LUẬN THÀNH DUY THỨC
Hộ Pháp Bồ-tát tạo
Đường Tam tạng pháp sư Huyền Trang phụng chiếu dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt
QUYỂN 9
Nếu có ba tính, sao Thế Tôn nói tất cả pháp đều không tự tính?
Tụng nói:
23. Tức y ba tính này,
Lập ba vô tính kia.
Nên Phật mật ý nói
Tất cả pháp không tính.
24. Trước là tướng không tính,
Tiếp không tự nhiên tính.
Sau do lìa tính trước,
Là tính chấp ngã pháp.
25. Đây thắng nghĩa các pháp,
Cũng tức là Chân như.
Vì thường như tính đó,
Tức thật tính duy thức.
Tức dựa vào ba tính trước đây mà lập ra ba vô tính sau. Đó là tướng vô tính, sinh vô tính và thắng nghĩa vô tính. Cho nên Phật mật ngữ nói tất cả pháp đều không có tự tính, chứ không phải nói tính là hoàn toàn không có.
Nói mật ý tức là chẳng phải với nghĩa rốt ráo. Nghĩa là hai tính
sau, tuy thể tính chẳng phải không, nhưng có kẻ phàm phu không hiểu biết hai tính đó tăng thêm vọng chấp thật có tự tính ngã pháp. Chính đó là Biến kế sở chấp.
Để trừ vọng chấp đó, Phật Thế Tôn đối với hữu vô đều nói chung là vô tính.
Thế nào là dựa vào ba tính này mà lập ba vô tính kia?
Nghĩa là dựa vào tính Biến kế sở chấp đầu tiên mà lập ra tướng vô tính, vì do thể tướng của nó hoàn toàn chẳng phải có, như hoa đốm giữa hư không.
Tiếp đến là dựa vào Y tha, lập sinh vô tính. Đây như trò ảo thuật, nương các duyên mà sinh ra, không phải như vọng tình chấp có tính tự nhiên sinh, cho nên giả nói là vô tính, chứ không phải nói tính của nó là hoàn toàn không.
Sau là dựa vào tính Viên thành lập ra thắng nghĩa vô tính. Tức thắng nghĩa đó là do xa lìa tính Biến kế sở chấp ngã pháp cho nên giả nói là vô tính, chứ chẳng phải tính đó là hoàn toàn không có. Như vầng mặt trời giữa hư không tuy biến ra các sắc màu mà tự nó không mang riêng tính chất của một sắc màu nào cả.
Y tha khởi tuy không phải thắng nghĩa, cũng được gọi là thắng nghĩa vô tính, nhưng sợ lạm bàn nên ở đây không nói đến.
Tính Viên thành thật này chính là nghĩa thù thắng của các pháp, là thắng nghĩa đế của tất cả các pháp.
Nhưng thắng nghĩa đế lược nói có bốn thứ:
– Thế gian thắng nghĩa, đó là nghĩa của uẩn, xứ, giới v.v…
– Đạo lý thắng nghĩa, đó là Tứ diệu đế.
– Chứng đắc thắng nghĩa, đó là chân lý được hiển lộ bởi hai không.
– Thắng nghĩa thắng nghĩa, đó tức là nhất chân pháp giới.
Chữ thắng nghĩa được nói trong bài tụng này là thắng nghĩa nói sau cùng. Vì đây là nghĩa lý của đạo phẩm tối thắng tu hành, khác với ba thắng nghĩa trước.
Thắng nghĩa này của các pháp cũng tức là Chân như. Chân như nghĩa là chân thật, rõ chẳng phải hư vọng. Như nói như thường là biểu thị sự không biến đổi. Nghĩa là cái chân thật này, ở trong tất cả mọi vị trí đều thường luôn như tính của nó nên gọi là Chân như. Nghĩa là trong suốt tĩnh lặng.
Trong bài tụng nói chữ “Cũng” ý nói cũng còn nhiều tên gọi nữa như pháp giơi, thật tế v.v…như ở các bộ luận khác giải rộng tùy theo nghĩa.
Tính này tức thật tính duy thức. Tính của duy thức lược nói có hai:
– Một là tính hư vọng, tức tính Biến kế sở chấp.
– Hai là tính chân thật, tức tính Viên thành thật. Vì để phân biệt với tính hư vọng nên nói thật tính.
Lại có hai tính:
– Một là tính thế tục, tức tính Y tha khởi.
– Hai là tính thắng nghĩa, tức tính Viên thành thật. Vì để phận biệt khác với thế tục nên nói thật tính.
Ba bài tụng trên nói chung hiển thị nghĩa vô tính được nói trong các kinh, chưa phải là nghĩa thật rốt ráo. Người có trí không nên dựa vào tính cách chung đó mà bác bỏ cho rằng tất cả các pháp đều không có tự tính.
– Tính tướng của duy thức đã được thành lập như vậy. Vậy, ai, trải qua bao nhiêu vị, và ngộ nhập như thế nào?
Ai có đủ hai chủng tính Đại thừa, trải qua năm vị sẽ lần lượt ngộ nhập.
– Hai chủng tính Đại thừa là những gì?
Đó là:
Một là chủng tính vốn có sẵn, tức pháp nhân vô lậu y phụ nơi bản thức từ vô thủy đến nay.
Hai là chủng tính do huân tập, tức do nghe chính pháp, từ pháp giới bình đẳng lưu xuất, huân tập thành chủng tính.
Phải có đủ hai chủng tính Đại thừa đó mới só thể dần dần trải qua năm vị thứ ngộ nhập duy thức.
– Sao gọi là năm vị thứ ngộ nhập duy thức?
Đó là:
- Tư lương vị. Nghĩa là tu tập Đại thừa theo thuận giải thoát phần.
- Gia hành vị. Nghĩa là tu tập Đại thừa theo thuận quyết trạch phần.
- Thông đạt vị. Là các Bồ-tát trụ địa vị kiến đạo.
- Tu tập vị. Là các Bồ-tát trụ địa vị kiến đạo.
- Cứu cánh vị. Là trụ địa vô thượng chính đẳng Bồ-đề.
– Thế nào là dần dần ngộ nhập duy thức?
Đó là các Bồ-tát đối với lý duy thức tướng, tính, ở trong Tư lương vị thì tin hiểu sâu xa, trong Gia hành vị thì dần dần khắc phục diệt trừ sở thủ năng thủ, nhờ đó dần dần phát sinh trí chân kiến đạo, ở trong Thông đạt vị thì hiểu thấu thật lý duy tướng tướng tính, ở trong Tu tập vị thì đúng như lý đã hiểu thấu đáo, trải nhiều tu tập khắc phục dứt trừ các chướng, đến Cứu cánh vị thì thoát khỏi mọi chướng, được sáng suốt viên mãn có thể giáo hóa hữu tình đến tận đời vị lai khiến ngộ nhập tính tướng duy thức.
– Thứ nhất, Tư lương vị, tướng ấy như thế nào?
Tụng nói:
26. Cho đến chưa khởi thức,
Cầu trụ tính duy thức,
Đối hai thủ tùy miên,
Còn chưa thể phục diệt.
Luận nói: Từ khi phát tâm đại Bồ-đề thâm sâu vững chắc cho đến khi chưa khởi thức thuận quyết trạch phần, cầu trụ tính chân thắng nghĩa của duy thức, đến mức này đều thuộc Tư lương vị. Vì hướng tới vô thượng chính đẳng Bồ-đề mà tu tập các pháp Tư lương thù thắng, và vì chúng hữu tình mà siêng cầu giải thoát, do đó cũng gọi là thuận giải thoát phần.
Bồ-tát ở địa vị này dựa vào bốn sức thù thắng là nội nhân, thiện hữu, tác ý và tư lương nên đối với nghĩa lý duy thức tuy tin hiểu sâu xa nhưng còn chưa hiểu rõ năng thủ sở thủ đều không. Vì phần nhiều tu hạnh Bồ-tát mà còn ở ngoài cửa, cho nên đối với tùy miên của hai thủ còn chưa đủ công sức khắc phục trừ diệt làm cho nó không khởi hai thủ hiện hành.
Trong bài tụng nói “ hai thủ” tức nói hai thứ chấp thủ về hai thủ, tức chấp thủ tính năng thủ và sở thủ. Tập khí của hai thủ tức gọi là tùy miên của hai thủ. Chúng đeo đuổi theo loài hữu tình, ẩn ngủ trong tàng thức, hoặc đeo bám theo hữu tình làm tăng thêm mê lầm tội lỗi, nên gọi là tùy miên. Đó tức là chủng tử của sở tri chướng và phiền não chướng.
