LUẬN THÀNH DUY THỨC
Hộ Pháp Bồ-tát tạo
Đường Tam tạng pháp sư Huyền Trang phụng chiếu dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 6

Đã nói xong hai vị Biến hành và Biệt cảnh. Còn hành tướng của tâm sở Thiện như gì?

Tụng nói:

11. Thiện là Tín, Tàm, Quý,

Không tham v.v…ba căn.

Cần, An, Bất phóng dật,

Hành xả và Bất hại.

Luận nói: Chỉ cùng khởi với tâm sở thiện gọi là Thiện tâm sở. Đó là Tín, Tàm v.v… có mười một thứ.

Tín là gì? Là tính của lòng tin thanh tịnh có khả năng kham chịu, vui thích và ưa muốn sâu sắc đối với thật, đức và năng. Nghiệp dụng của Tín là đối trị tâm không tin vui các việc thiện.

Có ba thứ tin khác nhau:

1. Tin có thật. Nghĩa là tin sâu sắc và nhẫn chịu đối với thật sự và thật lý của các pháp.

2. Tin có đức. Nghĩa là tin vui sâu sắc đức chân tịnh của Tam Bảo.

3. Tin có năng lực. Nghĩa là tin sâu sắc các việc thiện của tất cả thế gian và xuất thế gian có khả năng thành tựu và khởi tâm mong muốn. Do đây đối trị tâm không tin kia và ưa thích tu chứng các việc thiện của thế gian và xuất thế gian.

Hỏi: Nhẫn chịu là Thắng giải. Đây là nhân của Tín. Ưa muốn là Dục, là quả của Tín. Vậy chính xác tự tướng của Tín là gì?

Đáp: Vừa rồi đã chẳng nói tâm thanh tịnh là tự tính đó sao?

Hỏi: Đây chưa rõ tâm thanh tịnh kia nói. Nếu tịnh là tâm, tức không phải tâm sở. Còn nói làm cho tâm tịnh thì nào có khác với Tàm v.v… Nếu nói là tịnh pháp cùng khởi với tâm thì cũng lâm vào câu nạn vấn như vậy.

Đáp: Tính của Tín lặng trong, có thể làm thanh tịnh tâm, tâm sở. Vì tâm thắng hơn tâm sở nên chỉ nói tâm tịnh là đủ. Như loại ngọc thanh thủy có tính chất làm nước đục thành trong. Tàm v.v… tuy là tâm sở thiện nhưng không phải tịnh, cho nên cái tịnh này không được lẫn lộn với Tàm kia.

Lại các pháp ô nhiễm đều có tướng riêng khác, nhưng chỉ có Bất tín là có tự tướng ô trược và làm ô trược các tâm, tâm sở khác. Như một vật cực ô uế, tự bản chất đã ô uế lại làm ô uế các vật khác. Tín là đảo ngược lại với Bất tín kia, nên tính tướng của nó là tịnh.

Có ý kiến cho rằng Tín lấy sự ưa vui làm tướng, phải thông cả ba tính, và thể của nó chính là Dục. Lại Khổ đế, Tập đế không phải sở duyên của Tín.

Có người chấp cho rằng Tín lấy sự tùy thuận làm tướng.

Vậy Tín phải thông ba tính, tức Dục, Thắng giải. Nếu chấp thuận tức Thắng giải, nếu vui theo tức Dục, mà lìa hai thể này thì không có tướng tùy thuận.

Do đó nên biết tâm tịnh là Tín.

Tàm là gì? Là tính dựa vào sức của chính mình sùng trọng hiền thiện, lấy sự đối trị tính không biết xấu hổ, ngăn dứt hành vi ác làm nghiệp. Nghĩa là dựa vào chính mình, tôn quý tăng thượng, sùng trọng người hiền việc thiện, xấu hổ với tội lỗi xấu ác, đối trị lại sự không biết xấu hổ, ngăn dứt việc làm ác.

Quý là gì? Là tính dựa vào sức thế gian khinh chống điều bạo ác, nghiệp dụng của nó là đối trị sự không biết hổ thẹn ngăn chận hành vi xấu ác. Nghĩa là dựa vào sự chê bai, khinh khi của thế gian chống lại sự bạo ác mà hổ thẹn tội lỗi, đối trị các nghiệp ác không biết hổ thẹn.

Hổ và thẹn tội lỗi là hai tướng thông nhau, nên các Thánh giáo giả nói là một thể. Nếu chấp hổ và thẹn là hai tướng riêng biệt thì phải biết thể của Tàm và Quý là không sai khác. Đã là một thể thì hai pháp này nhất định không tương ưng, vì Thụ, Tưởng v.v…không có nghĩa này. Nếu đợi tự lực và tha lực để lập có hai riêng biệt thì không phải thật có, tức trái Thánh giáo. Nếu chấp nhận Tàm và Quý thật có nhưng khởi riêng biệt thì lại trái với Luận nói mười thứ biến khắp thiện tâm. Sùng trọng và khinh chống nếu hai tướng ấy khác nhau thì sở duyên của chúng phải khác, không thể cùng sinh. Hai lỗi như nhau sao lại trách một bên?

– Ai nói hai pháp có cảnh sở duyên khác nhau?

– Nếu không vậy thì thế nào?

– Khi thiện tâm khởi, tùy duyên cảnh nào, đều có sự sùng trọng người thiện việc thiện và khinh cự người ác việc ác. Cho nên biết Tàm và Quý đều biến khắp thiện tâm, sở duyên đồng nhau không khác.

– Đâu phải tôi đã không nói đến nghĩa này.

– Ông đã chấp tự tướng Tàm và Quý đã đồng thì lý gì có thể phản bác câu vấn nạn trước?

Nhưng Thánh giáo nói: Quán tự tha. Tự là chỉ về mình, tha là chỉ cho thế gian. Hoặc trong đó nói sùng cự thiện ác tức chỉ sự ích lợi và tổn hại hai mặt đối với mình và người.

Vô tham v.v… tức nói đủ là không tham, không sân, không si. Ba thứ này là gốc sinh các thiện pháp mạnh hơn cả và là pháp gần nhất đối trị ba căn Bất thiện.

Vô tham là gì? Là tính không tham đắm tam hữu và những gì của tam hữu. Nghiệp dụng của nó là đối trị tâm tham đắm, là làm các điều thiện.

Vô sân là gì? Là tính không giận dữ đối với cái khổ và những gì liên quan sự khổ. Nghiệp dụng của nó là đối trị tâm giận dữ, là làm các điều thiện. Khi thiện tâm khởi, tùy duyên cảnh nào cũng đều không tham đắm tam hữu và những gì của tam hữu. Hai thiện căn này là quán sát tam hữu mà lập, không cần phải đợi duyên, như Tàm và Quý trước đây là quán thiện ác mà lập vậy. Cho nên hai thứ này biến khắp thiện tâm.

Vô si là gì? Là tính hiểu rõ các sự lý. Nghiệp dụng của nó là đối trị ngu si, là làm các việc thiện.

Có ý kiến cho rằng tuệ là tính của vô si. Tập Luận nói: Vô si này lấy sự quyết trạch của báo, giáo, chứng, trí làm thể, vì các tuệ do sinh ra đã được, do nghe học hỏi mà được, do suy nghĩ mà được, do tu tập mà được. Tất cả đều có tính quyết trạch. Tuy vô si tức là tuệ nhưng có công năng vượt trội trong việc làm rõ các thiện phẩm. Giống như trường hợp của ác kiến trong căn bản phiền não vậy, nên phải nói riêng.

Có ý kiến cho rằng vô si không phải chính là tuệ, nó có tự tính riêng. Vô si chính là kẻ đối trị vô minh, cùng với vô tham, vô sân gồm trong ba thiện căn. Luận nói: Tâm đại bi thuộc vô sân, vô si chứ không thuộc tuệ căn. Nếu vô si kia lấy tuệ làm tính thì tâm đại bi cũng như mười lực v.v…phải thuộc tuệ căn v.v…

Lại nếu vô si không có tự tính riêng, thì giống như tâm Bất hại v.v…chẳng phải vật thật. Như vậy là trái với Luận nói: Trong mười một thiện có ba thứ chỉ có trong thế tục, các thứ còn lại đều là thật.

Nhưng Tập Luận nói: Tuệ là thể của vô si. Đó là nêu nhân quả của ba tuệ kia để làm rõ tự tính của vô si này. Giống như lấy nhẫn và lạc để làm rõ tự thể của tín. Lý là như vậy.

Vì tham, sân, si tương ưng với sáu thức, là phiền não khởi ác mạnh hơn cả, nên lập tên nó là Bất thiện căn. Đoạn trừ nó phải do hai cách đối rị chung và riêng. Chung là thiện và tuệ, riêng là ba căn. Do đó phải có Vô si riêng.

Cần nghĩa là siêng năng. Tính của nó là dũng mãnh quả cảm đối với việc tu đoạn các phẩm thiện ác. Nghiệp dụng của nó là đối trị sự lười biếng, tự mãn đối với việc thiện. Dũng biểu thị sự vượt trội trong việc loại trừ các pháp nhiễm ô. Quả cảm biểu thị sự tinh thuần loại bỏ pháp tịnh vô ký. Tức khi hiển thị tinh tiến nó chỉ thuộc tính thiện.

