TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 71

Hỏi: Tâm chẳng riêng khởi, do gá cảnh mới sinh, nó có thể nương gá cảnh chất khởi chăng ?

Đáp: Có, Bồ-tát Hộ Pháp nói: “Tâm sinh bất tất phải có chính nghĩa bản chất”. Nếu là sơ sở duyên duyên có không bất định, chẳng nhờ bản chất tâm cũng được sinh cảnh duy thức. Nếu là thân tướng phần phải nhờ ngoại chất mới sinh.

Ngài Từ Ân nói: “Chỉ e lý trái duy thức”. Nếu là thức thứ tám, thức thứ sáu có không bất định như lúc tám thức duyên cảnh, năm thức trước và thức thứ bảy quyết định có bản chất; lúc thức thứ tám duyên phù trần căn, khí thế gian của người khác và định quả sắc là có bản chất. Nếu duyên ba cảnh của mình chỉ là thân biến, thân duyên là không có bản chất. Lúc thức thứ sáu duyên 18 giới hiện tại là có bản chất; lúc duyên 18 giới quá khứ, hoặc duyên pháp vô thể lấy cái gì làm bản chất ? Cho nên biết bản chất mà sáu nhập nương gá có không bất định. Nếu định quả sắc có biến, có hóa. Nói có biến, nương gá bản chất là có bản chất; nói có hóa là lìa bản chất. Hoặc có duyên cái khác để khởi, là nghĩa có biến, tức là nương cái khác làm bản chất, tự biến ra ảnh tượng, như khuấy nước sông thành tô lạc, biến đất đai thành vàng ròng, đây đều có bản chất. Hoặc có định lực để sinh, là nghĩa có hóa, tức là lìa bản chất hóa không mà chợt có, như hoa đốm hóa thành lâu đài bảy báu, đây đều từ định tâm lìa bản chất mà hóa ra. Cần phải phân biệt bốn trường hợp ba cảnh, tướng phần, bản chất có không:

1- Có bản chất, tướng phần là tính cảnh chân thật, là năm thức trước và niệm ban đầu của minh liễu ý thức và chút phần độc đầu ý thức.

2- Có bản chất, tướng phần là giả, là hữu chất độc ảnh và đới chất cảnh.

3- Không có bản chất, tướng phần là giả, là vô chất độc ảnh.

4- Không có bản chất, tướng phần là tính cảnh chân thật, là tâm vương thứ tám duyên ba cảnh và căn bản trí duyên chân như.

Biệt Hành Sao ghi: “Sở duyên duyên, vì là chỗ suy nghĩ của tâm nên gọi là sở duyên. Chỉ cảnh sở duyên này khiến cho tâm sinh, vì là chỗ nương gá của tâm nên còn gọi là duyên. Tức sở duyên làm duyên gọi là sở duyên duyên. Duyên là thể, sở duyên là dụng. Sở duyên trong sáu thức là duyên trì nghiệp thích.

Nay trước tiên lập chính nghĩa, sư Cúc-đa của các ông chẳng hiểu nghĩa sở duyên duyên của Đại thừa. Như Đại thừa nói: “Là đới kỷ tướng”, đới và kỷ tướng đều có hai nghĩa.

Đới có hai nghĩa:

1- Hiệp đới: tâm năng duyên trực tiếp đeo bám cảnh thể để duyên.

2- Biến đới: tâm năng duyên biến khởi ra tướng phần để duyên.

Kỷ tướng cũng có hai nghĩa:

1- Thể tướng gọi là tướng.

2- Tướng trạng gọi là tướng.

Đầu tiên là hiệp đới thể tướng, là căn bản trí duyên chân như là hiệp đới thể tướng để duyên là sở duyên duyên; cho đến hai phần tướng bên trong duyên và tự chứng phần duyên kiến phần cũng là hiệp đới thể tướng gọi là sở duyên duyên, nghĩa là tâm năng duyên trực tiếp hiệp đới kiến phần và tướng phần bên trong.

Kế là biến đới tướng trạng, có hai cách giải thích khác nhau:

1- Long Hưng Sao nói: “Lúc tâm tâm sở hữu lậu và kiến phần của hậu đắc trí vô lậu duyên cảnh biến ra tướng để duyên, chẳng lược bỏ có chất hay không chất đều là biến đới gọi là đới, tướng trạng gọi là tướng, là sở duyên duyên.

2- Hiển U Sao nói: “Lúc kiến phần của tám thức duyên tướng tự thân đều là hiệp đới, tuy nhiên phần nhiều đây nói lý e chưa đúng. Nếu thì có ba lỗi:

Một là lỗi hiệp đới và biến đới không khác biệt, trực tiếp hiệp cảnh thể duyên gọi là hiệp đới, biến khởi tướng phần để duyên gọi là biến đới. Nay đã gọi tướng phần là hiệp đới nên biết là không khác biệt.

Hai là lỗi nay xưa trái nhau, ngày xưa hiệp đới có chút trái lý, nếu biến đới tức là không trái; nay nói tướng phần là hiệp đới, xưa gọi là biến đới đâu chẳng trái nhau sao ?

Ba là lỗi chỉ duyên bản chất, tướng phần vô chất há chẳng phải tâm biến sao ? Nay đem lý để suy chỉ là tướng phần, không luận có chất hay không chất, đều gọi là biến đới. Nếu chẳng biến ra tướng phần mà trực tiếp gá thể của cảnh thì gọi là hiệp đới. Do đó Đường Tam Tạng dùng hiệp đới ái để cứu nghĩa trước, cho rằng các sư Đại thừa ngày xưa chỉ nói về biến đới.

