TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 75

Hỏi: Tổng báo và biệt báo trong tám thức thuộc thức nào ?

Đáp: Người xưa giải thích: Tổng báo chỉ thuộc thức thứ tám, vì thức thứ tám sinh khởi đầu tiên, bảy thức sắc tâm trước đều nương nơi thức thứ tám. Thức thứ tám liên kết với bảy thức sắc tâm trước làm chỗ nương, được gọi là tổng báo. Biệt báo tại sáu thức trước thọ báo sai biệt chẳng đồng gọi là biệt báo. Tổng báo cố định chẳng thông thuận hiện đời này, thọ chỉ là thuận sinh đời sau thọ. Biệt báo thì chẳng cố định, gồm cả đời này đời sau đều thọ.

Hỏi: Đối với thức thứ bảy sao chẳng nói báo chướng ?

Đáp: Chẳng phải là nghiệp chiêu vời không báo chướng. Nếu có báo chướng mà không có nghiệp chướng là thức thứ tám. Nếu có đủ cả nghiệp chướng và báo chướng là sáu thức trước. Nếu không cả nghiệp chướng và báo chướng là thức thứ bảy. Nếu chỉ có biệt báo chướng không có tổng báo chướng là sáu thức trước. Nếu chỉ có tổng báo chướng không có biệt báo chướng là thức thứ tám.

Hỏi: Chúng sinh tạo nghiệp nhiễm tịnh sinh tử, thọ báo khổ vui đều từ tâm khởi thì lìa tâm vô thể, trong tám thức quyết định là tâm nào ?

Đáp : Xưa nay có hai cách giải:

1- Các thầy xưa giải thích tâm là thức thứ sáu. Do thức tâm phân biệt tác nghiệp thọ báo, báo khởi đo tâm, cho nên biết không có chúng sinh thật. Vì tâm tịnh nên chúng sinh tịnh, không có tịnh nào khác; tâm cấu nên chúng sinh cấu, không có cấu nào khác. Vì cấu tịnh do tâm mà có nên chúng sinh chỉ là tên gọi.

2- Hòa thượng Thần Khải giải thích: Tâm là thức thứ tám. Do trong thức ấy giữ gìn chủng tử nhiễm tịnh, chủng tử gặp duyên liền có thể chiêu lấy quả khổ vui. Quả khởi do tâm nên biết không có chúng sinh.

Nếu các thầy xưa chấp lấy thức thứ sáu làm tâm cấu tịnh. Thức này tương ứng với 11 pháp thiện hay tạo nghiệp thiện trời người; nếu nó tương ứng với căn bản và tùy phiền não hay tạo nghiệp ác ba đường dữ. Tổng nghiệp và biệt nghiệp hình thành hay chiêu lấy báo khổ vui vị lai, nên nói nhiễm tịnh do tâm. Đây y cứ động cơ tạo nghiệp là tâm.

Hòa thượng Thần Khải chấp lấy thức thứ tám làm tâm, đây là chủ của tổng báo, là chân dị thục thức. Trong đây hay chứa chủng tử nghiệp thiện ác, nhưng trong nhân của thức thể chỉ có tính vô phú vô ký, vì chứa chủng tử nhiễm tịnh.

Lại nói giữ gìn chủng tử nhiễm tịnh, là ba chủng tử tạp nhiễm: 1. phiền não tạp nhiễm tức là kiến tư phiền não, 2. nghiệp tạp nhiễm, là tất cả tổng báo nghiệp thiện, bất thiện, 3. quả tạp nhiễm là dị thục quả của tổng báo, biệt báo trong ba cõi. Tịnh cũng có ba thứ: 1. Thế gian tịnh là đạo phục trừ lậu hoặc, 2. Xuất thế gian tịnh là vô lậu, 3. Quả đã đoạn được thanh tịnh, là lý được chứng. Trên đây là thức thứ tám hàm chứa nghiệp.

Các thầy xưa căn cứ năng huân, năng tạo nghiệp tâm gọi là tâm. Hòa thượng Thần Khải căn cứ vào sở huân năng trì chủng tử gọi là tâm. Các thầy xưa lại căn cứ duyên lự để giải thích tâm, hòa thượng Thần Khải căn cứ tập khởi để giải thích tâm.

Giải thích: Hai cách giải thích này đều xuất phát từ một đường lối. Cách giải trước lấy năng huân năng tạo làm tâm, nếu không có năng huân, sở huân vô dụng thì chân cũng chẳng lập, vọng cũng chẳng thành. Chân vọng hòa hợp mới có việc ấy. Lại nếu không có năng tạo thì sở tạo cũng chẳng thành, vì do năng lập sở. Kinh nói: “Tất cả duy tâm tạo”. Cách giải sau căn cứ sở huân năng trì chủng tử làm tâm, sở huân là gốc, nếu không có sở huân thì năng huân cũng vô dụng. Nếu không có sự năng huân chủng tử thì chủng tử thiện ác tan hoại, lấy cái gì thọ quả báo khổ vui ở vị lai. Như có vật mà không thể phát triển thì sẽ tiêu tan. Cách giải thích sau hay hơn, vì là cội rễ trong các thức; cách giải thích trước cũng chẳng sai, vì là ngọn ngành. Nếu y cứ cả hai cách thì chính lý mới đầy đủ, gốc ngọn giúp nhau, năng sở hòa hợp, chẳng phải một, chẳng phải khác, mới lập ra địa vị nhiễm tịnh ở thế gian, cho nên biết sinh tử do thức tâm, không thật có chúng sinh, thăng trầm thuộc nhân duyên, không có thật ngã để được.

