TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch
QUYỂN 31
Cảnh giới chư Phật chỉ hướng về môn bất tư nghì nhất tâm giải thoát. Tại sao gọi là bất tư nghì giải thoát ? Vì tất cả pháp chẳng phải có mà có, có mà chẳng phải có chẳng phải định lượng biết được nên gọi là bất tư nghì. Đã vì chẳng phải có mà có thì chẳng trụ nơi không; có mà chẳng phải có thì chẳng trụ nơi có. Có không chẳng trụ thì đối với các pháp thảy đều giải thoát, vì tất cả pháp không ra ngoài có không. Nên biết trong nhất tâm giải thoát, không có văn tự, không có sinh tử, không có phiền não, không có ấm giới, không có chúng sinh, không có khổ vui, không trói buộc, không vãng lai, không thị, không phi, không đắc không thất, cho đến không bồ-đề, không niết-bàn, không chân như, không giải thoát. Nói tóm lại, tất cả các pháp thế, xuất thế gian đều không có.
Như kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Tri kiến lập tri là gốc vô minh, tri kiến vô kiến là niết-bàn”. Vô lậu chân tịnh làm thế nào dung nạp vật khác ?
Như trên đã nói sinh tử thế gian, niết-bàn xuất thế v.v… vô lượng tên gọi sai biệt đều từ tri kiến văn tự lập ra. Nếu không có tri kiến văn tự, danh thể vốn không, ở trong tâm diệu minh còn có vật gì ? Như bài kệ của Lục Tổ nói: “Bồ-đề vốn không cội, gương sáng chẳng phải đài, xưa nay không một vật, cần gì phải lau chùi”. Đại sư Pháp Dung nói: “Chí lý không thuyên bày chẳng phải cởi, chẳng phải trói, linh thông ứng vật thường còn trước mắt, trước mắt rõ ràng không vật, chẳng cần người biết thể tự hư huyền”. Lại nói: “Không vật là thiên chân, thiên chân là đại đạo”. Hàn Sơn có thơ:
Hàn Sơn ở trong hang
Trong hang không một vật
Rõ ràng thật trong sạch
Sáng rực như mặt trời.
Cơm hẩm nuôi thân gầy
Áo vải che hình huyễn
Mặc cho nghìn Thánh hiện
Riêng ta thiên chân Phật.
Do đó trong kinh Đại Niết-bàn, Phật nói một trăm câu giải thoát sánh với một trăm cân vàng là trân bảo vô thượng của chư Phật, là của báu bí mật của niết-bàn. Thế nên mỗi câu đều nói chân giải thoát là Như Lai, Như Lai là từ trong tính nhất tâm chân như đến. Còn chữ Như là nghĩa chẳng biến đổi. Vì không mất tự tính nên gọi là Như Lai. Tức là chân như chẳng giữ tự tính tùy duyên hiển hiện nên gọi là Lai. Đây là lai mà bất lai, vì tính chân như trùm khắp mọi nơi, thật sự không đến đi, theo tâm cảm ứng không có ẩn hiển. Lại kinh nói: “Như Lai tức là pháp”. Cho nên luận Khởi Tín nói: “Pháp chính là tâm chúng sinh”. Do đó Cổ đức nói: Tâm vốn thanh tịnh cũng không có tướng tịnh mới thấy tâm mình, cho nên trong một trăm câu giải thoát, mỗi câu nói về tâm, tâm tâm giải thoát, không có một câu một chữ nào chẳng phải là chỉ nam của Tông Cảnh.
Như kinh ghi: “Bấy giờ, Bồ-tát Ca-diếp lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn, cúi mong ngài xót thương mà diễn nói ý nghĩa giải thoát của hạnh đại niết-bàn. Phật khen ngợi Ca-diếp: Lành thay, lành thay! Này thiện nam, giải thoát chân thật gọi là xa lìa mọi ràng buộc. Nếu thật sự giải thoát lìa các trói buộc thì không có sinh, cũng không có hòa hợp như cha mẹ hòa hợp mà sinh con. Thật sự giải thoát thì không như thế, cho nên giải thoát gọi là bất sinh. Này Ca-diếp, như tính chất đề-hồ trong sạch, Như Lai cũng vậy, chẳng phải do cha mẹ hòa hợp mà sinh. Tính Như Lai thanh tịnh, sở dĩ thị hiện có cha mẹ là vì muốn hóa độ chúng sinh, nên thật sự giải thoát tức là Như Lai. Như Lai với giải thoát không hai không khác, như những tháng mùa xuân xuống giống đậu được khí ấm áp nuôi dưỡng sinh ra cây đậu, chân giải thoát không như thế”.
