TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 70

Hỏi: Chính ý của chư Phật vốn hiển bày nhất tâm cần gì trong giáo lại còn nói đến ấm giới ?

Đáp: Tùy vọng tâm mà phá vọng cảnh, nghĩa là hiển bày nhân không phá trừ dị chấp và nói các môn khác biệt thành pháp giải thoát, vì không có pháp cố định gọi là vô thượng bồ-đề. Bệnh lành không cần thuốc, pháp như chiếc bè còn phải bỏ.

– Thức luận hỏi: Nhờ kinh A-hàm chứng nghiệm biết, nếu chỉ là tâm thức hư vọng phân biệt thấy cảnh giới bên ngoài, chẳng từ cảnh giới bên ngoài như sắc v.v… sinh nhãn thức v.v… do ý nghĩa gì Như Lai phân tích rõ 12 nhập ?

– Đáp: Kệ nói:

Nói các nhập như sắc
Để hóa độ chúng sinh
Theo người trước thọ pháp
Nói có loài hóa sinh.

Như Lai nương nơi tâm nghiệp tương tục chẳng dứt ấy nên nói có chúng sinh hóa sinh.

Lại nói: “Vô ngã, vô chúng sinh, vô thọ giả”, chỉ là do nhân duyên hòa hợp mà có các pháp sinh. Như Lai nói các nhập như sắc v.v… là vì theo người trước thọ pháp, bởi người trước chưa hiểu nhân duyên, thể của các pháp đều không, chẳng phải cho rằng thật có các cảnh giới bên ngoài như sắc, hương, vị v.v…

Hỏi: Nếu thật không có các nhập như sắc v.v.., do nghĩa gì trong kinh Như Lai nói như thế ?

Đáp: Kệ nói:

Nương bản tâm trí ấy
Thức vọng bám ngoại cảnh.

Cho nên Như Lai nói có các nhập trong ngoài nương nơi chủng tử của tâm ý thức từ vô thỉ chuyển biến, hư vọng thấy các cảnh giới bên ngoài như sắc, hương, vị v.v…, thế nên Như Lai nương nơi hai pháp hư vọng sau đây nói như thế: một là chủng tử của bản thức, hai là cảnh giới hư vọng bên ngoài. Nương nơi hai pháp này Như Lai nói có các nhập nhãn sắc v.v…

Hỏi: Theo lời kệ ấy thì có công đức lợi ích gì ?

Đáp: Kệ nói:

Quán hư vọng không thật
Như vậy vào ngã không
Thấy các pháp sai khác
Vào các pháp vô ngã.

Vì khiến cho Thanh văn hiểu do sáu căn sáu trần sinh ra sáu thức, không có một pháp là thật biết, cho đến không có một pháp là thật thấy, vì khiến chúng sinh được hóa độ mà quán sát như thế thể nhập nhân vô ngã không.

Thấy các pháp sai khác, nghĩa là Bồ-tát quán thật không có một pháp ngoại trần như sắc v.v… để thấy, thậm chí không có một xúc để cảm giác, quán sát như thế được vào nhân duyên, thể của các pháp đều không; vì muốn ngăn sự phân biệt hư vọng ấy nên nói tất cả các pháp sắc v.v… rốt ráo rỗng không, chẳng phải chỗ vô ngôn đều rỗng không.

Vô ngôn là cách hành xử của chư Phật Như Lai, do đó chỉ có chân thức không còn thức nào khác; chẳng thể phân biệt quán sát như thế vào nơi thức không. Nương nơi thức nói thể nhập tất cả pháp vô ngã, chẳng phải một mực chê bai cái ngã của chân thức, cho rằng không có Phật tính thật ngã.

Như Lai dùng phương tiện khiến cho chúng sinh được vào ngã không và pháp không nên nói có nội thức, nhưng thức không có nội thức để nắm lấy. Nếu chẳng như thế thì chẳng thể nói ngã pháp không; do nghĩa này nên hư vọng phân biệt tâm này biết tâm nọ, tâm nọ biết tâm này.

Luận Biện Trung có bài tụng:

Thức sinh biến tợ nghĩa
Hữu tình, ngã và liễu
Cảnh này thật chẳng có
Cảnh không nên thức không.

Biến tợ nghĩa, nghĩa là dường như tính của các cảnh sắc v.v… hiện. Biến tợ hữu tình, nghĩa là dường như tính của năm căn thân mình thân người hiện. Biến tợ ngã nghĩa là mạt-na nhiễm ô luôn tương ưng với ngã si v.v… Biến tợ liễu, nghĩa là sáu thức còn lại liễu biệt tướng thô.

Cảnh này thật chẳng có, nghĩa là vì tợ nghĩa, tợ tướng không có hành tướng, vì tợ ngã, tợ liễu chẳng chân thật nên đều chẳng phải thật có.