Phiền não chướng là chấp thật ngã Tát-ca-da kiến theo Biến kế sở chấp. Kiến chấp này đứng đầu một trăm hai mươi tám căn bản phiền não và các tùy phiền não từ chúng lưu xuất ra. Chúng quấy động não loạn thân tâm loài hữu tình, làm chướng ngại Niết-bàn, nên gọi là phiền não chướng.
Sở tri chướng là chấp thật pháp Tát-ca-da kiến theo Biến kế sở chấp. Kiến chấp này đứng đầu các kiến, nghi, vô minh, ái, nhuế, mạn v.v…chúng che lấp cảnh sở tri không điên đảo, và làm chướng ngại Bồ-đề, nên gọi là sở tri chướng. Sở tri chướng này không tương ưng với thức Dị thục, vì thức này quá vi tế liệt nhược, vì thức này không tương ưng với vô minh cũng như tuệ, và vì thức này cùng khởi với trí phẩm pháp không. Trong bảy chuyển thức, tùy sự thích ứng mà có sở tri chướng này hoặc ít hoặc nhiều, giống như phiền não chướng.
Năm thức như nhãn v.v…vì không có tính phân biệt nên không tương ưng với kiến, nghi v.v…của pháp chấp. Ngoài ra do ý lực dẫn khởi, nơi năm thức đều có.
Sở tri chướng này chỉ tương ưng với tâm bất thiện và vô ký. Luận nói vô minh chỉ thông tính bất thiện và vô ký, vì si và vô si không tương ưng nhau.
Trong phiền não chướng chắc chắn có sở tri chướng, vì phiền não chướng nhất định dùng sở tri chướng làm chỗ nương.
Hai chướng thể không khác mà dụng thì có khác nhau. Cho nên hai thứ tùy miên này tùy theo năng lực Thánh đạo mà có hơn kém và việc đoạn trừ có trước có sau.
Trong tính vô phú vô ký, sở tri chướng này thuộc Dị thục sinh, không như ba thứ kia như oai nghi v.v…thế lực bạc nhược, không che lấp cảnh sở tri, làm chướng ngại Bồ-đề. Đây gọi vô phú là đối với Nhị thừa mà nói. Nếu đối với Bồ-tát thì sở tri chướng cũng là hữu phú.
– Nếu trong sở tri chướng có kiến, nghi v.v…thì tại sao khế kinh nói chủng tử sở tri chướng là vô minh trụ địa?
Vì vô minh tăng mạnh nên gọi chung là vô minh, chứ không phải không có kiến v.v…Như trong chủng tử phiền não lập ra tên bốn trụ địa là kiến nhất xứ trụ địa, dục ái trụ địa, sắc ái trụ địa và hữu ái trụ địa. Đâu phỉ trong các trụ địa đó không có mạn, vô minh v.v…
Như vậy hai chướng này, nếu là phân biệt khởi thì thuộc kiến sở đoạn, nếu tự nhiên khởi thì thuộc tu sở đoạn.
Nhị thừa chỉ đoan được phiền não chướng. Bồ-tát mới đoạn được cả hai chướng. Nhưng chỉ có Thánh đạo mới vĩnh viễn đoạn trừ được chủng tử hai chướng. Còn khắc phục hiện hành của hai chướng thì cả hữu lậu đạo cũng có khả năng.
Bồ-tát trụ trong Tư lương vị này tuy khắc phục được hai chướng hiện hành về phần thô, nhưng về phần tế và hai tùy miên thì vì sức chỉ quán còn yếu kém nên chưa thể dứt trừ được.
Ở Tư lương vị tuy chưa chứng Chân như duy thức nhưng nương vào sức hiểu biết thù thắng mà tu các thắng hạnh nên cũng thuộc vào địa vị giải hạnh.
– Tu thắng hạnh, tướng của nó như thế nào?
Lược nói có hai thứ là phúc và trí. Trong các thắng hạnh, nếu lấy tuệ làm tính thì gọi là trí, ngoài ra đều là phúc. Vả lại, theo sáu thứ Ba-la-mật-đa thì tướng chung đều gồm cả hai, tướng riêng thì năm Ba-la-mật đầu là phúc đức, Ba-la-mật thứ sáu là trí tuệ. Hoặc nói ba Ba-la-mật đầu chỉ có phúc đức, một Ba-la-mật sau cùng là trí tuệ, còn lại là thông cả phúc và trí.
Lại có hai thứ là tự lợi và lợi tha. Khi tu tập thắng hạnh, tùy theo sức ý lạc, tất cả đều thông tự lợi và lợi tha.
Nếu nói sai biệt về tướng thì sáu Ba-la-mật và các pháp Bồ-đề phần đều thuộc hạnh tự lợi. Còn bốn nhiếp sự, bốn vô lượng tâm v.v…thuộc hạnh lợi tha. Những hạnh tu như vậy nhiều vô biên đều là các thắng hạnh được tu tập ở Tư lương vị này.
Ở Tư lương vị này, tuy chưa dẹp trừ hai chướng, khi tu thắng hạnh có ba sự thoái tâm chán nản, nhưng có thể lấy ba việc rèn luyện tâm mà dũng mãnh không thoái chuyển. Ba việc đó là:
1. Nếu nghe nói vô thượng chính đẳng Bồ-đề rộng lớn xa vời mà sinh tâm chán ngán, thì đem việc người khác đã tu, đã chứng đại Bồ-đề mà rèn luyện tâm mình dũng mãnh không nản chí.
2. Nếu nghe nói bố thí Ba-la-mật v.v…rất khó thực hành mà sinh tâm thoái lui, thì đánh thức ý mình khiến sinh ưa thích việc bố thí v.v…mà rèn luyện tâm mình dũng mãnh không thoái lui.
3. Nếu nghe nói quả chuyển y viên mãn của chư Phật rất khó chứng đắc mà tâm sinh thoái chuyển, thì lấy việc tu thiện thô thiển của người khác so với diệu nhân tu hành của mình để sinh lòng phấn chấn mà rèn luyện tâm mình dũng mãnh không thoái chuyển.
Do ba việc ấy rèn luyện tâm mình bền bĩ hăng hái tu các thắng hạnh.
– Thứ hai, Gia hành vị, tướng ấy như thế nào?
Tụng nói:
27. Hiện tiền lập chút vật,
Cho là tính duy thức.
Vì còn có sở đắc,
Chưa thật trụ duy thức.
Luận nói: Bồ-tát trước tiên ở vô số kiếp đầu khéo dự bị tư lương phúc đức trí tuệ, thuận giải thoát phần đã viên mãn rồi, vì để vào kiến đạo, trụ duy thức tính lại tu tạp Gia hành dẹp trừ hai thủ là Noãn, Đỉnh, Nhẫn, Thế đệ nhất. Bốn pháp này gọi chung là thuận quyết trạch phần, vì thuận hướng đến phần quyết định lựa chọn chân thật, gần đến giai đoạn kiến đạo nên lập tên là Gia hành, không như giai đoạn trước chỉ có nghĩa Tư lương không có Gia hành.
Bốn pháp Noãn v.v…được lập dựa theo vị thứ trước sau của bốn tầm tư, bốn như thật trí.
Bốn tầm tư là tầm tư danh, tầm tư nghĩa, tầm tư tự tính, tầm tư sai biệt. Bốn thứ đó đều giả không thật.
Biết khắp như thật bốn thứ này lìa thức và thức phi hữu, gọi là như thật trí. Danh và nghĩa khác nhau nên tìm hiểu riêng, còn hai thứ là tự tính và sai biệt, hai thứ đó tương đồng nên hợp lại tư duy quán sát.
Y vào Minh đắc định phát khởi tầm tư bậc hạ, quán thấy không có tướng sở thủ lập ra Noãn vị. Nghĩa là trong vị này lập ra bốn pháp sở thủ là danh v.v…quán thấy đều do tự tâm biến hiện, giả lập nói có, thật ra không có được. Ban đầu đạt được hành tướng sáng trước mặt như mặt trời tuệ nên đặt tên là Minh đắc. Tức ở vị này vì đạt được tướng lửa đạo nên cũng gọi là Noãn.
Y vào Minh tăng định phát sinh tầm tư bậc thượng quán thấy không có tướng sở thủ lập ra Đỉnh vị. Nghĩa là trong vị này tiếp tục vẫn quán bốn pháp sở thủ là danh v.v…thấy đều do tự tâm biến hiện, giả lập nói có, thật ra không có được. Tướng sáng tăng mạnh lên nên gọi Minh tăng. Đây là tột đỉnh của vị tầm tư nên cũng gọi là Đỉnh.
