TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 69

Hỏi: Đấng giác vương tùy thuận thế pháp, phù hợp cơ nghi, muốn hiển bày môn vô tướng, trước tiên nói lý hữu tướng, nhân phương tiện mà mở bày chân thật, mượn hữu tác mà chứng vô sinh, chưa đúng bản hoài chỉ ban mật ý. Trong bốn thế tục đế lập ra tùy sự sai biệt đế thứ hai, nói ba khoa pháp môn, đó là uẩn, xứ, giới. Nay muốn đem hữu về không, cần phải trước lập sau phá, phải biết hang ổ mới có thể lật đổ tổ chim. Như khoa đầu của năm uẩn, nguồn gốc của bốn đại lấy gì làm nghĩa

Đáp: Uẩn là chứa; cũng gọi là năm ấm, ấm là che, là chứa nhóm chủng tử hư vọng, che lấp chân tâm. Luận Tạp Tập nói: “Uẩn là nghĩa chứa nhóm; còn có nghĩa gánh vác tạp nhiễm như đôi vai gánh vác, đây là giải thích theo tục đế. Nếu y cứ chân đế thì không có một pháp để nhóm họp, vì đều không có tự thể, cũng không có tác dụng”. Vì thế kinh Lăng-già ghi: “Phật bảo Đại Huệ: Thế nào là Bồ-tát khéo dùng bốn đại tạo sắc ? Này Đại Huệ, Bồ-tát ma-ha-tát nên học thế này: Chân đế là bốn đại bất sinh, nơi bốn đại bất sinh ấy phải quán sát như thế; sau khi quán sát, danh tướng, vọng tưởng, phân biệt là tự tâm hiện phân biệt (…) Này Đại Huệ, bốn đại chủng ấy làm thế nào tạo sắc ? Nghĩa là vọng tưởng đại chủng ẩm ướt sinh thủy giới trong ngoài; vọng tưởng đại chủng kham năng sinh hỏa giới trong ngoài; vọng tưởng đại chủng phiêu động sinh phong giới trong ngoài; vọng tưởng đại chủng sắc bị chia cắt sinh địa giới trong ngoài.

Giải thích:

Vọng tưởng kham năng là chấp hỏa đại có khả năng làm thành thục tính của vạn vật. Vọng tưởng sắc bị chia cắt là chấp tính chia cắt là địa đại. Bốn đại đã không, năm uẩn vô chủ, thế nên trước quán xét sắc ấm do bốn đại tạo ra, linh động làm nhân cho nhau sinh ra. Trong bốn đại đã không chủ tể, cái gì có thể tập hợp để thành sắc ? Do đây quán xét biết sắc ấm là không, sắc ấm đã không thì bốn ấm kia làm gì có ? Khéo học chân đế đệ nhất tịnh tâm chẳng trụ một tướng thì không có bốn đại để sinh, cho nên biết tất cả đều là chân giác thì một giác tất cả giác, vì bao quát nhất tâm không gì chẳng giác. Ngoại pháp vốn không danh tướng, giới hạn được thấy chỉ là tâm lượng, vì bát-nhã chiếu soi năm uẩn đều không. Sắc đã không như chùm bọt nước thì thọ như bọt nước làm sao có ? Tưởng như sóng nắng chẳng thật, hành như cây chuối chỉ là không; thức như huyễn chợt không nương tựa; không đại lặng lẽ bất động, xét tận cùng tính tướng cội gốc bốn đại còn không thì ảnh hưởng của cành nhánh sáu căn làm gì có ? Thân kiến đã chẳng lập, vọng thức lại không từ đâu có, duy nhất chân tâm thần tính độc lập, Hằng sa hải tạng vô lượng nghĩa môn, bao quát chỉ quy, lý tột cùng nơi đây không ngoài một niệm nhân pháp đều không. Như kinh Trì Thế ghi: “Phật dạy: Các phàm phu ở trong pháp kiến văn giác tri, chấp thức ấm có niệm tham đắm, người này tham đắm pháp kiến văn giác tri bị thức ấm trói buộc, quí trọng sự hiểu biết của mình, bởi tâm ý thức hợp lại trói buộc nên rong ruỗi qua lại, đây gọi là từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này đều bị thức ấm ràng buộc nên chẳng thể biết thức ấm đúng như thật. Thức ấm là hư vọng chẳng thật, tương ưng với điên đảo. Nó do pháp kiến văn giác tri khởi, trong đây không có thức chân thật. Nếu chẳng thể thật quán như thế, hoặc khởi thiện thức, hoặc khởi bất thiện thức, hoặc khởi thiện bất thiện thức; người này thường thực hành theo thức, chẳng biết chỗ sinh của thức, chẳng biết tướng như thật của thức.

Này Trì Thế, chư Bồ-tát ma-ha-tát ở trong ấy chính quán như thế, biết thức ấm từ thức hư vọng khởi, nghĩa là trong pháp kiến văn giác tri các nhân duyên sinh, vì vô pháp mà sinh pháp tưởng nên tham đắm thức ấm. Cho nên biết các ấm chẳng ngoài một niệm pháp không”.

Do đó Vĩnh Gia Tập ghi: “Nói về biết năm ấm trong một niệm”, nghĩa là phân minh rõ ràng là thức ấm, tiếp nhận tại tâm là thọ ấm, tâm duyên lý này là tưởng ấm, sử dụng lý này là hành ấm, làm ô uế chân tính là sắc ấm. Năm ấm này toàn thể là một niệm, một niệm là toàn thể. Tức là năm ấm thấy rõ ràng trong một niệm không có chủ tể là nhân không tuệ; thấy như huyễn hóa là pháp không tuệ. Vì thế kinh Tối Thắng Vương ghi: “Phật bảo Thiện thiên nữ: Năm uẩn hay hiện pháp giới, pháp giới chính là năm uẩn”.

Hỏi: Xứ lấy gì làm nghĩa ?

Đáp: Luận nói: Là nghĩa biết sinh trưởng, là nghĩa phải biết chủng tử, là nghĩa gồm tất cả pháp sai biệt, cũng là nghĩa của xứ.

Hỏi: Giới lấy gì làm nghĩa ?

Đáp: Là nghĩa kiến lập giới phần, vì trong ngoài trung gian đều đối đãi lập. Luận Tạp Tập nói: “Là nghĩa chủng tử của tất cả pháp”, nghĩa là chủng tử của các pháp nương vào thức a-lại-da gọi là giới. Giới là nghĩa “nhân” còn có nghĩa hay giữ gìn tự tướng, còn có nghĩa hay giữ gìn tính nhân quả, còn có nghĩa gìn giữ tất cả pháp sai biệt.

Hỏi: Do đâu nói năm uẩn chỉ có năm thứ ?

Đáp: Luận Tạp Tập nói: Vì hiển bày năm thứ thuộc về ngã:

1- Thân đầy đủ những gì thuộc về ngã là sắc uẩn.

2- Những gì ngã thọ dụng là thọ uẩn.

3- Nói về ngã là tưởng uẩn.

4- Tạo tác tất cả pháp phi pháp thuộc về ngã là hành uẩn.

6- Cái được nương vào để làm tự thể của ngã là thức uẩn.

Thân này đầy đủ nghĩa ngã tướng sở y, hữu tình thế gian phần nhiều chấp thức uẩn là ngã, chấp các uẩn khác làm ngã sở.

Hỏi: Tướng của sắc uẩn thế nào ?

