TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 48

Hỏi: Pháp môn tam tính thông cả muôn pháp, thức thứ tám thuộc về tính nào, ước chừng bao nhiêu vị ?

Đáp: Luận nói: Vì chủng tử hữu lậu cùng với dị thục thức thể không sai khác nên thuộc về tính vô ký; nhân quả cùng có tính thiện v.v… nên cũng gọi là thiện v.v…

Chủng tử vô lậu không phải thuộc về tính dị thục thức, nhân quả cùng thuộc tính thiện nên chỉ gọi là thiện.

Giải thích:

Chủng tử hữu lậu cùng với thức thứ tám thể không sai khác nên cùng một tính loại chỉ là vô ký.

Pháp năng sinh, sở sinh đều thông ba tính thiện v.v…, nghĩa là chủng tử này vốn hay huân tập nhân hiện hành và sau đó sinh ra quả hiện hành đều thông ba tính.

Nói nhân quả đều là tính thiện v.v… là nói trên công năng sai biệt môn, chẳng phải y cứ vào thể môn, tính chỉ là vô ký, đây là nói trên chủng tử hữu lậu. Vì chủng tử vô lậu không thuộc dị thục tính cho nên chẳng phải vô ký, thể tính nó không thuận với thể của bản thức, thể đã bất đồng thì không thể tương tức. Lại, tính loại sai khác, năng tri, sở tri, lậu, vô lậu sai khác nên không thể tương tức.

Hỏi: Vô lậu không theo thức gọi tính vô ký, vậy nó thuộc tính gì ?

Đáp: Nhân quả đều thuộc tính thiện nên chỉ gọi là thiện. Tất cả pháp vô lậu pháp nhĩ thuận đạo lý trái sinh tử vô ác vô ký.

Nhiếp Luận nói: Thức thứ tám gồm có hai vị:

1- Hữu lậu vị: Thuộc tính vô ký, chỉ tương ưng với năm pháp xúc v.v…, chỉ chuyên cảnh chấp thọ nói ở trên.

2- Vô lậu vị: Chỉ thuộc tính thiện, tương ưng với 21 tâm sở, đó là biến hành năm món, biệt cảnh năm món, thiện mười một món, vì luôn tương ưng với tất cả tâm, vì thường ưa chứng tri cảnh sở quán, vì nơi cảnh sở quán hằng ấn trì, vì nơi cảnh từng tiếp thụ hằng ghi nhớ, vì Thế Tôn không có tâm bất định, vì thường quyết trạch đối với tất cả pháp, vì thường tương ưng với cực tịnh tín v.v…, vì không nhiễm ô, vì không tán động. Đây chỉ tương ưng với xả thọ, luôn hồn nhiên bình đẳng chuyển nên lấy tất cả pháp làm cảnh sở duyên, vì cảnh trí khắp duyên tất cả pháp.

Hỏi: Trong mọi lúc, bản thức có gián đoạn hay không gián đoạn, quyết định duyên bên trong hay duyên bên ngoài ?

Đáp: Từ đầu đến cuối, thức này không gián đoạn một sát-na, trong ngoài đều duyên. Luận Du-già nói: “Thức a-lại-da không có khi nào gián đoạn”. Tướng khí thế gian như khi đèn cháy sáng cho là bấc đèn phát ánh sáng; thức a-lại-da cũng thế duyên chấp thọ bên trong, chấp cảnh giới bên ngoài sinh khởi đạo lý. Lại luôn duyên cảnh không biến đổi từ lúc mới chấp thọ trong sát-na cho đến mạng chung, một vị liễu biệt mà chuyên.

Hỏi: Thức a-lại-da cùng với các chuyển thức làm nhân hay làm quả ?

Đáp: Làm nhân quả cho nhau. Kinh có kệ:

Các pháp nơi thức tạng
Thức nơi pháp cũng thế
Cùng nhau làm quả tính
Cũng thường làm nhân tính.

Luận Nhiếp Đại Thừa nói: “Thức a-lại-da và pháp tạp nhiễm làm nhân duyên cho nhau, như bấc đèn và ngọn lửa giúp nhau sinh ra sự đốt cháy, như bó lau nương nhau đứng vững”.

Giải thích:

Các pháp nơi thức tạng, là tạng năng nhiếp, cùng các thức làm hai duyên: một là chủng tử, hai là sở y.

Thức nơi pháp cũng thế, là tạng sở nhiếp, các chuyển thức cùng a-lại-da cũng làm hai duyên: một là nơi pháp hiện tại nuôi lớn chủng tử, hai là nơi pháp vị lai chuyển nhiếp vun trồng chủng tử.

Vì tương sinh như bấc đèn, bó lau, là nêu tăng thượng duyên dụ cho nghĩa nhân duyên, như bấc đèn và ngọn lửa giúp nhau thiêu đốt; bấc đèn sinh ngọn lửa như chủng tử sinh hiện hành, ngọn lửa đốt cháy bấc đèn như hiện hành huân chủng tử. Lại như bó lau nương nhau là câu hữu nhân, bày ra hai pháp làm dụ là dụ cho nghĩa nhân duyên.

Hỏi: Thức chủng tử và thức a-lại-da là một hay là khác ?

Đáp: Chẳng phải một, chẳng phải khác. Nhiếp Luận nói: Chủng tử của phẩm pháp bất tịnh này ở trong thức a-lại-da vì có biệt thể nên khác, vì không có biệt thể nên chẳng khác. Cả hai đều có lỗi nên cần phải biết rõ bất nhất bất dị. Thức a-lại-da và chủng tử cộng sinh như thế, tuy có năng y, sở y nhưng chẳng do biệt thể nên khác. Cho đến năng là giả, không thể tính; sở là thật, có thể tính. Giả thật hòa họp, tướng khác biệt khó thể phân biệt vì không hai thể. Thức này trước chưa có công năng, sau khi huân tập sinh mới có công năng, khác với thức trước chỉ là quả báo, không gọi là nhất thiết chủng tử. Thức sau hay làm nhân sinh ra cái khác nên gọi là nhất thiết chủng tử. Thức trước chỉ sinh tự tương tục, thức sau hay sinh tự tha tương tục cho nên thù thắng hơn thức trước. Như hạt lúa sinh ra mầm, vì có công năng nên nói hạt lúa là chủng tử của mầm. Nhưng nếu hạt lúa để quá lâu hoặc bị lửa thiêu đốt thì mất công năng, dù tướng lúa không thay đổi nhưng mất công năng nên không gọi là chủng tử (hạt giống). Thức này cũng thế, nếu có công năng hay sinh tất cả pháp do vì tương ưng với công năng nên gọi là nhất thiết chủng tử. Nếu công năng này không còn nữa thì chỉ gọi là quả báo thức, chẳng phải nhất thiết chủng tử, cho nên chẳng phải chẳng khác.

