BẢO KINH THỦ NHÃN

 

Bảo Kinh Thủ (Tay cầm quyển Kinh báu):

Tay thứ ba trong tám tay thuộc Ma Ni Bộ của Mật Pháp, là Pháp Tăng Ích.

Câu thứ 53, 54,55,56 trong Chú Đại Bi là:”Tất Đà Dạ, Ta Bà Ha. Ma Ha Tất Đà Dạ, Ta Bà Ha” dịch nghĩa là thành tựu Trí Tuệ tức Bảo Kinh Thủ Nhãn trong tướng tay Đại Bi.

 

Đại Bi xuất tướng câu 53: Tất Đà Dạ
Đại Bi xuất tướng câu 54: Ta Bà Ha
Đại Bi xuất tướng câu 55: Ma Ha Tất Đà Dạ
Đại Bi xuất tướng câu 56: Ta Bà Ha

Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Tâm Đà La Ni: Bản dịch của Tam Tạng BẤT KHÔNG Pháp Sư ở Đời Đờờng, là tướng tay thứ 39 trong Kinh Văn:

“Nếu muốn thông minh, nghe nhiều học rộng chẳng quên mất thì nên cầu nơi tay Bảo Kinh (Quyển Kinh báu)”.

Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh: Bản dịch của Tây Thiên Trúc GIÀ PHẠM ĐẠT MA Pháp Sư ở Đời Đường, là tướng tay thứ 37:

“Nếu người nào vì nghe nhiều học rộng thì nên cầu nơi bàn tay cầm quyển Kinh báu”.

– Thiên Quang Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Bí Mật Pháp Kinh: Tướng tay Ấn thứ 37 là:

Nếu ngưới cầu đa văn nên tác Pháp Bát Nhã Kinh. Tướng BÁT NHÃ QUÁN TỰ TẠI…..chỉ có tay phải để ngang trái tim cầm Trí Ấn xuất sinh Bát Nhã Lý Thú Kinh, tay trái kết Quyền Ấn, tượng thành xong.

Tướng Ấn dùng Phạm Giáp Ấn.

Bát Nhã Quán Tự Tại Bồ Tát

37. Bảo-Kinh Thủ Nhãn Ấn Pháp

Kinh nói rằng: “Nếu muốn được học rộng nghe nhiều, nên cầu nơi Tay cầm quyển Kinh-báu.”

Thần-chú rằng: Tất Đà Dạ, Ta Bà Ha. Ma Ha Tất Đà Dạ, Ta Bà Ha [53,54,55,56]

𑖭𑖰𑖟𑖿𑖠𑖰𑖧  𑖭𑖿𑖪𑖯𑖮𑖯  𑖦𑖮𑖯-𑖭𑖰𑖟𑖿𑖠𑖰𑖧  𑖭𑖿𑖪𑖯𑖮𑖯
SIDDHIYA  SVĀHĀ   MAHĀ-SIDDHIYA   SVĀHĀ

SIDDHIYA: Pháp cởi bỏ danh lợi, nhận thức rõ các điều chân giả.

 SVĀHĀ: Thành tựu viên mãn.

MAHĀ-SIDDHIYA: Tất cả sự lợi ích rộng lớn trong Phật Pháp

SVĀHĀ: Thành tựu viên mãn.

Tất Ðà Dạ Ta Bà Ha, Ma Ha Tất Ðà Dạ Ta Bà Ha”: Hai câu này cũng đều là tiếng Phạn. “Tất Ðà Dạ”: Câu đầu dịch ra nghĩa là “thành tựu đốn cát”, nghĩa thứ hai là “thành biện”, nghĩa thứ ba là “thành lợi”, nghĩa thứ tư là “thành nhất thiết nghĩa”, tất cả nghĩa đều thành; ý nghĩa thứ năm là “sở cung tán thán”.

“Thành tựu đốn cát” là gì ? Vì chúng ta nhờ sức lực của Chú này nên thành tựu vui mừng tất cả mọi việc; bạn vui mừng hoan hỉ điều gì thì sẽ được điều đó. Có người nói: “Vậy tôi cũng niệm Chú Ðại Bi này, tại sao tức khắc chẳng được?”. Niệm ở đây phải cần công phu tương ưng. Công phu của bạn chẳng tương ưng, cho nên chẳng thành tựu, nếu tương ưng thì sở cầu của bạn sẽ như ý, sở nguyện toại tâm. Cho nên gọi là “thành tựu đốn cát”. Còn gọi là “thành biện”, bạn làm việc gì thì sẽ được kết quả viên mãn. Còn gọi là “thành lợi”, hay thành tựu lợi ích của bạn. Còn gọi là “thành nhất thiết nghĩa”, bất cứ việc gì đều có thể thành tựu. Còn “sở cung tán thán” là mọi người đều đến khen ngợi, đều nói bạn tốt. Ðây là ý nghĩa “Tất Ðà Dạ Ta Bà Ha”.

Câu thứ hai “Ma Ha Tất Ðà Dạ Ta Bà Ha”. “Ma Ha”: Chúng ta đều biết là “đại” (lớn). Ý nghĩa câu Chú này hay thành tựu những sự nghiệp lớn của bạn, thành tựu những công đức lớn, thành tựu đạo nghiệp lớn; hết thẩy mọi việc gì cũng đếu thành tựu rất lớn.

Hai câu Chú này hợp lại gọi là “Bảo Kinh Thủ Nhãn”; bảo Kinh tức là một bộ Kinh điển quý báu, tức cũng là Pháp bảo. Bạn tu Bảo Kinh Thủ Nhãn sẽ đắc được lợi ích vô cùng vô tận. Bảo Kinh Thủ Nhãn này là Thủ Nhãn thứ ba mươi bảy trong Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn. Bạn tu Bảo Kinh Thủ Nhãn thì tương lai trí huệ của bạn có một sức trí nhớ đặc biệt tốt vô cùng.