Y vào Ấn thuận định phát khởi như thật trí bậc hạ, đối với vô sở thủ quyết định giữ đúng, đối với vô năng thủ cũng tùy thuận vui vẻ nhận chịu. Đã không có cảnh thật lìa thức năng thủ thì đâu có thức thật lìa cảnh sở thủ. Sở thủ năng thủ chỉ do đối đãi lập ra mà thôi. Khi tùy thuận chấp nhận giữ đúng gọi chung là nhẫn. Trước sau giữ đúng như vậy gọi là Ấn thuận. Nhẫn chịu cảnh thức đều không nên cũng gọi là Nhẫn.
Y vào Vô gián định phát khởi như thật trí bậc thượng, ấn nhập hai thủ đều không, lập Thế đệ nhất pháp. Nghĩa là nhẫn ở bậc thượng trước kia chỉ ấn nhập năng thủ không, nay ở bậc Thế đệ nhất pháp này cả hai không, đều ấn nhập. Từ đây liên tục không gián đoạn sẽ nhập vào Kiến đạo nên gọi Vô gián. Ở trong pháp của Dị loại sinh, đến đây là pháp cao tột nên gọi là Thế đệ nhất pháp.
Như vậy Noãn và Đỉnh là dựa vào thức năng thủ quán cảnh sở thủ là không. Khi lên nhẫn bậc hạ thì ấn chứng tướng cảnh không. Khi chuyển vị sang trung nhẫn thì đối với thức năng thủ cũng thấy là không, giống như cảnh rồi vui thuận nhận chịu. Khi khởi nhẫn bậc thượng thì ấn chứng năng thủ không. Đến Thế đệ nhất pháp thì cả năng thủ sở thủ đều không.
Tuy nhiên ở địa vị trên, vì còn thấy có tướng không để cầu chứng nên chưa phải thật chứng. Vì vậy nói Bồ-tát ở trong bốn vị này vẫn còn vướng mắc một chút như trước mặt có một vật án ngữ. Đó là vì chưa trừ được hai tướng có không, quán tâm mà còn có tướng đeo bám cho là có sở đắc, cho nên chẳng phải thật sự an trụ chân duy thức. Diệt hết tướng kia mới an trụ thật sự. Dựa vào nghĩa đó có câu tụng rằng:
Bồ-tát ở trong định,
Quán ảnh chỉ là tâm
Tướng nghĩa đã diệt trừ,
Quán xét chỉ tự tưởng.
Như vậy trụ nội tâm,
Biết sở thủ chẳng có,
Biết năng thủ cũng không,
Sau chứng vô sở đắc.
Ở bậc Gia hành vị này chưa trừ bỏ được sự ràng buộc về tướng, nên đối với sự ràng buộc của chướng thô trọng cũng chưa dứt được. Chỉ có thể dẹp trừ hai thủ phân biệt vì trái với Kiến đạo. Còn đối với chướng câu sinh và hai tùy miên vì quán tâm là hữu lậu, còn thấy có sở đắc, nên có phân biệt, chưa thể hoàn toàn dẹp trừ, chưa hoàn toàn diệt hết.
Bồ-tát ở địa vị này đối với an lập đế và phi an lập đế đều phải học tập quán sát để tương lai dẫn phát hai kiến và điều phục hai chướng phân biệt. Phi an lập đế là sở quán chính của Bồ-tát, không như Nhị thừa chỉ quán an lập đế.
Bồ-tát khởi các thiện căn này như Noãn v.v…tuy lúc tu phương tiện thông cả các tĩnh lự nhưng phải y vào tĩnh lự thứ tư mới viên mãn, vì nương vào chỗ vượt trội nhất mới nhập vào Kiến đạo. Chỉ nương vào thân người nơi nẻo thiện của cõi Dục mới phát khởi thiện căn này, các cõi khác thì tuệ lực cũng như tâm nhàm chán không vượt hơn được.
Gia hành vị này cũng thuộc giải hành địa, vì chưa chứng chân thắng nghĩa của duy thức.
– Thứ ba, Thông đạt vị, tướng ấy như thế nào?
Tụng nói:
28. Nếu khi đối sở duyên,
Trí đều không sở đắc.
Bấy giờ trụ duy thức,
Vì lìa tướng hai thủ.
Luận nói: Nếu khi Bồ-tát đối cảnh sở duyên tâm không phân biệt, trí không sở đắc, không chấp thủ các tướng hý luận, bấy giờ mới gọi là thật an trụ tính chân thắng nghĩa duy thức, tức chứng Chân như. Trí và Chân như bình đẳng. Bình đẳng vì lìa cả tướng năng thủ sở thủ. Năng thủ sở thủ đều là tướng phân biệt nên mới hiện ra hý luận có tâm tưởng sở đắc.
– Có người cho rằng ở trí này không có hai phần kiến và tướng, do không có năng thủ sở thủ.
– Có người cho rằng ở trí này có đủ cả hai phần kiến và tướng, vì mang tướng kia mà khởi nên gọi là duyên tướng kia. Nếu không có tướng kia mà gọi là duyên kia thì lẽ ra trí duyên sắc cũng gọi được là trí duyên thanh. Nếu không có kiến phần thì không thể duyên được, sao có thể nói là trí duyên Chân như? Không thể cho rằng tính Chân như cũng là năng duyên. Cho nên phải chấp nhận ở định này chắc chắn có kiến phần.
– Có người cho rằng ở trí này có kiến phần không có tướng phần, vì nói không có tướng khả thủ tức là không thủ tướng. Tuy có kiến phần mà không phân biệt nên nói chẳng phải năng thủ, chứ chẳng phải hoàn toàn không có thủ. Tuy không có tướng phần nhưng có thể nói là trí này mang tướng Chân như mà khởi vì không lìa chân như. Như khi tự chứng phần duyên kiến phần, không biến mà duyên thì đây cũng vậy. Biến ra mà duyên tức chẳng phải trực tiếp đích thị là chứng. Như hậu đắc trí là phải có phân biệt. Cho nên phải chấp nhận ở đây có kiến phần không có tướng phần.
Tu Gia hành không gián đoạn đến khi trí này phát sinh thì thể hội chân như, gọi đó là Thông đạt vị. Vì mới bắt đầu chiếu soi chân lý nên gọi là Kiến đạo.
Kiến đạo này lược nói có hai thứ:
Một là chân kiến đạo. Tức là trí vô phân biệt nói ở đây. Là trí thật chứng chân lý hai không, thật sự đoạn trừ hai chướng phân biệt và chủng tử tùy miên. Tuy trải qua nhiều sát-na nhiều việc mới cứu cánh nhưng tương đẳng với nhau nên gọi chung là nhất tâm.
– Có người cho rằng trong chân kiến đạo này, hai không dần dần chứng, hai chướng dần dần đoạn, vì có cạn sâu thô tế khác nhau.
– Có người cho rằng chân kiến đạo này hai không chứng ngay một lần, hai chướng đoạn ngay một lúc, vì đủ sức ý lạc có khả năng làm được.
Hai là tướng kiến đạo. Tướng kiến đạo lại có hai:
Một là Quán phi an lập đế, tâm được chia làm ba bậc như sau.
1. Trí bên trong trừ khử việc lấy giả hữu tình làm duyên, có thể trừ được chỗ yếu kém của phân biệt tùy miên.
2. Trí trừ khử việc lấy tất cả giả pháp làm duyên, có thể dứt trừ được chỗ trung bình của phân biệt tùy miên,
3. Trí trừ khử việc lấy tất cả giả hữu tình và giả pháp làm duyên, có thể dứt tất cả mọi phân biệt tùy miên.
Hai trường hợp trước gọi là pháp trí, vì đều duyên riêng biệt. Trường hợp thứ ba gọi là loại trí, vì hợp chung lại mà duyên.
Pháp chân kiến đạo hai không, Kiến phần tự đoạn chướng bởi vô gián đạo và giải thoát đạo. Từ duyên riêng biệt và duyên chung lập ra gọi là tướng kiến đạo.
– Có người cho rằng cả ba trí trên đều là chân kiến đạo, vì tướng kiến đạo duyên Tứ đế.
– Có người cho rằng ba trí này là tướng kiến đạo, vì chân kiến đạo không duyên cảnh riêng biệt.