Kế đến y cứ vào luận để phá nghĩa sở duyên duyên của Tiểu thừa chia làm hai:

– Đầu tiên phá các sư theo Chính Lượng Bộ: Luận chủ nói: “Năm thức sở duyên là thức năng duyên đeo tướng kia mà khởi và có thật thể khiến thức năng duyên gá kia mà sinh. Các sư Chính Lượng Bộ, các ông nếu nói: Nghĩa sở duyên duyên chỉ có một nghĩa “hay sinh thức”, chỉ chấp nhận hay duyên nhãn thức đeo bám tướng kia khởi thì lẽ ra chẳng phải là sở duyên duyên”.

Đại Thừa Lượng nói: “Sở duyên duyên của nhãn thức là có pháp lẽ ra chẳng phải sở duyên duyên của nhãn thức”.

Tông nhân nói: “Vì chỉ có một nghĩa ‘hay sinh thức’ nên đồng dụ như nhân duyên của nhãn thức”.

Ngược lại lập lượng phá: “Nhân duyên nhãn thức là có pháp lẽ ra là sở duyên duyên của nhãn thức”.

Tông nhân nói: “Vì chỉ có một nghĩa ‘hay sinh’ như lúc mắt duyên sắc”. Trong đây ý nói: Các sư Đại thừa ngày xưa chẳng nói hiệp đới, là lúc căn bản trí duyên chân như là nghĩa sở duyên duyên như có lỗi. Nếu Chính Lượng Bộ chẳng chấp nhận biến đới thì lúc nhãn thức duyên sắc, nghĩa sở duyên duyên chẳng thành.

– Kế đến phá các sư Kinh Lượng bộ: Luận chủ nói: “Các sư Kinh Lượng bộ đem sắc hòa hợp bên ngoài làm sở duyên duyên là chẳng đúng, giả sử ông chấp nhận nhãn thức đeo bám sắc tướng thô kia làm sở duyên duyên cũng không được gọi là duyên, vì ông chấp giả sắc vô thể như nhãn thức rối loạn thấy mặt trăng thứ hai. Cái vô thật thể ấy không thể sinh thức chỉ gọi là sở duyên, chẳng được gọi là duyên giả sắc hòa hợp cũng như thế.

Lập lượng nói: “Sắc thô hòa hợp là có pháp, là sở duyên của nhãn thức chứ chẳng phải duyên”.

Tông nhân nói: “Vì ông chấp là giả vô thể nên đồng dụ như mặt trăng thứ hai”.

Luận Quán Sở Duyên Duyên có bài kệ:

Hòa hợp nơi năm thức
Là sở duyên, chẳng duyên
Thể nó thật không có
Như mặt trăng thứ hai.

Kinh Lượng bộ có chấp: “Sắc thô hòa hợp tuy là giả có, nhưng hay tạo thành mỗi cực vi là thật có, đều được làm duyên dẫn sinh năm thức, sao lại không thể ?”.

Luận chủ phá: “Sắc hòa hợp ấy hay tạo thành cực vi dù cho là duyên, nhưng chẳng phải sở duyên, vì nhãn thức sinh ra chẳng đeo bám tướng cực vi kia như nhãn thức sinh ra chẳng đeo bám tướng nhãn căn. Năm căn chỉ có thể sinh ra năm thức, nhưng năm thức chẳng thể duyên năm căn, lấy căn làm dụ”.

Lập lượng nói: “Sắc v.v… hay tạo thành cực vi là có pháp, cho dù năm thức duyên mà chẳng phải sở duyên”.

Tông nhân nói: “Vì năm thức sinh ra chẳng đeo bám tướng kia nên đồng dụ như năm căn”.

Luận Quán Sở Duyên Duyên có bài kệ:

Cực vi nơi năm thức
Dù là phi sở duyên
Vì tướng phần không có
Như nhãn căn v.v…

Nếu theo nghĩa các sư thuộc Thập bát bộ đã chấp nhận đeo bám tướng kia do đó chẳng phá. Nay chính giải, Sớ nói: “Nghĩa là nếu có pháp là đới kỷ tướng. Nói về ‘có pháp’, có hai cách giải thích:

1- Hiển U Sao giải thích: Có pháp là pháp có thể thật, lược bỏ pháp hư giả và biến kế tướng, pháp vô thể chỉ là sở duyên, chẳng thành duyên. Hễ là duyên thì phải là pháp có thể thật, có lực dụng có thể sinh thức, tức là viên thành và y tha khởi là pháp hữu thể.

2- Long Hưng nói: Nếu có pháp là y tha khởi tính và viên thành thật tính, vì hữu thể nên hay dẫn dắt tâm gọi là duyên, chẳng gồm vô thể. Nếu là biến kế, vì vô thể nên chỉ có sở duyên mà chẳng phải duyên thể. Nếu là sở duyên thì thể gồm cả hữu vô.

Hỏi: Biến kế sở chấp đã vô thể chẳng thể sinh tâm, sao được gọi là sở duyên ?

Đáp: Sở duyên vô thể nương nơi duyên hữu thể sinh, trên pháp hữu thể hư vọng tăng ích mà có chẳng phải duyên. Trong hai cách giải, cách giải sau là chính.

Hỏi: Cách giải trước có lỗi gì ?

Đáp: Nếu cách giải trước có pháp chỉ nắm lấy thật pháp làm sở duyên, nhưng Tiên đức phần nhiều xác nhận nghĩa này. Nay đại lược nêu ba lỗi:

1- Lỗi trái văn sớ: Nếu pháp hư giả chẳng có thể, tại sao sớ chủ cho y tha khởi tính và viên thành thật tính sinh ra thể của trăm pháp, vì trăm pháp gồm cả thật giả, nay nói pháp hư giả vô thể há chẳng phải trái nhau sao ?

2- Lỗi biến kế không khác: Nương nơi y tha và viên thành nói pháp hư giả vô thể cùng với biến kế sở chấp vô thể nào có khác biệt ? Luận nói: Y tha, viên thành là có, biến kế là không, đâu chẳng trái nhau ?