Đáp: Tướng biến hiện là sắc tướng. Đây có ba phần: xúc, đối, biến hoại, nghĩa là do tay chân cho đến lúc xúc chạm con muỗi, con rắn liền biến hoại. Hai phương sở thị hiện, nghĩa là do phương sở có thể hiển bày cho nhau.

Hỏi: Tướng của thọ uẩn thế nào ?

Đáp: Tướng nhận lãnh là thọ tướng, do thọ này nhận lãnh các thứ nghiệp tịnh và bất tịnh mà được dị thục. Nếu là nghiệp thanh tịnh thì được dị thục lạc; nếu là nghiệp bất tịnh thì chịu dị thục khổ; nếu là nghiệp tịnh bất tịnh thì thọ dị thục chẳng khổ chẳng lạc. Tại vì sao ? Do nghiệp tịnh bất tịnh cảm được thức dị thục a-lại-da luôn tương ưng với xả thọ. Chỉ có xả thọ này là dị thục thể chân thật; khổ thọ, lạc thọ từ dị thục sinh nên tạm gọi là dị thục.

Hỏi: Tướng của tưởng uẩn thế nào ?

Đáp: Tướng kết hợp để hiểu biết là tưởng tướng, do tưởng này kết hợp vẽ vời các pháp cùng loại, tùy theo nghĩa của kiến văn giác tri khởi các ngôn thuyết.

Hỏi: Tướng của hành uẩn thế nào ?

Đáp: Tướng tạo tác là hành tướng, do hành này nên niệm tâm tạo tác, nghĩa là trong các phẩm thiện, ác, vô ký sai khiến tâm.

Hỏi: Tướng của thức uẩn thế nào ?

Đáp: Tướng liễu biệt là thức tướng, do thức này nên liễu biệt các cảnh giới sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Hỏi: Do đâu xứ chỉ có 12 thứ ?

Đáp: Luận Tạp Tập ghi: “Chỉ do thân và cụ, hay cùng với lục hành thọ dụng vị lai làm môn sinh trưởng”,  nghĩa là như tướng của lục hành thọ dụng quá khứ, hiện tại là do nhãn v.v… giữ gìn. Tướng của lục hành thọ dụng vị lai lấy căn và nghĩa làm môn sinh trưởng cũng thế, chỉ nương vào căn cảnh lập ra 12 xứ, chẳng nương vào sáu thứ tướng thức thọ dụng.

Hỏi: Xứ lấy gì làm tướng ?

Đáp: Như giới nên biết, tùy theo sự cảm ứng của nó, nghĩa là mắt phải thấy sắc và chủng tử này tùy theo nghĩa phải nói.

Hỏi: Do đâu giới chỉ có 18 thứ ?

Đáp: Luận Tạp Tập ghi: “Do thân và cụ v.v… hay giữ gìn tính lục hành thọ dụng quá khứ, hiện tại. Thân là sáu căn như nhãn v.v..; cụ là sáu cảnh như sắc v.v… Lục hành thọ dụng quá khứ, hiện tại là sáu thức. Hay giữ gìn nghĩa là sáu căn, sáu cảnh hay giữ gìn sở y, sở duyên của sáu thức. Sáu thức quá khứ, hiện tại hay gìn giữ thọ dụng là vì chẳng xả bỏ tự tướng nên biết có 18 thứ; vì hay gìn giữ nghĩa nên gọi là giới.

Hỏi: Tướng của nhãn giới thế nào ?

Đáp: Nghĩa là mắt đã và hiện thấy sắc và chủng tử này tích tập thức dị thục a-lại-da là tướng nhãn giới.

Mắt từng thấy sắc, là nghĩa hay giữ gìn thức thọ dụng quá khứ để hiển bày giới tính.

Hiện thấy sắc, là nghĩa hay giữ gìn thức thọ dụng hiện tại để hiển bày giới tính.

Và chủng tử này tích tập thức dị thục a-lại-da nghĩa là chủng tử của mắt hoặc chỉ là tích tập sinh ra nhãn căn vị lai; hoặc đã thành thục sinh ra nhãn căn hiện tại. Hai thứ này gọi là nhãn giới, vì nhãn sinh nhân. Như tướng nhãn giới, các tướng nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới cũng thế.

Hỏi: Tướng của sắc giới thế nào ?

Đáp: Các sắc mắt đã và hiện thấy và nhãn giới ở nơi đây tăng thượng là tướng của sắc giới. Nhãn giới ở nơi đây tăng thượng nghĩa là nương vào sức tăng thượng của sắc căn mà ngoại cảnh sinh. Như tướng của sắc giới, tướng của thanh, hương, vị, xúc, pháp giới cũng thế.

Hỏi: Tướng của nhãn thức giới thế nào ?

Đáp: Nghĩa là nương nơi mắt duyên sắc tợ sắc liễu biệt và chủng tử này tích lập thức dị thục a-lại-da là tướng của nhãn thức giới. Như tướng của nhãn thức giới, tướng của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới cũng thế. Thế nên chân đế chẳng phải có, thế đế chẳng phải không; mê thì một hai tình sinh, ngộ thì tính tướng vô ngại, vì vậy tiên đức nói: “Chân tục đều bặt, nhị đế mãi còn; không hữu cùng mất, nhất vị luôn hiện”. Như luận Du-già nói: “Tư duy chính pháp cho đến tu tập thế nào cho đúng chính pháp; y theo chính đạo, tư duy các uẩn hợp với ngôn giáo”. Nghĩa là nương vào bốn đạo lý quán sát. Những gì là bốn ? Một là đạo lý quán đãi, hai là đạo lý tác dụng, ba là đạo lý chứng thành, bốn là đạo lý pháp nhĩ.

Thế nào là đạo lý quán đãi ? Đại lược có hai thứ quán đãi: một là sinh khởi quán đãi, hai là thi thiết quán đãi.

1- Sinh khởi quán đãi, nghĩa là do thế lực của các nhân các duyên sinh khởi các uẩn. Các uẩn này sinh khởi cần phải quán sự đối đãi của các nhân duyên.

2- Thi thiết quán đãi, nghĩa là do danh thân, cú thân, văn thân lập ra các uẩn. Uẩn này lập ra cần phải quán sự đối đãi của danh, cú, văn thân, đây gọi là nơi uẩn sinh khởi quán đãi, thi thiết quán đãi. Các quán đãi này sinh khởi thành lập các uẩn gọi là phương tiện của đạo lý Du-già, cho nên gọi là đạo lý quán đãi.

Thế nào là đạo lý tác dụng ? Nghĩa là các uẩn sinh ra là do duyên của nó, có tự tác dụng sai biệt, nghĩa là mắt hay thấy sắc, tai hay nghe tiếng, mũi hay ngửi mùi, lưỡi hay nếm vị, thân hay xúc chạm, ý hay liễu biệt pháp. Sắc là cảnh của mắt, là chỗ vận hành của mắt; cho đến pháp là cảnh của ý, là chỗ vận hành của ý. Những thứ còn lại nơi pháp đều riêng có tác dụng nên biết như thế. Các pháp này đều có tác dụng riêng gọi là phương tiện của đạo lý Du-già nên đều gọi là đạo lý tác dụng.