Tướng sai biệt của tinh tiến có năm thứ là bị giáp, gia hành, vô hạ, vô thoái và vô túc. Như kinh nói có thế lực, có siêng năng, có dũng cảm, cứng cỏi mạnh mẽ và không phóng dật. Năm thứ sai biệt này là sơ phát tâm tự phần thắng tiến. Trong tự phần tu hành có ba bậc. Hoặc sơ phát tâm và tu hành thời gian dài, tu hành không gián đoạn, tu hành ân trọng, tu hành vô dư. Hoặc có năm đường lối như tư lương v.v…

Hoặc Nhị thừa cứu cánh đạo yêu thích đại Bồ-đề, hoặc Chư Phật cứu cánh đạo lợi lạc hóa tha, hoặc vô gián và giải thoát hai gia hành có thắng tiến khác nhau, đều gọi là siêng năng.

An là an ổn nhẹ nhàng. Tính của nó là để tự nhiên cho thân tâm xa lìa sự thô kịch nặng nề, được nhẹ nhàng thư thái. Nghiệp dụng của nó là đối trị hôn trầm và chuyển y thành trạng thái trên. Nghĩa là nó dẹp trừ các pháp chướng ngại thiền định, khiến thân tâm chuyển thành an ổn thích hợp.

Bất phóng dật là không phóng túng, gồm tinh tiến và ba thiện căn. Tính của nó là đoạn trừ và phòng ngừa những gì người tu phải thực hành. Nghiệp dụng của nó là đối trị sự phóng túng buông thả, thành tựu đầy đủ tất cả thiện sự thế gian và xuất thế gian. Nghĩa là chính nhờ bốn pháp là tinh tiến và ba thiện căn mà có thể phòng, đoạn điều ác, tu tập điều thiện, gọi là Bất phóng dật. Lìa bốn pháp này không có thể riêng biệt, không có tướng riêng biệt. Trong việc phòng ngừa điều ác, tu tập điều thiện, lìa bốn công năng này sẽ không có công dụng nào cả. Tuy Tín, Tàm v.v… cũng có công năng này, nhưng thế lực yếu kém so với bốn pháp kia, vì không phải ba căn nên không thúc đẩy sách tiến được khắp, do đó không phải chỗ nương của Bất phóng dật.

Hỏi: Lẽ nào không phải phòng ác tu thiện là tướng và dụng của Bất phóng dật?

Đáp: Nếu vậy phòng ác tu thiện nào khác Tinh tiến và ba thiện căn?

Hỏi: Bốn pháp kia phải đợi có Bất phóng dật này mới có phòng ác tu thiện?

Đáp: Nếu vậy, Bất phóng dật lại phải đợi cái khác nữa, vậy là phạm lỗi vô cùng.

Hỏi: Cần, chỉ là thúc đẩy sách tiến khắp các thiện pháp, còn thiện căn chỉ là chỗ nương cho thiện pháp, sao nói chúng có công dụng phòng ác tu thiện?

Đáp: Ông nói cái tướng của công dụng phòng ác tu thiện là thế nào? Nếu khắp y trì tất cả thiện tâm thì đó chính là ba thiện căn vô tham v.v… Nếu thúc đẩy sách tiến khắp các thiện pháp thì khác gì Tinh tiến. Nếu ngăn việc ác, tiến hành việc thiện tức là nói chung bốn pháp. Khiến không tán loạn là Đẳng trì. Khiến đồng thủ cảnh thì nào khác Xúc. Khiến không quên mất tức là Niệm. Suy tìm như vậy sẽ thấy cái dụng của Bất phóng dật. Lìa Vô tham v.v…rốt cuộc không có được gì cả. Cho nên chắc chắn Bất phóng dật không có tự thể riêng biệt.

Hành xả là gì? Tính của Hành xả là Tinh tiến và ba thiện căn khiến tâm bình đẳng chính trực, an trụ ở chỗ vô công dụng. Nghiệp dụng của nó là an trụ một cách yên tĩnh đối trị với trạo cử. Nghĩa là bốn pháp khiến tâm xa lìa trạo cử v.v…làm chướng ngại tĩnh trụ gọi là Xả. Bình đẳng chính trực vô công dụng trụ là làm rõ ba cấp sơ trung hậu và sự sai biệt của Xả.

Do Bất phóng dật trước trừ tạp nhiễm. Hành xả lại khiến tâm tịch tĩnh an trụ. Hành xả này cũng như Bất phóng dật không có tự thể riêng. Lìa bốn pháp kia thì không có tướng và dụng. Khả năng làm cho tịch tĩnh là bốn pháp. Được tịch tĩnh là tâm.

Bất hại là gì? Là tính không sân giận không làm tổn não hữu tình. Nghiệp dụng của nó là đối trị hại, là có lòng thương xót. Nghĩa là chính từ sự không sân giận, không làm tổn não các hữu tình, giả gọi là Bất hại. Vô sân là đảo ngược lại với sân, là dứt mạng sống của chúng sinh. Bất hại là ngược lại với hại, là làm tổn não chúng sinh. Vô sân thì cho vui, Bất hại là vớt khổ. Đố là hai thô tướng sai biệt. Đúng lý thì Vô sân thật có tự thể, còn Bất hại là nương một phần của Vô sân mà giả lập để làm rõ hai tướng khác nhau của từ và bi. Trong việc lợi lạc hữu tình thì hai thứ ấy là hơn cả.

Có ý kiến cho rằng Bất hại không phải tức là Vô sân, mà có tự thể riêng. Nghĩa là tính hiền thiện. Tướng đó như thế nào? Nghĩa là không làm tổn não. Vô sân cũng vậy. Phải có tính riêng. Nghĩa là không làm tổn não hữu tình. Từ bi hiền thiện là không sân giận. Trong câu tụng cuối có chữ “” là nói ngoài mười một tâm sở thiện còn những tâm sở khác. Như là hân hoan, chán ghét v.v…các pháp thuộc tâm sở thiện. Tại sao vui thích hay chán ghét lại là tâm sở thiện? Là tùy nghĩa, có thể nói ra nhiều loại tên khác nhau, nhưng thể của nó không khác nên không phải lập riêng. Như vui thích là tương ưng với Dục , là một phần của Vô sân, vì đối với cảnh vui thích thì không ghét, không giận. Không phẫn, hận, não, tật v.v…cũng giống như vậy. Tùy ứng với nghĩa chính mà thấy nghĩa nghịch đảo của “vui thích” là một phần của giận. Bởi nghịch đảo của vui thích là không vui thích, vui thích thì không ghét không giận, thì không vui thích là ghét là giận. Chán là tương ưng với Tuệ, một phần của Vô tham, vì đối với cảnh chán thì không tham đắm. Thế thì biết không xan lẫn, không kiêu ngạo cũng giống như vậy. Tùy ứng với nghĩa chính mà thấy nghĩa nghịch đảo của “chán” là một phần của tham. Không che giấu, không lừa đảo, không nịnh bợ là một phần của không tham, si. Tùy ứng với nghĩa chính của nó mà thấy nghĩa nghịch đảo là một phần của tham, si.

Có ý kiến cho rằng không che giấu chỉ là một phần của không si, vì không có chỗ nào nói che giấu là một phần của tham.

Có ý kiến cho rằng không kiêu mạn là một phần trong Tín. Nghĩa là như đã tin ai thì không kiêu mạn người đó.

Có ý kiến cho rằng không kiêu mạn là một phần trong Hành xả, vì tâm bình đẳng thì không kiêu mạn.

Có ý kiến cho rằng không kiêu mạn là một phần trong Tàm, vì đã sùng trọng ai đó thì không ngạo mạn người đó.

Có ý kiến cho rằng không nghi ngờ là ở trong Tín, vì đã tin ai thì không còn do dự đối với người đó.

Có ý kiến cho rằng không nghi ngờ là ở trong Chính thắng giải, vì đã hiểu đúng rõ ràng quyết định thì không còn do dự.

Có ý kiến cho rằng không nghi ngờ là ở trong Chính tuệ, vì có kiến giải đúng thì không do dự. Thể của không tán loạn ở trong Chính định. Chính kiến, Chính tri đều ở trong Thiện tuệ. Bất vong niệm tức là Chính niệm. Hối, Miên, Tầm, Tứ thông cả nhiễm và không nhiễm như Xúc, Dục v.v… nên không có nghĩa nghịch đảo.

– Vì sao nghịch đảo của nhiễm là thiện, trong số đó có cái được lập có cái không lập?

– Chỉ những cái nào có tướng và dụng khác nhau mới lập, còn các tâm thiện khác không có như vậy thì không nên hỏi sao không lập.

Lại vì các nhiễm pháp biến khắp cả sáu thức mạnh hơn cả nên nghịch đảo lập ra thiện pháp. Mạn v.v…Phẫn chỉ tương ưng với ý thức. Hại tuy cũng vậy nhưng thường hiện khởi làm tồn não người khác cho nên làm chướng ngại tâm Bi là thắng nhân của vô thượng thừa. Vì để thấy rõ tội lỗi lớn lao đó mà lập nghịch đảo của Hại là Bất hại.