3- Lỗi có pháp ví dụ chẳng thành: Thể của sở duyên duyên, luận nói: “Có pháp liền nói chỉ có cái thật thể tăng thượng duyên”. Luận nói có pháp, vì sao lại gồm giả thì mạng căn v.v… há là thật sao ? Nếu y theo ngày nay nói có pháp gồm cả ba cảnh giả và thật, chỉ gọi có pháp đều thành sở duyên duyên. Trong tám thức phân biệt tính cảnh của năm thức trước và thức thứ tám là sở duyên duyên, lược bỏ các pháp hư giả và biến kế sở chấp; đới chất cảnh của thức thứ bảy là sở duyên duyên chỉ là giả chẳng thật, và lược bỏ biến kế sở chấp. Ý thức thứ sáu duyên ba cảnh làm sở duyên duyên gồm cả giả và thật, chỉ lược bỏ biến kế sở chấp.

Lập lượng nói: “Các tướng phần hư giả là có pháp, quyết định là thân sở duyên duyên của tâm năng biến”.

Tông nhân nói: “Vì pháp xứ thuộc về chữ “ảnh” trong môn hữu vô nên đồng dụ như định quả sắc thật, biến kế sở chấp là dị dụ.

Hoặc lập lượng: “Đới chất ảnh là có pháp là thân sở duyên duyên”.

Tông nhân nói: “Vì ảnh sai biệt nên đồng dụ như tính cảnh”.

Hỏi: Thật pháp hữu thể là sở duyên duyên, giả pháp vô thể chẳng phải sở duyên duyên ?

Đáp: Giả pháp có hai thứ:

1- Hữu thể giả, là các giả pháp trong y tha khởi tính và viên thành thật tính.

2- Vô thể giả, là biến kế sở chấp.

Hoặc ngã, hoặc pháp như hoa đốm, sừng thỏ v.v… chỉ lược bỏ vô thể, chẳng phải sở duyên duyên, vì chẳng lược bỏ hữu thể.

Hỏi: Nếu biến kế sở chấp chẳng phải sở duyên, tại sao lúc thức thứ sáu duyên hoa đốm cũng có nghĩa sở duyên duyên, nào phải hữu thể sao ?

Đáp: Chỉ trông mong tướng phần thân cận là sở duyên duyên, chẳng phải trông mong hoa đốm. Nếu là hoa đốm v.v… thì trên tướng phần vọng chấp sinh kiến giải hoa đốm, thể nó là không. Nếu là tướng phần sở biến, thể nó là có, được thành sở duyên duyên.

Hỏi: Có giáo lý nào nói đới chất độc ảnh cảnh nhờ tướng phần được làm sở duyên duyên ?

Đáp: Giáo lý nói đến điều này rất nhiều. Dưới đây y cứ vào thức phân biệt sở duyên duyên. Sớ nói: “Thức thứ tám đối với bảy thức là có, bảy thức đối với thức thứ tám là không, vì bảy thức kia chẳng phải là chỗ nương gá chất của thức thứ tám. Như thức thứ bảy duyên kiến phần thức thứ tám, đâu chẳng phải đới chất cảnh làm sở duyên duyên”. Cho đến Sớ nói: “Thức thứ sáu đối với năm thức là không, năm thức đối với thức thứ sáu là có cũng là đới chất cảnh làm sở duyên duyên”. Luận Duy Thức nói: “Tất cả tâm sinh quyết định đều có thân sở duyên duyên, lìa chỗ suy nghĩ nương gá bên trong hẳn chẳng thể sinh”, việc này có rất nhiều chứng cứ, không thể dẫn ra dài dòng.

Hỏi: Lẽ ra tất cả pháp hữu thể đều là sở duyên duyên, vì là có pháp ?

Đáp: Sớ nói: “Là đới kỷ tướng” là lúc tâm năng duyên duyên sở duyên đeo bám khởi ra kỷ tướng sở duyên, pháp hữu thể này chính là sở duyên duyên. Những thứ khác chẳng đeo bám khởi kỷ tướng tuy là có pháp nhưng chẳng phải sở duyên duyên, như lúc nhãn thức duyên cảnh đeo bám khởi lên sắc kỷ tướng. Pháp hữu thể này là sở duyên duyên của nhãn thức. Những thứ khác chẳng đeo bám khởi kỷ tướng tuy là có pháp nhưng chẳng phải sở duyên duyên của nhãn thức. Nhãn thức đã vậy, các thức kia cũng thế.

Đới và kỷ tướng đều có hai nghĩa. Hai nghĩa của đới là: một là hiệp đới, nghĩa là tâm năng duyên trực tiếp gá nơi cảnh thể để duyên; hai là biến đới, nghĩa là tâm năng duyên biến khởi tướng phần để duyên. Kỷ tướng cũng có hai nghĩa: một là tướng của thể tướng, hai là tướng của tướng trạng.

Nếu trí vô phân biệt duyên chân như, đây là hiệp đới thể tướng mà duyên, là sở duyên duyên; hai phần bên trong duyên nhau, và tự chứng phần duyên kiến phần là hiệp đới.

Nếu kiến phần của tâm tâm sở hữu lậu và hậu đắc trí vô lậu lúc khởi kiến phần duyên cảnh, tức là biến đới tướng trạng mà duyên, là sở duyên duyên. Nghĩa là nếu có pháp là duyên, là đới kỷ tướng, là sở duyên. Đủ hai nghĩa này gọi là nghĩa sở duyên duyên.

Lại chọn lọc pháp để nói về quả, trước tiên dẫn lời gạn hỏi của ngài Từ Ân: “Duyên sinh cái gì, cái gì đới kỷ tướng ?”. Sớ đáp: “Tâm hoặc tương ưng”. Đây nói về quả của sở duyên duyên. Lấy sở duyên duyên là nhân; sinh ra tâm tâm sở là quả.

Tâm là tám thức tâm vương; hoặc tương ưng là 51 tâm sở, vì có khởi và chẳng khởi bất định.

