TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 32

Hỏi: Kinh Hoa Nghiêm là giáo lý viên mãn, nói một pháp vừa khởi đều có quyến thuộc sinh theo, tại sao chỉ nói bặt dứt đối đãi ?

Đáp: Nói quyến thuộc là quyến thuộc trong lý, chúng sinh như, Phật như, nhất như, vô nhị như, lý tính tương quan nên gọi là Như Lai, là cha mẹ của thế gian, tất cả chúng sinh là con của chư Phật.

Quyến thuộc của pháp môn căn cứ theo pháp tự chứng thì thiền định là cha, bát-nhã là mẹ sinh ra pháp thân thanh tịnh. Nếu theo pháp hóa tha thì phương tiện là cha, từ bi là mẹ sinh ra ứng hóa thân. Từ chân tính bát-nhã khởi đồng thể đại bi, vạn hạnh trang nghiêm đều là công đức của tính khởi, nhất định không có pháp ngoài tâm làm chủ bạn. Như kinh Bát-nhã ghi: “Muốn là thị giả Phật và nội quyến thuộc v.v… cần phải học bát-nhã”, vì bát-nhã là tính của tâm linh. Thế nên chư Phật, Bồ-tát làm bất cứ việc gì đều là trong kín ngoài hiện, chẳng bỏ đạo pháp mà hiện việc phàm phu.

Như kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới ghi: “Lại nữa thiện nam, Bồ-tát lấy bát-nhã ba-la-mật làm mẹ, phương tiện thiện xảo làm cha, bố thí ba-la-mật làm nhũ mẫu, trì giới ba-la-mật làm dưỡng mẫu, nhẫn nhục ba-la-mật làm các thức trang nghiêm, tinh tiến ba-la-mật làm người dưỡng dục, thiền-na ba-la-mật làm người tắm gội, thiện tri thức làm giáo thọ sư, tất cả bồ-đề phần làm bạn hữu, tất cả pháp thiện làm thân thuộc, tất cả Bồ-tát làm anh em, tâm bồ-đề làm nhà, tu hành như lý làm gia pháp, pháp lành các địa làm gia xứ, được các pháp nhẫn làm gia tộc, đại nguyện hiện tiền làm gia giáo, lấy trí thanh tịnh đầy đủ các hạnh làm thuận gia pháp, khuyến phát siêng tu chẳng đoạn Đại thừa làm nối tiếp gia nghiệp, nước pháp rưới đảnh một đời Bồ-tát làm vương thái tử, thành tựu bồ-đề chân thật rộng lớn làm tịnh gia tộc”.

Kinh Ương-quật-ma-la ghi: “Phật dạy: Tất cả chúng sinh có Như Lai tạng, tất cả người nam đều là anh em, tất cả người nữ đều là chị em; cho đến người nữ có Phật tạng, nam cũng thế. Vì sao nhất tính mà tự nhiễm trước. Bởi có nhất tính nên Như Lai tịnh tu phạm hạnh, trụ nơi chỗ của mình không hề thoái chuyển, đắc Như Lai địa”.

Kinh Duy-ma có kệ:

Trí độ mẹ Bồ-tát,
Phương tiện ấy là cha,
Tất cả các đạo sư,
Đều do đây sinh ra,
Lấy pháp hỉ làm vợ,
Từ bi làm con gái,
Thành thật làm con trai,
Tất cánh không làm nhà.
Đệ tử các trần lao
Tùy ý mà chuyển đổi
Đạo phẩm thiện tri thức,
Do đây thành Chính giác.
Các độ pháp làm bạn,
Tứ nhiếp, các kỹ nữ,
Ca vịnh tụng lời pháp.
Lấy đó làm âm nhạc
Lấy tổng trì làm vườn
Vô lậu là rừng cây,
Giác ý hoa tịnh diệu,
Giải thoát là quả trí,
Bát giải thoát ao tắm,
Nước định lặng lẽ đầy,
Phô bày hoa thất tịnh
Tắm gội người vô cấu,
Ngựa voi ngũ thông kéo,
Lấy đại thừa làm xe,
Điều khiển bằng nhất tâm,
Dạo trên đường bát chính.
Đủ tướng để làm đẹp,
Đồ trang sức vóc dáng
Hổ thẹn làm y phục,
Thâm tâm làm tràng hoa
Giàu có bảy tài bảo,
Giáo thọ làm thuốc bổ.
Tu hành như lời dạy,
Hồi hướng làm đại lợi,
Tứ thiền làm giường tòa,
Từ nơi tịnh mạng sinh,
Học rộng thêm trí tuệ,
Làm âm thanh tự giác,
Thức ăn pháp cam-lộ
Nước uống vị giải thoát,
Tắm gội bằng tịnh tâm,
Giới phẩm làm hương xoa,
Dẹp tan giặc phiền não,
Dũng mãnh không ai bằng
Hàng phục bốn thứ ma,
Phan đẹp dựng đạo tràng.

Sùng Phước Sớ ghi: “Thật đức giúp bên trong nuôi lớn gọi là mẹ, phương tiện nhiếp bên ngoài độ sinh gọi là cha, trong chứng được pháp sâu xa khiến cho tâm trí vui mừng gọi là vợ”.

Tăng Triệu nói: Tâm từ bi rỗng không thích hợp bên ngoài, tính mềm yếu theo vật không trái, nên như con gái. Sức thiện tâm lớn diệt ác tận nguồn, chân chứng tương ưng, nên như con trai. Lý nhị không đã chứng làm nhà ở, ngoại chướng như gió mưa sáu trần, bên trong trừ côn trùng ba độc. Lại có cái chẳng phải chân yếu, khi ấy tạm dạo chơi lấy hư không là nhà, nên nói rằng nhà tất cánh không. Có thể chuyển đổi chúng sinh trần lao thành Phật pháp; ngày xưa lang chủ vô minh ân ái với ma vương, nay giáo hóa khiến cho theo đạo gọi là đệ tử, nên nói rằng các đệ tử trần lao tùy ý được chuyển đổi. Cho đến ba mươi bảy phẩm làm tri thức, lục độ vạn hạnh làm pháp lữ, bạn đạo chân thật trợ giúp thành bồ-đề, tứ nhiếp bao trùm khiến người vui thích như kỹ nữ tán tụng lời pháp quyến rũ người mê âm nhạc; lấy tổng trì làm vườn cây đầy đủ các pháp; lấy vô lậu làm rừng hay trừ nhiệt não; lấy hoa thất giác tịnh diệu kết thành quả trí tuệ bát giải thoát; dùng nước định lặng lẽ làm nở hoa giác ngộ; dùng nhất thừa làm xe, ngũ thông làm ngựa, chế ngự bằng nhất tâm, dạo trên đường bát chính. Cho đến diệu tướng trang nghiêm dung mạo, các món trang sức thân thể, hổ thẹn làm y phục, thâm tâm làm tràng hoa, đủ bảy tài bảo của bậc Thánh, ngồi tòa tứ thiền, vào kho báu đa văn, sinh ra từ tịnh mạng, uống nước nhất vị giải thoát, ăn cam-lộ cứu cánh, phá tám muôn phiền não, thành năm phần pháp thân, hành bốn thứ ma quân, tròn ba đạo bồ-đề. Hoặc chủ hoặc bạn, hoặc nhân hoặc duyên, đều là thể dụng linh động của tâm Tông Cảnh, chưa từng có một pháp từ bên ngoài được kiến lập.