Hỏi: Làm thế nào phân biệt nghiệp của tổng báo và biệt báo ?

Đáp: Như giữ năm giới sẽ được thân người, là nghiệp tổng báo; do trong nhân có sân giận hoặc nhẫn nhịn v.v… mà nơi tổng báo người có sự đẹp xấu, đây là nghiệp biệt báo.

Duy thức còn gọi là dẫn mãn nghiệp, hay chiêu vời thức thứ tám dẫn dắt dị thục quả, nên gọi là dẫn nghiệp; hay chiêu vời thức thứ sáu làm đầy dị thục quả nên gọi là mãn nghiệp. Luận Câu-xá cũng nói: “Nhất nghiệp dẫn nhất sinh, đa nghiệp hay viên mãn, như tượng trên vải, trước vẽ hình trạng sau mới tô màu sắc”. Ý năng tạo của dẫn nghiệp là do ý thức thứ sáu khởi; ý năng tạo của mãn nghiệp là do năm thức trước khởi. Nhưng năm thức trước vô chấp, chẳng thể phát nhuận, nên chẳng mê lý; không so đo tính toán nên chẳng tạo nghiệp. Tuy tạo mãn nghiệp cũng chẳng phải tự làm, chỉ do ý mới có thể làm. Vì thế kinh Hải Long Vương ghi: “Bấy giờ Thế Tôn bảo Hải Long Vương: Ôi! Người thế gian tạo tác bao nhiêu duyên, tâm hành chẳng đồng, tội phước sai biệt, do đây chỗ thọ sinh khác nhau. Này Long Vương, ông hãy nhìn xem chúng hội và biển cả bao nhiêu là tướng mạo khác biệt. Các hình tướng dung mạo đều do tâm vẽ nên. Lại tâm không sắc tướng nên chẳng thể thấy. Tất cả các pháp dối trá như thế do nơi lậu hoặc khởi tướng, đều không có chủ tể, tùy theo sự tạo tác mà tự thọ, như họa sĩ vốn không tạo tượng. Các pháp như thế chẳng thể nghĩ bàn, tự nhiên như tướng huyễn hóa đều do tâm tạo tác”. Kinh Ôn Thất ghi: “Phật dạy quán phẩm loại trời người trong ba cõi cao thấp, dài ngắn, phước đức nhiều ít đều do đời trước dụng tâm chẳng giống nhau, do đó chỗ thọ báo cũng sai biệt”.

Luận Bát-nhã Đăng ghi: “Trong A-tỳ-đàm có bài kệ:

Tự giữ thân miệng ý (tư)
Và nhiếp độ người khác
Từ, Pháp là chủng tử
Hay được quả hiện, vị.

Tư nghĩa là hay tự điều phục, xa lìa phi pháp tư tâm sở tương ưng với tâm này nên gọi là tư.

Nhiếp tha nghĩa là bố thí, ái ngữ, cứu hộ sự sợ hãi, hay nhiếp độ người khác gọi là nhiếp tha.

Từ nghĩa là tâm, tâm là pháp, cũng là chủng tử. Chủng tử cũng gọi là nhân, là nhân của cái gì là nhân của quả. Những gì là quả ? Đó là quả hiện tại, vị lai.

Tại sao gọi tâm là chủng tử ? Vì hay khởi thân nghiệp và khẩu nghiệp nên gọi là chủng tử.

Lại như luận có bài kệ:

Như mầm mộng này nở
Đều từ hạt giống sinh
Từ đây kết thành quả
Lìa hạt giống không sinh.

Giải thích: Nghĩa là từ mầm sinh ra thân cây cho đến cành lá hoa quả, mỗi thứ đều có hình tướng. Hạt giống tuy mất nhưng do sinh khởi tương tục xoay vần đến quả. Nếu xa lìa hạt giống, sự tương tục của mầm v.v… không lưu chuyển, vì thế nghĩa ấy như thế nào ?

Luận có bài kệ:

Chủng tử có tương tục
Từ tương tục có quả
Chủng tử sau đến quả
Chẳng đoạn cũng chẳng thường.

Giải thích: Thế nào là chẳng đoạn ? Nghĩa là vì có chủng tử hiện diện tương tục. Thế nào là chẳng thường, nghĩa là vì mầm sinh thì hạt giống mất. Nội pháp cũng thế.

Luận có bài kệ:

Như vậy từ sơ tâm
Tâm pháp tương tục khởi
Từ đây sinh khởi quả
Lìa tâm không tương tục.

Giải thích: Nghĩa là từ tâm, bất từ tâm gọi là nghiệp, tâm này tuy diệt mà khởi tương tục. Quả tương tục này khởi nghĩa là vì ái và phi ái có tướng thọ nhận; nếu lìa tâm thì quả chẳng khởi. Nay nói về pháp tương tục, nghĩa này thế nào ? Luận có bài kệ:

Từ tâm có tương tục
Từ tương tục có quả
Nên nghiệp ở trước quả
Chẳng đoạn cũng chẳng thường.