Thế nào là đạo lý chứng thành ? Nghĩa là tất cả uẩn đều vô thường, do các duyên sinh ra khổ, không, vô ngã. Do ba lượng nên quán sát như thật đó là chí giáo lượng, hiện lượng, tỷ lượng. Do ba lượng này chứng nghiệm đạo lý, các bậc trí tâm chính chấp thọ sắp đặt thành lập cho rằng tất cả uẩn đều là vô thường, những thứ này gọi là đạo lý chứng thành.

Thế nào là đạo lý pháp nhĩ ? Nghĩa là do nguyên nhân gì các uẩn có chủng loại như thế, các khí thế gian sắp đặt như thế ? Do nguyên nhân gì tướng cứng là đất, tướng ướt là nước, tướng nóng là lửa, tướng động là gió ? Do nguyên nhân gì các uẩn vô thường, các pháp vô ngã, niết-bàn tịch tĩnh ? Do nguyên nhân gì tướng biến hoại là sắc, tướng lãnh nạp là thọ, tướng đẳng liễu là tưởng, tướng tạo tác là hành, tướng liễu biệt là thức ? Do các pháp ấy bản tính phải như thế, tự tính phải như thế, pháp tính phải như thế. Các pháp nhĩ này gọi là phương tiện của đạo lý Du-già. Hoặc tức như thị, hoặc dị như thị, hoặc phi như thị, tất cả đều lấy pháp nhĩ làm nơi y cứ, tất cả pháp đều quy về đạo lý pháp nhĩ khiến tâm an trụ, khiến tâm thấu suốt, như đây gọi là đạo lý pháp nhĩ.

Trên đây gọi là căn cứ vào bốn đạo lý quán sát các uẩn tương ưng ngôn giáo, cho nên biết pháp tính tự như vậy, tất cả như thế, chưa có một pháp làm chướng ngại, rõ thì không lỗi, chấp thì họa sinh; chỉ cần y theo bốn thứ đạo lý quán đãi, tác dụng, chứng thành, pháp nhĩ để quán sát thì nhị đế đều thông, nhất tâm vô ngại.

Hỏi: Vạn pháp duy thức, chính lượng có thể biết, lại nói: “cảnh diệt thức bặt, tâm cảnh đều trừ”. Nay quán ấm, nhập, giới v.v… như trên phân tích tính tướng rõ ràng, làm thế nào đồng cảnh nhất thời cũng đều phủi bỏ ?

Đáp: Trên đây y theo thế đế phân biệt dường như có, chẳng phải chân, chỉ lập tên suông hoàn toàn không có thật thể. Vì thế kinh Thủ Lăng Nghiêm tỉ mỉ tìm xét ấm, nhập, giới, xứ mỗi mỗi đều không, chẳng phải nhân, chẳng phải duyên, chẳng phải tính tự nhiên. Chẳng phải nhân tức là chẳng tự sinh; chẳng phải duyên tức là chẳng tha sinh; đã không có hai pháp tự tha thì không pháp hòa hợp tức là bất cộng sinh; chẳng phải tính tự nhiên tức là chẳng phải vô nhân sinh. Tứ cú không sinh thì ấm từ đâu có ? Lại nên quán một niệm tâm này chẳng từ căn, trần, ly, hợp mà sinh. Nếu nói do hợp sinh, vì như mặt gương riêng có hình bóng, nếu hợp sinh lẽ ra có hai hình bóng. Nếu đều không hình bóng thì hợp lại chẳng nên sinh. Nếu mặt gương hợp làm một mà sinh hình bóng, hiện tại thật ra chẳng họp, họp thì không hình bóng. Nếu mặt gương ly nên sinh hình bóng thì mỗi một nơi đều phải có hình tượng, hiện tại thật ra không phải thế, căn trần ly họp cũng như thế. Phải biết tức niệm vô niệm tự tha chỗ khởi đều không, tức sinh vô sinh ly họp xét nét vô thể. Đoạn văn “phá ngũ ấm” trong kinh Lăng Nghiêm, Phật bảo A-nan: “Ví như có người bít kín lỗ trên bình tân-già chứa đầy hư không, rồi vác bình đi ngàn dặm đem cho nước khác; thức ấm phải biết cũng như thế. Này A-nan, như vậy hư không chẳng phải từ phương kia đến, cũng chẳng phải từ phương này vào. Này A-nan, nếu từ phương kia đến thì hư không vào bình đã đi theo, lẽ ra nơi ấy phải thiếu hư không. Nếu từ phương này vào thì mở nút trút bình lẽ ra phải thấy hư không chui ra. Thế nên phải biết thức ấm hư vọng vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tính tự nhiên.

Giải thích:

Đây là phá thức ấm, bình dụ cho thân, hư không dụ cho thức. Nếu chấp có thức theo thân qua lại, lúc thức ấm nơi này diệt đến nơi kia sinh như đem hư không phương này ban cho nước khác. Nếu ấm này thật sự diệt như nơi chiếc bình lẽ ra thiếu hư không. Nếu ấm kia lại sinh như mở nút trút bình lẽ ra thấy hư không chui ra, cho nên biết hư không bất động, thức không đến đi, một ấm đã không, bốn ấm cũng thế. Kinh Đại Niết-bàn nói: “Lúc người xả bỏ thọ mạng nhưng tâm ý thức liền sinh đường lành mà là tâm pháp thật không đến đi, cũng không chỗ đến, đúng là trước sau dường như tương tục, tướng mạo chẳng khác. Nói như thế tức là giáo bí mật của Như Lai”.

Phật bảo vua A-xà-thế: Theo ông nói, tiên vương vô tội nhưng bị nghịch hại, cái gì là cha ? Chỉ là đối với năm ấm chúng sinh giả danh vọng sinh ý tưởng cha. Nơi 12 xứ, 18 giới cái gì là cha ? Nếu sắc là cha, bốn ấm kia lẽ ra chẳng phải. Nếu bốn ấm là cha thì sắc cũng lẽ ra chẳng phải. Nếu sắc phi sắc hợp làm cha thì không có lẽ ấy, vì sao ? Vì sắc và phi sắc tính không họp. Đại vương, phàm phu chúng sinh nơi sắc ấm vọng sinh ý tưởng cha; như vậy sắc ấm cũng chẳng thể hại (…)

Vua A-xà-thế bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nay con mới biết sắc là vô thường, cho đến thức là vô thường, nếu con vốn biết như thế thì không có tội.

Kinh Trì Thế ghi: “Phật dạy: Lúc chư Bồ-tát quán như thật, biết thức ấm hư vọng chẳng thật từ xưa đến nay thường chẳng sinh tướng, biết phi ấm là thức ấm, tượng ấm là thức ấm, huyễn ấm là thức ấm. Ví như người biến hóa như huyễn, thức chẳng ở trong, cũng chẳng ở ngoài, cũng chẳng ở giữa; thức tính cũng như thế, như tính huyễn hư vọng duyên sinh, từ ức tưởng phân biệt khởi, không có thật sự, như hình nộm; thức cũng như thế từ điên đảo khởi, do nhân duyên hư vọng hòa họp mà có; người huyễn làm sao có tâm thức, hình nộm làm gì giác tri; so vọng thức mà sánh đồng, từ huyễn duyên mà tợ có”.