Nếu bạn tu Bảo Kinh Thủ Nhãn thì sẽ nghe rộng nhớ tốt, cũng là quảng học đa văn. Ngài A Nan là người đa văn bậc nhất. Chắc chắn Tôn Giả A Nan đã tu Bảo Kinh Thủ Nhãn này rất viên mãn trong vô lượng kiếp trong quá khứ, cho nên một khi lọt qua tai thì vĩnh viễn không quên, thậm chí chẳng lọt qua tai mà Ngài đều có thể nghĩ lại. Tôn Giả A Nan sinh ra cùng ngày Ðức Phật thành đạo, hai mươi tuổi xuất gia, vậy hai mươi năm trước khi Tôn Giả chưa xuất gia, Ðức Phật thuyết pháp, Tôn Giả A Nan không có nghe qua, tại sao Ngài lại kết tập tất cả Kinh điển? Vì những Kinh điển trước kia Ngài chưa nghe qua thì chính Ðức Phật thuật lại cho Tôn Giả nghe, cho nên Tôn Giả hoàn toàn nhớ hết Kinh điển của Phật nói. Sở dĩ Tôn Giả có sức nhớ rất tốt, chắc chắn Tôn Giả đã từng tu Bảo Kinh Thủ Nhãn này viên mãn mới có trí nhớ tốt như thế.

Có người hỏi tôi:” Làm thế nào có sức trí nhớ?”. “Bạn phải tu Bảo Kinh Thủ Nhãn này, nếu bạn tu Bảo Kinh Thủ Nhãn thì sẽ có sức trí nhớ, thì sẽ có năng lực đa văn”.

Chúng ta ai nhớ Kinh này rất rõ ràng thì đại khái đều có duyên với Bảo Kinh Thủ Nhãn này.

Trong họa đồ thì thấy trong tay Bồ Tát phóng quang cầm cây cờ, bạn thấy toàn thân Bồ Tát đều phóng đại quang minh. Phóng quang cũng là biểu thị bạn khai mở đại trí huệ, trí nhớ của bạn rất tốt, đa văn, học rộng.

Kệ:

Mỹ diệu tướng hảo trang nghiêm thân
Thông đạt nhất thiết chư pháp môn
Phổ độ hữu duyên sanh Cực Lạc
Thường Tịch Quang thổ chân hựu chân

Hằng hà sa sổ chư Bồ tát
Tủng lập ngao đầu tiếu ha ha
Pháp hải uông dương vô bất độ
Chúng sanh dữ ngã li tự tha

Phóng đại quang minh chiếu thế gian
Thai noãn thấp hóa li đảo huyền
Cửu giới chúng sanh thành chánh giác
Thường lạc ngã tịnh phẩm tự cao

Thần thông biến hóa chúc đệ nhất
Kim tích trượng cứu thế gian hi
Địa ngục chúng sanh mông ân thụ
Li chư chướng nạn phát bồ đề

Dịch:

Dáng vẻ vẹn toàn trang nghiêm tướng mạo
Thông đạt rõ ràng tất cả pháp môn
Giúp kẻ tạo duyên Cực Lạc hóa sinh
Vốn chân thực, Thường Tịch Quang chân thực.

Như cát sông Hằng, số chư Bồ tát
Đứng trên đầu rùa cất tiếng cười tươi
Biển pháp bao la chẳng bỏ một người
Ai ngã, ai nhân, tôi và anh quên hết.

Phóng đại quang minh thế gian chiếu rạng
Thấp, hóa, noãn thai chẳng chịu đảo điên
Chánh giác tựu thành, chín cõi chúng sinh
Phẩm hạnh cao sâu, thường, lạc, ngã, tịnh.

Đệ nhất thần thông khôn lường được
Một chiếc gậy vàng hy hữu cứu thế gian
Bao chúng sinh địa ngục đội nguồn ân
Rời chướng nạn tâm cầu vô thượng đạo.

Chơn-ngôn rằng: Án– a hạ ra, tát ra phạ ni, nể dã đà ra, bố nể đế, tát-phạ hạ.

𑖌𑖼_ 𑖁𑖮𑖨 𑖭𑖨𑖿𑖪 𑖪𑖰𑖟𑖿𑖧-𑖠𑖯𑖨 𑖢𑖳𑖕𑖰𑖝𑖸_ 𑖭𑖿𑖪𑖯𑖮𑖯
OṂ_ ĀHARA  SARVA  VIDYA-DHĀRA  PŪJITE_ SVĀHĀ

OṂ (cảnh giác) ĀHARA (nhiếp thọ) SARVA VIDYADHĀRA (Tất cả Kim Cương Trì ) PŪJITE (Cúng dường ) SVĀHĀ (quyết định thành tựu )

-Kinh báu là Lý Thú của Bát Nhã. Trung Quán đem nghĩa của Bát Nhã gọi là Báu nên mới coi là Bảo Kinh.

Lại nữa Lý Thú của Bát Nhã là Trí trong Trí, đối với chúng Bồ Tát gọi là Trí Huệ của tất cả Như Lai cho nên Quán Thế Âm Bồ Tát có tên gọi là Diệu Quán Sát Trí Bồ Tát, Trí Tuệ Môn Đại sĩ .

Bồ Tát Quán Thế Âm dùng Bản Nguyện từ Bi xông ướp Tam Muội  “Bát Nhã Lý Thú”nên tay phải để ngang trái tim cầm Trí Ấn, sanh ra Bát Nhã Lý Thú Kinh nhằm giúp cho chúng sanh được nghe nhiều học rộng.

Muốn thành tựu pháp này, hành giả đặt quyển kinh Lý Thú Bát Nhã trước Bản Tôn, cúng dường, tác niệm, tụng Chú, trong tâm suy tư về nghĩa KHÔNG (  Śùnya: Trống rỗng) của Bát Nhã tức là đa văn quảng học (nghe nhiều học rộng)

Kệ tụng:

Đa văn đệ nhất thuộc A Nan
Quảng học thiện ký Khổng Nhan Uyên
Độc tụng đại thừa thâm bát nhã
Trí huệ thao thao như dũng tuyền.