Cảnh không nên thức không, nghĩa là bốn cảnh sở thủ như nghĩa, hữu tình, ngã, liễu biệt không nên các thức năng thủ cũng không. Do đó bậc đại căn đốn ngộ còn không có một người huống là nói nhiều người. Vì sao ? Vì người chấp trước thì nhiều; người ngộ cái mê chỉ có một, mà mê cái ngộ thì nhiều, do căn cơ có sai biệt Phật triển khai ấm xứ giới. Nếu người mê tâm chẳng mê sắc thì Phật phân tích năm ấm; nếu người mê sắc chẳng mê tâm thì ngài phân tích 12 xứ; nếu người tâm sắc đều mê thì ngài phân tích chi li 18 giới. Nếu thấy ngay tính thần giải của chân tâm thì chẳng phải một, chẳng phải nhiều, chẳng phải pháp số; những giáo lý chỉ dạy khác đều là môn phương tiện khéo léo tùy theo cơ nghi mà rộng bày phá lập. Muốn hiển bày lý chân không trước tiên nói về đầu mối huyễn hữu, cứu cánh chỉ cho trở về biển nhất tâm.

Hỏi: Về pháp năm uẩn nơi thân, thế gian hiểu thế nào trở thành pháp ngoại đạo, còn thông đạt thế nào thì trở thành Phật pháp ?

Đáp: Ngoại đạo chẳng thấu suốt được các pháp nhân duyên hòa hợp thành các uẩn, mọi việc làm đều là thức ấm bèn trên uẩn chấp có thật ngã, thọ dụng tự tại gọi là thần chủ. Đối với cái dường như thường nhất tương tục nói có thần tính, đây là nghĩa của ngoại đạo. Nếu rõ trong ngoài hòa hợp do nhân duyên làm thành, duy thức biến ra, dường như cảnh hiện, là thức thứ tám giữ gìn chẳng dứt, dường như có sự tương tục, đây là nghĩa của Phật pháp. Ngoại đạo chẳng biết cho là thật có, mê cái lý vô tính, chấp cái ngu thân kiến.

Hỏi: Đoạn trước phá tính của năm ấm, sáu nhập, 18 giới, bảy đại, và thức đều không, làm sao kiến lập duy thức ?

Đáp: Một là vì trừ cảnh nên lập thức, vì sao ? Nếu chẳng nhờ thức làm sao lập cảnh; nếu chẳng hiển thức làm sao trừ cảnh ? Hai là vì có tâm vọng tưởng nên biết danh nghĩa, vì sao ? Nếu không có vọng thì không thể hiển chân; nếu không có chân thì chẳng thể phá vọng. Cho nên biết phá lập tại ngã, nhiễm tịnh do tâm.

Luận Tam Vô Tính ghi: “Nay vì thành tựu y tha tính nên nói thành lập đạo lý; tính này chẳng lấy ngôn thuyết làm thể. Vì sao ? Vì ngôn thuyết hẳn có chỗ y cứ, nếu không có chỗ y cứ thì những phẩm loại danh ngôn về thức không thể lập”. Nếu chẳng phải thế thì phẩm loại được y cứ đã không có và danh ngôn được nói cũng chẳng được lập. Nếu vậy thì không có hai tính, không hai tính thì không hoặc phẩm, không hoặc phẩm thì mắc hai lỗi: một là chẳng do dụng công tự nhiên giải thoát; hai là sinh tử, niết-bàn chẳng thể hiển hiện. Do không có hai lỗi này cho nên biết quyết định có tính y tha; có tính này nên thế đế lập. Nếu chẳng lập thế đế thì cũng chẳng có chân đế, vì sao ? Vì rõ tục vô tính liền thành chân đế. Nếu cho rằng không có nhị đế thì đó là ác thủ tà không, chẳng phải khéo thông chính lý.

Lại nếu không có bản địa chân đế, làm sao thùy tích tục đế; bản tích tuy khác nhưng là một bất tư nghì. Như Pháp Hoa Huyền Nghĩa giải thích rộng về bản tính có sáu thứ. Bản là lý bản, tức là thật tướng nhất cứu cánh đạo. Tích là ngoài thật tướng các pháp, các thứ khác đều gọi là tích.

Lý với sự gọi là bản, nói lý nói sự gọi là giáo tích. Giáo của lý sự gọi là bản, theo giáo tu hành gọi là tích. Như người nương náu một nơi thì có dấu vết nơi đó, tìm được dấu vết là biết nơi chốn.

Lại tu hành chứng thể, thể là bản; y thể khởi dụng, dụng là tích. Lại thực sự được thể dụng gọi là bản; phương tiện thể hiện thể dụng gọi là tích. Những gì hiển bày hiện tại là bản; những gì đã nói trước kia là tích.

Căn cứ sáu nghĩa sau đây để thuyết minh bản tích:

1- Y cứ lý sự thuyết minh bản tích: Từ gốc vô trụ lập ra tất cả pháp. Lý vô trụ là bản thời chân đế thật tướng. Tất cả pháp là bản thời tục đế sum la. Từ chân bản của thật tướng bày ra tục tích, tìm tục tích là hiển bày chân bản; bản tích tuy khác mà bất tư nghì chỉ có một, cho nên kinh nói: “Quán nhất thiết pháp không như thật tướng, chỉ do nhân duyên có, từ điên đảo sinh”.

2- Y cứ lý giáo thuyết minh bản tích: Bản thời nhị đế được chiếu đều bất khả đắc gọi là bản, đức Phật trước kia phương tiện nói là giáo của nhị đế gọi là tích. Nếu không có bản của nhị đế thì không có hai thứ giáo. Nếu không có giáo tích thì làm sao hiển bày đế bản; bản tích tuy khác nhưng bất tư nghì chỉ có một. Kinh có bài kệ:

Pháp này chẳng thế nói
Tướng ngôn từ vắng lặng
Do vì sức phương tiện
Nói cho năm tỳ-kheo.