Thất niệm, Tán loạn và Bất chính tri có nghịch đảo trong Biệt cảnh, đó là các tâm thiện nên không phải nói.

– Nhiễm và tịnh là tướng nghịch đảo của nhau nhưng sao tâm sở tịnh ít hơn tâm sở nhiễm?

– Tịnh hơn nhiễm kém, nên đó là ít mà địch được nhiều.

Lại thiện thì lý giải thông suốt nên tuy nhiều nhưng đồng thể, còn nhiểm thì cuộc theo mê tình nên tùy theo tướng mà chia ra nhiều. Vì vậy không nên hỏi sao tịnh nhiễm không bằng nhau.

Trong mười một pháp này , ba là giả có, đó là không phóng dật, hành xả và không làm hại, nghĩa đã nói như ở trước. Còn tám là thật có, có tướng và dụng riêng biệt.

Có ý kiến cho rằng trong mười một tâm sở thiện, có bốn thứ biến khắp thiện tâm, đó là Tinh tiến và ba Thiện căn. Còn bảy thứ kia là bất định. Vì khi suy tìm sự lý mà chưa quyết định thì không sinh tín tâm. Tàm và Quý cùng một loại nhưng chỗ nương khác nhau, tùy theo lúc, khi tâm này khởi thì tâm kia không khởi. Khinh an thì đợi khi có đạo thế gian đoạn phiền não khởi lên mới có. Tâm không phóng dật và tâm xả thì khi có đạo vô lậu mới khởi được. Khi có tâm thương xót hữu tình mới có tâm không làm hại.

Luận nói mười một thiện tâm sở được khởi lên trong sáu địa vị, tức sáu trường hợp. Nghĩa là khi có quyết định thì có Tín tương ưng, khi dứt nhiễm ô có Tàm, Quý khởi, nhìn lại mình và người. Ở trong phẩm vị thiện thì có Tinh tiến và ba thiện căn. Khi có thế gian đạo thì Khinh an khởi. Ở trong đạo xuất thế thì có Hành xả và Không phóng dật. Khi nhiếp hóa chúng sinh thì có tâm Không làm hại.

Có ý kiến cho rằng nói thế chưa đúng lý. Suy tìm sự lý mà tâm chưa quyết định, tâm sở Tín không sinh thì không phải thiện, như nhiễm tâm v.v… là vì không có tịnh tín. Tàm và Quý là khác loại, chỗ nương thì khác mà cảnh duyên thì đồng, chúng biến khắp thiện tâm, như trước đã nói. Nếu có xuất thế đạo mà Khinh an không sinh thì giác chi này chẳng phải vô lậu. Nếu có thế gian đạo mà không có Hành xả và Bất phóng dật thì chẳng phải tịch tĩnh phòng ác tu thiện, cũng không điều phục được trạo cử và phóng dật.

Thiện tâm hữu lậu đã có đủ bốn pháp, thì như xuất thế đạo phải có hai. Khi thiện tâm khởi đều không tổn hại vật, do pháp trái với sự làm tổn hại mà có tên là Bất hại.

Luận nói sáu trường hợp khởi mười một thiện tâm khởi lên là nương nơi sự tăng mạnh của mỗi thứ mà nói lên mỗi thứ đó. Cho nên thuyết kia nhất định không đúng lý.

Phải nói rằng Tín v.v…trong mười một pháp, mười pháp biến khắp thiện tâm, trừ Khinh an thì không biến khắp. Phải khi ở địa vị Thiền định mới có Khinh an, mà ở các địa vị khác dẫu điều hòa thân tâm cũng không có được.

Trong Quyết trạch phần của Luận Du-già nói: Mười tâm sở Thiện dù ở địa vị Thiền định hay không, đều biến khắp thiện tâm, có điều chỉ trong Định địa thì Khinh an tăng nhiều hơn.

Có ý kiến cho rằng ở địa vị định gia hành cũng được gọi là định địa, vì ở đó cũng có sự điều hòa thân tâm vi tế. Do đó ở cõi Dục cũng có Khinh an. Nếu không thế tức trái với Bản địa phần trong Luận Du-già nói: Tín v.v…thông tất cả các địa.

Có ý kiến cho rằng Khinh an chỉ có trong định, vì do định nuôi dưỡng mới có sự điều hòa. Luận nói: Các tâm, tâm sở ở cõi Dục, vì thiếu Khinh an nên gọi là Bất định địa. Nói tất cả các địa đều có mười một thiện là vì nó thông cả ba địa là địa có tầm có tứ, địa không tầm có tứ và địa không tầm không tứ.

Mười một thứ này trước đã nói đủ. Đệ thất, đệ bát tùy theo địa vị hoặc có hoặc không. Đệ lục thức trong các định vị đều có đủ, nếu không phải định vị thì chỉ thiếu Khinh an.

Có ý kiến cho rằng ở năm thức chỉ có mười thứ, vì tự tính của năm thức tán động nên không có Khinh an.

Có ý kiến cho rằng năm thức cũng có Khinh an, vì thiện do định dẫn phát cũng có sự điều hòa. Bởi cùng đi với trí Thành sở tác thì chắc chắn có Khinh an.

Mười một tâm sở Thiện này tương ưng với Thụ nào?

Mười tâm sở Thiện đều tương ưng với đủ năm thụ, chỉ trừ một không tương ưng với ưu thụ, khổ thụ, vì có ưu khổ thì không có Khinh an.

Các tâm sở Thiện này đều tương ưng với năm Biệt cảnh, vì Tín

v.v… với Dục v.v… không trái nhau.

Mười một tâm sở này chỉ có thiện. Trừ Khinh an không có ở cõi Dục, còn mười thứ kia thông cả ba cõi.

Mười một thứ thiện đều thông cả ba là học, vô học và phi học phi vô học.

Mười một tâm sở Thiện không chướng ngại việc kiến đạo nên không bị kiến đạo đoạn trừ. Luận Du-già nói: Tín v.v… sáu căn chỉ do tu mới đoạn trừ, kiến đạo không đoạn trừ được.

Ngoài ra theo lý cũng nên biết các phương pháp phân biệt khác.

Như trên đã nói tâm sở Thiện, còn tướng của tâm sở Phiền não như gì?

Tụng nói:

12. Phiền não là tham, sân,

Si, mạn, nghi, ác kiến.

Luận nói: Tham v.v… sáu tính này thuộc căn bản phiền não, nên gọi tên là phiền não.

Tham là gì? Là tính nhiễm đắm đối với hữu và hữu cụ. Nghiệp dụng của nó là làm trở ngại sự không tham, phát sinh sự khổ. Nghĩa là do ái lực của thủ uẩn sinh ra.

Sân là gì? Là tính giận ghét đối với khổ và khổ cụ. Nghiệp dụng của nó là làm trở ngại sự không giận và làm chỗ nương cho tính bất an và các hành vi ác. Nghĩa là giận thì thân tâm nóng nảy khó chịu khiến có hành vi bất thiện hoặc làm các ác nghiệp.

Si là gì? Là tính mê muội sự lý. Nghiệp dụng của nó là làm trở ngại sự không si và làm chỗ nương cho tất cả tạp nhiễm. Nghĩa là do vô minh khởi lên các nghiệp nghi, tà kiến, tham v.v… của phiền não và tùy phiền não, có thể chiêu cảm pháp tạp nhiễm đời sau.

Mạn là gì? Là tính ỷ mình cao ngạo đối với người. Nghiệp dụng của nó là có khả năng làm trở ngại sự không kiêu ngạo, sinh ra khổ. Nghĩa là nếu có tâm kiêu mạn thì không có tâm khiêm hạ đối với Tam Bảo chân tịnh đức và các bậc có đức, do đó chịu các khổ sinh tử luân hồi không bao giờ chấm dứt. Tâm sở Mạn này có bảy hoặc tám thứ sai biệt. Nghĩa là phát sinh do từ ba bậc của ngã, đức và xứ sở. Tất cả đều thông kiến sở đoạn và tu sở đoạn. Ngã mạn còn hiện hành nơi Thánh ị thì loại Mạn do đây khởi cũng không có lỗi.

Nghi là gì? Là tính do dự đối với đế lý. Nghiệp dụng của nó là làm trở ngại sự không nghi, trơ ngại thiện pháp. Nghĩa là do dự thì không phát sinh điều thiện.

Có ý kiến cho rằng cái nghi này lấy tuệ làm thể, vì do dự trong việc lựa chọn nên nói là nghi. Tì trợ Mạt-để là nghĩa của nghi. Mạt- để nghĩa như Bát-nhã.

Có ý kiến cho rằng cái nghi nay có tự thể riêng, nó khiến cho tuệ không quả quyết, chứ nó không phải là tuệ.