Hỏi: Chủng tử có mấy thứ ?

Đáp: Nhiếp Luận nói chủng tử có hai thứ:

1- Ngoại chủng tử: chỉ là giả danh, vì tất cả pháp chỉ có thức.

2- Nội chủng tử: là chân thật, vì tất cả pháp lấy thức làm gốc.

Hai loại chủng tử trên luôn sinh diệt, từng sát-na trước sinh sau diệt không gián đoạn, pháp này trở thành chủng tử. Vì sao ? Nếu pháp thường trụ thì chẳng trở thành chủng tử, vì mọi lúc không sai biệt.

Lại nữa, thế nào là ngoại chủng tử ? Như lúa v.v… không huân tập được thành chủng tử, do nội ngoại mới được thành chủng tử, cho nên bên trong có huân tập thì bên ngoài mới thành, chủng tử chẳng tự làm thành, hẳn phải do huân tập bên trong cảm ứng bên ngoài mà thành chủng tử. Vì sao ? Vì tất cả pháp bên ngoài lìa bên trong thì chẳng sinh, thế nên ở bên ngoài chẳng thành huân tập; do bên trong có huân tập mới thành chủng tử.

Lại thức thứ tám từ chủng tử sinh nên gọi là quả báo thức, vì hay nhiếp trì chủng tử nên còn gọi là chủng tử thức.

Lại bản thức là tập đế nên gọi là chủng tử, là khổ đế nên gọi là quả báo. Lại hai quả này đều có pháp sinh ra quả hiện hành, đều hiện hòa hợp mới thành chủng tử.

Giải thích: Nghĩa là chủng tử này mong muốn pháp sinh ra quả hiện hành đồng thời hiện hữu. Hiện có ba nghĩa: 1- hiển hiện, 2- hiện tại, 3- hiện hữu. Thức thứ bảy không gọi là chủng tử, vì quả chẳng hiển hiện nên nói hiển hiện là lược bỏ thức thứ bảy, nói hiện tại là lược bỏ trước sau, nói hiện hữu là lược bỏ giả pháp. Thể là thực có mới thành chủng tử, vì thế hiển hiện chỉ có quả, hiện hữu chỉ có nhân, hiện tại gồm cả nhân quả, hòa hợp lược bỏ tương ly.

Hỏi: Chủng tử có sẵn hay mới huân tập ?

Đáp: Luận Duy Thức nói: “Tất cả chủng tử đều sẵn có, chẳng do huân tập sinh; nhờ sức huân tập nên chỉ có thể tăng trưởng”.

Khế kinh nói: “Tất cả hữu tình từ vô thỉ đến nay có các thứ giới, như chùm trái ác-xoa tự nhiên có”. Giới là tên gọi khác của chủng tử.

Kinh có bài kệ:

Giới vô thỉ đến nay
Tất cả pháp đều nương
Giới là nghĩa nguyên nhân.

Du-già cũng nói: “Thể của chủng tử từ vô thỉ đến nay tính tuy sẵn có nhưng do huân lập nhiễm tịnh mới phát ra. Các loài hữu tính từ vô thỉ đến nay nếu nhập niết-bàn, tất cả chủng tử đều đầy đủ; nếu chẳng nhập niết-bàn thì thiếu ba loại chủng tử bồ-đề”. Như vậy kinh văn thành thật chứng minh không phải một.

Khế kinh nói: “Tâm tính tịnh là nói cái lý tâm không hiển bày chân như, vì chân như là tính chân thật của tâm”. Hoặc nói tâm thể, vì chẳng phải phiền não nên gọi là tính vốn tịnh. Chẳng phải tâm tính hữu lậu mà vô lậu nên gọi là vốn tịnh. Do đây nên tin rằng các loài hữu tình từ vô thỉ đến nay có chủng tử vô lậu chẳng nhờ huân tập mà tự nhiên thành tựu, về sau do địa vị thăng tiến huân tập khiến tăng trưởng. Pháp vô lậu khởi lấy đây làm nhân, lúc vô lậu khởi lại huân tập thành chủng tử. Chủng tử các pháp hữu lậu tùy theo đây nên biết.

Giải thích: tâm tính là chân như. Chân như vô vi chẳng phải là nhân của tâm, cũng chẳng phải chủng tử hay có quả pháp, vì đồng như hư không nên chẳng phải tâm tính hữu lậu là vô lậu gọi là bản tính tịnh.

Lại nếu theo nghĩa chính, cái sẵn có và cái mới huân tập hợp lại sinh hiện hành; chẳng phải có trước sau.

1- Sẵn có: Nghĩa là trong thức dị thục từ vô thỉ tự nhiên sinh uẩn xứ giới v.v… công năng sai biệt, Thế Tôn y cứ theo đây nói hữu tình từ vô thỉ đến nay có các thứ giới như chùm trái ác-xoa tự nhiên có. Tất cả chủng tử cùng xuất hiện một lượt với thức thứ tám, từ đây sinh ra hiện hành của bảy thức trước; trên hiện hành lại huân chủng tử.

2- Mới huân tập: Nghĩa là từ vô thỉ đến nay luôn luôn hiện hành huân tập mà có, nên Thế Tôn y theo đây nói tâm của hữu tình vì huân tập các pháp nhiễm tịnh nên tích tập vô lượng chủng tử.

Ý ngài Hộ Pháp cho rằng chủng tử hữu lậu, vô lậu đều mới huân và sẵn có, hợp lại sinh ra hiện hành cũng không tạp loạn. Nếu mới huân gặp duyên là từ mới huân sinh. Nếu sẵn có gặp duyên là từ sẵn có phát sinh. Nếu thiên chấp chỉ là mới huân, hoặc chỉ là sẵn có, cả hai đều trái giáo lý. Nếu đủ hai nghĩa này là hợp giáo lý.

Cổ đức hỏi: Lúc chưa huân tập, cái sẵn có sinh từ đâu ?

