LUẬN ĐẠI TÔNG ĐỊA HUYỀN VĂN BẢN
Tác giả: Bồ tát Mã Minh.
Hán dịch: Đời Trần, Đại sư Chân Đế.
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ (2013).

 

QUYỂN 10

* Thứ 19: Phần Đại Quyết Trạch San Diện đà thi phạm ca nặc đạo lộ.

Như vậy là đã nói về Phần Đại Quyết Trạch về một địa đỉnh cao tối thắng của đại Sơn Vương không hai. Tiếp theo là nói về Phần Đại Quyết Trạch về đạo lộ của San Diện đà thi phạm ca nặc đạo lộ. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Trong đạo lộ San Diện

Bảy biến đối tu hành

Dùng làm lượng đạo lộ

Không có hành tướng khác.

* Luận nói: Nay trong kệ này là nêu rõ về nghĩa gì? Là muốn hiển thị trong đạo lộ của San Diện, chỉ dùng bảy biến đối để làm số lượng nơi cảnh giới của nó, không có tướng nào khác. Như kệ viết: “Trong đạo lộ San Diện, Bảy biến đối tu hành, Dùng làm lượng đạo lộ, Không có hành tướng khác”. Thế nào gọi là bảy biến tu hành, hình tướng ấy như thế nào?

* Kệ viết:

Bảy biến có ba loại

Như công đức lỗi lầm v.v…

Trong năm mươi mốt vị

Trên dưới bảy biến chuyển

Tăng trưởng phẩm công đức

Cùng các biển phiền não.

* Luận nói: Bảy biến tu hành gồm có bao nhiêu số? Có ba loại. Những gì là ba loại? Một là bảy biến công đức. Hai là bảy biến lỗi lầm. Ba là bảy biến đồng lượng. Đấy gọi là ba loại. Như kệ viết: “Bảy biến có ba loại, Như công đức lỗi lầm v.v…”. Nói tướng biến: Là trong năm mươi mốt loại phần vị kim cang, hướng lên trên trên chuyển và hướng xuống dưới dưới chuyển có đầy đủ bảy biến, tăng trưởng công đức tăng trưởng lỗi lầm chuyển rộng lớn. Như kệ viết: “Trong năm mươi mốt vị, Trên dưới bảy biến chuyển, Tăng trưởng phẩm công đức, Cùng các biển phiền não”. Bảy biến lỗi lầm hình tướng ấy như thế nào?

* Kệ viết:

Trong biến đầu thứ nhất

Trên đều tăng số trăm

Dưới đều tăng số ngàn

Ngăn ngại một hai đức

Sáu biến sau như thứ

Tăng bội bội số chuyển.

* Luận nói: Trong biến thứ nhất, tăng bao nhiêu số chuyển, chướng ngại bao nhiêu pháp tịnh? Nghĩa là trong lúc chuyển lên trên, mỗi mỗi vị vị đều tăng lên số trăm về phẩm loại phiền não, chướng ngại một pháp tịnh. Nếu trong lúc chuyển xuống dưới, thì mỗi mỗi vị vị đều tăng lên số ngàn về phẩm loại phiền não, chướng ngại hai pháp tịnh. Như kệ viết: “Trong biến đầu thứ nhất, Trên đều tăng số trăm, Dưới đều tăng số ngàn, Ngăn ngại một hai đức”. Trong sáu biến sau thì công đức lỗi lầm, như thứ lớp ấy đều tăng gấp bội số lượng. Như kệ viết: “Sáu biến sau như thứ, Tăng bội bội số chuyển”.

Như vậy là đã nói về môn hiển thị bảy biến lỗi lầm. Tiếp theo là nói về môn hiển thị bảy biến công đức. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Trong biến đầu thứ nhất

Trên đều tăng một ức

Dưới đều tăng hai ức

Dần dần thứ lớp chuyển.

Sáu biến sau như thứ

Tăng bội bội số chuyển

Không hoại số lượng lỗi

Làm công đức biến tạo.

* Luận nói: Trong biến thứ nhất tăng lên bao nhiêu số chuyển? Nghĩa là trong lúc chuyển lên trên, nơi mỗi mỗi vị đều tăng lên số một ức về phẩm loại công đức, dần dần mà chuyển. Nếu trong lúc chuyển xuống dưới, thì mỗi mỗi vị vị đều tăng lên số hai ức về phẩm loại công đức, dần dần mà chuyển. Như kệ viết: “Trong biến đầu thứ nhất, Trên đều tăng một ức, Dưới đều tăng hai ức, Dần dần thứ lớp chuyển”. Trong sáu biến sau, như thứ lớp ấy tăng lên gấp bội số lượng. Như kệ viết: “Sáu biến sau như thứ, Tăng bội bội số chuyển”. Như vậy, phẩm loại công đức đối với phiền não là đoạn trừ hay không đoạn trừ? Chỉ biến tạo sự chuyển đổi, không tác động hủy hoại. Như kệ viết: “Không hoại số lượng lỗi, Làm công đức biến tạo”.