Luận Đại Trí Độ ghi: “Lúc mặt trời mới mọc thấy cửa thành, lâu đài, cung điện, dân chúng ra vào. Mặt trời càng lên cao cảnh tượng càng mất dần, chỉ là mắt thấy chứ không có thật, đây gọi là thành Càn-thát-bà. Có người ban đầu chẳng thấy thành Càn-thát-bà, sáng sớm xoay về hướng đông mới thấy. Người ấy cảm thấy ưa thích bèn đi nhanh đến, nhưng đến càng gần cảnh ấy mất dần, mặt trời càng lên cao cảnh ấy biến mất. Người đói khát tột cùng, thấy hơi nóng như ngựa hoang cho là nước vội vàng chạy đến, càng đến gần càng xa, mệt mỏi đến núi cùng hang hẹp kêu gào khóc lóc, nghe tiếng vang dội lại cho rằng có cư dân, khốn khổ tìm kiếm mà không thấy, rồi tư duy tự ngộ, lòng khát ái dứt. Người vô trí cũng như thế, trong không ấm giới nhập thấy có ta và các pháp, tâm tham sân điên cuồng chạy khắp bốn phương, cầu ưa thích tự thỏa mãn, điên đảo lừa dối cùng cực áo não. Nếu dùng trí tuệ biết pháp vô ngã vô thật thì điên đảo sẽ dứt, cho nên biết sắc ấm như con mắt bệnh chợt hiện hoa đốm trong hư không; thọ ấm như hai tay xoa vào nhau sinh cảm giác lạnh nóng; tưởng ấm như người nghe nói đến quả mơ chua tự nhiên chảy nước dãi; hành ấm như sóng mòi trên nước thấy nó dường như chảy xiết; thức ấm như hư không chứa trong bình đem cho nước khác. Đây là chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, bất tức, bất ly. Hòa hợp đã chẳng thành, tự nhiên cũng chẳng có. Sự so sánh này là thật thì năm ấm chẳng rỗng, đã là tướng thế gian chẳng phải chân, xét biết ấm nhập vô thể, chỉ là Như Lai tạng tâm pháp giới tính không, vô thỉ vô chung bình đẳng hiển hiện”.

Cho nên kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Phật bảo A-nan: Vì thế Như Lai vì ông phát minh bản nhân của năm ấm đồng là vọng tưởng, thân thể ông trước kia nhân cái tưởng của cha mẹ mà sinh. Tâm ông nếu chẳng phải là tưởng thì chẳng thể đến gá cái mạng vào trong tưởng. Như trước ta đã nói tâm tưởng đến vị chua thì trong miệng chảy ra nước dãi, tâm nghĩ lên cao, trong lòng bàn chân ghê rợn, nhưng dốc cao chẳng có, vị chua chưa xuất hiện, thân ông hẳn chẳng phải một loại hư vọng thì nước dãi làm sao nhân nói vị chua mà chảy ra, thế nên biết sắc thân hiện tại của ông gọi là vọng tưởng kiên cố thứ nhất. Khi tâm nghĩ đến việc lên cao có thể khiến thân ông có cảm giác ghê rợn; do các cảm thọ phát sinh làm động thân thể. Vậy hiện nay hai cảm giác dễ chịu và khó chịu đang đắp đồi trong ông thì gọi là vọng tưởng hư minh thứ hai.

Do những ý nghĩ sai khiến sắc thân ông, nếu sắc thân chẳng phải cùng một loại niệm, thân ông do đâu theo ý nghĩ sai khiến, nhận các thứ hình tượng, sinh tâm chấp nhận các hình tương ưng với ý nghĩ; lúc thức là tưởng tâm, lúc ngủ là chiêm bao. Vậy thì tưởng niệm của ông lay động vọng tình, gọi là vọng tưởng dung thông thứ ba.

Sự chuyển hóa không dừng, xoay vần âm thầm dời đổi: móng tay dài, tóc mọc, khí lực tiêu, da mặt nhăn, ngày đêm thay đổi, mà không hề hay biết. Này A-nan, nếu những thứ ấy chẳng phải là ông thì làm sao thân ông lại biến đổi; nhưng nếu nó thật là ông thì sao ông lại không hay biết. Vậy các hành niệm niệm không dừng của ông, gọi là vọng tưởng u ẩn thứ tư.

Lại chỗ tinh minh đứng lặng không lay động của ông gọi là thường còn, thì nơi thân ông không ra ngoài những sự thấy, nghe, hay, biết. Nếu nó thật là tính tinh chân thì không thể huân tập được điều hư vọng; thế nên lại sao ngày xưa ông đã từng xem một vật lạ; trải qua nhiều năm không hề nghĩ đến; về sau bỗng nhiên thấy vật lạ đó thì nhớ lại rõ ràng. Vậy trong tính tinh minh đứng lặng không lay động ấy niệm niệm chịu huân tập, không thể tính toán hết được. A-nan nên biết cái đứng lặng đó chẳng phải thật như nước chảy xiết, trông như đứng lặng, vì chảy xiết mà chẳng thấy chứ chẳng phải không lưu chuyển. Nếu cội gốc những thứ ấy chẳng phải vọng tưởng thì đâu lại chịu để vọng tưởng huân tập. Nếu sáu căn của ông chưa được hợp khai hỗ dụng thì cái vọng tưởng đó không lúc nào diệt được. Vậy nên hiện nay cái tập khí xâu suốt ở trong những điều thấy, nghe, hay, biết của ông là vọng tưởng điên đảo vi tế huyễn hóa, trống rỗng thứ năm trong tính trạm liễu của ông.

Này A-nan, năm ấm này do năm vọng tưởng tạo thành, nay ông muốn biết giới hạn sâu cạn thì chỉ sắc và không là biên tế của sắc ấm; chỉ xúc và ly là biên tế của thọ ấm; chỉ nhớ và quên là biên tế của tưởng ấm; chỉ diệt và sinh là biên tế của hành ấm; đứng lặng và hợp với đứng lặng là biên tế của thức ấm.

Năm ấm này chồng chất sinh khởi, sinh do thức ấm mà có, diệt từ sắc ấm mà trừ; lý thì đốn ngộ, nhờ giác ngộ tiêu dần; sự không phải trừ ngay, phải theo thứ lớp mà dứt hết”.

Thế nên nếu thấy năm ấm có là chúng sinh của thế gian; nếu rõ năm ấm không là chân đế của thế gian. Nếu đạt được thật tướng của năm ấm là chính trí trung đạo đệ nhất nghĩa của thế gian. Năm ấm ngoài ba loại thế gian không còn một pháp có thể kiến lập là tục là chân; giáo lý một thời đại trừ pháp môn này ra không có phương tiện nào khác. Ngộ đây thành Phật, mê đây là phàm, chỉ nhất tâm khai hợp không khác. Vì sao cho một ấm là sắc, bốn ấm kia là tâm ? Từ tâm sinh ra nên gọi là sắc, tâm là sở y, sắc là năng y, nhiếp năng quy sở chỉ là nhất tâm, gốc ngọn vốn đồng, thể dụng thường hợp, đại chỉ của Tông Cảnh nơi đây bặt lời. Đoạn văn “phá lục nhập” trong kinh Lăng Nghiêm ghi: “Phật bảo A-nan: Ví như có người mỏi mệt thì ngủ, ngủ chán thì thức dậy, khi thấy trần cảnh thì nhớ, khi hết nhớ thì quên. Cái sinh trụ dị diệt điên đảo ấy thói quen thu nạp đưa vào trong nhưng chẳng lẫn lộn nhau gọi là ý căn. Cả cái ý căn và cái mệt mỏi đồng là tính bồ-đề do chăm chú phát ra tướng mệt mỏi.