3- Y cứ giáo hạnh thuyết minh bản tích: Ban đầu dựa vào lời dạy của Phật là bản thì có hạnh tu nhân được quả. Do giáo thuyên lý mà được khởi hạnh, do hạnh thể hội giáo mà được hiển lý, bản tích tuy khác mà bất tư nghì chỉ có một. Kinh có bài kệ:

Các pháp từ xưa nay
Tướng thường tự tịch diệt
Phật tử thực hành đạo
Đời sau được thành Phật.

4- Y cứ thể dụng thuyết minh bản tích: Do xưa kia lúc ban đầu tu hành khế hợp chân lý, chứng pháp thân là bản. Trước tiên được bản pháp thân nên ngay thể khởi cái dụng ứng thân; do ứng thân hiển bày pháp thân; bản tích tuy khác nhưng bất tư nghì chỉ có một. Kinh nói: “Ta từ khi thành Phật đến nay rất lâu xa, chỉ vì phương tiện giáo hóa chúng sinh nên nói như thế”.

5- Y cứ quyền thật thuyết minh bản tích: Ban đầu lâu xa mới thật được pháp thân và ứng thân gọi là bản; khoảng giữa luôn nói sinh, nói diệt các thứ phương tiện đặt ra pháp thân và ứng thân gọi là tích. Nếu ban đầu chẳng được bản của pháp thân và ứng thân thì không có tích của pháp thân và ứng thân trung gian. Do tích hiển bản; bản tích tuy khác mà bất tư nghì chỉ có một. Kinh nói: “Là ta phương tiện, chư Phật cũng thế”.

6- Y cứ xưa nay thuyết minh bản tích: Các giáo trước kia đã nói lý sự cho đến quyền thật đều là tích. Nay kinh nói lý sự lâu xa cho đến quyền thật đều gọi là bản. Nếu ngày nay chẳng có bản lâu xa được nói thì không có thùy tích đã nói. Chẳng phải tích đã nói thì làm sao hiển được cái bản ngày nay. Bản tích tuy khác nhưng bất tư nghì chỉ có một. Kinh có bài kệ:

Pháp chư Phật về sau
Cần phải nói chân thật.

Hỏi: Thế gian không có một pháp chẳng từ duyên sinh, vậy đủ mấy duyên mới có thể sinh muôn pháp ?

Đáp: Chưa từng ngoài tâm, pháp có thể cùng tâm làm duyên, chỉ là tự tâm sinh trở lại cùng tâm làm tướng. Nghĩa Hải nói: “Nói duyên khởi, như lúc thấy trần cảnh, trần cảnh này do tự tâm hiện, do tự tâm hiện liền cùng tự tâm làm duyên. Do duyên tâm hiện tiền mà pháp mới khởi nên gọi là pháp duyên khởi. Kinh nói: “Các pháp từ duyên khởi, không duyên thì chẳng khởi (…) thì biết trần cảnh thể rỗng không chẳng thật có”. Nay ngộ duyên, phi duyên khởi không gì chẳng vi diệu, chỉ là duyên khởi, thể tịch hằng khởi mà chẳng khởi; đạt thể tùy duyên chẳng khởi hằng khởi. Thấy như thế gọi là thấy biết như thật. Thế nào là thấy biết như thật ? Nếu thấy duyên mà chẳng thấy thể đó là thường kiến; nếu thấy thể mà chẳng thấy duyên đó là đoạn kiến. Nay từ nhân duyên mà thấy tính thì chẳng rơi vào thường; trong chân tính mà duyên khởi thì chẳng rơi vào đoạn, đây gọi là thấy biết như thật. Do đó bàn rộng về hành tướng của nhân duyên, nghĩa là nhân sự mà hiển lý, khiến lý chẳng đơn độc; nhân lý mà thành sự khiến sự dung tức. Nhưng y cứ kinh luận tùy thuận thế đế tạm lập bốn loại nhân duyên trong ngoài đều có hành tướng:

1- Nhân duyên: Luận nói: “Một là nhân duyên, nghĩa là pháp hữu vi trực tiếp đầy đủ tự quả. Thể này có hai: một là chủng tử, hai là hiện hành.

Giải thích: Nếu chủng tử của tất cả phiền não bị gia hạnh trí chiết phục nên mãi mãi chẳng sinh hiện hành. Tuy chủng tử là pháp nhân duyên nhưng vì chẳng thể sinh hiện hành nên chẳng được gọi là nhân duyên.

Lại như đem chủng tử tâm trông mong hiện hành sắc cũng chẳng gọi là nhân duyên. Nếu chủng tử tâm sinh hiện hành tâm, chủng tử sắc sinh hiện hành sắc v.v… đều gọi là nhân duyên, vì đây đều gồm cả hai loại chủng tử mới và cũ.

2- Đẳng vô gián duyên: Nghĩa là tám hiện thức và tâm sở cái trước nhóm nơi cái sau, cùng một loại vô gián đẳng đưa đến sự quyết định sinh.

Giải thích:

Tám hiện thức và tâm sở nghĩa là ra khỏi duyên thể chỉ thấy tự chứng; đây là duyên thể gọi chung là hiện thức lược bỏ sắc, chẳng tương ưng chủng tử vô vi, chẳng phải là duyên tính.