Đáp: Từ vô thỉ đến nay, thân này và chủng tử đồng thời hiện hữu, như hạt giống cỏ cây v.v…

Cổ đức giải thích nghĩa huân chủng tử, các pháp tuy có hai chủng tử mới và cũ, lúc hiện thời đang sinh hoặc từ lúc mới sinh, hoặc từ cũ sinh gọi là hai chủng tử, chẳng phải trong một niệm hai chủng tử đồng thời sinh ra hiện hành. Nếu như thế có lỗi nhiều hạt giống chung sinh một mầm. Theo đây thì biết chủng tử của tướng phần sắc v.v… đồng với đây.

Lại hỏi: Trong tám thức đầy đủ nghĩa sẵn có và mới huân, thức nào là nhân năng huân và quả sở huân ?

Đáp: Theo nghĩa chính của kinh luận, hiện hành bảy thức trước là nhân năng huân, huân tập sinh chủng tử mới huân; thức thứ tám là quả sở huân làm nhân duyên sinh ra hiện hành bảy thức trước.

Lại hỏi: Bản thức tuy không thể huân tập tự chủng tử, nhưng hay sinh ra tự chủng tử. Hiện hành bản thức được tự sinh chủng tử làm nhân duyên. Đã không huân tập tự chủng tử, làm sao có thể sinh tự chủng tử ? Lại huân và sinh khác biệt thế nào ?

Đáp: Huân là tư huân, là nghĩa kích phát; sinh là sinh khởi, là nghĩa từ nhân sinh ra. Nghĩa là bản thức tuy không thể tự huân kích phát tự chủng tử nhưng có thể sinh tự chủng tử.

Như có tính chủng tử là pháp nhĩ sẵn có chủng tử vô lậu. Tuy có khả năng sinh quả nhưng nếu không được các thiện hữu lậu tư huân kích phát thì không thể sinh hiện hành; cần phải nhờ các thiện hữu lậu tư huân mới có thể sinh hiện hành.

Lại như trong bản thức, chủng tử thiện nhiễm v.v… hay dẫn dắt chủng tử cùng loại tiếp theo sau tuy có nghĩa sinh mà không có nghĩa huân. Như hạt giống lúa tuy có khả năng sinh mầm, nhưng nếu không được nước, đất v.v… tư huân kích phát cũng không thể sinh hiện hành. Bản thức tuy có khả năng sinh chủng tử, nhưng tự lực yếu phải nhờ sáu, bảy thức cùng huân tập mới sinh. Do nghĩa này, bản thức tuy chẳng phải hay huân mà hay sinh chủng tử nên cùng với chủng tử gần gũi được làm nhân duyên. Năm căn trần cũng phải hiểu như thế. Nay y theo nhân vị, hiện hành trông mong chủng tử được huân tập gần gũi có thể làm hai duyên là nhân duyên và tăng thượng duyên. Chỉ trừ trong thức thứ tám và sáu thức rất yếu kém vô ký, vì chẳng thể huân tập.

Nay y theo văn này, hiện hành ở trong chủng tử gần gũi được làm nhân duyên; ngoại trừ trong thức thứ tám và sáu thức rất yếu kém vô ký vì chẳng thể huân tập, trông mong chủng từ gần gũi không làm nhân duyên.

Nếu nói trong bản thức và sáu thức rất yếu kém vô ký hay sinh chủng tử làm nhân duyên thì phạm dị thục có lỗi năng huân và trái Thánh giáo.

Lại hỏi: Tướng phần của năm trần được sáu thức trước biến ra không thể tự huân tập chủng tử mới, phải nhờ tâm duyên năng biến mới có thể huân tập tự chủng tử. Tướng phần của năm trần làm năng huân rất yếu kém vô ký cũng nhờ tâm duyên năng biến, vì sao chẳng đồng tướng phần của năm trần làm năng huân ?

Đáp: Pháp hữu vi chia làm ba phẩm:

1- Thượng phẩm: Như bảy chuyển thức và tương ưng v.v…, vì một phần hay duyên lự nên sức rất mạnh đều có sức tự huân tập.

2- Trung phẩm: Như tướng phần của năm trần v.v… tuy có sức huân tập nhưng hơi yếu, phải nhờ tâm với sức mới có thể tự huân.

3- Hạ phẩm: Rất yếu kém vô ký như người bệnh hoạn gầy yếu không thể tự đi đứng, cho dù có người giúp đỡ cũng không thể đứng lên.

Bản thức cũng như thế, vốn không có sức huân tập, nghĩa là tâm với lực cũng không thể huân tập nên nó vô ký, vô lực cùng với tướng phần của năm trần bất đồng. Nó tự có sức nhưng rất yếu không thể huân tập một mình; nhờ tâm trợ lực nên có thể huân tập.

Do nghĩa này, thức thứ tám tụ họp và tướng phần của năm căn do dị thục biến ra, cùng căn thô phù dị thục v.v… và sáu thức trước dị thục v.v… đều không có chủng tử mới vì nó rất yếu kém không thể huân tập, từ chủng tử cũ sẵn có sinh, nó nuôi lớn năm căn, sáu thức trước biến ra tướng phần của năm căn thô phù và năm trần đẳng lưu, thảy đều có chủng tử sẵn có và mới huân.

Hỏi: Chủng tử tịnh pháp do nghe huân tập sinh, trong bản thức cùng chủng thức bất tịnh huân tập phát khởi đồng biệt thế nào ?

Đáp: Chủng tử nhiễm tịnh đều có nghĩa huân tập nên thêm bớt có khác. Nếu tịnh pháp huân tập thì tổn bản thức; nếu nhiễm pháp huân tập thì tăng bản thức. Như Nhiếp Luận nói: “Chuyển y gọi là pháp thân do nghe huân tập, được thành tựu bốn pháp:

1- Tín nhạo đại thừa là chủng tử đại tịnh.

2- Bát-nhã ba-la-mật là chủng tử đại ngã.

3- Hư không khí tam-muội là chủng tử đại lạc.

4- Đại bi, là chủng tử đại thường.

Sự huân tập do nghe và bốn pháp là chủng tử bốn đức. Bốn đức đầy đủ thì bản thức không còn, bốn đức sẵn có, chẳng phải do chủng tử sinh, từ nhân có tên nên gọi là chủng tử. Sự huân tập do nghe chẳng phải làm tăng ích bản thức nên sinh, mà muốn làm tổn giảm thế lực bản thức nên sinh. Vì bản thức hay đối trị cùng với tính bản thức trái nhau nên chẳng thuộc về tính bản thức. Nếu chủng tử bất tịnh thì huân tập sinh tăng ích bản thức sai khác với chủng tử thanh tịnh.

Hỏi: Huân tập lấy gì làm nghĩa ?