[Đứng đầu ĐA-VĂN học rộng là A-Nan.
Học rộng NHỚ LÂU, có Khổng-Tử và Nhan-Uyên.

Thâm nhập BÁT-NHÃ nhờ đọc tụng KINH ĐẠI-THỪA THỦ LĂNG NGHIÊM,
Cho nên, TRÍ-HUỆ VÔ-NGẠI như dòng suối vọt lên không ngừng.]

Nếu QÚY-VỊ trì Bảo-kinh thủ nhãn ấn pháp nầy thành tựu, thì được ĐA-VĂN như tôn giả       A-nan, trong TÂM có khả năng tụng lại TAM TẠNG KINH ĐIỂN của phật THÍCH-CA trong một đời thuyết pháp, còn về thế gian thì có thể học rộng NHỚ LÂU như Khổng-tử, như Nhan-uyên vậy.

Lại nữa, thường trì thủ nhãn nầy thì KHAI MỞ TRÍ-HUỆ VÔ-NGẠI, như dòng suối vọt lên tuôn chảy mãi không ngừng, cũng như NGƯỜI thường đọc tụng KINH ĐẠI THỪA  “Ðại Phật Ðảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh” vậy. Vì đây là BẢO-KINH KHAI MỞ TRÍ-HUỆ trong PHẬT-GIÁO.

Nhưng tại sao KINH THỦ LĂNG NGHIÊM là BẢO-KINH KHAI MỞ TRÍ-HUỆ trong PHẬT-GIÁO? 

Vì KINH nầy PHẬT dạy chúng ta phân biệt được VỌNG TÂM, CHƠN TÂM và con đường chơn chánh vào CHƠN TÂM THƯỜNG TRỤ không sanh không diệt, đó là NHĨ CĂN VIÊN THÔNG của bồ-tát QUÁN-THẾ-ÂM là đệ nhất.

Tuy biết con đường CHƠN THẬT chứng nhập CHƠN TÂM, nhưng trải qua các địa vị tu chứng  gặp phải 50 loại ma chướng cùng với tập khí nhiều đời khó đoạn trừ, nếu MÊ MỜ CHƠN TÁNH,  tự nghĩ rằng mình đã CHỨNG THÁNH, THÀNH PHẬT thì sẽ đi vào  TÀ MA NGOẠI ĐẠO, khó CÓ NGÀY quây đầu trở lại theo CON ĐƯỜNG CHƠN THẬT.

 Cho nên, PHẬT dạy phải trì CHÚ THỦ LĂNG NGHIÊM, thì không bị những TẬP KHÍ NHIỀU ĐỜI cùng MA-CHƯỚNG đến phá HOẠI CON ĐƯỜNG CHƠN THẬT THẲNG đến qủa DIỆU-GIÁC của Phật.

A-NAN CẦU XIN PHẬT TUYÊN NÓI LẠI
CHÚ THỦ LĂNG-NGHIÊM

Tại sao ngài A-NAN cầu xin PHẬT tuyên nói lại CHÚ THỦ LĂNG-NGHIÊM? Vì chú nầy khiến cho NGÀI A-NAN được giải thoát khỏi TÀ-THUẬT của PHẠM-THIÊN và cũng để cứu-giúp cho những người HIỆN ĐỜI cùng với người ĐỜI SAU, được nhờ MẬT-ÂM của PHẬT, mà THÂN TÂM có thể AN-NHẪN các CHƯỚNG DUYÊN, thẳng tắc trên con đường BỒ-ĐỀ của chư PHẬT, nhưng NGÀI A-NAN chưa được nghe.

Có lẽ, NGÀI VĂN-THÙ chỉ đọc trong TÂM, không ra tiếng,nên cực kỳ nhanh, chỉ trong KHỞI TÂM ĐỘNG NIỆM thì xong. Hoặc NGÀI VĂN-THÙ tuy có đọc ra tiếng, nhưng bấy giờ TÂM NGÀI A-NAN BỊ MÊ MỜ  vì bị TÀ-THUẬT của PHẠM-THIÊN, cho nên không còn HUỆ ĐA-VĂN nữa.

Cũng có thể, ngài VĂN-THÙ chỉ đọc “NGŨ ĐẠI TÂM CHÚ”, để phá TÀ-THUẬT mà thôi, cho nên ngài A-nan không được nghe toàn bộ CHÚ LĂNG-NGHIÊM chăng? Cho nên, mới cầu PHẬT tuyên nói lại chăng?

Ngũ-Đại Tâm Chú

Sất đà nể, A ca ra, Mật rị trụ, Bát rị đát ra da, Nảnh yết rị.

Kệ tụng:

Cửa rồng tăm cá vượt
Đỉnh nhạn bóng chim qua
Khách đi nghìn dặm biệt sơn hà

Đường tu gian khổ
Chướng ngại trải hằng-sa
Nghịch thuận duyên ma-khảo

Thương ghét nợ oan-gia
Khá thương kham nhẫn cõi Ta-Bà

Khổ vui bao quản
Vinh nhục tợ sương hoa
Nhẫn nại bền lòng tinh tiến mãi
Ác vàng thỏ bạc
Năm tháng sẽ dần dà…

(Niệm Phật Phải An Nhẫn Các Chướng Duyên – HT THIỀN-TÂM)

KINH VĂN:

Ông A-nan đảnh-lễ chân Phật mà bạch Phật rằng: “Từ khi xuất-gia, tôi ỷ-lại nơi lòng thương-yêu của Phật; vì cầu huệ đa-văn, chưa chứng quả vô-vi, nên bị tà-thuật Phạm-thiên kia bắt-buộc; tâm tuy rõ-ràng, nhưng sức không tự-do, nhờ gặp ngài Văn-thù, khiến cho tôi được giải-thoát.