Thiên Thai Tịnh Danh Sớ hỏi: Khắp nơi đều có những pháp môn, căn cứ vào quán tâm tạo ra những thuyết ấy, ý Phật hẳn như vậy chăng ?

Đáp: Nếu nói trong kinh không có pháp môn giải thích nghĩa, ở phẩm Phật Đạo, Bồ-tát Phổ Hiện sắc Thân hỏi Duy-ma-cật: Này cư sĩ, cha mẹ, vợ con, thân thích, quyến thuộc v.v… là ai ? Đại sĩ dùng kệ đáp: Trí độ là mẹ của Bồ-tát v.v… Ngài Tịnh Danh đã là Bồ-tát tại gia làm sao không có cha mẹ vợ con nhà cửa nhưng không đáp theo sự việc ấy mà lại trả lời theo pháp môn nội hành. Nên biết chư Phật Bồ-tát chẳng khởi đạo pháp mà hiện việc phàm phu. Tuy hiện việc phàm phu nhưng đều biểu lộ đạo pháp bên trong, như đức Phật nhập niết-bàn tại Song thọ tứ khô tứ vinh, đâu có thể trực tiếp giải thích cây cối. Lời nói chân thật của Như Lai nhằm biểu thị bán mãn vinh khô. Nay ở vườn cây am-la thuộc Tỳ-da-ly muốn nói pháp môn giải thoát bất tư nghì, chẳng bỏ đạo pháp mà hiện thân như phàm phu, trụ Tỳ-da-ly đâu chẳng biểu thị pháp môn tột cùng đã trụ. Kinh Hoa Nghiêm thuyết minh mười thành mười vườn, đâu chỉ là thành vườn thế gian. Phẩm Bồ-Tát Hạnh ghi: Oai nghi chư Phật, những cử chỉ biểu lộ đều là Phật sự, làm sao có thể hiểu được việc làm của Phật, không thể suy nghĩ hiểu được những sự việc biểu hiện phương tiện giáo hóa vừa khéo léo vừa kín đáo của chư Phật và Bồ-tát”.

Kinh Pháp Hoa nói: “Muốn thuyết kinh này cần phải vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai. Nhà Như Lai là tâm đại từ bi; áo Như Lai là nhu hòa nhẫn nhục; tòa Như Lai là tất cả pháp không”.

Hỏi: Hoa Nghiêm là kinh đại thừa đốn giáo làm sao có thể căn cứ hạnh để nói các pháp môn; các kinh Phương đẳng và Tiểu thừa giáo làm thế nào có thể căn cứ quán hạnh để nói các nghĩa ?

Đáp: Kinh này đã nói: “Sự giải thoát của chư Phật phải tìm trong tâm hành chúng sinh”. Nếu không căn cứ vào quán hạnh thì đâu gọi là kinh này. Nếu không lấy các pháp môn thích hợp được nói trong vườn cây am-la tại thành Tỳ-da-ly thì chẳng được căn cứ quán tâm để giải thích, làm sao có thể trong tâm hành chúng sinh cầu sự giải thoát chư Phật. Nếu không ở nơi tâm hành cầu giải thoát thì làm sao được trụ giải thoát bất tư nghì. Nếu chẳng trụ giải thoát bất tư nghì thì làm thế nào ở trong chân lông thấy cõi Phật biến hiện tự tại như phẩm Bất Tư Nghì đã nói.

Lại nữa làm thế nào được như kinh Pháp Hoa nói thân căn thanh tịnh tất cả cõi nước mười phương đều hiện trong thân.

Đâu được như bài tụng trong kinh Hoa Nghiêm:

Vô lượng các thế giới
Đều từ tâm duyên khởi,
Vô lượng cõi chư Phật
Đều hiện trong chân lông.

Như trên hỏi Tiểu thừa chẳng căn cứ vào quán tâm để giải thích, vì sao trong kinh Tiểu thừa đức Phật vì người chăn trâu nói mười một pháp, nhất nhất đều phù hợp với quán tâm của tỳ-kheo. Những thí dụ này với các pháp môn của kinh Phương đẳng và Tam tạng đâu chẳng phù hợp quán tâm để nói rõ ý nghĩa. Cho nên biết giáo lý liễu nghĩa và bất liễu nghĩa đều là liễu nghĩa, vì chỉ có nhất tâm. Do đó nói: Căn cơ viên đốn phù hợp giáo lý thì không giáo nào chẳng viên mãn; lý tâm liên quan đến sự thì sự nào chẳng phải lý. Lại nói: Căn cơ kém thì pháp yếu, căn khí rộng thì đạo viên.

Hỏi: Tông này sâu xa tính tự thiên chân, chẳng phải được sinh từ sinh nhân, chỉ là được liễu từ liễu nhân, làm sao nói rộng các hạnh môn sai biệt ?

Đáp: Thấu đạt những loại khác nhau thì pháp pháp cùng ý chỉ, khéo thông dị đạo thì vật vật đều như. Nói liễu nhân là ở trong chân tâm tính đức hiển bày rõ ràng nên gọi là liễu nhân. Sinh nhân là trong tín tâm hay sinh lục độ vạn hạnh nên gọi là sinh nhân. Sinh liễu đều là tâm, lý hạnh chẳng phải ngoài tâm. Nếu chẳng rõ việc này mà lấy bỏ mọi thứ thì vừa vào tông này tự không có cao thấp. Những gì có trong ba cõi là tác dụng của bồ-đề, gốc ngọn đầy khắp lẫn nhau, có không dung thông nhau, đâu thể như cái không bao la, cái có trơ trọi.

Như luận Đại Trí Độ nói: “Không có hai thứ: Một là thiện không, hăng hái tu tất cả hạnh mà thấu rõ tính không; hai là ác không, tùy tiện làm việc ác mà muốn đạt được không”.

Nay nói về bất khả đắc không, cái không này chẳng lìa các pháp, các pháp chẳng lìa cái không này. Nên biết tất cả pháp hướng đến cái không như chiếc bình rỗng không. Mười phương giới không, không khác chiếc bình không, cho nên mười phương không đều hướng đến chiếc bình không. Luận Hoa Nghiêm nói: Nếu chỉ tu không pháp thân vô tưởng thì ở nơi trí không thể khởi dụng. Nếu chỉ một bề sinh tưởng, không thấy pháp thân vô tướng thì thuần là hữu vi. Lại nói: Đại bi như thế, trí tuệ như thế, vạn hạnh như thế, đều là nuôi lớn hàng sơ phát tâm trụ, mới sinh đại bi trí tuệ của Phật gia khiến cho thói quen tự tại nên thời cũng không đổi, pháp cũng không đổi, trí cũng không đổi như cây trúc, cây lau trước sau y như cũ không có thô tế thay đổi, như trẻ con từ khi sinh ra đến trưởng thành là lớn, lớn mà không khác. Cho nên biết hạnh môn sai biệt đều vào trong tất cánh không, không có phân biệt.

Như Bồ-tát Long Thọ hỏi: Nếu Bồ-tát biết Phật là phước điền, chúng sinh chẳng phải phước điền thì không phải Bồ-tát. Bồ-tát có năng lực gì có thể biết Phật bình đẳng với súc sinh ? Đáp: Bồ-tát với năng lực bát-nhã ba-la-mật, trong tất cả pháp tu tâm tất cánh không, thế nên đối với tất cả pháp không phân biệt; còn súc sinh do ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới hòa hợp sinh gọi là súc sinh. Phật cũng như thế, từ các thiện pháp hòa hợp tạm gọi là Phật.