Nhân hai thứ vọng trần sinh diệt, nhóm họp cái biết ở trong, thu nạp pháp trần bên trong, thấy nghe nghịch dòng trôi chảy chẳng đến đâu gọi là tính hay biết. Tính hay biết này lìa hai trần thức ngủ, sinh diệt rốt ráo không có tự thể. Thật vậy A-nan, nên biết ý căn hay biết ấy chẳng phải từ nơi thức, nơi ngủ đến; chẳng phải do sinh diệt có; cũng chẳng phải do nơi căn ra; cũng chẳng phải do nơi hư không sinh. Vì sao ? Nếu từ nơi thức mà đến, thì khi ngủ đã theo cái thức mà diệt rồi, còn lấy cái gì làm cái ngủ. Nếu chắc chắn lúc sinh mới có thì khi diệt đã đồng như không thì lấy cái gì biết là diệt. Nếu từ cái diệt mà có thì khi sinh không có diệt nữa, lấy cái gì mà biết là sinh. Nếu do ý căn mà ra thì hai tướng thức ngủ theo thân thay đổi lẫn nhau; nếu lìa hai tướng này thì cái hay biết đó cũng như hoa đốm hư không, rốt ráo không có tự tính. Nếu từ hư không mà sinh thì hư không tự biết, nào có liên can gì chỗ thu nạp của ông. Thế nên biết ý nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tính nhân duyên, chẳng phải tính tự nhiên”.

Giải thích: Đây là phá ý nhập. Sớ nói: Khi thấy trần cảnh thì nhớ, nhớ tức là sinh; khi hết nhớ thì quên, quên tức là diệt. Hết nhớ chẳng lìa tự tâm vọng cho là cảnh. Cho nên nói cái sinh, trụ, diệt điên đảo ấy thói quen thu nạp đưa vào trong nhưng chẳng lẫn lộn nhau, thói quen thu nạp sinh trụ dị diệt đưa vào trong thức tâm nên nói là đưa vào trong; niệm trước diệt niệm sau sinh không có lỗi tạp loạn nên nói là chẳng lẫn lộn nhau. Cho nên kinh nói: “Tam tính sinh diệt như khỉ vượn, phải biết thấy cảnh sinh diệt tức là tướng tự tâm sinh diệt, cho nên nói tâm sinh các pháp sinh”. Thu nạp pháp trần bên trong, thấy nghe nghịch dòng trôi chảy chẳng đến đâu gọi là tính hay biết, nghĩa là mắt tai bám lấy cảnh ngoại trần trong sát-na chảy vào ý địa, từ ngoài vào trong gọi là nghịch dòng; mắt tai chỉ duyên cảnh hiện tại, chẳng duyên niệm thứ hai nên nói trôi chảy chẳng đến đâu. Chỉ ý căn một mình bám lấy gọi là tính hay biết. Tính hay biết này nhân tiền trần khởi, rốt ráo không có tự thể, bởi vọng tri cưỡng giác thành chúng sinh bên trong; do dứt tưởng ngưng không làm cõi nước bên ngoài. Kinh nói: “Tưởng lặng thành cõi nước, tri giác là chúng sinh”. Mê nhất tâm trạm tịch thành sáu nhập bên trong không có tự thể riêng, chỉ là chân không; ý nhập đã không, năm nhập kia như nhãn v.v… cũng thế.

Đoạn văn “phá 12 xứ” trong kinh Lăng Nghiêm ghi: “Phật bảo A-nan: Ông thường trong ý duyên ba tính thiện, ác, vô ký, sinh ra có các pháp trần. Các pháp trần này tức tâm sinh hay lìa tâm riêng có nơi chốn ?

A-nan, nếu tức tâm thì pháp trần chẳng phải là trần cảnh, chẳng phải là sở duyên của tự tâm làm sao thành một xứ được ?

Nếu lìa tâm riêng có nơi chốn thì tự tính của pháp trần là biết hay chẳng biết ? Nếu biết thì gọi là tâm, khác với ông và chẳng phải trần cảnh thì cũng như tâm người khác; còn nếu nó tức là ông và cũng tức là tâm thì tại sao tâm ông lại có hai ?

Nếu chẳng biết, pháp trần ấy đã chẳng phải sắc, thanh, hương, vị, ly, họp, lạnh nóng và tướng hư không thì nó sẽ ở chỗ nào ? Hiện nay nơi sắc không đều không biểu thị được nó, không lẽ trong nhân gian lại có cái ngoài hư không ? Tâm chẳng có cảnh sở duyên thì xứ từ đâu lập ? Thế nên phải biết pháp trần và ý căn đều không có nơi chốn, tức là ý căn cùng pháp trần đều hư vọng, vốn chẳng phải tính nhân duyên, chẳng phải tính tự nhiên”.

Giải thích: Đây là phá hai xứ ý căn và pháp trần. Hễ phân năng nêu sở, kết hợp để duy trì, lập cảnh lập tâm đều là ý pháp. Trước tiên phá cội gốc mê lầm phân biệt thì năm căn trước và mười xứ tự nghiêng ngả. Pháp xứ là sở duyên, ý xứ là năng duyên, vậy pháp xứ là tức tâm hay chẳng tức tâm ? Nếu tức tâm thì pháp toàn là tâm, tâm chẳng thấy tâm làm sao thành ? Nếu xứ lìa tâm riêng có nơi chốn thì tự tính của pháp là có biết hay không biết ? Nếu có biết thì gọi là tâm, chẳng thành pháp trần. Nếu không biết thì chẳng phải tâm mình, đồng với tâm người khác. Vì biết hai xứ đều không có tự thể thì ba tính thiện, ác, vô ký, bốn thứ tâm như ý căn v.v… đều cùng một tính, không có năng duyên sở duyên sai biệt, tâm cảnh đều không. Cho nên luận nói: “Hễ có phân biệt là do tự tâm phân biệt”. Tâm chẳng thấy tâm là được vô tướng thì lý vô tướng hiện, có tạo tác mà không có tình chấp, nhân duyên tự nhiên danh nghĩa đều bặt; như mười xứ, sắc tâm cũng như thế.

Đoạn văn “phá 18 giới” trong kinh Lăng Nghiêm  ghi: “Phật bảo A-nan: Ông đã rõ ý căn và pháp trần làm duyên sinh ra ý thức. Thức này lại do ý căn sinh ra, lấy ý căn làm giới; hay do pháp trần sinh ra, lấy pháp trần làm giới ?

A-nan, nếu do ý căn sinh ra thì trong ý ông ắt phải có sự tư duy mới phát minh được cái ý của ông; nếu không có các pháp trần thì ý căn không thể sinh ra được. Lìa các pháp trần, ý căn không có hình tướng thì đem ý thức dùng vào việc gì ?

Lại thức tâm của ông với sự suy nghĩ gồm cả tính liễu biệt là đồng hay là khác ? Nếu đồng với ý căn thì tức là ý căn rồi, làm sao lại do ý căn sinh ra ? Nếu khác, không đồng với ý căn thì lẽ ra không biết gì. Nếu không biết gì thì làm sao do ý căn sinh ra; còn nếu có biết thì làm sao chia ra ý thức và ý căn ? Chỉ hai tính đồng và khác còn không thành làm sao lập được giới ?