Tuy tôi thầm nhờ sức của thần-chú Phật-đảnh Như-lai, nhưng chánh mình còn chưa được nghe chú ấy, xin nguyện đức Đại-từ tuyên-nói lại cho, thương-xót cứu-giúp các hàng tu-hành trong Hội nầy và những người đời sau, còn trong luân-hồi, được nhờ mật-âm của Phật, mà thân-ý được giải-thoát.

Lúc bấy giờ, tất-cả đại-chúng trong Hội thảy đều làm lễ, chờ nghe những câu chú bí-mật của Như-lai.

Lúc đó, đức Thế-tôn, từ nơi nhục-kế phóng ra trăm thứ hào-quang báu, trong hào-quang hiện ra hoa sen báu ngàn cánh, có hóa-thân Như-lai ngồi trong hoa sen, trên đảnh phóng ra mười đạo hào-quang bách-bảo; trong mỗi mỗi đạo hào-quang, đều hiện ra những vị Kim-cang mật-tích, số-lượng bằng mười số cát sông Hằng, xách núi, cầm xử, khắp cõi hư-không. Đại-chúng ngửa lên xem, vừa yêu vừa sợ, cầu Phật thương-xót che-chở, một tâm nghe đức Phóng-quang Như-lai, nơi Vô-kiến-đảnh-tướng của Phật, tuyên-nói thần-chú :

Chú Thủ Lăng Nghiêm phân làm năm bộ, biểu thị cho năm phương: Đông, Nam, Trung Ương, Tây và Bắc.

  1. Đông phương là Kim-cang bộ, do đức Phật A Súc là Bộ chủ.
  2. Nam phương là Bảo-sanh bộ, do đức Phật Bảo sanh là Bộ chủ.
  3. Trung ương là Phật bộ, do đức Phật Tỳ Lô Giá Na là Bộ chủ.
  4. Tây phương là Liên-hoa bộ, do đức Phật A Di Đà là Bộ chủ,
  5. Bắc phương là Yết-Ma bộ, do đức Phật Thành Tựu là Bộ chủ.

Nhân vì trên thế giới có năm đại ma quân, nên có năm phương Phật ngăn chặn, chấn áp. Trong năm bộ của CHÚ THỦ LĂNG NGHIÊM, nhìn chung có hơn 30 pháp, nếu giảng rộng ắt có hơn trăm pháp. Nhưng có năm loại pháp chánh yếu như sau:

– Pháp Thành tựu: Có nghĩa là qúi vị trì CHÚ THỦ LĂNG NGHIÊM, THÌ TU PHÁP GÌ, cầu nguyện mong cầu điều gì CŨNG ĐƯỢC THÀNH TỰU VIÊN MÃN NHƯ Ý MUỐN của QÚY-VỊ.

– Pháp Tăng ích: Tức là khi quý vị tụng thần chú này, chẳng những chánh quý vị được TĂNG TRƯỞNG THIỆN CĂN CÔNG ĐỨC, mà cả những người khác CŨNG ĐƯỢC NHƯ VẬY.

Pháp Câu triệu: Là hiệu lịnh và bắt giữ tất cả TÀ-MA, NGOẠI ĐẠO, không ai có thể thoát được. Chẳng hạn như có ai đó gây hại cho người nào đó, rồi xa chạy cao bay. Nếu QÚY-VỊ biết sử dụng pháp câu triệu, thì chắc chắn kẻ đó không trốn thoát được.

Pháp Hàng phục: Là vì Loài quỷ cũng có pháp thuật và chú thuật để chúng sử dụng. Nhưng nếu quý vị trì tụng chú Lăng Nghiêm, thì sẽ phá tan các loại chú của chúng. Tôi cũng đã nói qua về uy lực của chú THỦ LĂNG NGHIÊM, có công năng HÀNG PHỤC và hủy diệt chú thuật của bọn ma vương gây hại. Đối với những ai chưa học cũng nên lưu ý điều nầy. Nhưng tại sao khi tụng chú Lăng Nghiêm thì chú của Phạm Thiên thành ra vô hiệu?

Đây là vì “Ngũ đại tâm chú”

  1. Sất đà nể
  2. A ca ra
  3. Mật rị trụ
  4. Bát rị đát ra da
  5. Nảnh yết rị

Năm câu trên là “Ngũ đại tâm chú”. TÂM CHÚ này khi sử dụng thì mọi chú thuật của bọn TÀ MA NGOẠI ĐẠO đều ra vô hiệu. Nếu quý vị có lòng thành tôi sẽ truyền cho quý vị, hoàn toàn miễn phí.

Pháp Tức tai: Là Tất cả mọi tai họa đều được ngăn ngừa, tránh khỏi. Chẳng hạn có ai đó bị rơi xuống biển, nhưng nếu người đó đã từng trì tụng chú Lăng Nghiêm,thì chắc chắn sẽ tránh được tai họa, tức không chết chìm.

Có thể quý vị ở trong con tàu lẽ ra phải chìm, nhưng quý vị tụng thần chú này, con tàu sẽ không chìm. Hoặc có thể đi trên máy bay bị hư hỏng, nhưng nếu tụng trì chú Lăng Nghiêm, thì máy bay cũng sẽ hạ cánh an toàn.

Tôi xin kể một câu chuyện thật khó tin, lần đó tôi đi từ Miến Điện sang Thái Lan, đường bay lúc đó rất nguy hiểm. Nhưng suốt cuộc hành trình, máy bay chẳng có dấu hiệu gì là bất ổn, và chuyến đi hết sức bình yên, thuận lợi.