Hai là Duyên an lập đế. Có mười sáu tâm. Đây lại có hai:
Một là y theo pháp quán sở thủ năng thủ lập riêng ra pháp và loại, gồm có mười sáu tâm. Nghĩa là quán Khổ đế có bốn tâm:
1. Khổ pháp trí nhẫn, tức quán tính Chân như của Khổ đế trong ba cõi, thấy được Khổ đế, đoạn trừ hai mươi sáu tám thứ phân biệt tùy miên.
2. Khổ pháp trí, tức quán tính Chân như của Khổ đế như trước không gián đoạn, chứng giải thoát, khỏi các phiền não đã đoạn trước đó.
3. Khổ loại trí nhẫn, tức khổ pháp trí trước đó tiếp tục không gián đoạn, phát sinh tuệ vô lậu, đối với pháp nhẫn và pháp trí đều riêng chứng bên trong. Các Thánh pháp tiếp theo sau đều thuộc loại này.
4. Khổ loại trí, tức Khổ loại trí nhẫn kia tiếp tục không gián đoạn, phát sinh trí vô lậu, thẩm định ấn khả đối với loại trí nhẫn trước đó.
Giống như Khổ đế có bốn tâm thì với Tập đế, Diệt đế, Đạo đế cũng đều có bốn tâm như vậy.
Trong mười sáu tâm này có tám thứ quán Chân như và tám thứ quán chính trí. Theo pháp chân kiến đạo vô gián giải thoát, từ sự sai biệt của kiến phần và tự chứng phần lập ra gọi là tướng kiến đạo.
Hai là y pháp quán cảnh Tứ đế ở hạ giới thượng giới mà riêng lập mười sáu tâm. Nghĩa là quán Tứ đế ở cõi hiện tiền và không hiện tiền, mỗi đế đều có hai tâm là hiện quán nhẫn và hiện quán trí, tùy chỗ thích hợp, theo pháp chân kiến đạo vô gián giải thoát, kiến phần quán đế dứt được một trăm mười hai thứ phân biệt tùy miên, gọi là tướng kiến đạo.
Nếu y vào Thánh giáo đạo lý đã lưu bố rộng rãi thì tướng kiến đạo có chín tâm. Đây tức là y nương nơi trước kia duyên an lập đế có hai lần mười sáu tâm lập riêng chỉ và quán. Nghĩa là pháp và loại đều có nhẫn và trí, hợp lại mà nói mỗi thứ đều có bốn quán, tức là tám tâm. Tám quán tương ưng với một chỉ thành chín tâm. Tuy trong kiến đạo đều vận hành cả chỉ và quán, nhưng đối với nghĩa Kiến đạo thì quán thuận hơn chỉ. Cho nên ở đây quán và chỉ khi tách ra khi hợp lại không đồng. Do đó chín tâm này gọi là Tướng kiến đạo.
Các Tướng kiến đạo đều dựa vào Chân kiến đạo mà giả nói. Nó từ Thế đệ nhất pháp liên tục sinh khởi không gián đoạn và dứt tùy miên, chứ thật không phải như vậy, vì sau Chân kiến đạo, mới sinh Tướng kiến đạo, sau phi an lập đế mới khởi an lập đế, bởi ở Chân kiến đạo phân biệt tùy miên đã dứt hết.
Trước Chân kiến đạo là chứng duy thức tính, sau Tướng kiến đạo là chứng duy thức tướng. Trong hai kiến đạo đó cái đầu thắng hơn nên bài tụng nói thiên về cái đó.
Trước, Chân kiến đạo thuộc Căn bản trí, sau, Tướng kiến đạo thuộc Hậu đắc trí.
– Các Hậu đắc trí có kiến tướng hai phần chăng?
Có thuyết nói đều không có, vì đã xa lìa hai thủ.
Có thuyết nói ở Hậu đắc trí có kiến phần không có tướng phần, vì Luận nói trí này có phân biệt, vì Thánh trí đều có thể trực tiếp chiếu cảnh, nhưng vì không chấp trước nên nói là lìa hai thủ.
Có thuyết nói trí này có đủ cả hai phần kiến và tướng, nhưng chỉ tư duy tướng Chân như tương tự mà không thấy tính Chân như chân thật. Lại nói trí này phân biệt tự tướng cộng tướng của các pháp, quán căn tính sai biệt của hữu tình mà nói pháp. Lại nói trí này hiện ra thân hình, cõi nước, nói chính pháp cho hữu tình. Nếu không biến hiện sắc thanh tương tự thì làm sao hiện thân thuyết pháp. Chuyển chỗ nương của sắc uẩn thì không hiện sắc, chuyền chỗ nương của bốn uẩn thì không có thụ v.v…
Lại nếu trí này không biến ra cảnh tương tự thì lìa pháp tự thể sẽ chẳng có sở duyên. Nếu chẳng có sở duyên mà vẫn duyên được thì khi duyên sắc v.v…cũng là duyên tiếng v.v…Lại như duyên không có pháp v.v…phải là duyên cái không có sở duyên, vì thể của nó chẳng phải thật, không có tác dụng làm duyên. Do đó mà nói trí Hậu đắc có đủ cả hai phần kiến và tướng.
– Hai kiến đạo này và sáu hiện quán thuộc vào nhau như thế nào?
Sáu hiện quán là:
1. Tư hiện quán. Tức là tuệ được thành tựu bởi tư tâm sở tương ưng với hỷ thụ ở bậc cao. Tư tuệ này có thể quán sát tướng chung của các pháp, dẫn sinh Noãn v.v…trong Gia hành đạo. Tác dụng của tuệ này rất mạnh nên thiên lập làm hiện quán, chứ Noãn v.v…không thể phân biệt các pháp một cách rộng rãi, lại chưa chứng lý nên chẳng phải hiện quán.
2. Tín hiện quán. Tức là duyên Tam Bảo thế và xuất thế gian, quyết định tín tâm thanh tịnh, giúp hiên quán không thoái chuyển nên đặt tên là Tín hiện quán.
3. Giới hiện quán. Tức vô lậu giới, trừ cấu uế của sự phá giới, khiến quán trí thêm sáng suốt, cũng gọi là Hiện quán.
4. Hiện quán trí đế hiện quán. Tức là tất cả các thứ duyên phi an lập đế, căn bản trí, hậu đắc trí, vô phân biệt trí.
5. Hiện quán biên trí đế hiện quán. Tức là các trí duyên an lập đế của thế gian và xuất thế gian tiếp theo sau hiện quán trí đế hiện quán.
6. Cứu cánh hiện quán. Tức là trí ở địa vị cứu cánh, như tận trí v.v…
Chân kiến đạo này thuộc một phần của hiện quán thứ tư.
Tướng kiến đạo này thuộc một phần hiện quán thứ tư, thứ năm.
Hiện quán thứ hai, thứ ba, tuy cùng khởi với tướng kiến đạo này, nhưng không phải tự tính nên không thuộc vào nhau.
Bồ-tát được hai kiến đạo này thì sinh vào nhà Như Lai, trụ địa vị cực hỷ, khéo thông đạt pháp giới, được các bình đẳng, thường sinh vào trong các đại tập hội của chư Phật, đã được tự tại với hàng trăm pháp môn, tự biết không lâu sẽ chứng đại Bồ-đề, có thể lợi lác chúng sinh đến tận đời vị lai.
– Tiếp đến, tướng của Tu tập vị như thế nào?
Tụng nói:
29. Không đắc, bất tư nghị,
Là trí xuất thế gian.
Do bỏ hai thô trọng,
Liền chứng đắc chuyển y.
Luận nói: Bồ-tát sau khi khởi kiến đạo rồi, vì muốn đoạn trừ các chướng, chứng đắc chuyển y, nên lại thường tu tập trí vô phân biệt. Trí này xa lìa sở thủ năng thủ cho nên nói là “không đắc” và “bất tư nghị”. Hoặc lìa hý luận nói là không chứng đắc, diệu dụng khó lường nên nói là không thể nghĩ bàn. Đó là trí xuất thế gian vô phân biệt. Cắt đứt thế gian gọi là ra khỏi thế gian. Hai thủ tùy miên là gốc của thế gian. Chỉ có trí vô phân biệt này mới cắt đứt được, nên đặc biệt gọi là “xuất”. Hoặc nói xuất thế là dựa vào hai nghĩa mà đặt. Đó là thể vô lậu và chứng chân như. Trí này có đủ hai nghĩa ấy nên gọi là xuất thế. Còn các trí khác không được như vậy. Trí này tức trí vô phân biệt trong mười địa. Thường tu tập trí này thì xả bỏ được hai thô trọng. Chủng tử hai chướng được gọi là thô trọng, vì tính thô kịch nặng nề, trái nghịch với nhẹ nhàng vi tế. Xả bỏ nghĩa là vĩnh viễn dứt trừ.