Nếu nhân pháp trần sinh ra thì các pháp thế gian chẳng lìa năm trần. Ông hãy quán xét sắc pháp, thanh pháp, hương pháp, vị pháp, xúc pháp, có tướng trạng rõ ràng đối với năm căn đều chẳng thuộc về ý căn. Nếu ý thức của ông quyết định nương nơi pháp trần sinh ra thì ông hãy xét kỹ từng pháp hình trạng thế nào ? Nếu lìa hẳn các tướng sắc, không, động, tĩnh, thông, bít, hợp, ly, sinh, diệt thì trọn không thật có. Sinh thì các pháp trần không sinh; diệt thì các pháp trần không diệt. Các nguyên nhân đã không thành thì cái thức do nó sinh ra còn có hình tướng gì; hình tướng còn không có, làm sao lập được giới ? Vậy nên biết ý căn và pháp trần làm duyên sinh ra ý thức, cả ba chỗ đều không, và ba giới ý căn, pháp trần, ý thức vốn chẳng phải tính nhân duyên, chẳng phải tính tự nhiên”.

Giải thích: Đây là phá ý thức giới. Như trong 18 giới đều nhân ý thức kiến lập. Cội gốc lập xứ còn không có thì cành ngọn được sinh ra làm sao có ? Đã không nơi chốn, lại không ranh giới để y cứ, sự dối lý rỗng, tình cao chấp thấp, gốc rễ các kiến nhổ sạch, hang ổ vọng thức phá vở, chỉ một chân tâm sáng suốt tròn khắp pháp giới.

Ngài An Quốc nói: “Năm trần giới như sắc v.v… là cảnh hiện lượng, năm trần hiện chứng đều không có trần tướng. Trong Như Lai tạng hiện ngay thân thể và khí thế gian không có trần tướng. Thức thứ sáu và thứ bảy vọng tưởng cho rằng có ngã pháp, hiện tướng của tưởng là do phân biệt biến. Tướng phân biệt biến chỉ là cảnh mà không có thực dụng, như mặt trời phát ra sức nóng khiến bụi bặm trở thành màu hồng mà chẳng phải thật màu hồng; như nước lặng trong chứa mây nổi cùng duyên nhau mà chẳng phải thật duyên. Nếu rõ tạng tính thì biết trần cảnh là vọng. Cho nên biết các pháp chỉ từ phân biệt sinh; phân biệt đã không, danh tướng nào có ? Nhân không dễ liễu ngộ, pháp ngã khó trừ, chẳng thông đạt pháp theo duyên sinh, chấp có tự thể”. Như Nhiếp luận nói: “Nếu chấp pháp thể là có gọi là pháp ngã chấp, như Nhị thừa y theo sự thức phân biệt thô tu hành, chỉ rõ trong pháp vô ngã, chẳng biết pháp thể toàn không; nghe nói các pháp không sinh sợ hãi vô cùng, là biết pháp không là gốc, nhân không là ngọn, sợi dây ban đêm chưa rõ, ý tưởng con rắn làm sao trừ ? Bệnh mắt vẫn còn, hoa đốm đâu thể mất ?

Đoạn văn “phá thất đại tính” trong kinh Lăng Nghiêm: “Phật bảo A-nan: Thức tính không nguồn gốc nhân nơi sáu thứ căn, trần hư dối phát ra. Nay ông hãy xem khắp Thánh chúng trong hội này; ông dùng mắt lướt qua, mắt ông trông khắp chỉ là bóng trong gương không phân tích riêng biệt. Các thức của ông trong ấy theo thứ lớp chỉ ra đây là Văn-thù, đây là Phú-lâu-na, đây là Mục-kiền-liên, đây là Tu-bồ-đề, đây là Xá-lợi-phất. Cái thức nhận biết này sinh ra do cái thấy, hay do các tướng, hay do hư không, hay do không nhân gì bỗng nhiên sinh ra ?

A-nan, nếu thức tính của ông sinh ra do cái thấy, như không có các tướng sáng, tối, sắc, không thì không còn cái thấy của ông; cái thấy còn không có, do đâu phát sinh thức ?

Nếu thức tính của ông sinh ra do các tướng, mà chẳng từ cái thấy sinh thì đã không thấy sáng, cũng không thấy tối; sáng và tối đã không thấy thì cũng không có sắc, không; các tướng kia còn không có thì thức ấy do đâu phát ra ?

Nếu thức sinh ra từ hư không, chẳng phải do cái thấy, chẳng phải do các tướng; chẳng phải do cái thấy không phân biệt, tự nhiên chẳng thể biết được sáng, tối, sắc, không chẳng phải do các tướng thì các duyên không còn, sự thấy nghe hay biết không chỗ thành lập. Chẳng phải do hai thứ căn và trần này, nếu là không thì cũng đồng như không có, còn nếu là có thì cũng giống như các vật, cho dù phát ra thức của ông thì muốn phân biệt cái gì ?

Nếu thức không nhân gì bỗng nhiên phát ra làm sao không phân biệt được mặt trăng sáng trong lúc mặt trời đứng bóng ?

Ông hãy suy xét chín chắn, cái thấy gá vào mắt của ông, các tướng trả về cho tiền cảnh, cái gì có hình trạng mới thành có, cái gì không có tướng thì thành không, như vậy thức duyên nơi đâu mà có ?

Thức thì lay động, cái thấy thì đứng lặng, chẳng hòa, chẳng hợp, cho đến các việc nghe, ngửi, hay, biết cũng đều như thế. Chẳng lẽ thức không do đâu mà phát ra.

Nếu thức tâm này vốn không do đâu thì nên biết sự liễu biệt, thấy nghe hay biết vắng lặng cùng khắp, tính ấy chẳng nương vào đâu mà có; hai món đại này cùng với hư không, địa, thủy, hỏa, phong đều gọi là bảy đại, chân tính viên dung đều là tính Như Lai tạng không sinh, không diệt.

Này A-nan, tâm ông thô phù chẳng ngộ được cái nhận biết các điều thấy nghe vốn là tính Như Lai tạng. Ông nên xét sáu cái thức tâm là đồng hay là khác, là không hay là có, là chẳng phải đồng chẳng phải khác, là chẳng phải không, chẳng phải có. Ông vốn chẳng biết trong Như Lai tạng cái thức nơi tâm tính là minh tri, tính minh của bản giác là chân thức. Bản giác diệu minh lặng lẽ cùng khắp pháp giới, ẩn hiện mười phương hư không đâu có nơi chốn, theo nghiệp phát hiện. Thế gian không biết tâm cho là tính nhân duyên và tính tự nhiên, đều gọi là những so đo phân biệt của ý thức, chỉ có lời nói toàn không có nghĩa chân thật”.

Giải thích: Đây là phá thức đại tính. Xét kỹ ý chỉ của Phật vốn khế hợp vô sinh, chỉ vì hữu tình mê vọng thức. Do mê muội nhiễu loạn bản tính, khởi biến kế nơi nguồn giác, theo duyên tạp nhiễm, chìm đắm biển thức viên thành, ngủ trong nhà mộng ba cõi, một lần tỉnh giác mà trần kiếp chẳng tỉnh, tạo ra huyễn thân bốn đại, sinh diệt Hằng sa không thể tính được. Nay biết thức này quyết định vô thể, từ duyên sinh khởi đều thuận vô sinh, qua bốn trường hợp kiểm nghiệm tự rõ diệu lý.

Thức tính này sinh ra do cái thấy, như không có sáng, tối, sắc, không vốn không có tính thấy; tính thấy còn không có thì từ đâu phát sinh thức ? Đây là phá tự sinh.

