TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch
QUYỂN 47
Hỏi: Nói về nghĩa duy thức, ước chừng có bao nhiêu thức?
Đáp: Kinh luận đều nói có tám thức: 1- Nhãn thức, 2- Nhĩ thức, 3- Tỷ thức, 4- Thiệt thức, 5- Thân thức, 6- Ý thức, 7- Mạt-na thức, 8- A-lại-da thức. Chính văn xuất xứ từ luận Duy Thức 10 quyển của Bồ-tát Hộ Pháp.
Luận này giải thích quyển Duy Thức Tam Thập Tụng của Bồ-tát Thiên Thân; đại sư Từ Ân làm sớ thích luận tụng văn này, ban đầu sáng tác vì cư sĩ, về sau có người thích xem, dâng tặng một lượng vàng. Thành Duy Thức Luận Chưởng Trung Xu Yếu của ngài Từ Ân ghi: “Bồ-tát Thiên Thân thích tổng hợp ba thừa, tham học các bộ phái, biết Tiểu thừa không phải cứu cánh bèn hướng về Đại thừa. Nhân nghe người tụng phẩm Thập Địa trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhiếp Đại Thừa trong luận A-tì-đạt-ma, ngài bèn sám hối lỗi hủy báng pháp trước kia, định lấy dao cắt lưỡi để biểu lộ sự hối lỗi. Người anh là Bồ-tát Vô Trước ngăn lại và phân tích lợi hại cho ngài hiểu, tuy ông dùng lưỡi hủy báng pháp, đâu thể cắt lưỡi mà tội tiêu trừ, cần phải tán thán giải thích Đại thừa để sám hối lỗi tnrớc. Thiên Thân nghe theo lời người anh quy hướng diệu lý bèn trước tác luận Thập Địa, luận Nhiếp Đại Thừa”. Bồ-tát tạo hai luận này để xiển dương Đại thừa, chẳng những chứa dựng huyền tông, mở rộng áo chỉ mà còn bàn rộng thông đạt sâu sắc, chọn nhặt điều đặc sắc, nêu lên điểm tinh thâm. Ngài trước tác Duy Thức Tam Thập Tụng để truyền bá chỉ thú huyền diệu của Đại thừa. Vạn tượng chứa trong một chữ, nghìn huấn cô đọng nơi một lời, đạo siêu việt kinh điển, ca ngợi chúng Thánh, lược tụng đã xong, giải thích rộng để trình bày, nhưng cơ cảm chưa hợp nên người xem vẫn còn mờ mịt.
Lại có Bồ-tát Hộ Pháp v.v… yêu chuộng tụng văn nên giải thích ý nghĩa; tuy phân chia cao thấp đủ thứ mà nắm lấy tinh hoa để phát huy, chỉ có một mình ngài Hộ Pháp chăng ? Bồ-tát đã thành tựu quả vị từ kiếp xa xưa, được địa vị bậc hiền ngày nay, thương vật ngầm giúp, tùy cơ lợi ích. Thắm thoắt 29 năm biết trọn ba năm sắp đến lúc chấm dứt sự giáo hóa, Bồ-tát chán vô thường luôn thiền tập, thề chẳng rời cội bồ-đề. Lúc rảnh rỗi thiền lễ, Bồ-tát giải thích bổ sung, văn từ ý chỉ cao xa, trí tuệ khiến cho danh đức vang xa, chấp phá hoàn tất nơi một lời, phân giải tận cùng ở nửa bài tụng. Văn khác biệt như nước với lửa thì lĩnh hội như keo với sơn, nghĩa đồng nhất như sông với hồ thì sớ thành trong đục. Đất bằng trống trải, núi cao chập chùng tiếp giáp nước Hán, gò đồi khoáng đạt, bầu trời bao la. Cúi xuống tìm chỗ sâu thì không thấy đáy; ngửa lên trông độ cao thì không bờ mé. Văn sơ sài, nghĩa cạn cợt mà diễn bày không cùng; nhiều câu luận rộng về tông hun đúc tột bậc. Công hơn nghìn Thánh, đạo hợp trăm vua. Khi ấy có cư sĩ Huyền Giám biết rõ chỗ giấu lông của chim phụng, chim uyên, nơi ẩn vết của lân, của rồng. Mỗi khi Bồ-tát hết sạch tiền của, cư sĩ luôn cúng dường, chân thành vững chí, lâu năm đến đỗi sa sút. Bồ-tát bận rộn giải đáp lưu lại lời giải thích này dặn bảo: “Sau khi ta diệt độ, hễ có ai muốn xem liền lấy một lượng vàng, nếu gặp được người thông tuệ nên lưu truyền, về sau dần dần chợt mất đi lời giáo huấn quý báu”. Danh đức Bồ-tát vang dội khắp châu này, tiếng khen Luận Thích vượt đến Trung Quốc. Ai nấy đều vui mừng, sớm nghe (đạo) chiều chết cũng thỏa nào sẻn tiếc vàng ngọc, người người đều nô nức hướng đến bậc hiền nhân trông ngóng hạc trời xa xăm chưa đến. Đại sư sáng suốt phát thiên tư, người biết đến yết kiến, không thần tích nào mà chẳng chiêm lễ, Thánh giáo nào mà chẳng ngợi khen. Lắng nghe diệu lý ấy ân cần vâng theo chân thành cần cầu.
Cư sĩ ghi di ngôn của Thánh trước hẳn là lời dặn dò của bậc hiền thời nay, bèn phụng viết bản thảo này và Ngũ Uẩn Luận Thích. Đại sư xem xong khen như thấy dung mạo bậc Thánh, mỗi khi đặt bút không khác lời chân thật. Từ Ngũ Thiên băng mưa tuyết trình công văn cưỡi voi trắng đến Đông Độ. Cư sĩ ấy lại trình bày rộng rãi đạo lý vi diệu. Ngài khen và cho là bí quyết. Vừa lúc tạm nương náu nơi xa lạ phong hóa rực rỡ, gạn lọc sự thấy nghe để minh chứng cho điều suy nghĩ, gột sạch tâm linh để tháo gỡ đầu mối nhiệm mầu, ngài nói: Hôm nay tâm ta mới vui vẻ thoải mái. Tuyên Ni nói: Tôi có hạt ngọc đẹp cất trong rương lớn. Ai trả giá cao tôi sẽ bán cho. Cơ tôi vận mạng côi cút, bất hạnh 9 tuổi chịu tang cha mẹ. Từ đó chí gởi nơi xa xôi chỉ mong được xuất gia, trôi nổi giữa dòng đời từ thuở ấu thơ thiếu vắng tình yêu thương, đến 17 tuổi tôi được vào cửa thiền, thờ ngài Minh Chiếu được làm người hầu bên ngoài, được tham dự vào số ba ngàn học tăng, có 70 người vui sống theo khuôn phép hẳn là hài hòa với tâm nguyện lành được quả phước lớn. Lại không uổng phí tài năng tôi được xếp vào ban phiên dịch. Tôi liền bắt đầu viết lách và nghiền ngẫm bộ Luận này. Công việc lúc sơ khởi có 10 người giải thích riêng tôi phiên dịch, bốn người là: Phưởng, Thượng, Quang, Cơ đều nhận sửa chữa, nhuận sắc, chính văn, biên soạn, mỗi người làm việc theo phạm vi chuyên môn. Sau khi bái kiến vài lần, Cơ tôi xin lui về ẩn dật. Đại sư cố hỏi Cơ tôi ân cần thưa: Từ đêm mộng thấy kim dung của ngài sáng sớm cưỡi ngựa trắng, vầng trán rạng rỡ linh trí, tôi liền theo bên, nghe Ngũ Phần với tâm khẩn cầu, nắm