 Ngay cả viên phi công cũng lấy làm lạ: “Tại sao chuyến bay lại được êm xuôi như thế?”  Anh ta không biết trong suốt chặng đường đã có Thiện thần, Thiên long Bát bộ, và cả chư Phật, chư Bồ tát, cùng hộ trì chuyến bay được an toàn, thuận lợi.

Đây là pháp Tức tai. Khi có một sự cố gì xảy ra, nó có thể hóa lớn thành nhỏ, và hóa nhỏ thành không có tai nạn gì cả. Thường, khi có sự cố xảy ra, qúi vị  không bị nguy hiểm”,  vì quý vị thường trì tụng chú Thủ Lăng Nghiêm.

Lợi ích của chú rất lớn, cho dù TÔI có bỏ ra vài năm để giảng giải cũng không hết. Ở đây, tôi chỉ nói lược qua 5 PHÁP mà thôi.

(HT TUYÊN HÓA giảng giải)

PHẬT KHAI-THỊ
THẦN-CHÚ PHẬT-ĐẢNH THỦ-LĂNG-NGHIÊM

A-nan, những câu nhiệm-mầu, bí-mật “TÁT ĐÁT ĐA BÁT ĐÁT RA” của hóa-thân nơi hào-quang đảnh-Phật, sinh ra tất-cả chư Phật trong thập phương. Thập phương Như-lai nhân chú-tâm nầy, thành được Vô-thượng-chánh-biến-tri-giác.

Thập phương Như-lai nắm chú-tâm nầy, uốn-dẹp các ma, chế-phục các ngoại-đạo. Thập phương Như-lai vận chú-tâm nầy, ngồi hoa sen báu, ứng-hiện trong các cõi-nước nhiều như số vi-trần. Thập phương Như-lai ngậm chú-tâm nầy, nơi cõi-nước như số vi-trần, CHUYỂN ĐẠI PHÁP LUÂN.

Thập phương Như-lai giữ chú-tâm nầy, có thể ở nơi mười phương xoa đảnh thọ-ký, tự mình quả-vị chưa thành, cũng có thể được chư Phật 10 phương Thọ-ký. Thập phương Như-lai nương chú-tâm nầy, có thể ở nơi mười phương cứu-vớt các khổ như địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sinh, đui, điếc, ngọng, câm; các khổ oán-tắng-hội, ái-biệt-ly, cầu-bất-đắc, ngũ-ấm-xí-thịnh; những tai-nạn lớn nhỏ đồng-thời được giải-thoát; nạn giặc, nạn binh, nạn vua, nạn ngục, nạn gió, lửa, nước, cho đến đói-khát bần-cùng, liền được tiêu-tan.

Thập phương Như-lai theo chú-tâm nầy, có thể ở nơi mười phương, phụng-sự thiện-tri-thức, trong bốn uy-nghi, cúng-dường được như-ý; trong Pháp-hội hằng-sa Như-lai, được suy-tôn là vị Đại-pháp-vương-tử. Thập phương Như-lai dùng chú-tâm nầy, có thể ở nơi mười phương, nhiếp-thọ các nhân-thân, khiến cho các hàng Tiểu-thừa nghe tạng bí-mật, không sinh lòng kinh-sợ.

Thập phương Như-lai tụng chú-tâm nầy, thành-đạo Vô-thượng-giác, ngồi dưới cây Bồ-đề, vào Đại-niết-bàn. Thập phương Như-lai truyền chú-tâm nầy, sau khi diệt-độ rồi, phó-chúc Pháp-sự của Phật, được trụ-trì rốt-ráo; giới-luật nghiêm-tịnh, thảy đều trong-sạch.”

Nếu tôi nói chú “Phật-đảnh-quang-tụ bát-đát-ra” nầy, từ sáng đến tối, các tiếng nối nhau, trong đó những chữ, những câu cũng không trùng-điệp, trải qua kiếp-số như cát sông Hằng, rốt-cuộc không thể hết được. Chú nầy cũng gọi tên là Như-lai-đảnh.

Hàng hữu-học các ông chưa hết luân-hồi, phát-tâm chí-thành tu chứng quả A-la-hán, nếu không trì-chú nầy, khi ngồi đạo-trường, mà khiến thân tâm xa-rời được các ma-sự, thì không thể được.

A-nan, nếu trong các thế-giới, có những chúng-sinh, tùy cõi-nước mình sinh ra, nào vỏ cây, nào lá bối, nào giấy trắng, nào bạch-diệp, dùng để viết-chép chú nầy, đựng trong túi thơm; nếu người đó tối-tăm chưa tụng được, chưa nhớ được, thì đeo trên mình, hoặc viết để trong nhà ở, thì nên biết người ấy, trọn đời tất-cả các thứ độc không thể hại được.

A-nan, nay tôi vì ông tuyên nói lại chú nầy, để cứu-giúp trong thế gian được đại-vô-úy và thành-tựu trí xuất-thế-gian cho chúng-sinh. Nếu sau khi tôi diệt-độ rồi; chúng-sinh trong đời mạt-pháp, có người biết tự mình tụng, hoặc dạy người khác tụng-chú nầy, nên biết những chúng-sinh trì-tụng như vậy, lửa không đốt được, nước không đắm được, độc lớn, độc nhỏ không thể hại được, cho đến các hàng thiên, long, quỷ, thần, tinh, kỳ, ma, mị, có những chú-dữ, đều không làm gì được. Tâm người ấy được chánh-thọ; tất-cả chú-trớ, yểm-cổ, thuốc-độc, kim-độc, ngân-độc và độc-khí muôn vật như cỏ, cây, sâu, rắn, vào miệng người ấy đều  biến thành vị cam-lộ.