Nếu người nào thương xót chúng sinh thì được vô lượng phước đức, còn đối với Phật có tâm chấp trước khởi các nhân duyên ác phải chuốc lấy vô lượng tội. Thế nên biết tất cả pháp tất cánh không mà chẳng khinh khi súc sinh, chẳng có tâm chấp trước quí trọng Phật.

Lại nữa thật tướng các pháp là tất cả pháp vô tướng. Trong vô tướng này chẳng phân biệt là Phật, là súc sinh. Nếu phân biệt là chấp lấy tướng. Thế nên phải quán bình đẳng. Kinh có bài kệ: “Trong tất cả các pháp, đều vào bình đẳng quán”. Kinh Đại Pháp Cự nói: “Nghĩa niết-bàn xưa nay tự có, chẳng phải do người làm ra nên gọi là niết-bàn”. Lại chân niết-bàn là tất cả thế gian cho đến hoặc có hoặc không, như thế tất cả đều gọi là niết-bàn. Nếu chấp lấy tướng phân biệt thì chẳng phải niết-bàn. Thế nên nếu thấy một pháp sai khác thì mất đi duy tâm đệ nhất nghĩa môn liền thành ma sự. Cho nên kinh Đại Tập nói: “Đối với chúng sinh sinh ra dị tưởng đây là nghiệp ma, chán ghét công đức hữu vi là nghiệp ma”. Cho nên Thiên Thai Tịnh Danh Sớ ghi: “Trụ nơi quán tâm này thì không thấy tướng bỏn sẻn, tướng bố thí mà hay từ bi lợi ích chúng sinh. Đem tài vật cứu tế kẻ bần cùng, lấy phước nghiệp cúng dường tam tôn, sửa cái cũ tạo cái mới, tùy hỉ khen thiện”.

Nếu là trưởng giả bố thí cả thôn, nhân lúc bố thí mà nói pháp, những người nghèo nhận của bố thí cảm ân mến đức, không chỉ hồi tâm vâng theo mà tâm bỏn sẻn dần dần giảm bớt và cũng tập bố thí xả bỏ tiền của, tu phước đức.

Nếu là quan ty trưởng một huyện trụ chính quán tâm, hay tài thí pháp thí thì những dân nghèo nhận bố thí cũng đều quy tâm thọ hóa, tâm bỏn sẻn tự nhiên dứt trừ, xả bỏ tiền của tu các phước đức, được nhiều lợi ích. Cho đến nhân chủ, quan liêu, thiên vương, đế chúa một huyện một nước trụ nơi chính quán tâm, không thấy có sự bố thí, sự bỏn sẻn, họ có của cải tiền bạc thương yêu dân nghèo muốn ban ân huệ bố thí, do vì khéo léo nói bốn giáo pháp, dân nghèo trong huyện trong nước mang ân mến đức kính ngưỡng, quy tâm phụng sự gần gũi lĩnh thụ đạo lý. Nhân đây lòng bỏn sẻn của họ dần giảm bớt mà bố thí, tu các phước nghiệp chuyển tướng giáo hóa, thi ân bố đức, giữ lấy chính đạo, đây là nhân dân cả nước các châu các huyện có thiện có ác, có trí có đạo. Ví như một ngọn đèn thắp sáng trăm nghìn ngọn đèn, ngọn đèn chính chiếu sáng thì ánh sáng những ngọn đèn khác đầy khắp, xóa tan mọi tối tăm, ánh sáng không bao giờ dứt, đây là bốn chúng, trưởng giả, quan ty, quốc chủ trụ thí ba-la-mật, pháp môn vô tận đăng nhiếp hóa tất cả chúng sinh. Những chúng sinh ở vị lai tại gia, xuất gia đã nhiếp thọ vẫn là quyến thuộc, hoặc làm thân thích, hoặc làm thần dân, hoặc là đệ tử đồng sinh Tịnh độ, y báo là bảy báu vô thượng, gặp Phật nghe kinh, đạo tâm khai phát. Những thí chủ này nếu được vô sinh pháp nhẫn trụ giải thoát bất tư nghì, do ngày xưa bố thí cho chúng sinh cho đến khi đắc đạo. Những thí chủ này đối với đất nước có nhân duyên thị hiện thành Chính giác, do ngày xưa những chúng sinh được nhiếp hóa đều đến nước ấy, tất cả đều xả bỏ, tu đạo tam thừa. Nếu nghe thuyết Phật tri kiến trong kinh Pháp Hoa liền đồng vào đại thừa, nương theo thừa báu này dạo chơi bốn phương vui vẻ khoái lạc, đây chính là đại sĩ Tịnh Danh, cần gì đến Tỳ-da-ly tìm Duy-ma-cật ? Cho nên biết nếu có thể thấu rõ lý chân như nhất tâm vô tận thì tất cả lục độ tứ nhiếp vạn hạnh vô tận; chuyển hóa tâm người khác cũng vô tận. Cho đến trùng trùng ra vào lẫn nhau cũng vô cùng giống như ngọn đèn vô tận tỏa sáng đầy khắp pháp giới, đâu phải chỉ có Tịnh Danh mà là thật sự là bạn với nghìn Thánh, thuần thực hành tâm cứu độ thì Quán Âm xuất hiện, thường vận dụng lòng đại từ thì Di-lặc hạ sinh, vừa chạm đến đều chứng pháp môn, trước mắt đều thành nguyện hải, núi cao vực thấp cùng chuyển pháp luân căn bản, vảy lông lớn nhỏ hiện khắp sắc thân tam-muội. Thế nên từ thể khởi dụng, dụng tự đầy khắp, vì tính thành hạnh, hạnh không bờ bến. Theo Hoàn Nguyên Quán, từ thể của tự tính chia làm hai thứ dụng:

1- Hải ấn sum la thường trụ dụng, đó là bản giác chân như, vọng hết tâm lặng vạn tượng hiển hiện, như biển cả do gió khởi sóng, nếu gió dừng sóng yên, nước biển lặng trong thì không bóng nào mà chẳng hiện.

2- Pháp giới viên minh tự tại dụng, đó là Hoa Nghiêm tam-muội, nghĩa là rộng tu vạn hạnh, xứng lý thành dức, bao trùm pháp giới mà chứng bồ-đề.

Vì sao chia làm hai thứ dụng ? Trước là hải ấn dụng là bản dụng, cũng gọi là lý hạnh, cũng gọi là tính đức. Sau là Hoa Nghiêm dụng là tu thành, cũng gọi là sự hạnh, cũng gọi là tu đức.

Hai tướng này tạm thành đại dụng kia, nghĩa là nhân tu hiển tính, do tính thành tu. Nếu không có tính thì tu cũng chẳng thành, nếu không tu thì tính cũng chẳng hiển, thế nên lìa tính không tu, lìa tu không tính, cho nên nói vạn pháp hiển bày ắt đồng thời lý nhất tế không có trước sau. Đây là hai mà chẳng phải hai, cũng như chẳng phải hai mà hai. Vì sao ? Vì hải ấn dụng vốn đầy đủ là sở hiện, nghĩa là chân như tự tính có nghĩa chiếu khắp pháp giới. Hoa Nghiêm dụng là năng hiện, vì tu thành khế lý hay thành vạn hạnh. Năng sở sai khác, gốc ngọn dường như phân thì phi nhất phi dị hay thành diệu hạnh.