Như vậy là đã nói về môn hiển thị bảy biến công đức. Tiếp theo là nói về môn hiển thị bảy biến đồng lượng. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Trong biến đầu thứ nhất

Đều trên tăng một ngàn

Đều dưới tăng hai vạn

Đồng số lượng dần dần.

Sáu biến sau như thứ

Tăng bội bội số chuyển

Không đoạn chướng sai biệt

Chỉ đối lượng kiến lập.

* Luận nói: Trong biến thứ nhất tăng lên bao nhiêu số chuyển? Nghĩa là trong lúc chuyển lên trên, mỗi mỗi vị vị đều tăng một ngàn, như thứ lớp chuyển. Nếu trong lúc chuyển xuống dưới, thì mỗi mỗi vị vị đều tăng hai vạn, như thứ lớp chuyển. Như kệ viết: “Trong biến đầu thứ nhất, Đều trên tăng một ngàn, Đều dưới tăng hai vạn”. Số lượng phẩm ấy có tăng giảm không? Chỉ có số lượng bình đẳng không phải số lượng sai biệt. Như kệ viết: “Đồng số lượng dần dần”. Trong sáu biến sau như thứ lớp ấy tăng lên gấp bội số chuyển, nghĩa là một gấp bội. Như kệ viết: “Sáu biến sau như thứ, Tăng bội bội số chuyển”. Bảy biến như vậy cũng không có tướng chiếu sáng, cũng không có tướng che lấp, chỉ có lượng bình đẳng phần phần kiến lập. Như kệ viết: “Không đoạn chướng sai biệt, Chỉ đối lượng kiến lập”. Trong đây theo thứ lớp nơi bảy biến công đức dùng làm chuyển sau cùng. Nên quán xét kỹ. Trong Khế kinh Thậm Thâm Chủng Tử giảng nói như vầy: “Thấu đạt rõ trong lý tạng chỉ có ba biến, lấy bảy làm lượng không tăng không giảm. Ví như rắn bò bảy bước, cây sinh bảy lá, đều là đạo lý của pháp vốn như vậy. Đầu chỉ là phẩm nhiễm, giữa thì nhiễm tịnh cùng có, sau chỉ là phẩm tịnh”. Cho đến nói rộng.

* Thứ 20: Phần Đại Quyết Trạch San Diện đà thi phạm ca nặc Bản Vương bản địa.

Như vậy là đã nói về Phần Đại Quyết Trạch về đạo lộ của San Diện đà thi phạm ca nặc. Tiếp theo là nói về Phần Đại Quyết Trạch về bản vương bản địa của San Diện đà thi phạm ca nặc. Tướng ấy là thế nào?

* Kệ viết:

Trong thể bản vương này

Có ba loại trăm biến

Tên thứ lớp như trước

Cùng không có sai biệt.

* Luận nói: Theo trong thể của bản vương này tức có ba loại trăm biến tu hành, tên gọi cùng thứ lớp như trước đã nói. Như kệ viết: “Trong thể bản vương này, Có ba loại trăm biến, Tên thứ lớp như trước, Cùng không có sai biệt”. Như vậy, hình tướng của ba biến như thế nào?

* Kệ viết:

Trong ba biến như vậy

Đầu đều như thứ lớp

Số mười ngàn trăm ức

Chín mươi chín biến sau

Như thứ tăng bội số

Dần dần thứ lớp chuyển.

* Luận nói: Theo trong môn trăm biến lỗi lầm thì nơi trên và dưới, trong biến thứ nhất tăng lên số mười ức, theo thứ lớp dần chuyển. Căn cứ nơi môn trăm biến công đức, ở trên và dưới, trong biến thứ nhất tức tăng lên số ngàn ức, theo thứ lớp dần chuyển. Theo trong môn trăm biến đồng lượng hàng trăm, thì ở trên và dưới, trong biến thứ nhất đã tăng lên số trăm ức, theo thứ lớp dần chuyển. Như kệ viết: “Trong ba biến như vậy, Đầu đều như thứ lớp, Số mười ngàn trăm ức”. Trong chín mươi chín biến sau, tất cả thảy đều y theo thứ lớp ấy tăng lên gấp bội số chuyển. Như kệ viết: “Chín mươi chín biến sau, Như thứ tăng bội số, Dần dần thứ lớp chuyển”. Trong Khế kinh Đại Hải Sơn Vương Địa Địa Phẩm Loại nêu giảng như vầy: “Trong thể của Như Lai Tạng có ba phẩm lưu chuyển, lấy số trăm làm lượng, không vượt quá thứ lớp dần dần chuyển đi. Như vậy, trong ba phẩm lưu chuyển, đầu thì công đức ít, lỗi lầm nhiều, giữa thì số lượng như nhau, sau tức chỉ có công đức”. Cho đến nói rộng.

HẾT – QUYỂN 10

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20