LUẬN ĐẠI TÔNG ĐỊA HUYỀN VĂN BẢN
Tác giả: Bồ tát Mã Minh.
Hán dịch: Đời Trần, Đại sư Chân Đế.
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ (2013).

 

QUYỂN 5

* Thứ 9: Phần Đại Quyết Trạch thâm lý xuất hưng Địa Tạng Đại Long Vương đạo lộ.

Như vậy là đã nói về Phần Đại Quyết Trạch thâm lý xuất hưng Đại Long Vương Địa Tạng. Tiếp theo là nói về Phần Đại Quyết Trạch về đạo lộ của Đại Long Vương Địa Tạng thâm lý xuất hưng. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Trong đạo lộ Long Vương

Gồm có hai mươi pháp

Là trong hai tạng gốc

Đều có mười loại pháp.

* Luận nói: Căn cứ ở trong đạo lộ của Đại Long Vương Địa Tạng từ thâm lý xuất hưng thì gồm có pháp tự tại trong hai mươi loại. Vì sao? Vì trong hai loại tạng công đức và lỗi lầm mỗi loại đều có mười pháp. Như kệ viết: “Trong đạo lộ Long Vương, Gồm có hai mươi pháp, Là trong hai tạng gốc, Đều có mười loại pháp”. Vì thế hai mươi loại pháp ấy, danh tự, hình tướng là như thế nào?

* Kệ viết:

Mười tạng gốc công đức

Thường hoại câu và phi

Tự tha câu và phi

Vô ngại gồm một toàn.

Mười tạng gốc lỗi lầm

Như nhất trái không có

Đối lợi dung trên dưới

Như thứ nên quán xét.

Như vậy hai mươi pháp

Mỗi mỗi đều đều đều

Rộng lớn và viên mãn

Lượng cùng với gốc còn.

* Luận nói: Theo trong thể của tạng gốc công đức tức có mười pháp, có thể gồm thâu tất cả vô lượng công đức. Những gì là mười loại? Đó là: (1) Phẩm loại công đức của bản thể tự tánh, quyết định thường trụ, bất sinh bất diệt, xa lìa lưu chuyển. (2) Phẩm loại công đức của bản thể tự tánh, thường hằng di chuyển, là sinh là diệt, lưu chuyển cùng hành. (3) Phẩm loại công đức quyết định thường trụ, thường hằng, vô thường, một thời cùng chuyển, không có trước sau sai trái. (4) Phẩm loại công đức xuất sinh hai sự thường vô thường, không gồm thâu, bản tánh tự thể là lìa thoát không hành. (5) Phẩm loại công đức của mười loại tự tự gồm thâu tất cả pháp, không có pháp còn lại, riêng một không hai, chỉ một loại một hành. (6) Phẩm loại công đức vô thể vô tánh, từ nhân duyên khởi, cũng có cũng không, tùy thuận ứng hợp biến chuyển. (7) Phẩm loại công đức cứu cánh trọn vẹn, cũng chuyển cùng hành, không cùng lìa bỏ. (8) Phẩm loại công đức chẳng chẳng tự chẳng phải tha, lìa dứt tên gọi, trụ vào phi phi, tự tánh quyết định. (9) Phẩm loại công đức đối với tất cả các pháp tùy thuận vô ngại, tự thể tự tánh pháp vốn như vậy, đạo lý tánh tạo như thị. (10) Phẩm loại công đức năm căn nơi mỗi mỗi căn, năm trần nơi mỗi mỗi trần, tất cả các pháp cũng lại như vậy. Đấy gọi là mười loại. Như kệ viết: “Mười tạng gốc công đức, Thường hoại câu và phi, Tự tha câu và phi, Vô ngại gồm một toàn”.