Hỏi: Đã lấy tâm làm tông, tại sao trong giáo lại nói luận phá sắc tâm ? Tâm nào để theo ? Tâm nào để phá ?

Đáp: Tâm có hai thứ:

1- Tùy nhiễm duyên mà khởi vọng tâm, không có tự thể, chỉ là tiền trần, theo cảnh có không, theo trần sinh diệt, chỉ là phá tâm này. Tuy nói phá mà không chỗ phá vì vô tính. Phẩm Phá Tình trong Bách luận ghi: “Như kẻ ngu thấy sóng nắng tưởng là nước liền nhọc nhằn đuổi theo, người trí bảo đó không phải là nước, vì muốn dẹp cái tưởng ấy, chứ không phải là phá dẹp nước. Như vậy các pháp tự tính không mà chúng sinh lại chấp lấy tướng nên vướng mắc, vì phá sự điên đảo này nên nói phá mà thật không có phá”.

2- Thường trụ chân tâm không biến đổi nên lập tâm này làm Tông Cảnh. Thức luận nói: “Tâm có hai thứ: một là tâm tương ưng, nghĩa là vọng thức vô thường là phân biệt hư vọng, tương ưng với phiền não kết sử. Hai là tâm bất tương ưng, nghĩa là đệ nhất nghĩa đế thường trụ, là tâm thanh tịnh tự tính nhất tướng xưa nay.

Nay nói phá là phá tâm tương ưng. Tâm bất tương ưng lập làm tông bản. Cho nên tất cả con đường tự mình đi, vô biên môn phương tiện hóa tha đều lấy tâm làm gốc. Gốc lập thì đạo sinh, vạn pháp bao la, tông nhất vô tướng. Muốn nêu ra một bao trùm tất cả, chỉ vị mặn biết là biển, tức là chân tâm thường trụ bất động này.

Hỏi: Giác tính chúng sinh thiên chân tự nhiên, đâu cần nhân duyên văn nghĩa phân tích, cũng như vốn không có vết thương thì chớ gây thương tích ?

Đáp: Nếu chấp tính này quyết định là tự nhiên thì cần phải có cái lý tự nhiên, cũng như bản tính lấy pháp gì làm tự thể ?

Kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Phật bảo A-nan: Nay ta mở bày phương tiện chân thật nói với ông, ông vẫn chưa tỏ ngộ, mê muội cho là tự nhiên thì tự nên xét rõ cái thể tự nhiên. Ông hãy xem trong cái thấy diệu minh này lấy cái gì làm tự thể ? Cái thấy này hoặc lấy sáng làm tự thể, hoặc lấy tối làm tự thể, hoặc lấy thông làm tự thể, hoặc lấy bít làm tự thể. Này A-nan, nếu sáng là tự thể thì lẽ ra không thấy tối; nếu lấy thông làm tự thể thì lẽ ra không thấy bít. Như vậy cho đến lấy tối làm tự thể thì lúc sáng tính thấy đoạn diệt làm sao thấy sáng, cho nên biết tính hằng thường chẳng theo duyên sinh. Nếu lấy pháp huyễn hóa sáng tối làm tự thể thì khi pháp sáng tối duyên tan rả, tính này phải đoạn diệt theo”.

Hỏi: Bản tính đã chẳng phải tự nhiên thì phải là tính nhân duyên ?

Đáp: Nếu tính này lấy nhân duyên làm thể thì lấy pháp gì làm nhân, pháp gì làm duyên cần phải xác định thể tính chân thật. Như kinh nói: “A-nan nói nếu tính thấy nhiệm mầu này chẳng phải tự nhiên, hôm nay con phát minh là tính nhân duyên. Tâm vẫn chưa tỏ ngộ xin hỏi Như Lai nghĩa này làm sao hợp tính nhân duyên ? Đức Phật dạy: Ông nói là nhân duyên, ta lại hỏi ông, nay ông nhân thấy tính thấy hiện tiền, cái thấy này là nhân sáng có thấy, hay nhân tối có thấy, hay nhân thông có thấy, hay nhân bít có thấy. Này A-nan, nếu nhân sáng mà thấy thì lẽ ra không thấy tối; còn nhân tối mà thấy thì lẽ ra không thấy sáng. Như thế cho đến nhân thông nhân bít giống như sáng, tối.

Lại nữa A-nan, cái thấy này lại duyên sáng thấy, hay duyên tối thấy, hay duyên thông thấy, hay duyên bít thấy. Này A-nan, nếu duyên thông thấy thì lẽ ra không thấy bít; nếu duyên bít thấy thì lẽ ra không thấy thông. Như thế cho đến duyên sáng duyên tối cũng giống như thông, bít. Nên biết tính giác diệu minh như thế chẳng phải nhân, chẳng phải duyên, cũng chẳng phải tự nhiên, chẳng phải chẳng tự nhiên, vô phi bất phi, vô thị bất thị! lìa tất cả tướng tức là tất cả pháp, nay ông làm sao để tâm trong đó, dùng các danh tướng hí luận thế gian mà phân biệt. Như dùng bàn tay nắm bắt hư không chỉ càng lao nhọc, ông làm sao nắm bắt được hư không?

A-nan bạch Phật: Thế Tôn, tính diệu giác ắt chẳng phải nhân, chẳng phải duyên. Thế Tôn, tại sao thường nói với các tỳ-kheo tính thấy có bốn thứ duyên, đó là do thông, do sáng, do tâm, do mắt, nghĩa này thế nào ?

Phật bảo A-nan: Ta nói các tướng nhân duyên ở thế gian chẳng phải là đệ nhất nghĩa. A-nan, ta lại hỏi ông những người thế gian nói tôi thấy, thế nào gọi là thấy ? Thế nào gọi là không thấy ?

A-nan thưa: Người thế gian nhân ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, đèn đuốc mới thấy các thứ tướng gọi đó là thấy. Nếu không có ba thứ ánh sáng này thì không thể thấy. Này A-nan, nếu lúc không có sáng gọi là không thấy thì lẽ ra không thấy tối. Nếu thấy tối, đây chỉ là không có sáng tại sao không thấy ? A-nan, nếu lúc tối không thấy sáng gọi là không thấy; nay tại lúc sáng không thấy tướng tối vẫn gọi là không thấy. Hai tướng như thế đều gọi là không thấy, nếu hai tướng lại tự xâm chiếm nhau, chẳng phải tính thấy của ông tạm không có trong ấy. Như vậy thì biết cả hai đều gọi là thấy, làm sao không thấy ?! Thế nên A-nan, nay ông nên biết lúc thấy sáng cái thấy chẳng phải là sáng, lúc thấy tối cái thấy chẳng phải là tối, lúc thấy thông cái thấy chẳng phải là thông, lúc thấy bít cái thấy chẳng phải là bít, bốn nghĩa thành tựu. Ông lại nên biết lúc thấy cái thấy thì cái thấy chẳng phải là thấy; thấy còn lìa cái thấy thì cái thấy không thể đến, làm sao còn nói nhân duyên, tự nhiên và tướng hòa hợp! Các ông là hàng Thanh văn hẹp hòi kém hiểu biết không thể thông đạt thật tướng thanh tịnh. Nay ta dạy các ông phải khéo suy nghĩ, không được lười biếng mệt mỏi đi trên con đường bồ-đề, cho nên biết rằng khi nói nhân duyên tự nhiên đều thuộc về ngôn luận thế gian, bàn về có không, chân tục đều là tâm thức phân biệt, lúc đang thấy tính há còn thấy nghe, khi đang phát minh đâu rơi vào nói năng suy nghĩ”.