lấy bát tạng mà hằng dõi mong. Tuy được cặn bả của pháp môn nhưng đánh mất thuần túy nguồn huyền diệu, ngày nay Đông Độ được ban tặng cho một cách vinh hạnh và tận mắt nhận ra huyền tông, may mắn lại tiếp nhận nét hay đẹp muôn phương sáng chói vượt nghìn xưa, không tham khảo nhọc nhằn mất thời gian, huống chi các bậc Thánh chế tác đều nức tiếng khen khắp Ngũ Thiên. Tuy văn truyền đầy đủ trên lá bối nhưng nghĩa chưa hoàn bị nơi một bản. Nhận thức khác nhau nên người đọc không biết căn cứ vào đâu. Huống nữa, thời thế dối gian, con người bạc ác, mạng ngắn, tuệ kém, tôi dẹp bỏ những điều chi li mà nghiên cứu một cách tương đối, nắm lấy ý chỉ khác thì khó ngộ. Xin thử tổng hợp các lời nói để làm thành một bản, giai định đúng sai, cân nhấc rất nhiều chắc chắn lâu rồi cũng xong nên bộ luận này được lưu hành. Đại sư đạt lý đáng bậc thầy của tam hiền chỉ riêng truyền trao cho kẻ tầm thường kém cõi như tôi. Luận này khái quát phần bí yếu của các kinh, bao gồm ý chỉ của chư Thánh, cởi mở mọi thứ trệ ngại, soi sáng những điều sâu kín, trông lên không gì cùng tột hơn, cúi xuống luận này không lường được. Xa nó thì không có trí, gần nó thì biết luận ấy thầm bao quát ngũ minh, tìm tòi phô bày điểm then chốt sâu xa của bát tạng thường che lấp lối huyền nhiệm chưa thông. Lời dạy bảo ân cần tỉ mỉ đưa vào đây trở nên rực rỡ, như sương giá đông kín khe, tưới tẩm vô đây để thêm uy nghiêm. Niềm tin như tia sáng lấp lánh giữa đêm mênh mông, như gương vàng óng ánh lúc tờ mờ sáng. Tuy bản luận vốn phát xuất từ Ngũ Thiên nhưng không có sự giải thích lẫn lộn, dù là do mười thầy trước tác riêng, tập hợp lại cũng khó, huống chi góp nhặt văn u kín này, quả thật là chưa có. Đây là duyên khởi của luận này.
Hỏi: Hành tướng của tám thức này như thế nào ?
Đáp: Kinh luận này thành lập tự có văn thuyết minh, tám thức có đủ ba thứ năng biến: một là dị thục năng biến chính là thức thứ tám, hai là tư lương năng biến chính là thức thứ bảy, ba là liễu biệt năng biến chính là sáu thức trước.
Luận Duy Thức nói: “Tướng sở biến của thức tuy nhiều vô lượng nhưng thức năng biến chỉ có ba:
1- Dị thục, vì thức thứ tám nhiều tính dị thục.
2- Tư lương, vì thức thứ bảy hằng thẩm tư lương.
3- Liễu cảnh, vì sáu thức trước liễu cảnh thô tướng.
Luận có bài tụng:
Ban đầu thức Lại-da
Dị thục tất cả thứ
Không thể biết chấp thọ
Thường ở chung với xúc
Tác ý, thọ, tưởng, tư
Tưởng chỉ ứng xả thọ
Là vô phú vô ký
Xúc v.v… cũng thế
Luôn chảy như dòng thác
A-la-hán liền xả.
Thức năng biến ban đầu đại thừa giáo gọi là a-lại-da, vì thức này bao hàm nghĩa năng tàng sở tàng chấp tàng, nghĩa là vì cùng với tạp nhiễm làm duyên cho nhau nên hữu tình chấp là tự ngã.
Người xưa giải thích:
1- Năng tàng là nghĩa hay hàm chứa, như kho tàng chứa của báu, vì nó hay chứa giữ chủng tử tạp nhiễm, cũng là nghĩa trì.
2- Sở tàng tức là nghĩa sở y, như kho tàng là nơi cất chứa châu báu, vì thức này là chỗ nương tựa của pháp tạp nhiễm.
3- Chấp tàng là nghĩa nắm chặt không buông, như kho vàng bạc được người chấp là của mình, thức này bị thức mạt-na chấp là ngã.
Khởi Tín Sao giải thích:
Nói về nghĩa năng tàng, sở tàng của thức thứ tám, trước tiên là nghĩa sở tàng, nghĩa là thể của thức thứ tám là tàng, là chỗ cất chứa căn thân, chủng tử, khí thế gian, vì căn thân v.v… là tướng phần của thức này, như vật tượng trong kho, như thân trong nhà. Muốn tìm thức a-lại-da chỉ ở trong sắc tâm, muốn tìm hạt châu ma-ni chỉ ở trong sắc xanh vàng. Kế đến là nghĩa năng tàng, nghĩa là các pháp căn thân đều chứa trong thức thân như bóng trong hạt châu. Muốn tìm tất cả pháp đều ở trong a-lại-da, muốn tìm tất cả bóng hình đều ở trong châu ma-ni. Hợp với nghĩa trên tạo thành năng sở.
Luận Du Già nói: “Thức A-lại-da có tám tướng để chứng minh:
1- Y chỉ chấp thọ tướng.
2- Tối sơ sinh khởi tướng.
3- Hữu minh liễu tính tướng.
4- Hữu chủng tử tính tướng.
5- Nghiệp dụng sai biệt tướng.
6- Thân thọ sai biệt tướng.
7- Xứ vô tâm định tướng.
8- Mạng chung thời phần tướng.
Lại Cổ đức y theo luận giải thích chứng minh có thức thứ tám, luận nói: Thức thứ tám chẳng phải là cảnh có thể nhận biết được bằng hiện lượng thế gian, chỉ nhờ Thánh ngôn lượng và đạo lý chân chính mới biết được.
Xin dẫn bảy bản kinh làm chứng.
Kinh A-tì-đạt-ma có hai bài tụng:
Bài tụng thứ nhất:
Vô thỉ thời lai giới
Nhất thiết pháp đẳng y
Do thử hữu chư thú
Cập niết-bàn chứng đắc.
– Vô thỉ thời lai giới: Giới là nghĩa nhân do, vì thức thứ tám từ vô thỉ đến nay hay nắm giữ tất cả chủng tử các pháp sắc tâm hữu lậu, vô lậu và hay cùng chủng tử hữu lậu, vô lậu sinh ra hiện hành, tức là thức thứ tám cùng tất cả chủng tử là hai nhân y trì và sinh khởi.
– Nhất thiết pháp đẳng y: Y là nghĩa duyên, vì thức thứ tám hay biến làm căn thân và khí thế gian gọi là hữu tình y; lại làm sở y cho tất cả pháp hiện hành hữu lậu, vô lậu; vì hay chấp thọ căn thân ngũ sắc cùng hiện hành của bảy thức trước làm câu hữu y, tức là thức thứ tám cùng với tất cả pháp sắc tâm hiện hành làm tăng thượng duyên y.
– Do thử hữu chư thú, cập niết-bàn chứng đắc: Thức thứ tám không chỉ cùng với các pháp hữu lậu lưu chuyển làm y trì dụng, mà còn hay thuận với các pháp hoàn diệt vô lậu làm y trì dụng.
Bài tụng thứ hai:
Do gồm chứa các pháp
Tất cả chủng từ thức
Nên gọi a-lại-da.