Theo trong thể của tạng gốc lỗi lầm cũng có mười pháp, có thể gồm thâu tất cả vô lượng lỗi lầm. Những gì là mười loại? Đó là: (1) Phẩm loại lỗi lầm vì đối với tất cả các pháp tùy thuận như như, như tạo tác sự việc trái ngược. (2) Phẩm loại lỗi lầm vì tạo tác các pháp đồng một nghiệp dụng, một hành tác sự việc trái ngược. (3) Phẩm loại lỗi lầm vì lúc đối trị đạo dấy khởi không có Thể ổn định, nên tạo tác sự việc trái ngược. (4) Phẩm loại lỗi lầm vì các pháp nhiễm tịnh đều không thật có, không hành tác sự việc trái ngược. (5) Phẩm loại lỗi lầm vì tất cả các pháp đều gồm có thì có, tức có tạo tác sự việc trái ngược. (6) Phẩm loại lỗi lầm vì thuận theo đối trị đồng lượng như như hiện tiền, đối tạo sự việc trái ngược. (7) Phẩm loại lỗi lầm do nơi lực của đạo đối trị theo tự loại tăng ích lợi tạo sự việc trái ngược. (8) Phẩm loại lỗi lầm do đạo đối trị dứt bỏ sự phát khởi tự dụng dung hợp tạo sự việc trái ngược. (9) Phẩm loại lỗi lầm vì chờ đợi phần trên chuyển biến mới có thể khởi dụng tiến lên tạo sự việc trái ngược. (10) Phẩm loại lỗi lầm vì lúc ẩn giấu mới có thể khởi dụng hướng xuống để tạo tác sự việc trái ngược. Đấy gọi là mười loại. Như thứ lớp ấy, trụ nơi tâm tư duy dừng lại, chuyên tâm quán xét thì lý ấy sáng tỏ. Như kệ viết: “Mười tạng gốc lỗi lầm, Như một trái không có, Đối lợi dung trên dưới, Như thứ nên quán xét”.

Như vậy, hai mươi pháp cùng với phần căn bản kia mới bằng nhau không có sai biệt. Vì thế có hai mươi loại tạng gốc, không có lỗi trái nhau. Vì sao? Vì trong tạng gốc ấy đạo lý như thị tự nhiên thường có, không phải là từ tạng gốc tăng trưởng kiến lập. Vì sao nơi xứ xứ đều giữ lại chữ Phẩm? Do như trước đã nói về hai mươi loại pháp, tất cả đều có cả trăm loại quyến thuộc, do đó nói Phẩm, là theo như trước nói nên hiểu rõ. Như kệ viết: “Như vậy hai mươi pháp, Mỗi mỗi đều đều đều, Rộng lớn và viên mãn, Lượng cùng với gốc còn”.

Như vậy là đã nói về môn kiến lập danh tự. Tiếp theo là nói về môn nghĩa lý đã giảng giải. Lại, đối trị và chướng ngại đối xét có sai biệt như thế nào?

* Kệ viết:

Hai mươi pháp như vậy

Mỗi mỗi đều có đủ

Một đức trị nhiều lỗi

Nhiều lỗi ngăn một đức.

Không có thứ lớp định

Mà số phẩm loại bằng

Không mất đối xét lỗi

Như lý nên quán xét.

Như nói pháp gốc còn

Nói phẩm loại cũng vậy.

* Luận nói: Như trước đã nói về hai mươi loại pháp, mỗi mỗi loại đều có đủ, một đức đối trị tất cả chướng ngại, tất cả chướng ngại ngăn chận một đức, không có đối xét riêng khác. Như kệ viết: “Hai mươi pháp như vậy, Mỗi mỗi đều có đủ, Một đức trị nhiều lỗi, Nhiều lỗi ngăn một đức, Không có thứ lớp định”. Nếu nói như vậy, nay trong môn này thì phép tắc đối xét hợp thành tạp loạn? Tuy không có đối xét riêng nhưng có đối xét chung, vì vậy không có lỗi. Như kệ viết: “Mà số phẩm loại bằng, Không mất đối xét lỗi, Như lý nên quán xét”. Như phẩm loại căn bản này theo như trước đã nói nên hiểu rõ. Như kệ viết: “Như nói pháp gốc còn, Nói phẩm loại cũng vậy”.

Như vậy là đã nói về môn đối trị và chướng ngại đối xét có sai biệt. Tiếp theo là nói về môn an lập vị địa kim cang. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Trong môn pháp gốc này

Cũng có vị kim cang

Dựa vị có ba môn

Là môn thượng trung hạ.

* Luận nói: Theo trong môn pháp căn bản này cũng có năm mươi mốt phần vị kim cang, như trên đã nói về hai mươi loại pháp, dựa vào phần vị để an lập. Thế nào là an lập? Nghĩa là trong các phần vị đều có đủ hai mươi loại, không có trước sau mà một thời chuyển. Vậy thì trong đây có ba loại môn. Những gì là ba loại? Một là môn hoàn toàn chuyển theo trên. Hai là môn hoàn toàn chuyển theo dưới. Ba là môn hoàn toàn chuyển theo giữa. Đấy gọi là ba môn. Ba môn như vậy, mỗi mỗi môn, trong mỗi mỗi phần vị đều gồm đủ cùng chuyển, không đợi thời gian trước sau. Như nói về pháp căn bản thì phẩm loại cũng vậy. Do môn nhỏ này đã xoay chuyển nắm giữ phần rộng lớn nên thông tỏ rộng khắp. Như kệ viết: “Trong môn pháp gốc này, Cũng có vị kim cang, Dựa vị có ba môn, Là môn thượng trung hạ”.