Luận Du-già nói: Trong sáu phiền não, chỉ ác kiến là thế tục có, vì nó là một phần của tuệ, còn các phiền não khác đều thật có tính riêng. Do chữ Tì trợ giúp chữ Mạt-để mà chấp tuệ thành nghi. Chữ Tì giúp chữ Nhã- nam mà trí thành thức. Do sự trợ lực của chữ Tì mà nghĩa thành chuyển biến. Cho nên nghi này không phải tuệ làm thể.

Ác kiến là gì? Là tính của tuệ ô nhiễm, suy tìm lượng đạc một cách điên đảo đối với các đế lý. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại thiện kiến, chiêu cảm sự khổ. Nghĩa là người có ác kiến chịu nhiều khổ não.

Hành tướng của ác kiến có năm thưa sai biệt:

1. Tát-ca-da kiến. Nghĩa là đối với năm thủ uẩn chấp cho là ngã và ngã sở. Nghiệp dụng của nó là làm chỗ nương cho tất cả kiến thủ. Có hai mươi câu, sáu mươi lăm câu nói về sự sai biệt của kiến chấp này. Tất cả đều do phân biệt khởi.

2. Biên chấp kiến. Tức chấp Tát-ca-da kiến kia là đoạn, là thường. Nghiệp dụng của nó là làm trở ngại hạnh xuất ly. Sự sai biệt của kiến chấp này là trong các thú có các kiến chấp như đối với quá khứ thì chấp bốn Biến thường luận, một phần Thường luận, đối với vị lai có Hữu tưởng mười sáu luận, Vô tưởng và Câu phi mỗi thứ tám luận và bảy Đoạn diệt luận v.v… tất cả đều thuộc phân biệt khởi.

3. Tà kiến. Tức phỉ báng tác dụng sự thật của nhân quả và chống lại bốn kiến chấp cùng các tà chấp khác. Danh nghĩa của nó bao quát tất cả giống như tăng thượng duyên vậy. Sự sai biệt của kiến chấp này trong các thú có về quá khứ chấp hai Vô nhân luận, bốn Hữu biên luận v.v… và Bất tử kiểu loạn luận; về vị lai chấp năm Hiện Niết-bàn, hoặc chấp các trời Tự tại, Thế chủ, Thích, Phạm và các vật loại thường hằng không biến đổi, hoặc chấp trời Tự tại là nguyên nhân của tất cả vạn vật, hoặc chấp một cách võ đoán các lối giải thoát không chính đáng, hoặc vọng chấp phi đạo là đạo. Tất cả các kiến chấp trên đều thuộc tà kiến.

4. Kiến thủ. Là đối với các kiến chấp và chỗ nương của uẩn cho đó là ưu việt hơn cả có khả năng được thanh tịnh, Nghiệp dụng của nó là làm chỗ nương cho tất cả mọi đấu tranh.

5. Giới cấm thủ. Nghĩa là tùy thuận theo giới cấm của các kiến chấp và chỗ nương của uẩn, chấp cho là ưu việt hơn cả và có khả năng được thanh tịnh. Nghiệp dụng của nó là làm chỗ nương cho sự khổ hạnh mà chẳng được lợi ích gì.

Nhưng có chỗ nói chấp cho là ưu việt hơn cả, gọi là Kiến thủ. Chấp cho là có khả năng làm cho được thanh tịnh, gọi là Giới thủ. Đó là phản ảnh nói sơ lược, hoặc nói theo phương pháp tùy chuyển. Nếu không thế thì sao phi diệt chấp là diệt, phi đạo chấp là đạo nói là Tà kiến mà không nói là gồm trong hai Kiến thủ và Giới thủ?

Như vậy trong mười phiền não chung và riêng có sáu thứ thông cả Câu sinh và Phân biệt khởi. Hoặc tự nhiên hoặc suy tư quán sát đều có thể sinh khởi. Nghi và ba kiến chấp sau chỉ có Phân biệt khởi, vì phải do bạn bè ác, hoặc tà giáo, tự lực suy tư thẩm sát mới được sinh khởi.

Có thuyết cho rằng trong Biên chấp kiến , thứ nào thông Câu sinh thì chỉ thuộc đoạn kiến. Còn tướng của thường kiến thì thô, phải có bạn ác v.v…dẫn dắt mới sinh khởi . Luận Du-già v.v… có nói: Vì sao Biên chấp kiến là Câu sinh? Đó là thứ Biên chấp kiến thuộc loại đoạn kiến. Người học hiện quán sinh tâm sợ như vầy: “Hiện nay cái ta của ta đang ở đâu?” Cho nên như loài cầm thú v.v… nếu gặp cảnh ngộ nghịch duyên đều sợ đứt mất cái ta mà khởi tâm sợ hãi.

Có ý kiến cho rằng Luận kia dựa theo thô tướng mà nói, thật ra lý thông cả Câu sinh và Thường kiến. Nghĩa là cầm thú v.v…chấp cái ta thường còn, nên hăng say chứa nhóm thức dùng lâu dài. Như Luận Hiển Dương và các luận khác đều nói: Đối với năm thủ uẩn chấp đoạn chấp thường, hoặc Câu sinh hoặc Phân biệt khởi.

– Mười thứ phiền não ấy thứ nào tương ưng với thứ nào?

– Tham nhất định không cùng khởi với sân và si, vì hai cảnh yêu và ghét không đồng nhau. Đối với cảnh còn nghi ngờ không quyết chắc thì không tham đắm. Tham có thể tương ưng với mạn và kiến, nhưng cảnh yêu và ghét không phải một nên không cùng khởi một lần. Cảnh nhiễm và cảnh ỷ thị có thể đồng nên tương ưng nhau được. Đối với cảnh của năm ác kiến đều có thể tham ái nên tham tương ưng với năm kiến không lỗi. Sân với mạn, nghi có thể cùng khởi. Vì cảnh sân giận với cảnh ỷ thị không phải một nên nói sân với mạn không tương ưng nhau. Cảnh miệt thị và cảnh ganh ghét có thể đồng nên có thể cùng khởi. Lúc mới do dự có thể chưa ghét cho nên nói sân và nghi không cùng sinh. Suy nghĩ lâu mà không quyết định rồi nổi giận nên sân và nghi có thể tương ưng. Cảnh nghi tùy theo sự việc thuận hay trái mà có hay không tương ưng cũng vậy. Sân và hai là kiến thủ và giới cấm thủ chắc chắn không tương ưng, vì khi đã chấp cho là đạo thù thắng thì không không có ghét. Sân có thể tương ưng với ba kiến. Đối với thân năm uẩn có cảm thụ vui thì khởi chấp thường kiến, không ghét nên nói không tương ưng. Đối với thân năm uẩn có cảm thụ khổ mà khởi chấp thường thì sinh ghét nên nói cùng khởi. Đối với đoạn kiến thì đảo ngược lại với đây mà xét sân có hay không tương ưng. Tà kiến thì bài bác cả việc tốt lẫn việc xấu, cứ như thứ tự mà nói sân có hay không tương ưng.

Mạn là đối với cảnh đã quyết, còn nghi thì không như vậy, cho nên mạn và nghi không tương ưng nhau. Mạn và năm kiến thì cùng khởi vì hành tướng hai thứ không trái chống nhau. Nhưng không cùng sinh với đoạn kiến, vì đã chấp ngã là đoạn thì không có gì để ỷ thị kiêu mạn được. Cũng vậy, mạn có một phần không cùng sinh với thân kiến và tà kiến.

Nghi là không thẩm xét quyết định, trái với năm kiến. Cho nên năm kiến không tương ưng cùng khởi với nghi, vì trong một tâm không thể có nhiều tuệ.

Si thì cùng tương ưng với chín thứ phiền não, vì các phiền não sinh ắt phải do si.

– Mười phiền não này tương ưng với thức nào?

Tàng thức thì hoàn toàn không. Mạt-na thức có bốn. Ý thức có đủ mười. Năm thức chỉ có ba là tham, sân và si, và vì không có tính phân biệt nên không so đo do đó không khởi tâm kiêu mạn v.v… – Mười phiền não này tương ưng với những thụ nào?

– Câu sinh tham, sân, si và phân biệt tham, sân, si đều tương ưng với năm thụ. Khi tham mà gặp cảnh nghịch duyên thì ưu thụ, khổ thụ cùng khởi. Khi sân giận mà gặp cảnh thuận thì hỷ thụ lạc thụ đều sinh khởi.

Có ý kiến cho rằng mạn câu sinh và phân biệt khởi tương ưng với bốn thụ, trừ khổ thụ. Vì mang cái thân năm uẩn khổ và kém cỏi mà sinh ưu thụ, nên mạn tương ưng với ưu thụ.

Có ý kiến cho rằng nếu là câu sinh thì mạn cũng tương ưng với khổ thụ, vì ý thức có khổ thụ như trước đã nói. Nếu phân biệt mạn v.v… thì nó không có ở những cõi chỉ thuần có khổ, vì những nơi đó không có tà sư tà giáo v.v…Nhưng ở nơi đó không có sự tạo nghiệp dẫn đến cõi ác, vì phải có phân biệt khởi mới có thể dẫn phát đến cõi ấy.

