Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam mô Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát.
Nam mô Thí Vô Úy Quán Tự Tại Bồ Tát.

Đại Bi Tâm Đà La Ni là bài Chú căn bản minh họa Công Đức Nội Chứng của Đức Quán Tự Tại Bồ Tát. Bài Chú này có các tên gọi là: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Đại Bi Tâm Đà La Ni, Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni… và thường gọi tắt là Chú Đại Bi.

Theo Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni do Ngài Già Phạm Đạt Ma dịch thì bài Chú Đại Bi có 9 tên gọi là:

  1. Quảng Đại Viên Mãn Đà La Ni
  2. Vô Ngại Đại Bi Đà La Ni
  3. Cứu Khổ Đà La Ni
  4. Diên Thọ Đà La Ni
  5. Diệt Ác Thú Đà La Ni
  6. Phá Nghiệp Chướng Đà La Ni
  7. Mãn Nguyện Đà La Ni
  8. Tùy Tâm Tự Tại Đà La Ni
  9. Tốc Siêu Thánh Địa Đà La Ni

Nếu dựa vào Truyền Thống phổ thông thì Bài Chú Đại Bi này thường được xưng tán là Tâm Chú của Đức Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát. Nhưng theo Truyền Thống Mật Giáo, hầu hết các bài Đà La Ni của các vị Quán Âm đều được xưng tán là Đại Bi Tâm Đà La Ni. Do vậy các Giáo Đồ Phật Giáo thường ngộ nhận bài Chú của Tôn này với Tôn khác.

Do các bản Chú Văn có nhiều loại phiên dịch nên chương cú cũng dựa theo các Kinh Văn mà có sự khác biệt kể cả số lượng câu và Phạn Ngữ. Có điều hầu hết các Kinh Bản ấy đều công nhận là tụng bài Chú này sẽ thành tựu 4 Pháp: Tức Tai, Tăng Ích, Giáng Phục, Kính Ái và Câu Triệu.

Tức Tai là Pháp tu tiêu trừ các bệnh nạn, việc ác của mình với người khác.

Tăng Ích là Pháp tu tăng ích về Trí Tuệ, Phước Đức, Thọ Mệnh của mình và người khác.

Giáng Phục là Pháp tu chiết phục các nhóm ác hoặc điều phục các kẻ ác.

Kính Ái là Pháp tu cho mình và người khác được chư Phật gia hộ, hoặc muốn được Quân Vương và mọi người yêu thương giúp đỡ.

Câu Triệu là Pháp Thỉnh Triệu Bản Tôn. Vì Pháp Câu Triệu thường được nhiếp trong Pháp Kính Ái nên chỉ nói 4 Pháp.

Về nghĩa thú của Đà La Ni. Thông thường Hành Giả chỉ hiểu biết được qua lời giảng giải của Bậc Đạo Sư và hoàn toàn thấu hiểu khi đã thâm nhập vào Tất Địa (Siddhi_ Thành Tựu) của Đà La Ni. Ngoài ra vì 5 duyên cớ (Tâm Niệm bí mật, Nghĩa Lý bí mật, Danh Tự bí mật, Âm Thanh bí mật, sự Thiện Sinh bí mật) nên Đà La Ni không được phiên dịch hoặc giảng nghĩa. Do vậy, thông lệ cổ xưa là chỉ trao truyền câu chữ của Đà La Ni chứ không dạy nghĩa lý của Chú. Sự kiện này có lợi là nhờ Tâm an định, tin tưởng chí thành, nhất Tâm trì tụng Đà La Ni nên uy lực thầm kín của âm thanh Chú Ngữ tác động lên thân tâm mà Hành Giả dễ cảm ứng và mau chóng khế hợp với Bản Tôn Đà La Ni, thọ hưởng mùi vị của Diệu Pháp.

