Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

PHI THỊ TIỂU THỪA ĐỆ TỨ THẬP TAM

Toàn kinh gồm ba phần: Một là Tự Phần, hai là Chánh Tông Phần, ba là Lưu Thông Phần.

Linh Phong đại sư bảo: “Ba phần này gọi là sơ thiện, trung thiện và hậu thiện. Tự phần như đầu, ngũ quan cùng tồn tại. Chánh Tông như thân, tạng phủ chẳng thiếu. Lưu Thông như chân tay, vận hành không trở ngại”.

Phần này là lời giảng cuối, nhưng lời giảng cuối vẫn tốt lành, chớ nên nghĩ đây là phần Lưu Thông mà xem nhẹ. Trên thực tế, quả thật có không ít người ngộ nhận, cho Niệm Phật là Tiểu Thừa, chỉ tự độ, không phải Bồ Tát, nên phần Lưu Thông này (từ phẩm thứ bốn mươi ba đến phẩm thứ bốn mươi tám) đầu tiên nêu phẩm “Phi Thị Tiểu Thừa” (Không phải Tiểu Thừa) để giải đáp vấn đề này.

Kinh văn trong phẩm này phần nhiều trích từ bản Ðường dịch (tức Đại Bảo Tích Kinh Vô Lượng Thọ Hội). Những câu như “phi thị Tiểu Thừa” (không phải là Tiểu Thừa) và“đệ nhất đệ tử” (đệ tử bậc nhất) lấy từ bản Tống dịch. Phẩm này là phẩm đầu trong phần Lưu Thông, chỉ khuyên trì danh. Ðây chính là “hội quyền quy thật”, nhiếp cái thứ yếu vào cái chủ yếu, thâu ngọn trở về gốc. Hòa thượng Tịnh Không giải thích:

Câu “hội quyền quy thật” là lời trong kinh Pháp Hoa. Tông chỉ của kinh Pháp Hoa là “Hội Quyền quy Thật”, cũng chính là nói: Đức Phật giảng kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm: Bốn mươi mốt năm đầu là “phương tiện thuyết”, đó là “quyền giáo”. Sau khi mọi người đã dần dần khai ngộ, mới đem tất cả những “quyền giáo” đã giảng trước đây quy về chân thật, đó chính là kinh Pháp Hoa, là pháp Nhất Thừa.

Kinh Pháp Hoa nói: “Chỉ có pháp Nhất Thừa, không hai, cũng không ba”. Những gì đã giảng trong bốn mươi mốt năm về trước là: Tiểu Thừa, Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa và Bồ Tát Thừa. Nói “Nhị Thừa” chính là Đại Thừa và Tiểu Thừa. Nói “Tam Thừa” là nói: Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, Bồ tát Thừa. Nói “Nhất Thừa” là chỉ “Phật Thừa”. Hoa Nghiêm, Pháp Hoa là “Nhất Phật

Thừa, không hai cũng không ba, trừ Phật phương tiện nói”. Như vậy, bốn mươi mốt năm đầu là Phật “phương tiện thuyết”; tám năm sau cùng mới là “chân thật thuyết”, gọi là “quy chân”. Cũng có thể nói: Bốn mươi mốt năm đầu, Phật thuyết giảng chỉ là cành, ngọn. Tám năm sau, Phật giảng mới thật là gốc của cây nầy, gọi là “nhiếp mạt quy bổn”, đây là nói pháp cứu cánh chân thật.

Sách Vô Lượng Thọ Kinh Sao viết:

“Phần trên tuy đã nói đến muôn hạnh vãng sinh, nhưng xét ra bổn nguyện của Phật là cốt ý muốn chúng sinh nhất hướng chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Ðà”.

Sách Ðại Kinh Thích của ngài Hắc Cốc (là pháp sư Nhật Bản) có viết (rút gọn) như sau: “Ðến phần Lưu Thông, trước hết là phế bỏ (tức là không nhắc đến) hai môn thuộc các hạnh trợ niệm, chỉ nói đến Niệm Phật Vãng Sinh”. Các hạnh trợ niệm là chỉ lục độ vạn hạnh của Bồ tát, ở đây không nhắc đến.