NGŨ ĐẠI TÂM CHÚ  mà TÔI đã nói qua là Biểu thị cho NĂM PHƯƠNG, NĂM BỘ và NĂM VỊ PHẬT. Quý vị không nên xem thường. Chú nầy là của chư Phật trong năm phương, có công năng hủy diệt mọi chú trớ của các loài ma quỷ. Khi quý vị trì tụng chú Lăng Nghiêm, thì quý vị sẽ được chánh định. Tất cả mọi chú trớ, mọi chú thuật của Thiên ma cùng quyến thuộc đều không thể gây hại cho quý vị. YỂM-CỔ là một loài phù chú ở khu vực Đông Nam Trung Quốc, hoặc Đông Nam Châu Á như Miến Điện, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia và các nơi khác. Phù chú sử dụng gọi là “Cổ”, làm cho mê hoặc người là công năng của chú thuật nầy. Nếu quý vị ăn phải loài Cổ-độc đó, thì  hoàn toàn bị lệ thuộc vào họ, phải làm theo những gì họ sai khiến, nếu chống lại thì sẽ bị chết.

Ở Australia, trong các vùng núi, có TÔN GIÁO đã dùng chú thuật thu nhỏ đầu người nhỏ lại như một quả trứng, và trưng bày như là một biểu tượng cho uy lực. Trong thế giới mênh mông này có rất nhiều sự việc siêu nhiên. Quý vị đừng cho rằng mình không thấy thì dứt khoát không tin là có sự thực. Nếu ai đó không tin thì thực là ngu ngốc! Tại sao tôi lại nói như vậy? Có nhiều sự việc quý vị không bao giờ nhìn thấy được, còn như muốn tìm hiểu, chứng kiến tận mắt rồi mới tin thì e là đến cuối  cuộc đời cũng không biết được.

Cũng như nước Mỹ , thời xưa không ai biết được, nếu như quý vị gặp ai đó và cố gắng giải thích rằng có một lục địa khác, cũng có núi có sông, có cư dân, thì chắc chắn họ sẽ không tin. Thế nhưng, cho dù họ có tin hay không tin thì nước Mỹ vẫn hiện hữu ở nơi xa xôi kia.

Cũng vậy, nếu quý vị không tin vào những chuyện lạ là vì cho là vô lý, nhưng thực sự không phải vậy. Chúng ta thường phủ nhận những gì mình không chứng kiến, căn bản là vì quý vị không nhận thức rõ về sự thực thế giới này.

Một người bị YỂM CỔ  làm hại thì khó lòng thoát khỏi, còn như chống lại ắt sẽ bị chết. Nhưng Sự độc hại của YỂM CỔ cùng với thuốc độc, kim độc, ngân độc, những độc khí của vạn vật như cỏ, cây, sâu, rắn, vào miệng của người TRÌ CHÚ THỦ LĂNG NGHIÊM thì sẽ BIẾN THÀNH VỊ CAM LỘ.

Nếu quý vị đề nghị với Tôi là QÚY-VỊ  muốn thử nghiệm điều ấy, thì cũng được thôi. Nhưng phải đợi khi nào quý vị trì CHÚ LĂNG NGHIÊM có THÀNH TỰU, thì  thể thử nghiệm; còn như chưa THÀNH TỰU thì không nên làm.

(HT TUYÊN HÓA giảng giải)

KINH VĂN:

Tất-cả ác-tinh với các quỷ-thần, lòng dữ hại người, đối với người ấy, cũng không thể khởi ra ác-niệm; Tần-na, Dạ-ca và các quỷ-vương dữ khác, cùng với quyến-thuộc, đều lãnh-ơn sâu, thường gìn-giữ ủng-hộ.

A-nan, nên biết chú nầy, thường có 84.000 na-do-tha hằng-hà-sa câu-chi chủng-tộc Kim-cang-tạng-vương Bồ-tát, mỗi mỗi đều có những chúng Kim-cang làm quyến-thuộc, ngày đêm theo hầu.

Giả-sử có chúng-sinh, với tâm tán-loạn, chứ không phải Tam-ma-địa, tâm nhớ tụng-trì chú nầy; thì các Kim-cang-vương đó, cũng thường theo bên thiện-nam-tử kia, huống nữa là những người có tâm Bồ-đề quyết-định; đối với những người nầy, các vị Kim-cang-tạng-vương Bồ-tát đó, dùng tịnh-tâm thầm xúc-tiến, phát-huy thần-thức; người ấy liền khi đó, tâm nhớ lại được 84.000 hằng-ha-sa kiếp, rõ-biết cùng khắp, được không nghi-hoặc.

Từ kiếp thứ nhất cho đến thân cuối-cùng, đời đời người ấy không sinh vào các loài dược-xoa, la-sát, phú-đan-na, ca-tra-phú-đơn-na, cưu-bàn-trà, tỳ-xá-già…, cùng các loài ngạ-quỷ, có hình, không hình, có tưởng, không tưởng và những chỗ dữ như thế.

Thiện-nam-tử đó, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc viết, hoặc chép, hoặc đeo, hoặc giữ, hoặc cúng-dường nhiều cách chú nầy, thì kiếp kiếp không sinh vào những nơi bần-cùng hạ-tiện, không ưa-thích.

Các chúng-sinh đó, dù cho chính mình không làm việc phước, thập phương Như-lai có các công-đức đều cho họ hết, do đó, họ được trong những kiếp hằng-sa vô-số, không thể nói, không thể nói hết, thường cùng chư Phật đồng sinh một chỗ; vô-lượng công-đức nhóm-lại như trái ác-xoa, đồng một chỗ huân-tu, hằng không phân-tán.

Vậy nên, có thể khiến người phá giới, mà giới-căn cũng được thanh-tịnh; người chưa được giới, khiến cho được giới; người chưa tinh-tấn, khiến cho tinh-tấn; người không trí-huệ, khiến được trí-huệ; người không thanh-tịnh, mau được thanh-tịnh; người không giữ trai-giới, tự thành có trai-giới.