Hỏi: Tính diệu minh này đã chẳng phải nhân duyên, tự nhiên thì không có một pháp nào không sinh ra từ sự hòa hợp. Như không có chân như sở chứng thì do đâu phát ra diệu trí năng chứng, cảnh trí hòa hợp có thể thành thấy tính chăng ?

Đáp: Nếu ngoài trí có chân như thì có sở chứng; ngoài chân như có trí thì có năng chứng. Nay ngoài trí không có chân như, ngoài chân như không có trí, muốn đem pháp gì cho là hòa hợp, chẳng phải hòa hợp ?

Như kinh nói: “Phật bảo A-nan: Tuy ông trước đã tỏ ngộ tính bản giác diệu minh chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tự nhiên, song vẫn chưa rõ cái giác ấy vốn chẳng phải hòa hợp và không hòa hợp. A-nan, nay ta lại lấy việc trước mắt ra hỏi ông. Nay ông vẫn đem tính nhân duyên hòa hợp tất cả vọng tưởng thế gian mà tự nghi hoặc chứng bồ-đề tâm do hòa hợp khởi thì kiến tinh diệu tịnh của ông hiện nay là cùng với sáng hòa, hay là cùng với tối hòa, hay là cùng với thông hòa, hay là cùng với bít hòa. Nếu cùng với sáng hòa thì ông thấy rõ cái sáng hiện tiền chỗ nào thấy lẫn lộn. Tướng thấy có thể biện biệt thì làm sao lẫn lộn hình tượng ? Nếu chẳng phải cái thấy thì làm sao thấy sáng ? Nếu chính là cái thấy thì làm sao thấy cái thấy ? Nếu cái thấy viên mãn thì chỗ nào hòa với cái sáng ? Nếu cái sáng viên mãn không hòa hợp với cái thấy thì chắc chắn cái thấy khác với cái sáng. Lẫn lộn thì mất đi tên gọi tính sáng kia, lẫn lộn thì mất đi tính sáng cùng hòa với sáng là vô nghĩa. Tối, thông, bít cũng như thế.

Lại nữa A-nan, kiến tinh diệu tịnh là cùng sáng hợp, hay cùng tối hợp, hay cùng thông hợp, hay cùng bít hợp. Nếu cùng sáng hợp thì khi tối đến tướng sáng đã mất, cái thấy này chẳng cùng với tối hợp làm sao thấy tối ? Nếu lúc thấy tối, chẳng cùng tối hợp, cùng sáng hợp thì lẽ ra chẳng thấy sáng. Đã chẳng thấy sáng thì làm sao cùng sáng hợp, biết rõ sáng chẳng phải tối. Tối, thông, bít cũng như thế.

A-nan bạch Phật: Thế Tôn, theo con nghĩ, diệu giác này vốn cùng với các duyên trần và tâm niệm lự chẳng hòa hợp chăng ?

Phật dạy: Ta lại hỏi ông kiến tinh vi diệu này chẳng phải hòa hợp là chẳng hòa với sáng, hay chẳng hòa với tối, hay chẳng hòa với thông, hay chẳng hòa với bít. Nếu chẳng hòa với sáng thì cái thấy cùng cái sáng ắt có ranh giới. Ông hay quan sát kỹ, chỗ nào là sáng, chỗ nào là thấy; nơi thấy nơi sáng từ cái gì là ranh giới ? A-nan, nếu ở trong chỗ sáng ắt không có cái thấy thì không đến với nhau, tự không biết tướng sáng kia vẫn còn, ranh giới làm sao thành ? Tối, thông, bít cũng như thế.

Lại kiến tinh vi diệu chẳng phải hòa hợp là chẳng hợp với sáng, hay chẳng hợp với tối, hay chẳng hợp với thông, hay chẳng hợp với bít. Nếu chẳng hợp với sáng thì cái thấy với cái sáng trái nhau, như lỗ tai cùng với cái sáng hoàn toàn không tiếp xúc nhau, cái thấy còn không biết tướng sáng tồn tại làm sao phán xét cái lý cùng với sáng hợp phi hợp. Tối, thông, bít cũng như thế.

(…) Phật bảo Phú-lâu-na: Tuy ông đã trừ nghi nhưng lậu hoặc chưa hết, ta sẽ lấy sự việc trước mắt ở thế gian hỏi ông. Ông có nghe nói Diễn-nhã-đạt-đa trong thành Thất-la, buổi sáng nọ bỗng lấy gương soi mặt, nhìn thấy đầu mình trong gương, giận trách cái đầu chẳng thấy mặt mũi cho là loài ly mị liền điên cuồng bỏ chạy. Ý này thế nào ? Người này vì sao vô cớ điên cuồng bỏ chạy.

Phú-lâu-na nói: Người này điên cuồng không có duyên cớ.

Phật dạy: Diệu giác minh viên vốn viên minh diệu, đã gọi là vọng làm sao có duyên cớ. Nếu có duyên cớ thì làm sao gọi là vọng ? Từ các vọng tưởng xoay chuyển làm nhân cho nhau, từ mê tích lũy mê trải qua trần kiếp, tuy Phật phát minh chỉ dạy mà vẫn chưa phản tỉnh. Như vậy mê nhân, nhân mê tự có, biết mê không có nhân, vọng không có chỗ nương, sinh còn không có thì làm gì có diệt ?

Đắc bồ-đề như người lúc thức mà nói việc trong mộng, tâm sáng suốt thì lý do gì muốn lấy vật trong mộng ? Huống chi nhân duyên vốn không thật có, như Diễn-nhã-đạt-đa trong thành kia há có nguyên nhân, tự sợ đầu mình mà chạy, bỗng nhiên hết điên cuồng, đầu chẳng phải ở bên ngoài có, cho dù chưa hết điên cuồng thì đầu vẫn không mất. Này Phú-lâu-na, tính vọng cũng như thế do đâu mà có, chỉ cần ông chẳng theo thế gian phân biệt chúng sinh nghiệp quả, ba thứ tương tục, ba duyên dứt, ba nhân chẳng sinh thì tính điên cuồng Diễn-nhã-đạt-đa trong tâm ông tự hết, hết là Bồ-đề. Tâm trong sáng thù thắng này vốn trùm khắp pháp giới, chẳng từ nơi người mà được, đâu nhờ khổ nhọc tu chứng.

(…) Phật bảo A-nan: Nếu như nhân duyên tính điên cuồng Diễn-nhã-đạt-đa được diệt trừ thì tính không điên cuồng tự nhiên xuất hiện, lý nhân duyên tự nhiên tận cùng nơi đây. A-nan, đầu Diễn-nhã-đạt-đa vốn tự nhiên, vốn là như thế, không như vậy chẳng phải tự; do nhân duyên gì mà sợ đầu điên cuồng bỏ chạy ? Nếu cái đầu tự nhiên có nhân duyên nên điên cuồng thì sao chẳng tự nhiên nhân duyên nên mất. Cái đầu không mất, sự điên cuồng lo sợ vu vơ không thật, từng không biến đổi thì đâu nhờ nhân duyên! Sự điên cuồng tự nhiên vốn có sự lo sợ, lúc chưa điên thì sự điên cuồng trốn nơi nào ? Không điên tự nhiên, đầu vốn không hư vọng thì làm sao điên cuồng bỏ chạy ?