Tuy nhiên, đối với hàng căn cơ yếu kém chậm lụt thì sự định Tâm phóng Ý thường sai lệch với ý chỉ của Bản Tôn. Hoặc do Kinh Văn thừa thiếu, không đủ nghi tắc tu trì, thiếu nơi chốn thích hợp… nên hao tốn rất nhiều công phu mà thành quả gặt hái được chẳng đáng là bao! …Cuối cùng nhiều người đành buông bỏ sự tu trì Mật Pháp, thậm chí còn chê bai Chú Ngữ! … Đấy là chưa kể đến việc chướng ngại qua sự chỉ trích của nhiều Hệ Phái khác như: “ Tu Trì cái gì mà chẳng biết ý nghĩa của nó. Nào có khác chi kẻ tịt mũi cứ khen mùi hương của thực phẩm mà chính mình không ngửi được. Thật mê muội đáng thương !…”

Điều nguy hại khác nữa là nương vào thông lệ “Truyền âm chữ chứ không truyền nghĩa lý“ một số Tà Sư và Tà Thần đã chỉ dạy cho người tu học tụng trì những câu Chú Nguyện “Thề muôn đời làm nô lệ, tôi tớ chỉ phục vụ cho Thầy cho Thần” nên kết quả cuối cùng lại là sự đọa lạc muôn kiếp, khó có dịp thoát khỏi sự khổ đau trói buộc.

Lại nữa, nếu chỉ dựa vào âm chữ mà không thông hiểu nghĩa lý thì nhiều khi Hành Giả phải chịu sự tác dụng ngược của việc truyền thụ thiếu âm chữ của Chú.

– Như Kinh Đại Cát Tường Thiên Nữ 12 Khế 108 Danh Vô Cấu Đại Thừa do Ngài Bất Không dịch thì âm chữ Hán của câu 37 và câu 38 của bài Đại Cát Tường Chân Ngôn ghi là:

“ Tát phộc lạc khất-sử nhĩ, bát-la xả ma ninh, sa-phộc ha “ Nếu chuyển âm theo Phạn Ngữ thì 2 câu trên được ghi nhận là:

SARVA  LAKSMI  PRAŚAMAMI  SVĀHĀ (Tiêu diệt tất cả điều tốt lành, quyết định thành tựu)

Trong khi đó câu đúng phải là:

SARVA  ALAKSMI  PRAŚAMANI  SVĀHĀ (Tiêu diệt tất cả điều chẳng tốt lành, quyết định thành tựu)

– Trong Bài Đại Bi Tâm Đà La Ni, câu 51 và câu 52, do Ngài Già Phạm Đạt Ma dịch, ghi là:

“Bà dạ ma na, ta bà ha“

Chuyển theo Âm Phạn là BHAYA  MANA  SVĀHĀ (Quyết định thành tựu Tâm Ý sợ hãi)

Trong khi câu đúng là ABHAYA  MANA  SVĀHĀ (Thành tựu Tâm ý của bậc không sợ hãi)

Lý do truyền âm chữ bị thiếu này là khi dịch Âm Phạn ra Âm Hán, Dịch Giả đã lược bỏ âm liên kết của chữ trước với chữ sau và điều này thường xảy ra với nhiều bài Chú âm Hán.

Ví dụ: Trong Bài Chú Đại Bi có ghi câu: “Na mô A rị gia bà lô yết đế thước bát ra gia” 

Phạn Ngữ của câu này được ghi là NAMAH  ĀRYĀVALOKITEŚVARĀYA

Tách âm nghĩa là: NAMAH (Kính lễ) ĀRYA (Thánh) AVALOKITEŚVARĀYA (Quán Tự Tại )

Do nhận thấy sự tai hại này, các Bậc Đạo Sư phái Hoàng Mạo (Gelugpa) của Tây Tạng thường truyền dạy một lúc cả âm chữ và nghĩa lý của bài Chú. Ngoài ra các vị  ấy thường khuyên dạy là:

“Bạn phải xét cho kỹ cái Pháp mà bạn sẽ dùng làm Pháp Tu cho bạn. Nếu nó giúp cho bạn nhận ra rằng mọi Giáo Lý đều ăn khớp với nhau, mọi Kinh Điển đều trở thành những lời chỉ giáo giúp cho bạn dễ dàng tìm ra chân lý của Đức Phật và giúp bạn tự mình thoát khỏi những Tà Hạnh tệ nhất thì bạn hãy tu trì Pháp ấy”.