Giải thích: Thế nào là chẳng đoạn ? Nghĩa là vì tương tục hay khởi quả. Thế nào là chẳng thường ? Vì chẳng hiện diện đến sát-na thứ hai. Cho nên biết ba nghiệp khó phòng, cần phải giữ gìn kỹ lưỡng. Ý là nhóm khổ, miệng là họa thai, chỉ cần đóng cửa mà giữ gìn mới dứt sự tương tục. Như kinh Chính Pháp Niệm Xứ ghi: Chúa địa ngục thấy người ở Diêm-la quá khổ sở liền dùng kệ quở trách:

Tâm không thể điều phục
Hơn cả ngọn lửa dữ
Nhanh chóng không thể điều
Kéo người đến địa ngục
Tâm khó điều bậc nhất
Lửa này hơn tất cả
Khó điều đi nhanh chóng
Địa ngục trong địa ngục.
Nếu người tâm tự tại
Và khéo hay điều phục
Du hành nơi địa ngục
Không phải chịu khổ não.
Dục là lửa dữ nhất
Si là tối tăm nhất
Sân là oán hận nhất
Ba thứ nắm thế gian.
Lúc trước ông gây ác
Tự tâm tư duy làm
Do tâm si tạo tác
Nay thọ báo ác này.
Tâm thích lấy vật người
Tà dâm với phụ nữ
Thường sát hại chúng sinh.
Tự tâm hay dối gạt
Tha hồ tạo nghiệp ấy
Dẫn ông đến chốn này
Là nghiệp ác của ông
Cớ sao ông kêu than!

Lại có bài kệ:

Tạo ác chẳng hoại mất
Mọi việc ác có báo
Ác đều do tạo tác
Nhờ tâm nên có tác
Do tâm nên tạo ác
Do có tâm quả báo
Tất cả do tâm tạo
Tất cả đều do tâm.
Tâm hay gạt chúng sinh
Tương lai đến chỗ ác
Địa ngục xấu ác này
Nơi thống khổ bậc nhất.

Đây là tâm ác chuốc quả khổ, tâm thiện được quả vui.

Lại nói: Các tỳ-kheo biết nghiệp quả báo, thấy chỗ ở của cõi trời đầy hoa đẹp, cho đến đất đai mềm mại như sinh tô. Khi chư thiên bước đi bàn chân lên xuống nhẹ nhàng như đâu-la-miên, đất đai dưới chân đều bằng phẳng, cũng như trước đã nói mỗi cây báo phóng ra ánh sáng vi diệu như ánh mặt trời, cây báu rực rỡ, hoa lá tươi tắn không bao giờ héo úa. Thiện nghiệp sinh ra không thể ví dụ, giới lực tự tại, thiện nghiệp có được như chiếc ấn in vật. Như vậy thiên tử dạo chơi viên lâm, tắm ao hoa sen, tự nghiệp thọ báo thượng trung hạ, được niềm vui lớn. Tự nghiệp thọ thân tướng quang minh khả ái; sắc, thinh, hương, vị, xúc mặc tình vui sướng, thân không bệnh não, không đói khát, thường hưởng năm dục chưa từng nhàm chán, phần nhiều khởi tâm ái dục chẳng đầy đủ. Nếu nghĩ đến việc gì thì tùy niệm liền được, người khác chẳng thể phá hoại, luôn được tự tại vô ngại, tâm thường hoan hỷ, tùy niệm có thể đến, tùy tâm hóa thân, lớn nhỏ tùy ý, rộng lớn dễ dàng, trong nháy mắt có thể đi đến trăm nghìn do-tuần không chút mỏi mệt, như gió thổi trong hư không không chướng ngại. Chư thiên cũng như thế, không chút mệt nhọc, thân trời uy đức sinh ra từ tâm, nhẹ nhàng sạch sẽ không nhơ uế. Tất cả chỗ đến đi như ánh sáng vi diệu, thiên tử thiên nữ dạo chơi vui vẻ.

Giải thích: Tuy thiện ác do tâm, khổ vui chẳng đồng, đây là nói về nhân quả trước tiên, biết không sai lệch một niệm; nếu luận về chí đạo thì đều chẳng phải sự giải thoát. Như kinh nói: “Trời Ca-lưu-túc ở cung điện vàng Diêm-phù-đàn, vào rừng Thiên Hí, tiếng chim du dương ngân vang âm thanh vi diệu, thiên tử vào trong rừng ấy rồi, chim gọi là thiên âm, đồng nghiệp sinh ra nơi cõi trời, vì là thiện nghiệp cõi trời, liền nói kệ:

Nếu người hay tạo tác
Ưa thích làm nghiệp thiện
Người này được quả bảo
Thành tựu rất đoan nghiêm
Đã được vui cõi trời,
Nếu lại chẳng phóng dật
Từ đây được an lạc
Chắc chắn đến niết-bàn.
Mọi niềm vui vô thường
Trước sau đều về không
Chớ hưởng vui cõi trời
Cho là tự hoan lạc.
Vui cõi trời vô thường
Thọ mạng hết, thoái đọa
Đã biết rõ pháp ấy
Thường cầu đạo niết-bàn.
Tất cả pháp đều tận,
Lên cao cũng phải đọa
Hội họp hẳn chia lìa
Có sinh ắt có tử.