Tức là tự chứng phần của thức thứ tám hay giữ gìn chủng tử nên gọi là chủng tử thức.
Kinh Giải Thâm Mật có bài tụng:
Thức a-đà-na rất vi tế,
Tất cả chủng tử như dòng thác.
Ta không diễn nói với phàm ngu,
Sợ họ phân biệt chấp là ngã.
A-đà-na, Trung Hoa dịch là chấp trì. Thức này hay giữ lấy chủng tử các pháp và hay nắm lấy sắc căn và chỗ nương tựa của căn, cũng hay chấp thủ kết sinh tương tục nên gọi thức này là a-đà-na.
Tất cả chủng tử như dòng thác nghĩa là tất cả chủng tử trong thức thứ tám, nếu gặp duyên tác động liền chuyển thành hiện hành, hoặc chủng tử có sinh trụ dị diệt không dừng như dòng thác.
Kinh Lăng Già có bài tụng:
Ví như sóng biển cả
Do cuồng phong nổi dậy
Sóng lớn vỗ hang tối
Không lúc nào chấm dứt
Biển tạng thức thường trụ
Gió cảnh giới xao động
Tất cả các sóng thức
Cuồn cuộn nổi dâng trào.
Kinh Tăng Nhất A-hàm Tiểu thừa nói: “Có căn bản thức là sở y của các thức. Căn bản thức chính là thức thứ tám, vì hay phát khởi sáu chuyển thức trước”.
Thượng Tọa Bộ nói có hữu phần thức là thức thứ tám. Thể của hữu phần thức luôn không gián đoạn khắp cả ba cõi. Hữu là tam hữu (ba cõi), phần là nghĩa nhân, tức là nhân của tam hữu đều do thức này.
Hóa Địa Bộ nói có cùng sinh tử uẩn, vì duyên thức thứ tám mà cả tam giới cửu địa luôn có. Chỉ có nơi sinh tử là thường khắp hết làm chỗ nương tựa, cho đến khi tâm kim cang Đại thừa hết, phiền não tận mới xả bỏ, nên gọi là cùng sinh tử uẩn. Nếu các chuyển thức không có công năng này, vì thể thức thứ sáu phần nhiều gián đoạn nên lúc vào ngũ vị vô tâm, sáu thức đều gián đoạn không hiện hành. Lúc ấy lẽ ra không gọi là hữu tình, vì không có thức nhậm trì nên phải hư hoại.
Nhất Thiết Hữu Bộ nói thức này gọi là a-lại-da. Có bốn thứ a-lại-da: ái, lạc, hân, hỉ. Ái là tổng cú, tổng duyên ba đời làm cảnh; ba thứ còn gọi là biệt cú, biệt duyên ba đời: lạc là hiện tại, hân là quá khứ, hỉ là vị lai. Tức là thức thứ tám các hữu tình thường chấp làm tự ngã, là chỗ ái trước cho nên gọi là a-lại-da.
Có mười lý lẽ chân chính:
1- Trì chủng tâm: Luận Duy Thức ghi: “Khế kinh nói vì hay tập hợp sinh khởi chủng tử các pháp tạp nhiễm và thanh tịnh nên gọi là tâm”. Nếu không có thức này thì trì chủng tâm lẽ ra chẳng có, nghĩa là các chuyển thức lúc diệt định có gián đoạn nên các loại căn, cảnh, tác ý, thiện v.v… khởi dễ dàng, như ánh chớp luôn gián đoạn; chẳng phải có thể huân tập đều không thể giữ gìn chủng tử, vì chẳng phải chỗ tập hợp sinh khởi của chủng tử nhiễm tịnh.
2- Dị thục tâm: Luận Duy Thức ghi: “Khế kinh nói có dị thục tâm nghiệp cảm thiện ác”. Nếu không có thức này thì dị thục tâm lẽ ra chẳng có tức là thức thứ tám, nghĩa là trong đời trước lấy nghiệp thiện, bất thiện làm nhân chiêu cảm được dị thục tâm thứ tám đời này là quả. Luận ghi: “Nhất định phải có chân dị thục thức báo đáp dẫn dắt nghiệp đi khắp nơi không gián đoạn biến thành căn thân và khí thế gian là chỗ nương tựa của hữu tình. Vì căn thân, khí thế gian lìa tâm thì lẽ ra chẳng phải có !”
3- Thú sinh thể: Luận Duy Thức ghi: “Khế kinh nói hữu tình lưu chuyển trong năm nẻo bốn loài”. Nếu không có thức này thì thú sinh thể lẽ ra chẳng có, vì vậy phải tin có thức thứ tám là thể của tam giới, cửu địa, ngũ thú, tứ sinh. Nếu không có thức này thì tất cả hữu tình lẽ ra chẳng có.
4- Hữu chấp thọ: Luận Duy Thức ghi: “Khế kinh nói có sắc căn thân là có chấp thọ”. Nếu không có thức này thì cái hay chấp thọ lẽ ra chẳng có. Hữu tình trong cõi sắc có ngũ sắc căn và nội ngũ trần là tướng phần của thức thứ tám. Chỉ có thức thứ tám hay chấp thọ, những thức khác không có công năng này.
5- Thọ noãn thức ba lần chứng minh có thức thứ tám: Luận Duy Thức ghi: “Khế kinh nói thọ noãn thức ba lần y trì nhau được trụ tương tục”. Nếu không có thức này hay giữ gìn thọ noãn khiến trụ lâu thì thức lẽ ra chẳng có.
6- Lúc sinh tử có tâm chứng minh có thức thứ tám: Luận Duy Thức ghi: “Khế kinh nói các loài hữu tình thọ sinh mạng chung, tâm tán loạn và bất định”. Nếu không có thức này, lúc sinh tử tâm lẽ ra chẳng có. Lại lúc sắp chết do nghiệp thiện ác mà thân thể lạnh dần dần từ dưới lên trên hay từ trên xuống dưới. Nếu không có thức này thì việc ấy lẽ ra chẳng thành.
7- Dẫn duyên khởi y chứng minh có thức thứ tám: Luận Duy Thức ghi: “Khế kinh nói thức duyên danh sắc, danh sắc duyên thức, như vậy hai pháp nương lẫn nhau, như bó lau lay chuyển cùng một lúc. Nếu không có thức này thì tự thể của thức kia lẽ ra chẳng có.
Tiểu thừa cho rằng ta đem sáu thức làm chỗ nương tựa của danh sắc, cần gì thức thứ tám ? Luận đả phá: Sáu thức nhãn v.v… thuộc về danh, thức này nếu không thì nói cái gì là thức. Luận chủ nói: Sáu thức nhãn v.v… đã thuộc về danh vì là thức uẩn, cần phải có thức thứ tám là thức ngoài danh cùng với danh sắc làm chỗ nương. Như lúc con người trong cõi này sinh ra có niệm tâm ban đầu chấp lấy kết sinh, do chưa có sáu thức trước là thức uẩn trong danh; danh sắc chỉ có ba uẩn, ba uẩn này ở trong một niệm nương gì mà trụ, cho nên biết phải tin có thức thứ tám, đây là thức ngoài danh cùng với danh sắc là chỗ nương.
8- Dẫn thức thực chứng minh có thức thứ tám: Luận Duy Thức ghi: “Khế kinh nói tất cả hữu tình đều nương vào sự ăn uống mà tồn tại”. Nếu không có thức này thì thức thực kia tự thể lẽ ra chẳng có. Do đó đức Phật bảo ngoại đạo: “Tất cả hữu tình sống còn nhờ ăn uống”, đây là lời nói chân chính của bậc Chính giác, kẻ khác không thể biết. Ngoại đạo các ông khổ hạnh nhịn đói không lợi ích gì cả. Thực là nghĩa tư ích, nhậm trì.
