là người doanh sự, ___ là người khán bịnh để ở tại trú xứ này an cư”. Lúc đó các Bí-sô nên xem xét những thôn xóm khất thực ở gần, nếu thấy ưa thích muốn ở nơi đây an cư cùng các vị đồng phạm hạnh không sinh ưu não, nếu có phát sinh thì mau trừ diệt; an lạc chưa sanh thì nên làm cho sanh, đã sanh thì nên làm cho tăng trưởng. Khất thực ở trong thôn xóm đó không có khó nhọc, nếu có bịnh khổ thì có người cung cấp thuốc men, thức ăn thức uống và những vật cần dùng được đầy đủ. Bí-sô này nên đến trước một Bí-sô đối thú tác pháp an cư:

Cụ thọ nhớ nghĩ, hôm nay là ngày mười sáu tháng năm Tăng già an cư mùa hạ. Tôi là Bí-sô tên ___ cũng vào ngày mười sáu tháng năm an cư, ở ngay trong giới này tiền an cư ba tháng hạ nương nơi ___ làm thí chủ, ___ làm người doanh sự, ___ làm người khán bịnh. Nếu trú xứ có hư dột tôi sẽ tu bổ, xin được ở trong đây an cư. (3 lần) Bí-sô đối thú nói: Áo tỷ ca (thiện) Bí-sô tác pháp nói: Sa độ (nhĩ).

Trường hợp có duyên sự không kịp tiền an cư thì được hậu an cư, tác pháp giống như tiền an cư. Đã tác pháp an cư rồi thì ban đêm không được ra khỏi giới, nếu có duyên sự phải xuất giới thì không được ở lại qua đêm.

Lúc đó trong thôn Tượng có một trưởng giả tên là Ưu-đà-diên giàu có muốn cúng dường Tăng già nên đem cất y thực vào trong kho rồi sai sứ đến thành Thất-la-phiệt thỉnh Bí-sô tăng già đến thọ nhận, các Bí-sô hỏi sứ giả: “Nhà trưởng giả gần hay xa?”, đáp: “Cách đây khoảng hơn ba du thiện na”, các Bí-sô thấy hơi xa sợ đi sẽ không về kịp trong ngày, vì Thế tôn đã chế trong khi an cư không được ngủ đên ở ngoài giới, vì thế các Bí-sô từ chối không đi phó thỉnh. Lúc đó cạnh thôn Tượng có các Bí-sô an cư đến nhà trưởng giả thọ thỉnh, được cúng dường rất nhiều y thực. Mãn hạ, các Bí-sô này đắp y mang bát đến thành Thất-la-phiệt, các Bí-sô trú xứ đón chào thăm hỏi: “Các thầy từ đâu đến, đã an cư ở đâu?”, đáp: “Chúng tôi an cư bên cạnh thôn Tượng, mãn hạ liền đến đây”, lại hỏi: “Các thầy an cư nơi đó có hòa hợp không, khất thực có dẽ không?”, đáp: “Chúng tôi an cư nơi đó rất an lạc, y thực đầy đủ”, nói rồi liền đem việc trên kể lại, các Bí-sô nghe rồi liền nói: “Trưởng giả đó có đến đây thỉnh, chúng tôi sợ đến đó thọ thỉnh trở về không kịp trong ngày, vì Thế tôn đã chế khi an cư không được ngủ đêm ở ngaòi giới, cho nên chúng tôi từ chối không đi phó thỉnh”. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật suy nghĩ: “Đệ tử Thanh văn của ta tuy không có tâm tham đắm y thực, nhưng để cho họ được an lạc trụ và khiến cho thí chủ được phước thọ dụng, ta nên khai cho được xuất giới bảy ngày để đi phó thỉnh”, nghĩ rồi liền bảo các Bí-sô: “Trong khi an cư nếu có duyên sự cần xuất giới, nên tác pháp xin xuất giới từ một đến bảy ngày”. Phật tuy khai cho xuất giới nhưng các Bí-sô lại không biết việc gì thì được xin xuất giới, liền bạch Phật, Phật nói: “Đó là những việc liên quan tới Ô-ba-sách-ca, Ô-ba-tư-ca, Bí-sô, Bí-sô ni, Thức-xoa-ma-na, Cầu-tịch nam, Cầu-tịch nữ… Sao gọi là việc liên quan tới Ô-ba-sách-ca và Ô-batư-ca? Nếu trong nhà của họ có việc muốn cúng dường y thực nên sai sứ đến thỉnh Bí-sô, lúc đó Bí-sô đối trước một Bí-sô tác pháp xin xuất giới trong bảy ngày. Hoặc họ muốn cúng dường ngọa cụ, các vật dụng và y thực, cũng nên tác pháp xin xuất giới trong bảy ngày; hoặc đến thình Bísô về nhà thọ thực, cũng nên tác pháp xin xuất giới trong bảy ngày. Nếu có Ô-ba-sách-ca xây cất chùa tháp đến thỉnh Bí-sô trợ giúp công đức, Bí-sô nên tác pháp xin xuất giới trong bảy ngày. Cho đến các việc như an trí tướng pháp luân, cờ phướn, y thực để cúng dường tháp nên đến thỉnh Bí-sô trợ giúp, Bí-sô cũng nên tác pháp xin xuất giới bảy ngày, đây gọi là việc liên quan tới Ô-ba-sách-ca và vì Phật sự. Nếu có Ô-basách-ca sao chép kinh luận để tu học, sao chép xong muốn cúng dường nên đến thỉnh Bí-sô; hoặc ở trong Tạng giáo lược giải giáo pháp có nghi không thể quyết đoán, muốn thỉnh hỏi Bí-sô nên đến thỉnh Bí-sô quyết nghi; hoặc sanh tà kiến, không tin nhân quả nên đến thỉnh Bí-sô dứt trừ tà kiến cho họ, đây gọi là việc liên quan tới Ô-ba-sách-ca và vì pháp sự. Nếu vợ của Ô-ba-sách-ca có thai sợ khi sanh gặp nạn, muốn cầu cho mẹ tròn con vuông nên đến thỉnh Bí-sô; hoặc vì bịnh hoạn muốn cúng dường Bí-sô nên đến thỉnh, Bí-sô đều được tác pháp xin xuất giới trong bảy ngày để đi.