Trí này xả bỏ được hai chướng thô trọng kia tức chứng đắc chuyển y rộng lớn.
Y tức là chỗ nương dựa, chỗ nương dựa cho Y tha khởi và các pháp nhiễm tịnh. Nhiễm là hư vọng, tính Biến kế sở chấp. Tịnh là chân thật, tính Viên thành thật.
Chuyển tức là chuyển xả phần nhiễm, chuyển đắc phần tịnh. Do thường tu tập trí vô phân biệt, dứt hai chướng thô trọng trong bản thức, cho nên chuyển bỏ Biến kế sở chấp trên thức thứ tám Y tha khởi và chuyển được Viên thành thật trong thức thứ tám Y tha khởi. Do chuyển phiền não chướng được đại Niết-bàn, chuyển sở tri chướng chứng vô thượng giác.
Thành lập lý duy thức là cốt ý làm cho chúng hữu tình chứng đắc hai quả chuyển y ấy.
Hoặc nói “y” tức là duy thức Chân như là chỗ nương cho sinh tử và Niết-bàn. Phàm phu điên đảo mê Chân như này nên từ vô thủy đến nay chịu khổ sinh tử, còn Thánh giả xa lìa điên đảo ngộ Chân như này nên chứng Niết-bàn cứu canh an vui. Do thường tu tập trí vô phân biệt, dứt hai chướng thô trọng trong bản thức cho nên có thể chuyển diệt sinh tử nương trong Chân như và chuyển đắc Niết-bàn nương trong Chân như. Đây tức là Chân như xa lìa tính tạp nhiễm. Chân như tuy tính tịnh mà tướng nhiễm, cho nên khi lìa nhiễm giả nói là mới tịnh. Nói cái mới tịnh đó tức là chuyển y.
Trong Tu tập vị, đoạn chướng chứng đắc, tuy ở vị này cũng được Bồ-đề nhưng không phải ý trong Tụng muốn nói. Ý bài Tụng chỉ muốn nói rõ về chuyển tính duy thức. Ở địa vị viên mãn của Nhị thừa thì gọi là giải thoát thân. Còn ở Đại Mâu- ni thì gọi là pháp thân.
– Làm sao chứng được hai chuyển y?
Đó là trong mười địa tu mười thắng hạnh, dứt mười trong chướng, chứng mười chân như. Do đó chứng đắc hai thứ chuyển y.
Mười địa là:
1. Cực hỷ địa. Mới được tính Thánh, chứng đủ hai không, làm lợi ích mình và người, sinh tâm đại hoan hỷ.
2. Ly cấu địa. Đầy đủ giới thanh tịnh, xa lìa các cấu uế phiền não thường gây phạm giới vi tế.
3. Phát quang địa. Thành tựu thắng định đại pháp tổng trì, có khả năng phát vô biên ánh sáng diệu tuệ.
4. Diệm tuệ địa. An trụ pháp Bồ-đề phần tối thắng, tăng lửa tuệ đốt cháy phiền não.
5. Cực nan thắng địa. Hai trí chân và tục, hành tướng trái nhau, hợp lại làm cho tương ưng là cực kỳ khó thắng được.
6. Hiện tiền địa. Trụ vào trí duyên khởi, dẫn khởi trí Bát-nhã tối thắng vô phân biệt, làm cho hiện tiền.
7. Viễn hành địa. Đến tận cùng của công dụng vô tướng trụ, rồi ra khỏi thế gian và Nhị thừa.
8. Bất động địa. Trí vô phân biệt tự nhiên tương tục, tướng dụng của phiền não không làm lay động được.
9. Thiện tuệ địa. Thành tựu bốn vô ngại giải vi diệu, biến khắp mười phương, khéo giảng nói diệu pháp.
10. Pháp vân địa. Mây trí đại pháp có chứa nước công đức che trùm tất cả như hư không che lấp hai tướng thô trọng, làm sung mãn pháp thân.
Mười địa như vậy gồm thu tất cả công đức hữu vi vô vi, lấy đó làm tự tính, làm chỗ nương tựa thù thắng cho sự tu hành được sinh trưởng nên gọi là địa.
Mười thắng hạnh là mười thứ Ba-la-mật- đa:
1. Thí. Có ba thứ: bố thí của cải vật chất, làm cho chúng sinh khỏi nỗi sợ hãi, và giảng nói đạo lý.
2. Giới. Có ba thứ: giới luật oai nghi , giới làm các thiện pháp và giới làm lợi ích hữu tình.
3. Nhẫn. Có ba thứ: nhẫn nhịn sự oán hại, bình tĩnh chịu đựng sự khổ, và kiên nhẫn quán sát các pháp.
4. Tinh tiến. Có ba thứ: tinh tiến như mặc áo giáp ra trận, siêng năng làm việc thiện, và siêng năng làm việc lợi lạc hữu tình.
5. Tĩnh lự. Có ba thứ: tĩnh lự trong an trú, tĩnh lự trong phát khởi việc gì, và tĩnh lự trong khi hành sự.
6. Bát- nhã. Có ba thứ: trí tuệ vô phân biệt về sinh không, trí tuệ vô phân biệt về pháp không, và trí tuệ vô phân biệt với hai không.
7. Phương tiện khéo léo. Có hai thứ: phương tiện khéo léo hồi hướng công quả của mình và phương tiện khéo léo cứu tế chúng sinh.
8. Nguyện. Có hai thứ: nguyện cầu Bồ-đề và nguyện lợi lạc chúng sinh.
9. Lực. Có hai thứ: sức tư duy chọn lọc và sức tu tập.
10. Trí. Có hai thứ: trí thụ dụng pháp lạc và trí thành thục hữu tình.
Tính của mười thắng hạnh này là: Thí là lấy không tham và ba nghiệp từ không tham khởi làm tính. Giới lấy ba nghiệp trong khi thụ học giới Bồ-tát làm tính. Nhẫn lấy không sân, tinh tiến, thẩm tuệ và ba nghiêp từ chúng khởi làm tính. Tinh tiến lấy siêng năng và ba nghiệp từ nó khởi làm tính. Tĩnh lự chỉ lấy đẳng trì làm tính. Năm thắng hạnh sau đều lấy trí tuệ trạch pháp làm tính. Đó là trí Căn bản và Hậu đắc. Có người cho rằng thắng hạnh thứ tám lấy dục, thắng giải và tín làm tính. Nguyện lấy ba cái này làm tự tính.
Đây nói tự tính mỗi thắng hạnh là như vậy. Nếu gồm luôn cả quyến thuộc của chúng thì mỗi thắng hạnh đều lấy tất cả công đức cung thực hành làm tính.
Tướng của mười thắng hạnh này phải dựa vào bảy điều tối thắng nhiếp thụ mới có thể lập làm Ba-la-mật-đa:
1. An trụ tối thắng. Tức phải an trụ nơi chủng tính Bồ- tát.
2. Y chỉ tối thắng. Tức y chỉ tâm đại Bồ-đề.
3. Ý lạc tối thắng. Tức phải thương xót tất cả hữu tình.
4. Sự nghiệp tối thắng. Tức phải làm đủ tất cả các việc thù thắng.
5. Xảo tiện tối thắng. Tức phải được trí vô tướng nhiếp thụ.
6. Hồi hướng tối thắng. Tức phải hồi hướng vô thượng Bồ-đề.
7. Thanh tịnh tối thắng. Tức phải không bị hai chướng xen tạp.
Nếu không được bảy điều này nhiếp thụ thì việc hành thí v.v… đều không đến bờ kia. Do đó mười thắng hạnh như thí v.v…đối với Ba-la-mật-đa mỗi mỗi đều phải phân biệt bốn câu.
Đây chỉ nói mười thắng hạnh không thêm bớt , vì các thắng hạnh này trong mười địa đối trị mười chướng, chứng mười Chân như không thêm không bớt.
Lại nữa sáu thắng hạnh đầu không thêm bớt vì đối trị sáu thứ chướng trái nghịch với chúng để dần dần tu hành các Phật pháp, dần dần thành thục các hữu tình. Điều này trong các Luận có nói rộng, nên biết.