Sách còn viết: “Chuẩn theo bổn nguyện nên trong phần Lưu Thông, trước hết là phế các hạnh, chỉ quy về niệm Phật”. Ðủ thấy rằng bổn nguyện của Phật A Di Ðà thật sự là mong mỏi chúng sinh nhất hướng chuyên niệm danh hiệu A Di Ðà Phật, nên nay trong phần Lưu Thông chỉ riêng bày Phật nguyện, độc xướng Trì Danh để phổ khuyến lưu thông. Vì lẽ đó, phần Lưu Thông này được gọi là Hậu Thiện.

KINH VĂN:

Phật cáo Từ Thị: – Nhữ quán bỉ chư Bồ Tát Ma Ha Tát, thiện hoạch lợi ích. Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, đắc văn A Di Đà Phật danh hiệu, năng sinh nhất niệm hỉ ái chi tâm, quy y chiêm lễ, như thuyết tu hành. Đương tri thử nhân vi đắc đại lợi, đương hoạch như thượng sở thuyết công đức, tâm vô hạ liệt, diệc bất cống cao, thành tựu thiện căn, tất giai tăng thượng. Đương tri thử nhân phi thị Tiểu Thừa, ư ngã pháp trung, đắc danh đệ nhất đệ tử.

VIỆT DỊCH:

Phật bảo Từ Thị:  – Ông xem các Bồ Tát Ma Ha Tát ấy khéo được lợi ích. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân được nghe danh hiệu Phật A Di Ðà mà có thể sinh một niệm tâm vui thích, quy y chiêm lễ, tu hành đúng như lời dạy. Nên biết người này được lợi ích rất lớn, sẽ được công đức như trên đã nói, tâm không tự ti, cũng không ngạo nghễ, thiện căn thành tựu, thảy đều tăng thượng. Nên biết là người này không phải Tiểu thừa; ở trong pháp ta, được gọi là đệ tử bậc nhất.

GIẢNG:

Câu “nhữ quán bỉ chư Bồ Tát Ma Ha Tát thiện hoạch lợi ích” (ông xem các Bồ Tát Ma Ha Tát ấy khéo được lợi ích) chỉ vô lượng vô biên các đại Bồ Tát từ mười phương vãng sinh đã nói trong các phẩm trước. Họ được nghe danh hiệu Phật rồi vãng sinh nên được lợi ích lớn. Như trong Ðại Luận đã trích dẫn ở phần trên có nói: Bồ Tát vãng sinh Cực Lạc thấy Phật A Di Ðà liền được thân Tất Cánh (thân rốt ráo) và pháp bình đẳng với các đại Bồ Tát thuộc Bát Ðịa hay từ Bát Ðịa trở lên, nên mới bảo là “thiện hoạch lợi ích” (khéo đạt lợi ích). Ở đây, kinh nêu rõ mười phương Bồ tát vãng sinh được lợi ích để khiến cho chúng sinh tin ưa, phát nguyện.

“Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, đắc văn A Di Đà Phật danh hiệu, năng sinh nhất niệm hỉ ái chi tâm, quy y chiêm lễ, như thuyết tu hành” (Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân được nghe danh hiệu Phật A Di Ðà mà có thể sinh một niệm tâm vui thích, quy y chiêm lễ, tu hành đúng như lời dạy). Đọc câu kinh văn trên, thử hỏi: Chúng ta gặp bộ kinh nầy, nghe được danh hiệu Phật A Di Đà, chúng ta có khởi tâm yêu thích chăng? Thực hành tâm yêu thích chính là hai câu văn sau: “quy y chiêm lễ, như thuyết tu hành”. Đây là chúng ta thật sự yêu thích. Nếu chưa làm được hai câu nầy, tâm yêu thích của chúng ta chưa sinh khởi! Chúng ta chưa thật sự quay về!