Lại giải thoát gọi là hư vô, hư vô là giải thoát, giải thoát là Như Lai, Như Lai là hư vô, chẳng phải năng tác và sở tác. Những gì được tạo tác như thành quách lầu các, chân giải thoát không như thế, cho nên giải thoát là Như Lai.
Giải thoát là pháp vô vi, như thợ gốm làm rồi lại phá, giải thoát không như thế, giải thoát là chẳng sinh chẳng diệt, thế nên giải thoát là Như Lai. Như Lai cũng thế, bất sinh bất diệt, chẳng già chẳng chết, không phá không hoại, chẳng phải là pháp hữu vi. Do vì nghĩa này nên gọi là Như Lai. Nhập Đại niết-bàn không già không chết có ý nghĩa gì ? Già là nghĩa biến đổi, tóc bạc da nhăn; chết là nghĩa thân hoại mạng chung. Những pháp như thế không có trong giải thoát, vì không có những việc ấy nên gọi là giải thoát. Như Lai cũng không có pháp hữu vi tóc bạc da nhăn, cho nên Như Lai không có già, không có già nên không có chết.
Giải thoát gọi là không bệnh; bệnh gồm có bốn trăm lẽ bốn bệnh và những thứ khác bên ngoài xâm nhập làm tổn hại thân thể, vì nơi đây không có điều ấy nên gọi là giải thoát. Không tật bệnh là chân giải thoát. Chân giải thoát là Như Lai. Như Lai không bệnh, cho nên pháp thân cũng không bệnh, như vậy không bệnh là Như Lai.
Chết là thân hoại mạng chung, nơi đây không chết là cam-lộ, cam-lộ là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai. Như Lai thành tựu công đức như thế vì sao lại nói Như Lai vô thường ? Nếu nói vô thường thì không đúng! Thân kim cương này làm sao vô thường, thế nên Như Lai không gọi là mạng chung. Như Lai thanh tịnh không có nhơ uế, thân Như Lai chẳng phải là bào thai nhơ nhớp, như phân-đà-lợi bản tính thanh tịnh, Như Lai giải thoát cũng như thế. Như vậy giải thoát là Như Lai, thế nên Như Lai thanh tịnh không nhơ uế.
Giải thoát là không còn bệnh lậu, ung, nhọt, Như Lai cũng thế không bệnh lậu, ung, nhọt.
Giải thoát không có đấu tranh, ví như người đói khát thấy thức ăn của kẻ khác sinh lòng tham chiếm đoạt, giải thoát không như thế.
Giải thoát gọi là an tĩnh. Kẻ phàm phu nói an tĩnh nghĩa là ma-hê-thủ-la, nói như thế là không đúng. Chân thật an tĩnh là cứu cánh giải thoát tức là Như Lai.
Giải thoát gọi là an ổn, như chỗ có nhiều kẻ trộm không gọi là an ổn, chỗ bình yên mới gọi là an ổn. Trong sự giải thoát không có sợ hãi nên gọi là an ổn. Thế nên an ổn là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai, Như Lai là pháp.
Giải thoát không có bạn hữu. Có bạn hữu như có quốc vương, có nước láng giềng v.v… Giải thoát không như thế, không có bạn hữu. Nghĩa là Chuyển luân thánh vương không có kẻ ngang hàng, giải thoát cũng thế không có bạn hữu. Không có bạn hữu là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai chuyển luân pháp vương, cho nên Như Lai không có bạn hữu.
Giải thoát gọi là không lo buồn. Có lo lắng như quốc vương sợ nước láng giềng xâm lấn. Giải thoát thì không có việc ấy, như dẹp trừ oán tặc không còn lo lắng, giải thoát cũng vậy không có lo sợ, không lo sợ là Như Lai.
Giải thoát gọi là không vui buồn, như phụ nữ chỉ có một người con phải đi lính miền xa, bỗng nghe hung tin liền buồn khổ, về sau nghe tin con mình còn sống thì vui mừng! Trong giải thoát không có việc ấy. Không vui buồn là chân giải thoát, chân giải thoát là Như I.ai.
