LUẬN ĐẠI TÔNG ĐỊA HUYỀN VĂN BẢN
Tác giả: Bồ tát Mã Minh.
Hán dịch: Đời Trần, Đại sư Chân Đế.
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ (2013).
QUYỂN 14
* Thứ 27: Phần Đại Quyết Trạch hệ phược địa địa phẩm loại bất cát tường đạo lộ.
Như vậy là đã nói về Phần Đại Quyết Trạch về địa địa vô thượng rộng lớn viên mãn của Ma Ha Bảo Luân Vương. Tiếp theo là nói về Phần Đại Quyết Trạch về đạo lộ của địa địa bị trói buộc với phẩm loại không an lành. Tướng ấy là thế nào?
* Kệ viết:
Trong đạo lộ trói buộc
Cũng có vị kim cang
Dựa vị lập tướng chuyển
Tức có bốn loại pháp.
Là năng, sở, chướng quả
Bốn loại pháp như vậy
Thảy đều lượng hữu vi
Như pháp nên quán xét.
* Luận nói: Theo trong phần đạo lộ của địa địa bị trói buộc với phẩm loại không an lành cũng có năm mươi mốt phần vị kim cang. Dựa vào các phần vị này để kiến lập tướng chuyển tức có bốn loại pháp. Những gì là bốn loại? Một là pháp của trí là chủ thể chứng đắc. Hai là pháp của lý là đối tượng được chứng đắc. Ba là pháp của sự bị chướng ngại. Bốn là pháp của quả đã chứng đắc. Đấy gọi là bốn loại. Bốn pháp như vậy đều là lượng hữu vi. Nên quán xét kỹ. Như kệ viết: “Trong đạo lộ trói buộc, Cũng có vị kim cang, Dựa vị lập tướng chuyển, Tức có bốn loại pháp, Là năng sở chướng quả, Bốn loại pháp như vậy, Thảy đều lượng hữu vi, Như pháp nên quán xét”.
Bốn pháp như vậy đều có bao nhiêu số lượng? Hình tướng chuyển của chúng như thế nào?
* Kệ viết:
Đều có hai loại pháp
Là bản thủy thể tướng
Sinh diệt cùng tăng giảm
Tướng chuyển chỉ trên trên.
* Luận nói: Trong bốn loại pháp mỗi loại đều có hai thứ. Những gì là hai trí? Một là trí của tánh đức gốc xưa. Hai là trí của khởi đức mới nay. Đó gọi là hai trí.
Những gì là hai lý? Một là lý của thể có thật. Hai là lý của tướng có thật. Đó gọi là hai lý.
Những gì là hai chướng? Một là chướng của bản sinh bản sinh. Hai là chướng của bản diệt bản diệt. Đó gọi là hai chướng.
Những gì là hai quả? Một là quả của công đức tăng trưởng. Hai là quả của lỗi lầm tổn giảm. Đó gọi là hai quả.
Như kệ viết: “Đều có hai loại pháp, Là bản thủy thể tướng, Sinh diệt cùng tăng giảm”. Nên tướng chuyển tu hành chỉ có hướng lên trên. Như kệ viết: “Tướng chuyển chỉ trên trên”. Đối trị chướng và chứng đắc quả đối xét có sai biệt, hình tướng như thế nào?
* Kệ viết:
Thể bản sinh đối tăng
Tướng thủy diệt đối giảm
Từ nhiều cũng thông rõ
Như pháp nên quán xét.
* Luận nói: Trí của tánh đức gốc xưa, đoạn trừ chướng của bản sinh bản sinh, chứng đắc lý của thể có thật, thành tựu quả của công đức tăng trưởng. Như kệ viết: “Thể bản sinh đối tăng”. Trí của khởi đức mới nay, đoạn trừ chướng của bản diệt bản diệt, chứng đắc lý của tướng có thật, thành tựu quả của lỗi lầm tổn giảm. Như kệ viết: “Tướng thủy diệt đối giảm”. Bốn pháp như vậy trong năm mươi mốt loại phần vị chân kim cang thảy đều đầy đủ. Nên xét chọn kỹ. Chỉ hoàn toàn chuyển hay là cùng loại chuyển? Là cùng loại chuyển. Như kệ viết: “Từ nhiều cũng thông rõ, Như pháp nên quán xét”. Hai chướng sinh diệt có nghiệp dụng sai biệt, hình tướng ấy như thế nào?
* Kệ viết:
Bản chủ lúc sinh diệt
Là thắng sinh thắng diệt.