“Quy” là quay đầu; “y” là nương tựa; “chiêm lễ” là biểu lộ sự thành kính; biểu hiện ra bên ngoài là y giáo phụng hành. Trong kinh dạy thế nào, chúng ta làm theo thế đó, sẽ được lợi ích lớn. Lợi ích nầy là gì? – Là tất cả công đức vãng sinh, rất nhiều và rất thù thắng không gì sánh được. “Năng sinh nhất niệm”. Ý “nhất niệm” (một niệm) được bản Hán dịch ghi như sau: “Văn Vô Lượng Thọ Phật thanh, từ tâm hoan hỉ, nhất thời dũng dược, tâm ý thanh tịnh” (Nghe danh hiệu Vô Lượng Thọ Phật, từ tâm hoan hỉ, trong một lúc hớn hở, tâm ý thanh tịnh). Câu “từ tâm hoan hỉ”, có nghĩa là tâm từ bi tự nhiên sinh khởi, niềm hoan hỉ phát xuất từ nội tâm không phải từ bên ngoài. “Nhất thời dũng dược, tâm ý thanh tịnh”: Đây là niềm vui sướng trong học Phật, vô lượng hoan hỉ, tâm địa thanh tịnh, không nhiễm chút bụi trần, khác hẳn với hoan hỉ của thế gian là tâm không thanh tịnh, có xen lẫn tình chấp trong đó.

Bản Ngô dịch ghi giống vậy; còn bản Tống dịch ghi là: “Đắc văn Vô Lượng Thọ Phật danh hiệu, phát nhất niệm tín tâm” (Được nghe danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ, phát nhất niệm tín tâm). Bản Ngụy dịch ghi: “Đắc văn bỉ Phật danh hiệu, hoan hỉ dũng dược, nãi chí nhất niệm” (Được nghe danh hiệu đức Phật ấy, hoan hỉ, hớn hở cho đến nhất niệm).

Theo ý tác giả Tuyển Trạch Tập, chữ “nhất niệm” ở đây nghĩa là “nhất niệm  tịnh tín”, mà cũng chính là như trong phẩm Tam Bối Vãng Sinh nói: “Phát nhất niệm tâm, niệm ư bỉ Phật” (Phát nhất niệm tâm, niệm đức Phật ấy).

Gia Tường Sớ cũng ghi: “Nhất niệm tức là đầy đủ vô thượng công đức, ý nói: Lợi ích sâu xa. Nhất niệm chí thành, tu hành phát nguyện, ắt sinh Tịnh Ðộ, cuối cùng rồi sẽ đắc Phật quả nên bảo là vô thượng”.

Sách Tuyển Trạch Tập cũng bảo: “Dùng niệm Phật mà sinh vô thượng”, ý nói: Niệm Phật chính là vô thượng công đức “cho đến nhất niệm mà thành đại lợi”. Nhất niệm nầy là chân tâm, thật không phải dễ dàng. Nên kinh nói: “Đương tri thử nhân vi đắc đại lợi, đương hoạch như thượng sở thuyết công đức” (Nên biết người này được lợi ích lớn, sẽ đạt các công đức như trên đã nói). Công đức như trên chính là: Ngang xuất tam giới, viên mãn nhập vào tứ độ, một đời bổ xứ, cứu cánh Tịch Quang, được đại viên mãn.

“Tâm vô hạ liệt” (Tâm không tự ti) là có thể tin tưởng vào thiện căn của chính mình. Việc nầy vô cùng quan trọng! Đa số người tu hành ở thế gian đều có tánh tự ti nghiêm trọng, cho rằng mình đã tạo quá nhiều sai lầm, tội nghiệp làm sao có thể vãng sinh! Người như vậy không có tín tâm, không thể nào thành tựu! Nên biết: Niệm Phật chính là diệt tội; niệm Phật chính là sám hối. Công đức niệm Phật quả thật là vô lượng, tội nghiệp gì đều có thể sám hối sạch sẽ, chỉ cần chúng ta chịu niệm.

Câu nầy đã đưa ra phương pháp gọi là “xưng danh”. Chỉ  cần chịu niệm Phật, chính là có nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên. Như vậy, chắc chắn sẽ được vãng sinh.