Theo Mật Tông Phật Giáo thì Đà La Ni (Tổng Trì) có diệu dụng là tạo ra sự suy nghĩ cho Hành Giả, giữ gìn và thâu tóm nghĩa lý làm tiền đề cho việc tham khảo của Hành Giả tức là Đề Mục của sự Trì Niệm Quán Tưởng nhằm đi vào Chính Định để phát sinh Trí Tuệ. Do vậy Đà La Ni còn được gọi là Minh Chú tức là bài Chú có ý nghĩa rõ ràng trong sáng nhằm nắm giữ Pháp Lành không cho tản mất chế ngự Pháp Ác không cho nổi lên (Tức là cột trói) và sinh ra mọi diệu dụng (tức Tất Địa_ Siddhi). Lại nữa, do Tâm Nguyện Từ Bi, các bậc Chính Đẳng Chính Giác, Bồ Tát, bậc Thánh Giải Thoát thường tuyên phát Đà La Ni trong lúc nhập định nhằm hiển bày Thần Lực vi diệu giúp cho người Tu Hành mau chóng Dứt Khổ trừ mê nên Đà La Ni còn được gọi là Thần Chú (Mantra). Ngoài ra Đà La Ni còn diễn tả sự chân thật chân chính của một hay nhiều Giáo Pháp nên còn gọi là Chân Ngôn.

Như vậy, ngoài uy lực nhiếp trì gia hộ, Đại Bi Tâm Đà La Ni còn hàm chứa đường lối tu tập rõ ràng giúp cho Hành Giả nắm vững được Giáo Pháp giải thoát từ sơ học tiến dần đến quả vị Vô Thượng Bồ Đề.

Những lợi ích của công phu trì tụng chú Đại Bi, nói ra không thể hết được. Để giúp hành giả phát tâm chí thành, hiểu rõ và tin tưởng vào pháp hành trì của mình, xin trích lời dạy trong Kinh tạng như sau:

[Xuất tạng Kinh]

Khi phát lời nguyện ấy xong, chí tâm xưng danh hiệu của tôi, lại chuyên niệm danh hiệu bổn sư tôi là đức A Di Đà Như Lai, kế đó tiếp tụng đà ra ni thần chú này. Nếu chúng sanh nào, trong một ngày đêm tụng năm biến chú, sẽ diệt trừ được tội nặng trong ngàn muôn ức kiếp sanh tử.

– Quán Thế Âm Bồ Tát lại bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Nếu chúng sanh nào trì tụng thần chú Đại Bi mà còn bị đọa vào 3 đường ác, con thề không thành chánh giác.

– Tụng trì thần chú Đại Bi, nếu không được sanh về các cõi Phật, con thề không thành chánh giác.

– Tụng trì thần chú Đại Bi, nếu không được vô lượng tam muội biện tài, con thề không thành chánh giác.

– Tụng trì thần chú Đại Bi tất cả sự mong cầu trong đời hiện tại, nếu không được vừa ý, thì chú này không được gọi là Đại Bi tâm đà ra ni, duy trừ cầu những việc bất thiện, trừ kẻ tâm không chí thành.

– Nếu các người nữ chán ghét thân nữ, muốn được thân nam, tụng trì thần chú Đại Bi, như không chuyển nữ thành nam, con thề không thành chánh giác.

– Như người nào tụng trì chú này, nếu còn sanh chút lòng nghi, tất không được toại nguyện.

Nếu chúng sanh nào xâm tổn tài vật, thức ăn uống của thường trụ sẽ mang tội rất nặng, do nghiệp ác ngăn che, giả sử ngàn đức Phật ra đời cũng không được sám hối, dù có sám hối cũng không trừ diệt. Nếu đã phạm tội ấy, cần phải đối 10 phương đạo sư sám hối, mới có thể tiêu trừ. Nay do tụng trì chú Đại Bi liền được trừ diệt. Tại sao thế? Bởi khi tụng chú Đại Bi tâm đà ra ni, 10 phương đạo sư đều đến vì làm chứng minh, nên tất cả tội chướng thảy đều tiêu diệt.

– Chúng sanh nào tụng chú này, tất cả tội thập ác ngũ nghịch, báng pháp, phá người, phá giới, phạm trai, hủy hoại chùa tháp, trộm của tăng kỳ, làm nhơ phạm hạnh, bao nhiêu tội ác nghiệp nặng như thế đều được tiêu hết, duy trừ một việc: kẻ tụng đối với chú còn sanh lòng nghi. Nếu có sanh tâm ấy, thì tội nhỏ nghiệp nhẹ cũng không được tiêu, huống chi tội nặng? Nhưng tuy không liền diệt được tội nặng, cũng có thể làm nhân bồ đề về kiếp xa sau.