Lại thí v.v…ba thứ chiêu cảm tốt trong đạo thụ sinh về mặt tiền của, thân thể và quyến thuộc. Tinh tiến v.v…ba thứ là quyết định thắng đạo, có thể điều phục phiền não, thành thục hữu tình và Phật pháp. Các Bồ-tát đạo chỉ có hai thắng hạnh này. Lại ba thắng hạnh đầu là lợi ích hữu tình. Thí cho chúng tiền của, giới thì không tổn hại chúng, nhẫn thì chịu để họ làm tổn hại mình để lợi ích cho họ. Tinh tiến v.v…ba thắng hạnh thì đối trị phiền não, tuy chưa dẹp trừ được chúng, nhưng tinh tiến tu tập các thiện gia hành để vĩnh viễn diệt trừ chúng.
Lại do thí v.v…mà không trụ Niết-bàn và do ba thắng hạnh sau mà không trụ sinh tử. Vì là tư lương của vô trụ xứ Niết-bàn, do đó sáu thắng hạnh đầu không thêm không bớt. Còn bốn thắng hạnh sau là để giúp sáu thắng hạnh đầu làm cho sự tu hành được đầy đủ, nên không thêm không bớt. Như phương tiện khéo léo thì trợ giúp cho thí v.v…ba thắng hạnh, nguyện thì giúp cho tinh tiến, lực giúp cho tĩnh lự, trí giúp cho Bát- nhã khiến sự tu hành được đầy đủ. Như trong Kinh Giải Thâm Mật có nói rộng, nên biết.
Thứ tự mười thắng hạnh này là do các thắng hạnh trước và trước nữa dẫn phát các thắng hạnh sau và sau nữa, và do các thắng hạnh sau và sau nữa duy trì sự thanh tịnh của các thắng hạnh trước và trước nữa. Lại các thắng hạnh trước thì thô, các thắng hạnh sau thì tế cho nên sự dễ khó trong tu tập cũng thứ tự như thế. Còn giải thích tên chung tên riêng của mười thắng hạnh thì như các chỗ khác có nói. Có năm cách tu tập mười thắng hạnh này:
- Dựa vào sự giữ gìn tự nhiên.
- Dựa vào sự dụng ý.
- Dựa vào sự vui thích.
- Dựa vào phương tiện.
- Dựa vào sự tự tại.
Dựa vào năm cách này mà tu tập mười Ba-la-mật-đa đều được viên mãn. Tướng của nó được nói rộng trong Tập Luận v.v…
Nói về sự thống thuộc vào nhau của mười Ba-la-mật-đa này là mỗi mỗi trong mười Ba-la-mật- đa đều thâu gồm tất cả Ba-la-mật-đa, vì chúng thuận hợp với nhau.
Dựa vào việc tu hành thì hạnh trước dẫn đến hạnh sau. Trước có trong sau vì sau phải đợi trước, sau không có trong trước vì trước không đợi sau.
Dựa vào việc tu hành thì hạnh sau giữ gìn thanh tịnh cho hạnh trước. Sau thâu giữ trước vì sau duy trì thanh tịnh cho trước, trước không thâu giữ sau vì trước không giữ thanh tịnh cho sau.
Nếu dựa vào tính chất thuần nhất hay xen tạp mà tu tập thì nên lấy bốn câu làm sự tương vọng lẫn nhau.
Thật sự có mười Ba-la-mật-đa nhưng ở đây chỉ nói sáu. Nên biết rằng bốn Ba-la-mật-đa sau thuộc vào Ba-la-mật-đa thứ sáu. Hoặc sáu mà triển khai thành mười thì trong đó Ba-la-mật-đa thứ sáu thuộc trí vô phân biệt, còn bốn cái sau đều thuộc trí hậu đắc, vì duyên theo thế tục.
Quả do mười hạnh chiêu cảm là: Hạnh hữu lậu có bốn quả trừ quả Ly hệ. Vô lậu có bốn trừ quả Dị thục.
Nhưng có chỗ nói mười hạnh chiêu cảm đủ năm quả, đó là tương trợ nhau, hoặc hợp chung cả hai hữu lậu và vô lậu mà nói.
Mười hạnh này thuộc vào ba vô học như như sau:
Giới học có ba:
1. Giới luật nghi. Là chính thức xa lìa các pháp cần phải xa lìa.
2. Giới tu các thiện pháp. Là chính thức tu chứng các pháp phải tu chứng.
3. Giới là lợi ích hữu tình. Là chính thức làm lợi lạc chúng sinh.
Giới học này với Nhị thừa có phần chung và có không chung, các chỗ khác có nói rộng sâu hơn.
Định học có bốn:
1. Định Đại thừa quang minh. Là định làm phát sinh trí tuệ sáng suốt chiếu rõ lý, giáo, hạnh, quả của Đại thừa.
2. Định vương tập phúc. Là định tự tại tập họp vô biên phúc đức, như thế lực của vua không gì so sánh được.
3. Định hiền thủ. Là định có khả năng giữ gìn pháp hiền thiện của thế gian và xuất thế gian.
4. Định kiện hành. Là việc làm của hạng hữu tình có sức mạnh mẽ lớn lao như Phật, Bồ-tát.
Cảnh sở duyên, sự đối trị, khả năng dẫn phát tác nghiệp của bốn định này như các chỗ khác có nói.
Tuệ học có ba:
- Tuệ gia hành không phân biệt.
- Tuệ căn bản không phân biệt.
- Tuệ hậu đắc không phân biệt.
Tự tính, chỗ sở y, nhân duyên, cảnh sở duyên và hành tướng của ba tuệ học này nhiều chỗ được nói đến.
Ba tuệ ấy về chủng tử thì trong hai địa vị Tư lương và Gia hành đều có đủ, còn về hiện hành thì chỉ có trong Gia hành vị. Trong Thông đạt vị, về hiện hành có hai tuệ, về chủng tử có đủ ba tuệ. Trong Kiến đạo vị không có hiện hành Gia hạnh tuệ. Trong Tu tập vị từ địa thứ bảy trở về trước, hoặc chủng tử hoặc hiện hành đều có đủ ba tuệ. Địa thứ tám trở đi thì hiện hành có hai, chủng tử có ba, vì vô công dụng đạo trái với Gia hành. Sự tiến bộ là do trí hậu đắc hiện khởi tự nhiên trong khi quán vô lậu. Trong Cứu cánh vị, hiện hành và chủng tử đều đủ cả hai, còn hiện hành và chủng tử của Gia hành tuệ thì ở đây đã xả bỏ hết.
Nếu tự tính thuộc giới thì giới chỉ thuộc giới, định thuộc tĩnh lự, còn tuệ thì thuộc năm cái sau. Nếu gồm chung các trợ bạn thì cả sáu đều tùy thuộc lẫn nhau.
Nếu theo tác dụng thì giới thuộc ba trước, vì bố thí là tư lương của giới, trì giới là tự thể của giới, và nhẫn nhục là quyến thuộc của giới. Định thuộc tĩnh lự, tuệ thuộc năm cái sau, tinh tiến thuộc ba vì nó thúc đẩy cả ba thứ đó.
Nếu nói theo sự hiển lộ rõ ràng thì giới thuộc bốn trước, tức ba trước như trước, thêm thủ hộ. Định thuộc tĩnh lự. Tuệ thuộc năm sau.
Mười địa vị này, năm vị đều có đủ, nhưng trong Tu tập vị tướng của nó rõ rệt hơn. Nhưng các Bồ-tát đốn ngộ trong hai địa đầu về chủng tử thì thông cả hai hữu lậu và vô lậu, về hiện hành thì chỉ hữu lậu. Các Bồ-tát tiệm ngộ thì chủng tử, hiện hành đều thông cả hai thứ, vì đã được quán sinh không vô lậu. Ở trong Thông đạt vị, chủng tử thông cả hai thứ, còn hiện hành thì chỉ vô lậu mà thôi.
Trong Tu tập vị, địa thứ bảy trở về trước thì chủng tử và hiện hành đều thông cả hữu lậu và vô lậu. Từ địa thứ tám trở đi chủng tử thông cả hai, hiện hành chỉ vô lậu.
Trong Cứu cánh vị chủng tử và hiện hành đều chỉ vô lậu.
– Mười thắng hạnh này , lúc tu nhân có ba tên:
1. Viễn Ba-la-mật-đa. Tức vô số kiếp đầu tiên thế lực của bố thí v.v…còn yếu, thường bị phiền não đè ép chưa khắc phục được, do đó phiền não thường đột xuất khởi hiện hành.
2. Cận Ba-la-mật-đa. Tức vô số kiếp thứ hai, thế lực của bố thí v.v…dần dần tăng có thể khắc phục không bị phiền não đè nén. Do đó chỉ khi cố ý mới khởi phiền não.