Kinh lại nói: Tỳ-kheo dùng văn tuệ quán hạnh phúc ở cõi trời, liền nói bài tụng:

Năm căn thường ưa thích
Bị cảnh dục mê hoặc
Lửa dục chưa từng có
Nhàm chán trong chốc lát
Tất cả các cảnh giới
Nơi nơi thấy thiên nữ
Tất cả cảnh giới đẹp
Lửa dục cháy hừng hực
Hoặc hợp, hoặc ly tán
Hoặc nói, hoặc nghĩ nhớ
Do nhân duyên thiên nữ
Lửa dậy thiêu đốt trời
Lửa do hòa hợp có
Chẳng hợp thì chẳng sinh
Hoặc hợp, hoặc chẳng hợp
Lửa dục thường nóng bỏng
Do nhân duyên chẳng hợp
Lửa xa thì chẳng đốt
Lửa dục không xa gần
Thường thiêu đốt chúng sinh
Ức niệm tà sai khiến
Dầu ái tưới lửa dục
Thiêu cháy kẻ ngu si.

Do đó biết rằng khổ vui do tâm, việc chẳng phải cứu cánh, cần phải dứt củi tưởng, làm cạn dầu ái, dừng gió niệm, tắt lửa dục, chế ngự ý thức luôn thuận chân như, viên mãn bồ-đề, thường thích diệu quả, cho nên kinh có bài kệ:

Nếu người tâm chính thiện
Thường quán sát theo pháp
Chẳng bị lỗi sai sử
Như ánh sáng trừ tối.

Lại kinh nói: “Thà làm thầy của tâm, chứ chẳng thuận theo tâm. Nếu thuận theo tâm thì lưu chuyển trong sáu loài không trở lại; nếu làm thầy của tâm thì dù xa nhất đạo mà thường trở về”. Như Canh Tang Tử nói: “Tâm bình chính chẳng bị bên ngoài dẫn dụ, gọi là thanh tịnh lâu ngày thì sáng suốt; sáng suốt lâu ngày thì trống rỗng; trống rỗng thì hoàn toàn ở nơi đạo”. Do đó, kinh A-sai-mạt nói: “Thường chính tâm mình chẳng còn học gì khác”. Hễ tâm thường ngay thẳng vốn tự huyền hư, đạo toàn là tâm, tâm toàn là đạo. Vì chẳng thấu đạt nên chạy theo tâm tư lự, bị ngoại duyên ràng buộc, nội kết nhiễu loạn, chỉ cần trở về một chẳng còn học gì khác, thì hư minh tự hiện, gọi là phản bản. Khai thị như thế đáng gọi là cùng nắm tay đi đến biển tát-bà-nhã, bảo đảm chẳng đơn độc. Nếu người tin nhận được đáng gọi là chẳng động trần lao liền thành Chính giác.

Hỏi: Thức sinh nơi thân, thân nương vào thức, các căn hư hoại gọi là lúc thức xa rời, xả bỏ thân cũ thọ nhận thân khác, thức đến đi tướng trạng như thế nào ? Ý chỉ này khó rõ, người học mê muội, như kho báu giấu kín chẳng có ai biết.

Đáp: Lý này sâu kín, căn cứ giáo có thể biết. Kinh Hiển Thức ghi: “Phật bảo Hiền Hộ: Sự vận chuyển dời đổi qua lại của thức giống như ngọn gió không sắc không hình, không thể hiển hiện mà hay phát động vạn vật hiển bày các hình trạng; hoặc lay động, xô ngã, phá nát cây cối phát ra âm thanh lớn; hoặc tạo sự lạnh, nóng xúc chạm lên thân chúng sinh khiến cho đau đớn hay khoái cảm. Gió không có tay chân, mặt mũi, cũng không có các sắc đen trắng vàng đỏ. Này Hiền Hộ, thức giới cũng thế không sắc, không hình, không ánh sáng, nhưng do nhân duyên mà hiển bày các công dụng sai khác. Ông nên biết thọ giác pháp giới cũng như thế, không sắc, không hình, bởi nhân duyên nên hiển phát công dụng. Này Hiền Hộ, lúc chúng sinh chết, thọ giác pháp giới và thức giới đều xả ly thân; thức vận chuyển thọ giác pháp giới thọ nhận thân khác; ví như ngọn gió thổi các hoa đẹp, hoa ở nơi đây, còn mùi hương của hoa tỏa đi rất xa, thể của gió chẳng nắm lấy hương thơm của hoa đẹp. Thể của hương, thể của gió và thân căn đều không có hình sắc, nhưng nếu không có sức gió thì hương không thể tỏa xa.