Bạch đức Thế Tôn! Nếu các hàng trời, người tụng trì thần chú Đại Bi, thì không bị 15 việc chết xấu, sẽ được 15 chỗ sanh tốt. Thế nào là 15 việc chết xấu?

1. Không bị chết do đói khát khốn khổ.
2. Không bị chết do gông tù đánh đập.
3. Không bị chết vì oan gia thù địch.
4. Không bị chết giữa quân trận chém giết nhau.
5. Không bị chết do cọp sói cùng ác thú tàn hại.
6. Không bị chết bởi rắn rít độc cắn.
7. Không bị chết vì nước trôi lửa cháy.
8. Không bị chết bởi phạm nhằm thuốc độc.
9. Không bị chết do loài sâu trùng độc làm hại.
10. Không bị chết vì điên cuồng mê loạn.
11. Không bị chết do té cây, té xuống núi.
12. Không bị chết bởi người ác trù ếm.
13. Không bị chết bởi tà thần, ác quỷ làm hại.
14. Không bị chết vì bịnh ác lâm thân.
15. Không bị chết vì phi mạng tự hại.

Tụng trì thần chú Đại Bi, không bị 15 việc chết xấu như thế.

Sao gọi là 15 chỗ sanh tốt?

1. Tùy theo chỗ sanh, thường gặp đấng quốc vương hiền lành.
2. Tùy theo chỗ sanh, thường ở cõi nước an lành.
3. Tùy theo chỗ sanh, thường gặp thời đại tốt,
4. Tùy theo chỗ sanh, thường gặp bạn lành.
5. Tùy theo chỗ sanh, thân căn thường được đầy đủ.
6. Tùy theo chỗ sanh, đạo tâm thuần thục.
7. Tùy theo chỗ sanh, không phạm cấm giới.
8. Tùy theo chỗ sanh, thường được quyến thuộc hòa thuận, có ân nghĩa.
9. Tùy theo chỗ sanh, vật dụng, thức ăn uống thường được đầy đủ.
10. Tùy theo chỗ sanh, thường được người cung kính giúp đỡ.
11. Tùy theo chỗ sanh, tiền của châu báu không bị kẻ khác cướp đoạt.
12. Tùy theo chỗ sanh, những việc mong cầu đều được toại nguyện.
13. Tùy theo chỗ sanh, long thiên, thiện thần thường theo ủng hộ.
14. Tùy theo chỗ sanh, thường được thấy Phật nghe pháp.
15. Tùy theo chỗ sanh, khi nghe chánh pháp ngộ giải nghĩa sâu.

Nếu người nào trì tụng chú Đại Bi, sẽ được 15 chỗ sanh tốt như thế! Cho nên tất cả hàng trời, người, đều nên thường tụng trì, chớ sanh lòng biếng trễ. [hết trích]

Do Đại Nguyện Từ Bi cứu nạn bạt khổ cho tất cả chúng sinh trong Thế Giới mà thân Thiên Thủ Quán Âm được hiển hiện. Đây chính là Pháp Môn Công Đức Từ Bi Đồng Thể của chư Phật ba đời mà Thiên Thủ Quán Âm dùng 1000 làm số, trong đó:

– Thiên Nhãn biểu thị cho 1.000 vị Phật đời quá khứ.

– Thiên Thủ biểu thị cho 1.000 vị Phật đời hiện tại.

– Thiên Túc biểu thị cho 1.000 vị Phật đời vị lai

Người muốn tu trì Chú Đai Bi, trước tiên phải phát khởi Tâm cảm ơn sự trong sạch của nguồn Pháp, quy mệnh Bản Tôn Đại Bi Thanh Cảnh Quán Âm cùng với Thần Chú này. Tiếp theo khẩn cầu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát giúp đỡ chúng ta đến được cảnh giới viên mãn thanh tịnh, đập nát  tất cả chướng ác. Ngoài ra chúng ta cần phải nhớ trì mười loại tướng mạo Đà La Ni này, nhằm tăng cường thêm cho uy lực của Chú Đại Bi.