3. Đại Ba-la-mật-đa. Tức vô số kiếp thứ ba, thế lực của bố thí v.v…càng tăng, hoàn toàn dẹp trừ tất cả phiền não. Do đó phiền não vĩnh viễn không hiện hành. Nhưng còn hiện hành và chủng tử của sở tri chướng vi tế và chủng tử của phiền não chướng chưa hoàn toàn rốt ráo.
Nghĩa loại của mười thắng hạnh này rất nhiều, chỉ sơi giông dài nên chỉ lược nêu cương yếu.
Mười thắng hạnh này Bồ-tát trong mười địa đều thật tu, nhưng tùy theo tướng tăng hơn mà mỗi địa tu một hạnh.
Pháp tu của mười địa Bồ-tát có vô lượng môn nhưng tất cả đều gồm thâu trong mười đáo bỉ ngạn này.
Mười trong chướng:
1. Chướng của Dị sinh tính. Đó là dựa vào chủng tử trong hai chướng phân biệt khởi mà lập ra Dị sinh tính. Nhị thừa lúc kiến đạo chỉ đoạn được một thứ phân biệt phiền não, gọi là được Thánh tính. Bồ-tát lúc kiến đạo hiện tiền, dứt cả hai chướng phân biệt, gọi là được Thánh tính. Vì lúc hai chân kiến đạo hiện tiền thì chủng tử của hai chướng kia ắt không thành tựu. Như sáng và tối nhất định không có cùng một lúc. Như hai đầu cân cao thấp không cùng một lúc. Các pháp trái nghịch nhau lẽ thường là như vậy. Vì vậy hai tính đối nghịch không phạm lỗi xảy ra cùng một lúc.
Hỏi: Trong thời gian vô gián đạo, không có chủng tử các hoặc, cần gì phải khởi giải thoát đạo?
Đáp: Thời kỳ đoạn hoặc và thời kỳ chứng diệt, tâm trong hai thời kỳ đó khác nhau. Cho nên để xả bỏ tính thô trọng kia, tuy trong thời gian vô gián đạo không có chủng tử các hoặc nhưng chưa xả bỏ được tính không kham nhiệm. Để bỏ tính không kham nhiệm đó phải khởi giải thoát đạo. Và vì để chứng trạch diệt vô vi của phẩm hoặc ấy.
Tuy kiến đạo sinh cũng đoạn các nghiệp quả trong đường ác mà nay nói có thể khởi phiền não vì đó là căn bản của nghiệp quả. Do đó nói Sơ địa đoạn hai cái ngu và các thô trọng của chúng. Hai cái ngu là:
Một, ngu vì chấp trước ngã pháp, tức cái chướng Dị sinh tính nói ở đây.
Hai , ngu vì các tạp nhiễm trong đường ác. Tức nghiệp quả trong các đường ác. Cùng phẩm loại với ngu gọi chung là ngu. Còn lại chuẩn theo đây mà giải thích.
Hoặc nói lợi, độn đều khởi hai ngu. Nói thô trọng cũng là chỉ hai thứ ngu kia. Hoặc nói tính không kham nhiệm là do hai cái ngu khởi. Như nói vào Nhị thiền đoạn khổ căn. Tuy khổ căn đó tuy không phải hiện hành hay chủng tử nhưng cũng gọi là thô trọng. Đây cũng vậy. Từ đây về sau nói thô trọng đều nên giải thích theo đây.
Tuy trong Sơ địa các hoặc đã dứt đều thông cả hai chướng, nhưng nay nói ở Sơ địa bị chướng Dị sinh tính là chủ ý nói về phần sơ tri chướng trong Dị sinh tính đó. Nói mười vô minh không phải nhiễm ô. Vô minh chính là cái ngu trong mười phẩm chướng. Nhị thừa cũng có thể đoạn phiền não chướng, vì phiền não là thứ chung với Nhị thừa, cho nên không phải ở đây nói.
Lại nói mười vô minh không nhiễm ô là chỉ dựa vào tu sở đoạn ở mười địa mà nói. Tuy ở địa vị này cũng dẹp phiền não, đoạn các thô trọng nhưng không phải ý chính, vì không đoạn tùy miên nên đây không nói. Đúng lý thì thật sự trong Tu đạo vị ở Sơ địa cũng đoạn một phần câu sinh và sở tri, nhưng nay chỉ nói đầu tiên đoạn là để chín địa sau chuẩn theo đây mà biết.
Khi ở trong mãn địa, tức đã nhuần thấm lâu, lẽ ra phải tiến lên đoạn hết các chướng phải đoạn. Nếu không thì ba thời: đầu là vô gián đạo, giữa là giải thoát đạo và cuối là thắng tiến đạo chẳng có gì sai khác.
Bởi vậy nói Bồ-tát được hiện quán rồi, lại ở trong cương vị tu đạo của mười địa chỉ chuyên tu đoạn vĩnh viễn sở tri chướng mà còn lưu lại phiền não chướng để giúp cho nguyện thụ sinh, không như Nhị thừa chỉ mong đạt tới viên tịch. Cho nên Bồ-tát ở tu đạo vị không đoạn phiền não, đến khi sắp thành Phật mới mau chóng đoạn trừ.
2. Chướng của tà hạnh. Tức một phần câu sinh trong sở tri chướng và những sai phạm nơi ba nghiệp do câu sinh sở tri chướng đó khởi lên làm chướng ngại giới cực thanh tịnh của Nhị địa. Khi vào Nhị địa liền vĩnh viễn dứt sạch. Do đó nói ở địa thứ hai là dứt trừ hai cái ngu và tính thô trong của chúng. Hai cái ngu là:
Một, ngu lầm phạm giới vi tế, tức một phần câu sinh trong đây.
Hai, ngu các nghiệp, tức ba nghiệp lầm phạm do chướng này khởi, hoặc ngu là vì khởi nghiệp mà không biết đó là nghiệp.
3. Chướng của sự ám độn. Tức một phần câu sinh trong sở tri chướng, làm cho quên mất những gì của giáo pháp đã nghe, tư duy và tu trì, làm chướng ngại thắng định tổng trì của địa thứ ba và ba tuệ thù thắng do định đó phát ra. Vào địa thứ ba thì vĩnh viễn dứt sạch chướng này. Do đó nói ở địa thứ ba dứt hai cái ngu và các thô trọng của chúng. Hai cái ngu đó là:
Một, ngu về tham dục, tức cái ngu làm chướng ngại thắng định và việc tu tuệ nói trong đây, vì từ xa xưa cái ngu này thường đi chung với tham dục, nên gọi là tham dục ngu. Nay được thắng định và sự thành tựu tu tập, cái ngu được vĩnh viễn đoạn trừ và tham dục cũng theo đó bị dẹp trừ. Từ vô thủy dục tham nương theo nó mà khởi.
Hai, ngu về Đà-la-ni văn trì viên mãn, tức cái ngu làm chướng ngại cái tuệ có khả năng tổng trì các pháp đã được nghe và tư duy.
4. Chướng của phiền não vi tế hiện hành. Tức một phần câu sinh trong sở tri chướng, và thân kiến cùng khởi với thức thứ sáu. Vì nó là tối hạ phẩm, nghĩa là không tác ý mà cứ duyên, từ xa xưa cứ theo hiện hành, nên nói là vi tế. Nó chướng ngại pháp Bồ-đề phần của địa thứ tư. Vào được địa thứ tư, chướng này vĩnh viễn dứt sạch. Từ xưa phần nhiều nó cùng ngã kiến chấp sinh khởi tự nhiên, đồng thể trong thức thứ sáu, nên gọi là phiền não. Nay trong địa thứ tư, chứng được pháp Bồ-đề phần vô lậu, sở tri chướng kia được dứt trừ vĩnh viễn thì ngã kiến này cũng vĩnh viễn không hiện hành.
Sơ, nhị, tam địa thực hành thí, giới, tu, sự tướng đồng với thế gian. Địa thứ tư tu đắc pháp Bồ-đề phần mới gọi là xuất thế cho nên mới có thể vĩnh viễn hại được hai thứ thân kiến.
Hỏi: Sao biết thân kiến này chỉ tương ưng với thức thứ sáu?