Này Hiền Hộ, lúc chúng sinh chết, thức giữ lấy thọ giác pháp giới đến sinh nơi khác, do duyên cha mẹ mà thức nương gá. Thọ giác pháp giới hay theo thức cũng lại như thế, như từ thắng lực của hoa mà mũi có ngửi, từ thắng lực của ngửi mà được hương cảnh. Lại như từ thắng lực của thân gió được xúc của sắc gió. Nhờ thắng lực của gió mà hương được bay xa. Như vậy từ thức có thọ, từ thọ có giác, từ giác có pháp, liền có thể biết rõ thiện và bất thiện, cho đến sự dời đổi của thức, như mặt mũi hiện trong gương, như dấu ấn hiện trên bùn. Ví như mặt trời mọc thì tối tăm đều trừ, mặt trời lặn bóng tối như cũ. Bóng tối không hình chất, chẳng phải thường hay vô thường, hay có nơi chốn của nó; thức cũng như thế, không hình chất, nhờ thọ, tưởng hiển bày thức ở nơi thân, như bóng tối không có tự thể, nhìn không thể thấy, chẳng thể nắm bất, như mẹ nhớ con chẳng thể tự biết là trai hay gái, đen hay trắng, sắc căn đủ hay chẳng đủ, tay chân mặt mũi giống hay chẳng giống, ăn uống nóng thô, đứa con liền động giác tri. Chúng sinh thống khổ đến đi, co duỗi, nhìn liếc, nói cười, đàm luận, gánh vác, tạo tác các sự nghiệp, thức tướng hiển bày đầy đủ mà chẳng thể biết chỗ ở của nó, dừng lại trong thân mà chẳng biết hình trạng của nó.

Này Hiền Hộ, tự tính của thức vào khắp các xứ nhưng chẳng bị các xứ làm nhiễm ô, thức ở khắp sáu căn, sáu trần, năm ấm phiền não chẳng bị lây nhiễm, từ đây hiển bày sự dụng của thức. Này Hiền Hộ, như bộ máy bằng gỗ tạo tác các việc như chạy nhảy, đi đứng. Ý ông thế nào bộ máy hoạt động là do năng lực của ai ?

Hiền Hộ bạch Phật: Trí tuệ của con cạn cợt chẳng thể biết được.

Phật bảo Hiền Hộ: Ông nên biết đây đều là nghiệp lực, nghiệp lực vô hình, chỉ do trí vận dụng. Như thân này do năng lực của thức mà tạo tác các sự nghiệp, các loài như chư tiên, càn-thát-bà, long, thần, nhân, thiên a-tu-la v.v… nghiệp đều nương gá vào đó, thức hay sinh thân. Cùng như bộ máy kia, thức không hình chất giữ gìn pháp giới, trí lực đầy đủ, cho đến có thể biết việc túc mệnh, cho nên biết thức tính là một, vô trụ vô hình chỉ theo trí mà hiển bày, tùy niệm mà lưu chuyển. Ấm này vừa diệt, ấm kia liền sinh, như dấu ấn hiện trên bùn, mặt mũi hiện trong gương, cho đến lúc nhập thai phải gá chất mà hiện sinh, qua lại không dấu, ẩn hiển vô ngại, như hạt ngọc chiếu sáng, mặt trời tỏa ánh sáng, lửa có trong gỗ, hạt giống sinh từ đất, thể nó là một, dụng nó vô cùng. Một thức môn này cũng như thế, do niệm lực phân ra mười hai loại sai khác, tùy nghiệp quả biến ra vô lượng hình chất sinh tử.

Kinh Đại Thừa Đồng Tính ghi: “Tỳ-tỳ-sa-na Lăng-già vương hỏi: Bạch Thế Tôn, thần thức chúng sinh lớn bao nhiêu và có màu sắc gì ? Phật dạy: Lăng-già vương, thần thức chúng sinh lớn vô biên, không sắc không tướng không thể thấy; vô ngại, vô hình, vô định xứ chẳng thể nói.

Tỳ-tỳ-sa-na bạch: Thế Tôn, thức tướng như thế đâu chẳng phải đoạn tuyệt ?

Phật dạy: Lăng-già vương, nay ta hỏi ông tùy ý ông đáp ta sẽ vì ông nói. Lăng-già vương, ví như đại vương ở trong cung điện hoặc trên lầu cao, thể nữ vây quanh, mặc áo đẹp, đeo chuỗi anh lạc; khi ấy gió thổi hương thơm của hoa cây a-thâu-ca trong viên lâm đến chỗ vua ngài có ngữi được chăng ?

Tỳ-tỳ-sa-na bạch: Thế Tôn, con ngửi được mùi hương ấy.

Phật dạy: Lăng-già vương, ông ngửi mùi hương ấy phân biệt được chăng ?

Vua đáp: Bạch Thế Tôn, con có thể phân biệt.

Phật nói: Lăng-già vương, mùi hương này đại vương thấy lớn nhỏ, có màu sắc gì ?

Lăng-già vương đáp: Không, Thế Tôn, vì sao ? Hương này không sắc, không hiện, vô ngại, vô tướng, vô định xứ chẳng thể nói, cho nên chẳng thấy hình sắc lớn nhỏ.

Phật nói: Lăng-già vương, ý ông thế nào ? Nếu chẳng thấy mùi hương ấy lớn nhỏ há chẳng phải là tướng đoạn tuyệt sao ?