Luận nói: “Đẳng vô gián duyên chỉ hướng đến tất cả tâm, tâm sở mà nói, vì thuộc về sự dẫn dắt của đời trước”. Khai là nghĩa né tránh; đạo là nghĩa chiêu dẫn, tức là né tránh chỗ trước khiến dẫn sinh pháp sau.

Cái trước nhóm nơi cái sau là lược bỏ cùng thời, trước sau là duyên, vì chẳng phải mở lối. Tự loại là hiển bày chẳng phải thức người khác làm duyên. Vô gián là hiển bày tuy cái trước không gián đoạn, chỉ cái sau duyên theo, chẳng có khoảng cách. Khai đạo là chỉ nói nghĩa duyên. Khiến kia quyết định sinh là nói về hậu quả.

Tuy trải qua tám vạn kiếp lâu xa, nhãn thức trước hướng về sau cũng là duyên này, vì hậu quả kia sẽ quyết định sinh, tức lược bỏ nhập vô dư nương nơi tâm sau rốt. Không có quả quyết định sinh nên chẳng phải duyên này, vì tuy có nghĩa khai mà không có sức dẫn dắt.

Hỏi: Tâm và tâm sở đã chẳng phải tự loại, như tám thức luôn cùng chuyển, thể dụng khác biệt, làm thế nào cùng khởi hướng về sau cùng làm duyên cho nhau ?

Đáp: Luận nói: “Tâm và tâm sở tuy luôn cùng chuyển và tương ưng nên hòa hợp dường như một, chẳng thể bày ra sự chia lìa sai biệt, làm đẳng vô gián duyên cho nhau”.

Hòa hợp dường như một, nghĩa là cùng một sở duyên, một sở y, đồng một thời chuyển, cùng thuộc một tính, chẳng thể chia lìa sai biệt, chẳng đồng với hành tướng sở duyên của tám thức và chỗ nương cũng chẳng đồng nên không thể làm duyên cho nhau. Lại chỉ ngoại trừ nhập vô dư y, tất cả tâm và tâm sở khác đều là đẳng vô gián duyên, vì lực dụng bằng nhau không có tự loại gián cách.

3- Sở duyên duyên: Nghĩa là nếu có pháp là tâm bám vào tự tướng, hoặc tương ưng với những điều suy nghĩ. Đây có hai thể: thân và sơ. Nếu chẳng lìa thể năng duyên là bám vào điều suy nghĩ của kiến phần bên trong, nên biết đó là thân sở duyên duyên. Tuy lìa thể năng duyên làm chất liệu hay khởi những điều suy nghĩ bên trong, nên biết đó là sơ sở duyên duyên.

Thân sở duyên duyên đều có năng duyên, vì lìa những điều suy nghĩ bên trong hẳn chẳng sinh. Sơ sở duyên duyên hoặc có hoặc không năng duyên, vì lìa những điều suy nghĩ bên ngoài cũng được sinh.

Giải thích:

Nói nếu có pháp, nghĩa là chẳng phải biến kế sở chấp, sự chấp trước không tự thể không thể sinh ra thức năng duyên nên chẳng phải là duyên. Duyên thì hẳn phải y tha. Đây hẳn có tự thể mới duyên.

Là tâm bám vào tự tướng, nghĩa là tâm năng duyên v.v… bám vào tướng của nó như sắc v.v…. Đới là nghĩa đeo mang; tướng là nghĩa thể tướng, chẳng phải nghĩa tướng trạng, nghĩa là lúc chính trí sinh mang theo thể tướng của chân như, cùng với chân như chẳng đồng, chẳng khác, chẳng phải tướng, chẳng phải phi tướng. Vì là sở duyên nên bám vào sở duyên của nó cho là cảnh tướng. Nếu đem tướng nói thể, là có thể tướng của tâm và tâm sở đồng thời.

Cùng là tâm bám vào tướng là nghĩa phân chia, hoặc là nghĩa thể tướng. Chân như cũng gọi là tướng, tướng của vô tướng. Do đó kinh nói: “Đều cùng một tướng gọi là vô tướng”.

Thân sở duyên duyên, nếu cùng với kiến phần v.v… thể chẳng lìa nhau, lược bỏ sự biến hiện của thức người khác và tám thức của chính mình đều có sở duyên, chỉ là những điều suy nghĩ bên trong của kiến phần.

Đây có hai thứ:

1- Hữu vi: là do thức biến ra gọi là những điều suy nghĩ bên trong.

2- Vô vi: Thể của chân như chẳng lìa thức gọi là những điều suy nghĩ, như tự chứng phần duyên kiến phần v.v… Đây là nói thân sở duyên duyên và sơ sở duyên duyên cùng với tâm năng duyên lìa nhau, nghĩa là do thức của người khác và thức của chính mình biến ra nương nhau làm bản chất.

Lại thân sở duyên, nghĩa là kiến phần bám lấy tướng của nó, trong sơ là tướng phần ảnh tượng, là tướng mang lấy bản chất gọi là sở duyên.

Lại thân sở duyên duyên, chỉ là tâm năng duyên đều có tướng phần lìa những điều suy nghĩ bên trong, vì tất cả tâm hẳn chẳng hiện hành.

