LUẬN ĐẠI TÔNG ĐỊA HUYỀN VĂN BẢN
Tác giả: Bồ tát Mã Minh.
Hán dịch: Đời Trần, Đại sư Chân Đế.
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ (2013).
QUYỂN 16
* Thứ 31: Phần Đại Quyết Trạch xuất ly hệ phược địa thanh bạch giải thoát đạo lộ..
Như vậy là đã nói về Phần Đại Quyết Trạch về biển biển vô tận của Sơn Vương cùng hành rộng lớn cùng tột. Tiếp theo là nói về Phần Đại Quyết Trạch về đạo lộ giải thoát thanh bạch xuất ly địa trói buộc. Tướng ấy là thế nào?
* Kệ viết:
Trong đạo lộ giải thoát
Có hai mươi vô vi
Là mười không mười hữu
Các vô vi như thế.
Trong năm mươi mốt vị
Thảy đều có đầy đủ
Dựa pháp vị lập chuyển
Có hai lớp lớp vượt.
* Luận nói: Theo trong phần đạo lộ giải thoát thanh bạch xuất ly địa trói buộc, tức có hai mươi pháp vô vi thường, đó gọi là mười không vô vi và mười hữu vô vi, đều sai biệt.
Thế nào gọi là mười không vô vi? Đó là: (1) Không vô vi của hư không rộng lớn tự nhiên thường trụ lìa tạo tác. (2) Không vô vi của đại hư không ảnh. (3) Không vô vi của hư không ảnh ảnh. (4) Không vô vi của phá ảnh vô sở hữu. (5) Không vô vi của không không câu phi. (6) Không vô vi của lìa ngôn dứt thuyết. (7) Không vô vi của tuyệt ly vị tất. (8) Không vô vi của dứt lìa tâm giải. (9) Không vô vi của dứt lìa cùng cùng. (10) Không vô vi của đại không đại không không chướng không ngại. Đấy gọi là mười không vô vi.
Thế nào gọi là mười hữu vô vi? Đó là: (1) Phi không vô vi (Hữu vô vi) của thuyết quyết định thường trụ không phá bỏ. (2) Phi không vô vi của tất cả tâm thức quyết định thường trụ không phá bỏ. (3) Phi không vô vi của tất cả đại chủng quyết định thường trụ không phá bỏ. (4) Phi không vô vi của tất cả câu phi quyết định thường trụ không phá bỏ. (5) Phi không vô vi của tất cả có thật quyết định thường trụ không phá bỏ. (6) Phi không vô vi của tất cả tánh đại quyết định thường trụ không phá bỏ. (7) Phi không vô vi của tất cả kim quang quyết định thường trụ không phá bỏ. (8) Phi không vô vi của tất cả hữu danh quyết định thường trụ không phá bỏ. (9) Phi không vô vi của tất cả quyết định thường trụ không phá bỏ. (10) Phi không vô vi của tự tánh rộng lớn viên mãn vốn có tất cả chủng loại hiện hữu quyết định thường trụ không phá bỏ. Đấy gọi là mười hữu vô vi.
Như kệ viết: “Trong đạo lộ giải thoát, Có hai mươi vô vi, Là mười không mười hữu”. Hai mươi loại pháp vô vi như thế, trong năm mươi mốt loại phần vị kim cang, chuyển biến đầy đủ viên mãn không thiếu mất. Như kệ viết: “Các vô vi như thế, Trong năm mươi mốt vị, Thảy đều có đầy đủ”.
Dựa nơi hai mươi pháp vô vi như vậy để kiến lập tướng chuyển của năm mươi mốt phần vị, thì có hai loại. Những gì là hai loại? Một là môn thâu tóm gồm đủ lớp lớp không chướng ngại. Hai là môn thứ lớp loạn chuyển vượt quá. Đây gọi là hai môn. Như kệ viết: “Dựa pháp vị lập chuyển, Có hai lớp lớp vượt”.
Lại, môn thâu tóm gồm đủ lớp lớp không chướng ngại, hình tướng như thế nào?
* Kệ viết:
Mỗi mỗi hai mươi pháp
Đều thâu hai mươi sau
Năm mươi mốt loại vị
Mỗi mỗi đều đều đủ.
Thâu năm mươi mốt vị
Cũng thâu trái với đây
Do nơi nhân duyên này
Kiến lập môn lớp lớp.