Giải thoát không có bụi mù, như vào mùa xuân sau khi mặt trời lặn gió nổi bụi mù, trong sự giải thoát không có việc ấy. Không có bụi mù dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai. Ví như hạt minh châu trong búi tóc Thánh vương không có bụi nhỏ, tính giải thoát cùng như thế không có nhơ uế. Không nhơ uế dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai, như tính của vàng ròng không lẫn lộn cát đá mới gọi là chân bảo. Có người được vàng liền nghĩ là mình có của cải. Tính giải thoát cũng như thế như chân bảo kia. Chân bảo ấy dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Ví như lọ sành bị vỡ âm thanh đục, lọ kim cương không như thế. Giải thoát cùng không có tiếng vỡ đục. Lọ kim cương dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai, thế nên thân Như Lai không thể phá hoại. Sự giải thoát không có việc ấy như lọ kim cương không có tiếng vỡ đục, cho dù vô lượng trăm nghìn người cùng bắn vào cũng không thể phá hoại. Không có tiếng vỡ đục dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai. Như kẻ nghèo cùng tham châu báu mắc nợ người nên bị gông cùm xiềng xích chịu sự khổ độc, trong sự giải thoát không có việc ấy không có mắc nợ. Cũng như ông trưởng giả có nhiều của cải vô lượng ức số, thế lực tự tại không nợ nần. Sự giải thoát cũng như thế, có vô lượng pháp tài trân bảo, thế lực tự tại. Không nợ dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là không bức bách, như mùa hè nóng bức, mùa đông lạnh lẽo, trong sự giải thoát không có việc chẳng vừa ý như thế. Không bức bách dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Lại không bức bách như có người ăn thịt cá no nê mà còn uống sữa thì sẽ bị bội thực gần chết. Trong sự giải thoát không có việc ấy, người này nếu được thuốc hay cam-lộ thì tai họa sẽ qua, chân giải thoát cũng như thế. Thuốc hay cam-lộ dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai. Thế nào là bức bách và không bức bách ? Như người ngã mạn tự cao nghĩ rằng: Trong thiên hạ đâu ai có thể hại được ta, ông bèn bắt lấy rắn, rít, độc trùng, nên biết rằng người này chưa hết thọ mạng thì cũng hoạnh tử, trong chân giải thoát không có việc ấy.
Không bức bách như Chuyển luân vương có hạt châu thần có thể chế phục chín mươi sáu loại độc trùng như bọ hung v.v… Nếu nghe thấy mùi hạt châu thần, các độc bị tiêu diệt. Chân giải thoát cũng như thế, thảy đều xa lìa hai mươi lăm cõi. Độc bị tiêu diệt dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai. Lại không bức bách như hư không, giải thoát cũng thế. Hư không dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai. Lại bức bách như cỏ khô gần lửa thì sẽ cháy, trong chân giải thoát không có việc ấy. Lại không bức bách như mặt trời mặt trăng không bức bách chúng sinh; giải thoát cũng vậy, đối với chúng sinh không bức bách. Không bức bách dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là pháp không động, cũng như oán thân chân giải thoát không có việc ấy. Không động như Chuyển luân thánh vương không còn Thánh vương cho là thân hữu. Nếu còn có thân hữu thì không đúng, giải thoát cũng thế không còn thân hữu. Vua không có thân hữu dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai, Như Lai là pháp. Không động giống như áo bên ngoài dễ bị nhiễm màu, giải thoát không như thế. Không động như muôn hoa Bà-sư có mùi thơm và có màu xanh thì không thể được; giải thoát cũng vậy, muốn có mùi thơm và màu sắc cũng không thể được, thế nên giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là hi hữu, ví như trong nước mọc hoa sen không phải là việc hi hữu, trong lửa sinh hoa sen mới là hi hữu có người thấy việc ấy bèn vui mừng; chân giải thoát cùng như thế, ai thấy nó cũng hoan hỉ; việc hi hữu dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai, Như Lai là pháp thân. Lại hi hữu như trẻ con chưa mọc răng, dần dần lớn lên mới mọc răng, giải thoát không như thế, không có sinh và chẳng sinh.