Trong Đại thừa, nếu duyên không pháp thì chẳng sinh tâm.

Sơ sở duyên duyên, pháp năng duyên hoặc có, hoặc không, vì là pháp ngoài tâm, như chấp thật có ngã pháp, tuy không bản chất nhưng lìa pháp ấy tâm cũng sinh.

Luận Quán Sở Duyên Duyên có bài tụng:

Nội sắc như hiện ngoài
Là sở duyên duyên thức
Cho tướng ấy do thức
Và lại hay sinh thức.

Lấy sắc do nội thức biến ra làm sở duyên duyên, vì là pháp y tha tính có tự thể, chẳng duyên ngoài tâm chấp không có pháp. Luận nói: “Kiến phần gá vào thức để sinh, bám vào tướng phần để khởi”. Kiến phần gá vào thức để sinh chính là nghĩa duyên; nhưng lúc tâm khởi, bám vào tướng phần để khởi là sở duyên. Đới là nghĩa mang theo bên mình. Bách Pháp ghi: “Ngài Hộ Pháp nói sở duyên này như kiến phần, tướng phần, không có tướng phần cố định, vì căn bản trí thân chứng chân như thể chẳng chấp lấy tướng, thể thầm hợp với chân như, là tướng của vô tướng, là chỉ có tướng của thể tướng. Nghĩa mang theo cũng là sở duyên duyên.

Hỏi: Nếu có kiến phần là có tướng phân biệt tại sao gọi là tướng vô phân biệt, và còn nói không thể nắm lấy ?

Đáp: Tuy có kiến phần nhưng vô phân biệt, lại còn không thể nắm lấy, vì chính trí duyên chân như trực tiếp mang thể tướng để duyên, còn nói là tướng của vô tướng.

Không tướng phần gọi không thể nắm lấy là vô phân biệt vọng chấp thật có năng thủ, chẳng phải không có nội phần hay duyên kiến phần.

Hỏi: Nếu nói không có tướng phần, luận Sở Duyên Duyên nói: “Nương vào thức sinh ra sự bám lấy tướng nên gọi là tướng sở duyên. Nếu không có tướng phần chân như thì không có sở duyên”.

Ngài Hộ Pháp đáp: Cũng có nghĩa sở duyên duyên, tuy kiến phần và tướng phần khởi mà chẳng lìa tướng chân như, là kiến phần căn bản trí đích thân bám vào thể tướng của chân như khởi, gọi là sở duyên duyên. Như tự chứng phần trực tiếp bám vào kiến phân gọi là sở duyên duyên, đây cũng như thế. Thật sự không có nghĩa biến đới, chỉ có hiệp đới gọi là sở duyên duyên nên khác biệt với hậu đắc trí. Nếu biến ra tướng phần để duyên thì chẳng phải thân chứng, như hậu đắc trí lẽ ra có phân biệt. Đã khác với hậu đắc trí thì biết rõ có kiến phần không có tướng phần.

Lại tất cả kiến phần đều có nghĩa mang theo cảnh tướng, vì tướng phần chẳng lìa kiến phần, chính là nghĩa hiệp đới

Chẳng lìa có hai loại:

1- Tướng phần hữu vi hướng về thức năng biến của chính mình, huyết mạch liền nhau như cha con, nên gọi là chẳng lìa.

2- Cảnh chân như v.v… tuy chẳng phải thức biến, nhưng là thực thể của thức nên gọi là chẳng lìa.

Hỏi: Luận Sở Duyên Duyên có bài kệ:

Nội sắc như hiện ngoài
Là sở duyên duyên thức
Cho tướng ấy do thức
Và lại hay sinh thức.

Thế nên ngoại cảnh tuy không mà có nội sắc, dường như ngoại cảnh hiện là sở duyên duyên. Tướng bên ngoài là do thức đây là cùng khởi. Do tướng tại thức thì tại sao lại hay sinh thức có thể làm duyên của thức ?

Đáp: Như nhãn thức v.v… bám vào tướng khởi, tuy là đồng thời chẳng ngại trước sau, bởi xoay vần làm nhân cho nhau thành lý sở duyên duyên.

Luận hỏi: Cảnh tướng bên trong đã chẳng lìa thức tại sao cùng khởi làm duyên của thức ?

Tụng đáp:

Vì quyết định theo nhau
Cùng thời cũng làm duyên
Hoặc trước hoặc sau duyên
Dẫn dắt công năng kia.

Cảnh tướng và thức quyết định theo nhau, tuy cùng lúc khởi cũng làm duyên của thức. Nhưng các pháp bên ngoài theo lý chẳng phải có, quyết định cho là tại thức chứ chẳng phải cái khác. Công năng của căn này cùng với cảnh sắc trước mắt từ vô thỉ xoay vần làm nhân. Như vậy các thức chỉ cảnh tướng bên trong làm sở duyên duyên, lý ấy khéo thành lập.

Hỏi: Nói hiệp đới là thân sở duyên duyên bám vào thể hay bám vào dụng ?

Đáp: Cần phải phân biệt bốn trường hợp:

1- Thể bám thể, là tự chứng phần duyên chứng tự chứng phần, chứng tự chứng phần chẳng duyên tự chứng phần.

2- Dụng bám dụng, là kiến phần của tâm tâm sở tám thức duyên tự thân tướng phần.