Nói hoặc là lược bỏ bất lập sắc và bất tương ưng vô vi v.v… là sở duyên duyên, vì nó chẳng phải tâm pháp vô duyên lự.

Hỏi: Trong tướng phần, thân sở duyên duyên và sơ sở duyên duyên cái nào là thật ?

Đáp: Cả hai đều chẳng thật. Duy Thức Cảnh nói: “Trong hai phần kiến và tướng, kiến phần là thật. Trong tướng phần chân như là thật, các tướng thân sơ khác đều chẳng thật”. Sớ nói: “Vì sơ sở duyên duyên nắm lấy tướng thân cận, chẳng phải trực tiếp được nên chẳng gọi là hành tướng, nghĩa là trong sơ sở duyên duyên, tâm năng duyên chẳng trực tiếp được bản chất nên sơ sở duyên duyên chẳng gọi là hành tướng. Như lúc năm thức trước duyên năm trần, hẳn phải gá nơi năm trần do thức thứ tám biến ra làm bản chất. Lúc năm thức duyên chỉ được tướng phần do tự thức biến ra, bởi tướng phần này hẳn mang bản chất, bởi tướng phần sơ duyên bản chất nên sơ sở duyên duyên chẳng trực tiếp được, vì thế chẳng gọi là hành tướng.

Tướng phần của năm thức đều hướng về tự thức, nương vào trung, giả, nhiếp giả theo thật, không có cảnh ngoài tâm nên gọi là duy thức. Cảnh bản chất hướng về cảnh bản chất của thể thức thứ tám năng biến cũng chẳng thật có, nên hai cảnh thân và sơ đều chẳng thật.

Nghĩa sở duyên duyên, Đại Tiểu thừa tuy bao gồm sơ và thân mà chẳng nói đến. Thân thì hiệp đới cưỡng ép nương gá mà khởi, như chiếc kềm kẹp vật, như mặt trời tuôn ánh sáng trực tiếp chiếu soi, trực tiếp giữ gìn, thể chẳng rời nhau. Sơ thì biến đới nương gá vào bóng mà khởi, duyên tướng trạng dường như bản chất, lìa tướng phần thân cận, thể chẳng thâu nhận nhau, bên trong sinh sự suy nghĩ nương gá.

Nếu thấu hiểu như thế, thân và sơ sở duyên duyên chẳng quá đáng, mới biết ngoài tâm không cảnh, thấy pháp là tâm, hoặc ngu tối bất phân thì tâm cảnh rõ ràng, xét cùng duyên tính mới sạch tình trần, thấu đạt nguồn gốc kiến chấp mới rõ được ý chỉ của Phật.

4- Tăng thượng duyên: Nghĩa là nếu có pháp là có cái dụng thắng thế, hay đối với pháp khác hoặc thuận, hoặc nghịch liền thành nghĩa tăng thượng duyên.

Giải thích:

Nghĩa là nếu có pháp cũng là có tự thể; đây lược bỏ tính sở chấp.

Có cái dụng thắng thế là nghĩa thù thắng, nghĩa là hữu vi, vô vi có cái dụng thắng thế. Dụng này chẳng phải là cái dụng của quả, chỉ là chẳng chướng ngại thế lực.

Hay đối với pháp khác là lược bỏ tự thể của nó, hiển bày sự bất đồng với sở duyên duyên.

Hoặc thuận, hoặc nghịch, là hiển bày cùng với thuận nghịch đều có thể làm duyên, cùng với pháp khác đời sau làm duyên, chẳng phải là pháp diệt ở trước, nghĩa là trong mười nhân, chín thân trước là thuận, nhân thứ mười là nghịch, cũng là duyên này (tăng thượng duyên).

Hỏi: Y cứ thuận nghịch, hữu lực, vô lực, có mấy loại tăng thượng duyên ?

Đáp: Người xưa giải thích có bốn thứ: Tăng thượng duyên là lược bỏ biến kế sở chấp là pháp vô thể; phải là pháp hữu thể mới được gọi là tăng thượng duyên. Hai tính y tha khởi và viên thành thật đều là pháp hữu thể là nghĩa tăng thượng duyên. Nếu pháp vô thể chính là ngã pháp v.v… vì hoàn toàn vô thể, từ vọng chấp sinh, chẳng phải tăng thượng duyên.

1- Thuận: như nước và đất cùng với cỏ xanh làm thuận tăng thượng duyên; sáu hạnh ba-la-mật cùng với quả Phật làm thuận tăng thượng duyên; hai chi thọ và thủ cùng với chủng tử của năm quả làm thuận tăng thượng duyên.

2- Nghịch: như sương móc và mưa đá cùng với cỏ xanh làm nghịch tăng thượng duyên; trí tuệ và phiền não làm nghịch tăng thượng duyên, tức là trong một niệm lúc trí khởi thì phiền não dứt, là biết một niệm có hai thứ tăng thượng: một niệm chính cùng với phiền não làm nghịch tăng thượng, một niệm chính cùng với lý nhị không làm thuận tăng thượng.

3- Hữu lực tăng thượng: còn gọi là thân tăng thượng, như năm căn phát sinh năm thức v.v…

4- Vô lực tăng thượng: là năm căn của người này hướng về năm thức của người kia, là vô lực tăng thượng, cũng gọi là sơ tăng thượng, như ngọn đèn đang phát sáng, tất cả pháp thế gian chẳng ngại ánh sáng này gọi là sơ tăng thượng, chỉ nắm lấy bên nghĩa “chẳng chướng ngại” gọi là tăng thượng duyên.

Hỏi: hai nghĩa nhân duyên và duyên khởi là đồng hay là khác ?

Đáp: Cổ đức nói: “Nhân duyên là tùy, là tục sai biệt, là nhân duyên tương vọng, hiển bày nghĩa vô tự tính, chính là thể của tục đế. Duyên khởi là thuận, là tính vô phân biệt, là tương tức tương dung, hiển bày nghĩa bình đẳng, thuận với thể của đệ nhất nghĩa đế”.