Thức sinh ra từ các tướng, nếu cái thức chẳng từ cái thấy sinh ra thì chẳng thấy sáng tối, chẳng thấy sáng tối thì không có sắc không, những tướng ấy còn không có thì thức do đâu phát. Đây là phá tha sinh.

Đã chẳng được cái tính của tự kiến, lại chẳng được quán của tha tướng; tự tha đã không thì không có sự hòa hợp. Do đó nói: cái thấy gá vào mất của ông, các tướng trả về cho tiền cảnh, những gì có tướng mới thành có, những gì không tướng thì thành không, như vậy cái thức duyên nơi đâu mà có ? Thức thì lay động, cái thấy thì đứng lặng, chẳng phải hòa, chẳng phải hợp, cho đến các việc nghe, ngửi, hay, biết cũng đều như thế, bởi động tĩnh trái nhau, chẳng hòa hợp, đây là phá cộng sinh.

Thức sinh ra do hư không, thức không nhân gì bỗng nhiên phát ra, nghĩa là nếu thức sinh ra do hư không, chẳng phải do các tướng, chẳng phải do cái thấy, cho dù thức ấy phát ra thì muốn phân biệt cái gì ? Nếu thức không nhân gì bỗng nhiên phát ra, làm sao không phân biệt được mặt trăng sáng trong lúc mặt trời đứng bóng ? Mặt trời thuộc dương, mặt trăng thuộc âm, đồng hồ xoay thời gian xưa nay chẳng dời đổi đều có nguyên nhân, đây là phá vô nhân sinh.

Tứ cú đã không, bách phi bặt dứt, thì vọng chấp nội nhân, ngoại duyên, tâm hòa, cảnh hợp, vô nhân, tự nhiên v.v… vọng tưởng tình trần, đều không có nghĩa chân thật, bóng dáng hoa đốm lăng xăng đều hư dối cần gì đối đãi ? Danh ngôn hí luận liền dứt, ý giải hoàn toàn tiêu; tính hư không đã tiêu dung, thể của sáu đại làm sao có ? Vì địa đại vô tính do bốn luân làm thành, thủy đại vô tính chảy dừng bất định, hỏa đại vô tính gá nơi các duyên, phong đại vô tính nhờ vật mới động, không đại vô tính đối sắc đặt tên, tính thấy từ duyên hòa họp mà có, thức tính vô thể như huyễn rỗng không.

Về hỏa đại vô tính, kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Tính hỏa chân không”, người xưa giải thích: Tính là tính của bản giác, hỏa là hỏa của bản giác, đều là do tâm chúng sinh biến, như thức tâm thứ sáu nóng bức khắp thân thì hẹp; nếu trong thức thứ tám biến khởi thì khắp đồng pháp giới, tỏ ngộ pháp giới tính đều là lửa biến ra từ tâm mình.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 4, ở Tây Kinh có pháp sư Sùng Huệ đấu pháp thuật với đạo sĩ, ngài có thể vào lửa chẳng bị cháy là do cầu năng lực của đức Quán Âm huống là tự chứng! Sau khi chứng đắc, ngài vào địa ngục chẳng bị thiêu đốt.

Ngày nay lửa thế gian tùy chỗ phát hiện, ứng với nghiệp lực của chúng sinh có lửa nhiều ít tùy ý. Như rồng đánh nhau cũng phun lửa thiêu đốt rừng rậm, cho đến nổi lửa sấm sét trong mây. Như dục tâm của người bốc lửa thiêu cháy đền trời; do tâm dao động nên có lửa khởi, chỉ tâm bất động thì chẳng bị thiêu. Ví như lúc người sợ hãi phi nhân mới được cơ hội quấy phá; Như Lai được tính hỏa nên lửa ba cõi chẳng thể thiêu đốt, Như Lai tự khởi lửa trí tuệ đốt thân được xá-lợi; lửa ấy mãnh liệt vô cùng, các đại đệ tử dùng nước dập tắt chẳng được, thậm chí Long Vương phun nước cũng không xong. Thiên đế giải thích: “Bản nguyện lực của tôi mới làm được”. Tuy có tính hỏa mà chẳng tự thiêu, như dao có thể cắt mà chẳng tự cắt, như mắt có thể thấy mà chẳng tự thấy, như tính của hỏa đại là duy tâm, tính bảy đại cũng đều như thế, tùy tâm cùng khắp pháp giới; pháp giới vốn khắp nhưng do tâm chấp nên chẳng thể khắp. Như tam thừa trong ba cõi, thiên nhãn chẳng thể cùng khắp, chỉ có Như Lai không chấp trước, tính hợp chân không nên mới có thể cùng khắp. Trong kinh Bát-nhã đức Phật tự nói: “Do vì ta không chấp trước nên được thân chân kim, viên quang thường hiện”.

Chuyện về lửa thiêu đền trời như sau: ngày xưa có ngư phủ trên sông thấy công chúa đi qua liền sinh tâm ái luyến, suy tưởng mong cầu mà chẳng được toại nguyện khiến thân thể hao gầy. Bà mẹ liền hỏi nguyên do bệnh và lập phương cách gởi một con cá chép xuống sông, công chúa lấy làm lạ hỏi; bà mẹ liền trình bày sự việc, công chúa đồng ý hẹn: Nhân lúc tôi đi lễ bái đền trời, sẽ gặp nhau dưới nước. Ngư phủ biết được rất mừng. Sau đó công chúa đến gặp ngư phủ đang ngủ say, nàng lay động mà ngư phủ chẳng hay biết, bèn buộc tấm lụa nơi tay ngư phủ. Công chúa đi rồi, ngư phủ tỉnh giấc thấy tấm lụa trên tay biết công chúa dã đến, chàng ân hận vô cùng, lửa dục bên trong đốt cháy tự thân mục nát và thiêu sạch cả phòng thất của đền trời. Do đó ba cõi có pháp ngoài thức ra không có gì, đều do bốn đại trong ngoài làm thành, đều là một tâm hư vọng biến ra. Vì sao ? Đầu tiên do bất giác nên có nghiệp thức, từ nghiệp thức nhân động nên có chuyển thức, từ chuyển thức khởi thấy nên có hiện thức. Do kiến phần thành tướng phần, năng sở vừa phân, tâm cảnh liền hiện.

Người xưa giải thích kinh Thủ Lăng Nghiêm: “Rõ vọng không phải cái gì khác, soi chiếu lại tính giác là lỗi”, nghĩa là sáu thức bám lấy trần do nghiệp thức phát khởi, sau đó có thức thứ bảy chấp cái minh trong thức thứ tám biến khởi bốn đại bên ngoài; bốn đại dẫn khởi sáu căn trần; sáu căn trần dẫn khởi sáu thức; sáu thức nương nơi sáu căn trần, do bên ngoài có sắc, bên trong dẫn các căn như nhãn v.v…

Rõ vọng chẳng phải cái gì khác, nghĩa là cái hư vọng này ban đầu do tự tâm dao động có phong, do chấp có kim, do ái có thủy, do cầu có hỏa, đều là do tự tâm biến khởi bốn đại, trở lại tự phân biệt kết nghiệp thọ sinh nên chẳng phải cái gì khác ràng buộc.