* Thứ 10: Phần Đại Quyết Trạch Đại Long Vương trùng trùng quảng hải vô tận đại tạng.

Như vậy là đã nói về Phần Đại Quyết Trạch thâm lý xuất hưng Địa Tạng Đại Long Vương đạo lộ. Tiếp theo là nói về Phần Đại Quyết Trạch về đại tạng vô tận thuộc lớp lớp biển rộng của Đại Long Vương. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Trong Đại Tạng biển rộng

Gồm có ba loại lớn

Là lớp đầu giữa sau

Lớp đầu có hai mươi.

Hai ức mười phương cõi

Lượng biển lớn pháp môn

Hai mươi loại tạng gốc

Đều sinh một vạn lượng.

Đều riêng trăm quyến thuộc

Đều sinh ra một ngàn

Vì vậy số viên mãn

Trụ tâm nên quán xét.

Lớp giữa sau gấp này

Nên thông suốt rộng khắp.

* Luận nói: Theo trong đại tạng vô tận thuộc lớp lớp biển rộng của tự gia Đại Long Vương, gồm có ba lớp, có thể gồm thâu các phần vị. Những gì là ba lớp? Một là lớp đầu đệ nhất hữu. Hai là lớp giữa an trụ cư. Ba là lớp sau kiến lập chuyển. Đấy gọi là ba lớp. Ở trong lớp thứ nhất tức có số lượng biển lớn của hai mươi hai ức mười phương thế giới gồm vô số pháp môn thắng diệu. Nghĩa này là thế nào? Nghĩa là trong hai mươi loại pháp của tạng gốc, mỗi mỗi đều đều sinh ra một vạn biển lớn pháp môn, trong ấy đều đều riêng riêng có một trăm loại quyến thuộc. Mỗi mỗi đều đều sinh ra một ngàn biển pháp môn. Do nghĩa này nên danh tự viên mãn, nghĩa lý đầy đủ. Như thứ lớp ấy an trụ nơi tâm định kia làm cho tư duy dừng lắng, thông minh quán xét về lý của số lượng cùng ý nghĩa đã giảng hiện bày rõ ràng. Như kệ viết: “Trong Đại Tạng biển rộng, Gồm có ba loại lớn, Là lớp đầu giữa sau, Lớp đầu có hai mươi, Hai ức mười phương cõi, Lượng biển lớn pháp môn, Hai mươi loại tạng gốc, Đều sinh một vạn lượng, Đều riêng trăm quyến thuộc, Đều sinh ra một ngàn, Vì vậy số viên mãn, Trụ tâm nên quán xét”.

Tiếp đến hai loại lớp giữa và sau, như thứ lớp ấy đều gấp bội lớp trước, phân bố khắp nơi nên thông suốt rộng khắp. Như kệ viết: “Lớp giữa sau gấp này, Nên thông suốt rộng khắp”. Do đó, trong Khế kinh Đại Ma Ni Bảo Tạng Đà La Ni Tu Tập giảng nói như vầy: “Trong tạng biển cả vô tận của Long Long địa địa, có nhiều số lượng pháp môn phép tắc và phẩm loại của mười phương. Đầu tiên gọi là pháp môn chuyển đại pháp, luận bàn đầy đủ về một biển cả vô cực vô tận, dẫn dắt ánh sáng hiện chiếu soi địa địa nơi bản nghiệp bản dụng, xuất sinh làm tăng trưởng biển lớn phép tắc. Sau cùng gọi là pháp môn của lý về hữu tánh, vô tánh, vô ngã, không tạo lợi ích rộng lớn cùng ánh sáng, cũng lìa thoát, cũng hợp chuyển, đầy đủ và đầy đủ vô biên hành chủng địa vĩ đại nơi m6on pháp vũ tung vọt của tạng gốc, xuất hưng phẩm loại thường vị. Chỉ chọn lấy một cảnh giới để làm thí dụ, không chọn lấy các trần”.

Cho đến nói rộng.

HẾT – QUYỂN 5

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20