Hỏi: Các pháp nhiễm tịnh có nhân có duyên, nhờ thân duyên sơ duyên làm thành hai nghĩa. Nghĩa duyên đã hiển, lý nhân thì thế nào ? Rộng lược trình bày đầy đủ có mấy thứ ?

Đáp: Kinh luận cùng lập có sáu nhân, mười nhân. Sáu nhân là:

1- Nhân năng tác: Trừ sự năng tác của chính mình và người khác, ngoài trừ tự thể tất cả các pháp khác chẳng chướng pháp hữu vi sinh, gọi chung là nhân năng tác. Nhân là tất cả pháp hữu vi, vô vi là thể, trên thể có tác dụng năng tác, năng tác là nhân. Trì nghiệp thích, trì là nhậm trì, nghiệp là nghiệp dụng. Nhân là thể, năng tác là dụng; gom dụng về thể gọi là trì nghiệp thích.

2- Nhân câu hữu: Cùng có tâm cùng nhau làm quả, đối với tâm tùy chuyển cùng thời mà có chung quả và nhân gọi là nhân câu hữu. Cùng nhau làm quả có ba: một là bốn đại chủng cùng nhau làm nhân câu hữu, cùng nhau làm sử dụng quả; hai là như pháp năng tướng sở tướng; năng tướng là nhân, sở tướng là quả; sở tướng là nhân, năng tướng là quả; ba là tâm và tâm sở pháp, tâm vương là nhân, tâm sở là quả; tâm sở là nhân, tâm vương là quả.

3- Nhân đồng loại: là nhân tựa quả, quả tựa nhân; như sắc uẩn trong năm uẩn tính nhiễm ô hay dẫn sắc uẩn, sắc uẩn dẫn bốn uẩn kia, bốn uẩn kia dẫn sắc uẩn. Tuy tâm sắc chẳng đồng nhưng cùng là tính nhiễm ô.

4- Nhân tương ưng: quyết định tâm tâm sở cùng nương nhau, là tâm vương và tâm sở đủ năm nghĩa: 1- Đồng một căn sở y, 2- Đồng một cảnh sở duyên, 3- Đồng một thời, 4- Đồng một sự, 5- Đồng một hành tướng. Đầy đủ năm nghĩa gọi là nhân tương ưng. Như lúc tâm sở dẫn khởi tâm vương, tâm vương là pháp tương ưng, là quả nên thắng; tâm sở là nhân nên liệt, đây là y chủ thích.

5- Nhân biến hành: còn gọi là nhân địa nhiễm, là 11 biến sử biến hành là nhân, biến hành là 11 biến sở, là trên thể có năm bộ biến hành là dụng của nhân, đây là trì nghiệp thích.

6- Nhân dị thục: Nghiệp thiện và bất thiện hữu lậu là nhân dị thục. Nhân gồm cả thiện ác, quả chỉ là vô ký, dị thục là nhân, nhân là nghiệp thiện và bất thiện, là trên thể có tác dụng dị thục, đây là trì nghiệp thích.

Mười nhân, luận Du-già nói: “Trong ngũ minh, những lời dạy của chư Phật gọi là nội minh”. Thế nào là nội minh ? Luận nói: “Hiển bày tướng nhân quả nghĩa là có mười loại nhân, phải biết kiến lập nhân không điên đảo thu nhiếp tất cả nhân, hoặc tạp nhiễm, hoặc thanh tịnh, hoặc pháp vô ký như cấy trồng và thu hoạch ở thế gian”.

Thế nào là mười nhân ? Đó là:

1- Nhân tùy thuyết: nghĩa là tất cả pháp là trước tiên nên tưởng; tưởng là trước tiên nên nói, đây gọi là nhân tùy thuyết các pháp.

2- Nhân quán đãi: quán đãi đây nên đây làm nhân, đối với kia hoặc cầu, hoặc lấy, đây gọi là nhân quán đãi kia. Như vì quán đãi tay nên tay làm nhân, có nghiệp dụng nắm giữ; vì quán đãi chân nên chân làm nhân, có nghiệp dụng qua lại.

3- Nhân khiên dẫn: Tất cả chủng tử hướng đến tự quả sau cùng gọi là nhân khiên dẫn.

4- Nhân nhiếp thọ: Ngoại trừ chủng tử, các duyên khác gọi là nhân nhiếp thọ.

5- Nhân sinh khởi: Các chủng tử hướng đến tự quả ban đầu gọi là nhân sinh khởi.

6- Nhân dẫn phát: Quả do chủng tử ban đầu sinh khởi hướng đến quả do chủng tử sau cùng đưa đến gọi là nhân dẫn khởi.

7- Nhân định dị: Các thứ dị loại đều khác biệt nhân duyên gọi là nhân định dị.

8- Nhân đồng sự: Từ nhân tùy thuyết đến nhân định dị gom lại thành một gọi là nhân đồng sự.

9- Nhân tương vi: Nơi pháp được sinh nhân hay chướng ngại gọi là nhân tương vi.

10- Nhân bất tương vi: Nhân chướng ngại này hoặc khuyết, hoặc lìa gọi là nhân bất tương vi.

Tất cả nhân này đều thuộc về hai nhân: một là nhân năng sinh, hai là nhân phương tiện. Nên biết trong đây chủng từ khiên dẫn và chủng tử sinh khởi là nhân năng sinh; các nhân khác là nhân phương tiện. Phải biết trong đây nếu là nhân năng sinh gọi là nhân duyên; nếu là nhân phương tiện gọi là tăng thượng duyên. Nếu là đẳng vô gián duyên và sở duyên duyên chỉ nhằm trên tất cả tâm và tâm sở pháp mà nói, bởi vì tất cả tâm và tâm sở pháp đều thuộc về sự khai đạo của đời trước, vì thuộc về cảnh giới sở duyên nên mới sinh chuyển. Thế nên phải biết đẳng vô gián duyên và sở duyên duyên thuộc về nhân nhiếp thọ.