Nghi và ba kiến sau tương ưng với bốn thụ. Ở cõi Dục, nghi không tương ưng với khổ v.v…, vì tương ưng với hỷ. Hai thủ là kiến thủ và giới thủ nếu duyên cảnh của ưu tương ưng với kiến v.v… thì bấy giờ nó tương ưng với ưu thụ.

Có ý kiến cho rằng hai kiến câu sinh là thân kiến và biên kiến chỉ tương ưng với hỷ, lạc và xả thụ, không tương ưng với năm thức vì năm thức là vô ký. Còn hai kiến phân biệt là thân kiến và biên kiến thì tương ưng với bốn thụ. Chấp thân ngũ uẩn cùng sinh với khổ là ngã và ngã sở là thường, là đoạn thì trái lại chúng cũng tương ưng với ưu thụ.

Có ý kiến cho rằng nếu hai kiến là câu sinh thì cũng tương ưng với khổ thụ, vì ở nơi thuần khổ chỉ duyên với thân năm uẩn cực khổ nên tương ưng với khổ thụ.

Luận nói: Tất cả phiền não câu sinh, đều cùng hiện hành với ba thụ. Nói rộng như trước. Các nghĩa khác như trước đã nói.

Đây là y theo thật nghĩa. Theo thô tướng thì tham, mạn và bốn kiến chấp đều tương ưng với hỷ, lạc và xả thụ. Sân chỉ tương ưng với khổ, ưu và xả thụ. Si thì tương ưng với đủ năm thụ. Tà kiến và nghi tương ưng với bốn thụ, trừ khổ thụ. Tham và si tương ưng với lạc thụ, thông ở bốn địa dưới. Còn bảy tương ưng với lạc thụ, thông cả ba địa, trừ Dục giới địa. Nghi và độc hành si, nếu ở cõi Dục thì chỉ tương ưng với ưu và xả thụ. Các thụ khác câu khởi như thế nào suy theo lý thì biết.

– Mười phiền não này có bao nhiêu tương ưng với tâm sở Biệt cảnh?

Tham, sân, si, mạn cùng khởi với năm Biệt cảnh, vì chuyên chú một cảnh là có định tâm sở.Nghi và năm kiến mỗi mỗi tương ưng với bốn Biệt cảnh, vì nghi không tương ưng với thắng giải do không quyết định. Kiến không tương ưng với tuệ, vì nó không khác tuệ.

– Mười phiền não này thuộc tính gì?

Sân chỉ có tính bất thiện, vì làm tổn hại mình tổn hại người. Còn chín thứ đều thông cả hai. Hai cõi trên chỉ có vô ký, vì bị định đè bẹp. Nếu ở cõi Dục mà sân phân biệt khởi thì chỉ thuộc bất thiện, vì nó sẽ phát sinh ác hành. Nếu là câu sinh phát ra ác hành thì cũng thuộc bất thiện, vì làm tổn hại mình tổn hại người. Ngoài ra số còn lại đều thuộc vô ký, vì nó vi tế không làm chướng ngại thiện, chẳng làm tổn hại mình và người quá lắm. Nên biết câu sinh thân kiến và biên kiến chỉ thuộc tính vô ký, vì không phát sinh ác nghiệp, tuy thường hiện khởi nhưng không làm chướng ngại thiện pháp.

– Mười phiền não này thuộc vào các cõi nào?

Sân chỉ ở cõi Dục, số còn lại thông cả ba cõi. Sinh ở địa dưới, chưa lìa nhiễm ô của địa dưới thì phiền não địa trên không hiện. Phải khi được căn bản định ở địa trên thì phiền não của địa trên mới hiện tiền.

Nghĩa là hữu lậu đạo tuy không thể dẹp được phiền não phân biệt và phiền não câu sinh vi tế, nhưng có thể dẹp trừ được các phiền não câu sinh thô hiển, để dần dần chứng được căn bản định của địa trên.

Các phiền não câu sinh đó chỉ là mê sự, dựa bên ngoài mà sinh khởi, tán loạn, thô động làm chướng ngại thiền định. Cho nên khi được định địa trên rồi thì các phiền não phân biệt và câu sinh của địa trên đều hiện tiền. Người sinh ở địa trên, các phiền não phân biệt và câu sinh đều được hiện khởi.

Người sinh vào trung hữu của đệ tứ định, do phỉ báng đạo giải thoát phải sinh vào địa ngục.

Lại khi thân đang ở địa trên mà sắp sinh xuống địa dưới thì khởi câu sinh ái làm cho việc sinh xuống địa dưới dễ dàng. Nhưng có nơi nói rằng người sinh ở địa trên không khởi phiền não của địa dưới, đó là dựa vào số nhiều mà nói hoặc nói theo cách tùy chuyển.

Phiền não của địa dưới cũng duyên với địa trên. Như Luận Dugià v.v… có nói: Tham thuộc cõi Dục nhưng vẫn mong muốn sinh lên địa trên vì thích định địa trên. Như đã nói sân nhuế tật đố khi duyên Diệt đế và Đạo đế thì cũng phải nói ganh ghét tật đố duyên Ly dục địa mà khởi. Vì duyên chung các hành mà chấp ngã, ngã sở hoặc đoạn hoặc thường mà khởi mạn đều được duyên cõi trên. Còn lại năm kiến duyên cõi trên, lý đó chắc chắn rồi.

Nhưng có nơi nói tham, sân, mạn v.v…không duyên cõi trên, đó là nói theo thô tướng, hoặc dựa theo duyên khác mà nói. Vì không thấy người nào trên thế gian chấp pháp của địa khác làm ngã v.v… và biên kiến cũng phải dựa trên thân kiến mới có. Phiền não ở địa trên cũng duyên pháp ở địa dưới là nói kẻ sinh cõi trên đối với hữu tình cõi dưới ỷ mình đức cao hơn mà khinh khi. Duyên chung các hành, chấp ngã, ngã sở hoặc đoạn hoặc thường mà ưa thích thì duyên được cõi dưới.

Nghi và ba kiến sau, nên suy theo lý trên. Nhưng nếu nói phiền não cõi trên không duyên cõi dưới, đó là dựa vào số nhiều, hoặc theo duyên khác mà nói.

– Mười phiền não này thuộc các bậc học nào?

Chỉ thuộc phi học, phi vô học, vì học và vô học chỉ có thiện, còn phiền não là ô nhiễm.

– Mười phiền não này lấy gì đoạn được?

Mười phiền não này không phải phi sở đoạn, vì phi sở đoạn là thứ không ô nhiễm. Nếu là loại phân biệt khởi thì chỉ cần kiến đạo là đoạn được, vì thô nên dễ đoạn. Nếu là câu sinh thì chỉ tu đạo mới đoạn được, vì nó vi tế khó đoạn. Mười phiền não thuộc kiến sở đoạn thật sự cùng đoạn một cách nhanh chóng, vì chân kiến đạo duyên chung Tứ đế. Nhưng mê tướng Tứ đế có chung có riêng. Chung nghĩa là mười thứ phiền não đều do mê lý Tứ đế. Khổ, Tập đế là nhân nhân, chỗ nương của mười phiền não, Diệt, Đạo đế là chỗ sợ hãi của mười phiền não. Riêng nghĩa là mê riêng tướng Tứ đế mà khởi các phiền não. Như trong đó có hai thứ chỉ do mê Khổ đế mà khởi, còn tám thứ mê chung cả Tứ đế mà khởi. Thân kiến và biên kiến chỉ đối với quả mà khởi. Vì riêng chỉ có không và phi ngã thuộc Khổ đế. Nghĩa là nghi và ba kiến trực tiếp mê lý khổ, còn hai thứ là chấp thủ vào ba kiến đó, và chấp giới cấm thủ cùng thân năm uẩn cho là thù thắng có thể đạt được thanh tịnh. Đối với tự tha kiến và các quyến thuộc của chúng tùy lúc khởi tham, sân, mạn, tương ưng với vô minh, cùng với chín thứ kia đồng mê lý Khổ đế. Bất cộng vô minh thì trực tiếp mê lý Khổ đế. Nghi và tà kiến thì trực tiếp mê lý Tập đế v.v… Hai thủ và tham v.v…chuẩn theo Khổ đế thì biết. Nhưng sân cũng có thể trực tiếp mê Diệt và Đạo đế, do sợ Diệt và Đạo đế mà sinh ghen ghét.

Thô tướng thân và sơ của việc mê lý Tứ đế là như vậy. Nếu nói một cách khúc chiết rõ ràng thì tham, sân, mạn, ba kiến, nghi câu sinh cũng tùy nghi mê lý Tứ đế như trên. Còn hai kiến câu sinh và ái, mạn, vô minh tương ưng với chúng, tuy do mê Khổ đế nhưng vi tế khó đoạn, phải tu đạo mới đoạn được.Sân và ái v.v… do mê việc riêng mà sinh khởi, không trái với việc quán Tứ đế nên tu đạo là đoạn được.

