LUẬN ĐẠI TÔNG ĐỊA HUYỀN VĂN BẢN
Tác giả: Bồ tát Mã Minh.
Hán dịch: Đời Trần, Đại sư Chân Đế.
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ (2013).

 

QUYỂN 6

* Thứ 11: Phần Đại Quyết Trạch vô tận vô cùng trần trần số lượng đạo lộ.

Như vậy là đã nói về Phần Đại Quyết Trạch về đại tạng vô tận thuộc lớp lớp biển rộng của Đại Long Vương. Tiếp theo là nói về Phần Đại Quyết Trạch về số lượng đạo lộ là vô tận vô cùng không kể xiết. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Trong vô số đạo lộ

Lượng như trước đã nói

Cũng có năm mươi mốt

Quyết định vị kim cang.

Dựa vị ấy lập tướng

Tức có mười loại lớp

Dùng làm lượng đạo lộ

Như hai nhân một quả…

* Luận nói: Theo trong môn này thì có bao nhiêu số lượng phần vị? Có năm mươi mốt loại phần vị chân kim cang, đầy đủ viên mãn không thiếu mất. Như kệ viết: “Trong vô số đạo lộ, Lượng như trước đã nói, Cũng có năm mươi mốt, Quyết định vị kim cang”. Ở trong phần vị này tức có mười loại pháp môn biến đối, có thể gồm thâu vô lượng môn. Những gì là mười loại? Đó là: (1) Môn hai nhân một quả. (2) Môn một nhân một quả. (3) Môn ít nhân nhiều quả. (4) Môn nhân quả một vị. (5) Môn không nhân không quả. (6) Môn tự nhiên an trụ. (7) Môn nhân quả. (8) Môn quả nhân. (9) Môn ngôn thuyết. (10) Môn ngôn nhân. Đấy gọi là mười môn. Mười môn như vậy dùng làm số lượng môn. Như kệ viết: “Dựa vị ấy lập tướng, Tức có mười loại lớp, Dùng làm lượng đạo lộ, Như hai nhân một quả…”. Môn thứ nhất kia hình tướng như thế nào?

* Kệ viết:

Dùng tín tâm làm đầu

Như thứ theo tự loại

Lấy vị còn lại đầu

Đến nơi vị tâm định.

Tức chọn địa Như Lai

Cũng như thứ lớp ấy

Tâm bất thoái làm đầu

Theo đồng phẩm tự loại.

Lấy vị khác thứ hai

Đến nơi vị tâm nguyện

Cũng chọn địa Như Lai

Vị tu hành làm đầu.

Như thứ theo tự loại

Lấy vị khác thứ ba

Đến nơi vị tâm chánh

Cũng chọn địa Như Lai.

Vị bất thoái làm đầu

Như thứ theo tự loại

Lấy vị khác thứ tư

Đến vị trụ quán đảnh.

Cũng chọn địa Như Lai

Hạnh lìa si làm đầu

Như thứ theo tự loại

Chọn vị khác thứ năm.

Đến nơi hạnh vô trước

Cũng chọn địa Như Lai

Hạnh tôn trọng làm đầu

Như thứ theo tự loại.

Lấy vị khác thứ sáu

Đến nơi hạnh chân thật

Cũng chọn địa Như Lai

Tùy thuận quán chúng sinh.

Hồi hướng dùng làm đầu

Như thứ theo tự loại

Lấy bốn vị còn lại

Đều số lượng khế hợp.

Khác có địa Như Lai

Dùng đồng địa làm bạn

Trang nghiêm một biển giác

Đều gọi nhân và quả.

 Hợp thích quán xét rộng

Lý ấy nên sáng rõ.