1. Tâm Đại Từ Bi: Đại Từ là giúp cho chúng sinh vui vẻ, Đại Bi là nhổ sạch khổ đau của chúng sinh, cần phải đầy đủ Tâm Đại Từ Bi này mới gọi là Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni. Tâm Đại Từ Bi là từ trong Thể Tính của Pháp Giới sinh ra, là lực lượng được sinh ra trực tiếp từ trong Tâm Bồ Đề

2. Tâm Bình Đẳng: Là biết tất cả Pháp Giới đều bình đẳng. Chư Phật, chúng sinh chẳng có sai khác, ta và Chư Phật ngang bằng không hai. Ta trì tụng Chú này tức là chư Phật cũng trì tụng Chú này, mà trong Tâm không có bất cứ ngã mạn nào, toàn bộ là ở sức Pháp Giới trì tụng Chú này, phân biệt căn bản không có ta cũng không có Chư Phật. Ta trì tụng Chú này cúng dường tất cả chúng sinh, tất cả chúng sinh cũng phải nhận cúng dường của Đức Phật Đà. Tất cả bình đẳng, không có hai.

3. Tâm Vô Vi: Vô Vi là không chấp trước, không tác ý, tự nhiên mà khởi, không cần theo thứ tự mà tiến lên, buột miệng nói ra; tự nhiên sinh khởi, Tâm không có chướng ngại, bấy giờ tức là Vô Trụ Sinh Tâm, Tâm Quá khứ, hiện tại, vị lai chẳng thể đắc. Vô Vi không chế tác, tự nhiên buột miệng mà niệm.

4. Tâm không có nhiễm dính (Vô nhiễm trước): Không chấp dính cảnh giới của Chú Đại Bi, không chấp dính cảnh giới của chư Phật, không chấp dính cảnh giới của chúng sinh,  không chấp dính hết thảy cảnh giới của Thần Thông, cũng không chấp dính vào công dụng của Chú Đại Bi, tất cả đều là Như Huyễn của Hiện Quán.

5. Tâm Không Quán: Không Quán đó là như huyễn. Quán sát sự trống rỗng của Tính Duyên Khởi, Như Huyễn của Hiện Quán, đồng dạng cũng không có bất cứ sự nhiễm dính, ngay cả Chú Đại Bi cũng là trống rỗng (‘Sùnya: Không). Nhân vào Duyên của trống rỗng (Không) cho nên hay sinh khởi Chú Đại Bi.

6. Tâm Cung Kính: Cho dù chúng ta biết rõ là trống rỗng, cho dù là như huyễn, cho dù là không nhiễm dính, nhưng đối với Chú Đại Bi vẫn có Tâm cung kính vô thượng, đối với Quán Thế Âm Bồ Tát có Tâm cung kính vô thượng, đối với chư Phật có Tâm cung kính vô thượng.

7. Tâm Thấp Kém: Cho dù biết các Pháp bình đẳng không hai, nhưng không tự mãn, không tự cho là đủ, cúng dường Chú này. Nói chung giống như trái đất, cúng dường tất cả, Tâm không dâng lên cao.

8. Tâm không có Tạp Nhiễm: Tâm không có tạp nhiễm là Định, buột miệng nói ra, an trụ vào trong Chú Đại Bi, Tâm không hỗn loạn bất cứ cái gì, an trụ ở cảnh giới Đẳng Trì của Định Tuệ, là Tâm không có tạp nhiễm.

9. Tâm không có Kiến Thủ: Kiến Thủ là ở trong pháp Ngũ Uẩn quên loại bỏ ngã chấp, loại bỏ sự dính mắc các Pháp. Tâm không có Kiến Thủ là tương ứng với Tâm Không Quán, Tâm không có Kiến Thủ là Không Quán, đó là khởi Hiện Không, không có chấp dính, niệm niệm chẳng thể đắc. Là pháp môn Vô Niệm, là pháp môn Bát Nhã, là Nhất Hạnh Tam Muội. Đi, đứng, ngồi, nằm trong Nhất Hạnh đều ở trì tụng Chú Đại Bi mà không có chấp dính; tuy độ tất cả chúng sinh mà quả thực không một chúng sinh nào được độ.