Tỳ-tỳ-sa-na đáp: Không Thế Tôn, vì sao ? Nếu mùi hương là tướng đoạn tuyệt thì không ai ngửi được.

Phật nói: Đúng vậy, Lăng-già vưomg, thức tướng cũng thế, cần phải nhận thấy như vậy. Lăng-già vương, nếu thức đoạn tướng thì không có sinh tử để biết được. Lăng-già vương, thức tướng thanh tịnh chỉ là vô minh tham ái, tập khí nghiệp, các phiền não che chướng. Lăng-già vương, ví như hư không giới thanh tịnh chỉ có bốn thứ khách trần ô nhiễm. Bốn khách trần là gì ? Đó là khói, mây, bụi, sương mù. Lăng-già vương, như vậy thức tướng vốn thanh tịnh nên vô biên chẳng thể nắm bắt, không bị sắc lây nhiễm, chỉ là bị các phiền não che chướng. Tại vì sao ? Lăng-già vương, nếu lúc chính quán chẳng có chúng sinh không ngã, không chúng sinh, không thọ mạng, không nuôi dưỡng, không người, không số lượng, không người biết, không người thấy, không người hay, không người nhận, không người nghe, cho đến không sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Hỏi: Cảnh sắc bên ngoài do thức phân biệt nên gọi là duy thức, trong chiêm bao không cảnh duy thức tại sao thấy mọi thứ ?

Đáp: Kinh Hiển Thức ghi: “Phật nói: Này Hiền Hộ, sắc có hai thứ: nội và ngoại. Nội là nhãn thức, nhãn căn là ngoại; cho đến thân thức là nội, thân căn là ngoại. Này Hiền Hộ, như người mù trong chiêm bao thấy hình dung xinh đẹp liền sinh tâm yêu thích, khi thức dậy không thấy gì cả, cho đến người mù chưa từng thấy vật tại sao trong chiêm bao có thể thấy sắc ?

Hiền Hộ bạch Phật: Cúi xin Thế Tôn chỉ dạy.

Phật bảo Hiền Hộ: Trong mộng thấy sắc là do tuệ phân biệt, chẳng phải nhục nhãn thấy. Do sức niệm nên người mù trong chiêm bao có thể thấy sắc, lại dùng sức niệm giác biết mà nghĩ nhớ; nội sắc của thức cũng như thế. Do đó đối với thấy chỉ là thức, nghe, ngửi, nếm, chạm xúc cũng thế, thấy có cảnh giới chỉ là niệm tuệ phân biệt. Nếu lìa niệm tuệ phân biệt quyết định không có mảy may tướng tiền trần”.

Hỏi: Thức tính vô hình, nhỏ nhiệm vô cùng tại sao có thể nắm giữ thân lớn, thân nhỏ ?

Đáp: Thức tính vi diệu bất khả tư nghì, bởi tùy nghiệp nên đẹp xấu liền phân, vì vô hình nên lớn nhỏ đều như nhau. Kinh Hiển Thức ghi: “Phật nói: Đại Dược, như ngọn gió không hình không chất xuất phát từ hang vắng hoặc kẽ hở thổi dữ dội xô ngã Tu-di, đập nát vụn như bụi phấn; phong đại vi diệu không chất, không hình; thức cũng như thế vi diệu không hình sắc, có thể nắm giữ thân lớn, thân nhỏ, hoặc thọ thân con muỗi, hoặc thọ thân con voi, cho đến như hạt giống ni-cù-đà rất nhỏ mà mọc lên cây bà-sa to lớn có trăm nghìn cành nhánh. Ý ông thế nào ? Hạt giống và cây ấy lớn nhỏ giống nhau chăng ?

Đại Dược đáp: Bạch Thế Tôn, hạt giống và cây ấy lớn nhỏ khác xa, như ruột cọng sen so với hư không giới.

– Đúng thế, Đại Dược, không thể tìm thân cây trong hạt giống, nhưng nếu không nhờ hạt giống thì không có thân cây. Hạt giống ni-cu-đà nhỏ xíu mà có thể mọc lên cây to, thức vi tế có thể sinh ra thân lớn nhưng không thể tìm thân trong thức. Nếu bỏ thức ra thì không có thân”.

Kinh Tỳ-da-sa Vấn ghi: “Phật nói: Lại nữa đại tiên thức này vi tế không sắc, không chất, chẳng thể thấy thức, vì chẳng phải là màu xanh màu vàng v.v… trong sắc không có căn thức. Nếu lìa căn thì không có cảnh giới. Trong tâm người hoặc kinh động sợ hãi, hoặc nghi hoặc tư lương, tất cả đều là năng lực của thức”.

Hỏi: Sáu cõi lên xuống đều chỉ là thức, loài vừa sinh thiện ác, tướng nó thế nào ?

Đáp: Tùy phước trợ giúp quả báo chẳng đồng, phước nhiều trợ giúp thức thì cảnh lớn đẹp; phước kém trợ giúp thức thì tướng nhỏ xấu. Kinh Hiển Thức ghi: “Đại Dược lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn, chúng sinh xả bỏ thân vì sao sinh cõi trời, cho đến vì sao sinh vào địa ngục ?