3- Dụng bám thể, là kiến phần của căn bản trí duyên chân như.

4- Thể bám dụng, là tự chứng phần duyên kiến phần.

Hỏi: Làm thế nào phân biệt nghĩa thân sơ của sở duyên duyên nơi tám thức ?

Đáp: Bách Pháp ghi: “Ngài Hộ Pháp giải: Tâm và tâm sở của thức thứ tám gọi phẩm này hoặc nhân, hoặc quả sơ sở duyên hữu vô bất định. Nếu thức thứ tám trong nhân gá nơi cảnh khí thế gian phù trần của người khác tự biến ra tướng phần để duyên thì có thể thọ dụng lẫn nhau, có sơ sở duyên duyên. Nếu là nghĩa tự tha duyên, năm căn và chủng tử chẳng biến ra để duyên với nhau, tức là không có nghĩa sơ sở duyên duyên.

Lại cõi sắc có khí thế gian phù trần nên có sơ sở duyên duyên. Cõi vô sắc tức là không sắc để nương gá nên không có nghĩa sơ sở duyên duyên.

Nếu thức thứ tám duyên ba cảnh thì chỉ có thân sở duyên duyên. Trên đây là phân biệt trong nhân vị.

Đến quả vị Phật, thức thứ tám lúc duyên tự cảnh, duyên chân như, và tất cả pháp vô thể quá khứ, vị lai thì không có sơ sở duyên duyên. Nếu duyên thân Phật và cõi Phật là biến ra ảnh để duyên cũng có nghĩa sơ sở duyên duyên, thì thức thứ tám tâm vương trong quả vị sơ sở duyên duyên hữu vô bất định. Năm tâm sở của thức thứ tám trong nhân vị và quả vị đều có sơ sở duyên duyên. Hoặc là mượn ba cảnh của thức thứ tám làm chất để duyên.

Về thức thứ bảy, luận nói: “Tâm phẩm thứ bảy chưa chuyển y vì là câu sinh, vì hẳn phải nương ngoại chất nên cũng quyết định có sơ sở duyên duyên. Ở vị chuyển y, nó chẳng nhất định duyên chân như, vì không ngoại chất. Nay nói thức thứ bảy trong địa vị hữu lậu, thể nó câu sinh, nhậm vận vô lực, vì phải nương thức thứ tám làm ngoại chất, vì tự biến ra ảnh để duyên là quyết định có sơ sở duyên duyên.

Nếu y cứ lúc vô lậu, sơ sở duyên duyên hữu vô bất định. Nếu căn bản trí tương ưng tâm phẩm thứ bảy duyên chân như thì không có sơ sở duyên duyên; nếu hậu đắc trí duyên chân như thì có sơ sở duyên duyên. Nếu thức thứ bảy vô lậu duyên quá khứ, vị lai và các pháp vô thể đều không có sơ sở duyên duyên.

Hỏi: Vì sao thức thứ bảy hữu lậu khởi chấp sự cần phải nương nhờ bản chất ? Sự chấp trước này được sinh ra chẳng nhờ ngoại chất để khởi.

Đáp: Có hai thứ chấp:

1- Do tư duy phân biệt so đo mà khởi chấp, là ngoại chất bị nương gá hữu vô bất định như thức thứ sáu sinh độc đầu ý thức và tán ý thức.

2- Do nhậm vận khởi chấp là thức thứ bảy, vì tâm tâm sở thứ bảy là câu sinh nhậm vận vô lực khởi, cần phải nhờ ngoại chất mới khởi chấp. Cho nên biết thức thứ bảy trong địa vị hữu lậu, sơ sở duyên duyên hữu vô bất định.

Về thức thứ sáu, hành tướng thân tâm phẩm của thức này mãnh liệt có thể tự do chuyển ở tất cả địa vị, ngoại chất được nương gá hoặc có hoặc không, sơ sở duyên duyên hữu vô bất định. Trong địa vị nhân quả đều tự do chuyển, hoặc phân biệt khởi, hoặc câu sinh khởi, lúc duyên tất cả pháp có nhờ bản chất để khởi, có không nhờ bản chất để khởi, vì nó duyên cảnh rất rộng nên sơ sở duyên duyên hữu vô bất định.

Về năm chuyển thức trước, lúc chưa chuyển y sức quán yếu kém hẳn phải nhờ ngoại chất quyết định có sơ sở duyên duyên. Nếu là địa vị chuyển y thì chẳng phải quyết định có, vì duyên những việc không có ngoại chất như quá khứ, vị lai v.v… Năm chuyển thức trước trong địa vị nhân quả, y cứ vào các căn hỗ dụng cũng cần phải nhờ chất mà khởi, quyết định có sơ sở duyên duyên. Nếu đến quả vị thì hữu vô bất định.