“Tất giai tăng thượng” (Thảy đều tăng thượng) là tịnh niệm tiếp nối, tinh tấn không thôi nên các thiện căn, phước đức, nhân duyên thảy đều tăng trưởng. Sách A Di Ðà Yếu Giải bảo: “Ðồng Cư Tịnh Ðộ là do thiện nghiệp tăng thượng cảm thành”. Theo Hòa thượng Tịnh Không: Đại sư Ngẫu Ích nói câu nầy rất có đạo lý. Chúng ta có thể vãng sinh đến cõi Phàm Thánh Đồng Cư ở thế giới Cực Lạc, chính là dựa vào tăng thượng thiện nghiệp khởi tác dụng, cảm ứng đạo giao với Phật A Di Đà, như vậy mà được vãng sinh.

Thế nên,“tăng thượng thiện nghiệp” không gì hơn niệm Phật.

Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: “Do niệm niệm chính là Phật, nên niệm Phật trở thành “thân nhân duyên” (nhân duyên gần) để thành Phật. Tịnh niệm tiếp nối là “Đẳng vô gián duyên” (duyên không gián đoạn). Lấy Phật hiệu làm cảnh sở duyên, đó là “sở duyên duyên”. Nói hai chữ “tăng thượng” đã gồm cả ba duyên trên, có lực dụng lớn”. 

Chỗ nầy, Hòa thượng Tịnh Không đặc biệt giảng rõ và lưu ý chúng ta về chữ “đẳng” trong “Đẳng vô gián duyên”. Trước đây, chúng ta đã từng học qua về “Tứ duyên sinh pháp” mà đức Phật đã dạy, bao gồm: Thân nhân duyên, Vô gián duyên, Sở duyên duyên và Tăng thượng duyên. Nhưng, ở đây, phần “Vô gián duyên” lại có thêm chữ “đẳng”, trở thành “Đẳng vô gián duyên”

– Chữ “đẳng” nầy có nghĩa lý gì?

– Là “bình đẳng”!

“Vô gián” chính là niệm nầy tiếp nối niệm kia không dứt nên gọi là “vô gián”. Nhưng, “vô gián” ở đây rất đặc biệt, “vô gián” nầy là bình đẳng, hoàn toàn tương đồng: Niệm trước là A Di Đà Phật, niệm sau vẫn là A Di Đà Phật, tiếp theo vẫn là A Di Đà Phật v.v…nên gọi là “Đẳng vô gián duyên”. Ý nghĩa nầy rất sâu!

“Vô gián duyên”, trong thực tế nó không bình đẳng, chúng ta gọi đó là hiện tượng. Hiện tượng nầy là “tướng tương tợ tương tục”. Vì sao vậy? – Vì mỗi niệm đều không giống nhau, đều không bình đẳng: Ý niệm trước không phải là ý niệm sau; ý niệm sau cũng không phải là ý niệm sau nữa v.v…khác hẳn với ý niệm trong niệm Phật: Niệm niệm đều tương đồng, nên gọi là“Đẳng vô gián duyên”. Cho nên thông thường chỉ nói là “vô gián”, không thể nói “đẳng vô gián”.

“Tăng thượng duyên” là năng lượng bên ngoài như: Nghe giảng, đọc kinh, đại chúng cùng nhau tu tập v.v…đều là “Tăng thượng duyên”. Ba duyên trước thuộc chính mình, thử hỏi: Trong ba duyên nầy, duyên nào là mấu chốt giúp ta thành tựu? – Đó chính là “Sở duyên duyên”. “Thân nhân duyên” thì mọi chúng sinh đều có sẵn, đầy đủ hạt giống Phật trong A Lại Da thức. “Sở duyên duyên” là lý tưởng, là đối tượng, cảnh giới mà tâm ta vươn đến. Nói cách khác, tâm ta là “sở duyên”, là Phật A Di Đà; “sở duyên duyên” của ta cũng là Phật A Di Đà thì Phật A Di Đà sẽ hiện tiền, chắc chắn được vãng sinh thấy Phật. “Sở duyên duyên” nầy không thể gián đoạn, đó chính là phải có “Đẳng vô gián duyên”. Bốn duyên đầy đủ thì chắc chắn sẽ thành tựu.