Soi chiếu lại tính giác là lỗi, nghĩa là do cố nhận biết bản thể sáng suốt là lỗi thì không biết được giác minh, vì biết minh giác như người thấy việc bất tịnh liền sinh tâm nhàm chán. Do vì phân biệt nên thấy có người đẹp liền sinh tưởng tịnh đó là cái hiểu biết vô minh. Chỉ cần vô phân biệt vọng kiến, chỉ thấy pháp tính tịnh độ, là biết bốn đại trong ngoài địa thủy hỏa phong niệm niệm phát hiện. Vì vậy kinh nói: “Hoặc mỗi thứ đều phát minh, hoặc cùng phát minh một lượt”.

Mỗi thứ đều phát minh, nghĩa là ông muốn nắm lấy cái biết viên minh liền đánh mất bản minh tính không, tư tưởng dao động tâm sinh phong luân, tình ái tương tục tính cảm thủy luân, tâm chấp mãnh liệt sẽ hiện kim luân, dục tâm tìm cầu hưng phát hỏa luân.

Cùng phát minh một lượt, nghĩa là ban đầu khởi cố nhận biết, bốn đại đều hiện, như người sân giận liền bốc lửa, thân tâm động chuyển biểu thị gió, lệ đầy trong mắt biểu thị nước, mặt đỏ bừng biểu thị đất. Thế nên bốn đại trong ngoài vốn là tính của tâm mình cho là tự tính.

Lại từ thức thứ tám biến khởi tướng phần của căn thân, khí thế gian, bốn đại trong ngoài làm tự tướng.

Lại do vọng niệm khởi cố nhận biết, do đó vạn tượng sum la hiện rõ ràng. Nếu có thể xét cùng nguyên nhân, thể hội cội gốc đều là tính tướng của tự tâm. Mọi thứ đẹp, xấu, yêu, ghét đều do ý thức so đo phân biệt làm thành. Đã biết căn do phải giữ gìn chính trí, chỉ cần trừ sự soi lại tính giác thì một niệm chẳng sinh, tự nhiên tâm cảnh đều không, trước sau cùng bặt, cho nên biết tính của bảy đại chân thật viên dung, mỗi mỗi đại đều trùm khắp pháp giới đều là một thể, như bảy khối băng dùng lửa nung tan thành nước; cũng như tấm lưới nhân-đà-la đồng mà chẳng đồng, như nước và băng khác mà chẳng khác, cho đến năm ấm, sáu nhập, 12 xứ, 18 giới v.v… đều đầy khắp pháp giới, mỗi một vi trần cũng đầy pháp giới, mỗi một mảy lông cũng đầy pháp giới, mỗi một thân tâm cũng đầy khắp Như Lai tạng. Như trong biển Hương Thủy Phật thường vì các Bồ-tát nói tất cả pháp, chẳng thấy tướng Bồ-tát, chẳng thấy tướng tà sư, chẳng thấy tướng sinh trụ dị diệt, cho nên đều hợp chân không, đầy khắp thực tế; như nói lông rùa, sừng thỏ, sóng nắng, thành càn-thát-bà, chỉ có tên gọi không có thật thể. Như các căn của thấy nghe; ấm, nhập, cảnh của danh sắc cũng chỉ có tên đều không có thật thể. Nay đem việc thế gian đều biết lông rùa hư dối dễ hiểu phá trừ cái chấp danh sắc hiện tại hư vọng khó hiểu, trở lại giống như lông rùa không thể chấp trước, thì biết tất cả cảnh giới bị chấp từ trước đến nay đều do thức biến, đều từ tưởng sinh; lìa thức không có trần cảnh, thức lặng thì các trần cảnh cũng lặng; lìa tưởng không có pháp, tưởng không thì các pháp cũng không, nhân duyên và tự nhiên đều thành hý luận, hiểu biết phân biệt nào có gốc ngọn, chỉ là ý nghĩ và lời nói không có thật thể. Thông đạt như thế liền ngộ những việc trước là sai, hoàn toàn không thể đợi hoa đốm trong hư không kết thành quả; nắm lấy vật trong chiêm bao muốn giữ kỹ, nhìn cây trụi không còn tưởng là quỉ, sợi dây không thật thì mất ý tưởng con rắn, con nai khát nước không còn chạy theo sóng nắng, con vượn ngưng đùa ánh trăng, bèn lặng nghĩ rỗng lòng như cánh chim bay bổng giữa hư không; tùy duyên dưỡng tính như thuyền không lướt sóng; dứt được cái cũ chẳng tạo cái mới, sống với chân thật mà hợp đạo. Như vậy tính của năm ấm, sáu nhập, 12 xứ, 18 giới, bảy đại v.v… chẳng phải xưa nay tự nhiên vô nhân mà có, chẳng phải từ ngày nay hòa hợp nhân duyên sinh ra, chỉ do thức tâm phân biệt kiến lập. Nay phá thức tính này thì tính của bảy đại cho đến tất cả pháp đều không, như tìm dòng được nguồn, bắt giặc được tướng thì vô minh, oán đối, sinh tử, ma quân ứng niệm đều tiêu, như nước sôi rót trên băng. Chỉ có Như Lai tạng diệu trạm minh tâm, tính chân viên dung khắp mười phương cõi, như đầm mùa thu sóng lặng chứa cả hư không, mây sáng trời quang không một vật. Vì thế kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Phật bảo A-nan: Ông vẫn chưa rõ tất cả các tướng huyễn hóa phù trần ngay chỗ ấy sinh, theo chỗ ấy diệt; huyễn vọng thuộc về tướng, tính chân của nó là thể sáng suốt của tính giác nhiệm mầu, như thế cho đến năm ấm, sáu nhập, từ 12 xứ đến 18 giới, nhân duyên hòa hợp hư vọng gọi là sinh, nhân duyên biệt ly hư vọng gọi là diệt. Ông chẳng thể biết sinh, diệt, đến, đi vốn là tính chân như nhiệm mầu, thường trụ, diệu minh, bất động, tròn khắp của Như Lai tạng. Trong tính chân thường ấy không thể tìm được sinh tử, đến đi, mê ngộ. Cho nên trước hết phải soi thấu tâm cảnh phân minh sau đó tiêu dung dứt sạch tâm cảnh. Như Hoa Nghiêm Diễn Nghĩa nói: “Trong kinh Hoa Nghiêm dạy người quán sát hoặc tâm, hoặc cảnh.

Có bài tụng:

Muốn biết tâm chư Phật
Phải quán trí tuệ Phật
Trí Phật không chỗ nương
Như hư không thênh thang.
Đây là dạy quán tâm Phật.

Có bài tụng:

Nếu ai muốn biết cảnh giới Phật
Nên tịnh tâm ý như hư không.
Đây là dạy quán cảnh Phật.

Có bài tụng nói về không tâm cảnh:

Pháp tính vốn không tịch
Không chấp cũng không thấy
Tính không chính là Phật
Chẳng thể suy lường được
Không chấp là không cảnh
Không thấy là không tâm.

Lại tụng:

Nếu ai muốn được trí Như Lai
Nên lìa tất cả vọng phân biệt
Hữu vô thấu rõ đều bình đẳng
Chóng làm bậc thầy của trời người.
Đây là không còn tâm cảnh vậy.

Người tu hạnh Bồ-tát còn tâm cảnh nên quán chiếu như trên, cho nên kinh có bài tụng:

Biết vọng vốn tự chân,
Liền thấy Phật thanh tịnh.

Lại nói:

Tâm, Phật và chúng sinh
Ba thứ không sai biệt”.