Giải thoát gọi là rỗng lặng không có bất định. Bất định như nhất-xiển-đề rốt ráo không thay đổi, phạm trọng cấm không thành Phật đạo, thật không có việc ấy. Vì sao ? Người này nếu ở trong chính pháp của Phật tâm được tịnh tín, khi ấy liền tiêu diệt nhất-xiển-đề. Nếu lại được làm ưu-bà-tắc cũng đoạn diệt được nhất-xiển-đề phạm trọng cấm, diệt hết tội này rồi mới được thành Phật. Thế nên nói nhất định không dời đổi, không thành Phật đạo là không có lẽ đó. Trong chân giải thoát không có sự diệt tận ấy. Hư tịch là rơi vào pháp giới, như pháp giới tính là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai. Lại nếu tận diệt nhất-xiển-đề thì không được gọi là nhất-xiển-đề. Tại sao gọi là nhất-xiển-đề ? Nhất-xiển-đề là dứt sạch cội gốc của mọi điều thiện, tâm chẳng phan duyên các pháp lành, cho đến không sinh một niệm thiện. Trong chân giải thoát không có việc ấy, không có việc ấy là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là không thể lường, như đống thóc có thể đo lường, chân giải thoát không như thế, như biển cả không thể đo lường; giải thoát cũng thế không thể đo lường; không thể đo lường là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là vô lượng pháp, như một chúng sinh có nhiều nghiệp báo; giải thoát cũng thế, có vô lượng báo. Vô lượng báo là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là rộng lớn, như biển cả không gì sánh bằng; giải thoát cũng thế không gì sánh bằng. Không sánh bằng là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là tối thượng, như hư không cao tột không gì bằng; giải thoát cũng thế tối cao không gì bằng. Cao không gì bằng là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là không thể vượt qua, ví như chỗ ở của sư tử, trăm thú không thể vượt qua; giải thoát cũng thế, không thể vượt qua, không thể vượt qua là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là vô thượng, ví như phương Bắc là trên cả các phương, giải thoát cũng thế là vô thượng. Vô thượng là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là vô thượng thượng như phương Bắc đối với phương Đông là vô thượng thượng; giải thoát cũng thế là vô thượng thượng. Vô thượng thượng là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là hằng pháp, như trời người khi thân hoại mạng chung thì gọi là hằng, chẳng phải bất hằng, giải thoát cũng thế chẳng phải là bất hằng. Chẳng phải bất hằng là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là rắn chắc, như Khư-la-chiên-đàn trầm thủy có tính chất rắn chắc; giải thoát cũng thế tính nó rắn chẳc. Tính rắn chắc là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là không rỗng, như ống trúc trong ruột rỗng không, giải thoát không như thế, nên biết giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là không nhiễm ô, như vách tường chưa sơn quét, ruồi muỗi đậu lên đó đùa giỡn. Nếu dùng sơn vẽ tô, ruồi muỗi nghe mùi sơn không dám đậu. Như vậy chẳng trụ dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là vô biên, như thôn xóm có ranh giới; giải thoát không như thế, như hư không không có bờ mé, giải thoát cũng thế không có bờ mé, như vậy giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là khó thấy, như dấu chim trong hư không khó thấy. Như vậy khó thấy dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là thậm thâm. Vì sao ? Thanh văn, Duyên giác không thể vào, không thể vào là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai. Thậm thâm là chỗ cung kính của chư Phật, Bồ-tát, như người con hiếu nuôi dưỡng cha mẹ công đức thậm thâm. Công đức thậm thâm dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là không thể thấy, ví như có người không thấy được đỉnh đầu của mình, giải thoát cũng thế, Thanh văn, Duyên giác không thể thấy. Không thể thấy là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là không nhà cửa, như hư không không có nhà cửa, giải thoát cũng thế. Nhà cửa là dụ cho hai mươi lăm cõi. Không có nhà cửa dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là không thể nắm giữ, như trái a-ma-lặc có thể nắm giữ, giải thoát không như thế, không thể nắm giữ. Không nắm giữ là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là không thể cầm nắm như vật huyễn không thể cầm nắm, giải thoát cũng thế không thể cầm nắm. Không thể cầm nắm là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát không có thân thể, ví như có người thân thể sinh ung nhọt, trong chân giải thoát không có những bệnh ấy. Không có bệnh ấy dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là nhất vị, như sữa nhất vị, giải thoát cũng thế chỉ có nhất vị, như thế nhất vị là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là thanh tịnh, như nước không cặn bả lóng lặng trong sạch, giải