Hỏi: Nhất tâm kiến lập đầy đủ nhân duyên; nhân duyên được cảm hẳn có quả báo, do đó kinh Pháp Hoa nói: “Nhân như thế, duyên như thế, quả như thế, báo như thế”. Quả có mấy thứ ? Mỗi thứ nương vào đâu mà được ?

Đáp: Luận chung cả phàm Thánh, đại lược có năm thứ. Thức Luận nói:

1- Dị thục quả: nghĩa là tự tương tục dị thục sinh vô ký được pháp thiện và bất thiện hữu lậu chiêu cảm.

Giải thích: Thiện hữu lậu là lược bỏ thiện vô lậu. Tự tương tục là lược bỏ thân người khác và loài vô tình. Nói chỉ nói dị thục thì báo trong sáu thức chẳng phải thuộc chân dị thục, nay vì gồm cả kia nên nói dị thục sinh; nhưng bản thức cũng gọi là dị thục sinh, vì là vô ký nên vị này rất dài, đến kim cang tâm liền thông cả tam thừa vô học. Chân dị thục là thức thứ tám, dị thực sinh là sáu thức trước, vì trở thành bản thức cũng gọi là dị thục sinh, vì từ chủng tử của tự dị thục sinh khởi. Nếu sáu thức trước từ chân dị thục thức sinh khởi thì cũng gọi là dị thục sinh. Một phần tâm tâm sở duyên cảnh mê muội chẳng sáng suốt lanh lợi, vì chẳng huân tập chủng tử của tâm hiểu biết nên là tính vô ký. Dị thục có bốn:

1- Khác thời mà thành thục: Dị là khác biệt thuộc nhân; thục là thành thục thuộc quả. Nhân sai biệt ở quá khứ, quả thành thục ở hiện tại nên gọi là dị thục.

2- Khác tính mà thành thục: Quá khứ tu nhân khác biệt, do nghiệp ngũ giới, thập giới v.v… chiêu vời quả dị thục tổng báo, biệt báo nhân thiên. Nếu do nghiệp ác thập bất thiện chiêu vời quả dị thục tổng báo, biệt báo ba đường bất thiện, đều là tính vô ký.

3- Khác loài mà thành thục: Tạo nghiệp dị loại chịu báo dị loại, năm loài khác biệt.

4- Khác Thánh mà thành thục: nghĩa là dị thục quả, nương nơi chủng tử của hai chướng phân biệt có công dụng thú sinh sai biệt nên bậc Thánh không có.

Trong tám thức, chỉ có thức thứ tám đủ ba nghĩa: một là biến lược bỏ năm thức trước; hai là tương tục lược bỏ thức thứ sáu, ba là nghiệp chiêu vời lược bỏ thức thứ bảy.

2- Đẳng lưu quả: Đẳng là bình đẳng, lưu là lưu loại. Có hai thứ đẳng lưu: một là chân đẳng lưu, từ ba tính thiện, ác, vô ký làm nhân dẫn đến quả cùng một loại nên gọi là quả đẳng lưu. Như trong thức thứ tám, chủng tử của ba tính đều sinh ra quả hiện hành của ba tính, vì quả và nhân tính đồng, là chủng tử tâm sinh hiện hành tâm, chủng tử sắc sinh hiện hành sắc, chủng tử hữu lậu sinh hiện hành hữu lậu, chủng tử vô lậu sinh hiện hành vô lậu, đây gọi là đẳng lưu. Hai là giả đẳng lưu, đời trước khiến thọ mạng người ngắn ngủi, đời này thọ mạng chính mình cũng ngắn ngủi, vì là quả cùng loại do nghiệp sát trước kia nương nơi sự chiêu cảm là tổng báo thức thứ tám có ngắn dài gọi là giả đẳng lưu. Lý thật là quả tăng thượng, chỉ do nghiệp sát sinh khiến thọ mạng người ngắn, mà đời này thọ mạng chính mình cũng ngắn, có nghĩa tương tợ nên gọi là giả đẳng lưu, đây thật sự là thiện ác cảm quả vô ký.

3- Tăng thượng quả: Tăng thượng là nghĩa tăng thắng thù thượng. Ngoại trừ bốn quả, tất cả các quả đã được khác đều thuộc về quả tăng thượng. Quả tăng thượng này rất rộng, như tăng thượng duyên trong bốn duyên, tà kiến trong năm kiến chẳng lược bỏ hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, chỉ có quả đã đắc chẳng thu nhiếp trong bốn quả trước đều thuộc về quả tăng thượng. Quả này có hai loại: một là cùng năng lực với quả tăng thượng, như đồ vật bên ngoài hay thọ dụng nghĩa thuận ích; hai là chẳng cùng năng lực với quả tăng thượng, như vàng, lụa, vợ, con của người khác.

Lại có hai thứ: một là thuận, như nhãn thức gặp ánh sáng, hai là nghịch như gặp tối tăm…

4- Sĩ dụng quả: Những tác giả thành tựu các sự nghiệp gọi là sĩ dụng quả. Luận Du-già nói: “Một loại nương vào pháp hiện tiền, tùy theo các nghiệp khéo léo khởi lên công dụng của bậc sĩ phu, đó là các việc như học hỏi, làm ruộng, buôn bán, ghi chép, tính toán, bói quẻ v.v… Do công dụng của bậc sĩ phu mà thành tựu các quả cấy trồng, thu hoạch, tiền tài, danh lợi… gọi là sĩ dụng quả.

Hỏi: Trong tám thức, mỗi thức làm thế nào đầy đủ bốn quả  ?