Đáp: Huân là nghĩa phát; tập là nghĩa sinh. Nghĩa là phát sinh trong bản thức khiến chủng tử sinh. Vì gần gũi sinh trưởng nên huân có hai thứ:

1- Tập huân, nghĩa là tâm thể huân tập thành việc nhiễm tịnh v.v…

2- Tư huân, nghĩa là tâm cảnh hiện hành và lậu hoặc trợ giúp nhau v.v…

Kinh Lăng Già ghi: “Đại Huệ, bất tư nghì huân và bất tư nghì biến là nhân của hiện thức. Nắm lấy các trần và vọng tưởng vô thỉ huân là nhân của phân biệt sự thức. Thế nên vô minh hay huân chân như thành pháp nhiễm, bản giác hay huân vô minh khởi dụng thanh tịnh, đây là chỗ không thể huân mà hay huân nên gọi là bất tư nghì huân; không thể biến mà biến nên gọi là bất tư nghì biến”.

Kinh Thắng Man nói: “Chẳng nhiễm mà nhiễm nên khó thể biết; nhiễm mà chẳng nhiễm nên khó thể biết”.

Luận Hiển Thức nói: “Phân biệt thức là vì khởi sức huân tập an lập trong thức thứ tám, như thắp hương xông ướp y phục, thể hương dù hết mà mùi thơm vẫn thấm đượm trong y phục nên gọi là huân y. Hương này không thể nói có, vì thể hương không còn; cũng không thể nói không vì mùi hương vẫn còn. Như thức thứ sáu khởi thiện ác lưu lại trong sức huân tập, ở trong bản thức hay được quả vị lai gọi là chủng tử”.

Hỏi: Năng huân, sở huân đầy đủ mấy nghĩa mới thành huân tập ?

Đáp: Phải đủ bốn nghĩa mới sinh trưởng chủng tử nên gọi là huân tập.

Luận Duy Thức nói: “Sở huân có bốn nghĩa: 1- Tính kiên trụ, 2- Tính vô ký, 3- Tính khả huân, 4- Tính hòa hợp”.

Người xưa giải thích:

Bốn nghĩa này đều có thể lựa chọn. Luận nói:

1- Tính kiên trụ: Nếu pháp trước sau một loại tương tục giữ gìn tập khí là sở huân. Sự ngăn chuyển thức này đồng như tiếng gió tính không kiên trụ nên chẳng phải sở huân.

Giải thích: Hễ là thức sở huân thì phải một loại kiên trụ tương tục không gián đoạn hay giữ gìn tập khí, gọi là sở huân. Nay trong sáu chuyển thức trước, vì lúc năm vị vô tâm đều gián đoạn nên chẳng phải kiên trụ, chẳng phải sở huân. Điều này khác với quan điểm của các sư thuộc bộ phái kinh luận đem sắc tâm hỗ trì chủng.

Luận chủ nói: “Như ở cõi vô sắc lúc nhập diệt định, sắc tâm đều gián đoạn, khi ấy dùng pháp gì giữ gìn chủng tử ? Lại như năm căn năm trần đều chẳng thông ba cõi, cũng chẳng phải kiên trụ làm sao có tính sở huân ? Lại thức thứ bảy ở địa vị hữu lậu tuy không gián đoạn, nhưng trong ngôi vị Thập địa cũng có giải thoát gián đoạn, nghĩa là lúc đắc vô lậu không thể giữ gìn chủng tử hữu lậu, vì thể của hữu lậu, vô lậu trái nhau. Thức thứ tám tuy là hữu lậu, do trong nhân vị thể nó không giải thoát, chỉ là tính vô phú thì chẳng ngại giữ gìn chủng tử vô lậu, được gọi là sở huân”.

Ứng Lập Lượng nói: “Bảy thức trước là pháp chẳng phải sở huân”.

Tông Nhân nói: “Vì chẳng kiên trụ nên ví dụ như ánh chớp, tiếng gió v.v.”

Hỏi: Nếu nói có tính kiên trụ là sở huân, như quả vị Bát địa cũng là tính kiên trụ lẽ ra gọi sở huân ?

Đáp: Đem nghĩa thứ hai để lựa chọn. Luận nói:

2- Tính vô ký: Nếu pháp bình đẳng không trái nghịch hay dung nạp tập khí là sở huân. Đây ngăn thế lực nhiễm thiện cường thịnh không chịu dung nạp nên chẳng phải sở huân.

Giải thích: Nếu là sở huân thì phải là một loại vô ký tức là không trái với tính thiện ác mới nhận sự huân tập kia. Nay quả vị Bát địa là tính thiện tức là chẳng dung nạp tính bất thiện và vô ký, chẳng phải là sở huân, vì quả Phật viên mãn, như xạ hương không bị vật xú uế huân. Tính bất thiện là phiền não; chẳng tiếp nhận sự huân tập của tín tâm v.v… vì không dung nạp nhau. Tính sở huân ấy như người độ lượng tha thứ hay bao dung tất cả việc thiện ác; nếu là người có tâm tính độc ác thì không thể làm như vậy được. Thức thứ tám như người độ lượng tha thứ hay bao dung tất cả tập khí, vì có nghĩa này mới gọi là sở huân.

Tịnh thức vô lậu thứ tám của Như Lai chỉ huân tập ở trong nhân mang chủng tử xưa cũ chẳng phải mới huân tập, chỉ là thiện nên trái với bất thiện.

Lại nói: Nhiễm thiện như xạ hương v.v… nên không nhận sự huân tập. Vô ký như tấm lụa trắng nên có thể chịu huân. Nếu thiện chẳng dung ác, như trắng chẳng nhận đen. Nếu ác chẳng dung thiện như mùi thối chẳng chứa mùi thơm. Chỉ có bản thức dung chứa tất cả như bầu trời.

Hỏi: Nếu nói có hai nghĩa tính kiên trụ và tính vô ký gọi là sở huân thì tâm sở thứ năm và tâm vương có đủ hai nghĩa này lẽ ra là sở huân. Lại vô vi cũng có tính kiên trụ là sở huân thì có lỗi gì ?

Đáp: Đem nghĩa thứ ba để lựa chọn. Luận nói:

3- Tính khả huân: Nếu pháp tự tại thì tính chẳng kiên mật, hay nhận tập khí là sở huân. Đây ngăn tâm sở và pháp vô vi không kiên mật nên chẳng phải sở huân.