* Luận nói: Nay trong môn này là nêu rõ về nghĩa gì? Vì muốn hiển thị năm mươi mốt phần vị đều là đồng lượng, dùng hai loại nhân chiêu cảm được một quả, mở rộng biển Tam bảo đến vô cùng vô tận. Nghĩa này là thế nào? Đó gọi là hai loại nhân của tín tâm và địa phát tâm, là đồng một hành tướng không lìa bỏ nhau, cùng hành hợp chuyển trụ nơi một đối tượng tạo tác khởi vô lượng vật dụng sinh vô biên đức, trang nghiêm đầy đủ một biển đại giác, có thể sinh trưởng nhân, gọi là nhân tối thượng bậc nhất, đã xuất sinh làm tăng trưởng quyết định bản tạng chân thật, là mẹ của gốc lớn, xa lìa trói buộc trang nghiêm nơi chủng tử của địa Vô thắng, theo hải hội đã trang nghiêm. Quả gọi là đầy đủ chân kim cang, viên mãn đại từ bi nơi pháp thân hư không bình đẳng không sai biệt. Là địa địa vô thượng đầu tiên nơi biển vô cực, một tận Đại giác không hai Sơn vương.

Tiếp theo là niệm về hai loại pháp của địa hành hoan hỷ nơi địa tâm, có thể nuôi lớn nhân trang nghiêm đầy đủ nơi một biển Đại giác. Nhân gọi là an lạc, thường sáng quyết định tăng trưởng, hải hội chủng tử của không khổ không vọng, tự nhiên chiếu đạt tất cả pháp tánh, không có chướng ngại. Quả gọi là thường an lạc, thông sáng như hư không thế giới thâm diệu luôn luôn biết rõ, không hai sơn vương.

Tiếp theo là hai loại pháp của địa hồi hướng thuộc địa của tâm tinh tấn cứu hộ tất cả chúng sinh. Có thể nuôi lớn nhân trang nghiêm đầy đủ nơi một biển Đại giác. Nhân gọi là nhân phát khởi nước ánh sáng của đại bi thù thắng xa lìa mọi biếng trễ, thường độ, thường hành nơi bản địa, tự tánh đầy đủ thông đạt hải hội chủng tử. Quả gọi là ánh sáng của từ bi, luôn luôn đạt được trí tuệ, không hai sơn vương.

Tiếp theo là hai loại pháp của địa hoan hỷ nghịch lưu, thuộc địa tuệ tâm, có thể nuôi lớn nhân trang nghiêm đầy đủ nơi một biển Đại giác. Nhân gọi là hải hội chủng tử của đại chân kim cang là ánh sáng của mặt trời mặt trăng, theo tự tánh lìa khổ đoạn trừ biển phẩm loại tối tăm. Quả gọi là địa cực trọng nơi một thể tánh vô thượng tự nhiên cùng tận hiểu rõ không hai sơn vương.

Tiếp theo là hai loại pháp của địa địa đại cực thuộc địa tâm định, có thể nuôi lớn nhân trang nghiêm đầy đủ nơi một biển đại giác. Nhân gọi là hải hội chủng tử quyết định an tịch xa lìa tán loạn, chiếu sáng vô cùng nơi nước nước lửa lửa. Quả gọi là địa tịch tĩnh viên mãn, nơi địa minh tròn đủ gồm đủ tạng đức không hai sơn vương.

Như vậy, chư Phật thảy đều mỗi mỗi đều tạo ba sự việc lớn. Những gì là ba sự việc? Một là Hưng hóa. Hai là Thuyết pháp. Ba là Thắng tấn. Nói hưng hóa: Là xuất hưng một thân biến hóa, số lượng nhiều như số vi trần trong mười phương thế giới. Nói thuyết pháp: Là tuyên thuyết về một biển pháp môn của địa phát tâm tin tưởng số lượng nhiều như số vi trần trong mười phương thế giới. Nói thắng tấn: Là hướng về phần vị thượng thượng như thứ lớp để đi vào. Đây gọi là ba sự việc lớn. Theo trong thân biến hóa thì nơi mỗi mỗi thân cũng đều có ba sự việc này, nên thông đạt rộng. Như thế như thế, tùy tùy như như. Các phần vị càng về sau so sánh với trước nên biết. Như kệ viết: “Dùng tín tâm làm đầu, Như thứ theo tự loại, Lấy vị còn lại đầu, Đến nơi vị tâm định, Tức chọn địa Như Lai”.