Nói về các thức duyên lẫn nhau, thức thứ tám cùng với bảy thức trước là sở duyên duyên; tướng phần của tám thức cùng với năm thức là sở duyên duyên; thức thứ sáu duyên bốn phần của thức thứ tám là sở duyên duyên; thức thứ bảy gá kiến phần thức thứ tám là sở duyên duyên; bốn phần của thức thứ tám là bản chất, kiến phần của bảy thức trước biến ra tướng phần để duyên, thức thứ tám cùng với bảy thức trước là sở duyên duyên. Cho nên thức thứ tám đối với bảy thức là có, tức là thức thứ tám cùng với bảy thức trước là sơ sở duyên duyên. Bảy thức đối với thức thứ tám là không, tức là bảy thức trước chẳng cùng với thức thứ tám là sở duyên duyên, vì thức thứ tám chẳng duyên bảy thức trước, vì chẳng nhờ bảy thức trước để sinh, chỉ duyên ba cảnh của mình là sở duyên duyên. Quảng Thích nói: “Các sư Đại thừa ngày xưa lập ra nghĩa sở duyên duyên như sau: Nếu có pháp là bản chất hữu thể gọi là duyên”. Nói bám vào tướng của nó, tướng phần gọi là tướng sở duyên, tướng phần và bản chất họp lại gọi là sở duyên duyên. Nói bám vào tướng của nó, chữ đới thuộc tâm, chữ kỷ thuộc bản chất, tướng là tướng phần, nghĩa là lúc tâm năng duyên duyên lấy cảnh sở duyên mang theo bản chất có tướng phần nên gọi là bám vào tướng của nó. Thuyết này bị các sư Tiểu thừa chẳng lập tướng phần thuộc phái Chính Lượng Bộ như Bát-nhã-cúc-đa viết bảy trăm bài kệ bài báng Đại thừa, phá nghĩa sở duyên duyên của các sư Đại thừa: Như Đại thừa các ông chủ trương lúc vô phân biệt trí duyên chân như, chẳng mang theo tướng phần của chân như. Chân như này hướng đến kiến phần của trí năng duyên lẽ ra không có nghĩa sở duyên duyên. Nếu nói căn bản trí duyên chân như cũng có tướng phần thì trái với tất cả kinh luận trong tông của ông, làm sao thông hội ?

Các sư Đại thừa xưa bị vấn nạn khi ấy không thể trả lời. Trải qua 12 năm không ai giải đáp được nghĩa sở duyên duyên của Đại thừa. Ngài Huyền Trang trả lời: Đại thừa giải thích đới có hai nghĩa: một là biến đới, hai là hiệp đới. Nếu là biến đới, tức là biến đới tướng tợ chất khởi, là tướng của tướng trạng khiến lúc căn bản trí duyên chân như là không. Nếu hiệp đới là có, căn bản trí trực tiếp hiệp đới thể tướng chân như mà còn duyên chẳng biến ra tướng phần nên cũng thành sở duyên duyên.

Ngài Huyền Trang nói: “Nếu có pháp thì chân như là pháp hữu thể gọi là duyên”, chính chân như này là đối tượng suy tư của căn bản trí, còn gọi là sở duyên. Hai thế lực họp lại gọi là sở duyên duyên. Sở duyên là duyên trì nghiệp thích, cũng như lúc kiến phần của tám thức duyên tự thân tướng phần đều là hiệp đới, cho đến hai tướng phần bên trong duyên cũng thế, cho nên biết căn bản trí duyên chân như tuy chẳng biến ra tướng phần, nhưng trực tiếp hiệp đới thể tướng chân như để duyên cũng thành sở duyên duyên. Các sư Đại thừa ngày xưa lầm giải nghĩa sở duyên duyên, cho rằng pháp hữu thể là duyên, chính pháp hữu thể này là đối tượng suy tư của tâm năng duyên bèn gọi là sở duyên. Xưa nay các sư Đại thừa chỉ lấy thật tướng phần làm sở duyên. Thật là vô cùng sai lầm! Giải đúng nghĩa sở duyên duyên là có pháp là bám vào tướng của nó, nghĩa là nếu có pháp là có thật pháp, lược bỏ giả pháp và tướng phần biến kế pháp vô thể, pháp vô thể chỉ là sở duyên chẳng thành duyên. Hễ là duyên thì phải là pháp có thể thật, có lực dụng hay dẫn sinh thức. Pháp hữu thể chính là viên thành và y tha.

Nói về đới kỷ tướng, đới có hai nghĩa:

1- Biến đới: tám thức có bản chất sơ sở duyên duyên đó là nương gá. Cảnh hữu thể này là bản chất, biến ra tướng tợ bản chất khởi gọi là biến đới.

2- Hiệp đới: là thật tướng phần của tất cả thân sở duyên duyên, vì tướng phần này hoàn toàn lìa tâm năng duyên nên tâm năng duyên trực tiếp mang theo tướng phần này để duyên gọi là hiệp đới.

Nói về kỷ tướng cũng có hai nghĩa:

1- Nói trên biến đới sơ sở duyên duyên, là biến ra kỷ tướng tợ bản chất. Kỷ là thể, tức là tự thể của tướng phần tợ bản chất, đây là tướng của tướng trạng.

2- Nói trên hiệp đới thân sở duyên duyên, là trên tâm năng duyên trực tiếp hiệp đới tự tướng của tướng phần sở duyên, đây là tướng của cảnh tướng, không giống như sơ sở duyên duyên bám vào tự tướng của bản chất khởi.

Có người hỏi: Nói đới kỷ tướng, chưa biết tâm năng duyên bám vào tự tướng nào mà duyên ? Đáp: Nếu là sơ sở duyên duyên thì biến đới tự tướng của bản chất để duyên. Nếu là thân sở duyên duyên thì hiệp đới tự tướng của tướng phần để duyên.