Tự tại là lược bỏ năm tâm sở biến ra tiếp nhận sự huân tập của ngài Nan-đà chủ trương. Luận chủ nói: “Tâm sở không tự tại, phải nương vào cái khác mới sinh khởi nên chẳng phải tính sở huân”.

Tính chẳng phải kiên mật là lược bỏ chân như thọ huân của Bồ-tát Mã Minh. Luận chủ nói: “Thể vô vi kiên mật như vàng đá v.v… mà không nhận huân”.

Khả huân là thể tính phải trống rỗng mới dung nạp chủng tử. Ngài Mã Minh đở lời: “Ta nói chân như thọ huân, vì chân như là tính, thức thứ tám là tướng; tính tướng chẳng lìa nhau. Lúc huân tướng thì huân luôn cả tính, hoặc nhiếp tướng về tính thì chân như thọ huân có lỗi gì như đem vàng đá làm chiếc nhẩn v.v…”.

Ngài Hộ Pháp phá: “Huân tướng không huân tính, như lửa đốt cháy thế gian, chẳng thiêu hư không”. Tâm vương thứ tám thể tính rỗng không mới có thể thọ huân, như y phục không mùi mới có thể nhận xông ướp hương thơm.

Hỏi: Nếu nói có ba nghĩa kiên trụ, vô ký và khả huân là sở huân thì lẽ ra thức thứ tám của người này phải nhận sự huân tập của bảy thức trước của người khác vì thức thứ tám của người này là tính khả huân ?

Đáp: Đem nghĩa thứ tư để lựa chọn. Luận nói:

4- Cùng năng huân đồng tính hòa hợp: Nếu cùng năng huân đồng thời, đồng xứ, bất tức, bất ly, là sở huân. Đây ngăn thân người khác sát-na trước sau không có nghĩa hòa hợp nên chẳng phải sở huân. Chỉ dị thục thức đầy đủ bốn nghĩa mới gọi là sở huân, chẳng phải tâm sở v.v…

Giải thích: Đem thức thứ tám của người này hướng về bảy thức trước của người khác không có nghĩa đồng thời, đồng xứ, hòa hợp nên chẳng phải là sở huân, cũng khác quan điểm với các sư thuộc bộ phái kinh luận đem thể của niệm thức trước huân tập tướng của niệm thức sau chẳng đồng thời cũng chẳng phải sở huân.

Năng huân có bốn nghĩa: 1- có sinh diệt, 2- có thắng dụng, 3- có tăng giảm, 4- hòa hợp với sở huân. Bốn nghĩa đều có sự lựa chọn.

Có người hỏi: Pháp vô vi được gọi là năng huân chăng ?

Đáp: Đem nghĩa thứ nhất lựa chọn. Luận nói:

1- Có sinh diệt: Nếu pháp chẳng phải thường hay có tác dụng sinh trưởng tập khí, là năng huân. Đây ngăn vô vi trước sau bất biến không có tác dụng sinh trưởng nên chẳng phải năng huân.

Giải thích: Bảy thức trước có sinh diệt, có tác dụng sinh trưởng là năng huân.

Hỏi: Nếu thế thì nghiệp cảm dị thục sinh tâm, tâm sở và sắc pháp chẳng tương ưng hành v.v… đều có sinh diệt và cũng có tác dụng, lẽ ra là năng huân ?

Đáp: Đem nghĩa thứ hai để lựa chọn. Luận nói:

2- Có thắng dụng: Nếu có sinh diệt, thế lực tăng mạnh hay dẫn tập khí, là năng huân. Đây ngăn dị thục tâm, tâm sở v.v… thế lực yếu kém nên chẳng phải năng huân.

Giải thích: Nghiệp cảm dị thục sinh tâm, tâm sở v.v… có tác dụng yếu kém, hay huân sắc pháp. Tuy có cường thịnh nhưng không có thắng dụng chuyên lự, chẳng tương ưng hành, hai tác dụng đều thiếu, nên chẳng phải năng huân.

Lại thế dụng có hai thứ:

1- Năng duyên dụng là lựa chọn các sắc là tướng phần huân, chẳng phải năng duyên huân.

2- Cường thịnh dụng là chẳng hồn nhiên khởi, tức dị thục tâm v.v… có tác dụng duyên lự mà không có tác dụng cường thịnh, là tướng phần huân chẳng phải năng duyên huân.

Nội sắc v.v… có tác dụng cường thịnh, không có tác dụng năng duyên. Dị thục tâm v.v… có tác dụng năng duyên không có tác dụng cường thịnh, pháp bất tương ưng không có hai tác dụng nên đều chẳng phải năng huân, tức duyên thế dụng hay huân tập, như người khỏe mạnh thì làm việc có hiệu quả.

Hỏi: Nếu có sinh diệt và thắng dụng gọi là năng huân, như bảy thức trước của quả Phật có đủ hai nghĩa này lẽ ra là năng huân ?

Đáp: Đem nghĩa thứ ba để lựa chọn. Luận nói:

3- Có tăng giảm: Nếu có thắng dụng có tăng có giảm thu nhiếp tập khí là năng huân. Đây ngăn thiện pháp của quả Phật viên mãn không tăng không giảm nên chẳng phải năng huân. Nếu năng huân thì không viên mãn, quả Phật trước sau lẽ ra có hơn kém ?

Hỏi: Nếu cho rằng đủ ba nghĩa có sinh diệt, có thắng dụng, có tăng giảm gọi là năng huân; nghĩa trên lẽ ra cùng thức thứ tám của người này huân tập được chủng tử ?

Đáp: Đem nghĩa thứ tư để lựa chọn. Luận nói:

4- Hòa hợp với sở huân: Nếu cùng với sở huân đồng thời đồng xứ bất tức bất ly là năng huân. Đây ngăn thân người khác sát-na trước sau, không có nghĩa hòa hợp nên chẳng phải năng huân. Chỉ có bảy chuyển thức và tâm sở có thắng thế dụng mà tăng giảm có đủ bốn nghĩa nên gọi là năng huân.

Như thế thức năng huân và sở huân cùng sinh cùng diệt, nghĩa huân tập được thành. Nay trong sở huân chủng tử sinh trưởng như xông ướp cây mè nên gọi là huân tập.

Giải thích:

Nhiếp Luận nói: Cây mè vốn là than lâu ngày ở trong đất biến thành. Cây mè với hoa của nó cùng sinh cùng diệt; huân tập bên trong nên sinh ra mùi thơm.