Như vậy là đã nói về môn hai nhân một quả. Tiếp theo là nói về môn một nhân một quả. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Năm mươi mốt loại vị

Đều không đợi lực khác

Riêng trụ trong tự gia

Chiêu cảm được một quả.

Danh tự nhân và quả

Như thứ lớp kia thêm

Là chủng tử đại giác

Hợp thích nên biết rõ.

Thứ lớp đồng trước nói

Tăng giảm thì không đồng.

* Luận nói: Nay trong kệ này là nêu rõ về nghĩa gì? Là muốn hiển thị hai pháp nhân quả có số lượng khế hợp, trang nghiêm giác đạo, khiến biển của Tam bảo chuyển thành rộng lớn. Như kệ viết: “Năm mươi mốt loại vị, Đều không đợi lực khác, Riêng trụ trong tự gia, Chiêu cảm được một quả”. Nên nhân và quả xứng với danh tự vốn có, thêm vào tên gọi của chủng tử đại giác. Như kệ viết: “Danh tự nhân và quả, Như thứ lớp kia thêm, Là chủng tử đại giác, Hợp thích nên biết rõ”. Tướng chuyển theo thứ lớp cùng với trước đã nói là như nhau không sai biệt, chỉ tăng số lượng hay giảm số lượng thì sai biệt đều không đồng. Như kệ viết: “Thứ lớp đồng trước nói, Tăng giảm thì không đồng”. Như vậy, chư Phật mỗi mỗi thảy đều tạo ba sự việc lớn, tên gọi đồng như trước đã nói, nghĩa thì có điều không đồng. Nói hưng hóa: Là xuất hưng mười thân biến hóa số lượng nhiều như số vi trần trong mười phương thế giới. Nói thuyết pháp: Là tuyên thuyết về mười biển pháp môn mỗi mỗi đều là vị nhân có số lượng nhiều như số vi trần của mười phương thế giới. Nói thắng tấn: Là hướng về phần vị thượng thượng như thứ lớp để hội nhập. Theo trong thân biến hóa cũng có ba sự việc này, nên thông đạt rộng.

Như vậy là đã nói về môn một nhân một quả. Tiếp theo là nói về môn ít nhân nhiều quả. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Trong năm mươi mốt vị

Mỗi mỗi đều có đủ

Cảm vị năm mươi quả

Gọi ít nhân nhiều quả.

* Luận nói: Nay trong môn này là nêu rõ về nghĩa gì? Là muốn hiển thị chỉ có một loại nhân nhưng chiêu cảm năm mươi quả, tự tại vô ngại không có thiếu mất. Biển của Tam bảo chuyển thành rộng lớn hơn. Như kệ viết: “Trong năm mươi mốt vị, Mỗi mỗi đều có đủ, Cảm vị năm mươi quả, Gọi ít nhân nhiều quả”. Như vậy, chư Phật mỗi mỗi thảy đều tạo ba sự việc lớn, tên gọi như trước đã nói nghĩa thì có điểm không đồng. Nói hưng hóa: Là xuất hưng một trăm thân biến hóa, số lượng nhiều như số vi trần của một trăm thế giới trong mười phương. Nói thuyết pháp: Là tuyên thuyết về một trăm biển pháp môn mỗi mỗi đều là phần vị nhân, số lượng nhiều như số vi trần của một trăm thế giới trong mười phương. Nói thắng tấn: Là hướng về phần vị thượng thượng như thứ lớp để hội nhập. Theo trong thân biến hóa có ba sự việc này, nên thông đạt rộng.

Như vậy là đã nói về môn ít nhân nhiều quả. Tiếp theo là nói về môn nhân quả một vị. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Trong năm mươi mốt vị

Mỗi mỗi đều có đủ

Có năm trăm biển quả

Trong năm trăm biển quả.

Mỗi mỗi đều có đủ

Có năm trăm biển nhân

Do bình đẳng như vậy

Gọi nhân quả một vị.