Tuy các phiền não này đều có tướng phần, nhưng cái thực chất để nhờ đó biến ra tướng phần thì có thể có có thể không, và được mệnh danh là phiền não duyên hữu sự hay phiền não duyên vô sự. Sở duyên trực tiếp của chúng tuy đều là pháp hữu lậu, nhưng thực chất nhờ đó biến ra tướng phần thì thông cả pháp vô lậu và được mệnh danh là phiền não duyên hữu lậu hay phiền não duyên vô lậu.

Phiền não duyên tự địa thì tướng phần của nó tương tự thật chất và được gọi là duyên cảnh sự vật cụ thể, do phân biệt khởi. Còn phiền não duyên Diệt, Đạo đế và tha địa thì tướng phần của nó không tương tự thật chất và được gọi là duyên cảnh trừu tượng trên danh nghĩa, do phân biệt khởi.

Các phân biệt khác cứ theo lý mà suy sẽ rõ.

Đã nói tướng trạng của sáu phiền não căn bản. Vậy tướng của các tùy phiền não như thế nào?

Tụng nói:

Tùy phiền não là phẫn,

Hận, phú, não, tật, xan,

13. Lừa gạt, nịnh, hại, kiêu,

Vô tàm và vô quý,

Trạo cử với hôn trầm,

Không tin và lười biếng,

14. Phóng dật và mất niệm,

Tán loạn, hiểu sai lạc.

Luận nói: Chỉ là tính đẳng lưu và phần vị sai biệt của phiền não gọi là tùy phiền não.

Tùy phiền não có hai mươi thứ chia làm ba loại. Nghĩa là mười thứ kể từ “phẫn” mỗi mỗi đều khởi riêng biệt gọi là tiểu tùy phiền não. Vô tàm, vô quý hai thứ biến khắp tâm bất thiện, gọi là trung tùy phiền não. Tám thứ còn lại kể từ “trạo cử” thì biến khắp nhiễm tâm, gọi là đại tùy phiền não.

Phẫn là thế nào? Là tính nổi giận trước hiện cảnh không ích lợi, tác nghiệp của nó là làm trở ngại tính không tức giận. Nghĩa là người ôm tức giận phần nhiều có hành vi bạo ác biểu lộ nơi thân nghiệp. Phẫn lấy một phần của sân nhuế làm tự thể. Lìa sân thì tướng và dụng của phẫn đều không có.

Hận là thế nào? Là tính không bỏ sự oán kết do đã phẫn nộ điều gì trước đó. Tác nghiệp của nó là gây nóng nảy, làm trở ngại tâm không hận. Nghĩa là người hận điều gì thì khó có thể nhẫn nhịn, thường hay nóng nảy. Hận cũng lấy một phần của sân nhuế làm tự thể. Lìa sân thì tướng và dụng của hận không còn.

Phú là thế nào? Là tính che giấu tội lỗi mình đã làm vì sợ mất lợi lộc tiếng tăm. Tác nghiệp của nó là làm trở ngại tâm không che giấu, ăn năn. Nghĩa là người che giấu tội lỗi , về sau ắt hối hận, bất an trong lòng.

Có ý kiến cho rằng trong phú có một phần của si. Vì Luận có nói sự che giấu là một phần của si, bởi do ngu si nên không biết sợ khổ quả mới che giấu tội mình.

Có ý kiến cho rằng trong phú có một phần của tham và si vì cũng sợ mất lợi lộc danh dự mà che giấu tội mình. Luận căn cứ mặt thô hiển nên chỉ nói là một phần của si. Chẳng hạn như nói trạo cử là một phần của tham, nhưng trạo cử biến khắp nhiễm tâm thì không thể nói nó chỉ là một phần của tham.

Não là thế nào? Là tính tàn ác hung bạo do phẫn và hận trước đó thôi thúc. Tác nghiệp của nó là hiểm độc làm trở ngại tâm không não. Nghĩa là khi gặp cảnh trái nghịch nhớ lại điều oán ghét đã qua liền nổi tâm hung bạo hiểm độc với người, nói năn thô bỉ. Não cũng lấy một phần của sân nhuế làm tự thể. Lìa sân nhuế thì không có tướng và dụng của não.

Tật là thế nào? Là tính đuổi theo danh lợi, đố kỵ sự hiển vinh của người khác. Tác nghiệp của nó là lo rầu làm trở ngại sự không tật đố. Nghĩa là người tật đố khi biết người khác hiển vinh thì lo buồn không yên ổn. Tật cũng lấy một phần của sân nhuế làm tự thể. Lìa sân thì không có tướng hay dụng của tật.

Xan là thế nào? Là tính lẫn tiếc tài và pháp không làm ơn chia xẻ cho ai. Tác nghiệp của nó là ưa thu vén cất giữ một cách xấu xa, làm chướng ngại tâm không xan. Nghĩa là người có tâm xan lẫn thì bo bo chứa giữ tài và pháp không chịu bỏ ra. Xan lấy một phần của tham ái làm tự thể. Lìa tham thì không còn tướng và dụng của xan.

Lừa gạt là thế nào? Là tính muốn được lợi lộc danh dự, trá hiện đạo đức để dối gạt. Tác nghiệp của nó là nuôi sống một cách bất chính, làm trở ngại sự không dối gạt. Nghĩa là người có tâm lừa đảo thì ôm nhiều mưu kế để mưu sinh bằng sự không thành thật. Lừa gạt lấy một phần của tham, si làm tự thể. Lìa tham và si thì tướng và dụng của lừa đảo không còn.

Nịnh là thế nào? Là tính quanh co hiểm hóc dối người. Tác nghiệp của nó là làm trở ngại tâm không dua nịnh và sự dạy bảo. Nghĩa là người có tính nịnh hót quanh co thì tùy nghi bày ra nhiều cách để lấy lòng người, che giấu lỗi mình, không theo lời dạy bảo của thầy bạn. Nịnh cũng lấy một phần của tham, si làm tự thể. Lìa tham, si không có tướng và dụng của nịnh.

Hại là thế nào? Là tính hay làm tổn hại hữu tình, không có tâm thương xót. Tác nghiệp của nó là gây bức bách khổ não làm chướng ngại tâm không hại. Nghĩa là người có tâm hại thì hay bức bách khổ não cho người khác. Hại cũng lấy một phần của sân nhuế làm tự thể. Lìa sân không có tướng và dụng của hại. Biệt tướng của sân và hại thì chuẩn theo thiện mà nói.

Kiêu là thế nào? Là tính mê say kiêu ngạo đối với cái gì của mình tự cho là vinh hiển thịnh vượng. Tác nghiệp của nó là làm chỗ dựa cho sự nhiễm trước trở ngại tính không kiêu. Nghĩa là người mê say kiêu ngạo thì dễ làm tăng trưởng tất cả tạp nhiễm. Tính kiêu ngạo cũng lấy một phần của tham ái làm tự thể. Lìa tham, ái không có tướng và dụng của sự kiêu ngạo.

Vô tàm là thế nào? Là tính không biết nhìn lại mình, khinh khi chống đối người hiền thiện. Tác nghiệp của nó là sinh trưởng điều ác, ngăn trở tính biết xấu hổ. Nghĩa là không nhìn lại mình, khinh khi chống đối người hiền thiện, không biết xấu hổ tội lỗi, làm trở ngại tính biết xấu hổ, sinh trưởng các vệc làm ác.

Vô quý là thế nào? Là tính không biết nhìn người, ưa chuộng điều bạo ác. Tác nghiệp của nó là làm sinh trưởng hành vi xấu ác, ngăn ngại tính biết hổ thẹn. Nghĩa là không biết nhìn người chỉ biết tôn sùng coi trọng điều bạo ác, không xấu hổ với tội lỗi, sinh trưởng các ác hành ngăn trở tính biết hổ thẹn.

Không biết xấu hổ với tội lỗi là hai tướng chung của hai thứ vô tàm và vô quý. Cho nên các Thánh giáo giả nói là thể. Nếu chấp cho rằng không hổ thẹn có hai tướng riêng biệt thì thể của chúng vẫn không sai khác. Do đó hai pháp này không sinh khởi cùng một lúc, không như thụ và tưởng có nghĩa đó. Nếu vì đối đãi với tự và tha mà lập ra có hai thứ riêng biệt, tức không thật có. Như vậy là trái với Thánh giáo. Còn nếu cho rằng hai thứ đó có thật thể nhưng phát khởi riêng biệt thì trái với Luận nói là hai thứ đó biến khắp các ác tâm sở. Vì khi tâm bất thiện khởi lên thì dù duyên cảnh nào cũng đều có nghĩa sùng trọng điều ác khinh khi chống báng điều thiện. Cho nên nói hai pháp này biến khắp các ác tâm sở. Cảnh sở duyên của chúng không khác nên không có lỗi khởi riêng. Nhưng các Thánh giáo nói không nhìn lại mình, không nhìn đến người khác là nói chính mình và thế gian. Hoặc trong đó nói chốn cự điều thiện sùng chuộng điều ác, có tổn ích cho mình gọi là tự và tha. Còn trong Luận nói chúng là một phần của tham v.v… là vì chúng là đẳng lưu của tham chứ không phải chính tham là tính của chúng.

Trạo cử là thế nào? Là tính khiến tâm không tịch tĩnh đối với cảnh. Tác nghiệp của nó là làm chướng ngại hành xả và tu Xa-ma-tha.