Lại chủng tử là tên khác của tập khí, tập khí hẳn do huân tập mà có, ví như mùi thơm của mè do hoa mè huân tập, tức là trong mè đã có mùi thơm, hẳn phải nhờ hoa huân tập mới được mùi thơm, ở Ấn Độ, muôn chế tạo dầu thơm để xoa thân trước tiên phải dùng mùi thơm của hoa. Họ gom các hạt mè lại một chỗ rồi ngâm cho nó nát nhừ, sau đó ép lấy dầu, cũng như trong cây mè đâu có mùi thơm, nhờ hoa xông ướp mới có mùi thơm.

Huân tập là nghĩa phải cùng sinh diệt nghĩa huân tập mới thành, không như hạt giống sinh mầm vì khác thời, vì chẳng cùng sinh diệt.

Hỏi: Nếu nói phải hòa hợp một chỗ cùng sở huân mới gọi là năng huân; vậy thì khi cha mẹ chết trước hay con cháu chết trước, người sau tạo công đức, đây cũng là huân tha thức, để được phước tại sao không chấp nhận ?

Đáp: Có 2 cách hiểu:

1- Đây chỉ là tăng thượng, khiến người chết tự phát tâm, chẳng phải huân tha thức.

2- Trong bảy phần công đức, chỉ được một phần; gạn hỏi đây chỉ được một phần công đức, người này tạo phước, người kia được quả, lẽ ra trái với nghĩa duy thức ? Đáp: Có năm lực duy thức chẳng xem xét: một là định lực, hai là thông lực, ba là tá thức lực, bốn là đại nguyện lực, năm là pháp uy đức lực.

Hỏi: Trong bảy thức năng huân, huân tập thức thứ tám; trong bốn phần, theo huân tập phần nào ?

Đáp:

Năm thứ trước hay huân tướng phần chủng tử thức thứ tám.

Thức thứ sáu hay huân kiến tướng phần chủng tử thức thứ tám.

Thức thứ bảy chỉ huân kiến phần chủng tử thức thứ tám.

Hỏi: Bốn phần của bảy thức trước, phần nào hay huân ?

Đáp: Hai phần kiến tướng hay huân chủng tử, vì hai phần này có tác dụng.

Hỏi: Tướng phần là sắc làm sao hay huân chủng tử ?

Đáp: Chỉ là kiến phần cùng với lực làm cho tướng phần huân tập chủng tử, như chim cú mang theo hòn đất tạo thành vỏ trứng. Lại kiến phần là tự chứng phần cùng với lực.

Hỏi: Năm thứ trước cùng thức thứ tám huân tướng phần chủng tử, tướng phần của thức thứ tám có ba cảnh, nay huân tập tướng phần chủng tử nào ?

Đáp: Chỉ huân tướng phần chủng tử của nội thân và tướng phần năm trần bên ngoài, ngoài ra không huân gì khác, vì chẳng thể duyên.

Hỏi: Vào mọi lúc, năm thức đều huân tập ba thứ có đúng vậy không ?

Đáp: Nó đều huân tập ba chủng tử; cho dù lúc cõi khác duyên nhau, năm thức phải nhờ tướng phần của thức thứ tám huân tập chủng tử bản chất. Như Nhị thiền trở lên nhờ ba thức của Sơ thiền lúc duyên ba cảnh cõi trên cũng đều huân ba chủng tử. Nhị thiền trở lên gồm thâu chủng tử bản chất, chủng tử kiến phần thuộc về Sơ thiền, vì siêu việt giới địa, địa pháp không nên nói là vay mượn.

Nếu được các căn hỗ dụng, duyên năm trần cảnh tự tha đều huân tập ba chủng tử, thâu về tánh cảnh, vì bản chất đồng với tướng phần thức thứ tám.

Nếu lúc thức thứ sáu duyên kiến phần thức thứ tám huân tập được hai chủng tử kiến và chất, đều là chủng tử của tâm, liền cùng thức thứ tám huân tập chủng tử kiến phần. Lại tự huân tập chủng tử kiến phần thức thứ sáu, chẳng huân tập tướng phần trung gian.

Nếu lúc thức thứ sáu duyên tướng phần thức thứ tám, hoặc huân tập ba chủng tử, hoặc tự huân lập chủng tử kiến phần năng duyên. Lúc hiện lượng cũng tự huân tập chủng tử tướng phần năm trần. Lại cùng thức thứ tám huân tập chủng tử bản chất năm căn trần, phần nhiều chỉ huân tập hai chủng tử kiến và chất.

Hỏi: Lúc thức thứ sáu duyên tướng phần ba cảnh thức thứ tám, đều cùng huân tập được chủng tử ba cảnh chăng ?

Đáp: Chỉ huân tập chủng tử căn thân, khí thế gian, duyên cảnh của chúng tử thì chẳng huân lập chủng tử, vì e phạm lỗi vô cùng. Lúc thức thứ sáu duyên năm căn và cảnh của chủng tử đều là độc ảnh cảnh.

Có thuyết cho rằng là tính cảnh, nghĩa là tướng phần là thật liền có hai lớp năm trần hiện hành, vì phạm lỗi hữu tình giới tăng nên chẳng thể biết.

Hỏi: Thức thứ sáu hay duyên bốn phần của thức thứ tám, tại sao chỉ huân tập chủng tử kiến tướng ?

Đáp: Vì hai phần bên trong và kiến phần đều là chủng tử của tâm nên thuộc về kiền phần.

Hỏi: Lúc thức thứ sáu duyên một trăm pháp đều huân tập chủng tử bản chất chăng ?

Đáp: Nếu duyên vô vi cùng bất tương ưng hành và một phần trong tâm sở, nếu giả thì chẳng huân chủng tử của bản chất, nếu thật thì huân. Vì lúc duyên pháp hư giả chỉ là độc ảnh cảnh nên chẳng huân chủng tử tướng phần, mà huân chủng tử kiến phần năng duyên.

Nếu thức thứ bảy duyên chủng tử kiến phần thức thứ tám, chỉ huân tập hai chủng tử kiến và chất, nhất định chẳng huân tập chủng tử tướng phần, tướng phần trung gian ấy từ hai đầu hợp khởi, luôn thông cả ba tính. Một nửa từ bản chất khởi là tính vô phú; một nửa từ kiến phần năng duyên sinh là tính hữu phú.

Hỏi: Như trong phần sở huân thứ ba, ngài Hộ Pháp gạn hỏi nghĩa “chân như thọ huân” của ngài Mã Minh. Nghĩa huân tập là huân tướng không huân tính, như lửa thiêu thế giới không đốt hư không, nghĩa “chân như thọ huân” làm thế nào hiểu rõ ?