9- Dẫn diệt định có tâm chứng minh có thức thứ tám: Luận Duy Thức ghi: “Khế kinh nói trụ diệt định thì thân ngữ, tâm hành thảy đều diệt hết mà thọ mạng chẳng tận cũng chẳng lìa hơi ấm, càng không biến hoại, thức chẳng rời thân”. Nếu không có thức trụ diệt định này thì thức chẳng rời thân lẽ ra chẳng có.
Luận chủ nói: “Nhập diệt định của Thánh nhân, thân ngữ và tâm hành thảy đều diệt, hơi thở ra vào là thân gia hạnh, thọ tưởng là tâm gia hạnh, tầm tư là ngữ gia hạnh”. Ba thứ gia hạnh này tương ưng với thức thứ sáu, vì ở trong diệt định thảy đều diệt hết.
Nói thọ mạng chẳng diệt, là trên chủng tử thức thứ tám có duy trì một báo sắc tâm chẳng dứt công năng gọi là thọ mạng.
Nói cũng chẳng lìa thức, noãn, xúc là tướng phần của thức thứ tám, tức là hai pháp này chẳng rời thức thứ tám. Đã ở trong diệt định, thân gia hạnh, tâm gia hạnh, ngữ gia hạnh của sáu thức đều chẳng hiện hành.
Nói có thọ noãn tồn tại, tức là thức thứ tám là chỗ nương tựa của thọ mạng và hơi ấm.
10- Dẫn tâm nhiễm tịnh chứng minh có thức thứ tám: Luận Duy Thức ghi: “Khế kinh nói vì tâm tạp nhiễm nên hữu tình tạp nhiễm, vì tâm thanh tịnh nên hữu tình thanh tịnh”. Nếu không có thức này thì tâm nhiễm tịnh kia lẽ ra không có, nghĩa là pháp nhiễm tịnh lấy tâm làm gốc, do tâm mà sinh, nương tâm mà trụ, chịu sự huân tập, giữ gìn chủng tử.
Nói lấy tâm làm gốc, tức là tất cả pháp nhiễm, tịnh, hữu vi, vô vi, đều lấy thức thứ tám làm căn bản.
Nói nương tâm mà trụ, tức là bảy thức trước hiện hành đều nương vào thức thứ tám mà trụ.
Nói chịu sự huân tập, tức là thức thứ tám chịu sự huân tập của bảy thức trước.
Nói giữ gìn chủng tử, tức là thức thứ tám hay giữ gìn chủng tử nhiễm tịnh ba tính của bảy thức trước.
Do đó kinh Mật Nghiêm nói:
Thân này như tử thi
Cũng như ngọn lửa lớn
Thảy đều do nhân duyên
Chẳng giả cũng chẳng thật
Chỉ vì thọ kéo lôi
Tính không không có ngã
Ý đồng thức sở thức
Cùng sinh ra với tâm
Năm thức lại nương tựa
Ý thức nhân đây khởi
Như vậy tất cả thời
Cùng chuyển cả đại địa
Lại-da đối với ái
Huân tập mà tăng trưởng
Đã tự tăng trưởng rồi
Lại tăng nơi thức khác
Xoay vần không đoạn tuyệt
Tợ như cái miệng giếng
Do vì có các thức
Nên các loài sinh khởi
Ở trong các loài ấy
Thức lại được tăng trưởng
Thức và pháp thế gian
Lại làm nhân cho nhau
Cũng như dòng nước kia
Trước sau không gián đoạn
Như mầm và hạt giống
Tiếp nối xoay vần sinh
Mỗi mỗi tướng sai biệt
Phân biệt mà hiển hiện
Thức hành cũng như thế
Ba thứ đã hòa hợp
Cũng lại hòa hợp nữa
Tướng sai biệt sinh ra
Như thế mà lưu chuyển
Thường không có đoạn tuyệt
Tất cả pháp trong ngoài
Đều do đây sinh khởi
Không thấu rõ duy tâm
Nên siêng năng quán sát.
Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Này thiện nam, các nghiệp hư vọng tích tập gọi là tâm, mạt-na tư lương, ý thức phân biệt, năm thức nhãn v.v… liễu cảnh bất đồng, phàm phu ngu si không thể biết, lo sợ già bệnh chết mà cầu vào niết-bàn. Họ đều chẳng biết sinh tử, niết-bàn nên đối với tất cả cảnh vọng khởi phân biệt. Lại do các căn cảnh giới năm trần ở vị lai đoạn diệt, kẻ phàm phu cho là niết-bàn. Chư Phật, Bồ-tát lúc tự chứng ngộ chuyển a-lại-da thành trí bản giác.
Này thiện nam, tất cả phàm ngu mê phương tiện của Phật chấp có ba thừa, không rõ ba cõi do tâm sinh khởi, chẳng biết tất cả Phật pháp ba đời từ tâm hiện lượng, thấy năm trần bên ngoài chấp là thật có, như bò, dê không thể biết trong vòng sinh tử không thể xuất ly.
Này thiện nam, Phật nói các pháp không sinh, không diệt, cũng không có ba đời. Vì sao ? Vì như tự tâm hiện cảnh giới năm trần vốn không có, vì các pháp hữu vô vốn chẳng sinh; bậc Thánh tự ngộ cảnh giới như thế.
Này thiện nam, phàm phu ngu si vọng khởi phân biệt, trong không chấp có, trong có chấp không, nắm lấy các tướng hiện hành của a-lại-da, rơi vào hai kiến chấp sinh diệt, chẳng rõ tự tâm mà khởi phân biệt.
Này thiện nam, nên biết tự tâm chính là pháp của chư Phật, Bồ-tát. Do vì biết tự tâm là Phật pháp nên hay làm thanh tịnh tất cả cõi, vào tất cả kiếp. Vì tạng thức biến ra căn thân, khí thế gian đó là nghĩa thậm thâm; hiện lượng và tỷ lượng đều không thể lường vì nó vượt qua lượng và vô lượng. Như kinh có bài kệ:
Pháp giới phi hữu lượng
Cũng lại phi vô lượng
Mâu-ni đều siêu việt
Hữu lượng và vô lượng.
Cho nên trí cạn cợt khó biết rõ thức tính, chỉ có Phật mới thấu tỏ thông suốt cứu cánh. Vì vậy Tông Cảnh trích dẫn nhiều văn kinh này là vì thức này vi mật khó biết.
Hỏi: Chính nghĩa duy thức là phá hai chấp ngã pháp, hiển bày lý nhị không, chứng nhất chân tâm, tại sao thế gian và Thánh giáo nói có ngã pháp ?
Đáp: Chỉ là giả nói, y thức biến hiện, như Duy Thức Tụng nói:
Do giả nói ngã pháp
Có các thứ tướng chuyển
Các tướng y thức biến
Năng biến có ba thứ:
Là dị thục, tư lương
Và liễu biệt cảnh thức.
Thế gian Thánh giáo nói có ngã pháp, chỉ do giả lập, chẳng phải thật có tính. Ngã nghĩa là chủ tể, pháp nghĩa là quỹ trì. Làm sao biết thật không có ngoại cảnh chỉ có nội thức; vì dường như ngoại cảnh sinh, thật ngã thật pháp không thật có. Thế nào là thật ngã không thật có ?
Đại lược có ba thứ ngã chấp:
1- Chấp ngã thể thường đều khắp lượng đồng hư không, tùy nơi tạo nghiệp nên thọ khổ vui.