thoát cũng thế lóng lặng trong sạch. Lóng lặng trong sạch là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là nhất vị, như mưa trong hư không chỉ có một vị trong sạch. Một vị trong sạch dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là trừ bỏ, như trăng tròn không có mây âm u, giải thoát cũng thế không có mây âm u. Không có mây âm u là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là tịch tĩnh, như có người bệnh nhiệt trừ dứt, thân được tịch tĩnh, giải thoát cũng thế, thân được tịch tĩnh. Thân được tịch tĩnh là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là bình đẳng, ví như mèo hoang, rắn độc, chuột, sói, đều có tâm sát hại, giải thoát không như thế, không có tâm sát hại. Không tâm sát hại là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai. Lại bình đẳng như cha mẹ đều thương con như nhau, giải thoát cũng thế, tâm bình đẳng, tâm bình đẳng là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát không có nơi khác, ví như có người chỉ ở nhà cửa tốt đẹp sạch sẽ, không ở nơi khác. Giải thoát cũng như thế không có nơi khác. Không có nơi khác là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là tri túc, ví như kẻ đói gặp thức ăn ngon thì ăn hoài không ngán, giải thoát không như thế, như ăn sữa, cháo cũng đủ không cần thêm gì nữa, không cần gì nữa dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là đoạn tuyệt, như người bị trói buộc được cắt dây cởi trói; giải thoát cũng thế, đoạn tuyệt tất cả lòng nghi trói buộc. Dứt nghi là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là đến bờ kia, ví như biển cả có bờ bên này bờ bên kia; giải thoát không như thế, chỉ có bờ bên kia mà không có bờ bên này, có bờ bên kia là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là im lặng, như biển cả ì ầm sóng biển, giải thoát không như thế, giải thoát như thế là Như Lai.
Giải thoát gọi là thơm ngon, ví như thuốc Tạp-ha-lê-lặc vị nó rất đắng, giải thoát không như thế, vị như cam-lộ. Cam-lộ dụ cho chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát trừ các phiền não, ví như lương y hòa hợp các thứ thuốc khéo trị lành các bệnh, giải thoát cũng thế có thể trừ phiền não. Trừ phiền não là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là không chật hẹp, ví như nhà hẹp không thể chứa nhiều người, giải thoát không như thế, nó có nhiều chỗ dung nạp. Nhiều chỗ dung nạp là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là diệt các ái, không dâm dục tạp loạn; ví như người nữ có nhiều ái dục. Giải thoát không như thế, giải thoát như thế là Như Lai. Như vậy Như Lai không có các phiền não như tham dục, sân khuể, ngu si, kiêu mạn v.v…
Giải thoát gọi là không yêu thích. Ái có hai thứ: Một là ngạ quỉ ái, hai là pháp ái. Chân giải thoát xa lìa ngạ quỉ ái, vì thương xót chúng sinh nên có pháp ái. Như vậy pháp ái là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát là lìa ngã và ngã sở. Giải thoát như thế là Như Lai. Như Lai là pháp.
Giải thoát là diệt tận và lìa tham của các hữu, giải thoát như thế là Như Lai, Như Lai là pháp.
Giải thoát gọi là cứu hộ, hay cứu tất cả sự lo sợ. Giải thoát như thế là Như Lai, Như Lai là pháp.
Giải thoát gọi là chỗ trở về. Nếu có chỗ nương tựa giải thoát không tìm chỗ nương tựa khác, như có người dựa vào vua thì không nương tựa người khác. Nhưng dựa vào vua thì có động chuyển, nương giải thoát thì không có động chuyển. Không động chuyển là chân giải thoát chân giải thoát là Như Lai, Như Lai là pháp.
Giải thoát gọi là có nhà cửa, như kẻ đi ngoài đồng trống có hiểm nạn. Giải thoát không như thế, không có hiểm nạn, không có hiểm nạn là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là không sợ hãi, như sư tử chúa giữa muôn thú không sợ hãi. Giải thoát cũng thế ở trong các loài ma không sợ hãi. Không sợ hãi là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát không chật hẹp, ví như con đường hẹp đến nỗi hai người không thể cùng qua, giải thoát không như thế. Giải thoát như vậy là Như Lai. Lại không chật hẹp như có người sợ cọp mà rơi xuống giếng, giải thoát không như thế. Giải thoát như thế là Như Lai. Lại không chật hẹp như trong biển cả bỏ chiếc thuyền nhỏ mục nát, được chiếc thuyền lớn bền chắc, dong thuyền vượt biển đến nơi an ổn, tâm được vui sướng. Giải thoát cũng thế, tâm được vui sướng. Được vui sướng là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát là nhổ bỏ các nhân duyên, ví như do sữa được lạc, nhân lạc được tô, do tô được đề-hồ. Trong chân giải thoát đều không có nhân này. Không có nhân là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát hay phục trừ kiêu mạn, ví như đại vương xem thường tiểu vương, giải thoát không như thế. Giải thoát như thế là Như Lai, Như Lai là pháp.