Sao gọi là việc liên quan tới Bí-sô? Nếu có Bí-sô xây cất trú xứ cúng cho Tứ phương Tăng già nên làm lễ khánh thành thiết trai cúng dường Tăng, sai sứ đến thỉnh; hoặc cúng dường ngọa cụ, hoăc vì thờ xá lợi nên xây tháp, hoặc bố trí tướng pháp luân… Hoặc muốn tác pháp yết ma trị phạt người ác nên đến thỉnh Bí-sô; hoặc vị bịnh năng nên sai sứ đến thỉnh… Bí-sô đều được tác pháp xin xuất giới trong bảy ngày để đi. Sao gọi là việc liên quan tới Bí-sô ni?: duyên sư cũng giống như của Bísô, chỉ khác ở chỗ là cúng dường hai bộ tăng hoặc muốn học Phật pháp, cho đến Thức-xoa-ma-na muốn thọ Cận viên nên đến thỉnh hai bộ tăng truyền giới, Bí-sô đều được tác pháp xin xuất giới trong bảy ngày để đi. Việc liên quan tới Cầu-tịch, cầu tịch nữ cũng giống như trên, chỉ khác ở chỗ người nữ đã từng gả, tuổi đủ mười hai và đồng nữ tuổi đủ mười tám muốn thọ sáu học pháp và sáu tùy pháp nên đến thỉnh.”

Nếu Bí-sô tác pháp an cư xong, nghĩ rằng: “Ta an cư nơi đây không có người cung cấp thức ăn thức uống, ta có thể chết”; hoặc có người chưa học kinh, cần nên học; người chưa tu tập định, cần nên học; người chưa chứng nên chứng; người chưa thấy cầu thấy, người chưa đắc cầu đắc… Nếu có các duyên trên muốn rời khỏi trú xứ thì Phật dạy không phạm, cũng không phá an cư. Truờng hợp tác pháp an cư xong bỗng sinh bịnh, biết không có thầy thuốc và thuốc, nếu ở lại sợ mạng sống không toàn. Có các duyên sự thuộc mạng nạn như thế phải xuất giới thì Phật dạy không phạm, cũng không phá an cư. Trường hợp tác pháp an cư xong bỗng sinh bịnh, tuy có thuốc thang nhưng không có người chăm sóc, sợ sẽ chết thì Phật dạy được đi không phạm, cũng không phá an cư. Trường hợp tác pháp an cư xong, có người nữ đến chỗ Bí-sô nói: “Tôi có phụ nữ trẻ và nô tỳ muốn cúng dường đại đức”, Bí-sô suy nghĩ: “Nếu ta không bỏ đi sợ mất phạm hạnh và gặp mạng nạn”. Có các duyên thuộc nạn phạm hạnh như thế thì Phật dạy bỏ đi không phạm, cũng không phá an cư. Các duyên thuộc người nam, huỳnh môn giống như trên được bỏ đi không phạm. Trường hợp Bí-sô tác pháp an cư xong, nếu thấy người nữ khởi tưởng dục, không thể ngăn chận được phiền não sợ mất phạm hạnh, cũng nên bỏ đi đến nơi khác. Trường hợp Bí-sô tác pháp an cư xong thấy có phục tàng liền suy nghĩ: “Ta ở đây sợ sẽ không giữ được tâm mình mà lấy vật báu kia”, Phật dạy được dời đi nơi khác không tội. Trường hợp Bí-sô tác pháp an cư xong bỗng có quyến thuộc đến can ngăn Bí-sô ở đây, Bí-sô hiềm trách nên dời đi đến nơi khác cũng như trên không lỗi.