* Luận nói: Nay trong môn này là nêu rõ về nghĩa gì? Là muốn hiển thị số lượng của hai pháp nhân quả là khế hợp không có tăng giảm, nên biển của Tam bảo chuyển thành rộng lớn. Như kệ viết: “Trong năm mươi mốt vị, Mỗi mỗi đều có đủ, Có năm trăm biển quả, Trong năm trăm biển quả, Mỗi mỗi đều có đủ, Có năm trăm biển nhân, Do bình đẳng như vậy, Gọi nhân quả một vị”. Như vậy, chư Phật đã hành tác ba sự việc, cũng lại đồng như trước, chỉ nghĩa thì có khác. Đó gọi là số ngàn thân tướng biến hóa cũng lại như vậy.

Như thế là đã nói về môn nhân quả một vị. Tiếp theo là nói về môn không nhân không quả. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Năm mươi mốt vị pháp

Không phải là nhân quả

 Pháp sinh ngàn nhân quả

Gọi không nhân không quả.

* Luận nói: Nay trong môn này là nêu rõ về nghĩa gì? Là muốn hiển thị về nhân của năm mươi mốt vị nhưng không có quả. Nhân sinh ra biển lớn của ngàn nhân quả mà không có nhân. Quả sinh ra biển lớn của ngàn quả. Nên biển của Tam bảo chuyển thành rộng lớn. Như kệ viết: “Năm mươi mốt vị pháp, Không phải là nhân quả, Pháp sinh ngàn nhân quả, Gọi không nhân không quả”. Như vậy, chư Phật đã hành tác ba sự việc, cũng lại đồng như truớc, chỉ có nghĩa thì khác. Đó gọi là số vạn.

Như vậy là đã nói về môn không nhân không quả. Tiếp theo là nói về môn tự nhiên an trụ. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Trong năm mươi mốt vị

Mỗi mỗi đều có đủ

Trải vô lượng kiếp chuyển

Không ra ngoài tự gia.

* Luận nói: Nay trong môn này là nêu rõ về nghĩa gì? Là muốn hiển thị về từng phần vị đều trải qua vô lượng kiếp để tu hành thành đạo, những sự việc ấy chuyển biến không có phần hạn. Nên biển của Tam bảo càng trở nên rộng lớn. Như kệ viết: “Trong năm mươi mốt vị, Mỗi mỗi đều có đủ, Trải vô lượng kiếp chuyển, Không ra ngoài tự gia”. Như vậy, chư Phật đã hành tác ba sự việc, cũng lại đồng với trước, chỉ có nghĩa là khác. Đó gọi là số ức.

Như vậy là đã nói về môn tự nhiên an trụ. Tiếp theo là nói về môn quả của nhân. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Sinh năm mươi mốt vị

Sinh năm mươi mốt vị

Đối tượng sinh vô tận

Gọi môn quả của nhân.

* Luận nói: Nay trong môn này là nêu rõ về nghĩa gì? Là muốn hiển thị về chủ thể sinh của chủ thể sinh không có cùng tận. Đối tượng sinh của đối tượng sinh không có cùng tận. Do đó biển của Tam bảo càng trở thành rộng lớn. Như kệ viết: “Sinh năm mươi mốt vị, Sinh năm mươi mốt vị, Đối tượng sinh vô tận, Gọi môn quả của nhân”. Như vậy, chư Phật đã hành tác ba sự việc, cũng lại đồng với trước, chỉ có nghĩa là khác. Nghĩa là số mười ức.

Như vậy là đã nói về môn quả của nhân. Tiếp theo là nói về môn nhân của quả. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Nghĩa này đối trước rõ

Ý thú không riêng khác

Chỉ có số lượng tăng

Trụ tâm nên quán xét.

* Luận nói: Nay trong môn này là nêu rõ về nghĩa gì? Là muốn hiển thị năm mươi mốt vị ấy cũng là nhân cũng là quả, đều phát sinh vô tận vô tận nhân quả nơi biển lớn pháp môn, vì vậy biển của Tam bảo càng trở thành rộng lớn. Như kệ viết: “Chỉ có số lượng tăng”. Như vậy, chư Phật đã hành tác ba sự việc, cũng lại đồng với trước, chỉ có nghĩa là khác. Nghĩa là số một trăm ức.

Như vậy là đã nói về môn nhân của quả. Tiếp theo là nói về môn ngôn thuyết. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Hết thảy biển Tam bảo

Thảy đều thuyết khởi tin

Vì không có cùng tận

Gọi là môn ngôn thuyết.