Đáp: Năng huân, sở huân đại khái có hai tông: một là pháp tướng tông, hai là pháp tính tông. Ngài Hộ Pháp y cứ pháp tướng tông; ngài Mã Minh là y cứ pháp tính tông. Theo pháp tính tông, bảy thức đều là năng huân, thức thứ tám là sở huân, vì trong thức thứ tám Như Lai tạng tùy duyên thành lập bao gồm nghĩa sinh diệt, chẳng sinh diệt.

Huân là huân mà chẳng huân, biến mà chẳng biến, là huân tập tướng Như Lai tùy duyên trong môn sinh diệt; nếu trong môn chân như thì chẳng huân. Nghĩa huân biến này không thể nghĩ bàn, vì chẳng nhiễm mà nhiễm. Như luận Khởi Tín nói: “Lại nữa, vì nghĩa bốn thứ pháp huân tập nên pháp nhiễm tịnh khởi không dứt: một tịnh là chân như, hai nhiễm là vô minh, ba vọng tâm là nghiệp thức, bốn vọng cảnh là sáu trần”.

Nghĩa huân tập, như y phục thế gian chẳng phải hôi, chẳng phải thơm, tùy vật xông ướp mà có mùi hôi thơm. Tịnh pháp chân như tính chẳng phải nhiễm, do vô minh huân nên có tướng nhiễm; nhiễm pháp vô minh thật ra không có nghiệp tịnh, do chân như huân nên nói có dụng tịnh.

Thế nào là huân tập nhiễm pháp không dứt ? Nghĩa là nương vào chân như khởi vô minh là nhân các pháp nhiễm, nhưng vô minh này huân tập chân như sinh ra vọng tâm. Vọng tâm này lại huân vô minh. Vì huân tập nên chẳng biết pháp chân thật. Vì chẳng biết chân pháp nên vọng cảnh liền hiện. Do sức vọng tâm huân tập nên sinh các thứ chấp trước sai khác, tạo các thứ nghiệp chịu các quả báo khổ nơi thân tâm.

Nghĩa vọng cảnh huân có hai thứ: một là tăng trưởng phân biệt huân, hai là tăng trưởng chấp thủ huân.

Nghĩa vọng tâm huân cũng có hai thứ: một là tăng trưởng căn bản nghiệp thức huân, khiến A-la-hán, Bích-chi Phật, tất cả Bồ-tát chịu khổ sinh diệt; hai là tăng trưởng phân biệt sự thức huân, khiến các phàm phu thọ nghiệp chịu khổ.

Nghĩa vô minh huân cũng có hai thứ: một là căn bản huân, là nghĩa thành tựu nghiệp thức; hai là kiến ái huân, là nghĩa thành tựu phân biệt sự thức.

Thế nào là huân tập tịnh pháp không dứt ? Nghĩa là chân như huân nơi vô minh, do sức nhân duyên huân tập nên khiến vọng tâm chán cái khổ sinh tử, cầu niềm vui niết-bàn. Do nhân duyên vọng tâm nhàm chán thích cầu này lại huân tập chân như. Do huân tập nên tự tin chính mình có pháp chân như bản tính thanh tịnh, biết tất cả cảnh giới duy tâm, vọng động hoàn toàn không có. Do biết đúng như thật nên tu pháp xa lìa, khởi các hạnh tùy thuận, không phân biệt, không chấp trước, trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp tu tập nên vô minh diệt; vì vô minh diệt nên tâm tướng chẳng khởi; vì tâm chẳng khởi nên tướng cảnh giới mất. Như vậy tất cả nhiễm nhân, nhiễm duyên và tâm tướng cõi nhiễm đều dứt, gọi là đắc niết-bàn, thành tựu các nghiệp dụng tự tại. Nghĩa vọng tâm huân có hai thứ:

1- Phân biệt sự thức huân, khiến tất cả phàm phu, Nhị thừa nhàm chán cái khổ sinh tử, tùy theo khả năng hướng đến đạo vô thượng.

2- Ý huân, khiến chư Bồ-tát phát tâm dũng mãnh, chóng vào niết-bàn vô trụ.

Nghĩa chân như huân cũng có hai thứ:

1- Thể huân: Nghĩa là từ vô thỉ đến nay chân như đầy đủ tốt cả vô lượng vô lậu và vô biên diệu dụng cảnh giới thù thắng, thường huân tập không gián đoạn tâm chúng sinh. Do sức huân tập này khiến các chúng sinh chán cái khổ sinh tử, cầu niềm vui niết-bàn, tự tin chính mình có pháp chân thật phát tâm tu hành.

2- Dụng huân: Nghĩa là sức ngoại duyên của chúng sinh có vô lượng nghĩa. Đại khái có hai thứ:

– Sai biệt duyên, nghĩa là từ lúc mới phát tâm cho đến thành Phật, các chúng sinh nhờ các thiện tri thức như Phật, Bồ-tát tùy theo sự ứng hóa mà hiện thân.

– Bình đẳng duyên, nghĩa là với trí tuệ bình đẳng, chí nguyện bình đẳng, tất cả chư Phật và chư Bồ-tát muốn tế độ khắp tất cả chúng sinh, tự nhiên tương tục không dứt mất. Do trí tuệ huân chúng sinh này khiến họ ức niệm chư Phật, Bồ-tát hoặc thấy hoặc nghe làm việc lợi ích, vào tam-muội thanh tịnh, tùy chỗ đoạn chướng đắc vô ngại nhãn, trong mỗi một niệm hiển hiện tất cả thế giới bình đẳng, thấy vô lượng chư Phật và chư Bồ-tát.

Hoa Nghiêm Ký ghi: “Chân như cũng là năng huân, cũng hay thọ huân”. Cho nên kinh Lăng Già nói: “Bất tư nghì huân, bất tư nghì biến” là nhân của hiện thức, nghĩa là không thể huân mà huân nên gọi là bất tư nghì huân; chân như bất biến mà tùy duyên thành pháp nên gọi là bất tư nghì biến, cũng là chẳng nhiễm mà nhiễm. Pháp sư Pháp Tạng nói: “Vọng tâm bao gồm nghiệp thức và sự thức”. Nay y cứ gốc nói nghiệp thức, nói do huân tập nên có tướng nhiễm, nghĩa là chân như vốn vô tướng, tùy huân tập hiện tướng; lại hiển bày vọng pháp vô thể nên chỉ gọi là tướng. Đây giải thích Như Lai tạng trong kinh là chỗ huân tập các tập khí xấu ác. Trên đây là chân như trong môn sinh diệt.