Có ý kiến cho rằng trạo cử thuộc một phần trong tham. Luận chỉ nói nó là một phần của tham, vì do nhớ lại chuyện vui cũ mà phát sinh.

Có ý kiến cho rằng trạo cử không chỉ thuộc về tham. Vì Luận nói trạo cử biến khắp các nhiễm tâm. Lại tướng của trạo cử là không tịch tĩnh, nó là tướng chung của các phiền não. Nếu trạo cử lìa các phiền não thì không có tướng và dụng riêng nữa. Tuy dựa trên tất cả phiền não mà giả lập, nhưng trong đó tham có phần tăng hơn nên nói trạo cử là một phần của tham.

Có ý kiến cho rằng trạo cử có tự tính riêng, biến khắp các nhiễm tâm như bất tín v.v… không phải là một phần của cái khác và thể nó không thật. Chớ nói bất tín v.v… cũng là giả có. Nhưng Luận nói nó có là theo nghĩa thế tục, như thùy miên v.v…là nói theo tướng của cái khác. Tướng đặc biệt của trạo cử là sự huyên động, làm cho các pháp câu sinh không được tịch tĩnh. Nếu lìa phiền não không riêng có tướng trạo cử thì cũng không nên nói riêng trạo cử này làm chướng ngại pháp Xa-ma-tha. Cho nên không tịch tĩnh không phải là tướng riêng của trạo cử này.

Hôn trầm là thế nào? Là tính khiến tâm không chịu nổi hiện cảnh. Tác nghiệp của nó là làm chướng ngại sự khinh an và việc tu Tì-bát-xá-na.

Có ý kiến cho rằng hôn trầm là một phần của si. Luận chỉ nói nó là một phần của si, vì hôn muội trầm trọng là tướng của si.

Có ý kiến cho rằng hôn trầm không phải chỉ thuộc về si. Nghĩa là không chịu nổi là tướng của hôn trầm. Tất cả phiền não đều có tính không chịu đựng nổi. Lìa tính không chị đựng nổi không có riêng tướng hôn trầm. Tuy dựa trên tất cả phiền não mà giả lập hôn trầm, nhưng trong đó tướng si tăng hơn nên chỉ nói hôn trầm là một phần của si.

Có ý kiến cho rằng hôn trầm có tự tính riêng. Tuy nói là có phần của si nhưng là đẳng lưu của si, như bất tín v.v… chứ không phải nó chính là si. Nói theo tha tướng, bảo nó là có theo nghĩa thế tục, như thùy miên v.v…là có tính thật có. Biệt tướng của hôn trầm là hôn muội trầm trọng, khiến các pháp câu sinh không chịu đựng được. Nếu lìa phiền não không riêng có tướng hôn trầm, không nên nói riêng hôn trầm là làm chướng ngại viêc tu Tì-bát-xá-na. Cho nên tính không kham nổi, không phải tướng riêng của hôn trầm. Hôn trầm với tướng si có chỗ khác nhau là si thì mê ám đối với cảnh, trực tiếp gây trở ngại với không si nhưng không phải hôn mê trầm trọng. Còn tướng của hôn trầm là hôn mê trầm trọng đối với cảnh, trực tiếp chướng ngại sự khinh an, nhưng không phải mê ám.

Không tin là thế nào? Là tính của tâm ô uế không vui vẻ chấp nhận sự thật, đạo đức cũng như năng lực. Tác nghiệp của nó là làm chỗ dựa cho sự biếng nhác, cản trở lòng tin thanh tịnh. Nghĩa là người không có lòng tin thì phần nhiều lười biếng. Đảo nghịch ba tướng của không tin là ba tướng của tin. Nhưng các pháp ô nhiễm đều có tướng riêng. Chỉ có không tin này tự tướng của nó là ô trược, lại có khả năng làm ô trược các tâm và tâm sở khác. Như một vật cực ô uế, tự nó ô uế còn làm ô uế các vật khác, cho nên nói cái không tin này lấy tâm ô uế làm tính. Do không tin nên đối với thật, đức và năng không chịu vui theo, chứ không phải có tính cách riêng. Nếu đối với các việc khác mà tâm chịu vui theo điều tà vạy thì đó là do nhân quả chứ không phải cái không tin có tự tính riêng.

Lười biếng là thế nào? Tính của nó là biếng nhác đối với việc tu thiện đoạn ác. Tác nghiệp của nó là làm tăng sự ô nhiễm, làm trở ngại sự tinh tiến. Nghĩa là người lười biếng thì làm cho sự ô nhiễm lớn thêm, và lười biếng cũng dùng để chỉ cho người siêng làm những việc ô nhiễm, vì nó làm thoái lui thiện pháp. Với người siêng năng làm những việc có tính vô ký thì đối với thiện pháp chẳng tiến cũng chẳng thoái, nên thuộc về dục và thắng giải, chứ chẳng phải có tự tính riêng. Như đối với việc có tính vô ký mà vui theo thì trường hợp này chẳng phải tịnh hay nhiễm, cũng chẳng phải tin hay không tin.

Phóng dật là thế nào? Là tính phóng đãng không biết phòng ngừa điều ô nhiễm, tu điều thanh tịnh. Tác nghiệp của nó là làm chỗ dựa điều ác gia tăng điều thiện tổn giảm, làm trở ngại cho tính không phóng dật. Nghĩa là do lười biếng và tham, sân, si không ngăn ngừa ô nhiễm, tu tập thanh tịnh, gọi chung là phóng dật chứ không phải nó có tự thể riêng biệt. Tuy mạn, nghi v.v… cũng có khả năng này nhưng so với lười biếng và tham, sân, si thì thế lực kém hơn trong việc gây trở ngại ba thiện căn và tinh tiến. Cách suy cứu tướng của phóng dật cũng giống như cách suy cứu tướng bất phóng dật.

Mất niệm là thế nào? Là tính không ghi nhớ rõ ràng cảnh sở duyên. Tác nghiệp của nó là làm chỗ dựa cho sự tán loạn tâm, làm chướng ngại chính niệm. Nghĩa là người mất niệm thì tâm tán loạn.

Có ý kiến cho rằng mất niệm là một phần của niệm, vì nó là một thứ niệm có phiền não tương ưng.

Có ý kiến cho rằng mất niệm là một phần của si, vì Luận Du-già nói mất niệm là si phần. Si khiến niệm mất nên gọi mất niệm.

Có ý kiến cho rằng mất niệm là một phần của tham, sân, si, vì đối chiếu hai văn trước lược nói, bởi Luận cũng nói sự mất niệm này biến khắp nhiễm tâm.

Tán loạn là thế nào? Là tính khiến cho tâm lưu đãng đối với cảnh sở duyên. Tác nghiệp của nó là làm chỗ dựa cho ác tuệ, chướng ngại chính định. Nghĩa là người loạn tâm thì phát sinh ác tuệ.

Có ý kiến cho rằng tâm tán loạn là một phần của si, vì Du-già có nói tán loạn là si phần.

Có ý kiến cho rằng tán loạn thuộc tham, sân, si, vì Tập Luận có nói tán loạn là ba phần tham, sân, si. Si phần biến khắp các nhiễm tâm. Nghĩa là tham, sân, si khiến tâm lưu đãng hơn các pháp khác nên nói là tán loạn.

Có ý kiến cho rằng tán loạn có tự thể riêng. Nói ba phần là nói tán loạn là tính đẳng lưu của ba thứ tham, sân, si, giống như vô tàm v.v… chứ không phải nói tán loạn chính là tham, sân, si. Tùy theo tướng khác mà nói là có là nói theo nghĩa thế tục. Biệt tướng của tán loạn là tháo động nhiễu loạn khiến các pháp câu sinh đều lưu đãng. Nếu lìa ba thứ tham, sân, si, tán loạn không có tự thể riêng, không nên nói riêng tán loạn làm chướng ngại Tam-ma-địa.

Trạo cử và tán loạn hai tác dụng khác nhau thế nào?

Trạo cử thì khiến tâm thay đổi sự hiểu biết, tán loạn thì khiến tâm thay đổi cảnh duyên. Tuy trong một sát-na sự hiểu biết và cảnh duyên không thay đổi, nhưng trong liên tục thì có sự biến đổi đó. Khi tâm ô nhiễm thì thường do sức của trạo cử và tán loạn làm tân thay đổi sự hiểu biết và thay đổi cảnh duyên. Hoặc do sức của niệm v.v… điều phục chế ngự như trói con khỉ, tạm thời khiến nó ở yên một chỗ. Cho nên trạo cử và tán loạn biến khắp các nhiễm tâm.

Hiểu sai lạc là thế nào? Là tính hiểu lầm cảnh sở quán. Tác nghiệp của nó là hủy phạm, làm chướng ngại sự hiểu biết đúng đắn. Nghĩa là người hiểu biết sai lạc thì có nhiều sự hủy phạm.

Có ý kiến cho rằng sự hiểu biết sai lạc thuộc một phần của tuệ, đó là cái tuệ có phiền não tương ưng.