A-nan, thiện-nam-tử ấy, khi trì-chú nầy, giả-sử có phạm cấm-giới khi chưa thọ-trì, thì sau khi trì-chú, các tội phá giới, không luận nặng nhẹ, một thời, đều tiêu-diệt, dù đã uống rượu, ăn thứ ngũ tân và các thứ không sạch, tất-cả chư Phật, Bồ-tát, Kim-cang, Thiên-tiên, Quỷ-thần không cho là có lỗi; dù mặc y-phục rách-nát không sạch, thì một cái đi, một cái đứng, thảy đồng như thanh-tịnh; dù không lập đàn, không vào đạo-trường, cũng không hành-đạo mà tụng-trì chú nầy, thì công-đức cũng như vào đàn, hành-đạo, không có khác vậy; dù gây những tội nặng ngũ-nghịch, vô-gián và phạm những tội tứ-khí, bát-khí của tỷ-khưu và tỷ-khưu-ni, thì khi tụng-chú nầy rồi, cũng như gió mạnh thổi-tan đống cát, những nghiệp nặng như vậy, đều diệt-trừ hết, không còn chút mảy-may.

A-nan, nếu có chúng-sinh, từ vô-lượng vô-số kiếp đến nay, có tất-cả những tội-chướng nhẹ, nặng mà trong các đời trước, chưa kịp sám-hối, nếu biết đọc, tụng, viết, chép chú nầy, giữ đeo trên thân mình hay để nơi chỗ ở, như trang, trạch, viên, quán, thì những nghiệp chứa-nhóm từ trước như vậy, đều tiêu-tan như nước sôi tiêu tuyết, chẳng bao lâu, đều ngộ được vô-sinh-nhẫn.

Lại nữa, A-nan, nếu có người đàn-bà chưa sinh con trai, con gái, mong-cầu có thai, mà biết chí-tâm nhớ niệm-chú, hoặc ở trên mình đeo chú Tát-đát-đa-bát-đát-ra nầy, thì liền sinh những con trai, con gái có phúc-đức trí-huệ; người cầu sống lâu, thì được sống lâu, người cầu quả-báo mau được viên-mãn, thì mau được viên-mãn, cho đến về thân-mệnh, sắc-lực, thì cũng được viên-mãn như vậy; sau khi mệnh-chung, tùy nguyện được vãng-sinh trong thập phương quốc-độ, chắc-chắn không sinh nơi biên-địa hạ-tiện, huống nữa là các tạp-hình.

A-nan, nếu các cõi-nước, các châu, các huyện, các làng-xóm bị nạn đói-kém, dịch-lệ, hoặc ở những nơi có đao-binh, tặc-nạn, đánh nhau, cãi nhau và tất-cả những nơi có ách-nạn khác, viết thần-chú nầy, để trên bốn cửa thành, cùng các tháp hay trên các tràng phan và khiến chúng-sinh hiện có trong cõi-nước, kính-rước chú nầy, lễ-bái cung-kính nhất-tâm cúng-dường, khiến trong nhân-dân, mỗi mỗi người đeo chú trong mình, hoặc để nơi chỗ ở, thì tất-cả tai-ách thảy đều được tiêu-diệt.

A-nan, chúng-sinh trong cõi-nước, chỗ nào có được chú nầy, thì thiên-long vui-mừng, mưa-gió thuận-thời, ngũ-cốc được mùa, dân-chúng an-vui; lại có thể trấn được tất-cả ác-tinh, nó tùy nơi, biến ra những điều quái-dị; tai-chướng không khởi lên, người không hoạnh-tử, chết-yểu, gông-cùm, xiềng-xích không dính vào mình, ngày đêm ngủ yên, thường không ác-mộng.

A-nan, cõi Ta-bà nầy có 84.000 ác-tinh tai-biến, 28 đại-ác-tinh làm thượng-thủ, lại có 8 đại-ác-tinh làm chủ, xuất-hiện trên đời với nhiều hình-trạng, có thể sinh ra các tai-nạn dị-kỳ cho chúng-sinh; chỗ nào có chú này, thì tất-cả đều tiêu-diệt, lấy 12 do-tuần làm vòng kết-giới, các tai-biến hung-dữ, hẳn không thể vào được.

Vậy nên Như-lai tuyên-dạy chú nầy, bảo-hộ cho những người tu-hành sơ-học, trong đời vị-lai, vào Tam-ma-địa, thân tâm thư-thái, được đại-an-ẩn, không còn tất-cả các ma, quỷ-thần, và những oan-khiên đời trước, nghiệp cũ, nợ xưa, từ vô-thủy tới nay, đến khuấy-hại nhau. Ông với những người hữu-học trong chúng và những kẻ tu-hành trong đời vị-lai, y như lời-dạy mà lập đàn-tràng, đúng theo pháp mà trì-giới, gặp được tăng-chúng thanh-tịnh chủ-trì việc thọ-giới, đối với chú-tâm nầy, không sinh TÂM nghi-hối; những thiện-nam-tử như thế, chánh nơi cái thân cha mẹ sinh ra, mà không được Tâm-thông, thì thập phương Như-lai bèn là vọng-ngữ.

Phật dạy lời ấy rồi, vô-lượng trăm ngàn Kim-cang trong Hội, một thời đứng trước Phật, chấp tay đảnh-lễ mà bạch Phật rằng: “Như lời Phật dạy, chúng tôi phải thành tâm bảo-hộ những người tu-đạo Bồ-đề như vậy”.

Khi bấy giờ, Phạm-vươngThiên-đế-thích, Tứ-thiên đại-vương cũng ở trước Phật, đồng-thời đảnh-lễ mà bạch Phật rằng: “Xét có người lành tu-học như vậy, chúng tôi phải hết lòng chí-thành bảo-hộ, khiến cho trong một đời, tu-hành được như nguyện”.