Phật đáp: Này Đại Dược, lúc chúng sinh lâm chung, do phước nghiệp rợ giúp xả bỏ thân cũ được thân vi diệu cõi trời. Dùng thân vi diệu này thấy cõi Lục Dục Thiên và sáu loài thấy thân dao động thấy cung điện cõi trời, vườn Hoan Hỉ, vườn Tạp Hoa v.v… cho đến như ngủ hay chẳng ngủ an ổn xả bỏ thọ mạng. Lúc sắp bỏ thọ mạng, thiên phụ, thiên mẫu cùng ngồi một tòa; trong tay thiên mẫu tự nhiên mọc hoa, thiên mẫu thấy hoa liền quay lại bảo thiên phụ: “Thật là phúc lành, thắng quả hiếm có, nhưng niềm vui sướng hôm nay chẳng được bao lâu!”. Thiên mẫu dùng đôi tay đùa nghịch hoa, ngay lúc ấy liền mạng chung. Thức vô tướng xả bỏ các căn, giữ lấy các cảnh nghiệp; xả bỏ các cõi giới, giữ lấy các sự việc ở cõi giới, biến hiện các quả báo, như cưỡi ngựa bỏ một cưỡi một, như mặt trời thích tỏa ánh sáng, như gỗ sinh lửa, lại như bóng trăng hiện nơi mặt nước lặng trong. Thức giúp thiện nghiệp biến hiện báo trời như ngọn gió xô lệch các đóa hoa, thiên phụ và thiên mẫu ngồi chung một tòa ngắm nhìn. Gió dục cam-lộ thổi hoa bảy ngày, vòng báu trang sức thân chiếu sáng rực rỡ, thiên đồng trong trắng hiện ra nơi tay thiên mẫu.

Đại Dược bạch Phật: Thế Tôn, thức vô hình tại sao nhờ sức nhân duyên để sinh ? Hữu tình tại sao ở trong nhân duyên ?

Phật nói: Này Đại Dược, như gỗ cọ xát nhau mới sinh lửa, không có lửa trong gỗ; nếu loại trừ gỗ cũng không được lửa, nhân duyên hòa hợp mà sinh, nhân duyên chẳng đủ thì không có lửa; chẳng thể thấy tướng lửa trong gỗ, nhưng mọi người đều thấy từ gỗ phát sinh lửa. Cũng như thế, Đại Dược, thức nhờ nhân duyên cha mẹ hòa hợp sinh có thân, không thể tìm thức trong thân, lìa thân cũng không có thức. Này Đại Dược, như lửa chưa xuất hiện, tướng lửa chẳng hiện, cũng không có cảm giác nóng bỏng, các tướng đều không. Cũng như thế Đại Dược, nếu chưa có thân thì thọ tưởng hành thức đều chẳng hiện. Này Đại Dược, như thấy ánh mặt trời chiếu rực rỡ nhưng phàm phu chẳng thấy thể của mặt trời là đen hay là trắng, trắng vàng hay đỏ vàng đều chẳng thể biết, chỉ nhờ chiếu nóng, phát ánh sáng, mọc lặn xoay vần mà biết có mặt trời; thức cũng như thế, nhờ có các tác dụng mà biết có thức.

Đại Dược bạch Phật: Thế nào là tác dụng của thức ?

Phật nói: Này Đại Dược, thọ giác, tưởng hành, tư ưu, khổ não, đây là tác dụng của thức. Lại có tác dụng của nghiệp thiện, bất thiện huân tập làm chủng tử hiển bày thức.

Đại Dược bạch Phật: Tại sao thức vừa lìa thân thì lập tức thọ thân; lúc thức lìa bỏ thân cũ nhưng chưa thọ thân mới thì thức có tướng gì ?

Phật nói: Này Đại Dược, như có dũng sĩ uy mãnh mặc áo giáp cưỡi ngựa phóng nhanh như gió vào trận chiến, trong lúc giao chiến tâm thần hoảng loạn rớt xuống ngựa, nhờ võ nghệ cao cường trở lại nhảy lên lưng ngựa; thức xả bỏ thân cũ thọ thân mới cũng như thế. Lại như kẻ khiếp nhược thấy địch liền sợ hãi cưỡi ngựa thoái lui. Thức giúp thiện nghiệp thấy thiên phụ, thiên mẫu cùng ngồi một chỗ lập tức gá sinh nơi kia cũng lại như thế.

Này Đại Dược, theo như ông hỏi khi thức bỏ thân cũ, chưa thọ thân mới, thức có tướng gì ? Này Đại Dược, ví như bóng người hiện trong nước không có bản chất để nắm bắt, nhưng mặt mũi tay chân và các hình trạng không khác với người, thể chất, sự nghiệp trong bóng thảy đều không, không lạnh, không nóng, không các cảm xúc, cũng không có sự mệt mỏi của thân thể, không có khổ vui, lúc thức bỏ thân cũ chưa thọ thân mới tướng nó cũng lại như thế. Này Đại Dược, đây thức giúp thiện quả sinh các cõi trời.

Đại Dược bạch Phật: Thế nào là thức sinh địa ngục ?