Đáp: Người xưa giải thích: Như nhãn thức từ chủng tử sinh hiện hành là quả đẳng lưu; nhãn căn là sở y nên gọi là quả tăng thượng; nhãn thức tác ý cảnh báo tâm là quả sĩ dụng; hoặc nhãn thức hay duyên thật sắc v.v… cũng là quả sĩ dụng; vì nhãn căn là tướng phần thân cận của thức thứ tám nên cũng là quả dị thục. Bốn thức nhĩ, tỷ, thiệt, thân cũng đều như đây.

Nếu thức thứ sáu chủng tử sinh hiện hành là quả đẳng lưu. Niệm trước ý căn là hay dẫn, hoặc hay dẫn 5 thức trước; gọi là quả tăng thượng.

Lại hay duyên tác dụng của cảnh trong ngoài ba đời gọi là sĩ dụng quả; hay tạo tổng báo và biệt báo trong tương lai gọi là quả dị thục; y cứ với dị thục làm nhân gọi là quả dị thục.

Nếu thức thứ bảy chủng tử sinh hiện hành là quả đẳng lưu; niệm trước thức thứ bảy cùng với niệm sau làm sở y, gọi là quả tăng thượng. Bên trong hay duyên kiến phần của thức thứ tám làm ngã, là quả sĩ dụng; hay cùng với chân dị thục thức làm sở y nên gọi là quả dị thục.

Nếu thức thứ tám chủng tử sinh hiện hành gọi là quả đẳng lưu; cùng với thức thứ bảy làm sở y là quả tăng thượng; hay duyên ba cảnh và giữ gìn chủng tử, chịu sự huân tập gọi là quả sĩ dụng; đương thể là chân dị thục.

5- Ly hệ quả: là quả của bậc Thánh, chẳng phải phàm phu được. Các luận Du-già, Hiển Dương đều nói: “Vì loài dị sinh dùng trí thế tục diệt trừ các phiền não nên chẳng rốt ráo”. Đây chẳng phải thuộc về quả này.

Luận Duy Thức nói: “Ly hệ quả nghĩa là đạo vô lậu đoạn chướng chứng đắc pháp vô lậu”. Như căn bản trí lúc hợp với chân như thuộc về ly hệ quả, hậu đắc trí lúc duyên chân như là thuộc sĩ dụng quả.

Hỏi: Sáu nhân có thể cảm bao nhiêu quả ?

Đáp: Sáu nhân cảm năm quả: nhân năng tác cảm quả tăng thượng; hai nhân tương ưng và câu hữu được quả sĩ dụng; hai nhân đồng loại và biến hành được quả đẳng lưu; nhân dị thục cảm quả dị thục. Quả ly hệ thứ năm lấy trạch diệt vô vi làm thể, thể là vô lậu hay đoạn trừ chỗ chứng đắc của đạo gọi là ly hệ quả.

Hỏi: Hai nhân tương ưng và câu hữu khác biệt như thế nào ?

Đáp: Tương ưng chỉ có tâm và tâm sở pháp; câu hữu gồm cả sắc tâm. Người được quả sĩ dụng duyên hai nhân này, quả đã được có lực dụng của bậc sĩ phu nên danh đồng thể khác.

Hỏi: Hai nhân đồng loại và biến hành khác biệt như thế nào ?

Đáp: Đồng loại khắp cả ba tính, gồm hữu lậu vô lậu; biến hành chỉ có nhiễm ô. Quả được đắc từ hai nhân này đều tương tựa nhân gọi là quả đẳng lưu.

Bốn duyên, sáu nhân, mười nhân, năm quả gồm thâu hết đạo của phàm Thánh, hay làm thành môn giáo pháp, thiếu nó thì một pháp chẳng tròn, mê nó thì thành ngoại dạo.

Bốn duyên, nhân duyên thì trực tiếp làm thành tự quả đối với môn hữu vi; không đặt câu hỏi thì là nghĩa khai đạo vạn vật đều sinh; sở duyên thì đầy đủ suy nghĩ vì nương gá mới thành; y cứ thân sở cùng lập tăng thượng thì có thế lực thù thắng chẳng chướng ngại các duyên khác.

Sáu nhân, nhân năng tác thì nghiệp dụng thành tựu; nhân câu hữu thì lại còn đồng thời; nhân đồng loại thì ban đầu về sau cùng giống nhau; nhân tương ưng thì quyết định một duyên; nhân biến hành thì cùng một loại nhiễm ô; nhân dị thục thì thành thục quả về sau.

Mười nhân, nhân tùy thuyết là môn dẫn đường các pháp; nhân quán đãi hiện rõ được việc tác dụng; nhân khiên dẫn làm thành tự quả; nhân nhiếp thọ hay gồm thâu mọi duyên; nhân sinh khởi kiến muôn loài hay sinh; nhân dẫn phát khiến các quả thành tựu; nhân định dị thì chủng loại khác biệt; nhân đồng sự thì thể gồm nhất như; nhân tương vi hay khởi môn chướng ngại; nhân bất tương vi thì tùy thuận lý duyên sinh.

Năm quả, quả dị thục thì nhân sinh quả thục khác thời mà thành; quả đẳng lưu thì tính nhân quả cùng một loại không xen lạm; quả tăng thượng thì lực dụng thù thắng hay trợ giúp các duyên khác; quả sĩ dụng thì sự nghiệp thành tựu, hay được tiền tài danh lợi; quả ly hệ thì đoạn chướng chứng chân vượt lên các lậu phược.