2- Chấp ngã thể tuy thường mà lượng bất định, tùy thân lớn nhỏ mà có uyển chuyển.
3- Chấp ngã thể thường rất nhỏ như một cực vi ngầm chuyển trong thân tạo tác mọi thứ.
Chấp ngã thứ nhất là phi lý, vì sao ? Chấp ngã thể thường đầy khắp lượng đồng hư không thì lẽ ra không theo thân thọ khổ vui; lại vì thường khắp cả thì lẽ ra không động chuyển làm sao theo thân hay tạo các nghiệp ?
Chấp ngã thứ hai cũng phi lý, vì sao ? Chấp ngã thể thường trụ thì lẽ ra chẳng theo tâm mà có lớn nhỏ. Đã có lớn nhỏ như gió trong ống bể thổi lửa lẽ ra chẳng phải thường trụ.
Chấp ngã sau cùng cũng phi lý, vì sao ? Ngã lượng rất nhỏ làm sao chóng đi theo thân như quay vòng lửa. Vì chuyển động nên ngã bị chấp phi nhất phi thường, các loài qua lại chẳng phải thường nhất.
Lại có ba thứ ngã chấp:
1- Tức uẩn, 2- Ly uẩn, 3- Cùng uẩn phi tức phi ly.
Đầu tiên tức uẩn ngã, lý không đúng, vì ngã như uẩn lẽ ra chẳng phải thường nhất. Lại các sắc bên trong nhất định chẳng phải thật ngã, vì các sắc bên ngoài có chất ngại. Tâm và tâm sở cũng chẳng phải thật ngã, vì không hằng tương tục, phải chờ các duyên. Các hành, các sắc khác cũng chẳng phải thật ngã, vì như hư không chẳng phải là tính giác.
Kế đến ly uẩn ngã, lý cũng không đúng, vì lẽ ra như hư không không có tác thọ.
Sau cùng đến phi ngã, lý cũng không đúng, nương vào uẩn lập phi tức phi ly, lẽ ra như chiếc bình chẳng phải thật ngã.
Lại đã không thể nói thì hữu vi, vô vi cũng lẽ ra không thể nói là ngã hay phi ngã, cho nên việc chấp thật ngã chẳng thành, cho đến tất cả ngã chấp uẩn ngoài tự tâm hoặc có hoặc không và uẩn trong tự tâm đều có, thảy đều duyên vào tướng ngũ uẩn vô thường vọng chấp là ngã. Vì các tướng ngũ uẩn từ duyên sinh nên có như huyễn thì cái ngã được chấp quyết định chẳng phải có. Vì thế, khế kinh nói: “Tỳ-kheo nên biết, ngã kiến mà sa-môn, bà-la-môn có ở thế gian đều duyên ngũ uẩn mà khởi”.
Hỏi: Nếu lìa ngoài tâm không có thật ngã và thật pháp thì giả pháp cũng không, vì giả pháp nương chân mà kiến lập ?
Đáp: Giả pháp chỉ là hư giả, dường như có sinh chắc hẳn chẳng nương chân như. Luận Duy Thức nói: “Có người hỏi: Nếu không lìa thức thật có ngã pháp thì giả lẽ ra cũng không, nghĩa là giả phải nương vào cái thật, cái tương tự thật mà kiến lập ? (…). Đáp rằng: Giả phải nương vào cái thật để kiến lập cũng chẳng hợp lý”.
Chân là tự tướng; giả trí và ngôn thuyên đều chẳng phải cảnh, nghĩa là giả trí và ngôn thuyên không có tự tướng. Chỉ chuyển theo cộng tướng của các pháp, cũng chẳng phải lìa chỗ này riêng có phương tiện, lập bày tự tướng là chỗ nương của giả. Nhưng giả trí vì ngôn thuyên hẳn nương vào âm thanh sinh khởi, âm thanh chẳng đến nơi chốn, đây là bất chuyển. Năng thuyên sở thuyên đều chẳng phải tự tướng, cho nên biết giả nói không nương vào cái thật; do vì nó chỉ nương vào cái tương tự thật mà chuyển. Tợ nghĩa là tăng ích, chẳng phải thật có tướng. Âm thanh nương vào tợ tướng tăng ích mà chuyển nên không thể nói giả hẳn phải nương vào chân.
Hỏi: Thức thứ tám có bao nhiêu năng biến khiến các thức sinh trưởng hiển hiện ?
Đáp: Có hai loại năng biến: Một là nhân năng biến, hai là quả năng biến.
Luận Duy Thức nói: “Năng biến có hai thứ:
1- Nhân năng biến, nghĩa là hai nhân tập khí đẳng lưu và dị thục trong thức thứ tám. Tập khí đẳng lưu do thiện ác vô kí trong bảy thức huân tập khiến sinh trưởng; tập khí dị thục do thiện ác hữu lậu trong sáu thức huân tập khiến sinh trưởng.
2- Quả năng biến, nghĩa là do sức hai tập khí đẳng lưu và dị thục nên có tám thức sinh, hiện ra các thứ tướng. Do nhân duyên tập khí đẳng lưu nên sinh ra tám thức thể tướng sai biệt gọi là quả đẳng lưu. Vì quả tợ nhân nên tập khí dị thục làm tăng trưởng duyên cảm thức thứ tám, vì đáp ứng lực dẫn nghiệp hằng tương tục nên gọi là dị thục. Cảm sáu thức trước đáp ứng mãn nghiệp, từ dị thục khởi gọi là dị thục sinh, chẳng gọi là dị thục vì có gián đoạn, tức tiền dị thục và dị thục sinh gọi là quả dị thục. Vì quả khác nhân nên trong đây nói ngã ái chấp tàng giữ gìn chủng tử tạp nhiễm năng biến quả thức gọi là dị thục.
Hỏi: Thức thứ tám dung chứa đầy khắp, là cội nguồn của muôn pháp, kinh luận đều suy tôn nên xưng là đệ nhất, thể tính vi tế làm sao trình bày ?
Đáp: Thể nó bất khả thuyết, vi diệu rất khó biết, trùm khắp pháp giới mà không trụ tâm, nhậm trì tất cả mà chẳng hiện tướng; như chim bay trong hư không, tuy bay lượn qua lại mà không thể tìm dấu vết, như con ngươi trong mắt nhìn khắp sum la mà mắt không thấy, như trăng tỏa sáng phủ khắp vạn vật, như mặt trời phóng ánh sáng chiếu soi cả bốn châu thiên hạ, như châu ma-ni không suy nghĩ mà tuôn mưa báu cứu giúp quần sinh, như đá nam châm không cảm giác mà chuyển dời sắt thép quanh quẩn trong sáu nẻo.
Kinh Mật Nghiêm có kệ:
Tạng thức gìn thế gian
Như dây xỏ hạt châu
Cũng như vòng bánh xe
Xoay chuyển theo gió nghiệp
Thợ gốm quay bàn xoay
Tùy ý thành vật dụng
Tạng thức cùng các cõi
Chung sức thảy đều thành
Các thế gian trong ngoài
Nơi nơi đều đầy khắp
Như các vì tinh tú
Lấp lánh cả hư không
Do sức mạnh của gió
Luôn vận hành không dứt
Như dấu chim trên trời
Tìm kiếm không thể thấy
Chim chẳng lìa hư không
Luôn luôn bay lượn quanh
Tạng thức cũng như thế
Chẳng rời thân tự tha
Như biển nổi ba đào
Hư không chứa vạn tượng
Tạng thức cũng như thế
Uẩn chứa các tập khí
Ví như trăng trong nước
Lại nữa các hoa sen
Dù không rời khỏi nước
Chẳng bị nước làm nhơ
Tạng thức cũng như thế
Tập khí chẳng thể nhiễm
Như mắt có đồng tử
Mắt không thể tự thấy
Tạng thức ở trong thân
Giữ lấy các chủng tử
Khắp gìn thọ noãn thức
Như mây che thế gian
Nghiệp dụng luôn hiện diện
Chúng sinh không thể thấy.