Trong kinh nầy, đức Phật nói: Tỳ kheo Pháp Tạng dùng tâm đại từ bi phát ra bốn mươi tám đại nguyện, lại dùng thời gian năm kiếp để tu hành. Tu nầy là gì? – Đó chính là “Duyên” – Bốn mươi tám nguyện là gì? – Là “Sở duyên duyên”. “Sở duyên duyên” của tỳ kheo Pháp Tạng không có gián đoạn, không có tạp niệm, nên gọi là “Đẳng vô gián duyên”. Ý niệm nầy mới thật sự là ý niệm “tương tục bình đẳng”. Do công đức ấy mà bốn mươi tám đại nguyện của Ngài đã thật sự viên mãn, thành tựu thế giới Tây phương Cực Lạc.

Ngày nay, chúng ta niệm Phật, niệm câu danh hiệu nầy là đầy đủ cả bốn duyên. Đem chủng tử thiện nhất trong A Lại Da chúng ta có Phật A Di Đà, có thế giới Cực Lạc, cũng chính là “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”, là hạt giống Phật giúp chúng ta vãng sinh, đây là “thân nhân duyên”. Tịnh niệm tương tục là “sở duyên duyên”. Tác dụng liên tục mãi tịnh niệm nầy, là “Đẳng vô gián duyên”. “Tăng thượng duyên” đầu tiên là đức Thế Tôn giới thiệu chúng ta về thế giới Tây Phương Cực Lạc có Phật A Di Đà. Lưu truyền mãi cho đến ngày nay là công lao của các đệ tử Phật bao gồm: Kết tập kinh điển, các Tổ sư, đại đức, đạo tràng, đồng tham đạo hữu v.v…đều là “Tăng thượng duyên” cho chúng ta. Sau cùng, quan trọng nhất là “đệ nhất Thiện căn” của Bồ tát, chính là tinh tấn, không giãi đãi.

Nên nhớ: Thế giới Cực Lạc là thế giới trong tâm ta, Phật A Di Đà là vị Phật trong tự tánh chúng ta. Chúng ta không cầu bên ngoài; cầu bên ngoài là không được! Ngày nay, chúng ta niệm Phật, tịnh niệm tương tục là “sở duyên duyên”. Chúng ta sẽ duyên câu Phật hiệu nầy, niệm mãi không quên, đó chính là “Đẳng vô gián duyên” giúp chúng ta vãng sinh.

Nếu chúng ta niệm Phật mà tâm vẫn tham luyến những chuyện thế gian, cứ suy nghĩ chuyện nầy, việc nọ thì “Đẳng vô gián duyên” của chúng ta có vấn đề; tuy có “Sở duyên duyên” vẫn không thể thành tựu!

“Đương tri thử nhân phi thị Tiểu Thừa” (Nên biết người này không phải Tiểu thừa). Chữ “thử nhân” (người này) chỉ người nhất tâm niệm Phật vừa nói ở trên. Thông thường, thế gian hay chê bai người niệm Phật, chỉ giải thoát cho riêng mình, thậm chí còn khinh rẻ pháp môn Niệm Phật, thì thật là không hiểu được ý Phật! Việc nầy chính từ kim khẩu của đức Thế Tôn tuyên thuyết: “Những người như thế không phải là Tiểu thừa”.

Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: “Di Ðà Nhất Thừa nguyện hải, cùng bình đẳng ban cho cỗ xe trâu trắng lớn, chỉ là Nhất Thừa, không hai cũng không ba, vì thế mới nói “phi thị Tiểu Thừa” (không phải Tiểu Thừa)”.

“Cổ xe trâu trắng lớn” chính là Nhất Phật Thừa, điển tích trong kinh Pháp Hoa. Trong đây, đức Phật dạy: “Tam giới vô an do như hỏa trạch” (Tam giới như nhà lửa). Rồi Phật nêu thí dụ: Có một vị trưởng giả có rất nhiều con, nhà ông đang bị cháy, các con không hiểu chuyện cứ vui đùa trong đó. Trưởng giả phải phương tiện dụ chúng ra ngoài bằng cách bảo chúng: “Các con mau ra đây, bên ngoài có sẵn xe dê, xe nai, xe trâu trắng lớn, sẵn sàng cho các con tùy ý sử dụng. Bọn chúng ra ngoài chỉ thấy toàn xe trâu trắng, vui mừng khôn xiết. Nghĩ tưởng mình chỉ được xe dê, xe nai đâu ngờ lại được xe trâu trắng lớn. “Xe dê, xe nai” là ví cho Tiểu thừa: Thanh Văn, Duyên Giác. “Xe trâu trắng lớn” ví cho Đại Thừa, là cổ xe lớn, có thể đưa nhiều người tiến thẳng đến đạo quả giác ngộ, thành Phật.