* Luận nói: Nay trong môn này là nêu rõ về nghĩa gì? Là muốn hiển thị tất cả Tam bảo mỗi mỗi thảy đều tuyên thuyết về vô tận biển tăng, vô tận biển pháp, vô tận biển giác. Do đó biển của Tam bảo càng trở thành rộng lớn. Như kệ viết: “Hết thảy biển Tam bảo, Thảy đều thuyết khởi tin, Vì không có cùng tận, Gọi là môn ngôn thuyết”. Như vậy, các Tam bảo đã tạo tác ba sự việc, lại cũng đồng như trước, chỉ có nghĩa là khác. Nghĩa là số một ngàn ức.

Như vậy là đã nói về môn ngôn thuyết. Tiếp theo là nói về môn ngôn nhân. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Tất cả Tam bảo thuyết

Như thuyết lượng người tạo

Vì không có cùng tận

Gọi là môn ngôn nhân.

* Luận nói: Nay trong kệ này là nêu rõ về nghĩa gì? Là muốn hiển thị như trước đã nói về các Tam bảo thuyết giảng như số lượng đã giảng nói. Vì hành giả tạo tác không có cùng tận, do đó biển của Tam bảo chuyển thành rộng lớn. Như kệ viết: “Tất cả Tam bảo thuyết, Như thuyết lượng người tạo, Vì không có cùng tận, Gọi là môn ngôn nhân”. Như vậy, các bậc đã thành đạo rồi tức đã hành tác ba sự việc, cũng lại đồng như trước, chỉ có nghĩa là khác. Nghĩa là số vạn ức. Trong Khế kinh Đại Minh Tổng Trì Cụ Túc Tâm Địa giảng nói như vầy: “Ví như trong pháp tạng của đạo hành nơi mười phương vô tế vô bản vô thủy vô chung, hành đủ khắp các địa, có mười loại hải hội pháp môn thù thắng chuyển chuyển tăng trưởng bội bội đầy đủ rộng lớn viên mãn”. Cho đến nói rộng.

* Thứ 12: Phần Đại Quyết Trạch bất khả tư nghị bất khả xưng lượng câu câu vi trần Bản Đại Sơn Vương.

Như vậy là đã nói về Phần Đại Quyết Trạch về số lượng đạo lộ là vô tận vô cùng không kể xiết. Tiếp theo là nói về Phần Đại Quyết Trạch về Bản Đại Sơn Vương số lượng là cùng cùng với vi trần không thể nghĩ bàn không thể nêu xưng. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Trong biển không nghĩ bàn

Tức có ba loại pháp

Là ba lớp gấp bội

Hợp thích nên biết rõ.

* Luận nói: Theo trong thể tánh của Bản Đại Sơn Vương không thể nghĩ bàn tức có ba loại. Những gì là ba loại? Một là số lượng của Pháp bảo gấp bội. Hai là số lượng của Tăng bảo gấp bội. Ba là số lượng của Phật bảo gấp bội. Đấy gọi là ba loại gấp bội. Tăng lên số lượng là bao nhiêu để thành nghĩa gấp bội? Nghĩa là biển Tam bảo tăng lên số lượng nhiều như số vi trần của ức ức thế giới trong mười phương. Như thứ lớp ấy, dựa nơi đạo lộ thì một loại tăng gấp bội lên mười lần. Nên quán xét tường tận. Như kệ viết: “Trong biển không nghĩ bàn, Tức có ba loại pháp, Là ba lớp gấp bội, Hợp thích nên biết rõ”. Cuối cuối nơi ba lần gấp bội là dựa nơi bản gia để nói, nên thông suốt rộng khắp. Trong Khế kinh Tâm Địa giảng nói như vầy: “Trong phần biển tánh căn bản có câu trần vô thượng không thể nghĩ bàn, đầy đủ viên mãn ức ức biển lớn đại phương ba đức. Lấy phần của đại phương để kiến lập đại phương”. Cho đến nói rộng.

HẾT – QUYỂN 6

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20