Phật bảo Đại Dược: Người tạo ác nghiệp hẳn là vào địa ngục. Ông hãy lắng nghe, này Đại Dược, trong đây chúng sinh tích chứa căn bất thiện, lúc mạng chung nghĩ như sau: Nay tôi chết đi xa, lìa cha mẹ thân thích, thật buồn khổ! Liền thấy thân mình cần phải vào địa ngục, thấy thân ở trên, đầu đảo ngược xuống dưới; lại thấy một nơi toàn là máu mủ tâm cảm thấy ưa thích liền sinh địa ngục. Thức nương vào nhân duyên xú uế mà sinh vào đó, ví như nhân nơi chỗ xú uế như trùng sinh trong sữa hôi thối, rượu hôi thối, người vào địa ngục gá vào vật hôi thối mà sinh cũng như thế.

Luận Bát-nhã Đăng ghi: “Lúc từ tử hữu tiếp nối đến sinh hữu như thọ kinh, truyền đăng, hành ấn, giống như bóng hiện trong gương, tiếng vang trong hư không, bóng trăng dưới đáy nước, hạt giống nảy mầm, như người thấy vị chua trong miệng chảy nước dãi”. Như vậy lúc hậu ấm tương tục khởi, không có trung ấm vãng lai truyền nơi đây đến nơi kia, cho nên người trí cần nên hiểu như thế. Vì vậy biết thức nhờ nghiệp hiện, cảnh theo tâm sinh. Núi đao bén nhọn kẻ nào nấu luyện, hoa ngậm nước công đức chẳng phải người khác phô bày, biện quả biết nhân, thấy ngọn rõ gốc, vì thế nói: “Tâm làm Phật, tâm làm chúng sinh, tâm tạo thiên đường, tâm tạo địa ngục”. Tâm khác biệt thì thiên sai tranh khởi, tâm bình đẳng thì pháp giới thênh thang; tâm phàm thì tam độc vây quanh, tâm Thánh thì lục thông tự tại; tâm không thì một đạo thanh tịnh, tâm có thì muôn cảnh dọc ngang; như hang dội tiếng, tiếng lớn thì vang to; như gương soi bóng, hình cong thì bóng vẹo, cho nên biết muôn hạnh do tâm, tất cả tại mình; trong hư thì ngoài chẳng thật, ngoài tế thì trong chẳng thô; nhân lành thì gặp duyên lành, hạnh ác thì gặp cảnh xấu; nhảy lên ráng mây uống cam-lộ, chẳng phải người khác trao cho; nằm trên khói lửa ăn máu mủ đều tự mình làm, chẳng phải trời sinh, chẳng phải đất xuất, chỉ do một niệm ban đầu khiến cho thăng trầm. Muốn bên ngoài an hòa, chỉ cần nội tâm định tĩnh, tâm rỗng thì cảnh lặng, niệm khởi thì pháp sinh, nước đục thì sóng nhơ, đầm trong thì trăng sáng; cốt yếu của sự tu hành không ngoài việc này, đây gọi là cửa của các việc nhiệm mầu, là đền thiêng của muôn loài, là cội gốc của sự thăng trầm, là ngọn nguồn của họa phúc. Chỉ cần chính tự tâm thì làm sao hoài nghi cảnh khác! Thế nên lìa ác hạnh, thiện hạnh, bất động hạnh của chúng sinh chắc hẳn không có quả báo khổ vui trong tam giới; nếu lìa thấy nghe hiểu biết làm gì có cảnh giới như ấm, xứ, giới. Như Kinh Đại Bát-nhã ghi: “Phật dạy: Hoặc mộng hoặc thức vẫn phải ở trong sự thấy nghe hiểu biết có giác tuệ chuyển, do đây khởi nhiễm, hoặc khởi tịnh. Nếu không có sự thấy nghe hiểu biết thì không có giác tuệ chuyển, cũng không có nhiễm tịnh. Cho nên biết mộng tỉnh duy thức, nhiễm tịnh do tâm, tiền hiền hậu học lấy đây làm tông, ngàn kinh muôn luận đều qui hướng về”.

Kinh Lăng-già có bài kệ:

Chúng sinh và bình chậu
Tất cả cảc hình tướng
Trong ngoài tuy chẳng đồng
Tất cả từ tâm khởi.

Chỉ cần một niệm chẳng sinh, các duyên tự dứt. Cho nên nói: “Một niệm tâm chẳng sinh, sáu căn đều không lỗi”. Lại nói: “Nhất tâm chẳng sinh, muôn pháp không lỗi”. Hiện tại chán ghét sinh tử tùy theo sự suy nghĩ, tùy theo sự tạo tác, bỏ vọng, bỏ thân, nghiệp quả luôn mới. Nếu có thể rõ sinh vô sinh, biết vọng vô vọng một niệm tâm lặng, muôn lự đều dứt. Như nói sợ bóng, sợ dấu càng chạy càng gần, ngồi dưới bóng cây dấu mất bóng lặn, là biết ngộ tâm liền thôi, không còn thuật nào khác. Như Tổ sư nói: “Tất cả do tâm, tà chính tại ta; chẳng nghĩ một vật chính là bản tâm, người trí có thể biết không có hạnh nào khác”. Do đó Đức Bổn Sư nói: “Việc này chỉ mình ta biết”.