“Ư ngã pháp trung, đắc danh đệ nhất đệ tử” (Trong pháp của ta, được gọi là đệ tử bậc nhất). Đức Phật còn tán dương người niệm Phật là đệ tử bậc nhất trong giáo pháp của Ngài. Vì cớ sao? – Vì pháp môn niệm Phật quả thật là bậc nhất, là “nhất thiết thế gian nan tín chi pháp” (pháp mà tất cả thế gian đều rất khó tin), nay họ tin được, phát tâm phụng hành đúng như lời dạy, thật đáng xưng tụng là đệ tử bậc nhất trong giáo pháp của ta.

KINH VĂN:

Thị cố cáo nhữ: Thiên nhân thế gian A-tu-la đẳng, ưng đương ái nhạo tu tập, sanh hi hữu tâm. Ư thử kinh trung, sinh đạo sư tưởng, dục linh vô lượng chúng sinh, tốc tật an trụ đắc bất thoái chuyển, cập dục kiến bỉ quảng đại trang nghiêm, nhiếp thọ thù thắng Phật sát, viên mãn công đức giả, đương khởi tinh tấn, thính thử pháp môn.

VIỆT DỊCH:

Vì thế, ta bảo các ông: Trời, người, thế gian, A-tu-la v.v… phải nên yêu thích tu tập, sinh tâm hi hữu. Ðối với kinh này tưởng như đạo sư, muốn khiến cho vô lượng chúng sinh mau chóng an trụ, được bất thoái chuyển và muốn thấy cõi Phật ấy rộng lớn trang nghiêm, nhiếp thọ thù thắng, viên mãn công đức, nên khởi tinh tấn, nghe pháp môn nầy.

GIẢNG:

Ðoạn kinh văn trên, Phật lại khuyên nên tôn trọng, y chỉ, yêu thích tu tập pháp môn đã dạy trong kinh này.

Ngài Tịnh Ảnh nói: “Từ chữ ‘thị cố’ (vì thế) trở đi là khuyên học kinh này. Do trong kinh này nói về đức Vô Lượng Thọ (tức Phật A Di Đà) (ai) nghe sẽ được đại lợi. Vì thế, dù đại hỏa tràn ngập cả tam thiên đại thiên thế giới, cũng phải vượt qua đó để nghe nhận kinh này, huống hồ là các nạn nhỏ khác”.

Hòa thượng Tịnh Không giải thích câu “dù đại hỏa tràn ngập cả tam thiên đại thiên thế giới, cũng phải vượt qua đó để nghe nhận kinh này”. Câu “tam thiên đại thiên thế giới”, dùng lời các nhà thiên văn học ngày nay, đó là mười ức hệ ngân hà. Nếu mười ức hệ ngân hà đều bị lửa lớn đốt cháy, “cũng phải vượt qua đó để nghe nhận kinh này”. Ý nói: Không gì ngăn cản được tín tâm và nguyện tâm kiên định của chúng ta.

Do bởi kinh này là kinh bậc nhất của Tịnh tông, giảng về nhân địa, nguyện hạnh của Phật Di Ðà, y báo, chánh báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc, chánh nhân vãng sinh của ba bậc, nhân quả uế – tịnh của hai cõi, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại v.v… không điều gì chẳng bao gồm. Có thể nói, kinh nầy đích thật là pháp luân viên mãn: Đại Thừa, Tiểu Thừa, Hiển Giáo, Mật Giáo, Tông môn, Giáo môn đều ở trong bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ nầy. Bởi thế, “ư thử kinh trung, sinh đạo sư tưởng” (đối với kinh này nên tưởng như đạo sư), kính vâng theo kinh giáo, phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm.