Có ý kiến cho rằng sự hiểu biết sai lạc thuộc một phần của si, vì Du-già có nói đây là si phần. Làm cho sự hiểu biết không đúng gọi là hiểu sai lạc.

Có ý kiến cho rằng sự hiểu biết sai lạc là một phần chung của các phiền não, vì do hai văn trước mà lược nói. Luận còn nói sự hiểu biết sai lạc biến khắp các nhiễm tâm.

Trong bài tụng có dùng các chữ “”, “với” là để nói rõ tùy phiền não không chỉ có hai mươi thứ. Luận Tạp Sự v.v…nói tham v.v…nhiều thứ tùy phiền não. Cái tên tùy phiền não cũng bao gồm căn bản phiền não, vì nó là tính đẳng lưu của căn bản phiền não ở trước. Các pháp nhiễm ô khác đồng loại với căn bản phiền não thì chỉ gọi là tùy phiền não, chứ không phải gồm trong căn bản phiền não. Chỉ nói hai mươi tùy phiền não nghĩa là vì chúng không phải căn bản phiền não, chúng chỉ nhiễm ô và thô trọng. Còn các pháp nhiễm ô khác, hoặc là phần vị của tùy phiền não, hoặc là đẳng lưu của tùy phiền não đều gộp vào đây. Tùy loại khác nhau, theo lý nên biết.

Như vậy trong hai mươi tùy phiền não, tiểu tùy mười, đại tùy ba, chắc chắn là giả có. Vô tàm, vô quý, không tin, lười biếng chắc chắn là thật có, vì giáo và lý đã chứng minh. Trạo cử, hôn trầm, tán loạn ba thứ có ý kiến cho là giả, có ý kiến cho là thật và có dẫn giáo và lý làm chứng như trước nên biết.

Hai mươi tùy phiền não đều có câu sinh và phân biệt vì nó tùy theo thế lực của hai thứ phiền não mà phát khởi.

Trong hai mươi tùy phiền não này, mười thứ tiểu tùy lần lượt thay nhau sinh khởi, chắc chắn không cùng khởi một lần, do tính trái nhau. Hành tướng của mỗi thứ đều thô mạnh tự chủ. Hai thứ trung tùy phiền não đều tương ưng với tất cả tâm bất thiện và cùng sinh khởi một lúc với tiểu tùy và đại tùy. Luận nói tám đại tùy phiền não biến khắp các nhiễm tâm, lần lữa cùng sinh khởi với tiểu tùy và trung tùy. Có chỗ nói sáu thứ sáu thứ biến khắp các nhiễm tâm, vì khi hôn trầm và trạo cử tăng mạnh thì không cùng khởi. Có chỗ nói chỉ năm thứ biến khắp các nhiễm tâm, vì hôn trầm, trạo cử v.v… chỉ trái với thiện.

Hai mươi tùy phiền não chỉ có nhiễm nên không tương ưng với thức thứ tám. Thức thứ bảy chỉ tương ưng với tám đại tùy. Hoặc thủ hoặc xả khác nhau nên biết như trên. Thức thứ sáu tương ưng với tất cả hai mươi thứ. Tiểu tùy mười, tính thô mạnh, không tương ưng với năm thức. Trung tùy và đại tùy thông nhau, có đủ trong năm thức. Do đó trung tùy và đại tùy tương ưng với năm thụ.

Có ý kiến cho rằng tiểu tùy mười trừ ba, còn lại phẫn v.v… chỉ tương ưng với ba thụ là hỷ, ưu và xả. Ba thứ là nịnh, lừa gạt và kiêu ngạo tương ưng với bốn thụ trừ khổ thụ.

Có ý kiến cho rằng phẫn v.v… tương ưng với bốn thụ trừ lạc thụ. Còn nịnh, lừa gạt và kiêu ngạo ba thứ tương ưng với cả năm thụ. Ý thức có khổ thụ, như trước đã nói. Thụ này đều tương ưng như đã nói trong phiền não. Thật nghĩa là như vậy, nếu tùy thô tướng thì tương ưng với phẫn, hận, não, tật, hại, ưu, xả. Phú, xan, hỷ, xả, ba thứ còn lại tương ưng thêm lạc thụ. Trung tùy, đại tùy thô tướng cũng như thật nghĩa.

Như vậy hai mươi tùy phiền não đều cùng sinh khởi với năm Biệt cảnh, vì chúng không trái nhau. Niệm ô nhiễm và tuệ ô nhiễm tuy không cùng phát sinh với niệm và tuệ nhưng si phần cũng tương ưng được. Niệm cũng duyên được với hiên cảnh từng tập quen. Phẫn cũng duyên được với sát-na quá khứ, cho nên phẫn và niệm cũng tương ưng nhau được. Khi định ô nhiễm khởi, tâm cũng tháo động nhiễu loạn, nên loạn và định tương ưng nhau, cũng không lỗi.

Trung tùy hai, đại tùy tám, với mười căn bản phiền não cùng tương ưng nhau. Tiểu tùy mười thứ chắc chắn không tương ưng với ác kiến và nghi, vì tướng nó thô động, còn ác kiến và nghi thì thẩm xét vi tế. Phẫn v.v…năm pháp tương ưng với mạn và nghi chứ không tương ưng với tham và sân vì chúng là một phần của sân. Xan, si, mạn đều không tương ưng với tham và sân vì chúng là một phần của tham. Kiêu chỉ tương ưng với si, khác với mạn và biếng nhác là một phần của tham. Phú, lừa gạt và nịnh tương ưng với tham, si và mạn, vì hành tướng của chúng không trái nhau, đều là một phần của tham và si.

Tiểu tùy bảy, trung tùy hai chỉ thuộc bất thiện. Tiểu tùy ba, đại tùy tám cũng thông cả tính vô ký.

Tiểu tùy bảy, trung tùy hai chỉ thuộc cõi Dục. Lừa gạt và nịnh thông cả cõi Dục và cõi Sắc. Các thứ còn lại thông cả ba cõi. Sinh ở cõi dưới có thể sinh khởi mười một thứ của cõi trên, vì tham đắm định cảnh mà khởi tâm kiêu mạn, lừa gạt và nịnh. Nếu sinh cõi trên, khởi mười thứ sau của cõi dưới thì tà kiến và ái tương ưng khởi ở cõi đó. Tiểu tùy mười, khi sinh ở cõi trên thì không lý do gì khởi ở cõi dưới, vì chúng không phải thứ trực tiếp nhuận sinh và không phải tà kiến hủy báng tịch diệt. Trung tùy hai, đại tùy tám ở cõi dưới cũng duyên được ở cõi trên, vì duyên với tham v.v…ở trên mà tương ưng khởi.

Có ý kiến cho rằng tiểu tùy mười thứ ở cõi dưới không duyên cõi trên, vì hành tướng thô trọng thiển cận không thể chấp thủ cảnh xa.

Có ý kiến cho rằng tật v.v… cũng duyên được cõi trên, vì cõi trên vượt trội hơn nên sinh tật đố. Đại tùy tám và nịnh, lừa gạt ở cõi trên cũng duyên được cõi dưới, vì tương ưng với mạn ở cõi dưới. Ví như Phạm thiên đối với Thích tử khởi tâm nịnh, lừa gạt. Kiêu không duyên cõi dưới, vì chẳng phải đối tượng để ỷ thị.

Hai mươi tùy phiền não đều thuộc phi học, phi vô học, vì chúng chỉ là nhiễm mà học và vô học là tịnh.

Mười thứ sau trong hai mươi tùy phiền não chỉ thông với kiến đạo và tu đạo mới đoạn trừ, vì chúng tương ưng với hai phiền não mà sinh khởi.

Phiền não do kiến đạo đoạn trừ là thứ phiền não mê tướng Tứ đế, hoặc chung hoặc riêng biệt cùng sinh khởi, cho nên tùy thích ứng đều thông cả bốn đế. Mê chấp bốn đế hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đều như cách nói về phiền não.

Có ý kiến cho rằng mười thứ trước trong hai mươi tùy phiền não chỉ do tu đạo đoạn trừ, vì chúng là câu sinh, duyên thô cảnh thô sự .

Có ý kiến cho rằng chúng cũng thông cả kiến đạo và tu đạo đoạn, vì do thế lực của hai thứ phiền não mà sinh khởi, như duyên tà kiến của người khác cũng sinh phẫn v.v…

Kiến sở đoạn là tùy theo duyên hoặc chung hoặc riêng biệt mà sự mê chấp thông cả bốn đế. Trong đây có ý kiến cho rằng phẫn v.v… chỉ duyên mê gián tiếp chứ không trực tiếp mê lý bốn đế, vì hành tướng thô thiển, mê chấp không sâu.

Có ý kiến cho rằng tật v.v…cũng trực tiếp mê lý bốn đế, vì đối với Diệt đế, Đạo đế sinh tâm ganh ghét. Nhưng phẫn v.v… mười thứ chỉ duyên các sự việc có thật, vì chúng phải dựa vào sự việc có thật mới sinh khởi được. Về duyên hữu lậu chuẩn theo đây mà biết.

HẾT QUYỂN 6

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10