Trường hợp có nam nữ, bán trạch ca… đến thỉnh Bí-sô an cư, sau khi thọ thỉnh thí chủ này hoặc mắc nợ người khác, hoặc sát hại người khác, hoặc cướp đoạt tài vật của người khác, hoặc ở trú xứ có cọp sói sư tử các loài thú dữ đến khủng bố thí chủ nên thí chủ bỏ chạy hoặc bị chết. Lúc đó Bí-sô suy nghĩ: “Thí chủ này thỉnh ta an cư lại có các nạn sự như thế khởi lên, nếu ta ở đây hoặc mất phạm hạnh hoặc mất mạng”, thì như Phật dạy được bỏ đi không phạm. Trường hợp trong trú xứ có bịnh dịch phát sanh, Bí-sô ở đây không được an lạc thì như Phật dạy được bỏ đi không phạm.

Trường hợp có nam nữ, bán trạch ca… đến thỉnh Bí-sô an cư, nếu có vua đến bắt thí chủ hoặc giết hoặc đoạt tài vật nên thí chủ chạy đến nơi khác. Lúc đó Bí-sô suy nghĩ: “Thí chủ này bị khủng bố đã chạy trốn đến nơi khác, nếu ta ở đây hoặc bị mất mạng hoặc mất phạm hạnh”, thì như Phật dạy được dời đến nơi khác không phạm. Trường hợp thí chủ đến thỉnh Bí-sô an cư, nhà thí chủ bỗng bị cháy hoặc thí chủ chết hoặc bỏ chạy, lúc đó Bí-sô suy nghĩ: “Thí chủ gặp hỏa hoạn hoặc bị chết hoặc bỏ chạy, nếu ta ở lại đây sợ bị mạng nạn hoặc phạm hạnh nạn”, thì nhu Phật dạy được dời đến nơi khác không phạm. Trường hợp thí chủ thỉnh Bí-sô an cư nhưng trú xứ này lại ẩm thấp nhiều nước sợ sẽ sinh bịnh nên dời đến nơi khác, cũng như trước không phạm. Trường hợp thí chủ thỉnh Bí-sô an cư nhưng tại trú xứ này lại có lời gièm pha: “Cần gì phải cạo đầu ở đây chịu khổ đói, hoặc ở trong rừng dưới gốc cây, hoặc hoàn tục làm các phước nghiệp không cần xuất gia”, lúc đó Bí-sô suy nghĩ: “Nếu ta ở đây lâu sẽ gặp nạn phạm hạnh”, cũng như trước được bỏ đi không phạm.