Nếu ngộ cái đầu của chính mình thì biết sự điên cuồng bỏ chạy, nhân duyên tự nhiên đều là hí luận, cho nên ta nói ba duyên hết là tâm bồ-đề. Tâm bồ-đề sinh thì tâm sinh diệt dứt. Đây chỉ là sinh diệt, sinh diệt đều dứt thì vô công dụng đạo. Nếu có tự nhiên như thế thì biết rõ tâm tự nhiên sinh thì tâm sinh diệt hết. Đây cũng là sinh diệt, không sinh diệt gọi là tự nhiên. Cũng như các tướng thế gian trộn lẫn thành một thể gọi là tính hòa hợp. Phi hòa hợp gọi là tính bản nhiên. Bản nhiên phi nhiên, hòa hợp phi hợp, hợp nhiên đều lìa, ly hợp đều phi. Câu này mới gọi là pháp không hí luận, bồ-đề niết-bàn vẫn còn xa vời.

Giải thích: Nếu biết sự điên cuồng bỏ chạy là do nhân duyên, do tự nhiên đều là hí luận. Nếu thật sự phát minh biết rõ cái đầu của mình, chân tính linh diệu chẳng phải động, chẳng phải tịch, chẳng phải được chẳng phải mất, chẳng phải sinh, chẳng phải diệt, chẳng phải hợp, chẳng phải lìa thì biết từ vô thỉ đến nay bôn ba ba cõi, rong ruổi đều là mê muội, là điên đảo, là vọng, là hư, đều là tình tưởng kết thành, thức tâm cổ động, thì biết chân tính bản giác, chẳng phải nhân, chẳng phải duyên, cũng chẳng phải tự nhiên, chẳng phải chẳng tự nhiên, chẳng phải hòa, chẳng phải hợp, chẳng phải chẳng phải hòa hợp, đều thành hí luận, đều rơi vào tà tư, lại không trụ chân tâm, đâu còn danh tướng và nơi chốn. Nếu muốn dùng thức tâm suy lường, nghĩa cú diễn bày mà cầu sự chân thật như buộc gió bắt bóng có thể được sao ?

Do đó Tổ sư nói: Phi tự nhiên, phi nhân duyên, diệu trong diệu, huyền trong huyền, sum la vạn tượng hiện trong ánh sáng ấy, tìm không thấy cội nguồn.

Phân tích như trên là vì những kẻ chưa biết cái đầu của mình, chẳng rõ sự điên cuồng bỏ chạy, khiến họ lìa tứ cú tuyệt bách phi, dứt đường ngôn ngữ suy tư, đây mới là dứt trừ pháp hí luận phân biệt thế gian; đối với đại đạo kiến tính vẫn còn xa vời, cần phải đích thân đến, không đợi nói nữa, như gương soi dung mạo chỉ cần tâm nhãn giống nhau, cũng như người uống nước nóng lạnh tự biết. Cho nên nói chỉ có chứng mới biết, khó có thể lường, người chưa đến luống tự cuồng mê.

Hỏi: Pháp môn vô lượng đều có công phá chấp hiển đạo, vì sao riêng ca ngợi nhất tâm cho là chủ yếu ?

Đáp: Đây là sự bắt đầu của khởi hoặc, là sự mở đâu của phát chân, là gốc của mê ngộ, là nguyên do của nhiễm tịnh, cho nên nói chí diệu linh thông gọi đó là đạo thì ngoài tâm không có đạo, ngoài đạo không có tâm, vi diệu sâu xa phàm phu, tiểu thừa không có phần, Bồ-tát biết một phần, chỉ có Phật thấu suốt. Vì hàng nhị thừa chỉ giác ngộ tứ trụ mà chẳng thấu rõ vô minh nên thức do vô minh sinh khởi chẳng phải cảnh ấy. Khi Bồ-tát Thập tín mới phát tâm liền quán cái thể của duyên khởi nhân quả của tự tính bản thức được thành tựu chính tín. Nhiếp luận nói: “Bồ-tát sơ khởi nên quán các pháp nhân duyên như thật”. Đây là ý nghĩa này. Nhân duyên như thật không gì chẳng phải bản thức nhất tâm, đây là sự mở đầu của phát chân. Luận Khởi Tín nói: “Do vì chẳng biết nhất pháp giới nên tâm chẳng tương ưng, vô minh phân biệt sinh các nhiễm tâm”. Nhất pháp giới là chân tâm không hai, đây không phải là nhất trong toán số, nghĩa là như lý hư dung bình đẳng không hai cho nên gọi là nhất, đây là sự bắt đầu của khởi hoặc.

Lại do không biết vô minh mà làm chúng sinh, thấu rõ vô minh mà thành chư Phật, đây là gốc của mê ngộ.

Lại nhất pháp giới cả thể toàn làm môn sinh diệt, cả thể toàn làm môn chân như, thuận pháp giới thì xuất ly giải thoát, trái pháp giới thì trói buộc luân hồi, đây là nguyên do của nhiễm tịnh.

Cho nên nghìn Thánh ngưỡng mộ nó làm mẹ, làm thầy, quần hiền quy kính nó như vua, như kẻ dẫn đường, là cốt yếu của các kinh, là chỉ nam của vạn pháp. Nói tóm lại, chẳng gì sánh bằng! Cho nên kinh nói: “Tâm là gốc pháp, tâm tạo ra thiên đàng, tâm tạo ra địa ngục. Nếu lìa tâm chúng sinh thì làm gì có chân tục v.v…, vì tất cả pháp như bóng, như vang”.

Hướng cư sĩ nói:

Bóng do hình có,
Vang theo thanh sinh;
Đùa bóng nhọc hình,
Chẳng biết hình là bóng;
Khua tiếng dừng vang,
Chẳng biết thanh là vang.

Trừ bỏ thân phiền não cầu niết-bàn dụ cho bỏ hình tìm bóng; lìa tâm chúng sinh cầu Phật đạo, dụ cho dẹp âm thanh tìm tiếng vang. Cho nên biết mê ngộ một đường ngu trí không khác; không tên đặt ra tên, do tên này có thị phi; không lý lập ra lý, nhân lý này khởi tranh luận. Huyễn hóa chẳng phải chân thì ai phi ai thị ? Hư vọng chẳng phải thật thì cái gì có cái gì không ? Sẽ biết được mà không được, mất mà không mất, cho nên biết chỉ cần rõ nhất tâm thì muôn pháp đều vắng lặng.