Giải thoát là chế phục các phóng dật. Phóng dật nghĩa là có nhiều tham dục. Trong chân giải thoát không có tên gọi này. Không có tên gọi này là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát hay trừ vô minh, như tô thượng diệu trừ bỏ các cặn cấu gọi là đề-hồ. Giải thoát cũng thế, trừ bỏ cặn bả vô minh sinh ra chân minh. Chân minh này là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là tịch tĩnh, thuần nhất không hai, như con voi nơi đồng hoang ở một mình không có bạn hữu, giải thoát cũng thế chỉ một không hai. Chỉ một không hai là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là chắc thật, như cây trúc, cây lau thân rỗng mà hạt chắc. Trừ Phật Như Lai, các loài trời người đều không chắc thật. Chân giải thoát xa lìa tất cả các dòng chảy. Giải thoát như thế là Như Lai.
Giải thoát gọi là hay giác liễu, thêm lợi ích cho mình. Chân giải thoát cũng như thế, giải thoát như thế là Như Lai.
Giải thoát gọi là bỏ những sở hữu, ví như có người ăn rồi lại nhổ ra, giải thoát cũng thế, bỏ các sở hữu là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là quyết định, như hương của hoa Bà-sư không có trong thất diệp. Giải thoát cũng thế, giải thoát như thế là Như Lai.
Giải thoát gọi là thủy đại, ví như thủy đại vì có thế lực hơn các đại khác nên có thể thấm nhuần tất cả hạt giống cây cỏ. Giải thoát cũng thế có thể thấm nhuần tất cả các loài hữu sinh, giải thoát như thế là Như Lai.
Giải thoát gọi là đi vào, như có cửa nẻo thì đường mới thông, vào trong chỗ có tính vàng thì mới được vàng. Giải thoát cũng thế như cửa nẻo kia, tu vô ngã thì được vào trong ấy. Giải thoát như thế là Như Lai.
Giải thoát gọi là làm điều thiện, như đệ tử theo thầy, vâng theo lời dạy được gọi là thiện. Giải thoát cũng thế, giải thoát như thế là Như Lai.
Giải thoát gọi là pháp xuất thế, đối với tất cả pháp vượt lên cả, như trong các vị tô sữa là ngon nhất. Giải thoát cũng thế, giải thoát như thế là Như Lai.
Giải thoát gọi là bất động, ví như cửa cài then gió không thể động, chân giải thoát cũng như thế, giải thoát như thế là Như Lai.
Giải thoát gọi là không có sóng mòi, như biển cả có sóng mòi, giải thoát không như thế. Giải thoát như thế là Như Lai.
Giải thoát như cung điện, giải thoát cũng thế nên biết giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là chỗ sử dụng, ví như vàng Diêm-phù-đàn có nhiều cách sử dụng, không thể nói là vàng xấu. Giải thoát cũng thế, không có lỗi lầm là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát là bỏ hạnh trẻ con, ví như người lớn bỏ hạnh trẻ con. Giải thoát cũng thế trừ bỏ ngũ ấm. Trừ bỏ ngũ ấm là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là cứu cánh, ví như bị trói được cởi mở, tắm rửa sạch sẽ sau đó trở về nhà. Giải thoát cũng thế, hoàn toàn thanh tịnh, hoàn hoàn thanh tịnh là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là niềm vui vô tác. Vui vô tác là nôn mửa tham dục, sân khuể, ngu si, như có người uống nhầm nọc rắn, để trừ nọc rắn liền uống thuốc nôn ra. Đã được nôn ra chất độc tiêu trừ, thân an vui. Giải thoát cũng thế, nôn ra những chất độc phiền não kết phược, thân được an vui gọi là niềm vui vô tác. Vui vô tác là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là đoạn bốn loại rắn độc phiền não, đoạn phiền não là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là lìa các hữu, dứt tất cả đau khổ được an vui, dứt hẳn tham dục, sân khuể, ngu si, nhổ phăng tất cả gốc rễ phiền não. Nhổ gốc rễ là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là dứt trừ các pháp hữu vi, sinh ra các thiện pháp vô lậu, đoạn các chướng