Lại nói: “Này nhân giả, tất cả sắc đều là tướng do a-lại-da cùng với sắc tập tương ưng biến ra tợ như tướng, chẳng phải riêng có thể tính như sự phân biệt hư vọng của phàm phu. Tất cả chúng sinh hoặc ngồi hoặc nằm, hoặc đi, hoặc đứng, say sưa mê muội, cho đến cuồng loạn đều là do thức a-lại-da. Như đá nam châm có thể chuyển dời sắt thép, tuy không có tâm mà dường như có tâm. Thức a-lại-da cũng như thế, bị pháp sinh tử chi phối nên qua lại các nẻo phi ngã tợ ngã. Như vật ở trong nước tuy không tác ý mà theo nước lưu động không dừng; thức a-lại-da cũng thế, tuy không phân biệt nương thân vận hành. Cho đến nếu có người hay quán sát đối với việc này, biết thế gian đều là tự tâm, thì cái thấy phân biệt này liền mất”.
Lại tụng rằng:
Hay giữ nhân thế gian
Ấy là a-lại-da
Thức trượng phu thứ tám
Vận động nơi tất cả
Như bàn xoay đồ gốm
Như dầu ở trong mè
Như vị mặn trong muối
Cũng như tính vô thường
Hiện hữu trong sắc tướng.
Hỏi: Thức này trùm khắp cả cảnh phàm Thánh, có phải là lìa thức này riêng có chân tính hay ngay đó là chân tính ?
Đáp: Phi nhất phi dị nên có tên thức này, chẳng hợp mà hợp làm thành nghĩa tạng. Thức a-lại-da này là chân tâm chẳng giữ tự tính, theo duyên nhiễm tịnh chẳng hợp mà hợp, hay dung chứa tất cả cảnh giới chân tục, nên gọi là tạng thức, như gương sáng chẳng cùng ảnh tượng hợp mà hợp, đây là nói theo nghĩa hòa hợp. Nếu là nghĩa không hòa hợp là thể tính thường bất biến nên gọi là chân như. Do hợp và chẳng hợp chia ra hai nghĩa nhưng vốn là một chân tâm trạm nhiên bất động. Nếu có người không tin thức a-lại-da là Như Lai tạng riêng cầu lý chân như, như lìa bóng tìm gương đây là ác tuệ, vì chưa rõ nghĩa bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến mà sinh ra hai chấp.
Hỏi: Nghĩa biến của thức thứ tám như thế nào ?
Đáp: Biến nghĩa là thức thể chuyển tợ hai phần.
Giải thích: Luận nói rằng các thức thể là tự chứng phần, chuyển sinh dường như có tướng phần và kiến phần. Đây nói thức thể là tính y tha chuyển tợ tướng phần, kiến phần, chẳng phải là không mà cũng y tha khởi, nương vào hai phần này chấp thật có hai thủ. Phật nói là không, chẳng phải không y tha mà là không hai phần kiến, tướng này. Vì luận nói chỉ có hai y tha tính. Đây là duyên chân trí, vì duyên nơi chân như không có tướng phần, những cái khác đều có tướng phần. Nếu không như thế thì làm sao gọi là tha tâm trí, hậu đắc trí v.v… vì không chấp thủ bên ngoài, vì cho rằng có thể tính của tướng phần, kiến phần nên nói chủng tử của tướng phần kiến phần hoặc đồng hoặc dị.
Nếu nói kiến tướng đồng chủng tử, tức một thức thể chuyển tợ hai phần tướng dụng mà sinh, như con ốc sên mọc ra hai sừng. Đây là nói ảnh tượng kiến tướng lìa thể không có tính riêng, vì là thức dụng.
Nếu nói kiến tướng khác chủng tử, kiến phần là nghĩa dụng của tự thể phân ra, lìa thức không riêng có chủng tử, tức là một thức thể chuyển tợ kiến phần biệt dụng mà sinh. Thức là sở y, chuyển chủng tử của tướng phần tợ tướng mà khởi, vì tác dụng biệt tính đều chẳng đồng nên chủng tử tướng phần sinh; đối với lý thì hơn hết cho nên nói thức thể chuyển tợ hai phần tướng kiến. Y tha khởi này phi hữu tợ hữu, thật sự chẳng phải hai phần. Vì tợ chấp hai phần kiến tướng nên đặt tên là tợ. Tướng phần riêng có chủng tử tại sao gọi là thức biến, vì chẳng lìa thức nên lúc nội thức biến, tướng phần mới sinh. Đây hiển bày tướng phần và kiến phần năng biến, dụng thể riêng có, vì sao ? Lại nói thức tợ hai phần sinh, vì luận nói tướng phần và kiến phần đều nương vào tự chứng sinh khởi. Nếu không có tự chứng, hai định chẳng sinh, như không có đầu thì làm sao có sừng, không có gương làm gì có bóng, đều là tướng mạo hiện ra trên thức, cho nên nói tướng phần và kiến phần nương thức thể sinh ra.
Lại không chỉ tướng phần và kiến phần nương thức thể sinh, cho đến thân phàm Thánh, cõi tịnh uế đều từ thức hiện.
Như Bồ-tát Di-lặc nói: “Nhật Nguyệt Đăng Minh Như Lai dạy con tu tập duy tâm thức định nhập tam-ma-địa trải qua nhiều kiếp đến nay. Với tam-muội này, con phụng sự Hằng sa chư Phật, tâm cầu danh đã dứt; đến khi Phật Nhiên Đăng xuất thế, con được thành tựu Vô thượng diệu viên thức tâm tam-muội, cho đến cõi nước tịnh uế hữu vô của Như Lai tận cùng hư không đều do tâm con biến hiện. Bạch Thế Tôn, vì con biết rõ duy tâm thức như thế nên thức tính lưu xuất vô lượng Như Lai. Nay được thụ kí rồi bổ nhậm xứ Phật. Phật hỏi viên thông, con đem đế quán thập phương duy thức thức tâm viên minh nhập viên thành thật, xa lìa y tha khởi và biến kế chấp, được vô sinh nhẫn, đây là bậc nhất”. Thế nên cõi nước tịnh uế trong mười phương pháp giới đều do tâm ta biến hiện, đều là nhà của ta, chân vọng tùy tâm, khéo vụng do trí, đối với đại Bồ-tát xiển dương cõi tịnh, thích ứng với chúng sinh hạ liệt hiện ra cõi uế, mười phương Như Lai đều lưu xuất từ tâm ta.
Người xưa giải thích:
Cũng như hòn bọt trên biển không cùng lúc là do tâm quán sát sai biệt nên có khác nhau, nhưng thể nước chỉ là một, như thế đủ biết lúc một đức Phật xuất hiện thì tất cả cõi Phật đều hiện, vì lìa tướng tự tha. Chỉ vì chúng sinh có nơi chốn nên mười phương Như Lai hiện ra các thứ thân để hóa độ họ. Không chỉ Như Lai bao hàm nơi một nghĩa mà tất cả chúng sinh cũng là từ tâm mình lưu xuất.
Hỏi: Nghĩa của chuyển biến và biến hiện đồng hay khác ?