10. Tâm Vô Thượng Bồ Đề: Cần phải phát khởi Tâm Vô Thượng Bồ Đề cùng với Quán Thế Âm Bồ Tát và mười phương chư Phật đồng một Từ Lực, cùng với chúng sinh đồng một Bi Ngưỡng, đầy đủ Vô Thượng Bồ Đề, cứu độ tất cả chúng sinh.

Nếu hay như Pháp tụng trì Chú này, không những chỉ thông đạt Phật Pháp mà tất cả học vấn thế gian cũng đều hiểu biết hết, các loại Kinh Điển, Pháp Thuật cũng hay thông đạt, hay xua đuổi tất cả bệnh tật, cũng hay chế phục tất cả Thiên Ma và Quỷ Thần…. khiến cho không thể gây chướng ngại.

Quán Tự Tại Bồ Tát vì muốn cứu độ chúng sanh nên hiển thị ngàn tay ngàn mắt, với ngàn mắt sinh ra 1000 vị Phật đời Hiền Kiếp, và ngàn tay sinh ra 1000 vị Chuyển Luân Thánh Vương. Khi Bồ Tát hiện ra thân Thắng Ma này thì tất cả chúng sanh trong Thế Giới đều được tiêu trừ  tội chướng, xa lìa ba nẻo ác và đều được tái sanh vào cõi người, cõi Trời. Do vậy ngàn tay biểu thị cho phương tiện hoá độ thiện xảo và ngàn mắt biểu thị cho Trí Tuệ quán sát tỏ tường muôn sự. Nói theo cách khác thì ngàn mắt biểu thị cho tinh thần Chân Không của Bát Nhã, còn ngàn tay biểu thị cho tinh thần Diệu Hữu của Bát Nhã. Biểu tượng này nhằm đánh thức Tuệ Giác của chúng sanh khiến cho họ xa lìa sự chấp Thường, chấp Đoạn để đi vào Trung Đạo đồng thời giúp cho người tu hành tìm thấy sự giác ngộ trong công việc độ sanh cũng như tìm thấy sự giải thoát giữa biển sanh tử phiền não, tức không từ bỏ Pháp Tu cũng không từ bỏ cuộc đời và đây chính là nghĩa chân thật của Tâm Đại Bi vậy.

Theo Thiên Quang Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Bí Mật Pháp Kinh thì ngàn tay là tổng số tay làm lợi ích cho 25 HỮU trong đó một HỮU thường có 40 tay hóa độ.

Lại nữa, khi Quán Tự Tại Bồ Tát nhập vào Tam Muội VÔ SỞ ÚY, thì trong ánh sáng Tam Muội hiện ra 25 vị  Bồ Tát, mỗi vị đều có 11 mặt 40 tay, chứng đắc 25 Tam Muội. Riêng thân hiển thị ở Nam Thiệm Bộ Châu là 40 pháp hóa độ của Thí Vô Úy Quán Tự Tại Bồ Tát.

40 pháp (tức 40 tay) được hoá hiện thành 40 vị Quán Tự Tại, mỗi một vị đều có 11 mặt 2 cánh tay, mỗi một tay cầm vật khác nhau, y theo cầu nguyện khác nhau của chúng sinh mà ban bố cho.

40 pháp biểu thị cho 5 Trí Tuệ của Như Lai nhằm minh họa cho vạn Đức cứu cánh là:

1. NHƯ LAI BỘ: biểu thị cho Pháp Giới Thể Tính Trí là cái Trí thâm nhập khắp nơi của Pháp Giới, 8 tay thuộc Bộ này là: Hóa Phật, Dây Lụa, Thí Vô Úy, Phất Trần Trắng, Bàng Bài, Việt Phủ, Kích Báu, Dương Liễu minh họa cho Pháp Tức Tai là pháp tiêu trừ  các loại bệnh nạn, việc ác của thân mình hoặc người khác.

2. KIM CANG BỘ: biểu thị cho Đại Viên Kính Trí là cái Trí phản chiếu mọi sự vật mà không dính mắt vào sự vật nào, cũng không bị sự vật ấy động chạm hay lay động được. Có 8 tay thuộc Bộ này là Bạt Chiết La, Chày Kim Cương, Kiếm báu, Cung điện, Bánh xe vàng (Kim Luân), Bát báu, Nhật Tinh Ma Ni, Nguyệt Tinh Ma Ni minh họa cho Pháp Điều Phục là pháp tu chiết phục các nhóm ác hoặc điều phục các người ác.