ngại đó là ngã, vô ngã, phi ngã, phi vô ngã; chỉ đoạn chấp trước mà không đoạn ngã kiến. Ngã kiến gọi là Phật tính, Phật tính là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là chẳng phải không không. Không không gọi là không có gì cả. Không có gì cả là chỗ giải thoát của ngoại đạo Ni-kiền-tử, thật ra Ni-kiền-tử không được giải thoát, nên gọi là không không. Chân giải thoát không như thế, nên chẳng phải không không. Chẳng phải không không là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là bất không, như chiếc bình chứa nước, rượu, tô, lạc, mật v.v… tuy lúc không có nước, rượu v.v… vẫn được gọi là bình đựng nước, rượu v.v…, chiếc bình như thế không thể nói là không và bất không. Nếu nói không thì không có sắc hương vị xúc, nếu nói bất không thì lại không thật có nước, rượu v.v… Giải thoát cũng thế, không thể nói sắc và phi sắc, không thể nói không và bất không. Nếu nói không thì không có được thường lạc ngã tịnh, nếu nói bất không thì ai thọ nhận thường lạc ngã tịnh ấy. Vì ý nghĩa này không thể nói không và bất không. Không nghĩa là không có hai mươi lăm cõi, tất cả phiền não, tất cả khổ đau, tất cả tướng, tất cả hạnh hữu vi, như chiếc bình không có nước, rượu v.v… thì gọi là không. Bất không nghĩa là thiện sắc chân thật, thường lạc ngã tịnh không đổi không động cũng như chiếc bình kia có sắc hương vị xúc nên gọi là bất không. Cho nên chiếc bình dụ cho giải thoát, chiếc bình gặp duyên thì hư hoại, giải thoát không như thế, không thể hư hoại, không thể hư hoại là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai.
Giải thoát gọi là lìa yêu thích, như có người yêu thích mong muốn làm Thích Đề Hoàn Nhân, Đại Phạm thiên vương, Tự Tại thiên vương. Giải thoát không như thế, nếu được thành Vô thượng chính đẳng chính giác thì không thích không nghi, không thích không nghi là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai. Nếu nói giải thoát có thích có nghi thì không có lẽ ấy.
Giải thoát gọi là dứt tất cả tham, đoạn tất cả tướng, tất cả trói buộc, tất cả phiền não, tất cả sinh tử, tất cả nhân duyên, tất cả quả báo. Giải thoát như thế là Như Lai, Như Lai là niết-bàn.
Tất cả chúng sinh vì sợ hãi sinh tử, phiền não nên thọ tam quy, như bầy nai sợ thợ săn không dám tách đàn. Nếu được một bầy thì dụ cho nhất quy, ba bầy như thế thì dụ cho tam quy. Nhờ có ba bầy mà được an vui. Chúng sinh cũng thế vì sợ bốn thứ ác ma nên thọ tam quy y, nhị quy y thì được an vui. Được an vui là chân giải thoát, chân giải thoát là Như Lai, Như Lai là niết-bàn, niết-bàn là vô tận, vô tận là Phật tính, Phật tính là quyết định, quyết định là Vô thượng chính đẳng chính giác.
Giải thích:
Một trăm câu giải thoát trên, lời lẽ không rườm rà lại còn giải thích đại ý, chỉ nói về nhất tâm chân tính giải thoát, đem thật huệ giải thoát hiển bày chân tính này, sau đó trở thành phương tiện huệ giải thoát, cho nên có thể tự giác giác tha, gọi là Phật, là pháp thân bình đẳng thiên chân Phật. Do đó kinh nói: Phải biết giải thoát là Như Lai, tính của Như Lai là giải thoát. Giải thoát và Như Lai không hai không khác. Thế nên tính của Như Lai là tính chúng sinh, tính chúng sinh là tính của tất cả pháp, tính của tất cả pháp tính là tâm tính. Do vì tâm tính ở khắp nơi nên khắp nơi đều là bất tư nghì giải thoát. Do vì chẳng thấy tự tính nên chạy theo trần cảnh tham đắm, tham đắm thì bị trói buộc. Nếu thấu rõ tông này thì trói mở đều không còn, cho nên nói xa lìa tức chấp trước, chấp trước tức xa lìa. Trong môn huyễn hóa sinh thật nghĩa cũng không xa lìa, không chấp trước thì chỗ nào lại tìm cầu thuốc trị bệnh ?