Nói có tịnh dụng, đây là bản giác chân như trong môn sinh diệt nên có nghĩa huân tập; trong môn chân như không có nghĩa này. Do bản giác nội huân này bất giác khiến thành chán lìa, thích cầu, nghịch dòng thuận chân nên nói rằng dụng. Điều này trong kinh giải thích do Như Lai tạng nên hay nhàm chán cái khổ sinh tử thích cầu niết-bàn. Kinh Niết-bàn nói: “Kẻ xiển-đề do năng lực Phật tính vẫn sinh thiện căn”. Kinh nói năng lực Phật tính chính là sức của bản giác nội huân. Bởi một thức bao gồm hai nghĩa là huân tập lẫn nhau khắp sinh nhiễm tịnh. Trong đây Phật là tính giác, là bản nên gọi là bản giác.

Hỏi: Phật chủng từ duyên khởi là nghĩa huân tập; trong ba thân pháp, báo, hóa, nó duyên khởi từ Phật chủng nào ?

Đáp: Là từ báo thân Phật, vì do huân tập thành, lấy trí làm chủng tử. Pháp thân là chỗ hiển bày của vô vi đoạn hoặc, chẳng phải do chủng tử sinh, vì pháp thân, báo thân đầy đủ hay khởi hóa hiện, tức hóa thân là dụng của pháp thân, báo thân. Chỉ có báo thân Phật tính là chủng tử văn huân của tất cả chúng sinh, như hạt sương đọng trên lá cam-lộ, một giọt nhỏ xuống đất làm hạt sen nảy mầm, báo thân Phật tính cũng thế. Kiến phần thức thứ sáu và kiến phần nhĩ thức của chúng ta như lá cam-lộ; giáo pháp đại thừa của Như Lai như những hạt sương. Nhĩ thức, thức thứ sáu huân được chủng tử đại thừa như sự ẩm ướt; rơi vào thức thứ tám như rơi vào trong đất sinh ra hạt sen, sau đó luôn huân tập trở thành tự thọ dụng báo thân Phật như gặp ẩm ướt sinh ra mầm mộng. Cho nên biết Phật chủng hoàn toàn tự huân thành. Kẻ mới học đâu không nhờ sự nghe pháp như chúng sinh tuy có tính chính nhân phải nhờ nhân duyên phát khởi. Luận Đại Trí Độ nói: “Trong kinh nói hai nhân duyên phát khởi chính kiến: một là ngoài nghe chính pháp, hai là trong có chính niệm”. Lại như cỏ cây trong có hạt giống, ngoài có bón phân tưới nước sau mới sinh trưởng. Nếu không có Bồ-tát, cho dù chúng sinh có nghiệp nhân duyên cũng không thể phát khởi. Vì vậy muốn hoằng dương Phật pháp, thấu đáo viên tông cần phải biết rõ tính tướng, rành rẽ tổng biệt. Cho nên kinh Pháp Hoa có kệ:

Như vậy quá báo lớn,
Nghĩa các thứ tính tướng
Ta và mười phương Phật
Đều rõ biết việc ấy.

Bản ý Tông Cảnh cần lý sự phân minh, mới hiển bày đầy đủ thể dụng của nhất tâm. Nếu có thể mà không có dụng, như có thân mà không có tay chân. Nếu có dụng mà không có thể, như có tay chân mà không có thân. Nếu không thân không tay thì tướng người chẳng đủ, như không có thể dụng thì pháp thân chẳng viên mãn.

Luận Thích Ma-ha-diễn nói: “Tính đức vô lậu của tự tính thanh tịnh từ vô thỉ đến nay hoàn toàn sáng sạch, không chút tỳ vết, không nhiễm ô, nhưng vì vô minh huân tập nên có tỳ vết. Biển tạng thức vô minh từ vô thỉ đến nay vốn tối tăm, không trí sáng, không thiện pháp nhưng vì bản giác huân tập nên có tịnh dụng. Như vậy nhiễm tịnh chỉ là giả lập, nhiễm chẳng phải thật nhiễm, tịnh chẳng phải thật tịnh, thảy đều là huyễn hóa không có tự tính thật cho nên biết nhiễm tịnh vô thể, tùy huân tập mà thành. Nếu lìa duyên huân tập quyết định không pháp để được. Nếu không có cái thể huân tập của thức thứ tám, muôn pháp chẳng thành nhiều nghĩa môn trước kia thành tựu duy thức, bèn biết không có một pháp chẳng từ tâm hóa sinh, tùy thiện ác huân thành, do tu tập mà thành chủng tử. Như cầm tấm giấy gói hương thì được mùi thơm nức, gần dây buộc cá thì có mùi tanh tưởi, huống chi dị thục bản thức kiên trụ chân tâm, được nghe thiện pháp huân tập thì chủng tử thanh tịnh tăng trưởng; do ác pháp phát thì chủng tử nhiễm ô liền thành. Thế nên bên trong làm nhân, mặc dù sẵn có nhưng bên ngoài nhờ trợ duyên, cần cái mới huân tập bèn có thể được quả phù hợp nhân chuyển phàm thành Thánh. Cho nên kinh nói: “Phật chủng tử từ duyên khởi”, vì thế biết không pháp nào chẳng do huân thành. Công sức đa văn huân tập cần phải gần gũi bạn đạo; sự học tập trau dồi hoàn toàn tại đương nhân, không để thời gian luống qua chẳng tu diệu hạnh. Như tính lửa ở trong gỗ là nhân tố chính của lửa, nhưng khi chưa được người cọ xát thì không thể phát ra lửa. Như Phật tính trong thân là chính nhân Phật không gặp tịnh duyên thì khó trở thành diệu dụng”.

Hỏi: Tâm thức vô hình vô đối, tại sao nói nghĩa thọ huân ?

Đáp: Kinh nói: “Hoặc huân, hoặc biến đều bất tư nghì”. Căn cứ vào tùy duyên cổ động hiển bày tướng huân biến. Vì lúc căn bản vô minh huân tập bản giác thì bản giác theo động nên nói là huân. Lại thể của bản giác lý tuy bất biến, song bởi tùy duyên nên nói là biến. Nhưng huân biến nhiễm mà chẳng nhiễm; chẳng huân biến chẳng nhiễm mà nhiễm, tâm ý không thể lường nên nói là bất tư nghì huân; văn cú không thể bày nên nói là bất tư nghì biến.