* Luận nói: Thế nào gọi là tướng của môn lớp lớp? Nghĩa là gồm thâu trọn đủ. Thế nào là gồm thâu trọn đủ? Nghĩa là hai mươi loại pháp vô vi thường trụ có đầy đủ tín tâm, mỗi mỗi đều đều thâu tóm các phần vị sau, đều có hai mươi loại pháp vô vi. Như nói về tín tâm, thì các phần vị khác cũng như vậy. Như kệ viết: “Mỗi mỗi hai mươi pháp, Đều thâu hai mươi sau”. Năm mươi mốt loại phần vị đều gồm thâu năm mươi mốt loại, cũng không chướng ngại. Như kệ viết: “Năm mươi mốt loại vị, Mỗi mỗi đều đều đủ, Thâu năm mươi mốt vị”. Cũng nơi mỗi mỗi pháp gồm thâu tất cả vị, mỗi mỗi vị gồm thâu tất cả pháp, cũng không chướng ngại. Như kệ viết: “Cũng thâu trái với đây”. Dùng hai loại môn gồm thâu trọn đủ như vậy, nên lập tên gọi là lớp lớp. Như kệ viết: “Do nơi nhân duyên này, Kiến lập môn lớp lớp”.
Như vậy là đã nói về môn gồm thâu trọn đủ lớp lớp không chướng ngại. Tiếp theo là nói về môn thứ lớp loạn chuyển vượt quá. Tướng ấy là thế nào?
* Kệ viết:
Trong năm mươi mốt vị
Tùy một trải năm mươi
Dần dần tăng số pháp
Chuyển rộng lớn khắp chốn.
* Luận nói: Nay trong kệ này là nêu rõ về nghĩa gì? Là nhằm hiển thị trong năm mươi mốt loại phần vị kim cang, dùng tín làm đầu, trải qua năm mươi phần vị. Dùng trụ phát tâm làm đầu trải qua năm mươi phần vị. Cho đến dùng địa tột cùng làm đầu trải qua năm mươi phần vị. Nếu nơi chuyển thứ nhất, tăng lên bốn mươi phần vị chuyển thì số pháp là một trăm. Hoặc nơi chuyển thứ hai, tăng lên tám mươi phần vị chuyển thì số pháp là hai trăm, cho đến địa sau cùng. Như kệ viết: “Trong năm mươi mốt vị, Tùy một trải năm mươi, Dần dần tăng số pháp, Chuyển rộng lớn khắp chốn”. Trong Khế kinh Uẩn Cao Sơn Vương Phẩm Loại đã giảng nói như vầy: “Trong môn địa địa vô phá, số lượng vật báu hữu tịch tĩnh là rất nhiều, số lượng vật báu không tịch tĩnh cũng rất nhiều. Nếu có hành giả hội nhập trong môn này tức thông đạt các pháp nơi đại đạo vô vi không có chướng ngại, không có nghi sợ, thì tâm ấy tự tại, quyết định thường trụ nơi đại an lạc, dần dần tăng trưởng biển công đức thường hằng”. Cho đến nói rộng.
* Thứ 32: Phần Đại Quyết Trạch giải thoát Sơn Vương căn bản địa địa vô ngại tự tại.
Như vậy là đã nói về Phần Đại Quyết Trạch về đạo lộ giải thoát thanh bạch xuất ly địa trói buộc. Tiếp theo là nói về Phần Đại Quyết Trạch về địa địa căn bản của Sơn Vương giải thoát tự tại vô ngại. Tướng ấy là thế nào?
* Kệ viết:
Trong Sơn Vương căn bản
Không hữu hỗ tương sinh
Các vị đều cùng sinh
Chuyển thắng chuyển rộng lớn.
* Luận nói: Nay trong kệ này là nêu rõ về nghĩa gì? Là nhằm hiển thị về mười không vô vi, mỗi mỗi đều đều xuất sinh mười pháp hữu vô vi thường trụ . Mười hữu vô vi, mỗi mỗi đều đều xuất sinh mười pháp không vô vi thường trụ. Năm mươi mốt phần vị, mỗi mỗi đều xuất sinh năm mươi phần vị dựa vào môn như lớp lớp v.v… chuyển viên mãn, rộng lớn. Như kệ viết: “Trong Sơn Vương căn bản, Không hữu hỗ tương sinh, Các vị đều cùng sinh, Chuyển thắng chuyển rộng lớn”. Trong Khế kinh Ma Ha Diễn nêu bày như vầy: “Trong biển giải thoát cũng có không hữu cũng có hữu không, số lượng ấy là rất nhiều. Như vậy không hữu chỉ là thường diệt không phải là lượng vô thường, chỉ là phẩm công đức không phải là phẩm lỗi lầm. Vì thế nên nói là biển tạng giải thoát”. Cho đến nói rộng.
HẾT – QUYỂN 16