* Luận nói: Công đức căn thiện xuất hưng thì đối trị chuyển thắng xuất hưng. Chuyển thắng đối diệt tạo sự việc trái ngược. Như kệ viết: “Bản chủ lúc sinh diệt, Là thắng sinh thắng diệt”. Trong Khế kinh Đại Kim Cang Sơn Bảo Hải Hội Chúng giảng nói như vầy: “Lại nữa, này Văn-thù-sư-lợi! Ông trước đã hỏi: Thế nào gọi là các pháp vô thường cùng một đạo một loại? Nơi môn chuyển thứ nhất là do bốn vô thường? Ta đã nêu rõ như vậy. Những gì là bốn loại? Một là trí vô thường. Hai là lý vô thường. Ba là vô thường nơi vô thường. Bốn là thượng quả vô thường. Đấy gọi là bốn loại. Này Văn-thù-sư-lợi! Nói trí vô thường: Là đoạn phiền não. Nói lý vô thường: Là trí đã chứng đắc. Nói vô thuờng nơi vô thường: Là bao gồm sự đoạn trừ. Nói thượng quả vô thường: Là chờ đợi lực của nhân”. Cho đến nói rộng.
* Thứ 28: Phần Đại Quyết Trạch hệ phược địa địa tự nhiên Bản Vương Ma Ha ẩn phẩm.
Như vậy là đã nói về Phần Đại Quyết Trạch về đạo lộ của địa địa bị trói buộc với phẩm loại không an lành. Tiếp theo là nói về Phần Đại Quyết Trạch về phẩm của Bản Vương Ma Ha ẩn tự nhiên nơi địa địa bị trói buộc. Tướng ấy là thế nào?
* Kệ viết:
Trong Bản Vương tự nhiên
Pháp hữu vi, vô vi
Đầy đủ viên mãn chuyển
Trong ấy đủ thượng hạ.
* Luận nói: Theo trong Phần của phẩm Bản Vương Ma Ha ẩn tự nhiên tức có hai chuyển. Những gì là hai chuyển? Một là hữu vi chuyển. Hai là vô vi chuyển. Đó gọi là hai chuyển. Như kệ viết: “Trong Bản Vương tự nhiên, Pháp hữu vi vô vi, Đầy đủ viên mãn chuyển”. Cũng có hai chuyển. Những gì là hai chuyển? Một là thượng chuyển. Hai là hạ chuyển. Đấy gọi là hai chuyển. Như kệ viết: “Trong ấy đủ thượng hạ”. Hữu vi vô vi đều có bao nhiêu số lượng? Tướng của thượng chuyển hạ chuyển như thế nào?
* Kệ viết:
Vô vi chỉ có một
Hữu vi có hai loại
Như thứ thật bản thủy
Thuợng hạ vô vi chủ
Xuất sinh hai hữu vi
Chuyển thắng chuyển rộng lớn.
* Luận nói: Vô vi có một, hữu vi có hai. Một nghĩa là có thật. Hai nghĩa là bản thủy. Như kệ viết: “Vô vi chỉ có một, Hữu vi có hai loại, Như thứ thật bản thủy”. Như vậy, ba pháp này trong năm mươi mốt loại phần vị kim cang cũng có tướng chuyển của công đức tăng trưởng ở phần trên và phần dưới. Tướng chuyển ở phần trên là thế nào? Nghĩa là trong thời gian hướng lên trên, nơi mỗi mỗi vị vị thì pháp vô vi là chủ, mỗi mỗi thảy đều xuất sinh tăng trưởng một vạn bản thủy tuệ giác thanh diệu. Còn trong thời gian hướng xuống dưới, thì mỗi mỗi vị vị thảy đều xuất sinh tăng trưởng đầy đủ viên mãn hai ức bản thủy tuệ giác thanh diệu. Như thế như thế đều là như như từ thượng hạ đến vô lượng nhỏ bé. Như nói về quyến thuộc vốn được giữ lại cũng như vậy. Như kệ viết: “Thượng hạ vô vi chủ, Xuất sinh hai hữu vi, Chuyển thắng chuyển rộng lớn”. Như thứ lớp ấy, số lượng tăng lên nên biết. Trong Khế kinh Phẩm Địa Kinh Luận nói như vầy: “Trong biển của Bản Vương nơi địa thế gian, tạng công đức vô thường là rất nhiều, vô số công đức thường trụ thì số lượng rất ít, vì vậy nên nói là địa thế gian tạng”. Cho đến nói rộng.
HẾT – QUYỂN 14