Đáp: Người xưa giải thích: Chuyển biến không phải là biến hiện. Chuyển biến thông cả chủng tử, hiện hành; hiện hành hay huân tập chủng tử, chủng tử hay sinh chủng tử, chủng tử sinh hiện hành, đều gọi là chuyển biến. Biến hiện là chỉ có tâm hay khởi kiến phần, tướng phần; chẳng gồm chủng tử tướng phần, sắc v.v…
Hỏi: Bản thức thứ tám cùng quả được sinh ra là một hay là khác ?
Đáp: Chẳng phải một, chẳng phải khác. Luận nói trong bản thức sinh ra tự quả, do công năng sai biệt này mà bản thức với quả được sinh ra chẳng phải một, chẳng phải khác, vì lý thể dụng nhân quả phải như thế.
Giải thích: Bản thức là thể, chủng tử là dụng, chủng tử là nhân, hiện hành là quả, hai pháp này lý phải như thế chẳng phải một, chẳng phải khác. Trong xuất thể, bản thức đứng trên mặt chủng tử nhiếp tướng quy tính cho nên đều vô ký; chủng tử theo hiện hành, đứng trên mặt bản thức tướng dụng nói riêng cho nên thông ba tính. Nếu là một thì không thể nói có pháp nhân quả, có thể có pháp. Nếu là khác thì lẽ ra lúa gạo, lúa mạch v.v… có thể sinh ra đậu v.v…, vì cho rằng nhân quả khác nhau. Nếu không như thế thì khi pháp diệt lẽ ra mới có dụng, vì cho rằng thể dụng khác nhau. Thể dụng tương tợ thì tiến trình nhân quả hẳn đồng. Nhân quả tương tợ thì công năng, tướng mạo tùy thuận nhau, chẳng phải hoàn toàn khác.
Hỏi: Thức a-lại-da tương ưng với bao nhiêu tâm sở ?
Đáp: Thức Luận nói: Nó thường tương ưng với xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư. Từ vô thỉ đến nay thức a-lại-da cho đến chưa chuyển, ở tất cả vị nó luôn tương ưng với năm tâm sở này, chúng thuộc về tâm sở biến hành.
1- Xúc: Luận nói về xúc là ba thứ hòa hợp phân biệt biến dị khiến tâm, tâm sở xúc cảnh làm tính, sở y của thọ, tưởng, tư làm nghiệp.
Giải thích: Vì năm thể này thuộc về tâm sở biến hành nên quyết định tương ưng, tuy chẳng thêm cũng chẳng bớt, nhất định cùng sinh diệt gọi là biến hành. Xúc gọi là ba thứ hòa hợp, vì thể của căn, cảnh, thức khác nhau nên gọi là ba (tam); không trái nghịch mà còn giao thiệp nhau nên gọi là tùy thuận; căn làm sở y, cảnh làm sở thủ, thức sinh ra nương nơi căn, bám nơi cảnh. Ba thứ trên đều có công năng tác dụng thuận sinh tất cả tâm sở gọi là biến dị. Dụng phân biệt là công năng của xúc, nghĩa là trên xúc có công năng biến dị thuận sinh tâm sở như ba thứ căn cảnh thức gọi là phân biệt, phân biệt là tên gọi khác của gần với tiếp thụ, như con giống cha gọi là phân biệt cha.
Hỏi: Vì sao trong ba thứ hòa hợp chỉ có căn là hơn cả ?
Đáp: Một vì là chủ, có công năng thù thắng nên gọi là chủ; hai vì là cận, hay cận sinh tâm và tâm sở; ba vì là biến, không chỉ có tâm sở mà còn sinh tâm vương; bốn vì là tục, thường hiện hữu tương tục.
Cảnh và thức không được như thế, cảnh thế tuy hay sinh tâm và tâm sở nhưng không phải là chủ, không phải là cận, thiếu hai nghĩa này nên không gọi là thù thắng. Tâm tuy là chủ cận sinh tâm sở nhưng không thể sinh tâm vương, không được tự tại, chẳng phải là khắp cả, vì thiếu một nghĩa nên chẳng phải thù thắng. Cảnh thức đều không liên tục, thức có cảnh có. Vì thiếu nghĩa tương tục nên không gọi là thù thắng. Chỉ riêng căn là thù thắng.
Hỏi: Tự tính của xúc là thật hay là giả ?
Đáp: Xúc tâm sở này quyết định thật có, vì là tính tứ thực.
2- Tác ý: Luận nói: Nghĩa là tâm hay cảnh giác làm tính, đối với cảnh sở duyên tâm phân biệt làm nghiệp.
Giải thích: Tác ý cảnh tâm có hai công lực: một là khiến tâm chưa khởi sinh khởi, hai là khiến tâm khởi rồi hướng đến cảnh, cho nên nói rằng cảnh giác. Biết nên khởi tâm để dẫn hướng đến cảnh.
3- Thọ: Luận nói: Nghĩa là nhận lĩnh những thuận nghịch phi cảnh tướng làm tính, khởi ái làm nghiệp.
4- Tưởng: Luận nói: Nghĩa là giữ lấy hình tượng nơi cảnh làm tính, bày ra các thứ danh ngôn làm nghiệp. Nghĩa là cần phải an lập cảnh, phân biệt tướng mới có thể khởi các thứ danh ngôn.
Giải thích:
An lập là tên gọi khác của chấp lấy hình tượng nghĩa là phân biệt đây là xanh, chẳng phải xanh v.v… Do chấp lấy hình tượng liền khởi danh ngôn cho đây là xanh v.v…, tính loại rất nhiều nên gọi là các thứ.
5- Tư: Luận nói: Nghĩa là khiến tâm tạo tác làm tính, đối với các thiện phẩm sai khiến tâm làm nghiệp. Nghĩa là hay bám lấy cảnh, là nhân tố chính sai sử tự tâm làm điều thiện v.v…
Năm tâm sở trên thuộc về biến hành, vì thế quyết định tương ưng với tạng thức. Năm tâm sở này tuy khác với hành tướng của dị thục thức nhưng thời y và cảnh sở duyên đồng, nên gọi là tương ưng. Thức này hành tướng không rõ ràng chẳng thể phân biệt cảnh tướng nghịch thuận, là một loại vi tế chỉ tương ưng với xả thọ. Lại chỉ có dị thục tương ưng với thọ, trước tiên theo nghiệp chuyển không đợi hiện duyên, vì tùy theo thế lực của nghiệp thiện ác mà chuyển, chỉ là xả thọ. Khổ thọ và lạc thọ là dị thục sinh, chẳng phải chân dị thục, vì đợi hiện duyên nên chẳng phải tương ưng với đây.
Lại do thức này thường không chuyển biến, hữu tính luôn chấp là tự ngã. Nếu nó tương ưng với khổ thọ và lạc thọ liền có chuyển biến đâu thể là ngã, cho nên nó chỉ tương ưng với xả thọ.
Giải thích:
Năm tâm sở xúc v.v… này cùng với hành tướng của dị thục thức tuy khác mà thời y và cảnh sở duyên đồng nên gọi là tương ưng, do bốn thứ nên nói là tương ưng, nghĩa là sự đẳng, xứ đẳng, thời đẳng, sở y đẳng. Nay y cứ vào kiến phần là hành tướng, ảnh tượng tướng phần là tự thể sở duyên.
Sự đẳng là nghĩa tương tự, thể chỉ là một, cảnh tướng tương tự cho nên sự sở duyên đều gọi là đẳng. Vì năm tâm sở xúc v.v… nương vào nhau, bản thức tương sinh, sở duyên đã tương tự nên gọi là đẳng.
Duy thức là tông, chẳng căn cứ bản chất gọi là sở duyên, cũng chẳng phải ảnh tượng là hành tướng.