Đáp: Vì thức thứ bảy chấp ngã kiến v.v…trái với chân tính của đạo vô lậu. Địa thứ tám trở đi mới vĩnh viễn không hiện hành. Còn địa thứ bảy trở lui còn hiện khởi, và làm chỗ nương tựa duy trì các phiền não khác. Ngã kiến nơi thức thứ sáu thô, còn ở thức thứ bảy là tế, đây thô kia tế nên sự khắc phục có trước có sau. Vì vậy ở đây chỉ nói dứt trừ ngã kiến tương ưng với thức thứ sáu.
Nói thân kiến là gồm luôn cả định ái, pháp ái thuộc sở tri chướng từ vô thủy. Định ái, pháp ái đó đến địa thứ ba còn tăng, vào địa thứ tư mới vĩnh viễn dứt, vì pháp Bồ-đề phần đặc biệt trái với nó. Do đó nói ở địa thứ tư dứt hai cái ngu và tính thô trọng của chúng. Hai cái ngu là:
Một, ngu ái trước đẳng chí. Tức trong đây định ái tương ưng.
Hai, ngu pháp ái. Tức trong đây tương ưng pháp ái.
Khi hai cái ngu thuộc sở tri chướng dứt thì hai thứ ái thuộc phiền não chướng cũng vĩnh viễn không hiện hành.
5. Chướng của hạ thừa Bát-niết-bàn. Tức một phần câu sinh trong sở tri chướng, khiến chán sinh tử, ưa Niết-bàn, đồng với Nhị thừa bậc dưới chán khổ ưa tịch diệt, làm chướng ngại đạo vô sai biệt của địa thứ năm. Vào địa thứ năm chướng này sẽ dứt trừ vĩnh viễn. Do đó nói ở địa thứ năm dứt hai cái ngu và tính thô trọng của chúng. Hai cái ngu là:
Một, cái ngu chỉ có ý chán bỏ sinh tử, tức chán sinh tử.
Hai, cái ngu chỉ có ý hướng đến Niết-bàn, tức ưa Niết-bàn.
6. Chướng của thô tướng hiện hành. Tức một phần câu sinh sở tri chướng, chấp có thô tướng nhiễm tịnh hiện hành, làm chướng ngại đạo không nhiễm tịnh của địa thứ sáu. Vào địa thứ sáu chướng này sẽ dứt trừ vĩnh viễn. Do đó nói ở địa thứ sáu dứt hai cái ngu và tính thô trọng của chúng. Hai cái ngu là:
Một, cái ngu hiện quán sát các hành lưu chuyển, tức trong đây nói có tướng nhiễm, vì các hành lưu chuyển thuộc về phần nhiễm.
Hai, cái ngu về tướng quán hiện hành nhiều, tức trong đây nói chấp có tướng tịnh, vì chấp thủ tướng tịnh nên tướng quán thì hiện hành nhiều mà chưa thể trú lâu dài vào vô tướng quán.
7. Chướng của tế tướng hiện hành. Tức một phần câu sinh trong sở tri chướng, chấp có tướng vi tế sinh diệt hiện hành, làm chướng ngại đạo vi diệu vô tướng của địa thứ bảy. Vào địa thứ bảy chướng này sẽ dứt trừ vĩnh viễn. Do đó nói ở địa thứ bảy dứt hai cái ngu và tính thô trọng của chúng. Hai cái ngu là:
Một, cái ngu về tế tướng hiện hành, tức trong đây nói chấp có tướng sinh, vì còn chấp thủ tướng sinh vi tế trong lưu chuyển môn.
Hai, cái ngu về việc chỉ có tác ý cầu vô tướng, tức trong đây nói tướng diệt, vì còn chấp thủ tướng diệt vi tế trong hoàn diệt môn, chỉ tác ý cần cầu vô tướng nên chưa thể trong “không” khởi thắng hạnh “hữu”.
8. Chướng của sự tác ý gia hành vô tướng. Tức một phần câu sinh trong sở tri chướng, khiến vô tướng quán không thể khởi tự nhiên. Năm địa trước quán hữu tướng nhiều, quán vô tướng ít. Địa thứ sáu quán hữu tướng ít, quán vô tướng nhiều. Trong địa thứ bảy thuần quán vô tướng, tuy hằng tương tục nhưng có gia hành quán. Do trong khi quán vô tướng có tác ý gia hành, nên chưa thể tự nhiên hiện ra thân tướng và cõi nước. Gia hành như vậy là chướng ngại đạo vô công dụng của địa thứ tám. Vào địa thứ tám chướng này sẽ dứt trừ vĩnh viễn. Do dứt vĩnh viển mà được hai điều tự tại. Do đó nói ở địa thứ tám dứt hai cái ngu và tính thô trọng của chúng. Hai cái ngu là:
Một, cái ngu là ở trong vô tướng mà tác ý có công dụng.
Hai, cái ngu đối với tướng tự tại, khiến ở trong tướng không được tự tại. Tướng này cũng thuộc một phần về tướng cõi nước. Địa thứ tám trở lên chỉ thuần đạo vô lậu mới tự nhiên tự tại khởi. Phiền não của ba cõi vĩnh viễn không còn hiện hành, chỉ có sở tri chướng vi tế trong thức thứ bảy là còn hiện khởi, vì quả trí của sinh không, không trái với sở tri chướng vi tế đó.
9. Chướng không muốn thật hành việc lợi tha. Tức một phần câu sinh trong sở tri chướng, khiến đối với việc lợi lạc hữu tình không muốn siêng làm, chỉ ưa tu hạnh tự lợi, làm chướng ngại đối với bốn vô ngại giải của địa thứ chín. Vào địa thứ chín liền dứt hai cái ngu và tính thô trọng của chúng. Hai cái ngu là:
Một, cái ngu đối với vô lượng pháp được nói, vô lượng tên gọi, câu, chữ và tuệ biện của hậu đắc trí Đà-la-ni không được tự tại.
Đối với vô lượng pháp được nói ra Đà-la-ni tự tại là Nghĩa vô ngại giải, tức đối với sở thuyên được tổng trì tự tại, vì trong một nghĩa, thể hiện tất cả nghĩa.
Đối với vô lượng tên gọi, câu, chữ, Đà-la-ni tự tại là Pháp vô ngại giải, tức đối với năng thuyên được tổng trì tự tại, vì trong một tên gọi, một câu, một chữ thể hiện được tất cả tên gọi, câu, chữ.
Đối với tuệ biện hậu đắc trí Đà-la-ni tự tại là Từ vô ngại giải, tức là trong ngôn ngữ âm thanh lần lượt giảng giải được tổng trì tự tại, vì trong một âm thanh thể hiện được tất cả âm thanh.
Hai, cái ngu về khả năng biện tài tự tại. Biện tài tự tại là hiểu biết biện luận một cách không trở ngại, khéo thấu rõ cơ nghi mà giảng nói. Cái ngu làm chướng ngại bốn thứ tự tại đó và đều thuộc vào chướng ngại thứ chín này.
10. Chướng đối với các pháp chưa được tự tại. Đó là một phần câu sinh trong sở tri chướng, đối với các pháp khiến không được tự tại, chướng ngại mây trí đại pháp, công đức hàm chứa và sự nghiệp khởi phát. Vào địa thứ mười chướng này sẽ dứt trừ vĩnh viễn. Do đó nói ở địa thứ mười dứt hai cái ngu và tính thô trọng của chúng. Hai cái ngu là:
Một, cái ngu về đại thần thông, tức trong này nói chướng ngại việc khởi phát sự nghiệp.
Hai, cái ngu về sự ngộ nhập vi tế bí mật, tức trong đây nói chướng ngại mây trí đại pháp và công đức hàm chứa trong đại trí đó.
Địa thứ mười này tuy được tự tại đối với pháp, nhưng vì còn dư chướng nên chưa được gọi là tối cùng cực. Nghĩa là còn sở tri chướng câu sinh vi tế và chủng tử phiền não chướng tự nhiên vận khởi. Đến khi Kim cương dụ định hiện tiền thì chúng đoạn dứt một cách nhanh chóng mà vào Như Lai địa. Do Phật địa này dứt hai ngu và tính thô trọng của chúng. Hai ngu là:
Một, cái ngu đối với tất cả cảnh sở tri còn có chấp trước rất vi tế, tức trong đây nói chướng sở tri vi tế.
Hai, cái ngu của sự chướng ngại cực vi tế, tức trong đây nói chủng tử của tất cả phiền não chướng tự nhiên câu sinh.
Cho nên trong Tập Luận nói: Khi được Bồ-đề, mau chóng đoạn trừ phiền não chướng và sở tri chướng thành A-la-hán và thành Như Lai, chứng Đại Niết-bàn, Đại Bồ-đề.
HẾT QUYỂN 9