Trong kinh Hoa Nghiêm, trưởng giả Giải Thoát bảo Thiện Tài: Nếu ta muốn thấy A-di-đà Như Lai ở thế giới An Lạc tùy ý liền thấy. Nếu ta muốn thấy Kim Cương Quang Minh Như Lai ở thế giới Chiên Đàn, Bảo Quang Minh Như Lai ở thế giới Diệu Hương, Bảo Liên Hoa Quang Minh Như Lai ở thế giới Liên Hoa, Tịch Tịnh Quang Như Lai ở thế giới Diệu Kim, Bất Động Như Lai ở thế giới Diệu Hỉ, Sư Tử Như Lai ở thế giới Thiện Trụ, Nguyệt Giác Như Lai ở thế giới Cảnh Quang Minh, Tỳ Lô Giá Na Như Lai ở thế giới Bảo Sư Tử Trang Nghiêm, ta đều thấy tất cả. Nhưng những vị Như Lai ấy chẳng đến nơi đây, thân ta cũng chẳng đi đến nơi kia, biết rõ tất cả chư Phật với tâm ta đều như giấc mộng, biết tất cả Như Lai như bóng hình, tự tâm như dòng nước, biết tất cả sắc tướng chư Phật với tự tâm đều như huyễn, biết tất cả Phật và tự tâm đều như tiếng vang. Ta biết như thế, nhớ nghĩ như thế, chư Phật được thấy đều do tự tâm. Này thiện nam, phải biết Bồ-tát tu các Phật pháp, tịnh các cõi Phật, chứa nhóm diệu hạnh, điều phục chúng sinh, phát đại thệ nguyện, vào nhất thiết trí, dạo chơi tự tại môn giải thoát bất tư nghì, chứng đắc bồ-đề, hiện đại thần thông, đi khắp pháp giới mười phương, dùng trí vi tế vào khắp các kiếp, như thế tất cả đều do tự tâm.

Thế nên thiện nam, nên lấy thiện pháp trợ giúp tự tâm, nên lấy nước pháp rưới nhuận tự tâm, nên lấy cảnh giới gạn lọc tự tâm, nên lấy tinh tiến kiên cố tự tâm, nên lấy nhẫn nhục bằng phẳng tự tâm, nên lấy trí chứng làm trong sạch tự tâm, nên lấy trí tuệ làm sáng tỏ tự tâm, nên lấy sự tự tại của Phật khai phát tự tâm, nên lấy sự bình đẳng của Phật làm rộng lớn tự tâm, nên lấy thập lực của Phật soi xét tự tâm.

Sớ giải thích: Tâm bao trùm muôn pháp, nghĩa là không những một niệm quán Phật do nơi tự tâm, vạn hạnh của Bồ-tát, thể dụng của Phật quả cũng chẳng lìa tâm, cũng trừ bỏ lỗi lầm vọng chấp, cho rằng muôn pháp đều là tâm, nhận tâm là Phật, theo đuổi vạn hạnh đâu chẳng luống nhọc nhằn! Nay dù biết tâm tức Phật song lâu ngày bị trần lao che lấp, cho nên phải dùng vạn hạnh tiến tu khiến cho thấu suốt sáng tỏ. Chỉ nói vạn hạnh do tâm, chứ không nói chẳng tu là phải. Lại muôn pháp là tâm, tu có gì ngại tâm, cho nên nói linh động biến hóa chỉ nơi tâm, thọ yểu đắc thất chỉ có tâm làm chủ. Vì thế ba trăm câu thơ chỉ một lời trùm hết, năm nghìn giáo điển nhất tâm xuyên suốt, đây là điểm trọng yếu vào đạo, gương mẫu tu hành. Thật sự là nói sâu ý chỉ Phật khéo đạt chân không, cúi đầu giơ tay đều vào viên nhân khởi niệm phát tâm thảy đồng bản quả, đào đất khô cằn của phàm phu thấy được dòng nước của chư Phật, nhổ sạch mầm cháy khô của Nhị thừa, kết thành quả thường lạc, biến thuốc độc thành cam-lộ, chuyển tô lạc làm đề-hồ, thừa nhận con mình để giao hết gia tài, quét sạch phương tiện mở ra kho báu. Nay Tông Cảnh ghi chép chỉ là nghiên cứu về chính tông của chư Phật. Nếu muốn thấy đạo tu hành không ngoài thân tâm chính mình. Như kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Thân là chính pháp tạng
Tâm là vô ngại đăng
Soi rõ các pháp không
Gọi là độ chúng sinh.

Cho nên biết thân là pháp tụ, không một pháp ngoài ruộng thân ta; tâm là huệ quang, không một trí xa lìa biển tâm ta. Nếu mê thì thân thành nguồn gốc bệnh khổ, tâm là oán tặc vô minh, trước phải xem xét tội lỗi cần đối trị mới lập ra môn công đức đối trị thì tất cả tội lỗi chúng sinh đã tạo đều từ thân tâm. Nếu muốn đối trị chỉ cần giới và tuệ. Nếu tu thân giới thì giới gấp mà diệu hạnh thành. Nếu tu tâm tuệ thì thừa gấp mà chân tính hiển. Cho nên được giới thừa đều gấp, lý hạnh cùng viên, chính trợ giúp nhau mới vào Tông Cảnh, trong ngoài soi sáng nhất đạo thanh hư.

Như kinh Đại Niết-bàn nói: Lại nữa người chẳng tu thân thì không thể quán thân tuy không có lỗi lầm mà thường oán thù.

Thiện nam, ví như người nam có kẻ oán thù thường theo rình tìm cơ hội để hại, người trí biết nên cẩn thận đề phòng; nếu không cẩn thận đề phòng thì bị hại ngay. Tất cả thân chúng sinh cũng như thế, thường nhờ sự uống ăn lạnh nóng để nuôi dưỡng, nếu không cẩn thận giữ gìn liền bị hư hoại.

Thiện nam, như Bà-la-môn thờ phụng hỏa thiên, thường đem hương hoa tán thán, lễ bái, cúng dường, phụng sự cả trăm năm. Nếu một khi chạm vào lửa thì cháy tay người ấy, lửa này được cúng dường như thế mà không bao giờ biết báo ân. Tất cả thân chúng sinh cũng vậy, tuy được đem hương hoa, anh lạc, y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men cung cấp nuôi dưỡng nhiều năm, nhưng nếu gặp ác duyên trong ngoài tức thời hư hoại, không bao giờ nhớ đến ân đã nuôi dưỡng.

Thiện nam, ví như có vị vua nuôi bốn con rắn độc trong một cái rương giao cho người chăm sóc. Trong bốn con rắn này lỡ có một con nổi giận thì có thể hại người. Người chăm sóc lo sợ thường cho rắn ăn uống và giữ gìn. Rắn độc tứ đại của tất cả chúng sinh cũng như thế, nếu một đại nổi giận thì có thể hủy hoại thân.

Thiện nam, như người bệnh lâu ngày cần phải hết lòng tìm thầy thuốc trị liệu, nếu không ân cần tìm cầu thì chắc phải chết, tất cả thân chúng sinh cũng như thế thường phải nhiếp tâm chớ để buông lung, nếu buông lung thì liền hoại diệt.

Thiện nam, như chiếc bình hỏng chẳng chịu nổi mưa gió, xô đẩy, đè nén. Thân của tất cả chúng sinh cũng như thế, chẳng chịu được đói khát, rét buốt, nóng bức, gió mưa, đánh đập, chửi mắng.

Thiện nam, như mụt nhọt chưa muồi, thường phải khéo giữ gìn không để cho người chạm đến, nếu có ai chạm phải thì đau đớn vô cùng, thân của tất cả chúng sinh cũng như thế.