Ðức Thế Tôn dạy: Phàm muốn cho vô lượng chúng sinh mau chứng Bất Thoái, và muốn thấy “quảng đại trang nghiêm thù thắng Phật sát” (cõi Phật thù thắng rộng lớn trang nghiêm), nguyện học theo Phật, cũng tự nhiếp thọ cõi Phật, dùng các sự quảng đại thù thắng như thế độ khắp căn cơ, rộng thâu vạn loại, hòng viên mãn công đức thì phải nên khởi tâm tinh tấn nghe nhận pháp môn này.

KINH VĂN:

Vị cầu pháp cố, bất sinh thoái khuất siểm ngụy chi tâm. Thiết nhập đại hỏa, bất ưng nghi hối. Hà dĩ cố? Bỉ vô lượng ức chư Bồ Tát đẳng, giai tất cầu thử vi diệu pháp môn, tôn trọng thính văn, bất sinh vi bội. Đa hữu Bồ Tát, dục văn thử kinh nhi bất năng đắc; thị cố nhữ đẳng ưng cầu thử pháp.

VIỆT DỊCH:

Vì để cầu pháp, chớ nên sinh tâm thoái chuyển, hư ngụy. Dù vào trong lửa lớn cũng không nên nghi hối. Vì cớ sao? Vô lượng ức các Bồ Tát đều cầu pháp môn vi diệu này, tôn trọng lắng nghe, không sinh tâm chống trái. Có nhiều Bồ Tát muốn nghe kinh này mà không được nghe. Vì thế các ông nên cầu pháp này.

GIẢNG:

Ở đây, Phật lại thiết tha khuyên bảo đại chúng vững tin vào pháp môn Tịnh Ðộ  và kinh Vô Lượng Thọ nầy. Trước hết, Phật dạy: “Vị cầu pháp cố, bất sinh thoái khuất siểm ngụy chi tâm (Vì để cầu pháp, chớ nên sinh tâm thoái chuyển, hư ngụy). Ấy bởi trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện, có nguyện “pháp môn vô thượng thệ nguyện học”, mà Tịnh tông lại là pháp bậc nhất; kinh Vô Lượng Thọ cũng là kinh bậc nhất của Tịnh tông. Lúc tu nhân, Phật A Di Ðà đã từng nói: “Giả linh cúng dường hằng sa thánh, bất như kiên dũng cầu Chánh Giác” (Ví như cúng dường hằng sa thánh, không bằng kiên cố, dũng mãnh cầu Chánh Giác). Ý nói: “Cúng dường hằng sa thánh” chỉ là tu phước, cầu phước báo nhân thiên, chưa ra khỏi luân hồi lục đạo; không bằng “kiên dũng cầu Chánh Giác”. Muốn cầu Chánh Giác, trước phải cầu chánh pháp. Không có chánh pháp, làm gì có Chánh Giác. Do đó, chớ nên sinh tâm hư ngụy.

Chữ “Thoái” là thoái chuyển; chữ “khuất” là giả tạo cong vạy; chữ “siểm ngụy” là hư dối. Chữ “thiết” trong “Thiết nhập đại hỏa” là giả thiết hay giả sử. Ý nói: Vì để cầu pháp, nếu phải vào lửa lớn cũng “bất ưng nghi hối” (không nên nghi ngờ, hối hận). Phải giống như Phật Di Ðà trong lúc tu nhân thệ rằng: “Túng sử thân chỉ chư khổ trung, như thị nguyện tâm vĩnh bất thoái” (Dẫu cho thân ở trong các khổ, nguyện tâm như thế vĩnh viễn không lui sụt) đó mới là tin sâu nguyện thiết. Theo Hòa thượng Tịnh Không: Thế gian nầy làm chút việc tốt đều có đố kỵ, chướng ngại, huống chi là việc tốt đẹp lớn lao nầy!

– Ai gây phiền phức cho chúng ta?

– Thiên ma ngoại đạo!

Bản thân họ không làm, cũng không muốn chúng ta làm! Chúng ta làm chơi thì không sao, họ ở bên cạnh liền cười nhạo! Còn như làm thật thì sao? – Họ nhất định gây phiền phức!

“Thiết nhập đại hỏa”: Chữ “hỏa” nầy không phải “hỏa” bình thường mà là “kiếp hỏa”.