3. BẢO BỘ: biểu thị cho Bình Đẳng Tính Trí là cái trí phô bày tâm thức Từ Bi Bình Đẳng. Tám tay thuộc Bộ này là: Ngọc Như Ý, Kinh Báu, cây Cung Báu, Hoa Sen Trắng, Hoa Sen xanh, Chuông báu, Hoa Sen tím,Chùm Bồ Đào minh họa cho Pháp Tăng Ích là pháp tu tăng ích về Trí Tuệ, Phước Đức, Thọ Mệnh cho mình và người khác.

4. LIÊN HOA BỘ: biểu thị cho Diệu Quán Sát Trí là sự quán tưởng của Trí xem xét mọi tướng chung, tướng riêng của các pháp mà không hề bị ngăn ngại. Tám tay thuộc Bộ này là: Hợp Chuởng, Gương báu, Ấn báu, Vòng ngọc, Hồ Bình, Quân Trì Bình, Hoa Sen hồng, Tích Trượng minh họa cho Pháp Kính Ái là pháp tu cho mình và người khác được Chư Phật, Bồ Tát gia hộ hoặc muốn được Quân Vương và mọi người yêu thương giúp đở.

5.YẾT MA BỘ: biểu thị cho Thành Sở Tác Trí là cái trí khéo léo thi hành mọi việc của thế gian chuyển chúng thành phương tiện giải thoát. Tám tay thuộc Bộ này là : Thiết Câu, Đỉnh Thượng Hóa Phật, Tràng Hạt, Hoa Báu, mũi Tên Báu, Rương báu, Độc Lâu, Mây Ngũ Sắc minh họa cho Pháp Câu Triệu là pháp triệu thỉnh Bản Tôn, chư Thần. Thông thường thì pháp này thường được nhiếp trong Kính Ái.

Như vậy 40 tay này thông cả 5 loại Pháp Hộ Ma, xong bình thường theo lời Thầy dạy thì chỉ nhấn mạnh vào 2 pháp tu TỨC TAI và KÍNH ÁI mà thôi.

Lại nữa 4 loại Pháp: Tức Tai, Tăng Ích, Kính Ái, Giáng Phục còn được biểu thị bằng 4 vị Bồ Tát: Bạch Y, Đại Bạch Y, Đa La, Tỳ Câu Đê là 4 Đức của Thiên Thủ Quán Âm.

BẠCH Y là biệt môn của Liên Hoa Bộ, là Mẫu của các Bộ Quán Âm nên biểu thị cho Đức Tức Tai.

– ĐẠI BẠCH Y: Do Pháp Giới Thể Tính Trí sanh ra Liên Hoa Bộ nên gọi là Đại Bạch Y, tức là Tổng Môn của Liên Hoa Bộ . Vì Tổng là Năng Sinh nên biểu thị cho nghĩa Tăng Ích.

– ĐA LA: Tôn này được sanh ra từ con mắt của Quán Tự Tại Bồ Tát. Do tôn này dùng mắt Từ xem xét chúng sanh để kịp thời cứu độ nên biểu thị cho nghĩa “Bi Ngưỡng Ái” vì thế ĐA LA biểu thị cho Đức Kính Ái.

– TỲ CÂU ĐÊ: Tỳ câu đê theo tiếng Phạn nghĩa là nếp nhăn. Do nếp nhăn trên vầng trán là hình phẫn nộ nên Tỳ Câu Đê biểu thị cho Đức Giáng Phục.

Ý nghĩa của 11 mặt: được nhận định theo nhiều cách khác nhau

a) Thập Nhất Diện Thần Chú Tâm Kinh Nghĩa Sớ ghi là:

– 3 mặt phía trước có tướng hiền lành (Từ) biểu thị cho việc nhìn thấy chúng sinh hiền thiện mà sinh tâm Từ. Đại Từ là ban vui.

– 3 mặt bên trái có tướng giận dữ biểu thị cho sự nhìn thấy chúng sinh ác mà sinh tâm Bi. Đại Bi là cứu khổ.