Lại sơ sở duyên duyên là tướng mang tướng trạng tức là mang tướng trạng tợ bản chất; thân sở duyên duyên là tướng mang cảnh tướng, vì trực tiếp mang cảnh tướng để duyên. Có người nói: Bám vào tự tướng của tâm năng duyên; người này chẳng hiểu nghĩa sở duyên.

Hỏi: Nếu nói trực tiếp hiệp đới cảnh tướng và biến đới tướng trạng tợ bản chất khởi thành hai duyên thân và sơ thì sắc pháp bên ngoài cũng thành hai duyên thân và sơ. Như lúc dùng gương soi chiếu người, trên mặt gương cũng trực tiếp mang hình bóng người, vì bóng người chẳng lìa mặt gương lẽ ra thành thân sở duyên duyên, lại mặt gương hướng đến bản chất người bên ngoài lẽ ra thành sơ sở duyên duyên ?

Đáp: Đem đối tượng tư duy để xem xét. Ý nói: Hễ là sở duyên duyên cần phải đối lại đối tượng tư duy của pháp hay duyên lự mới gọi là sở duyên duyên. Nay mặt gương đã chẳng phải pháp hay duyên lự thì bóng người trong gương và bản chất của người bên ngoài cũng chẳng được gọi là đối tượng được tư duy. Đã mất nghĩa đối tượng tư duy thì chẳng thành sở duyên duyên.

Ngoại nhân lại hỏi vặn: Nếu như thế, lúc thức thứ sáu duyên pháp vô thể như hoa đốm trong hư không, có nghĩa đối tượng tư duy lẽ ra thành sở duyên duyên, vì thức hay duyên lự ?

Đáp: Đem sự nương gá để xem xét. Ý nói: Lúc ý thức duyên pháp vô thể, tuy có nghĩa đối tượng tư duy nhưng thiếu nghĩa nương gá, vì pháp vô thể như hoa đốm chẳng cùng tâm năng duyên làm nơi nương gá, thì không chỉ chẳng thành sở duyên mà cũng chẳng thành năng duyên. Do đây cần phải phân biệt bốn trường hợp:

1- Có đối tượng tư duy mà chẳng có nương gá, là biến kế vọng chấp ngã pháp, vì vô thể.

2- Có nương gá mà chẳng có đối tượng tư duy, là nước và gương soi chiếu người vật v.v…; đây chỉ có nương gá mà không có đối tượng tư duy, vì nước và gương đâu có tư duy.

3- Vừa có đối tượng tư duy, vừa có nương gá, là thật tướng phần của tất cả sở duyên duyên.

4- Chẳng phải đối tượng tư duy, chẳng phải nương gá, ngoại trừ những gì mà nước và gương soi chiếu, những thứ khác chẳng duyên.

Thân duyên là nghĩa gần, như tướng phần trực tiếp thân cận kiến phần, vì không có phần khác ngăn cách.

Sơ duyên là nghĩa xa, bị tướng phần ngăn cách, là pháp bản chất.

Thân sở duyên duyên đều có bốn loại:

1- Có thân sở duyên duyên biến khởi từ bản chất và tâm, là tướng phần sở duyên của năm thức duyên năm trần cảnh.

2- Có thân sở duyên duyên chỉ từ tâm biến, chẳng nương bản chất khởi, là tướng phần của thức thứ tám duyên ba cảnh.

3- Có thân sở duyên duyên chẳng do tâm biến cũng chẳng do bản chất khởi, là chân như mà căn bản trí chứng.

4- Có thân sở duyên duyên mà chẳng phải tướng phần, là hai phần bên trong duyên lẫn nhau.

Ngài Từ Ân nói: “Nếu chẳng lìa thể năng duyên là đối tượng tư duy và nương gá bên trong của kiến phần v.v… nên biết nó là thân sở duyên duyên. Nếu cùng với năng duyên là kiến phần thể chẳng lìa nhau thì cùng với tự chứng phần thể chẳng lìa nhau”. Ý nói: Tướng phần là thân sở duyên duyên của kiến phần, kiến phần là thân sở duyên duyên của tự chứng phần, đều chẳng lìa thể của tự chứng phần. Đây lược bỏ sơ sở duyên duyên, vì pháp bản chất hướng đến kiến phần năng duyên có tướng lìa tám thức. Đây cũng lược bỏ tướng phần sở biến của người khác và tướng phần sở biến của tự thân tám thức, lại hướng vào nhau đều chẳng thân cận. Nay chỉ nắm lấy tướng phần do tự thức biến ra gọi là thân, hướng đến kiến phần năng biến thể chẳng lìa nhau, trung gian lại không có vật ngăn cách mới là nghĩa thân.

Nói là đối tượng tư duy và nương gá bên trong của kiến phần v.v…, là cùng giữ lấy tự chứng phần, cùng chứng tự chứng phần và căn bản trí duyên chân như v.v…, đây đều thành thân sở duyên duyên. Như tướng phần là thân sở duyên duyên của kiến phần, kiến phần là thân sở duyên duyên của tự chứng phần, tự chứng phần là thân sở duyên duyên của chứng tự chứng phần, chân như là thân sở duyên duyên của căn bản trí. Lại cùng giữ lấy tâm tâm sở duyên thân tướng phần cũng là thân sở duyên duyên. Trên đây đều là hiệp đới để duyên.