Trường hợp Bí-sô đang an cư hoặc có vua ra lịnh bốn binh đến trú xứ bắt Bí-sô làm việc lao dịch như thế tục, hoặc bắt hoàn tục, hoặc bắt lấy vợ hoặc đoạt y bát… Có các nạn như thế thì Bí-sô được bỏ đi không phạm, cũng không phá an cư. Trường hợp Bí-sô ở trong trú xứ của mình, có nam nữ, bán trạch ca đến thỉnh Bí-sô an cư và cung cấp các vật cần dùng; sau đó gặp các nạn vua… đều bỏ chạy, không còn người cung cấp nữa thì Bí-sô được bỏ đi đến nơi khác không phạm. Trường hợp Bí-sô đang an cư bỗng có giặc cướp đến trộm cướp bò dê…, sát sanh và làm việc phi pháp; họ đến chỗ Bí-sô nói rằng: “Thầy hãy đi nơi khác, chúng tôi muốn ở đây”. Nếu có giặc ác như thế đến trong chùa não loạn thì được bỏ đi không phạm. Trường hợp Bí-sô y chỉ nơi nam, nữ, bán trạch ca để an cư, bỗng thí chủ bị người bắt giư, bị oan gia trói buộc, bị phi nhơn khủng bố, nên bỏ chạy đến nơi khác, sau đó qua đời. Lúc đó Bí-sô suy nghĩ: “Ta an cư nơi đây có các nạn như thế, lại không có thí chủ, có thể khiến ta mất phạm hạnh”, thì như Phật dạy được bỏ đi đến nơi khác không phạm, cũng không phá an cư. Đến chỗ mới nên làm an cư, tác pháp an cư rồi thì không được xuất giới. Trường hợp trú xứ này trước là của phi nhơn, Bí-sô ở đây tác pháp an cư thì có những kẻ già trẻ vô tri vào chùa phóng uế bất tịnh, không thể thân cận; lại gần sông nước, nước ngập lụt làm cho y vật và các tư cụ bị tổn thất, thí chủ hoặc chết hoặc bỏ đi. Lúc đó Bí-sô suy nghĩ: “Thí chủ này gặp nạn nước lụt, nếu ta ở đây sợ gặp mạng nạn, phạm hạnh nạn”, thì được bỏ đi đến nơi khác không phạm. Trường hợp Bí-sô đang an cư thấy có Bí-sô tự làm hay bảo Bí-sô khác làm việc phá Tăng hay khuyến khích mọi người làm phương tiện phá Tăng, Bí-sô này suy nghĩ: “Nếu ta an cư nơi đây, Bí-sô muốn phá Tăng kia bảo ta làm hoặc khuyên ta làm phương tiện phá Tăng; nếu ta dùng lời thiện khuyên can, Bí-sô kia không nghe theo sẽ đối xử với ta không tốt; nếu ta ở lại đây mà phát sinh việc phá Tăng thì những điều ta học trước đây ắt sẽ mất hết, những điều chưa học không thể tăng tấn, ta nên đi chỗ khác”, thì được bỏ đi đến nơi khác không phạm. Trường hợp Bí-sô đang an cư nghe có Bí-sô muốn phá tăng, Bí-sô ấy là thân hữu tri thức nên suy nghĩ: “Nếu ta nhận lời giúp thì sẽ phát sinh việc phá Tăng, nếu ta không nhận lời giúp thân hữu tri thức thì không được. Ta nên thọ pháp bảy ngày xuất giới”. Nếu xuất giới đủ bảy ngày mà việc kia không chấm dứt thì ở ngoài giới quá bảy ngày không lỗi, nếu không xuất giới đi tránh thì phạm tội Việt pháp.

Trường hợp Bí-sô nghe Bí-sô khác nói chỗ kia tiền an cư ba tháng được nhiều lợi vật, Bí-sô này muốn đến đó an cư. Lại có Bí-sô khác nói chỗ này an cư cũng được nhiều lợi dưỡng giống như chỗ kia. Bí-sô này liền ở lại đây an cư nhưng không được lợi dưỡng gì thì Bí-sô nói kia phạm tội Việt pháp. Trường hợp Bí-sô nghe Bí-sô khác nói chỗ kia tiền an cư tốt liền đến chỗ đó an cư, nhưng những lợi vật đã được đều không như lời Bí-sô kia nói thì Bí-sô nói kia phạm tội Việt pháp. Trường hợp Bí-sô nghe Bí-sô khác nói chỗ kia tiền an cư tốt liền đến chỗ đó tiền an cư, sau khi thọ thẻ xong lại không được ngọa cụ cũng không có phòng ở được thì Bí-sô nói kia phạm tội Việt pháp. Trường hợp Bí-sô nghe Bí-sô khác nói chỗ kia tiền an cư tốt liền đến đó tiền an cư, sau khi thọ thẻ xong được chia ngọa cụ rồi liền bỏ đi đến chỗ khác, đến đó rồi cũng không an cư thì phạm tội Ác-tác. Trường hợp Bí-sô nghe Bí-sô khác nói chỗ kia tiền an cư tốt liền đi đến đó, sau khi thọ thẻ xong được chia ngọa cụ rồi tác pháp an cư. Sau đó có duyên sự không thọ trì pháp bảy ngày liền xuất giới, không thành tiền an cư thì phạm tội Ác-tác. Trường hợp Bí-sô nghe Bí-sô khác nói chỗ kia tiền an cư tốt liền đến đó an cư, sau khi thọ thẻ xong được chia ngọa cụ rồi tác pháp an cư. Sau đó có duyên sự nên thọ trì pháp bảy ngày xuất giới, nếu quá bảy ngày không trở lại là phá an cư.

Sáu trường hợp hậu an cư cũng giống như sáu trường hợp tiền an cư trên, chỉ đổi chữ tiền thành chữ hậu là khác.