– 3 mặt bên phải có tướng ló nanh trắng biểu thị cho sự nhìn thấy kẻ có Tịnh Nghiệp liền phát lời khen Hiếm có, siêng năng tinh tiến trong Phật Đạo.

– 1 mặt phía sau có tướng Bạo Đại Tiếu biểu thị cho sự nhìn thấy chúng sinh có Thiện Ác Tạp Uế mà sinh nụ cười quái dị, sửa ác hướng theo Đạo.

– 1 mặt bên trên có tướng Như Lai biểu thị cho sự mãn túc Nguyện.

b.) Tiên Phòng ghi nhận là:

– 11 mặt là 10 Địa và Phật Quả, mỗi một thứ đều có 1 mặt. Địa là viên mãn 10 Ba La Mật.

c.) Dã Quyết ghi nhận là:

– mặt là 11 Địa (Hoan Hỷ Địa, Ly Cấu Địa, Phát Quang Địa, Diệu Tuệ Địa, Nan Thắng Địa, Hiện Tiền Địa, Viễn Hành Địa, Bất Động Địa, Thiện Tuệ Địa, Pháp Vân Địa, Phật Địa) biểu thị cho 11 phẩm Vô Minh, lại thêm mặt gốc biểu thị cho 12 phẩm Vô Minh. Hoặc nói là: Độ 12 nhân Duyên.

– 3 mặt phía trước có tướng Tịch Tĩnh biểu thị cho nghĩa:  xưa nay vốn tịch lặng của Đông Phương Bất Động Phật.

– 3 mặt bên trái có tướng phẫn nộ biểu thị cho nghĩa: giáng phục của Nam Phương Bình Đẳng Tính Trí.

– 3 mặt bên phải có tướng ló nanh bén biểu thị cho nghĩa: nói Pháp của Tây Phương Diệu Quán Sát Trí.

– 1 mặt phía sau có tướng cười giận biểu thị cho Bắc Phương Sự Nghiệp Trí.

– 1 mặt trên cùng có tướng Phật biểu thị cho Bất Nhị Pháp Giới Thể Tính Trí.

d .) Khẩu Quyết ghi nhận là:

– 3 mặt phía trước có tướng Đại Từ biểu thị cho 3 vị Phật là: Thích Ca Thế Giới Năng Tịch Như Lai, An Lạc Thế Giới Vô Ngại Quang Như Lai, Cà Sa Tràng Thế Giới Kim Cương Kiên Cố Hoan Hỷ Như Lai.

– 3 mặt bên trái có tướng Đại Bi biểu thị cho 3 vị Phật là: Bất Thoái Chuyển Âm Thế Giới Cực Diệu Viên Mãn Hồng Liên Hoa Sổ Thân Như Lai, Tuyệt Trần Thế Giới Pháp Tràng Như Lai, Minh Đăng Thế Giới Sư Tử Như Lai.

– 3 mặt bên phải có tướng ló nanh trắng biểu thị cho 3 vị Phật  là: Trang Nghiêm Thế Giới Nhất Thiết Phật Thông Tuệ Quang Vương Như Lai, Kích Luân Thế Giới Minh Giác Như Lai, Phổ Hiền Thế Giới Hiền Thủ Như Lai.

– 1 mặt phía sau có tướng Bạo Tiếu biểu thị cho 1 vị Phật là: Nan Siêu Thế Giới Thân Phóng Pháp Quang Như Lai.

– 1 mặt Phật trên đỉnh biểu thị cho 1 vị Phật là: Diệu Quang Thế Giới Biến Chiếu Như Lai.

Chú Đại Bi và 42 Thủ Nhãn công năng và diệu dụng không thể nghĩ bàn, pháp trăm ngàn muôn kiếp khó tìm gặp được. Chúng ta học hiểu một ấn pháp thì nên theo đó mà thực hành chắc thật. Tu tập Đại Bi Chú và Thủ Nhãn ấn pháp cần phải giữ giới cho nghiêm túc, luôn hồi quang phản chiếu soi lại chính mình. Tuyệt đối không được khởi tâm niệm tham cầu thần thông. Có thành tựu hay không hoàn toàn ở cách tu sửa nơi thân của quý vị.

Nam mô A Di Đà Phật!