-“Kiếp hỏa” là gì?

– Là tinh hệ bị đốt cháy!

Trong kinh Đại Thừa nói: Thế giới có “thành, trụ, hoại, không”. Sau cùng của “kiếp hoại” là toàn bộ thế giới tinh hệ đều bị hủy diệt, tất cả đều biến thành không!

Chúng ta biết mặt trời là hỏa cầu. Giới khoa học cho rằng vô số hằng tinh trong vũ trụ đa phần đều là hỏa cầu. Trong tinh cầu không có hỏa. Có tám đại hành tinh xoay quanh mặt trời, còn tiểu hành tinh thì vô số không thể đếm nổi. Hành tinh nhỏ nhất, đường kính của nó chỉ có mấy cây số, giống như một đảo nhỏ trong hư không, nó cũng tự xoay và cũng có xoay quanh. Đến khi một tinh hệ hủy diệt liền xảy ra lửa lớn, trong kinh gọi là “Kiếp hỏa”.

– Phạm vi hỏa nầy đốt đến bao nhiêu?

– Đốt đến trời Sơ Thiền! Nói rõ hơn, toàn bộ lục đạo đều không còn, hủy diệt hết! Thủy tai có thể ngập đến trời Nhị Thiền; phong tai có thể phá hoại đến trời Tam Thiền. Đây là “Đại tam tai”. Chỉ có trời Tứ Thiền thì không sao cả, phước báo của họ lớn, lại còn tu Định, nên tâm họ thanh tịnh, bình đẳng.

Hiểu được đạo lý nầy, mọi người chúng ta cố gắng tu tập cũng có thể tránh khỏi được kiếp nạn; không phải cố tránh mà tự nhiên không còn. Lúc nầy, nơi chúng ta ở dù có thiên tai, chỉ duy nhất chỗ chúng ta ở thì không có.

Ở Úc châu đã xảy ra sự việc nầy: Đó là một đạo tràng nhỏ của hai tỳ kheo ni tọa lạc trong rừng. Nơi đây, ngày nào cũng công phu niệm Phật. Gặp phải nạn cháy rừng, tất cả nhà cửa quanh đây đều bị cháy, chỉ riêng đạo tràng của hai sư cô là không cháy. Thật vô cùng kỳ lạ! Truyền thông có đến đây phỏng vấn sư cô. Sau nầy, sư cô đến Đồ Văn Ba có ghé thăm Hòa thượng Tịnh Không và kể lại sự việc. Kỳ tích nầy khiến mọi người nhận ra được khai thị: Công đức niệm Phật thật không thể nghĩ bàn!

“Hà dĩ cố” (vì cớ sao). Đây là lời đức Phật hỏi. Tiếp đó, Phật giảng thêm về cả hai khía cạnh thuận và nghịch:

– Thứ nhất, từ chánh diện mà nói “Bỉ vô lượng ức chư Bồ Tát đẳng, giai tất cầu thử vi diệu pháp môn, tôn trọng thính văn, bất sinh vi bội” (Vô lượng ức các Bồ Tát đó đều cầu pháp môn vi diệu này, tôn trọng lắng nghe, không sinh tâm chống trái). Họ đều được vãng sinh thế giới Cực Lạc như trong phẩm thứ bốn mươi hai “Bồ tát vãng sinh” có đề cập qua.

– Thứ hai, từ phản diện mà nói, “đa hữu Bồ Tát dục văn thử kinh nhi bất năng đắc” (có nhiều Bồ Tát muốn nghe kinh này mà chẳng được nghe). Đó chính là không đủ nhân duyên.

Phẩm tiếp ngay sau phẩm này còn nói: Có một ức Bồ Tát do không nghe kinh này mà bị thoái chuyển Vô Thượng Bồ Ðề.

Ðây là từ phản diện để khuyến dụ chúng sinh vững tin vào pháp môn Tịnh Độ. Cho nên cuối phẩm, đức Thế Tôn lại lần nữa từ bi phó chúc: “Thị cố nhữ đẳng ưng cầu thử pháp” (Vì thế, các ông phải nên cầu pháp này).