Thiện nam, như con la mang thai tự hại thân mình, thân của tất cả chúng sinh cũng như thế, trong có gió làm lạnh buốt thân thì bị khổ.

Thiện nam, như cây chuối có quả thì chết khô, thân của tất cả chúng sinh cũng như thế.

Thiện nam, như trong cây chuối không rắn chắc, thân của tất cả chúng sinh cũng như thế.

Thiện nam, như rắn, chuột, sói thường sinh lòng thù oán, tứ đại của chúng sinh cũng như thế.

Thiện nam, như con ngỗng chúa không thích gò nổng, Bồ-tát cũng thế không thích thân gò nổng.

Thiện nam, như hạng Chiên-đà-la bảy đời nối nhau chẳng bỏ gia nghiệp cho nên bị người khinh khi. Chủng tử của thân này cũng như thế, chủng tử tinh huyết hoàn toàn bất tịnh, vì bất tịnh cho nên chư Phật, Bồ-tát khinh chê.

Thiện nam, thân này không bằng núi Ma-la-da sinh ra chiên-đàn, cũng không thể sinh ra hoa Ưu-bát-la, hoa Phân-đà-lợi, hoa Chiêm-đà-la, hoa Ma-lợi-ca, hoa Bà-sư-ca. Chín lỗ trong thân thường rỉ chảy máu mủ bất tịnh chỗ sinh ra nhơ uế đáng ghét, thường ở chung với vi trùng.

Thiện nam, như trên thế gian tuy có vườn rừng thanh tịnh thượng diệu nhưng có tử thi ở trong đó thì bất tịnh, mọi người cùng lìa bỏ không yêu thích. Sắc giới cũng thế, tuy tịnh diệu nhưng vì có thân nên chư Phật, Bồ-tát đều lìa bỏ.

Thiện nam, nếu có người không thể quán như thế thì không gọi là tu thân.

Nói về không tu giới, này thiện nam, nếu không thể quán giới là nấc thang của tất cả thiện pháp, cũng là cội gốc của tất cả thiện pháp, như đất là cội gốc sinh ra tất cả cây cối. Giới là người dẫn đường các thiện căn như thương chủ lãnh đạo các thương nhân. Giới là thắng tràng các thiện pháp như thắng tràng của Thiên Đế Thích. Giới hay dứt sạch tất cả nghiệp ác và ba đường ác, như dược thảo hay trị bệnh nặng. Giới là tư lương nơi đường hiểm sinh tử. Giới là gậy sắt dẹp tan ác tặc, giới là thần chú tiêu diệt rắn độc, giới là chiếc cầu vượt qua ác nghiệp. Nếu có người không thể quán như thế gọi là chẳng tu giới.

Nói về không tu tâm, đó là không thể quán tâm lăng xăng chuyển động khó nắm bắt, điều phục nó chạy rong hung hăng như voi dữ, niệm niệm nhanh chóng như ánh chớp, lăng xăng không dừng như con vượn, như huyễn hóa, như bóng nắng, là gốc rễ của các điều ác, ngũ dục khó thỏa mãn như lửa được củi, cũng như biển cả tiếp nhận các dòng sông, như núi Mạn-đà đầy rẫy cỏ cây. Đó là không thể quán sát sinh tử hư vọng, lại mê lầm đến nỗi chuốc lấy tai họa như cá mắc câu, thường đi trước dẫn dắt các nghiệp theo sau như bà mẹ dẫn dắt các con, tham đắm ngũ dục chẳng thích niết-bàn, như con lạc đà ham ăn mật ngọt cho đến chết không màng đến cỏ tranh; tham mê cái vui hiện tại mà chẳng thấy cái họa về sau, như trâu ham ăn lúa mạ mà chẳng sợ bị đánh đập. Rong ruỗi khắp hai mười lăm cõi như sợi tơ trong cơn gió mạnh. Chỗ không nên cầu mà cầu không biết chán như người ngu mong lửa đừng nóng. Thường thích sinh tử chẳng thích giải thoát như con trùng nẫm-bà thích cây nẫm-bà. Mê muội ái trước sinh tử nhơ uế như tù nhân thích bà chúa ngục, cũng như con heo thích ở chỗ nhơ. Nếu có người không thể quán như thế gọi là chẳng tu tâm.

Nói về chẳng tu tuệ, là chẳng quán trí tuệ có thế lực lớn như chim cánh vàng hay phá hoại các nghiệp ác; phá trừ tối vô minh như ánh sáng mặt trời; hay nhổ bật cây ngũ ấm như nước làm nổi vật; thiêu đốt tà kiến như lửa mạnh. Tuệ là căn bản của tất cả thiện pháp, là chủng tử của chư Phật, Bồ-tát. Nếu có người không thể quán như thế gọi là chẳng tu tuệ.

Cho đến nếu có người tu tập thân giới, tâm tuệ như đã nói ở trên hay quán các pháp đồng như hư không, chẳng thấy trí tuệ, chẳng thấy người trí, chẳng thấy ngu si, chẳng thấy kẻ ngu, chẳng thấy tu tập và người tu tập, đây gọi là người trí. Người ấy hay tu tập thân giới tâm tuệ có thể khiến cho quả báo địa ngục trở nên nhẹ bớt trong hiện đời. Dù người ấy tạo những nghiệp cực ác, tư duy quan sát khiến cho vơi nhẹ mà nghĩ rằng nghiệp tôi tuy nặng nhưng không bằng nghiệp thiện như lông cừu một trăm cân chẳng bằng một lạng vàng, như ném một thăng muối trong sông Hằng, nước sông không có vị mặn người uống không biết, như nhà cự phú dù mắc nợ người nghìn muôn bảo vật cũng không bị khổ, như voi lớn có thể phá gông sắt bỏ đi tự tại, người trí tuệ cũng như thế.

Ở trên tuy quán thân bất tịnh là phá phàm phu chấp thân này là gốc khổ, chẳng trồng quả bồ-đề, chỉ rơi vào vũng bùn ngũ dục, không thể lợi mình lợi người, do đó quở trách. Nếu mượn dấu vết của nghiệp để tiếp nối chính nhân, chẳng vào trong biển cả phiền não thì khó tìm được của báu giác ngộ, chẳng ở trong bụi bặm rác rưỡi làm sao sinh ra hoa đẹp ? Thế nên kinh Hoa Nghiêm nói: “Không nhàm chán khổ sinh tử mới thành tựu hạnh Phổ Hiền”. Lại như kinh Đại Bảo Tích ghi: “Phật bảo Ưu-ba-ly: Hàng Thanh văn thừa còn chẳng nên khởi một niệm còn thọ thân sau, đây gọi là Thanh văn giữ giới thanh tịnh, nhưng đối với Bồ-tát gọi là đại phá giới. Còn Bồ-tát tu hành đại thừa hay ở trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp chịu đựng thọ thân chẳng sinh nhàm chán, đây gọi là Bồ-tát giữ giới thanh tịnh, nhưng đối với hàng Thanh văn thừa gọi là đại phá giới. Nay Tông Cảnh ghi chép tổng quát diệu chỉ liễu nghĩa các kinh đại thừa, chỉ là ngộ tông chỉ tu hành Bồ-tát đạo; diễn bày trí tuệ phổ môn của Quán Âm, giáo tích mới viên mãn; nhập vào tông chỉ vô tận của Phổ Hiền, vận dụng tâm không bờ bến.