Một trăm câu giải thoát này giải bày quanh co là lời dạy cứu cánh, là chỉ quy tối hậu, là bí tạng của niết-bàn, là chính tông của chư Phật. Do đó chép đủ toàn văn, chứng minh Tông Cảnh, xin chớ nhàm chán khi xem qua, hi vọng sáng tỏ tâm tính. Đây là nguồn của trói mở, là gốc của mê ngộ. Nếu tâm cởi mở thì tất cả cởi mở, tương ưng với chân tính. Nếu tâm trói buộc thì tất cả trói buộc, chung sống với trần lao. Đạo xuất yếu này không còn phương cách nào để nói nữa.
Pháp môn giải thoát bất tư nghì chân tính này một khi vào toàn chân, ngoài chân không có pháp, ý bặt năng sở, tình dứt thị phi. Đây chẳng phải là hạng pháp sư chuyên tụng kinh văn, muốn đến được bờ biển trí thì phải bậc thiền tăng ngầm chứng, sáng tỏ đèn huệ; chỉ có người thật sự thấy tính mới có thể ngộ nhập thấu suốt không nghi. Giáo môn viên đốn này duy nhất không phân biệt pháp, không bờ mé, không liên quan nhất đa. Vì tức biên mà trung nên không có pháp để sánh. Vì tức vọng mà chân nên không có pháp đối đãi, sao lại Phật pháp đối đãi với Phật pháp! Pháp giới của Như Lai duy nhất dứt sạch đối đãi cho nên ngoài pháp giới không còn pháp nào khác, không thể đối đãi, cũng không thể tuyệt, chỉ chứng mới tương ưng, không ở nơi lời nói. Như kinh Đại Tập ghi: “Chẳng đợi trang nghiêm mới biết rõ các pháp, vì được một là được tất cả”. Do đó nói: Một chiếc lá vàng rơi thì biết mùa thu, một hạt bụi dấy lên thì đại địa thâu, một đóa hoa nở thì biết mùa xuân, một việc lặng thì muôn pháp chân; bậc thượng căn một khi thấy thì không còn nghi, hàng trung hạ làm sao không nhờ phương tiện. Như Cô Tịch ngâm: Nêu một ví dụ chư vị tôn túc có thể biết, đâu cần phải nhiều lời dài dòng. Chỉ thấy kẻ đói đến là biết mong được no, đâu bao giờ nghe nước uống đuổi theo người khát.
Hỏi: Pháp thân của chúng sinh bình đẳng với Phật, tại sao không khởi tác dụng báo hóa ?
Đáp: Tuy vốn bình đẳng nhưng ẩn hiển có khác; ẩn gọi là Như Lai tạng, hiển gọi là pháp thân. Luận Khởi Tín nói: Chỉ vì chúng sinh mê chân lý chính mình khởi vọng niệm, khi ấy chân như đều hiện tướng ô nhiễm, không hiển được tác dụng ?
Sớ Sao nêu câu hỏi: Tâm chúng sinh với Phật thể đã đồng, khi chúng sinh mê sao chẳng khởi tác dụng ?
Đáp: Bởi vô minh có năng lực khởi ra chín tướng; vì chân như vô lực nên bị ẩn chẳng thể hiện tác dụng. Như nước bị gió xao động nổi sóng chẳng thể hiện bóng hình.
Sớ Sao ghi: Luận nói bản giác thường khởi tác dụng có hai ý: Một là căn cứ nội huân, là nghĩa tướng của tự thể huân tập. Luận nói từ vô thỉ đến nay đầy đủ pháp vô lậu, có đủ nghiệp tính bất tư nghì tạo ra cảnh giới. Y theo hai nghĩa này luôn huân tập. Hai là căn cứ ứng hóa chẳng khởi, chỉ vì vọng nhiễm che lấp, chứ không phải bản giác không có ứng dụng này, cũng không phải cố ý đè nén cho không khởi. Đây là lỗi ở nơi mê vọng mà không biết, đâu có liên quan gì đến giác, bởi vì bản giác thường có thường huân, như sáo trúc có âm thanh long phụng, gương sáng có tác dụng chiếu soi. Cho nên biết linh đài tuyệt diệu mà chúng sinh chẳng biết. Nếu tạm thời phản chiếu hồi quang thì không ai chẳng được, như trong lòng đất có nước, trong quặng mỏ có vàng; chỉ sợ chúng ta không chịu nhận lấy, chôn vùi của báu tâm linh. Tông Cảnh quanh co trình bày ý nghĩa dặn dò điều này, khuyên khắp hậu hiền cần phải “tri hữu”.