Lại có, vô-lượng Đại-tướng-dược-xoa, các vua La-sát, vua Phú-đan-na, vua Cưu-bàn-trà, vua Tỳ-xá-già, các Đại-quỷ-vương như Tần-na, Dạ-ca, và các Quỷ-xoái, cũng ở trước Phật, chất tay đảnh-lễ mà bạch Phật rằng: “Chúng tôi cũng thệ-nguyện hộ-trì cho người đó, khiến cho tâm Bồ-đề mau được viên-mãn”.

Lại có, không lường Nhật, Nguyệt thiên-tử, Phong-sư, Vũ-sư, Vân-sư, Lôi-sư cùng với Điện-bá và các Niên-tuế-tuần-quan, chư tinh và quyến-thuộc…, cùng ở trong Hội, đảnh-lễ chân Phật mà bạch Phật rằng: “Chúng tôi bảo-hộ người tu-hành ấy, lập ra đạo-trường, được không e-sợ”.

Lại có, vô-lượng Sơn-thần, Hải-thần, tất-cả tinh-kỳ, đất-đai muôn vật, thủy, lục, không, hành, với Phong-thần-vươngChư-thiên Vô-sắc-giới, ở trước Như-lai, đồng-thời cúi đầu bạch Phật rằng: “Chúng tôi cũng bảo-hộ người tu-hành ấy, được thành Bồ-đề, hẳn không ma-sự”.

Khi bấy giờ, 84.000 na-do-tha hằng-hà-sa Câu-chi Kim-cang-tạng-vương Bồ-tát, ở trong đại Hội, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng:

“Thế-tôn, như bọn chúng tôi, công-nghiệp tu-hành, đã thành đạo Bồ-đề lâu rồi, mà không nhận-lấy Niết-bàn, thường theo chú nầy, cứu-giúp những người chân-chánh tu-hành pháp Tam-ma-địa trong đời mạt-pháp.”

Bạch Thế-tôn, những người tu-tâm vào chánh định như thế, dù ở đạo-trường, hay là những lúc kinh-hành, cho đến khi tán-tâm đi chơi trong làng-xóm, đồ-chúng chúng tôi thường phải đi theo thị-vệ người ấy, dù cho Ma-vương, Đại-tự-tại-thiên muốn được phương-tiện khuấy-phá, cũng không thể được; các quỷ-thần nhỏ, phải cách xa người lành ấy, ngoài 10 do-tuần, trừ khi, họ phát-tâm thích người tu-thiền.

Bạch Thế-tôn, những ác-ma như thế, hay quyến-thuộc của ma, muốn đến xâm-lấn khuấy-phá người lành ấy, chúng tôi dùng bảo-xứ đập-nát cái đầu như vi-trần, thường khiến cho người ấy tu-hành được như nguyện.

Ta thấy KINH THỦ LĂNG NGHIÊM dạy, cho dù QÚY-VỊ tu theo HIỂN-GIÁO hay là MẬT-GIÁO gì cũng được VIÊN THÔNG VÔ-NGẠI, cho nên có thể gọi “BẢO-KINH” nầy là:

 “ HIỂN-MẬT VIÊN THÔNG THÀNH PHẬT TÂM-ẤN” cũng được.

Tóm lại, nếu qúy-vị thường trì tụng BẢO-KINH THỦ NHÃN ẤN PHÁP thì cũng như NGƯỜI thường trì tụng bộ KINH THỦ LĂNG NGHIÊM, tức là KINH “ HIỂN-MẬT VIÊN THÔNG THÀNH PHẬT TÂM-ẤN”, thì sẽ rõ biết con đường chơn thật tu hành từ khi mới phát tâm cho đến  khi thành tựu QỦA DIỆU-GIÁC của CHƯ PHẬT như trong lòng bàn tay vậy.

CHO NÊN, DÙ CHO QÚY-VỊ TU THEO PHÁP MÔN NÀO CŨNG ĐỀU ĐƯỢC VIÊN-THÔNG VÔ-NGẠI. TẠI SAO VẬY ? VÌ ĐỀU DÙNG “TRÍ KIM-CANG” KHÔNG SANH CŨNG KHÔNG DIỆT MÀ KHỞI TU, NÊN ĐƯỢC TỰ-TẠI.

TRÍ KIM-CANG là: “NHẬP ĐẠO YẾU MÔN, QUÁN LÝ NHƯ-HUYỄN.” THÌ SẼ  TU CHỨNG TỪNG PHẦN CHO ĐẾN QỦA DIỆU-GIÁC CỦA CHƯ PHẬT. (Kinh Lăng Nghiêm)

Kệ tụng Việt dịch:

Nghe nhiều bậc nhất chính A Nan
Học rộng nhớ hay Khổng Nhan Uyên
Đọc tụng đại thừa sâu bát nhã
Như dòng suối cuộn trí mông mênh.

 

Bảo-Kinh Thủ Nhãn Ấn Pháp
Thứ Ba Mươi Bảy

Tất Đà Dạ. Ta Bà Ha.
 Ma Ha Tất Đà Dạ. Ta Bà Ha. [53,54,55,56]
𑖭𑖰𑖟𑖿𑖠𑖰𑖧  𑖭𑖿𑖪𑖯𑖮𑖯  𑖦𑖮𑖯-𑖭𑖰𑖟𑖿𑖠𑖰𑖧  𑖭𑖿𑖪𑖯𑖮𑖯
SIDDHIYA  SVĀHĀ   MAHĀ-SIDDHIYA   SVĀHĀ

Án– a hạ ra, tát ra phạ ni, nể dã đà ra, bố nể đế, tát-phạ hạ.
𑖌𑖼_ 𑖁𑖮𑖨 𑖭𑖨𑖿𑖪 𑖪𑖰𑖟𑖿𑖧-𑖠𑖯𑖨 𑖢𑖳𑖕𑖰𑖝𑖸_ 𑖭𑖿𑖪𑖯𑖮𑖯
OṂ_ ĀHARA  SARVA  VIDYA-DHĀRA  PŪJITE_ SVĀHĀ