Thời nghĩa là một sát-na vẫn đồng một đời.
Y nghĩa là các căn không ngăn cách.
Chỉ tương ưng với xả thọ có năm nghĩa:
1- Không sáng suốt là tướng của xả thọ, còn khổ thọ và lạc thọ thì sáng suốt. Thọ gồm có năm thứ: ưu, hỉ, khổ, lạc, xả. Trong đây ưu, hỉ nằm trong khổ, lạc, cho nên y cứ ba thọ khổ lạc xả để phân biệt mà không nói đến ưu, hỉ.
2- Không thể phân biệt cảnh tướng thuận nghịch, nắm lấy cảnh trung tính là tướng xả thọ, còn các thọ khác nắm lấy cảnh thuận nghịch.
3- Do vì vi tế, nếu là hành tướng các thọ khác hẳn phải thô.
4- Do vì một loại, nếu là các thọ khác hẳn là biến đổi; hành tướng của thọ này cố định nên thành một loại.
5- Chuyển đổi liên tục, nếu là các thọ khác ắt có gián đoạn; chỉ có xả thọ luôn tương tục.
Nếu có thể phân biệt cảnh tướng nghịch thuận, chẳng phải chân dị thục. Dị thục là nắm lấy cảnh cố định; nếu thô động như các tâm khác chẳng phải dị thục chủ, hiển bày hành tướng khó biết khác biệt các thức khác. Do năm nghĩa này chắc hẳn nó hiện hữu nên hay nhận sự huân tập và giữ gìn chủng tử tương tục.
Lại giải thích:
Thức này không sáng suốt đã từng không có huệ niệm, vì hành tướng huệ niệm rất sáng suốt, nên không thể phân biệt cảnh tướng thuận nghịch, chỉ hiển bày xả thọ, chẳng phải khổ thọ, lạc thọ và chẳng cùng với thiện nhiễm v.v… chuyển đổi liên tục, hiển bày không có dục. Nay có mong cầu mới có dục khởi; vì nó tương tục nên không có dục. Trong năm nghĩa trên, nghĩa thứ hai biểu hiện rõ nguyên do của xả thọ; bốn nghĩa kia do lược bỏ biệt cảnh v.v… nên chỉ còn xả thọ.
Hỏi: Thức này đã tương ưng với xả thọ, tại sao cũng là dị thục của nghiệp ác ?
Đáp: Luận nói: Xả thọ chẳng trái với thiện ác, như pháp vô ký cũng có thể đưa đến thiện ác.
Giải thích:
Vô ký đã lặng lẽ, cái gì là nghiệp quả ác ? Vì xả thọ tuy vắng lặng nhưng không trái với thiện ác cho nên bị quả ác, không giống như tịch tĩnh của thiền định. Xả thọ không có sở vi, năng vi nên thông nghiệp cảm ác. Bảy chuyển thức kia dù khởi khổ lạc, còn thức này đều có đủ, vì xả thọ chẳng trái với khổ lạc. Nếu như khổ lạc không cùng có thì trong loài trời người lẽ ra không bị quả khổ, vì chống trái nhau; trong ba đường ác lẽ ra chẳng thọ quả vui, vì cũng chống trái nhau. Khổ lạc trong đây đều là riêng chuốc lấy nên xả thọ không chống trái.
Hỏi: Vì sao bản thức không tương ưng năm tâm sở biệt cảnh v.v… ?
Đáp: Luận nói: Vì chống trái nhau, vì mong chuyển những điều vui, thức này theo nghiệp không mong cầu thì được thắng giải ấn trì việc quyết định mà chuyển; thức này mờ mịt không chỗ ấn trì, chỉ ghi nhớ những việc theo thói quen chuyển; thức này mù mờ yếu kém không thể ghi nhớ, định có thể khiến tâm chuyên chú một cảnh; thức này theo biệt duyên trong sát-na, huệ chỉ giản trạch những sự việc trên mà chuyển. Nhưng thức này còn chút mờ mịt không thể giản trạch nên chẳng tương ưng với biệt cảnh. Thức này chỉ là dị thục tính nên thiện nhiễm v.v…, cũng chẳng tương ưng với ác tác v.v… Tính vô ký là do vì có gián đoạn nên quyết định chẳng phải dị thục.
Giải thích:
Định có thể tâm chuyên chú một cảnh, thức này theo biệt duyên trong sát-na, định tuy trong sát-na mới khởi bóng dáng tướng phần; đến lúc gia hạnh, bản chất được quán trước sau tương tục luôn chuyên chú một cảnh. Thức này hồn nhiên không cần gia hạnh chuyên chú bản chất, hằng duyên bóng dáng sở duyên hiện tại mới sinh khởi. Vả lại, hành tướng của định mỗi một sát-na thu lấy chuyên chú đến sở duyên. Thức này thô phù, hành tướng không như thế cho nên chẳng phải địa vị cố định.
Nói nhiệm vận là theo nghiệp chuyển.
Ác tác v.v… quyết định chẳng phải dị thục là chẳng phải chân dị thục, chẳng gồm dị thục sinh; cũng có ác tác chẳng phải mọi lúc thường tương tục, chẳng phải tương ưng. Cho nên biết thức thứ tám thường như tướng xả thọ, vì duyên nhiệm vận hợp với đạo thường hằng, chẳng bị pháp bất tịnh làm ô nhiễm, thì đâu bị pháp tịnh chi phối; chẳng bị sinh tử trói buộc thì niết-bàn đâu thể tịch diệt ? Cho nên gọi là thức chủ hay tâm vương. Sau đó, nhân một niệm vô minh khởi dậy sóng mòi bảy thức bèn sinh tâm sở, đánh mất bản tâm vương, đều do gượng ép giác cái giác minh, phân ra năng sở, khởi ra cái tri giác sáng suốt, tâm cảnh rõ ràng; vận dụng tình phân biệt, tự tha minh bạch. Nhân đây, trong tâm hữu tình chạy theo thương ghét mà kết oán thân; trong cảnh vô tình theo tưởng niệm mà bày hình ngại khiến cho ngoài thì ruộng dâu thành biển xanh, biển xanh thành ruộng dâu, trong thì người thân thành kẻ oán, kẻ oán thành người thân. Từ chỗ đối đãi sai biệt này mà nghiệp quả luôn mới, duyên khổ không gián đoạn. Vì vậy kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Phật bảo Phú-lâu-na: Minh là vọng chẳng phải cái gì khác, vì giác minh là lỗi; cái sở minh hư vọng đã lập thì cái năng minh không vượt khỏi được. Do nhân duyên ấy, nghe không ra ngoài tiếng, thấy không vượt khỏi sắc… Duy ba môn sát, đạo, dâm làm gốc, vì nhân duyên đó nghiệp quả tiếp tục.
Phú-lâu-na, ba thứ điên đảo tiếp tục ấy đều do tính sáng suốt rõ biết của giác minh, nhân rõ biết phát ra có tướng, theo vọng tưởng mà kiến chấp sinh, các tướng hữu vi như núi sông, đất liền thứ lớp dời đổi, đều do cái hư vọng này mà xoay vần sau trước”.
Thế nên nếu muốn trở về nguồn cội, trái vọng hợp chân, chỉ cần một niệm chẳng sinh, bặt dứt trước sau, trừ tâm phân biệt, dứt nghiệp luân hồi, rễ đứt cành khô, nhân không quả mất, tình trần thức cấu từ vô thỉ ứng niệm toàn tiêu, Phật nhãn xưa nay, pháp thân thường trụ tùy chân liền hiện.