Tổng quát như trên, nhân duyên báo thành năm quả, đều quy về chân dị thục trong thức thứ tám. Quả dị thục này khác thời mà thục; hoặc khởi một niệm thiện, như gieo hạt giống ngọt xuống mảnh ruộng tốt; hoặc sinh một niệm ác như gieo hạt giống đắng xuống mảnh ruộng xấu, nhờ thời tiết thuận lợi cùng nhân duyên bón phân tưới nước nên dần dần nhú mầm nảy lá, đơm hoa kết quả; chủng tử dị thục nhiễm tịnh cũng thế. Nếu tạo nhân thiện thì sẽ được quả báo vui ở cõi trời người; nếu tạo nghiệp ác sẽ sinh vào bốn đường ác; nếu chẳng khởi nhân thiện ác thì trọn không có báo khổ vui; nếu không xuống giống tốt xấu làm sao có hoa trái ? Cho nên biết nhân quả tương thù, duy thức biến định, như gương hiện bóng, bóng theo hình, không có bóng nào chẳng theo hình, không có gương nào chẳng hiện bóng, đây là không có việc làm nào mà chẳng chịu báo, không có quả nào mà chẳng đáp nhân, pháp nhĩ là vậy, thế gian đều phải như thế. Chỉ có người chẳng tạo tác thì nghiệp quả khó trói buộc, chỉ cần rõ nhất tâm tông thì các duyên đều dứt, thế nên thấu hiểu lý duy thức thì không cần dụng tâm, trọn chẳng vọng khởi nghiệp quả ba cõi, vì duy thức biến định, người sợ nghiệp mới có thể tin nhận.

Tiền Định Lục ghi: “Thuở xưa, Hàn Công Hoảng Chi tại Trung Thư từng mời một sử gia, nhưng ông ta đến không đúng giờ, làm Hàn Công phát cáu định đánh đòn.

Sử gia nói: Tôi còn bị lệ thuộc nên không thể đến ngay.

Tấn Công nói: Đã là sử gia của tể tướng thì còn lệ thuộc ai nữa ?

Sử gia đáp: Tôi không may phải còn lệ thuộc quan thái giám.

Tấn công cho là không thành thật bèn nổi cơn thịnh nộ: Ông đã thuộc về quan thái giám thì có cái gì làm chủ ?

Sử gia đáp: Tôi làm chủ ba món ăn từ tam phẩm trở lên.

Tấn công nói: Nếu thế ngày mai ông sẽ ăn gì ?

Sử gia đáp: Đây là việc tế nhị không thể nói ra.

Sử gia xin được ghi chép trên giấy để sau này làm chứng nghiệm. Tấn công chìu theo cho người trói sử gia lại. Sáng ngày mai có chiếu vua, vừa gặp mặt, quan thái giám dâng lên một bát cháo bánh ngọt, nửa phần trên dâng cho Tấn công, Tấn công ăn xong thì bụng trướng không tiêu, ông trở về tư dinh mời thầy thuốc đến xem bệnh, thầy thuốc nói: Bị thức ăn ngăn trệ cần phải uống chút thuốc quất bì, đến tối uống 1 chén nước, sáng mai sẽ hết bệnh.

Tấn công nghĩ đến lời nói trước kia của sử gia bèn lấy lá thư ra xem: “Sáng mai Tướng công chỉ ăn nửa mâm bánh cháo, một bát thuốc quất bì, một ly nước”. Thảy đều đúng cả. Tấn công còn cố hỏi: “Thức ăn của người đời đều có căn cứ chăng ?”

Đáp: Từ tam phẩm trở lên cấp cho một ngày, từ ngũ phẩm trở lên, kẻ có quyền thì cấp cho một tuần, không có quyền thì cấp cho một tháng, từ lục phẩm đến một quan nhỏ thì cấp cho một quý, người không ăn bổng lộc thì cấp cho một năm.

Cho nên biết ăn uống có phần, đầy đủ bỏn sẻn không khác, nghĩa là cơm ngon, áo đẹp, áo rách, rau rác tầm thường, nhà nghèo, nhà giàu, nghìn xe, một chỗ đều do một niệm ban đầu tạo ra, dấu tâm vừa hiện quả báo khó thoát. Lấy thiện ác quá khứ làm nhân, khổ vui hiện tại là quả, mảy may chẳng sót, ai có thế tránh khỏi ? Như vang dội tiếng, bóng theo hình. Đây là lý tất nhiên. Chỉ trừ bậc ngộ đạo nhờ định lực được ra khỏi, còn nếu ở trong thế gian huyễn hóa này thì làm sao có thể thoát ra được. Do đó kinh có bài kệ:

Giả sử trăm nghìn kiếp
Chẳng quên nghiệp đã tạo
Lúc nhân duyên hội ngộ
Phải tự chịu quả báo.

Luận Tài Mạng nói: “Bần cùng không đất cắm dùi, Đao Di thì ruộng hơn vạn mẫu; đói khát không chứa một gánh đá, Lý Hoành có hiệu là Mộc Thiên nô”. Cho nên Sử ghi tướng nước Sở là Tôn Thúc Ngao tận trung với nước cho đến chết, con của ông nghèo không có đất cắm dùi.

Hán thư ghi: “Đao Di làm quan Thượng Thư Lang không giữ đức hạnh, vun trồng sự nghiệp có ruộng vạn mẫu, nô tỳ nghìn người”.

Ngụy Chí ghi: “Hoa Hâm làm quan, nhà thanh bần không có một gánh đá”.

Tấn Thư ghi: “Lý Hoành trồng một nghìn cây quít nên có hiệu là Mộc nô thiên đầu”.

Không chỉ duy thức biến định sự giàu nghèo, thọ mạng cũng thế. Do tâm trước kia tạo tác cái nhân từ bi hay giết hại mà nay nhất định phải chịu quả báo dài ngắn, chẳng liên can đến việc làm thiện ác đời này, cho nên nói vô lễ ắt té ngã chết giữa đường. Đạo Chích việc gì mà sống thọ; hành thiện là tốt, Hạng Thác việc chi mà chết sớm. Trang Tử nói: “Đạo Chích lúc 9 tuổi đã hoành hành thiên hạ, quấy loạn chư hầu mà được sống lâu”.

Luận Ngữ Sớ nói: “Hạng Thác lúc bảy tuổi đã làm thầy của Khổng Tử mà lại chết yểu”.